BỘ Y TẾ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3451/QĐ-BYT
|
Hà Nội, ngày 26 tháng 12 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH
DO VI RÚT ADENO Ở TRẺ EM
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
Căn cứ Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm
2009;
Căn cứ Nghị định số 95/2022/NĐ-CP ngày
15/11/2022 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Y
tế;
Theo đề nghị của Hội đồng chuyên môn
xây dựng Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do Adeno vi rút ở trẻ em
được thành lập theo Quyết định số 2648/QĐ-BYT ngày 28/9/2022 của Bộ trưởng Bộ Y tế;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Quản
lý khám, chữa bệnh - Bộ Y tế.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Hướng dẫn chẩn đoán, điều
trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em.
Điều 2. Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, phòng và kiểm soát lây nhiễm
bệnh do vi rút Adeno ở trẻ em áp dụng cho tất cả các cơ sở khám, chữa bệnh Nhà
nước và tư nhân trên cả nước.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.
Điều 4. Các Ông/Bà: Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Chánh
Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ; các Vụ trưởng, Cục trưởng của Bộ Y tế; Giám đốc
các Bệnh viện, Viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế; Giám đốc Sở Y tế các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương; Thủ trưởng y tế các Bộ, ngành; Thủ trưởng các
đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như điều 4;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Các Thứ trưởng (để biết);
- Lưu: VT; KCB.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Trần Văn Thuấn
|
HƯỚNG DẪN
CHẨN
ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH DO VI RÚT ADENO Ở TRẺ EM
(Ban
hành kèm theo Quyết định số 3451/QĐ-BYT ngày 26 tháng 12 năm 2022)
DANH SÁCH BAN
BIÊN SOẠN “HƯỚNG DẪN CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ, DỰ PHÒNG VÀ KIỂM SOÁT LÂY NHIỄM BỆNH
DO VI RÚT ADENO Ở TRẺ EM”
Chỉ đạo biên soạn
|
Gs.Ts. Trần Văn Thuấn
|
Thứ trưởng Bộ Y tế
|
Chủ biên
|
PGs.Ts. Trần Minh Điển
|
Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương
|
Đồng Chủ biên
|
PGs.Ts. Lương Ngọc Khuê
|
Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
Tham gia biên soạn
|
Ts. Nguyễn Trọng Khoa
|
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh
|
Ts. Vương Ánh Dương
|
Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa
bệnh
|
Ts. Cao Việt Tùng
|
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhi
Trung ương
|
BsCKII. Nguyễn Minh Tiến
|
Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng
Thành phố Hồ Chí Minh
|
Ts. Cao Việt Tùng
|
Phó Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhi
Trung ương
|
PGs.Ts. Lê Thị Hồng Hanh
|
Giám đốc Trung tâm Hô hấp Bệnh viện
Nhi Trung ương
|
Ts. Phan Hữu Phúc
|
Viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu
sức khỏe trẻ em, Phó Trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung ương
|
Ts. Nguyễn Thành Nam
|
Giám đốc Trung tâm Nhi khoa Bệnh viện
Bạch Mai
|
BsCKII. Nguyễn Mạnh Phú
|
Trưởng khoa hô hấp, Trung tâm Nhi
khoa Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế
|
PGs.Ts. Phùng Thị Bích Thủy
|
Trưởng khoa Sinh học phân tử bệnh
truyền nhiễm Bệnh viện Nhi Trung ương
|
PGs.Ts. Phạm Văn Quang
|
Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện
Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh
|
Ts. Trần Anh Tuấn
|
Trưởng khoa Hô hấp Bệnh
viện Nhi đồng 1 Thành phố Hồ Chí Minh
|
BsCKII. Đỗ Châu Việt
|
Trưởng khoa hồi sức Nhiễm và
Covid-19 Bệnh viện Nhi đồng 2 Thành phố Hồ Chí Minh
|
Ts. Lê Kiến Ngãi
|
Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn Bệnh
viện Nhi Trung ương
|
Ths. Lê Kim Dung
|
Chuyên viên chính phòng Nghiệp vụ -
Thanh tra và Bảo vệ sức khỏe cán bộ - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
BsCKII. Cao Đức Phương
|
Chuyên viên chính phòng Nghiệp vụ -
Thanh tra và Bảo vệ sức khỏe cán bộ - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
Ths. Đỗ Thị Huyền Trang
|
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
Thư ký biên soạn
|
Ts. Phan Hữu Phúc
|
Viện trưởng Viện đào tạo và nghiên cứu
sức khỏe trẻ em, Phó Trưởng khoa điều trị tích cực Bệnh viện Nhi Trung
ương
|
Bs CKII. Cao Đức Phương
|
Chuyên viên chính phòng Nghiệp vụ -
Thanh tra - Bảo vệ sức khỏe cán bộ - Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
Ths. Đỗ Thị Huyền Trang
|
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh
|
MỤC LỤC
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
I. ĐẠI CƯƠNG VỀ VI RÚT ADENO
II. LÂM SÀNG NHIỄM VI RÚT ADENO
2.1. Triệu chứng lâm sàng
2.1.1. Thể sốt viêm họng - kết mạc
2.1.2. Thể viêm kết mạc 2 bên
2.1.3. Thể viêm đường hô hấp cấp
2.1.4. Thể viêm dạ dày - ruột
2.1.5. Các thể bệnh ít gặp
2.2. Xét nghiệm
2.2.1. Xét nghiệm chẩn đoán căn nguyên
2.2.2. Xét nghiệm huyết học, sinh hóa
máu và vi sinh, sinh học phân tử
2.2.3. Chẩn đoán hình ảnh
2.3. Yếu tố nguy cơ bệnh diễn biến nặng
2.4. Biến chứng nặng của bệnh
2.4.1. Biến chứng sớm
2.4.2. Biến chứng xa
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn đoán ca bệnh
3.2. Chẩn đoán phân biệt
3.2.1. Thể viêm đường hô hấp cấp
3.2.2. Thể viêm dạ dày - ruột cấp
3.2.3. Thể viêm kết mạc
3.3. Chẩn đoán mức độ lâm sàng
3.3.1. Mức độ nhẹ
3.3.2. Mức độ trung bình
3.3.3. Mức độ nặng
3.3.4. Mức độ nguy kịch
IV. ĐIỀU TRỊ TRẺ EM NHIỄM VI RÚT ADENO
4.1. Tiêu chuẩn nhập bệnh viện
4.2. Nguyên tắc điều trị
4.3. Điều trị bệnh mức độ nhẹ
4.4. Điều trị bệnh mức độ trung bình
4.4.1. Hỗ trợ hô hấp
4.4.2. Thuốc kháng vi rút
4.4.3. Kháng sinh
4.5. Điều trị mức độ nặng
4.5.1. Hỗ trợ hô hấp
4.5.2. Tư thế
4.5.3. Corticosteroid
4.5.4. Immunoglobulin đường tĩnh mạch
(IVIG)
4.5.5. Thuốc kháng vi rút
4.5.6. Kháng sinh/kháng nấm
4.5.7. Theo dõi
4.5.8. Xét nghiệm
4.6. Điều trị mức độ nguy kịch
4.6.1. Nơi điều trị
4.6.2. Hỗ trợ hô hấp
4.6.3. Thuốc điều trị
