Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên môi trường biển và hải đảo

Số hiệu: 40/2016/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 15/05/2016 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết
Nghị định 40/2016/NĐ-CP hướng dẫn về chiến lược, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo; phạm vi vùng bờ; chương trình điều cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; hành lang bảo vệ bờ biển; phân loại hải đảo; khu vực hạn chế để ưu tiên cứu hộ, cứu nạn;...

 

1. Phạm vi vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

 
Theo Nghị định 40 hướng dẫn thì phạm vi vùng bờ bao gồm: vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển. Trong đó:
 
+ Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép đó một khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố.
 
+ Vùng đất ven biển gồm các xã, phường, thị trấn có biển.
 
Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm lập Đề cương quy hoạch với các nội dung: sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của quy hoạch; căn cứ lập quy hoạch; phạm vi, thời kỳ lập, tầm nhìn quy hoạch; mục tiêu, định hướng và nội dung chính của quy hoạch. Sau đó, Bộ gửi lấy ý kiến các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có liên quan.
 
Quy hoạch được thẩm định và phê duyệt theo hướng dẫn cụ thể tại Nghị định 40/NĐ-CP.
 
Tại Mục này, Nghị định 40 còn hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt, điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.
 

2. Chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

 
Khi xây dựng chương trình trọng điểm điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cần dựa trên các nguyên tắc được quy định tại Nghị định 40 năm 2016: phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển đảo; khả thi, phù hợp với khả năng nguồn lực điều tra cơ bản; đảm bảo tính kế thừa, ứng dụng tiến bộ KHCN.
 
Thủ tướng Chính phủ sẽ phê duyệt chương trình do Bộ Tài nguyên và Môi trường trình.
 
Nghị định 40/2016 còn hướng dẫn cụ thể yêu cầu, các bước lập chương trình; các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình; Tổ chức thực hiện, gaio nộp, đánh giá kết quả thực hiện chương trình điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển đảo.
 

3. Phân loại hải đảo

 
Nghị định 40 của chính phủ phân hải đảo thành 2 nhóm là nhóm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn và nhóm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên.
 

4. Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi giấy phép nhận chìm ở biển; Danh mục vật, chất được nhận chìm ở biển

 
Tổ chức, cá nhân để được cấp giấy phép nhận chìm ở biển cần đáp ứng các điều kiện tại Điều 49 Nghị định 40/CP gồm:
 
- Vật, chất được phép nhận chìm đáp ứng điều kiện quy định;
 
- Có phương án nhận chìm bảo đảm yêu cầu;
 
- Khu vực biển đề nghị nhận chìm phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được phê duyệt.
 
Ngoài ra, Nghị định còn hướng dẫn cụ thể việc cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, thu hồi, chấm dứt hiệu lực giấy phép nhận chìm ở biển.
 
 
Nghị định 40/2016/NĐ-CP có hiệu lực ngày 01/7/2016.

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 40/2016/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 5 năm 2016

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi Điều chỉnh

Nghị định này quy định chi Tiết Điều 11, Điều 14, Điều 22, Điều 23, Điều 25, Điều 29, Điều 36; Khoản 1 Điều 40; Khoản 3 Điều 54; Khoản 2 Điều 58; Khoản 4 Điều 60; Khoản 3 Điều 76 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, bao gồm:

1. Lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Phạm vi vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, Điều chỉnh quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; lập, thẩm định, phê duyệt, Điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ.

3. Chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

4. Hành lang bảo vệ bờ biển; hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển.

5. Phân loại hải đảo.

6. Xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố.

7. Cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại, thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển; Danh Mục vật, chất được nhận chìm ở biển.

8. Cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Nghị định này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cá nhân có hoạt động liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo Việt Nam.

Chương II

LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT VÀ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN, BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 3. Lập chiến lược

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng Đề cương chiến lược và gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển (sau đây gọi chung là Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển). Đề cương chiến lược gồm các nội dung chính sau:

a) Sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của chiến lược;

b) Các căn cứ lập chiến lược;

c) Phạm vi, thời kỳ lập, tầm nhìn chiến lược;

d) Các định hướng và nội dung chủ yếu của chiến lược.

2. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng dự thảo chiến lược, lấy ý kiến về dự thảo chiến lược theo quy định tại Điều 4 Nghị định này; tổ chức đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 4. Lấy ý kiến về dự thảo chiến lược

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Gửi dự thảo chiến lược kèm theo báo cáo thuyết minh và dự thảo Tờ trình phê duyệt chiến lược để lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển;

b) Đăng công khai toàn văn dự thảo Tờ trình phê duyệt chiến lược, dự thảo chiến lược và báo cáo thuyết minh trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển.

2. Các cơ quan được lấy ý kiến về dự thảo chiến lược có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của cơ quan chủ trì lập chiến lược.

Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm tổ chức lấy ý kiến của cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan trên địa bàn về dự thảo chiến lược; tổng hợp các ý kiến góp ý và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; đăng công khai báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển.

Điều 5. Thẩm định chiến lược

1. Hồ sơ thẩm định gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định chiến lược;

b) Dự thảo Tờ trình phê duyệt chiến lược;

c) Dự thảo chiến lược và báo cáo thuyết minh;

d) Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan.

2. Nội dung thẩm định gồm:

a) Các căn cứ lập chiến lược;

b) Quan Điểm, nguyên tắc chỉ đạo, tầm nhìn, Mục tiêu của chiến lược;

c) Sự phù hợp và tính khả thi của chiến lược với yêu cầu quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo để phát triển bền vững.

3. Việc thẩm định chiến lược được thực hiện thông qua Hội đồng thẩm định do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập với cơ cấu gồm 01 Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 02 Ủy viên phản biện, 01 Ủy viên thư ký và các Ủy viên khác là đại diện của các bộ, ngành có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học.

4. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định cho cơ quan chủ trì lập chiến lược để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo chiến lược.

Điều 6. Phê duyệt, công bố chiến lược

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ chiến lược và trình Chính phủ phê duyệt.

2. Hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt chiến lược gồm:

a) Tờ trình phê duyệt chiến lược;

b) Dự thảo chiến lược và báo cáo thuyết minh;

c) Báo cáo kết quả thẩm định chiến lược;

d) Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của hội đồng thẩm định và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan;

e) Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt chiến lược.

3. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày chiến lược được Chính phủ phê duyệt, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm công bố chiến lược và công khai chiến lược trong suốt kỳ chiến lược.

Điều 7. Thực hiện chiến lược

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển tổ chức, kiểm tra việc thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung chiến lược của ngành, địa phương có nội dung liên quan đến khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường cho phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Định kỳ 05 năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm đánh giá việc thực hiện chiến lược, trường hợp cần thiết kiến nghị Chính phủ Điều chỉnh chiến lược để bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.

Chương III

PHẠM VI VÙNG BỜ; LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ; LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Mục 1. PHẠM VI VÙNG BỜ; LẬP,THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH QUY HOẠCH TỔNG THỂ KHAI THÁC, SỬ DỤNG BỀN VỮNG TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Điều 8. Phạm vi vùng bờ

1. Vùng bờ bao gồm vùng biển ven bờ và vùng đất ven biển.

2. Vùng biển ven bờ có ranh giới trong là đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm (18,6 năm) và ranh giới ngoài cách đường mép nước biển thấp nhất trung bình trong nhiều năm một Khoảng cách 06 hải lý do Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố.

3. Vùng đất ven biển bao gồm các xã, phường, thị trấn có biển.

Điều 9. Lập quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng Đề cương quy hoạch và gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển. Đề cương quy hoạch gồm các nội dung chính sau:

a) Sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của quy hoạch;

b) Các căn cứ lập quy hoạch;

c) Phạm vi, thời kỳ lập, tầm nhìn quy hoạch;

d) Mục tiêu, các định hướng và nội dung chủ yếu của quy hoạch.

