BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1324/TB-BYT
|
Hà Nội, ngày 30
tháng 11 năm 2018
|
THÔNG BÁO
Ý KIẾN KẾT LUẬN CỦA
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ TẠI HỘI NGHỊ TRỰC TUYẾN TRIỂN KHAI VÀ NHÂN RỘNG MÔ HÌNH TRẠM
Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH
Ngày 14/11/2018, Bộ trưởng Bộ Y tế đã chủ trì Hội
nghị trực tuyến triển khai và nhân rộng mô hình Trạm Y tế xã hoạt động theo
nguyên lý y học gia đình. Tham dự hội nghị có 681 điểm cầu ở Trung ương, tỉnh
và huyện với khoảng 16.000 đại biểu tham gia gồm đại diện các Bộ và một số cơ
quan Trung ương, các cơ quan thuộc và trực thuộc Bộ Y tế, các Nhà tài trợ quốc
tế trong lĩnh vực y tế, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và các cơ quan
liên quan tuyến tỉnh, Lãnh đạo Ủy ban nhân dân huyện, các phòng, ban của Ủy ban
nhân dân huyện, Giám đốc các Trung tâm y tế huyện, Bệnh viện huyện, Trạm trưởng
các Trạm Y tế xã trên toàn quốc và đại diện các cơ quan thông tấn, báo chí
Trung ương và các địa phương.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có bài
phát biểu khai mạc nêu rõ về tính hiệu quả, sự cần thiết của việc tiếp tục Xây
dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, Bộ trưởng đã trình
bày báo cáo chung về thực trạng, kết quả triển khai công tác y tế cơ sở trong
giai đoạn 2016 - 2018 vừa qua, đặc biệt là từ sau khi Thủ tướng Chính phủ ban
hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 phê duyệt Đề án Xây dựng và Phát
triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới và Ban Chấp hành Trung ương Đảng
ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Năm 2018 là năm đánh dấu kỷ niệm lần thứ 40 Tuyên
ngôn lịch sử Alma-Ata năm 1978, lần đầu tiên các nhà lãnh đạo thế giới cam kết
chăm sóc sức khỏe ban đầu, thể hiện quyết tâm của tất cả các nước trên thế giới
xem chăm sóc sức khỏe ban đầu là nền tảng cốt lõi để hướng đến mục tiêu bao phủ
chăm sóc sức khỏe toàn dân của mỗi quốc gia. Vào ngày 25/10/2018 vừa qua, tại
thành phố Astana, Kazakhstan, Tuyên ngôn Astana đã chính thức được công bố tại
Hội nghị toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu (Primary Health Care-PHC) hướng
đến mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân (Universal Health Coverage-UHC)
và mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến sức khỏe (Sustainable Development
Goals-SDG), do Tổ chức y tế Thế giới và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tổ chức với
sự tham dự của 192 nước thành viên của Liên Hợp Quốc.
Tại hội nghị trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn
Thị Kim Tiến và Trưởng Đại diện Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam tiếp tục khẳng
định cam kết lộ trình xây dựng chính sách chăm sóc sức khỏe ban đầu bền vững.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ được thực hiện phù hợp với tình hình mới. Tăng cường
năng lực của hệ thống y tế bằng cách đầu tư vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban
đầu, bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân. Nâng cao năng lực và đầu tư cơ sở hạ tầng
cho chăm sóc sức khỏe ban đầu - nơi người dân tiếp xúc đầu tiên với các dịch vụ
y tế - để ưu tiên triển khai các chức năng cần thiết của y tế công cộng. Ưu
tiên phòng chống dịch bệnh và truyền thông sức khỏe nhằm đáp ứng nhu cầu sức khỏe
cho mọi người trong suốt cuộc đời thông qua các dịch vụ truyền thông nâng cao sức
khỏe, phòng ngừa, khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi toàn diện và chăm sóc giảm nhẹ.
