ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH YÊN BÁI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 2183/QĐ-UBND
|
Yên Bái, ngày 07
tháng 10 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC BAN HÀNH ĐỀ ÁN TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ VÀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TỈNH
YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH YÊN BÁI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền
địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 38/2015/NĐ-CP
ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải
và phế liệu;
Căn cứ Nghị định số 40/2019/NĐ-CP
ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy
định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Quyết định số 1216/QĐ-TTg
ngày 05/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Bảo vệ môi
trường quốc gia đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 491/QĐ-TTg ngày 07/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều
chỉnh chiến lược quốc gia về quản lý tổng hợp chất
thải rắn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT
ngày 31/10/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành bộ chỉ số
đánh giá kết quả bảo vệ môi trường của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương;
Căn cứ Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh
Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025;
Căn cứ Chương trình hành động số
10-CTr/TU ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái
về việc thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020
- 2025;
Thực hiện Kết luận số
216-KL/TU ngày 01/9/2021 của Thường trực Tỉnh ủy Yên Bái;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài
nguyên và Môi trường Yên Bái tại Tờ trình số
449/TTr-STNMT ngày 20/9/2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban
hành kèm theo Quyết định này Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi
trường tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2021 - 2025.
Điều 2. Giao
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể
của tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên
quan tổ chức thực hiện Đề án tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi
trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021 - 2025.
Theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị
trong việc triển khai thực hiện, hằng năm tổng hợp đánh giá
tình hình thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.
Điều 3. Quyết
định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh;
Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã
hội tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức,
cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Đoàn Đại biểu QH tỉnh Yên
Bái;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch
UBND tỉnh;
- Chánh VP, Phó CVP UBND tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Lưu: VT, TNMT, NLN, TH.
|
T.M ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Thế Phước
|
ĐỀ ÁN
TĂNG CƯỜNG BẢO VỆ VÀ
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI, GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Kèm theo Quyết định số 2183/QĐ-UBND
ngày 07 tháng 10 năm 2021 của Ủy ban nhân
dân tỉnh Yên Bái)
Phần thứ nhất
SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG VÀ BAN
HÀNH ĐỀ ÁN
Trong thời gian
qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban
nhân dân tỉnh, cùng với sự nỗ lực, cố gắng của các sở,
ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội, các địa phương và nhân dân trên địa bàn tỉnh, công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn
tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực, chất lượng môi trường sống trên
địa bàn tỉnh hiện nay còn tương đối tốt; công tác kiểm
soát nguồn ô nhiễm, quản lý chất thải nguy hại và chất thải rắn thông thường;
khắc phục ô nhiễm và cải thiện chất lượng môi trường; cung cấp nước sạch và vệ
sinh môi trường; bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học, bảo vệ và phát triển
rừng thường xuyên được quan tâm, thực hiện; năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ
môi trường ngày càng được nâng cao, hạ tầng kỹ thuật phục vụ bảo vệ môi trường
từng bước được quan tâm đầu tư; đường dây nóng về bảo vệ môi trường hoạt động
ngày càng hiệu quả. Tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên
địa bàn tỉnh từ cấp tỉnh đến cấp huyện cơ bản hoàn thiện và đi vào hoạt động ổn
định. Nhận thức về bảo vệ môi trường của các sở, ngành, địa phương và của nhân
dân trong tỉnh đã được nâng lên đáng kể. Những thành tựu trên đã góp phần quan
trọng đối với kiểm soát và hạn chế ô nhiễm, đảm bảo sự phát triển kinh tế xã
hội của tỉnh theo hướng bền vững.
Trên cơ sở Luật Bảo vệ môi trường
cũng như các Nghị định, Thông tư hướng dẫn thi hành, Ủy
ban nhân dân tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về bảo
vệ môi trường (BVMT) theo điều kiện cụ thể của tỉnh làm cơ sở để triển khai
thực hiện có hiệu quả; thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị, Chương trình hành
động trong lĩnh vực môi trường1;
tỉnh Yên Bái cũng đã kịp thời ban hành các kế hoạch và chương trình hành động
thực hiện cụ thể, thiết thực gắn với điều kiện thực tế
của địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh
vẫn còn hạn chế như: chưa có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt tập
trung cho đô thị từ loại IV trở lên (thị xã Nghĩa Lộ và thành phố Yên Bái); vẫn
còn cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải, nhất là các cơ sở
có lượng nước thải phát sinh tương đối lớn (từ 50 m3/ngày
trở lên); chưa có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường,
đến nay vẫn chưa có khu/cụm công nghiệp nào trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý
nước thải tập trung; vẫn còn cơ sở y tế chưa có hệ thống xử lý nước thải hoặc
các hệ thống đã xuống cấp, hư hỏng, ảnh hưởng đến hiệu quả
xử lý; vẫn còn cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được xử lý, cải
tạo đúng theo tiến độ; hầu hết chất thải rắn sinh hoạt
(CTRSH) đều chưa được phân loại tại nguồn; tỷ lệ CTRSH được xử lý đáp ứng yêu
cầu về bảo vệ môi trường còn thấp; trên địa bàn tỉnh vẫn chưa có các trạm quan trắc
tự động chất lượng môi trường không khí; ngân sách sự nghiệp bảo
vệ môi trường còn rất hạn chế, chưa đáp ứng được các nhiệm vụ, chương trình, dự
án về bảo vệ môi trường của các sở, ban, ngành, các tổ chức chính trị - xã hội
và các địa phương; số lượng cán bộ, công chức làm công tác quản lý nhà nước về
bảo vệ môi trường nhìn chung vẫn còn thiếu và yếu, đặc
biệt là ở cấp huyện và cấp xã,...
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên
Bái lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã xác định phương hướng phát triển của
tỉnh Yên Bái trong giai đoạn tới là: “Xây dựng và phát triển Yên Bái trên cơ sở
khai thác hiệu quả các lợi thế, tiềm năng, thế mạnh của tỉnh; coi phát triển
hài hòa kinh tế, xã hội, môi trường là nhiệm vụ cơ bản; chủ động tham gia tích
cực các chương trình mục tiêu quốc gia góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -
xã hội vùng Tây Bắc; đối tác, hợp tác hành lang kinh tế Côn Minh - Lào Cai - Hà
Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh...., tạo động lực phát triển nhanh, bền vững theo
hướng xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc, quyết tâm đưa Yên Bái trở
thành tỉnh khá vào năm 2025 và nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng
Trung du và miền núi phía Bắc vào năm 2030”.
Yên Bái cũng là tỉnh đầu tiên của cả
nước đưa “chỉ số hạnh phúc” vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh. Theo đó, chỉ số
hạnh phúc của người dân Yên Bái được đánh giá trên 3 tiêu chí
chính2. Theo văn kiện Đại
hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thử XIX, kết quả khảo sát thời điểm tháng 6 năm
2020, chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái đạt 53,3%, ở
mức “khá hạnh phúc”. Nghị quyết Đại hội cũng đề ra mục tiêu phấn đấu đến
hết nhiệm kỳ chỉ số hạnh phúc tăng 15%. Để hoàn thành chỉ
tiêu này, một trong những giải pháp quan trọng là nâng cao sự hài lòng của
người dân về môi trường tự nhiên, môi trường sinh thái. Vì vậy, việc xây dựng
và triển khai thực hiện đề án “Tăng cường bảo vệ và nâng cao chất lượng môi
trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh là hết sức cần
thiết, nhằm sớm đưa Nghị quyết Đại hội XIX Đảng bộ tỉnh Yên Bái vào cuộc sống.
II. CÁC CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Đề án “Tăng cường bảo vệ và nâng cao
chất lượng môi trường tỉnh Yên Bái giai đoạn 2021-2025” được xây dựng dựa trên
các văn bản sau đây:
(1) Luật Bảo vệ môi trường năm 2014
và các Nghị định, Chỉ thị, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ; các Văn bản của
các Bộ, ngành Trung ương3;
(2) Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh
Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025; Chương trình hành động số 10-CTr/TU
ngày 30/10/2020 của Tỉnh ủy Yên Bái về việc thực hiện Nghị quyết
Đại hội đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020-2025 và các Văn bản
pháp lý có liên quan4.
Phần thứ hai
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI
I. ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, KINH TẾ -
XÃ HỘI TỈNH YÊN BÁI
1. Điều kiện
tự nhiên, kinh tế - xã hội
Yên Bái là một tỉnh miền núi phía
Bắc, phía Tây Bắc giáp tỉnh Lào Cai và tỉnh Lai Châu; phía Đông và Đông Bắc
giáp tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang; phía Đông Nam giáp tỉnh Phú Thọ và phía
Tây giáp tỉnh Sơn La. Tổng diện tích
tự nhiên của tỉnh là 6.892,68 km2, xếp thứ 8 so với 12 tỉnh thuộc
vùng trung du và miền núi phía Bắc về quy mô đất đai. Địa hình tỉnh Yên Bái cao
dần từ Đông Nam lên Tây Bắc, khá phức tạp, chia cắt mạnh
nhưng có thể chia thành 2 vùng lớn: vùng cao và vùng thấp5. Là tỉnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa,
nhiệt độ trung bình là 22 - 23°C; lượng mưa trung bình 1.500 - 2.200 mm/năm; độ
ẩm trung bình 83 - 87%, thuận lợi cho việc phát triển nông - lâm nghiệp. Khí
hậu Yên Bái được chia thành 5 tiểu vùng khí hậu6. Toàn tỉnh Yên Bái có 9 đơn vị hành chính cấp
huyện, với 173 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 150 xã, 13 phường, 10 thị trấn).
Dân số năm 2020 là 831.586 người, mật độ dân số trung bình
là 121 người/km2 (Niên giám Thống kê năm 2020 tỉnh Yên Bái).
2. Tài nguyên
thiên nhiên
Với đặc điểm là tỉnh miền núi, đất
nông nghiệp có diện tích lớn với 617.887 ha, chiếm 89,65% diện tích đất tự
nhiên, diện tích nhóm đất phi nông nghiệp là 56.737 ha chiếm 8,23%, diện tích
đất chưa sử dụng là 14.644 ha chiếm 2,12%. Tỉnh Yên Bái có nhiều loại đất thích
hợp cho trồng lúa nước, cây mầu, cây công nghiệp hàng năm và cây công nghiệp
lâu năm, trồng rừng phòng hộ và trồng rừng kinh tế.... Trên địa bàn tỉnh có 3
hệ thống sông suối lớn: sông Hồng, sông Chảy và suối Nậm Kim với tổng chiều dài 320 km có diện tích lưu vực trên 5.400 km2. Do đặc
điểm sông, suối đều bắt nguồn từ núi cao, có độ dốc lớn
nên dồi dào về tiềm năng thủy điện và cung cấp nước cho sản xuất và sinh hoạt
của nhân dân. Hệ thống thực vật rất phong phú và đa dạng, gồm nhiều loại, nhiều
họ khác nhau, có đủ các lâm sản quý hiếm; các cây dược
liệu quý, các cây lâm sản khác như tre, nứa, vầu7. Tài nguyên khoáng sản tương đối đa dạng, phong
phú về chủng loại với 257 mỏ và điểm mỏ thuộc các nhóm năng lượng, vật liệu xây
dựng, khoáng chất công nghiệp, kim loại và nước khoáng... Tỉnh Yên Bái có trữ
lượng đá vôi trắng trên 2,4 tỷ m3; sắt trữ lượng
khoảng 200 triệu tấn; Grafit, chì kẽm, vàng gốc, thạch anh...
cũng có trữ lượng nhất định. Khoáng sản vật liệu xây dựng cũng là tiềm năng
nguyên liệu rất lớn để sản xuất xi măng, sản xuất đá ốp lát các loại và sản xuất
vật liệu xây dựng với trữ lượng vật liệu xây dựng thông thường trên 450 triệu
tấn; trữ lượng Kaolin, Felspat trên 15 triệu tấn.
3. Tiềm năng
kinh tế
Yên Bái nằm ở cửa ngõ vùng Tây Bắc,
trên trục hành lang kinh tế trọng điểm Côn Minh - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng,
là trung tâm kết nối giao thông của các tỉnh miền núi phía Bắc nên rất thuận
lợi trong phát triển kinh tế - xã hội. Có lợi thế để phát triển ngành nông, lâm
nghiệp và thủy sản gắn với vùng nguyên liệu; thuận lợi trong việc khai thác và
chế biến khoáng sản như: bột đá cacbonat canxi, sắt, chì kẽm, cao lanh,
fenspat,...và sản xuất vật liệu xây dựng: xi măng, gạch, sứ kỹ thuật, sứ
dân dụng, đá xẻ ốp lát, đá mỹ nghệ và các loại vật liệu xây dựng
khác. Yên Bái là có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong
lành với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng là tiềm năng
cho việc đầu tư xây dựng các điểm du lịch sinh thái8, có nhiều di tích văn hóa, lịch sử lâu đời phục vụ
cho du lịch văn hóa - tâm linh như: Đền Đông Cuông, đền Nhược Sơn, Khu chùa - Đền Hắc Y - Đại Cại, chùa Ngọc Am... cùng với văn hóa ẩm
thực của các dân tộc và kho tàng văn hóa phi vật thể phong phú như múa xòe, múa
khèn, hát giao duyên... là yếu tố thu hút khách du lịch
trong nước ngoài nước.
II. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI
TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI
1. Thực trạng
công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
- Trong thời gian qua, tỉnh Yên Bái
đã ban hành nhiều văn bản quy định về công tác bảo vệ môi trường9; kịp thời ban hành các chương
trình, kế hoạch thực hiện các chương trình, kế hoạch, Chỉ thị của Trung ương về
bảo vệ môi trường10. Đặc
biệt, năm 2020, tỉnh Yên Bái đã ban hành Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH
trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030 - đây là Đề án rất quan trọng nhằm nâng cao công tác quản lý
CTRSH trên địa bàn tỉnh.
- Công tác thẩm định được thực hiện
theo đúng quy định của pháp luật, chất lượng thẩm định ngày càng được nâng cao.
Thông qua công tác thẩm định đã tham mưu sàng lọc nhiều dự án có công nghệ lạc
hậu, các dự án tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao.
Trong quá trình thẩm định đã hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ
các khó khăn vướng mắc cho các nhà đầu tư để hoàn thiện hồ
sơ về môi trường trước khi thực hiện dự án.
