ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH QUẢNG
NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 124/QĐ-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày 22 tháng 01 năm 2025
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ
DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ CHẤT THẢI VÀ KIỂM SOÁT CÁC NGUỒN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG
TỪ ĐẤT LIỀN VÀ CÁC HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN TẠI VÙNG BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Biển Việt Nam ngày
21/6/2012;
Căn cứ Luật Tài nguyên, môi trường biển
và hải đảo ngày 25/6/2015;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày
17/11/2020;
Căn cứ Nghị quyết số 13/2024/QH15 ngày 28/6/2024
của Quốc hội về Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ
2021 - 2030, tầm nhìn đến
năm 2050;
Căn cứ Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày
15/05/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều
của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;
Căn cứ Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày
10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 05/2025/NĐ-CP ngày
06/01/2025 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi
hành Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày
03/4/2023 của Chính phủ Phê duyệt Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài
nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1746/QĐ-TTg ngày
04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch quốc gia về quản
lý rác thải nhựa đại dương đến năm 2030;
Căn cứ Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày
22/11/2023 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 -
2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Quyết định số 1117/QĐ-TTg ngày
07/10/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể khai thác, sử
dụng bền vững tài
nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050;
Căn cứ Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày
20/08/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý, tái sử dụng, tái chế, xử lý
và giảm thiểu chất thải nhựa;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên
và Môi trường tại Tờ trình số 253/TTr-STNMT ngày 16/01/2025.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình quản lý chất
thải và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ đất liền và các hoạt động
trên biển tại vùng bờ tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030.
Điều 2. Giao
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các Sở, ban ngành, UBND các
huyện, thị xã, thành phố ven biển, hải đảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan
tổ chức thực hiện Chương trình; tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra,
giám sát quá trình triển khai thực hiện Chương trình; định kỳ hàng năm tổng hợp
kết quả thực hiện báo cáo UBND tỉnh.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4. Chánh
Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện,
thị xã, thành phố ven biển, hải đảo; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn ven
biển, hải đảo và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành
Quyết định này./.
Nơi nhận:
-
Như Điều 4;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (b/cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/cáo);
- CT, PCT UBND tỉnh;
- VPUB: PCVP, KTTH, NC, KGVX;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.58
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Phước Hiền
|
CHƯƠNG TRÌNH
QUẢN
LÝ CHẤT THẢI VÀ KIỂM SOÁT CÁC NGUỒN GÂY Ô NHIỄM MÔI TRƯỜNG TỪ ĐẤT LIỀN VÀ CÁC
HOẠT ĐỘNG TRÊN BIỂN TẠI VÙNG BỜ TỈNH QUẢNG NGÃI ĐẾN NĂM 2030
(Kèm
theo Quyết
định số 124/QĐ-UBND ngày 22/01/2025 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi)
I. QUAN ĐIỂM VÀ MỤC
TIÊU
1. Quan điểm
Thực hiện đúng chủ trương, đường lối của
Đảng và chính sách, pháp luật nhà nước liên quan đến khai thác, sử dụng tài
nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; đồng thời phải phù hợp với Quy hoạch
tỉnh Quảng Ngãi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1456/QĐ-TTg ngày 22/11/2023.
Ưu tiên phòng ngừa, kiểm soát, cải thiện
ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; kịp thời xử lý, khắc phục có hiệu quả tình
trạng ô nhiễm, sự cố môi trường làm suy thoái môi trường biển và hải đảo.
Hành động gây ô nhiễm phải trả tiền: Tổ
chức, cá nhân gây tổn thất về tài nguyên và tổn hại về môi trường biển, vùng
ven biển và hải đảo phải chịu trách nhiệm pháp lý và hoàn nguyên môi trường biển
cho hành vi thiếu trách nhiệm của mình.
Tăng cường xã hội hóa công tác bảo vệ
môi trường, tạo điều kiện thuận lợi nhằm huy động sự tham gia của các bên liên
quan, cộng đồng dân cư ven biển, hải đảo và người lao động trên biên vào quá
trình quản lý khai thác, sử dụng và bảo vệ môi trường biển, đảo.
