ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3584/QĐ-UBND
|
Sơn La, ngày 29 tháng 12 năm 2014
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH
BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN RỪNG ĐẶC DỤNG TỈNH SƠN LA ĐẾN NĂM 2020
CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA
Căn cứ Luật
Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật
Bảo vệ và Phát triển rừng ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị
định số 23/2006/NĐ-CP ngày 03 tháng 3 năm 2006 của Chính phủ về việc thi hành
Luật Bảo vệ và Phát triển rừng và Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12
năm 2010 về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết
định số 186/2006/QĐ-TTg ngày 14 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ về Ban
hành Quy chế quản lý rừng và Quyết định số 1976/QĐ-TTg ngày 30 tháng 10 năm
2014 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Quy hoạch hệ thống rừng đặc dụng cả
nước đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Thông
tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 11 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn về quy định chi tiết thi hành Nghị định số 117/2010/NĐ-CP ngày
24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Xét đề nghị
của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 459/TTr-SNN ngày 26
tháng 12 năm 2014,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt
phê duyệt Quy hoạch Bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng tỉnh Sơn La đến năm
2020 với những nội dung chủ yếu sau:
1. Mục tiêu quy hoạch
1.1. Mục
tiêu chung
Quản lý bền vững
hệ thống rừng đặc dụng tỉnh góp phần bảo vệ, bảo tồn và phát triển các hệ sinh
thái rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, các nguồn gen động, thực vật rừng đặc hữu,
quý, hiếm của Khu rừng đặc dụng nhằm phát huy và khai thác có hiệu quả các tiềm
năng, giá trị của rừng phục vụ cho việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ môi
trường và giữ vững an ninh, quốc phòng của địa phương.
1.2. Mục
tiêu cụ thể
- Bảo tồn và
phục hồi các hệ sinh thái rừng kín thường xanh vùng núi cao Tây Bắc; bảo tồn đa
dạng sinh học, các nguồn gen quý hiếm.
- Bảo tồn và
nâng cao tính đa dạng sinh học trên địa bàn tỉnh Sơn La bao gồm các hệ sinh
thái, các loài, nguồn gen và các chức năng của chúng, phục vụ phát triển bền vững,
bảo vệ môi trường, đảm bảo đến mức cao nhất an ninh sinh thái, ứng phó với biến
đổi khí hậu và đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Thực hiện
công tác xã hội hóa trong công tác bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa
dạng sinh học và các nguồn gien động, thực vật hoang dã quý hiếm và thực hiện
có hiệu quả các chính sách mới của nhà nước về quản lý rừng.
- Tăng quy mô
rừng đặc dụng từ 63.707 ha lên 86.292 ha thực hiện khoanh nuôi, trồng mới rừng
để nâng độ che phủ rừng từ 80% lên 92%. Góp phần phòng hộ đầu nguồn sông Đà và sông
Mã, hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường và góp phần vào công tác xóa đói, giảm
nghèo cho người dân và giữ vững ổn định chính trị an ninh, quốc phòng của địa
phương.
2. Nội dung quy hoạch
2.1. Quy
mô, diện tích các khu rừng đặc dụng
Tổng diện tích
quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh đến năm 2020 là 86.292 ha, chiếm 9,26% tổng diện
tích đất lâm nghiệp toàn tỉnh. Trong đó: Khu rừng đặc dụng Copia: 16.244,88 ha;
khu rừng đặc dụng Sốp Cộp: 17.405,76 ha; khu rừng đặc dụng Xuân Nha: 18.267,5
ha; khu rừng đặc dụng Tà Xùa: 16.673,2 ha; khu rừng đặc dụng Mường La: 17.000
ha; khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa: Khu rừng Đại tướng Võ
Nguyên Giáp: 268,7 ha. Khu rừng lịch sử đền vua Lê Thánh Tông 16,3 ha. Khu rừng
nghiên cứu thực nghiệm khoa học Tây Bắc: 415,7 ha.
