Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 745/QĐ-UBND 2022 tăng cường chống thất thu ngân sách xử lý nợ thuế Đắk Nông

Số hiệu: 745/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Nông Người ký: Hồ Văn Mười
Ngày ban hành: 21/04/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 745/QĐ-UBND

Đắk Nông, ngày 21 tháng 4 năm 2022

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH VÀ XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ NĂM 2022” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK NÔNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25 tháng 6 năm 2015 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Ngân sách nhà nước;

Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

Căn cứ Quyết định số 2312/QĐ-BTC ngày 07/12/2021 của Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022;

Căn cứ Quyết định số 2222/QĐ-BTC ngày 16/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022;

Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Đắk Nông tại Tờ trình số 940/TTr-CTDNO ngày 12 tháng 4 năm 2022.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022” (có Đề án kèm theo).

Điều 2. Giao Cục trưởng Cục Thuế tỉnh chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, các địa phương xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nội dung Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022”.

Điều 3. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế và các định hướng về chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh và của từng địa phương có trách nhiệm phối hợp với ngành Thuế chỉ đạo, triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông thuộc phạm vi ngành và địa phương mình quản lý.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Cục trưởng Cục Thuế tỉnh; Giám đốc các Sở: Tài chính, Khoa học và Công nghệ; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục Quản lý thị trường; Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, NC, TH, KT (TT).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Hồ Văn Mười

 

ĐỀ ÁN

TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC CHỐNG THẤT THU NGÂN SÁCH VÀ XỬ LÝ NỢ ĐỌNG THUẾ NĂM 2022
(Kèm theo Quyết định số 745/QĐ-UBND ngày 21 tháng 4 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông)

PHẦN THỨ NHẤT

THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THU THUẾ

Thu Ngân sách nhà nước (NSNN) trên địa bàn tỉnh Đắk Nông được triển khai trong bối cảnh kinh tế trong nước nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng tiếp tục bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và các dịch bệnh khác đã ảnh hưởng đến nguồn lực tài chính của Nhà nước. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, tỉnh Đắk Nông đã kiểm soát tốt tình hình dịch Covid- 19, kịp thời tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp do Quốc hội, Chính phủ ban hành; các cấp, các ngành đã chủ động, phối hợp quyết tâm khắc phục khó khăn, triển khai đồng bộ, nhất quán và hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị, Kế hoạch nhằm hoàn thành vượt mức công tác thu NSNN để tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Được sự quan tâm chỉ đạo kịp thời của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Cục Thuế tỉnh Đắk Nông đã triển khai cụ thể hóa thành các giải pháp để phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ được giao. Lãnh đạo Cục Thuế đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, tranh thủ sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý thu NSNN; kiểm soát chặt chẽ nguồn thu, tăng cường chống thất thu gắn với đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho người nộp thuế (NNT), đẩy mạnh việc hướng dẫn, hỗ trợ NNT, tăng cường quản lý, hạn chế nợ đọng thuế, góp phần tạo ra môi trường sản xuất kinh doanh bình đẳng và khai thác tăng thêm nguồn thu cho ngân sách Nhà nước, góp phần hoàn thành tốt dự toán thu NSNN trên địa bàn tỉnh.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số trường hợp NNT lợi dụng sự thông thoáng của cơ chế, chính sách để mua, bán, hoạt động, kinh doanh không đúng quy định như: Thực hiện dự án đầu tư không đúng tiến độ, thực hiện dự án đầu tư sai mục tiêu dự án đầu tư ban đầu, sử dụng đất do Nhà nước giao, cho thuê vào mục đích khác; mua, bán bất động sản kê khai không đúng giá trị thực tế giao dịch; không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc quay vòng hóa đơn, kê khai thuế không đầy đủ so với số lượng hàng hóa bán ra, hàng hóa vận chuyển trên đường không có hóa đơn, chứng từ theo quy định; dây dưa, chây ỳ nợ thuế gây thất thu cho NSNN.

I. Một số lĩnh vực hoạt động, kinh doanh có khả năng rủi ro và nguyên nhân dẫn đến thất thu Ngân sách nhà nước, nợ đọng tiền thuế

1. Mặt hàng xăng, dầu:

Những năm qua thực hiện Quyết định số 2389/QĐ-UBND ngày 23/12/2016 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác quản lý thu thuế trong lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu bằng giải pháp dán tem niêm phong công tơ tổng tại cột đo xăng, dầu”.

Cùng với sự phát triển kinh tế của địa phương các doanh nghiệp kinh doanh xăng, dầu liên tục có sự gia tăng về số lượng và mở rộng quy mô hoạt động kinh doanh, chủ yếu là Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) thuộc thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Nhu cầu sử dụng nhiên liệu trên địa bàn ngày càng lớn do sự phát triển của nền kinh tế - xã hội, các doanh nghiệp và người dân mở rộng sản xuất, số lượng máy móc, phương tiện tham gia giao thông cũng tăng mạnh.

