Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 31/2021/TT-BTC áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Số hiệu: 31/2021/TT-BTC Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài chính Người ký: Hồ Đức Phớc
Ngày ban hành: 17/05/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

04 dấu hiệu thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế

Ngày 17/5/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 31/2021/TT-BTC quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

Theo đó, người nộp thuế (NNT) thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là NNT có một trong các dấu hiệu sau:

- NNT được lựa chọn từ danh sách NNT thuộc mức không tuân thủ pháp luật thuế, danh sách NNT thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao và NNT không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế.

(Nội dung mới so với quy định hiện hành)

- NNT thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế.

- NNT hoặc người đại diện hợp pháp của NNT bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ.

- NNT có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế.

Thông tư 31/2021/TT-BTC có hiệu lực ngày 02/7/2021 và thay thế Thông tư 204/2015/TT-BTC ngày 21/12/2015.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

BỘ TÀI CHÍNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2021/TT-BTC

Hà Nội, ngày 17 tháng 5 năm 2021

THÔNG TƯ

QUY ĐỊNH VỀ ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Nghị định số 87/2017/NĐ-CP ngày 26 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài chính;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế,

Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Thông tư này quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế của cơ quan thuế các cấp, bao gồm:

1. Thu thập, xử lý, quản lý, sử dụng thông tin liên quan đến người nộp thuế phục vụ quản lý rủi ro.

2. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế.

3. Áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế tương ứng với các mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Người nộp thuế.

2. Cơ quan thuế.

3. Công chức thuế.

4. Cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 2 Luật Quản lý thuế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế là việc ứng dụng các quy trình nghiệp vụ, các nguyên tắc, biện pháp, kỹ thuật về quản lý rủi ro và kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế để quyết định thực hiện các biện pháp nghiệp vụ trong quản lý thuế.

2. Thông tin quản lý rủi ro là thông tin về thuế và liên quan đến thuế được thu thập, xử lý phục vụ áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

3. Mức độ tuân thủ là kết quả đánh giá phân loại của cơ quan thuế về chấp hành pháp luật thuế của người nộp thuế.

4. Tiêu chí đánh giá tuân thủ là các tiêu chuẩn để đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

5. Chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

6. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế là việc thu thập, phân tích, xác minh, đối chiếu thông tin về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật về thuế với các tiêu chí, chỉ số tiêu chí đánh giá tuân thủ để phân loại mức độ tuân thủ pháp luật của người nộp thuế.

7. Quản lý tuân thủ pháp luật thuế là việc cơ quan thuế thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro, phân tích hành vi của người nộp thuế, từ đó sử dụng nguồn lực hợp lý cho các biện pháp quản lý phù hợp với từng mức độ, nhằm khuyến khích tuân thủ và phòng ngừa hành vi không tuân thủ.

8. Phân tích rủi ro người nộp thuế là việc phân tích các thông tin về người nộp thuế nhằm phát hiện các dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế dẫn đến khả năng gây thất thu ngân sách nhà nước về thuế.

9. Mức độ rủi ro là tính nghiêm trọng của rủi ro được xác định dựa trên sự kết hợp giữa tần suất và hậu quả của rủi ro.

10. Tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các tiêu chuẩn để đánh giá phân loại mức độ rủi ro trong quản lý thuế.

11. Chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro là các chỉ tiêu thông tin mang giá trị cụ thể của tiêu chí phân loại mức độ rủi ro.

12. Đánh giá rủi ro là việc phân loại, xem xét, đối chiếu mức độ rủi ro với các chỉ số tiêu chí phân loại mức độ rủi ro và việc xử lý các rủi ro trước đó để sắp xếp thứ tự ưu tiên.

13. Dấu hiệu rủi ro là yếu tố mang giá trị thông tin phản ánh sự tiềm ẩn của hành vi vi phạm pháp luật.

14. Dấu hiệu vi phạm về thuế yếu tố mang giá trị thông tin, làm cơ sở nhận diện hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

15. Giám sát trọng điểm việc cơ quan thuế áp dụng các biện pháp nghiệp vụ đối với người nộp thuế (được đánh giá) rủi ro cao về thuế hoặc không tuân thủ pháp luật thuế theo từng lĩnh vực hoạt động, từng địa bàn trong từng thời kỳ.

16. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý rủi ro trong quản lý thuế (sau đây gọi là ứng dụng quản lý rủi ro) là ứng dụng công nghệ thông tin thực hiện việc kết nối, tiếp nhận thông tin từ các nguồn dữ liệu liên quan trong và ngoài cơ quan thuế, điện tử hóa các biện pháp, kỹ thuật quản lý rủi ro dựa trên bộ tiêu chí, chỉ số được ban hành để phân tích, đánh giá tuân thủ, xác định mức độ rủi ro phục vụ cho việc quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ của cơ quan thuế.

17. Phân đoạn người nộp thuế là việc cơ quan thuế phân chia người nộp thuế thành những nhóm có đặc điểm chung để áp dụng các biện pháp quản lý phù hợp.

18. Phân loại theo phương pháp học máy (machine learning) là thực hiện các thuật toán tính toán, thống kê trên máy tính để xác định các mô hình, hàm số, chỉ số giúp phân loại, dự báo mức độ rủi ro.

19. Phương pháp xếp hạng theo danh mục là phương pháp đánh giá người nộp thuế qua đối chiếu với các tiêu chí, chỉ số về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật về thuế, được sắp xếp theo các nhóm tương ứng với mỗi mức xếp hạng. Người nộp thuế đạt một mức xếp hạng cụ thể nếu được đánh giá thỏa mãn tiêu chí, chỉ số trong nhóm tiêu chí, chỉ số tương ứng với mức xếp hạng đó.

20. Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm là phương pháp đánh giá người nộp thuế trên cơ sở điểm số của các tiêu chí, chỉ số về quá trình hoạt động và chấp hành pháp luật về thuế.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý rủi ro

1. Áp dụng quản lý rủi ro đảm bảo hiệu lực, hiệu quả của quản lý thuế; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người nộp thuế tự nguyện tuân thủ tốt các quy định của pháp luật về thuế và quản lý thuế đồng thời phòng chống, phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật về thuế và quản lý thuế.

2. Thông tin quản lý rủi ro được thu thập từ các nguồn thông tin bên trong và bên ngoài cơ quan thuế (bao gồm cả thông tin từ nước ngoài) theo quy định của pháp luật; được quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế thông qua hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin và được xử lý, chia sẻ, cung cấp cho cơ quan thuế các cấp, các cơ quan quản lý nhà nước khác để phục vụ cho mục đích quản lý thuế theo quy định của pháp luật.

3. Việc đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện tự động, định kỳ, theo một hoặc kết hợp các phương pháp quy định tại Thông tư này trên cơ sở các quy định của pháp luật, các quy trình, biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế, dựa trên phân đoạn người nộp thuế, các tiêu chí quy định tại Thông tư này và cơ sở dữ liệu về người nộp thuế.

4. Căn cứ vào kết quả đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, thông tin có trên các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế, thông tin dấu hiệu vi phạm, dấu hiệu rủi ro khác được cung cấp tại thời điểm ra quyết định, cơ quan thuế thực hiện:

a) Quyết định kiểm tra, thanh tra, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp.

b) Xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể phù hợp với nguồn lực của cơ quan thuế dựa trên kết quả phân tích bản chất hành vi, nguyên nhân và quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro.

5. Trường hợp đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật, quy định tại Thông tư này và các quy định, hướng dẫn về quản lý rủi ro, công chức thuế được miễn trừ trách nhiệm cá nhân theo quy định của pháp luật.

6. Trường hợp ứng dụng quản lý rủi ro gặp sự cố hoặc chưa đáp ứng yêu cầu áp dụng quản lý rủi ro theo nội dung quy định tại Thông tư này, việc áp dụng quản lý rủi ro được thực hiện thủ công bằng phê duyệt văn bản đề xuất hoặc văn bản ký phát hành của người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

7. Trường hợpthay đổi thông tin dẫn đến thay đổi kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế, ứng dụng quản lý rủi ro chưa tự động điều chỉnh mức độ tuân thủ và mức độ rủi ro, việc cập nhật thay đổi kết quả đánh giá được thực hiện thủ công bởi công chức, sau khi có phê duyệt của người có thẩm quyền.

8. Kết quả áp dụng các biện pháp nghiệp vụ tương ứng với các mức xếp hạng rủi ro phải được cập nhật đầy đủ, chính xác vào các ứng dụng hỗ trợ quản lý thuế của cơ quan thuế hoặc ứng dụng quản lý rủi ro đối với từng trường hợp cụ thể, phục vụ hoàn thiện và thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại rủi ro người nộp thuế trong kỳ tiếp theo.

Điều 5. Phương pháp đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế

Mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được xác định theo một hoặc kết hợp các phương pháp dưới đây:

1. Phương pháp chấm điểm và phân loại theo điểm.

2. Phương pháp học máy.

3. Phương pháp xếp hạng theo danh mục.

Điều 6. Trình tự áp dụng quản lý rủi ro về thuế

Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế được cơ quan thuế thực hiện theo trình tự sau:

1. Đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro

Cơ quan thuế thực hiện rà soát các rủi ro, sai phạm thường gặp của người nộp thuế trong việc thực hiện quy định tại Điều 17 Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 hoặc quy định hiện hành để xác định các rủi ro chính cần được xử lý, người nộp thuế có rủi ro lớn và hướng xử lý.

2. Tổ chức thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro

Thông tin quản lý rủi ro được thu thập, xử lý theo quy định tại Chương II Thông tư này.

Trường hợp thông tin kê khai sai, không đầy đủ phát hiện trong quá trình phân tích rủi ro, người nộp thuế có trách nhiệm cung cấp, giải trình hoặc bổ sung thông tin, tài liệu theo yêu cầu và thời hạn thông báo của cơ quan thuế để đảm bảo đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được chính xác.

3. Thiết lập, cập nhật các chỉ số để phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế

Căn cứ kết quả đánh giá tình hình, xác định mục tiêu và yêu cầu quản lý rủi ro quy định tại khoản 1 Điều này, thông tin quản lý rủi ro và ứng dụng công nghệ thông tin để thiết lập, cập nhật các chỉ số tiêu chí, trọng số dùng đánh giá, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế, mức độ rủi ro người nộp thuế.

4. Phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế; xác định mức độ rủi ro người nộp thuế; xác định mức độ rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế; quản lý hồ sơ rủi ro đối với các trường hợp giám sát trọng điểm

Người nộp thuế được phân đoạn theo điều kiện xác định phù hợp với yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ khi thực hiện việc phân tích, đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế.

Việc thực hiện phân tích, phân loại mức độ tuân thủ pháp luật thuế và mức độ rủi ro người nộp thuế được thực hiện bằng các phương pháp quy định tại Điều 5 Thông tư này.

5. Căn cứ kết quả xác định mức độ rủi ro; đánh giá tuân thủ pháp luật của người nộp thuế để áp dụng biện pháp quản lý thuế và xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ tổng thể đối với người nộp thuế.

