Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 2761/KH-UBND 2021 tiêm vắc xin phòng COVID19 tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021 2022

Số hiệu: 2761/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Dương Người ký: Nguyễn Lộc Hà
Ngày ban hành: 22/06/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 2761/KH-UBND

Bình Dương, ngày 22 tháng 06 năm 2021

 

KẾ HOẠCH

TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2021-2022

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

- Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm ngày 21/11/2007;

- Nghị định số 54/2017/NĐ-CP ngày 08/5/2017 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

- Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

- Nghị định số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ quy định về việc mua và sử dụng vắc xin COVID-19;

- Thông tư số 38/2017/TT-BYT ngày 17/10/2017 của Bộ Y tế ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm, phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc;

- Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 9/2/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ;

- Quyết định số 1467/QĐ-BYT ngày 05/3/2021 của Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022;

- Công văn số 249-CV/TU ngày 28/4/2021 của Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường phòng, chống dịch COVID-19.

II. MỤC ĐÍCH - YÊU CẦU

1. Mục đích

Huy động tối đa mọi nguồn nhân lực tham gia công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 bao gồm hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Yêu cầu

Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân trên địa bàn tỉnh.

Căn cứ khả năng cung ứng vắc xin, ưu tiên tiêm trước cho các đối tượng tham gia công tác phòng, chống dịch bệnh, đối tượng ở vùng có dịch và toàn bộ người dân từ 18 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh theo lộ trình.

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Phòng, chống dịch bệnh COVID-19 chủ động bằng việc sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng nguy cơ và cộng đồng trên địa bàn tỉnh Bình Dương.

2. Mục tiêu cụ thể

- Đạt tỷ lệ ≥ 95% dân số từ 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 02 liều vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô toàn tỉnh Bình Dương;

- Tiếp nhận, cung ứng kịp thời và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng theo tình hình dịch.

- Đảm bảo an toàn và hiệu quả khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

IV. THỜI GIAN, ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐỐI TƯỢNG TIÊM VẮC XIN

1. Thời gian

Triển khai thực hiện theo từng giai đoạn từ năm 2021 đến 2022 cho đến khi đạt miễn dịch cộng đồng

2. Địa điểm: trên địa bàn tỉnh Bình Dương

3. Đối tượng triển khai

3.1. Các nhóm ưu tiên theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/2/2021 của Chính phủ: gồm 255.162 người

3.2. Tất cả các đối tượng trên 18 tuổi trên địa bàn tỉnh Bình Dương không thuộc nhóm đối tượng ưu tiên tại mục 3.1:

Theo số liệu dân cư của tỉnh Bình Dương cho thấy hiện nay có khoảng 1.260.000 người dân từ 18 tuổi trở lên; để đạt miễn dịch cộng đồng ≥ 95% sau khi tiêm vắc xin COVID-19 thì cần khoảng 1.200.000 người được tiêm vắc xin.

(đính kèm số lượng cụ thể tại Phụ lục 1)

*Tổng số đối tượng được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh dự kiến 1.455.162 người.

4. Phạm vi triển khai

- Triển khai sử dụng vắc xin trên phạm vi toàn tỉnh.

- Mức độ ưu tiên từ nguy cơ cao đến nguy cơ thấp hơn dựa trên tiêu chí sau:

+ Các khu vực, huyện/tỉnh/thành phố ghi nhận trường hợp mắc và/hoặc tử vong do COVID-19 trong cộng đồng.

+ Huyện/thị/thành phố có mật độ dân số cao bao gồm: thành phố Thuận An, thành phố Thủ Dầu Một, thành phố Dĩ An.

+ Huyện/thị/thành phố có đầu mối giao thông quan trọng.

5. Hình thức triển khai

- Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định theo hệ thống Tiêm chủng mở rộng tại các xã, phường, thị trấn, bệnh viện các tuyến thực hiện công tác tiêm chủng.