Tỷ lệ nộp thuế giá trị gia tăng (GTGT) và thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu ngoài quốc doanh do cá nhân kinh doanh làm chủ như Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hay DNTN là rất thấp so với các đơn vị kinh doanh xăng, dầu của Nhà nước.

* Nguyên nhân:

Một số doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh vì mục đích lợi nhuận đã nhập xăng, dầu trôi nổi trên thị trường về bán, bỏ ngoài sổ kế toán, không kê khai, nộp thuế đối với lượng xăng, dầu này. Việc này không chỉ gây thất thu NSNN mà gây tổn hại cho người tiêu dùng do số lượng xăng, dầu trôi nổi không được kiểm soát. Lợi dụng người tiêu dùng là cá nhân khi mua xăng, dầu hầu hết là không yêu cầu viết hóa đơn, nên một số doanh nghiệp đã đưa lượng xăng, dầu trên vào các hóa đơn để cung cấp cho các tổ chức hành chính sự nghiệp để thanh quyết toán với NSNN và cung cấp cho các doanh nghiệp để kê khai khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đồng thời hạch toán chi phí nhằm làm giảm thu nhập chịu thuế TNDN;

Mặc dù các cửa hàng xăng, dầu của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn tỉnh được dán tem niêm phong công tơ tổng, tuy nhiên việc thường xuyên kiểm tra việc bảo quản tem niêm phong của cơ quan Thuế và các cơ quan chức năng chưa duy trì đều đặn, các hành vi nhằm đối phó của các cơ sở kinh doanh xăng, dầu ngày càng tinh vi. Sau khi triển khai dán tem, hiệu quả về thu thuế xăng, dầu trên địa bàn tỉnh tăng rõ rệt so với trước khi dán tem. Tuy nhiên vẫn còn một số đơn vị chấp hành chưa tốt, có dấu hiệu gian lận. Như vậy thất thu thuế ở lĩnh vực này vẫn còn, chưa đảm bảo được công bằng trong kinh doanh.

Một số doanh nghiệp chấp hành chưa đúng theo Đề án dán tem niêm phong công tơ tổng tại cột đo xăng, dầu. Công tác phối hợp giữa các Sở, Ban, ngành còn nhiều hạn chế.

2. Lĩnh vực mua, bán, kinh doanh bất động sản

Người nộp thuế bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân nộp thuế, nộp các khoản thu khác thuộc NSNN theo quy định của Luật Quản lý thuế có phát sinh từ hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Thị trường bất động sản sôi động kéo theo số lượng giao dịch mua bán, chuyển nhượng bất động sản cũng tăng, giao dịch về quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tổ chức diễn ra hằng ngày, tỷ trọng việc công chứng hợp đồng, giao dịch thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng theo các năm.

Số lượng giao dịch lớn và tăng lên đáng kể trong thời gian gần đây tiềm ẩn nhiều rủi ro cao thất thu thuế mà ngành Thuế hiện không thể thực hiện thống kê được. Thực trạng thất thu thuế trong các giao dịch bất động sản đa phần là do khi ký kết hợp đồng, giao dịch chuyển nhượng các bên đã thỏa thuận ghi giá thấp hơn so với giá thực tế giao dịch, để tránh phải nộp một khoản tiền về phí, lệ phí và thuế theo tỷ lệ % do Nhà nước quy định.

Các hồ sơ chuyển nhượng bất động sản đều có giá trị thực tế rất cao nhưng các bên tham gia đều thỏa thuận ghi giá trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn hoặc bằng giá quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh dẫn đến kê khai không đúng giá trị thực tế, gây khó khăn trong việc tính thuế, làm giảm số thuế phải nộp.

* Nguyên nhân:

Việc xây dựng giá đất và hệ số điều chỉnh giá đất hàng năm chưa phù hợp với giá giao dịch thực tế trên thị trường, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân lợi dụng trốn, tránh nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Pháp luật còn tồn tại nhiều kẽ hở tạo điều kiện cho người nộp thuế lợi dụng lách, trốn tránh để giảm số thuế, phí, lệ phí phải nộp NSNN (cụ thể như các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản thực hiện ký hợp đồng mua bán thông qua một số cá nhân, người thân... để trốn, lách thuế GTGT, thuế TNDN).

Cơ quan thuế chưa kiểm soát được trường hợp chuyển nhượng đối với đất ở, nhà ở duy nhất, một số trường hợp đã lợi dụng chính sách pháp luật để trốn thuế, gây thất thu cho NSNN do cơ quan thuế không thể kiểm tra được tài sản của người nộp thuế sở hữu trên toàn lãnh thổ Việt Nam.

Hiện tượng các Tổ chức hành nghề công chứng hướng dẫn khách hàng kê khai giá mua, bán trong hợp đồng không đúng giá thực tế giao dịch trên thị trường mà kê khai theo bảng giá của Ủy ban nhân dân tỉnh.