- Công tác thanh tra, kiểm tra tình
hình chấp hành các quy định pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản
xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện tương đối hiệu quả,
có trọng tâm, trọng điểm góp phần vào công tác phòng ngừa và kiểm soát ô nhiễm
môi trường đạt kết quả tốt, trong đó tập trung thanh tra, kiểm tra vào các cơ
sở, lĩnh vực tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường như:
khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất giấy để, chế biến tinh bột sắn
và sản xuất xi măng Do vậy, trên địa bàn tỉnh không phát sinh
điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Việc tổ chức kiểm tra đột xuất đối với các cơ
sở gây ra sự cố môi trường, các cơ sở theo phản ánh của nhân dân, cơ quan báo
chí được thực hiện khẩn trương, kịp thời từ đó đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh
nghiệp khắc phục triệt để các tồn tại, vi phạm trong lĩnh
vực môi trường.
- Công tác tuyên truyền, nâng cao
nhận thức của các ngành, các cấp, cơ quan, tổ chức, cá nhân, cộng đồng về bảo
vệ môi trường được tiếp tục quan tâm triển khai với nhiều hình thức khác nhau
như: tổ chức các hoạt động về môi trường hưởng ứng một số ngày lễ lớn về môi
trường như: Ngày Môi trường thế giới; chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn; tổ
chức tập huấn; in ấn tờ rơi; tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng
của địa phương về môi trường.
- Về xã hội hóa hoạt động bảo vệ môi
trường: (i) trong những năm qua đã tích cực triển khai xây
dựng các mô hình điểm xã hội hóa thực hiện công tác BVMT tại các khu dân cư (Mô
hình phân loại rác tại nguồn tại xã Việt Thành, huyện Trấn Yên, mô hình thu gom
xử lý rác thải sinh hoạt khu dân
cư tại một số xã phường của thành phố Yên Bái...), đến nay các mô hình này đang được triển khai
nhân rộng trên địa bàn tỉnh; (ii) việc thu hút, mời gọi các nhà đầu tư vào lĩnh
vực BVMT nhất là công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải sinh hoạt, được
thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật. Đến nay,
có 02 cơ sở tư nhân đã đầu tư vào lĩnh vực BVMT11.
2. Thực trạng
chất lượng các thành phần môi trường và công tác quản lý chất thải rắn tỉnh Yên
Bái
a) Chất lượng môi trường nước:
- Môi trường nước mặt: Hầu hết các
thông số quan trắc tại các vị trí quan trắc đều thấp hơn QCVN 08-MT:2015/BTNMT
- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước mặt, cột B1, giá trị WQI đa số nằm trong khoảng từ 51-90 phù hợp cho mục đích cấp nước
sinh hoạt (phải áp dụng biện pháp xử lý phù hợp), tưới
tiêu, thủy lợi, bảo vệ đời sống thủy sinh. Tuy nhiên, tại một số sông, suối, hồ
chính trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện tình trạng ô nhiễm cục bộ12.
- Môi trường nước ngầm: Chất lượng
nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái là khá tốt, hầu hết các thông số
phân tích tại các vị trí quan trắc đều thấp
hơn QCVN 09-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước dưới
đất. Tuy nhiên, một số thông số như Fe, Coliform, NO2-
tại một số điểm đã và đang có dấu hiệu bị ô nhiễm và vượt so với
quy chuẩn QCVN 09-MT:2015/BTNMT từ 01 đến dưới 06 lần (hầu hết các vị trí có
các thông số ô nhiễm vượt QCVN là các bãi
rác thải và bệnh viện).
b) Chất lượng môi trường không khí: Nồng độ SO2, NO2, nồng độ bụi tại tất cả các vị trí quan trắc đều thấp hơn so với QCVN
05:2013/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về không khí
xung quanh. Tuy nhiên, tại một số khu vực như các khu/cụm công nghiệp, các trục
đường giao thông lớn, đông xe cộ, nơi mật độ phương tiện giao thông lớn đã có
dấu hiệu ô nhiễm bụi, nồng độ bụi vượt quá QCVN cho phép;
hiện tượng ô nhiễm môi trường không khí cục bộ, khí thải của các cơ sở sản xuất
vẫn còn xảy ra13. Một số
khu vực nông thôn cũng có dấu hiệu ô nhiễm môi trường không khí nhất là ô nhiễm
bụi, khí thải do hoạt động khai thác, vận chuyển, chế biến khoáng sản gây ra.
c) Chất lượng môi trường đất: Kết quả
quan trắc phân tích về chất lượng môi trường đất trên địa bàn tỉnh Yên Bái, cho
thấy các hàm lượng các thông số phân tích về kim loại nặng (Cd, As, Pb, Cu,
Zn), và thông số hóa chất bảo vệ thực vật nhóm photpho hữu
cơ đều nằm trong ngưỡng giới hạn cho phép khi so sánh đối chiếu với ngưỡng
giới hạn cho phép đối với nhóm đất nông nghiệp tại QCVN
03-MT:2015/BTNMT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về giới hạn
cho phép của một số kim loại nặng trong đất và QCVN 15:2008/BTNMT - Quy chuẩn
kỹ thuật quốc gia về dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật trong đất.
Tuy nhiên, trong đó nhận thấy sự gia tăng hàm lượng kim loại nặng như thông số As, Cu và Zn tại một số khu vực bãi rác, nông trường sản xuất cây công
nghiệp (chè) và cây ăn quả14.
d) Hiện trạng rừng và Đa dạng sinh
học:
Tỷ lệ che phủ rừng năm 2020 đạt 63%
(xếp thứ tư cả nước)15. Tuy
nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những bất cập, vướng mắc cần được
giải quyết trong thời gian tới16.
đ) Công tác quản lý chất thải rắn:
- Chất thải rắn sinh hoạt:
+ Chất thải rắn sinh hoạt đô thị: Đến
nay, thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ và các thị trấn, trung tâm các huyện cơ bản có đơn vị dịch vụ môi trường tổ chức thu
gom, vận chuyển chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) để đưa đi
xử lý tập trung. Tỷ lệ thu gom CTRSH ở khu vực đô thị hiện nay đạt khoảng 82%.
CTRSH trên địa bàn tỉnh nói chung và CTRSH tại khu vực đô thị nói riêng hiện nay
được xử lý bằng 02 biện pháp chủ yếu, đó là: (i) biện pháp sản xuất phân vi sinh
kết hợp tái chế nhựa, đốt và chôn lấp được thực hiện tại Nhà máy xử lý rác thải
tại xã Văn Phú, thành phố Yên Bái của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng
lượng Nam Thành Yên Bái để xử lý CTRSH tại thành phố Yên Bái và
thị trấn Yên Bình (ii) biện pháp chôn lấp thông thường để xử lý CTRSH tại các
huyện, thị xã còn lại (phần lớn CTRSH được đưa về chứa tại các bãi chôn lập,
sau đó được lấp đất, phun chế phẩm khử mùi)17.
- Chất thải rắn sinh hoạt nông thôn:
Hiện nay, có 01 hợp tác xã (HTX), 99 tổ tự quản18, một số đơn vị dịch vụ
về môi trường của các đô thị tham gia hoạt động thu gom, vận chuyển rác thải
sinh hoạt ở khu vực nông thôn, chủ yếu sử dụng các phương
tiện thô sơ để vận chuyển, hoặc thuê phương tiện chuyên chở khác để vận chuyển rác thải ra nơi
xử lý19.
- Chất thải rắn nông nghiệp: Hầu hết
các phụ phẩm nông nghiệp chưa được thu gom một cách triệt để, một số ít tận thu
còn lại đều được xử lý tại khu vực canh tác nông nghiệp bằng phương pháp đốt.
Đối với chất thải từ chăn nuôi, hiện nay đã hình thành và phát triển nhiều cơ
sở chăn nuôi tập trung có quy mô trang trại. Hầu hết các cơ sở này đều thực
hiện thu gom, xử lý nước thải, chất thải chăn nuôi theo quy định. Đối với các
hộ gia đình cơ bản đã đầu tư bể biogas để thu gom, xử lý chất thải chăn nuôi phát sinh (xử lý chung cả chất
thải rắn và nước thải), một số hộ
thu gom riêng chất thải rắn để ủ phân bón lúa hoặc cây công nghiệp, cây ăn quả,
tuy nhiên vẫn còn tình trạng chất thải chăn nuôi xả ra môi trường chưa qua xử
lý làm ô nhiễm môi trường.
Đối với vỏ bao bì, chai lọ hóa chất
bảo vệ thực vật, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều đã bố trí các bể thu gom
trên các cánh đồng, khu vực sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, một số nơi số
lượng các bể chưa đảm bảo số lượng theo quy định. Hầu hết đều chưa có kinh phí để
thuê đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý
đảm bảo đúng theo quy định về quản lý chất thải nguy hại, do đó cơ bản được lưu
giữ tại các bể rồi đốt thủ công - có nguy cơ cao gây ô
nhiễm môi trường cũng như ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.
- Chất thải rắn
công nghiệp thông thường: Chất thải rắn công nghiệp thông thường trên địa bàn
tỉnh chủ yếu là đất đá thải từ các cơ sở khai thác, chế biến khoáng sản và các
loại chất thải phát sinh từ các cơ sở sản xuất công nghiệp như: chế biến lâm,
nông sản; dệt may,... Các loại chất thải này hầu hết đều được các doanh nghiệp
thu gom và xử lý như: đất đá thải được đồ thải đúng vị trí theo quy định; các loại
chất thải rắn thông thường từ các cơ sở chế biến lâm, nông sản phần lớn được
tận thu, tái sử dụng làm chất đốt ngay tại cơ sở phát sinh hoặc bán cho các cơ
sở có sử dụng lò hơi để làm chất đốt; chất thải rắn thông
thường từ các nhà máy may mặc hoặc các cơ sở sản xuất công nghiệp khác như bao
bì,...được ký hợp đồng, chuyển giao cho các đơn vị có chức
năng thu gom, xử lý theo quy định.
- Chất thải rắn nguy hại: Hầu hết các
cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có phát sinh chất thải nguy hại (CTNH) đã
thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải CTNH, thu gom, phân loại, lưu giữ CTNH
tại cơ sở phát sinh; số lượng các chủ nguồn thải ký hợp
đồng, chuyển giao CTNH cho các chủ xử lý CTNH ngày càng
tăng lên.
3. Công tác bảo vệ môi trường được
đánh giá thông qua Bộ chỉ số về bảo vệ môi trường (Quyết định số 2782/QĐ-BTNMT
ngày 31/10/2019 của Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành bộ chỉ số đánh giá kết
quả bảo vệ môi trường của các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương):
a) Về bảo vệ chất lượng môi trường
sống20.
- Chỉ số 01 (Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị từ loại IV trở lên được xử lý đạt quy
chuẩn kỹ thuật môi trường). Hiện nay, tỉnh Yên Bái có 02
đô thị từ loại IV trở lên gồm: thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ21 đều chưa có hệ thống xử
lý nước thải sinh hoạt tập trung. Nước thải sinh hoạt mới chỉ được thu gom, xử
lý qua bể phốt, bể tự hoại của từng hộ gia đình, cơ quan,
doanh nghiệp rồi thải ra ngoài môi trường (hồ ao, sông suối) thông qua hệ thống cống rãnh
thu gom, thoát nước tập trung.
- Chỉ số 02 (Tỷ lệ cơ sở sản xuất,
kinh doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày đêm (24 giờ)
trở lên có hệ thống xử lý nước thải đạt
quy chuẩn kỹ thuật môi trường): Hiện có 25 cơ sở sản
xuất có phát sinh nước thải công nghiệp với lưu lượng từ 50 m3/ngày đêm (24 giờ) trở lên, trong đó có 19 cơ sở đã được cấp giấy phép
xả nước thải vào nguồn nước hoặc được xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi
trường, trong đó có công trình xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi
trường, chiếm tỷ lệ 76% (Chi tiết tại Phụ lục 01)
- Chỉ số 03 (Tỷ lệ khu công
nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung
đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường): Hiện có 3 Khu công nghiệp (KCN) được
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phát triển các khu công nghiệp quốc
gia, bao gồm KCN phía Nam, KCN Minh Quân và KCN Âu Lâu. Trong số 03 KCN của tỉnh, chưa có KCN nào được đầu tư hệ thống xử lý nước thải
tập trung, tỷ lệ đạt 0%.
- Chỉ số 04 (Tỷ lệ cụm công nghiệp
có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường):
Hiện nay, có 14 cụm công nghiệp (CCN), trong đó: có 11 CCN đầu tư từ ngân sách
nhà nước và 03 CCN đầu tư từ nguồn xã hội hóa; 09 CCN đang hoạt động, 05 CCN
chưa triển khai (chưa có CCN nào trên địa bàn tỉnh có hệ thống xử lý nước thải
tập trung; cam kết xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung có 02 CCN mới
thành lập của Công ty Cổ phần đầu tư hạ tầng công nghiệp Bảo Hưng đối với CCN
Minh Quân và CCN Bảo Hưng (chi tiết tại Phụ lục 02).
- Chỉ số 05 (Tỷ
lệ cơ sở y tế có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật
môi trường): Trong 17 cơ sở y tế từ Trung tâm Y tế cấp
huyện trở lên có 16 cơ sở có hệ thống xử lý nước thải (01 cơ sở không có hệ thống
xử lý nước thải y tế tập trung -
Trung tâm Y tế huyện Lục Yên), trong đó chỉ có 10/17
hệ thống xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường, đạt tỷ lệ 58,8%.
06 cơ sở còn lại đã có hệ thống xử lý nhưng do xuống cấp, hư hỏng nên không đảm
bảo hiệu quả xử lý, thậm chí một số hệ thống xử lý không còn hoạt động được. Do
chưa có kinh phí nên chưa tiến hành đầu tư mới hoặc sửa chữa, nâng cấp (Chi
tiết tại Phụ lục 03).
- Chỉ số 06 (Tỷ lệ cơ sở gây ô
nhiễm môi trường nghiêm trọng được xử lý triệt để): Có tất cả 13 cơ sở gây ô nhiễm môi trường
nghiêm trọng cần xử lý triệt để22. Đến nay, đã có 08 cơ sở được chứng nhận
hoàn thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường23 đạt tỷ lệ 61,5%. Còn lại
05 cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng chưa được chứng nhận hoàn thành xử
lý triệt để ô nhiễm môi trường24.
- Chỉ số 07 (Số lượng phương tiện
giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị): Số lượng phương tiện giao
thông công cộng đô thị của tỉnh Yên Bái hiện nay là 21,83 phương tiện/10.000
dân đô thị (Chi tiết tại Phụ lục 4).
