QUY ĐỊNH
VIỆC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH THÁI NGUYÊN
( Ban hành kèm theo Quyết định số: /2013 /QĐ-UBND, ngày tháng năm 2013 của Uỷ
ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Chương I.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Đối tượng áp dụng
Quy định này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân có
hoạt động liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật (BVTV).
Điều 2. Phạm vi điều
chỉnh
Quy định này quy định quản lý nhà nước về các hoạt
động liên quan đến thuốc bảo vệ thực vật bao gồm: Buôn bán, quảng cáo, hội thảo
và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Chương II
QUY ĐỊNH VỀ BUÔN BÁN, QUẢNG
CÁO, HỘI THẢO VÀ SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT
Điều 3. Quy định về buôn
bán thuốc bảo vệ thực vật
1. Đối với người trực tiếp bán thuốc BVTV:
Phải có chứng chỉ hành nghề do Chi cục BVTV tỉnh
cấp.
Phải hướng dẫn cho người mua thuốc chọn đúng chủng
loại, cách sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
Trong thời điểm dịch hại có nguy cơ phát sinh
gây hại nặng phải ưu tiên bán các loại thuốc BVTV do các cơ quan chuyên môn (trạm
BVTV, phòng Nông nghiệp và PTNT, trạm Khuyến nông) cấp huyện khuyến cáo ;
Không được hướng dẫn dùng thuốc cho đối tượng
phòng trừ và loại cây trồng ngoài danh mục đã đăng ký;
Không được khuyến cáo người sử dụng thuốc cộng
nhiều loại thuốc có cùng tác dụng phòng trừ một loại sinh vật gây hại để phun;
Không được bán thuốc BVTV lưu động, bán thuốc
BVTV tại các chợ;
2. Đối với cửa hàng buôn bán thuốc BVTV:
Phải riêng biệt với nhà ở;
Không được phép mở cửa khi người bán thuốc có chứng
chỉ hành nghề vắng mặt, trừ trường hợp bất khả kháng;
Phải có biển hiệu, có bảng danh mục và niêm yết
giá thuốc bảo vệ thực vật đang bán trong quầy;
Điều 4. Quy định về hoạt động
quảng cáo, hội thảo thuốc BVTV
1. Không được quảng cáo, giới thiệu thuốc bảo vệ
thực vật tại chợ;
2. Không được quảng cáo, hội thảo, giới thiệu
thuốc bảo vệ thực vật chung với các nội dung khác khi chưa được sự đồng ý của
Chi cục Bảo vệ thực vật;
Điều 5. Quy định đối với người
sử dụng thuốc bảo vệ thực vật
1. Khi phát hiện sinh vật gây hại có khả năng
gây tác hại nghiêm trọng đối với tài nguyên thực vật phải báo cáo một trong các
cơ quan sau: trạm Bảo vệ thực vật, trạm Khuyến nông, Phòng Nông nghiệp PTNT (Phòng
Kinh tế) cấp huyện; hoặc cán bộ khuyến nông cấp xã;
2. Khẩn trương áp dụng các biện pháp phòng trừ
theo hướng dẫn của trạm Bảo vệ thực vật hoặc cán bộ Khuyến nông, cán bộ Nông
nghiệp;
3. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ dịch
hại theo hướng dẫn của trạm Bảo vệ thực vật, hoặc hướng dẫn trên nhãn bao bì;
4. Không được tự ý cộng nhiều loại thuốc trong một
bình phun khi chưa có khuyến cáo của: trạm Bảo vệ thực vật, cán bộ Khuyến nông,
cán bộ Nông nghiệp hoặc hướng dẫn trên bao bì thuốc;
5. Sau khi sử dụng phải thu gom vỏ bao bì thuốc
BVTV để vào địa điểm quy định.
Chương III
QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THUỐC
BẢO VỆ THỰC VẬT
Điều 6. Trách nhiệm của các
cơ quan quản lý Nhà nước
1. Sở Nông nghiệp và PTNT.
a. Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Bảo vệ thực vật
thực hiện chức năng quản lý Nhà nước trong việc buôn bán, quảng cáo, hội thảo
và sử dụng thuốc BVTV;
b. Phối hợp với UBND các huyện, thành phố, thị
xã quản lý chặt chẽ các cơ sở buôn bán thuốc BVTV;
c. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh về công tác quản lý, buôn bán, quảng cáo, hội thảo và sử dụng
thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh.