Sự phối hợp giữa các ngành, các địa phương trong công tác quản lý, kiểm tra xử lý đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản còn bất cập, đặc biệt là cơ chế trao đổi, cung cấp thông tin, xác minh, kiểm tra, điều tra đối với hoạt động giao dịch chuyển nhượng bất động sản có rủi ro cao chưa kịp thời. Bên cạnh đó, trách nhiệm của một số ngành, địa phương, công chức trong thực thi nhiệm vụ chưa cao.

Ý thức chấp hành pháp luật của người nộp thuế chưa cao, kê khai không trung thực nghĩa vụ thuế, phí, lệ phí phát sinh phải nộp cho NSNN đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, nhưng chưa bị phát hiện xử lý kịp thời theo quy định của pháp luật; mặt khác, pháp luật chưa có quy định bắt buộc việc thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch bất động sản.

3. Đối với lĩnh vực thuê đất, thuê mặt nước để thực hiện dự án và chuyển nhượng dự án:

Thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông phát sinh nhiều trường hợp thuê đất, thuê mặt nước của Nhà nước để thực hiện dự án sản xuất, kinh doanh, qua đó góp phần tạo công ăn việc làm cho người lao động trong tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều dự án thực hiện chậm tiến độ so với thời gian quy định trong Giấy chứng nhận đầu tư, Quyết định chủ trương đầu tư hoặc thực hiện không đúng với ngành nghề đăng ký đầu tư; thậm chí không thực hiện dự án đầu tư gây lãng phí về đất đai, không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ nghĩa vụ tài chính đối với NSNN.

Việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc kiểm tra tình hình thực hiện dự án đầu tư đối với các đơn vị được UBND tỉnh Đắk Nông cho thuê đất chưa được thực hiện một cách đồng độ, hiệu quả dẫn đến lãng phí quỹ đất, thất thu cho NSNN và làm ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tình trạng một số công ty khi được Nhà nước giao đất để thực hiện xây dựng trang trại chăn nuôi, sau khi xây dựng trang trại các đơn vị này không thực hiện chăn nuôi theo dự án được phê duyệt mà cho các doanh nghiệp khác thuê lại trang trại để thực hiện việc chăn nuôi.

* Nguyên nhân:

+ Dự án đầu tư mà sau 12 tháng kể từ ngày được chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư nhưng các cơ quan có thẩm quyền chưa tiến hành kiểm tra, xử lý hoặc đề xuất xử lý theo đúng quy định của Luật Đầu tư, Luật Đất đai.

+ Các dự án sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư được cơ quan có thẩm quyền kiểm tra, có cơ sở xác định không có khả năng triển khai thực hiện; Dự án đầu tư có sử dụng đất không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa; Dự án đầu tư mà nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cho gia hạn nhưng tiến độ thực hiện không đáp ứng tiến độ được gia hạn.

Từ những vấn đề nêu trên dẫn đến chủ trương miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với dự án không đúng đối tượng và thất thu tiền thuế TNCN, thuế TNDN từ việc chuyển nhượng dự án.

4. Hàng hóa vận chuyển trên khâu lưu thông:

Phương thức vận chuyển hàng hóa tại các địa phương khu vực Tây Nguyên dọc theo Quốc lộ 14 nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng khi vận chuyển hàng hóa duy nhất chỉ bằng đường bộ, không có đường sắt, không có đường biển, không có đường hàng không, mọi giao thương về hàng hóa chủ yếu tập trung bằng đường bộ và đặc biệt lưu lượng vận chuyển hàng hóa mạnh nhất là Quốc lộ 14. Toàn bộ hàng hóa của các tỉnh Tây Nguyên đều được vận chuyển về Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh phục vụ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.

Số lượng xăng, dầu và các loại hàng hóa khác hầu hết được cung cấp, vận chuyển từ khu vực tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và thành phố Hồ Chí Minh về Tây Nguyên. Do đó hiện nay lượng hàng hóa vận chuyển trên Quốc lộ 14 với lưu lượng rất lớn nên việc gian lận về hóa đơn là rất cao. Bên cạnh đó, xăng, dầu kém chất lượng, không rõ nguồn gốc (ngoài hệ thống phân phối) của các đối tượng mua, bán lậu vận chuyển đi tiêu thụ không có hóa đơn, chứng từ kèm theo diễn ra tương đối phức tạp, dẫn đến thất thu cho NSNN.

* Nguyên nhân:

Ý thức chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật Nhà nước về thuế của một số cơ sở kinh doanh còn thấp, vẫn còn hiện tượng không lập hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ, để ngoài sổ kế toán, không kê khai, nộp thuế theo quy định dẫn đến gây thất thu cho NSNN, gây tác động xấu làm ảnh hưởng đến các cơ sở kinh doanh chấp hành tốt chính sách thuế.

