ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 200/CTr-UBND
|
Hà Tĩnh, ngày 10 tháng 6 năm 2021
|
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KHU VỰC DỊCH VỤ TỈNH HÀ TĨNH
THỜI KỲ 2021-2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
Thực hiện Quyết định số 531/QĐ-TTg
ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược tổng thể phát triển
khu vực dịch vụ của Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây
gọi tắt là Chiến lược); trên cơ sở tham mưu, đề xuất của các sở, ngành, địa
phương; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược
trên địa bàn tỉnh với những nội dung sau:
I. MỤC TIÊU
- Thời kỳ 2021-2030: Tốc độ tăng trưởng
khu vực dịch vụ đạt trên 8%; đến năm 2030, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm
trên 35% GRDP.
- Thời kỳ 2031-2050: Khu vực dịch vụ
đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Đến năm 2050, tỷ trọng của khu vực dịch vụ chiếm
trên 58% GRDP.
II. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Phát triển các
ngành dịch vụ ưu tiên
a) Dịch vụ du lịch
- Rà soát, sửa đổi
chính sách khuyến khích phát triển du lịch theo Nghị quyết số 81/2017/NQ-HĐND
ngày 13/12/2017 của HĐND tỉnh phù hợp với thực tiễn để tạo điều kiện cho du lịch
phát triển. Khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân, cộng đồng
tham gia phát triển du lịch.
- Phát triển sản phẩm du lịch:
+ Chú trọng khai thác các giá trị di sản
văn hóa Truyện Kiều - Nguyễn Du; ca Trù; dân ca Ví, Giặm;
Mộc bản trường học Phúc Giang; các lễ hội văn hóa... Khai thác các hoạt động
tham quan danh lam thắng cảnh, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao mạo hiểm gắn với
các khu bảo tồn, vườn quốc gia hồ Kẻ Gỗ, hồ Ngàn Trươi - Cẩm
Trang, thác Vũ Môn...
+ Đầu tư và tổ chức khai thác đồng bộ
du lịch biển gắn với các loại hình du lịch khác. Khai
thác, phát triển các tuyến du lịch đường sông.
+ Phát triển sản phẩm du lịch gắn với
tiềm năng của từng địa phương: Làng nghề thủ công truyền thống (mộc Thái Yên,
chiếu cói Nam Sơn, làng cá Cẩm Nhượng, Thạch Kim, chế tác
trầm hương ở Phúc Trạch...), du lịch sinh thái nghỉ dưỡng kết hợp chữa bệnh
(khu du lịch nước sốt Sơn Kim, quần thể khu du lịch sinh thái Hải Thượng Lãn
Ông...), du lịch tâm linh (chùa Hương, Ngã ba Đồng Lộc, Đền
Củi...), du lịch cộng đồng homestay, du lịch trải nghiệm nông thôn mới... Lựa
chọn các đặc sản của địa phương (kẹo
Cu đơ, bưởi Phúc Trạch, cam bù Hương Sơn, cam Khe Mây, cam Thượng Lộc, nhung
hươu, cá, mực, nước mắm, mật ong...) để nghiên cứu thực hiện chính sách hỗ trợ
xây dựng các cửa hàng giới thiệu sản phẩm.
+ Phát triển sản phẩm du lịch đô thị,
du lịch hội nghị, hội thảo, sự kiện (MICE); du lịch kết hợp mua sắm, chữa bệnh,
chăm sóc sức khỏe, giáo dục, giải trí, nhất là giải trí về đêm tại trung tâm
thành phố Hà Tĩnh. Khai thác lượng khách công vụ đến làm việc, tham quan tại
các khu kinh tế, nhà máy Formosa, cảng Sơn Dương và các cơ
sở sản xuất, kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh.