2.2. Quy hoạch
các phân khu chức năng
Tổng diện tích
quy hoạch rừng đặc dụng tỉnh Sơn La đến năm 2020 là 86.292 ha, gồm:
- Phân khu bảo
vệ nghiêm ngặt (BVNN) là 45.201,9 ha trong đó: Khu rừng rừng đặc dụng Copia
6.468,6 ha; khu rừng đặc dụng Tà Xùa 15.026,32 ha; khu rừng đặc dụng Xuân Nha
10.693,3 ha; khu rừng đặc dụng Sốp Cộp 5.156,18 ha; rừng đặc dụng Mường La
7.156,74 ha; khu rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp 268,7 ha; khu rừng vua Lê Thánh
Tông 16,3 ha và khu rừng nghiên cứu thực nghiệm khoa học lâm nghiệp Tây Bắc
415,7 ha
- Phân khu phục
hồi sinh thái (PHST) là 41.016,56 ha trong đó: khu rừng đặc dụng Copia 9.774,18
ha; khu rừng đặc dụng Tà Xùa 1.607,84 ha; khu rừng đặc dụng Xuân Nha 7.567,72
ha; khu rừng đặc dụng Sốp Cộp 12.230,58 ha và khu rừng đặc dụng Mường La
9.836,24 ha
- Phân khu dịch
vụ hành chính (DVHC) là 73,54 ha; trong đó: khu rừng đặc dụng Copia 2,04 ha;
khu rừng đặc dụng Tà Xùa 39 ha; khu rừng đặc dụng Xuân Nha 6,5 ha; khu rừng đặc
dụng Sốp Cộp 19 ha và rừng đặc dụng Mường La 7 ha.
2.3. Quy hoạch
lâm sinh, bảo tồn động vật rừng, phục hồi hệ sinh thái rừng và đa dạng sinh học
a) Quy hoạch bảo tồn, bảo vệ rừng
- Diện tích bảo
tồn, bảo vệ rừng 79.827,7 ha, trong đó: diện tích các khu rừng đặc dụng 79.127 ha;
Khu rừng bảo vệ cảnh quan di tích lịch sử văn hóa 285 ha; Khu rừng nghiên cứu,
thực nghiệm khoa học 415,7 ha.
- Tiến độ thực
hiện: Đến năm 2015 là 73.049,7 ha và đến năm 2020 là 79.827,7 ha.
b) Khoanh nuôi
tái sinh rừng phục hồi rừng
- Diện tích
đưa vào khoanh nuôi tái sinh phục hồi rừng 12.198,36 ha, trong đó: Diện tích
khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 10.823,36 ha và khoanh nuôi xúc tiến tái
sinh có trồng bổ sung 1.375 ha.
- Tiến độ thực
hiện: Giai đoạn 2014 - 2015 là 6.130,10 ha và giai đoạn 2016 - 2020 là 6.068,26
ha.
c) Trồng rừng
- Diện tích trồng
rừng 2.170,63 ha (bình quân 310,08 ha/năm). Cơ cấu cây trồng trong rừng đặc dụng
là các loài cây bản địa phân bố tự nhiên trong vùng sinh thái phù hợp với hệ
sinh thái của khu rừng đặc dụng.
- Tiến độ thực
hiện: Giai đoạn 2014 - 2015 là 917,8 ha và giai đoạn 2016 - 2020 là 1.252,83
ha.
2.4. Quy hoạch các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ
- Nghiên cứu bảo tồn và phát triển các loài
động thực vật rừng hiện có, phục hồi một số loài động thực vật rừng qúy hiếm có
nguy cơ tuyệt chủng như Vượn đen tuyền Tây Bắc, Voi, Hổ…; nghiên cứu mô hình
lâm sản ngoài gỗ; điều tra giám sát đa dạng các loài động thực vật rừng; giám
sát tác động của con người đến các khu rừng đặc dụng và các hoạt động điều tra theo
dõi diễn biến tài nguyên rừng.; điều tra giám sát đa dạng các loài động thực
vật rừng; giám sát tác động của con người đến các khu rừng đặc dụng và các hoạt
động theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.
- Quy hoạch
các chương trình nghiên cứu khoa học: phối hợp với các cơ quan trong nước và
các tổ chức quốc tế về bảo tồn tiến hành xây dựng đề cương nghiên cứu cho từng
đề tài khác nhau, xác định thời gian và cơ quan hợp tác, chuẩn bị đào đạo cán bộ
làm công tác nghiên cứu, tiến hành thực hiện nghiên cứu tại thực địa.
2.5. Quy hoạch
phát triển cơ sở hạ tầng
a) Xây dựng
công trình cơ sở hạ tầng phục vụ công tác quản lý các khu rừng đặc dụng
- Xây dựng 5
trụ sở làm việc và 5 nhà ở tạm trú (tập thể) cho cán bộ, nhân viên của Ban
quản lý khu rừng đặc dụng. Vị trí trụ sở thực hiện theo quy hoạch đã được cấp
có thẩm quyền phê duyệt.