Diễn biến kinh doanh xăng, dầu và một số mặt hàng khác trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh rất đa dạng về nguồn cung, các cơ sở kinh doanh mua vào bằng nhiều nguồn khác nhau, không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc.

5. Tình trạng nợ thuế và các khoản phải nộp NSNN:

Tình trạng nợ đọng tiền thuế còn ở mức tương đối cao so với yêu cầu đề ra. Tính đến thời điểm 31/12/2021, tổng số tiền thuế, tiền phạt còn nợ là: 134,825 tỷ đồng, giảm 14,965 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2020 (nợ đến thời điểm 31/12/2020 là: 149,790 tỷ đồng).

Trong đó: Nợ tiền thuế có khả năng thu là 109,717 tỷ đồng chiếm tỷ trọng 81,38% tổng số tiền thuế nợ, tăng 38,723 tỷ đồng, tương ứng tăng 25,85% so với thời điểm 31/12/2020; nợ khó thu là 25,107 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 18,62% tổng số tiền thuế nợ, giảm 53,689 tỷ đồng, tương ứng giảm 35,84% so với thời điểm 31/12/2020.

* Nguyên nhân dẫn đến tăng/giảm nợ thuế:

+ Nhóm nợ có khả năng thu: Do dịch bệnh Covid 19 làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nhân dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh; một số ngành nghề tạm dừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng; nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoạt động không hiệu quả, chậm phục hồi dẫn đến chậm thanh toán làm nợ thuế vẫn còn cao.

+ Nhóm nợ khó thu: Ước tính tổng nợ khó thu giảm so với thời điểm 31/12/2021 là do cơ quan Thuế thực hiện khoanh nợ tiền thuế đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN theo Nghị quyết 94/2019/QH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài, một số doanh nghiệp và người nộp thuế kinh doanh không hiệu quả. Việc cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi nhất cho người nộp thuế, sự thông thoáng của Nhà nước, kẽ hở của pháp luật về thuế một số trường hợp cố tình dây dưa, trốn tránh, chây ỳ nộp thuế dẫn đến nợ đọng tiền thuế cao và kéo dài,...

PHẦN THỨ HAI

MỤC TIÊU VÀ YÊU CẦU CỦA ĐỀ ÁN

1. Mục tiêu của Đề án

- Quản lý, kiểm tra và kiểm soát được các doanh nghiệp đầu mối cung cấp xăng, dầu trên địa bàn tỉnh Đắk Nông nhằm chống triệt để tình trạng buôn lậu xăng, dầu trên thị trường. Duy trì và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với việc thực hiện Đề án dán tem trên trụ bơm xăng, dầu.

- Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản nhằm ngăn ngừa và chống thất thu thuế; tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng giữa các tổ chức và cá nhân kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong việc xác định và thực hiện nghĩa vụ nộp thuế theo quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân khi tham gia kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản; chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi sai phạm.

- Khắc phục được tình trạng chậm thực hiện dự án, thực hiện dự án không theo như cam kết, thu hồi được tiền miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước và tiền thuế TNCN, thuế TNDN đối với với các dự án thực hiện không đúng quy định khi thực hiện dự án (chuyển nhượng dự án, bán cổ phần góp vốn).

- Nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với lĩnh vận chuyển hàng hóa trên khâu lưu thông và xử lý nợ đọng về thuế nhằm tăng thu cho NSNN.

- Nâng cao trình độ chuyên môn và kinh nghiệm thực tiễn cho đội ngũ cán bộ công chức làm công tác quản lý thuế. Tăng cường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chính sách thuế theo quy định của pháp luật. Đấu tranh chống tiêu cực, nhũng nhiễu, gây khó khăn, phiền hà cho người nộp thuế, nâng cao kỷ cương, kỷ luật và chất lượng quản lý của cơ quan thuế.

- Góp phần tích cực vào công tác cải cách hành chính thuế, xây dựng và đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng, cạnh tranh lành mạnh, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật thuế đối với mọi tổ chức, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đồng thời, hướng dẫn người nộp thuế xác định rõ được trách nhiệm và nghĩa vụ của mình trong việc đóng góp cho Ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu của Đề án

- Trong điều kiện nhà nước tạo thông thoáng trong việc sử dụng hóa đơn, việc thực hiện tốt đề án này sẽ góp phần chấn chỉnh việc sử dụng hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa lưu thông trên đường, chống gian lận thương mại, hạn chế được thất thu thuế.

- Thực hiện chống thất thu có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào lĩnh vực, ngành nghề có rủi ro cao về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước; đảm bảo đúng quy định của pháp luật thuế và đạt hiệu quả cao.

- Kết hợp các biện pháp giám sát, kiểm tra, khảo sát với vận động, tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về thuế giúp cho các tổ chức, cá nhân tự giác thực hiện đúng các quy định về sử dụng hóa đơn, kê khai doanh thu, số thuế phải nộp sát với thực tế kinh doanh.

