BỘ
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
1738/QĐ-BNN-TCLN
|
Hà
Nội, ngày 02 tháng 08
năm 2011
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT “QUY HOẠCH BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG VƯỜN QUỐC GIA CÚC
PHƯƠNG GIAI ĐOẠN 2010 - 2020 ”
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP
ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu
tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Nghị định số 75/2009/NĐ-CP
ngày 10/9/2009 của Chính phủ về việc sửa đổi Điều 3, Nghị định số
01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Nghị định số 117/2010/NĐ-CP
ngày 24/12/2010 của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng;
Căn cứ Quyết định số
186/2006/QĐ-TTg ngày 14/6/2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý rừng;
Xét đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng
cục Lâm nghiệp tại Tờ trình số 988/TTr-TCLN-BTTN ngày 21/07/2011 về việc xin
phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cúc Phương
giai đoạn 2010 - 2020”.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt “Quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững
Vườn quốc gia Cúc Phương giai đoạn 2010 - 2020” gồm những nội dung chủ yếu sau:
1. Tên gọi: Vườn quốc gia Cúc Phương
2. Vị trí: Từ 20°14’ - 20°24’ Vĩ độ Bắc
Từ 105°29’ - 105°44’ Kinh độ Đông
3. Tổng diện tích tự nhiên của Vườn
quốc gia: là 22.408,8 ha bao gồm:
a) Phần diện tích đất lâm nghiệp:
22.116,9 ha.
b) Phần diện tích đất khác: 291,9 ha.
4. Các phân khu chức năng: 22.408,8 ha.
a) Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt:
16.744,6 ha.
b) Phân khu phục hồi sinh thái:
4.065,2 ha.
c) Phân khu dịch vụ hành chính:
1.599,0 ha.
5. Mục tiêu, nhiệm vụ
a) Bảo vệ sự nguyên vẹn các hệ sinh
thái và phục hồi, nâng cao độ che phủ của rừng nhằm đảm bảo các mục tiêu bảo tồn
và phát triển bền vững Vườn quốc gia, bảo tồn và phát triển
các nguồn gen động vật và thực vật rừng, góp phần vào chiến lược quản lý hệ thống
rừng đặc dụng Việt Nam, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển
bền vững;
b) Sử dụng hợp lý các giá trị đa dạng
sinh học và các dịch vụ môi trường rừng. Gắn kết các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của địa phương thông qua phát triển du lịch sinh
thái nhằm cải thiện đời sống của người dân địa phương;
c) Đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng
để hỗ trợ cho công tác quản lý bảo vệ rừng, bảo tồn thiên
nhiên, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sinh vật, phát
triển du lịch sinh thái gắn với cảnh quan thiên nhiên của Vườn quốc gia;
d) Thực hiện các đề tài nghiên cứu cơ
bản, nghiên cứu ứng dụng và thực nghiệm khoa học nhằm phục vụ công tác bảo tồn thiên nhiên, đa dạng sinh học và phát triển bền vững tài
nguyên của Vườn quốc gia.
6. Nội dung quy hoạch bảo vệ và
phát triển bền vững Vườn quốc gia Cúc Phương giai
đoạn 2010 - 2020 bao gồm:
a) Quy hoạch các công trình xây dựng:
nhà làm việc, nghiên cứu khoa học, nhà khách, chòi bảo vệ; các khu du lịch sinh
thái, nghỉ dưỡng và các công trình phục vụ du lịch sinh thái và đào tạo nguồn
nhân lực.