4.6.4. Điều trị nhiễm trùng huyết và sốc
nhiễm trùng
4.6.5. Lọc máu (tại các cơ sở y tế có
khả năng)
4.6.6. ECMO
4.6.7. Dinh dưỡng
4.7. Tiêu chuẩn xuất viện
V. PHÒNG BỆNH
5.1. Phòng bệnh không đặc hiệu
5.2. Phòng bệnh đặc hiệu bằng vaccine
VI. PHÒNG LÂY NHIỄM TẠI CÁC CƠ SỞ
KHÁM, CHỮA BỆNH
6.1. Nguyên tắc chung
6.2. Dự phòng lây nhiễm trong bệnh viện
6.2.1. Sàng lọc, tiếp nhận và cách ly điều
trị người bệnh nhiễm vi rút Adeno
6.2.2. Tổ chức phòng cách ly, điều trị
người bệnh nhiễm vi rút Adeno
6.2.3. Quản lý người bệnh nội trú phơi
nhiễm với vi rút adeno
6.2.4. Xử lý dụng cụ sau sử dụng cho
người bệnh nhiễm vi rút adeno và vệ sinh môi trường bề mặt phòng cách ly
6.2.5. Phân loại, thu gom và vận chuyển
chất thải rắn từ phòng cách ly
6.2.6. Sử dụng phương tiện phòng hộ
6.2.7. Xử lý thi hài người bệnh nhiễm
vi rút adeno tử vong
VII. ĐIỀU TRA, BÁO CÁO CA BỆNH
DANH MỤC CHỮ VIẾT TẮT
CPAP
|
Continous Positive Airway Pressure
|
Áp suất đường thở dương liên tục
|
ECMO
|
Extracorporeal Membrance Oxygenation
|
Trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể
|
FiO2
|
Fraction of inspired oxygen
|
Phân áp ô xy thì hít vào
|
HFNC
|
High-flow nasal cannula
|
Liệu pháp ô xy lưu
lượng cao qua mũi
|
HFO
|
High-Frequency Oscillation
|
Thở máy tần số cao
|
HAdV
|
Human Adenovirus
|
Vi rút Adeno gây bệnh ở người
|
Ig
|
Immunoglobulin
|
Globulin miễn dịch
|
IVIG
|
Intravenous immunoglobulin
|
Globulin miễn dịch đường tiêm
|
MAP
|
Mean systemic arterial pressure
|
Áp lực trung bình đường thở
|
NCPAP
|
Nasal Continuous Positive Airway
Pressure
|
Thở áp lực dương liên tục qua đường
mũi
|
NIV
|
Noninvasive ventilation
|
Thở máy không xâm nhập
|
OI
|
Oxygenation Index
|
Chỉ số oxygen
|
PICCO
|
Pulse Contour Cardiac Output
|
Đo lưu lượng tim
|
SCID
|
Severe Combined Immunodeficiency
|
Hội chứng suy giảm miễn dịch trầm trọng
|
SpO2
|
Saturation of peripheral oxygen
|
Độ bão hòa ô xy trong máu ngoại vi
|
VA-ECMO
|
Extracorporeal Membrane Oxygenation
vein-arteries
|
Trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể
tĩnh mạch-động mạch
|
VV-ECMO
|
Extracorporeal Membrane Oxygenation
vein-vein
|
Trao đổi ô xy qua màng ngoài cơ thể
tĩnh mạch-tĩnh mạch
|
I. ĐẠI CƯƠNG VỀ VI
RÚT ADENO
Vi rút adeno là vi rút có cấu trúc DNA
sợi kép, không có vỏ, kháng cồn, kháng ether. Vi rút adeno gây bệnh ở người (human
adenovirus - HadV) có 7 nhóm (A-G) và hơn 50 subtype. Các loại huyết thanh
khác nhau gây ra các bệnh lý khác nhau, có thể gây nhiễm trùng tiềm ẩn hay dai
dẳng. Vi rút adeno gây bệnh ở người gây bệnh thường nhẹ, tự giới hạn, trừ một số
trường hợp diễn biến nặng khi có bệnh kèm theo như suy giảm miễn dịch, bệnh phổi
mạn, bệnh tim bẩm sinh, ung thư, ghép tạng...
Vi rút adeno gây bệnh ở người (HadV)
lây truyền trực tiếp từ người sang người qua đường hô hấp trong phạm
vi gần, hoặc gián
tiếp qua tiếp xúc với dịch cơ thể có chứa vi rút. Nguy cơ lây nhiễm giống như một
số vi rút cảm lạnh thông thường (rhinovirus), á cúm (parainfluenza)
nhưng thấp hơn vi rút hợp bào hô hấp (RSV), cúm mùa, SARS-CoV-2. Vi rút adeno
thường gây dịch ở nơi có điều kiện sống kém, đông đúc, có thể do nhiễm trùng bệnh
viện qua bàn tay người chăm sóc, dụng cụ thăm khám - chăm sóc, đặc biệt ở khoa
hồi sức, sơ sinh, đơn vị ghép tạng. Bệnh bắt đầu lây truyền vào cuối thời kỳ ủ
bệnh và kéo dài đến 14 ngày sau khi phát bệnh hoặc có thể lâu hơn. Vi rút adeno
ở người mang có thể tồn tại trong vài tuần đến vài tháng, cư trú trong mô bạch
huyết, nhu mô thận hay các mô khác thậm chí vài năm. Bệnh thường xảy ra vào mùa
đông, xuân và đầu hè, tuy nhiên bệnh có thể xảy ra quanh năm.
Thời gian ủ bệnh của nhiễm vi rút
adeno khoảng từ 2 - 12 ngày, trung bình là 8 ngày, nhưng cũng có thể dài hơn 12
ngày. Triệu chứng bệnh biểu hiện qua phản ứng đáp ứng viêm hệ thống không đặc
hiệu, viêm kết mạc, phản ứng hạch lympho, tổn thương đường tiêu hoá, và thường
gây nặng bằng tổn thương đường hô hấp gây viêm phổi, suy hô hấp tiến triển...
Giải pháp điều trị chính là điều trị triệu chứng, điều trị theo sinh lý bệnh,
có một số liệu pháp điều trị kháng vi rút nhưng vẫn đang là các nghiên cứu thử
nghiệm lâm sàng, có thể cá thể hoá điều trị ở một số trường hợp bệnh nặng và
nguy kịch. Dự phòng bệnh chủ yếu là các giải pháp phòng ngừa lây nhiễm chuẩn.
II. LÂM SÀNG NHIỄM VI
RÚT ADENO
2.1. Triệu chứng
lâm sàng
Triệu chứng lâm sàng của nhiễm vi rút
adeno gây bệnh ở người
(HAdV) rất đa dạng, sau thời gian ủ bệnh, người bệnh có thể xuất hiện một hay
nhiều triệu chứng như: sốt, đau đầu, ho khan, đau họng, nghẹt mũi/sổ mũi, buồn
nôn, đau bụng. Giai đoạn toàn phát tùy theo các nhóm (type) HAdV khác nhau mà bệnh
biểu hiện có các thể khác nhau.
2.1.1. Thể sốt viêm họng
- kết mạc
Thể bệnh này thường do type 3 và type
7 của HadV gây nên với đặc điểm sốt cấp tính và gây dịch: sốt cao, đau mắt đỏ
kèm sưng và đau họng.
2.1.2. Thể viêm kết mạc
2 bên
Triệu chứng: giai đoạn 3 - 5 ngày đầu có
sốt nhẹ, sưng hạch cổ 2 bên, đau mắt, sợ ánh sáng, nhìn mờ, phù mi mắt và tổ chức
xung quanh hốc mắt, triệu
chứng toàn thân ở mức trung bình hoặc nhẹ.
Sau 7 ngày, một số trường hợp trên
giác mạc có những đám thâm nhiễm tròn, nhỏ có thể tạo thành những đám loét gây
đau và thủng giác mạc. Viêm kết mạc thường khỏi trong vòng 3 hoặc 4 tuần, tổn thương giác mạc có
thể tồn tại lâu hơn, để lại những
vết mờ trên giác mạc làm ảnh hưởng đến thị giác trong vài tuần hoặc đôi khi để
lại sẹo vĩnh viễn.
2.1.3. Thể viêm đường
hô hấp cấp
Thể bệnh cũng chủ yếu do type 3 và
type 7 gây nên. Các biểu hiện lâm sàng bao gồm: sốt cao đáp ứng kém với thuốc hạ
sốt, ho, đau họng, sổ mũi, ngạt mũi và sưng hạch bạch huyết vùng cổ 2 bên.
Khoảng 10% bệnh tiến triển đến viêm phổi.
Biểu hiện của viêm phổi khi trẻ vẫn sốt cao kèm ho tăng, có đờm, thở nhanh
(< 2 tháng: ≥ 60 lần/phút; 2 - 11 tháng: ≥ 50 lần/phút; 1 - 5 tuổi: ≥ 40 lần/phút),
co rút lồng ngực hoặc thở rên (trẻ < 2 tháng), tiến triển nặng khi có suy hô
hấp: phập phồng cánh mũi, khó thở, tím tái.