- Phải đảm bảo khách quan, minh bạch, công bằng và tuân thủ đúng quy định của pháp luật thuế, hóa đơn, phí, lệ phí.

- Trong quá trình triển khai Đề án không gây phiền hà cho người nộp thuế, phải dễ thực hiện, dễ kiểm tra và nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện tốt các giải pháp, yêu cầu về tăng cường chống thất thu thuế, huy động các Sở, Ban, ngành liên quan phối hợp với cơ quan thuế các cấp để quản lý tốt nguồn thu, chống thất thu NSNN.

3. Căn cứ pháp lý xây dựng đề án

- Căn cứ Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14 ngày 13 tháng 6 năm 2019;

- Căn cứ Luật thuế giá trị gia tăng số 13/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa XII và các văn bản hướng dẫn;

- Căn cứ Luật thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12 ngày 03 tháng 6 năm 2008 của Quốc hội khóa XII và các văn bản hướng dẫn;

- Căn cứ Luật đất đai số 45/2013/QH13 ngày 29/11/2013 của Quốc hội quy định về việc thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai;

- Căn cứ Luật đầu tư số 61/2020/QH14 ngày 17 tháng 6 năm 2020;

- Căn cứ Luật xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 ngày 20 tháng 6 năm 2012 của Quốc hội khóa XIII và các văn bản quy định hướng dẫn;

- Căn cứ Luật số 67/2020/QH14 ngày 13 tháng 11 năm 2020 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số Điều của Luật xử lý vi phạm hành chính và các văn bản quy định hướng dẫn;

- Căn cứ Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14/5/2010 ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng, cung cấp dịch vụ;

- Căn cứ Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2010 ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ;

- Căn cứ Nghị định số 109/2013/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá, phí, lệ phí, hóa đơn. Nghị định số 49/NĐ-CP ngày 27/5/2016 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 109/NĐ-CP ngày 24/9/2013 của Chính phủ;

- Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai;

- Căn cứ Nghị định số 46/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

- Căn cứ Nghị định số 135/2016/NĐ-CP ngày 09/9/2016 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

- Căn cứ Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai;

- Căn cứ Nghị định số 123/2017/NĐ-CP ngày 14/11/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước;

- Căn cứ Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

- Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

- Căn cứ Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;

- Căn cứ Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn;

- Căn cứ Nghị định số 102/2021/NĐ-CP ngày 16/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thuế, hóa đơn; hải quan; kinh doanh bảo hiểm, kinh doanh xổ số; quản lý, sử dụng tài sản công; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước; kế toán, kiểm toán độc lập;

- Căn cứ Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ;

- Thông tư số 26/2015/TT-BTC ngày 27/02/2015 và Thông tư số 37/2017/TT-BTC ngày 27/4/2017 của Bộ Tài chính sửa đổi, bổ sung Thông tư 39/2017/TT-BTC;

- Căn cứ Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ;

- Căn cứ Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm 2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ;

- Căn cứ Thông tư số 80/2021/TT-BTC ngày 29/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế;

- Căn cứ Nghị quyết số 94/2019/QH14 của Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 26/11/2019 về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp Ngân sách Nhà nước;

- Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-BTC ngày 19/3/2020 của Bộ Tài chính về việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội về khoanh nợ tiền thuế, xóa nợ tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp NSNN;

- Căn cứ Công văn số 2283/UBND-KTTH của UBND tỉnh Đắk Nông ngày 12/5/2020 về việc triển khai Nghị quyết 94/2019/QH14 ngày 26/11/2019 của Quốc hội;

- Căn cứ Quyết định số 2312/QĐ-BTC ngày 07/12/2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022 tỉnh Đắk Nông;

- Căn cứ Quyết định số 2222/QĐ-UBND ngày 16/12/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông về việc giao dự toán thu, chi ngân sách nhà nước năm 2022;

- Căn cứ Công văn số 2288/TCT-TTKT ngày 24/6/2021 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản;

- Căn cứ Công văn số 2622/TCT-DNNCN ngày 16/7/2021 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động chuyển nhượng bất động sản;

- Căn cứ Công văn số 14257/BTC-VP ngày 15/12/2021 của Bộ Tài chính về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản;

- Căn cứ Công văn số 52/TCT-TTKT ngày 07/01/2022 của Tổng cục Thuế về việc tăng cường công tác quản lý thuế hoạt động kinh doanh bất động sản;

- Căn cứ Công văn số 421/UBND-KTTH ngày 25/01/2022 của UBND tỉnh Đắk Nông về việc chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản;

* Xử lý vi phạm khác: Tùy theo hành vi vi phạm, các lực lượng tham gia là thành viên Đoàn kiểm tra liên ngành căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình để xử lý các vi phạm khác có liên quan,...