- Xây dựng mới
và nâng cấp 11 trạm bảo vệ rừng tại các khu vực trọng điểm các khu rừng đặc dụng.
- Đóng cọc mốc ranh giới các khu rừng đặc dụng. Số lượng
khoảng 923 cột mốc. Vị trí đóng mốc ranh giới ưu tiên tại những khu vực ranh
giới chưa rõ ràng, dễ xảy ra tranh chấp.
- Xây dựng làm mới 200 bảng thông tin tuyên truyền.
- Xây dựng hệ thống giao thông, đường tuần tra bảo vệ rừng.
Tổng chiều dài 277 km theo tiêu chuẩn B.
- Xây dựng, nâng
cấp hệ thống thông tin liên lạc, điện, các trang thiết bị phục vụ công tác quản
lý bảo vệ rừng, cải thiện điều kiện làm việc của lực lượng quản lý bảo vệ rừng
(Điện thoại, bộ đàm, đồ dùng sinh hoạt, bộ trang bị đi rừng, thiết bị GPS...).
b) Xây dựng công
trình phòng cháy và chữa cháy rừng
- Xây dựng 18
chòi canh lửa rừng các khu rừng đặc dụng theo hướng kiên cố, sử dụng lâu dài và
đặt ở vị trí bao quát cho khu vực rừng rộng lớn.
- Xây dựng 04
đập chứa nước phục vụ công PCCC rừng.
- Đầu tư trang
thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác chữa cháy rừng như: Máy thổi gió, ống
nhòm, cưa máy, bình bọt, áo chống nóng….
c) Xây dựng
công trình phục vụ nghiên cứu khoa học
Xây dựng 04 Vườn
sưu tập thực vật tại khu rừng rừng đặc dụng Copia, Tà Xùa, Xuân Nha và Sốp Cộp,
quy mô diện tích 10.000 m2. Nâng cấp vườn sưu tập thực vật Chiềng Sinh.
d) Xây dựng
công trình phục vụ du lịch sinh thái kết hợp giáo dục môi trường
- Xây dựng sa
bàn và đường diễn giải môi trường nhằm giới thiệu tổng quan về khu rừng đặc dụng,
các điểm, tuyến du lịch; mỗi khu rừng xây dựng 01 sa bàn;
- Hỗ trợ, khôi
phục ngành nghề truyền thống, tạo việc làm cho cộng đồng địa phương nâng cao
thu nhập ổn định đời sống cộng đồng;
- Xây dựng các
cơ sở hạ tầng khác trong các khu rừng đặc dụng; cơ sở phục vụ du lịch sinh thái
bằng nhà nghỉ, tua tuyến du lịch, công trình sinh thái.
2.6. Quy hoạch
sử dụng tài nguyên thiên nhiên và dịch vụ môi trường rừng
Diện tích chi
trả dịch vụ môi trường rừng đến năm 2015 là 73.049,7 ha; đến năm 2020 là
79.827,7 ha. Loại hình dịch vụ
- Dịch vụ về
điều tiết và cung ứng nguồn nước;
- Dịch vụ về bảo
vệ đất, hạn chế xói mòn và chống bồi lắng lòng hồ thuỷ điện Hoà Bình, hồ thủy
điện Sơn La trên sông Đà, sông Mã và các công trình thuỷ điện vừa và nhỏ trên địa
bàn huyện;
- Giảm phát thải
khí nhà kính thông qua hạn chế mất rừng và suy thoái rừng (Reed+).
2.7. Quy hoạch
du lịch sinh thái, du lịch truyền thống
a) Quy hoạch
các điểm, tuyến du lịch
- Khu rừng đặc
dụng Copia: Tuyến du lịch sinh thái cửa rừng Khu rừng đặc dụng Copia gắn với du
lịch cộng đồng bản văn hóa dân tộc Thái, dân tộc Mông và tuyến du lịch thăm
quan lịch sử (Đài tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân các dân tộc Tây
Bắc năm 1959).
- Khu rừng đặc
dụng Sốp Cộp: Tuyến du lịch sinh thái thăm quan rừng đặc dụng Sốp Cộp (các điểm
thác nước 7 tầng, rừng Du sam, leo núi Pu Cọp Mường) gắn với điểm thăm quan
Tháp Mường Và.
