Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Kế hoạch 100/KH-UBND 2022 chiến dịch tiêm vắc xin Covid19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi Vĩnh Phúc

Số hiệu: 100/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Vĩnh Phúc Người ký: Vũ Việt Văn
Ngày ban hành: 15/04/2022 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH PHÚC
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 100/KH-UBND

Vĩnh Phúc, ngày 15 tháng 4 năm 2022

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI CHIẾN DỊCH TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 CHO TRẺ EM TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC

I. CĂN CỨ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH

Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 03/2007/QH12 ngày 21/11/2007; Luật Dược 105/2016/QH13 ngày 06/4/2016;

Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Nghị quyết số 14/NQ-CP ngày 05/02/2022 của Chính phủ về mua vắc xin phòng COVID-19 của Pfizer cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; Nghị quyết số 58/NQ-CP ngày 08/6/2021 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2021;

Thông báo số 73/TB-VPCP ngày 15/3/2022 của Văn phòng Chính phủ về việc thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên họp lần thứ 13 Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 trực tuyến các địa phương về công tác phòng, chống dịch;

Thông tư số 34/2018/TT-BYT ngày 12/11/2018 của Bộ Y tế quy định chi tiết một số điều của Nghị định 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về hoạt động tiêm chủng;

Quyết định số 3355/QĐ-BYT ngày 08/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022; Quyết định số 3518/QĐ-BYT ngày 20/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành Tiêu chí cơ sở an toàn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc Ban hành hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; Quyết định số 5002/QĐ-BYT ngày 29/10/2021 của Bộ Y tế về việc ban hành hướng dẫn sửa đổi, bổ sung Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đối với trẻ em; Quyết định số 457/QĐ-BYT ngày 01/3/2022 của Bộ Y tế về việc sửa đổi Điều 1 Quyết định số 2908/QĐ-BYT ngày 12/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch COVID-19;

Văn bản số 5971/BYT-KHTC , ngày 26/7/2021 của Bộ Y tế về việc làm rõ một số nội dung được quy định tại Nghị quyết số 48/NQ-CP và Nghị quyết số 58/NQ-CP của Chính phủ về chế độ đặc thù trong phòng chống dịch COVID-19; Văn bản số 1535/BYT-DP ngày 28/3/2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; Văn bản số 1848/BYT-DP ngày 13/4/2022 của Bộ Y tế về việc tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người đã mắc COVID-19;

Quyết định số 796/QĐ-BYT ngày 31/3/2022 về việc sửa đổi điều 1 Quyết định số 3122/QĐ-BYT ngày 28/6/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt có điều kiện vắc xin cho nhu cầu cấp bách trong phòng chống dịch bệnh COVID-19.

II. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

1.1. Mục tiêu chung

Tăng diện bao phủ vắc xin phòng COVID-19 trong cộng đồng để chủ động phòng, chống dịch COVID-19.

1.2. Mục tiêu cụ thể

- Trên 90% trẻ từ 5 tuổi đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế được tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên quy mô xã/phường/thị trấn.

- Đảm bảo an toàn tiêm chủng, khi sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

2. Yêu cầu

- Công khai minh bạch danh sách đối tượng tiêm theo đúng quy định.

- Đảm bảo an toàn và chất lượng tiêm chủng theo quy định tại Nghị định số 104/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ.

- Triển khai tiêm tổ chức tiêm ngay sau khi tiếp nhận vắc xin, đảm bảo đúng tiến độ, đảm bảo an toàn phòng chống dịch cho các lực lượng tham gia tiêm chủng.

- Huy động sự vào cuộc của tất cả các cấp ủy Đảng, Chính quyền, các tổ chức chính trị xã hội, các Sở, ban, ngành, Đoàn thể…tham gia chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

III. ĐỐI TƯỢNG, THỜI GIAN, PHẠM VI, PHƯƠNG THỨC, LOẠI VẮC XIN TRIỂN KHAI

1. Đối tượng

Tất cả trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh, bao gồm: Trẻ em đi học tại các trường học và trẻ em không đi học, có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất và hướng dẫn của Bộ Y tế.

2. Thời gian: Từ quý II năm 2022 theo các đợt phân bổ của Bộ Y tế.

3. Phạm vi triển khai: Trên quy mô toàn tỉnh tại 100% các xã/phường.

4. Phương thức triển khai

- UBND các huyện, thành phố/Ban chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện chịu trách nhiệm chủ trì triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức theo hình thức tiêm chủng chiến dịch tại các cơ sở tiêm chủng cố định, tại điểm tiêm lưu động.

+ Tổ chức điểm tiêm chủng lưu động: đối tượng tiêm cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi theo lứa tuổi từ cao đến thấp, triển khai trước cho nhóm tuổi học lớp 6, sau đó sẽ triển khai đến học sinh học lớp 5,4,3,2,1, tiếp đến triển khai tiêm cho nhóm trẻ mầm non.

+ Tổ chức điểm tiêm chủng cố định: tại Trạm Y tế, các cơ sở tiêm chủng.

- Dự kiến tổng số trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc là 174.007 trẻ (chi tiết phụ lục đính kèm).

5. Loại vắc xin triển khai: Vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế phê duyệt sử dụng cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi; Liều lượng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

IV. NỘI DUNG HOẠT ĐỘNG

1. Điều tra và đăng ký đối tượng

1.1 Điều tra, lập danh sách đối tượng

Các địa phương tổ chức lập danh sách đối tượng tiêm bao gồm tất cả trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, thống kê số lượng trẻ được cha mẹ phụ huynh đồng ý tham gia tiêm chủng đang có mặt tại địa phương (Mốc tính tuổi: Đủ ngày, đủ tháng, đủ năm tính đến thời điểm tiêm chủng).