- Phát triển hệ thống hạ tầng và cơ sở
vật chất kỹ thuật phục vụ du lịch:
+ Tập trung đầu tư phát triển kết cấu
hạ tầng du lịch, nhất là các khu du lịch trọng điểm đã được
quy hoạch. Ưu tiên nguồn lực để xây dựng hệ thống cấp nguồn nước sạch, xử lý nước thải sinh hoạt cho các khu du lịch biển.
+ Khuyến khích các nhà đầu tư chiến
lược, các tập đoàn lớn đầu tư các cơ sở lưu trú, cơ sở vui chơi giải trí, khu
nghỉ dưỡng phức hợp cao cấp, phù hợp với nhu cầu và xu hướng du lịch mới tại
Khu du lịch sinh thái hồ Kẻ Gỗ, vườn quốc gia Vũ Quang gắn với hồ Ngàn Trươi - Cẩm Trang, thác Vũ Môn, đảo nổi Xuân Giang, nước sốt Sơn Kim, các khu du
lịch biển và các địa bàn tiềm năng khác. Huy động nguồn lực để tổ chức không
gian văn hóa du lịch tại khu lưu niệm
Đại thi hào Nguyễn Du theo Quy hoạch bảo tồn, tôn tạo Khu di tích đã được Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt.
- Phát triển nguồn nhân lực du lịch:
+ Chú trọng việc bổ sung nhân lực có
chất lượng và đúng chuyên môn cho ngành du lịch từ cấp tỉnh đến địa phương. Nâng
cao chất lượng đào tạo du lịch tại trường Đại học Hà Tĩnh và các cơ sở đào tạo
của tỉnh. Quan tâm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
+ Đẩy mạnh xã hội hóa, khuyến khích
doanh nghiệp tham gia đào tạo nhân lực du lịch. Nâng cao trình độ chuyên môn, ngoại
ngữ, kiến thức về truyền thống, lịch sử, văn hóa Hà Tĩnh cho lực lượng lao động
ngành du lịch; nhất là đội ngũ cán bộ, nhân viên các cơ sở kinh doanh du lịch
và cộng đồng địa phương tại các khu, điểm du lịch. Khuyến khích hình thành đội
ngũ tình nguyện viên hướng dẫn, hỗ trợ khách du lịch.
- Đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng
bá du lịch:
+ Tổ chức điều tra, nghiên cứu thị trường, nhu cầu và thị hiếu của khách du lịch để xây
dựng, cập nhật cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch.
+ Chú trọng xây dựng các tuyến du lịch
nội tỉnh, liên tỉnh gắn với các khu, điểm du lịch trọng điểm
trên địa bàn tỉnh. Khai thác các tuyến du lịch gắn với tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây; thúc đẩy thị trường
khách đi du lịch kết hợp với giáo dục truyền thống, tìm hiểu văn hóa, lịch sử
và sinh thái.
+ Nâng cao chất lượng các hoạt động
xúc tiến, quảng bá du lịch trong nước và ngoài nước; đổi mới phương thức, công
cụ, nội dung, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch,
bảo đảm thực hiện thống nhất, chuyên nghiệp, hiệu quả;
phát huy sức mạnh của truyền thông và tăng cường quảng bá trên mạng xã hội. Ưu
tiên nguồn lực đầu tư cho công tác xúc tiến, quảng bá góp phần giới thiệu hình ảnh,
văn hóa, con người Hà Tĩnh, thu hút khách du lịch và các nhà đầu tư.
+ Tổ chức và phối hợp tham gia hội
nghị, hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch hoặc kết hợp du lịch tại nước ngoài
(Lào, Thái Lan, Trung Quốc, Đàì Loan, Hàn Quốc...) và các địa phương trọng điểm trong nước (Hà Nội, các tỉnh phía Bắc,
thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, Miền Trung Tây Nguyên...) để
giới thiệu sản phẩm, hình ảnh về du lịch và các chính sách khuyến khích phát
triển du lịch của Hà Tĩnh. Tổ chức mời và đón đoàn Famtrip trong nước và nước
ngoài đến khảo sát, tư vấn xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá về du lịch.