Một số trẻ có diễn biến nặng, xuất hiện
các biểu hiện nặng như hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển, nhiễm khuẩn huyết,
sốc nhiễm trùng và suy đa tạng.
2.1.4. Thể viêm dạ
dày - ruột
Thể viêm dạ dày - ruột thường do type
40 và 41 gây nên, HadV là nguyên nhân gây viêm dạ dày ruột hay gặp sau rotavirus
và norovirus. Biểu hiện lâm sàng thường gặp là: sốt, nôn, đau bụng và
tiêu chảy, có thể viêm đại tràng xuất huyết nhưng ít gặp.
2.1.5. Các thể bệnh
ít gặp
Thể bệnh ít gặp bao gồm các triệu
chứng của tiểu khó, tiểu rắt, tiểu máu trong viêm bàng quang xuất huyết, rối
loạn chức năng thận. Ngoài ra biểu hiện rất hiếm gặp như viêm mô ống thận hoại
tử, suy thận, viêm não - màng não, viêm cơ tim, viêm gan cấp, viêm túi mật và
viêm tụy cấp...
2.2. Xét nghiệm
2.2.1. Xét nghiệm chẩn
đoán căn nguyên
- Xét nghiệm chẩn đoán nguyên nhân:
+ Sử dụng các kỹ thuật nuôi cấy vi
rút, huyết thanh học và sinh học phân tử để phát hiện từ vật chất di truyền DNA
của vi rút (Real-time PCR). Kỹ thuật nuôi cấy thường chỉ áp dụng trong các cơ sở
nghiên cứu.
+ Huyết thanh học là kỹ thuật phát hiện
kháng nguyên hoặc kháng thể, kỹ thuật sử dụng là test nhanh (rapid test) hoặc
ELISA. Test nhanh tìm kháng nguyên của vi rút adeno có độ nhạy và đặc hiệu
khoảng 60 - 70% thường được sử dụng để sàng lọc. Để chẩn đoán khẳng định cần
làm Real-time PCR.
- Xét nghiệm khẳng định vi rút adeno bằng
xét nghiệm Real-time PCR trong dịch tỵ hầu (có thể lấy dịch nội khí quản hoặc dịch
rửa phế quản phế nang), xét nghiệm có giá trị trong chẩn đoán căn
nguyên gây viêm phế quản phổi với độ nhạy và độ đặc hiệu cao nhất. Xét nghiệm
Real-time PCR bệnh phẩm máu trong quá trình điều trị được chỉ định theo yêu cầu
cụ thể của phác đồ điều trị.
- Chỉ định xét nghiệm Real-time PCR
tìm vi rút adeno:
+ Sốt cao liên tục trên 48 giờ, đáp ứng
kém với thuốc hạ sốt, và
+ Biểu hiện viêm đường hô hấp, viêm kết
mạc, nôn, rối loạn tiêu hóa, và
+ Xét nghiệm phản ứng viêm không đặc
hiệu tăng cao, hoặc có bệnh kèm theo.
2.2.2. Xét nghiệm huyết
học, sinh hóa máu và vi sinh, sinh học phân tử
Những biến đổi về xét nghiệm sinh hóa,
huyết học của nhiễm vi rút adeno thường không đặc hiệu. Chỉ định xét nghiệm tùy
theo mức độ của bệnh và điều kiện của cơ sở điều trị.
- Tổng phân tích tế bào máu: Bạch cầu
bình thường hoặc giảm nhẹ. Bạch cầu lympho giảm nặng, thiếu máu và giảm tiểu cầu
trong trường hợp nặng.
- Các chỉ số viêm có thể tăng: CRP hoặc
procalcitonin và/hoặc ferritin, và/hoặc LDH và/hoặc IL-6.
- Các xét nghiệm giúp chẩn đoán biến
chứng, mức độ bệnh: điện giải đồ, đường máu, albumin, chức năng gan thận, khí
máu, lactate, tổng phân tích nước tiểu.
- Với mức độ nặng, nguy kịch: Đông
máu cơ bản (PT, aPTT, Fibrinogen, D-dimer), miễn dịch dịch thể (IgA, IgG,
IgM) miễn dịch tế bào (CD3, CD4, CD8). Nếu nghi ngờ có biểu hiện ở tim mạch:
CK-MB, troponin I/T, BNP/NT-pro-BNP).
- Các xét nghiệm vi sinh: cấy máu, cấy
dịch tỵ hầu, dịch nội khí quản, dịch rửa phế quản - phế nang, mycoplasma, nấm,
lao và các vi rút khác tùy tình trạng của người bệnh.
2.2.3. Chẩn đoán hình
ảnh
- Xquang tim phổi có thể có hình ảnh mờ
phế nang khu trú ở một thùy, nhiều thùy hay lan tỏa hai phế trường; ứ khí xen kẽ
đám mờ rải rác; tràn dịch màng phổi khu trú, mờ rãnh liên thùy.
- Siêu âm phổi hình ảnh B - line đặc
trưng của viêm phổi do vi rút, đông đặc dưới màng phổi. Siêu âm ổ bụng để loại
trừ lồng ruột, viêm ruột thừa, viêm tụy cấp.
- CT scan phổi khi tổn thương lan tỏa
trên Xquang phổi: hình ảnh đông đặc nhu mô phổi, kính mờ lan tỏa
kèm ứ khí xen kẽ.
- Siêu âm tim trong các trường hợp nặng
hoặc nghi ngờ có biểu hiện ở tim mạch.
2.3. Yếu tố
nguy cơ bệnh diễn biến nặng
- Trẻ đẻ non, suy dinh dưỡng.
- Loạn sản phế quản phổi và các bệnh
lý phổi mạn tính khác.
- Các bệnh lý suy giảm miễn dịch bẩm
sinh hay mắc phải.
- Các bệnh lý về nhiễm sắc thể, gen và
rối loạn chuyển hoá.
- Ung thư (đặc biệt là các khối u ác
tính về huyết học, ung thư phổi...).
- Ghép tạng hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo
máu.
- Bệnh tim mạch (tim bẩm sinh, suy
tim, tăng áp phổi, bệnh cơ tim).
- Bệnh lý thần kinh, thần kinh cơ: Bại
não, thoái hóa cơ tủy.
- Bệnh hồng cầu hình liềm, bệnh
thalassemia, sau cắt lách, teo lách.
- Đang điều trị bằng thuốc corticoid
hoặc các thuốc ức chế miễn dịch khác.
- Bệnh thận mạn tính, xơ gan.
2.4. Biến chứng
nặng của bệnh
2.4.1. Biến chứng sớm
2.4.1.1. Hội chứng suy hô hấp cấp tiến
triển (ARDS)
- Khởi phát: các triệu chứng hô hấp mới
hoặc xấu đi trong vòng một tuần kể từ khi có các triệu chứng lâm sàng.
- Xquang tim phổi, CT scan phổi hoặc
siêu âm phổi: hình ảnh mờ hai phế trường mà không phải do tràn dịch màng phổi,
xẹp thùy phổi hoặc các nốt ở phổi.
- Nguồn gốc của phù phổi không phải do
suy tim hoặc quá tải dịch. Cần đánh
giá khách quan (siêu âm tim) để loại trừ phù phổi do áp lực thủy tĩnh nếu không thấy
các yếu tố nguy cơ.
- Thiếu ô xy máu: Ở trẻ em tham khảo
các chỉ số OI (Oxygenation Index)= MAPxFiO2x100/PaO2); OSI (chỉ số
Oxygen hóa sử dụng SpO2) = MAPxFiO2x100/SpO2)
cho người bệnh thở máy xâm nhập; và PaO2/FiO2 hay SPO2/FiO2 cho thở CPAP
hay thở máy không xâm nhập; NIV BiLevel hoặc CPAP ≥ 5 cmH2O qua mặt nạ:
PaO2/FiO2 ≤ 300
mmHg hoặc SpO2/FiO2 ≤ 264.