6. Theo dõi, cập nhật, đánh giá thông tin phản hồi về kết quả thực hiện các biện pháp quản lý thuế.

7. Thực hiện thu thập, xử lý, sử dụng, lưu trữ, thông tin; chỉ đạo, hướng dẫn điều chỉnh, bổ sung việc áp dụng quản lý rủi ro phù hợp để đảm bảo hiệu quả quản lý thuế.

Chương II

THU THẬP, XỬ LÝ THÔNG TIN QUẢN LÝ RỦI RO

Điều 7. Thông tin quản lý rủi ro

Thông tin phục vụ quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ thuế bao gồm:

1. Thông tin trong cơ quan thuế

a) Thông tin về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; thông tin về nhân thân các thành viên sáng lập, chủ sở hữu và người đại diện pháp luật của người nộp thuế; đăng ký và sử dụng lao động; thông tin về trạng thái người nộp thuế; số lần thay đổi các thông tin đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế; tình hình góp vốn của các thành viên; ngành nghề kinh doanh chính;

b) Thông tin về các hồ sơ khai thuế; nộp thuế; nợ thuế; ưu đãi, miễn, giảm thuế; gia hạn nộp thuế; nộp dần tiền thuế; hoàn thuế; đăng ký, quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ; thông tin khiếu nại, tố cáo; thông tin về kết quả thanh tra, kiểm tra và xử lý sau thanh tra, kiểm tra; thông tin về giao dịch liên kết;

c) Các thông tin khác.

2. Thông tin thu thập từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm cung cấp

a) Thông tin về người nộp thuế thu thập từ cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan theo quy định tại Điều 26, Điều 27, Điều 30 Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế hoặc theo quy định hiện hành;

b) Thông tin từ nước ngoài, tổ chức quốc tế cung cấp theo nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế có liên quan đến thuế mà Việt Nam là thành viên.

3. Thông tin khác có liên quan đến người nộp thuế.

Điều 8. Thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro

1. Nguồn thu thập thông tin

a) Từ hệ thống thông tin trong cơ quan thuế;

b) Từ phối hợp với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Tài chính và các cơ quan, đơn vị thuộc các Bộ, ngành liên quan trong việc trao đổi, cung cấp thông tin phục vụ công tác quản lý thuế;

c) Từ phối hợp trao đổi thông tin với cơ quan thuế, cơ quan có thẩm quyền ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;

d) Tiếp nhận thông tin của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân cung cấp theo quy định của pháp luật;

đ) Thông tin liên quan đến hoạt động của người nộp thuế thu thập được trong quá trình quản lý thuế;

e) Mua thông tin theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành;

g) Tiếp nhận thông tin liên quan đến thuế từ nước ngoài, tổ chức quốc tế cung cấp theo nghĩa vụ tại các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên;

h) Từ các nguồn thông tin có liên quan khác theo quy định của pháp luật.

2. Hình thức thu thập thông tin

a) Cung cấp, trao đổi dưới dạng dữ liệu điện tử, chứng từ điện tử, thư điện tử (e-mail), trao đổi qua cổng thông tin điện tử Tổng cục Thuế; tin nhắn và cuộc gọi đến số điện thoại được cơ quan thuế công bố chính thức;

b) Cung cấp, trao đổi bằng văn bản, điện tín, điện báo, fax, tài liệu giấy;

c) Trao đổi trực tiếp trên cơ sở biên bản ghi nhận, có xác nhận của các bên liên quan; cử đại diện làm việc, xác minh, thu thập thông tin, tài liệu; tổ chức hội nghị và các hình thức khác.

3. Xử lý thông tin thu thập

a) Đánh giá mức độ liên quan của thông tin với nhu cầu, mục đích sử dụng thông tin; xem xét độ tin cậy, tính chính xác của thông tin;

b) Phân loại, sắp xếp, lưu trữ thông tin từ các nguồn theo từng nhóm thông tin phục vụ khai thác, phân tích thông tin;

c) Phân tích thông tin, xem xét, phát hiện các yếu tố cấu thành nội dung thông tin phục vụ quản lý rủi ro;

d) Tổng hợp, liên kết các yếu tố có liên quan được phát hiện qua phân tích để làm rõ nội dung, giá trị của thông tin được thu thập phục vụ phân loại mức độ rủi ro, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế.

Điều 9. Ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý rủi ro

1. Ứng dụng quản lý rủi ro, cơ sở dữ liệu về người nộp thuế được xây dựng, quản lý tập trung tại Tổng cục Thuế, đảm bảo thông tin làm cơ sở đánh giá rủi ro được cập nhật đầy đủ, chính xác, kịp thời nhờ việc kết nối trao đổi thông tin với các hệ thống xử lý dữ liệu điện tử thuế và các hệ thống thông tin dữ liệu liên quan

Trường hợp hệ thống bị sự cố hoặc lỗi đường truyền, việc cập nhật, tích hợp, xử lý, lưu trữ thông tin trên hệ thống được thực hiện ngay khi sự cố, lỗi hệ thống được khắc phục.

2. Áp dụng các biện pháp quản lý nhằm đảm bảo an toàn, bảo mật dữ liệu, an toàn máy tính và an ninh mạng theo quy định của pháp luật.

3. Tổng cục Thuế quy định cụ thể trách nhiệm của đơn vị, công chức thuế các cấp trong việc xây dựng, quản lý, vận hành, cập nhật, khai thác, sử dụng ứng dụng quản lý rủi ro phù hợp với từng lĩnh vực hoạt động nghiệp vụ thuế.

Chương III

ĐÁNH GIÁ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ VÀ PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ RỦI RO NGƯỜI NỘP THUẾ TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Điều 10. Đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế

1. Người nộp thuế được đánh giá, phân loại theo một trong các mức độ tuân thủ pháp luật thuế như sau:

a) Mức 1: Tuân thủ cao.

b) Mức 2: Tuân thủ trung bình.

c) Mức 3: Tuân thủ thấp.

d) Mức 4: Không tuân thủ.

2. Mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được phân loại dựa trên các tiêu chí quy định tại Phụ lục I Thông tư này.

3. Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế được cơ quan thuế theo dõi, xử lý như sau:

a) Đối với người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ, thực hiện các biện pháp quản lý theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;

b) Đối với người nộp thuế thuộc các mức tuân thủ cao, trung bình, thấp và không tuân thủ, thực hiện phân tích bản chất hành vi để xác định biện pháp nâng cao tuân thủ.

Điều 11. Phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp

1. Phân loại mức độ rủi ro tổng thể

a) Người nộp thuế là doanh nghiệp được phân loại mức độ rủi ro theo một trong những hạng sau:

a.1) Hạng 1: Người nộp thuế rủi ro rất thấp.

a.2) Hạng 2: Người nộp thuế rủi ro thấp.

a.3) Hạng 3: Người nộp thuế rủi ro trung bình.

a.4) Hạng 4: Người nộp thuế rủi ro cao.

a.5) Hạng 5: Người nộp thuế rủi ro rất cao.

b) Mức độ rủi ro người nộp thuế được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế tại Điều 10 và các tiêu chí quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

c) Xử lý kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp

c.1) Đối với người nộp thuế thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao áp dụng các biện pháp quản lý theo quy định tại Điều 22 Thông tư này;

c.2) Theo yêu cầu công tác quản lý thuế trong từng thời kỳ, người nộp thuế thuộc các mức rủi ro có thể tiếp tục được phân loại rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Phân loại mức độ rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế

a) Mức độ rủi ro người nộp thuế là doanh nghiệp trong các nghiệp vụ quản lý thuế được phân loại theo một trong các mức sau:

a.1) Rủi ro cao.

a.2) Rủi ro trung bình.

a.3) Rủi ro thấp.

b) Mức độ rủi ro người nộp thuế trong các nghiệp vụ quản lý thuế được phân loại dựa trên kết quả xếp hạng mức độ rủi ro người nộp thuế tại khoản 1 Điều này và các tiêu chí quy định tại Phụ lục II Thông tư này.

c) Xử lý kết quả phân loại mức độ rủi ro

Kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế được áp dụng các biện pháp quản lý thuế trong từng nghiệp vụ quản lý thuế quy định tại Chương IV Thông tư này.

Điều 12. Phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân

1. Mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại theo một trong các mức sau:

a) Rủi ro cao.

b) Rủi ro trung bình.

c) Rủi ro thấp.

2. Mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân được phân loại dựa trên kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế tại Điều 10 và các tiêu chí quy định tại Phụ lục III Thông tư này.

3. Xử lý kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế là cá nhân

Kết quả phân loại mức độ rủi ro của người nộp thuế được áp dụng các biện pháp quản lý thuế quy định tại Điều 15 Thông tư này.

Chương IV

ÁP DỤNG QUẢN LÝ RỦI RO TRONG QUẢN LÝ THUẾ

Điều 13. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Cơ quan thuế căn cứ vào kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế tại Điều 10, kết quả phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế tại Điều 11 và Điều 12 Thông tư này và các thông tin nghiệp vụ tại thời điểm ra quyết định để xác định danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong từng thời kỳ và thực hiện:

a) Quản lý tuân thủ pháp luật thuế;

b) Quản lý rủi ro về đăng ký thuế;

c) Quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ thuế tại trụ sở của cơ quan thuế;

d) Quản lý rủi ro trong quản lý hoàn thuế;

đ) Quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế;

e) Quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

g) Quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ;

h) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế thuộc trường hợp kiểm soát, giám sát trọng điểm;

i) Quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân;

k) Áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ khác trong quản lý thuế.

2. Danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này được cập nhật trên ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm tổng hợp, cập nhật, quản lý thông tin người nộp thuế có rủi ro để phục vụ cho công tác quản lý thuế trong toàn ngành thuế.

3. Tổng cục Thuế quy định chi tiết định kỳ việc đánh giá, lập danh sách người nộp thuế rủi ro theo các trường hợp nêu tại khoản 1 Điều này để xác định trọng điểm trong công tác quản lý thuế đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ.

4. Nếu có thông tin nghi ngờ hoặc phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế qua công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, qua đơn thư tố cáo, qua thông tin từ các cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều tra, thủ trưởng cơ quan thuế quyết định thay đổi hình thức, mức độ kiểm tra, thay đổi biện pháp quản lý thuế khác theo thẩm quyền và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

Điều 14. Các biện pháp nâng cao tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế

Căn cứ kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế được quy định tại Điều 10 Thông tư này, cơ quan thuế thực hiện phân tích bản chất hành vi, quy mô của mỗi mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế, xây dựng kế hoạch nâng cao tuân thủ pháp luật thuế với các biện pháp xử lý phù hợp với mỗi vấn đề tuân thủ như sau:

1. Đối với trường hợp tuân thủ cao: Đưa vào danh sách xem xét, lựa chọn tuyên dương, khen thưởng người nộp thuế tuân thủ pháp luật thuế.

2. Đối với các trường hợp cần nâng cao tuân thủ:

a) Phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan, các đại lý thuế để triển khai các biện pháp hỗ trợ người nộp thuế thực hiện các thủ tục về thuế; tổ chức các chương trình tiếp xúc với người nộp thuế, hội nghị đối thoại, hội thảo, đào tạo giúp người nộp thuế thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thuế;

b) Nghiên cứu sửa đổi chính sách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, triển khai các biện pháp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ thông tin để việc kê khai, nộp thuế được thuận tiện, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ cho người nộp thuế;

c) Được phân loại rủi ro và áp dụng các biện pháp quản lý thuế đối với các mức rủi ro người nộp thuế quy định tại các Điều 15, Điều 16, Điều 17, Điều 18, Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22 Thông tư này.