+ Mời các chuyên
gia marketing và các nhà tư vấn lĩnh vực thương mại điện tử hỗ trợ kiến thức,
xây dựng trang web, công cụ thanh toán trực tuyến, công cụ phát triển thương hiệu gắn với tên miền internet và quảng
cáo trực tuyến về du lịch. Tăng cường quảng bá trên các trang mạng xã hội.
+ Tích cực, chủ động hợp tác song
phương và đa phương về du lịch; ưu tiên hợp tác, liên kết khu vực Bắc Miền
Trung để phát triển sản phẩm, quảng bá điểm đến chung; thực hiện hiệu quả thỏa thuận hợp tác
phát triển du lịch với các nước như: Lào, Thái Lan, Hàn Quốc.
- Ứng dụng khoa học, công nghệ trong
phát triển du lịch:
+ Đẩy nhanh việc chuyển đổi số trong
ngành du lịch; quản lý khách du lịch, hoạt động du lịch, tài nguyên du lịch.
Phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh; tăng cường ứng dụng công nghệ số để
kết nối nhằm hỗ trợ và tăng trải nghiệm cho khách du lịch.
+ Hoàn thiện hệ thống thống kê du lịch;
xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành du lịch, kết nối với hệ thống cơ sở dữ liệu
quốc gia.
b) Dịch vụ logistics và vận tải
- Ban hành Đề án đẩy mạnh phát triển
xuất khẩu gắn với dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2025. Tổ chức công bố Đề
án và các cơ chế, chính sách của tỉnh về hỗ trợ hoạt động xuất khẩu gắn với
phát triển dịch vụ logistics giai đoạn 2021 - 2023 và giai đoạn 2023 - 2025; từng
bước phát triển dịch vụ logistics theo hướng chuyên nghiệp,
hiện đại và hiệu quả.
- Ban hành cơ chế phối hợp trong công
tác quản lý hoạt động logistics trên địa bàn tỉnh. Triển khai chính sách hỗ trợ
các hãng tàu biển mở tuyến vận chuyển container và đối tượng có hàng hóa vận chuyển bằng container qua cảng Vũng Áng; kêu gọi, thu hút
các nhà đầu tư Trung tâm logistics Vũng Áng. Hoàn thành xây dựng Quy hoạch chi
tiết Trung tâm logistics và Dịch vụ hậu cảng Sơn Dương tỷ
lệ 1/500.
- Phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng logistics kết hợp đồng bộ hạ tầng cảng biển,
các phương thức vận tải, hạ tầng thương mại. Hoàn thiện hạ tầng giao thông vận
tải; phát triển đồng bộ các công trình, dự án trọng điểm, kết hợp vận tải đa
phương thức đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường
biển. Đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đầu tư cầu cảng 4, 5, 6 tại Khu kinh tế Vũng Áng. Thực hiện hiệu quả các nội
dung Biên bản ghi nhớ hợp tác về việc khảo sát, hợp tác đầu tư, khai thác phát
triển cảng biển và Trung tâm logistics Vũng Áng - Sơn Dương với Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn.
- Hoàn thành điều chỉnh Quy hoạch
chung xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Quốc tế Cầu Treo đến năm 2025. Bổ sung Quy
hoạch chi tiết cảng cạn Cầu Treo trong Quy hoạch chi tiết
phát triển hệ thống cảng cạn Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
xây dựng các giải pháp hiệu quả thu hút đầu tư xây dựng cảng cạn theo quy hoạch.
Đảm bảo cơ chế thông thoáng trong vận chuyển hàng hóa qua Cửa Khẩu Quốc tế Cầu Treo; tránh chồng chéo trong việc kiểm tra, giám sát, quản lý; cắt
giảm thời gian lưu kho, chi phí vận chuyển hàng hóa cho doanh nghiệp.
