Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 600/QĐ-BKHĐT Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Nguyễn Chí Dũng
Ngày ban hành: 07/04/2023 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 600/QĐ-BKHĐT

Hà Nội, ngày 07 tháng 4 năm 2023

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH VÀO CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC CẤP

BỘ TRƯỞNG BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

Căn cứ Nghị định số 89/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 10 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

Căn cứ Quyết định số 1658/QĐ-TTg ngày 01 tháng 10 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050;

Căn cứ Quyết định số 882/QĐ-TTg ngày 22 tháng 07 năm 2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030:

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Khoa học, giáo dục, tài nguyên và môi trường, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Lưu: VT, KHGDTNMT.

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Chí Dũng

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH VÀO CHIẾN LƯỢC, QUY HOẠCH, KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI CÁC CẤP
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 600/QĐ-BKHĐT ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

DANH MỤC TỪ VIẾT TẮT

Chiến lược TTX

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050

KHHĐ TTX quốc gia

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030

KHHĐ TTX 2014-2020

Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014-2020

Tài liệu hướng dẫn TTX

Tài liệu Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp

CQK

Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp

BAT

Kỹ thuật tốt nhất hiện có

BEP

Kinh nghiệm quản lý môi trường tốt nhất

BĐKH

Biến đổi khí hậu

BVMT

Bảo vệ môi trường

CNTT

Công nghệ thông tin

CSHT

Cơ sở hạ tầng

CRI

Chỉ số tổng hợp năng lực chống chịu (Climate resilience index)

ĐDSH

Đa dạng sinh học

ĐMST

Đổi mới sáng tạo

GTVT

Giao thông Vận tải

EU

Liên minh Châu Âu

GDP

Tổng sản phẩm nội địa (Gross domestic product)

IPCC

Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu

ITS

Hệ thống giao thông thông minh

KHĐT

Kế hoạch và Đầu tư

KHHĐ

Kế hoạch hành động

KNK

Khí nhà kính

KT-XH

Kinh tế - Xã hội

KT-XH-MT

Kinh tế - Xã hội - Môi trường

MACC

Xây dựng đường chi phí biên giảm phát thải

NN&PTNT

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ODA

Hỗ trợ phát triển chính thức

OECD

Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế

PTR0

Phát thải ròng bằng “0”

R&D

Nghiên cứu và phát triển

SWOT

Phân tích Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức

TNMT

Tài nguyên và Môi trường

TFP

Năng suất nhân tố tổng hợp

TTX

Tăng trưởng xanh

UNEP

Chương trình Môi trường Liên hợp quốc

UNFCCC

Công ước khung Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu

USD

Đôla Mỹ

HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TĂNG TRƯỞNG XANH VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 600/QĐ-BKHĐT ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

1. NỘI DUNG CHUNG

- Hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh và tích hợp tăng trưởng xanh (sau đây gọi là Hướng dẫn) giới thiệu cách tiếp cận, quy trình, phương pháp và công cụ hỗ trợ xây dựng Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh (gọi tắt là KHHĐ TTX) và tích hợp TTX vào hệ thống Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch phát triển KT-XH các cấp (gọi tắt là CQK) nhằm đảm bảo tính đồng bộ với Chiến lược và KHHĐ TTX quốc gia và nâng cao tính khả thi và hiệu quả trong triển khai thực hiện.

- Hướng dẫn không mang tính bắt buộc nhưng khuyến khích các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ trình tự và nội dung đề xuất để đm bảo tính khả thi và căn cứ khoa học của KHHĐ và các nội dung tích hợp TTX, Tùy theo điều kiện, nguồn lực, tính sẵn có của các nghiên cứu, hệ thống thông tin, số liệu, các ngành và địa phương có thể (1) kế thừa những nội dung nghiên cứu đã có để giản lược một số nội dung cần thực hiện; (2) lựa chọn phương pháp, công cụ phù hợp được gợi ý trong Hướng dẫn này để kết hợp và sử dụng hiệu quả các nguồn lực hiện có.

- Hướng dẫn khuyến nghị cách tiếp cận xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX[1] như sau: Sau 01 năm kể từ ngày KHHĐ quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030 được phê duyệt[2], (1) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các Bộ chủ qun ngành, lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược TTX quốc gia[3] lựa chọn xây dựng, ban hành KHHĐ TTX hoặc tích hợp TTX vào CQK; (2) các Bộ chủ quản các ngành, lĩnh vực khác có liên quan đến TTX tích hợp TTX vào CQK và các chiến lược, kế hoạch khác có liên quan.

2. PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG THỰC HIỆN HƯỚNG DẪN

- Hướng dẫn áp dụng trên phạm vi toàn quốc, trong đó quy định các nội dung tại KHHĐ và tích hợp TTX vào CQK, bao gồm các văn bản hiện hành và các văn bản sẽ ban hành cho giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050[4].

- Đối tượng áp dụng của Hướng dẫn là các cơ quan, tổ chức, cá nhân của các bộ/ngành[5] và của địa phương[6] có liên quan đến quá trình xây dựng, thẩm định, phê duyệt, giám sát, đánh giá thực hiện KHHĐ TTX và CQK.

3. NGUYÊN TẮC XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH

- KHHĐ và các nội dung tích hợp TTX các cấp cn phn ánh quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, gii pháp đề ra tại Chiến lược và KHHĐ TTX quốc gia[7]; phù hợp với các CQK quốc gia giai đoạn 2021-2030 về cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng; và phù hợp với điều kiện đặc thù của các ngành, lĩnh vực và địa phương.

- Việc xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX yêu cầu có sự cam kết cao từ lãnh đạo các cấp và được tham vấn đầy đủ các bên liên quan trong suốt quá trình thực hiện[8], bảo đảm tính dân chủ, phát huy tinh thần làm chủ, sự đồng thuận của các bên liên quan.

- Các nội dung của KHHĐ và tích hợp TTX phải kế thừa kinh nghiệm xây dựng và triển khai TTX tại các bộ, ngành và địa phương; được xây dựng dựa trên các kết quả phân tích, đánh giá thực trạng, dự báo phát triển và đánh giá tác động KT-XH-MT của Bộ, ngành và địa phương.

- Các nội dung TTX cần đảm bảo đồng bộ, liên ngành, liên vùng, cân bng giữa yêu cầu trước mắt với lợi ích lâu dài, có trọng tâm theo thứ tự ưu tiên gắn với các nguồn lực rõ ràng và có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với tình hình mới.

- Công tác theo dõi và đánh giá, báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện cần được coi là một nội dung không thể thiếu của KHHĐ và văn bản tích hợp TTX. Các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án TTX được xây dựng và tích hợp được xây dựng dựa trên hệ thống thông tin số liệu đầy đủ và phù hợp.

- Việc tích hợp TTX cần được coi là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, tiến hành đồng thời với quá trình xây dựng mới và sửa đổi, bổ sung các CQK theo Kế hoạch ban hành văn bản quy phạm pháp luật hàng năm các cấp. Đối với các CQK hiện hành, tiến hành ngay việc sửa đổi, bổ sung để tích hợp TTX phù hợp theo quy trình và khung thời gian của từng CQK theo quy định, Đối với các CQK đang và sẽ xây dựng trong thời gian tới, tiến hành tích hợp TTX vào các nội dung nghiên cứu, thuyết minh và xây dựng văn bản trong đồng thời với quá trình xây dựng.

4. YÊU CẦU NỘI DUNG TRONG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH

Căn cứ Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01/10/2021 phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030 và Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 22/07/2022 phê duyệt KHHĐ quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030, KHHĐ và các văn bản tích hợp TTX cần bao quát 10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên và 8 chủ đề tổng thể[9], cụ thể:

4.1.10 chủ đề ngành, lĩnh vực ưu tiên

- Năng lượng: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia trên cơ sở khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng; chuyển đổi cơ cấu theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch, tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới; nâng cao chất lượng lưới điện phân phối tiến tới xây dựng lưới điện thông minh.

- Công nghiệp: Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, hạn chế các ngành phát sinh chất thải và phát thải lớn, gây ô nhim, suy thoái môi trường, phát triển các ngành sản xuất xanh mới.

- Giao thông vận tải và dịch vụ logistics: Hiện đại hóa các hệ thống, mạng lưới giao thông, phương tiện trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với BĐKH; phát triển giao thông công cộng; đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hàng hóa vận tải, hoạt động logistics theo hướng xanh.

- Xây dựng: Phát triển đô thị thông minh, các công trình xanh, công trình phát thải các-bon thấp, công trình PTR0 chống chịu với BĐKH; phát triển công nghiệp; vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường, tái chế theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

- Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh; nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh; trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; xây dựng nông thôn mới hòa hợp với môi trường và thiên nhiên.

- Quản lý chất thải, chất lượng không khí: Tăng cường hiệu quả quản lý chất thải, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí ở các ngành, lĩnh vực, tăng cường hiệu quả quản lý chất lượng không khí.

- Quản lý tài nguyên, quản lý rủi ro thiên tai: Tăng cường quản lý hiệu quả tài nguyên và ĐDSH; bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và ĐDSH, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên; hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, thủy điện liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng khác; đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, chống chịu và thích ứng với BĐKH, phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

- Kinh tế biển xanh: Phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với các trung tâm kinh tế biển; phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển, các mô hình kinh tế biển xanh; bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ĐDSH ven biển và đại dương.

- Y tế: Xây dựng nền y tế xanh, thông minh, bền vững; thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH và ô nhiễm không khí.

- Du lịch: Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng TTX (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo, du lịch thể thao mạo hiểm...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.

4.2. 08 chủ đề tổng thể

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu TTX.

- Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức.

- Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh.

- Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho TTX.

- Phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số.

- Hội nhập và hợp tác quốc tế.

- Bình đẳng trong chuyển đổi xanh: Đảm bảo các nhóm đối tượng, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng, các nhóm yếu thế được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

- Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và mua sắm xanh thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh và tiếp tục áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng.

5. QUY TRÌNH XÂY DỰNG KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG VÀ TÍCH HỢP TĂNG TRƯỞNG XANH

Quy trình xây dựng KHHĐ TTX và quy trình tích hợp TTX bao gồm 5 bước, cơ bản tương đồng về cách làm và các phương pháp, công cụ sử dụng nhưng có một số điểm khác biệt về phạm vi nội dung và hình thức thể hiện[10] (Hình 1), cụ thể:

- Về phạm vi nội dung nghiên cứu, thuyết minh: Nội dung KHHĐ TTX gồm toàn diện các chủ đề TTX của ngành, địa phương, trong khi việc tích hợp TTX chỉ tập trung vào các chủ đề liên quan đến TTX của văn bản cần tích hợp.

- Về hình thức thể hiện:

+ Đối với quy trình xây dựng KHHĐ TTX: Quyết định phê duyệt KHHĐ TTX được ban hành bao gồm các nội dung: (1) Mục tiêu; (2) Nhiệm vụ, hoạt động và phân công thực hiện; (3) Nguồn lực thực hiện; (4) Tổ chức thực hiện; (5) Giám sát đánh giá. Các Phụ lục đính kèm gồm: Phụ lục “Danh mục nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động thực hiện chiến lược quốc gia về TTX đến năm 2030”[11]; và Phụ lục “Danh mục dự án TTX trọng điểm đến năm 2030”[12].

+ Đối với quy trình tích hợp TTX: Các văn bản quy phạm pháp luật ban hành mới hoặc sửa đổi, bổ sung các CQK với các nội dung TTX cụ thể được tích hợp vào các phần phù hợp của văn bản được lựa chọn tích hợp.

- Về cách thức thực hiện:

+ Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các bộ chủ quản các ngành và lĩnh vực ưu tiên trong Chiến lược TTX quốc gia được khuyến nghị thực hiện đồng thời cả xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX thì quy trình tích hợp sẽ tận dụng luôn các kết quả nghiên cứu đã thực hiện khi xây dựng KHHĐ để chọn lọc các nội dung đưa vào tích hợp.

+ Các ngành chỉ thực hiện tích hợp TTX được khuyến nghị tiến hành theo trình tự và nội dung như đề xuất trên cơ sở tận dụng, kế thừa các kết quả nghiên cứu đã có

Hình 1: Quy trình xây dựng KHHĐ TTX và quy trình tích hợp TTX

Bước 1: Xác định phạm vi xây dựng KHHĐ TTX và văn bản tích hợp TTX

Để xác định được phạm vi xây dựng KHHĐ TTX và các văn bản tích hợp TTX, Hướng dẫn kiến nghị thành lập tổ công tác xây dựng KHHĐ TTX (nếu cần), trong đó xác định cơ quan đầu mối TTX tại các bộ, ngành và địa phương nhằm đảm bảo có đủ đại diện của các ngành, lĩnh vực trọng tâm trong TTX. Phạm vi xây dựng KHHĐ TTX và các văn bản tích hợp TTX bao gồm:

- Rà soát các mục tiêu, định hướng chiến lược trong Chiến lược và KHHĐ TTX quốc gia; tổng hợp các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động giao cho ngành/địa phương chủ trì và phối hợp;

- Đối với xây dựng KHHĐ TTX, xác định phạm vi ngành/lĩnh vực và nội dung cần triển khai để thực hiện các mục tiêu TTX.

- Đối với tích hợp TTX, rà soát sơ bộ các CQK hiện có, đang và sẽ xây dựng để lựa chọn văn bản cần tích hợp; xem xét kế hoạch và quy trình sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các văn bản để xác định khung thời gian cho việc tích hợp và các bên liên quan, trên cơ sở đó lập kế hoạch tích hợp tương ứng..

- Xác định nguồn số liệu và phương thức thu thập, xử lý số liệu cho các nội dung xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX.

Bước 2: Đánh giá thực trạng và xác định định hướng phát triển

Bước này nhằm định vị ngành và địa phương trong quá trình phát triển theo định hướng TTX của quốc gia, nhận diện rõ các vấn đề TTX. Đối với xây dựng KHHĐ TTX, phạm vi phân tích bao gồm toàn diện các khía cạnh phát triển KT- XH-MT của ngành, địa phương theo các chủ đề TTX. Đối với tích hợp TTX, phạm vi tập trung vào các chủ đề của văn bản được lựa chọn tích hợp.

a) Đánh giá thực trạng phát triển kinh tế - xã hội - môi trường

Tùy vào cấp văn bản cần xây dựng và tích hợp, cơ quan chủ trì xây dựng KHHĐ TTX và tích hợp TTX địa phương/ngành lựa chọn các nội dung phân tích phù hợp, cụ thể:

- Tổng quan thực trạng phát triển kinh tế - xã hội: Phân tích bối cảnh trong nước và quốc tế về TTX; tổng quan thực trạng phát triển KT-XH[13].

- Thực trạng phát triển một số ngành, lĩnh vực trọng tâm: Phân tích bối cảnh trong và ngoài nước của ngành, lĩnh vực trong TTX; tổng quan thực trạng phát triển từ các khía cạnh KT-XH theo từng ngành, lĩnh vực. Một số ngành cần lưu ý phân tích theo các tiểu ngành như công nghiệp, nông nghiệp, GTVT, TNMT, ngành dịch vụ, du lịch...[14].

- Hiện trạng phát thải: Xác định phạm vi kiểm kê KNK; đánh giá hoạt động tiêu thụ năng lượng; phân tích hiện trạng phát thải KNK theo các lĩnh vực; phân tích hiện trạng phát thải khác liên quan đến TTX (phát thải các chất gây ô nhiễm không khí,...)[15].

- Năng lực chống chịu với biến đổi khí hậu của các cấp, các ngành: Đánh giá thông qua chỉ số CRI theo năm chiều cạnh: Rủi ro khí hậu; KT-XH; Môi trường- Tự nhiên; CSHT; Quản trị thể chế.

- Các vấn đề môi trường khác: Phân tích sức ép môi trường do các hoạt động phát triển KT-XH (quá trình đô thị hóa, phát triển các ngành kinh tế) và những thách thức trong công tác BVMT từ các khía cạnh quản lý chất thải, quản lý chất lượng không khí, quản lý tài nguyên đất, nước, ĐDSH, và kinh tế biển[16].

b) Đánh giá khung thể chế, chính sách thúc đẩy tăng trưởng xanh

- Đánh giá việc thực hiện KHHĐ/các nội dung TTX của ngành, địa phương giai đoạn trước (nếu có): Rà soát các mục tiêu đã đặt ra và đánh giá mức độ hoàn thành; rà soát các giải pháp về thể chế, chính sách, công nghệ, đầu tư và đánh giá mức độ hoàn thành, kết quả đạt được, thuận lợi, khó khăn; báo cáo tình hình huy động và sử dụng nguồn lực tài chính và đầu tư cho KHHĐ giai đoạn trước; tổng kết các bài học kinh nghiệm và các nội dung có thể kế thừa cho giai đoạn tiếp theo[17].

- Phân tích hệ thống chiến lược, chính sách: Tập hợp các CQK và chính sách: khác có liên quan đến TTX; rà soát các nội dung chính sách và đối chiếu với Chiến lược và KHHĐ TTX quốc gia, thực trạng, bối cảnh để xác định các điểm đồng hướng, mâu thuẫn, và khoảng trống đối với TTX; đánh giá kết quả thực hiện, thuận: lợi, khó khăn; báo cáo tình hình huy động, sử dụng nguồn lực tài chính và đầu tư liên quan đến TTX[18].

c) Nhận diện vấn đề và xác định các định hướng phát triển

Từ các nội dung đánh giá trên, phân tích tổng hợp SWOT, xác định các vấn đề và khoảng trống của ngành và đa phương đối với TTX[19]. Từ đó, khẳng định lại định hướng phát triển và mục tiêu tổng quát đến 2030, tầm nhìn 2050, phù hợp với điều kiện ngành, địa phương và các mục tiêu phát triển KT-XH tổng thể tại các CQK. Đồng thời, tổng hợp được tất cả các giải pháp tiềm năng để có thể thực hiện TTX, Đây là cơ sở để xây dựng các kịch bản phát triển ở bước 3.