- Khu rừng đặc
dụng Xuân Nha: Tuyến du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng rừng đặc dụng Xuân
Nha; cửa khẩu Lóng Sập gắn với các điểm quy hoạch du lịch cao nguyên Mộc Châu.
- Khu rừng đặc
dụng Tà Xùa - Khu rừng đại tướng Võ Nguyên Giáp: Tuyến du lịch sinh thái khu rừng
đại tướng Võ Nguyên Giáp, rừng Thông Noong Cốp - Hồ Suối Chiếu - Rừng đặc dụng
Tà Xùa.
- Khu rừng thực
nghiệm khoa học Chiềng Sinh: Tuyến du lịch sinh thái khu rừng Khu rừng thực
nghiệm khoa học Chiềng Sinh gắn với các điểm tuyến du lịch thành phố Sơn La (di
tích lịch sử nhà ngục Sơn La, Văn bia Lê Thánh Tông, các điểm bản văn hóa, suối
nước nóng Hua La,...).
b) Quy hoạch các công trình phục vụ du lịch
- Xây dựng biển
chỉ dẫn các điểm, tuyến du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng khu rừng.
- Xây dựng
công trình phục vụ du lịch sinh thái theo nội dung quy hoạch đầu tư xây dựng cơ
sở hạ tầng các khu rừng đặc dụng đến năm 2020.
2.8. Quy hoạch
phát triển nguồn nhân lực phục vụ bảo tồn và phát triển rừng đặc dụng
- Củng cố và
tăng cường năng lực chuyên môn, nghiệp vụ thực thi pháp luật cho cán bộ các Khu
rừng đặc dụng; nâng cao nhận thức trách nhiệm, sự phối hợp của chính quyền địa
phương trong quản lý các khu rừng đặc dụng.
- Tăng cường
đào tạo cán bộ quản lý đối với cán bộ chủ chốt, nhằm nâng cao trình độ lý luận
chính trị và quản lý ngạch công chức; cán bộ làm công tác nghiên cứu khoa học;
có chính sách động viên, khuyến khích tổ chức đào tạo sau đại học ở trong nước
hay nước ngoài thông qua các dự án hỗ trợ học tập bằng nguồn ngân sách Nhà nước
hoặc các tổ chức phi chính phủ hoặc các chương trình dự án hỗ trợ của nước
ngoài.
- Đào tạo và nâng cao năng lực cho cán bộ rừng đặc dụng, để đáp ứng yêu cầu về đổi mới và hội nhập quốc tế. Thu hút cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý giỏi để
bổ sung cho ban quản lý rừng đặc dụng.
2.9. Quy hoạch
phát triển vùng đệm
Quy mô diện
tích vùng đệm diện tích vùng đệm là: 110.141,6 ha, trong đó: Khu rừng đặc dụng
Copia 10.975,2 ha; Khu rừng đặc dụng Sốp Cộp 26.672 ha; Khu rừng
đặc dụng Xuân Nha 35.794,4 ha; Khu rừng đặc dụng Tà Xùa 24.000 ha; Khu rừng đặc
dụng Mường La khoảng 12.700 ha.
3.1. Danh mục các chương trình ưu tiên
- Chương trình
nghiên cứu khoa học các loài động thực vật quý hiếm;
- Chương trình
tổng điều tra, kiểm kê rừng và đất lâm nghiệp toàn tỉnh;
- Chương trình điều tra, nghiên cứu đánh giá đa
dạng sinh học;
- Chương trình
bảo tồn một số loài động vật quý hiếm như: Hổ (Panthera tigris corbetti), Voi
(Elephas maximus), Vượn đen tuyền Tây Bắc;
- Chương trình
ổn định bố trí dân cư các Khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 1776/QĐ-TTg ngày
21 tháng 11 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
3.2. Danh mục
các dự án ưu tiên
- Dự án đầu tư
bảo vệ và phát triển rừng đến năm 2020;
- Dự án Xây dựng
cơ sở hạ tầng Khu rừng đặc dụng;
- Dự án nâng
cao năng lực phòng cháy chữa cháy rừng;
- Dự án Hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội
vùng đệm (dự án lồng ghép các chương trình, chính sách của nhà nước trên địa
bàn);
- Dự án phát
triển du lịch sinh thái khu rừng đặc dụng tại các khu rừng đặc dụng (Dự án kêu
gọi đầu tư);
- Dự án Phát
triển Lâm Nghiệp (KfW7);
- Đề án thành
lập khu rừng đặc dụng Mường La.