- Xây dựng các chương trình, kế hoạch
xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ sau thép, dịch vụ cảng biển và logistics,
năng lượng mới. Rà soát quy hoạch, ban hành chính sách
phát triển tập trung để nâng cao hiệu quả hoạt động các khu, cụm công nghiệp. Đẩy
mạnh hội nhập quốc tế một cách hiệu quả, tận dụng cơ hội từ các Hiệp định
thương mại tự do (FTAs) đã ký kết.
c) Dịch vụ công nghệ thông tin và
truyền thông
- Xây dựng hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông đồng bộ,
bao gồm:
+ Xây dựng, hoàn thiện mạng truyền số
liệu chuyên dùng cấp II toàn tỉnh,
bảo đảm hạ tầng kết nối liên thông, trao đổi văn bản, tài liệu của các cơ quan
trên môi trường mạng.
+ Phát triển các dịch vụ về cơ sở dữ
liệu số: Cơ sở dữ liệu của các ngành, cơ sở dữ liệu dùng
chung cấp tỉnh; đồng bộ các hệ thống
cơ sở dữ liệu của các ngành, địa phương, hình thành các cơ sở dữ liệu dùng
chung và cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh. Triển khai số hóa
hồ sơ, tài liệu, các quy trình nghiệp vụ và mọi giao dịch công vụ,
phát triển các hệ thống kho dữ liệu số chuyên ngành phục vụ quản lý nhà nước và
cung cấp dịch vụ số. Kết nối, liên thông đồng bộ với các hệ thống cơ sở dữ liệu
quốc gia.
+ Triển khai hình thành hạ tầng mạng
thông tin di động 5G phục vụ cho phát triển nền kinh tế số,
xã hội số; từng bước làm chủ các công nghệ nền tảng như: công nghệ IoT, Big
Data, AI, AR.
+ Xây dựng, điều chỉnh quy hoạch hạ tầng
kỹ thuật viễn thông thụ động đến 2030, định hướng đến 2050; tăng cường sử dụng
chung cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và truyền thông, tránh gây tốn kém nguồn
lực phát triển của xã hội; phát triển hạ tầng số trên nền tảng công nghệ thông
tin đồng bộ, hiện đại và hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, bảo đảm hạ tầng kỹ
thuật an toàn, an ninh thông tin.
+ Triển khai hội nghị truyền hình trực
tuyến đến cấp xã, hình thành hệ thống hội nghị truyền hình 4 cấp.
- Thực hiện chuyển đổi số trên địa
bàn tỉnh, bao gồm:
+ Rà soát, hoàn thiện hệ thống các
văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách và ban hành các hướng dẫn nhằm
thúc đẩy phát triển chính quyền số, đô thị thông minh và kinh tế số.
+ Phát triển hệ thống dịch vụ chính
quyền số phục vụ người dân, doanh nghiệp, trong đó ưu tiên hệ thống các dịch vụ
thiết yếu như dịch vụ công trực tuyến mức độ 4, dịch vụ y tế, giáo dục...
+ Nâng cấp, hoàn thiện các phần mềm
dùng chung hiện có của tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu
dùng chung, cơ sở dữ liệu mở cấp tỉnh.
+ Phát triển các dịch vụ về nền tảng
số trong hoạt động sản xuất, giám sát và đánh giá quy trình sản xuất, tiêu chuẩn,
chất lượng nông - lâm - thủy sản, hỗ trợ quảng bá xúc tiến thương mại, du lịch.
+ Xây dựng Trung tâm giám sát, điều
hành thông minh bảo đảm giám sát chất lượng, kết quả hoạt động cung cấp hệ thống
các dịch vụ đô thị thông minh, giúp điều phối hoạt động chỉ đạo điều hành, quản
lý cung cấp dịch vụ và hỗ trợ ứng phó kịp thời mọi sự cố diễn ra trong cộng đồng
như thiên tai, dịch bệnh, bạo loạn và các tình huống về an ninh trật tự.