4. Sự cần thiết phải xây dựng Đề án tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022

- Tình trạng nhà đầu tư khi được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, thuê mặt nước để thực hiện dự án mà nhà đầu tư không thực hiện hoặc không có khả năng thực hiện dự án theo tiến độ đăng ký với cơ quan đăng ký đầu tư; dự án đầu tư có sử dụng đất mà đất không được đưa vào sử dụng trong 12 tháng liên tục hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư kể từ khi nhận được đất bàn giao; Dự án đầu tư mà nhà đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền cho gia hạn nhưng tiến độ thực hiện không đáp ứng tiến độ được gia hạn; Xây dựng dự án xong không thực hiện kinh doanh, chăn nuôi theo cam kết ban đầu của nhà đầu tư (cho đơn vị khác thuê để thực hiện dự án).

- Việc quản lý, kiểm soát đối với giá chuyển nhượng của người nộp thuế có phát sinh hoạt động chuyển nhượng bất động sản gặp nhiều khó khăn. Người nộp thuế thường kê khai giá chuyển nhượng trong hợp đồng công chứng thấp hơn so với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường hoặc có hiện tượng ký hai hợp đồng ghi giá khác nhau...nhằm trốn, tránh việc thực hiện nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

- Ý thức chấp hành, tuân thủ quy định pháp luật Nhà nước về thuế của một số tổ chức, cá nhân, cơ sở kinh doanh còn thấp, vẫn còn hiện tượng vận chuyển hàng hóa trên đường không có hóa đơn kèm theo, bán hàng không xuất hóa đơn, quay vòng hóa đơn, để ngoài sổ kế toán, không kê khai hoặc kê khai không đầy đủ, dây dưa chây ỳ nộp thuế theo quy định dẫn đến gây thất thu cho NSNN;

- Diễn biến kinh doanh xăng, dầu trong thời gian qua trên địa bàn tỉnh rất đa dạng về nguồn cung, các cơ sở kinh doanh mua xăng dầu đầu vào bằng nhiều nguồn khác nhau, không có hóa đơn, không rõ nguồn gốc... nên đã xuất hiện dấu hiệu về hành vi buôn lậu xăng, dầu.

Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản, hoạt động kinh doanh xăng, dầu, xử lý nợ đọng thuế, lĩnh vực cho thuê đất, thuê mặt nước để thực hiện dự án, chuyển nhượng dự án, vận chuyển hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh Đắk Nông cần phải có các giải pháp quản lý hữu hiệu nhằm chống thất thu NSNN, “thu đúng, thu đủ, thu kịp thời”, tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, góp phần phát triển kinh tế của tỉnh một cách bền vững. Đây là việc làm vừa có tính cấp thiết, vừa có ý nghĩa lâu dài. Từ thực trạng và các nguyên nhân trên, việc UBND tỉnh Đắk Nông ban hành Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022” để đảm bảo thực hiện tốt công tác thu NSNN và việc thực thi pháp luật thuế và các văn bản pháp luật có liên quan là thực sự cần thiết.

PHẦN THỨ BA

NỘI DUNG ĐỀ ÁN

1. Nội dung kiểm tra

- Kiểm tra chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn tỉnh.

- Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, phí, hóa đơn đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh xăng, dầu trên địa bàn toàn tỉnh.

- Kiểm tra việc bảo quản tem niêm phong đã dán theo quy định, xử lý các trường hợp tem bị hư hỏng, không còn nguyên vẹn.

- Đôn đốc thu nợ, xử lý hoặc đề nghị xử lý đối với các tổ chức, cá nhân còn nợ đọng các loại thuế, phí, lệ phí, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và các khoản phải nộp NSNN.

- Kiểm tra tình hình triển khai thực hiện dự án đầu tư trên diện tích đất, mặt nước được Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng dự án.

- Kiểm tra đối với việc hoạt động kinh doanh vận chuyển hàng hóa và chấp hành việc quản lý và sử dụng hóa đơn, lập hóa đơn chứng từ theo quy định tại Nghị định số 51/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 05 năm 2010 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Thông tư số 39/2014/TT-BTC ngày 31/3/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 51/2010/NĐ-CP và Nghị định số 04/2014/NĐ-CP ngày 17/01/2014 của Chính phủ quy định về hóa đơn bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ; Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Thông tư số 68/2019/TT-BTC ngày 30/9/2019 của Bộ Tài chính hướng thực hiện một số điều của Nghị định số 119/2018/NĐ-CP ngày 12/9/2018 của Chính phủ quy định về hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về hóa đơn, chứng từ; Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn

* Ngoài ra, tùy thuộc vào các hình thức mua, bán hàng hóa, có biện pháp kiểm tra, xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật về thuế, phí, hóa đơn chứng từ có liên quan. Cụ thể như sau:

- Về lĩnh vực kinh doanh xăng, dầu: Kiểm tra trên khâu lưu thông và kiểm tra tại doanh nghiệp.

+ Kiểm tra hóa đơn, chứng từ và hợp đồng kinh tế đối với lượng xăng, dầu đang lưu thông vận chuyển trên đường của các doanh nghiệp đầu mối.