+ ARDS nhẹ (thở máy xâm nhập): 4 ≤ OI
< 8 hoặc 5 ≤ OSI < 7,5
+ ARDS vừa (thở máy xâm nhập): 8 ≤ OI
< 16 hoặc 7,5 ≤ OSI < 12,3
+ ARDS nặng (thở máy xâm nhập): OI ≥
16 hoặc OSI ≥ 12,3
Chú ý: lâm sàng nghi ngờ ARDS khi thở
ô xy mặt nạ hoặc thở không xâm lấn (NCPAP/HFNC) với FiO2
> 40% mới giữ SpO2 88 - 97%.
2.4.1.2. Bão cytokin
- Tình trạng suy hô hấp diễn biến
nhanh SpO2 ≤ 93% khi thở
khí trời hoặc nhu cầu oxy > 6 lít/phút; Xquang, CT scan phổi tổn thương mờ lan
tỏa, tiến triển nhanh.
- Ferritin > 300 ug/L gấp đôi
trong vòng 24 giờ, Ferritin > 600 ug/L tại thời điểm làm xét nghiệm.
- CRP > 100 mg/L, LDH > 250 U/L
và tăng D-dimer (> 1000 mcg/L).
2.4.1.3. Nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm
trùng và suy đa tạng
- Nhiễm trùng huyết: khi nghi ngờ hoặc
khẳng định do nhiễm trùng và có ít nhất 2 tiêu chuẩn của hội chứng đáp ứng viêm hệ
thống (SIRS) và một trong số đó phải là thay đổi thân nhiệt hoặc số lượng bạch
cầu bất thường.
- Sốc nhiễm trùng: xác định khi có
+ Bất kỳ tình trạng hạ huyết áp nào:
khi huyết áp tâm thu < 5 bách phân vị hoặc > 2SD dưới ngưỡng bình thường
theo lứa tuổi, hoặc (trẻ < 1 tuổi < 70 mmHg; trẻ từ 1-10 tuổi < 70 + 2
* tuổi; trẻ > 10 tuổi < 90 mmHg).
+ Hoặc có bất kỳ 2-3 dấu hiệu sau:
√ Thay đổi ý thức
√ Nhịp tim nhanh hoặc chậm (< 90 nhịp/phút
hoặc >
160
lần/phút ở trẻ nhũ nhi, và < 70 lần/phút hoặc > 150 lần/phút ở
trẻ nhỏ).
√ Thời gian làm đầy mao mạch kéo dài (> 2
giây).
√ Hoặc giãn mạch ấm/mạch nẩy; thở nhanh; da nổi
vân tím
√ Hoặc có chấm xuất huyết hoặc ban xuất huyết
√ Tăng nồng độ lactate, thiểu niệu, tăng hoặc
hạ thân nhiệt.
2.4.2. Biến chứng xa
Các tổn thương hoại tử biểu mô, thâm
nhiễm viêm gây xơ hóa phổi và tăng sinh mô hạt gây tắc nghẽn tiểu phế quản từ
đó làm biến dạng, ứ mủ và giãn phế quản là những tổn thương mô bệnh học đặc
trưng trong viêm tiểu phế quản tắc nghẽn
sau viêm phổi do vi rút adeno ở trẻ em.
Sau giai đoạn viêm cấp tính, trẻ có
các triệu chứng của tắc nghẽn đường thở dai dẳng như ho đờm, khò khè, thở
nhanh, khó thở khi gắng sức và khi nghỉ, nghe phổi có ran rít, ran ẩm khu trú
hay lan tỏa, suy hô hấp mạn tính. Bệnh kéo dài có thể xuất hiện ngón tay dùi trống,
lồng ngực biến dạng, chậm phát triển thể chất. Đo chức năng hô hấp thấy có hội
chứng rối loạn thông khí tắc nghẽn. Các biểu hiện này không đáp ứng với corticoid
toàn thân, dạng hít hay thuốc giãn phế quản sau ít nhất 2 tuần điều trị. Xquang
ngực thấy hình ảnh ứ khí, xẹp phổi, dày phế quản hay giãn phế quản. Chụp cắt lớp vi tính
lồng ngực cho
thấy hình ảnh tổn
thương kính mờ xen lẫn vùng ứ khí, có thể kèm dày thành phế quản, giãn phế quản,
xẹp phổi hay đông đặc từng vùng.
III. CHẨN ĐOÁN
3.1. Chẩn
đoán ca bệnh
Ca bệnh xác định: Người đang
có biểu hiện lâm sàng và có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút adeno.
Ca bệnh nghi ngờ: Là các trường
hợp có biểu hiện nhiễm vi rút cấp tính và có biểu hiện lâm sàng ở một số cơ
quan, tổ chức thường gặp như hô hấp, mắt, hạch cổ, tiêu hóa.
Người mang vi rút adeno: Người có kết
quả xét nghiệm dương tính với vi rút adeno nhưng không có triệu chứng lâm sàng.
Người phơi nhiễm với vi rút adeno: Là người tiếp
xúc gần với người bệnh hoặc người mang vi rút adeno.
3.2. Chẩn
đoán phân biệt
3.2.1. Thể viêm đường
hô hấp cấp
- Cần phân biệt với các căn nguyên vi
rút, vi khuẩn thông thường hay gặp khác:
+ Vi rút cúm mùa, vi rút á cúm, vi rút
hợp bào hô hấp
(RSV), Rhino virus, Myxovirus và các chủng Coronavirus thông thường. Các nguyên
nhân khác có thể gây viêm đường hô hấp cấp tính nặng như cúm gia cầm A/H5N1,
A/H7N9, A/H5N6, SARS-CoV-2.
+ Mycoplasma pneumonia và các vi khuẩn
khác như phế cầu, tụ cầu vàng.
- Cần chẩn đoán phân biệt tình trạng nặng
của bệnh do HAdV (suy hô hấp, suy chức năng các cơ quan...) với nguyên nhân gây
bệnh khác hoặc do tình trạng nặng của bệnh lý mạn tính kèm theo.
- Chẩn đoán phân biệt với tình trạng đồng
nhiễm với vi khuẩn hoặc vi rút khác.
3.2.2. Thể viêm dạ
dày - ruột cấp
Chẩn đoán phân biệt với viêm dạ dày ruột
cấp do nguyên nhân khác, viêm ruột thừa, lồng ruột.
3.2.3. Thể viêm kết mạc
- Chẩn đoán phân biệt viêm kết mạc cấp
do nguyên nhân khác.
- Chẩn đoán phân biệt với bệnh
Kawasaki, Hội chứng viêm đa hệ thống.
3.3. Chẩn đoán mức độ lâm sàng
3.3.1. Mức độ nhẹ
- Triệu chứng không điển hình: sốt,
đau họng, ho, chảy mũi, ngạt mũi, đau mắt đỏ, tiêu chảy, nôn, không có triệu chứng
của viêm phổi.
- Nhịp thở bình thường theo tuổi.
- Không có biểu hiện của thiếu ô xy,
SpO2 ≥ 96% khi thở
khí trời.
- Thần kinh: trẻ tỉnh, sinh hoạt bình
thường.
- Trẻ bú mẹ/ăn/uống bình thường.
- Xquang phổi bình thường.
3.3.2. Mức độ trung
bình
- Có triệu chứng viêm phổi nhưng không
có các dấu hiệu của viêm phổi nặng và nguy kịch:
+ Thở nhanh: < 2 tháng ≥ 60 lần/phút;
2-11 tháng ≥ 50 lần/phút; 1-5 tuổi ≥ 40 lần/phút.
+ SpO2: 94 - 95%
khi thở khí trời.
+ Thần kinh: tỉnh, mệt, ăn/bú/uống ít
hơn.
+ Xquang phổi có tổn thương dạng viêm
phế quản phổi hoặc mờ khu trú chỉ một thùy phổi, không có tràn dịch
màng phổi.
3.3.3. Mức độ nặng
Có một trong các dấu hiệu sau
- Trẻ có triệu chứng viêm phổi nặng,
chưa có dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng:
+ Thở nhanh theo tuổi kèm ≥ 1 dấu hiệu
co rút lồng ngực hoặc thở rên (trẻ < 2 tháng), phập phồng cánh mũi;
+ Thần kinh: trẻ khó chịu, quấy khóc;
+ Trẻ bú/ăn kém, uống khó.
- SpO2: 90 - <
94% khi thở khí trời.