- Xây dựng và phát triển doanh nghiệp
công nghệ số, phát triển kinh tế số bao gồm:
+ Chuyển giao công nghệ số, kích
thích sáng tạo, khuyến khích khởi nghiệp phát triển công nghệ số, cung cấp các
sản phẩm và dịch vụ số; từng bước hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp số.
+ Hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là
doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp, hợp tác xã và hộ gia đình
nhanh chóng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh.
+ Đẩy mạnh ứng dụng nền tảng thanh
toán không dùng tiền mặt trong thu phí, lệ phí và giao dịch thương mại trong cộng đồng; phát triển thương mại điện tử.
+ Hỗ trợ, tạo điều
kiện thuận lợi cho người dân, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó
khăn và người dân tộc thiểu số tiếp cận, khai thác dịch vụ số.
- Bảo đảm an toàn thông tin, bao gồm:
+ Triển khai, phát triển hệ thống
giám sát an toàn thông tin mạng cấp tỉnh (SOC).
+ Nâng cao năng lực Đội ứng cứu sự cố
an toàn thông tin mạng của tỉnh, cơ quan thường trực Đội ứng cứu cả về năng lực
chuyên môn và hệ thống trang thiết bị chuyên dùng.
- Dịch vụ về đô thị thông minh, bao gồm:
+ Nghiên cứu, triển khai mô hình và các dịch vụ đô thị thông minh về trật tự an toàn, giao thông, quản
lý đô thị; quản lý năng lượng chiếu sáng; cung cấp các dịch vụ về giáo dục
thông minh, y tế thông minh, thanh toán không dùng tiền mặt;
+ Thí điểm các mô hình đô thị thông
minh tại các trung tâm đô thị như thành phố Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh và các xã nông thôn mới kiểu mẫu;
+ Nhân rộng các mô hình, dịch vụ đô thị thông minh, các mô hình thông
minh ra các trung tâm đô thị lớn của tỉnh.
d) Dịch vụ tài chính - ngân hàng
- Triển khai thực hiện các giải pháp
của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều hành chính sách tiền tệ hướng đến mục tiêu cao nhất là kiểm soát lạm
phát, ổn định giá trị đồng tiền, góp phần giữ vững ổn định
kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả huy động và phân bổ nguồn vốn
trong nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Quản lý hoạt động kinh doanh vàng,
ngoại hối nhằm thực hiện mục tiêu điều hành tỷ giá, phát triển bền vững thị trường
vàng; hạn chế tình trạng đô la hóa, vàng hóa; hỗ trợ điều hành chính sách tiền
tệ và ổn định kinh tế vĩ mô.
- Tạo môi trường cho các tổ chức tín dụng phát triển, đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường nội địa, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; nâng cao
chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ theo hướng đổi mới
quy trình, thủ tục và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Nâng cao chất lượng
nguồn nhân lực, trong đó nhấn mạnh năng lực tiếp cận ứng dụng của cuộc Cách mạng
công nghiệp 4.0 trong định hướng đổi mới hoạt động của ngành ngân hàng. Tiếp tục
chuyển đổi mạnh mẽ mô hình kinh doanh của các ngân hàng
thương mại theo hướng từ mô hình kinh doanh truyền thống
sang mô hình kinh doanh số, cung ứng sản phẩm, dịch vụ
trên nền tảng số nhằm đáp ứng ngày càng cao của khách hàng.
- Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ về
thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn, triển khai các chỉ đạo của Ngân
hàng Nhà nước Việt Nam về các mô hình thanh toán tại nông thôn, vùng sâu, vùng
xa gắn với triển khai Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia, phát triển thanh
toán điện tử phục vụ thương mại điện tử theo hướng hoàn thiện, tăng cường kết nối
giữa hạ tầng thanh toán điện tử của hệ thống ngân hàng với hạ tầng thanh toán của
các đơn vị khác.