Chăm sóc sức khỏe ban đầu sẽ cung cấp một loạt các dịch vụ y tế và chăm sóc
toàn diện, bao gồm chủng ngừa, tầm soát, phòng ngừa, kiểm soát và quản lý các bệnh
không lây nhiễm (Đái tháo đường, Tăng huyết áp, Ung thư, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn
tính và Hen phế quản,...) và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm. Đảm bảo người dân
có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu một cách công bằng, an toàn,
chất lượng cao, toàn diện, hiệu quả, có thể chấp nhận, luôn sẵn có và chi phí hợp
lý và cung cấp các gói dịch vụ tích hợp, liên tục trên nguyên tắc lấy con người
làm trung tâm. Duy trì một mối liên kết bền vững trong suốt quá trình chăm sóc
và đảm bảo một hệ thống chuyển tuyến hiệu quả và an toàn giữa các cơ sở chăm
sóc ban đầu và các cơ sở y tế tuyến trên. Tăng cường khả năng của hệ thống y tế
trong ngăn chặn, phát hiện và ứng phó với các bệnh truyền nhiễm và dịch bệnh mới
nổi bùng phát.
Trong bối cảnh hiện nay thì công tác xây dựng và
phát triển hệ thống y tế cơ sở đang có rất nhiều thuận lợi: Nghị quyết số
20/NQ-TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác chăm sóc bảo vệ sức khỏe nhân
dân trong tình hình mới đã nêu rõ quan điểm coi y tế cơ sở là nền tảng, thực hiện
bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân; các nhiệm vụ, giải pháp nhấn mạnh vào nội
dung chăm sóc sức khỏe ban đầu (dự phòng, quản lý sức khỏe đến từng người dân,
nâng cao sức khỏe, dân số, chăm sóc sức khỏe người cao tuổi,...); Quyết định số
2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Xây dựng và
Phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới đã được ban hành (Quyết định
2348), Bộ Y tế đã xây dựng Chương trình hành động số 1379/CTr-BYT triển khai
Quyết định 2348 và xây dựng hướng dẫn số 1383/HD-BYT thực hiện Mô hình điểm cho
trạm y tế của 26 xã, phường, thị trấn.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến chỉ ra các vấn đề còn
có khó khăn, vướng mắc cần giải quyết khi triển khai mô hình y tế cơ sở: (1) Cơ
chế tài chính: Cơ chế tài chính để chăm sóc sức khỏe ban đầu, để quản lý sức
khỏe, nâng cao sức khỏe, thực hiện các chương trình mục tiêu y tế. Huy động các
nguồn lực để đầu tư phát triển mạng lưới y tế cơ sở còn khó khăn; (2) Mô
hình mạng lưới y tế cơ sở: hiện tại mô hình y tế cơ sở ở các địa phương còn
đang chưa được thống nhất, mỗi nơi xây dựng mỗi kiểu; (3) Nguyên lý y học
gia đình: Các trạm y tế đi triển khai thực hiện theo nguyên lý y học gia
đình, tuy nhiên, các nhân viên y tế tại trạm y tế chưa được đào tạo chuẩn theo
nguyên lý này; (4) Nhân lực cho y tế cơ sở: nhiều nơi vẫn còn thiếu và yếu,
đào tạo và đào tạo liên tục Bác sĩ đa khoa, Điều dưỡng, Y sĩ Y học cổ truyền
cho y tế cơ sở còn khó khăn, cần phải có thời gian và nguồn lực cần thiết.