- Xquang phổi có tổn thương từ hai
thùy phổi trở lên hoặc có tràn dịch màng phổi.
3.3.4. Mức độ nguy kịch
- Có một trong các dấu hiệu sau
- Suy hô hấp nặng SpO2 < 90% khi
thở khí trời, cần đặt NKQ thông khí xâm nhập.
- Dấu hiệu nguy hiểm đe dọa tính mạng:
+ Tím trung tâm;
+ Thở bất thường, rối loạn nhịp thở;
+ Thần kinh: ý thức giảm khó đánh thức
hoặc hôn mê;
+ Trẻ bỏ bú/ăn hoặc không uống được;
- Hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển
(ARDS).
- Huyết áp tụt, sốc, sốc nhiễm trùng,
lactat máu > 2 mmol/L.
- Suy đa tạng.
- Cơn bão cytokin
IV. ĐIỀU TRỊ TRẺ EM NHIỄM
VI RÚT ADENO
4.1. Tiêu chuẩn
nhập bệnh viện
- Bệnh mức độ nhẹ và có yếu tố nguy cơ
bệnh diễn biến nặng.
- Bệnh mức độ trung bình.
- Đối với các mức độ nặng, nguy kịch cần
được vào điều trị tại các đơn vị cấp cứu, hồi sức.
4.2. Nguyên tắc
điều trị
- Áp dụng biện pháp phòng ngừa lây nhiễm
chuẩn trước và trong thời gian điều trị, chăm sóc.
- Phân loại và điều trị theo các mức độ
nặng của bệnh.
- Điều trị triệu chứng: hạ sốt giảm
ho, giảm đau...
- Điều trị hỗ trợ khác: đảm bảo trẻ được
bú mẹ và dinh dưỡng hợp lý theo mức độ nặng của bệnh, bù nước điện giải, dinh
dưỡng...
- Luôn tuân thủ nguyên tắc cấp cứu
A-B-C: kiểm soát đường thở, thở, tuần hoàn.
- Cá thể hóa các biện pháp điều trị, đặc
biệt là các ca bệnh nặng nguy kịch.
- Kháng sinh/kháng nấm: Chỉ sử dụng
khi có chỉ định.
- Điều trị bệnh nền, bệnh kèm theo nếu
có.
4.3. Điều trị
bệnh mức độ nhẹ
Điều trị triệu chứng tại nhà, theo dõi
và phát hiện dấu hiệu nặng để đưa trẻ đến viện kịp thời.
- Hạ sốt: paracetamol liều 10 - 15 mg/kg/lần
nếu sốt ≥ 38,5°C cách 4-6/giờ nếu trẻ sốt lại ≥ 38,5°C.
- Cho trẻ mặc thoáng, phòng thoáng
khí, khi sốt ngoài uống hạ sốt có thể kết hợp kèm chườm nước ấm (nhiệt độ nước
thấp hơn nhiệt độ
cơ thể 3-5°C).
- Cho trẻ uống thêm dung dịch điện giải
oresol, ăn nhiều bữa, ăn lỏng.
- Vệ sinh thân thể, răng miệng, mũi họng.
- Theo dõi phát hiện các dấu hiệu nặng
như: sốt cao liên tục không đáp ứng với thuốc hạ sốt; thở nhanh theo tuổi,
không ăn uống được, nôn mọi thứ, li bì hoặc kích thích...
4.4. Điều trị
bệnh mức độ trung bình
4.4.1. Hỗ trợ hô hấp
- Theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn,
phát hiện sớm các dấu hiệu nặng.
- Nếu SpO2 < 96%, ô
xy liệu pháp: thở ô xy qua gọng mũi hoặc qua mask.
- Mục tiêu cần đạt SpO2 ≥ 96%.
4.4.2. Thuốc kháng vi
rút
Hiện nay chưa có các thuốc kháng vi
rút đặc hiệu với HAdV, một số thuốc kháng vi rút đang trong quá trình nghiên cứu
như cidofovir. Thuốc hiện chưa có trên thị trường Việt Nam.
4.4.3. Kháng sinh
Khi có viêm phổi, hoặc khi trên lâm
sàng và xét nghiệm có bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn (CRP > 10 mg/dl, hoặc tốt
hơn dựa vào procalcitonin trên 0,5 ng/ml).
Lựa chọn kháng sinh theo phác đồ hướng
dẫn sử dụng kháng sinh. Sau 48 - 72 giờ sử dụng kháng sinh, cần đánh giá người
bệnh có đáp ứng với kháng sinh qua đánh giá dấu hiệu lâm sàng tốt hơn, và các
chỉ số viêm giảm rõ rệt (bạch cầu, CRP hoặc procalcitonin).
4.5. Điều trị
mức độ nặng
4.5.1. Hỗ trợ hô hấp
* Đích điều trị cần đạt: SpO2 ≥ 95% khi được
thở ô xy bằng các phương pháp khác nhau.
* Các phương pháp cung cấp ô xy:
- Thở oxy gọng mũi (được ưa dùng ở trẻ
vì dễ dung nạp hơn): lưu lượng từ thở từ: 0,5 - 6 L/ph, nếu oxy cung cấp với
lưu lượng ≥ 2 L/ph, nhưng SpO2 < 92% có thể lựa chọn phương pháp
thay thế dưới đây:
- Oxy qua mask với lưu lượng > 5
lít/ph (FiO2:
40 - 60%).
- Oxy lều với lưu lượng 5 lít/ph (FiO2:
30-90%).
- Oxy qua hệ thống Mask venturi (FiO2:
28-60%).
- Oxy qua hệ thống Mask không thở lại
với lưu lượng 10
- 15 lít/ph (FiO2:
80 - 90%).
4.5.2. Tư thế
Người bệnh có thể nằm sấp 30 - 120
phút, sau đó 30 - 120 phút nằm nghiêng trái, nghiêng phải và tư thế ngồi thẳng.
4.5.3. Corticosteroid
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu
quả của việc sử dụng corticosteroid đối với người bệnh nhiễm Adenovirus. Đối với các trường
hợp viêm phổi nặng có
tăng phản ứng viêm không đặc hiệu, cân nhắc chỉ định corticosteroid tùy theo từng
trường hợp cụ thể.
4.5.4. Immunoglobulin
đường tĩnh mạch (IVIG)
Hiện chưa có bằng chứng rõ ràng về hiệu
quả của việc sử dụng IVIG đối với người bệnh nhiễm vi rút adeno. Tuy nhiên, chỉ
định IVIG trong những trường hợp sau:
- Giảm nồng độ IgG máu.
- Người bệnh suy giảm miễn dịch kết hợp
nặng (SCID), hoặc có kèm theo bệnh nền, bệnh phối hợp khác có chỉ định sử dụng
IVIG.
- Trong trường hợp nhiễm vi rút adeno
có bão cytokin hoặc tăng phản ứng viêm không đặc hiệu, cân nhắc chỉ định IVIG
tùy theo từng trường hợp cụ thể.
4.5.5. Thuốc kháng vi
rút:
tham khảo Mục 4.3.2
4.5.6. Kháng
sinh/kháng nấm
Dùng kháng sinh khi:
- Viêm phổi
- hoặc Nhiễm khuẩn huyết
- hoặc khi trên lâm sàng và xét nghiệm
có bằng chứng bội nhiễm vi khuẩn (CRP > 10 mg/dl hoặc tốt hơn dựa vào
procalcitonin 0,5 ng/ml).
Lựa chọn kháng sinh theo phác đồ hướng
dẫn sử dụng kháng sinh. Sau 48 - 72 giờ sử dụng kháng sinh, cần đánh giá người
bệnh có đáp ứng với kháng sinh, qua đánh giá dấu hiệu lâm sàng tốt hơn và các
chỉ số viêm giảm rõ rệt (bạch cầu, CRP hoặc procalcitonin).
4.5.7. Theo dõi
Theo dõi các dấu hiệu hô hấp như: trẻ
khó thở hơn, co rút lồng ngực, co kéo cơ hô hấp..., tăng nhu cầu ô xy hoặc có dấu
hiệu sốc (da lạnh, nhịp tim nhanh hơn so với tuổi, refil >2’, lạnh
ngoại biên) trẻ kích thích, quấy khóc...SpO2 < 95%, là những dấu
hiệu nặng cần chuyển thở NCPAP, thở máy không xâm nhập, HFNC hoặc xâm nhập.