Bước 3: Xây dựng, phân tích và lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh khả thi

Trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng, xác định định hướng phát triển mong muốn và tổng hợp các giải pháp TTX tiềm năng ở trên, bước này sẽ xây dựng và xác định kịch bản TTX khả thi. Đây là một trong các cơ sở để xác định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động và dự án TTX ở bước 4. Đối với tích hợp TTX, bước này có thể kế thừa các kịch bản sẵn có của các CQK, tích hợp thêm các giải pháp TTX và đánh giá khả năng đóng góp cho mục tiêu TTX của quốc gia.

a) Xây dựng các kịch bản phát triển

Khung thời gian sử dụng cho xây dựng các kịch bản sẽ tuân theo thời kỳ của Chiến lược TTX Quốc gia là đến 2030 và tầm nhìn đến 2050. Việc xây dựng các kịch bản cần phải có hệ thống cơ sở dữ liệu và thông tin toàn diện về KT-XH-MT, do đó cần các ngành, địa phương phải chủ động thu thập, cung cấp thông tin, dữ liệu và phân tích, đánh giá với sự hỗ trợ của nhóm chuyên gia tư vấn.

- Xây dựng kịch bản phát triển KT-XH: Đây là căn cứ để xây dựng kịch bản phát thải cơ sở. Kịch bản này dựa trên giả định có cơ sở khoa học để đưa ra dự báo tăng trưởng và chuyển dịch cơ cấu kinh tế phù hợp với các nguồn lực của địa phương/ngành cũng như lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế, các chiến lược quốc gia, địa phương/ngành. Các ngành và địa phương có thể kế thừa kịch bản phát triển ngành, kịch bản tăng trưởng kinh tế sẵn có theo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.

- Xây dựng kịch bản phát thải cơ sở (kịch bản phát thải BAU): Kịch bản phát thải cơ sở dựa trên giả định có cơ sở khoa học về mức phát thải KNK trong thời kỳ nghiên cứu được tính toán theo kịch bản phát triển KT-XH đã xác định ở trên khi chưa thực hiện các giải pháp TTX và theo một số giả định của các ngành, lĩnh vực về các hoạt động và giải pháp phát thải.

- Xây dựng các kịch bản TTX: Các kịch bản TTX dựa trên giả định có cơ sở khoa học về mức phát thải KNK trong thời kỳ nghiên cứu theo kịch bản phát triển KT-XH đã xác định ở trên và đã tính đến việc thực hiện các gói giải pháp TTX khác nhau được chọn lọc từ tổng thể các giải pháp tiềm năng đã xác định.

b) Phân tích các kịch bản TTX

- Xây dựng đường chi phí biên giảm phát thải: nhận dạng các giải pháp giảm phát thải; xác định tiềm năng giảm phát thải tổng thể của từng giải pháp (tấn CO2); xác định chi phí tổng thể cho từng giải pháp (giá trị hiện tại thuần NPV); xếp hạng các giải pháp dựa trên chi phí USD/tấn CO2.

- Đánh giá tác động KT-XH-MT của các kịch bản TTX: Tùy vào năng lực, nguồn lực, thời gian và khả năng thu thập số liệu, phương pháp đánh giá tác động có thể là định lượng[20] hoặc định tính hoặc kết hợp cả hai[21].

c) Lựa chọn kịch bản tăng trưởng xanh khả thi: Sự khác biệt trong kết quả phân tích ở trên về mức phát thải KNK, chi phí biên giảm phát thải và tác động KT-XH-MT giữa kịch bản TTX và kịch bản BAU, cũng như giữa các kịch bản TTX với nhau cho biết hiệu quả của các gói giải pháp TTX trong mối tương quan (i) so sánh giữa thực hiện và không thực hiện và (ii) so sánh giữa các gói giải pháp TTX với nhau. Các kịch bản được so sánh và đánh giá theo đa tiêu chí KT-XH-MT để tính ra chỉ số tổng hợp. Kịch bản được chọn là kịch bản có chỉ số tổng hợp cao nhất, thể hiện đó là kịch bản (i) có đóng góp vào thực hiện các mục tiêu của Chiến lược TTX quốc gia; (ii) cân đối hài hòa giữa các mục tiêu phát triển kinh tế, công bằng xã hội và BVMT; (iii) phù hợp với điều kiện thực tế của ngành/địa phương.

Bước 4: Xác định mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động, dự án tăng trưởng xanh và huy động nguồn lực

Trên cơ sở đánh giá thực trạng và lựa chọn kịch bản TTX khả thi, bước này sẽ xác định các quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động và các dự án TTX để đưa vào KHHĐ TTX và tích hợp TTX.

a) Xác định mục tiêu

(i) Nguyên tắc xác định mục tiêu

- Bám sát và phản ánh đầy đủ các mục tiêu và định hướng chiến lược đề ra tại Chiến lược TTX trong đó lưu ý bao gồm mục tiêu phát triển bình đẳng, bao trùm bên cạnh các mục tiêu về kinh tế và môi trường; các mục tiêu thích ứng, chống chịu với BĐKH cùng với các mục tiêu giảm phát thải KNK.

- Căn cứ vào các kết quả đánh giá, phân tích thực trạng, bối cảnh và các kịch bản TTX của ngành, địa phương.

- Kết hợp các mục tiêu định tính, bán định lượng và định lượng để có thể đo lường và phản ánh được đầy đủ nhất các nội dung của TTX.

- Đảm bảo cách phân ngành và phân kỳ theo Chiến lược TTX và có thể được xem xét phân ngành, phân kỳ cụ thể hơn tùy theo điều kiện đặc thù của ngành, địa phương.

- Đảm bảo các tiêu chí: (i) cụ thể; (ii) có khả năng đo lường, giám sát và đánh giá; (iii) phù hợp và có khả năng thực hiện được với điều kiện ngành, địa phương; (iv) đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa những lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và 2021 - 2030; (v) có thời gian thực hiện cụ thể; (vi) có khả năng hợp lực với các mục tiêu khác để hướng tới mục đích chung của TTX, phát triển bền vững, hướng tới mục tiêu PTR0 vào năm 2050.

(ii) Cách thức xác định quan điểm, mục tiêu tăng trưởng xanh

- Tham khảo dự thảo “Bộ chỉ tiêu thống kê TTX” đang được Bộ KHĐT xây dựng (dự kiến ban hành Thông tư quy định Bộ chỉ tiêu thống kê TTX vào năm 2023).

- Tích hợp quan điểm TTX: Việc xây dựng KHHĐ TTX không cần phải xác định quan điểm do đã thống nhất tại Chiến lược TTX quốc gia. Đối với tích hợp TTX, đối với các CQK có nội dung về quan điểm phát triển, tiến hành điều chỉnh, bổ sung để thống nhất, phù hợp với quan điểm TTX quốc gia.

- Xác định và tích hợp các mục tiêu TTX dựa trên (i) kết quả kịch bản TTX khả thi; (ii) kết quả rà soát kế thừa các mục tiêu phù hợp trong các CQK; (iii) kết quả phân tích SWOT; và (iv) khả năng đáp ứng công tác đo lường, theo dõi, đánh giá của hệ thống thống kê, cơ sở dữ liệu trong hiện tại và tương lai.

b) Xác định nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động

(i) Nguyên tắc

- Bám sát và phản ánh đầy đủ các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động được giao cho ngành, địa phương tại KHHĐ TTX.

- Căn cứ vào các kết quả đánh giá, phân tích thực trạng, bối cảnh và các kịch bản TTX của ngành, địa phương và lưu ý lồng ghép các nội dung về phát triển bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu của nền kinh tế.

- Xác định được mức độ ưu tiên, nguồn lực thực hiện, phân công rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và phân kỳ phù hợp với KHHĐ TTX (có thể phân kỳ cụ thể hơn tùy theo điều kiện đặc thù của ngành, địa phương).

- Hướng tới thực hiện các mục tiêu đặt ra, khả thi và được tham vấn rộng rãi đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa những lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và 2021 - 2030.

(ii) Cách thức xác định nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động

- Xây dựng danh mục các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động cụ thể dựa trên (i) kết quả kịch bản TTX khả thi; (ii) kế thừa các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động phù hợp ở các văn bản hiện hành; (iii) kết quả phân tích SWOT. Riêng đối với tích hợp TTX, đối với các văn bản hiện hành, tiến hành bổ sung thêm các nội dung mới; điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh các nội dung đã có để thực hiện TTX; sửa đổi các nội dung có khả năng mâu thuẫn, đánh đối với TTX; đối với các văn bản đang và sẽ xây dựng, tích hợp các nội dung TTX vào các nội dung của văn bản.

- Xác định mức độ ưu tiên, phân công trách nhiệm, xác định khung thời gian và nguồn lực có thể huy động để thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đã xác định.

c) Xây dựng danh mục dự án tăng trưởng xanh và huy động nguồn lực[22]

(i) Nguyên tắc

- Là các dự án được đầu tư nhằm đạt được lợi ích về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội[23], đáp ứng các điều kiện: (i) có hiệu quả kinh tế và hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh; (ii) đạt được một trong các mục tiêu về môi trường như: giảm thiểu BĐKH; thích ứng với BĐKH; sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên; bảo vệ, phục hồi ĐDSH và hệ sinh thái; (iii) không gây tác động tiêu cực và/hoặc có các biện pháp đảm bảo tính bình đẳng và bao trùm trong quá trình triển khai.

- Xác định được mức độ ưu tiên, mức đầu tư, nguồn lực thực hiện, phân công rõ đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp và phân kỳ phù hợp với nhiệm vụ, giải pháp đã đặt ra.

- Hướng tới thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đề ra, khả thi và được tham vấn rộng rãi đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên liên quan, giữa những lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, phù hợp với giai đoạn phát triển hiện nay và 2021 - 2030.

- Việc huy động nguồn lực cho các dự án TTX thống nhất theo nguyên tắc (i) ưu tiên nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước, chú trọng nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công và chi thường xuyên; (ii) tăng cường huy động nguồn tài chính từ các định chế tài chính, các quỹ và các nhà đầu tư tư nhân quốc tế, ưu tiên sử dụng các nguồn vốn vay ưu đãi, hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) cho TTX; (iii) khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, tạo điều kiện thuận lợi cho các hình thức hợp tác giữa nhà nước và tư nhân, giữa các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

(ii) Cách thức xác định dự án tăng trưởng xanh để đầu tư

- Rà soát các dự án đầu tư hiện nay của các ngành và địa phương đối chiếu với các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đã xác định để xác định các dự án đã có, dự án còn thiếu, các dự án đồng hướng hoặc mâu thuẫn.

- Lập danh mục các dự án TTX cho ngành, vùng, tỉnh theo danh mục các loại hình dự án TTX, căn cứ vào (i) các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đã xác định; (ii) kết quả đánh giá thực trạng; (iii) kết quả phân tích kịch bản TTX khả thi; và (iv) kết quả rà soát các dự án đầu tư hiện nay.

- Xác định các dự án ưu tiên dựa trên các tiêu chí về: (i) tính đồng lợi ích; (ii) tính lan tỏa liên ngành, liên vùng, liên đối tượng; (iii) khả năng huy động nguồn lực; (iv) tính không hối tiếc/hối tiếc thấp; (v) tính bao trùm[24]. Riêng đối với việc tích hợp TTX, tiến hành bổ sung thêm các dự án để thực hiện TTX; điều chỉnh theo hướng đẩy mạnh hoặc cải tiến các dự án đầu tư đã có để đảm bảo đáp ứng tiêu chí xanh mạnh dạn loại bỏ các dự án đầu tư có khả năng mâu thuẫn, đánh đối với TTX.

- Ước tính mức đầu tư cho các dự án ưu tiên theo quy định của nhà nước vạ kinh nghiệm quốc tế (trong trường hợp quy định của nhà nước chưa có). Các hạng mục đầu tư cơ bản có thể bao gồm: chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng, chi phí khác và chi phí dự phòng[25].

- Phân công trách nhiệm, xác định khung thời gian, nguồn lực có thể huy động để thực hiện các dự án TTX ưu tiên.

(iii) Cách thức xác định các nguồn lực tài chính cho dự án tăng trưởng xanh

- Nghiên cứu rà soát các nguồn tài chính công và tư bao gồm các quỹ trong và ngoài nước liên quan đến BĐKH và TTX[26].

- Các chủ thể đầu tư dự án TTX có thể huy động nguồn tài chính thông qua các hình thức: (1) sử dụng nguồn vốn ngân sách nhà nước (đầu tư công) để đầu tư cho dự án hoặc để thực hiện theo phương thức đối tác công tư; (2) sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài của Chính phủ; (3) phát hành trái phiếu chính quyền địa phương hoặc trái phiếu doanh nghiệp; (4) vay nước ngoài không được Chính phủ bảo lãnh (đối với doanh nghiệp); (5) vay vốn các tổ chức tín dụng trong nước (chủ đầu tư tư nhân).

- Đối với các dự án có thể huy động nguồn đầu tư công, lập kế hoạch bổ sung, tích hợp vào kế hoạch đầu tư công trung hạn. Đối với các dự án cần huy động các nguồn vốn khác, lập kế hoạch kêu gọi đầu tư tích hợp với danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của ngành, địa phương.

Bước 5: Tổ chức thực hiện

- Đối với xây dựng KHHĐ TTX, có thể (i) chỉ định một cơ quan làm đầu mối chịu trách nhiệm theo dõi và tổng hợp báo cáo từ các cơ quan liên quan[27] hoặc (ii) thành lập một Ban chỉ đạo TTX của ngành và địa phương đặt dưới sự chủ trì và chỉ đạo của 1 lãnh đạo ngành, địa phương và được hỗ trợ điều phối bởi 1 cơ quan đầu mối[28]. Đồng thời, cần quy định về hệ thống giám sát, đánh giá và báo cáo TTX ngành, địa phương tích hợp với hệ thống quốc gia theo “Hướng dẫn Giám sát đánh giá TTX” của Bộ KHĐT.

- Đối với các văn bản tích hợp TTX, công tác giám sát, đánh giá và báo cáo tuân theo quy định chung của văn bản tích hợp, tuy nhiên cần lưu ý đối với các nội dung TTX cần tích hợp chung với hệ thống giám sát đánh giá TTX theo hướng dẫn của Bộ KHĐT.

Các nội dung chi tiết về việc xây dựng và tích hợp tăng trưởng xanh của Hướng dẫn TTX đề nghị xem tại phụ lục kèm theo.

PHỤ LỤC

CÁC NỘI DUNG, HƯỚNG DẪN CHI TIẾT VỀ VIỆC XÂY DỰNG VÀ TÍCH HỢP TRƯỞNG XANH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 600/QĐ-BKHĐT ngày 07 tháng 4 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư)

I. NỘI DUNG CHỦ YẾU VỀ CHIẾN LƯỢC VÀ KHHĐ QUỐC GIA VỀ TTX CẦN ĐƯỢC KHHĐ TTX VÀ CÁC VĂN BẢN TÍCH HỢP TTX CỦA NGÀNH/ ĐỊA PHƯƠNG

I.1. Khái niệm tăng trưởng xanh

Trên cơ sở các khái niệm của quốc tế1 và tình hình thực tiễn của Việt Nam, trong Chiến lược TTX, TTX được quan niệm là “quá trình cơ cấu lại các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hài hòa với các mục tiêu bền vững môi trường và công bằng xã hội dựa trên khoa học và công nghệ, ĐMST, tối ưu hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải KNK, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực chống chịu của nền kinh tế, đảm bảo tính bao trùm, bình đẳng về xã hội”. Đây là cách tiếp cận thực tế và linh hoạt để thực hiện hai trụ cột kinh tế và môi trường của phát triển bền vững, đồng thời quan tâm thích đáng đến khía cạnh xã hội trong quá trình xanh hóa các hoạt động kinh tế. TTX hướng tới việc nâng cao hiệu suất sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên cho tăng trưởng kinh tế, giảm phát thải KNK, tăng sức cạnh tranh và sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc bên ngoài có tác động tiêu cực tới tăng trưởng kinh tế.

Về cơ bản, quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” để đạt được phát triển bền vững bao gồm các chuyển đổi chính như sau:

(1) Chuyển đổi từ tăng trưởng đặt trọng tâm vào trụ cột kinh tế sang tăng trưởng cân bằng và hài hòa cả ba trụ cột KT-XH-MT, theo đó chú trọng tăng trưởng GDP gắn với ổn: định, công bằng xã hội và BVMT.

(2) Chuyển đổi từ tăng trưởng theo chiều rộng dựa trên thâm dụng các yếu tố đầu vào (lao động, vốn, tài nguyên) sang tăng trưởng theo chiều sâu dựa trên khoa học công nghệ và ĐMST, coi trọng hiệu quả sử dụng nguồn lực, giá trị gia tăng cao và thân thiện với môi trường (bảo tồn và duy trì chất lượng và số lượng nguồn vốn tự nhiên).

(3) Chuyển đổi từ tăng trưởng phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch sang tăng trưởng chủ động về năng lượng xanh, năng lượng phát thải thấp và năng lượng tái tạo.

(4) Chuyển đổi từ tăng trưởng dễ bị tổn thương (rủi ro cao, phát thải cao, khả năng thích ứng thấp) sang tăng trưởng chống chịu tốt với các rủi ro khí hậu và cú sốc từ bên ngoài (rủi ro thấp, giảm thiểu phát thải, khả năng thích ứng cao).

(5) Chuyển đổi từ tăng trưởng truyền thông sang tăng trưởng bao trùm các khía cạnh xã hội theo hướng đảm bảo tối đa hóa lợi ích và giảm thiểu chi phí cho các nhóm yếu thế (phụ nữ, trẻ em, người dân tộc thiểu số, người nghèo, người khuyết tật).