2. Trên cơ sở ý kiến của các cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng dự thảo quy hoạch, lấy ý kiến của các cơ quan, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan theo quy định tại Điều 10 Nghị định này; tổ chức đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Điều 10. Lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi dự thảo quy hoạch kèm theo báo cáo thuyết minh để lấy ý kiến của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển và lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan theo quy định tại Khoản 1 Điều 30 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các cơ quan được lấy ý kiến về dự thảo quy hoạch có trách nhiệm trả lời bằng văn bản trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 11. Thẩm định, phê duyệt quy hoạch

1. Việc thẩm định quy hoạch được thực hiện theo quy định của pháp luật về quy hoạch.

2. Hồ sơ trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch gồm:

a) Tờ trình phê duyệt quy hoạch;

b) Dự thảo quy hoạch và báo cáo thuyết minh;

c) Báo cáo kết quả thẩm định quy hoạch;

d) Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan;

e) Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về phê duyệt quy hoạch.

Điều 12. Điều chỉnh quy hoạch

Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch được thực hiện như đối với việc lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch theo quy định tại Nghị định này.

Mục 2. LẬP, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT, ĐIỀU CHỈNH CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÙNG BỜ

Điều 13. Thời hạn chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

Thời hạn chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được xác định căn cứ vào Mục tiêu của chương trình, các vấn đề cần giải quyết để quản lý tổng hợp.

Điều 14. Lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm xây dựng Đề cương chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh và gửi lấy ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có liên quan.

2. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm xây dựng Đề cương chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và gửi lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường, các bộ, ngành có liên quan.

3. Đề cương chương trình gồm các nội dung chính sau:

a) Sự cần thiết, tính cấp bách và ý nghĩa thực tiễn của chương trình;

b) Nguyên tắc, căn cứ lập chương trình;

c) Mục tiêu, thời hạn của chương trình;

d) Phạm vi, ranh giới khu vực vùng bờ cần phải lập chương trình;

đ) Các vấn đề cần giải quyết để quản lý tổng hợp;

e) Các nội dung chủ yếu của chương trình; các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

4. Trên cơ sở ý kiến góp ý của các cơ quan về Đề cương chương trình, cơ quan chủ trì lập chương trình có trách nhiệm xây dựng dự thảo chương trình, lấy ý kiến của các cơ quan, cộng đồng dân cư, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Điều 15. Lấy ý kiến về chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Đối với chương trình có phạm vi liên tỉnh, cơ quan lập chương trình gửi dự thảo chương trình kèm theo báo cáo thuyết minh để lấy ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có liên quan. Đối với chương trình có phạm vi trong một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan lập chương trình gửi dự thảo chương trình kèm theo báo cáo thuyết minh để lấy ý kiến của các bộ, ngành có liên quan.

2. Việc lấy ý kiến của tổ chức, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 37 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Cơ quan được lấy ý kiến về dự thảo chương trình có trách nhiệm trả lời trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến.

4. Cơ quan chủ trì lập chương trình có trách nhiệm xây dựng báo cáo tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan; công khai trên trang thông tin điện tử của Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh có biển.

Điều 16. Thẩm định chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Hồ sơ thẩm định gồm:

a) Văn bản đề nghị thẩm định chương trình;

b) Dự thảo chương trình và báo cáo thuyết minh;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan.

2. Nội dung thẩm định chương trình gồm:

a) Tính đầy đủ về hình thức và nội dung của hồ sơ;

b) Sự phù hợp của khu vực vùng bờ được chọn để lập chương trình quản lý tổng hợp theo quy định tại Khoản 2 Điều 34 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Cơ sở khoa học và thực tiễn lựa chọn các vấn đề cần giải quyết và thứ tự ưu tiên giải quyết để quản lý tổng hợp; các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện chương trình;

d) Các giải pháp, nhiệm vụ để thực hiện chương trình;

đ) Nguồn lực thực hiện chương trình.

3. Việc thẩm định chương trình được thực hiện thông qua hội đồng thẩm định theo quy định sau đây:

a) Hội đồng thẩm định chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường thành lập với cơ cấu gồm 01 Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường, 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 02 Ủy viên phản biện, 01 Ủy viên thư ký và các Ủy viên khác là đại diện của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học;

b) Hội đồng thẩm định chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ trong phạm vi một tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương do Ủy ban nhân dân tỉnh có biển thành lập với cơ cấu gồm 01 Chủ tịch hội đồng là lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, 01 Phó Chủ tịch hội đồng, 02 Ủy viên phản biện, 01 Ủy viên thư ký và các ủy viên khác là đại diện của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan và một số chuyên gia, nhà khoa học.

4. Trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày được thành lập, Hội đồng thẩm định có trách nhiệm tổ chức thẩm định và gửi báo cáo kết quả thẩm định cho cơ quan chủ trì lập chương trình để tiếp thu, hoàn thiện dự thảo chương trình.

Điều 17. Phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Hồ sơ phê duyệt chương trình gồm:

a) Tờ trình phê duyệt chương trình;

b) Dự thảo chương trình và báo cáo thuyết minh;

c) Báo cáo kết quả thẩm định chương trình;

d) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của hội đồng thẩm định và ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan đối với dự thảo chương trình;

đ) Dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình.

2. Thẩm quyền phê duyệt, Điều chỉnh chương trình

a) Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh có biển phê duyệt, Điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ thuộc phạm vi quản lý sau khi có ý kiến bằng văn bản của Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày phê duyệt, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm gửi Quyết định phê duyệt chương trình đến Bộ Tài nguyên và Môi trường để theo dõi, kiểm tra.

Điều 18. Đánh giá việc thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Khi kết thúc thực hiện chương trình, cơ quan trình phê duyệt chương trình phải tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

2. Nội dung đánh giá gồm:

a) Quá trình triển khai thực hiện chương trình quản lý tổng hợp;

b) Kết quả đạt được so với Mục tiêu, các chỉ số đánh giá kết quả thực hiện chương trình đã đề ra; những tồn tại, bất cập và nguyên nhân;

c) Những tác động tích cực của việc thực hiện chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ đối với kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và tài nguyên, môi trường vùng bờ;

d) Những nội dung cần Điều chỉnh hoặc triển khai trong chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ tiếp theo.

Điều 19. Điều chỉnh chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ được Điều chỉnh khi có sự thay đổi một trong các căn cứ lập chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ quy định tại Khoản 2 Điều 35 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo làm thay đổi Mục tiêu và nội dung của chương trình đã được phê duyệt.

2. Khi Điều chỉnh chương trình, cơ quan chủ trì phải đánh giá việc thực hiện chương trình theo nội dung quy định tại Khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

3. Trình tự lập, thẩm định, phê duyệt Điều chỉnh chương trình được thực hiện như đối với lập, thẩm định, phê duyệt chương trình theo quy định tại Nghị định này.

Chương IV

CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 20. Nguyên tắc, căn cứ xây dựng chương trình

1. Nguyên tắc xây dựng chương trình

a) Phù hợp với chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Bảo đảm tính kế thừa; có giải pháp ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ trong Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Bảo đảm tính khả thi, phù hợp với khả năng nguồn lực Điều tra cơ bản của nhà nước.

2. Căn cứ xây dựng chương trình

a) Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Yêu cầu của công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

c) Tiềm năng các loại tài nguyên biển và hải đảo; nhu cầu Điều tra cơ bản, khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

d) Yêu cầu bảo vệ môi trường, các tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

đ) Thông tin, dữ liệu hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã thực hiện trước đó.

Điều 21. Yêu cầu của chương trình

Chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải đáp ứng các yêu cầu sau đây:

1. Phải phù hợp với yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho công tác quản lý, phát triển kinh tế biển, bảo đảm chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh.