- Chỉ số 08 (Số
lượng sự cố môi trường do chất thải gảy ra): Trong những năm gần đây trên địa bàn tỉnh Yên Bái không có sự cố môi trường
nào do chất thải gây ra. Tuy nhiên, ở một số thời điểm, một số cơ sở sản xuất,
chế biến xả chất thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt quy chuẩn kỹ thuật về môi trường ra môi trường gây ảnh hưởng cục bộ đến đời sống và
sinh hoạt của người dân ở khu vực xung quanh.
- Chỉ số 09 (Tỷ lệ chất thải nguy
hại được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường): Tổng lượng CTNH phát sinh trên địa bàn tỉnh là 81.466 kg, trong đó khối
lượng được thu gom, xử lý đáp ứng yêu cầu về BVMT là 63.788 kg, đạt tỷ lệ 78,3%.
- Chỉ số 10 (Tỷ lệ các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự
nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; các siêu thị,
khu du lịch đã có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống rác thải
nhựa): Đến nay, hầu hết các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự
nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện đều đã có quy định, cam kết, kế hoạch triển
khai về chống rác thải nhựa, đạt tỷ lệ 80,77% (Chi tiết tại Phụ lục 5).
- Chỉ số 11 (Tỷ lệ chất thải rắn
sinh hoạt được phân loại tại nguồn): Việc phân loại CTRSH tại nguồn bước
đầu đã được hình thành tự phát tại một số khu dân cư, người dân tự phân loại,
một phần CTRSH có thể tái chế (như: giấy bìa các tông, kim loại, nhựa) được thu
gom, bán cho cơ sở thu mua phế liệu; thức ăn thừa, sản phẩm thừa sau sơ chế
rau, củ quả,... được tận dụng làm thức ăn cho chăn nuôi. Tỷ lệ CTRSH được phân
loại tại nguồn trên địa bàn tỉnh hiện nay là 24,16% (Chi tiết tại Phụ lục 6).
- Chỉ số 12 (Tỷ lệ chất thải rắn
sinh hoạt được xử lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ
môi trường): Khối lượng
CTRSH phát sinh trên địa bàn tỉnh năm 2020 khoảng 347 tấn/ngày, được xử lý tập
trung là 152,8 tấn/ngày. Hiện nay, Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Văn
Phú, thành phố Yên Bái của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành
Yên Bái (xử lý CTRSH cho thành phố Yên Bái và thị trấn Yên Bình) sử dụng
công nghệ tái sử dụng sản xuất phân vi sinh hữu cơ kết hợp đốt và tái chế hạt
nhựa là cơ sở xử lý rác thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Lượng CTRSH
được xử lý tại Nhà máy trung bình là 79,3 tấn/ngày trên tổng số 347 tấn/ngày
phát sinh, đạt tỷ lệ 23% (Chi tiết tại Phụ lục 7).
- Chỉ số 13 (Tỷ lệ bãi chôn lấp
chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh): Trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 27 bãi chôn lấp CTRSH, trong đó có 19
bãi chôn lấp quy mô cấp xã (Chi tiết tại Phụ lục 8). Tất cả 27 bãi chôn lấp
trên đều là các bãi chôn lấp rác thải thông thường, không có bãi chôn lấp nào
đáp ứng yêu cầu của bãi chôn lấp hợp vệ sinh theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN
6696:2009 - Chất thải rắn - Bãi chôn lấp hợp vệ sinh - Yêu cầu chung về bảo vệ
môi trường, tỷ lệ 0%. Rác thải sau khi đưa về các bãi chôn lấp được lấp đất,
phun chế phẩm khử mùi (đối với hầu hết các bãi chôn lấp cấp huyện) hoặc đốt thủ
công (đối với hầu hết các bãi chôn lấp cấp xã). Trong đó, có 02 bãi chôn lấp đã
dừng tiếp nhận rác từ năm 201825.
- Chỉ số 14 (Tỷ
lệ số khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử
lý, cải tạo): Hiện có 02 điểm tồn dư hóa chất BVTV
trên địa bàn thị xã Nghĩa Lộ (tại Tổ 23,
phường Pú Trạng và thôn Bản Vệ, xã Nghĩa An) cần phải
xử lý ô nhiễm môi trường. Việc xử lý ô nhiễm môi trường
tại 02 điểm tồn lưu đã được Sở Tài nguyên và Môi trường
thực hiện hoàn thành (tháng 7/2015) và bàn giao lại diện tích đất cho các hộ
gia đình, cá nhân để tiếp tục quản lý, sử dụng theo quy định26. Ngoài ra, còn 04 khu vực tồn lưu hóa chất bảo
vệ thực vật cần phải thực hiện xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường27. Như vậy, đến nay có
02/06 điểm tồn lưu hóa chất thuốc bảo vệ trên địa bàn tỉnh
đã được xử lý, cải tạo, phục hồi môi trường, đạt tỷ lệ 33,3%.
- Chỉ số 15 (Tỷ lệ dân số
đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung): Đến hết năm 2020, tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp
nước tập trung trên địa bàn tỉnh là 86% (Chi tiết tại Phụ lục 9).
- Chỉ số 16 (Tỷ lệ dân số
nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh): Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trên địa
bàn tỉnh Yên Bái đến hết năm 2020 là 91% (Chi tiết tại Phụ lục 10).
- Chỉ số 17 (Tỷ lệ hộ gia đình
nông thôn có hố xí hợp vệ sinh): Tỷ lệ hộ gia đình nông thôn có hố xí hợp vệ sinh trên địa bàn tỉnh
Yên Bái đến hết năm 2020 là 72,5% (Chi tiết tại Phụ lục 11).
b) Về bảo vệ sức sống hệ sinh thái (Bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; bảo vệ và phát
triển rừng):
- Chỉ số 18 (Tỷ lệ diện tích đất
của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng
diện tích đất quy hoạch cho bảo tồn
thiên nhiên và đa dạng sinh học): Hiện nay, trên địa
bàn tỉnh có 67.647,2 ha đất dành cho bảo tồn đa dạng sinh học bao gồm: Khu bảo
tồn thiên nhiên Nà Hấu, huyện Văn Yên với 16.039 ha, khu bảo tồn loài và sinh
cảnh Mù Cang Chải với 20.108,2 ha (chiếm tỷ lệ 53,4%), khu rừng Tân Phượng,
huyện Lục Yên (5.200 ha), khu rừng Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (1.500 ha),
khu rừng Việt Hồng, huyện Trấn Yên (1.000 ha) và các hệ sinh thái đất ngập nước
vùng hồ Thác Bà (23.400 ha), đầm Vân Hội (400 ha).
- Chỉ số 19: Tỷ lệ diện tích rừng
trồng mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp trên địa bàn
tỉnh hiện nay đạt 0,15% (Chi tiết tại Phụ lục 12).
- Chỉ số 20 (Diện
tích rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá): Diện tích rừng tự nhiên bị cháy trên địa bàn tỉnh năm 2019 là 0,45 ha
(xảy ra tại vụ Đông Xuân 2019 - 2020 ở xã Cát Thịnh, huyện Văn Chấn ngày
06/12/2019). Năm 2020, không có rừng tự nhiên bị cháy, chặt phá.
c) Về bảo vệ hệ thống khí hậu (Sử
dụng năng lượng tái tạo): Chỉ số 21 (Sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái
tạo): Đến nay, trên
địa bàn tỉnh Yên Bái chưa có Nhà máy điện nào sử dụng năng lượng tái tạo để
phát điện.
d) Về năng lực quản lý nhà nước bảo
vệ môi trường28:
- Chỉ số 22 (Số
trạm quan trắc tự động chất lượng môi trường
không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị): Trên địa bàn tỉnh chưa có các trạm quan trắc tự động chất lượng môi
trường không khí.
- Chỉ số 23 (Tỷ
lệ các khu công nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp
đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí
thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương theo quy định
của pháp luật): Theo quy định tại Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ
trên địa bàn tỉnh Yên Bái có 10 cơ sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết quan trắc tự động liên tục29. Đến nay, có 02/10 cơ sở
sản xuất, kinh doanh đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động,
liên tục và truyền số liệu trực tiếp về Sở Tài nguyên và
Môi trường, chiếm tỷ lệ 20%.
- Chỉ số 24 (Tỷ lệ chi ngân sách
cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường): Năm 2020, chi cho hoạt động sự
nghiệp bảo vệ môi trường đạt tỷ lệ 0,82% tổng chi ngân
sách nhà nước (Chi tiết tại Phụ lục 13)30.
- Chỉ số 25 (Số lượng công chức,
cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân): Hiện nay, ở
cấp tỉnh chỉ có Chi cục Bảo vệ môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường (11
công chức và 01 hợp đồng theo Nghị định 68), Ban Quản lý các khu công nghiệp
tỉnh (04 cán bộ, công chức) thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về bảo vệ môi
trường. Ở cấp huyện, mỗi huyện, thị xã, thành phố mới chỉ có 01 công chức được
giao nhiệm vụ tham mưu, quản lý về bảo vệ môi trường. Như vậy, tổng số cán bộ,
công chức thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái hiện
nay là 24 cán bộ, công chức trên tổng số dân tỉnh Yên Bái đến năm 2019 là
821.030 người, tương đương 29 người/1 triệu dân (tỷ lệ này trung bình của cả
nước năm 2019 là 59 người/1 triệu dân).
- Chỉ số 26 (Tỷ lệ xử lý thông tin
phản ảnh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng): Trong
những năm qua, tất cả các thông tin phản ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường
thông qua đường dây nóng đều đã được xử lý dứt điểm, không có vụ việc tồn đọng,
kéo dài, chiếm tỷ lệ 100%.
4. Nguồn lực
cho công tác bảo vệ môi trường giai đoạn
2016 - 2020
Tổng kinh phí đã
bố trí cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh
Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020 là 401.844 triệu đồng, trong đó: (i) nguồn
vốn sự nghiệp: 359.488 triệu đồng (ngân sách cấp tỉnh: 81.982 triệu đồng; ngân
sách cấp huyện: 277.506 triệu đồng); (ii) nguồn vốn đầu tư phát triển: 38.798
triệu đồng (Ngân sách Trung ương: 4.955 triệu đồng; ngân sách địa phương: 33.843
triệu đồng); (iii) nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường: 3.558 triệu đồng.
(Chi
tiết tại Phụ lục 14, Phụ lục 15 và Phụ lục 16)
III. ĐÁNH GIÁ
CHUNG
1. Kết quả đã
đạt được
Nhìn chung, công tác bảo vệ môi
trường trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong thời gian qua luôn được quan tâm và
triển khai thực hiện có hiệu quả. Chất lượng môi trường không khí, đất, nước
trên địa bàn tỉnh còn khá trong lành, không có điểm nóng về môi trường; công
tác quản lý chất thải rắn từng bước được quan tâm, đầu tư; cảnh quan thiên
nhiên và đa dạng sinh học ngày càng được quan tâm giữ gìn và bảo vệ; hiệu quả
của công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường từng bước được nâng cao.
2. Tồn tại, hạn
chế, nguyên nhân
Bên cạnh những kết quả đạt được, công
tác bảo vệ môi trường của tỉnh Yên Bái vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: (i)
chất lượng các thành phần môi trường đã có dấu hiệu ô nhiễm cục bộ ở một số
nơi, một số thời điểm. Bên cạnh đó, diễn biến trong thời gian qua cũng cho
thấy, chất lượng môi trường ở một vài khu vực, vị trí có dấu hiệu suy giảm (Nồng
độ của các thông số ô nhiễm ở một số vị trí
quan trắc có dấu hiệu
tăng lên theo thời gian gần đây); (ii) vẫn còn những
khu vực đô thị và phần lớn của khu vực nông thôn chưa có hoạt động thu gom, vận
chuyển, xử lý CTRSH tập trung; nhiều nội dung, nhiệm vụ, dự án nhất là đầu tư
các lò đốt rác CTRSH chưa được đầu tư do còn thiếu về kinh phí (iii) sự quan
tâm của một số sở, ban, ngành, địa phương, đoàn thể trong
công tác bảo vệ môi trường còn những hạn chế nhất định (iv) nhận thức, ý thức
của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn chưa cao; (v) nhiều chỉ số bảo vệ
môi trường đạt tỷ lệ thấp, thậm chí là 0%.
Nguyên nhân chính: Kinh phí phân bổ
để triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ trong lĩnh vực bảo
vệ môi trường còn hạn chế; ý thức, nhận thức về trách nhiệm bảo vệ môi trường
của một bộ phận tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp và người dân còn chưa cao.
IV. DỰ BÁO XU HƯỚNG PHÁT TRIỂN VÀ
CÁC TÁC ĐỘNG ĐẾN CHẤT LƯỢNG MÔI TRƯỜNG
1. Dự báo xu
hướng phát triển
Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh
Yên Bái lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra 05 phương
hướng phát triển của nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong đó phương hướng thứ 2 là “Tạo
môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp
dẫn, thuận lợi, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy
khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất
là kinh tế tư nhân trong những ngành chủ lực, có lợi thế của tỉnh ..., tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh,
bền vững”. Đồng thời, Nghị quyết đã đưa ra 03 đột phá
chiến lược và 07 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, có 02 nhiệm vụ trọng tâm liên
quan đến phát triển kinh tế đó là “Tiếp tục cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng
phát triển xanh, phù hợp với tiềm năng, lợi thế của tỉnh; trọng tâm là phát
triển nông lâm nghiệp theo chuỗi giá trị gắn với xây dựng nông thôn mới bền
vững; phát triển công nghiệp thân thiện với môi trường, trở thành
động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền
vững; phát triển du lịch xanh, bản sắc, hấp dẫn, là
một trong những điểm đến du lịch hàng đầu của vùng Tây Bắc” và “Tích cực, chủ động thu hút đầu tư
theo hướng hiện đại, thân thiện với môi trường; thúc đẩy khởi nghiệp, phát triển mạnh các thành phần kinh tế, nhất
là kinh tế tư nhân, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội
nhanh, bền vững”. Như vậy, phát triển nhanh kinh tế theo
hướng xanh, bền vững là mục tiêu và cũng là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong
nhiệm kỳ 2020-2025.
