Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 23/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Nam Định Người ký: Trần Lê Đoài
Ngày ban hành: 18/03/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NAM ĐỊNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 23/KH-UBND

Nam Định, ngày 18 tháng 3 năm 2020

KẾ HOẠCH

TỔ CHỨC THỰC HIỆN KHOANH VÙNG, CÁCH LY VÙNG CÓ DỊCH BỆNH COVID-19 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NAM ĐỊNH

Căn cứ Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007;

Căn cứ Nghị định số 101/2010/NĐ-CP ngày 30/09/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch;

Căn cứ Quyết định số 904/QĐ-BYT ngày 16/3/2020 của Bộ Y tế về việc ban hành “Sổ tay hướng dẫn tổ chức thực hiện cách ly y tế vùng có dịch COVID-19”;

Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện khoanh vùng, cách ly vùng có dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh như sau:

I. MỤC ĐÍCH:

Khoanh vùng, cô lập toàn bộ vùng dịch, dập dịch triệt để, không để dịch lây lan sang các địa phương khác.

II. THỜI ĐIỂM XEM XÉT THIẾT LẬP VÙNG CÁCH LY Y TẾ:

Khi vùng dịch đã có sự lây lan trong cộng đồng và có nguy cơ lớn lây lan sang các địa phương khác trong khi hầu hết các địa phương khác chưa có ca bệnh hoặc chỉ có một số ít ca bệnh xâm nhập.

III. NGUYÊN TẮC THIẾT LẬP VÙNG CÁCH LY:

1. Đảm bảo đúng quy định của pháp luật

2. Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự

3. Đảm bảo an sinh xã hội

4. Đảm bảo công tác y tế

IV. QUY MÔ:

Toàn xã/phường/thị trấn hoặc toàn thôn/đội/tổ dân phố/khu phố đang có dịch. Quy mô khoanh vùng cách ly tùy theo tình hình dịch thực tế tại địa phương.

V. THỜI GIAN:

Cách ly tối thiểu 28 ngày kể từ ngày thực hiện cách ly. Tùy theo diễn biến tình hình dịch và nguy cơ lây lan trong vùng cách ly mà thời gian cách ly có thể kéo dài hơn.

VI. CÁCH THỨC TỔ CHỨC:

1. Quyết định thiết lập vùng cách ly

Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định thiết lập vùng cách ly trong đó nêu rõ địa điểm,thời gian, phạm vi vùng cách ly trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Sở Y tế trong đó nêu rõ địa điểm, thời gian, vùng cách ly.

2. Tổ chức thực hiện

a) Công tác truyền thông trước khi thực hiện cách ly

- Tổ chức truyền thông bằng nhiều hình thức, tốt nhất là họp dân trực tiếp để quán triệt chủ trương, tuyên truyền, vận động toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo sự đồng thuận và ủng hộ việc thiết lập vùng cách ly y tế, cụ thể là:

- Truyền thông về mục đích, ý nghĩa, sự cần thiết của việc lập vùng cách ly y tế;

- Truyền thông, vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm công dân và trách nhiệm xã hội của mỗi người và mỗi gia đình trong việc thực hiện cách ly chống dịch.

- Phát động phong trào toàn thể nhân dân tham gia phòng chống dịch bệnh

b) Thiết lập chốt, trạm kiểm soát ra/vào vùng cách ly

- Khảo sát địa lý, địa hình, địa vật toàn vùng cách ly

- Vẽ sơ đồ toàn bộ đường chính, đường làng, lối mở, ngõ, ngách ra/vào vùng cách ly.

- Lập sơ đồ chốt, trạm kiểm soát tại tất cả đường chính, đường làng, lối mở, ngõ, ngách ra/vào vùng cách ly.

- Phân công và bố trí lực lượng tại các chốt/trạm kiểm soát.

- Thành phần chốt/trạm kiểm soát: huy động các lực lượng như cán bộ xã, cán bộ y tế, dân quân, các đoàn thể, công an, quân đội trong đó chốt trưởng là cán bộ công an.

- Nhiệm vụ của chốt/trạm kiểm soát:

+ Kiểm soát chặt chẽ và hạn chế tối đa người ra, người vào vùng cách ly. Người ra vào vùng cách ly phải được sự đồng ý của chính quyền địa phương.

