HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH KIÊN GIANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
38/2022/NQ-HĐND
|
Kiên Giang, ngày
29 tháng 12 năm 2022
|
NGHỊ QUYẾT
QUY ĐỊNH PHÍ THĂM QUAN DANH LAM THẮNG CẢNH, DI TÍCH LỊCH SỬ
- VĂN HÓA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KIÊN GIANG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
KHÓA X, KỲ HỌP THỨ MƯỜI BỐN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6
năm 2020;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Phí và lệ phí
ngày 25 tháng 11 năm 2015;
Căn cứ Quyết định số
170/2003/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách
ưu đãi hưởng thụ văn hóa;
Căn cứ Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ngày 23 tháng 8 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Phí và lệ phí;
Căn cứ Thông tư số 85/2019/TT-BTC
ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí
thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương;
Căn cứ Thông tư số
106/2021/TT-BTC ngày 26 tháng 11 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính sửa đổi, bổ
sung một số điều của Thông tư số 85/2019/TT-BTC ngày 29 tháng 11 năm 2019 của Bộ
trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn về phí và lệ phí thuộc thẩm quyền quyết định của
Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Xét Tờ trình số 293/TTr-UBND
ngày 13 tháng 12 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh dự thảo Nghị quyết quy định
phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa, công trình văn
hóa và bảo tàng trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Báo cáo thẩm tra số
79/BC-BVHXH ngày 22 tháng 12 năm 2022 của Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân
dân tỉnh; ý kiến của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm
vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy định mức thu, nộp, chế độ
miễn, giảm, quản lý và sử dụng phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch
sử - văn hóa thuộc thẩm quyền của địa phương giao cho đơn vị sự nghiệp công lập
hoặc tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
b) Đối với danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh nằm trong quần thể du lịch đã có
thu giá dịch vụ vào cổng thì không thực hiện thu phí thăm quan danh lam thắng cảnh,
di tích lịch sử - văn hóa.
c) Không áp dụng đối với di
tích lịch sử - văn hóa là điểm lưu niệm danh nhân, điểm di chỉ khảo cổ, điểm diễn
ra sự kiện lịch sử Cách mạng trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ chưa đảm
bảo điều kiện về cơ sở vật chất - hạ tầng để đáp ứng nhu cầu thu phí thăm quan;
cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng và bảo tàng tư nhân.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa trên địa
bàn tỉnh Kiên Giang.
b) Các cơ quan, tổ chức, cá
nhân được cấp có thẩm quyền giao trực tiếp quản lý, thu phí và khai thác các
danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa.
Điều 2. Mức
thu phí thăm quan
1. Đồng tiền thu phí: Việt Nam
đồng (VNĐ).
2. Mức thu phí (đã bao gồm thuế
giá trị gia tăng và phí bảo hiểm).
a) Di tích thắng cảnh quốc gia
Hòn Chông (gồm Hòn Phụ Tử, Chùa Hang và Bãi Dương): 20.000 đồng/lượt/khách.
b) Di tích thắng cảnh quốc gia
Mũi Nai: 30.000 đồng/lượt/khách.
c) Di tích thắng cảnh quốc gia
Thạch Động: 20.000 đồng/lượt/khách.
d) Danh lam thắng cảnh quốc gia
Núi Đá Dựng: 20.000 đồng/lượt/khách.
Điều 3. Đối
tượng được miễn và giảm phí thăm quan
1. Đối tượng được miễn phí
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng
theo quy định tại khoản 1 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP ngày 10 tháng 4
năm 2012 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Người khuyết tật;
b) Trẻ em là người dưới 16 tuổi
theo quy định tại Điều 1 Luật Trẻ em.
c) Các đoàn khảo sát, nghiên cứu,
trao đổi, học tập kinh nghiệm trên lĩnh vực di sản văn hóa, báo chí truyền
thông đến tác nghiệp, quảng bá di sản văn hóa và du lịch tỉnh Kiên Giang.
d) Sinh viên và giáo viên các
trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp, dạy nghề trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang do nhà trường tổ chức thăm quan ngoại khóa hàng năm có đăng ký với
các đơn vị quản lý trực tiếp di tích và cơ quan chức năng quản lý về di sản văn
hóa.
