ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
---------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
51/2020/QĐ-UBND
|
Đồng Nai, ngày 19
tháng 11 năm 2020
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC
PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Chất lượng sản phẩm,
hàng hóa ngày 21 tháng 11 năm 2007;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày
17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19 tháng 6
năm 2015;
Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ-CP
ngày 31 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa;
Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP
ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật An toàn thực phẩm;
Căn cứ Nghị định số 74/2018/NĐ-CP
ngày 15 tháng 5 năm 2018 của Chính phủ Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định
số 132/2008/NĐ-CP ;
Căn cứ Thông tư số
17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Quy định phương thức quản lý điều kiện bảo đảm an toàn thực
phẩm đối với cơ sở sản xuất kinh doanh nông lâm thủy sản không thuộc diện cấp
Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Thông tư số
38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn Quy định việc thẩm định, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh
doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm thuộc phạm
vi quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 4326/TTr-SNN ngày 16 tháng 10
năm 2020.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết
định này Quy định phân công, phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc
trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Quyết định này có hiệu
lực kể từ ngày 04 tháng 12 năm 2020. Quyết định này thay thế Quyết định số
989/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai ban hành
Quy định phân công, phân cấp thực hiện Thông tư số 38/2018/TT-BNNPTNT ngày 25
tháng 12 năm 2018, Thông tư số 17/2018/TT-BNNPTNT ngày 31 tháng 10 năm 2018 của
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban
nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công
Thương, Tài chính; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và
thành phố Biên Hòa; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan căn cứ
Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Nông nghiệp và PTNT;
- Cục Kiểm tra văn bản QPPL;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận tổ quốc tỉnh;
- Chủ tịch, PCT. UBND tỉnh;
- Chánh, các PCVP. UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, KTNS, KTN
(Khoa/30b)
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Cao Tiến Dũng
|
QUY ĐỊNH
PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH
NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH NÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 51/2020/QĐ-UBND ngày 19 tháng 11 năm 2020 của
Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và
đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định việc phân công, phân cấp quản
lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành nông nghiệp
trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Đối tượng áp dụng
a) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban
nhân dân các huyện, thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa (sau đây viết tắt
là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các cơ quan, tổ chức có liên quan.
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nông, lâm,
thủy sản trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, bao gồm:
- Các cơ sở thuộc đối tượng thẩm định, chứng nhận đủ
điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số
38/2018/TT-BNNPTNT .
- Các cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận cơ
sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm được quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số
17/2018/TT-BNNPTNT .
Điều 2. Giải thích từ ngữ
1. Sản xuất thực phẩm là việc thực hiện một, một số
hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác,
sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản để tạo ra thực phẩm.
2. Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ là cơ sở trồng trọt,
chăn nuôi, thu hái, đánh bắt, khai thác các nguyên liệu thực phẩm ở quy mô hộ
gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
3. Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ là cơ sở sơ chế thực phẩm ở
quy mô hộ gia đình, hộ cá thể có hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp.
4. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ là cơ sở do cá
nhân, nhóm cá nhân, hộ gia đình thực hiện đăng ký hộ kinh doanh và cơ sở không
được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy chứng nhận đăng ký doanh
nghiệp hoặc giấy chứng nhận đầu tư theo quy định của pháp luật.
5. Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản
là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động giới thiệu, dịch vụ bảo
quản, dịch vụ vận chuyển hoặc buôn bán thực phẩm nông, lâm, thủy sản, muối.
6. Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm nông, lâm, thủy
sản là nơi thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động trồng trọt, chăn
nuôi, nuôi trồng, thu hái, đánh bắt, khai thác nông, lâm, thủy sản, sản xuất muối.
7. Thực phẩm bao gói sẵn là thực phẩm được bao gói
và ghi nhãn hoàn chỉnh, sẵn sàng để bán trực tiếp cho mục đích chế biến tiếp hoặc
sử dụng để ăn ngay.
8. Chế biến thực phẩm là quá trình xử lý thực phẩm
đã qua sơ chế hoặc thực phẩm tươi sống theo phương pháp công nghiệp hoặc thủ
công để tạo thành nguyên liệu thực phẩm hoặc sản phẩm thực phẩm.
9. Thẩm định là hoạt động xem xét, thẩm tra tính hợp
lệ của hồ sơ, thực tế điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm cơ sở sản xuất kinh
doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản.
Điều 3. Nguyên tắc phân công,
phân cấp trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm
1. Trên cơ sở các quy định của Luật An toàn thực phẩm
và bảo đảm phù hợp với các văn bản pháp luật có liên quan.
2. Trên cơ sở thống nhất quản lý nhà nước về an
toàn thực phẩm.