I.2. Quan điểm và các định hướng chiến lược về tăng trưởng xanh Việt Nam

Các quan điểm và định hướng lớn về TTX của Việt Nam được nêu rõ trong Chiến lược TTX, cụ thể như sau:

(1) Quan điểm về tăng trưởng xanh:

- Góp phần thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng chống chịu trước các cú sốc từ bên ngoài, hiện thực hóa Chiến lược phát triển KT-XH 2021 - 2030, hệ thống quy hoạch quốc gia, chiến lược phát triển ngành, lĩnh vực.

- Là phương thức quan trọng để thực hiện phát triển bền vững, đóng góp trực tiếp vào giảm phát thải KNK để hướng tới nền kinh tế trung hòa các-bon trong dài hạn.

- Lấy con người làm trung tâm, giúp giảm thiểu tính dễ bị tổn thương của con người trước BĐKH; khuyến khích lối sống có trách nhiệm của từng cá nhân đối với cộng đồng và xã hội, định hướng thế hệ tương lai về văn hóa sống xanh, hình thành xã hội văn minh, hiện đại hài hòa với thiên nhiên và môi trường.

- Phải dựa vào thể chế và quản trị hiện đại, khoa học và công nghệ tiên tiến, nguồn nhân lực chất lượng cao, phù hợp với bối cảnh quốc tế và điều kiện trong nước.

- Định hướng đầu tư vào công nghệ tiên tiến, chuyển đổi số, kết cấu hạ tầng thông minh và bền vững; tạo động lực để đầu tư tư nhân đóng vai trò ngày càng quan trọng trong nền kinh tế xanh.

- Là sự nghiệp của cả hệ thống chính trị, toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan, tổ chức liên quan, được thúc đẩy bằng tinh thần ĐMST và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, bền vững.

(2) Định hướng chiến lược chung: Tập trung nỗ lực cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, giảm cường độ phát thải KNK thông qua khai thác và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả năng lượng, tài nguyên dựa trên nền tảng khoa học và công nghệ, ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng xanh, bền vững, xây dựng lối sống xanh, đảm bảo quá trình chuyển đổi xanh theo nguyên tắc, bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu trong phạm vi toàn bộ nền kinh tế.

(3) Chủ đề tăng trưởng xanh

Chiến lưc TTX định hướng các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển, trên cơ sở đó, KHHĐ TTX đề ra 10 chủ đề như sau:

- Năng lượng2: (i) Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo hướng phát triển đồng bộ các nguồn năng lượng, khai thác và sử dụng tiết kiệm các nguồn năng lượng trong nước và chuyển đổi cơ cấu nguồn năng lượng theo hướng giảm sự phụ thuộc vào năng lượng hóa thạch; đẩy mạnh khai thác có hiệu quả và tăng tỷ trọng các nguồn năng lượng tái tạo năng lượng mới trong sản xuất và tiêu thụ năng lượng của quốc gia. Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; (ii) Áp dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng lưới điện phân phối, giảm tổn thất điện năng, nâng cao hiệu quả sử dụng điện tiến tới xây dựng lưới điện thông minh.

- Công nghiệp3: (i) Nâng cao hiệu suất và hiệu quả sử dụng năng lượng, giảm mức tiêu hao năng lượng; (ii) Từng bước hạn chế các ngành phát sinh chất thải và phát thải lớn gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, tạo điều kiện phát triển các ngành sản xuất xanh mới. Chú trọng ứng dụng công nghệ xanh, hệ thống quản lý và kiểm soát hoạt động sản xuất theo kinh nghiệm thực hành tốt để tiết kiệm tài nguyên, giảm phát thải, cải thiện môi trường sinh thái.

- Giao thông vận tải và dịch vụ logistics4: (i) Tăng cường đầu tư hiện đại hóa các hệ thống, mạng lưới giao thông, phương tiện trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, môi trường cao, có khả năng chống chịu với BĐKH; (ii) Phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại; ưu tiên phát triển hệ thống vận tải công cộng đô thị với sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong đầu tư CSHT, phương tiện, khai thác vận tải hành khách công cộng; (iii) Đẩy mạnh chuyển đổi phương thức hàng hóa vận tải, thúc đẩy hoạt động logistics theo hướng xanh; (iv) Nâng cao năng lực cạnh tranh, phát triển dịch vụ logistics theo hướng xanh.

- Xây dựng5: (i) Thúc đẩy đô thị hóa theo hướng đô thị thông minh bền vững, có năng lực chống chịu với BĐKH, đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái; (ii) công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả và có năng lực chống chịu với BĐKH và thiên tai, đa thiên tai; công trình phát thải các-bon thấp, công trình PTR0; (iii) Phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng xanh, thân thiện với môi trường; tăng cường sử dụng nguyên vật liệu tái chế trong sản xuất vật liệu xây dựng theo mô hình kinh tế tuần hoàn.

- Nông nghiệp và Phát triển nông thôn6: (i) Phát triển nông nghiệp hiện đại, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp xanh, sạch, bền vững, thông minh, nâng cao chất lượng giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của sản xuất nông nghiệp thông qua việc điều chỉnh chuyển dịch cơ cấu vật nuôi, cây trồng, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản và áp dụng các quy trình, công nghệ sử dụng tiết kiệm, hiệu quả giống, thức ăn, vật tư nông nghiệp, tài nguyên thiên nhiên...; đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, tái trồng rừng, phát triển kinh tế lâm nghiệp bền vững; (ii) Xây dựng nông thôn mới có lối sống hòa hợp với môi trường và thiên nhiên theo các tiêu chuẩn sống tốt, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh, sạch, đẹp, văn minh. Thực hiện đồng bộ các biện pháp, kết hợp hài hoà giữa giải pháp công trình và phi công trình; chú trọng quản lý rủi ro thiên tai, chống chịu và thích ứng với BĐKH và BVMT.

- Quản lý chất thải, chất lượng không khí7: (i) Tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất thải thông qua việc R&D các mô hình quản lý tổng hợp chất thải rắn, công nghệ xử lý chất thải theo hướng chuyển hóa chất thải thành tài nguyên, nguyên liệu sản xuất; thúc đẩy việc áp dụng các biện pháp phân loại chất thải rắn tại nguồn, tái sử dụng và tái chế chất thải rắn; (ii) ngăn ngừa và giảm thiểu phát sinh các chất ô nhiễm không khí đối với các ngành, lĩnh vực và tăng cường hiệu quả công tác quản lý chất lượng không khí.

- Quản lý tài nguyên và quản lý rủi ro thiên tai, nâng cao chống chịu với BĐKH8: Tăng cường công tác quản lý tài nguyên nước, đất đai và ĐDSH, thông qua (i) đảm bảo an ninh tài nguyên nước, bảo vệ, sử dụng hiệu quả tài nguyên nước quốc gia, (ii) thúc đẩy sử dụng hiệu quả tài nguyên đất và BVMT đất, khắc phục tình trạng suy thoái đất và hoang mạc hóa; (iii) tăng cường bảo vệ, phục hồi các hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn ĐDSH, làm giàu thêm nguồn vốn tự nhiên; (iii) phát triển, hiện đại hóa hệ thống thủy lợi, thủy điện liên kết đồng bộ với hệ thống kết cấu hạ tầng các ngành, lĩnh vực; đảm bảo an toàn đập và hồ chứa nước, tăng cường năng lực phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, chống chịu và thích ứng phó với BĐKH, đáp ứng nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống nhân dân.

- Kinh tế biển xanh9: (i) Xây dựng, phát triển các cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh; (ii) phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển, các mô hình kinh tế biển xanh phù hợp với đặc thù vùng, miền; (iii) bảo vệ và phục hồi các hệ sinh thái ĐDSH ven biển và đại dương.

- Y tế10: (i) Xây dựng nền y tế xanh, thông minh, bền vững; (ii) Thúc đẩy công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng theo hướng nâng cao năng lực chống chịu với BĐKH và ô nhiễm không khí của người dân.

- Du lịch11: Ưu tiên phát triển các loại hình du lịch theo hướng TTX (du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông nghiệp và nông thôn, du lịch nghỉ dưỡng biển đảo gắn với phát triển kinh tế biển xanh, du lịch thể thao mạo hiểm đảm bảo các tiêu chuẩn, tiêu chí xanh...), phát triển sản phẩm du lịch xanh.

Để thúc đẩy TTX trong các ngành, lĩnh vực ưu tiên nêu trên, 8 chủ đề tổng thể đã được xác định trong KHHĐ TTX, bao gồm:

- Xây dựng và hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước gắn kết với các mục tiêu TTX12.

- Truyền thông, giáo dục và nâng cao nhận thức13.

- Phát triển nguồn nhân lực và việc làm xanh14.

- Huy động nguồn lực tài chính và thúc đẩy đầu tư cho TTX15.

- Phát triển khoa học, công nghệ và ĐMST16, trong đó ưu tiên phát triển kinh tế số, thúc đẩy chuyển đổi số.

- Hội nhập và hợp tác quốc tế17.

- Bình đẳng trong chuyển đổi xanh18: Đảm bảo các nhóm đối tượng khác nhau, đặc biệt là các chủ thể bị ảnh hưởng khi cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, các nhóm yếu thế được tiếp cận bình đẳng các cơ hội, thông tin, kết cấu hạ tầng kỹ thuật, dịch vụ xã hội cơ bản, phù hợp với các lĩnh vực, việc làm mới trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

- Thúc đẩy tiêu dùng bền vững và mua sắm xanh thông qua các chương trình dán nhãn năng lượng, nhãn sinh thái, nhãn xanh...; đẩy mạnh mua sắm công xanh và tiếp tụq áp dụng hiệu quả các công cụ kinh tế để điều chỉnh hành vi tiêu dùng19.

II. XÁC ĐỊNH PHẠM VI VÀ LỰA CHỌN CÁCH TIẾP CẬN XÂY DỰNG KHHĐ VÀ TÍCH HỢP TTX

Theo kinh nghiệm quốc tế và thực tiễn triển khai TTX tại Việt Nam trong giai đoạn 2014-2020, việc xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX các cấp có thể có ba cách tiếp cận với phạm vi như sau (Bảng II.1):

(1) Xây dựng KHHĐ TTX: Căn cứ vào Chiến lược và KHHĐ TTX quốc gia, điều kiện đặc thù và định hướng phát triển của ngành, địa phương, các ngành và địa phương xây dựng KHHĐ TTX giai đoạn 2021-2030 và các giai đoạn tiếp theo.

(2) Tích hợp TTX vào hệ thống CQK các cấp, các ngành: Các ngành, địa phương rà soát, lựa chọn các CQK hiện hành và sẽ ban hành cho giai đoạn 2021-2030, tm nhìn 2050, và các giai đoạn tiếp theo có liên quan đến TTX và tiến hành lồng ghép các nội dung TTX trong quá trình xây dựng, cập nhật các CQK để cùng hướng tới đạt được các mục tiêu TTX.

(3) Kết hợp hai cách tiếp cận trên: Các ngành, địa phương vừa xây dựng KHHĐ TTX vừa tiến hành tích hợp TTX một cách có hệ thống và toàn diện vào CQK.

Bảng II.1: Phạm vi xây dựng KHHĐ và tích hợp tăng trưởng xanh

Văn bản các cấp

Quốc gia

Bộ, ngành

Vùng

Địa phương

XÂY DỰNG

KHHĐ TTX của Bộ, ngành và địa phương.

x

x

KHHĐ TTX một số ngành kinh tế/công nghiệp quan trọng.

x

TÍCH HỢP20

1. Hệ thống CQK

Chiến lược phát triển KT-XH 10 năm.

x

Kế hoạch phát triển KT-XH 5 năm và hàng năm.

x

x

Quy hoạch tổng thể quốc gia

x

Quy hoạch vùng (06 vùng KT-XH).

x

Quy hoạch tỉnh

x

Các Quy hoạch ngành quốc gia và các Quy hoạch có tính chất kỹ thuật, chuyên ngành.

x

x

2. Các Chiến lược, Kế hoạch khác nên xem xét tích hợp tăng trưởng xanh

Kế hoạch tài chính 05 năm.

Kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 03 năm.

Kế hoạch đầu tư công trung hạn và hàng năm.

x

x

Chiến lược, Kế hoạch phát triển khác của quốc gia, ngành.

x

x

Mỗi cách tiếp cận đều có ưu - nhược điểm riêng (Bảng II.2), các ngành, địa phương có thể cân nhắc lựa chọn cách tiếp cận phù hợp nhất với điều kiện đặc thù của mình, đồng thời đảm bảo tính hiệu quả triển khai các nhiệm vụ, hoạt động thuộc lĩnh vực, phạm vi quản lý.

Bảng II.2: Ưu nhược điểm của các cách tiếp cận xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX

Cách tiếp cận

Ưu điểm

Nhược điểm

Cách 1: Xây dựng KHHĐ

- Khẳng định vai trò và tầm quan trọng của TTX.

- Nâng cao nhận thức và quán triệt quan điểm phát triển theo định hướng TTX trong toàn bộ hệ thống quản lý và các bên liên quan.

- Là một văn bản độc lập, có tính chế tài cao hơn.

- Cung cấp cách nhìn tổng thể, làm rõ mối quan hệ liên ngành, liên vùng giữa các hoạt động và các trọng tâm ưu tiên.

- Thuận lợi cho công tác huy động nguồn lực, điều phối triển khai, giám sát, đánh giá, báo cáo.

- Cần cơ quan/cán bộ đầu mối xây dựng và triển khai có năng lực tốt và huy động được sự tham gia của các bên liên quan trong việc cung cấp thông tin và kiến thức chuyên ngành.

- Cần sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Cách 2: Tích hợp TTX

- Cho phép nhận diện rõ các khoảng trống, điểm chồng chéo, điểm nghẽn của TTX trong từng ngành, lĩnh vực.

- Hạn chế lãng phí, nâng cao hiệu quả đầu tư và thúc đẩy phát triển KT-XH-MT theo hướng TTX.

- Một số mục tiêu và giải pháp liên quan đến TTX được đồng bộ - hài hòa hóa trong hệ thống chính sách và hệ thống báo cáo các cấp.

- Cần cơ quan/cán bộ đầu mối có chuyên môn cao trong ngành/lĩnh vực tích hợp.

- Hạn chế việc xác định trọng tâm, ưu tiên một cách tổng thể, có thể gây trở ngại khả năng huy động thêm nguồn lực cho TTX.

- Nội dung tích hợp nằm rải rác ở nhiều văn bản, nhiều đầu mối thực thi có thể khiến công tác giám sát, đánh giá, báo cáo gặp nhiều thách thức.

Cách 3: Kết hợp hai cách tiếp cận trên

- Tận dụng được ưu điểm của cả 2 cách tiếp cận trên.

- Bao quát, toàn diện nhất; đảm bảo tính đồng bộ giữa các văn bản; tạo thuận lợi cho huy động nguồn lực (đặc biệt đối với khu vực công theo hình thức tạo đòn bẩy cho đầu tư tư nhân), giám sát và đánh giá.

- Đòi hỏi nhiều thời gian, công sức và năng lực kỹ thuật.

III. KHUNG HƯỚNG DẪN XÂY DỰNG KHHĐ VÀ TÍCH HỢP TTX

TT

Trình tự

Khuyến nghị thực hiện đối với

Xây dựng KHHĐ

Tích hợp TTX

1

Xác định phạm vi xây dựng KHHĐ TTX và văn bản tích hợp TTX

- Thành lập tổ công tác (nếu cần).

X

X

- Rà soát mục tiêu, định hướng chiến lược và các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động tại Chiến lược và KHHĐ TTX giai đoạn 2021 -2030, tầm nhìn 2050.

X

X

- Xác định phạm vi nội dung TTX nên và cần triển khai, lựa chọn ngành/lĩnh vực trọng tâm phù hợp với điều kiện quốc gia/vùng/tỉnh, thành phố hoặc theo ngành, lĩnh vực phụ trách.

X

- Rà soát sơ bộ CQK thuộc ngành, lĩnh vực, cấp quản lý hiện có/đang xây dựng để xác định các văn bản và nội dung cần tích hợp.

X

- Xác định nguồn, phương thức thu thập, xử lý số liệu cho các nội dung xây dựng KHHĐ/tích hợp TTX.

X

X

2

Đánh giá thực trạng và xác định định hướng phát triển

2.1

Đánh giá thực trạng phát triển KT-XH-MT

2.1.1

Bối cảnh, thực trạng KT-XH nói chung và các ngành, lĩnh vực trọng tâm (Phụ lục IV.1. Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề): (1) Bối cảnh và kinh nghiệm trong nước và quốc tế về TTX; (2) Thực trạng phát triển từ các khía cạnh KT-XH; (3) Vai trò của vùng/ngành/địa phương đối với phát triển KT-XH theo hướng TTX.

X

X (đối với nội dung liên quan đến văn bản tích hợp)

2.1.2

Hiện trạng phát phải: Phạm vi đánh giá phát thải KNK và các tính toán định lượng hoặc phân tích định tính hoạt động tiêu thụ năng lượng, hiện trạng phát thải KNK và phát thải khác theo các lĩnh vực (Phụ lục IV.2. Phân tích hiện trạng phát thải KNK).

X

X (đối với ngành/lĩnh vực của văn bản tích hợp nếu cần thiết)

2.1.3

Các vấn đề môi trường khác: (1) Sức ép môi trường do các hoạt động phát triển KT- XH; (2) Những thách thức trong công tác BVMT.

X

X (đối với nội dung liên quan đến văn bản tích hợp)

2.2

Đánh giá khung thể chế, chính sách thúc đẩy TTX

2.2.1

KHHĐ TTX giai đoạn trước của Bộ, ngành, địa phương (nếu có) (Phụ lục IV.3. Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện TTX của ngành, địa phương giai đoạn trước 2014-2020)

- Mức độ hoàn thành mục tiêu và các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đề ra.