4. Vốn và nguồn vốn đầu tư
Tổng nhu cầu vốn
447.626,89 triệu đồng. Trong đó:
4.1. Phân
theo hạng mục đầu tư
- Bảo vệ rừng
là 227.835,7 triệu đồng chiếm 50,89%.
- Phát triển rừng
là 39.698,6 triệu đồng chiếm 8,87%.
- Đầu tư phát
triển khu dịch vụ hành chính 33.280 triệu đồng chiếm 7,43%.
- Phát triển
kinh tế xã hội vùng đệm 61.880 triệu đồng chiếm 13,82%.
- Chi phí khác
48.405,6 triệu đồng chiếm 10,81%.
- Chương trình
nghiên cứu khoa học 15.260 triệu đồng chiếm 3,41%.
- Chương trình
đầu tư du lịch sinh thái, giáo dục môi trường, dịch vụ môi trường rừng 21.267
triệu đồng chiếm 4,77%.
4.2. Phân
theo nguồn vốn đầu tư
- Nguồn vốn ngân sách 411.099,89 tỉ đồng
chiếm 91,8 % tổng vốn đầu tư.
- Nguồn vốn đầu
tư khác 36.527 triệu đồng, chiếm 8,2 %, tổng vốn đầu tư.
5. Các giải pháp thực hiện quy hoạch
5.1. Giải
pháp về tổ chức quản lý
Kiện toàn lại
các Ban quản lý rừng đặc dụng theo đúng quy định tại Nghị định số
117/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 12 năm 2010 của Chính phủ về tổ chức quản lý hệ thống
các khu rừng đặc dụng và Thông tư số 78/2011/TT-BNNPTNT ngày 11 tháng 11 năm
2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Hoàn thiện cơ
cấu tổ chức Ban quản lý rừng đặc dụng Mường La và các khu rừng đặc dụng cảnh quản
di tích lịch sử văn hóa và khu rừng nghiên cứu khoa học, thực nghiệm.
Rà soát, đánh
giá, bố trí đủ nguồn lực cán bộ công chức, viên chức làm việc tại các khu rừng
đặc dụng. Tăng cường lực lượng Kiểm lâm viên làm công tác bảo vệ rừng tại các
khu rừng đặc dụng, đảm bảo tối thiểu 500 ha có 01 Kiểm lâm viên theo quy định.
5.2. Giải pháp về đầu tư và huy động vốn
Nhà nước đảm bảo
nguồn lực, ngân sách cho các hoạt động của các khu rừng đặc dụng như đầu tư xây
dựng cơ sở hạ tầng, vật chất thiết yếu và bảo đảm chi phí cho hoạt động của bộ
máy quản lý, bảo vệ rừng, bảo tồn, theo dõi giám sát đa dạng sinh học, nghiên cứu
khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng, cải thiện
đời sống người dân tại các khu rừng đặc dụng theo Quyết định số 24/QĐ-TTg ngày
01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Lồng ghép các
chương trình, mục tiêu quốc gia, dự án đầu tư của các ngành để tập trung vốn
cho bảo vệ và phát triển rừng khu bảo tồn và vùng đệm Tăng cường các nguồn vốn
thu từ lợi nhuận của các hoạt động dịch vụ, hoạt động liên doanh, liên kết,
kinh doanh dịch vụ trong rừng đặc dụng, cho thuê môi trường rừng, dịch vụ môi
trường rừng để đầu tư lại cho công tác bảo tồn.
Khuyến khích,
huy động sự tham gia của cộng đồng, doanh nghiệp đầu tư tài chính cho các khu rừng
đặc dụng, trong đó huy động tài trợ không hoàn lại của các tổ chức quốc tế
(KFW, JICA, FFI,…), tổ chức môi trường trong nước (VCF, VNFF) và quốc tế; vốn
phát triển du lịch do các công ty du lịch đầu tư; vốn cho chương trình nghiên cứu
khoa học… vốn huy động hợp pháp của các tổ chức, cá nhân để đầu tư phát triển rừng
đặc dụng.