6. Lộ trình triển khai

-Tháng 3 - 4/2021, sử dụng 1.700 liều vắc xin AstraZeneca do Bộ Y tế phân bố cho tỉnh Bình Dương theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 của Bộ Y tế ban hành về việc phân bố vắc xin phòng Covid-19.

- Từ Quý II/2021 đến năm 2022, tỉnh Bình Dương sẽ thực hiện tiêm vắc xin COVID-19 cho các đối tượng theo tiến độ cung ứng vắc xin và hướng dẫn từ Bộ Y tế.

V. CÁC HOẠT ĐỘNG TRIỂN KHAI TIÊM VẮC XIN

1. Rà soát hệ thống bảo quản vắc xin, nhân lực tiêm chủng

1.1. Hệ thống dây chuyền lạnh

1.1.1. Việc vận chuyển vắc xin

- Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tiếp nhận và bảo quản vắc xin COVID-19 tại kho của tỉnh và thực hiện cấp phát vắc xin COVID-19 cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Trung tâm Y tế huyện ít nhất 03 ngày trước khi tổ chức tiêm chủng.

- Trung tâm Y tế cấp huyện tiếp nhận vắc xin từ kho tỉnh về kho huyện để bảo quản và cấp phát cho các xã ngay trước buổi tiêm chủng.

- Tuyến xã tiếp nhận vắc xin từ tuyến huyện và vận chuyển vắc xin cho các điểm tiêm chủng. Vắc xin còn dư sau khi kết thúc buổi tiêm chủng tại các điểm tiêm sẽ được Trạm y tế xã vận chuyển về kho huyện để bảo quản đúng quy chuẩn.

1.1.2. Thực trạng hệ thống dây chuyền lạnh

Thực trạng hệ thống dây chuyền lạnh tại tuyến tỉnh, huyện đáp ứng trong giai đoạn đầu có đủ năng lực tiếp nhận, bảo quản và phân phối vắc xin COVID-19 với điều kiện bảo quản nhiệt độ 2-8°C tại tỉnh và huyện.

- Hệ thống các tủ lạnh bảo quản vắc xin của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đảm bảo từ 100.000-200.000 liều vắc xin.

- Trong trường hợp tiếp nhận số lượng lớn vắc xin thì Sở Y tế chủ động, phối hợp với các đơn vị liên quan khảo sát tìm các đơn vị trên địa bàn tỉnh và tỉnh lân cận có hệ thống kho lạnh bảo quản vắc xin đủ tiêu chuẩn âm sâu theo quy định của Bộ Y tế để thuê và sử dụng nhằm đảm bảo an toàn và hiệu quả.

1.2. Thực trạng nhân lực trong hệ thống tiêm chủng

- Số điểm tiêm chủng: trên toàn tỉnh có 105 cơ sở tiêm chủng công lập và 46 cơ sở y tế tư nhân đủ điều kiện tiêm chủng.

- Nhân lực: tham gia công tác tiêm chủng mở rộng và tiêm chủng dịch vụ tại tỉnh đều được tập huấn về tiêm chủng, có kinh nghiệm trong việc tổ chức buổi tiêm chủng. Tuy nhiên, vắc xin phòng COVID-19 là vắc xin mới, do vậy cán bộ tiêm chủng sẽ được tập huấn thường xuyên, liên tục về việc sử dụng vắc xin và theo dõi xử lý sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

- Năng lực tiêm vắc xin: tối đa 18.000 liều/ngày.

2. Vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư

2.1. Tuyến tỉnh

- Vắc xin và vật tư được Viện Pasteur phân bổ và giao nhận từng đợt theo Quyết định từ Bộ Y tế;

- Trung tâm KSBT tỉnh tiếp nhận vắc xin từ Viện Pasteur Tp.HCM trong vòng 07 ngày sau ngày có công văn phân bổ vắc xin của Viện Pasteur và thực hiện bảo quản tại kho vắc xin tỉnh theo 02 phương án:

+ Phương án 01: Nếu thời gian nhận vắc xin COVID-19 trùng với lịch giao vắc xin thường xuyên trong Tiêm chủng mở rộng của Viện Pasteur Tp.HCM thì Viện Pasteur Tp.HCM sẽ vận chuyển vắc xin và giao trực tiếp đến kho vắc xin Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh.