+ Lập danh sách, đo thân nhiệt, quan sát tình trạng sức khỏe tất cả người được phép ra vào vùng cách ly.

+ Kiểm soát vật phẩm, động vật, thực phẩm và các hàng hóa khác có khả năng lây truyền dịch bệnh.

+ Kiểm soát, khử trùng toàn bộ phương tiện được phép ra/vào vùng cách ly.

c) Đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự trong vùng cách ly

- Chính quyền và các cơ quan chức năng triển khai các biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn, trật tự cho người dân trong vùng cách ly.

- Đảm bảo phòng chống cháy, nổ trong vùng cách ly.

- Không tổ chức các hoạt động, sự kiện tập trung đông người như vui chơi, giải trí, lễ hội, sự kiện ăn uống đông người.…trong vùng cách ly.

- Học sinh trong vùng cách ly nghỉ học trong suốt thời gian cách ly. Các học sinh, giáo viên, người lao động trong vùng cách ly học tập, làm việc bên ngoài vùng cách ly cũng phải được cho nghỉ và không đi ra ngoài vùng cách ly.

d) Đảm bảo an sinh xã hội trong vùng cách ly

Chính quyền và các cơ quan chức năng đảm bảo các nhu cầu thiết yếu về an sinh xã hội cho người dân trong vùng cách ly thông qua việc cung ứng, thiết lập các điểm bán hàng bình ổn giá trong khu vực cách ly thay cho việc họp chợ để cung cấp: Nhu yếu phẩm; Lương thực, thực phẩm; Năng lượng, xăng dầu; Thuốc chữa bệnh thiết yếu; Đảm bảo cung cấp điện, nước sạch …; Đảm bảo việc thu gom và xử lý rác thải sinh hoạt; Cung ứng các nguyên vật liệu khác như vật liệu xây dựng, vật liệu điện, nước và hỗ trợ sinh hoạt phí cho người dân trong vùng cách ly (nếu địa phương có điều kiện).

3. Thực hiện các hoạt động y tế phòng chống dịch trong vùng cách ly

a) Thiết lập hệ thống giám sát phát hiện chủ động bệnh dịch tại cộng đồng

- Lập danh sách toàn bộ các hộ gia đình và các thành viên gia đình trong vùng cách ly.

- Huy động nhân lực có thể là y tế thôn đội, trưởng thôn hoặc hội viên hội phụ nữ, hội cựu chiến binh, đoàn viên thanh niên tình nguyện trong xã chia làm các nhóm giám sát, ít nhất mỗi nhóm 2 người.

- Lập danh sách phân công các nhóm chịu trách nhiệm giám sát sức khỏe từng hộ gia đình. Mỗi nhóm phụ trách khoảng 40-50 hộ gia đình.

- Tổ chức tập huấn ngắn gọn về cách thức thực hiện giám sát tại hộ gia đình và giao nhiệm vụ cho tất cả các thành viên.

- Cung cấp các biểu mẫu giám sát, nhiệt kế, khẩu trang và dung dịch sát khuẩn tay cho các nhóm giám sát.

- Xây dựng bản tin ngắn phát trên loa truyền thanh hàng ngày “Thông báo cho người dân về hoạt động theo dõi sức khỏe hộ gia đình” để nhân dân biết và hợp tác.

- Cung cấp số điện thoại đường dây nóng báo dịch cho toàn thể nhân dân trong vùng cách ly biết để người dân chủ động thông báo khi bản thân hoặc người trong gia đình có biểu hiện nghi mắc bệnh.

- Hàng ngày, nhóm giám sát “rà từng ngõ, gõ từng nhà” thực hiện đo thân nhiệt, hỏi từng người tại hộ gia đình về tình hình sức khỏe để phát hiện ngay những người có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh. Ghi chép kết quả vào biểu mẫu giám sát, theo dõi sức khỏe hộ gia đình.

- Phân công cán bộ y tế tuyến trên cùng cán bộ y tế xã cắm chốt tại trạm y tế xã để nắm bắt thông tin về dịch bệnh và đảm bảo việc khám chữa bệnh, cấp cứu các bệnh thông thường cho nhân dân. Tại trạm y tế xã bố trí 2 xe cứu thương, một xe chuyên để chở bệnh nhân nghi ngờ mắc COVID-19 lên khu cách ly, một xe riêng để chuyên chở những bệnh nhân cấp cứu do các bệnh khác lên bệnh viện tuyến trên khi có yêu cầu.