2. Dự báo tác
động và những thách thức về môi trường
Thứ nhất: Với mục tiêu phấn đấu đưa Yên Bái trở thành tỉnh khá vào năm 2025 và
nằm trong nhóm tỉnh phát triển hàng đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc
vào năm 2030 thì mục tiêu tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội là một
trong nhóm những mục tiêu quan trọng hàng đầu. Cùng với sự phát triển về kinh
tế thì các tác động xấu đến môi trường là không tránh khỏi. Với cơ cấu các
ngành sản xuất ngày càng đa dạng, quy mô ngày càng lớn và phân bố ngày càng
rộng trên địa bàn tỉnh thì các loại chất thải như khí thải, bụi, nước thải công
nghiệp, nước thải sinh hoạt, chất thải rắn sinh hoạt, chất thải nguy hại, chất
thải rắn công nghiệp thông thường ... sẽ ngày càng gia tăng. Do vậy, nếu năng
lực quản lý về môi trường không được tăng cường tương ứng sẽ tăng nguy cơ gây ô
nhiễm môi trường nước mặt, nước ngầm, môi trường đất, môi
trường không khí xung quanh, dẫn tới ảnh hưởng đến chất lượng môi trường sống
trên địa bàn tỉnh.
Thứ hai: Mục tiêu phát triển Xanh, Hài hòa, Bản sắc phải đi đôi với việc giảm
thiểu khai thác tài nguyên, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Đồng
thời đòi hỏi các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh phải đầu tư mạnh
cho đổi mới công nghệ hiện đại thay thế cho công nghệ cũ, lạc hậu đã đầu tư và đang sử dụng hiện nay, nhằm nâng cao năng suất, chất
lượng, giá trị, hiệu quả sản xuất. Yêu cầu này cần nhiều thời gian và nhiều điền
kiện, rất khó để thực hiện trong ngắn hạn.
Thứ ba: Muốn nâng cao chất lượng môi trường sống cần nhiều yếu tố, trong đó có
việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xử lý các loại chất thải
như nước thải và chất thải rắn sinh hoạt bằng việc đầu tư các lò đốt chất thải
rắn sinh hoạt, cải tạo các bãi chôn lấp chất thải rắn sinh hoạt do lịch sử để
lại, đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung ở các đô thị; đầu tư hệ thống xử lý nước thải công
nghiệp trong các khu cụm công nghiệp theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường
năm 2020. Ngoài ra cũng cần đầu tư để kiểm soát và xử lý tốt khí thải, chất
thải nguy hại, chất thải rắn công nghiệp... Với điều kiện của tỉnh, việc thu
hút đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa đang gặp khó khăn nhất
định, do vậy những nội dung trên chủ yếu cần đầu tư từ ngân sách nhà nước.
Thứ tư: Biến đổi khí hậu đang diễn biến ngày càng phức
tạp, khó lường, tác động tiêu cực tới môi trường sinh thái và sự phát triển bền
vững của Việt Nam nói chung, tỉnh Yên Bái nói riêng. Biến đổi khí hậu đã tác động đến môi trường nhiều năm qua và ngày càng rõ nét hơn,
thể hiện qua các hiện tượng thiên tai bất thường, thời tiết cực đoan, lũ lụt, sạt
lở đất, rét đậm, rét hại, băng giá, mưa đá ảnh hưởng rất
lớn đến sự phát triển kinh tế xã - hội trên địa bàn tỉnh. Trong tương lai, biến
đổi khí hậu cùng sẽ khiến cho tình trạng ô nhiễm môi trường nói
chung diễn ra phức tạp, khó lường với cường độ cao hơn và xảy ra trên nhiều
phương diện khác nhau.
Thứ năm: Nhận thức, ý thức của một bộ phận người dân, doanh nghiệp còn thấp,
chưa nhận thức và ý thức được trách nhiệm trong công tác bảo vệ môi trường theo
tinh thần bảo vệ môi trường là trách nhiệm của toàn dân. Đây cũng là một nguyên
nhân ảnh hưởng đến kết quả công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong
thời gian qua.
Phần thứ ba
NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Bảo vệ môi trường là nhiệm vụ của
cả hệ thống chính trị, là sự nghiệp của toàn dân, trách nhiệm của toàn xã hội,
là quyền lợi và nghĩa vụ của mọi tổ chức, mọi gia đình và của mỗi người dân.
- Bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu
vừa là một nội dung cơ bản của phát triển bền vững. Tăng cường bảo vệ môi
trường phải theo phương châm ứng xử hài hòa với thiên nhiên, theo quy luật tự
nhiên, phòng ngừa là chính; kết hợp kiểm soát khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi
trường với bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học. Lấy bảo vệ môi trường sống
và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu; kiên quyết loại bỏ những dự án gây
ô nhiễm môi trường, bảo đảm chất lượng môi trường sống,
bảo vệ đa dạng sinh học và hệ sinh thái; xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế
tuần hoàn, thân thiện với môi trường.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Tăng cường công tác bảo vệ môi trường
và nâng cao chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh Yên Bái thông qua các
chỉ số về môi trường góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh một cách bền
vững theo hướng phát triển “xanh, hài hòa, bản sắc và hạnh phúc”; bảo vệ môi
trường sinh thái, thiết thực nâng cao chất lượng sống và chỉ số hạnh phúc cho
nhân dân là giá trị cốt lõi; không ngừng nâng cao tỷ lệ hài lòng của người dân
về môi trường sống, từ đó nâng cao chỉ số hạnh phúc của
người dân; trên cơ sở kết quả đánh giá thực trạng công tác bảo vệ môi trường,
chất lượng môi trường sống trên địa bàn tỉnh để đề ra các
nhiệm vụ, giải pháp căn cơ, bài bản, có tính thực tiễn nhằm triển khai thực
hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án đã đề ra trong giai đoạn 2021-2025.
2.2. Mục tiêu cụ
thể đến năm 2025
(1) Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý
đạt 90%;
(2) Tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp
nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung: 91%;
(3) Tỷ lệ dân số nông thôn được cung
cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh: 98%;
(4) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn
đô thị: 93,4%;
(5) Tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn nông thôn: trên 51,2%;
(6) Tỷ lệ cơ sở gây ô nhiễm môi
trường nghiêm trọng được xử lý triệt để31: 100%;
(7) Tỷ lệ che phủ rừng: 65% (tỷ lệ
diện tích rừng trồng bình quân hằng năm trên diện tích đất quy hoạch cho lâm
nghiệp là 3,19% - 3,3% (tương đương 15.000 - 15.500 ha/năm);
(8) Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh,
dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở lên có hệ
thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
trên 90%;
(9) Tỷ lệ khu công nghiệp có hệ thống
xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường32: 100%;
(10) Tỷ lệ cụm công nghiệp có phát
sinh nước thải công nghiệp được đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt
quy chuẩn kỹ thuật môi trường33: 15%;
(11) Tỷ lệ cơ sở y tế từ cấp huyện
trở lên có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường34: 100%;
(12) Không để xảy
ra sự cố về môi trường do chất thải gây ra;
(13) Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử
lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường: 90%;
(14) Tỷ lệ cơ quan nhà nước, đảng, tổ
chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp huyện; các
siêu thị, khu du lịch phải có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống
rác thải nhựa theo phát động của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường35: 100%;
(15) Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được phân loại tại nguồn: 50%;
(16) Tỷ lệ khu vực đất bị ô nhiễm tồn
lưu được xử lý cải tạo36:
100%;
(17) Tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp
vệ sinh: 77%;
(18) Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ sở
sản xuất kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc
nước thải, khí thải tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài
nguyên và Môi trường theo quy định37: 100%;
(19) Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt
động sự nghiệp bảo vệ môi trường đạt tối thiểu 1% tổng chi
ngân sách của tỉnh38;
(20) Tỷ lệ xử lý thông tin phản ánh,
kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng: 100%;
(Chi tiết tại các Phụ lục 17, 18,
19, 20, 21, 22, 23 gửi kèm theo).
II. CÁC NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP THỰC
HIỆN
1. Tăng cường
công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường
- Tuyên truyền để nâng cao hiểu biết
pháp luật, nhận thức, trách nhiệm của người dân; để người
dân hiểu rõ ngoài quyền được thụ hưởng thành quả của công tác bảo vệ môi trường
thì người dân còn là chủ thể, có trách nhiệm tích cực chấp
hành tốt các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường và tích cực tham gia
các hoạt động bảo vệ môi trường trong cộng đồng, nơi sinh sống.
- Thường xuyên đổi mới hình thức
tuyên truyền sao cho ngắn gọn, súc tích, dễ hiểu, dễ nhớ các quy định của pháp
luật về bảo vệ môi trường thông qua các hình thức khác nhau như: truyền hình,
báo chí, loa truyền thanh, mạng xã hội hay truyền thông trực tiếp thông qua tờ
rơi, ấn phẩm,...
- Chú trọng hướng dẫn, tuyên truyền,
vận động người dân ở khu vực nông thôn sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh trong
sinh hoạt, sản xuất; đầu tư, xây dựng hố xí, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh,
thực hiện thu gom, xử lý rác thải tập trung để giữ gìn vệ
sinh môi trường; thu gom, phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình trong
trường hợp chưa có hoạt động thu gom, xử lý tập trung; thường xuyên vệ sinh
đường làng, ngõ xóm, khơi thông cống rãnh,...
2. Xây dựng,
ban hành cơ chế, chính sách, quy định
pháp luật về bảo vệ môi trường
Kịp thời xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật thuộc trách nhiệm của địa phương theo
quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 đảm bảo đúng quy định và phù hợp
với điều kiện thực tế của tỉnh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết
định số 2197/QĐ-TTg ngày 22/12/2020 về việc ban hành Danh mục và phân công cơ
quan chủ trì, soạn thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các Luật, Nghị quyết
được Quốc hội khóa XIV thông qua tại Kỳ họp thứ 10 và Quyết định số 343/QĐ-TTg
ngày 12/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch triển khai thi
hành Luật Bảo vệ môi trường39.
3. Xây dựng,
ban hành và tổ chức thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, đề án, chương trình về
bảo vệ môi trường
- Xây dựng lồng ghép nội dung về quy
hoạch bảo vệ môi trường, quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh học trong quy hoạch
chung của tỉnh và tổ chức thực hiện có hiệu quả nội dung quy hoạch đã được phê
duyệt40.
- Xây dựng các đề án, chương trình,
kế hoạch về bảo vệ môi trường theo yêu cầu, chỉ đạo của Trung ương, cấp trên và
thực tế công tác quản lý; tổ chức thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế
hoạch đã được duyệt.
4. Đầu tư hạ
tầng, cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ
môi trường
- Đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập
trung cho các khu/cụm công nghiệp: Phấn đấu tất cả các khu/cụm công nghiệp đầu
tư mới phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung
trước khi đi vào hoạt động. Trong giai đoạn 2021-2025 sẽ đầu tư hệ thống xử lý
nước thải tập trung cho Khu công nghiệp phía Nam và từng bước đầu tư hệ thống xử
lý nước thải tập trung cho các khu/cụm công nghiệp còn lại có phát sinh nước thải
đã đi vào hoạt động. Khuyến khích đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung tại
KCN Âu Lâu và KCN Minh Quân bằng nguồn xã hội hóa.
- Đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho
các cơ sở y tế: Trong giai đoạn 2021 - 2025, sẽ thực hiện đầu tư hệ thống xử lý
nước thải y tế cho các cơ sở y tế gồm: Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ, Bệnh
viện Sản Nhi, Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái và Trung tâm Y tế các huyện Văn
Chấn, Văn Yên, Trấn Yên, Lục Yên để đảm bảo các cơ sở y tế từ tuyến huyện trở
lên phải có hệ thống xử lý nước thải y tế đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Đầu tư xây dựng 07 trạm quan trắc
môi trường không khí tự động đặt tại các khu vực đông dân cư, khu vực dễ bị ảnh
hưởng của hoạt động sản xuất công nghiệp, khai thác khoáng sản, giao thông vận
tải và 04 trạm quan trắc môi trường nước mặt tự động tại một số sông, suối
chính trên địa bàn tỉnh.
- Yêu cầu tất cả các khu dân cư mới
thành lập phải có hạ tầng kỹ thuật về thu gom, thoát nước và hạ tầng kỹ thuật
về thu gom, lưu giữ chất thải rắn. Tăng cường giữ gìn vệ sinh môi trường trong
hoạt động mai táng.
- Nâng cấp, cải tạo, sửa chữa các tuyến đường đã hư hỏng, xuống cấp; bê tông
hóa, cứng hóa các tuyến đường đất hiện nay tại các khu dân cư nhất là ở vùng
nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
5. Tăng cường
bảo vệ và kiểm soát môi trường
a) Kiểm soát chặt chẽ các nguồn gây ô
nhiễm:
- Quan tâm chỉ đạo hoạt động thu gom,
xử lý nước thải sinh hoạt tại các đô thị trên địa bàn tỉnh nhất là các đô thị
loại IV trở lên (bao gồm: Thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ). Các công trình
xây dựng như: trụ sở, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, nhà ở, ...phải có bể
phốt, bể tự hoại hoặc công trình xử lý nước
thải sinh hoạt đảm bảo yêu cầu trước khi thải ra ngoài môi trường; tuyệt đối
không được xả nước thải sinh hoạt chưa qua xử lý ra ngoài môi trường.
- Tăng cường công tác kiểm soát ô
nhiễm môi trường, công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo
vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ nhất là việc đầu tư
xây dựng các công trình xử lý chất thải như đã cam kết trong hồ sơ về môi
trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, xác nhận. Không để xảy ra
các điểm nóng về ô nhiễm môi trường. Kịp thời phát hiện và
xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường,
trong đó:
+ Kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát
sinh nước thải công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh
doanh có phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở lên phải có
hệ thống xử lý nước thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi trường.
+ Kiểm soát chặt chẽ các nguồn phát
sinh khí thải. Yêu cầu tất cả các cơ sở sản xuất, cơ sở chế biến phát sinh bụi,
khí thải phải có hệ thống xử lý bụi, khí thải đảm bảo quy chuẩn kỹ thuật về môi
trường.
+ Thực hiện giám sát thường xuyên,
liên tục, đột xuất việc xả chất thải ra ngoài môi trường đối với các cơ sản
xuất, chế biến, nhất là các cơ sở có lưu lượng xả thải lớn. Rà soát, yêu cầu
các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh thuộc đối tượng phải
lắp đặt hệ thống quan trắc tự động để truyền số liệu trực tiếp
cho Sở Tài nguyên và Môi trường theo đúng quy định của pháp luật.