2. Đối tượng được giảm 50% mức
phí
a) Người được hưởng chính sách
ưu đãi văn hóa theo quy định tại Điều 2 Quyết định số 170/2003/QĐ-TTg .
b) Người khuyết tật nặng theo
quy định tại khoản 2 Điều 11 Nghị định số 28/2012/NĐ-CP .
c) Người cao tuổi theo quy định
tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 06/2011/NĐ- CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Người
cao tuổi.
Điều 4. Quản
lý và sử dụng phí thăm quan
1. Chế độ thu, nộp phí, quản lý
và sử dụng tiền thu phí thăm quan
a) Tiền thu phí thăm quan danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa thuộc ngân sách nhà nước, các cơ
quan, tổ chức, cá nhân thu phí có nhiệm vụ tổ chức thu, nộp như sau:
- Đối với cơ quan quản lý nhà
nước và đơn vị sự nghiệp công lập chưa tự chủ tài chính được để lại 30% trên số
tiền thu phí để trang trải chi phí thu phí, phí bảo hiểm theo quy định; còn lại
70% nộp vào ngân sách nhà nước theo phân cấp ngân sách.
- Đối với đơn vị sự nghiệp công
lập tự chủ tài chính được để lại 90% trên số tiền thu phí để trang trải chi phí
thu phí, phí bảo hiểm theo quy định; còn lại 10% nộp vào ngân sách Nhà nước.
b) Tiền thu phí thăm quan danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa không thuộc ngân sách Nhà nước, tổ chức,
cá nhân thu phí có trách nhiệm thực hiện đăng ký, kê khai, nộp thuế theo quy định.
c) Tổ chức, cá nhân hoặc người
được ủy quyền thu phí thăm quan danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa
phải niêm yết và công khai mức thu, đối tượng miễn, giảm phí tại địa điểm trực
tiếp thu phí.
2. Chứng từ thu phí
a) Đối với phí thuộc ngân sách
Nhà nước: Tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng
nộp phí theo quy định của cơ quan thuế về phát hành, quản lý, sử dụng ấn chỉ
thuế.
b) Đối với phí không thuộc ngân
sách Nhà nước: Tổ chức, cá nhân khi thu phí phải lập và giao hóa đơn cho đối tượng
nộp phí theo quy định hiện hành của Bộ Tài chính về phát hành, quản lý, sử dụng
hóa đơn bán hàng.
3. Các nội dung khác liên quan
đến việc thu, nộp, quản lý và sử dụng, công khai chế độ thu phí thăm quan danh
lam thắng cảnh, di tích lịch sử - văn hóa được thực hiện theo Nghị định số
120/2016/NĐ-CP ; Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính
phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế; Thông tư số
80/2021/TT-BTC ngày 29 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn
thi hành một số điều của Luật Quản lý thuế và Nghị định số 126/2020/NĐ-CP ngày
19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều Luật Quản lý
thuế; Thông tư số 78/2021/TT-BTC ngày 17 tháng 9 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Tài
chính hướng dẫn thực hiện một số điều của Luật Quản lý thuế ngày 13 tháng 6 năm
2019, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định
về hóa đơn, chứng từ.
Điều 5. Tổ
chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ
chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân
dân, các Ban Hội đồng nhân dân, các Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.
3. Trường hợp các văn bản dẫn
chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế thì thực hiện theo
văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế đó.
4. Nghị quyết này thay thế Nghị
quyết số 15/2013/NQ-HĐND ngày 10 tháng 7 năm 2013 của Hội đồng nhân dân tỉnh về
điều chỉnh Nghị quyết số 144/2010/NQ- HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng
nhân dân tỉnh về việc ban hành phí tham quan danh lam thắng cảnh trên địa bàn tỉnh
Kiên Giang.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Kiên Giang Khóa X, Kỳ họp thứ Mười Bốn thông qua ngày 27 tháng 12
năm 2022 và có hiệu lực từ ngày 09 tháng 01 năm 2023./.