Phát triển bền vững: Các chương
trình/dự án bảo vệ môi trường biển phải phù hợp với các quy hoạch, chiến lược,
kế hoạch phát triển đã được phê duyệt ở cấp quốc gia, cấp vùng và của tỉnh. Kế
thừa các chương trình quản lý môi trường về biển và hải đảo đang triển khai
trên địa bàn tỉnh, đồng thời phát
huy có hiệu quả các kết quả, kinh nghiệm của các dự án về kiểm soát ô nhiễm môi trường
biển đã và đang thực hiện tại Việt Nam.
2. Mục tiêu
a. Mục tiêu tổng quát
Ngăn ngừa, kiểm soát có hiệu quả các
nguồn thải từ đất liền cũng như trên biển có nguy cơ tác động đến môi trường biển
ven bờ các huyện, thị xã, thành phố ven biển và đảo Lý Sơn; góp phần kiểm soát
ô nhiễm môi trường biển và từng bước cải thiện chất lượng môi trường, bảo
vệ tốt các hệ sinh thái vùng biển ven bờ và hải đảo của tỉnh.
b. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Giảm thiểu ô nhiễm do rác thải nhựa:
+ Giảm thiểu 75% rác thải nhựa trên biển
và đại dương;
+ 100% ngư cụ khai thác thủy sản bị
mất hoặc bị vứt bỏ được thu gom, chấm dứt việc thải bỏ ngư cụ trực tiếp xuống
biển;
+ 100% các tàu khai thác hải sản ký
cam kết thu gom chất thải rắn trên tàu mang vào bờ;
+ 100% các khu, điểm du lịch, cơ sở
kinh doanh dịch vụ lưu trú du lịch và dịch vụ du lịch khác ven biển không sử dụng
sản phẩm nhựa dùng một lần và túi ni lông khó phân hủy;
+ Khu bảo tồn biển Lý Sơn và Khu bảo vệ
nguồn lợi thủy sản vùng biển Gành Yến không còn rác thải nhựa.
- Ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải vùng
ven biển:
+ 100% Các Khu công nghiệp (KCN) có hệ
thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi trường;
+ 100% Cụm công nghiệp (CCN) thành lập
mới có hệ thống thu gom và xử lý nước thải tập trung đạt yêu cầu về bảo vệ môi
trường; các CCN đang hoạt động cơ bản hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật, từng bước đầu
tư xây dựng hệ thống bảo vệ môi trường phù hợp;
+ Tăng tỷ lệ xử lý nước thải sinh hoạt:
Xây dựng các hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt tập trung khu vực Khu Kinh tế
(KKT) Dung Quất >20%; khu vực 5 đô thị cấp huyện/thị >40%; hệ thống xử lý
nước thải phi tập trung ven biển >20%;
+ 100% hệ thống xử lý nước thải tập
trung tại các cảng cá và khu neo trú tàu thuyền được đưa vào vận hành đạt yêu cầu
về bảo vệ môi trường;
+ Nguồn ô nhiễm, chất thải từ các hoạt
động thủy sản được điều tra, đánh giá, quản lý và kiểm soát; chấm dứt việc sử dụng
các loại hóa chất độc hại trong nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm nguồn nước và
làm suy giảm đa dạng sinh học.
II. PHẠM VI
1. Phạm vi không gian: Vùng bờ tỉnh Quảng
Ngãi, bao gồm vùng đất ven biển và vùng biển ven bờ thuộc 5 huyện, thị xã,
thành phố có biển gồm:
- Vùng đất ven biển: các huyện:
Bình Sơn, Mộ Đức, Lý Sơn; thị xã Đức Phổ và thành phố Quảng Ngãi.
- Vùng biển ven bờ: có ranh giới
trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và
ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một
khoảng cách 06 hải lý (khoảng 10km).
2. Phạm vi thời gian: Đến năm 2030.
III. NHIỆM VỤ CHỦ YẾU
1. Chương trình quản
lý, giảm thiểu ô nhiễm do chất thải rắn
a. Giảm thiểu rác thải nhựa dùng 1 lần,
tăng cường tái sử dụng,
tái chế rác thải nhựa
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu
quả Quyết định số 238/QĐ-UBND ngày 05/4/2023 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề
án thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai
đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; tổ chức thực hiện Kế hoạch số
85/KH-UBND ngày 29/5/2019 của UBND tỉnh về việc thực hiện phong trào “Chống rác thải
nhựa” giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi; Kế hoạch số 104/KH-UBND ngày 31/8/2020 của UBND tỉnh về việc quản lý rác
thải nhựa đại dương trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021 - 2025; Kế hoạch
số 85/KH-UBND ngày 04/4/2024 của UBND tỉnh về việc tổ chức thực hiện phân loại
chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2024 - 2025.
- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền
nâng cao nhận thức về mục tiêu “không rác thải nhựa sử dụng 1 lần” cho các bên
liên quan, đặc biệt tập trung vào đối tượng khách du lịch, cộng đồng dân cư ven
biển và ngư dân.
- Tiếp tục thực hiện mô hình công sở,
văn phòng làm việc nói không với rác thải nhựa dùng 1 lần.
- Nghiên cứu lộ trình triển khai hạn
chế sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy
sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa được quy định tại Điều 64 Nghị định
08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ, trong đó lưu ý đảm bảo sau năm 2030
không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy
sinh học tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các khu du lịch, trọng tâm
là đảo Lý Sơn.
- Thực hiện triển khai thí điểm và tiến
đến nhân rộng mô hình “Trường học giảm thiểu rác thải nhựa”.
- Thực hiện giảm thiểu, thu gom, tái
chế chất thải nhựa trong ngành trồng trọt, chăn nuôi.
- Tổ chức các mô hình đồng quản lý rác
thải nhựa trong nuôi trồng thủy sản, phát động phong trào các hộ, cơ sở nuôi trồng
thủy sản lồng bè không xả rác thải nhựa xuống sông, biển. Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản sử
dụng vật tư, dụng cụ chuyên dùng, bao gói thủy sản bằng các loại thân thiện với
môi trường, hoặc nhựa sử dụng nhiều lần.
- Triển khai phát động phong trào ngư
dân ký cam kết thực hiện thu gom rác thải mang vào bờ, không thải bỏ ngư lưới cụ,
rác thải nhựa xuống biển. Xây dựng
và ban hành quy định hướng dẫn tiếp nhận, phân loại và xử lý rác thải nhựa tại
các cảng cá và khu neo trú tàu thuyền.
- Nghiên cứu, bổ sung cơ chế hỗ trợ
tài chính để nhân rộng các mô hình, hoạt động liên quan đến chuyển đổi từ quản
lý chất thải sang các giải pháp kinh tế tuần hoàn, thông qua việc hỗ trợ thực
hiện các dự án thí điểm (bao gồm nghiên cứu và truyền thông) giới thiệu các sản
phẩm mới dễ phân hủy, thân thiện với môi trường và thúc đẩy thay đổi lối sống để ngăn chặn
rác thải nhựa 1 lần.
- Tăng cường hoạt động tái sử dụng,
tái chế rác thải nhựa:
+ Huy động các nguồn lực trong nước và
quốc tế để hỗ trợ kỹ thuật và phát triển công nghệ nhằm giảm phát sinh và tái
chế rác thải nhựa.
+ Tổ chức nghiên cứu kêu gọi đầu tư đối
với các dự án xây dựng nhà máy thu hồi, tái chế chất thải nhựa theo chu trình
tuần hoàn.
+ Xây dựng mô hình xã hội hóa thu gom,
phân loại, thu đổi rác thải nhựa linh hoạt, hiệu quả tại các cảng cá, phù hợp với
điều kiện tập quán của ngư dân.
- Thực hiện điều tra, thống kê, phân
loại, đánh giá các nguồn thải nhựa phát sinh từ đất liền và vùng ven biển, hải
đảo và các hoạt động trên biển; đề xuất các giải pháp quản lý, giảm thiểu và kiểm
soát rác thải nhựa đại dương.
b. Tăng cường quản lý, phân loại, thu
gom chất thải rắn
- Nghiên cứu, đề xuất khu vực, địa điểm
tiếp nhận chất nạo vét trên bờ và nhận chìm chất nạo vét ở biển từ hệ thống
giao thông đường thủy nội địa và đường biển trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.
- Về phân loại chất thải rắn sinh hoạt:
+ Tổ chức hướng dẫn và tập huấn về
chuyên môn cho các địa phương trong công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt
tại nguồn.