- Báo cáo tình hình huy động và sử dụng nguồn lực tài chính và đầu tư.

- Tổng kết các thuận lợi, khó khăn, bài học kinh nghiệm, khuyến nghị cho giai đoạn tiếp theo.

X

X (kế thừa kết quả đánh giá phù hợp với văn bản tích hợp)

2.2.2

CQK và các chính sách hiện hành liên quan đến TTX (Phụ lục IV.4. Mẫu biểu rà soát văn bản chính sách)

- Rà soát các mục tiêu, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động; xác định các điểm đồng hướng, mâu thuẫn và khoảng trống về nội dung chính sách đối với TTX.

- Đánh giá kết quả thực hiện, tổng kết các điểm thuận lợi, khó khăn trong thực tiễn triển khai và đề xuất cho TTX.

- Báo cáo tình hình huy động và sử dụng nguồn lực tài chính và đầu tư liên quan đến thúc đẩy TTX.

X

X (đối với văn bản cần tích hợp và các văn bản có nội dung liên quan đến văn bản cn tích hợp)

2.3

Nhận diện các vấn đề liên quan đến TTX và xác định các định hướng phát triển (trên cơ sở các nội dung đánh giá ở mục 2.1, 2.2)

- Phân tích tổng hợp lợi thế - điểm mạnh - cơ hội, vấn đề - điểm yếu - thách thức (SWOT), xác định các vấn đề và khoảng trống đối với TTX (Phụ lục IV.5. Phân tích “Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức” (SWOT)).

- Xác định định hướng phát triển và tổng hợp các giải pháp tiềm năng để thực hiện TTX.

X

X (đối với nội dung có liên quan đến văn bản tích hợp)

3

Xây dựng và lựa chọn kịch bản phát triển khả thi

3.1

Xây dựng các kịch bản phát triển

- Xây dựng/Đề xuất kịch bản phát triển KT-XH: GDP toàn nền kinh tế và ngành/lĩnh vực.

- Xây dựng kịch bản phát thải cơ sở căn cứ theo kịch bản phát triển KT-XH.

- Xây dựng các kịch bản TTX phát triển từ kịch bản cơ sở tích hợp thêm định hướng phát triển và các giải pháp công nghệ tiềm năng chọn lọc từ tổng thể các giải pháp đã xác định ở mục 2.3.

X

X (Phát triển từ kịch bản sẵn có và tích hợp thêm các giải pháp TTX; hoặc Xây dựng kịch bản nếu cần thiết đối với ngành, lĩnh vực và phạm vi không gian của văn bản tích hợp).

3.2

Phân tích và lựa chọn kịch bản phát triển khả thi

X

X

- Xây dựng đường chi phí biên giảm phát thải

X

X (nếu phù hợp với văn bản tích hợp và theo mức độ sẵn có của thông tin, số liệu)

- Đánh giá tác động KT-XH-MT của các kịch bản TTX (Phụ lục IV.6: Phương pháp, công cụ đánh giá tác động kinh tế- xã hội- môi trường)

X

X

- Lựa chọn kịch bản khả thi dựa trên chỉ số tổng hợp được tính toán theo bộ chỉ tiêu KT-XH-MT

X

X

4

Xác định quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp và dự án TTX

4.1

Xác định quan điểm, các mục tiêu TTX

- Xác định quan điểm TTX (dựa trên quan điểm của Chiến lược TTX quốc gia)

X (điều chỉnh, bổ sung các quan điểm/ mục tiêu/ nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động của văn bản tích hợp)

- Xác định các mục tiêu TTX:

+ Từ kết quả phân tích kịch bản TTX khả thi, xác định các mục tiêu TTX định lượng về giảm phát thải và các mục tiêu phát triển của các ngành, lĩnh vực đóng góp vào quá trình xanh hóa sản xuất và xanh hóa tiêu dùng của TTX.

+ Xác định bổ sung thêm các mục tiêu định lượng, bán định lượng, định tính khác để phản ánh đầy đủ các mục tiêu của Chiến lược TTX trên cơ sở rà soát các mục tiêu hiện có trong các CQK và văn bản chính sách khác ở mục 2.2 và kết quả phân tích SWOT ở mục 2.3.

X (xây dựng thành 1 nội dung của Quyết định ban hành KHHĐ)

4.2

Xác định nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động

- Xây dựng danh mục các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động cụ thể để có thể thực hiện kịch bản TTX khả thi đã lựa chọn và các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động được giao trong Chiến lược và KHHĐ TTX, căn cứ vào (1) kết quả phân tích SWOT và tổng hợp các giải pháp tiềm năng ở mục 2.3; (2) kết quả phân tích kịch bản TTX ở mục 3.2.

- Phân công trách nhiệm, xác định khung thời gian, nguồn lực có thể huy động để thực hiện và mức độ ưu tiên.

X (xây dựng thành nội dung tương ứng tại Quyết định ban hành KHHĐ)

4.3

Xây dựng danh mục dự án TTX và huy động nguồn lực thực hiện

(đối với CQK có nội dung về (1) danh mục dự án đầu tư, và (2) trong nội dung văn bản có thể làm rõ các yếu tố “tăng trưởng xanh” đối với các dự án.

- Rà soát các dự án đầu tư liên quan đến TTX hiện có

X

X (đối với dự án của văn bản tích hợp)

- Xây dựng danh mục dự án TTX dựa trên (1) phân loại dự án TTX; (2) mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động đặt ra tại mục 4.1 và 4.2; (3) kết quả đánh giá thực trạng ở mục 2; (4) kết quả rà soát dự án hiện có ở mục 4.3 (Phụ lục IV. 7: Danh mục loại hình dự án TTX).

X (xây dựng thành nội dung tương ứng tại Quyết định ban hành KHHĐ)

X (điều chỉnh, bổ sung các dự án của văn bản tích hợp)

- Xác định dự án ưu tiên; ước tính nhu cầu đầu tư cho các dự án ưu tiên (Phụ lục IV.8: Phương pháp xác định ưu tiên và ước tính nhu cầu đầu tư).

- Nghiên cứu rà soát các nguồn tài chính công và tư (Phụ lục IV.9: Danh mục các nguồn tài chính, đầu tư có thể huy động).

- Phân công trách nhiệm, xác định khung thời gian, mức đầu tư và nguồn lực

X

X

5

Tổ chức thực hiện

- Lựa chọn phương án tổ chức thực hiện

X (Chỉ định cơ quan đầu mối, đề xuất hoặc thành lập BCĐ và/hoặc Tổ công tác TTX)

X (Chỉ định cơ quan đầu mối)

- Quy định chung về giám sát, đánh giá và báo cáo

X

X

IV. CÁC PHƯƠNG PHÁP, CÔNG CỤ XÂY DỰNG KHHĐ VÀ TÍCH HỢP TTX

Các phương pháp, công cụ khuyến nghị áp dụng cho việc xây dựng kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh được tổng hợp theo bảng sau:

TT

Phương pháp, công cụ

(Mức độ phức tạp: Cao/ Trung bình/ Thấp21)

Nội dung sử dụng trong Hướng dẫn

Phụ lục

1

Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề

Đánh giá thực trạng và xác định định hướng phát triển

IV.1

2

Phân tích hiện trạng phát thải KNK (Cao)

IV.2

3

Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện TTX của ngành, địa phương giai đoạn 2014 - 2020 (Trung bình)

IV.3

4

Mẫu biểu rà soát văn bản chính sách (Trung bình)

IV.4

5

Phân tích “Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức” (SWOT) (Thấp)

IV.5

6

Phương pháp, công cụ đánh giá tác động kinh tế-xã hội-môi trường (Cao)

Xây dựng các kịch bản phát triển làm cơ sở xác định mục tiêu TTX

IV.6

7

Danh mục loại hình dự án TTX

Xác định nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động và dự án TTX

IV.7

8

Phương pháp xác định ưu tiên và ước tính nhu cầu đầu tư (Cao)

IV.8

9

Danh mục các nguồn tài chính, đầu tư có thể huy động

IV.9

10

Phân tích các bên có liên quan (Thấp)

IV.10

Một số hướng dẫn cụ thể cho các nội dung đánh giá, phương pháp và công cụ thực hiện được trình bày dưới đây để các bộ, ngành và địa phương tham khảo áp dụng phù hợp với điều kiện về thông tin, số liệu, năng lực cán bộ và nguồn lực tài chính.

IV.1. Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề

Ngành/ lĩnh vực

Nội dung phân tích, đánh giá22

Cấp thực hiện

1: Quốc gia

2: Vùng

3. Ngành

4: Tỉnh

1. Tổng quan phát triển KT-XH

1.1. Kinh tế

- Quy mô kinh tế, tốc độ tăng trưởng (có so sánh vùng và cả nước, xác định vị thế địa phương/cả nước).

- GDP/GRDP bình quân đầu người (có so sánh vùng và bình quân cả nước).

- Cơ cấu ngành kinh tế chính, tập trung vào các ngành cần chuyển đổi theo hướng xanh.

- Quy mô và tăng trưởng các ngành kinh tế chính.

- Đánh giá các ngành lợi thế của địa phương (đóng góp chủ yếu cho tăng trưởng).

- Đánh giá nguồn lực cho tăng trưởng (yếu tố vốn, lao động, TFP, chi đầu tư phát triển).

- Đánh giá điểm yếu kém, hạn chế trong tăng trưởng kinh tế.

1; 2; 3; 4

1.2. Xã hội

- Cơ cấu, đặc điểm dân số (bao gồm di cư do BĐKH), dân tộc, lao động, việc làm.

- Nghèo đói, bất bình đẳng, bình đẳng giới.

- Tác động của BĐKH đến sức khỏe cộng đồng, thực trạng ngành y tế ứng phó với BĐKH (cơ sở vật chất, hệ thống hạ tầng, năng lực đội ngũ...).

1; 2; 3; 4

1.3. Môi trường

- Hiện trạng và sức ép môi trường do các hoạt động phát triển KT-XH (quá trình đô thị hóa, phát triển các ngành kinh tế), thách thức trong công tác BVMT từ các khía cạnh quản lý chất thải, quản lý chất lượng không khí, quản lý tài nguyên đất, nước, ĐDSH, kinh tế biển.

- Hiện trạng rủi ro khí hậu và năng lực chống chịu của các cấp, các ngành.

1; 2; 4

2. Một số ngành, lĩnh vực trọng tâm

2.1. Năng lượng

- Cơ cấu năng lượng theo các dạng năng lượng sơ cấp

1

- Cơ cấu tiêu thụ năng lượng cuối cùng, tiêu thụ điện theo loại năng lượng, theo ngành

- Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ năng lượng cuối cùng

1; 2; 4

- Hiện trạng phát thải KNK theo quá trình biến đổi năng lượng, cường độ năng lượng cuối cùng/ GDP, cường độ phát thải/ GDP23

1; 4

2.2. Công nghiệp

- Cơ cấu ngành CN theo loại hình sản xuất, mức độ ô nhiễm, tỷ trọng phát thải KNK, sản lượng và tỷ trọng đóng góp GDP

- Loại hình CN sản xuất sản phẩm sinh thái, thân thiện môi trường

- Quy hoạch, xây dựng và phát triển khu CN, cụm CN, làng nghề sinh thái, bền vững

1; 3

- Hiện trạng triển khai, áp dụng các quy trình, công nghệ BAT/BEP, sản xuất sạch hơn

- Hiệu suất sử dụng năng lượng, nguyên vật liệu, nước, hóa chất của doanh nghiệp.

1; 2

2.3. Giao thông vận tải

- Cơ sở hạ tầng GTVT: Hiện trạng, quy hoạch, kế hoạch, đầu tư CSHT GTVT, hệ thống giao thông công cộng, hạ tầng chuyển đổi năng lượng xanh (trạm sạc điện, trạm nạp khí,...).

- Vận tải: Hiện trạng cơ cấu thị trường vận tải (theo tỷ lệ % và số liệu cụ thể: khối lượng, lượng luân chuyển của các phương thức vận tải); kết nối các phương thức; hiệu quả hoạt động của các phương thức vận tải và vận tải công cộng; quy hoạch, kế hoạch phát triển thị trường vận tải.

- Đoàn phương tiện: Hiện trạng đoàn phương tiện theo các phương thức vận tải và phân tổ chi tiết trong mỗi phương thức vận tải; theo dạng năng lượng sử dụng.

- Chuyển đổi số trong GTVT: hiện trạng và quy hoạch, kế hoạch phát triển (hỗ trợ quản lý, điều hành GTVT, hỗ trợ hoạt động vận tải/logistics như: ITS, i-Parking, hệ thống tích hợp giao thông công cộng: thẻ tích hợp, MaaS; thu phí tự động (ETC), sàn/platform vận tải,...)

1; 2; 3

2.4. Xây dựng

- Quy hoạch, đầu tư phát triển đô thị TTX, đô thị thông minh bền vững.

- Đầu tư xây dựng, phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị theo hướng xanh, bền vững, chống chịu với BĐKH: hệ thống chiếu sáng công cộng; hệ thống cấp nước; hệ thống thoát nước và xử lý nước thải.

- Đầu tư xây dựng, phát triển công trình xanh, công trình sử dụng năng lượng hiệu quả, công trình phát thải các-bon thấp.

- Sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Vật liệu xây dựng chủ yếu, đặc biệt các loại sản phẩm Vật liệu xây dựng tiết kiệm năng lượng, xanh, phát thải thấp; hiện trạng áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải KNK, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất vật liệu xây dựng.

1; 3; 4

2.5. Nông nghiệp - Thủy sản Phát triển nông thôn

- Giá trị sản xuất và tỷ trọng đóng góp của lĩnh vực nông, lâm nghiệp, diêm nghiệp và thủy sản vào tăng trưởng kinh tế chung.

2

- Diện tích, năng suất, sản lượng của các loại cây trồng chính (lúa, ngô, sắn, cây ăn quả, rau màu); số lượng vật nuôi chính (trâu, bò, bò sữa, lợn, gia cầm) và sản lượng các sản phẩm từ vật nuôi (thịt, trứng, sữa); diện tích và sản lượng nuôi trồng, khai thác thủy sản.

1; 2; 4

- Hiện trạng sử dụng hoá chất và thuốc bảo vệ thực vật trong nông nghiệp.

- Số cơ sở chăn nuôi/trang trại có hệ thống biogas.

- Diện tích cây trồng và giá trị sản phẩm khi áp dụng quy trình VIETGAP.

4

2.6. Lâm nghiệp

- Cơ cấu ba loại rừng, loại rừng phân theo nguồn gốc rừng.

- Diễn biến diện tích rừng cho từng trạng thái rừng, sản lượng khai thác.

- Diện tích rừng bị mất theo các loại nguyên nhân (phả rừng, cháy rừng, sâu bệnh hại rừng, chuyển đổi mục đích sử dụng).

- Tình hình thực hiện công tác bảo vệ và phát triển rừng.

- Tình hình đầu tư cho phát triển lâm nghiệp.

- Diện tích tiềm năng cho phát triển rừng (phục hồi rừng tự nhiên, trồng rừng, trồng rừng nông lâm kết hợp,...).

1, 4

2.7. Quản lý chất thải

- Hiện trạng quản lý chất thải rắn nguy hại, chất thải rắn sinh hoạt.

- Hiện trạng thực hiện công tác phân loại tại nguồn.

- Hiện trạng thu gom và vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt.

- Hiện trạng xử lý, tái chế và chôn lấp chất thải rắn.

1; 4

2.8. Quản lý chất lượng không khí24

- Hiện trạng và xu hướng diễn biến chất lượng không khí.

- Hiện trạng và xu hướng phát thải các chất ô nhiễm không khí từ các nguồn phát thải (công nghiệp, năng lượng, giao thông, nông nghiệp, xây dựng).

- Hiện trạng và xu hướng đầu tư, vận hành các hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí xung quanh.

- Hiện trạng và xu hướng đầu tư, vận hành các hệ thống quan trắc khí thải của các cơ sở sản xuất; hệ thống truyền số liệu quan trắc khí thải tự động, liên tục từ các cơ sở sản xuất về cơ quan có thẩm quyền tại địa phương và TW.

- Hiện trạng và xu hướng đầu tư cải tiến và đổi mới công nghệ kiểm soát phát thải, tiết kiệm năng lượng và thu hồi nhiệt của các cơ sở sản xuất thuộc các ngành năng lượng, công nghiệp hướng tới đạt đồng lợi ích về giảm thiểu phát thải các chất ô nhiễm không khí và phát thải KNK.

1; 3; 4

2.9. Quản lý tài nguyên nước, đất đai, ĐDSH

- Biến động diện tích đất, diện tích đất bị thoái hóa, diện tích đất bị ô nhiễm.

- Tổng lượng nước mặt các lưu vực sông chính, mức thay đổi tổng lượng nước mặt các lưu vực sông chính, mức thay đổi mực nước dưới đất.

- Tỷ lệ diện tích các khu bảo tồn thiên nhiên, tỷ lệ diện tích hệ sinh thái tự nhiên suy thoái được phục hồi.

1; 4

2.10. Kinh tế biển

- Hiện trạng đánh bắt hải sản, nuôi trồng thủy sản bền vững.

2; 3

- Hiện trạng quy hoạch và phát triển năng lượng tái tạo trên biển.

2

- Hiện trạng phát triển hệ thống công viên biển, bảo tàng hải dương học.

3

- Hiện trạng công tác thăm dò, khảo sát, lưu trữ, chia sẻ dữ liệu về biển.

1,2

2.11. Tiêu dùng và mua sắm bền vững

- Hiện trạng mua sắm và tiêu dùng (các sản phẩm xanh có sẵn trên thị trường, khối lượng và tổng giá trị mua sắm xanh...) của chính quyền địa phương, doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình.

- Nguyên tắc, quy định, thực trạng, giám sát, đánh giá, đo lường, thống kê về tiêu dùng và mua sắm bền vững.