- Yêu cầu 100% các hộ gia đình có
hoạt động chăn nuôi phải đầu tư hệ thống biogas để thu gom, xử lý chất thải
phát sinh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giảm thiểu
mùi hôi, thối ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Thực hiện nghiêm quy định về
cấm, hạn chế hoạt động chăn nuôi trong đô thị, trong khu dân cư tập trung.
- Tiếp tục triển khai thực hiện Kế
hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm
nhìn đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết định số
3422/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và Văn bản chỉ
đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày
18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường
không khí.
- Đầu tư nâng cấp, cải tạo hệ thống
công trình bảo vệ môi trường, an toàn cháy nổ của các điểm kinh doanh dịch vụ tập trung, nhất là
các chợ dân sinh, trung tâm thương mại..., công tác bảo vệ môi trường trong
hoạt động du lịch, lễ hội.
- Tăng cường quản lý công tác bảo vệ
môi trường của các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; các hoạt động thu gom, vận chuyển chất thải
trong đô thị, trong khu dân cư nông thôn tập trung, nhất là hoạt động đào đắp, vận chuyển đất đá thải; các dịch vụ xử lý chất thải...
- Phát huy tiềm năng, thế mạnh của
tỉnh để nâng cao sản lượng điện sản xuất từ năng lượng tái tạo trên địa bàn
(điện gió, điện sinh khối, điện mặt trời). Trong đó, tạo điều kiện để các nhà đầu tư sớm triển khai và hoàn thành các dự án năng lượng tái
tạo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường trên địa bàn
tỉnh.
b) Tăng cường công tác quản lý chất
thải rắn thông thường và chất thải nguy hại:
- Tăng cường công tác quản lý CTRSH
trên địa bàn tỉnh: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Đề án
tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 -
2025, định hướng đến năm 2030 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết
định số 2311/QĐ-UBND ngày 01/10/2020, cụ thể:
- Tăng cường năng lực quản lý nhà
nước về CTRSH: (i) Đổi mới, hoàn thiện và thực hiện cơ chế,
chính sách, quy hoạch CTRSH; (ii) Hoàn thiện tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động
của các đơn vị thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH; (iii) Đầu tư trang thiết bị,
phương tiện thu gom, vận chuyển CTRSH; ứng dụng, nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ; (iv) Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra,
giám sát đối với hoạt động quản lý CTRSH.
- Tăng cường năng lực xử lý CTRSH
trên địa bàn tỉnh: (i) Đầu tư mới các lò đốt CTRSH: Trong đó, giai đoạn 2020 -
2025, đầu tư 13 lò đốt CTRSH để đáp ứng nhu cầu về xử lý CTRSH trên địa bàn
tỉnh (07 lò đốt đầu tư từ ngân sách nhà nước và 06 lò đốt thu hút đầu tư xã
hội hóa); (ii) Hướng dẫn biện pháp xử lý CTRSH đối với những địa bàn không có hoạt động thu gom, vận
chuyển và xử lý CTRSH tập trung đảm bảo vệ sinh môi trường; (iii) Đầu tư nâng
cấp, cải tạo các khu xử lý hiện tại (Bao gồm Nhà máy xử lý rác thải xã Văn Phú
của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái và các bãi chôn
lấp trên địa bàn tỉnh); (iv) Đóng cửa các bãi chôn lấp (sau khi đã đầu tư các
lò đốt CTRSH). Trong đó, điều chỉnh lại số lượng, lộ trình đầu tư các lò đốt
CTRSH trên cơ sở ưu tiên đầu tư tại các đô thị, các huyện theo
lộ trình xây dựng huyện nông thôn mới của tỉnh và các địa phương, khu vực có
vấn đề bức xúc hơn về ô nhiễm môi trường do CTRSH gây ra, cụ thể như sau:
+ Năm 2021, đầu tư các lò đốt CTRSH:
Tại xã Đông Cuông, huyện Văn Yên; tại xã Phù Nham, thị xã Nghĩa Lộ; tại xã Vĩnh
Kiên, huyện Yên Bình (theo Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH là tại xã
Bạch Hà). Thời gian hoàn thành và đưa vào vận hành thử nghiệm: Lò đốt tại xã
Đông Cuông trước 31/12/2021; lò đốt tại xã Phù Nham trước 15/5/2022; lò đốt tại
xã Vĩnh Kiên trước ngày 30/6/2022.
+ Năm 2022, đầu tư các lò đốt CTRSH:
Tại xã Y Can, huyện Trấn Yên; tại Thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn
Chấn; tại xã Cảm Nhân, huyện Yên Bình. Thời gian hoàn thành đưa vào vận hành
thử nghiệm: Trước 31/12/2022.
+ Năm 2023, đầu tư các lò đốt CTRSH:
Tại xã An Thịnh, huyện Văn Yên; tại xã Liễu Đô (hoặc xã Yên Thắng), huyện Lục
Yên; tại xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải; tại xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Thời
gian hoàn thành đưa vào vận hành thử nghiệm: Trước 31/12/2023.
+ Năm 2024, đầu tư các lò đốt CTRSH:
Tại xã Nậm Búng, huyện Văn Chấn; tại xã Động Quan, huyện Lục Yên. Thời gian
hoàn thành đưa vào vận hành thử nghiệm: Trước 31/12/2024.
(Phương thức đầu tư, quy mô, công
suất, phạm vi xử lý của các lò đốt được giữ nguyên như Đề án tăng cường năng
lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái)
Riêng đối với lò đốt CTRSH tại xã Đại
Đồng, huyện Yên Bình: Trong giai đoạn 2021 - 2025, CTRSH của thị trấn Yên Bình
và các xã Tân Nguyên, Bảo Ái, Cảm Ân, Mông Sơn, Tân Hương, Đại Đồng, Phú Thịnh,
Thịnh Hưng có thể được thu gom, xử lý tại Nhà máy xử lý rác thải tại xã Văn Phú
của Công ty Cổ phần Môi trường và Năng lượng Nam Thành Yên Bái nên chưa xây
dựng lộ trình và phương thức đầu tư cho lò đốt này. Nếu
quá trình thực hiện có khó khăn thì Ủy ban nhân dân huyện Yên Bình báo cáo Ủy ban
nhân dân tỉnh để xem xét, quyết định thời điểm và phương
thức đầu tư lò đốt này cho phù hợp.
- Tăng cường nâng cao nhận thức, sự
tham gia và trách nhiệm của người dân và cộng đồng doanh nghiệp: (i) Tuyên
truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng; (ii) Giảm thiểu sử dụng túi nilon khó
phân hủy và chất thải nhựa trong sinh hoạt; (iii) Thực hiện phân loại CTRSH tại
nguồn.
(Chi tiết các nhiệm vụ, giải pháp
nêu trên tại Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái
giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2025 ban hành kèm theo
Quyết định số 2311/QĐ-UBND)
- Tăng cường công tác quản lý CTNH
trên địa bàn tỉnh; yêu cầu các chủ nguồn thải CTNH phải thực hiện nghiêm, đầy
đủ các trách nhiệm theo quy định của pháp luật nhất là việc thu gom, lưu giữ,
vận chuyển và xử lý CTNH. Tiếp tục triển khai thực hiện
hiệu quả Kế hoạch thu gom, vận chuyển và xử lý CTNH trên
địa bàn tỉnh Yên Bái ban hành kèm theo Quyết định số 2555/QĐ-UBND ngày
05/10/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái.
- Yêu cầu các chủ nguồn thải CTNH
phải ký hợp đồng, chuyển giao CTNH cho Chủ xử lý CTNH phù hợp, có đầy đủ chức
năng và được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép xử lý CTNH. Phát hiện và
xử lý nghiêm các hành vi chuyển giao CTNH cho các tổ chức,
cá nhân không có chức năng vận chuyển, xử lý CTNH theo quy
định hoặc hành vi đổ trộm CTNH ra ngoài môi trường.
- Bố trí kinh
phí để xử lý vỏ bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật phát sinh trên địa bàn
tỉnh đảm bảo các quy định của pháp luật về chất thải nguy hại.
- Yêu cầu tất cả các cơ quan nhà
nước, đảng, tổ chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp công lập cấp tỉnh, cấp
huyện; các siêu thị, khu du lịch phải có quy định, cam kết, kế hoạch triển khai
về chống rác thải nhựa theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
c) Khắc phục ô nhiễm và cải thiện
chất lượng môi trường
- Hoàn thành việc xử lý triệt để
các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng còn lại trên địa
bàn tỉnh trong giai đoạn 2021-2025 với lộ trình cụ thể41.
- Hoàn thành xử lý cải tạo, phục hồi
môi trường 04 điểm tồn lưu hóa chất bảo vệ thực vật trên
địa bàn tỉnh, bao gồm: Kho thuốc tại thôn Cây Thị, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên;
kho thuốc tại Thôn 14, xã Minh Xuân, huyện Lục Yên; kho thuốc tại Thôn 5, xã
Minh Xuân, huyện Lục Yên và kho thuốc tại Tổ 25, phường Yên Thịnh, thành phố
Yên Bái.
- Rà soát, thực hiện xử lý, cải tạo
các ao, hồ, sông, suối trong đô thị, các khu dân cư tập trung đang gây ô nhiễm
môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, sinh thái và sức khỏe của người dân.
d) Tăng cường cung cấp nước sạch và
vệ sinh môi trường
- Tăng cường, mở rộng phạm vi cung
cấp nước sạch của các đơn vị cung cấp nước sạch hiện nay;
mời gọi, thu hút đầu tư xã hội hóa dịch vụ cung cấp nước sạch trên địa bàn tỉnh.
- Thường xuyên rà soát, kiểm tra,
đánh giá các công trình thủy lợi, nước sạch nông thôn nhằm nâng cao hơn nữa về
chất lượng và hiệu quả của công trình; triển khai hướng dẫn, đôn đốc các địa
phương thực hiện tổ chức bàn giao các công trình nước sạch nông thôn tập trung
cho các đơn vị quản lý khai thác; xây dựng kế hoạch cấp nước an toàn nông thôn
hằng năm nhằm đảm bảo cấp nước bền vững nông thôn, nâng cao chất lượng và hiệu
quả các công trình cấp nước tập trung; kế hoạch và tổ chức thực hiện hiệu quả
Chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả”
trên địa bàn tỉnh (vay vốn ngân hàng thế giới).
- Tiếp tục duy trì, nâng cao việc
thực hiện tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, trong đó, tập
trung vào các hoạt động vệ sinh môi trường đường làng ngõ
xóm, trồng cây xanh, trồng hoa để
tạo cảnh quan xanh - sạch - đẹp; thực hiện các mô hình thu gom,
vận chuyển, xử lý CTRSH tập trung hoặc; có biện pháp thu gom, xử lý tại hộ gia
đình đảm bảo vệ sinh môi trường, không để xảy ra tình trạng rác thải vứt bừa bãi
ra các khu vực công cộng, ra sông, suối, ngòi, hồ, ao...
đ) Tăng cường công tác bảo vệ, phát
triển rừng và bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học:
- Chỉ đạo triển khai thực hiện quyết
liệt, có hiệu quả Chỉ thị số 13-CT/TW ngày 12/01/2017 của Ban Bí thư Trung ương
Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và
phát triển rừng và các Văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh42.
- Tích cực tuyên truyền, vận động
người dân thực hiện tốt công tác bảo vệ, phát triển rừng, nhất là rừng tự
nhiên. Tăng cường công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị về đa dạng sinh
học của các khu bảo tồn thiên nhiên, khu bảo tồn loài và sinh cảnh trên địa bàn
tỉnh.
6. Nâng cao
năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường
- Tăng cường, nâng cao chất lượng
thẩm định các hồ sơ về môi trường nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường
của các dự án đầu tư.
- Xây dựng kế hoạch và triển khai
thực hiện thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường một
cách thường xuyên; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về
bảo vệ môi trường. Đồng thời, giám sát thường xuyên việc chấp hành của các cơ
sở trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục duy trì và tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động
của đường dây nóng phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường, nâng cao việc thực hiện
các trách nhiệm được giao, phân công, phân cấp theo thẩm quyền của các sở, ban,
ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã
trong công tác bảo vệ môi trường.
- Tăng cường kinh phí cho sự nghiệp
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, trong đó tăng dần kinh phí theo từng giai
đoạn, để thực hiện được mục tiêu trong công tác bảo vệ môi
trường. Phấn đấu hằng năm bố trí nguồn kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường 1%
tổng chi ngân sách nhà nước.
- Rà soát, bổ sung, tăng cường nguồn
nhân lực thực hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho Sở Tài
nguyên và Môi trường, Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh và Ủy ban nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố....
- Tích cực, chủ động phối hợp với các
địa phương giáp ranh để thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường có tính chất
liên tỉnh, liên vùng.
7. Tăng cường
nguồn lực xã hội hóa cho công tác bảo vệ môi trường
- Ưu tiên xã hội hóa, mời gọi đầu tư,
hỗ trợ, hợp tác công tư trong việc ứng dụng công nghệ xử lý, tái chế chất thải,
xử lý ô nhiễm môi trường phù hợp với điều kiện thực tế,
điều kiện khí hậu, đặc thù của chất thải....Trên địa bàn tỉnh. Xây dựng các cơ
chế đặc thù, mang tính đột phá để huy động các nguồn tài chính từ các thành
phần kinh tế trong xã hội nhất là đầu tư theo hình thức đối tác công tư, cơ chế
tạo nguồn thu từ môi trường để đầu tư trở lại cho bảo vệ
môi trường.
- Nghiên cứu, sửa đổi các quy định về
giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo hướng
tăng cường nguồn thu từ các tổ chức, cá nhân phát thải, giảm hỗ trợ từ ngân
sách nhà nước.
8. Đánh giá mức độ hài
lòng của người dân về chất lượng môi
trường sống
Thực hiện điều tra xã hội học đối với
người dân theo các độ tuổi, thành phần nghề nghiệp khác nhau đang sinh sống,
làm việc, học tập, lưu trú trên địa bàn tỉnh. Phiếu điều tra xã hội học bao gồm
các câu hỏi thể hiện nội dung của các tiêu chí đo lường sự
hài lòng, đồng thời phản ảnh quá trình, kết quả bảo vệ chất lượng môi trường sống
(bao gồm: Chất lượng môi trường không khí xung quanh, chất lượng môi trường nước, chất
lượng môi trường đất, cảnh
quan thiên nhiên và đa dạng sinh học),
thực hiện theo mẫu phiếu cụ thể khi có hướng dẫn của Bộ
Tài nguyên và Môi trường hoặc xây dựng các mẫu phiếu điều tra xã hội học trên
cơ sở các nội dung, tiêu chí đo lường trên để tiến hành điều tra, đánh giá mức
độ hài lòng của người dân về chất lượng môi trường sống.