3. Bảo đảm việc quản lý xuyên suốt toàn bộ quá
trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm.
4. Tăng cường sự phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện và các cơ quan, tổ chức có liên
quan.
5. Bảo đảm nguyên tắc một cửa, một sản phẩm, một cơ
sở sản xuất, kinh doanh chỉ chịu sự quản lý của một cơ quan quản lý nhà nước.
6. Bảo đảm tính khoa học, đầy đủ và khả thi.
7. Đối với cơ sở sản xuất nhiều loại sản phẩm thực
phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên thì
cơ quan quản lý sản phẩm có sản lượng lớn nhất trong các sản phẩm của cơ sở sản
xuất là cơ quan quản lý.
8. Đối với cơ sở không thực hiện công đoạn sản xuất
nhưng kinh doanh nhiều loại sản phẩm thực phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ
2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở lên do ngành Công Thương quản lý, trừ trường
hợp là chợ đầu mối, đấu giá nông sản.
9. Đối với cơ sở vừa sản xuất vừa kinh doanh nhiều
loại sản phẩm thuộc thẩm quyền quản lý của từ 2 cơ quan quản lý chuyên ngành trở
lên thì tổ chức, cá nhân có quyền lựa chọn cơ quan quản lý chuyên ngành về an
toàn thực phẩm để thực hiện các thủ tục hành chính.
Chương II
PHÂN CẤP QUẢN LÝ
Điều 4. Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn có trách nhiệm
1. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an
toàn thực phẩm đối với:
a) Cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, bao gồm:
- Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm có nguồn gốc động
vật trên cạn;
- Cơ sở giết mổ động vật tập trung;
- Cơ sở thu gom, chế biến mật ong;
- Cơ sở sơ chế, chế biến, kho lạnh bảo quản sản phẩm
động vật trên cạn gắn với cơ sở giết mổ động vật tập trung;
- Cơ sở nuôi trồng thủy sản;
- Tàu cá (đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ
15 mét trở lên);
- Cảng cá;
- Cơ sở sản xuất ban đầu thực phẩm có nguồn gốc thực
vật;
- Cơ sở sơ chế rau, củ, quả gắn liền với cơ sở trồng
trọt;
- Cơ sở sản xuất nước đá phục vụ sản xuất và bảo quản
thực phẩm nông, lâm, thủy sản;
- Cơ sở thu gom, sơ chế, chế biến thực phẩm nông,
lâm, thủy sản;
- Kho lạnh bảo quản nhiều loại thực phẩm nông, lâm,
thủy sản;
- Chợ đầu mối, đấu giá thực phẩm nông, lâm, thủy sản;
- Cơ sở kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản;
- Cơ sở sản xuất chế biến muối, muối i-ốt;
- Cơ sở kinh doanh muối, muối i-ốt.
b) Cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, bao gồm:
- Cơ sở giết mổ động vật tập trung;
- Cơ sở chế biến sản phẩm động vật trên cạn gắn với
cơ sở giết mổ động vật tập trung.
2. Tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện nội
dung đã cam kết và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết đối với:
a) Cơ sở sơ chế, kho lạnh bảo quản sản phẩm động vật
trên cạn gắn với cơ sở giết mổ động vật tập trung do Ủy ban nhân dân cấp huyện
cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ đối với nuôi trồng
thủy sản thâm canh, bán thâm canh do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh hoặc không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
Điều 5. Ủy ban nhân dân cấp huyện
có trách nhiệm
1. Thẩm định, cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an
toàn thực phẩm đối với các cơ sở do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận
đăng ký kinh doanh, bao gồm:
a) Cơ sở sản xuất, kinh doanh nước đá phục vụ sản
xuất và bảo quản thực phẩm nông, lâm, thủy sản;
b) Cơ sở chế biến thực phẩm nông, lâm, thủy sản (trừ
cơ sở chế biến sản phẩm động vật trên cạn gắn với cơ sở giết mổ động vật tập
trung được phân cấp cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn);
c) Cơ sở chế biến muối, muối i-ốt.
2. Tổ chức ký cam kết, kiểm tra việc thực hiện nội
dung đã cam kết và xử lý các cơ sở vi phạm cam kết đối với các cơ sở do Ủy ban
nhân dân cấp huyện cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc không có giấy chứng
nhận đăng ký kinh doanh, bao gồm:
a) Cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ (trừ các cơ sở
nuôi trồng thủy sản thâm canh, bán thâm canh được phân cấp cho Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn);
b) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không có địa
điểm cố định, trừ tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15 mét trở lên;
c) Cơ sở sơ chế nhỏ lẻ;
d) Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ;
đ) Cơ sở kinh doanh thực phẩm bao gói sẵn.