- Lĩnh vực bảo hiểm: Hoàn thiện các
cơ chế, chính sách trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm; nâng cao tính an toàn hệ
thống, hiệu quả hoạt động và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp bảo hiểm;
hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm; đa dạng và
chuyên nghiệp hóa các kênh phân phối
bảo hiểm; tăng cường hiệu quả quản lý của nhà nước về kinh doanh bảo hiểm; đẩy
mạnh hợp tác quốc tế và hội nhập trong lĩnh vực bảo hiểm.
2. Phát triển các
ngành dịch vụ khác
a) Dịch vụ khoa học và công nghệ
- Triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 215/2020/NQ-HĐND ngày 10/7/2020 của HĐND tỉnh về một số
chính sách hỗ trợ tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn
2020-2025 và những năm tiếp theo. Phát triển hoạt động dịch vụ đánh giá sự phù
hợp, kiểm định, hiệu chuẩn, thử nghiệm về đo lường. Hoàn thiện hàng rào kỹ thuật
trong thương mại phục vụ xuất nhập khẩu. Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng
theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế.
- Phát triển dịch vụ cung cấp, tổng hợp
- phân tích thông tin, số liệu thống kê khoa học và công nghệ bảo đảm chất lượng,
đáp ứng nhu cầu lãnh đạo, quản lý, dự báo, hoạch định chiến lược, chính sách
phát triển, sản xuất kinh doanh. Phát triển dịch vụ về tư vấn, đào tạo, bồi dưỡng,
phổ biến, ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực kinh tế -
xã hội.
- Phát triển mạng lưới các tổ chức
trung gian của thị trường khoa học và công nghệ; khuyến khích phát triển các dịch
vụ liên quan đến sở hữu trí tuệ, bảo hộ tài sản sở hữu trí tuệ. Triển khai có
hiệu quả Nghị quyết số 252/NQ-HĐND ngày 21/12/2020 về một
số chính sách hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ, thị trường khoa học công nghệ
và doanh nghiệp khoa học công nghệ tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2025.
b) Dịch vụ phân phối
- Xây dựng các chính sách ưu đãi,
phát triển hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại. Rà soát, sửa đổi,
bổ sung chính sách phát triển thương mại nông thôn, xúc tiến thương mại phù hợp
với tình hình thực tế tại địa phương.
- Thực hiện hiệu quả Kế hoạch phát
triển thương mại điện tử của tỉnh theo từng giai đoạn,
tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Chương trình phát triển thương mại điện tử quốc gia.
- Hoàn thiện hạ tầng bán lẻ truyền thống,
tiếp tục thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý, xã hội hóa
đầu tư chợ trên địa bàn tỉnh. Thu hút đầu tư các loại hình thương mại hiện đại
như trung tâm thương mại, trung tâm hội chợ triển lãm, siêu thị, siêu thị
mini...
- Hỗ trợ, khuyến
khích ứng dụng thương mại điện tử trong các doanh nghiệp phân phối, logistics;
thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong việc truy xuất
nguồn hàng vào hệ thống hạ tầng thương mại như siêu thị, chợ. Hỗ trợ doanh nghiệp
trong tỉnh kết nối với các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon,
Alibaba...
c) Dịch vụ y tế
- Nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ
y tế:
+ Thực hiện chăm sóc sức khỏe toàn
dân, tổ chức cung cấp dịch vụ y tế công, bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản; phấn
đấu trên 95% dân số được quản lý, theo dõi, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe.
+ Nâng cao năng
lực phòng chống dịch bệnh và hiệu quả hoạt động y tế cơ sở, ứng phó kịp thời
các vấn đề khẩn cấp, sự cố môi trường, bảo đảm an ninh y tế. Ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin trong khám, chữa bệnh.
Phát triển mạnh y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại.
- Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế theo
hướng tinh gọn, hiệu quả, cung ứng dịch vụ y tế theo 3 cấp chuyên môn, đáp ứng
với sự thay đổi của mô hình bệnh tật, già hóa dân số, hội nhập quốc tế và cuộc
Cách mạng công nghiệp 4.0 trong lĩnh vực y tế.