- Khi phát hiện trường hợp nghi ngờ mắc bệnh tại hộ gia đình, nhóm giám sát cho bệnh nhân đeo khẩu trang và báo cáo ngay bằng điện thoại cho trạm y tế xã.

- Rà soát, lập danh sách toàn bộ những người tiếp xúc gần với ca bệnh xác định hoặc ca bệnh nghi ngờ.

- Trạm y tế xã báo cáo và phối hợp với y tế tuyến huyện đưa bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cũng như những người tiếp xúc gần đến cơ sở cách ly, điều trị và lấy mẫu bệnh phẩm theo quy định.

- Hàng ngày nhóm giám sát hộ gia đình tổng hợp báo cáo cuối ngày gửi cho trạm y tế xã. Trạm y tế xã tổng hợp báo cáo hàng ngày cho y tế tuyến huyện và Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh.

b) Tổ chức cách ly y tế

Trong vùng cách ly cần thực hiện các biện pháp cách ly y tế đối với cá nhân nghiêm ngặt hơn so với các nơi khác, cụ thể như sau:

- Ca bệnh xác định mắc COVID-19

Cho bệnh nhân cách ly nghiêm ngặt và điều trị tại cơ sở điều trị theo quy định của Bộ Y tế. Cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 nên là cơ sở điều trị chuyên biệt không chung với việc khám và chữa các bệnh thông thường khác.

- Nhóm tiếp xúc gần với ca bệnh xác định

+ Người sống trong cùng hộ gia đình với ca bệnh xác định

Đây là những người có nguy cơ rất cao bị lây bệnh nên cần phải được cách ly và theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt tại cơ sở Y tế trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Khu vực cách ly của người sống cùng hộ gia đình phải riêng biệt với khu điều trị bệnh nhân xác định. Sau 14 ngày nếu không có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển những người này về cách ly tại nhà thêm 7 ngày dưới sự theo dõi của trạm y tế xã và có sự cam kết của người được cách ly với chính quyền xã .

+ Người tiếp xúc gần khác (hàng xóm, bạn bè,…)

Đây cũng là những người có nguy cơ cao bị lây bệnh nên cần phải được cách ly và theo dõi chặt chẽ tại cơ sở cách ly tập trung trong 14 ngày có sự cam kết của người được cách ly với cơ sở cách ly. Sau 14 ngày nếu không có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh thì chuyển những người này về cách ly tại nhà thêm 7 ngày dưới sự theo dõi của trạm y tế xã và có sự cam kết của người được cách ly với chính quyền xã.

- Ca bệnh nghi ngờ mắc COVID-19

Cho bệnh nhân đeo khẩu trang và đưa đi cách ly ngay tại cơ sở điều trị. Bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh cần được sắp xếp cách ly ở khu riêng với khu điều trị bệnh nhân xác định.

+ Nếu bệnh nhân nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19 thì chuyển bệnh nhân sang điều trị và cách ly là ca bệnh xác định.

+ Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 thì chuyển bệnh nhân sang khu cách ly riêng để điều trị.

Sau 14 ngày cách ly, nếu không có bất cứ triệu chứng gì thì chuyển bệnh nhân từ cơ sở y tế về nhà và tiếp tục cách ly thêm 7 ngày nữa dưới sự theo dõi của trạm y tế xã và có sự cam kết của người được cách ly với chính quyền xã.

Sau 14 ngày, nếu vẫn còn triệu chứng thì lấy mẫu xét nghiệm lần 2, nếu âm tính với bệnh COVID-19 thì chuyển bệnh nhân sang điều trị như các bệnh thông thường khác.

Nếu bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm mùa: cho bệnh nhân đeo khẩu trang, chuyển bệnh nhân sang khu riêng điều trị bệnh cúm mùa để tránh lây nhiễm cúm mùa cho bệnh nhân khác cũng như cho cộng đồng. Tiếp tục điều trị, cách ly đủ 14 ngày.

- Nhóm tiếp xúc với ca bệnh nghi ngờ

+ Nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID-19: áp dụng cách ly như nhóm tiếp xúc với ca bệnh xác định.