IV. DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ
ÁN, NHIỆM VỤ ƯU TIÊN CỦA ĐỀ ÁN:
Căn cứ vào thực trạng công tác bảo vệ
môi trường trên địa bàn tỉnh; để thực hiện có hiệu quả các
mục tiêu của Đề án đã đề ra, trong giai đoạn 2021-2025 sẽ triển khai thực hiện
13 chương trình, dự án, nhiệm vụ ưu tiên của Đề án (Chi tiết tại Phụ lục 24
kèm theo Đề án).
V. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
1. Tổng kinh
phí thực hiện Đề án là: 1.441.118 triệu đồng,
trong đó:
- Nguồn vốn ngân
sách Trung ương: 154.844 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh: 836.274
triệu đồng, trong đó: nguồn vốn đầu tư phát triển 197.104 triệu đồng; nguồn vốn
sự nghiệp môi trường: 601.170 triệu đồng; nguồn vốn sự nghiệp
khác: 38.000 triệu đồng.
- Nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường: 76.900
triệu đồng.
- Các nguồn khác: 373.100 triệu đồng.
(Trong đó: 994.720 triệu đồng là
kinh phí thực hiện Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh
Yên Bái đã được UBND tỉnh ban hành tại Quyết định số 2311/QĐ-UBND ngày 01/10/2020, gồm:
- Nguồn vốn ngân sách Trung ương:
45.000 triệu đồng.
- Nguồn vốn ngân sách tỉnh:
654.720 triệu đồng, trong đó: nguồn vốn đầu tư phát triển 55.050 triệu đồng:
nguồn vốn sự nghiệp môi trường: 599.670 triệu đồng;
- Nguồn Quỹ Bảo vệ môi trường:
50.900 triệu đồng.
- Các nguồn khác (nguồn xã hội hóa
và các nguồn hợp pháp khác): 244.100 triệu đồng)
2. Phân kỳ đầu tư theo từng
năm: Năm 2021: 258.220 triệu đồng; năm 2022:
331.978 triệu đồng; năm 2023: 340.185 triệu đồng; năm 2024: 252.439 triệu đồng;
năm 2025: 258.296 triệu đồng.
(Kinh phí thực hiện Đề án chi tiết
tại Phụ lục 25, 26 kèm theo)
Phần thứ tư
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài
nguyên và Môi trường
a) Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án; trong quá trình triển khai
thực hiện nếu các Văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh có sự điều chỉnh, bổ
sung, thay đổi hoặc có khó khăn, vướng mắc kịp thời báo
cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung Đề án cho phù hợp.
b) Tăng cường công tác thanh tra,
kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở
sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn tỉnh.
c) Thực hiện quan trắc, giám sát chất
lượng môi trường định kỳ hằng năm trên địa bàn tỉnh.
d) Tiếp tục chủ trì, phối hợp với các
cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện hiệu quả Đề án tăng cường năng lực quản lý CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn
2020 - 2025, định hướng đến năm 2030.
đ) Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh triển khai thực hiện tốt phong trào Chống rác thải nhựa trên địa bàn
tỉnh.
e) Tăng cường công tác quản lý CTNH
trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai hiệu quả Kế hoạch thu gom, vận chuyển
và xử lý CTNH trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số
2555/QĐ-UBND ngày 05/10/2016.
g) Chủ trì, phối hợp với các ngành và
địa phương triển khai thực hiện Kế hoạch quản lý chất lượng không khí trên địa
bàn tỉnh Yên Bái đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 ban hành kèm theo Quyết
định số 3422/QĐ-UBND ngày 25/12/2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Yên Bái và Văn
bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TTg
ngày 18/01/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
h) Hướng dẫn, đôn đốc, yêu cầu các cơ
sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thực hiện xử lý triệt để đảm bảo hoàn thành theo đúng tiến độ đặt ra; hướng dẫn, yêu cầu các cơ
sở thuộc đối tượng phải lắp đặt thiết bị quan trắc môi trường tự động phải hoàn
thành việc đầu tư lắp đặt và truyền số liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường đảm
bảo đúng thời gian quy định.
i) Triển khai dự án lắp đặt các trạm
quan trắc môi trường tự động, liên tục, cố định trên địa bàn tỉnh theo Dự án
được phê duyệt.
k) Triển khai thực hiện có hiệu quả
các dự án xử lý điểm tồn lưu thuốc hóa chất bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh
(04 điểm còn lại).
l) Chủ trì thực hiện công tác tuyên
truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
Trong đó, cả tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về bảo vệ môi trường cho cán bộ
quản lý môi trường ở cấp huyện, cấp xã.
m) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các ngành, địa phương thực
hiện điều tra xã hội học về tỷ lệ hài lòng của người dân về chất lượng môi
trường sống.
n) Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu
quả của Đường dây nóng phản ánh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh. Tiếp nhận
và xử lý kịp thời, đúng chức năng, thẩm quyền đối với các vụ việc phản ánh.
2. Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
a) Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định việc lập hồ sơ đề nghị công
nhận Khu bảo tồn thiên nhiên Nà Hẩu và Khu bảo loài và
sinh cảnh Mù Cang Chải là khu dự trữ sinh quyển thế giới.
b) Thực hiện tốt công tác bảo vệ và
phát triển rừng đặc biệt là các khu vực rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và các khu
rừng đặc dụng, có tính đa dạng sinh học cao.
c) Chủ trì tuyên truyền, phổ biến,
giáo dục pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng, dịch vụ môi trường rừng. Nâng
cao khả năng dự báo nguy cơ xảy ra cháy rừng và có biện
pháp tuyên truyền, thông báo đến người dân kịp thời để
phòng, chống.
d) Tăng cường, tích cực hướng dẫn
người dân ở khu vực nông thôn sử dụng các nguồn nước hợp vệ sinh cho sinh hoạt.
Trong đó, khuyến khích các đơn vị cung cấp nước sạch đầu tư hoặc mở rộng phạm
vi cung cấp tới các khu vực nông thôn của tỉnh.
đ) Chủ trì, tổng hợp, đôn đốc các
huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số nông thôn được
được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ sinh và diện tích
rừng trồng hằng năm theo kế hoạch.
3. Sở Y tế
a) Chủ trì, thực hiện đầu tư, nâng
cấp, cải tạo, sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống xử lý nước thải y tế của các cơ sở y
tế đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh.
b) Chỉ đạo, khuyến khích các cơ sở y
tế trực thuộc không sử dụng các lò đốt chất thải rắn y tế nguy hại riêng lẻ, chuyển
sang ký hợp đồng, thuê chủ xử lý CTNH được Bộ Tài nguyên và Môi
trường cấp giấy phép để xử lý tập trung.
c) Tuyên truyền, vận động nhân dân nhất
là đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa sử dụng hố xí hợp vệ sinh để thu gom và xử lý chất thải sinh hoạt đảm bảo yêu cầu về môi trường. Chủ
trì, tổng hợp, đôn đốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chỉ tiêu về
tỷ lệ hộ dân cư nông thôn có hố xí hợp vệ sinh.
4. Sở Công Thương
Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
trong việc Quy hoạch phát triển năng lượng tái tạo trên địa bàn tỉnh. Trong đó,
tận dụng, phát huy tối đa nguồn tài nguyên tái tạo trên địa bàn tỉnh nhưng đảm
bảo không ảnh hưởng đến cảnh quan, môi trường và đời sống của nhân dân.
5. Sở Xây dựng
a) Chủ trì, tham
mưu, chỉ đạo các đơn vị cung cấp nước sạch tại các đô thị nâng cao chất lượng phục
vụ, đảm bảo khả năng cung cấp nước sạch tới 91% các hộ gia đình của đô thị và
xem xét mở rộng phạm vi cung cấp đến các khu vực lân cận. Chủ trì, tổng hợp, đôn
đốc các huyện, thị xã, thành phố thực hiện các chỉ tiêu về tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung.
b) Tham mưu đầu tư hạ tầng kỹ thuật về thu gom, thoát nước cho khu vực đô thị nhất là tại các khu dân
cư tập trung.
c) Chủ trì trong công tác quản lý
hoạt động mai táng, bảo đảm yêu cầu về bảo vệ môi trường.
6. Sở Giao
thông vận tải
a) Chủ trì, tham mưu thực hiện đầu
tư, nâng cấp, cải tạo hạ tầng giao thông nhất là giao thông nông thôn trên địa
bàn tỉnh.
b) Nâng cao chất lượng công tác kiểm
định các phương tiện giao thông nhất là kiểm định chất lượng xử lý khí thải của các phương tiện.
7. Sở Khoa học
và Công nghệ
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
hỗ trợ, đầu tư, nghiên cứu, áp dụng triển khai các đề tài, dự án khoa học công
nghệ cho các hoạt động về tăng cường công tác bảo vệ và nâng cao chất lượng môi
trường trên địa bàn tỉnh.
b) Phối hợp với các ngành, địa phương
thẩm định các dự án đầu tư phát triển kinh tế vào tỉnh Yên Bái đảm bảo có công
nghệ tiên tiến, hiện đại và thân thiện với môi trường.
8. Sở Tài chính
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh
bố trí, phân bổ kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường đảm bảo phù hợp với điều
kiện của tỉnh và đáp ứng được các yêu cầu, nhiệm vụ về bảo vệ môi trường trên
địa bàn.
b) Hướng dẫn, triển khai thực hiện
các chính sách ưu đãi, hỗ trợ về bảo vệ môi trường theo quy định của Luật Bảo
vệ môi trường năm 2020.
c) Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư
tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí triển
khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của Đề án.
9. Sở Kế hoạch
và Đầu tư
a) Tổng hợp kinh phí thực hiện các
nhiệm vụ, giải pháp trong Đề án này, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
nguồn vốn để triển khai thực hiện.
b) Chủ trì, tham mưu cho Ủy ban nhân
dân tỉnh có các chính sách ưu đãi và khuyến khích các nhà đầu tư thực hiện các
dự án sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại đầu tư vào tỉnh.
c) Chủ trì tham mưu xây dựng Quy hoạch
tỉnh Yên Bái, trong đó, lưu ý các nội dung về quy hoạch bảo vệ môi trường, quy
hoạch bảo tồn đa dạng sinh học và quy hoạch quản lý chất thải rắn để đưa vào quy hoạch phải đảm bảo các nội dung theo yêu cầu.
d) Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, địa phương có liên quan trong công tác thẩm định, cấp chủ trương đầu
tư các dự án theo hướng khuyến khích dự án sử dụng công nghệ kỹ
thuật tiên tiến, hiện đại, thân thiện môi trường; không chấp
thuận đối với dự án sử dụng công nghệ cũ lạc hậu, có nguy cơ cao gây ô nhiễm
môi trường trên địa bàn tỉnh.
10. Sở Nội vụ
Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên
và Môi trường, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
rà soát, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét bổ sung số lượng công chức thực
hiện công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cho Chi cục Bảo vệ môi trường
- Sở Tài nguyên và Môi trường và Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thị
xã, thành phố.
11. Sở Thông
tin và Truyền thông
Chủ trì, phối hợp với các ngành liên
quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh ở cơ sở tổ
chức thông tin, tuyên truyền về việc triển khai thực hiện Đề án; tuyên truyền
phổ biến Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các quy định pháp luật, cơ chế, chính
sách về bảo vệ môi trường của trung ương và của tỉnh Yên Bái.
12. Công an
tỉnh
Tăng cường công tác kiểm tra, phát
hiện và kiên quyết xử lý cũng như kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các đối
tượng vi phạm quy định pháp luật về bảo vệ môi trường.
13. Ban Quản lý
các khu công nghiệp tỉnh
a) Triển khai có hiệu quả dự án đầu
tư hệ thống xử lý nước thải tập trung cho Khu công nghiệp phía Nam, thành phố
Yên Bái.
b) Tăng cường công tác kiểm tra, giám
sát việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh
doanh trong các khu công nghiệp.
c) Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư
có công nghệ hiện đại, thân thiện môi trường, đảm bảo thực hiện đồng thời mục
tiêu phát triển kinh tế và giữ gìn bảo vệ môi trường sinh thái.
d) Hằng năm thực hiện quan trắc, giám
sát chất lượng môi trường định kỳ cho các khu công nghiệp từ nguồn kinh phí sự
nghiệp môi trường.
14. Ủy ban nhân
dân các huyện, thị xã, thành phố
a) Chủ động, tích cực tổ chức thực
hiện các nội dung của Đề án và Đề án Tăng cường năng lực quản lý chất thải rắn
sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020-2025, định hướng đến năm
2030 theo đúng chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Chủ trì, thực hiện duy trì, mở rộng
địa bàn, phạm vi áp dụng, cung cấp, triển khai để nâng cao tỷ lệ: chất thải rắn sinh hoạt được phân loại tại nguồn; tỷ lệ
chất thải rắn đô thị được thu gom, xử lý; tỷ lệ chất thải rắn nông thôn được
thu gom, xử lý; tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp
nước tập trung; tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước sinh hoạt hợp vệ
sinh; tỷ lệ hộ gia đình có hố xí hợp vệ sinh trên địa bàn quản lý.
c) Chủ trì rà soát, lên phương án di
dời các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không phù hợp với quy hoạch (quy
hoạch sử dụng đất, quy hoạch bảo vệ môi trường,...) hoặc các cơ sở nằm trong
hoặc ở gần các khu dân cư tập trung có phát sinh mùi, chất thải, tiếng ồn gây
ảnh hưởng đến đời sống của người dân vào trong các khu/cụm công nghiệp hoặc các
vị trí khác phù hợp.
d) Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn yêu cầu tất cả các hộ gia đình có hoạt động chăn nuôi phải đầu tư hệ thống biogas để thu gom, xử lý chất
thải phát sinh, thường xuyên vệ sinh chuồng trại để giảm
thiểu mùi hôi, thối ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.