- Kinh nghiệm trong nước, quốc tế và khả năng áp dụng của địa phương.

1,3

2.12. Du lịch xanh và xanh lam

- Cơ sở pháp lý cho phát triển du lịch xanh.

2

- Hiện trạng công tác xây dựng hệ thống đánh giá mức độ xanh, chứng nhận xanh cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch.

- Hiện trạng công tác thiết kế sản phẩm du lịch xanh, điểm đến du lịch xanh.

- Hiện trạng xanh hóa hoạt động du lịch và ứng dụng công nghệ số, công nghệ xanh, sạch trong các cơ sở dịch vụ và cơ sở lưu trú du lịch.

2; 3

- Hiện trạng kinh tế tuần hoàn trong chuỗi giá trị ngành du lịch địa phương.

- Hiện trạng công tác quản lý và chia sẻ dữ liệu giữa doanh nghiệp và chính quyền.

3

2.13. Nguồn lực tài chính, đầu tư cho TTX

- Thực trạng công cụ huy động nguồn lực cho tài chính xanh: tín dụng xanh, trái phiếu xanh.

1,3

- Rà soát quy định pháp luật hiện hành về ưu đãi cho tài chính và đầu tư xanh.

1

- Rà soát các quy định và thực trạng các khoản chi về nguồn vốn ngân sách cho TTX: thuế, ODA, chi đầu tư, chi thường xuyên.

1; 4

- Rà soát thực trạng về các nguồn vốn hỗ trợ của các tổ chức quốc tế, các nhà đầu tư nước ngoài cho TTX.

1; 3; 4

2.14. Khoa học và công nghệ, ĐMST, chuyển đổi số

- Công tác phát triển thị trường khoa học, công nghệ

2

- Thực trạng hệ thống ĐMST địa phương

3

- Thực trạng đầu tư cho các nghiên cứu, giải pháp khoa học công nghệ nhằm hỗ trợ kinh tế tuần hoàn, cơ cấu lại các ngành kinh tế theo hướng chuyển đổi từ nâu sang xanh, nâng cao hiệu suất sử dụng tài nguyên

2; 3

- Mối quan hệ và thực trạng hỗ trợ lẫn nhau giữa kinh tế số và kinh tế xanh

1; 2; 3

IV.2. Phân tích hiện trạng phát thải khí nhà kính

Các nguồn phát thải KNK: (i) năng lượng; (ii) quy trình công nghiệp và sử dụng sản phẩm; (iii) nông nghiệp, lâm nghiệp và sử dụng đất (AFOLU); và (iv) chất thải. Trong đó, năng lượng là một trong những nguồn phát thải KNK lớn nhất hiện nay, do vậy, nội dung này tập trung hướng dẫn phương pháp tính toán phát thải KNK do sử dụng và khai thác năng lượng. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương có thể tham khảo thêm các phương pháp, công cụ phân tích hiện trạng phát thải KNK khác phù hợp với nội dung cần đánh giá, sự sẵn có của số liệu và năng lực thực hiện.

Phạm vi tính toán KNK trong lĩnh vực năng lượng:

- Phát thải tiêu thụ: Phát thải do sử dụng các dạng năng lượng (than, sản phẩm dầu, điện...) trong (i) sản xuất điện; (ii) sản xuất công nghiệp; (iii) vận tải hàng hóa, hành khách; (iv) sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản; (v) dân dụng; (vi) thương mại dịch vụ.

- Phát thải phát tán: Phát thải có chủ định và không có chủ định từ quá trình khai thác và lưu trữ trong hoạt động khai thác than, dầu, khí.

Phương pháp tính toán phát thải khí nhà kính

(1) Phát thải do sử dụng năng lượng

Phát thải KNK từ ngành năng lượng sẽ được tính toán cụ thể đối với từng dạng công nghệ bằng công thức:

Phát thải tiêu thụ nhiên liệu = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải

Trong đó:

- Số liệu hoạt động: Lượng nhiên liệu tiêu thụ

- Hệ số phát thải nhiên liệu: Lượng CO2 phát thải trên một đơn vị nhiên liệu tiêu thụ được tham khảo theo hệ số phát thải nhiên liệu tiêu chuẩn từ Hướng dẫn kiểm kê KNK của IPCC (2006).

Riêng Hệ s phát thải lưới điện được tính theo 2 cách tiếp cận:

Cách 1: Sử dụng hệ số phát thải lưới điện theo công bố hàng năm của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Bộ TNMT).

Hệ số phát thải lưới điện là hệ số phát thải biên kết hợp được tính toán tổng hợp từ Hệ số phát thải biên vận hành EFgird, OM và Hệ số phát thải biên xây dựng EFgrid, BM.

Điểm thuận lợi theo cách này là hệ số sẵn có, được tính và công bố hàng năm bởi Bộ TNMT với độ trễ là hai năm. Điểm hạn chế theo cách này là không có số liệu về Hệ số phát thải lưới điện dự báo cho tương lai.

Cách 2: Sử dụng hệ số phát thải trung bình

Hệ số phát thải trung bình là Cường độ phát thải điện năng được tính bằng tỷ lệ giữa tổng lượng phát thải KNK (tấn CO2 tương đương) và tổng lượng điện phát (MWh).[1]

Điểm thuận lợi của phương pháp này là có thể tính toán và dự báo hệ số phát thải trong tương lai dựa trên dự báo về lượng điện sản xuất và cơ cấu phát điện trong Quy hoạch phát triển hệ thống điện. Điểm hạn chế là hệ số không sẵn có, cần phải tính toán dựa trên các số liệu thứ cấp thu thập được. Độ chính xác sẽ phụ thuộc vào độ chính xác của nguồn số liệu thứ cấp.

Các hệ số phát thải nhiên liệu có thể được tham khảo từ các nguồn như IPCC (2006); và các nguồn cập nhật khác. Hệ số phát thải lưới điện có thể tham khảo từ các nghiên cứu xây dựng hệ số phát thải của lưới điện Việt Nam các năm 2018, 2019, 2020 và các nghiên cứu cập nhật khác của Bộ TNMT cũng như theo tính toán chuyên gia.

(2) Phát thải phát tán do khai thác năng lượng

Phát thải phát tán từ nhiên liệu = Số liệu hoạt động x Hệ số phát thải

Số liệu hoạt động là lượng nhiên liệu (than, dầu, khí) khai thác, lưu trữ, vận chuyển.

Hệ số phát thải phát tán có thể được tham khảo từ các nguồn như IPCC (2006) và các nguồn cập nhật khác.

IV.3. Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện tăng trưởng xanh của ngành, địa phương giai đoạn trước

IV.3.1. Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh của ngành và địa phương giai đoạn trước

Chỉ tiêu

Mục tiêu đến 2020

Kết quả thực hiện

Ghi chú

(Đánh giá đạt/chưa đạt; Lưu ý về kết quả thực hiện có điều chỉnh gì so với mục tiêu đề ra, những hạn chế (nếu có) khi thu thập số liệu đánh giá mục tiêu)

I

II

III

IV

IV.3.2. Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động tăng trưởng xanh của bộ, ngành/địa phương giai đoạn trước

Hoạt động chủ trì theo Quyết định ban hành KHHĐ giai đoạn trước

Báo cáo kết quả thực hiện tại địa phương

I

II

III

VI

V

VI

VII

VIII

IX

Số hoạt động

Tên hoạt động/lĩnh vực

Có thực hiện tại bộ, ngành/ địa phương?

1: Có

0: Không (chuyển cột VI, VII, VIII)

Đơn vị chủ trì/ phối hợp

Nội dung đã làm được

Nội dung chưa làm được

Khó khăn

Nguyên nhân

Kinh phí thực hiện (nếu có) - Nguồn kinh phí

IV.4. Mẫu biểu rà soát văn bản chính sách

Tên và số hiệu văn bản

Ngày ban hành

Loại văn bản

Cơ quan đầu mối

Thời kỳ

Có nội dung liên quan/có thể áp dụng đối với đối tượng, phạm vi địa lý:

1: QG | 2: Bộ, ngành | 3: Vùng | 4: Tỉnh

Liệt kê nội dung cột VI

Đánh giá nội dung cột VII đối với TTX

1: Mâu thuẫn

2: Đồng hướng/Tương tự

3: Khác/Không có, nhưng nên lưu ý khi xây dựng văn bản liên quan đến TTX

Đề xuất điều chỉnh, bổ sung đối với TTX

Cấp độ:

1: Luật

2: Nghị quyết (TW, QH, CP)

3: Nghị định

4: QĐ-TTg

5: Thông tư

6: QĐ-UBND;

7: QĐ của Bộ

Tính chất:

1: Chiến lược;

2: Quy hoạch

3: kế hoạch

4: Chương trình, đề án

5: Khác

Soạn thảo

Ban hành

Mục tiêu/Định hướng

Nhiệm vụ/Giải pháp

Đánh số

Cung cấp thông tin giải thích

(I)

(II)

(III.1)

(III.2)

(IV.l)

(IV.2)

(V)

(VI)

(VII.1)

(VII.2)

(VIII.l)

(VIII.2)

(IX)

IV.5. Phân tích “Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức” (SWOT)

Phân tích SWOT là một công cụ phân tích hỗ trợ ra quyết định phổ biến, được áp dụng rộng rãi trong nhiều ngành, lĩnh vực. Công cụ này giúp đánh giá các các yếu tố bên trong và bên ngoài có ảnh hưởng đến ngành, lĩnh vực nghiên cứu, từ đó xác định các định hướng và giải pháp phát triển phù hợp. SWOT là viết tắt của 4 từ Tiếng Anh: Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức). Trong đó, điểm mạnh và điểm yếu là các yếu tố bên trong mà ngành, lĩnh vực có thể kiểm soát và chủ động giải quyết; cơ hội và thách thức là các yếu tố bên ngoài tồn tại khách quan nằm ngoài sự kiểm soát của ngành, lĩnh vực.

Phân tích SWOT có một số ưu điểm25 và nhược điểm26 cần xem xét khi sử dụng và kết hợp với các phương pháp khác để đạt được hiệu quả phân tích mong muốn. Bên cạnh đó, để triển khai phân tích SWOT hiệu quả, cần sự tham gia của một hoặc một số nhóm cán bộ, chuyên gia có hiểu biết, đại diện cho các bên liên quan đến vấn đề TTX đang nghiên cứu. Từng người trong nhóm có thể phân tích SWOT độc lập sau đó cùng đưa ra trao đổi thảo luận để thống nhất bảng phân tích SWOT chung, các vấn đề ưu tiên và giải pháp. Bảng phân tích SWOT cần ngắn gọn, súc tích nhưng đủ ý. Lưu ý có thể thực hiện nhiều phân tích SWOT cho các cấp khác nhau, cho từng ngành, lĩnh vực trọng tâm hoặc cho từng vấn đề TTX cụ thể rồi tổng hợp lại.

Các bước thực hiện phân tích SWOT bao gồm:

- Xác định mục tiêu và phạm vi phân tích SWOT: (1) Làm rõ việc phân tích SWOT nhằm thực hiện TTX; (2) Xác định việc phân tích SWOT thực hiện cho cấp nào (quốc gia, vùng, tỉnh) và/hoặc cho ngành, lĩnh vực nào.

- Nghiên cứu bối cảnh và thực trạng: Tổng quan (1) bối cảnh trong và ngoài nước/vùng/tỉnh; (2) tổng thể nền kinh tế và/hoặc cho từng ngành, lĩnh vực trọng tâm.

- Liệt kê các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức. Trong đó:

+ Điểm mạnh có thể là những điểm hiện nay đã làm tốt, mang lại sự cải thiện nổi bật, tiếng vang tích cực và cần được phát huy. Kết quả của sự thành công phải là giá trị có thể xác định được.

+ Điểm yếu là những điểm làm chưa tốt khiến cho kết quả bị giảm sút, hoặc là những vấn đề cũ đến nay vẫn chưa được giải quyết, cần được sửa đổi

+ Cơ hội bao gồm các yếu tố môi trường và xã hội hiện tại hoặc được dự đoán có khả năng xảy ra trong tương lai, phù hợp để khai thác phát triển kế hoạch

+ Thách thức là những yếu tố môi trường và xã hội hiện tại hoặc được dự đoán có khả năng xảy ra trong tương lai, gây ảnh hưởng tiêu cực tới kế hoạch.

- Xác định ưu tiên từ SWOT: Trên cơ sở các điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội, thách thức đã liệt kê ở bước trên, xác định các vấn đề quan trọng nhất và các vấn đề cần phải được; giải quyết trước và xếp thứ tự ưu tiên.

- Xác định giải pháp để giải quyết các vấn đề ưu tiên đã xác định: có thể thông qua trả lời các câu hỏi sau:

+ Làm thế nào để sử dụng, phát huy các điểm mạnh nhằm tận dụng các cơ hội và ứng phó với các thách thức?

+ Làm thế nào để hạn chế, khắc phục các điểm yếu nhằm tận dụng thời cơ và ứng phó với các thách thức?

Một số nội dung gợi ý phân tích SWOT cho tăng trưởng xanh: (1) các cam kết, hiệp định quốc tế; (2) tăng trưởng và quy mô nền kinh tế; (3) tình hình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển dịch sản xuất; (4) sự vận hành của các thị trường; (5) hành lang pháp lý, khung khổ chính sách và tình hình thực thi; (6) chuyển đổi lao động; (7) tác động của BĐKH toàn cầu, ô nhiễm môi trường, nguồn tài nguyên (trong đó có năng lượng tái tạo); (8) khả năng thu giữ, hấp thụ KNK; (9) kết cấu hạ tầng; (10) năng lực, trình độ công nghệ sản xuất trong nước; (11) thông tin, cơ sở dữ liệu; (12) khả năng huy động nguồn lực và tiếp cận nguồn tài chính xanh; (13) cam kết và hỗ trợ từ quốc tế, trung ương, địa phương; (14) đầu tư tư nhân...

IV.6. Phương pháp, công cụ đánh giá tác động kinh tế - xã hội - môi trường

Một số tiêu chí để xem xét lựa chọn chỉ tiêu đánh giá bao gồm:

- Các chỉ tiêu liên quan trực tiếp đến các định hướng, giải pháp TTX, ưu tiên sử dụng: các chỉ tiêu sẵn có trong Bộ chỉ tiêu thống kê TTX của Việt Nam & các hệ thống chỉ tiêu; thống kê các ngành27.

- Khả năng cung cấp, thu thập số liệu (đặc biệt là nguồn số liệu địa phương) phục vụ tính toán, thống kê đánh giá các chỉ tiêu.

- Các phương pháp áp dụng để đánh giá, cung cấp thông tin, kết quả phục vụ đánh giá các chỉ tiêu không quá phức tạp, không yêu cầu quá nhiều số liệu cần khảo sát, thu thập bổ sung.

Quy ước các nội dung/mức đánh giá:

(1) Bản chất tác động (B)

Bản chất tác động

Ký hiệu

Tác động trực tiếp: giải pháp TTX có khả năng tác động trực tiếp tới chất lượng môi trường, tài nguyên và ĐDSH.

TT

Tác động gián tiếp: giải pháp TTX có khả năng tác động gián tiếp tới chất lượng môi trường, tài nguyên và ĐDSH.

GT

(2) Loại tác động (L)

Loại tác động

Tiêu cực

Tích cực

Tiêu cực và Tích cực

(-)

(+)

(-/+)

(3) Thời gian tác động (T)

(4) Phạm vi tác động (P)

Thời gian tác động

Ký hiệu

Phạm vi tác động

Ký hiệu

Ngắn hạn (2-3 năm)

NH

Địa phương

ĐP

Trung hạn (5-10 năm)

TH

Liên vùng, liên tỉnh

LV, LT

Dài hạn (> 10 năm)

DH

Quốc gia

QG

(Kết quả đánh giá phạm vi tác động cung cấp nhận định về phạm vi của tác động theo không gian và không sử dụng để xác định điểm đánh giá tác động).

(5) Ma trận xác định điểm đánh giá mức độ tác động dựa trên nhận định về bản chất, loại và thời gian tác động

Điểm đánh giá tác động (Đ)

NH

TH

DH

Tổng điểm

(-)

(+)

(-)

(+)

(-)

(+)

Không tác động

0

0

0

0

Tác động trực tiếp (TT)

-...

+...

-...

+...

-...

+...

-...

+...

Tác động gián tiếp (GT)

-...

+…

-...

+…

-...

+…

-...

+...

Chú thích: (-): Tác động tiêu cực I (+): Tác động tích cực

Thang điểm đánh giá mức độ tác động từ 0 đến 3:0: Không tác động; 1. Tác động nhẹ; 2. Tác động trung bình; 3. Tác động mạnh

- Tác động trực tiếp (TT): điểm đánh giá mức độ tác động x trọng số đánh giá: 2

- Tác động gián tiếp (GT): điểm đánh giá mức độ tác động x trọng số đánh giá: 1

Tổng điểm: là tổng điểm đánh giá tác động của cả 03 giai đoạn ngắn hạn (NH), trung hạn (TH), dài hạn (DH).

Mẫu tổng hợp đánh giá tác động kinh tế-xã hội-môi trường

TT

Giải pháp TTX

Chỉ tiêu đánh giá 1

Chỉ tiêu đánh giá 2

Chỉ tiêu đánh giá 3

Chỉ tiêu khác

B

L

T

P

Đ

B

L

T

P

Đ

B

L

T

P

Đ

B

L

T

P

Đ

A

Kịch bản cơ sở

Giải pháp A

….

B

Kịch bản BAU

Giải pháp A

....

C

Kịch bản TTX

Giải pháp A

….