5.3. Giải pháp về bảo tồn, phát triển rừng và đa dạng sinh học
Triển khai có
hiệu quả các mục tiêu nhiệm vụ chương trình Quốc gia về bảo tồn Hổ giai đoạn
2014 - 2022 theo Quyết định số 539/QĐ-TTg ngày 16 tháng 4 năm 2014 của Thủ tướng
Chính phủ (huyện Sốp Cộp); Đề án tổng thể bảo tồn voi giai đoạn 2013 - 2020
theo Quyết định số 763/QĐ-TTg ngày 21 tháng 5 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ
và chương trình bảo tồn loài Vượn đen tuyền Tây Bắc khu rừng đặc dụng Mường La.
Xây dựng
chương trình hành động bảo tồn loài động thực vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm.
Ngăn chặn hiệu quả các loài ngoại lai xâm hại, ngăn chặn sự tuyệt chủng của các
loài có tầm quan trọng của quốc gia, quốc tế; tăng cường cải thiện hiệu quả các
hoạt động bảo tồn các loài nguy cấp, quý, hiếm.
5.4. Giải
pháp về sử dụng đất và sử dụng bền vững tài nguyên rừng
Tổ chức đóng mốc
ranh giới tại thực địa trên cơ sở Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp
đã được UBND tỉnh giao và cấp giấy chúng nhận quyền sử dụng đất cho các khu rừng
đặc dụng. Triển khai tổng kiểm kê rừng gắn với hàng năm tổ chức tốt công tác thống
kê, theo dõi diễn biến tài nguyên rừng.
Tăng cường
công tác quản lý sử dụng đất rừng đặc dụng. Hạn chế tối đa thực hiện chuyển đổi
mục đích sử dụng đất trong kỳ quy hoạch; việc xây dựng các công trình cơ sở hạ
tầng phải tuân thủ theo quy hoạch và quy định của pháp luật hiện hành đặc biệt
là không làm ảnh hưởng tới rừng.
Trên cơ sở hướng
dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các Ban quản lý khu rừng đặc dụng
phối hợp với UBND các xã và cộng đồng dân cư trong khu rừng đặc dụng xây dựng
phương án chia sẻ lợi ích trên nguyên tắc đảm bảo sự thỏa thuận trực tiếp và tự
nguyện giữa Ban quản lý rừng đặc dụng với cộng đồng dân cư thông qua hợp đồng
kinh tế.
5.5. Giải pháp về cơ chế chính sách
Triển khai có
hiệu quả các cơ chế, chính sách áp dụng cho các khu rừng đặc dụng như: Quyết định
số 24/2012/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính
sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020; Quyết định số
57/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2012 về phê duyệt kế hoạch bảo vệ và phát triển
rừng giai đoạn 2011 - 2020 và Quyết định số 07/QĐ-TTg ngày 01 tháng 6 năm 2012
về Ban hành một số chính sách tăng cường công tác bảo vệ rừng giai đoạn 2011 -
2020; Nghị định số 99/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 9 năm 2010 của Chính phủ về
chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng…
Nghiên cứu đề
xuất Trung ương xây dựng, sửa đổi bổ sung, ban hành kịp thời các cơ chế, chính
sách quản lý bảo tồn và phát triển bền vững các khu rừng đặc dụng theo sát tình
hình thực tiễn tại cơ sở.
5.6. Giải pháp về khoa học, công nghệ
Đầu tư trang
thiết bị hiện đại trong nghiên cứu khoa học để các kết quả nghiên cứu có chất
lượng cao, đáp ứng được đòi hỏi của công tác bảo tồn thiên nhiên, bảo tồn đa dạng
sinh học.
Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ thông tin trong quản lý, theo dõi diễn biến, giám sát tài nguyên rừng
và đa dạng sinh học; cảnh báo sớm nguy cơ cháy rừng; trang bị hệ thống thông
tin liên lạc chỉ huy phòng chống cháy rừng hoạt động tốt trong mọi điều kiện địa
hình và thời tiết.
Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ sinh học trong nhân giống nhằm bảo tồn và phát triển các loài động,
thực vật quý, hiếm có nguy cơ tuyệt chủng của các Khu rừng đặc dụng, cũng như
đáp ứng việc cung ứng giống và chuyển giao quy trình kỹ thuật gây trồng các
loài động thực vật hoang dã trên địa bàn tỉnh.