+ Phương án 02: Nếu thời gian giao nhận vắc xin COVID-19 không trùng với lịch giao nhận vắc xin thường xuyên trong Tiêm chủng mở rộng thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh sẽ trực tiếp đến Viện Pasteur Tp.HCM và kho vắc xin Công ty Dược Mỹ phẩm MAY để nhận và vận chuyển về kho vắc xin tỉnh bảo quản.

- Thực hiện cấp phát vắc xin COVID-19 như sau:

+ Cấp phát vắc xin cho Trung tâm y tế huyện - thị xã - thành phố ít nhất 03 ngày trước khi tổ chức tiêm.

+ Cấp phát vắc xin cho Bệnh viện đa khoa tỉnh, Bệnh viện ngành, ngoài công lập thuộc địa bàn tỉnh 01 ngày trước khi tiêm hoặc ngay trước buổi tiêm. Đối với các bệnh viện có đầy đủ dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin theo đúng quy định thì tiến hành bảo quản vắc xin tại kho của bệnh viện trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các bệnh viện chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh, Trung tâm KSBT tỉnh cấp vắc xin cho mỗi buổi tiêm hoặc cấp bổ sung tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các bệnh viện triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các bệnh viện được trả lại Trung tâm KSBT tỉnh.

2.2. Tuyến huyện

Trung tâm Y tế huyện - thị xã - thành phố vận chuyển vắc xin từ kho tỉnh về kho huyện để bảo quản và cấp phát cho cấp xã, bệnh viện cấp huyện hoặc các điểm tiêm chủng dịch vụ được yêu cầu hỗ trợ 01 ngày trước khi tiêm chủng hoặc ngay trong buổi tiêm.

2.3. Tuyến xã hoặc cơ sở được phép tiêm chủng

Nhận vắc xin từ tuyến huyện, bảo quản vắc xin và vận chuyển cho các điểm tiêm trong buổi tiêm chủng.

Trong trường hợp hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển, bảo quản vắc xin thì Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đề xuất tham mưu Sở Y tế trình UBND tỉnh phê duyệt phương án bổ sung hệ thống dây chuyền lạnh hoặc huy động hệ thống dây chuyền lạnh của các nhà phân phối, nhập khẩu, cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập và tư nhân trên toàn tỉnh.

Số lượng vắc xin, bơm tiêm và hộp an toàn nhập kho và xuất kho tại tất cả các tuyến sẽ được ghi chép và theo dõi qua sổ quản lý xuất, nhập vắc xin kèm theo biên bản bàn giao (theo quy định…). Sổ quản lý xuất nhập vắc xin sẽ được cập nhật hàng tháng tại tất cả các tuyến.

3. Tập huấn cho cán bộ y tế về triển khai vắc xin phòng COVID-19

Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia tập huấn cho Dự án TCMR khu vực, Sở Y tế, Trung tâm KSBT tỉnh trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 04 ngày; Trung tâm KSBT tỉnh tổ chức tập huấn hướng dẫn triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng COVID-19 cho các tuyến trên địa bàn trước khi triển khai tiêm chủng ít nhất 03 ngày;

4. Truyền thông về triển khai vắc xin phòng COVID-19

- Xây dựng kế hoạch truyền thông về sử dụng vắc xin COVID-19 nhằm nâng cao nhận thức, chia sẻ thông tin và vận động người dân, huy động xã hội tham gia tiêm chủng.

- Cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng ưu tiên, loại vắc xin phòng COVID-19, lợi ích của vắc xin, lịch tiêm, tính an toàn của vắc xin, các sự cố bất lợi sau tiêm, kế hoạch triển khai tiêm.

- Truyền thông cho người dân về việc sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe để quản lý những đối tượng tiêm vắc xin COVID-19, thông báo thời gian tiêm chủng và báo cáo những phản ứng xảy ra sau tiêm.

- Thời gian thực hiện : Trước, trong và sau khi triển khai khi tiêm.

5. Tổ chức tiêm chủng

5.1. Nhu cầu vắc xin trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2022

5.1.1. Các loại vắc xin COVID-19 được cấp phép hiện nay.

Tính đến tháng 3/2021, Bộ Y tế thực hiện cấp phép cho 2 loại vắc xin như sau:

- Vắc xin BNT162b2 do Pfizer, BioNTech (Đức, Mỹ) sản xuất, Vaccine này được nghiên cứu giảm 94% ca mắc COVID-19 có triệu chứng. Tuy nhiên yêu cầu bảo quản ở âm 70 độ C và tiêm trong 5 ngày sau khi rã đông, nếu không tiêm kịp trong thời hạn đó vì những lý do khách quan thì sẽ gây lãng phí.

- Vắc xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất cung ứng bởi SK Bioscience(SKBio). Vắc xin phòng COVID-19 từ 62%-90%, dựa trên kết quả nghiên cứu lâm sàn, được sử dụng để bảo vệ các đối tượng từ 18 tuổi trở lên chống lại COVID-19. Điều kiện bảo quản vắc xin từ 2-8 độ. Đây cũng là loại vắc xin được Bộ Y tế cấp phép sử dụng tại Việt Nam và tổ chức COVAX Facility hỗ trợ cho Việt Nam trong năm 2021.

- Hiện nay trên địa bàn tỉnh hệ thống dây chuyền lạnh bảo quản vắc xin chưa đủ điều kiện để bảo quản ở nhiệt độ âm sâu đối với vắc xin BNT162b2 do Pfizer, Bio NTech (Đức, Mỹ) sản xuất, vì thế, trong giai đoạn năm 2021-2022, vắc xin AstraZeneca  sẽ sử dụng để tiêm cho những đối tượng ưu tiên và công dân trên 18 tuổi (theo khuyến cáo của nhà sản xuất).

5.1.2. Ước tính số lượng vắc xin trong giai đoạn 2021-2022 tỉnh Bình Dương

- Ước tính tổng số liều vắc-xin cần tiêm cho giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh là 3.201.356 liều (Vắc xin do Tập đoạn AstraZeneca sản xuất sử dụng 02 liều cho các đối tượng công dân trên 18 tuổi, cách nhau 3 tháng - hệ số sử dụng vắc xin 1,1 theo quy định của Bộ Y tế).

- Theo Quyết định số 1210/QĐ-BYT ngày 09/02/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc Tiếp nhận, bảo quản, phân phối và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 do COVAX Facility hỗ trợ và theo thống kê số lượng ưu tiên được tiêm miễn phí trên địa bàn tỉnh Bình Dương (tại Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 21/NQ-CP) là 255.161 người, tương đương với 561.357 liều).

- Như vậy nhu cầu vắc-xin cần mua trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong giai đoạn này là: 3.201.357 - 561.357 = 2.640.000 liều.

 5.2. Hình thức tiêm

Vắc xin do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất sử dụng 02 liều cho các đối tượng trên 18 tuổi, cách nhau 3 tháng, tiêm bắp, đóng gói 10 liều/lọ. Mỗi người tiêm 0,5ml.

Tổ chức theo hình thức tiêm chiến dịch trong thời gian ngắn nhất. Sử dụng hệ thống tiêm chủng mở rộng sẵn có, trong trường hợp cần thiết, Sở Y tế sẽ huy động các cơ sở tiêm chủng dịch vụ của nhà nước và tư nhân tham gia tổ chức buổi tiêm.