- Trẻ đi học: Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chủ trì phối hợp Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với ngành y tế, công an và các đơn vị liên quan thống kê, lập danh sách trẻ đi học tại các trường học, lập danh sách theo từng lớp học.

- Trẻ không đi học:

+ UBND cấp huyện chỉ đạo Ban chỉ đạo cấp xã thống kê, lập danh sách trẻ trong độ tuổi tiêm, bao gồm cả trẻ vãng lai, lang thang cơ nhỡ không có hộ khẩu thường trú nhưng có mặt tại địa phương trong thời gian tiêm chủng. Chú ý rà soát tại các khu công nghiệp/cụm dân cư giáp ranh…

+ UBND huyện, thành phố chủ trì phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo tổng hợp và lập danh sách toàn bộ học sinh tại các trại giáo dưỡng, trung tâm bảo trợ xã hội có trẻ trong độ tuổi 5 đến dưới 12 tuổi để tránh bỏ sót đối tượng.

Lưu ý: Lập riêng danh sách những trẻ đã từng mắc COVID-19, thời gian mắc, thông báo cho ngành Y tế để thực hiện tiêm chủng theo hướng dẫn cập nhật của Bộ Y tế.

Ban Chỉ đạo triển khai chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện chịu trách nhiệm trong công tác rà soát và lập danh sách đối tượng cần tiêm chủng trên địa bàn và đề xuất nhu cầu vắc xin. Trưởng ban chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo nếu sai số lượng trẻ dẫn đến thiếu/thừa vắc xin triển khai tiêm chủng.

1.2. Đăng ký đối tượng

- Trên cơ sở danh sách đối tượng đã được điều tra, thông báo/gửi giấy mời cho từng đối tượng, cha mẹ/phụ huynh/người giám hộ từ 3 - 5 ngày trước ngày triển khai chiến dịch, bao gồm đầy đủ thông tin ngày, giờ, địa điểm tiêm vắc xin.

- Hướng dẫn cha mẹ/phụ huynh/người giám hộ đọc kỹ thông tin và ký vào phiếu đồng ý tiêm chủng và chủ động thông báo cho giáo viên, cán bộ y tế tình trạng sức khỏe của trẻ như: đang ốm, sốt, tiền sử bệnh lý (đặc biệt lưu ý tiền sử mắc COVID-19 của trẻ), tiền sử dị ứng, dị tật bẩm sinh…

2. Tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản, phân phối vắc xin và vật tư

- Các đơn vị y tế các tuyến tỉnh, huyện chuẩn bị đầy đủ các điều kiện dây chuyền lạnh để sẵn sàng tiếp nhận vắc xin phòng COVID-19 từ các nguồn cung ứng. Sử dụng hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của hệ thống tiêm chủng mở rộng để vận chuyển, bảo quản vắc xin, vắc xin phải được bảo quản ở nhiệt độ từ 2°C đến 8°C trong toàn bộ quá trình tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển ở tất cả các tuyến.

- Các kho bảo quản vắc xin tại tuyến tỉnh và huyện đảm bảo đạt tiêu chuẩn GSP theo Thông tư 36/2018/TT-BYT ngày 22/11/2018 của Bộ Y tế quy định về thực hành tốt bảo quản thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

- Các đơn vị có đủ dây chuyền lạnh thực hiện bảo quản vắc xin tại đơn vị trong những ngày tổ chức tiêm chủng. Đối với các đơn vị chưa có đủ hệ thống dây chuyền lạnh: Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế tuyến huyện cấp bổ sung hoặc huy động tạm thời hòm lạnh, phích vắc xin cho các đơn vị để triển khai chiến dịch, vắc xin còn tồn cuối đợt tiêm tại các đơn vị phải tạm thời bảo quản tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh/Trung tâm Y tế tuyến huyện và thông báo cho Sở Y tế để điều phối.

- Trong trường hợp hệ thống dây chuyền lạnh sẵn có của tiêm chủng mở rộng không đáp ứng nhu cầu vận chuyển, bảo quản vắc xin, Sở Y tế đề xuất phương án huy động hệ thống dây chuyền lạnh của các cơ sở tiêm chủng dịch vụ công lập và tư nhân trên toàn tỉnh tham gia việc bảo quản vắc xin để triển khai chiến dịch.

- Căn cứ vào loại vắc xin, số lượng vắc xin được Bộ Y tế phân bổ về tỉnh theo từng đợt, căn cứ diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn và nhu cầu đăng ký của các địa phương, Sở Y tế ra quyết định phân bổ vắc xin tới các địa phương, đơn vị.

3. Tập huấn cho cán bộ y tế về triển khai vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em

- Đơn vị triển khai: Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

- Đối tượng tập huấn: Cán bộ thực hiện công tác tiêm chủng của các cơ sở tiêm chủng trên địa bàn tỉnh.

- Nội dung tập huấn: Phổ biến kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc; Tổ chức đào tạo, đào tạo lại cho cán bộ y tế về các nội dung: Hướng dẫn tổ chức buổi tiêm chủng Vắc xin phòng COVID-19, hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, xử lý phản ứng sau tiêm chủng,… và cập nhật các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế và các cơ quan có thẩm quyền.