Chương III
PHÂN CÔNG QUẢN LÝ
Điều 6. Trách nhiệm quản lý an
toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là cơ quan
chuyên môn giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về an toàn thực
phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm:
1. Tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo
triển khai thực hiện các quy định của pháp luật về quản lý an toàn thực phẩm
nông, lâm, thủy sản trên địa bàn tỉnh.
2. Hướng dẫn việc tổ chức triển khai thực hiện nội
dung Quy định này và các văn bản pháp luật có liên quan trong phạm vi được phân
công.
3. Thực hiện quản lý đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn theo phân cấp tại Điều 4
Quy định này.
4. Đào tạo, tập huấn, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ
cho cơ quan thẩm định cấp huyện, cán bộ được giao nhiệm vụ thẩm định.
5. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại
chúng danh sách các cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực
phẩm thuộc phạm vi phân công, phân cấp.
6. Phúc kiểm quy trình thực hiện của các cơ quan thẩm
định thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện theo nhiệm vụ được phân công.
7. Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt
động thống kê, thẩm định, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi phân công, phân cấp.
8. Hằng năm có trách nhiệm lập kế hoạch và dự toán
kinh phí thực hiện công tác quản lý, thẩm định, chứng nhận các cơ sở sản xuất,
kinh doanh được phân công, phân cấp theo Quy định này.
9. Thực hiện báo cáo định kỳ và báo cáo đột xuất về
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Cục Quản lý chất lượng Nông
lâm sản và Thủy sản) và Ủy ban nhân dân tỉnh theo chế độ báo cáo hiện hành.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Y tế,
Sở Công Thương
Sở Y tế, Sở Công Thương có trách nhiệm tham gia phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định cơ sở sản xuất, kinh
doanh nhiều nhóm ngành hàng thực phẩm nông, lâm, thủy sản theo đề nghị của Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Điều 8. Trách nhiệm của Sở Tài
chính
Thực hiện thẩm định kinh phí, tham mưu Ủy ban nhân
dân tỉnh phê duyệt từ nguồn ngân sách hàng năm cho Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Ủy ban nhân dân cấp huyện theo quy định, đảm bảo đủ điều kiện cần
thiết để các cơ quan quản lý nhà nước thực hiện trách nhiệm được phân công,
phân cấp theo đúng quy định này và các quy định của pháp luật về an toàn thực
phẩm nông, lâm, thủy sản.
Điều 9. Trách nhiệm quản lý an
toàn thực phẩm thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp huyện
1. Thực hiện quản lý đối với các cơ sở sản xuất,
kinh doanh thực phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn theo phân cấp tại Điều 5
Quy định này.
2. Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn kiểm tra việc tuân thủ các quy định về an toàn thực phẩm nông, lâm, thủy sản
đối với các cơ sở nằm trên địa bàn.
3. Thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại
chúng danh sách các cơ sở đủ điều kiện và chưa đủ điều kiện bảo đảm an toàn thực
phẩm thuộc phạm vi phân công, phân cấp.
4. Lưu trữ có hệ thống các hồ sơ liên quan đến hoạt
động thống kê, thẩm định, xếp loại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm
nông, lâm, thủy sản thuộc phạm vi phân công, phân cấp.
5. Hằng năm, lập kế hoạch và dự toán kinh phí thực
hiện công tác quản lý, thẩm định, chứng nhận các cơ sở sản xuất, kinh doanh được
phân công, phân cấp theo Quy định này; báo cáo và đăng ký kế hoạch - dự toán
kinh phí về Sở Tài chính theo phân cấp.
6. Báo cáo kết quả thực hiện định kỳ hoặc đột xuất
về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (thông qua Chi cục Phát triển nông
thôn và Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản) theo chế độ báo cáo hiện hành.
Chương IV
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1. Giao Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Tài chính, Y tế, Công Thương; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện,
thành phố Long Khánh và thành phố Biên Hòa căn cứ chức năng nhiệm vụ được giao
có trách nhiệm tổ chức bộ máy, nhân sự và đảm bảo điều kiện cần thiết để thực
hiện trách nhiệm được phân công, phân cấp theo đúng quy định này và các quy định
nhà nước hiện hành liên quan.
2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trách nhiệm chấp
hành đầy đủ các nội dung của quy định này và các quy định khác của pháp luật có
liên quan về an toàn thực thực phẩm và chịu sự thẩm định hoặc kiểm tra của các
cơ quan quản lý nhà nước.
3. Trong quá trình thực hiện, nếu có nội dung chưa
phù hợp hoặc phát sinh khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, cá nhân kịp thời
báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi, bổ sung quy định này cho phù hợp với yêu cầu thực
tiễn và quy định của pháp luật./.