ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 362/KH-UBND
|
Đắk Nông, ngày 03
tháng 6 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
ĐẢM
BẢO VẮC XIN, SINH PHẨM Y TẾ TRONG HOẠT ĐỘNG TIÊM CHỦNG PHÒNG, CHỐNG DỊCH TRÊN ĐỊA
BÀN TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2024-2030
Để bảo đảm nguồn vắc xin, sinh phẩm y tế cho giai
đoạn 2024-2030 phục vụ công tác tiêm chủng phòng, chống các dịch bệnh trên địa
bàn tỉnh; trên cơ sở các quy định hiện hành và chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng
Chính phủ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh (chi tiết tại Phụ lục 1 đính kèm), Ủy
ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch đảm bảo vắc xin, sinh phẩm y tế trong hoạt
động tiêm chủng phòng dịch, tiêm chủng chống dịch giai đoạn 2024-2030, cụ thể
như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Chủ động thực hiện phòng chống dịch bệnh, hạn chế
thấp nhất số trường hợp mắc và tử vong do các bệnh truyền nhiễm đã có vắc xin
phòng bệnh.
2. Yêu cầu
- Việc thực hiện công tác phòng chống dịch, chăm lo
sức khỏe nhân dân phải có sự chỉ đạo thống nhất và phối hợp chặt chẽ, đồng bộ
giữa các cấp, các ngành từ tỉnh đến cơ sở, huy động được hệ thống chính trị và
toàn dân cùng thực hiện.
- Thực hiện đồng bộ, triệt để các giải pháp phòng,
chống dịch bệnh nói chung, bệnh có vắc xin phòng bệnh nói riêng; quản lý, giám
sát dịch bệnh đến từng địa phương.
- Tổ chức phòng, chống dịch bệnh hiệu quả, kịp thời
và tránh gây lãng phí nguồn lực.
II. MỤC TIÊU, THỜI GIAN, DANH MỤC,
PHẠM VI, ĐỐI TƯỢNG
1. Mục tiêu
Đáp ứng đủ, kịp thời nhu cầu vắc xin, sinh phẩm y tế
để triển khai tiêm chủng phòng dịch, tiêm chủng chống dịch đối với người bị
phơi nhiễm với dịch bệnh, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch,
người đi đến hoặc trở về từ vùng có dịch.
2. Thời gian: Giai đoạn 2024 - 2030.
3. Danh mục vắc xin sử dụng
a) Theo danh mục vắc xin, sinh phẩm y tế phải sử dụng
bắt buộc để phòng, chống bệnh truyền nhiễm quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư
số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
b) Danh mục vắc xin, sinh phẩm y tế khác phải sử dụng
bắt buộc để phòng, chống bệnh truyền nhiễm khác theo các văn bản cập nhật và bổ
sung của Bộ Y tế (nếu có).
4. Phạm vi, đối tượng
a) Đối tượng: Người dân trên địa bàn tỉnh; đối tượng
cụ thể của từng loại dịch bệnh theo các văn bản hướng dẫn hiện hành của Chính
phủ, Bộ Y tế (nếu có).
b) Phạm vi: Sở Y tế tham mưu UBND tỉnh quyết định
hoặc theo chỉ đạo của Bộ Y tế trên cơ sở tình hình dịch bệnh, điều kiện cung ứng
vắc xin, nguồn lực của địa phương.
III. GIẢI PHÁP, NHIỆM VỤ TRỌNG
TÂM
1. Công tác thông tin và truyền thông
- Tăng cường truyền thông phòng bệnh để nâng cao nhận
thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khỏe của bản thân,
gia đình và cộng đồng. Đẩy mạnh tuyên truyền qua hệ thống truyền thông cơ sở và
các kênh truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội,
internet.
- Chủ động cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh
truyền nhiễm và các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh; chính sách, pháp luật của
Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân
về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm. Tổ chức triển
khai các hoạt động truyền thông đặc thù với từng dịch bệnh truyền nhiễm, theo
diễn biến tình hình dịch bệnh trên toàn quốc cũng như trên địa bàn tỉnh.
2. Công tác dự phòng
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh;
thường xuyên phân tích, đánh giá, dự báo tình hình dịch; chuẩn bị sẵn sàng các
phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh.
- Chủ động giám sát, triển khai hiệu quả giám sát
thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa
khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế thực hiện mục tiêu ngăn chặn nguồn
lây xâm nhập từ bên ngoài và khoanh vùng, dập dịch từ bên trong để xử lý kịp thời,
kiểm soát sự lây lan, hạn chế trường hợp bệnh nặng, tử vong. Tiếp tục thực hiện
giám sát trọng điểm.
- Thực hiện sớm, kịp thời các hoạt động đáp ứng với
bệnh, dịch bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 17/2019/TT-BYT ngày 17 tháng 7
năm 2019 của Bộ Y tế về hướng dẫn giám sát và đáp ứng với bệnh, dịch bệnh truyền
nhiễm (sau đây gọi là Thông tư số 17) và thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, đảm bảo
chất lượng chế độ báo cáo bệnh truyền nhiễm theo Thông tư số 54/2015/TT-BYT .
3. Công tác tài chính
Tập trung nguồn lực bố trí kinh phí đảm bảo vắc
xin, sinh phẩm y tế cho công tác tiêm chủng chống dịch trên địa bàn tỉnh.
4. Công tác nhân lực, hậu cần tiêm chủng chống dịch
- Rà soát, kiện toàn lực lượng nhân viên y tế tham
gia công tác tiêm chủng mở rộng, tiêm chủng chống dịch đảm bảo đủ nhân lực và
nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.