Điều 15. Áp dụng quản lý rủi ro đối với người nộp thuế là cá nhân

Căn cứ vào danh sách người nộp thuế là cá nhân phân loại theo các mức rủi ro tại Điều 13 Thông tư này, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý thuế phù hợp theo quy định.

1. Đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

a) Rủi ro cao: Áp dụng một hoặc kết hợp các biện pháp sau:

a.1) Rà soát, kiểm tra, xác minh các thông tin liên quan làm cơ sở xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh;

a.2) Lập danh sách kiểm tra, khảo sát để xác định lại doanh thu, mức thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh và việc thực hiện nghĩa vụ thuế của các tổ chức có liên quan.

b) Rủi ro trung bình: Lựa chọn ngẫu nhiên đưa vào danh sách khảo sát doanh thu hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh; tiếp tục thực hiện phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo;

c) Rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

2. Đối với cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân (không bao gồm hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh)

a) Rủi ro cao: Lựa chọn vào danh sách kiểm tra, xác minh thực tế và tổ chức thực hiện kiểm tra, xác minh theo quy định hiện hành;

b) Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Trường hợp cá nhân có các khoản thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân thông qua tổ chức chi trả thu nhập thì được kiểm soát qua việc phân tích dấu hiệu rủi ro của tổ chức chi trả thu nhập.

3. Đối với cá nhân có các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất

a) Rủi ro cao: Thực hiện phân tích hồ sơ, lập danh sách trình thủ trưởng cơ quan thuế kế hoạch kiểm tra tại trụ sở cơ quan thuế, thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế theo quy định hiện hành đối với cá nhân và tổ chức có liên quan;

b) Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Lưu hồ sơ, thực hiện phân loại mức độ rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Điều 16. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý về đăng ký thuế

Căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về đăng ký thuế tại Điều 13 Thông tư này để cơ quan thuế áp dụng các biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hoặc phối hợp với cơ quan đăng ký kinh doanh giải quyết, xử lý theo quy định của pháp luật đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế.

1. Trường hợp người nộp thuế có thay đổi thông tin đăng ký thuế làm thay đổi cơ quan thuế quản lý trực tiếp:

a) Rủi ro cao: Cơ quan thuế nơi chuyển đi và cơ quan thuế nơi chuyển đến phối hợp thực hiện kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thanh tra hoặc kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định pháp luật hiện hành;

b) Rủi ro trung bình: Cơ quan thuế nơi chuyển đến thực hiện đưa vào giám sát, đề nghị người nộp thuế giải trình bổ sung thông tin tài liệu khi có yêu cầu của cơ quan thuế;

c) Rủi ro thấp: Chưa thực hiện việc kiểm tra, giám sát; thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật người nộp thuế, phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

2. Trường hợp người nộp thuế thông báo tạm ngừng hoạt động kinh doanh

a) Rủi ro cao: Tăng cường thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định, phù hợp với tình hình thực hiện nghĩa vụ thuế của người nộp thuế để xử lý kịp thời nợ thuế, hóa đơn, hành vi vi phạm (nếu có);

b) Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện các biện pháp quản lý thuế theo quy định; thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật thuế, phân loại rủi ro cho kỳ đánh giá tiếp theo.

3. Trường hợp chấm dứt hiệu lực mã số thuế

Ưu tiên theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống thấp để thực hiện thanh tra, kiểm tra quyết toán thuế tại trụ sở của người nộp thuế theo quy định.

Cập nhật trạng thái giải thể, phá sản hoặc ngừng hoạt động trên hệ thống ứng dụng đăng ký thuế đối với các trường hợp đã hoàn thành nghĩa vụ về thuế theo quy định. Áp dụng các biện pháp đôn đốc người nộp thuế hoàn thành nghĩa vụ thuế trước khi giải thể, phá sản, ngừng hoạt động theo quy định.

4. Đối với trường hợp còn lại: Thường xuyên rà soát các trường hợp có dấu hiệu rủi ro cao để xác định danh sách cần kiểm tra, xác minh tình trạng hoạt động tại địa điểm kinh doanh.

Điều 17. Áp dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở của cơ quan thuế

Căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về hồ sơ khai thuế tại Điều 13 Thông tư này để áp dụng biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ khai thuế.

1. Rủi ro cao: Thực hiện phân tích hồ sơ, lập danh sách trình thủ trưởng cơ quan thuế kế hoạch kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở của cơ quan thuế theo quy định;

2. Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Chưa thực hiện kiểm tra hồ sơ khai thuế tại trụ sở của cơ quan thuế; thực hiện đánh giá tuân thủ pháp luật, phân loại rủi ro hồ sơ khai thuế của người nộp thuế cho kỳ đánh giá tiếp theo.

Điều 18. Áp dụng quản lý rủi ro trong hoàn thuế

Cơ quan thuế phân loại hồ sơ hoàn thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan hoặc các quy định hiện hành. Đối với phân loại hồ sơ hoàn thuế theo rủi ro, căn cứ kết quả phân loại rủi ro hồ sơ hoàn thuế tại Điều 13 Thông tư này, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp phù hợp trong giải quyết, xử lý hồ sơ hoàn thuế như sau:

1. Phân loại giải quyết hồ sơ hoàn thuế

a) Hồ sơ hoàn thuế thuộc loại rủi ro cao về thuế: Thực hiện kiểm tra trước, hoàn thuế sau

Trong 12 tháng liên tục tính từ đầu năm tài chính, người nộp thuế có hồ sơ hoàn thuế liên tiếp được đánh giá là rủi ro cao:

a.1) Trường hợp lần đánh giá rủi ro đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề khác nhau về tổng số điểm rủi ro hoặc điểm rủi ro tại mỗi tiêu chí, chỉ số khác nhau: Hồ sơ hoàn thuế thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau.

a.2) Trường hợp lần đánh giá rủi ro đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề giống nhau về tổng số điểm và số điểm tại mỗi tiêu chí, chỉ số; hoặc hồ sơ hoàn thuế đang thực hiện so với lần đánh giá trước liền kề có số điểm rủi ro tại mỗi chỉ số thấp hơn dẫn đến tổng điểm rủi ro thấp hơn tương ứng:

- Kết quả kiểm tra hồ sơ hoàn thuế lần trước liền kề hoặc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế không phát hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì hồ sơ hoàn thuế lần tiếp theo không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

- Trường hợp kiểm tra hồ sơ hoàn thuế lần trước liền kề hoặc thanh tra, kiểm tra sau hoàn thuế phát hiện hành vi khai sai dẫn đến thiếu số tiền thuế phải nộp hoặc tăng số tiền thuế được hoàn thì hồ sơ hoàn thuế lần tiếp theo thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế.

b) Hồ sơ hoàn thuế thuộc các loại rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau.

c) Trường hợp, sau khi ứng dụng phân loại hồ sơ hoàn thuế, trong quá trình giải quyết hồ sơ hoàn thuế, cơ quan thuế phát hiện người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, pháp luật hải quan hoặc trường hợp nếu người nộp thuế không giải trình, bổ sung hồ sơ hoàn thuế hoặc có giải trình, bổ sung nhưng không chứng minh được số thuế đã khai là đúng, cơ quan thuế thay đổi việc áp dụng hình thức phân loại hồ sơ hoàn thuế của người nộp thuế đang thuộc diện hoàn thuế trước, kiểm tra sau sang thuộc diện hồ sơ kiểm tra trước hoàn thuế sau; việc phê duyệt thay đổi áp dụng hình thức phân loại phải được cập nhật vào hệ thống thông tin nghiệp vụ.

2. Kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế

a) Việc sắp xếp thứ tự kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế được cơ quan thuế thực hiện trên cơ sở tổng điểm rủi ro từ cao xuống thấp trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày có quyết định hoàn thuế:

a1) Rủi ro cao (đối với hồ sơ hoàn thuế không thuộc diện kiểm tra trước hoàn thuế sau quy định tại điểm a khoản 1 Điều này): Thực hiện kiểm tra, thanh tra trong thời hạn một (01) năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế;

a2) Rủi ro trung bình: Thực hiện kiểm tra, thanh tra trong thời hạn ba (03) năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế;

a3) Rủi ro thấp: Thực hiện kiểm tra, thanh tra trong thời hạn năm (05) năm kể từ ngày ban hành quyết định hoàn thuế;

a4) Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan thuế có thể kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế sớm hơn thời hạn nêu trên.

b) Tổng cục Thuế quy định cụ thể về kiểm tra, thanh tra sau hoàn thuế; kết hợp với thanh tra, kiểm tra chấp hành pháp luật thuế theo quy định.

Điều 19. Áp dụng quản lý rủi ro trong thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế

1. Cơ quan thuế lựa chọn trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế phải đảm bảo:

a) Trường hợp được lựa chọn qua phân tích, đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế không dưới 90% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm;

b) Trường hợp được lựa chọn ngẫu nhiên không quá 10% số lượng trường hợp được thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch hàng năm.

2. Lựa chọn người nộp thuế để xây dựng kế hoạch thanh, tra kiểm tại trụ sở của người nộp thuế

Căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về hoạt động thanh tra, kiểm tra thuế tại Điều 13 Thông tư này, cơ quan thuế lựa chọn các trường hợp thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế như sau:

a) Lựa chọn trường hợp thanh tra: Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch thanh tra năm tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống.

b) Lựa chọn trường hợp kiểm tra: Lựa chọn người nộp thuế dự kiến đưa vào kế hoạch kiểm tra năm tại trụ sở của người nộp thuế theo kết quả xếp hạng rủi ro từ cao xuống và không trùng lặp với người nộp thuế đã được lựa chọn đưa vào kế hoạch thanh tra tại điểm a khoản 2 Điều này.

c) Việc áp dụng quản lý rủi ro trong lựa chọn người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro để xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra thuế phải tránh trùng lặp, chồng chéo theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

Trường hợp cơ quan thuế trong công tác quản lý thuế có thông tin tin cậy làm giảm mức độ rủi ro của người nộp thuế tới mức thấp hoặc có cơ sở cho rằng mức độ rủi ro của người nộp thuế là thấp chưa đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm thì cơ quan thuế quyết định không lựa chọn người nộp thuế đó vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra và lựa chọn người nộp thuế khác theo quy định để đưa vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm. Trường hợp trong công tác quản lý thuế, có thông tin được thu thập và xác minh được người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao thì cơ quan thuế lựa chọn bổ sung vào kế hoạch thanh tra, kiểm tra năm. Cơ quan thuế chịu trách nhiệm về các quyết định thay đổi của mình.

d) Việc xây dựng và thẩm quyền phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế; danh sách bổ sung, điều chỉnh kế hoạch thanh tra, kiểm tra tại trụ sở của người nộp thuế tại Điều này được thực hiện theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.

3. Cơ quan thuế căn cứ kết quả phân tích rủi ro bằng ứng dụng công nghệ thông tin hoặc rủi ro từ phân tích nghiệp vụ, thông tin từ thực tế công tác quản lý thuế để xác định nội dung, phạm vi thanh tra, kiểm tra thuế.

