HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
215/2020/NQ-HĐND
|
Hà Tĩnh, ngày 10
tháng 7 năm 2020
|
NGHỊ QUYẾT
MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ
TRỢ XÂY DỰNG TIÊU CHUẨN, QUY CHUẨN CHO SẢN PHẨM, HÀNG HÓA, DỊCH VỤ TỈNH HÀ TĨNH
ĐÁP ỨNG YÊU CẦU HỘI NHẬP QUỐC TẾ GIAI ĐOẠN 2020-2025 VÀ NHỮNG NĂM TIẾP THEO
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH HÀ TĨNH
KHÓA XVII, KỲ HỌP THỨ 15
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày
19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng
11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước ngày 25 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật
ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày
21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày
12 tháng 6 năm 2017;
Xét Tờ trình số 245/TTr-UBND ngày 01 tháng 7 năm
2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về một số
chính sách hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn cho sản phẩm, hàng hóa, dịch
vụ tỉnh Hà Tĩnh đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020-2025 và những
năm tiếp theo; báo cáo thẩm tra của các ban Hội đồng nhân dân tỉnh và ý kiến
thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng và nguyên
tắc áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết này quy định về một số chính sách thúc
đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn và hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh đáp
ứng yêu cầu hội nhập quốc tế giai đoạn 2020-2025 và những năm tiếp theo.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ (sau
đây gọi chung là cơ sở) sản xuất, kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ
trên địa bàn tỉnh; khuyến khích các cơ sở sản xuất sản phẩm chủ lực của tỉnh,
sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu;
b) Các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức, cá
nhân liên quan đến hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.
3. Nguyên tắc áp dụng
a) Các cơ sở đang hoạt động sản xuất, kinh doanh
đóng trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh và tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành của
nhà nước; Không nằm trong các chương trình, dự án, kế hoạch khác và đang được
ngân sách nhà nước hỗ trợ đối với các nội dung được hỗ trợ nêu tại Nghị quyết
này;
b) Cơ sở chỉ được đăng ký hỗ trợ 01 lần trong một
năm đối với mỗi nội dung đề nghị hỗ trợ và được hỗ trợ nhiều nội dung khác nhau
nếu đủ điều kiện;
c) Trường hợp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã có
tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của
nước xuất khẩu thì cơ sở áp dụng theo các tiêu chuẩn đó. Trường hợp sản phẩm,
hàng hóa, dịch vụ chưa có các tiêu chuẩn trên thì cơ sở xây dựng tiêu chuẩn cơ
sở để áp dụng.
Điều 2. Nội dung hỗ trợ và mức hỗ trợ
1. Chính sách thúc đẩy hoạt động tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật
a) Đào tạo, bồi dưỡng kiến thức về tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật; các hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn; các công
cụ cải tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; mã số, mã vạch;
truy xuất nguồn gốc cho cán bộ các sở, ban, ngành, địa phương; cán bộ lãnh đạo,
quản lý cơ sở sản xuất, kinh doanh và tổ chức học tập, chia sẻ kinh nghiệm về
hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước, tối đa không quá 350 triệu
đồng/năm;
b) Điều tra, thống kê lập danh mục và nhóm sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh để
xác định nhu cầu áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và xây dựng cơ sở dữ
liệu về hoạt động tiêu chuẩn, quy chuẩn trên địa bàn tỉnh, tối đa không quá 100
triệu đồng/cuộc;
c) Xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa
phương đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc thù của tỉnh, tối đa không
quá 300 triệu đồng/quy chuẩn địa phương;
d) Đầu tư 100% kinh phí cho các cơ quan nhà nước
mua sắm máy móc, trang thiết bị hiện đại đáp ứng yêu cầu phân tích, thử nghiệm
các chỉ tiêu chất lượng sản phẩm, hàng hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật;
đ) Xây dựng, vận hành cổng thông tin hệ thống truy
xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa thống nhất trên địa bàn tỉnh, tối đa không
quá 1,5 tỷ đồng/cổng thông tin hệ thống truy xuất nguồn gốc.