đ) Chủ trì rà soát và thực hiện xử
lý, nâng cấp, cải tạo các ao, hồ, ngòi, suối ... trong các đô thị, khu dân cư
tập trung đang gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cảnh quan, sinh thái và
sức khỏe của người dân trên địa bàn.
e) Chỉ đạo thực hiện tốt việc duy
trì, nâng cao tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới, nông thôn
mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu trên địa bàn.
g) Đầu tư hạ tầng kỹ thuật thu gom, thoát nước cho các khu dân cư tập trung trên địa bàn quản
lý nhất là tại các khu dân cư nông thôn tập trung.
h) Xem xét bố
trí kinh phí để đầu tư hệ thống xử lý nước thải tập trung
cho các cụm công nghiệp có phát sinh nước thải thuộc thẩm quyền quản lý.
i) Bố trí kinh phí để thuê đơn vị có chức năng vận
chuyển, xử lý toàn bộ lượng vỏ bao bì, chai lọ hóa chất bảo vệ thực vật trên
địa bàn.
k) Tăng cường tuyên truyền, vận động
người dân trên địa bàn về công tác bảo vệ và phát triển rừng, công tác giữ
gìn vệ sinh môi trường trên địa bàn.
l) Tăng cường giám sát việc chấp hành
pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên
địa bàn, kịp thời phát hiện, xử lý hoặc thông tin, báo cáo về Sở Tài nguyên và
Môi trường các hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường nhất là việc xả
chất thải không đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến
đời sống của nhân dân.
m) Chủ động xây dựng các dự án,
chương trình về bảo vệ môi trường trên địa bàn để triển
khai thực hiện.
n) Phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh triển khai điều tra xã hội học về sự hài lòng của người dân
về môi trường sống.
o) Ủy ban nhân dân huyện Trấn Yên, Ủy
ban nhân dân huyện Văn Yên xem xét, đề xuất giải pháp để hoàn
thành xử lý triệt để ô nhiễm môi trường nghiêm trọng đối với bãi rác trên địa
bàn trước 31/12/2023, phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh và của huyện.
15. Đề nghị Ủy
ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh
a) Tích cực tuyên truyền, vận động
hội viên, đoàn viên thực hiện tốt công tác giữ gìn vệ sinh
môi trường, công tác bảo vệ và phát triển rừng.
b) Phát huy vai trò giám sát, phản
biện xã hội, tiếp nhận phản ánh, kiến nghị của cử tri liên quan đến công tác
bảo vệ môi trường, bảo vệ và phát triển rừng và kịp thời thông tin đến các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để xử
lý theo quy định.
c) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài
nguyên và Môi trường, các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tổ chức đánh
giá tỷ lệ hài lòng của người dân về môi trường sống trên địa bàn tỉnh.
16. Trách nhiệm
thực hiện các nhiệm vụ khác có liên quan đến Đề án
Ngoài các nhiệm vụ cụ thể, các sở,
ngành, địa phương và các tổ chức, cá nhân liên quan theo chức năng, nhiệm vụ
được giao có trách nhiệm chủ động tham mưu, xây dựng kế hoạch để triển khai
thực hiện có hiệu quả các nội dung của Đề án này và các nhiệm vụ được giao,
cũng như đề nghị thực hiện được nêu trong Đề án tăng cường năng lực quản lý
CTRSH trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2020 - 2025, định hướng đến năm 2030
đã được Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành tại Quyết định số 2311/QĐ-UBND ngày
01/10/2020.
PHỤ LỤC 01:
DANH
MỤC CÁC CƠ SỞ SẢN XUẤT, KINH DOANH, DỊCH VỤ PHÁT SINH NƯỚC THẢI TỪ 50 M3/NGÀY
(24 GIỜ) TRỞ LÊN
TT
|
Tên
cơ sở/đơn vị
|
Được
cấp giấy phép xả nước thải vào nguồn nước hoặc xác nhận hoàn thành công trình BVMT
|
1
|
Xí nghiệp giấy Âu Lâu - Công ty
TNHH Hapaco Yên Sơn.
|
x
|
2
|
TT sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao - Tổng Công ty Hòa Bình Minh
|
|
3
|
Nhà máy giấy Yên Bình - Công ty CP
LNSTP Yên Bái
|
x
|
4
|
Nhà máy sắn Yên Bình - Công ty TNHH
TM&ĐT Yên Bình
|
x
|
5
|
Xưởng nghiền đá tại mỏ - Công ty
liên doanh canxi cacbonat YBB
|
x
|
6
|
Mỏ khai thác đá hoa và Nhà máy
nghiền CaCO3 - Công ty CP Mông Sơn
|
|
7
|
Nhà máy giấy Minh Quân - Công ty
LNSTP Yên Bái
|
x
|
8
|
Nhà máy tuyển quặng sắt - Công ty Cổ
phần Hà Quang
|
|
9
|
Nhà máy tuyển quặng sắt - Công ty
TNHH Tân Tiến
|
x
|
10
|
Khu chăn nuôi lợn tập trung - Công
ty Cổ phần chăn nuôi Hòa Yên
|
x
|
11
|
Nhà máy tuyển quặng sắt - Công ty Cổ
phần khoáng sản Hưng Phát
|
|
12
|
Nhà máy sắn
Văn Yên - Công ty Cổ phần LNS thực phẩm Yên Bái
|
x
|
13
|
Xí nghiệp giấy Văn Yên - Công ty
TNHH Hapaco Yên Sơn
|
x
|
14
|
Xí nghiệp giấy An Bình - Công ty TNHH An Bình Văn Yên
|
x
|
15
|
Xưởng tuyển quặng sắt bản Tát - Công ty Cổ phần KS Đại Phát
|
|
16
|
Nhà máy giấy đế Yên Hợp - Công ty
CP LNSTP Yên Bái
|
x
|
17
|
Nhà máy giấy Văn Chấn - Công ty CP
LNSTP Yên Bái
|
x
|
18
|
Khu chăn nuôi chế biến thỏ - Công
ty TNHH Zippon Zoki Việt Nam
|
x
|
19
|
Xí nghiệp giấy An Lạc - Công ty
TNHH Hapaco Yên Sơn
|
x
|
|
20
|
Nhà máy khai thác và chế biến đá
marble Lục Yên - Công ty Cổ phần TM&SX Hùng Đại Dương
|
x
|
|
21
|
Mỏ khai thác đá blok - Công ty TNHH
KT & CB đá Tường Phú
|
x
|
|
22
|
Mỏ đá Đào Lâm - Công ty Cổ phần
khoáng sản Yên Bái VPG
|
x
|
|
23
|
Nhà máy chế biến đá - Công ty TNHH
đá cẩm thạch R.K Việt Narn
|
x
|
|
24
|
Mỏ đá vôi làng Lạnh II, xã Liễu Đô
- Công ty TNHH sản xuất và thương mại Chân Thiện Mỹ
|
x
|
|
25
|
Nhà máy tuyển quặng
sắt Làng Mỵ - Công ty Phát triển số 01 TNHH 1TV
|
|
|
|
|
|
|
|
PHỤ LỤC 02:
DANH
MỤC CỤM CÔNG NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
STT
|
Tên
CCN
|
Tên
chủ đầu tư
|
Nguồn
vốn (tư nhân/ ngân sách)
|
Địa
chỉ
|
Năm
thành lập
|
Tình
trạng hoạt động
|
Thời
điểm hoạt động
|
Diện
tích (ha)
|
Số
cơ sở đang hoạt động
|
Tỷ
lệ lấp đầy (%)
|
1
|
Đầm
Hồng
|
UBND
thành phố Yên Bái
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Văn Phú, TP Yên Bái
|
2002
|
Đang
hoạt động (hiện đang làm thủ tục di dời)
|
2007
|
16
|
23
|
100
|
2
|
Âu
Lâu
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Âu Lâu, TP Yên Bái
|
2009
|
Đang
hoạt động
|
2009
|
31,01
|
03
|
42,8
|
3
|
Sơn
Thịnh
|
UBND
huyện Văn Chấn
|
Ngân
sách trung ương/tỉnh
|
Thị
trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn
|
2009
|
Đang
hoạt động
|
2010
|
33,5
|
02
|
40%
|
4
|
Phía
Tây Cầu Mậu A
|
UBND
huyện Văn Yên
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Yên Hợp, huyện Văn Yên
|
2009
|
Đang
hoạt động
|
2009
|
35
|
1
|
18
|
5
|
Đông
An
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Đông An, huyện Văn Yên
|
2010
|
Chưa
triển khai
|
|
34
|
0
|
0
|
6
|
Bắc
Văn Yên
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Đông Cuông, huyện Văn Yên
|
2008
|
Đang
hoạt động
|
2008
|
72
|
3
|
35
|
7
|
Vĩnh
Lạc
|
UBND
huyện Lục Yên
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Vĩnh Lạc, huyện Lục Yên
|
2009
|
Chưa
triển khai (đang đề nghị UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch)
|
|
31,32
|
0
|
0
|
8
|
Tân
Lĩnh
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã
Tân Lĩnh, huyện Lục Yên
|
2009
|
Chưa
triển khai (đang đề nghị UBND tỉnh đưa ra khỏi quy hoạch)
|
|
26,3
|
0
|
0
|
9
|
Yên
Thế
|
Ngân
sách tỉnh
|
Thị
trấn Yên Thế, huyện Lục Yên
|
2009
|
Đang
hoạt động
|
2011
|
50
|
04
|
80
|
10
|
Thịnh
Hưng
|
Công
ty TNHH một thành viên Thịnh Hưng
|
Ngân
vốn Công ty
|
Xã
Thịnh hưng, huyện Yên Bình
|
2009
|
Đang
hoạt động
|
2010
|
20,4
|
01
|
25
|
|
11
|
Báo
Đáp
|
UBND
huyện Trấn Yên
|
Ngân sách tỉnh
|
Xã
Báo Đáp, huyện Trấn Yên
|
2008
|
Đang
hoạt động
|
2008
|
14
|
02
|
20
|
|
12
|
Hưng
Khánh
|
Ngân
sách tỉnh
|
Xã Hưng
Khánh, huyện Trấn Yên
|
2008
|
Đang
hoạt động
|
2008
|
15
|
01
|
15
|
|
13
|
Bảo
Hưng
|
Công
ty CP Đầu tư hạ tầng công nghiệp Bảo Hưng
|
Nguồn
vốn Công ty
|
Xã
Bảo Hưng, huyện Trấn Yên
|
2020
|
Chưa
triển khai
|
|
75
|
0
|
0
|
|
14
|
Minh
Quân
|
Nguồn
vốn Công ty
|
Xã
Minh Quân, Bảo Hưng, huyện Trấn Yên
|
2020
|
|
75
|
0
|
0
|
|
PHỤ LỤC 03:
DANH
MỤC VÀ HIỆN TRẠNG HỆ THỐNG XỬ LÝ NƯỚC THẢI Y TẾ CỦA CÁC CƠ SỞ Y TẾ TỪ CẤP HUYỆN
TRỞ LÊN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
STT
|
Tên
cơ sở y tế đang hoạt động (Bệnh viện, Trung tâm Y tế)
|
Địa
chỉ
|
Hệ
thống XLNT tập trung đạt QCMT
|
Đạt
|
Không đạt
|
1
|
Bệnh viện đa khoa tỉnh
|
Xã
Giới Phiên, thành phố Yên Bái
|
X
|
|
2
|
Bệnh viện đa khoa khu vực Nghĩa Lộ (Bệnh
viện đa khoa Trường Đức sử dụng chung)
|
Thị
xã Nghĩa Lộ
|
|
X
|
3
|
Bệnh viện Sản Nhi
|
Phường
Yên Ninh, T.P Yên Bái
|
|
X
|
4
|
Bệnh viện Y học cổ truyền
|
Phường
Yên Ninh, T.P Yên Bái
|
X
|
|
5
|
Bệnh viện Tâm thần
|
Phường
Yên Ninh, T.P Yên Bái
|
X
|
|
6
|
Bệnh viện Lao và Bệnh phổi
|
Xã
Giới Phiên, T.P Yên Bái
|
X
|
|
7
|
Bệnh viện Nội tiết
|
Phường
Yên Ninh, T.P Yên Bái
|
X
|
|
8
|
Trung tâm Y tế huyện Lục Yên
|
TT
Yên Thế, huyện Lục Yên
|
|
X
|
9
|
Trung tâm Y tế huyện Trấn Yên
|
TT
Cổ Phúc, huyện Trấn Yên
|
|
X
|
10
|
Trung tâm Y tế huyện Văn Yên
|
TT
Mậu A, huyện Văn Yên
|
|
X
|
11
|
Trung tâm Y tế huyện Văn Chấn
|
TTNT
Trần Phú, huyện Văn Chấn
|
|
X
|
12
|
Trung tâm Y tế huyện Yên Bình
|
Xã
Phú Thịnh, huyện Yên Bình
|
X
|
|
13
|
Trung tâm Y tế huyện Trạm Tấu
|
TT
Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu
|
X
|
|
14
|
Trung tâm Y tế huyện Mù Cang Chải
|
TT
Mù Cang Chải, huyện Mù Cang Chải
|
X
|
|
15
|
Trung tâm Y tế thành phố Yên Bái
|
Phường
Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái
|
|
X
|
16
|
Bệnh viện Đa khoa Hữu nghị 103
|
Phường
Nguyễn Phúc. T.P Yên Bái
|
X
|
|
17
|
Bệnh viện Giao thông vận tải Yên Bái
|
Phường
Hồng Hà, T.P Yên Bái
|
X
|
|
PHỤ LỤC 04:
SỐ
LƯỢNG PHƯƠNG TIỆN GIAO THÔNG CÔNG CỘNG TRÊN 10.000 DÂN ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
YÊN BÁI
Số
phương tiện giao thông cộng cộng được đăng ký hoạt động trên địa bàn tỉnh (xe)
|
Số
dân khu vực đô thị (10.000 người)
|
Số
lượng phương tiện giao thông công cộng trên 10.000 dân đô thị
|
Tổng
số
|
Xe
buýt
|
Ô
tô chở khách tuyến cố định
|
Tàu
điện
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
355
|
0
|
355
|
0
|
16,27
|
21,83
|
PHỤ LỤC 05:
SỐ
LƯỢNG, TỶ LỆ CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC, ĐẢNG, TỔ CHỨC CHÍNH TRỊ - XÃ HỘI, ĐƠN VỊ SỰ
NGHIỆP CÔNG LẬP CẤP TỈNH, CẤP HUYỆN; CÁC SIÊU THỊ, KHU DU LỊCH ĐÃ CÓ QUY ĐỊNH,