Điều 20. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế

n cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro về quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế tại Điều 13 Thông tư này, cơ quan thuế thực hiện việc quản lý nợ thuế và cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành, có xem xét đến mức độ rủi ro để ưu tiên xử lý hoặc tăng cường đôn đốc.

1. Rủi ro cao: Căn cứ tình hình thực tế, cơ quan thuế lựa chọn người nộp thuế có khả năng thu hồi được số tiền thuế nợ vào ngân sách nhà nước, người nộp thuế có số thuế nợ lớn, người nộp thuế có hành vi phát tán tài sản hoặc bỏ trốn, người nộp thuế xuất cảnh ra nước ngoài để thực hiện tăng tần suất đôn đốc; hoặc ưu tiên triển khai trước trong danh sách người nôp thuế cần áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế;

2. Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện theo dõi, đôn đốc và áp dụng các biện pháp thu nợ theo quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Điều 21. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ và trong các nghiệp vụ khác trong quản lý thuế

1. Áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ

Căn cứ danh sách người nộp thuế phân loại theo các mức rủi ro trong quản lý hóa đơn, chứng từ tại Điều 13 Thông tư này, cơ quan thuế áp dụng các biện pháp quản lý như sau:

a) Rủi ro cao: Đưa vào danh sách thực hiện rà soát, kiểm tra tại trụ sở của cơ quan thuế, bổ sung kế hoạch kiểm tra thanh tra tại trụ sở của người nộp thuế hàng năm theo quy định tại Luật Quản lý thuế, các văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan. Trên cơ sở kết quả kiểm tra, thanh tra thực hiện chuyển hình thức sử dụng hóa đơn đang thực hiện sang thực hiện mua hóa đơn của cơ quan thuế hoặc sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế hoặc thực hiện các biện pháp quản lý hóa đơn khác theo quy định hiện hành; quyết định hình thức sử dụng hóa đơn đối với người nộp thuế sử dụng hóa đơn lần đầu;

b) Rủi ro trung bình và rủi ro thấp: Thực hiện chọn mẫu để rà soát, kiểm tra, xử lý và tăng cường hỗ trợ người nộp thuế tuân thủ tốt các quy định pháp luật về hóa đơn.

Tổng cục Thuế quy định phương pháp chọn mẫu phù hợp theo yêu cầu quản lý thuế của từng địa phương, trong từng thời kỳ.

2. Áp dụng quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ khác

Căn cứ mức độ rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ khác và các thông tin nghiệp vụ, cơ quan thuế quyết định áp dụng các biện pháp nghiệp vụ phù hợp theo chức năng, nhiệm vụ.

Điều 22. Kiểm soát, giám sát trọng điểm đối với người nộp thuế có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế

1. Người nộp thuế thuộc trường hợp giám sát trọng điểm về thuế là người nộp thuế có một trong các dấu hiệu sau:

a) Người nộp thuế thực hiện các giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ theo quy định của pháp luật về phòng, chống rửa tiền có liên quan đến trốn thuế, gian lận thuế.

b) Người nộp thuế hoặc người đại diện hợp pháp của người nộp thuế bị khởi tố về các hành vi vi phạm về thuế, hóa đơn, chứng từ.

c) Người nộp thuế có dấu hiệu rủi ro cao về thuế thuộc chuyên đề trọng điểm hoặc qua thu thập thông tin từ công tác quản lý của cơ quan thuế cần giám sát quản lý thuế.

d) Người nộp thuế được lựa chọn từ danh sách người nộp thuế thuộc mức không tuân thủ pháp luật thuế quy định tại Điều 10, danh sách người nộp thuế thuộc mức rủi ro rất cao, rủi ro cao theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Thông tư này và người nộp thuế không giải trình, bổ sung thông tin hoặc có giải trình, bổ sung thông tin nhưng không đầy đủ theo yêu cầu và thời hạn tại thông báo bằng văn bản của cơ quan thuế.

2. Cơ quan thuế các cấp có trách nhiệm theo dõi, giám sát, áp dụng các biện pháp nghiệp vụ quản lý thuế phù hợp với từng trường hợp tại khoản 1 Điều này.

3. Tổng cục Thuế quy định cụ thể việc thu thập, phân tích thông tin, xác định trọng điểm giám sát, biện pháp giám sát phù hợp với quy định của pháp luật trong từng thời kỳ.

Điều 23. Kiểm tra, đánh giá việc thực hiện áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế

1. Thực hiện kiểm tra, đánh giá các nội dung sau:

a) Chất lượng tổ chức thực hiện các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro;

b) Hiệu lực, hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;

c) Việc tổ chức thực hiện và kết quả thực hiện quyết định kiểm tra, thanh tra hoặc các biện pháp nghiệp vụ khác trên cơ sở áp dụng quản lý rủi ro;

d) Đánh giá hiệu quả của các tiêu chí, chỉ số đánh giá tuân thủ pháp luật thuế và phân loại mức độ rủi ro người nộp thuế.

2. Biện pháp kiểm tra, đánh giá

a) Tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo của cơ quan thuế các cấp, các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế trong việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro;

b) Thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin kết quả áp dụng quản lý rủi ro trong các nghiệp vụ quản lý thuế;

c) Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra việc thực hiện và áp dụng quản lý rủi ro tại cơ quan thuế các cấp.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị quản lý rủi ro kiểm tra, đánh giá việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc đánh giá được thực hiện thường xuyên; Báo cáo định kỳ (6 tháng và hàng năm) và theo các yêu cầu nghiệp vụ phát sinh cụ thể.

Điều 24. Giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ

1. Thực hiện giám sát, đánh giá các nội dung sau:

a) Việc tổ chức thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ;

b) Kết quả và hiệu quả thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ. Cụ thể:

b.1) Hiệu lực, hiệu quả áp dụng các biện pháp xử lý mà cơ quan thuế các cấp triển khai trên cơ sở phân tích, xác định rủi ro theo từng phân đoạn người nộp thuế;

b.2) Kết quả thực tế và kết quả mong đợi việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu rủi ro thông qua việc đo lường tuân thủ.

c) Việc áp dụng quy trình minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ;

d) Việc cải thiện mức độ tuân thủ tổng thể của các nhóm người nộp thuế và các nghĩa vụ thuế khác nhau;

đ) Về bộ máy tổ chức và nguồn nhân lực của cơ quan thuế các cấp trong việc thực hiện kế hoạch đảm bảo hiệu lực, hiệu quả theo các mục tiêu đề ra.

2. Biện pháp giám sát, đánh giá

a) Tổng hợp thông tin, số liệu báo cáo của cơ quan thuế các cấp, các Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế trong việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ;

b) Thu thập, phân tích, tổng hợp thông tin kết quả thực hiện;

c) Tổ chức các đoàn công tác kiểm tra tại cơ quan thuế các cấp.

3. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế phân cấp trách nhiệm cho các đơn vị quản lý rủi ro giám sát, đánh giá việc thực hiện kế hoạch nâng cao tuân thủ theo quy định tại khoản 2 Điều này. Việc giám sát, đánh giá được thực hiện thường xuyên, báo cáo định kỳ (6 tháng và hàng năm) và theo yêu cầu về tiến độ triển khai kế hoạch nâng cao tuân thủ.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 25. Trách nhiệm thi hành

1. Các cơ quan, đơn vị chức năng thuộc Bộ Tài chính và các Bộ, ngành có liên quan; các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động quản lý thuế có trách nhiệm cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế theo quy định của pháp luật hiện hành và quy định tại Thông tư này.

2. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư này có trách nhiệm ban hành:

a) Các chỉ số tiêu chí quy định tại Điều 10, Điều 11 và Điều 12 Thông tư này để đáp ứng yêu cầu quản lý thuế trong từng thời kỳ; định kỳ hàng năm có thể thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung chỉ số tiêu chí đảm bảo tính cập nhật, phù hợp thực tế;

b) Các quy định cụ thể về trách nhiệm của cơ quan thuế các cấp, công chức thuế và biện pháp thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; điểm số, trọng số và biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro trong quản lý thuế;

c) Các quy trình, quy chế, quy định, hướng dẫn việc thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

3. Đơn vị Quản lý rủi ro là đơn vị đầu mối, chủ trì có trách nhiệm:

a) Quản lý, vận hành ứng dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế và các hệ thống thông tin, dữ liệu phục vụ quản lý rủi ro theo phân cấp;

b) Tổ chức thực hiện và hướng dẫn nghiệp vụ, kiểm tra việc thu thập, xử lý thông tin quản lý rủi ro; các biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ quản lý rủi ro và việc áp dụng quản lý rủi ro trong các hoạt động nghiệp vụ quản lý thuế;

c) Quản lý bộ chỉ số tiêu chí do Tổng cục trưởng ban hành tại điểm a khoản 2 Điều này trên hệ thống thông tin quản lý rủi ro và các hệ thống thông tin liên quan; theo dõi, đánh giá, điều chỉnh, bổ sung các chỉ số tiêu chí đáp ứng yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ.

4. Các Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực, Cục Thuế, các Cục, Vụ, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế, công chức thuế có trách nhiệm thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung quy định về thực hiện, áp dụng quản lý rủi ro tại Thông tư này và các văn bản quy định khác có liên quan.

Điều 26. Hiệu lực thi hành

1. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 02 tháng 7 năm 2021.

2. Thông tư này thay thế Thông tư số 204/2015/TT-BTC ngày 21 tháng 12 năm 2015 của Bộ Tài chính quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế.

3. Trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật mới ban hành sửa đổi, bổ sung, thay thế các văn bản được dẫn chiếu tại Thông tư này thì thực hiện theo văn bản mới được ban hành./.

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ; các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- VP TW Đảng và các Ban của Đảng;
- VP Tổng Bí thư;
- VP Quốc hội;
- VP Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao;
- Tòa án Nhân dân Tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam;
- Công báo;
- Cục Kiểm tra văn bản - Bộ Tư pháp;
- Website Chính phủ;
- Website Bộ Tài chính;
- Website Tổng cục Thuế;
- Cục Thuế các tỉnh, thành phố;
- Lưu: VT, TCT (05).