4. Tổ chức tiêm chủng

Tổ chức buổi tiêm chủng theo hướng dẫn tại Quyết định số 3588/QĐ-BYT ngày 26/7/2021 và Quyết định số 43/QĐ-BYT ngày 07/01/2022 của Bộ Y tế (các văn bản thay thế khác nếu có) trong đó lưu ý các nội dung sau:

4.1. Tổ chức điểm tiêm chủng lưu động tại trường học/tại cộng đồng cho đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng

- Bố trí, sắp xếp khu vực điểm tiêm chủng đủ rộng, theo quy tắc một chiều, đảm bảo khoảng cách giữa các bàn/vị trí tiêm chủng để phòng chống dịch theo thứ tự như sau: Bàn đón tiếp, hướng dẫn → Khu vực chờ trước tiêm chủng → Bàn khám sàng lọc và tư vấn trước tiêm chủng → Bàn tiêm chủng → Bàn ghi chép, vào sổ tiêm chủng → Khu vực theo dõi và xử lý tai biến sau tiêm chủng.

- Số buổi tiêm chủng tại mỗi điểm tiêm phụ thuộc vào số đối tượng; đối với điểm tiêm tại trường học cần tổ chức cuốn chiếu theo từng lớp, theo từng tổ để tránh gây mất trật tự, nhầm lẫn giữa trẻ đã tiêm và trẻ chưa được tiêm, hạn chế phản ứng lan truyền do sợ tiêm.

- Đảm bảo đầy đủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại các điểm tiêm chủng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

4.2. Tổ chức tiêm tại Bệnh viện, Trung tâm Y tế cho đối tượng cần thận trọng trong tiêm chủng, đối tượng đã từng mắc COVID-19

Triển khai tiêm cho các đối tượng cần thận trọng tiêm chủng, đối tượng đã từng mắc COVID-19 tại Bệnh viện, Trung tâm y tế theo quy định Bộ Y tế.

4.3. Tổ chức tiêm vét

Sau mỗi buổi tiêm, Ban chỉ đạo cấp xã, cơ sở tiêm chủng phối hợp với giáo viên chủ nhiệm tại các trường học, y tế thôn bản tiến hành rà soát đối tượng chưa được tiêm. Lập danh sách các đối tượng bị sót thông báo trên loa truyền thanh hoặc thông báo trực tiếp đến từng đối tượng, cha mẹ/phụ huynh/người giám hộ tuyên truyền vận động đối tượng đến các điểm tiêm chủng để thực hiện tiêm chủng.

- Đảm bảo kết quả tiêm chủng đạt trên 90% số đối tượng trẻ em đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định của Bộ Y tế trong chiến dịch trên quy mô xã.

5. Đảm bảo an toàn tiêm chủng

- Các Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Bệnh viện Sản - Nhi và Trung tâm Y tế các huyện, thành phố tổ chức các đội cấp cứu tại đơn vị mình và hỗ trợ cho các điểm tiêm chủng (tại các Trạm Y tế, các điểm tiêm chủng lưu động), đặc biệt là các xã ở các vùng đi lại khó khăn, ít nhất 01 đội cấp cứu lưu động tại mỗi cụm 3 - 4 điểm tiêm chủng. Trong thời gian triển khai tiêm chủng COVID-19, Bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh phải dự phòng một số giường bệnh hồi sức tích cực nhất định (để trống tối thiểu 5 giường/Bệnh viện) để sẵn sàng xử trí trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng.

+ Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện thường trực cấp cứu trên địa bàn toàn tỉnh, phụ trách cấp cứu cho huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Yên Lạc.

+ Bệnh viện Sản nhi phụ trách hỗ trợ cấp cứu cho huyện Sông Lô, Tam Đảo, Lập Thạch.

+ Bệnh viện Đa khoa khu vực Phúc Yên phụ trách hỗ trợ cấp cứu cho huyện Bình Xuyên, Phúc Yên, Tam Dương.

- Các cơ sở tiêm chủng khác (Trạm Y tế, Bệnh viện, Bệnh xá, cơ sở y tế... thuộc các Bộ, ngành, cơ sở tiêm chủng dịch vụ...) phải bố trí trang thiết bị, phương tiện xử trí cấp cứu tại chỗ và phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

- Thường xuyên cập nhật kiến thức, tập huấn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng cho cán bộ y tế tham gia công tác tiêm chủng.

- Thực hiện khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.

- Phải thực hiện 5K, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

6. Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Triển khai sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Nền tảng bao gồm 4 thành phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn; (2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; (4) Ứng dụng số sức khỏe điện tử, cụ thể như sau:

6.1. Quản lý đối tượng tiêm chủng

- Thông tin về đăng ký tiêm chủng, kế hoạch tiêm chủng, lịch tiêm chủng và các nội dung truyền thông đại chúng liên quan được thông báo, cập nhật liên tục cho đối tượng trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Việc đăng ký tiêm chủng và khai báo y tế, cập nhật phản ứng sau tiêm được thực hiện qua các hình thức: ứng dụng “Sổ sức khỏe điện tử” trên di động, cổng thông tin.

- Trong trường hợp nguồn vắc xin phân bổ hạn chế, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng, xếp lịch tiêm chủng theo giờ phải được thực hiện trước khi thông báo cho đối tượng đăng ký tiêm. Trong trường hợp đảm bảo đủ vắc xin, việc lập danh sách đối tượng tiêm chủng được thực hiện sau khi thông báo cho đối tượng đăng ký tiêm trong trường hợp đủ số lượng liều vắc xin cho tiêm chủng đại trà.