Ghi chú: B = Bản chất tác động; L = Loại tác động; T = Thời gian tác động; P = Phạm vi tác động; Đ = Điểm đánh giá tác động

IV.7. Danh mục loại hình dự án tăng trưởng xanh

Các dự án TTX là các dự án được đầu tư nhằm đạt được lợi ích về kinh tế, bền vững về môi trường và công bằng về xã hội. Các dự án TTX cần đáp ứng các điều kiện:

- Có hiệu quả kinh tế và hỗ trợ chuyển đổi sang nền kinh tế xanh.

- Đạt được một trong các mục tiêu về môi trường như: giảm thiểu BĐKH; thích ứng với BĐKH; sử dụng bền vững và bảo vệ nguồn tài nguyên; bảo vệ, phục hồi ĐDSH và hệ sinh thái.

- Không gây tác động tiêu cực và/hoặc có các biện pháp đảm bảo tính bình đẳng và bao trùm trong quá trình triển khai.

Một số loại hình dự án TTX có thể tham khảo như sau:

(1) Năng lượng và công nghiệp:

- Sản xuất điện từ năng lượng mặt trời, từ năng lượng gió (điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi), từ địa nhiệt, từ năng lượng sinh học.

- Sản xuất nhiệt hoặc làm mát từ năng lượng mặt trời, địa nhiệt, nhiên liệu sinh học.

- Sản xuất, chế biến nhiên liệu, khí sinh học.

- Xây dựng, lắp đặt, vận hành các hệ thống lưu trữ, truyền tải, phân phối điện, nhiệt, khí sản xuất từ năng lượng tái tạo; nhiên liệu Hydrogen (H2).

- Đầu tư nhằm tiết kiệm năng lượng cho các ngành công nghiệp Việt Nam; đầu tư phát triển khu công nghiệp sinh thái.

- Thúc đẩy thay thế công nghệ cũ, lạc hậu sang công nghệ BAT tiết kiệm năng lượng, năng suất cao, thân thiện môi trường; đầu tư cải thiện hiệu suất thiết bị sử dụng năng lượng; phát triển các loại hình công nghệ thông minh, phát thải các bon thấp.

- Tận dụng tái chế chất thải hướng tới mô hình kinh tế xanh, tuần hoàn.

(2) Xây dựng

- Tăng cường năng lực cho các đối tượng có liên quan trong lĩnh vực quy hoạch, phát triển đô thị TTX, hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh, có năng lực chống chịu với BĐKH; lĩnh vực công trình xanh, công trình hiệu quả năng lượng, công trình phát thải các- bon thấp, công trình PTR0.

- Phát triển đô thị TTX theo hướng đô thị thông minh bền vững, đô thị phát thải các- bon thấp, chống chịu với BĐKH28; phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị xanh, thông minh (cấp thoát nước; thu gom và xử lý nước thải, bùn thải đô thị; chiếu sáng đô thị,...); phát triển công trình phát thải các-bon thấp, PTR0.

- Phát triển VLXD xanh, thân thiện với môi trường (cải tiến công nghệ, thiết bị sản xuất VLXD; chứng nhận, dán nhãn sản phẩm VLXD xanh, tiết kiệm năng lượng, phát thải thấp; sử dụng nguyên vật liệu từ tro bay nhiệt điện, chất thải công nghiệp tái chế, chất thải xây dựng tái chế để sản xuất vật liệu xây dựng,...).

(3) Giao thông vận tải và logistics

- Xây dựng, nâng cấp sân bay, cảng hàng không, đường bộ cao tốc, mở rộng mạng; lưới đường bộ, đường sắt quốc gia, đường sắt tốc độ cao, các nhánh đường sắt kết nối cảng biển, các cảng thủy nội địa, cảng biển, các tuyến vận tải thủy nội địa, luồng hàng hải vào: các bến cảng, hệ thống phao tiêu, dẫn đường hàng hải; cải tạo tĩnh không các cầu đường bộ - đường sắt cắt qua tuyến đường thủy nội địa quốc gia; chuyển đổi các cảng biển, cảng: thủy nội địa, cảng hàng không, nhà ga, bến xe, trạm dừng nghỉ hiện hữu và xây mới đạt tiêu chí “xanh”.

- Xây dựng hạ tầng phục vụ chuyển đổi năng lượng xanh trong GTVT (trạm sạc, trạm nạp khí, nguồn cấp năng lượng, depot cho phương tiện, hạ tầng cung cấp năng lượng xanh; trên hệ thống quốc lộ và tại các đô thị, khu dân cư, đường sắt đô thị điện khí hóa, xe buýt điện, taxi điện...); Đầu tư nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng trong các hoạt động; GTVT, hiệu quả vận tải và logistics.

- Xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông đô thị, GTVT công cộng, phát triển hạ tầng GTVT công cộng khối lượng lớn (hệ thống metro, đường sắt đô thị, đường sắt nhẹ...),: hạ tầng giao thông phi cơ giới...

- Tái sinh, tái chế nền, mặt đường cũ, gia cố đất tại chỗ làm nền, móng đường; tận dụng vật liệu tại chỗ, vật liệu thải, vật liệu là sản phẩm phụ và phế phẩm của các quá trình sản xuất công nghiệp để làm đường.

- Xây dựng các công trình bằng công nghệ mới phát thải thấp (công nghệ nguội, ấm trong làm đường thay cho công nghệ nóng như: nhũ tương nhựa, bê tông nhựa ấm, hỗn hợp đá nhựa nguội, tái chế nguội, tái chế ấm...); công trình tích hợp chức năng cải thiện môi trường (mặt đường có khả năng hấp thụ khí thải, mặt đường tích hợp chức năng sạc không tiếp xúc cho xe điện...).

- Đầu tư xây dựng CSHT logistics; phát triển chuỗi cung ứng dịch vụ logistics kết nối các kho bãi, bến cảng, đơn vị vận tải, phương tiện chuyên chở, người vận chuyển để hướng tới giảm giá thành chi phí logistics trên cơ sở số hóa thông tin và vận hành theo mô; hình kinh tế số.

- Đầu tư sản xuất, chế tạo, lắp ráp, nhập khẩu và khai thác đoàn phương tiện phát thải các-bon thấp, PTR0; đầu tư và triển khai công nghệ cải tiến phương tiện theo hướng giảm phát thải KNK, nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng.

- Đầu tư chuyển đổi số, phát triển CSHT và hệ thống giám sát, điều hành và quản lý các hoạt động giao thông và vận tải (ITS, giám sát hành trình, thu phí điện tử, tích hợp phương thức: MaaS, chia sẻ/đi chung,...); sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo trong vận hành, khai thác các công trình CSHT GTVT.

- Đầu tư các chương trình/hoạt động/dự án nghiên cứu khoa học, nghiên cứu phát triển, thử nghiệm đánh giá, sản xuất thử; đầu tư, chuyển giao công nghệ, cung cấp giải pháp công nghệ xanh trong xây dựng, quản lý và khai thác vận hành các công trình hạ tầng GTVT, logistics.

- Các dịch vụ liên quan đến TTX trong GTVT: các dịch vụ mới giúp nâng cao hiệu quả vận tải theo hướng giảm phát thải KNK (phương thức MaaS, chia sẻ/đi chung, xe tự lái,...); xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn; khảo sát, thu thập và phân tích số liệu; đào tạo, nghiên cứu, phát triển hệ thống, chuyển giao công nghệ; kiểm kê KNK, MRV; xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại, tư vấn tiếp cận các định chế tài chính xanh; phát triển thị trường các-bon ngành GTVT; quản lý, thu gom, lưu giữ, vận chuyển, xử lý chất thải tại các cảng, bến, bến thủy nội địa theo hướng giảm phát thải KNK....).

- Các mô hình kinh tế tuần hoàn liên quan đến chuỗi cung ứng trong GTVT.

- Phát triển và tăng cường năng lực cho đội ngũ trong lĩnh vực GTVT về TTX và phát triển bền vững; hỗ trợ kỹ thuật về TTX trong GTVT; truyền thông về TTX trong GTVT.

(4) Bảo vệ môi trường và quản lý tài nguyên

- Các dự án Phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn; tái sử dụng, tái chế chất thải.

- Các dự án khai thác, xử lý và cung cấp nước sạch hiệu quả; dự án lắp đặt, vận hành hệ thống tiết kiệm tài nguyên nước; hệ thống khử mặn nước biển và nước lợ; hệ thống thông minh tiêu thoát nước chống ngập úng; hệ thống tuần hoàn nước.

- Các dự án bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái tự nhiên, phục hồi các hệ sinh thái bị suy thoái.

(5) Nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản

- Các dự án ứng dụng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng TTX: mô hình kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp; mô hình nông nghiệp liên kết các lĩnh vực xanh (du lịch, bảo tồn,...); mô hình nông nghiệp thông minh (CSA), mô hình thực hành trồng trọt thủy canh, khí canh; mô hình cánh đồng lớn thực hiện các giải pháp thích ứng BĐKH; mô hình thực hành trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt (GAP); mô hình chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH); mô hình sử dụng khí sinh học trong chăn nuôi; mô hình nông nghiệp công nghệ cao; mô hình nông nghiệp sinh thái; mô hình tưới tiết kiệm nước; mô hình sinh kế hiện đại, bền vững khác,...

- Hệ thống theo dõi sản xuất nông nghiệp thông minh giảm thiểu lạm dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, và lượng hạt giống gieo (chương trình 3 giảm) trên các cánh đồng mẫu lớn.

- Công nghệ sản xuất nông nghiệp sạch, tạo ra đột phá về năng suất, chất lượng nông sản và giảm thiểu sử dụng hóa chất; công nghệ xử lý rác thải xanh, hạn chế phát thải KNK.

- Bảo vệ, duy trì và phát triển hệ sinh thái rừng tự nhiên, phục hồi hệ sinh thái rừng bị suy thoái; tăng cường trữ lượng các bon, bảo tồn trữ lượng các bon và quản lý rừng bền vững; trồng 1 tỷ cây xanh, trong đó lưu ý đảm bảo tính ĐDSH và yếu tố bản địa.

- Tăng cường năng lực quản trị rừng cho các chủ rừng thông qua việc thiết lập hệ thông giám sát và đánh giá tài nguyên rừng.

- Các dự án phát triển sinh kế bền vững thông qua các mô hình phát triển lâm sản ngoài gỗ, nông nghiệp bền vững không làm mất rừng.

(6) Quản lý rủi ro và tăng cường năng lực chống chịu

- Hiện đại hóa hệ thống quan trắc, thông tin, tăng cường năng lực dự báo nhằm tăng cường năng lực cảnh báo, ứng phó BĐKH và giảm nhẹ thiên tai; xây dựng và duy trì hệ thống quản lý rủi ro thiên tai và BĐKH trực tuyến.

- Nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, công trình phòng tránh thiên tai, đảm bảo khả năng chủ động ứng phó với thiên tai, bảo đảm an toàn đập, hồ chứa nước.

- Ứng dụng công nghệ xanh bảo vệ các khu dân cư, khu công nghiệp, và các khu vực dễ bị tổn thương do thiên tai.

- Tăng cường năng lực cộng đồng trong giảm nhẹ rủi ro thiên tai nhằm giảm thiểu khả năng dễ bị tổn thương và tăng mức độ sẵn sàng ứng phó với các hiện tượng thời tiết, khí hậu cực đoan.

IV.8. Phương pháp xác định ưu tiên và ước tính nhu cầu đầu tư

Phương pháp xác định dự án tăng trưởng xanh ưu tiên

Việc lựa chọn dự án TTX để đầu tư cần được xem xét dựa trên các tiêu chí:

- Tính đồng lợi ích: Dự án TTX được đánh giá tính đồng lợi ích trên 3 khía cạnh: kinh tế, xã hội và môi trường.

+ Tác động về KT-XH: cần xem xét đến mức độ tác động giữa hiệu quả kinh tế và các yếu tố xã hội như: tác động đến người dân địa phương, sự bình đẳng giới trong lực lượng lao động của dự án...

+ Tác động về môi trường: đánh giá tác động về môi trường của dự án trên các khía cạnh: lượng phát thải nhà kính, hiệu quả sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải pháp nhằm hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường, xử lý chất thải, rác thải của dự án.

- Tính tác động lan tỏa liên ngành, liên vùng, liên đối tượng: Dự án TTX cần được xem xét trong tổng thể quy hoạch và chiến lược phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, vùng và quốc gia trong giai đoạn tiếp theo.

- Khả năng huy động nguồn lực: Xem xét các điều kiện, nguyên tắc lựa chọn dự án đầu tư theo tính chất nguồn vốn.

+ Đối với nguồn vốn trong nước như nguồn vốn ngân sách, nguồn vốn ODA và nguồn phát hành trái phiếu địa phương, cần xem xét sự phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công và khả năng huy động các nguồn vốn khác đối với chương trình, dự án sử dụng nhiều nguồn vốn; Hiệu quả KT-XH của dự án; Tác động môi trường của dự án; Tác động của dự án đối với kế hoạch đầu tư công trung hạn.

+ Đối với các nguồn vốn huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân (phát hành trái phiếu doanh nghiệp, tín dụng xanh), việc lựa chọn dự án ưu tiên được xem xét dựa vào các yếu tố tính hiệu quả, khả thi, khả năng trả nợ của dự án; phù hợp với các quy định pháp luật liên quan về BVMT.

+ Đối với các nguồn vốn quốc tế: xem xét các lĩnh vực ưu tiên cấp vốn, các điều kiện lựa chọn dự án của mỗi tổ chức quốc tế theo từng chương trình.

- Tính không hối tiếc/ hối tiếc thấp: dự án TTX bảo đảm vừa hỗ trợ giảm nhẹ vừa hỗ trợ thích ứng với BĐKH, có hiệu quả về chi phí lợi ích, ít có khả năng triệt tiêu hoặc cản trở các lựa chọn giải pháp khác trong tương lai, ít có khả năng ảnh hưởng đến ngành hay khu vực khác và có thể linh hoạt điều chỉnh để phù hợp với các diễn biến mới.

- Tính bao trùm: ngoài việc tạo ra giá trị kinh tế, dự án cần góp phần đạt mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển bao trùm của địa phương.

Nguyên tắc tính chi phí đầu tư

- Chi phí đầu tư của dự án được xác định là tổng mức đầu tư bao gồm toàn bộ chi phí đầu tư, xây dựng (bao gồm cả lãi vay), là giới hạn tối đa của dự án được xác định trong quyết định đầu tư.

- Chi phí đầu tư của các dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nước ngoài đầu tư công, dự án PPP phải được xác định theo quy định tại Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Xây dựng và các văn bản pháp lý khác có liên quan, đảm bảo mục tiêu đầu tư, hiệu quả dự án, phù hợp với trình tự đầu tư và nguồn vốn sử dụng.

- Chi phí đầu tư của dự án được xác định căn cứ cơ sở dữ liệu từ phương án thiết kế sơ bộ của dự án về quy mô, công suất, năng lực phục vụ của công trình thuộc dự án.

- Tham khảo danh mục văn bản quy phạm pháp luật về đầu tư và định mức đầu tư29.

Các bước tính chi phí đầu tư

- Giai đoạn chuẩn bị dự án gồm các công việc: khảo sát xây dựng; lập, thẩm định, Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, quyết định hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết dự án, lập; lập, thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi để phê duyệt/quyết định đầu tư dự án và thực hiện các công việc cần thiết khác liên quan đến chuẩn bị dự án. Trong giai đoạn này, chủ đầu tư phải tính toán sơ bộ các chi phí cho các hạng mục đầu tư. Đồng thời có sẵn nguồn tài chính để trả cho các chi phí nghiên cứu khả thi, chi phí ký quỹ để thực hiện dự án.

- Giai đoạn thực hiện dự án gồm các công việc: chuẩn bị mặt bằng xây dựng, đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn (nếu có); lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế, dự toán dự án, xin cấp giấy phép xây dựng; lựa chọn nhà thầu và ký kết hợp đồng xây dựng, thi công, giám sát thi công, mua sắm máy móc, thiết bị và các thỏa thuận khác; tạm ứng, thanh toán khối lượng hoàn thành; vận hành, chạy thử; nghiệm thu hoàn thành các hạng mục dự án; bàn giao dự án và đưa vào sử dụng và các công việc cần thiết khác. Chủ đầu tư cần tính toán chi tiết chi phí các hạng mục đầu tư, bao gồm chi phí lãi vay. Chủ đầu tư lên phương án huy động các nguồn lực tài chính dựa trên hồ sơ dự án đã được duyệt.

Kết thúc giai đoạn này chủ đầu tư quyết toán các hợp đồng xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị máy móc và quyết toán dự án hoàn thành, xác nhận hoàn thành công trình, bàn giao các hồ sơ liên quan và các công việc cần thiết khác.

- Giai đoạn vận hành và bảo trì dự án: Các chi phí cho giai đoạn này gồm các chi phí thường xuyên như chi phí đầu vào, chi phí nhân lực, chi phí bảo hành, bảo trì, chi phí khấu hao, chi phí lãi vay và các chi phí khác.

Bảng các hạng mục chi phí đầu tư tham khảo cho một số ngành, lĩnh vực

TT

Hạng mục chi phí

I

Chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

Bao gồm: (1) Chi phí bồi thường về đất, nhà, công trình trên đất, các tài sản gắn gắn liền với đất, trên mặt nước và chi phí bồi thường khác theo quy định; (2) Các khoản hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất; (3) Chi phí tái định cư; (4) Chi phí tổ chức bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; (5) Chi phí sử dụng đất, thuê đất tính trong thời gian xây dựng; (6) Chi phí di dời, hoàn trả cho phần hạ tầng kỹ thuật đã được đầu tư xây dựng phục vụ giải phóng mặt bằng và chi phí có liên quan khác.

*Lưu ý:

- Áp dụng đối với các dự án đầu tư xây dựng.

- Dựa trên cơ sở phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư của dự án và các chế độ, chính sách của Nhà nước có liên quan.