- Thường xuyên rà soát đề đảm bảo vắc xin, sinh phẩm
y tế đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện được bố trí từ nguồn ngân sách
nhà nước theo phân cấp ngân sách hiện hành; từ cung cấp dịch vụ công sử dụng
ngân sách Nhà nước trong lĩnh vực y tế - dân số; lồng ghép từ các chương trình,
dự án; các nguồn tài chính và nguồn thu hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh truyền nhiễm, các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trách nhiệm,
nghĩa vụ của người dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền
nhiễm.
- Trên cơ sở tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên
địa bàn tỉnh, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định phạm vi, đối tượng
phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc trên địa bàn tỉnh theo đúng các
hướng dẫn hiện hành của Bộ Y tế.
- Phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị có liên
quan hằng năm tham mưu xây dựng Kế hoạch để đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc xin,
sinh phẩm y tế cho các bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.
- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh truyền nhiễm
trên địa bàn tỉnh, thực hiện sớm, kịp thời hướng dẫn về giám sát, đáp ứng với dịch
bệnh truyền nhiễm theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
- Thường xuyên rà soát, kiện toàn hệ thống y tế cơ
sở, y tế dự phòng, đảm bảo đủ nhân lực, năng lực trong công tác phòng, chống dịch
bệnh, tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch.
- Tổ chức mua vắc xin, sinh phẩm y tế (ngoài các vắc
xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng đã được Bộ Y tế mua và cấp theo quy định)
theo đúng quy định hiện hành của pháp luật, đảm bảo kịp thời cho công tác tiêm
vắc xin phòng, chống dịch.
2. Sở Tài chính
Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế tham mưu cấp có thẩm
quyền bố trí nguồn kinh phí mua vắc xin, sinh phẩm y tế sử dụng trong hoạt động
phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2024-2030 theo đúng
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn hiện hành.
3. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, truyền
thông trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh
truyền nhiễm, các biện pháp phòng chống dịch bệnh trên các phương tiện thông
tin đại chúng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền
nhiễm, trách nhiệm, nghĩa vụ của người dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống
dịch bệnh truyền nhiễm.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các đơn vị liên
quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực đầu
tư cho công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
- Phối hợp với Sở Tài chính bố trí nguồn kinh phí đảm
bảo thực hiện Kế hoạch này theo đúng các quy định hiện hành.
5. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên
quan tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về dịch bệnh truyền nhiễm, các
biện pháp phòng, chống dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng,
chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống bệnh truyền nhiễm, trách nhiệm,
nghĩa vụ của người dân về thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền
nhiễm.
- Phối hợp với Sở Y tế trong việc xác định phạm vi,
đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc khi có dịch bệnh truyền
nhiễm xảy ra trên địa bàn quản lý.
- Hằng năm khi có dịch bệnh đột xuất xảy ra, UBND
các huyện, thành phố lấy từ nguồn kinh phí dự phòng chi để đảm bảo cho công tác
phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm.
Trên đây là Kế hoạch đảm bảo nguồn kinh phí mua vắc
xin, sinh phẩm y tế trong hoạt động tiêm chủng phòng, chống dịch bệnh trên địa
bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2024-2030. Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa
phương tổ chức triển khai thực hiện; trong quá trình triển khai thực hiện, nếu
có khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
(thông qua Sở Y tế) để xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Viện VSDT Tây Nguyên;
- Các Sở, ngành, địa phương tại Mục VI;
- UBND huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KGVX (S).
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|
PHỤ LỤC 1
VĂN BẢN LIÊN QUAN ĐẾN VIỆC TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH
(Ban hành kèm theo Kế hoạch số 362/KH-UBND ngày 03/06/2024 của UBND tỉnh)
1. Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21
tháng 11 năm 2007;
2. Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính
phủ Quy định về hoạt động tiêm chủng;
3. Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư
kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;
4. Nghị định số 13/2024/NĐ-CP ngày 05/02/2024 của
Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày
01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
5. Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/9/2010 của
Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh
truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống
dịch đặc thù trong thời gian có dịch;
6. Nghị quyết số 104/NQ-CP ngày 15/8/2022 của Chính
phủ về lộ trình tăng số lượng vắc xin trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng
giai đoạn 2021-2030;
7. Quyết định số 2151/QĐ-TTg ngày 21/12/2021 của Thủ
tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh Dại
giai đoạn 2022-2030;
8. Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 23/01/2024 của Thủ
tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe Nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045;
9. Chỉ thị số 11/CT-TTg ngày 21/4/2023 của Thủ tướng
Chính phủ về việc tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh Dại;
10. Công điện số 22/CĐ-TTg ngày 14/3/2024 của Thủ
tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện nghiêm công tác phòng, chống bệnh Dại;
11. Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 16/11/2018 của
Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 104/2018/NĐ-CP ngày
01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;
12. Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của
Bộ Y tế về ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng
vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;
13. Nghị quyết số 63/NQ-HĐND ngày 14/12/2022 của Hội
đồng nhân dân tỉnh Đắk Nông về ban hành danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng
ngân sách nhà nước của 05 lĩnh vực trên địa bàn tỉnh Đắk Nông: Đào tạo; Y tế -
Dân số; Văn hóa, gia đình, thể dục, thể thao và du lịch; Tư pháp; Nội vụ;
14. Quyết định số 481/QĐ-UBND ngày 07/3/2022 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh Dại trên địa bàn
tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2022-2030;
15. Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 13/3/2024 của Ủy
ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống bệnh truyền nhiễm tỉnh
Đắk Nông năm 2024.