6.2. Quản lý cơ sở tiêm chủng

- Công khai và cập nhật thường xuyên thông tin vị trí, số bàn tiêm, thông tin người phụ trách trên cổng thông tin của chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại địa chỉ https://tiemchungcovid19.gov.vn

- Cơ sở tiêm chủng phải cập nhật thông tin số lượng liều vắc xin được nhập, số lượng tiêm được, số liệu tồn theo ngày và số liệu này phải được cập nhật trên trang thông tin chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, cập nhật trực tuyến tra cứu theo cơ sở tiêm về kết quả số lượng đối tượng được tiêm, số lượng hoãn tiêm và số lượng được cấp chứng nhận tiêm chủng (lần 1 và lần 2 nếu có).

6.3. Quản lý tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản vắc xin

- Báo cáo và cập nhật báo cáo của Ban chỉ đạo chiến dịch về số liều vắc xin được phân bổ và thông tin cơ sở làm căn cứ phân bổ cho các địa phương. Tổng hợp báo cáo của các địa phương về kế hoạch phân bổ số lượng liều vắc xin đối với từng đợt phân bổ của Ban chỉ đạo chiến dịch.

- Hệ thống phục vụ chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, cập nhật trực tuyến thông tin về số lượng và thời điểm nhập, xuất, nhập lại các liều vắc xin tra cứu theo số lô của nhà sản xuất của các tổng kho và các kho liên quan trong hệ thống tiếp nhận, bảo quản và vận chuyển do Ban chỉ đạo quy định.

- Các đơn vị, cơ sở y tế liên quan đến tiếp nhận, vận chuyển, bảo quản thực hiện cập nhật thông tin, số lượng, báo cáo trên nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19.

6.4. Quản lý buổi tiêm chủng

Trong quá trình thực hiện, thông tin liên quan đến các bước cần được cập nhật trực tiếp lên phân hệ hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng của nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 theo bốn bước: Tiếp đón/khám sàng lọc và xác nhận đủ điều kiện tiêm/tiêm và theo dõi sau tiêm/cấp giấy xác nhận.

7. Truyền thông

- Thực hiện trước khi triển khai để đảm bảo các bảo các bậc cha mẹ biết cụ thể về sự cần thiết của việc tiêm vắc xin COVID-19 cho đối tượng trẻ em, tính an toàn của vắc xin, các phản ứng sau tiêm có thể gặp và cách xử trí, địa điểm và ngày giờ được tổ chức ở địa phương.

- Thông báo cho các thầy cô giáo về công tác tổ chức triển khai, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng và liên hệ với cán bộ Y tế khi cần thiết. Phối hợp với nhà trường, các thầy cô giáo trong truyền thông cho các bậc phụ huynh.

- Tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Thực hiện Chiến dịch truyền thông trên mạng xã hội về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; tổ chức các hoạt động truyền thông trên mạng xã hội và các loại hình truyền thông ứng dụng internet về Chiến dịch.

- In các Poster treo tại các điểm tiêm chủng, và in các tờ rơi hướng dẫn chăm sóc sau tiêm, giám sát phản ứng sau tiêm để phát cho cha mẹ hoặc người giám hộ của trẻ.

8. Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư 20/2021/TT-BYT ngày 26/11/2021 của Bộ Y tế về việc Quy định về quản lý chất thải y tế trong phạm vi khuôn viên cơ sở y tế và các văn bản có liên quan.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

9. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Thực hiện kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch.

- Ban chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh, Ban chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện, Sở Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.

- Chỉ đạo đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

10. Báo cáo kết quả tiêm chủng

- Báo cáo kết quả tiêm chủng hàng ngày và báo cáo kết thúc chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với báo cáo kết quả tiêm chủng theo quy định.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.

V. KINH PHÍ

- Ngân sách Trung ương: Vắc xin, một số vật tư tiêm chủng như bơm kim tiêm vắc xin, pha vắc xin, hộp an toàn; Phối hợp với các địa phương vận chuyển vắc xin đến kho của tỉnh hoặc đến các điểm tiêm; Các hoạt động tập huấn cho tuyến tỉnh.

- Ngân sách địa phương: Chi phí vận chuyển vắc xin từ kho của tỉnh đến các điểm tiêm (trong trường hợp Bộ Y tế chỉ chuyển đến kho của tỉnh); Trang thiết bị bảo quản vắc xin theo quy định; Chi phí tổ chức chiến dịch tiêm chủng, bao gồm: chi bồi dưỡng cho các kíp tiêm chủng, các vật tư tiêu hao (ngoài vật tư do Bộ Y tế bảo đảm), chi phí về điện, nước, nhiên liệu, xử lý chất thải y tế và vệ sinh môi trường trực tiếp cho việc thực hiện dịch vụ tiêm chủng,...; Các hoạt động tập huấn cho Trung tâm y tế huyện, các điểm tiêm chủng trên địa bàn; Các hoạt động truyền thông trên địa bàn tỉnh; Kinh phí mua vắc xin (đối với các vắc xin do tỉnh tự mua);…

VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh

Chỉ đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện tổ chức triển khai chiến dịch tiêm vắc xin trên địa bàn toàn tỉnh.

Căn cứ số lượng vắc xin phòng COVID-19 được Bộ Y tế cung cấp, giao Phó trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 tỉnh phê duyệt kế hoạch triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 từng đợt để đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, đạt tiến độ kế hoạch đề ra.

2. Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai Kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

- Căn cứ số lượng vắc xin được cấp, xây dựng kế hoạch cụ thể triển khai hoạt động tiếp nhận, bảo quản, sử dụng vắc xin phòng COVID-19 theo từng đợt phân bổ của Bộ Y tế.