+ Hoàn thiện và đồng bộ trang thiết bị,
hạ tầng trong công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sau phân loại.
- Tiếp tục tổ chức có hiệu quả các
phong trào, chiến dịch thu gom, làm sạch rác thải tại cửa sông và các xã ven biển;
thu gom rác thải tại các các rạn san hô trong Khu Bảo tồn biển Lý Sơn. Bố trí
các thiết bị lưu chứa và các điểm tập kết chất thải, rác thải nhựa phù hợp, thuận
lợi, đảm bảo vệ sinh môi trường.
- Nghiên cứu bổ sung, hoàn thiện cơ chế,
chính sách ưu đãi để thu hút các nhà đầu tư trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, đặc
biệt là đầu tư về xử lý rác thải sinh hoạt.
2. Chương trình kiểm
soát, ngăn ngừa ô nhiễm do nước thải vùng ven biển
a. Giảm thiểu ô nhiễm do nước
thải sinh hoạt
- Nạo vét kênh rạch, hồ chứa nước và cải
tạo các hệ thống thoát nước đô thị hiện hữu.
- Đầu tư xây dựng các trạm xử lý nước
thải tập trung tại các đô thị theo lộ trình và định hướng phát triển đô thị tại
thành phố Quảng Ngãi, thị xã Đức Phổ, thị trấn Châu Ổ, Mộ Đức và
huyện Lý Sơn.
- Đối với các khu dân cư tập trung ven
biển: Lập thiết kế và dự toán đối các trạm xử lý nước thải phi tập trung tại
các đô thị ven biển gồm: Tịnh Hòa, Tịnh Kỳ (TP. Quảng Ngãi); Sa Kỳ (H. Bình
Sơn); Thạch Trụ, Nam Sông Vệ, Đức Minh, Đức Lợi (H. Mộ Đức); Mỹ Á - Phổ Vinh,
Phổ Phong, Sa Huỳnh (TX. Đức Phổ).
b. Giảm thiểu ô nhiễm do nước thải
công nghiệp
- Hoàn thiện đầu tư hạ tầng hệ thống xử
lý nước thải (XLNT) tập trung tại các KKT và KCN trên địa bàn tỉnh. Tiếp tục đầu
tư cơ sở hạ tầng thúc đẩy khu kinh tế, khu công nghiệp và ưu tiên đầu tư các
ngành, lĩnh vực để hướng đến KKT, KCN sinh thái, phát triển công nghiệp bền vững
gắn với bảo vệ môi trường theo Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh tỉnh Quảng
Ngãi giai đoạn 2021-2030.
- Đối với các Dự án đang sản xuất kinh
doanh trong một số CCN nhưng CCN không đủ khả năng đầu tư và vận hành hệ thống
XLNT cần khảo sát, đánh giá cụ thể và áp dụng biện pháp kỹ thuật hiện có tốt nhất đối với ít
nhất một hoạt động
hoặc công đoạn sản xuất đảm bảo các điều kiện về nước thải trước khi xả thải ra
môi trường (theo lộ trình quy định tại khoản 22 Điều 1 Nghị định số
05/2025/NĐ-CP ngày 06/01/2025 của Chính phủ).
- Đối với các KCN/CCN dự kiến thành lập,
kiên quyết hoàn thiện các thủ tục môi trường mới cho phép hoạt động.
- Yêu cầu chủ đầu tư xây dựng và kinh
doanh hạ tầng khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, CCN thực hiện đúng,
đầy đủ trách nhiệm theo quy định của pháp luật, trong đó lưu ý không tiếp nhận thêm
dự án mới hoặc nâng công suất dự án đang hoạt động có phát sinh nước thải sản xuất
trong khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp không có hoặc
không đáp ứng một trong các yêu cầu về hạ tầng bảo vệ môi trường theo quy định.
- Tăng cường giám sát các cơ sở có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường theo Quyết định số 750/QĐ-BTNMT ngày 28/3/2023 của
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về ban hành kế hoạch tăng cường phòng ngừa,
giám sát, kiểm soát các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.
c. Giảm thiểu ô nhiễm do nước thải
nuôi trồng thủy sản
- Nghiên cứu lộ trình từng bước hoàn
thiện hệ thống thu gom và xử lý nước thải nuôi trồng thủy sản.