5.3. Tổ chức buổi tiêm

Để thực hiện tốt công tác tiêm vắc xin COVID-19, đảm bảo an toàn tiêm chủng và các biện pháp phòng chống lây nhiễm vi rút SARS-COV-2 trong bối cảnh dịch COVID-19 cụ thể như sau:

- Lập kế hoạch buổi tiêm chủng:

+ Lập danh sách đối tượng đến tiêm chủng theo khung giờ đảm bảo không quá 20 người/điểm tiêm chủng trong cùng thời điểm và không quá 100 đối tượng/điểm tiêm chủng/buổi tiêm chủng.

+ Người tiêm phải ký giấy đồng ý tiêm vắc xin theo mẫu Bộ Y tế.

- Sàng lọc đối tượng trước buổi tiêm chủng:

+ Đối với những người đang ốm, sốt hoặc có biểu hiện viêm long đường hô hấp thì chủ động tư vấn không đi tiêm chủng.

+ Đối tượng là người già thì người đưa đi tiêm chủng phải không có các dấu hiệu ho, sốt, ….nghi ngờ nhiễm SARS-COV-2 hay có tiền sử tiếp xúc gần với ca bệnh COVID-19 trong vòng 14 ngày.

- Bố trí điểm tiêm chủng:

+ Bố trí vị trí tiêm chủng thông thoáng, đủ ghế ngồi chờ và đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các đối tượng.

+ Bố trí điểm tiêm chủng theo quy tắc 1 chiều, đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m giữa các bàn/vị trí tiêm chủng.

+ Bố trí thêm diện tích, phòng theo dõi sau tiêm chủng 30 phút để đảm bảo khoảng cách  tối thiểu 2m giữa các đối tượng.

+ Lưu ý không sử dụng điều hòa trong buổi tiêm chủng.

- Cán bộ y tế và người đến tiêm chủng phải thực hiện các biện pháp bảo hộ cá nhân như đeo khẩu trang, rửa tay hoặc sát khuẩn tay thường xuyên, tiến hành kiểm tra thân nhiệt theo quy định tại điểm tiêm chủng.

- Trong trường hợp phát hiện người đi tiêm chủng là trường hợp nghi nhiễm SARS-COV-2 hoặc tiếp xúc với trường hợp COVID-19 trong vòng 14 ngày thì cần dừng ngay buổi tiêm chủng và thực hiện quản lý các trường hợp này theo quy định.

- Sử dụng phần mềm Hồ sơ sức khỏe theo hướng dẫn của Bộ Y tế để báo cáo việc thực hiện tiêm vắc xin COVID-19.

5.4. Cơ sở thực hiện tiêm

a) Bệnh viện tỉnh, Trung tâm Y tế cấp huyện/thành phố:

- Thực hiện tiêm cho các đối tượng là cán bộ y tế của cơ sở, nhân viên tham gia phòng chống dịch tại cơ sở, các đối tượng đang điều trị tại bệnh viện và các đối tượng ưu tiên theo kế hoạch của địa phương.

- Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các xã ở các vùng đi lại khó khăn (ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3-4 xã)

b) Trạm Y tế cấp xã:

- Tổ chức chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại trạm và điểm tiêm lưu động.

- Thực hiện tiêm cho các đối tượng là nhân viên y tế, nhân viên tham gia công tác phòng chống dịch, lực lượng quốc phòng, công an, giáo viên trên địa bàn, những người cung cấp các dịch vụ thiết yếu, những người già trên 65 tuổi đang sinh sống trên địa bàn và các trường hợp mắc bệnh mãn tính không điều trị nội trú theo kế hoạch của địa phương, sau khi kết thúc chiến dịch phải tiến hành tiêm vét cho các đối tượng chưa được tiêm tại bệnh viện.

- Tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình.

c) Bệnh xá, cơ sở y tế thuộc các ngành:

- Xây dựng kế hoạch, thực hiện tiêm cho các đối tượng thuộc ngành mình và hỗ trợ cho ngành y tế để triển khai cho các đối tượng khác (trong trượng hợp cần thiết).

- Tổ chức các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.

d) Phòng tiêm chủng dịch vụ:

- Thực hiện tiêm chủng cho các đối tượng theo chỉ đạo của Sở Y tế.

- Bố trí các đội cấp cứu tại cơ sở tiêm.

5.5. Giám sát và xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

a) Giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng: Các cơ sở tiêm chủng thực hiện giám sát chủ động sự cố bất lợi sau tiêm chủng theo Hướng dẫn của Bộ Y tế. Hệ thống giám sát sự cố bất lợi sau tiêm chủng bao gồm các đơn vị thực hiện và các đơn vị phối hợp từ trung ương đến địa phương. Khi xảy ra trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng, quy trình điều tra, báo cáo và thông báo kết quả điều tra, xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng được thực hiện theo Điều 6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.

- Đơn vị thực hiện: Các cơ sở tiêm

- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế, Trung tâm KSBT, TTYT huyện thị, thành phố

- Thời gian thực hiện: Trong quá trình sử dụng vắc xin.

b) Giám sát định kỳ: Các cơ sở tiêm chủng tiến hành theo dõi, giám sát phản ứng thông thường và tai biến nặng sau tiêm theo quy định tại Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ và Thông tư 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế.

- Đơn vị thực hiện: Các cơ sở tiêm

- Đơn vị phối hợp: Sở Y tế, Trung tâm KSBT, TTYT huyện, thị, thành phố

- Thời gian thực hiện: Trong quá trình sử dụng vắc xin.

c) Hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin: các hội đồng tư vấn chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin từ cấp trung ương đến cấp tỉnh thành phố được thành lập, tổ chức và hoạt động theo Thông tư 24/2018/TT-BYT ngày 18/09/2018 và Thông tư 05/2020/TT-BYT sửa đổi cập nhật một số điều của Thông tư 24/2018/TT-BYT ngày 18/09/2018, đã được đào tạo, tập huấn hàng năm về các hoạt động chuyên môn đánh giá nguyên nhân tai biến nặng trong quá trình sử dụng vắc xin.

e) Xử trí phản vệ trong quá trình sử dụng vắc xin: quy trình chẩn đoán và xử trí phản vệ tuân theo Thông tư 51/2017/TT-BYT ngày 29 tháng 12 năm 2017 của Bộ Y tế hướng dẫn phòng, chẩn đoán và xử trí phản vệ. Quy trình được đào tạo định kì cho các cán bộ tham gia vào quá trình tiêm tại các tuyến, các cơ sở khám chữa bệnh.

5.6. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm

- Trung tâm KSBT Hướng dẫn xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế và đặc điểm của vắc xin COVID.

- Các cơ sở tiêm thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế

5.7. Giám sát và báo cáo hoạt động tiêm

- Kiểm tra, giám sát trước triển khai: Giám sát công tác chuẩn bị tiêm vắc xin phòng chống COVID-19 bao gồm điều tra đối tượng, lập kế hoạch tổ chức điểm tiêm chủng, dự trù vắc xin vật tư tiêm chủng, phân công nhân lực, xử trí cấp cứu phản ứng sau tiêm chủng (nếu có).

- Kiểm tra, giám sát trong triển khai: Giám sát công tác tổ chức buổi tiêm chủng và đảm bảo an toàn tiêm chủng (khám sàng lọc, theo dõi sau tiêm).

- Kiểm tra, giám sát sau triển khai: Đánh giá nhanh tỷ lệ tiêm chủng, ra soát đối tượng tiêm vét, ghi chép, thống kê báo cáo.