- Lập dự toán kinh phí triển khai tiêm vắc xin COVID-19, gửi Sở Tài chính thẩm định để trình UBND tỉnh phê duyệt đối với các nội dung chi do Ngân sách cấp tỉnh đảm bảo.

- Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan trong việc phân bổ vắc xin đến các điểm tiêm chủng.

- Chỉ đạo đơn vị y tế tuyến tỉnh đủ điều kiện tiêm chủng chịu trách nhiệm tổ chức tiêm chủng cho các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;

- Chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Sản - Nhi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Bệnh viện Hữu nghị Lạc Việt, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố chuẩn bị sẵn sàng nhân lực hỗ trợ Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện (khi có đề xuất) triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý đảm bảo an toàn, hiệu quả và tiến độ triển khai.

- Chỉ đạo các đơn vị trong ngành Y tế tập trung nguồn lực triển khai tiêm chủng vắc xin để đạt được mục tiêu và đảm bảo an toàn, hiệu quả: Tổ chức rà soát nhân lực cán bộ y tế, tập huấn đào tạo mới, đào tạo lại cho 100% lực lượng (bao gồm cả khối tư nhân, lực lượng y tế đã nghỉ hưu tình nguyện viên) tham gia tiêm chủng; rà soát, điều phối, mua sắm vật tư, dụng cụ, trang thiết bị và hệ thống dây truyền lạnh để tiếp nhận, bảo quản vắc xin.

- Chỉ đạo các đơn vị điều trị, đặc biệt là Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Đa khoa khu vực Phúc Yên, Sản - Nhi, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, các cơ sở tiêm chủng chuẩn bị các phương án đảm bảo sẵn sàng cấp cứu, xử lý tai biến, đảm bảo an toàn trong tiêm chủng, bố trí các đội cấp cứu lưu động sẵn sàng hỗ trợ các điểm tiêm chủng xử lý các trường hợp tai biến nặng sau tiêm.

- Phối hợp với các cơ quan truyền thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện tuyên truyền về chiến dịch trên các phương tiện truyền thông đại chúng; phối hợp với các cấp, các ngành, đoàn thể tổ chức lồng ghép truyền thông tại cộng đồng.

- Chỉ đạo hệ thống y tế các tuyến tổ chức các buổi tư vấn, tuyên truyền vận động, động viên động viên phụ huynh/người giám hộ đồng ý cho con tham gia tiêm chủng, hướng dẫn phụ huynh/người giám hộ cách theo dõi, phát hiện các sự cố có thể xảy ra sau tiêm vắc xin phòng COVID-19 để được xử trí, điều trị kịp thời.

- Tổ chức giám sát trước, trong và sau chiến dịch tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh, kịp thời phát hiện những tồn tại, hạn chế để có phương án điều chỉnh cho phù hợp, những vấn đề vượt thẩm quyền phải báo cáo UBND tỉnh để chỉ đạo, giải quyết.

- Chuẩn bị sẵn sàng phương án trong trường hợp số lượng vắc xin quá lớn, hệ thống dây chuyền lạnh, các trang thiết bị y tế bị hỏng cần bổ sung thêm để phục vụ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Báo cáo, đề xuất UBND tỉnh kịp thời để tiến hành mua sắm theo quy định.

- Tổng hợp kết quả tiêm vắc xin phòng, chống COVID-19 theo từng giai đoạn, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

- Thanh quyết toán, tổng hợp báo cáo kinh phí do ngân sách tỉnh cấp cho ngành y tế theo đúng hướng dẫn của Sở Tài chính và chế độ hiện hành.

3. Sở Tài chính

Tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí cho kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.

4. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Chủ trì phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế, UBND các huyện, thành phố tuyên truyền ý nghĩa, lợi ích của hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đến đội ngũ cán bộ, giáo viên, vận động phụ huynh cho con em tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo Phòng Giáo dục & Đào tạo, các nhà trường rà soát, lập danh sách học sinh trong độ tuổi quy định theo lộ trình tiêm chủng của ngành y tế (không phân biệt công lập và ngoài công lập). Đồng thời rà soát hiện trạng của từng trường học phối hợp với cơ quan y tế trên địa bàn lựa chọn điểm tiêm phù hợp, đảm bảo đủ diện tích để bố trí các khu vực theo quy định; Thường xuyên điều tra, cập nhật và rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.

- Chỉ đạo các nhà trường huy động đội ngũ giáo viên, nhân viên của các trường học tham gia hỗ trợ công tác tiêm chủng tại trường:

+ Rà soát, lập danh sách quản lý thông tin theo từng lớp học.

+ Lấy ý kiến của cha mẹ phụ huynh học sinh về việc đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

+ Truyền thông vận động phụ huynh đồng thuận cho trẻ tiêm chủng.

+ Hỗ trợ công tác tổ chức tại điểm tiêm: tiếp đón, điều phối đảm bảo khoảng cách, mời trẻ và phụ huynh đến tiêm theo khung giờ đảm bảo tránh ùn tắc, tập trung vào cùng một thời điểm, nhập liệu tiêm chủng…

- Phối hợp tổ chức kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại các trường học.

5. Sở Lao động, Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, chỉ đạo Trung tâm Công tác xã hội và Bảo trợ xã hội thực hiện thống kê, lập danh sách trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi; phối hợp với chính quyền địa phương, ngành Y tế, ngành Công an để hoàn thiện đầy đủ thông tin cho đối tượng tiêm chủng.