4.5.8. Xét nghiệm: tham khảo Mục
3.2.2
Chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh
theo diễn biến của người bệnh và điều kiện của cơ sở điều trị
4.6. Điều trị
mức độ nguy kịch
4.6.1. Nơi điều trị
a) Điều trị tại các đơn vị hồi sức cấp cứu:
- Trẻ suy hô hấp nặng thở gắng sức với
SpO2 < 94, không đáp ứng với thở ô xy, cần hỗ trợ thở không xâm
nhập trở lên (CPAP, NIV HFNC..).
- Thở máy xâm nhập.
- ARDS trung bình đến nặng (P/F <
200, OI > 8, OSI > 7,5 khi thở NCPAP tối thiểu 5 cmH2O).
- Sốc
- Suy đa tạng.
- Suy tim tối cấp
b) Xét nghiệm: Tham khảo mục
3.2.2.
Chỉ định xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh
theo diễn biến của người bệnh và điều kiện của cơ sở điều trị.
c) Theo dõi sát hàng giờ:
- Các dấu hiệu sinh tồn: nhịp tim, nhịp
thở, SpO2, huyết áp, các dấu hiệu suy hô hấp: thở nhanh, rút lõm lồng
ngực, thở rên.
- Nhu cầu ô xy: theo dõi nhu cầu ô xy
và cung cấp ô xy liệu pháp phù hợp. Đích SpO2 cần đạt là ≥ 95%.
- Theo dõi phát hiện sớm một số hội chứng
nặng như hội chứng tăng phản ứng viêm hoặc bão cytokine.
4.6.2. Hỗ trợ hô hấp
4.6.2.1. Thở không xâm nhập (NCPAP,
NIV và HFNC)
a) Chỉ định
- Khi người bệnh được thở ô xy bằng
các phương pháp thở ô xy qua gọng, mask... với nhu cầu ô xy > 6 lít/ph.
- SpO2 ≤ 94%,
- Hoặc thở gắng sức co kéo cơ hô hấp
phụ, rút lõm lồng ngực mạnh.
- Đích điều trị cần đạt SpO2
≥ 95%
b) Chống chỉ định
- Trẻ có rối loạn huyết động.
- Trẻ có rối loạn tri giác.
- Suy đa cơ quan.
* Thở NCPAP
- Cài đặt áp lực ban đầu: Từ sơ sinh đến
2 tuổi: 4 cmH2O; trẻ > 2
tuổi áp lực 6 cmH2O.
- FiO2: khởi đầu với FiO2
từ 40-60%. Trường hợp tím tái hay SpO2 ≤ 92%: khởi đầu với FiO2
100%.
- Theo dõi sát lâm sàng nếu SpO2
không đạt đích điều trị, tình trạng xấu hơn đặt NKQ chuyển thở máy xâm nhập.
* Thở NIV
- Thở NIV với mặt nạ kín.
- Cố định chặt mặt nạ để tránh rò rỉ
khí.
- Gắn bộ lọc vi rút, vi khuẩn ở đường
thở ra.
- Sử dụng PEEP thấp nhất để đạt được
đích điều trị.
- Theo dõi sát nếu SpO2
không đạt đích, lâm sàng xấu đi: suy hô hấp tăng lên hoặc không cải thiện sau
01 giờ, hoặc Vt lớn hơn 9,5 ml/kg kèm tình trạng tăng công thở cần đặt NKQ thở
máy xâm nhập.
* Thở ô xy lưu lượng cao (HFNC), các
bước tiến hành:
- Bật máy sau khi đã gắn cannula mũi.
- Bắt đầu với liều 1 lít/kg/phút và
tăng dần đến 2 lít/kg/ phút nếu cần thiết.
- Sử dụng lưu lượng nhỏ nhất nếu trẻ cảm
thấy thoải mái.
- Theo dõi sát nhịp thở và nhịp tim, SpO2,
công thở trong vòng 01h nếu lâm
sàng không cải thiện cần đặt NKQ thở máy xâm nhập.
4.6.2.2. Thở máy xâm nhập
a) Thở máy thông thường
* Chỉ định
- Bệnh nhi có rối loạn nhịp thở: thở
nghịch bụng, thở ngáp, cơn ngưng thở.
- Sốc không đáp ứng với điều trị.
- Thay đổi tri giác.
- Suy hô hấp nặng không đáp ứng với thở
HFNC, NCPAP, NIV
+ SpO2 < 90%.
+ Tỷ số P/F < 150.
+ Vt cao > 9,5 ml/kg khi thở NIV.
+ Toan hô hấp do ứ CO2.
* Cài đặt thông số máy thở ban đầu:
- Kiểu thở: thông khí kiểm soát áp lực
được ưa dùng ở trẻ em.
- FiO2: khởi đầu đặt FiO2
100%, sau đó giảm FiO2 ở mức tối thiểu để đạt được đích SpO2:
94-96% hoặc PaO2 từ 60-80
mmHg.
- Áp lực đỉnh (PIP) khởi đầu đặt PIP ở
mức phù hợp để đạt Vt 8 ml/kg, sau đó giảm để đạt 6 ml/kg nếu sức đàn của phổi kém. Giữ
PEEP ban đầu ở mức 6 cmH2O sau đó có thể điều chỉnh PEEP tối ưu.
- Đích thông khí: SpO2
90-94%, pH > 7,3; Pplateau < 28 - 30 cmH2O; áp lực đẩy
< 15 cmH2O (áp lực đẩy
bằng = Pplateau - PEEP). Nếu Pplateau > 28 cmH2O, giảm
Vt xuống 4-6 ml/kg.
+ Nếu đàn hồi của phổi còn tương đối tốt
và giảm ô xy máu là do bất tương xứng giữa thông khí và tưới máu, đặc trưng bởi
vòng lặp áp lực thể tích thẳng đứng, khi thở với áp lực (PIP) thấp vẫn đạt được
Vt tốt, siêu âm phổi
thấy thông khí tốt với A line. Cài đặt máy thở với Vt 6-8 ml/kg và PEEP 6-8 cmH2O. Nếu giảm ô
xy máu dai dẳng, cần xem xét thông khí nằm sấp. Điều chỉnh PEEP cao không có lợi
vì số lượng phế nang huy động thấp.
+ Nếu độ đàn hồi phổi kém, đặc trưng bởi
vòng lặp áp lực thể tích nằm thấp, biểu đồ biến thiên theo thời gian của dòng
đóng, cần thở áp lực cao để đạt được Vt 6 ml/kg.
- Giảm ô xy máu dai dẳng cần được điều
trị bằng điều chỉnh PEEP và thông khí nằm sấp 12-18 giờ/ngày.
- Huy động phế nang (xem bảng 1) cần
cân nhắc cẩn thận, có thể thử trong trường hợp kháng trị, với PEEP 30
cmH2O trong 15 giây và đảm bảo
không có rò khí. Người bệnh cần được theo dõi sát tình trạng huyết động trong
quá trình thực hiện thủ thuật.
Bảng 1. Hướng
dẫn thủ thuật huy động phế nang
Cài đặt thông số ban đầu:
■ IP 12 - 15 cmH2O (VT đạt 4-6
ml/kg)
■ FiO2 100%
■ Tần số: 30 - 35 lần/phút
■ PEEP 10 cmH2O
■ I/E = 1/1
- Thực hiện thủ thuật (xem sơ đồ bên)
* Giữ nguyên IP, FiO2, tần số và
tỉ lệ I/E trong suốt quá trình tiến hành thủ thuật.
** giảm PEEP mỗi 1 cmH2O trong 5
phút và theo dõi sát SpO2 để tìm giá trị áp suất đóng (SpO2
tụt giảm >10% trị số trước đó).
|
|
b) Thở máy cao tần (HFO)
* Chỉ định:
- ARDS thất bại với thở máy thông thường
và thủ thuật huy động phế nang hoặc Pplateau > 28 mmHg.
- Hoặc có tràn khí màng phổi, tràn khí
trung thất hay hội chứng thoát khí mô kẽ.
