BỘ CÔNG THƯƠNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2639/QĐ-BCT
|
Hà Nội, ngày 02
tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
QUY
ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA CỤC PHÒNG VỆ THƯƠNG MẠI
BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG
Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng
9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của bộ, cơ quan ngang bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28 tháng 8 năm
2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ;
Căn cứ Nghị định số 96/2022/NĐ-CP ngày 29 tháng
11 năm 2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Công Thương;
Xét đề nghị của Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại
và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Vị trí và chức năng
1. Cục Phòng vệ thương mại là tổ chức thuộc Bộ Công
Thương, thực hiện chức năng tham mưu, giúp Bộ trưởng Bộ Công Thương quản lý nhà
nước và tổ chức thực thi pháp luật về phòng vệ thương mại, bao gồm các lĩnh vực
chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ; chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ
thương mại; tổ chức, quản lý hoạt động sự nghiệp dịch vụ công thuộc lĩnh vực,
phạm vi quản lý của Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp, ủy quyền của Bộ
trưởng.
2. Cục Phòng vệ thương mại là cơ quan điều tra
phòng vệ thương mại.
3. Cục Phòng vệ thương mại có tư cách pháp nhân,
con dấu và tài khoản riêng theo quy định của pháp luật, kinh phí hoạt động do
ngân sách nhà nước cấp và từ các nguồn khác theo quy định của Nhà nước.
Tên giao dịch quốc tế viết bằng tiếng Anh: Trade
Remedies Authority of Viet Nam.
Tên viết tắt: TRAV.
Trụ sở chính tại Thành phố Hà Nội.
Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn
1. Xây dựng và trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ban
hành hoặc đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt,
ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, đề án, chiến lược, cơ chế, chính sách
về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ
thương mại.
2. Tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật,
đề án, chiến lược, cơ chế, chính sách về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ
và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại sau khi được cơ quan có thẩm
quyền phê duyệt, ban hành.
3. Ban hành theo thẩm quyền các văn bản hướng dẫn
chuyên môn, nghiệp vụ về chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn
tránh biện pháp phòng vệ thương mại, các văn bản cá biệt và văn bản nội bộ theo
quy định của pháp luật.
4. Quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ
cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập
khẩu vào Việt Nam
a) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ
chức thực hiện các quy định của pháp luật về chống bán phá giá, chống trợ cấp,
tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu
vào Việt Nam;
b) Thụ lý hồ sơ, tổ chức điều tra việc nhập khẩu
hàng hóa nước ngoài vào Việt Nam để đề xuất áp dụng các biện pháp chống bán phá
giá, chống trợ cấp và tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại theo
quy định của pháp luật;
c) Báo cáo kết quả điều tra vụ việc chống bán phá
giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và
trình Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng các biện
pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng
vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam;
d) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định
áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và tự vệ tạm thời theo quy định
của pháp luật;
đ) Kiến nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương ra quyết định
áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện
pháp phòng vệ thương mại chính thức theo quy định của pháp luật;
e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan hướng
dẫn thực hiện, theo dõi và rà soát việc chấp hành các quyết định áp dụng các biện
pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng
vệ thương mại.
5. Quản lý nhà nước về chống bán phá giá, chống trợ
cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa xuất
khẩu của Việt Nam
a) Cảnh báo sớm các vụ kiện chống bán phá giá đối với
hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
b) Chủ trì hoặc phối hợp với các cơ quan nhà nước,
doanh nghiệp, hiệp hội ngành hàng liên quan trong việc xử lý các vụ kiện chống
bán phá giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương
mại của nước ngoài đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam;
c) Thực hiện các công việc liên quan đến giải quyết
tranh chấp về các vụ kiện phòng vệ thương mại và các nội dung khác liên quan đến
lĩnh vực phòng vệ thương mại tại WTO, các Hiệp định thương mại và các tổ chức
quốc tế khác;
d) Đầu mối, phối hợp với các Bộ, ngành xử lý vấn đề
nền kinh tế thị trường với các quốc gia, vùng lãnh thổ có liên quan;
đ) Chủ trì và/hoặc tham gia thảo luận, đàm phán vấn
đề phòng vệ thương mại trong các điều ước quốc tế về thương mại, các Ủy ban hỗn
hợp giữa Việt Nam với các đối tác và các diễn đàn quốc tế khác theo phân công của
Lãnh đạo Bộ Công Thương.