BỘ TRƯỞNG




Hồ Đức Phớc

PHỤ LỤC I

TIÊU CHÍ ĐÁNH GIÁ MỨC ĐỘ TUÂN THỦ PHÁP LUẬT THUẾ CỦA NGƯỜI NỘP THUẾ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Stt

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

(1)

(2)

(3)

1

Trạng thái hoạt động của người nộp thuế

Người nộp thuế đang hoạt động và không thuộc diện bị cơ quan thuế ban hành thông báo người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký với cơ quan thuế trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

2

Thực hiện việc kê khai và nộp các loại thuế phát sinh theo quy định

Thực hiện việc kê khai và nộp các loại thuế phát sinh theo quy định trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

3

Chấp hành chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ

Chấp hành chế độ quản lý, sử dụng hóa đơn, chứng từ theo quy định trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

4

Hành vi vi phạm hành chính

Người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

5

Người nộp thuế bị xử phạt vi phạm hành chính về các hành vi thiếu thuế, trốn thuế trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

6

Người nộp thuế có hành vi sử dụng hóa đơn không hợp pháp, sử dụng không hợp pháp hóa đơn trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

7

Người nộp thuế bị cơ quan quản lý thuế xử lý vi phạm hành chính về hành vi không chấp hành quyết định kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế thi hành quyết định hành chính thuế trong thời gian hai (02) năm trở về trước tính từ thời điểm đánh giá

8

Tình hình nợ thuế

Số tiền thuế nợ và số ngày chậm nộp của các khoản tiền thuế nợ của người nộp thuế tại thời điểm đánh giá

9

Nhóm tiêu chí khác

Tiêu chí khác theo quy định của các văn bản có liên quan

PHỤ LỤC II

TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ RỦI RO NGƯỜI NỘP THUẾ LÀ DOANH NGHIỆP
(Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

STT

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

(1)

(2)

(3)

1

Thông tin chung về doanh nghiệp

Thời gian thành lập doanh nghiệp

2

Thời gian hoạt động của doanh nghiệp

3

Địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh

4

Loại hình doanh nghiệp

5

Ngành nghề kinh doanh

Ngành nghề đăng ký kinh doanh

Ngành nghề kinh doanh chính

6

Số vốn đăng ký

Vốn điều lệ

Vốn chủ sở hữu

Biến động vốn chủ sở hữu

7

Mức độ tương xứng giữa nhân viên với tính chất, quy mô doanh nghiệp

8

Thông tin của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

Số lần và mức độ vi phạm pháp luật thuế của chủ doanh nghiệp

9

Tính đầy đủ của thông tin chủ doanh nghiệp và người đại diện theo pháp luật

10

Địa chỉ đăng ký hộ khẩu thường trú của chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp

11

Số lượng doanh nghiệp mà cá nhân là chủ doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật

12

Tình trạng hoạt động của doanh nghiệp

Trạng thái hoạt động của doanh nghiệp

13

Số lần doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh

14

Số lần doanh nghiệp thay đổi địa điểm kinh doanh

15

Số lần thay đổi địa chỉ kinh doanh nhưng còn nợ thuế

16

Tình hình kê khai và nộp thuế

Tỷ trọng số hồ sơ khai thuế đã nộp trên số hồ sơ khai thuế phải nộp

17

Tỷ trọng số hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn trên số hồ sơ khai thuế đã nộp

18

Doanh nghiệp có điều chỉnh, bổ sung các chỉ tiêu trong hồ sơ khai thuế

19

Báo cáo tài chính được kiểm toán

Ý kiến của kiểm toán báo cáo tài chính

20

Doanh thu bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

Tổng doanh thu hàng hóa, cung cấp dịch vụ bán ra

21

Doanh thu thuần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

22

Sự biến động doanh thu hàng hóa, cung cấp dịch vụ bán ra

23

Sự biến động doanh thu thuần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ

24

Chi phí doanh nghiệp

Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào

25

Biến động của tổng giá trị hàng hóa dịch vụ mua vào, bán ra

26

Tổng chi phí

27

Biến động chi phí

28

Lợi nhuận của doanh nghiệp

Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế thu nhập doanh nghiệp

29

Tổng lợi nhuận kế toán sau thuế thu nhập doanh nghiệp

30

Tổng số lỗ

31

Số lần kê khai lỗ

32

Biến động các khoản lợi nhuận

33

Tài sản của doanh nghiệp

Tài sản ngắn hạn

34

Tài sản dài hạn

35

Biến động của tài sản

36

Khả năng thanh toán của doanh nghiệp

Nợ phải trả

37

Biến động nợ phải trả

38

Các khoản mục tài chính trọng yếu của doanh nghiệp

Phải trả người bán

39

Người mua trả tiền trước

40

Các khoản dự phòng

41

Biến động khoản phải trả người bán

42

Biến động khoản người mua trả tiền trước

43

Biến động các khoản dự phòng

44

Tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước trong kỳ

45

Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kỳ

46

Số thuế được miễn giảm trong kỳ

47

Số thuế được hoàn trong kỳ

48

Thuế giá trị gia tăng

Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra trong kỳ

49

Thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào trong kỳ

50

Thuế giá trị gia tăng phát sinh trong kỳ

51

Thuế giá trị gia tăng phải nộp trong kỳ

52

Thuế giá trị gia tăng còn được khấu trừ chuyển kỳ sau

53

Biến động thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ bán ra

54

Biến động thuế giá trị gia tăng của hàng hóa, dịch vụ mua vào

55

Biến động thuế giá trị gia tăng phát sinh

56

Biến động thuế giá trị gia tăng phải nộp

57

Thuế thu nhập doanh nghiệp

Thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp trong kỳ

58

Thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp trong kỳ

59

Thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi, miễn giảm trong kỳ

60

Biến động thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp

61

Biến động thuế thu nhập doanh nghiệp còn phải nộp

62

Biến động thuế thu nhập doanh nghiệp được ưu đãi, miễn giảm

63

Thuế tiêu thụ đặc biệt

Số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp

64

Số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ

65

Biến động số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp

66

Biến động số thuế tiêu thụ đặc biệt được khấu trừ

67

Các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất

Thửa đất, tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng nhiều lần

68

Có sự sai lệch giữa thông tin người nộp thuế kê khai và thông tin cơ quan thuế thu thập được

69

Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận không đầy đủ thành phần, thông tin

70

Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, hồ sơ khai thuế có số thuế miễn giảm, các khoản giảm trừ hoặc số thuế đề nghị miễn giảm

71

Hồ sơ khai tiền thuê đất, thuê mặt nước chưa có quyết định, hợp đồng cho thuê đất

72

Tình hình nợ thuế của doanh nghiệp

Số tiền thuế nợ theo tuổi nợ

73

Tổng số tiền chậm nộp

74

Số lần phát sinh tiền chậm nộp

75

Số ngày chậm nộp

76

Biến động tổng số tiền nợ thuế

77

Mức độ vi phạm hành chính về thuế

Tổng số lần doanh nghiệp bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

78

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính về thuế

79

Tính chất, mức độ vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra

Kỳ đã được thanh tra, kiểm tra gần nhất

80

Số lần vi phạm pháp luật về thuế phát hiện qua kiểm tra, thanh tra tại trụ sở doanh nghiệp

81

82

Số tiền thuế phải nộp, được khấu trừ, được hoàn, giảm lỗ cơ quan thuế phát hiện qua kiểm tra, thanh tra thuế

83

Tình hình sử dụng hóa đơn

Số hóa đơn doanh nghiệp sử dụng, xóa bỏ, hủy, mất, cháy, hỏng

84

Số lần bị xử phạt vi phạm về hóa đơn

85

Doanh nghiệp có giao dịch liên kết, đáng ngờ

Phát sinh giao dịch chuyển nhượng vốn, liên doanh, liên kết

86

Chi phí lãi vay không được trừ đối với giao dịch liên kết

87

Giao dịch qua ngân hàng, tổ chức tín dụng khác có dấu hiệu đáng ngờ

88

Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế

Mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế

89

Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật, phân loại rủi ro người nộp thuế của các cơ quan liên quan

Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật về hải quan, kế toán, thống kê tài chính doanh nghiệp và phân loại rủi ro người nộp thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

90

Dấu hiệu rủi ro theo từng thời kỳ

Mục tiêu, yêu cầu của quản lý thuế trong từng thời kỳ

91

Lựa chọn ngẫu nhiên theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ

92

Các dấu hiệu rủi ro theo luật định

Dấu hiệu rủi ro của người nộp thuế được quy định tại các chính sách thuế và chính sách liên quan khác

93

Chỉ tiêu đánh giá khác

Việc chấp hành pháp luật về thuế, pháp luật về hải quan, kế toán, thống kê, tài chính và các lĩnh vực khác có liên quan

94

Thông tin về đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ

95

Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế khác

96

Tình hình chi trả cổ tức cho cổ đông

97

Các tiêu chí đánh giá khác

PHỤ LỤC III

TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI MỨC ĐỘ RỦI RO NGƯỜI NỘP THUẾ LÀ CÁ NHÂN
(Ban hành kèm theo Thông tư số 31/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 5 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính)

Số TT

Nhóm tiêu chí

Tiêu chí

1

Tiêu chí đánh giá rủi ro đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Thông tin chung về hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Thời gian thành lập

2

Thời gian hoạt động

3

Địa chỉ trụ sở đăng ký kinh doanh

4

Phương pháp kinh doanh

5

Ngành nghề đăng ký kinh doanh

6

Lịch sử nhân thân, thông tin của chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Thông tin của chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

7

Số lần và mức độ vi phạm pháp luật thuế của chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

8

Tính đầy đủ của thông tin chủ hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo pháp luật

9

Sự thay đổi và tần suất thay đổi trạng thái của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Tình trạng hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

10

Số lần hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh tạm ngừng kinh doanh

11

Số lần hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thay đổi địa điểm kinh doanh

12

Mức độ tương xứng giữa nhân viên với tính chất, quy mô hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Số lượng nhân viên

13

Độ tuổi của nhân viên

14

Quy mô hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Quy mô hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo các chỉ tiêu doanh thu, vốn, số lao động…

15

Ngành nghề tạo doanh thu chủ yếu

Ngành nghề kinh doanh chính

16

Trị giá doanh thu, biến động đột biến doanh thu

Tổng doanh thu hàng hóa, cung cấp dịch vụ bán ra

17

Sự biến động doanh thu hàng hóa, cung cấp dịch vụ bán ra

18

Sự biến động doanh thu so với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh khác cùng lĩnh vực, ngành nghề

19

Chi phí hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Tổng giá trị hàng hóa, dịch vụ mua vào

20

Tổng chi phí

21

Đánh giá tình hình chấp hành nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước

Số tiền phải nộp ngân sách nhà nước trong kỳ

22

Số tiền đã nộp ngân sách nhà nước trong kỳ

23

Số thuế được miễn giảm trong kỳ

24

Số thuế được hoàn trong kỳ

25

Khả năng thanh toán nợ của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

Nợ phải trả

26

Biến động nợ phải trả

27

Tính đầy đủ, chính xác của hồ sơ khai thuế và tuân thủ nộp khai hồ sơ

Tỷ trọng số hồ sơ khai thuế đã nộp trên số hồ sơ khai thuế phải nộp

28

Tỷ trọng số hồ sơ khai thuế nộp đúng hạn trên số hồ sơ khai thuế đã nộp

29

Nội dung hồ sơ khai thuế

30

Số lần không kê khai thuế

31

Tuổi nợ, số thuế nợ và tình hình chậm nộp thuế

Số tiền thuế nợ theo tuổi nợ

32

Tổng số tiền chậm nộp

33

Số lần phát sinh tiền chậm nộp

34

Thời gian, tần suất thanh tra, kiểm tra

Thời gian, số lần cơ quan thuế thanh tra, kiểm tra hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

35

Mức độ vi phạm hành chính về thuế

Tổng số lần hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh bị xử phạt vi phạm hành chính về thuế

36

Tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính về thuế

37

Tính chất, mức độ vi phạm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra

Số lần vi phạm pháp luật về thuế phát hiện qua kiểm tra, thanh tra tại trụ sở hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh

38

Lịch sử vi phạm: tần suất, tính chất, mức độ vi phạm và việc chấp hành pháp luật thuế và pháp luật liên quan khác