- Thường xuyên điều tra, cập nhật và rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng.

- Lấy ý kiến của cha mẹ hoặc người giám hộ về việc đồng ý tham gia tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Chịu trách nhiệm rà soát, thống kê, lập danh sách đối tượng trong độ tuổi quy định theo thứ tự ưu tiên tiêm chủng, lộ trình của ngành Y tế.

4. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì phối hợp với Sở Y tế, các cơ quan truyền thông tổ chức triển khai tuyên truyền cho phụ huynh, học sinh về các thông tin liên quan đến việc triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn tỉnh.

- Chủ trì phối hợp với ngành y tế, các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong việc quản lý, triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông phối hợp với ngành y tế để triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng phần mềm hồ sơ quản lý sức khỏe cá nhân cho tiêm chủng; xây dựng hệ thống chứng nhận tiêm chủng.

- Phối hợp với các đơn vị y tế trong việc tổ chức triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo chức năng nhiệm vụ được giao.

5. Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Vĩnh Phúc; Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch

- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Y tế thực hiện truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh các nội dung thông tin hỗ trợ cho công tác tiêm chủng.

- Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch phối hợp với Sở Y tế tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện cổ động trực quan, băng rôn, biển, bảng,… về chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh.

6. Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh

- Duy trì Văn phòng thường trực chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 tại tỉnh, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên và thiết lập cơ chế vận hành của Văn phòng.

- Ứng trực 24/7 để theo dõi tình hình chiến dịch, để phối hợp với các cơ quan đơn vị xử lý các tình huống phát sinh.

- Thực hiện việc tiếp nhận, bảo quản, vận chuyển vắc xin và các nhiệm vụ khác theo chỉ đạo của Bộ Quốc phòng, Bộ Y tế trong việc triển khai thực hiện chiến dịch này.

- Sẵn sàng bố trí lực lượng phối hợp ngành y tế triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

7. Công an tỉnh

- Chỉ đạo các đơn vị cung cấp mã số định danh cá nhân cho trẻ em.

- Phối hợp với các đơn vị y tế và các cơ quan đơn vị liên quan để triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn tỉnh.

- Tổ chức việc xác minh và xử lý kịp thời, nghiêm các trường hợp đưa thông tin không đúng sự thật về tiêm vắc xin phòng COVID-19 gây hoang mang trong cộng đồng.

- Chỉ đạo lực lượng công an các cấp, bảo đảm an ninh trật tự tại các khu vực tiêm chủng khi cần thiết.

8. Đề nghị Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội Viettel Vĩnh Phúc

- Chủ trì phối hợp với Ban chỉ đạo các huyện, thành phố, các điểm tiêm chủng trên địa bàn tỉnh sử dụng nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 trong quá trình triển khai tiêm chủng.

- Bố trí cán bộ tham gia hỗ trợ các điểm tiêm chủng trong quá trình triển khai kế hoạch tiêm chủng.

9. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh

Phối hợp với Sở Y tế và các cơ quan liên quan đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 để vận động các gia đình đưa con em đi tiêm chủng.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện

- Căn cứ số lượng vắc xin được phân bổ, UBND cấp huyện/Ban Chỉ đạo tiêm vắc xin phòng COVID-19 cấp huyện chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em trên địa bàn đảm bảo việc tiêm vắc xin đúng đối tượng, sử dụng vắc xin hiệu quả, an toàn.

- Chủ trì, chỉ đạo phòng Giáo dục và Đào tạo, phòng Lao động, Thương binh và xã hội phối hợp với ngành Y tế rà soát, lập danh sách toàn bộ trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi bao gồm cả những trẻ không đi học cư trú trên địa bàn tỉnh để tổ chức tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo quy định.

- Bố trí kinh phí do ngân sách huyện đảm bảo triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.

- Huy động nhân lực của các đơn vị trực thuộc, trang thiết bị và phương tiện tham gia phục vụ công tác hậu cần, an ninh, tổ chức chiến dịch theo hướng dẫn của ngành Y tế.

- Thường xuyên điều tra, cập nhật và rà soát đối tượng đủ điều kiện tiêm chủng theo quy định.

- Thực hiện nghiêm các hướng dẫn chuyên môn trong triển khai các hoạt động tiêm vắc xin phòng COVID-19 đảm bảo an toàn, hiệu quả nhất.

- Chỉ đạo công tác tuyên truyền về chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19.

- Chỉ đạo UBND các xã, phường, thị trấn xây dựng kế hoạch triển khai các hoạt động tiêm chủng tại địa bàn: rà soát, điều tra, lập danh sách đối tượng, thông tin kịp thời cho đối tượng tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn; bố trí các lực lượng hỗ trợ các trạm y tế trong những ngày tiêm chủng. Bố trí kinh phí do ngân sách xã, phường, thị trấn đảm bảo để triển khai các hoạt động tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn quản lý.

- Tổ chức kiểm tra, giám sát công tác tiêm vắc xin phòng COVID-19 trên địa bàn huyện, thành phố.