6. Tham gia góp ý đối với các nội dung công việc
liên quan đến lĩnh vực phòng vệ thương mại do các đơn vị trong và ngoài Cục đề
nghị.
7. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực chống bán phá
giá, chống trợ cấp, tự vệ và chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại.
8. Yêu cầu các tổ chức, cá nhân liên quan cung cấp
thông tin, tài liệu cần thiết cho việc thực hiện các nhiệm vụ được giao; được sử
dụng tư vấn trong và ngoài nước trong trường hợp cần thiết theo yêu cầu của
công việc theo quy định của pháp luật.
9. Tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và
các chính sách có liên quan đến các lĩnh vực chống bán phá giá, chống trợ cấp,
tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu
vào Việt Nam và đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
10. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ cho tổ chức, cá nhân liên quan tới công tác chống bán phá
giá, chống trợ cấp, tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với
hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam và đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
11. Tham mưu quản lý nhà nước và theo dõi hoạt động
của các Hội, Hiệp hội ngành nghề hoạt động trong phạm vi ngành, lĩnh vực được
phân công phụ trách.
12. Tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu, quản lý và
cung cấp thông tin cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức cá nhân có yêu cầu
theo quy định của pháp luật về áp dụng biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp,
tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu
vào Việt Nam và đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
13. Tổ chức thanh tra chuyên ngành, kiểm tra việc
thực hiện các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động chống bán phá giá,
chống trợ cấp, áp dụng các biện pháp tự vệ, chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ
thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam; giải quyết khiếu nại, tố
cáo theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.
14. Xây dựng và thực hiện chương trình cải cách
hành chính của Cục theo mục tiêu và nội dung chương trình cải cách hành chính của
Bộ Công Thương.
15. Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế, cán bộ, công
chức, thực hiện chế độ tiền lương và các chính sách, chế độ đãi ngộ về thi đua,
khen thưởng, kỷ luật, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ đối với cán bộ, công chức
thuộc Cục theo quy định của pháp luật và phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.
16. Quản lý tài chính, tài sản được giao, tổ chức
thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật.
17. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng giao.
Điều 3. Cơ cấu tổ chức
1. Bộ máy giúp việc Cục trưởng:
a) Văn phòng;
b) Phòng Điều tra bán phá giá và trợ cấp;
c) Phòng Điều tra thiệt hại và tự vệ;
d) Phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài;
đ) Phòng Pháp chế.
2. Tổ chức sự nghiệp thuộc Cục:
Trung tâm Thông tin và Cảnh báo.
Việc thành lập, tổ chức lại hoặc giải thể các đơn vị
trực thuộc Cục do Bộ trưởng Bộ Công Thương xem xét và quyết định theo đề nghị của
Cục trưởng.
Điều 4. Lãnh đạo Cục
1. Lãnh đạo Cục Phòng vệ thương mại có Cục trưởng
và các Phó Cục trưởng.
2. Cục trưởng và các Phó Cục trưởng do Bộ trưởng Bộ
Công Thương bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, khen thưởng, kỷ luật
theo quy định của pháp luật.
3. Cục trưởng quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn,
cơ cấu tổ chức của các đơn vị thuộc Cục, ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động
của Cục theo phân cấp quản lý của Bộ Công Thương.
4. Cục trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân
chuyển, khen thưởng, kỷ luật cán bộ cấp phòng hoặc tương đương thuộc Cục theo
quy định của pháp luật và phân cấp quản lý cán bộ của Bộ Công Thương.
5. Cục trưởng chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ
Công Thương và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Cục; Phó Cục trưởng chịu
trách nhiệm trước Cục trưởng và trước pháp luật về lĩnh vực công tác được phân
công.
Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm
thi hành
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký và thay thế Quyết định số 3752/QĐ-BCT ngày 02 tháng 10 năm 2017 của Bộ trưởng
Bộ Công Thương quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Cục
Phòng vệ thương mại.
2. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Vụ trưởng,
Tổng cục trưởng, Cục trưởng và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm
thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Lãnh đạo Bộ;
- Đảng ủy Bộ;
- eMOIT;
- Lưu: VT, TCCB.
|
BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Hồng Diên
|