39

Số tiền thuế, tiền phí cơ quan thuế phát hiện qua kiểm tra, thanh tra thuế

40

Số thuế thu hồi sau hoàn thuế

41

Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế khác

42

Chỉ tiêu về tình hình sử dụng hóa đơn

Số hóa đơn hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng, xóa bỏ, hủy, mất, cháy, hỏng

43

Số lần bị xử phạt vi phạm về hóa đơn

44

Chỉ tiêu đánh giá khác

Việc chấp hành pháp luật về thuế, pháp luật về kế toán, thống kê, tài chính và các lĩnh vực khác có liên quan

45

Thông tin về đầu tư, xuất nhập khẩu hàng hóa dịch vụ

46

Dấu hiệu rủi ro, dấu hiệu vi phạm pháp luật về thuế khác

47

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán kinh doanh tại chợ biên giới

48

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán kinh doanh vật liệu xây dựng có nguồn gốc tài nguyên khoáng sản

49

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán, thường xuyên sử dụng từ mười (10) lao động nhưng không thành lập doanh nghiệp

50

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế

51

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có nợ thuế

52

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế khoán có từ hai địa điểm kinh doanh trở lên

53

So sánh doanh thu với các yếu tố liên quan

Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có mức doanh thu tính thuế bất hợp lý so với chi phí; so với số phương tiện vận tải đang sử dụng; so với số lượng lao động; so với hàng hóa

54

Thu nhập từ kinh doanh qua mạng

Thu nhập của hộ kinh doanh, cá nhân cư trú kinh doanh qua mạng

55

Thu nhập khác

Thu nhập trả qua ví điện tử như Paypal, thu nhập từ các kênh như Google, Youtube…

56

Thu nhập từ hoạt động cho thuê tài sản của cá nhân

Chưa thực hiện khai thuế sau hai mươi (20) ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế

57

Thu nhập từ tiền lương, tiền công của cá nhân cư trú

Thu nhập chịu thuế

Người nộp thuế có từ hai (02) nguồn thu nhập trở lên

58

Giảm trừ gia cảnh

Người nộp thuế có nhiều người phụ thuộc

59

Người nộp thuế kê khai trùng người phụ thuộc

60

Người nộp thuế kê khai người phụ thuộc trong độ tuổi lao động

61

Các khoản thu liên quan đến đất đai, tài sản gắn liền với đất

Thửa đất, tài sản gắn liền với đất được chuyển nhượng nhiều lần

62

Có sự sai lệch giữa thông tin người nộp thuế kê khai và thông tin cơ quan thuế thu thập được

63

Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính do cơ quan nhà nước có thẩm quyền chuyển đến hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận không đầy đủ thành phần, thông tin

64

Hồ sơ xác định nghĩa vụ tài chính, hồ sơ khai thuế có số tiền miễn giảm, các khoản giảm trừ hoặc đề nghị miễn giảm

65

Hồ sơ khai tiền thuê đất, thuê mặt nước chưa có quyết định, hợp đồng cho thuê đất

66

Đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng vốn (bao gồm chuyển nhượng vốn góp, chuyển nhượng chứng khoán)

Không có tờ khai thuế thu nhập cá nhân khi có thông tin về thay đổi thành viên góp vốn

67

Có sự sai lệch giữa thông tin người nộp thuế kê khai và cơ sở dữ liệu quản lý thuế hoặc thông tin cơ quan thuế thu thập được

68

Dấu hiệu rủi ro theo từng thời kỳ, địa bàn, ngành nghề

Mục tiêu, yêu cầu của quản lý thuế trong từng thời kỳ, địa bàn, ngành nghề

69

Lựa chọn ngẫu nhiên theo yêu cầu quản lý trong từng thời kỳ, địa bàn, ngành nghề

70

Kết quả đánh giá tuân thủ pháp luật thuế đối với người nộp thuế của cơ quan thuế

Mức độ tuân thủ pháp luật thuế của người nộp thuế

71

Các dấu hiệu rủi ro theo luật định

Dấu hiệu rủi ro của người nộp thuế được quy định tại các chính sách thuế và chính sách liên quan khác

MINISTRY OF FINANCE
----------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence-Freedom-Happiness
-----------------

No.: 31/2021/TT-BTC

Hanoi, May 17, 2021

 

CIRCULAR

PRESCRIBING APPLICATION OF RISK MANAGEMENT TO TAX ADMINISTRATION

Pursuant to the Law on Tax Administration dated June 13, 2019;

Pursuant to the Government’s Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020 on elaboration of the Law on Tax Administration;

Pursuant to the Government’s Decree No. 87/2017/ND-CP dated July 26, 2017 defining functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Finance;

At the request of Director of the General Department of Taxation,

The Minister of Finance promulgates a Circular prescribing the application of risk management to tax administration.

Chapter I

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Scope

This Circular introduces regulations on application of risk management to tax administration by tax authorities at all levels, including:

1. Collection, processing, management and use of information related to taxpayers to serve risk management.

2. Assessment of the compliance with tax laws and classification of taxpayer risks.

3. Application of tax administration measures corresponding to levels of compliance with tax laws and levels of taxpayer risks.

Article 2. Regulated entities

1. Taxpayers.

2. Tax authorities.

3. Tax officials.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 3. Definitions

1. “application of risk management to tax administration” means the employment of risk management procedures, rules, measures and/or techniques and results of assessment of compliance with tax laws and levels of taxpayer risks to decide the implementation of tax administration measures.

2. “risk management information” means information about and related to tax which is collected and processed to serve the application of risk management to tax administration.

3. “compliance level” means the classification result of a taxpayer’s compliance with tax laws given by a competent tax authority.

4. “compliance assessment criteria” mean the standards used for assessing taxpayers’ compliance with tax laws.

5. “compliance assessment indicators” mean information criteria with specific values included in compliance assessment criteria.

6. “compliance assessment” means the collection, analysis, verification and comparison of information about business operations and compliance with tax laws with compliance assessment criteria and indicators for classifying taxpayers’ levels of compliance with tax laws.

7. “compliance management” means tax authorities’ compliance assessment, classification of risks, and analysis of taxpayers’ behaviors whereby they will use appropriate resources for management measures for each level in order to encourage the voluntary compliance and prevent non-compliant behaviors.

8. “analysis of taxpayer risk” means the analysis of information about a taxpayer so as to detect signs of violations against tax laws which cause loss of state budget revenues from taxes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

10. “risk classification criteria” mean the standards used for assessing and determining the levels of risks in tax administration.

11. “risk classification indicators” mean information criteria with specific values included in risk classification criteria.

12. “risk assessment” means the classification, consideration and comparison of levels of risks with risk classification indicators and treatment of previous risks in order to determine the order of priority.

13. “signs of risk” mean any information reflecting potential violations against laws.

14. “signs of tax-related violation” mean any information used for identifying violations against tax laws.

15. “emphasized supervision" means tax authorities’ application of professional measures against taxpayers that are assessed to pose high risks or that are non-compliant with tax laws in each business sector and each area in each period.

16. “risk management application” means an information technology application which is used for connecting and receiving information from relevant data sources within and outside tax authorities, and digitalizing risk management measures and techniques based on the issued criteria and indicators so as to carry out the analysis of taxpayer risks, compliance assessment, and determination of levels of risks which are used by tax authorities to decide the implementation of professional measures.

17. “taxpayer segmentation” means tax authorities’ classification of taxpayers into specific groups with the same characteristics to which appropriate management measures are applied.

18. “classification using machine learning” means the conduct of computational and statistical algorithms on computers to determine models, functions and indicators used for classifying and estimating levels of risks.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

20. “scoring and score-based classification” means a method employed to assess taxpayers based on scores of criteria and indicators on their business operations and compliance with tax laws.

Article 4. Risk management rules

1. The application of risk management is aimed to ensure the validity and efficiency of tax administration activities; encourage and facilitate taxpayers’ voluntary compliance with regulations and laws on taxation and tax administration as well as prevent, detect and promptly take actions against regulations and laws on taxation and tax administration.

2. Risk management information is collected from information sources within and outside tax authorities (including foreign information sources) in accordance with regulations of law; is mainly managed at the General Department of Taxation through the information technology system and shall be processed, shared and provided for tax authorities at all levels and other regulatory authorities to serve their performance of tax administration tasks in accordance with regulations of law.

3. Assessment and classification of taxpayers’ compliance and risks shall be automatically and periodically carried out adopting one or some of the methods specified herein in accordance with regulations of law, tax administration procedures and measures, and based on the taxpayer segmentation and criteria specified herein and taxpayer database.

4. Based on results of compliance assessment, classification of taxpayer risks, information available on tax administration applications of tax authorities, signs of violations, and other signs of risks available at the decision-making time, tax authorities shall:

a) Issue decisions on tax inspection, audit or supervision, or application of professional measures.

b) Develop plans for comprehensively improving the compliance which are suitable for resources of tax authorities based on results of analysis of nature, causes and incidence of each level of compliance or each level of risk.

5. In case of strict compliance with regulations of law, regulations herein and relevant guidelines on risk management, tax officials are exempt from personal liability in accordance with regulations of law.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

7. If there are changes in results of compliance assessment and classification of taxpayer risks due to changes in information which are not yet automatically updated on the risk management application, such changes shall be manually updated by tax officials after obtaining approval from competent authorities.

8. Implementation results of professional measures for levels of risks must be fully and accurately updated on tax administration applications of tax authorities or the risk management application on a case-by-case basis so as to serve the improvement and conduct of compliance assessment and classification of taxpayer risks in following periods.

Article 5. Methods for compliance assessment and classification of taxpayer risks

Levels of compliance and taxpayer risks shall be determined adopting one or some of the following methods:

1. Scoring and score-based classification.

2. Machine learning.

3. List-based ranking.

Article 6. Procedures for applying risk management

Tax authorities shall apply risk management to tax administration according to the following procedures:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Tax authorities shall review risks and faults of taxpayers during their compliance with provisions in Article 17 of the Law on Tax Administration No. 38/2019/QH14 or regulations in force in order to identify major risks need to be treated as well as high-risk taxpayers and treatment solutions thereof.

2. Organize the collection and processing of risk management information

Risk management information is collected and processed according to regulations in Chapter II hereof.

During the analysis of taxpayer risks, if any information is found to be false or inadequate, taxpayers shall provide explanations or additional information and documents as requested and within the time limit notified by tax authorities to ensure the accurate compliance assessment and classification of taxpayer risks.

3. Establish and update indicators serving the analysis, compliance assessment and classification of taxpayer risks

Based on results of assessment of situations and determination of risk management objectives and requirements as prescribed in Clause 1 of this Article, risk management information and information technology applications, tax authorities shall establish and update indicators and weighing factors used for assessing and classifying the levels of compliance and taxpayer risks.

4. Carry out analysis and compliance assessment; determine levels of taxpayer risks; determine levels of risks from tax administration operations; manage risk records of emphasized supervision cases

Taxpayers are segmented according to conditions which are appropriate for tax administration requirements in each period when carrying out analysis and assessment of compliance and taxpayer risks.

The analysis and classification of compliance and taxpayer risks shall be carried out using the methods specified in Article 5 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Monitor, update and assess feedbacks on implemented tax administration measures.

7. Collect, process, use and retain information; provide guidance on adjustment of risk management so as to ensure the efficiency of tax administration activities.