2. Phải được xác định trên cơ sở kế thừa thông tin, dữ liệu hoạt động Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học đã tiến hành ở khu vực dự kiến Điều tra; các hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên một khu vực phải được lồng ghép nội dung Điều tra bảo đảm tính hợp lý.

3. Phải xác định thứ bậc ưu tiên trong thực hiện hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo đối tượng và khu vực Điều tra, phù hợp với khả năng đáp ứng về nguồn lực của nhà nước theo từng giai đoạn.

4. Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; từng bước tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác Điều tra cơ bản.

Điều 22. Các bước lập chương trình

1. Đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình.

2. Tổng hợp, rà soát các dự án, đề án, nhiệm vụ và xây dựng dự thảo chương trình.

3. Lấy ý kiến về dự thảo chương trình.

4. Phê duyệt chương trình.

Điều 23. Đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình

1. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ để đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển căn cứ vào nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực, địa phương và quy định tại Khoản 2 Điều 13 của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gửi văn bản đề xuất các dự án, đề án, nhiệm vụ kèm theo Danh Mục và đề cương sơ bộ dự án, đề án, nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình. Danh Mục và đề cương được lập theo Mẫu số 01Mẫu số 02 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

Điều 24. Tổng hợp, rà soát các dự án, đề án, nhiệm vụ và xây dựng dự thảo chương trình

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, rà soát dự án, đề án, nhiệm vụ đưa vào chương trình theo nguyên tắc, căn cứ và yêu cầu quy định tại Điều 20 và Điều 21 Nghị định này.

2. Trên cơ sở kết quả tổng hợp, rà soát, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gồm các nội dung sau đây:

a) Quan Điểm chỉ đạo, Mục tiêu của chương trình;

b) Phạm vi và thời hạn của chương trình;

c) Các nhiệm vụ của chương trình;

d) Giải pháp, nguồn nhân lực, dự toán kinh phí và tiến độ thực hiện chương trình;

đ) Danh Mục dự án, đề án, nhiệm vụ của chương trình;

e) Tổ chức thực hiện chương trình.

Điều 25. Lấy ý kiến về dự thảo chương trình

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm gửi dự thảo chương trình kèm theo báo cáo thuyết minh để lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học và Công nghệ.

2. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổng hợp, nghiên cứu, giải trình, tiếp thu ý kiến góp ý của các bộ quy định tại Khoản 1 Điều này để hoàn thiện dự thảo chương trình.

Điều 26. Phê duyệt chương trình

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình.

2. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình gồm:

a) Tờ trình phê duyệt chương trình;

b) Dự thảo chương trình và báo cáo thuyết minh;

c) Báo cáo tổng hợp tiếp thu, giải trình ý kiến của các bộ;

d) Dự thảo Quyết định phê duyệt chương trình.

Điều 27. Lập, phê duyệt, Điều chỉnh dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc chương trình; Điều chỉnh chương trình

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển căn cứ chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tổ chức lập, phê duyệt và thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ trong chương trình được giao thực hiện theo quy định của pháp luật và quy định tại Nghị định này.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm lập dự án, đề án, nhiệm vụ; gửi lấy ý kiến bằng văn bản của các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các bộ, ngành có liên quan; tổng hợp tiếp thu giải trình ý kiến của các bộ, ngành để hoàn thiện dự án, đề án, nhiệm vụ.

Dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc chương trình phải được lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường trước khi phê duyệt; sau khi được phê duyệt phải được gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, quản lý.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ đã được phê duyệt nếu vì lý do khách quan hoặc do yếu tố rủi ro trên biển phải Điều chỉnh dự án, đề án, nhiệm vụ thì việc Điều chỉnh được thực hiện theo quy định sau đây:

a) Trường hợp nội dung Điều chỉnh dự án, đề án, nhiệm vụ không làm thay đổi Mục tiêu, sản phẩm của dự án, đề án, nhiệm vụ, cơ quan phê duyệt dự án, đề án, nhiệm vụ quyết định phê duyệt việc Điều chỉnh và gửi hồ sơ Điều chỉnh cho Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Trường hợp nội dung Điều chỉnh dự án, đề án, nhiệm vụ làm thay đổi Mục tiêu, sản phẩm của dự án, đề án, nhiệm vụ thì dự án, đề án, nhiệm vụ phải được thực hiện theo trình tự quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Điều chỉnh chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

a) Chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được Điều chỉnh khi có sự thay đổi một trong các căn cứ lập chương trình quy định tại Khoản 2 Điều 20 của Nghị định này làm thay đổi Mục tiêu, phạm vi và nội dung của chương trình đã được phê duyệt hoặc do yêu cầu đột xuất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh;

b) Trình tự lập, phê duyệt Điều chỉnh chương trình được thực hiện như đối với lập, phê duyệt chương trình theo quy định tại Nghị định này.

Điều 28. Tổ chức thực hiện chương trình

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt;

b) Tổ chức đánh giá việc thực hiện chương trình khi kết thúc thực hiện chương trình hoặc trước khi Điều chỉnh chương trình.

2. Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn việc quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Tổ chức lập, phê duyệt, Điều chỉnh và tổ chức thực hiện, các dự án, đề án, nhiệm vụ được giao trong chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Định kỳ hàng năm gửi báo cáo tình hình thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ được giao về Bộ Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc tổ chức, theo dõi, kiểm tra việc thực hiện chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 29. Giao nộp, lưu giữ kết quả thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ của chương trình

1. Kết quả thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ của chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo phải được lưu giữ, giao nộp theo quy định của pháp luật.

2. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày dự án, đề án, nhiệm vụ được nghiệm thu, phê duyệt hoàn thành, tổ chức thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ có trách nhiệm gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường các tài liệu sau đây:

a) Quyết định phê duyệt kết quả dự án, đề án, nhiệm vụ hoàn thành kèm Danh Mục sản phẩm, tài liệu;

b) Báo cáo tổng kết, kết quả dự án, đề án, nhiệm vụ và các bản đồ, tài liệu kèm theo, một bản in trên giấy và một bản lưu bằng thiết bị số.

Điều 30. Đánh giá việc thực hiện chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Khi kết thúc thực hiện chương trình hoặc trước khi Điều chỉnh chương trình, Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì tổ chức đánh giá kết quả thực hiện chương trình.

2. Nội dung đánh giá gồm:

a) Quá trình triển khai thực hiện chương trình;

b) Kết quả đạt được so với Mục tiêu, yêu cầu đề ra; những tồn tại, bất cập và nguyên nhân;

c) Những đóng góp của chương trình đối với phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh;

d) Những nội dung cần Điều chỉnh hoặc triển khai trong chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo tiếp theo.

Chương V

HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN, HẠN CHẾ CÁC HOẠT ĐỘNG TRONG HÀNH LANG BẢO VỆ BỜ BIỂN

Điều 31. Lập Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có biển căn cứ các nguyên tắc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Khoản 2 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức lập Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện nhiệm vụ lập Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

2. Việc lập Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện theo trình tự sau đây:

a) Thu thập, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ;

b) Xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

d) Phê duyệt Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Điều 32. Thu thập, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ

1. Việc thu thập, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ phải được thực hiện trên cơ sở thông tin, số liệu được cập nhật nhằm cung cấp đầy đủ số liệu để đánh giá quy luật phân bố, đặc Điểm, tiềm năng và hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên, môi trường vùng bờ.

2. Nội dung thu thập, tổng hợp, đánh giá về hiện trạng tài nguyên, môi trường vùng bờ bao gồm:

a) Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, các hệ sinh thái;

b) Cảnh quan tự nhiên, di sản văn hóa;

c) Quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội;

d) Hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên;

đ) Hiện trạng môi trường, rủi ro ô nhiễm môi trường;

e) Tình hình diễn biến và rủi ro thiên tai;

g) Các thông tin, dữ liệu khác có liên quan.