+ Kiểm tra các thủ tục hành chính về kinh doanh xăng, dầu.

+ Kiểm tra việc thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng tại cột đo xăng, dầu. Trường hợp tem bị hư hỏng, không còn nguyên vẹn mà doanh nghiệp không báo cáo với cơ quan thuế để được dán lại tem thì được coi là dấu hiệu vi phạm, Đoàn kiểm tra liên ngành sẽ tiến hành kiểm kê hàng hóa tồn kho trong bồn chứa, chốt hóa đơn bán hàng và chỉ số đồng hồ trên trụ bơm, so sánh với hàng hóa tồn kho thực tế qua kiểm kê đến thời điểm kiểm tra nếu có chênh lệch, có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Đoàn kiểm tra sẽ chuyển hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.

- Về lĩnh vực kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản:

+ Vận động, tuyên truyền trực tiếp đến người nộp thuế, hướng dẫn người nộp thuế kê khai theo đúng giá thực tế giao dịch để người nộp thuế hiểu, nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật thuế.

+ Phối hợp với các Sở, Ban ngành, các tổ chức, cá nhân hành nghề công chứng thu thập thông tin liên quan đến việc kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản để quản lý thu, chống thất thu góp phần tăng thu cho ngân sách.

+ Thu thập thông tin, xác minh giá giao dịch thực tế tại thời điểm phát sinh giao dịch bất động sản, giá bán của chủ đầu tư, giá giao dịch bất động sản tương tự của chủ dự án chuyển nhượng; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin với chủ đầu tư và các bên có liên quan về giá giao dịch trên thị trường; đối với những hồ sơ phát hiện có rủi ro cao về thuế đã yêu cầu người nộp thuế giải trình, kê khai điều chỉnh, bổ sung trường hợp người nộp thuế không thực hiện, hoặc thực hiện không đúng thì tổng hợp chuyển cơ quan có thẩm quyền, phối hợp điều tra, xác minh xử lý theo quy định của pháp luật.

+ Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, nhằm đảm bảo thị trường bất động sản phát triển ổn định, bền vững.

+ Xác định giá tính thuế TNCN, thuế TNDN, thuế GTGT, Lệ phí trước bạ phù hợp với giá thực tế giao dịch chuyển nhượng bất động sản; thực hiện thu đúng, thu đủ các khoản thuế, phí đối với hoạt động chuyển nhượng bất động sản theo đúng quy định về thứ tự thanh toán nợ thuế tại Điều 57 Luật Quản lý thuế.

- Lĩnh vực thực hiện dự án đầu tư trên diện tích đất, mặt nước được Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng dự án:

+ Đoàn kiểm tra phối hợp với nhà đầu tư tiến hành kiểm tra dự án tại thực địa.

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực đầu tư (thủ tục đầu tư, chuẩn bị đầu tư, tiến độ triển khai dự án so với cam kết, các nội dung có liên quan khác);

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong lĩnh vực xây dựng (quy hoạch xây dựng, việc chấp hành pháp luật trong hoạt động xây dựng, hoạt động đầu tư kinh doanh của dự án và các nội dung liên quan);

+ Kiểm tra việc chấp hành pháp luật đất đai: Kiểm tra việc sử dụng đất, tiến độ sử dụng đất so với dự án đầu tư đã được phê duyệt;

+ Kiểm tra việc thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách các khoản thu về đất và các nội dung có liên quan khác đến pháp luật về đất đai.

+ Kiểm tra hồ sơ pháp lý và các giấy tờ có liên quan đến việc chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng vốn góp.

- Về lĩnh vực nợ đọng tiền thuế: Đoàn kiểm tra liên ngành căn cứ vào tình hình nợ đọng thuế của Cục Thuế và các Chi cục Thuế khu vực đang theo dõi trên hệ thống quản lý thuế để tiến hành hỗ trợ trong công tác xử lý, cưỡng chế nợ thuế và đôn đốc nộp dứt điểm vào NSNN theo quy định của pháp luật.

Đối với các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu gian lận trốn thuế thì Đoàn kiểm tra liên ngành củng cố hồ sơ và chuyển về cơ quan thuế để thanh tra, kiểm tra xử lý theo quy định của Luật Quản lý thuế.

2. Thời gian tiến hành:

Kể từ ngày ban hành Quyết định đến 31/12/2022.

3. Phương pháp kiểm tra

a) Căn cứ kiểm tra:

- Kiểm tra qua tin báo, thông tin phản ánh của quần chúng nhân dân, theo đề nghị của cơ quan tổ chức khác;

- Kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn Kiểm tra liên ngành theo Quyết định thành lập của UBND tỉnh, các quy định hiện hành của pháp luật.

- Kiểm tra theo nội dung kế hoạch hoạt động của Đoàn kiểm tra liên ngành đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

b) Thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành để thực hiện Đề án

UBND tỉnh thành lập 01 Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế trên địa bàn tỉnh Đắk Nông để thực hiện Đề án do Cục Thuế tỉnh chủ trì.