Sau khi nghe báo cáo về kết quả và phương hướng triển
khai, nhân rộng mô hình trạm y tế xã, phường hoạt động theo nguyên lý y học gia
đình; báo cáo tham luận của một số tỉnh/thành phố đã và đang dẫn đầu cả nước
trong việc xây dựng và áp dụng các cơ chế chính sách đặc thù để xây dựng hệ thống
tổ chức, huy động nguồn lực, tài chính, nhân lực cho y tế cơ sở để triển khai
các hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại tuyến y tế cơ sở, lồng ghép với
mô hình y học gia đình; nghe ý kiến phát biểu thảo luận trực tiếp của các đại
biểu tại hội trường, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã kết luận, chỉ đạo một số
nội dung sau:
1. Sở Y tế các tỉnh/thành phố tiếp tục chủ động đề
xuất, xây dựng các Đề án, Dự án và trình Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân
dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù nhằm tiếp tục triển khai thực
hiện việc Xây dựng và Phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đưa các mục tiêu, chỉ
tiêu về công tác y tế nói chung và công tác y tế cơ sở nói riêng như đã được
quy định tại Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung
ương khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân
dân trong tình hình mới và Quyết định số 2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng
Chính phủ vào Nghị quyết của Đảng ủy các cấp, Nghị quyết của Hội đồng nhân dân,
các kế hoạch phát triển Kinh tế - Xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
2. Giám đốc Sở Y tế các tỉnh/thành phố nhanh chóng
chỉ đạo xây dựng Đề án phát triển y tế cơ sở tại địa phương để trình Chủ tịch Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt; tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố ban
hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án Xây dựng và Phát triển mạng
lưới y tế cơ sở trong tình hình mới theo hướng dẫn của Bộ Y tế (Công văn số
5007/BYT-KH-TC ngày 28/8/2018 để triển khai thực hiện tốt theo Quyết định số
2348/QĐ-TTg ngày 05/12/2016 của Thủ tướng Chính phủ theo như nội dung Chương
trình hành động số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 của Bộ Y tế triển khai Quyết định
số 2348/QĐ-TTg và hướng dẫn số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2018 thực hiện Mô hình điểm
cho trạm y tế của 26 xã, phường, thị trấn). Cụ thể các nội dung cần triển khai
ngay như sau:
(1) Công tác chỉ đạo: Đưa các mục tiêu, chỉ tiêu,
nhiệm vụ về y tế cơ sở vào chiến lược, chính sách và kế hoạch Kinh tế - Xã hội,
phân công trách nhiệm tổ chức kiểm tra, giám sát, đánh giá định kỳ;
(2) Hoàn thiện tổ chức, mạng lưới y tế cơ sở: Sớm
thực hiện mô hình Trung tâm y tế huyện đa chức năng, trực tiếp quản lý Trạm Y tế
xã;
(3) Đào tạo Bác sĩ, viên chức y tế thực hành theo
nguyên lý y học gia đình. Tập huấn về phòng, chống, điều trị và ứng dụng công
nghệ thông tin quản lý các bệnh không lây nhiễm (Đái tháo đường, Tăng huyết áp,
Ung thư, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản,...);
(4) Tổ chức thực hiện việc quản lý, điều trị bệnh
không lây nhiễm, mạn tính tại Trạm Y tế, trước mắt làm ngay việc quản lý bệnh
nhân Đái tháo đường, Tăng huyết áp, Ung thư, Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và
Hen phế quản,... Sở Y tế: chỉ đạo Bệnh viện tỉnh, Trung tâm y tế/Bệnh viện huyện
chuyển người bệnh không lây nhiễm về quản lý tại Trạm Y tế xã, chuyển thuốc
theo danh mục Thông tư số 39/2017/TT-BYT ngày 18/10/2017 của Bộ Y tế quy định
gói dịch vụ y tế cơ bản cho tuyến y tế cơ sở cho Trạm Y tế xã (Thông tư 39);
(5) Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cho triển khai
thí điểm khoán cho Trạm Y tế một khoản kinh phí nhất định tính theo đầu dân để
chăm sóc sức khỏe ban đầu. Dành 40% định mức chi sự nghiệp y tế phân bổ cho trạm
y tế. Tăng định mức phân bổ ngân sách chi cho y tế dự phòng, y tế cơ sở. Sở Y tế
phối hợp với Bảo hiểm xã hội báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh trình Hội đồng nhân
dân tỉnh cho thanh toán gói Dịch vụ y tế cơ bản theo Thông tư 39;
(6) Rà soát, phân loại Trạm Y tế xã theo Quyết định
số 4667/QĐ-BYT để đầu tư cho hiệu quả. Trước mắt, với 26 Trạm Y tế xã thực hiện
theo Mô hình điểm thì áp dụng theo quy định tại Quyết định số 6070/QĐ-BYT ngày
08/10/2018 hướng dẫn công năng các phòng làm việc; Huy động mọi nguồn lực từ
ngân sách địa phương trong kế hoạch đầu tư công trung hạn, nguồn ngân sách
Trung ương hỗ trợ ngân sách địa phương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia
Xây dựng Nông thôn mới và Giảm nghèo bền vững, từng bước xã hội hóa, hợp tác
công tư ở những nơi có điều kiện.