Điều 33. Xác định các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

1. Các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải được xác định và lập thành Danh Mục.

2. Dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển bao gồm các nội dung sau:

a) Danh sách các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Tên, địa giới hành chính, vị trí địa lý, mô tả khái quát từng khu vực;

c) Tọa độ hai Điểm giới hạn khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trên đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm;

d) Mục đích, yêu cầu thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển của từng khu vực.

Điều 34. Lấy ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

1. Dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải được lấy ý kiến của các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan thông qua hình thức hội nghị, bằng văn bản, lấy ý kiến trực tiếp và công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển. Thời gian công khai trên trang thông tin điện tử để lấy ý kiến ít nhất là 45 ngày.

2. Dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển phải được hoàn thiện trên cơ sở ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan quy định tại Khoản 1 Điều này. Nội dung tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý phải được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển.

3. Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm gửi văn bản lấy ý kiến của Bộ Tài nguyên và Môi trường về dự thảo Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển trước khi phê duyệt.

Điều 35. Phê duyệt Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có biển phê duyệt Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh có biển phê duyệt Danh Mục. Hồ sơ trình phê duyệt bao gồm:

a) Tờ trình phê duyệt Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Dự thảo Quyết định phê duyệt và Danh Mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Báo cáo nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về dự thảo Danh Mục;

d) Văn bản góp ý, bảng tổng hợp ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan.

Điều 36. Xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm

1. Trên cơ sở số liệu quan trắc, đo đạc, tính toán dao động mực nước ven biển trong thời kỳ 18,6 năm gần nhất so với thời Điểm xác định đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm, Bộ Tài nguyên và Môi trường xác định và công bố các Điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam.

2. Căn cứ các Điểm có giá trị đặc trưng mực nước triều của vùng ven biển Việt Nam do Bộ Tài nguyên và Môi trường công bố theo quy định tại Khoản 1 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển chủ trì xác định và công bố đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm trong phạm vi địa phương theo hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Điều 37. Chiều rộng, ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển

1. Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển được xác định trên các mặt cắt đặc trưng để bảo đảm yêu cầu, Mục tiêu thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển và phù hợp với Điều kiện thực tế của khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

2. Chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển trên một mặt cắt đặc trưng được xác định là Khoảng cách lớn nhất tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm đến các đường:

a) Đường nối các Điểm có giá trị lớn nhất được tính toán nhằm bảo đảm yêu cầu, Mục tiêu thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Đường ranh giới ngoài của khu bảo vệ I của di tích lịch sử - văn hóa theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

c) Đường ranh giới về phía đất liền của hành lang bảo vệ đê biển theo quy định của pháp luật về đê Điều.

Trường hợp Khoảng cách lớn nhất tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm đến các đường quy định tại Điểm a, b và Điểm c Khoản này nhỏ hơn 100m thì chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển tại mặt cắt đó được xác định là 100m; nếu chiều rộng tự nhiên của khu vực thiết lập hành lang nhỏ hơn 100m thì chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển tại mặt cắt đó được xác định bằng chiều rộng tự nhiên của khu vực thiết lập hành lang.

Trường hợp Khoảng cách lớn nhất tính từ đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm đến các đường quy định tại Điểm a, b và Điểm c Khoản này lớn hơn chiều rộng tự nhiên của khu vực thiết lập hành lang thì chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển tại mặt cắt đó được xác định bằng chiều rộng tự nhiên của khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

3. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển

Ranh giới ngoài của hành lang bảo vệ bờ biển là đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm; ranh giới trong của hành lang bảo vệ bờ biển nằm về phía đất liền hoặc về phía trong đảo, là đường nối các Điểm có Khoảng cách được xác định để bảo đảm chiều rộng hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều này.

Điều 38. Lấy ý kiến về ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển

1. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được lấy ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan quy định tại Điều 34 Nghị định này để hoàn thiện trước khi trình phê duyệt. Nội dung tiếp thu, giải trình các ý kiến góp ý phải được công khai trên trang thông tin điện tử của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển.

2. Ủy ban nhân dân tỉnh có biển phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm trình Ủy ban nhân dân tỉnh có biển phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, hồ sơ trình phê duyệt bao gồm:

a) Tờ trình phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Dự thảo Quyết định phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển kèm theo báo cáo thuyết minh;

d) Báo cáo nội dung tiếp thu, giải trình ý kiến của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan về ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển;

đ) Văn bản góp ý, bảng tổng hợp ý kiến góp ý của cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan.

Điều 39. Công bố, cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển

1. Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày phê duyệt ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm tổ chức công bố hành lang bảo vệ bờ biển trên các phương tiện thông tin đại chúng. Bản đồ thể hiện ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển phải được niêm yết công khai tại trụ sở Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có biển nơi có hành lang bảo vệ bờ biển và tại khu vực hành lang bảo vệ bờ biển được thiết lập.

2. Trong thời hạn không quá 60 ngày kể từ ngày ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được phê duyệt, Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển.

Điều 40. Điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển

1. Ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được xem xét, Điều chỉnh trong các trường hợp sau đây:

a) Có sự biến động lớn về đường mực nước triều cao trung bình nhiều năm ở khu vực thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Do yêu cầu đột xuất về quốc phòng, an ninh;

c) Do thiên tai hoặc các trường hợp bất khả kháng mà hành lang bảo vệ bờ biển đã được thiết lập không đáp ứng các Mục tiêu, yêu cầu quy định tại Khoản 1 Điều 23 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Việc Điều chỉnh ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển được thực hiện như đối với việc xác định ranh giới hành lang bảo vệ bờ biển quy định tại Điều 37 và Điều 38 Nghị định này.

Điều 41. Hạn chế các hoạt động trong hành lang bảo vệ bờ biển

1. Việc khai thác nước dưới đất chỉ được tiến hành trong trường hợp khẩn cấp phục vụ phòng chống thiên tai, hỏa hoạn, khắc phục sự cố môi trường hoặc khai thác nước dưới đất phục vụ các Mục đích khác khi không có nguồn nước nào khác để khai thác.

2. Việc khai hoang, lấn biển, thăm dò khoáng sản, dầu khí chỉ được thực hiện khi có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ.

3. Việc cải tạo công trình đã xây dựng chỉ được thực hiện nếu không làm thay đổi Mục đích sử dụng, quy mô, kết cấu, độ sâu, chiều cao của công trình đã xây dựng hoặc việc cải tạo công trình đã xây dựng có tác động tốt hơn đối với việc duy trì, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển.

4. Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ làm suy thoái hệ sinh thái vùng bờ, suy giảm giá trị dịch vụ của hệ sinh thái và cảnh quan tự nhiên chỉ được tiến hành khi đã có giải pháp bảo đảm không làm ảnh hưởng đến yêu cầu, Mục tiêu của việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

5. Ngoài các Điều kiện hạn chế quy định nêu trên, các hoạt động quy định tại các Khoản từ Khoản 1 đến Khoản 4 Điều này chỉ được phép thực hiện sau khi được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép hoạt động theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Điều 42. Trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ trong việc thiết lập, quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Ban hành quy định kỹ thuật thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Hướng dẫn, chỉ đạo các địa phương thực hiện việc thiết lập, quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Nghị định này;

c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật quản lý hành lang bảo vệ bờ biển.

2. Bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh có biển trong việc thiết lập, quản lý và bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển.

Điều 43. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các cấp trong việc thiết lập, quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển

1. Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Chỉ đạo, tổ chức thực hiện việc thiết lập, tổ chức công bố và quản lý hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và quy định tại Nghị định này; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Ban hành quy định về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;

c) Kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn.

2. Ủy ban nhân dân huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương có biển có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;

b) Thực hiện các biện pháp bảo vệ tài nguyên chưa khai thác, sử dụng trong hành lang bảo vệ bờ biển theo quy định của pháp luật;

c) Tham gia xây dựng và phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;

d) Quản lý, bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ bò biển; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;

đ) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn.

3. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn có biển có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện văn bản pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển; tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển;

b) Phối hợp thực hiện việc cắm mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;

c) Bảo vệ mốc giới hành lang bảo vệ bờ biển; chịu trách nhiệm khi để xảy ra hiện tượng lấn chiếm, sử dụng trái phép phần đất thuộc phạm vi hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn;

d) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trên địa bàn.

Chương VI

PHÂN LOẠI HẢI ĐẢO

Điều 44. Phân loại hải đảo

Hải đảo được chia thành 2 nhóm sau đây:

1. Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn.

2. Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên.

Điều 45. Tiêu chí phân loại hải đảo

1. Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm phải bảo vệ, bảo tồn quy định tại Khoản 1 Điều 44 Nghị định này bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm có toàn bộ diện tích đáp ứng ít nhất một trong các tiêu chí sau đây:

a) Là vườn quốc gia hoặc khu dự trữ thiên nhiên cấp quốc gia hoặc khu bảo tồn loài sinh cảnh cấp quốc gia hoặc khu bảo vệ cảnh quan cấp quốc gia theo quy định của pháp luật về đa dạng sinh học;

b) Là di tích quốc gia hoặc di tích quốc gia đặc biệt theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa;

c) Có Điểm dùng để xác định đường cơ sở;

d) Được sử dụng cho Mục đích quốc phòng, an ninh.

2. Quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm được khai thác, sử dụng tài nguyên quy định tại Khoản 2 Điều 44 Nghị định này bao gồm quần đảo, đảo, bãi cạn lúc chìm lúc nổi, bãi ngầm không thuộc quy định tại Khoản 1 Điều này.

Điều 46. Lập, phê duyệt Danh Mục phân loại hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển lập và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh Mục phân loại hải đảo.

2. Dự thảo Danh Mục phân loại hải đảo phải được lấy ý kiến của các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển có liên quan trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.

3. Hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh Mục phân loại hải đảo gồm:

a) Tờ trình phê duyệt Danh Mục phân loại hải đảo;

b) Dự thảo Danh Mục phân loại hải đảo và báo cáo thuyết minh;

c) Văn bản góp ý của các cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều này kèm theo bảng tổng hợp giải trình, tiếp thu các ý kiến;

d) Dự thảo Quyết định phê duyệt Danh Mục phân loại hải đảo.

Chương VII

XÁC ĐỊNH VÀ THÔNG BÁO VỀ KHU VỰC HẠN CHẾ HOẠT ĐỘNG ĐỂ ƯU TIÊN CHO HOẠT ĐỘNG CỨU HỘ/CỨU NẠN, ỨNG PHÓ SỰ CỐ

Điều 47. Khu vực hạn chế hoạt động

1. Khu vực hạn chế hoạt động phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định.

2. Ranh giới diện tích khu vực hạn chế hoạt động được xác định đối với từng trường hợp cụ thể theo yêu cầu của hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố.

Vị trí, ranh giới khu vực hạn chế hoạt động phải được thể hiện trên hải đồ ở cả hai hệ tọa độ VN-2000 và WGS-84, độ chính xác đến 1/10 giây. Độ sâu khu vực hạn chế hoạt động là độ sâu của Điểm cạn nhất trong khu vực cần được thông báo, tính bằng mét đến mực nước “số 0 hải đồ”, độ chính xác đến 1/10 mét.

3. Khu vực hạn chế hoạt động được xác định bởi các đoạn thẳng nối các Điểm khép góc có tọa độ cụ thể và được thể hiện trên hải đồ với tỷ lệ thích hợp.

Điều 48. Xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động

1. Cơ quan hoặc người chủ trì thực hiện hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố gửi văn bản đề nghị thiết lập khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố kèm hải đồ thể hiện khu vực đề nghị hạn chế hoạt động đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác định và công bố khu vực hạn chế hoạt động theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền có trách nhiệm xác định và thông báo về khu vực hạn chế hoạt động để ưu tiên cho hoạt động cứu hộ, cứu nạn, ứng phó sự cố. Trường hợp chưa đủ Điều kiện công bố, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

3. Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động

a) Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động phải được truyền phát trên truyền hình, đài phát thanh, hệ thống đài thông tin duyên hải và trên phương tiện thông tin phù hợp khác trong Thông báo hàng hải theo tập quán hàng hải quốc tế;

b) Địa danh khu vực hạn chế hoạt động trong Thông báo phải được lấy theo địa danh đã được ghi trên hải đồ hoặc trong các tài liệu hàng hải khác đã xuất bản. Trường hợp địa danh chưa được ghi trong các tài liệu nói trên thì sử dụng tên thường dùng của địa phương;

c) Ngôn ngữ sử dụng trong Thông báo khu vực hạn chế hoạt động là tiếng Việt và tiếng Anh;

d) Thông báo về khu vực hạn chế hoạt động phải nêu rõ thời Điểm có hiệu lực và hết hiệu lực của thông báo.

Chương VIII

CẤP, CẤP LẠI, GIA HẠN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, CHO PHÉP TRẢ LẠI, THU HỒI GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN; DANH MỤC VẬT, CHẤT ĐƯỢC NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Điều 49. Cấp Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Tổ chức, cá nhân được xem xét cấp Giấy phép nhận chìm ở biển khi đáp ứng đủ các Điều kiện sau đây:

a) Vật, chất được phép nhận chìm đáp ứng các Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Có phương án nhận chìm bảo đảm yêu cầu quy định tại Khoản 4 Điều 57 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm phù hợp với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Trường hợp chưa có quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thì khu vực biển đề nghị được nhận chìm được xem xét trên cơ sở báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

2. Giấy phép nhận chìm ở biển bao gồm các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 59 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, được lập theo Mẫu số 11 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

3. Không được cấp Giấy phép nhận chìm trong phạm vi khu vực biển đang có tổ chức, cá nhân sử dụng hợp pháp để khai thác, sử dụng tài nguyên biển; khu vực cấm, tạm thời cấm, hạn chế hoạt động.

Điều 50. Gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển được xem xét gia hạn trong trường hợp thời hạn của giấy phép không đủ để hoàn thành hoạt động nhận chìm đã được cấp phép và tổ chức, cá nhân có nhu cầu gia hạn thời gian để thực hiện.

2. Việc gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển chỉ được xem xét khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Giấy phép nhận chìm còn hiệu lực ít nhất là 60 ngày;

b) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nhận chìm theo đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm; đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Đến thời Điểm đề nghị gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Việc chấp thuận gia hạn được thể hiện bằng Giấy phép nhận chìm ở biển được gia hạn.

Điều 51. Sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển được sửa đổi, bổ sung trong các trường hợp sau đây:

a) Tên tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển có sự thay đổi;

b) Thay đổi quy mô nhận chìm; ranh giới, diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm; cách thức nhận chìm; thời Điểm thực hiện hoạt động nhận chìm.

2. Việc sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển chỉ được xem xét khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Giấy phép nhận chìm ở biển còn hiệu lực ít nhất là 45 ngày;

b) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nhận chìm theo đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm; đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Đến thời Điểm đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Việc chấp thuận sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển được thể hiện bằng Giấy phép nhận chìm ở biển được sửa đổi, bổ sung. Thời hạn của Giấy phép nhận chìm ở biển được sửa đổi, bổ sung là thời hạn còn lại của Giấy phép nhận chìm ở biển được cấp trước đó.

Điều 52. Trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Tổ chức, cá nhân được trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển khi không có nhu cầu tiếp tục thực hiện hoạt động nhận chìm ở biển.