Chapter II

COLLECTION AND PROCESSING OF RISK MANAGEMENT INFORMATION

Article 7. Risk management information

Information serving risk management in tax administration operations includes:

1. Information of tax authorities

a) Information about business registration and tax registration; information about identity of founding members, owners and legal representatives of taxpayers; registration and use of employees; information about taxpayers’ status; number of times of changes in business registration and tax registration information; capital contribution by members; main business lines;

b) Information about tax declaration dossiers; tax payments; tax arrears; tax incentives, tax exemption and reduction; tax deferral; tax refund; registration, management and use of invoices and records; information about complaints and denunciations; information about inspection results and post-inspection actions; information about transfer pricing;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Information provided by relevant regulatory authorities, organizations and individuals

a) Information about taxpayers collected provided by relevant regulatory authorities, organizations and individuals as prescribed in Article 26, Article 27, Article 30 of the Government’s Decree No. 126/2020/ND-CP dated October 19, 2020;

b) Information from foreign sources or provided by international organizations to fulfill their obligations under relevant international treaties on taxation to which Vietnam is a signatory.

3. Other information relevant to taxpayers.

Article 8. Collection and processing of risk management information

1. Sources of information to be collected

a) Information from information systems of tax authorities;

b) Information obtained during the cooperation with agencies and units affiliated to the Ministry of Finance, and those affiliated to relevant Ministries on sharing and provision of information serving the performance of tax administration tasks;

c) Information obtained during the cooperation and information sharing with foreign tax authorities and competent authorities in accordance with regulations of law;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Information on taxpayers’ operations collected during the performance of tax administration activities;

e) Information purchased according to the Law on tax administration and its guiding documents;

g) Tax-related information from foreign sources or provided by international organizations to fulfill their obligations under relevant international treaties to which Vietnam is a signatory;

h) Information from other sources as prescribed by law.

2. Forms of information collection

a) Information is provided or exchanged in soft copy format, electronic documents, e-mail or through the web portal of General Department of Taxation; by sending messages and making calls to the telephone numbers officially announced by tax authorities;

b) Information is provided or exchanged in writing, by telegram, fax or paper documents;

c) Information is exchanged directly with written records made and bearing certification of relevant parties; information is collected by representatives; from meetings and in other forms.

3. Processing of collected information

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Arrange and retain information by sorting it into specific categories to serve the use and analysis of information;

c) Carry out analysis of information to identify components of risk management information;

d) Consolidate relevant components which are identified through the said analysis to clarify the importance of the collected information to the determination of levels of risks and compliance assessment.

Article 9. Application of information technology to risk management

1. The risk management application and taxpayer database are developed and managed by the General Department of Taxation in a manner ensuring that information used for risk assessment shall be fully, accurately and promptly updated by connecting to electronic tax data processing systems and relevant information systems.

In case the systems encounter connection errors, information shall be updated, integrated, processed and retained on the systems immediately after such errors are remedied.

2. Management measures shall be adopted to ensure data safety and confidentiality, computer safety and cybersecurty in accordance with regulations of law.

3. The General Department of Taxation shall stipulate responsibilities of tax authorities and tax officials to develop, manage, operate, update and use the risk management application appropriate for tax operations.

Chapter III

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Compliance assessment

1. Taxpayers shall be assessed and classified into one of the following levels of compliance with tax laws:

a) Level 1: High compliance.

b) Level 2: Medium compliance.

c) Level 3: Low compliance.

d) Level 4: Non-compliance.

2. Levels of compliance by taxpayers are classified according to the criteria specified in Appendix I enclosed herewith.

3. Tax authorities shall monitor and process compliance assessment results as follows:

a) Taxpayers that are non-compliant shall be managed according to the provisions in Article 22 hereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 11. Classification of levels of risks of taxpayers that are enterprises

1. Overall risk classification

a) Taxpayers that are enterprises are classified into one of the following levels of risks:

a.1) Level 1: Very-low risk.

a.2) Level 2: Low risk.

a.3) Level 3: Medium risk.

a.4) Level 4: High risk.

a.5) Level 5: Very-high risk.

b) Taxpayer risks shall be classified according to the compliance assessment results prescribed in Article 10 and the criteria in Appendix II enclosed herewith.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c.1) Taxpayers of very-high or high level of risk shall be managed according to the provisions in Article 22 hereof;

c.2) Depending on tax administration requirements in each period, taxpayers of various levels of risks may be further subjected to risk classification in tax administration operations as prescribed in Clause 2 of this Article.

2. Risk classification in tax administration operations

a) Levels of risks of taxpayers that are enterprises in tax administration operations include:

a.1) High risk.

a.2) Medium risk.

a.3) Low risk.

b) Taxpayer risks in tax administration operations shall be classified according to the overall risk classification results prescribed in Clause 1 of this Article and the criteria in Appendix II enclosed herewith.

c) Handling risk classification results

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. Classification of levels of risks of taxpayers that are individuals

1. Taxpayers that are individuals are classified into one of the following levels of risks:

a) High risk.

b) Medium risk.

c) Low risk.

2. Levels of risks of taxpayers that are individuals shall be classified according to the compliance assessment results prescribed in Article 10 and the criteria in Appendix III enclosed herewith.

3. Handling results of classification of risks of taxpayers that are individuals

Taxpayers of levels of risks shall be liable to the tax administration measures specified in Article 15 hereof.

Chapter IV

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 13. Application of risk management to tax administration

1. Based on the compliance assessment results prescribed in Article 10, results of classification of taxpayer risks prescribed in Article 11 and Article 12 hereof, and professional information available at the decision-making time, tax authorities shall make the list of taxpayers classified into levels of risks in each period and:

a) Manage the compliance with tax laws;

b) Manage risks associated with tax registration;

c) Manage risks in inspecting tax declaration dossiers at tax authorities;

d) Manage risks in managing tax refunds;

dd) Manage risks in carrying out inspection and audit at the premises of the taxpayers;

e) Manage risks in managing tax debts and implementing tax enforcement decisions;

g) Managing risks in managing invoices and records;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

i) Manage risks of taxpayers that are individuals;

k) Apply risk management to other tax administration operations.

2. The list of risky taxpayers sorted by cases specified in Clause 1 of this Article shall be updated on the risk management application. Tax authorities at all levels shall consolidate, update and manage information about risky taxpayers to serve the performance of tax administration tasks within the whole tax sector.

3. The General Department of Taxation shall stipulate the periodical assessment and compilation of the list of risky taxpayers sorted by cases specified in Clause 1 of this Article for determining important issues in tax administration to meet tax administration requirements in each period.

4. In case any suspicious information or signs of violations against tax laws are detected during tax inspection or tax audit or according to denunciations or notifications from regulatory authorities, investigating authorities, heads of tax authorities shall decide to change the method and scope of tax inspection or tax administration measures within their competence and shall also assume responsibility for their decisions.

Article 14. Measures for improving compliance levels

Based on the compliance assessment results prescribed in Article 10 hereof, tax authorities shall carry out analysis of the nature and incidence of each compliance level of taxpayers, and develop specific plans for improving the compliance with specific measures for each compliance level as follows:

1. For high-compliance taxpayers: put them into the list of taxpayers being considered for commendation and reward.

2. For taxpayers need to improve their compliance:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Propose amendments to policies, simplification of administration procedures, adoption of assistance measures, and application of information technology to facilitate taxpayers’ declaration and payment of taxes and minimize costs of compliance;

c) Classify risks and apply tax administration measures according to levels of taxpayer risks as prescribed in Articles 15 through 22 hereof.

Article 15: Management of risks of taxpayers that are individuals

Based on the list of individual taxpayers that are classified into levels of risks as prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall decide to adopt appropriate tax administration measures as prescribed.

1. For household businesses and individual businesses

a) High risk: One or some of the following measures shall be implemented:

a.1) Review, check and verify relevant information used for re-determining revenues and tax rates of household businesses and individual businesses;

a.2) Make list of household businesses and individual businesses to be inspected or surveyed for re-determining their revenues and tax rates, and assessing fulfillment of tax obligations by relevant organizations.

b) Medium risk: Randomly select household businesses and individual businesses for surveys; continue carrying out classification of risks to serve the following assessment period;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. For individuals earning incomes which are subject to personal income tax (excluding household businesses and individual businesses)

a) High risk: Make the list of individuals subject to verification visit and organize verification visit according to regulations in force;

b) Medium and low risks: Keep records and carry out classification of risks to serve the following assessment period.

Individuals that earn incomes subject to personal income tax from income payers shall be controlled by means of analysis of signs of risks of such income payers.

3. For individuals earning revenues from land and property on land

a) High risk: Carry out analysis of documents, make and submit the list of individuals whose tax declaration dossiers are inspected at tax authorities to heads of the tax authorities, and carry out inspection of tax declaration dossiers at tax authorities in accordance with regulations in force;

b) Medium and low risks: Keep records and carry out classification of risks to serve the following assessment period.

Article 16. Application of risk management to tax registration management

Based on the list of taxpayers classified into levels of risks associated with tax registration as prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall adopt appropriate handling measures or cooperate with business registration authorities in handling in accordance with regulations of laws on business registration and tax registration.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) High risk: The tax authority in charge of the old location shall cooperate with the tax authority in charge of the new location to carry out inspection at the tax authority or carry out inspection or audit at the premises of the taxpayer in accordance with regulations of law in force;

b) Medium risk: The tax authority in charge of the new location shall place the taxpayer under supervision and request the taxpayer to provide explanations and documents if necessary;

c) Low risk: Inspection and supervision are not necessary; tax authorities shall carry out compliance assessment and classification of risks to serve the following assessment period.

2. In case of a taxpayer’s business suspension

a) High risk: Intensify tax administration measures which must be commensurate with the taxpayer’s fulfillment of tax obligations so as to take actions against tax debts, invoices and violations (if any) in a timely manner;

b) Medium and low risks: Implement tax administration measures as prescribed; carry out compliance assessment and classification of risks for the following assessment period.

3. In case of invalidation of tax identification number (TIN)

Carry out inspection or audit of annual tax finalization dossiers at the taxpayer’s premises based on the risk classification results in descending order.

Update the “dissolved”, “bankrupt”, or “suspended business" status on the tax registration system if the taxpayer has fulfilled tax obligations as prescribed. Adopt measures for expediting the taxpayer to fulfill tax obligations before dissolution, bankruptcy or business suspension as prescribed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 17. Management of risks in inspecting tax declaration dossiers at tax authorities

Based on the list of taxpayers classified into levels of risks associated with tax declaration dossiers as prescribed in article 13 hereof, appropriate measures shall be adopted to process tax declaration dossiers.

1. High risk: Carry out analysis of documents, make and submit the list of taxpayers whose tax declaration dossiers are inspected at tax authorities to heads of the tax authorities, and carry out inspection of tax declaration dossiers a tax authorities as prescribed;

2. Medium and low risks: Inspection of tax declaration dossiers at tax authorities is not necessary; tax authorities shall carry out compliance assessment and classification of risks associated with taxpayers’ tax declaration dossiers to serve the following assessment period.