- Chuyển đổi mô hình sản xuất thủy sản
theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh; Phát triển sản xuất thủy sản hữu
cơ, công nghệ cao, thân thiện với môi trường.
d. Giảm thiểu ô nhiễm do nước
thải tại các cảng cá và khu neo trú tàu thuyền
- Thành lập và tập huấn Tổ giám sát
môi trường tại các cảng cá và khu neo trú tàu thuyền.
- Hoàn chỉnh hạ tầng, thủ tục pháp lý
và đưa vào vận hành đồng bộ hệ thống xử lý nước thải tại các cảng cá, khu neo
trú tàu thuyền.
e. Phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường
- Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu
quả Quyết định số 1607/QĐ-UBND ngày 18/12/2024 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc
phê duyệt Kế hoạch phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trên địa bàn tỉnh Quảng
Ngãi; Kế hoạch số 99/KH-UBND ngày 08/5/2023 của UBND tỉnh Triển khai thực hiện
Kế hoạch Quốc gia ứng phó sự cố chất thải giai đoạn 2023 - 2030 trên địa bàn tỉnh
Quảng Ngãi.
- Xây dựng và triển khai Kế hoạch thực
hiện các hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn
2026 - 2030.
3. Chương trình nâng
cao năng lực quản lý các nguồn thải ven biển và trên biển
a. Hoàn thiện xây dựng và quản lý cơ sở
dữ liệu về nguồn thải
- Duy trì, phát triển và hoàn thiện
các chương trình quan trắc môi trường liên quan đến các nguồn thải ven biển, đặc
biệt là chương trình quan trắc môi trường ven biển và kiểm soát ô nhiễm định kỳ
tại KKT Dung Quất và các khu nuôi trồng thủy sản vùng cửa sông và ven biển của
tỉnh.
- Đầu tư xây dựng các trạm quan trắc tổng
hợp tài nguyên, môi trường biển, trạm radar biển và trạm phao biển nhằm quan trắc
dòng chảy, chất lượng môi trường nước biển.
- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống
thông tin quản lý và cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường vùng bờ của tỉnh.
b. Tăng cường nhận thức và sự tham gia
của cộng đồng
- Tiếp tục triển khai kế hoạch truyền
thông về biển và đại dương đến năm 2030, nâng cao nhận thức và triển khai kịp
thời các nội dung về biển và đại dương đến các đối tượng truyền thông. Tăng cường
công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật nâng cao nhận thức về bảo vệ môi
trường biển và hải đảo.
- Xây dựng Chương trình du lịch cộng đồng
bền vững, không rác thải nhựa.
- Phát huy vai trò của đội ngũ báo cáo
viên, tuyên truyền viên, cán bộ cơ sở, chức sắc tôn giáo, người có uy tín trong
cộng đồng, hội viên các đoàn thể chính trị - xã hội...
4. Chương trình sử dụng
hiệu quả và bảo vệ tài nguyên đa dạng sinh học vùng bờ
- Xây dựng và triển khai thực hiện
Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tỉnh Quảng Ngãi.
- Thực hiện đồng bộ các giải pháp
thích ứng với biến đổi khí hậu dựa vào hệ sinh thái và cộng đồng, bảo vệ cuộc sống
và tạo sinh kế cho người dân khu vực ven biển.
- Khôi phục và trồng mới rừng phi lao
ven biển huyện Mộ Đức và thị xã Đức Phổ.
- Xây dựng Chương trình du lịch cộng đồng
bền vững và tiếp tục nuôi cấy, bảo tồn và phát triển san hô trong Khu bảo tồn
biển Lý Sơn, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Gành Yến.
- Thực hiện bảo tồn nguồn gen của các
loài hải sản nguy cấp, quý hiếm bản địa (gồm hải sâm, bào ngư, trai tai tượng,
tôm hùm, các loài rong biển).
- Tăng cường tuần tra bảo vệ và vận động
người dân đồng thuận trong công tác bảo vệ tài nguyên và môi trường.
(Danh mục các nhiệm vụ được đề xuất đính
kèm tại Phụ lục).
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Nhóm giải pháp về tăng cường thể chế,
chính sách
- Triển khai kịp thời chính sách, pháp
luật về quản lý tổng hợp vùng bờ trên địa bàn tỉnh; Tăng cường thực thi pháp luật
để chủ động kiểm soát và xử lý các nguồn thải.