CAM KẾT, KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI VỀ CHỐNG RÁC THẢI NHỰA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
|
Số
lượng các đơn vị thuộc phạm vi tính trên địa bàn tỉnh
|
|
Số lượng các đơn vị thuộc phạm
vi tính đã ban hành quy định, cam kết, kế hoạch triển khai về chống rác thải
nhựa, giảm thiểu túi nilon khó phân hủy (đơn vị)
|
Tỷ lệ các cơ quan nhà nước, đảng, tổ
chức chính trị - xã hội, đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh, cấp
huyện, các siêu thị, các khu du lịch dã có quy định, cam kết, kế hoạch chống
rác thải nhựa tính đến năm 2020(%)
|
Tổng số
|
Các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã
hội cấp tỉnh
|
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp tỉnh
|
Các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã
hội cấp huyện
|
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp
huyện
|
Các siêu thị, Trung tâm thương mại
|
Khu du lịch
|
Tổng Số
|
Các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính trị - xã
hội cấp tỉnh
|
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực
thuộc UBND cấp tỉnh
|
Các cơ quan nhà nước, đảng, tổ chức chính
trị - xã hội cấp huyện
|
Các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND cấp
huyện
|
Các siêu thị, Trung tâm
thương mại
|
Khu du lịch
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
(10)
|
(11)
|
(12)
|
(13)
|
(14)
|
(15)
|
140
|
44
|
2
|
48
|
44
|
1
|
0
|
131
|
44
|
1
|
45
|
40
|
1
|
0
|
93,6
|
PHỤ LỤC 06:
TỶ LỆ
CTRSH ĐƯỢC PHÂN LOẠI TẠI NGUỒN
Khối
lượng chất thải rắn sinh hoạt phát sinh (tấn)
|
Khối
lượng chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn (tấn)
|
Tỷ
lệ chất thải rắn sinh hoạt đã được phân loại tại nguồn
|
Tổng
số
|
Chất
thải thực phẩm
|
Chất
thải rắn sinh hoạt khác
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
145.410
|
35.135
|
23.561
|
11.574
|
24,16
|
PHỤ LỤC 07:
KHỐI
LƯỢNG, TỶ LỆ CTRSH ĐƯỢC THU GOM, XỬ LÝ TẬP TRUNG
STT
|
Huyện,
thị xã, thành phố
|
Lượng
CTRSH phát sinh (tấn/ngày)
|
Lượng CTRSH được thu gom (tấn/ngày)
|
Đô
thị
|
Nông
thôn
|
Tổng
|
Đô
thị
|
Nông
thôn
|
Tổng
|
1
|
Huyện Trấn Yên
|
4,6
|
26
|
30,6
|
4,5
|
2,6
|
7,1
|
2
|
Huyện Văn Yên
|
9,3
|
38,9
|
48,2
|
7,8
|
12
|
19.8
|
3
|
Huyện Lục Yên
|
7,9
|
32,6
|
40,5
|
7,5
|
7
|
14,5
|
4
|
Thị xã Nghĩa Lộ
|
20
|
15,7
|
35,7
|
16,9
|
5,35
|
22,2
|
5
|
Huyện Trạm Tấu
|
2,3
|
6,2
|
8,5
|
0,8
|
0
|
0,8
|
6
|
Huyện Mù Cang Chải
|
2,7
|
12,1
|
14,8
|
0,9
|
1
|
1,9
|
7
|
Thành phố Yên Bái
|
68,2
|
8,2
|
76,4
|
62,8
|
4,5
|
67,3
|
8
|
Huyện Yên Bình
|
12,8
|
31,7
|
44,5
|
12,0
|
2,7
|
14,7
|
9
|
Huyện Văn Chấn
|
15.3
|
32,5
|
47,8
|
4,0
|
0,5
|
4,5
|
Tổng
|
143
|
204
|
347
|
117,2
|
35,7
|
152,8
|
PHU LỤC 08:
DANH
MỤC CÁC BÃI CHÔN LẤP CTRSH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
TT
|
Tên
nhà máy/cơ sở/khu xử lý/bãi chôn lấp chất thải rắn
|
Địa
điểm
|
Quy
mô diện tích (ha)
|
1
|
Bãi chôn lấp chất thải rắn huyện Lục Yên
|
Thôn Ngòi Kèn, xã Liễu Đô, huyện
Lục Yên
|
6,57
|
2
|
Bãi chôn lấp chất thải rắn thị xã
Nghĩa Lộ
|
Xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ,
tỉnh Yên Bái
|
2,44
|
3
|
Bãi chôn lấp rác thải huyện Văn Chấn
|
Thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn
|
0,54
|
4
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Chấn
Thịnh, huyện Văn Chấn
|
Thôn Chùa 1, xã Chấn Thịnh, huyện
Văn Chấn
|
0,001
|
5
|
Bãi chôn lấp rác thải thôn Khấu Ly
xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu
|
Thôn Khấu Ly xã Bản Mù, huyện Trạm
Tấu, Yên Bái
|
3,064
|
6
|
Bãi chôn lấp rác thải huyện Văn Yên
|
Khu phố 5, thị
trấn Mậu A, huyện Văn Yên, Yên Bái
|
06
|
7
|
Bãi rác xã Đông Cuông
|
Thôn Trung Tam, xã Đông Cuông, huyện Văn Yên.
|
0,1
|
8
|
Bãi rác xã An Bình
|
Thôn Cầu Cao, xã An Bình, huyện Văn
Yên
|
0,7
|
9
|
Bãi rác xã Đại Phác
|
Thôn Ba Luồng, xã Đại Phác, huyện
Văn Yên
|
0,3
|
10
|
Bãi rác xã Yên Hưng
|
Thôn 4, xã Yên Hưng, huyện Văn Yên
|
0,3
|
11
|
Bãi rác thải Thôn Nghĩa Lạc, xã
Xuân Ái
|
Thôn Nghĩa Lạc, xã Xuân Ái
|
0,3
|
12
|
Bãi rác xã thôn Khe Quýt, xã Xuân
Ái
|
Thôn Khe Quýt, xã Xuân Ái, huyện
Văn Yên
|
0,32
|
13
|
Bãi rác xã Yên Phú
|
Thôn 1, xã Yên Phú, huyện Văn Yên
|
0,3
|
14
|
Bãi rác thải xã Lâm Giang
|
Thôn Hợp Lâm, xã Lâm Giang, huyện
Văn Yên
|
0,64
|
15
|
Bãi rác thải xã Đông An
|
Thôn An Khang, xã Đông An, huyện
Văn Yên
|
0,5
|
16
|
Bãi rác thải xã An Thịnh
|
Thôn An Phú, xã An Thịnh, huyện Văn
Yên
|
0,2
|
17
|
Bãi rác xã Yên Hợp
|
Thôn Yên Dũng 1, xã Yên Hợp, huyện
Văn Yên
|
0,45
|
18
|
Bãi rác xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên
|
Xã Báo đáp,
huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái
|
3,2
|
19
|
Bãi rác thải xã Hưng Khánh
|
Thôn 1, xã Hưng Khánh, huyện Trấn
Yên
|
0,5
|
20
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Khao Mang
|
Xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải,
tỉnh Yên Bái
|
0,56
|
21
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Púng Luông
|
Xã Púng Luông, huyện Mù Cang Chải,
tỉnh Yên Bái
|
0,6
|
22
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Nậm Khắt
|
Xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải,
tỉnh Yên Bái
|
0,27
|
23
|
Bãi rác thải thị trấn Yên Bình,
huyện Yên Bình
|
Thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình,
tỉnh Yên Bái
|
|
24
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Vĩnh Kiên
|
Thôn Ba Chãng,
xã Vĩnh Kiên, huyện Yên Bình
|
1,5
|
25
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Cảm Nhân
|
Thôn Bạch Thượng, xã Cảm Nhân, H. Yên Bình
|
1,5
|
26
|
Bãi chôn lấp
rác thải xã Mông Sơn
|
Thôn Trung Tâm, xã Mông Sơn, huyện
Yên Bình
|
1,5
|
27
|
Bãi chôn lấp rác thải xã Hán Đà
|
Thôn Hán Đà 3, xã Hán Đà, huyện Yên
Bình
|
1,5
|
PHỤ LỤC 9:
TỶ LỆ
DÂN SỐ ĐÔ THỊ ĐƯỢC CUNG CẤP NƯỚC SẠCH
QUA HỆ THỐNG CẤP NƯỚC TẬP TRUNG TRÊN
ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Tổng
số dân số đô thị (người)
|
Dân
số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp
nước tập trung (người)
|
Tỷ
lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung (%)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
163.260
|
140.403
|
86
|
PHỤ LỤC 10:
TỶ LỆ
DÂN SỐ NÔNG THÔN ĐƯỢC SỬ DỤNG NGUỒN
NƯỚC HỢP VỆ SINH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH YÊN BÁI
Tổng số dân số
khu vực nông thôn (người)
|
Số
người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh
(người)
|
Tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ
sinh (%)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
659.774
|
599.269
|
91
|
PHỤ LỤC 11:
TỶ LỆ
HỘ GIA ĐÌNH NÔNG THÔN CÓ HỐ XÍ HỢP VỆ SINH TRÊN ĐỊA BÀN
TỈNH YÊN BÁI
Tổng
số hộ gia đình khu vực nông thôn (hộ)
|
Tổng
số hộ gia đình khu vực nông thôn có hố xí hợp vệ
sinh (hộ)
|
Tỷ
lệ hộ gia đình khu vực nông thôn có hố xí hợp vệ
sinh (%)
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
165.888
|
118.518
|
72,5
|
PHỤ LỤC 12:
TỶ LỆ
DIỆN TÍCH RỪNG TRỒNG MỚI TẬP TRUNG TRÊN DIỆN TÍCH ĐẤT QUY HOẠCH
CHO LÂM NGHIỆP
Diện
tích rừng trồng mới tập trung (ha)
|
Diện
tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp (ha)
|
Tỷ
lệ diện tích rừng trong mới tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm
nghiệp (%)
|
Tổng
số
|
Diện
tích rừng sản xuất trồng mới
|
Diện
tích rừng phòng hộ trồng mới
|
Diện
tích rừng đặc dụng trồng mới
|
Tổng
số
|
Diện
tích quy hoạch rừng sản xuất
|
Diện
tích quy hoạch rừng phòng hộ
|
Diện
tích quy hoạch rừng đặc dụng
|
(1)
|
(2)
|
(3)
|
(4)
|
(5)
|
(6)
|
(7)
|
(8)
|
(9)
|
681,36
|
641,2
|
40,16
|
0
|
469.858
|
281.149,80
|
152.200
|
36.508,12
|
0,15
|
PHỤ LỤC 13:
KINH
PHÍ CHI SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TỈNH YÊN BÁI
STT
|
Huyện,
thị xã, thành phố
|
Năm
2016
|
Năm
2017
|
Năm
2018
|
Năm
2019
|
Năm
2020
|
-
|
Tổng
cộng:
|
49.484
|
66.252
|
70.502
|
79,989
|
93.259
|
I
|
Khối tỉnh
|
14.684
|
18.584
|
22.351
|
11.855
|
14.508
|
1
|
Sở Tài nguyên và Môi trường
|
1.000
|
1.000
|
1.000
|
1.500
|
1700
|
2
|
Chi cục kiểm
lâm
|
450
|
450
|
450
|
450
|
450
|
3
|
Công an tỉnh
|
350
|
350
|
350
|
350
|
350
|
4
|
Đơn vị khác
|
6.342
|
10.984
|
12.551
|
755
|
428
|
5
|
Trích Quỹ Bảo vệ môi trường
|
6.542
|
5.800
|
8.000
|
8.800
|
11.580
|
II
|
Khối huyện
|
34.800
|
47.668
|
48.151
|
68.134
|
78.751
|
1
|
Thành phố Yên Bái
|
24.793
|
35.693
|
35.694
|
47.557
|
55.200
|
2
|
Thị xã Nghĩa Lộ
|
3.028
|
3.045
|
3.179
|
5.349
|
5.919
|
3
|
Huyện Trấn Yên
|
1.421
|
1.031
|
1.070
|
2.541
|
2.746
|
4
|
Huyện Yên Bình
|
1.429
|
2.458
|
2.536
|
3.356
|
3.687
|
5
|
Huyện Văn Yên
|
1.102
|
1.271
|
1.320
|
3.240
|
3.532
|
6
|
Huyện Lục Yên
|
1.068
|
1.248
|
1.292
|
2.854
|
3.100
|
7
|
Huyện Văn Chấn
|
700
|
1.090
|
1.135
|
1.525
|
1.697
|
8
|
Huyện Trạm Tấu
|
540
|
745
|
778
|
789
|
1.451
|
9
|
Huyện Mù Cang Chải
|
719
|
1.087
|
1.148
|
924
|
1.420
|
PHỤ LỤC 14:
TỔNG
NGUỒN VỐN SỰ NGHIỆP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
GIAI ĐOẠN 2016-2020
TT
|
Nội
dung
|
Giai
đoạn 2016 - 2020
|
Tổng
cộng
|
Năm
2016
|
Năm
2017
|
Năm
2018
|
Năm
2019
|
Năm
2020
|
-
|
Tổng
cộng
|
359,488
|
49,484
|
66,252
|
70.502
|
79,991
|
93,259
|
I
|
Ngân sách tỉnh
|
81,982
|
14,684
|
18,584
|
22,351
|
11,855
|
14,508
|
1
|
Chi cục kiểm lâm
|
2,250
|
450
|
450
|
450
|
450
|
450
|
2
|
Sở Tài nguyên và Môi trường
|
52,982
|
8,884
|
7,784
|
11,551
|
11,055
|
13,708
|
-
|
Bổ sung Quỹ Bảo vệ môi trường từ
20% từ sổ thu phí Bảo vệ môi trường đối với khai thác khoáng sản
|
40,722
|
6,542
|
5,800
|
8,000
|
8,800
|
11,580
|
-
|
Chi ban chỉ đạo ứng phó biến đổi khí hậu; Chi sự nghiệp môi trường
|
7,000
|
1,200
|
1,200
|
1,200
|
1,700
|
1,700
|
-
|
Trung tâm quan trắc Tài nguyên và
Môi trường
|
3,553
|
1,142
|
784
|
644
|
555
|
428
|
3
|
Dự án xử lý triệt để ô nhiễm bãi rác Tuần Quán, P. Yên Ninh, TP Yên
Bái
|
1,707
|
|
|
1,707
|
|
|
4
|
Chi hoạt động cảnh sát môi trường
|
1,750
|
350
|
350
|
350
|
350
|
350
|
5
|
Nhiệm vụ khác ngân sách cấp tỉnh
|
-
|
|
|
|
|
|
6
|
Chi xử lý rác thải, khắc phục ô
nhiễm môi trường
|
25,000
|
5,000
|
10,000
|
10,000
|
|
|
II
|
Ngân sách huyện
|
277,506
|
34,800
|
47,668
|
48,151
|
68,136
|
78,751
|