Article 18. Manage risks associated with tax refund

Tax authorities shall classify claims for tax refund in accordance with regulations of the Law on tax administration and relevant legislative documents or regulations in force. If claims for tax refund are classified by risks, based on results of classification of risks associated with claims for tax refund as prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall adopt appropriate measures for processing the claims for tax refund as follows:

1. Classification and processing of claims for tax refund

a) High-risk claims for tax refund: Inspection shall be carried out before tax refund

Within 12 consecutive months from the beginning of the fiscal year, a taxpayer has claim for tax refund continuously assessed as posing high risks:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a.2) If total risk scores and risk score of each criterion or indicator given in the current assessment of risk are same as those given in the previous assessment; or a lower risk score is given to each indicator in the current assessment resulting total risk scores given in this assessment lower than those given in the previous one:

- If no sign of understatement of tax payable or overstatement of tax eligible for refund is found in the previous inspection of the claim for tax refund or post-refund inspection or audit, the following claim for tax refund shall not be subject to inspection before tax refund.

- If any signs of understatement of tax payable or overstatement of tax eligible for refund are found in the previous inspection of the claim for tax refund or post-refund inspection or audit, the following claim for tax refund shall be subject to inspection before tax refund.

b) Medium- and low-risk claims for tax refund: Tax shall be refunded before inspection.

c) In case, after classification of claims for tax refund and during the processing of the claims for tax refund, the tax authority has detected a taxpayer showing signs of violations against tax or customs laws, or in case a taxpayer fails to provide explanations or additional information or documents or the explanations and documents provided by the taxpayer cannot prove that the declared tax amount is accurate, the tax authority shall change the claim’s category from claim eligible for tax refund before inspection to claim subject to inspection before tax refund; the approval for change of a claim’s category must be updated on the professional information system.

2. Post-refund audit

a) The order of taxpayers subject to post-refund audit shall be arranged by tax authorities according to taxpayers’ total risk scores in descending order within five (05) years from the issue date of tax refund decision:

a1) High risk (regarding claims for tax refund which are not subject to inspection before tax refund as prescribed in Point a Clause 1 of this Article): Post-refund audit shall be carried out within 01 year from the issue date of the tax refund decision;

a2) Medium risk: Post-refund audit shall be carried out within 03 years from the issue date of the tax refund decision;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a4) Depending on actual conditions, post-refund audits may be carried out before the abovementioned time limits.

b) The General Department of Taxation shall provide specific provisions on post-refund inspections and audits which should be combined with inspection of compliance with tax laws as prescribed.

Article 19. Management of risks in carrying out inspections and audits at premises of taxpayers

1. Tax authorities shall select taxpayers subject to inspections or audits at their premises as follows:

a) The number of taxpayers selected through analysis and assessment of compliance, and classification of taxpayer risks shall be at least 90% of the number of taxpayers subject to the annual inspection or audit plan;

b) The number of taxpayers that are randomly selected shall not exceed 10% of the number of taxpayers subject to the annual inspection or audit plan.

2. Select taxpayers subject to the plan for inspection at taxpayers’ premises

Based on the list of taxpayers classified into levels of risks associated with tax inspection and audit prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall select taxpayers that shall bear inspections or audits at their premises as follows:

a) Select taxpayers subject to inspection: Taxpayers shall be selected to place under the annual plan for inspection of taxpayers at their premises according to their risk classification results in descending order.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) The application of risk management to selection of taxpayers with signs of risks for developing tax inspection and audit plans must be carried out in a manner that avoids duplication and overlapping in accordance with regulations of the Law on tax administration, its guiding documents and relevant legislative documents.

During performance of tax administration tasks, if a tax authority has received reliable information to lower a taxpayer’s level of risk to the low level or has grounds to believe that the taxpayer is considered as low risk and not necessary to place under the annual inspection or audit plan, the tax authority shall decide not to place that taxpayer under the inspection or audit plan and select another taxpayer for the annual inspection or audit plan as prescribed. During performance of tax administration tasks, if there is any information which is collected and verified showing a taxpayer posing signs of high risks, the tax authority shall add that taxpayer to the annual inspection or audit plan. The tax authority shall assume responsibility for its decision on change of selected taxpayer.

d) Development and authority to approve the plan for inspection or audit of taxpayers at their premises, and the list of selected taxpayers enclosed with the plan as prescribed in this Article shall comply with regulations of the Law on tax administration, its guiding documents and relevant legislative documents.

3. Based on results of analysis of risks by the information technology application or risks from operational analysis, information collected during the performance of tax administration tasks, tax authorities shall determine contents and scope of the tax inspection or audit.

Article 20. Management of risks in managing tax debts and implementing tax enforcement decisions

Based on the list of taxpayers classified into levels of risks associated with tax debt management and implementation of tax enforcement decisions as prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall manage tax debts and implement tax enforcement decisions in accordance with regulations of the Law on tax administration and its guiding documents while taking into account the levels of risks for prioritizing or expediting actions.

1. High risk: Based on actual conditions, tax authorities shall select, from the list of taxpayers subject to tax enforcement measures, taxpayers from which tax debts can be collected, taxpayers with large tax debts, taxpayers suspected of liquidating assets or absconding, and taxpayers that want to leave Vietnam for increasing frequency of expediting actions or against them actions will be taken first;

2. Medium and low risks: Monitor, expedite and implement debt collection measures in accordance with regulations of the Law on tax administration and its guiding documents.

Article 21. Management of risks in managing invoices, records and other tax administration operations

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Based on the list of taxpayers classified into levels of risks associated with management of invoices and records as prescribed in Article 13 hereof, tax authorities shall adopt tax administration measures as follows:

a) High risk: Include high-risk taxpayers in the list of taxpayers to be reviewed or subject to inspection at tax authorities, and consider placing them under the annual plan for inspection or audit of taxpayers at their premises according to the Law on tax administration, its guiding documents and relevant legislative documents. Based on inspection or audit results, taxpayers are requested to buy invoices from tax authorities, or use authenticated e-invoices or comply with other invoice management measures in accordance with regulations in force; tax authorities shall decide the form of invoices used by taxpayers that use invoices for the first time;

b) Medium and low risks: Select samples for reviewing, inspecting, processing and assisting taxpayers in strictly complying with regulations of law on invoices.

The General Department of Taxation shall stipulate sampling methods which should be appropriate for tax administration requirements set by each local government and in each period.

2. Management of risks in other operations

Based on the levels of risks in other operations and relevant information, tax authorities shall decide to adopt professional measures appropriate for performance of their functions and tasks.

Article 22. Emphasized supervision of taxpayers showing signs of violations against tax laws

1. Taxpayers shall be kept under the emphasized supervision if they have one of the following signs:

a) Their bank transactions show suspicious signs in accordance with regulations of the Law on anti-money laundering in terms of tax evasion and tax fraud.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) They have signs of high tax risks to the extent of being classified as subjects of emphasized supervision or need to keep under tax supervision through information collected for tax authorities' administration.

d) They are selected from the list of taxpayers that are non-compliant as prescribed in Article 10, the list of very high-risk and high-risk taxpayers as prescribed in Clause 1 Article 11 hereof and those failing to provide explanation and additional information or those providing explanation and additional information but they are inadequate or are submitted after the prescribed deadline stated in written notices of tax authorities.

2. Tax authorities at all levels shall monitor, supervise and apply tax administration measures appropriate for each case specified in Clause 1 of this Article.

3. The General Department of Taxation shall provide specific provisions on collection and analysis of information, and determination of subjects of emphasized supervision and supervisions methods in conformity with regulations of law in each period.

Article 23. Inspection and assessment of application of risk management to tax administration

1. Carry out inspection and assessment of the following contents:

a) Quality of implementation of risk management measures/techniques;

b) Validity and efficiency of application of risk management to tax administration operations;

c) Implementation of decisions on inspection or audit or other professional measures issued on the basis of application of risk management, and results thereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Inspection and assessment methods:

a) Consolidate reporting information and figures of tax authorities at all levels, departments and units affiliated to the General Department of Taxation during the application of risk management;

b) Collect, analyze and consolidate results of application of risk management in tax administration operations;

c) Establish inspection teams to inspect the implementation and application of risk management by tax authorities at all levels.

3. The Director General of General Department of Taxation shall assign risk management units to inspect and assess the implementation and application of risk management to tax administration as prescribed in Clause 2 of this Article. Assessment shall be carried out frequently; reports shall be submitted on a periodical basis (6 months and every year) and whenever they are deemed necessary to meet operational requirements.

Article 24. Supervision and assessment of plans for improving compliance

1. Carry out inspection and assessment of the following contents:

a) The implementation of the plan for improving compliance;

b) Outcomes and efficiency of the plan for improving compliance. To be specific:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b.2) Actual results and expected results of measures for minimizing risks through compliance measurement.

c) The application of transparency process to development and implementation of the plan for improving compliance;

d) Improvement of overall compliance of different groups of taxpayers and tax obligations;

dd) Organizational structure and human resources of tax authorities at all levels for implementing the plan which must ensure the validity and efficiency of the plan according to the plan’s objectives.

2. Supervision and assessment methods

a) Consolidate reporting information and figures of tax authorities at all levels, departments and units affiliated to the General Department of Taxation during the implementation of the plan for improving compliance;

b) Collect, analyze and consolidate information about the plan implementation results;

c) Establish inspection teams at tax authorities at all levels.

3. The Director General of General Department of Taxation shall assign risk management units to supervise and assess the implementation of the plan for improving compliance as prescribed in Clause 2 of this Article. Supervision and assessment of the plan for improving compliance shall be frequently carried out and reported on a periodical basis (6 months and every year) and whenever they are deemed to meet the progress of the plan.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

IMPLEMENTATION ORGANIZATION

Article 25. Responsibility for implementation

1. Agencies and units affiliated to the Ministry of Finance and relevant ministries, organizations and individuals involved in tax administration shall provide information and cooperate in applying risk management to tax administration in accordance with regulations of laws in force and regulations herein.

2. Pursuant to guidelines given herein, the Director General of General Department of Taxation shall:

a) Promulgate indicators specified in Article 10, Article 11 and Article 12 hereof to meet tax administration requirements in each period; annually review and amend such indicators to meet actual conditions;

b) Promulgate specific provisions on responsibilities of tax authorities at all levels, tax officials and measures to collect and process risk management information; scores, weighing factors and measures used for risk management in tax administration;

c) Promulgate procedures, rules and guidelines for application of risk management to tax administration.

3. The risk management unit shall act as the contact point and take charge of:

a) Managing and operating the risk management application and other information and data systems serving risk management as assigned;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Managing sets of indicators promulgated by the Director General as prescribed in Point a Clause 2 of this Article on the risk management information system and relevant information systems, monitoring, assessing and adjusting indicators to meet management requirements in each period.

4. Sub-Departments of Taxation, Regional Sub-Departments of Taxation, Provincial Departments of Taxation, units affiliated to the General Department of Taxation, and tax officials shall strictly and fully implement regulations on application of risk management herein and relevant documents.

Article 26. Effect

1. This Circular comes into force from July 02, 2021.

2. This Circular supersedes the Circular No. 204/2015/TT-BTC dated December 21, 2015 of Ministry of Finance.

3. If any legislative documents referred to in this Circular are amended or superseded, the new ones shall apply./.

 

 

MINISTER




Ho Duc Phoc

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 31/2021/TT-BTC ngày 17/05/2021 quy định về áp dụng quản lý rủi ro trong quản lý thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


59.006

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.154.132
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!