II

Chi phí xây dựng: Bao gồm: (1) Chi phí nhân công; (2) Chi phí máy và thiết bị thi công; (3) Chi phí vật tư; (4) Chi phí trang bị bảo hộ, an toàn lao động và BVMT cho người lao động và môi trường xung quanh; (5) Chi phí vận chuyển máy móc, thiết bị thi công và lực lượng lao động đến và ra khỏi công trường; (6) Chi phí bảo đảm an toàn giao thông phục vụ thi công (nếu có).

*Lưu ý:

- Đối với các dự án đầu tư xây dựng, gồm: Chi phí xây dựng các công trình, hạng mục công trình của dự án, hạng mục xây dựng tạm, phụ trợ phục vụ thi công; Chi phí phá dỡ các công trình xây dựng không thuộc phạm vi công tác phá dỡ giải phóng mặt bằng đã xác định trong chi phí bồi thường, hỗ trợ và tái định cư

- Đối với các dự án đầu tư CNTT thì là Chi phí xây lắp, bao gồm: Chi phí lắp đặt phụ kiện mạng, đi dây cho mạng CNTT và các chi phí khác phục vụ cho lắp đặt mạng; Các chi phí xây lắp trực tiếp khác có liên quan)

II

Chi phí thiết bị: Bao gồm mua sắm thiết bị công nghệ (kể cả thiết bị công nghệ cần sản xuất, gia công), lắp đặt và thí nghiệm, hiệu chỉnh thiết bị, vận chuyển, bảo hiểm thiết bị, đào tạo và chuyển giao công nghệ

III

Chi phí quản lý

*Lưu ý: được tính bằng 3,0% của tổng chi phí xây dựng và chi phí thiết bị, gồm: chi phí tổ chức quản lý công trình từ giai đoạn chuẩn bị đến khi kết thúc, nghiệm thu đưa vào khai thác sử dụng

IV

Chi phí tư vấn đầu tư xây dựng

*Lưu ý: được xác định bằng d toán chi tiết, gồm: khảo sát; lập thiết kế, dự toán; giám sát và các chi phí tư vấn khác có liên quan

V

Chi phí khác: Có thể cân nhắc: (1) Rà phá bom mìn, vật nổ; (2) Xây dựng nhà tạm tại hiện trường để ở và điều hành thi công; chi phí hoàn trả, phục hồi hạ tầng bị ảnh hưởng khi thi công; (3) Bảo hiểm công trình trong thời gian thực hiện. Trường hợp công trình thuộc đối tượng khuyến khích mua bảo hiểm thì kinh phí mua bảo hiểm được tính vào tổng mức đầu tư xây dựng công trình; (4) Kiểm toán, thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư; (5) Kiểm tra, nghiệm thu trong quá trình thi công và khi nghiệm thu hoàn thành của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; (6) Nghiên cứu khoa học công nghệ liên quan; lãi vay trong thời gian xây dựng (trừ giá trị sản phẩm thu hồi được; (7) Thuế tài nguyên, phí và lệ phí theo quy định; (8) Các chi phí thực hiện các công việc khác.

VI

Chi phí dự phòng: Bao gồm (1) Chi phí dự phòng cho khối lượng công việc phát sinh được tính bằng 5,0% của tổng chi phí xây dựng, chi phí thiết bị, chi phí quản lý, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng và chi phí khác; (2) Chi phí dự phòng cho yếu tố trượt giá được xác định trên cơ sở thời gian xây dựng công trình (tính bằng tháng, quý, năm), khả năng biến động giá trong nước và quốc tế.

Tổng Hạng mục chi phí (I+II+III+IV+V+VI)

IV.9. Danh mục các nguồn tài chính, đầu tư có thể huy động

(1) Nguồn vốn ngân sách (vốn đầu tư công)

- Đối tượng áp dụng: UBND các cấp, cơ quan, đơn vị sử dụng vốn đầu tư công có dự án được bố trí vốn theo kế hoạch đầu tư công đã được cấp có thẩm quyền quyết định. Chủ đầu tư tư nhân có thể huy động vốn từ nguồn đầu tư công thông qua việc tham gia đầu tư dự án PPP theo quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.

- Văn bản pháp lý quy định: Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư theo phương thức PPP 2020, Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công.

(2) Nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài

- Đối tượng áp dụng: Doanh nghiệp nhà nước, chủ chương trình, dự án sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi.

Chủ đầu tư có thể tiếp cận vốn vay ODA, vốn vay ưu đãi nước ngoài thông qua hai hình thức: (i) tham gia các chương trình, dự án hỗ trợ khu vực tư nhân của cơ quan chủ quản là bộ, ngành trung ương, UBND cấp tỉnh; (ii) tham gia vào các dự án PPP mà phần đối ứng vốn nhà nước được sử dụng từ nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi (phần vốn chuẩn bị dự án và hỗ trợ đấu thầu).

- Văn bản pháp lý quy định: Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017, Luật Đầu tư công 2019, Luật Đầu tư 2020, Luật Doanh nghiệp 2020, Luật Đầu tư theo phương thức PPP 2020, Nghị định 40/2020/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đầu tư công, Nghị định 114/2021/NĐ-CP về quản lý và sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài.

(3) Phát hành trái phiếu chính quyền địa phương tại thị trường trong nước

- Đối tượng áp dụng: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Văn bản pháp lý quy định: Luật Ngân sách nhà nước 2015, Luật Quản lý nợ công năm 2017, Nghị định số 01/2011/NĐ-CP về phát hành trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh và trái phiếu chính quyền địa phương.

(4) Các nguồn vốn vay (thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, vay nước ngoài, vay tổ chức tín dụng trong nước)

- Đối tượng áp dụng: Các doanh nghiệp.

- Văn bản pháp lý quy định:

+ Đối với phát hành trái phiếu doanh nghiệp: Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 65/2022/NĐ-CP).

+ Đối với vay nước ngoài: Nghị định 219/2013/NĐ-CP quy định về quản lý vay, trả nợ nước ngoài của doanh nghiệp không được chính phủ bảo lãnh.

+ Đối với vay tổ chức tín dụng: Các quy định hiện hành về cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng (Luật các tổ chức tín dụng, Thông tư số 39/2016/TT-NHNN ngày 30/12/2016 của Ngân hàng nhà nước Việt Nam về cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài đối với khách hàng).

(5) Một số quỹ tài chính, đầu tư quốc tế cho tăng trưởng xanh: (i) Quỹ Khí hậu xanh - Green Climate Fund (GCF); (ii) Quỹ Môi trường toàn cầu (GEF); (iii) Quỹ BĐKH đặc biệt - Special Climate Change Fund (SCCF); (iv) Quỹ cho Tăng trưởng bền vững Châu Âu mở rộng - European Fund for Sustainable Development Plus (EFSD+); (v) Quỹ Đầu tư Khí hậu - Climate Investment Funds (CIF); (vi) Quỹ thúc đẩy CSHT Tài chính Xanh ASEAN - ASEAN Catalytic Green Finance Facility (ACGF); (vii) Quỹ Tín thác TTX Hàn Quốc - The Korea Green Growth Trust Fund (KGGTF); (viii) Quỹ BĐKH - Climate Change Fund; Quỹ Thích ứng - Adaptation Funds; Quỹ BĐKH Châu Á Thái Bình Dương; (ix) Quỹ Năng lượng sạch Châu Á - Asian Clean Energy Fund; (x) Đối tác Tài trợ Khí hậu Úc - Australian Climate Finance Partnership; (xi) Quỹ Khí hậu Canada cho Khu vực tư nhân ở Châu Á - Canadian Climate Fund for the Private Sector in Asia; (xii) Quỹ Thu hồi và Lưu trữ Các bon - Carbon Capture and Storage Fund; (xiii) Quỹ Năng lượng sạch - Clean Energy Fund; (xiv) Quỹ ủy thác chống BĐKH đô thị - Urban Climate Change Resilience Trust Fund; (xv) Quỹ Hạ tầng Môi trường Đô thị - Urban Environmental Intrastructure Fund; (xvi) Quỹ ủy thác Đối tác Cơ chế Chuyển đổi Năng lượng - Energy Transition Mechanism Partnership Trust Fund; (xvii) Quỹ Tương lai Carbon - Future Carbon Fund.

IV.10. Phân tích các bên có liên quan

Đây là công cụ hỗ trợ xây dựng kế hoạch huy động sự tham gia và tham vấn phù hợp về các nội dung TTX để tranh thủ được sự ủng hộ và cam kết từ các cấp lãnh đạo; phát huy tinh thần làm chủ, tạo đồng thuận giữa các bên liên quan, tăng cường hợp tác liên ngành, liên vùng.

Các bước phân tích các bên liên quan như sau:

- Bước 1: Phân tích và lập hồ sơ các bên liên quan

Các bên liên quan trong KHHĐ TTX bao gồm nhưng không giới hạn trong: các cơ quan chính phủ, bộ, ngành và địa phương; các hiệp hội ngành nghề; các tổ chức khoa học công nghệ (trường đại học, viện nghiên cứu,...); các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước; các tổ chức quốc tế và nhóm nhà tài trợ; doanh nghiệp; các nhóm có quyền lợi liên quan, các nhóm yếu thế.

Nội dung phân tích các bên liên quan gồm: (i) Lĩnh vực KT-XH phụ trách liên quan đến TTX; (ii) Trách nhiệm và quyền lợi liên quan đến TTX; (iii) Năng lực liên quan đến TTX; (iv) Vai trò tiềm năng và giai đoạn tham gia phù hợp; (v) Phạm vi địa lý hoạt động phù hợp; (vi) Các đặc điểm cần lưu ý khi xây dựng kế hoạch và hình thức huy động (dân tộc, tôn giáo, đặc tính văn hóa...).

Bảng IV.10.a: Thông tin chung các bên liên quan

Số TT

Cơ quan/ đơn vị

Lĩnh vực hoạt động

Chức năng nhiệm vụ

Đầu mối phụ trách

Thông tin liên hệ

Lưu ý
(dân tộc, tôn giáo, đặc tính văn hóa,...)

Bảng IV.10.b: Bảng đánh giá mức độ ảnh hưởng của các bên liên quan đối với tăng trưởng xanh (theo thang điểm)

Số TT

Cơ quan/ đơn vị

Mức độ bắt buộc phải thực hiện TTX

Ảnh hưởng của việc tham gia đến mục tiêu TTX

Lợi ích có thể có từ TTX

Ảnh hưởng tiêu cực có thể phát sinh từ TTX

Bảng IV.10.c: Bảng đánh giá năng lực liên quan đến TTX (theo thang điểm)

Số TT

Cơ quan/ đơn vị

Năng lực điều phối, kết nối, chỉ đạo

Quyền ra quyết định

Thông tin và CSDL

Năng lực nghiên cứu/mô hình

- Bước 2: Mô hình hóa các bên liên quan

Sơ đồ hóa mối quan hệ giữa các bên liên quan đến vấn đề thảo luận và mối quan hệ giữa các bên với nhau nhằm (1) nhận diện mới liên hệ giữa các bên liên quan và (2) nhận biết các khoảng trống trong mối quan hệ quan trọng, từ đó đề ra các giải pháp cụ thể để tăng cường sự tham gia và phối hợp giữa các bên, giúp nâng cao hiệu quả thực hiện TTX.

Vấn đề TTX cần thảo luận được đặt ở trung tâm sơ đồ mô hình. Sơ đồ chia các bên liên quan theo 3 khu vực: nhà nước - tư nhân - khu vực liên quan khác (ví dụ các tổ chức phi chính phủ trong và ngoài nước, các tổ chức quốc tế,...). Trong từng khu vực có thể phân thành ba nhóm: (i) Nhóm chủ chốt: các bên có năng lực, kiến thức, có ảnh hưởng quan trọng đến TTX, thường là những người có quyền ra quyết định; (ii) Nhóm sơ cấp: các bên chịu ảnh hưởng trực tiếp (hưởng lợi hoặc chịu tác động tiêu cực) từ quá trình chuyển đổi xanh; (iii) Nhóm thứ cấp: các bên có liên quan gián tiếp đến TTX. Trong ba nhóm này có thể xác định các đối tượng mà sự ủng hộ, tham gia của họ mang tính quyết định đến sự thành công hay thất bại của TTX.

Mối quan hệ giữa các bên liên quan được phân tích theo các khía cạnh sau: (i) quan hệ gắn bó về lợi ích; (ii) quan hệ xung đột về lợi ích; (iii) quan hệ hỗ trợ lẫn nhau; (iii) quan hệ chỉ đạo từ một trong hai phía; (iv) quan hệ yếu, không rõ ràng.

Hình IV.10: Sơ đồ hóa mối quan hệ giữa các bên liên quan

V. Giải thích từ ngữ

Trên cơ sở tham chiếu tài liệu trong nước và quốc tế về các khái niệm liên quan đến TTX, các từ ngữ sử dụng trong Tài liệu hướng dẫn TTX được hiểu như sau:

1. Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh các cấp là văn bản cụ thể hóa các giải pháp, nhiệm vụ, hoạt động tại Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030 để đạt được các mục tiêu tại Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050.

2. Tích hợp tăng trưởng xanh là việc lồng ghép, bổ sung các nội dung góp phần thực hiện các mục tiêu tăng trưởng xanh tại Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 vào quá trình xây dựng, cập nhật, triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp.

3. Quy trình xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh/tích hợp tăng trưởng xanh là trình tự các bước thực hiện lần lượt để: (1) xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh của bộ, ngành, địa phương, và (2) lồng ghép các nội dung tăng trưởng xanh của quốc gia, ngành và lĩnh vực vào quá trình xây dựng, cập nhật và triển khai chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp.

4. Chuyển đổi xanh30 là quá trình chuyển đổi toàn diện sang nền kinh tế xanh, phát thải thấp nhằm hướng tới mục tiêu thịnh vượng và bền vững.

5. Cú sốc bên ngoài31 là tác động mạnh và đột ngột của một biến cố từ bên ngoài, mang tính tạm thời hoặc lâu dài, thường khó lường trước được, đến một hệ thống (quốc gia, nền kinh tế, cộng đồng dân cư, tổ chức...).

6. Năng lực chống chịu với BĐKH của một hệ thống xã hội, kinh tế và sinh thái là khả năng (1) lập kế hoạch và chuẩn bị, (2) hấp thụ, (3) phục hồi, và (4) thích ứng của hệ thống đó trước các tác động của BĐKH, đồng thời vẫn bảo đảm được các cấu trúc và chức năng cơ bản, bao gồm năng lực thích ứng, học hỏi và chuyển đổi.

7. Chuyển đổi số32 trong bối cảnh TTX là việc áp dụng các công nghệ số như trí tuệ nhân tạo, block Chain, điện toán đám mây, internet vạn vật để tạo thuận lợi cho hoạt động chuyển đổi sang nền kinh tế xanh bằng cách giúp vượt qua các trở ngại trong áp dụng các mô hình kinh doanh xanh ở quy mô lớn cũng như trong thực thi hiệu quả các chính sách TTX.

8. Du lịch xanh33 (hay du lịch bền vững) là các hoạt động du lịch được duy trì vô hạn trong từ quan điểm tổng hợp kinh tế, xã hội, văn hóa, môi trường.

9. Du lịch xanh lam là du lịch xanh gắn với biển.

10. Đô thị thông minh34 là đô thị đã tích hợp được các công nghệ thông minh vào hệ thống quản lý, điều hành nhằm cải thiện sức khỏe cộng đồng; nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân; từ đó tăng hiệu lực và hiệu quả chi phí vận hành và cung cấp các dịch vụ dân sự; thúc đẩy phát triển kinh tế.

11. Đổi mới mô hình tăng trưởng35 là quá trình một quốc gia thay đổi mô hình tăng trưởng một cách chủ động, phù hợp với bối cảnh trong và ngoài nước và từng giai đoạn phát triển nhằm nhanh chóng chuyển sang mô tăng trưởng mới phù hợp, hiệu quả, bền vững hơn.

12. Đổi mới sáng tạo36 là quá trình chuyển ý tưởng, tri thức mới thành kết quả cụ thể (sản phẩm, dịch vụ, quy trình, thị trường...) nhằm mang lại lợi ích gia tăng cho KT-XH.

13. Kinh tế biển xanh37 là nền kinh tế sử dụng tài nguyên biển một cách bền vững cho tăng trưởng kinh tế, cải thiện sinh kế, tạo việc làm trong khi vẫn giữ cho hệ sinh thái biển khỏe mạnh.

14. Kinh tế tuần hoàn38 là mô hình kinh tế trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, tiêu dùng và dịch vụ nhằm giảm khai thác nguyên liệu, vật liệu, kéo dài vòng đời sản phẩm, hạn chế chất thải phát sinh và giảm thiểu tác động xấu đến môi trường.

15. Kinh tế xanh39 là nền kinh tế tăng trưởng thông minh, bền vững và bao trùm.

16. Khí nhà kính40 là loại khí trong khí quyển gây hiệu ứng nhà kính.

17. Mua sắm công xanh41 là hoạt động mua sắm sử dụng vốn nhà nước đối với các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường được công nhận theo quy định của pháp luật.

18. Phát thải ròng bằng “0”42 là mục tiêu tham vọng hơn trung hòa các-bon: (1) được áp dụng đồng thời cho các bên liên quan hay cấp độ cơ sở và cấp độ toàn cầu hay cả hành tinh (theo đúng Thỏa thuận Paris), (2) tập trung vào cắt giảm và tránh phát thải, rồi thu giữ tại thời điểm phát sinh hoặc loại bỏ KNK, (3) chỉ chấp nhận tín chỉ hoặc phần bù trừ các- bon được tạo ra bởi các dự án thu giữ CO2 trong dài hạn.

19. Trung hòa các-bon43 là mục tiêu (1) chỉ được áp dụng cho các bên liên quan hay cấp độ cơ sở (các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức, địa phương, quốc gia...), trong đó (2) tổng lượng KNK của các bên liên quan (các KNK khác được quy đổi ra lượng các-bon tương đương) được cắt giảm hay tránh phát thải, hoặc được bù trừ bằng tín chỉ các bon, và (3) chấp nhận tín chỉ các-bon có giá trị ngắn hạn.

