ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH CAO BẰNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1433/QĐ-UBND
|
Cao
Bằng, ngày 06 tháng 10 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN PHÂN CÔNG CƠ QUAN THUẾ QUẢN LÝ ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP
THUẾ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH CAO BẰNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH CAO BẰNG
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm
2019;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Quản lý thuế ngày 13
tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Nghị định số 126/2020/NĐ-CP
ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật
Quản lý thuế;
Căn cứ Thông tư 80/2021/TT-BTC
ngày 2/9/2021 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quản lý
thuế và Nghị định 126/2020/NĐ-CP;
Căn cứ Quyết định số 2845/QĐ-BTC
ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Bộ Tài chính ban hành quy định phân công cơ quan
thuế quản lý đối với người nộp thuế;
Căn cứ Nghị quyết số 91/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 ban hành quyết định phân cấp nguồn thu,
nhiệm vụ chi, tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu giữa ngân sách các cấp
chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2022, thời kỳ ổn định
2022 - 2025;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục
Thuế tỉnh Cao Bằng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt phương án phân công cơ quan thuế quản
lý đối với người nộp thuế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng.
Điều 2. Giao Cục Thuế chủ trì xây dựng, ban hành Bộ tiêu
chí phân công cơ quan thuế quản lý trên địa bàn và tổ chức triển khai thực hiện.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 4. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở,
ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Kho bạc Nhà nước Cao Bằng; Cục trưởng Cục
Thuế tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và Thủ trưởng các sở, ban, ngành
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 4 (thực hiện);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các thành viên UBND tỉnh;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP; TTTT tỉnh;
- Lưu: VT, TH (HT).
|
TM.
ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Bích Ngọc
|
PHƯƠNG ÁN
PHÂN CÔNG CƠ QUAN THUẾ QUẢN LÝ TRỰC TIẾP ĐỐI VỚI NGƯỜI NỘP THUẾ TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH CAO BẰNG
(Ban hành Kèm theo Quyết định số: 1433/QĐ-UBND ngày 06/10/2022 của UBND tỉnh Cao Bằng)
I. Phạm vi điều chỉnh:
Quy định phân công cơ quan thuế (Cục
Thuế, Chi cục Thuế) quản lý đối với người nộp thuế trên địa bàn tỉnh Cao Bằng
trong các trường hợp sau đây:
1. Doanh nghiệp mới thành lập; tổ chức
lại doanh nghiệp (chia, tách, hợp nhất, sát nhập, chuyển đổi loại hình doanh
nghiệp, chuyển đổi chủ sở hữu dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý), thay đổi
địa chỉ trụ sở (dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý) theo quy định của Luật
Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành về đăng ký doanh nghiệp tại cơ
quan đăng ký kinh doanh.
2. Tổ chức kinh tế, tổ chức khác thực hiện đăng ký thuế mới, tổ chức lại hoạt động (chia, tách, hợp
nhất, sát nhập), chuyển đổi loại hình hoạt động dẫn đến thay đổi cơ quan thuế
quản lý theo quy định của Luật Quản lý thuế và Thông tư hướng dẫn về đăng ký
thuế.
3. Hộ gia đình, nhóm cá nhân, cá nhân
kinh doanh, cá nhân khác thực hiện đăng ký thuế mới, tái hoạt động, thay đổi địa
chỉ kinh doanh dẫn đến thay đổi cơ quan thuế quản lý theo quy định của Luật Quản
lý thuế và Thông tư hướng dẫn về đăng ký thuế.
4. Người nộp thuế đang hoạt động đã
được phân công cơ quan thuế (Cục Thuế hoặc Chi cục Thuế) quản lý trước thời điểm
ban hành quy định này thi thực hiện theo các quy định phân công tại thời điểm
đó, trừ trường hợp phân công quản lý người nộp thuế và quản lý khoản thu cho Tổng
cục Thuế quản lý theo Điều 5 và các trường hợp phân công theo Điều 7, Điều 8 tại
quy định ban hành kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài
chính.
II. Đối tượng áp dụng:
- Cơ quan Thuế, gồm: Cục Thuế, Chi cục
Thuế các huyện, thành phố.
- Các tổ chức, cá nhân khác có liên
quan.
III. Yêu cầu đối với
phân công cơ quan Thuế quản lý đối với người nộp thuế:
1. Phù hợp quy định của Luật Ngân
sách nhà nước về thẩm quyền quản lý, phân cấp nguồn thu tại địa phương; phù hợp
với các quy định của Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng
dẫn.
2. Phù hợp với năng lực quản lý của Cục
Thuế, Chi cục Thuế; đảm bảo sự phối hợp trong công tác quản
lý Nhà nước trên địa bàn.
3. Phù hợp với tổ chức hoạt động kinh
doanh của người nộp thuế, đặc điểm của từng địa phương, vùng, miền trong tỉnh.
4. Thực hiện tự động trên Hệ thống ứng
dụng đăng ký thuế của ngành Thuế và đồng bộ, thống nhất với Hệ thống thông tin
quốc gia về đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh.
IV. Phân công cơ
quan quản lý thuế đối với người nộp thuế:
1. Người nộp thuế do Cục Thuế quản lý
(trừ người nộp thuế, khoản thu do Tổng cục Thuế quản lý tại Điều 5 Quy định kèm
theo Quyết định 2845/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính):
a. Đối với doanh nghiệp:
- Doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp
có vốn Nhà nước, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Doanh nghiệp khác có vốn điều lệ
(hoặc vốn đầu tư) từ 10 tỷ đồng trở lên.