* Cài đặt ban đầu:
- Áp lực trung bình đường thở (MAP):
MAP máy thở thông thường đang sử dụng cộng thêm 2 - 3 cmH2O.
- Amplitude: cài đặt dựa vào độ rung của
lồng ngực.
- FiO2: 100% rồi
nhanh chóng giảm FiO2 tối thiểu để
giữ được SpO2 > 94%, PaO2 ≥ 60 mmHg.
- Tần số: trẻ em 5 - 8 Hz; sơ sinh
10-15 Hz.
- I/E: 1/1
c) Tư thế nằm sấp: cân nhắc nằm
sấp nếu P/F < 150, khi người bệnh thở máy với FiO2 > 0,6 và
PEEP > 5 cm H2O. Giữ nằm sấp trong 12-18 giờ nếu có thể.
d) Chăm sóc hỗ trợ hô hấp khi thở máy
- Tư thế đầu cao 30°.
- Dự phòng loét dạ dày hành tá tràng
do stress bằng sucrafate hoặc thuốc ức chế bơm proton khi có nguy cơ chảy máu.
- Thay đổi bộ làm ấm làm ẩm 5-7 ngày/lần,
hoặc khi báo lỗi.
- Bộ lọc HME không nên sử dụng ở trẻ
nhỏ vì nó làm tăng khoảng chết.
4.6.3. Thuốc điều trị
4.6.3.1. Corticosteroid: tham khảo mục
4.4.3
4.6.3.2. IVIG: tham khảo mục
4.4.4
4.6.3.3. Thuốc kháng vi rút: tham khảo mục
4.3.2
4.6.3.4. Kháng sinh/kháng nấm: tham khảo mục
4.4.6
4.6.3.5. Thuốc chống đông: nếu có chỉ định,
điều trị theo phác đồ chống đông
4.6.4. Điều trị nhiễm
trùng huyết và sốc nhiễm trùng
Áp dụng theo phác đồ sốc nhiễm trùng ở
trẻ em. Hồi sức dịch cụ thể như sau:
- Sử dụng dung dịch tinh thể đẳng
trương Ringer Lactat hoặc nước muối sinh lý, có thể sử dụng Albumin 5% trong trường
hợp Albumin máu thấp. Tránh dùng các dung dịch tinh thể nhược trương, dung dịch
cao phân tử để hồi sức dịch.
- Liều dùng: 10-20 ml/kg/15 phút đánh
giá đáp ứng sau mỗi lần bù dịch.
- Tổng lượng dịch 20-40 ml/kg, khi quá
lượng dịch này cần cẩn thận theo dõi các dấu hiệu quá tải dịch như: suy hô hấp
nặng hơn, gan to, nhịp tim nhanh, tĩnh mạch cổ nổi, phổi có ran ẩm, phù phổi...nếu
xuất hiện, cần ngừng truyền dịch.
- Theo dõi các dấu hiệu cải thiện tưới
máu: huyết áp trung bình đạt 60-75 mgHg; lượng nước tiểu ≥ 1
ml/kg/giờ; mức cải thiện thời gian làm đầy mao mạch, màu sắc da, tình trạng
ý thức và nồng độ lactat trong máu.
- Sử dụng vận mạch: adrenalin liều từ
0,05-0,5 mcg/kg/ph và noradrenalin 0,05-1 mcg/kg/ph được cho sớm nhằm duy trì
huyết áp động mạch trung bình từ 65-75 mmHg, có thể cân nhắc dùng dobutamin
(3-10 mcg/kg/ph), dopamin (5-10 mcg/kg/ph).
- Truyền máu giữ Hb ≥ 10 G/L.
- Kháng sinh: dùng kháng sinh
phổ rộng sớm trong giờ đầu với một hoặc nhiều loại kháng sinh để phủ hết tất
cả các căn nguyên vi khuẩn, lựa chọn kháng sinh theo kinh nghiệm và điều chỉnh
theo kết quả kháng sinh đồ nếu có. Sau 48 - 72 giờ sử dụng kháng sinh, cần đánh
giá người bệnh có đáp ứng với kháng sinh qua đánh giá dấu hiệu lâm sàng tốt hơn và các chỉ
số viêm giảm rõ rệt (bạch cầu, CRP hoặc procalcitonin).
Hình 1. Lưu đồ
hồi sức sốc
4.6.5. Lọc máu (tại
các cơ sở y tế có khả năng)
4.6.5.1. Chỉ định lọc máu liên tục khi
có một trong những dấu hiệu sau
- Người bệnh nặng thở máy có tình trạng
quá tải dịch từ ≥ 15% (dao động 10 - 20%) không đáp ứng với lợi tiểu để duy trì
cân bằng dịch.
- Sốc nhiễm trùng sử dụng 02 thuốc vận
mạch, nhưng tình trạng huyết động không ổn định.
- Người bệnh thở máy tại ICU có tổn thương
thận cấp mức độ I (theo phân loại pRIFLE).
- BUN > 80 - 100 mg/dl.
- Tăng kali máu > 6,5 mmol/L không
đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Tăng hoặc giảm natri máu nặng không
đáp ứng với điều trị nội khoa.
- Suy đa tạng.
4.6.5.2. Chỉ định lọc máu hấp phụ
Lọc máu hấp phụ bằng quả lọc Oxiris
cho trẻ lớn có cân nặng ≥ 30 kg khi nghi ngờ có cơn bão cytokin (do hiện tại
chưa có các quả lọc hấp phụ cho trẻ dưới 30 kg) mỗi ngày 1 quả, thời gian lọc từ
3-5 ngày.
4.6.6. ECMO
Chỉ áp dụng tại các Trung tâm Hồi sức
có khả năng thực hiện ECMO
4.6.6.1. Chỉ định VV- ECMO
Khi thất bại với các phương pháp điều
trị nội khoa, không có suy tuần hoàn (không sử dụng vận mạch) người bệnh có bất
kỳ các dấu hiệu sau:
- Thở máy ≤ 7 ngày và có một trong các
dấu hiệu sau:
- Chỉ số oxy hoá (OI):
+ OI > 45 trong 6 giờ với thở máy
thường quy và/hoặc HFO.
+ OI > 35 trên 12 giờ.
- Chỉ số máy thở cài đặt cao:
+ Áp lực bình nguyên (Pplat) trong thở
máy thường quy trên 35.
+ Amplitude với thở HFO trên 55 trong
8 giờ.
- Tràn khí màng phổi, tràn khí trung
thất, tràn khí màng tim, tràn khí dưới da, khí phế thũng không đáp ứng với điều
trị.
- Tăng CO2 với pH < 7,10
trong 4 giờ.
- Tình trạng hô hấp tiến triển xấu
nhanh chóng dù đã áp dụng các biện pháp điều trị tối ưu.
+ PaO2 < 30 bất kể thời
điểm nào.
+ PaO2 < 40
trong 2 giờ.
4.6.6.2. Chỉ định VA-ECMO
- Khi trẻ có suy tuần hoàn, không đáp ứng
với thuốc vận mạch, chỉ số thuốc vận mạch VIS ≥ 40.
- Cách tính: VIS = dopamin (mcg/kg/ph)
+ dobutamin (mcg/kg/ph) + adrenalin (mcg/kg/ph) x 100 + noradrenalin
(mcg/kg/ph) x 100 +
milrinone (mcg/kg/ph) x10 +
vasopressin (UI/kg/ph) x 10.000.
4.6.6.3. Chống chỉ định
ECMO
- Chống chỉ định tuyệt đối:
+ Tổn thương thần kinh nặng (như xuất
huyết nội sọ có dấu hiệu chèn ép).
+ Xuất huyết không kiểm soát.
+ Bệnh ác tính không có khả năng điều
trị.
- Chống chỉ định tương đối:
+ Thời gian thở máy trên 7 ngày.
+ Phẫu thuật thần kinh hoặc xuất huyết
nội sọ (trong vòng 1-7 ngày tùy thuộc loại can thiệp, cần hội chẩn chuyên khoa
thần kinh trước khi tiến hành ECMO).
+ Bệnh mạn tính tiên lượng xa nặng nề
không hồi phục.