- Phân công cán bộ tuyến tỉnh và huyện giám sát triển khai

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Y tế

- Căn cứ Kế hoạch này để xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho từng đợt tiếp nhận vắc xin do Bộ Y tế phân bổ.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và Trung tâm Y tế các huyện, thị, thành phố:

+ Tổ chức tập huấn chuyên môn cho cán bộ y tế các tuyến về việc xây dựng kế hoạch, triển khai thực hiện, tổng hợp báo cáo.

+ Dự trù vật tư, trang thiết bị dây chuyền lạnh, bơm kim tiêm đáp ứng tình hình thực tế.

+ Chỉ đạo các đơn vị điều trị chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến đảm bảo an toàn trong tiêm chủng.

+ Tham mưu cho Ban chỉ đạo xây dựng kế hoạch và tổ chức kiểm tra, giám sát các đơn vị trên địa bàn.

- Báo cáo kết quả triển khai thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 về Bộ Y tế, Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời theo quy định.

2. Sở Tài chính

Căn cứ dự toán kinh phí mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh do Sở Y tế tổng hợp, Sở Tài chính sẽ tham mưu bố trí dự toán thực hiện kế hoạch trên theo đúng đối tượng quy định.

3. Các sở, ban, ngành, đoàn thể liên quan

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, lập danh sách các đối tượng ưu tiên thuộc Sở, Ban, Ngành quản lý: phối hợp với Sở Y tế triển khai thực hiện có hiệu quả việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh trên địa bàn tỉnh thông tin tuyên truyền biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 nói chung và công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 nói riêng: tuyên truyền về lợi ích của việc tiêm vắc xin.

5. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên

Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện, huy động các nguồn lực hợp pháp từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước hỗ trợ cho công tác mua vắc xin phòng COVID-19.

6. UBND các huyện, thị, thành phố

- Chỉ đạo các phòng, ban liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện nghiêm túc các hướng dẫn chuyên môn trong triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.

- Tổng hợp, thống kê số lượng, lập danh sách các đối tượng ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 trên địa bàn huyện/thị/thành phố để sẵn sàng thực hiện chiến dịch tiêm COVID-19 khi được cung ứng vắc xin.

- Chỉ đạo các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai các hoạt động tập huấn, điều tra đối tượng và tiến hành tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn.

- Chỉ đạo phòng Văn hóa Thông tin, Đài Truyền thanh huyện: tuyên truyền về lợi ích tiêm vắc xin phòng COVID-19.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

2.1. Về kinh phí thực hiện mua vắc xin:

- Kinh phí mua 2.640.000 liều vắc xin phòng COVID-19 dự kiến là 316.800.000.000 đồng (có thể thay đổi theo giá mua vắc xin).

- Kinh phí cho các hoạt động tiêm vắc xin là 18.514.000.000 đồng.

→ Tổng cộng: 316.800.000.000 + 18.514.000.000 = 335.315.000.000 đ

2.2. Nguồn kinh phí:

- Ngân sách nhà nước (kinh phí phòng, chống dịch):

- Nguồn viện trợ, tài trợ, hỗ trợ của tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước và các nguồn vốn hợp pháp khác.

- Nguồn do các tổ chức, cá nhân sử dụng vắc xin tự nguyện chi trả.

Trên đây là Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 trên địa bàn tỉnh Bình Dương: Yêu cầu các Sở, ngành, đơn vị, địa phương chủ động triển khai hiệu quả Kế hoạch này. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc thì kịp thời báo cáo Sở Y tế để kịp thời tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
-
TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
-
CT, các PCT UBND tỉnh;
-
Các Sở, Ban, Ngành;
-
UBND các huyện, tx, tp;
-
LĐVD, Tùng, TH;
-
Lưu: VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Lộc Hà

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 2761/KH-UBND ngày 22/06/2021 về tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2022

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


512

DMCA.com Protection Status
IP: 3.143.218.146
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!