- Hoàn thiện các quy định về kiểm soát
chất thải nhựa.
- Xây dựng cơ chế đa dạng hóa, huy động và sử dụng
nguồn vốn có hiệu quả, thúc đẩy tiếp cận vốn hỗ trợ ưu đãi đầu tư xử lý chất thải.
- Huy động mọi nguồn lực đầu tư, tăng
cường xã hội hóa công tác quản
lý và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo trên địa bàn tỉnh.
- Tạo cơ chế, chính sách thông thoáng
cho doanh nghiệp kinh doanh, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ cho khu vực tư nhân
làm dịch vụ về bảo vệ môi trường.
- Nghiên cứu chính sách ưu đãi đối với
các dự án sản xuất các sản phẩm thân thiện môi trường, phòng chống ô nhiễm môi
trường, thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải.
2. Nhóm giải pháp về kỹ thuật, đầu tư
tài chính
a. Giải pháp về kỹ thuật
- Nghiên cứu, phát triển hệ thống thu
gom và xử lý rác thải nhựa trôi nổi trên biển và đại dương.
- Nghiên cứu áp dụng các công nghệ phù
hợp trong nước thải nuôi trồng thủy sản, định hướng công nghệ, mô hình xử lý nước
thải sinh hoạt phân tán (phi tập trung).
- Khai thác hiệu quả các tư vấn khoa học,
kỹ thuật trong việc đánh giá và đề xuất các giải pháp quản lý cụ thể của từng
nhiệm vụ/hoạt động, ưu tiên sử dụng nguồn lực trên địa bàn tỉnh;
- Lồng ghép và kế thừa kết quả của các
đề tài, dự án khoa học, công nghệ liên quan triển khai trên địa bàn.
b. Giải pháp về nguồn vốn
- Tăng cường nguồn lực tài chính nhằm
đảm bảo bố trí tăng dần đối với các khoản chi cho hoạt động bảo vệ môi trường
biển và hải đảo.
- Thu hút nguồn tài trợ từ nước ngoài
hỗ trợ cho các hoạt động quản lý, giảm thiểu rác thải nhựa; thu gom, vận chuyển và xử lý chất
thải rắn; các công
trình xử lý nước thải sinh hoạt tập trung.
3. Nhóm giải pháp về nguồn nhân lực và
năng lực quản lý môi trường
a. Xây dựng nguồn nhân lực các cấp
- Tăng cường năng lực chuyên môn về quản
lý môi trường biển và hải đảo cho cán bộ các Sở, ban, ngành, địa phương liên
quan thông qua việc cử cán bộ tham gia các khóa đào tạo, tập huấn chuyên sâu do
các Bộ, ngành tổ chức về: Ứng dụng công cụ tiên tiến trong quản lý tổng hợp tài
nguyên và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển (GIS, viễn thám, mô hình hóa, quản
trị cơ sở dữ liệu...).
- Xây dựng mạng lưới chuyên gia có
trình độ, kinh nghiệm để tham gia đào tạo nguồn nhân lực kiểm soát ô nhiễm môi
trường biển.
b. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu về
nguồn thải ven biển
Xây dựng hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu
về các nguồn thải và chất lượng môi trường biển tổng hợp, thực hiện cập nhật định
kỳ làm cơ sở theo dõi, giám sát chặt chẽ diễn biến hiện trạng môi trường vùng bờ
của tỉnh.
V. KINH PHÍ THỰC HIỆN
Kinh phí thực hiện Chương trình do
ngân sách nhà nước bảo đảm theo phân cấp ngân sách hiện hành và các nguồn kinh
phí xã hội hóa khác. Hàng năm, căn cứ nhiệm vụ được giao, các Sở, ban, ngành, địa
phương có liên quan có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Chương trình
và tổng hợp chung vào dự toán của Sở, ban, ngành, địa phương mình để trình cấp
có thẩm quyền bố trí kinh phí theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước, Luật Đầu
tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.
VI. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành,
đơn vị, địa phương liên quan theo dõi và thực hiện các nhiệm vụ được phê duyệt,
đồng thời tổng hợp báo
cáo UBND tỉnh hàng năm theo quy định.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các
nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch kiểm soát ô nhiễm biển và quản lý chất
thải của tỉnh theo Chương trình này.