Trên đây là kế hoạch triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc. Căn cứ nội dung kế hoạch, UBND tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và UBND các huyện, thành phố nghiêm túc triển khai, thực hiện./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Y tế;
- Cục Y tế dự phòng;
- Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- UBMTTQ tỉnh;
- CVP, các PVP UBND tỉnh;
- Các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh;
- Báo Vĩnh Phúc, Đài PT-TH tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Lưu: VT, VX1 (Tr    b).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Vũ Việt Văn

 

PHỤ LỤC 1:

TỔNG HỢP SỐ TRẺ TỪ 5 ĐẾN DƯỚI 12 TUỔI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH VĨNH PHÚC
(Kèm theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh)

STT

Huyện/Thành phố

Tổng số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi

Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đồng ý tiêm chủng

Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đồng ý tiêm chủng

Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mắc COVID-19

1

Huyện Yên Lạc

21.515

20.030

1.485

7.593

2

Huyện Lập Thạch

19.314

18.856

458

7.475

3

Huện Tam Dương

18.810

16.812

1.998

8.071

4

Huyện Vĩnh Tường

29.895

22.130

7.765

11.520

5

Huyện Sông Lô

13.898

12.672

1.226

4.873

6

Huyện Bình Xuyên

19.156

18.406

750

8.140

7

Thành phố Vĩnh Yên

21.674

16.413

5.261

9.012

8

Thành phố Phúc Yên

17.257

15.705

1.552

4.944

9

Huyện Tam Đảo

12.488

12.105

383

7.414

Tổng

174.007

153.129

20.878

69.042

Ghi chú: Số liệu tính đến ngày 06/4/2022.

- Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đồng ý tiêm chủng: 153.129 (theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành phố).

- Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi chưa đồng ý tiêm chủng: 20.878 (theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành phố).

- Số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi mắc COVID-19: 69.042 (theo số liệu báo cáo của UBND các huyện, thành phố). (Thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 Theo Văn bản số 1848/BYT-DP ngày 13/4/2022 của Bộ Y tế và các Văn bản hướng dẫn khác có liên quan).

 

PHỤ LỤC 2.

PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19
(Kèm theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh)

 

PHIẾU ĐỒNG Ý THAM GIA TIÊM CHỦNG VẮC XIN COVID-19

1. Tiêm chủng vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả, tuy nhiên vắc xin phòng COVID-19 có thể không phòng được bệnh hoàn toàn. Người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đủ liều có thể phòng được bệnh hoặc giảm mức độ nặng nếu mắc COVID-19. Sau khi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 cần thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K phòng, chống dịch COVID-19.

2. Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 có thể gây ra một số biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân như sưng, đau chỗ tiêm, nhức đầu, buồn nôn, sốt, đau cơ... hoặc tai biến nặng sau tiêm chủng.

3. Khi có triệu chứng bất thường về sức khỏe, cha mẹ hoặc người giám hộ cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

Sau khi đã đọc các thông tin nêu trên, tôi đã hiểu về các nguy cơ và:

Đồng ý cho trẻ tiêm chủng □

□ Không đồng ý cho trẻ tiêm chủng

Họ tên cha/mẹ hoặc người giám hộ: ....................................................................

Số điện thoại: .........................................................................................................

Họ tên trẻ được tiêm chủng:....................................................................................

 

......, ngày.......tháng.....năm 202….
Cha/mẹ hoặc người giám hộ
(Ký, ghi rõ họ tên)

 

 

 

PHỤ LỤC 3.

BẢNG KIỂM TRƯỚC TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 ĐỐI VỚI TRẺ EM
(Kèm theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh)

ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

BẢNG KIỂM TRƯỚC TIÊM CHỦNG VẮC XIN PHÒNG COVID-19 ĐỐI VỚI TRẺ EM

I. Thông tin chung

Họ và tên trẻ: …………………….………… Ngày sinh: ........../........../.......... Nam Nữ

CCCD/CMT/Hộ chiếu (nếu có):...………………………………Số điện thoại:………………

Địa chỉ liên hệ: ……………………………………………………………..………………….

Họ tên bố/mẹ/người giám hộ: ...…………………………………Số điện thoại:…………….

Đã tiêm mũi 1 vắc xin phòng COVID-19:

Chưa tiêm

Đã tiêm, loại vắc xin:………………..……………Ngày tiêm:………………………………

II. Sàng lọc

Thân nhiệt: ……..…… °C                                      Mạch: ……..…… lần/phút

1. Tiền sử rõ ràng phản vệ với vắc xin phòng COVID-19 lần trước hoặc các thành phần của vắc xin phòng COVID-19

Không □

Có □

2. Đang mắc bệnh cấp tính, mạn tính tiến triển

Không □

Có □

3. Tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào

Không □

Có □

4. Rối loạn tri giác, rối loạn hành vi

Không □

Có □

5. Mắc các bệnh bẩm sinh, bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu…

Không □

Có □

6. Nghe tim, phổi bất thường

Không □

Có □

7. Phản vệ độ 3 trở lên với bất kỳ dị nguyên nào (ghi rõ tác nhân dị ứng:................................)

Không □

Có □

8. Các chống chỉ định/trì hoãn khác (nếu có, ghi rõ) ...............................................................................................................................

Không □

Có □

III. Kết luận

- Đủ điều kiện tiêm chủng ngay: Đủ điều kiện tiêm chủng ngay: Tất cả đều KHÔNG điểm bất thường và KHÔNG có chống chỉ định tiêm vắc xin theo hướng dẫn sử dụng của nhà sản xuất

- Chống chỉ định tiêm chủng vắc xin cùng loại: Khi bất thường tại mục 1

- Trì hoãn tiêm chủng: Khi bất kỳ một điểm bất thường tại mục 2

- Nhóm thận trọng khi tiêm chủng: Khi bất kỳ một điểm bất thường tại các mục 3, 4

- Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện: Khi bất thường tại mục 5, 6, 7

Lý do:……………………………………………………………………………………………

 

 

Thời gian: ….. giờ ….. phút, ngày …..tháng….. năm …..
Người thực hiện sàng lọc
(ký, ghi rõ họ và tên)

 

1. Chỉ định tiêm tại bệnh viện nếu đánh giá tình trạng hiện tại không có chỉ định cấp cứu.

2. Các trường hợp chống chỉ định/trì hoãn theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với loại vắc xin COVID-19 sử dụng hoặc phát hiện có các yếu tố bất thường khác.