+ Nếu ca bệnh nghi ngờ có kết quả xét nghiệm âm tính: cách ly tại nhà dưới sự giám sát chặt chẽ của trạm y tế xã trong vòng 14 ngày kể từ ngày tiếp xúc lần cuối với ca bệnh nghi ngờ.

- Hoạt động xử lý môi trường, khử trùng khu vực ổ dịch

+ Đối với hộ gia đình bệnh nhân COVID-19:

Cán bộ y tế trực tiếp xử lý môi trường, khử trùng tại nhà bệnh nhân: lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính các khu vực khác như khu bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà …

Tốt nhất nên đóng cổng/cửa nhà bệnh nhân không cho người ngoài ra vào nhà trong khi bệnh nhân và thành viên gia đình bệnh nhân đang được cách ly tại cơ sở y tế.

+ Đối với hộ gia đình liền kề xung quanh:

Các hộ liền kề xung quanh phải được khử trùng: lau nền nhà, tay nắm cửa, bàn ghế và bề mặt các đồ vật khác trong nhà bằng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

Phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính các khu vực khác như khu bếp, nhà vệ sinh, sân, xung quanh nhà …

+ Đối với hộ gia đình ca bệnh nghi ngờ: Xử lý như đối với ca bệnh xác định.

+ Đối với các khu vực khác:

Trụ sở ủy ban xã, trường học, trạm y tế, chợ… phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính.

Tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm, tiến hành phun khử trùng dung dịch khử trùng chứa 0,5% clo hoạt tính những nơi có nguy cơ ô nhiễm…

c) Tổ chức các hoạt động khám bệnh, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng cách ly

Trong thời gian cách ly, người dân trong vùng cách ly không ra khỏi vùng cách ly, do vậy ngành y tế phải bảo đảm công tác y tế thiết yếu, bao gồm: cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh thông thường, bệnh mạn tính, các dịch vụ y tế, tiêm chủng cho một số nhóm đối tượng đặc biệt, chăm sóc giảm nhẹ, v.v…Để bảo đảm cho công tác này, cần triển khai các hoạt động sau:

- Thiết lập tại trạm y tế xã/phường ở vùng cách ly một phòng khám bệnh đa khoa tạm thời trong đó phải phân làm 2 khu riêng biệt để tránh lây nhiễm, gồm: khu tiếp nhận, khám và cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19 và khu tiếp nhận, khám, cấp cứu các bệnh nhân thông thường khác. Ngay tại cổng trạm y tế cần có 1 bàn hướng dẫn và phân loại bệnh nhân ngay từ đầu và có biển chỉ dẫn rõ ràng. Tất cả các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, hắt hơi - sổ mũi - đau họng, khó thở đều phải được hướng dẫn sang khu tiếp nhận, khám và cách ly tạm thời các bệnh nhân nghi mắc bệnh COVID-19.

- Huy động nhân lực từ bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện về trạm y tế xã để thực hiện công tác khám bệnh, chữa bệnh, sơ cấp cứu thường trực 24/24h, gồm bác sĩ đa khoa, truyền nhiễm, sản khoa, chuyên khoa nội, nhi, điều dưỡng.

- Huy động và bổ sung trang thiết bị, phương tiện cần thiết:

+ Xe cứu thương: ít nhất có 02 xe cứu thương thường trực tại trạm y tế xã

+ Máy chụp Xquang di động (có thể huy động xe chụp Xquang lưu động), máy siêu âm, monitor theo dõi người bệnh, xét nghiệm nhanh đường máu; bổ sung thêm máy đo huyết áp, nhiệt kế điện tử và các phương tiện, dụng cụ thăm khám người bệnh bảo đảm sử dụng riêng cho người bệnh nghi nhiễm và người bệnh không thuộc diện nghi nhiễm;

- Bổ sung thuốc bảo đảm tối thiểu danh mục và số lượng thuốc đáp ứng nhu cầu khám bệnh, chữa bệnh các bệnh thường gặp, bệnh mạn tính ngay tại TYT xã, sử dụng Danh mục thuốc BHYT theo Thông tư số 39/2017/TT-BYT. Trung tâm y tế huyện chịu trách nhiệm cung ứng đủ thuốc cho Trạm y tế xã và mở cổng thanh toán bảo hiểm y tế ngay tại trạm y tế xã.