- Tiếp tục đổi mới cơ chế hoạt động,
cơ chế tài chính của các cơ sở y tế công lập theo hướng giao quyền tự chủ, tự
chịu trách nhiệm cho các đơn vị: Giá dịch vụ y tế được tính đúng, tính đủ chi
phí và có tích lũy để đầu tư phát triển, bảo đảm công khai, minh bạch, gắn với
chất lượng dịch vụ.
- Đổi mới căn bản, toàn diện công tác
đào tạo nhân lực y tế, đáp ứng yêu cầu cả về y đức và chuyên môn.
- Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, phòng bệnh, chữa bệnh và nâng cao sức
khỏe; ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong y tế. Chủ động, tích
cực hội nhập và nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế.
d) Dịch vụ hỗ trợ kinh doanh
- Tiếp tục thực hiện thoái vốn nhà nước,
cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước.
Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân;
xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích thành lập các
doanh nghiệp tư nhân, tạo điều kiện để kinh tế tư nhân đầu tư, phát triển sản
xuất; thực hiện quyền tự do kinh doanh, quyền sở hữu tài sản, quyền tiếp cận thông tin, các loại thị trường và
các dịch vụ xã hội; xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện
pháp hành chính gây bất bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực, nhất là vốn và đất
đai.
- Đẩy mạnh xã hội hóa, tạo điều kiện
cho kinh tế tư nhân tham gia cung cấp dịch vụ công; thực hiện cơ chế hợp tác
công - tư trong đầu tư, khai thác, sử dụng, kinh doanh các dự án, công trình kết
cấu hạ tầng kinh tế - kỹ thuật.
- Thực hiện hiệu quả chương trình hỗ
trợ phát triển doanh nghiệp, tôn vinh doanh nghiệp; hỗ trợ, khuyến khích doanh
nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công
nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động. Xây dựng doanh
nghiệp đầu đàn, mũi nhọn theo từng lĩnh vực có đủ năng lực phát triển, đầu kéo
cho các doanh nghiệp cùng phát triển.
- Đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu
quả kinh tế tập thể, chú trọng hợp tác xã trong nông nghiệp, dịch vụ, thương mại.
Khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh mở rộng quy mô, nâng cao hiệu
quả hoạt động, tự nguyện liên kết hình thành các hình thức tổ chức hợp tác xã
hoặc chuyển đổi sang hoạt động kinh
doanh theo mô hình doanh nghiệp.
- Đổi mới phương thức quản lý nhà nước
hành chính sang phục vụ doanh nghiệp. Hoàn thiện chính sách thu hút, hợp tác đầu
tư nước ngoài có tính cạnh tranh cao, lấy chất lượng, hiệu
quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí quan trọng để đánh giá. Xây dựng
cơ chế khuyến khích để tăng liên kết giữa đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước,
các lĩnh vực cần ưu tiên thu hút,
các dự án có công nghệ mới, tiên tiến, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, giá
trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng trong
và ngoài nước, đặc biệt là các dự án tạo ra chuỗi giá trị, giải quyết việc làm
cho người lao động.
e) Dịch vụ giáo dục và đào tạo
- Tiếp tục rà soát, sắp xếp lại mạng
lưới cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông trên địa bàn toàn tỉnh theo hướng ổn định,
có quy mô hợp lý, hoạt động hiệu lực, hiệu quả và đáp ứng nhu cầu học tập của
nhân dân; nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các
cấp, xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, thực hiện có hiệu quả chương trình
giáo dục phổ thông mới; đẩy mạnh định hướng nghề nghiệp và phân luồng trong
giáo dục phổ thông.
- Sắp xếp, quy hoạch mạng lưới cơ sở
giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh theo hướng mở, đảm bảo quy mô, cơ cấu, hợp
lý về ngành, nghề, trình độ đào tạo, vùng miền, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; tăng cường tính tự chủ cho các đơn vị;
nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục nghề nghiệp;
quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị.
