HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 16/NQ-HĐND
|
Thái Nguyên, ngày
18 tháng 5 năm 2017
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG AN
TOÀN KHU, VÙNG DÂN TỘC THIỂU SỐ ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TỈNH THÁI NGUYÊN, GIAI ĐOẠN
2017 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHOÁ XIII, KỲ HỌP THỨ 4
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương năm 2015;
Căn cứ Nghị quyết số
76/2014/QH13 ngày 24/6/2014 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm
nghèo bền vững đến năm 2020;
Căn cứ Nghị quyết số
100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư các
chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Nghị định số
05/2011/NĐ-CP ngày 14/01/2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;
Căn cứ Quyết định số
449/QĐ-TTg ngày 12/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược công tác
dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 2356/QĐ-TTg
ngày 04/12/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện
Chiến lược công tác dân tộc đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
551/QĐ-TTg ngày 04/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình 135 về
hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất cho các xã đặc
biệt khó khăn, xã biên giới, xã an toàn khu, các thôn đặc biệt khó khăn;
Căn cứ Quyết định số
419/QĐ-TTg ngày 17/3/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch xây dựng vùng
chiến khu cách mạng An toàn khu liên tỉnh Thái Nguyên - Tuyên Quang - Bắc Kạn đến
năm 2020;
Căn cứ Quyết định số
1722/QĐ-TTg ngày 02/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục
tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016 - 2020;
Căn cứ Quyết định số
1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương
trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Xét Tờ trình số 31/TTr-UBND
ngày 28/02/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Chương trình
phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt
khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020; Báo cáo thẩm tra của Ban dân
tộc Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến thảo luận của các đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông
qua Chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu
số đặc biệt khó khăn tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017 - 2020, gồm những nội
dung chính sau đây:
I. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát: Đẩy
mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về
lao động, đất đai, tài nguyên rừng, tài nguyên khoáng sản, cảnh quan du lịch,
di tích lịch sử cách mạng để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; phục
hồi tôn tạo di tích lịch sử cách mạng, văn hóa; phát triển kết cấu hạ tầng kỹ
thuật bảo đảm cho phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng nông thôn mới, phù hợp
với quy hoạch chung của tỉnh; giải quyết việc làm thực hiện giảm nghèo bền vững,
nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân trong vùng An toàn khu,
vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.
2. Mục tiêu cụ thể: Phấn
đấu đến năm 2020 đạt được các mục tiêu sau:
- Nâng cao thu nhập bình quân đầu
người từ 23 triệu đồng năm 2016 lên 36 triệu đồng vào năm 2020 ở các xã đạt chuẩn
nông thôn mới và nâng cao thu nhập cho các hộ dân đối với các địa bàn còn lại.
Khuyến khích người dân trong vùng có thu nhập và làm giàu từ rừng.
- Xây dựng được 12 mô hình “Xóm
phát triển bền vững”.
- Đưa điện lưới quốc gia đến
100% xóm, bản trong vùng.
- Cơ bản hoàn thành hệ thống đường
giao thông trong vùng, đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của nhân
dân. Phấn đấu 100% đường giao thông trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông
hóa và 60% đường trục thôn, xóm được cứng hóa đạt chuẩn theo các cấp kỹ thuật của
Bộ Giao thông vận tải; 65% đường ngõ, xóm được cứng hóa và không lầy lội vào
mùa mưa; 70% đường trục chính nội đồng được cứng hóa (bê tông hoặc các vật liệu
khác theo quy định) đảm bảo xe cơ giới đi lại thuận tiện.
- Phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo
hằng năm bình quân từ 3,5%/năm trở lên.
- Xây dựng hoàn thành trên 50%
hồ chứa, đập thủy lợi nhỏ chưa được xây dựng; kiên cố hóa được trên 70% chiều
dài số kênh mương nội đồng. Đáp ứng 75% - 80% nhu cầu tưới tiêu cho diện tích
cây trồng hằng năm.
- Có 80% xã An toàn khu, xã đặc
biệt khó khăn đạt chuẩn y tế theo Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ trẻ em dưới
1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ các loại vắc xin đạt trên 95%, tỷ lệ suy dinh dưỡng
trẻ dưới 5 tuổi ở mức dưới 14%.
- Nâng tỷ lệ dân số trong vùng
được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh lên 90%.
- Đến năm 2020, có trên 70% số
trường đạt chuẩn quốc gia; 70% xóm có nhà văn hóa đạt chuẩn nông thôn mới; 70 %
số hộ gia đình đạt gia đình văn hóa.
II. PHẠM VI:
Các xã An toàn khu; xã đặc biệt khó khăn; các thôn, bản đặc biệt khó khăn
trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
III. GIẢI
PHÁP
Phát huy sức mạnh của cả hệ thống
chính trị trong phát triển kinh tế - xã hội vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu
số đặc biệt khó khăn; thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách đầu tư
cho vùng An toàn khu, vùng dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn; đa dạng hóa việc
huy động các nguồn vốn đầu tư hợp pháp để thực hiện Chương trình; thực hiện lồng
ghép các nguồn vốn của các chương trình, dự án, đề án trên địa bàn để nâng cao
hiệu quả đầu tư chống lãng phí thất thoát, ưu tiên bố trí nguồn lực đầu tư xây
dựng kết cấu hạ tầng; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán
bộ cơ sở, đề xuất chính sách thu hút cán bộ là người dân tộc thiểu số, biết tiếng
dân tộc về công tác tại các xã đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc thiểu
số sinh sống; thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, phát huy vai trò của già
làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; thực hiện tốt công tác phối
hợp giữa các cấp, các ngành trong việc nâng cao hiệu quả công tác dân tộc,
chính sách dân tộc đối với vùng An toàn khu và vùng dân tộc thiểu số đặc biệt
khó khăn; thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá trong tổ
chức thực hiện Chương trình.
IV. KINH
PHÍ: Tổng kinh phí: 6.996.571,2 triệu đồng, trong đó:
1. Nguồn kinh phí đã được
phê duyệt từ các chương trình, đề án, dự án ở các lĩnh vực đã được thông qua:
6.711.451,2 triệu đồng, cụ thể:
- Lĩnh vực nông, lâm nghiệp,
phát triển nông thôn: 1.969.444 triệu đồng.
- Lĩnh vực thông tin và truyền
thông: 72.148,3 triệu đồng.
- Lĩnh vực giao thông vận tải:
3.013.178 triệu đồng.
- Lĩnh vực y tế: 76.000 triệu đồng.
- Lĩnh vực giáo dục: 540.711,9
triệu đồng.
- Lĩnh vực văn hóa, thể thao và
du lịch: 759.100 triệu đồng.
- Lĩnh vực công thương: 207.959
triệu đồng.
- Quyết định số 2037/QĐ-UBND
ngày 16/9/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh (Đề án 2037): 72.910 triệu đồng.
2. Nguồn kinh phí ngân sách
tỉnh cân đối từ nguồn vượt thu hàng năm và các nguồn vốn khác thực hiện đầu tư
xây dựng mô hình và hạ tầng nông thôn: 285.120 triệu đồng, cụ thể:
- Xây dựng 12 mô hình “Xóm phát
triển bền vững”: 60.480 triệu đồng.
- Đầu tư xây dựng hạ tầng giao
thông nông thôn: 224.640 triệu đồng.
Điều 2. Giao
Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội
đồng nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.
Điều 3. Giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban của Hội đồng nhân dân tỉnh, các đại
biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thái Nguyên khoá XIII, Kỳ họp thứ 4 thông qua ngày 18 tháng 5 năm
2017./.