(7) Bố trí đầy đủ số lượng và có cơ cấu thích hợp về
nhân lực: bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, dược, y sĩ y học cổ truyền. Trường hợp
thừa, thiếu phải điều chuyển. Thực hiện chế độ luân phiên, luân chuyển từ tuyến
trên xuống tuyến dưới và ngược lại để đào tạo chuyên môn theo hình thức cầm tay
chỉ việc. Triển khai thực hiện Đề án bác sĩ trẻ tình nguyện về công tác tại tuyến
y tế cơ sở. Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành cơ chế, chính sách
thu hút bác sĩ về công tác tại huyện, xã;
(8) Ứng dụng Công nghệ thông tin trong thanh toán bảo
hiểm y tế, quản lý hoạt động, thống kê, quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân tại trạm
y tế xã;
3. Lãnh đạo Bộ, Lãnh đạo các Vụ, Cục, Tổng cục, Ban
Quản lý Dự án được giao nhiệm vụ và phân công tại Quyết định số 3059/QĐ-BYT
ngày 18/5/2018 và Quyết định số 4412/QĐ-BYT ngày 12/7/2018 trực tiếp chỉ đạo,
theo dõi 8 tỉnh có các xã triển khai thực hiện Mô hình điểm tiếp tục chủ động
triển khai các hoạt động theo như hướng dẫn của Bộ Y tế tại Chương trình hành động
số 1379/CTr-BYT ngày 19/12/2017 triển khai Quyết định số 2348/QĐ-TTg và hướng dẫn
số 1383/HD-BYT ngày 19/12/2018 thực hiện Mô hình điểm cho trạm y tế của 26 xã,
phường, thị trấn. Các Sở Y tế đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí
để sửa chữa, nâng cấp trạm y tế xã, phường theo hướng dẫn tại Quyết định số
6070/QĐ-BYT ngày 08/10/2018. Ban Quản lý Dự án HPET khẩn trương tiến hành làm
các thủ tục mua sắm, đấu thầu trang thiết bị theo danh mục đã được hướng dẫn tại
Quyết định số 4389/QĐ-BYT ngày 11/7/2018 trên cơ sở đề nghị của các Sở Y tế.
4. Trên cơ sở kết quả công tác Xây dựng và Phát triển
mạng lưới y tế cơ sở trong thời gian vừa qua ở tuyến Trung ương, kinh nghiệm quốc
tế và các bài học kinh nghiệm như đã được chia sẻ từ các tỉnh, thành phố và đặc
biệt là từ kết quả triển khai Mô hình điểm trạm y tế của 26 xã, phường, thị trấn,
Bộ Y tế giao Cục Quản lý Khám, chữa bệnh làm đầu mối, phối hợp với các Vụ, Cục,
Tổng cục có liên quan để xây dựng Đề án: “Tăng cường chuyển giao kỹ thuật, nâng
cao năng lực chuyên môn cho y tế xã, phường” để các trạm y tế xã, phường có điều
kiện thực hiện được đầy đủ các chức năng, nhiệm vụ được giao và phát triển các
kỹ thuật chuyên môn.