- Tổ chức triển khai công tác cấp cứu, điều trị cho người bệnh vượt khả năng điều trị của Trạm y tế xã lên bệnh viện tuyến tỉnh nhưng vẫn bảo đảm công tác cách ly y tế đối với người dân trong vùng được cách ly.

Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh, cần bố trí một khu vực điều trị cách ly riêng để cấp cứu, hồi sức, điều trị, phẫu thuật, thận nhân tạo v.v.... cho những bệnh nhân từ vùng cách ly chuyển lên. Khu điều trị cách ly có 30 giường bệnh đa khoa. Bệnh viện Phụ sản và các Bệnh viện chuyên khoa khác cần bố trí khu vực cách ly riêng theo chức năng nhiệm vụ để sẵn sàng tiếp nhận bệnh nhân từ vùng cách ly chuyển lên. Trong trường hợp không thể bố trí buồng phẫu thuật tại đây, phải bố trí buồng phẫu thuật riêng cho người bệnh của vùng cách ly ở Khoa Phẫu thuật của bệnh viện. Khoa Thận nhân tạo cũng nên có buồng riêng cho người chạy thận là người dân của vùng cách ly. Người bệnh vượt quá khả năng điều trị tại Trạm y tế xã được vận chuyển về khu vực điều trị cách ly của Bệnh viện tuyến tỉnh bằng xe ô tô cứu thương cả chiều đi và chiều về. Thống nhất quy trình chuyển người bệnh lên bệnh viện tuyến tỉnh điều trị và các đầu mối thông tin liên lạc, bảo đảm sự phối hợp đồng bộ.

- Bảo đảm một số dịch vụ y tế thiết yếu khác:

Chuyển việc cấp Methadon, thuốc ARV từ tuyến huyện về phục vụ ngay tại trạm y tế xã. Liên hệ với các bệnh viện tuyến trên để cung ứng kịp thời các thuốc đặc thù đối với người bệnh của vùng cách ly đang được quản lý, điều trị các bệnh mạn tính không lây nhiễm và các bệnh mạn tính khác, chăm sóc giảm nhẹ tại bệnh viện tuyến trên. Trung tâm y tế huyện phối hợp với Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh cung ứng dịch vụ tiêm chủng đối với một số dịch vụ tiêm chủng không thể trì hoãn như: tiêm phòng uốn ván cho bà mẹ mang thai, tiêm phòng bệnh dại. Tạm hoãn việc tiêm chủng thường xuyên trong tháng tại vùng cách ly cho đến khi hết thời gian cách ly để tránh ảnh hưởng của các phản ứng sau tiêm chủng tới công tác giám sát và phòng chống dịch tại vùng cách ly.

d) Bảo đảm công tác kiểm soát phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị

Mục tiêu: Không để lây nhiễm cho nhân viên y tế, không lây nhiễm sang người bệnh khác và không lây ra cộng đồng, công tác phòng ngừa và kiểm soát lây nhiễm tại Trạm y tế, cơ sở cách ly điều trị người bệnh là vô cùng quan trọng, đối với từng cơ sở (trạm y tế, bệnh viện, đơn vị thu dung điều trị người bệnh) cần triển khai một số công việc sau:

- Rà soát, đánh giá lại toàn bộ các điều kiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn tại TYT xã, cơ sở thu dung điều trị người bệnh và người nghi nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nơi thu dung điều trị người bệnh.

- Sau khi rà soát, lập danh mục các trang bị, phương tiện cần thiết cho công tác kiểm soát nhiễm khuẩn. Sở Y tế bổ sung ngay các phương tiện còn thiếu đồng thời huy động sự hỗ trợ từ các bệnh viện trung ương và các đơn vị khác nếu cần.

- Tổ chức tập huấn chi tiết về kiểm soát lây nhiễm cho nhân viên y tế của các đơn vị Trạm y tế xã, cơ sở thu dung điều trị người bệnh và người nghi nhiễm, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh nơi thu dung điều trị người bệnh.

- Mỗi đơn vị cử 01 cán bộ có năng lực, có trách nhiệm cao làm giám sát viên chuyên về kiểm soát nhiễm khuẩn được tập huấn về công tác giám sát kiểm soát nhiễm khuẩn dưới sự chỉ đạo của chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn.