- Tổng hợp những
phát sinh, vướng mắc để kịp thời tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung các giải
pháp cụ thể trong quá trình thực hiện.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương
liên quan tổ chức tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ
môi trường trong hoạt động sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác thủy sản;
tổ chức kiểm soát các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường
trong Khu Bảo tồn biển Lý Sơn, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Gành Yến; triển khai
các dự án phục hồi hệ sinh thái, tái tạo nguồn lợi thủy sản trong Khu Bảo tồn
biển Lý Sơn, Khu bảo vệ nguồn lợi thủy sản vùng biển Gành Yến.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường
lập kế hoạch trung hạn, hằng năm cho các dự án ưu tiên về kiểm soát ô nhiễm biển
và quản lý chất thải của tỉnh (nếu có) theo quy định của Luật Đầu tư công và
các quy định khác có liên quan.
4. Sở Tài chính
Hàng năm, vào thời điểm xây dựng dự
toán, trên cơ sở dự toán của các cơ quan, đơn vị xây dựng thực hiện nhiệm vụ và
chịu trách nhiệm về tính chuẩn xác đối với nội dung đã đề xuất thực hiện nhiệm
vụ này; gửi Sở Tài chính tổng hợp, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
5. Sở Khoa học và Công nghệ
- Nghiên cứu, áp dụng các tiến bộ khoa
học công nghệ trong hoạt động kiểm soát các nguồn ô nhiễm môi trường biển trên
địa bàn tỉnh.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
6. Sở Xây dựng
Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn
vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
7. Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- Rà soát và lồng ghép các nội dung quản
lý rác thải nhựa vào quy định quản lý của các khu du lịch; phối hợp với các đơn
vị, địa phương liên quan trong việc thực hiện các giải pháp đảm bảo sau năm
2030 không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó
phân hủy sinh học tại các khách sạn, khu du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
8. Sở Thông tin và Truyền thông
Hướng dẫn và chỉ đạo các cơ quan báo
chí, các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thông tin cơ sở tập trung tuyên
truyền, phổ biến chính sách
của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường biển và hải đảo, đặc biệt tập trung
các chuyên mục về rác thải nhựa đại dương, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng,
góp phần vào việc bảo vệ tài nguyên môi trường biển, hải đảo.
9. Ban Quản lý Khu Kinh tế Dung Quất
và các Khu công nghiệp Quảng Ngãi
- Thực hiện quản lý công tác bảo vệ
môi trường tại khu kinh tế, khu công nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Kiểm tra, giám sát các Chủ đầu tư
xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất kinh
doanh trong các khu công nghiệp, khu kinh tế trên địa bàn tỉnh trong việc đầu
tư xây dựng và vận hành các trạm xử lý nước thải tập trung theo đúng quy định.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
10. Sở Giáo dục và đào tạo
- Nghiên cứu, rà soát, đánh giá, biên
soạn và đưa các nội dung giáo dục bảo vệ môi trường biển và hải đảo vào chương
trình của các cấp học, bậc học, trình độ đào tạo đáp ứng yêu cầu với tình hình
mới.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
11. Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh,
Công an tỉnh và các lực lượng chức năng tăng cường phối hợp với các Sở, ban,
ngành địa phương liên quan kiểm tra, kiểm soát, xử lý các hành vi vi phạm pháp
luật liên quan đến bảo vệ tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
12. UBND các huyện, thị xã, thành phố
ven biển và hải đảo
- Thực hiện công tác quản lý bảo vệ
môi trường trên địa bàn quản lý.
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan,
đơn vị, địa phương liên quan triển khai các nhiệm vụ được phê duyệt theo Chương
trình này.
13. UBND xã, phường, thị trấn ven biển
và hải đảo
- Kiểm tra việc tuân thủ quy định của
pháp luật về bảo vệ môi trường theo thẩm quyền.
- Chỉ đạo các khu phố, tổ dân phố,
thôn tham gia giữ gìn vệ sinh đường giao thông, nơi công cộng, thực hiện quy chế
quản lý chất thải và đăng ký thực hiện quy ước, cam kết giữ gìn vệ sinh môi trường.