20. Nông nghiệp hữu cơ44 là hệ thống sản xuất bảo vệ tài nguyên đất, hệ sinh thái và sức khỏe con người, dựa vào các chu trình sinh thái, ĐDSH thích ứng với điều kiện tự nhiên, không sử dụng các yếu tố gây tác động tiêu cực đến môi trường sinh thái; là sự kết hợp kỹ thuật truyền thống và tiến bộ khoa học để làm lợi cho môi trường chung, tạo mối quan hệ công bằng và cuộc sống cân bằng cho mọi đối tượng trong hệ sinh thái.

21. Nông nghiệp thông minh (Climate-Smart Agriculture (CSA))45 là xu hướng giúp đưa ra hướng dẫn về chuyển đổi hệ thống nông nghiệp hướng đến phát triển hiệu quả và đảm bảo an ninh lương thực trong điều kiện khí hậu thay đổi. CSA gắn liền với 3 mục tiêu chính: Tăng trưởng bền vững sản lượng và thu nhập nông nghiệp; thích ứng và nâng cao tính chống chịu với BĐKH; giảm và/hoặc loại bỏ phát thải KNK.

22. Cánh đồng lớn46 là cách thức tổ chức sản xuất trên cơ sở hợp tác, liên kết giữa người nông dân với doanh nghiệp, tổ chức đại diện của nông dân trong sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ nông sản trên cùng địa bàn, có quy mô ruộng đất lớn, với mục đích tạo ra sản lượng nông sản hàng hóa tập trung, chất lượng cao, tăng sức cạnh tranh của nông dân trên thị trường nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân và các đi tác tham gia.

23. Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt47 (Good Agricultural Practices - GAP) là tập hợp các tiêu chí do tổ chức, quốc gia, nhóm quốc gia ban hành hướng dẫn người sản xuất áp dụng nhằm bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, BVMT và sức khỏe, an sinh xã hội cho người lao động.

24. Đa dạng sinh học48 là sự phong phú về gen, loài sinh vật và hệ sinh thái trong tự nhiên. Chi phí biên giảm phát thải là cơ sở định lượng để đánh giá mức độ hiệu quả chi phí tương đối của từng biện pháp giảm phát thải và tiềm năng tổng thể của các biện pháp đề xuất.

25. Chi phí này được tính toán bằng cách sử dụng dữ liệu về chi phí giảm thải gia tăng theo từng biện pháp và mức giảm phát thải tiềm năng của từng biện pháp trong giai đoạn phân tích.



[1] Phụ lục II: Xác định phạm vi và lựa chọn cách tiếp cận xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX.

[2] Theo Quyết định số 882/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt KHHĐ quốc gia về TTX giai đoạn 2021 - 2030 (22/7/2022) và Quyết định số 1658/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về TTX giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn 2050 (01/10/2021).

[3] Bộ KHĐT, Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ NN&PTNT, Bộ Xây dựng, Bộ TNMT, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

[4] Phụ lục II: Xác định phạm vi và lựa chọn cách tiếp cận xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX.

[5] Bao gồm các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ; các cơ quan trung ương của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp

[6] Bao gồm các tỉnh, thành ph trực thuộc trung ương; huyện và cấp tương đương; xã và cấp tương đương.

[7] I. Nội dung chủ yếu về Chiến lược và KHHĐ quốc gia về TTX cần được phản ánh tại KHHĐ TTX và các văn bản tích hợp TTX của ngành/địa phương.

[8] IV. 10. Phân tích các bên có liên quan.

[9] I. Nội dung chủ yếu về Chiến lược và KHHĐ quốc gia về TTX cần được phản ánh tại KHHĐ TTX và các văn bản tích hợp TTX của ngành/địa phương.

[10] III. Khung hướng dẫn xây dựng KHHĐ và tích hợp TTX.

[11] Bao gồm các nội dung (1) Nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động theo 8 chđề tổng th và 10 chđề ngành ưu tiên; (2) Thời gian thực hiện; (3) Phân công trách nhiệm (Cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp); (4) Nguồn lực tài chính. Nhiệm vụ, hoạt động được phân loại theo các chủ đề sau (có thể thuộc nhiều hơn 1 chủ đề): A. Hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước; B. Nâng cao nhận thức, giáo dục, phát triển nhân lực; C. Huy dộng nguồn lực tài chính; D. Khoa học công nghệ, ĐMST; E. Khía cạnh xã hội trong TTX (tính bao trùm, bình đẳng, năng lực chống chịu của con người). Chú thích “(Cao)” đối với nhiệm vụ, hoạt động cụ thể có mức độ ưu tiên cao.

[12] Bao gồm các nội dung (I) Tên nhiệm vụ, giải pháp, hoạt động; (2) Tên chương trình/dự án; (3) Thời gian thực hiện; (4) Chủ đầu tư; (5) Mức đầu tư và nguồn vốn (I. Ngân sách nhà nước; II. Hỗ trợ quốc tế; III. Nguồn vốn vay thương mại và đầu tư tư nhân; IV. Nguồn vốn cộng đồng và xã hội khác).

[13] IV.1: Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề.

[14] IV.1: Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề.

[15] IV.2: Phân tích hiện trạng phát thải KNK.

[16] IV.1: Nội dung đánh giá thực trạng KT-XH-MT theo các chủ đề.

[17] IV.3: Mẫu biểu đánh giá việc thực hiện TTX của ngành, địa phương giai đoạn trước.

[18] IV.4: Mẫu biểu rà soát văn bản chính sách.

[19] IV.5: Phân tích “Điểm mạnh - Điểm yếu - Cơ hội - Thách thức” (SWOT)

[20] Các mô hình kinh tế lượng, mô hình kinh tế đánh giá tích hợp (IAMs) sử dụng mô hình cân bằng tổng thể (CGE) như mô hình cân bằng tổng thể động cho phát triển kinh tế thích ứng với BĐKH (DGE-CRED), mô hình động tích hợp khí hậu và kinh tế (DICE), mô hình tích hợp khí hậu và kinh tế cấp vùng (RICE), mô hình khung khí hậu đánh giá tính bất định, đàm phán và phân phối nguồn lực (FUND).

[21] IV.6: Phương pháp, công cụ đánh giá tác động kinh tế-xã hội-môi trường.

[22] Đối với việc tích hợp TTX, bước này thực hiện đối với các CQK có (i) danh mục dự án đầu tư, và (ii) có thể làm rõ các yếu tố về TTX đối với các dự án.

[23] Phụ lục IV.7: Danh mục loại hình dự án TTX.

[24] Phụ lục IV.8: Phương pháp xác định ưu tiên và ước tính nhu cầu đầu tư.

[25] 8: Phương pháp xác định ưu tiên và ước tính nhu cầu đầu tư.

[26] 9: Danh mục các nguồn tài chính, đầu tư có thể huy động.

[27] Ưu điểm: không phát sinh thủ tục, gọn nhẹ. Nhược điểm: khó điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng hơn do có nhiều đầu mối thực thi và hệ thống báo cáo dễ mang tính hành chính nếu vai trò và năng lực của cơ quan đầu mối không đủ mạnh.

[28] Ưu điểm: thể hiện cam kết lãnh đạo cao, chỉ đạo tập trung nên có khả năng điều phối, phối hợp liên ngành, liên vùng tốt hơn, có thể có đủ thẩm quyền và nhanh chóng giải quyết các vấn đề phát sinh; dễ huy động các nguồn hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật hơn.

1 TTX là: (1) Quá trình tái cấu lại hoạt động kinh tế và CSHT để thu được kết quả tốt hơn từ các khoản đầu tư cho tài nguyên, nhân lực và tài chính, đồng thời giảm phát thải KNK, khai thác và sử dụng ít tài nguyên thiên nhiên hơn, tạo ra ít chất thải hơn và giảm sự bất bình đẳng xã hội. TTX không chỉ là sự lồng ghép vấn đề môi trường trong phát triển kinh tế, mà còn chú trọng phát triển cân bằng, hài hòa giữa các mục tiêu (Sáng kiến về nền kinh tế xanh (GEI) của UNEP, 2008); (2) Cách để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và phát triển trong khi bảo tồn môi trường, ngăn chặn sự mất mát về ĐDSH và giảm thiểu việc sử dụng không bền vững tài nguyên thiên nhiên. Mô hình TTX giúp các quốc gia vừa đạt được các mục tiêu về tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, vừa BVMT, thích ứng với BĐKH (OECD, 2011); (3) Xây dựng nền kinh tế có tính cạnh tranh cao, sử dụng hiệu quả tài nguyên, tận dụng vị thế tiên phong trong phát triển công trình, công nghệ mới - công nghệ xanh, áp dụng sâu rộng lưới điện thông minh, sử dụng CNTT, tận dụng mạng lưới toàn EU, củng cố tính cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong kinh doanh, hỗ trợ người tiêu dùng đánh giá đúng tầm quan trọng của việc tiết kiệm tài nguyên (EU, 2010).

2 Định hướng chiến lược a) của Chiến lược TTX; Chủ đề 8 của KHHĐ TTX.

3 Định hướng chiến lược a) và c) của Chiến lược TTX; Chủ đề 9 của KHHĐ TTX.

4 Định hướng chiến lược d) và đ của Chiến lược TTX; Chủ đề 9 của KHHĐ TTX.

5 Định hướng chiến lược đ) của Chiến lược TTX; Chủ đề 11 của KHHĐ TTX.

6 Định hướng chiến lược e) của Chiến lược TTX; Chủ đề 12 của KHHĐ TTX.

7 Định hướng chiến lược g) của Chiến lược TTX; Chủ đề 13 và 14 của KHHĐ TTX.

8 Định hướng chiến lược i) của Chiến lược TTX; Chủ đề 15 của KHHĐ TTX.

9 Định hướng chiến lược i) của Chiến lược TTX; Chủ đề 15 (Nhóm nhiệm vụ, hoạt động 15.6) của KHHĐ

10 Định hướng chiến lược k) của Chiến lược TTX; Chủ đề 17 của KHHĐ TTX.

11 Định hướng chiến lược k) của Chiến lược TTX; Chủ đề 18 của KHHĐ TTX.

12 Giải pháp a) của Chiến lược TTX; Chủ đề 1 của KHHĐ TTX.

13 Giải pháp b) của Chiến lược TTX; Chủ đề 2 của KHHĐ TTX.

14 Giải pháp c) của Chiến lược TTX; Chủ đề 3 của KHHĐ TTX.

15 Giải pháp d) của Chiến lược TTX; Chủ đề 4 của KHHĐ TTX.

16 Giải pháp đ) của Chiến lược TTX; Chủ đề 5 của KHHĐ TTX.

17 Giải pháp e) của Chiến lược TTX; Chủ đề 6 của KHHĐ TTX.

18 Định hướng chiến lược k) và Giải pháp g) của Chiến lược TTX; Chủ đề 7 của KHHĐ TTX.

19 Định hướng chiến lược h) của Chiến lược TTX; Chủ đề 16 của KHHĐ TTX.

20 Các Quy hoạch tuân theo Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14.

21 Được đánh giá dựa trên yêu cầu về số liệu, năng lực chuyên gia và thời gian thực hiện.

22 Phương pháp đánh giá gồm đánh giá định tính và mô tả thống kê dựa trên số liệu thống kê các cấp; số liệu khảo sát, điều tra của các chương trình dự án; số liệu từ các hệ thống quan trắc; thông tin, số liệu từ các báo cáo sơ kết, tổng kết, báo cáo thuyết minh quy hoạch, chiến lược các cấp, báo cáo giám sát, đánh giá các chương trình, dự án.

23 Phụ lục IV.2 Phân tích hiện trạng phát thải KNK.

24 Khuyến khích tham khảo áp dụng các mô hình ước tính phát thải.

25 (1) Mất ít hoặc không tốn chi phí thực hiện; (2) Có thể thực hiện nhanh, trong thời gian ngắn; (3) Cung cấp được bức tranh toàn cảnh về vấn đề cần nghiên cứu.

26 (1) Không có tiêu chí để xác định ưu tiên và không cung cấp giải pháp, chủ yếu dựa trên ý kiến đánh giá chủ quan của chuyên gia; (2) Có thể đưa ra quá nhiều thông tin, ý tưởng nhưng không phải tất cả đều hữu ích; (3) Đối với các vấn đề phức tạp như TTX, SWOT chỉ là một trong các công cụ định tính giúp nhận diện vấn đề, cần phải kết hợp với các nghiên cứu và phân tích sâu định tính và định lượng khác để đưa ra quyết định.

27 Một số chỉ tiêu có thể bao gồm GDP, việc làm, đói nghèo, phát thải KNK, chất lượng không khí, chất lượng môi trường đất, chất lượng môi trường nước, tài nguyên đất, tài nguyên nước, phát sinh CTR, ĐDSH.

28 Quyết định số 84/QĐ-TTg ngày 19/01/2018 của Thủ tướng Chính phủ ban hành “Kế hoạch phát triển đô thị TTX Việt Nam đến năm 2030”).

29 (1) Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17/6/2020; (2) Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 ngày 13/6/2019; (3) Luật Đầu tư theo phương pháp đối tác công tư (PPP) ngày 18/6/2020; (4) Luật Xây dựng số 50/2014/QH13 ngày 18/6/2014; (5) Luật số 03/2022/QH15 ngày 11/1/2022 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; (6) Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng; (7) Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ về bồi thường, tái định khi nhà nước thu hồi đất; (8) Thông tư số 04/VBHN-BTNMT ngày 28/2/2022 của Bộ TNMT quy định về bồi thường, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất; (9) Nghị định số 10/2021/NĐ-CP ngày 09/02/2021 của Chính phủ về quản lý chi phí đầu tư xây dng; (10) Thông tư 12/2021/TT-BXD ngày 31/8/2021 của Bộ xây dựng ban hành định mức xây dựng; (11) Thông tư số 11/2021/TT-BXD ngày 31/8/2011 của Bộ Xây dụng hướng dẫn một số nội dung xác định và quản lý chi phí đầu tư xây dựng; (12) Nghị định 99/2021/NĐ-CP ngày 03/3/3021 quy định về quản lý, thanh toán, quyết toán dự án sử dụng vốn đầu tư công.

30 Khái niệm Chuyển đổi xanh” do Viện TTX toàn cầu đề xuất.

31 Giải thích về “Cú sốc bên ngoài” được tham chiếu từ các khái niệm của Ủy ban Kinh tế và Xã hội Đông Á của Liên Hiệp quốc UNESCWA và Tạp chí INVESTOPIA của Mỹ

32 Tham khảo OECD, trong tài liệu Digitalisation for the transition to a resource efficient and circular economy.

33 Tham khảo Tổ chức Du lịch Thế giới của Liên hợp quốc, trong tài liệu Tourism in the Green Economy: Background Report.

34 Khái niệm “Đô thị thông minh” được tham chiếu từ khái niệm đô thị thông minh tại Luật về Đô thị và Cộng đồng thông minh của Hoa Kỳ, định nghĩa về thành phố thông minh bền vững của Liên minh viễn thông thế giới ITU và Ủy ban Châu Âu.

35 Theo Tạp chí Nghiên cứu kinh tế (2021). Đổi mới mô hình tăng trưởng và cấu lại nền kinh tế trên nền tảng khoa học công nghệ và ĐMST. Tạp chí Nghiên cứu kinh tế số 9(520).

36 Theo Báo cáo thuyết minh xây dựng Chiến lược phát triển khoa học, công nghệ, ĐMST giai đoạn 2021 - 2030

37 Theo Ngân hàng Thế giới, tại http://www.worldbank.org/en/news/infographic/2017/06/06/blue-economy.

38 Tham chiếu Luật số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 về BVMT.

39 Kinh tế xanh đã được nghiên cứu, định nghĩa bởi nhiều tổ chức khác nhau như Ủy ban Châu Âu (EC, 2019), Tổ chức Hp tác và Phát triển Kinh tế (OECD, 2011), Chương trình môi trường Liên Hợp quốc (UNEP, 2011) và Phòng Thương mại Quốc tế (ICC, 2012). Chiến lược TTX sử dụng khái niệm kinh tế xanh của Ủy ban Châu Âu nhằm đảm bảo thể hiện được độ bao phủ về các chiều cạnh và lĩnh vực (bền vững và bao trùm) và xu hướng mới về ứng dụng nhũng thành tựu mới của khoa học công nghệ và ĐMST.

40 Tham chiếu Luật số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 về BVMT.

41 Tham chiếu Luật số 72/2020/QH14 ngày 17 tháng 11 năm 2020 về BVMT.

42 Tham chiếu khái niệm của UNFCCC.

43 Theo Sáng kiến Các-bon xanh (Blue Carbon Initiative) - Chương trình toàn cầu điều phối bởi Tổ chức Bảo tồn Quốc tế (CI), Tổ chức Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Ủy ban Hải dương học Liên chính phủ của Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (IOC-UNESCO).

44 Tham chiếu Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018.

45 Khái niệm “Nông nghiệp thông minh (CSA)” tham chiếu theo định nghĩa của tổ chức Lương thực và Nông Nghiệp Liên Hợp Quốc - FAO.

46 Tham chiếu Quyết định số 1055/QĐ-TTg ngày 20 tháng 7 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thích ứng với BĐKH giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

47 Tham chiếu Thông tư số 16/BVHN-BNNPTNT ngày 19 tháng 12 năm 2018.

48 Luật ĐDSH số số 20/2008/QH12 ngày 13 tháng 11 năm 2008 của Quốc Hội.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 600/QĐ-BKHĐT ngày 07/04/2023 hướng dẫn xây dựng Kế hoạch hành động và tích hợp tăng trưởng xanh vào chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội các cấp do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


823

DMCA.com Protection Status
IP: 3.138.181.90
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!