 

PHỤ LỤC 4.

PHIẾU THEO DÕI PHẢN ỨNG SAU TIÊM VẮC XIN
(Kèm theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh)

ĐƠN VỊ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

 

PHIẾU THEO DÕI PHẢN ỨNG SAU TIÊM VẮC XIN PHÒNG COVID-19 TẠI PHÒNG THEO DÕI SAU TIÊM

Họ và tên trẻ: …………………….………… Ngày sinh: ........../........../.......... Nam Nữ

CCCD/CMT/Hộ chiếu (nếu có):...……………………………Số điện thoại:…………………

Địa chỉ liên hệ: …………………………………………………………..…………………….

Họ tên bố/mẹ/người giám hộ: ...………………………………Số điện thoại:…………………

Loại vaccine: ……………………………………………………………………………..

Thời gian bắt đầu tiêm: …………………………………………………………………..

Thời gian kết thúc theo dõi tại phòng sau tiêm: ………………………………………….

1. Đau/sưng tại chỗ tiêm

Không □

Có □

9.Nổi hạch

Không □

Có □

2. Nôn/buồn nôn

Không □

Có □

10. Phát ban nổi mẩn/ngứa ngoài da

Không □

Có □

3. Tiêu chảy/đau bụng

Không □

Có □

11. Khó thở/thở khò khè

Không □

Có □

4.

Sốt≥39

Không □

Có □

12. Đau đầu

Không □

Có □

   

Sốt<39 độ C

Không □

Có □

13. Đau cơ

Không □

Có □

5. Đau họng

Không □

Có □

14. Đau khớp

Không □

Có □

6. Chảy nước mũi, ho

Không □

Có □

15. Bồn chồn/khó chịu

Không □

Có □

7. Ớn lạnh

Không □

Có □

16. Các triệu chứng khác

Không □

Có □

8. Chóng mặt

Không □

Có □

 

 

 

 

 

, ngày…….tháng……năm 2022
Cán bộ theo dõi
(Ký và ghi rõ họ tên)

 

PHỤ LỤC 5.

HƯỚNG DẪN

Người được tiêm chủng tự theo dõi sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19

(Kèm theo Kế hoạch số 100/KH-UBND ngày 15/4/2022 của UBND tỉnh)

(Thời gian tự theo dõi 28 ngày sau tiêm chủng, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu)

I. KHI THẤY MỘT TRONG CÁC DẤU HIỆU SAU:

1. Ở miệng thấy có cảm giác tế quanh môi hoặc lưỡi;

2. Ở da thấy có phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái hoặc đỏ da hoặc chảy máu, xuất huyết dưới da;

3. Họng có cảm giác ngứa, căng cứng, nghẹn họng, nói khó;

4. Về thần kinh có triệu chứng đau đầu kéo dài hoặc dữ dội, li bì; ngủ gà, lú lẫn, hôn mê, co giật;

5. Về tim mạch có dấu hiệu đau tức ngực, hồi hộp đánh trống ngực kéo dài, ngất;

6. Đường tiêu hóa dấu hiệu nôn, đau quặn bụng hoặc tiêu chảy,

7. Đường hô hấp có dấu hiệu khó thở, thở rít, khò khè, tím tái;

8) Toàn thân:

a. Chóng mặt, choáng, xây xẩm, cảm giác muốn ngã, mệt bất thường

b. Đau dữ dội bất thường tại một hay nhiều nơi không do va chạm, sang chấn. c. Sốt cao liên tục trên 39 độ C mà không đáp ứng thuốc hạ sốt

HÃY LIÊN HỆ VỚI:

- ĐỘI CẤP CỨU LƯU ĐỘNG:………………………………………………

- HOẶC ĐẾN THẲNG BỆNH VIỆN:………………………………………

II. NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý

1. Luôn có người hỗ trợ bên cạnh 24/24 giờ, ít nhất là trong 03 ngày đầu? sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

2. Không nên uống rượu bia và các chất kích thích ít nhất là trong 03 ngày đầu sau tiêm chủng.

3. Bảo đảm dinh dưỡng đầy đủ.

4. Nếu thấy sưng, đỏ, đau, nổi cục nhỏ tại vị trí tiêm: Tiếp tục theo dõi, nếu sưng to nhanh thì đi khám ngay, không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì vào chỗ sưng đau.

5. Thường xuyên đo thân nhiệt, nếu có:

a. Sốt dưới 38,5 độ C: Cởi bớt, nới lỏng quần áo, chườm/lau bằng khăn ấm tại trán, hố nách, bẹn, uống đủ nước. Không để nhiễm lạnh. Đo lại nhiệt độ sau 30 phút. b. Sốt từ 38,5 độ C trở lên: Sử dụng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn của nhân viên y tế.

Nếu không cắt được sốt hoặc sốt lại trong vòng 2 tiếng cần thông báo ngay cho nhân viên y tế và đến cơ sở y tế gần nhất.

 

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 100/KH-UBND ngày 15/04/2022 triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


2.738

DMCA.com Protection Status
IP: 3.133.141.6
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!