- Doanh nghiệp dự án hoặc doanh nghiệp
trực tiếp thực hiện dự án (trường hợp không thành lập
doanh nghiệp dự án) BOT, BTO, BT, BOO, BLT, BTL, O&M theo quy định của pháp
luật về đầu tư.
- Doanh nghiệp có hoạt động kinh
doanh chính thuộc ngành, nghề kinh đặc thù, như hoạt động tài chính, ngân hàng,
bảo hiểm, chứng khoán, kinh doanh bất động sản, kế toán, kiểm toán, luật sư,
công chứng, khai khoáng.
- Doanh nghiệp thành lập và hoạt động
trong khu công nghiệp, khu kinh tế của tỉnh.
- Doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập
khẩu thường xuyên thuộc đối tượng được hoàn thuế giá trị
gia tăng hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu theo quy định của pháp luật về thuế giá trị
gia tăng; doanh nghiệp có quan hệ liên kết, quan hệ với một trong các thành
viên góp vốn với doanh nghiệp theo quy định của giao dịch kinh doanh giữa các
bên có liên kết đang do Cục Thuế quản lý trực tiếp; doanh nghiệp có phát sinh
hoạt động sản xuất kinh doanh trên nhiều địa bàn kê khai tập trung tại trụ sở
chính và phân bổ số nộp ngân sách cho các địa bàn.
b) Đối với người nộp thuế là tổ chức:
- Tổ chức có hoạt động sản xuất kinh
doanh và tổ chức được giao nhiệm vụ thu phí, lệ phí (trừ lệ phí trước bạ) do cơ
quan cấp Trung ương và cấp tỉnh thành lập.
- Chủ dự án ODA, Văn phòng đại diện
nhà tài trợ dự án ODA, Nhà thầu nước ngoài thực hiện dự án ODA.
- Nhà thầu, nhà thầu phụ nước ngoài
đăng ký nộp thuế trực tiếp với cơ quan thuế.
- Tổ chức chi trả thu nhập khấu trừ nộp thuế thu nhập cá nhân hoặc chỉ phát sinh hoàn thuế, gồm: cơ
quan, đơn vị, tổ chức thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ
và cơ quan khác ở Trung ương; cơ quan, đơn vị, tổ chức thuộc
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và cơ quan khác ở cấp tỉnh; cơ quan đại diện ngoại
giao; cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế tại Việt Nam; cơ quan lãnh sự; văn
phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài.
c) Đối với cá nhân:
- Cá nhân nước ngoài sử dụng tiền viện
trợ nhân đạo, viện trợ không hoàn lại của nước ngoài mua hàng hóa, dịch vụ có
thuế giá trị gia tăng ở Việt Nam để viện trợ không hoàn lại, viện trợ nhân đạo.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền
lương, tiền công do các tổ chức Quốc tế, Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam
trả nhưng tổ chức này chưa thực hiện khấu trừ thuế.
- Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền
lương, tiền công do các tổ chức, cá nhân trả từ nước ngoài (trường hợp cá nhân
không làm việc tại Việt Nam).
- Chuyên gia nước ngoài thực hiện
chương trình dự án ODA; chương trình dự án viện trợ phi chính phủ nước ngoài
thuộc diện được miễn thuế thu nhập cá nhân.
- Người Việt Nam làm việc cho văn
phòng đại diện của các tổ chức Quốc tế thuộc hệ thống liên hợp quốc tại Việt
Nam thuộc diện được miễn thuế thu nhập
cá nhân.
2. Người nộp thuế do Chi cục Thuế quản
lý
Chi cục Thuế quản lý trực tiếp các
người nộp thuế còn lại sau khi trừ các người nộp thuế, các khoản thu do Tổng cục
Thuế và Cục Thuế quản lý theo quy định có địa điểm hoạt động sản xuất kinh
doanh trên địa bàn cấp huyện, thành phố.
3. Người nộp thuế là chi nhánh, văn
phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức (trừ chi nhánh,
văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức do Tổng cục
Thuế quản lý trực tiếp theo quy định tại Điều 5 Quy định kèm theo Quyết định số
2845/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính).
a) Nếu chi nhánh, văn phòng đại diện
của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì phân công cơ
quan thuế quản lý theo cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp, tổ chức.
b) Nếu chi
nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức không
cùng địa bàn cấp tỉnh/thành phố với nơi doanh nghiệp, tổ chức đóng trụ sở thì
phân công cơ quan thuế quản lý theo cấp của cơ quan thuế quản lý của doanh nghiệp,
tổ chức (doanh nghiệp, tổ chức do Cục Thuế quản lý thì chi nhánh, văn phòng đại
diện của doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc của tổ chức cũng do Cục Thuế quản lý).
4. Đối với doanh nghiệp, tổ chức kinh
tế, tổ chức và cá nhân có trách nhiệm khấu trừ và nộp thuế thay cho nhà thầu,
nhà thầu phụ nước ngoài; tổ chức có hợp đồng hoặc văn bản hợp tác kinh doanh thực
hiện phân công cho cơ quan thuế đang quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh của
người nộp thuế.
5. Đối với tổ chức được cơ quan thuế
ký hợp đồng ủy nhiệm thu thực hiện phân công cho cơ quan thuế có hợp đồng ủy
nhiệm thu.
6. Đối với các nội dung khác liên
quan đến phân công cơ quan thuế quản lý được thực hiện theo quy định ban hành
kèm theo Quyết định số 2845/QĐ-BTC ngày 30/12/2016 của Bộ Tài chính.
Trong quá trình triển khai thực hiện
có khó khăn, vướng mắc các cơ quan đơn vị phản ánh về UBND tỉnh (qua Cục Thuế tổng
hợp) để xem xét giải quyết theo thẩm quyền./.