b) Quy hoạch, tôn tạo các điểm di
tích lịch sử, khảo cổ và các danh lam thắng cảnh gồm: Động Người xưa, Động Con
Moong, khu di chỉ hóa thạch loài bò sát răng phiến cách ngày nay khoảng 230 triệu
năm, cây Chò ngàn năm, cây Sấu cổ thụ và thác Giao Thủy
c) Quy hoạch hệ thống đường giao
thông phục vụ cho công tác tuần tra bảo vệ rừng, tạo cơ sở cho hoạt động du lịch
sinh thái, nghỉ dưỡng, nghiên cứu khoa học và phát triển
kinh tế - xã hội ở địa phương, gồm các tuyến đường bao ranh giới, đường từ Vườn
quốc gia đi Động Con Moong, đường vào Thung Bông, Thung Đang, đường vào khu
hành chính 2 và nâng cấp đường nội bộ
d) Quy hoạch vườn thực vật ưu tiên trồng
các loài cây quý hiếm. Quy hoạch các khu vực trồng rừng, khoanh nuôi phục hồi rừng.
đ) Quy hoạch hệ thống các hồ, đập nhỏ
phục vụ công tác phòng cháy chữa cháy rừng, tạo nguồn nước
uống cho động vật rừng ở địa hình núi đá vôi vào mùa khô,
cải tạo môi sinh, môi trường và phát triển rừng. Cung cấp nước sinh hoạt cho
các công trình làm việc, nghiên cứu khoa học, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng. Đồng
thời, quy hoạch hệ thống thoát nước thải; xử lý rác thải và vệ sinh môi trường.
e) Quy hoạch các điểm, tuyến du lịch
sinh thái, khu nghỉ dưỡng và các diện tích cho thuê môi trường rừng để phát triển
du lịch sinh thái.
f) Quy hoạch phát triển vùng Đệm với
quy mô gồm 15 xã có diện tích liên quan và tiếp giáp với Vườn, tổng diện tích tự
nhiên là 30.225,96 ha. Xây dựng dự án phát triển 15 xã vùng Đệm nhằm phục hồi
và quản lý rừng bền vững; xây dựng các công trình giao thông, thủy lợi; tư vấn, dịch vụ kỹ thuật lâm nghiệp và nông lâm kết hợp; sản xuất
cây, con giống lâm nghiệp, cây ăn quả và xây dựng các mô hình về trồng trọt,
chăn nuôi.
7. Các chương trình hoạt động - Giải
pháp và tổ chức thực hiện
a) Chương trình hoạt động
- Bảo vệ rừng, bảo tồn thiên nhiên và
đa dạng sinh học thông qua công tác khoán bảo vệ rừng; trồng
rừng và chăm sóc rừng trồng, khoanh nuôi tái sinh tự nhiên, làm giàu rừng, thiết
lập các đồng cỏ; thiết lập các đường băng xanh và băng cản lửa; cắm mốc ranh giới
rõ ràng trên thực địa; xây dựng các bảng nội quy bảo vệ rừng,
chòi canh lửa rừng, đường tuần tra và tổ chức tuyên truyền giáo dục bảo vệ rừng.
- Tiếp tục thực hiện điều tra, nghiên
cứu cơ bản khu hệ động thực vật, nghiên cứu ứng dụng khoa học trong quản lý, bảo
tồn, phát triển sinh vật và xây dựng vườn thực vật.
- Đào tạo nâng cao năng lực bảo tồn,
phát triển rừng và giáo dục môi trường.
- Đầu tư, liên kết đầu tư xây dựng
các khu nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái trong các phân khu dịch vụ hành chính. Tổ
chức cho thuê môi trường rừng đặc dụng trong phân khu Phục hồi sinh thái và dịch
vụ hành chính để phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và giáo dục môi trường.
- Chương trình phát triển cơ sở hạ tầng:
xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ công tác bảo vệ, phòng cháy chữa cháy rừng bảo tồn
và phát triển Vườn quốc gia gồm hệ thống nhà, đường các loại, các trung tâm
nghiên cứu, thực nghiệm, các cơ sở dịch vụ theo quy hoạch đến năm 2020.