- Chuyên gia kiểm soát nhiễm khuẩn trực tiếp kiểm tra thực hành kiểm soát lây nhiễm tại các đơn vị.

Qua kiểm tra, giám sát, đánh giá năng lực thực hành và sự thay đổi trong nhận thức, thái độ và thực hành kiểm soát lây nhiễm của nhân viên y tế.

Để phòng chống lây nhiễm tại cơ sở điều trị bệnh nhân COVID-19 được đảm bảo, cần phân khu để tiếp nhận điều trị và cách ly các nhóm bệnh nhân một cách riêng biệt, cụ thể như sau:

(1) Khu vực cách ly đặc biệt điều trị các ca bệnh xác định mắc COVID-19.

(2) Khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ mắc bệnh đang chờ kết quả xét nghiệm.

(3) Khu vực cách ly bệnh nhân nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-COV-2.

(4) Khu vực cách ly điều trị bệnh nhân nghi ngờ đã có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm mùa.

(5) Khu vực bệnh nhân xác định mắc COVID-19 đã hoàn thành điều trị được theo dõi và hồi phục sức khỏe chờ ra viện (hết triệu chứng lâm sàng, xét nghiệm 2 lần âm tính cách nhau ít nhất 1 ngày).

e) Hoạt động truyền thông phòng chống dịch trong vùng cách ly

- Truyền thông vận động nhân dân về vai trò, trách nhiệm của mỗi người dân cần đóng góp cho công tác phòng chống dịch COVID-19, đặc biệt trong việc đồng thuận thực hiện cách ly tại vùng dịch.

- Cập nhật tình hình dịch bệnh tại địa phương, đảm bảo bám sát diễn biến của dịch bệnh truyền thông cho người dân địa phương trong các xã, thôn, xóm để ổn định tình hình của bà con trên địa bàn.

- Truyền thông về sự vào cuộc tích cực của các các cấp ủy đảng, chính quyền, ngành Y tế trong việc chủ động triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để nhân dân yên tâm.

- Tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn xã, cụ thể: Truyền thông rộng rãi các văn bản chỉ đạo; hướng dẫn việc phòng, chống, ứng phó với dịch bệnh của ngành y tế; các khuyến cáo phòng, chống dịch bệnh đến từng xã, thôn, xóm và từng người dân địa phương.

- Phổ biến kiến thức; phát tờ rơi, cung cấp tài liệu hướng dẫn phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và hướng dẫn các hộ gia đình về cách phòng, chống dịch bệnh.

- Phối hợp quản lý các tin đồn, thông tin thiếu chính xác về tình hình dịch bệnh tại địa phương, ngăn chặn kịp thời các thông tin sai lệch.

- Nêu gương một số cá nhân, hộ gia đình tiêu biểu nghiêm chỉnh thực hiện đúng, đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, cũng như cách ly tại địa phương.

- Thông báo cho cộng đồng yêu cầu những người nghi mắc bệnh truyền nhiễm nói chung và người nghi mắc COVID-19 nói riêng trong vùng cách ly chỉ đi khám bệnh ban đầu tại trạm y tế,không tự ý đi khám bệnh vượt tuyến ra bên ngoài xã.

4. Kiểm tra, giám sát

Mỗi thôn thành lập 1 đội liên ngành với thành viên gồm cán bộ chính quyền, đại diện một số đoàn thể của xã hàng ngày đi kiểm tra, giám sát, đôn đốc, tuyên truyền công tác phòng chống dịch tại tất cả các thôn, xóm.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức thực hiện khoanh vùng, cách ly vùng có dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, yêu cầu các Sở, ban, ngành của tỉnh; UBND các huyện, thành phố căn cứ diễn biến tình hình bệnh dịch triển khai thực hiện./.


Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Ủy ban MTTQVN tỉnh;
- Các Ban của Đảng, Văn phòng Tỉnh ủy;
- Đảng ủy: Khối các cơ quan tỉnh, Khối DN;
- Các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội;
- Các Sở, Ban, Ngành của tỉnh;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- UBND các huyện, TP;
- Đài PT-TH tỉnh, Báo Nam Định;
- Lưu: VP1, VP7.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Lê Đoài

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 23/KH-UBND ngày 18/03/2020 tổ chức thực hiện khoanh vùng, cách ly vùng có dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh Nam Định

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


91

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.105.230
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!