5.7. Giải
pháp về phát triển nguồn nhân lực
Tổ chức các lớp
tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn về lâm sinh; PCCC rừng; quản lý bảo vệ rừng;
điều tra giám sát đa dạng sinh học; du lịch sinh thái, ngoại ngữ, tin học...,
cho cán bộ công nhân viên trong mọi lĩnh vực hoạt động của các Khu bảo tồn
thông qua sự hỗ trợ của các chương trình, dự án, đặc biệt là dự án của các tổ
chức quốc tế.
Tạo điều kiện
cho cán bộ, viên chức của các đơn vị đi đào tạo nâng cao trình độ; trước mắt cần
ưu tiên những người có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng đào tạo lên trình độ
đại học; những người có trình độ đại học chính quy đào tạo lên trình độ thạc
sĩ, tiến sĩ ..
Tạo điều kiện
thuận lợi để cán bộ, viên chức của các Khu rừng đặc dụng tham gia các khoá đào
tạo chuyên môn, nghiệp vụ do ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng như
các chương trình, dự án của các tổ chức nước ngoài hỗ trợ tổ chức.
5.8. Giải pháp về hợp tác quốc tế
Tham gia các chương trình, dự án quốc tế do Bộ
Nông nghiệp và PTNT, các Bộ ngành Trung ương tổ chức nhằm thu hút nguồn tài
trợ, giúp đỡ về tài chính và kỹ thuật để điều tra, nghiên cứu khoa học, đào tạo
cán bộ; mở rộng việc trao đổi hợp tác khoa học và tăng cường hợp tác về bảo tồn
đa dạng sinh học với nước bạn Lào (tại khu rừng đặc dụng Sốp Cộp và Xuân Nha).
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành và UBND các
huyện, thành phố tổ chức thực hiện hiệu quả Quy hoạch bảo tồn và phát triển rừng
đặc dụng tỉnh Sơn La đến năm 2020. Tổ chức công bố công khai quy hoạch; xây dựng
các dự án đầu tư và đưa các nội dung quy hoạch vào kế hoạch phát triển kinh tế
- xã hội của địa phương.
2. Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các đơn vị
có liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tham mưu cho UBND tỉnh về vốn đầu
tư để thực hiện có hiệu quả các nội dung quy hoạch.
3. Sở Tài
nguyên và Môi trường phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND
các huyện, thành phố kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch bảo tồn và
phát triển rừng đặc dụng tỉnh đến năm 2020 theo đúng các nội dung quy hoạch,
phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh đến năm 2020. Tổ chức cấp
giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy hoạch được duyệt.
4. Sở Văn hóa -
Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn, kiểm tra các Ban quản lý rừng đặc
dụng trong việc tổ chức quản lý hoạt động du lịch sinh thái và thực hiện chính
sách chi trả dịch vụ môi trường rừng.
5. Sở Nội vụ
phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị có
liên quan, tham mưu cho UBND tỉnh kiện toàn tổ chức, biên chế và tăng cường công
tác đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức các Ban quản lý rừng đặc
dụng.
6. Các sở,
ngành liên quan theo chức năng nhiệm vụ được giao tổ chức thực hiện các nội
dung của quy hoạch liên quan đến ngành mình. Ban quản lý các khu rừng đặc dụng
tổ chức xây dựng, thực hiện quy hoạch, kế hoạch bảo tồn và phát triển bền vững
rừng đặc dụng trên địa bàn quản lý. Phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện
hiệu quả chính sách đầu tư phát triển vùng đệm các khu rừng đặc dụng gắn với lồng
ghép các chương trình, dự án xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới tại địa
phương.
7. UBND các
huyện, thành phố có rừng đặc dụng phối hợp với các sở, ban, ngành tổ chức triển
khai thực hiện quy hoạch. Chỉ đạo UBND các xã vùng lõi, vùng đệm các khu rừng đặc
dụng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia công tác bảo tồn
và phát triển bền các khu rừng đặc dụng, thực hiện đầy đủ trách nhiệm của chính
quyền cơ sở trong công tác bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của Luật Bảo
vệ và phát triển rừng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường,
Khoa học công nghệ, Văn hóa thể thao và du lịch; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh;
Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm Lâm nghiệp;
Giám đốc Ban quản lý các khu rừng đặc dụng, các chủ rừng; Thủ trưởng các ngành,
đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định
này./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông
nghiệp và PTNT;
- Tổng Cục Lâm nghiệp;
- TT Tỉnh uỷ (b/c);
- TT HĐND tỉnh
(b/c);
- TT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, Mạnh KTN,
28bản.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lò Mai Kiên
|