- Chương trình hỗ trợ phát triển kinh
tế xã hội vùng đệm: hỗ trợ đầu tư cho vùng đệm Vườn quốc gia một số cơ sở hạ tầng
phục vụ công tác quản lý bảo vệ rừng kết hợp dân sinh, các chương trình khuyến
nông khuyến lâm, nâng cao nhận thức, góp phần giải quyết công ăn việc làm, nâng
cao đời sống phát triển kinh tế xã hội đảm bảo phát triển
bền vững cho Vườn quốc gia.
b) Các giải pháp chủ yếu
- Về chính sách và thể chế: ổn định
quy hoạch bảo tồn và phát triển bền vững Vườn quốc gia Cúc Phương giai đoạn
2010-2020. Đồng thời công khai quy hoạch trên các phương tiện thông tin đại
chúng để thu hút đầu tư trong và ngoài nước; nghiên cứu, đề xuất thử nghiệm và
nhân rộng mô hình cho thuê môi trường rừng để khai thác tiềm năng du lịch, phục
vụ nhu cầu của mọi tầng lớp nhân dân về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi
giải trí, thay dần hình thức khoán bằng tiền từ ngân sách Nhà nước.
- Về khoa học công nghệ: áp dụng khoa
học công nghệ trong việc sản xuất cây giống, con giống phục vụ nhu cầu trồng rừng,
nhân giống động vật hoang dã; nghiên cứu, áp dụng kỹ thuật cải tạo rừng nghèo,
trồng rừng bằng các loài cây bản địa; tăng cường đầu tư trang thiết bị để áp dụng
công nghệ kỹ thuật hiện đại phục vụ công tác nghiên cứu, đồng thời nâng cao
năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật và quản lý.
- Về Đào tạo phát triển nguồn nhân lực: ưu tiên tuyển dụng cán bộ được đào tạo chính quy,
đào tạo chuyên đề; chuyên môn hoá cao cho lực lượng cán bộ trong các lĩnh vực hoạt động; khuyến khích việc học cao học, nghiên cứu
sinh và tham gia các khóa đào tạo khác để nâng cao trình độ
chuyên môn, nghiệp vụ; kết hợp chủ động đào tạo tại chỗ để đáp ứng yêu cầu nâng
cao trình độ cho cán bộ, nhân viên trong Vườn.
- Về tài chính: Ngân sách nhà nước và
thu hút các nguồn vốn hợp pháp khác đảm bảo đầu tư cho các chương trình Quản lý
bảo vệ, bảo tồn; Phục hồi hệ sinh thái; Nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn lực;
Xây dựng hạ tầng cơ sở; Hệ thống đường, các hồ đập sinh thái và giáo dục bảo vệ
môi trường tại Phân khu hành chính dịch vụ, Phân khu phục hồi sinh thái; và vốn
huy động phát triển du lịch sinh thái và dịch vụ.
c) Tổ chức thực hiện quy hoạch và
giám sát đánh giá
- Trong phân khu Nghiêm ngặt: chủ yếu
bảo vệ nguyên vẹn và đầu tư một số hạng mục công trình phục vụ công tác bảo vệ
rừng và bảo tồn thiên nhiên.
- Trong phân khu Phục hồi sinh thái:
Lập các dự án đầu tư cho các công trình xây dựng, lâm sinh bằng nguồn vốn ngân
sách; các Nhà đầu tư có thể xây dựng các đề án thuê môi trường rừng cho hoạt động
Du lịch sinh thái.
- Trong phân khu Hành chính và dịch vụ:
Lập quy hoạch chi tiết (tỷ lệ 1/2000) các công trình đã được xác định. Các Nhà
đầu tư, các đơn vị liên kết lập các dự án đầu tư xây dựng
theo quy hoạch chi tiết đã phê duyệt.
- Giám sát thực hiện các quy định về
bảo vệ môi sinh, môi trường. Thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến
môi trường đã được xác định trong quy hoạch.