2. Chi cục Bảo vệ thực vật.
a. Xây dựng và thực hiện kế hoạch thanh tra, kiểm
tra việc buôn bán, quảng cáo, hội thảo và sử dụng thuốc BVTV, xử lý các vi phạm
theo thẩm quyền;
b. Hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV;
c. Tham mưu cho Sở Nông nghiệp và PTNT, UBND tỉnh
các biện pháp chỉ đạo về công tác quản lý nhà nước trong việc buôn bán, quảng
cáo, hội thảo và sử dụng thuốc BVTV ở địa phương;
d. Đào tạo và cấp Giấy chứng nhận chuyên môn, chứng
chỉ hành nghề buôn bán thuốc BVTV;
e. Thẩm định và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện
buôn bán thuốc BVTV cho tổ chức và cá nhân có nhu cầu;
f. Cấp Giấy vận chuyển, quảng cáo, hội thảo thuốc
BVTV;
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thuốc
BVTV trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền;
4. Sở Công thương.
Chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường thường xuyên
phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Công an tỉnh kiểm tra việc buôn bán, vận
chuyển thuốc BVTV trên địa bàn tỉnh, xử lý các vi phạm theo thẩm quyền;
Báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý về UBND tỉnh
theo quy định;
5. Công an tỉnh:
Áp dụng các biện pháp phòng, ngừa, phát hiện, đấu
tranh chống tội phạm và các hành vi, vi phạm hành chính trên các lĩnh vực: vận
chuyển thuốc BVTV, cháy nổ thuốc BVTV, gây ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV;
Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo khắc phục những
sơ hở, thiếu sót trong công tác quản lý Nhà nước về: vận chuyển thuốc BVTV,
cháy nổ thuốc BVTV, gây ô nhiễm môi trường do thuốc BVTV;
5. Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, thị
xã.
a. Chỉ đạo phòng Tài nguyên và môi trường hướng
dẫn ủy ban nhân dân cấp xã quy hoạch địa điểm lưu chứa và tiêu hủy vỏ bao bì
thuốc BVTV theo pháp luật về môi trường;
b. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển
nông thôn chỉ đạo các phòng ban liên quan trên địa bàn hướng dẫn sử dụng thuốc
BVTV, thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về thuốc BVTV;
c. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, một năm báo cáo
UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và PTNT) về công tác quản lý buôn bán, quảng cáo,
hội thảo và sử dụng thuốc BVTV;
d. Hỗ trợ và vận động nhân dân đóng góp kinh phí
cho việc thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc BVTV
5. Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn.
a. Tổ chức chỉ đạo phòng trừ khi dịch hại xảy ra
b. Chủ động phối hợp với trạm BVTV cấp huyện hướng
dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả.
c. Ký xác nhận đơn xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều
kiện buôn bán thuốc BVTV của tổ chức, cá nhân có nhu cầu trên địa bàn quản lý
sau khi đã kiểm tra địa điểm bán, địa điểm lưu giữ thuốc BVTV;
d. Tổ chức kiểm tra hoạt động buôn bán, quảng
cáo, hội thảo và sử dụng thuốc BVTV ở địa phương và chịu trách nhiệm trước UBND
huyện, UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về thuốc bảo vệ thực vật trên địa
bàn mình quản lý.
e. Bố trí địa điểm chứa đựng, xử lý vỏ bao bì
thuốc bảo vệ thực vật ở địa phương theo hướng dẫn của Phòng Tài nguyên Môi trường
cấp huyện. Địa điểm chứa đựng, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật phải đảm bảo
các yêu cầu sau:
Xa nơi tập trung đông dân cư, trường học, bệnh
viện, chợ;
Không gây ô nhiễm đến nguồn nước sinh hoạt (giếng
nước, ao, hồ, sông, suối);
Hạn chế đến mức thấp nhất việc gây ô nhiễm môi
trường;
Không bị ngập lụt, lũ;
Phải được sự đồng ý của Phòng Tài nguyên Môi trường
cấp huyện;
f. Hỗ trợ và huy động nhân dân đóng góp kinh phí
cho việc thu gom, tiêu hủy vỏ bao bì thuốc BVTV;
g. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày
nhận được đầy đủ các văn bản hợp pháp của đoàn thanh tra, kiểm tra, phải xử lý
theo thẩm quyền các vi phạm hành chính liên quan đến thuốc BVTV xảy ra trên địa
bàn quản lý và gửi kết quả xử lý về Sở Nông nghiệp và PTNT (qua Thanh tra Sở)
Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có
vướng mắc đề nghị các Sở, Ban, ngành phản ánh về Sở Nông nghiệp và PTNT để tổng
hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét quyết định ./.