5. Giao Vụ Kế hoạch - Tài chính, Vụ Bảo hiểm y tế
và các Vụ, Cục thuộc Bộ phối hợp với các đơn vị có liên quan của Bảo hiểm xã hội
Việt Nam khẩn trương xây dựng các văn bản hướng dẫn Nghị định số 146/2018/NĐ-CP
ngày 17/10/2018, sửa đổi quy định về mức trần chi cho khám bệnh, chữa bệnh bảo
hiểm y tế tại tuyến huyện, tuyến xã để các địa phương thực hiện, đặc biệt là hướng
dẫn chi tiết về cơ chế tài chính cho tuyến y tế cơ sở, chi cho y tế dự phòng và
chăm sóc sức khỏe ban đầu.
6. Tiếp tục áp dụng các cơ chế, chính sách hiện
hành để huy động mọi nguồn lực cho y tế cơ sở. Tập trung ưu tiên đến việc sửa đổi,
bổ sung để áp dụng các cơ chế chính sách về đầu tư cơ sở hạ tầng, cung cấp
trang thiết bị, chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, chính sách
về tài chính và đổi mới cơ chế hoạt động theo nguyên lý y học gia đình, quản lý
các bệnh không lây nhiễm, bệnh mãn tính: Đái tháo đường, Tăng huyết áp, Bệnh phổi
tắc nghẽn mạn tính và Hen phế quản, sàng lọc và phát hiện sớm một số bệnh ung
thư thường gặp và các dị tật bẩm sinh.
7. Huy động nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở: Tiếp tục
rà soát, phân loại trạm y tế xã theo Quyết định số 4667/QĐ-BYT để đầu tư cho hiệu
quả. Xác định rõ việc đầu tư cơ sở nhà trạm phải theo công năng các phòng, theo
hướng dẫn của Bộ Y tế. Cung cấp trang thiết bị phải phù hợp với nhóm trạm, khả
năng sử dụng phù hợp với trình độ và chuyên môn, nhu cầu của người dân. Nghiên
cứu xây dựng mô hình xét nghiệm tập trung.
8. Trong bối cảnh nguồn lực ODA cho y tế cực kỳ khó
khăn, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chấp thuận với Chương trình đầu tư phát
triển mạng lưới y tế cơ sở vùng khó khăn vay vốn ADB giai đoạn 2019 - 2023 để hỗ
trợ cho y tế cơ sở của 16 tỉnh khó khăn. Đối với Dự án vay vốn của WB, hiện nay
đang rất được ủng hộ bởi các cơ quan Trung ương, tuy nhiên đang còn vướng mắc về
cơ chế tài chính, về tỷ lệ vay lại và lãi suất vay. Giao Vụ Kế hoạch - Tài
chính tiếp tục nghiên cứu đề xuất, làm văn bản trình Bộ trưởng ký để giải trình
thêm với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư về các đề xuất Dự án để sớm trình
Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, Bộ Y tế sẽ tiếp tục làm việc với các nhà tài
trợ quốc tế: WHO, UNICEF, UNFPA, EU,... để đề xuất các hoạt động hỗ trợ kỹ thuật,
nâng cao năng lực cho y tế cơ sở.
Thừa lệnh Bộ trưởng Bộ Y tế, Văn phòng Bộ xin thông
báo ý kiến kết luận và chỉ đạo của Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến để các địa
phương, đơn vị biết, triển khai thực hiện./.
Nơi nhận:
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các đ/c Thứ trưởng (để báo cáo);
- Đ/c Chánh Văn phòng Bộ (để báo cáo);
- Sở Y tế các tỉnh, TP trực thuộc TW;
- Các Vụ, Cục, Tổng cục, VPB (để thực hiện);
- Các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế (để thực hiện);
- Các Dự án đang hỗ trợ cho YTCS (để thực hiện);
- Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế;
- Lưu: VT, KHTC, VPB1.
|
TL. BỘ TRƯỞNG
KT. CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ
PHÓ CHÁNH VĂN PHÒNG BỘ
Hà Anh Đức
|