2. Chính sách hỗ trợ xây dựng, áp dụng và chứng
nhận các hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc tế, công cụ cải tiến
năng suất chất lượng và các hoạt động nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh
a) Hỗ trợ cơ sở xây dựng, áp dụng và chứng nhận các
hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn quốc tế cho hoạt động sản xuất,
kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ: Hệ thống quản lý chất lượng (ISO 9001);
Hệ thống quản lý môi trường (ISO 14001); Hệ thống quản lý năng lượng (ISO
50001); Hệ thống quản lý an toàn thông tin (ISO 27001); Hệ thống quản lý trách
nhiệm xã hội (ISO 26000); Hệ thống quản lý an toàn và sức khỏe nghề nghiệp (ISO
45001); Hệ thống quản lý chất lượng chuyên ngành công nghiệp dầu khí (ISO
29001), sản xuất ôtô và công nghiệp phụ trợ (ISO/TS 16949), viễn thông (TL
9000), thiết bị y tế (ISO 13485)... Hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ISO
22000), HACCP, GMP; và các hệ thống quản lý mới và các hệ thống tích hợp phù hợp
với đặc thù cơ sở... Mức hỗ trợ: Hỗ trợ 30 triệu đồng/hệ thống cho việc xây
dựng, áp dụng và chứng nhận một hệ thống quản lý chất lượng; Hỗ trợ 50 triệu
đồng/hệ thống tích hợp cho việc xây dựng, áp dụng và chứng nhận cùng một lúc
hai hệ thống quản lý chất lượng trở lên;
b) Hỗ trợ cơ sở xây dựng, áp dụng các công cụ cải
tiến năng suất chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Mức hỗ trợ 30 triệu
đồng/công cụ cho việc xây dựng, áp dụng một trong các công cụ cải tiến năng
suất chất lượng sau: Thực hành 5S, cải tiến Kaizen, loại trừ 7 lãng phí; 7 công
cụ kiểm soát chất lượng; Quản lý tinh gọn (Lean); Duy trì hiệu suất thiết bị
tổng thể (TPM); Chỉ số đánh giá hoạt động chính (KPI); Hạch toán chi phí dòng
nguyên liệu (MFCA); Quản lý chất lượng toàn diện (TQM); Mô hình nhóm huấn luyện
(TWI); các công cụ cải tiến năng suất chất lượng phù hợp khác...;
c) Hỗ trợ xây dựng hệ thống, sử dụng tem truy xuất
nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa và đăng ký, duy trì mã số, mã vạch: 15 triệu
đồng/cơ sở.
3. Chính sách hỗ trợ xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật
a) Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được
xây dựng, áp dụng và công bố tiêu chuẩn cơ sở (đối với sản phẩm chưa có tiêu
chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của nước
xuất khẩu): 10 triệu đồng/sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tối đa không quá 05 sản
phẩm, hàng hóa, dịch vụ/cơ sở;
b) Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được
chứng nhận và công bố phù hợp tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu
chuẩn khu vực, tiêu chuẩn của nước xuất khẩu: 15 triệu đồng/sản phẩm, hàng hóa,
dịch vụ. Tối đa không quá 05 sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ/cơ sở;
c) Hỗ trợ cơ sở có sản phẩm, dịch vụ được chứng
nhận và công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa
phương: 20 triệu đồng/sản phẩm, dịch vụ. Tối đa không quá 05 sản phẩm, dịch
vụ/cơ sở;
d) Hỗ trợ cơ sở được chứng nhận áp dụng tiêu chuẩn
thực hành nông nghiệp tốt (G.A.P): 15 triệu đồng/cơ sở.
4. Chính sách hỗ trợ cơ sở tham gia giải thưởng
chất lượng quốc gia, giải thưởng chất lượng quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương
a) Hỗ trợ cơ sở đạt giải thưởng chất lượng Quốc
gia: 20 triệu đồng/cơ sở.
b) Hỗ trợ cơ sở đạt giải vàng chất lượng Quốc gia:
30 triệu đồng/cơ sở.
c) Hỗ trợ cơ sở đạt giải thưởng chất lượng quốc tế
Châu Á - Thái Bình Dương: 40 triệu đồng/cơ sở.
d) Trong trường hợp một cơ sở cùng đạt nhiều loại
giải thưởng thì chỉ được nhận hỗ trợ cho giải có giá trị cao nhất.
5. Chính sách hỗ trợ tổ chức đánh giá sự phù hợp
đối với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật
a) Hỗ trợ 200 triệu đồng chi phí thành lập mới đối
với tổ chức đánh giá sự phù hợp thực hiện hoạt động chứng nhận sự phù hợp đối
với sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đáp
ứng điều kiện kinh doanh theo quy định tại Nghị định số 107/2016/NĐ-CP ngày 01
tháng 7 năm 2020 của Chính phủ trên địa bàn tỉnh;
b) Hỗ trợ 30 triệu đồng cho việc duy trì, chứng
nhận hệ thống quản lý và năng lực hoạt động đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn ISO/IEC
17025:2007 cho các phòng thử nghiệm.
Điều 3. Nguồn kinh phí thực hiện
Nguồn kinh phí hỗ trợ theo Nghị quyết này được cân
đối, bố trí từ ngân sách tỉnh, vốn cơ sở sản xuất, kinh doanh và các nguồn vốn
huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức thực hiện Nghị
quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các ban Hội đồng
nhân dân, các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này được Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh
khóa XVII, Kỳ họp thứ 15 thông qua ngày 10 tháng 7 năm 2020 và có hiệu lực từ
ngày 20 tháng 7 năm 2020./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc hội;
- Ban Công tác đại biểu UBTVQH;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ; Website Chính phủ;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- Kiểm toán nhà nước khu vực II;
- Bộ Tư lệnh Quân khu 4;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL - Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND, UBND, UBMTTQ tỉnh;
- Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Tĩnh;
- Đại biểu HĐND tỉnh;
- Văn phòng Tỉnh ủy;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Trang Thông tin điện tử tỉnh;
- Trung tâm Thông tin - Công báo - Tin học;
- Lưu: VT.
|
CHỦ TỊCH
Lê Đình Sơn
|