4.6.7. Dinh dưỡng
Cho ăn sớm qua đường miệng trong vòng
24 đến 48 giờ đầu với chế độ ít calo, sau đó tăng chậm đến chế độ ăn đầy đủ
calo, đảm bảo trong 7 đến 10 ngày phải đạt 2/3 năng lượng chuyển hóa cơ bản.
4.7. Tiêu chuẩn
xuất viện
Hết sốt ít nhất 2 ngày, lâm sàng và
xét nghiệm ổn định
V. PHÒNG BỆNH
5.1. Phòng bệnh không
đặc hiệu.
- Giữ vệ sinh
- Nâng cao thể trạng, đảm bảo dinh dưỡng
- Kiểm soát các bệnh nền (nếu có)
- Tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch các loại
vaccine được khuyến cáo theo lứa tuổi
- Sử dụng các biện pháp dự phòng lây
nhiễm chuẩn khi tiếp xúc với người nghi nhiễm vi rút adeno.
5.2. Phòng bệnh
đặc hiệu bằng vaccine.
Hiện nay chưa có vaccine đặc hiệu dự
phòng vi rút adeno được khuyến cáo.
VI. PHÒNG LÂY NHIỄM TẠI
CÁC CƠ SỞ KHÁM, CHỮA BỆNH
6.1. Nguyên tắc chung
- Tăng cường tuân thủ thực hành phòng
ngừa chuẩn.
- Áp dụng dự phòng lây truyền qua giọt
bắn và dự phòng lây truyền qua tiếp xúc.
- Tuân thủ các hướng dẫn dự phòng, kiểm
soát nhiễm khuẩn đã ban hành
6.2. Dự phòng
lây nhiễm trong bệnh viện
6.2.1. Sàng lọc, tiếp
nhận và cách ly điều trị người bệnh nhiễm vi rút Adeno
- Các đơn vị khám bệnh tăng cường phát
hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ; kê đơn và hướng dẫn chăm sóc đối với người bệnh nhẹ,
người bệnh điều trị ngoại trú;
- Phân luồng cách ly kịp thời các trường
hợp nghi ngờ nhiễm vi rút Adeno hoặc các trường hợp đã chẩn đoán xác định nhiễm
vi rút Adeno.
6.2.2. Tổ chức phòng
cách ly, điều trị người bệnh nhiễm vi rút Adeno
- Khu vực điều trị người bệnh vi rút
adeno nên được bố trí riêng với các nhóm bệnh khác và đảm bảo thông khí tự
nhiên.
- Giữ khoảng cách giữa các giường bệnh
trong buồng bệnh ít nhất 1 m. Hạn chế số lượng người trong buồng bệnh.
- Cửa phòng cách ly đóng phía hành
lang và mở phía ban công.
- Nhân viên Y tế phải tuân thủ phòng
ngừa chuẩn và dự phòng cách ly theo “giọt bắn” và “tiếp xúc”.
- Hướng dẫn người bệnh và người nhà vệ
sinh tay, sử dụng khẩu trang khi chăm sóc.
- Vệ sinh tay trước và sau khi rời khỏi
phòng, khu vực cách ly, điều trị người bệnh vi rút Adeno.
- Xem xét bố trí nhân lực làm việc
riêng cho khu vực, phòng cách ly người bệnh vi rút adeno và hạn chế tiếp xúc.
- Người bệnh nhiễm vi rút adeno được
ra khỏi phòng cách ly sau ít nhất 2 ngày, kể từ ngày hết các triệu chứng lâm
sàng.
6.2.3. Quản lý người
bệnh nội trú phơi nhiễm với vi rút adeno
- Quản lý người bệnh phơi nhiễm tại
phòng bệnh riêng; tăng cường phòng ngừa chuẩn và áp dụng dự phòng lây truyền
qua “giọt bắn” và dự phòng lây truyền qua “tiếp xúc”; theo dõi các diễn biến
lâm sàng để chỉ định xét nghiệm phát hiện vi rút adeno.
- Không nhập người bệnh mới vào buồng
cách ly phơi nhiễm; không chuyển người bệnh có phơi nhiễm sang buồng bệnh khác.
- Người bệnh phơi nhiễm vi rút adeno
được quản lý, theo dõi đến khi có đủ tiêu chuẩn xuất viện, hoặc tối thiểu 05
ngày kể từ ngày tiếp xúc người bệnh vi rút adeno gần nhất.
6.2.4. Xử lý dụng cụ
sau sử dụng cho người bệnh nhiễm vi rút adeno và vệ sinh môi trường bề mặt phòng
cách ly.
- Vi rút adeno kháng lại nhiều chất
sát khuẩn thông thường và có thể tồn tại trong thời gian dài trên bề mặt môi trường,
dụng cụ.
- Xử lý dụng cụ sau khi sử dụng cho
người bệnh vi rút adeno theo Hướng dẫn khử khuẩn tiệt khuẩn dụng cụ trong khám
bệnh chữa bệnh ban hành kèm theo Quyết định số 3671/QĐ-BYT ngày 27/09/2012 của
Bộ Y tế.
- Vệ sinh môi trường hàng ngày đúng
theo quy trình hướng dẫn vệ sinh bề mặt được ban hành tại Quyết định số
3916/QĐ-BYT ngày 28/8/2017 bao gồm: máy, trang thiết bị y tế, giường bệnh, tủ đầu
giường, sàn nhà, tường, đồ dùng, vật dụng sử dụng cho người bệnh.
- Sử dụng các dung dịch hóa chất khử
khuẩn có nồng độ Clo hoạt tính từ 0,2 - 0,5% để khử khuẩn các bề mặt.
- Tổng vệ sinh buồng cách ly khi kết
thúc mỗi đợt người bệnh hoặc theo kết quả giám sát môi trường buồng bệnh (nếu
có).
6.2.5. Phân loại, thu
gom và vận chuyển chất thải rắn từ phòng cách ly
Toàn bộ chất thải y tế rắn phát sinh từ
buồng bệnh có người bệnh nhiễm vi rút adeno là chất thải y tế nguy hại, lây nhiễm;
phân loại, thu gom, vận chuyển và xử
lý theo hướng dẫn áp dụng cho chất thải nguy hại, lây nhiễm.
6.2.6. Sử dụng phương
tiện phòng hộ
- Nhân viên Y tế đội mũ, đeo khẩu
trang y tế, mang găng sạch (nếu có chỉ định) trong các thao tác chăm sóc, điều
trị; thực hiện vệ sinh tay trước và sau khi rời khỏi khu vực cách ly.
- Trong trường hợp NVYT phải làm việc ở
các khu vực khác nhau thì cần mang tạp dề/áo choàng khi vào khu vực cách ly; đảm bảo
nguyên tắc làm việc từ khu vực ít nguy cơ đến khu vực nguy cơ cao để hạn chế
lan truyền tác nhân gây bệnh.
- Mang đầy đủ phương tiện phòng hộ cá
nhân: găng tay, khẩu trang, tạp dề, ủng... khi thu gom chất thải.
- Mang phương tiện phòng hộ cá nhân
khi thực hiện xử lý thi hài người bệnh nhiễm vi rút adeno.
- Phương tiện phòng hộ sử dụng trong
phòng cách ly phải được tháo bỏ, thu gom như chất thải lây nhiễm trước khi ra
khỏi phòng cách ly.
6.2.7. Xử lý thi hài
người bệnh nhiễm vi rút adeno tử vong
- Giải thích cho người nhà NB về nguy
cơ lây nhiễm và hướng dẫn các quy định và biện pháp phòng ngừa lây nhiễm cần áp
dụng.
- Vệ sinh các bề mặt liên quan đến thi
hài người bệnh bằng dung dịch Clo hoạt tính 0,2 - 0,5%.
- Thi hài cần chuyển xuống nơi lưu giữ,
nhà đại thể càng sớm càng tốt.
VII. ĐIỀU TRA, BÁO
CÁO CA BỆNH
Thực hiện thông tin, báo cáo theo quy
định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Thông tư số 54/2015/TT-BYT ngày
28 tháng 12 năm 2015 của Bộ Y tế hướng dẫn chế độ khai báo, thông tin, báo cáo
bệnh truyền nhiễm nhóm B và các văn bản khác về thông tin, báo cáo dịch bệnh.