Đoàn kiểm tra: Kiểm tra chống thất thu ngân sách đối với hoạt động kinh doanh xăng, dầu sau khi thực hiện dán tem niêm phong công tơ tổng tại trụ bơm xăng, dầu; lĩnh vực mua, bán, chuyển nhượng bất động sản; thực hiện dự án đầu tư trên diện tích đất, mặt nước được Nhà nước cho thuê, chuyển nhượng dự án; xử lý nợ đọng thuế; vận chuyển hàng hóa lưu thông trên địa bàn tỉnh.

c) Thành phần tham dự của Đoàn kiểm tra liên ngành

- Đối với Cục Thuế tỉnh Đắk Nông: Cử 03 công chức tham gia đoàn kiểm tra liên ngành.

- Đối với Công an tỉnh Đắk Nông: 01 Cán bộ, chiến sỹ thuộc phòng PC 03 và 01 cán bộ, chiến sỹ phòng PC 08 tham gia làm thành viên.

- Đối với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Đắk Nông: 01 công chức tham gia làm thành viên.

- Đối với Cục Quản lý thị trường tỉnh Đắk Nông: 01 công chức tham gia làm thành viên.

d) Xử lý vi phạm và mối quan hệ đối với các cơ quan, tổ chức:

Tổ chức, cá nhân vi phạm ở địa bàn nào thì Đoàn kiểm tra liên ngành có trách nhiệm lập Biên bản làm việc, Biên bản vi phạm hành chính theo mẫu các văn bản hướng dẫn và chuyển vụ việc vi phạm về tại Chi cục Thuế khu vực nơi xảy ra hành vi vi phạm để xử lý vụ việc theo quy định.

e) Phương tiện hoạt động: Cục Thuế tỉnh bố trí phương tiện để Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế triển khai hoạt động theo phương án, kế hoạch đã được duyệt.

PHẦN THỨ TƯ

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cục Thuế tỉnh

- Giao Cục Thuế tỉnh chủ trì thực hiện Đề án; xây dựng, triển khai Kế hoạch; chỉ đạo giám sát hoạt động và quyết định thay đổi thành viên đoàn để đáp ứng kịp thời nhiệm vụ. Đồng thời, đoàn kiểm tra liên ngành được phép sử dụng con dấu của Cục Thuế tỉnh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ theo quy định.

- Chủ động phối hợp với các Sở, Ban, ngành có liên quan xây dựng Kế hoạch, triển khai thực hiện Đề án có hiệu quả, đồng thời tổ chức tuyên truyền, phổ biến những nội dung cơ bản của Đề án gắn với nội dung chính sách, pháp luật thuế tại các hội nghị triển khai chính sách, pháp luật thuế, hội nghị đối thoại về thuế.

- Tăng cường chỉ đạo các Chi cục Thuế khu vực áp dụng các biện pháp nghiệp vụ thuế, giám sát tình hình kê khai thuế của người nộp thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng bất động sản và một số hoạt động kinh doanh còn thất thu về thuế.

- Tham mưu cho UBND tỉnh Quyết định thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu ngân sách.

- Trên cơ sở nhiệm vụ được giao, xây dựng kinh phí hoạt động, trình cấp có thẩm quyền hỗ trợ kinh phí cho Đoàn kiểm tra liên ngành chống thất thu NSNN.

- Hàng quý, vào ngày 10 đầu quý hoặc kết thúc mỗi đợt kiểm tra theo Kế hoạch, báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

2. Công an tỉnh, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, Cục Quản lý thị trường tỉnh

Có trách nhiệm cử cán bộ, chiến sỹ tham gia đoàn liên ngành để thực hiện Đề án, theo quyết định thành lập của UBND tỉnh.

3. Sở Tài chính: Phối hợp với Cục Thuế tỉnh đề ra các giải pháp thu NSNN để đảm bảo đạt và vượt dự toán được giao. Tham mưu UBND tỉnh hỗ trợ chi phí cho Đoàn kiểm tra theo quy định.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố

Có trách nhiệm chỉ đạo các Phòng, Ban chức năng của huyện, Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và những đơn vị liên quan ở địa phương phối hợp chặt chẽ với Đoàn kiểm tra liên ngành khi có đề nghị để thực hiện tốt Đề án này.

Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Cục Thuế tỉnh, các Sở, Ngành và các địa phương liên quan có trách nhiệm triển khai Đề án đạt hiệu quả cao, góp phần hoàn thành dự toán thu Ngân sách Nhà nước của tỉnh Đắk Nông năm 2022./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 745/QĐ-UBND ngày 21/04/2022 phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác chống thất thu ngân sách và xử lý nợ đọng thuế năm 2022” do tỉnh Đắk Nông ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.096

DMCA.com Protection Status
IP: 2001:4860:7:412::
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!