- Tăng cường công tác kiểm định, đánh
giá chất lượng giáo dục; công khai điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục, cam kết
chất lượng giáo dục và chất lượng giáo dục thực tế.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin trong giáo dục, đào tạo và ứng dụng mô hình giáo dục, đào tạo mới trên nền
tảng công nghệ thông tin như trên internet, trên thiết bị di động; khuyến khích
các mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, đào tạo để đáp ứng
nhu cầu về số lượng và chất lượng nguồn nhân lực, nhất là trong các ngành có
nhu cầu cao.
- Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục, nâng
cao hiệu quả đầu tư cho giáo dục. Huy động sự tham gia của toàn xã hội để tăng
nguồn đầu tư cơ sở vật chất và hỗ trợ các hoạt động của cơ
sở giáo dục, đào tạo; khuyến khích các tổ chức, cá nhân mở trường, lớp ngoài
công lập.
- Tăng cường áp dụng các tiêu chuẩn
quốc tế trong quá trình dạy học và kiểm định chất lượng
giáo dục. Triển khai nhân rộng các chương trình đào tạo chuẩn quốc tế được chuyển
giao từ CHLB Đức, Úc.
III. NGUỒN LỰC THỰC HIỆN
1. Nguồn lực kinh tế - xã hội để thực
hiện Chiến lược: Vốn ngân sách nhà nước, vốn doanh nghiệp,
tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Đối với nguồn vốn ngân sách nhà nước, thực hiện theo phân cấp ngân sách nhà nước
hiện hành.
2. Đẩy mạnh việc huy động các nguồn lực
tài chính từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trong và ngoài nước tham
gia thực hiện Chiến lược theo quy định pháp luật.
IV. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở Kế hoạch và Đầu tư:
- Chủ trì điều phối chung về phát triển
khu vực dịch vụ của tỉnh; xây dựng cơ chế, chính sách chung về phát triển khu vực
dịch vụ; cơ chế chính sách phối hợp liên ngành/đa ngành về dịch vụ nhằm phục vụ
mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; nghiên cứu, đề xuất cơ chế chính
sách quản lý, phát triển các ngành dịch vụ mới.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thành phố, thị xã:
+ Thu hút nguồn lực trong và ngoài nước đầu tư vào các ngành dịch vụ.
+ Lồng ghép thực hiện các mục tiêu của
Chương trình hành động với các mục tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội
5 năm và hàng năm của tỉnh.
+ Thường xuyên kiểm tra, giám sát,
đánh giá về việc thực hiện Chiến lược của các ngành, lĩnh
vực, địa phương; kịp thời đề xuất các biện pháp xử lý đối với những khó khăn,
vướng mắc phát sinh.
+ Tổng hợp tình hình thực hiện Chiến
lược định kỳ hằng năm, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu
tư; tổ chức sơ kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2025 và tổng kết tình
hình thực hiện Chiến lược vào năm 2030.
2. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND
các huyện, thành phố, thị xã theo chức năng nhiệm vụ, chủ động lồng ghép các nội
dung triển khai thực hiện Chiến lược của Trung ương và Chương trình hành động của
tỉnh vào các nhiệm vụ chuyên môn được giao.
3. Các Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các
huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, giám sát tiến độ
và kết quả thực hiện Chiến lược trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao. Định
kỳ vào tháng 12 hàng năm, bắt đầu từ năm 2021, đánh giá tình hình thực hiện Chiến
lược và báo cáo kết quả thực hiện Chiến lược trong các ngành, lĩnh vực dịch vụ
thuộc thẩm quyền quản lý, gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, tham mưu UBND
tỉnh báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Trên đây là Chương trình hành động thực
hiện chiến lược tổng thể phát triển khu vực dịch vụ trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu
các đơn vị, địa phương nghiêm túc, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ
(b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trung tâm CB-TH tỉnh;
- Lưu: VT, KT2.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Võ Trọng Hải
|