8. Dự kiến
vốn đầu tư
Vườn quốc gia Cúc Phương được đầu tư
bằng các nguồn vốn: Ngân sách nhà nước, vốn vay, vốn liên doanh liên kết với
các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Tổng vốn đầu tư là: 341,407 tỷ đồng.
a) Vốn đầu tư phân theo chương trình
hoạt động
- Chương trình quản lý bảo vệ - bảo
tồn.
|
6.696
tỷ đồng
|
- Chương trình phục hồi hệ sinh
thái.
|
23.050
tỷ đồng
|
- Nghiên cứu khoa học và đào tạo
nguồn nhân lực.
|
17.640
tỷ đồng
|
- Chương trình phát triển cơ sở hạ
tầng.
|
59.100
tỷ đồng
|
- Chương trình giáo dục bảo vệ môi
trường.
|
3.300
tỷ đồng
|
- Chương trình phát triển kinh tế
xã hội.
|
4.000
tỷ đồng
|
- Chương trình phát triển du lịch
sinh thái.
|
171.500
tỷ đồng
|
- Trang thiết bị, máy móc.
|
6.237
tỷ đồng
|
- Chi phí khác (8% giá trị xây lắp)
|
20.732
tỷ đồng
|
- Dự phòng (10%)
|
29.152
tỷ đồng
|
b) Vốn đầu tư theo giai đoạn
- Giai đoạn 2010-2015:
|
251,292
tỷ đồng.
|
- Giai đoạn
2015-2020:
|
90,115
tỷ đồng.
|
c) Vốn đầu tư theo nguồn hình thành
- Vốn ngân sách: 137.347 triệu đồng (40,22%) cấp cho các chương trình: Quản lý bảo vệ, bảo tồn;
Phục hồi hệ sinh thái; Nghiên cứu khoa học và đào tạo nguồn lực; Xây dựng hạ tầng
cơ sở; giáo dục bảo vệ môi trường; Phát triển kinh tế xã hội.
- Vốn vay ngân hàng: 1.690 triệu đồng
(0.5 %) của các hộ dân thuộc các bản trong vùng lõi cùng tham gia đóng góp xây
dựng làng văn hoá và phát triển sản xuất, nâng cao đời sống và kinh tế hộ gia
đình và các hộ gia đình trong khu dân cư.
- Vốn huy động từ các nhà đầu tư:
202.370 triệu đồng (59,28%) để xây dựng các công trình khu nhà nghỉ dưỡng, nhà
tiếp đón khách, các bãi xe, khu vui chơi, trồng cây cảnh quan, đường dạo, hệ thống
nước, xử lí chất thải, hồ nước, các công trình phục vụ du lịch sinh thái.
Điều 2. Tổ chức thực hiện
Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp
phê duyệt các quy hoạch chi tiết, các bản đồ quy hoạch.
Giao Tổng cục Lâm nghiệp chỉ đạo, hướng
dẫn lập kế hoạch đầu tư hàng năm cho Vườn quốc gia Cúc Phương xây dựng và thực
hiện các chương trình, dự án để thực hiện quy hoạch các nội dung quy định tại
Điều 1 của Quyết định này; tổ chức quản lý và thực hiện quy hoạch có hiệu quả theo các nội dung quy định tại Điều 1 của quyết định này và nội
dung văn kiện quy hoạch được duyệt, tuân thủ các quy chế hiện hành của Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn và của Nhà nước về quy chế quản lý rừng đặc dụng.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
Điều 4. Chánh văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ Kế hoạch,
Tài chính; Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng công trình; Tổng cục trưởng Tổng cục
Lâm nghiệp Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Giám đốc Vườn quốc gia Cúc
Phương và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 4;
- Bộ trưởng Cao Đức Phát (b/c);
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ TN&MT; KH&ĐT; TC, VH-TT&DL;
- Lưu VT, TCLN.
|
KT.
BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Hứa Đức Nhị
|