2. Việc trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển chỉ được xem xét khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Giấy phép nhận chìm ở biển còn hiệu lực;

b) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nhận chìm theo đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm; đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Đến thời Điểm đề nghị trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Việc chấp thuận trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển được thể hiện bằng quyết định cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển, được lập theo Mẫu số 12 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

Điều 53. Cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển được xem xét cấp lại trong trường hợp bị hư hỏng, thất lạc hoặc bị mất.

2. Việc cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển chỉ được xem xét khi đáp ứng các yêu cầu sau đây:

a) Giấy phép nhận chìm ở biển còn hiệu lực ít nhất là 30 ngày;

b) Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động nhận chìm theo đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm; đã thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ về tài chính theo quy định của pháp luật;

c) Đến thời Điểm đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển, tổ chức, cá nhân thực hiện đúng nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

3. Việc cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển được thực hiện bằng việc cấp bản sao Giấy phép nhận chìm ở biển đã cấp.

Điều 54. Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển gồm:

a) Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển được lập theo Mẫu số 04 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

b) Dự án nhận chìm ở biển được lập theo Mẫu số 03 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

c) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật;

d) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (nếu là doanh nghiệp);

đ) Bản đồ khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm được lập theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

2. Hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển gồm:

a) Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển, trong đó nêu rõ lý do đề nghị cấp lại được lập theo Mẫu số 05 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

b) Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tính đến thời Điểm đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển.

3. Hồ sơ đề nghị gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển gồm:

a) Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển được lập theo Mẫu số 06 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

b) Giấy phép nhận chìm ở biển đã được cấp;

c) Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tính đến thời Điểm đề nghị gia hạn.

4. Hồ sơ trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển:

a) Đơn đề nghị trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển được lập theo Mẫu số 07 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

b) Giấy phép nhận chìm ở biển đã được cấp;

c) Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tính đến thời Điểm đề nghị trả lại.

5. Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển gồm:

a) Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển trong đó nêu rõ lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung được lập theo Mẫu số 08 quy định tại Phụ lục của Nghị định này;

b) Giấy phép nhận chìm ở biển đã được cấp;

c) Báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường và việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định của pháp luật tính đến thời Điểm đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển;

d) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực báo cáo đánh giá tác động môi trường được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển do có sự thay đổi quy mô nhận chìm; ranh giới, diện tích khu vực biển sử dụng để nhận chìm; cách thức nhận chìm;

đ) Bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực văn bản chứng minh việc tổ chức, cá nhân được phép nhận chìm ở biển thay đổi tên trong trường hợp đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển do thay đổi tên;

e) Bản đồ khu vực biển trong trường hợp có sự thay đổi về ranh giới, diện tích khu vực biển đề nghị sử dụng để nhận chìm được lập theo Mẫu số 09 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

Điều 55. Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ:

a) Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của Bộ Tài nguyên và Môi trường;

b) Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tiếp nhận hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển thuộc thẩm quyền cấp của Ủy ban nhân dân tỉnh có biển.

2. Hình thức tiếp nhận và trả kết quả giải quyết hồ sơ:

a) Hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Việc trả kết quả giải quyết hồ sơ được thực hiện trực tiếp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ hoặc qua đường bưu điện theo quy định của pháp luật.

Điều 56. Nội dung thẩm định hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Tính đầy đủ về hình thức và nội dung của hồ sơ.

2. Việc đáp ứng các Điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 58 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của vật, chất đề nghị được nhận chìm ở biển.

3. Sự phù hợp của khu vực biển dự kiến sử dụng để nhận chìm với quy hoạch sử dụng biển, quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ.

4. Tính phù hợp của phương án nhận chìm để bảo đảm các yêu cầu quy định tại Khoản 4 Điều 57 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 57. Trình tự thực hiện thủ tục cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Việc tiếp nhận hồ sơ thực hiện như sau:

a) Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển nộp 02 bộ hồ sơ cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ. Trường hợp hồ sơ gửi qua đường bưu điện, ngày nhận hồ sơ là ngày bưu điện chuyển cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ;

b) Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra thành phần, nội dung của hồ sơ. Trường hợp hồ sơ theo đúng quy định, trong thời hạn không quá 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban hành văn bản tiếp nhận và hẹn giải quyết hồ sơ được lập theo Mẫu số 14 quy định tại Phụ lục của Nghị định này. Trường hợp hồ sơ chưa đúng quy định, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm hướng dẫn một lần bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân để bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.

2. Việc thẩm định hồ sơ thực hiện như sau:

Trong thời hạn không quá 60 ngày đối với hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển; không quá 45 ngày đối với hồ sơ đề nghị gia hạn, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển; không quá 30 ngày đối với hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển và không quá 15 ngày đối với hồ sơ đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển kể từ ngày ra văn bản tiếp nhận hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm:

a) Hoàn thành việc thẩm định hồ sơ theo các nội dung quy định tại Điều 56 Nghị định này; kết luận thẩm định phải được lập thành văn bản.

Trường hợp cần thiết, cơ quan tiếp nhận hồ sơ gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan có liên quan, tổ chức kiểm tra thực địa (thời gian lấy ý kiến, kiểm tra thực địa không tính vào thời gian thẩm định). Trong thời hạn không quá 20 ngày kể từ ngày nhận được văn bản lấy ý kiến, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời bằng văn bản về các vấn đề liên quan;

b) Gửi văn bản yêu cầu tổ chức, cá nhân chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ theo kết luận thẩm định trong trường hợp phải chỉnh sửa.

3. Việc trình, giải quyết hồ sơ thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tổ chức, cá nhân đã hoàn thành việc chỉnh sửa, hoàn thiện hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm trình hồ sơ cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày cơ quan tiếp nhận hồ sơ trình hồ sơ, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển xem xét, ra quyết định cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển. Trong trường hợp không ra quyết định thì phải trả lời bằng văn bản cho tổ chức, cá nhân và nêu rõ lý do.

4. Thông báo và trả kết quả

Trong thời gian không quá 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được kết quả giải quyết hồ sơ từ cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo cho tổ chức, cá nhân đã nộp hồ sơ để nhận kết quả và thực hiện các nghĩa vụ có liên quan theo quy định và gửi Giấy phép nhận chìm ở biển đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 58. Thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:

a) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển lợi dụng hoạt động nhận chìm gây ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia; làm phương hại đến trật tự, an toàn trên biển; làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên hợp pháp ở biển của tổ chức, cá nhân khác;

b) Tiến hành nhận chìm không đúng nội dung của Giấy phép nhận chìm ở biển gây thiệt hại nghiêm trọng đối với tài nguyên, gây ô nhiễm, suy thoái môi trường, hệ sinh thái biển; lợi dụng việc nhận chìm để sử dụng khu vực biển vào Mục đích khác;

c) Sau 03 (ba) tháng, kể từ thời Điểm được phép nhận chìm quy định trong Giấy phép nhận chìm ở biển mà tổ chức, cá nhân không tiến hành hoạt động nhận chìm, trừ trường hợp bất khả kháng;

d) Khu vực biển đã được cấp Giấy phép nhận chìm được sử dụng để phục vụ Mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền công bố là khu vực cấm;

đ) Tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển bị giải thể hoặc phá sản theo quy định của pháp luật.

2. Việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này được thực hiện theo trình tự như sau:

a) Trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết luận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển vi phạm một trong các quy định tại các Điểm a, b và c Khoản 1 Điều này, cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định này có trách nhiệm trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình về việc thu hồi Giấy phép, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, quyết định việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển;

c) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước thẩm quyền ra quyết định thu hồi, cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định này có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển cho tổ chức, cá nhân và gửi quyết định thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển đến các cơ quan có liên quan.

3. Việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển theo quy định tại Điểm d và Điểm đ Khoản 1 Điều này được thực hiện như sau:

a) Trong thời hạn không quá 07 ngày kể từ ngày cấp có thẩm quyền công bố khu vực biển được phép nhận chìm được sử dụng để phục vụ Mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia theo quy định của pháp luật hoặc được cấp có thẩm quyền công bố là khu vực cấm hoặc kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển bị giải thể hoặc phá sản, cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định này có trách nhiệm trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quyết định việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển;

b) Trong thời hạn không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được tờ trình về việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển;

c) Trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển, cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định này có trách nhiệm gửi quyết định thu hồi cho tổ chức, cá nhân và các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

4. Việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển được thể hiện bằng quyết định được lập theo Mẫu số 13 quy định tại Phụ lục của Nghị định này.

5. Trường hợp Giấy phép nhận chìm ở biển bị thu hồi theo quy định tại Điểm d Khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển được hỗ trợ, bồi thường theo quy định của pháp luật.

Điều 59. Chấm dứt hiệu lực Giấy phép nhận chìm ở biển

1. Giấy phép nhận chìm ở biển chấm dứt hiệu lực khi xảy ra một trong các trường hợp sau đây:

a) Giấy phép nhận chìm ở biển bị thu hồi;

b) Giấy phép nhận chìm ở biển hết hạn;

c) Giấy phép nhận chìm ở biển được cho phép trả lại.

2. Khi Giấy phép nhận chìm ở biển bị chấm dứt hiệu lực theo quy định tại Khoản 1 Điều này, tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển có trách nhiệm xử lý các công trình, thiết bị phục vụ hoạt động nhận chìm và báo cáo kết quả thực hiện cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để kiểm tra kết quả thực hiện.

Cơ quan quy định tại Khoản 1 Điều 55 Nghị định này có trách nhiệm thông báo về việc chấm dứt hiệu lực Giấy phép nhận chìm ở biển đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan.

Điều 60. Danh Mục vật, chất được nhận chìm ở biển

Danh Mục vật, chất được nhận chìm ở biển bao gồm:

1. Chất nạo vét.

2. Bùn thải.

3. Các chất thải từ thủy sản hoặc các chất thải phát sinh từ hoạt động chế biến thủy sản.

4. Tàu thuyền, giàn nổi hoặc các công trình nhân tạo ở biển.

5. Các chất địa chất trơ và chất vô cơ.

6. Các chất hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên.

7. Các vật thể lớn được tạo thành chủ yếu từ sắt, thép, bê-tông và các chất tương tự không độc hại mà trong Điều kiện, hoàn cảnh cụ thể không có cách xử lý nào tốt hơn là nhận chìm.

8. Carbon dioxide (CO2) được thu và lưu trữ.

Chương IX

CƠ CHẾ PHỐI HỢP TRONG QUẢN LÝ TỔNG HỢP TÀI NGUYÊN VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO

Điều 61. Mục đích phối hợp

1. Thiết lập cơ chế phối hợp đồng bộ giữa các cấp, ngành từ trung ương đến địa phương trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Nâng cao trách nhiệm phối hợp giữa các bộ, ngành, các cơ quan, tổ chức có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển; tăng cường hiệu quả công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng hợp lý, Tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, bảo đảm phát triển bền vững.

Điều 62. Phối hợp xây dựng, thực thi pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì:

a) Lập dự kiến chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo hàng năm và dài hạn, tổ chức thực hiện chương trình sau khi được phê duyệt;

b) Rà soát, kiểm tra việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; theo dõi việc thi hành pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

2. Bộ Tư pháp có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lập dự kiến chương trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thuộc thẩm quyền ban hành của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác rà soát, kiểm tra các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; theo dõi việc thi hành pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

3. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng có trách nhiệm

Tổ chức, chỉ đạo hoạt động phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo phạm vi chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

4. Các bộ, ngành có liên quan có trách nhiệm:

a) Tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

b) Đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường theo dõi việc thi hành pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

5. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Đề xuất, kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường về sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo hàng năm và dài hạn;

b) Rà soát, tổng kết và báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

Điều 63. Phối hợp lập và tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan:

a) Điều tra, đánh giá tổng quát về Điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội, môi trường, tiềm năng tài nguyên, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, các vùng biển và hải đảo; dự báo xu thế biến động tài nguyên và môi trường, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đối với tài nguyên và môi trường vùng bờ, các vùng biển và hải đảo; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên và yêu cầu bảo vệ môi trường vùng bờ, các vùng biển và hải đảo;

b) Xác định Mục tiêu, định hướng về Điều tra cơ bản, nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường vùng bờ, các vùng biển và hải đảo; phân vùng khai thác, sử dụng tài nguyên vùng bờ, các vùng biển;

c) Xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

d) Xây dựng, hoàn thiện, trình Chính phủ quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên phạm vi cả nước;

đ) Xây dựng, hoàn thiện, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

e) Cung cấp cho các bộ, ngành và địa phương có biển có liên quan các thông tin về chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên phạm vi cả nước; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

g) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ trên phạm vi cả nước; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh.

2. Các bộ, ngành có trách nhiệm:

a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường các thông tin, số liệu về các lĩnh vực theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 và 10 Điều này;

b) Tham gia ý kiến về dự thảo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

c) Phối hợp kiểm tra việc thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

d) Báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh trong lĩnh vực được giao quản lý theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các thông tin, số liệu tổng hợp về rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; thông tin, số liệu trong lĩnh vực thủy sản; thực trạng và định hướng phát triển đê biển, hệ thống cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền; bản đồ quy hoạch nuôi trồng và khai thác nguồn lợi thủy sản.

4. Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin, số liệu về thực trạng và định hướng phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải, khu neo đậu và các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển; bản đồ quy hoạch hệ thống cảng biển, luồng hàng hải, khu neo đậu và cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển.

5. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các thông tin, số liệu về thực trạng, định hướng phát triển các khu kinh tế ven biển và các thông tin, số liệu liên quan khác theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

6. Bộ Xây dựng cung cấp các thông tin, số liệu về thực trạng và định hướng phát triển các khu đô thị, các công trình xây dựng trên biển, ven biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý.

7. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp các thông tin, số liệu về thực trạng và định hướng phát triển các khu du lịch, Điểm du lịch biển, hải đảo; thông tin, số liệu về bảo vệ, tôn tạo và phát huy giá trị các di sản thiên nhiên quốc gia và thế giới, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các vùng biển, ven biển và hải đảo.

8. Bộ Công Thương cung cấp các thông tin, số liệu về dầu khí, các dạng năng lượng khác liên quan đến lĩnh vực biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý.

9. Bộ Công an, Bộ Quốc phòng cung cấp các thông tin, số liệu về khu vực cấm, tạm thời cấm, hạn chế hoạt động, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho Mục đích quốc phòng, an ninh.

10. Bộ Ngoại giao cung cấp các thông tin, tài liệu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại liên quan đến lĩnh vực biển, hải đảo.

11. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường thông tin, số liệu về Điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên, Điều kiện kinh tế - xã hội, tình hình quản lý, hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý; thông tin, số liệu khu vực đầm phá, bãi bồi, vùng đệm, vùng bờ biển xói lở, rừng phòng hộ, đất ngập nước, khu vực cần bảo tồn hệ sinh thái vùng biển, hải đảo thuộc phạm vi quản lý; định hướng khai thác, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng ven biển, hải đảo; các giải pháp quản lý, bảo vệ hành lang bảo vệ bờ biển trong phạm vi địa phương;

b) Tham gia ý kiến về dự thảo chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ có phạm vi liên tỉnh;

c) Xây dựng, hoàn thiện, phê duyệt chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ thuộc phạm vi quản lý của địa phương;

d) Xây dựng báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình tổ chức thực hiện chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; quy hoạch, kế hoạch sử dụng biển; quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ; chương trình quản lý tổng hợp tài nguyên vùng bờ thuộc phạm vi quản lý của địa phương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 64. Phối hợp quản lý, thực hiện hoạt động Điều tra cơ bản về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Chủ trì lập, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Xây dựng, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Cung cấp các thông tin, số liệu về Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật;

d) Thẩm định, tham gia thẩm định các chương trình, kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển theo quy định của pháp luật;

đ) Cho ý kiến về sự cần thiết, đối tượng, phạm vi, nội dung Điều tra, tính khả thi, hiệu quả đối với các dự án, đề án, nhiệm vụ Điều tra cơ bản không thuộc chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân tỉnh có biển lập, phê duyệt và tổ chức thực hiện;

e) Phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, tổng hợp tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các bộ, ngành có trách nhiệm:

a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường các thông tin, số liệu về các lĩnh vực quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8 và Khoản 9 Điều này;

b) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định các chương trình, kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực được giao quản lý;

c) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc lập, thực hiện chương trình trọng Điểm Điều tra tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; theo dõi, đôn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện chương trình, kế hoạch Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong phạm vi được giao quản lý;

d) Xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về kết quả Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thuộc lĩnh vực được giao quản lý, thực hiện và chuyển giao về cơ sở dữ liệu quốc gia để quản lý, đưa vào khai thác, sử dụng theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo định kỳ hàng năm về hoạt động Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trong lĩnh vực được giao quản lý gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên sinh vật biển, hải đảo; kết quả quan trắc môi trường biển do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện.

4. Bộ Công Thương cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên dầu khí, các dạng năng lượng khác thuộc lĩnh vực được giao quản lý.

5. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản các khu du lịch, Điểm du lịch, các di sản thiên nhiên quốc gia và thế giới, các di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh tại các vùng biển, ven biển và hải đảo.

6. Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên vị thế phục vụ cho phát triển hệ thống cảng biển, luồng hàng hải, khu neo đậu và các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển.

7. Bộ Quốc phòng cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản, thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên biển, kết quả quan trắc môi trường biển do Bộ Quốc phòng thực hiện; các thông tin, số liệu về tình hình an ninh, trật tự, an toàn trên biển, hải đảo, khu vực cấm, tạm thời cấm, hạn chế hoạt động, khu vực cần bảo vệ đặc biệt cho Mục đích quốc phòng, an ninh.

8. Bộ Ngoại giao cung cấp các thông tin, tài liệu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong hoạt động đối ngoại liên quan đến lĩnh vực biển, hải đảo.

9. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các thông tin, số liệu về định hướng phát triển kinh tế biển, hải đảo gắn với nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; các thông tin, số liệu thống kê có liên quan khác theo yêu cầu của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

10. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường các thông tin, số liệu về kết quả Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường vùng bờ, hải đảo do địa phương thực hiện; thực trạng quản lý, nhu cầu Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường vùng bờ, hải đảo;

b) Báo cáo định kỳ hàng năm về công tác Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo do địa phương thực hiện gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Điều 65. Phối hợp trong việc thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì:

a) Thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên cơ sở kết nối các hệ thống quan trắc, giám sát tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển;

b) Xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên cơ sở tích hợp cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo từ các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh có biển;

c) Cung cấp, chia sẻ các thông tin, dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển khi có yêu cầu theo quy định của pháp luật.

2. Các bộ, ngành và địa phương có trách nhiệm:

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Điều tra, đánh giá hiện trạng hệ thống quan trắc, giám sát về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực và cung cấp kết quả Điều tra, đánh giá cho Bộ Tài nguyên và Môi trường để phục vụ thiết lập hệ thống quan trắc, giám sát về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, xây dựng cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

c) Cung cấp, chia sẻ thông tin, dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo của ngành, lĩnh vực về hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật.

Điều 66. Phối hợp kiểm soát ô nhiễm môi trường biển và hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì:

a) Tổ chức nghiên cứu, Điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo, lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển, hải đảo trên phạm vi cả nước; Điều tra, đánh giá sức chịu tải môi trường của khu vực biển, hải đảo ở vùng rủi ro ô nhiễm cao hoặc rất cao; công bố các khu vực biển, hải đảo không còn khả năng tiếp nhận chất thải; công khai thông tin môi trường biển và hải đảo theo quy định của pháp luật;

b) Tổ chức hoạt động theo dõi, giám sát và cảnh báo sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo; xây dựng chiến lược và kế hoạch hành động thích ứng với mực nước biển dâng; phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan liên quan và địa phương ven biển ứng phó kịp thời và khắc phục có hiệu quả sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo;

c) Cung cấp các thông tin thu thập được từ hệ thống quan trắc, giám sát tổng hợp tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về chất lượng môi trường, tình trạng ô nhiễm, cảnh báo thiên tai trên biển, hải đảo cho các bộ, ngành và địa phương có biển phục vụ công tác phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo;

d) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo;

đ) Chỉ đạo và hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển thực hiện các quy định về quản lý chất thải và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo;

e) Định kỳ hàng năm tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bảo vệ môi trường biển, hải đảo; việc thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo, ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo.

2. Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm:

a) Cung cấp các thông tin, số liệu về kết quả quan trắc, đánh giá tình trạng ô nhiễm môi trường biển và hải đảo, hiện trạng chất lượng nước, trầm tích các hệ sinh thái và đa dạng sinh học của các khu vực biển và hải đảo; tình hình quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của ngành, lĩnh vực; tình hình ứng phó, khắc phục sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo về các lĩnh vực theo quy định tại các Khoản 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều này;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường Điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo;

c) Chỉ đạo các lực lượng chuyên trách tham gia kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo;

d) Báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình thực hiện các chương trình, kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn, kiểm soát ô nhiễm biển, hải đảo, ứng phó khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo, bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi được giao quản lý và gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

3. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp các thông tin, số liệu trong hoạt động khai thác, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản; cảng cá và khu neo đậu tàu thuyền.

4. Bộ Giao thông vận tải cung cấp các thông tin, số liệu trong hoạt động của cảng biển, luồng hàng hải, khu neo đậu và các cơ sở sửa chữa, đóng mới tàu biển.

5. Bộ Công Thương cung cấp các thông tin, số liệu về hoạt động hóa chất, thăm dò, khai thác, vận chuyển dầu khí.

6. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cung cấp các thông tin, số liệu đối với khu kinh tế ven biển.

7. Bộ Xây dựng cung cấp các thông tin, số liệu đối với khu đô thị, công trình xây dựng ven biển, hải đảo.

8. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cung cấp các thông tin, số liệu đối với các khu và Điểm văn hóa, thể thao, du lịch biển, ven biển và hải đảo.

9. Bộ Quốc phòng cung cấp thông tin về tình hình quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo của ngành; chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo.

10. Bộ Công an cung cấp thông tin về tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật về quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; huy động lực lượng ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo,

11. Bộ Ngoại giao hỗ trợ huy động trợ giúp của quốc tế cho việc ứng phó, khắc phục sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo.

12. Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn có trách nhiệm cung cấp các thông tin, số liệu về hoạt động ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển, hải đảo; chỉ đạo theo thẩm quyền các lực lượng chuyên trách thực hiện ứng phó sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo.

13. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Cung cấp cho Bộ Tài nguyên và Môi trường số liệu quan trắc, giám sát môi trường biển, hải đảo của địa phương;

b) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường trong việc nghiên cứu, Điều tra, đánh giá tình trạng ô nhiễm, xác định nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường biển, hải đảo; lập bản đồ phân vùng rủi ro ô nhiễm môi trường biển, hải đảo trên phạm vi địa phương;

c) Xây dựng, hướng dẫn và tổ chức thực hiện các kế hoạch, biện pháp phòng ngừa, xử lý và khắc phục ô nhiễm, suy thoái môi trường biển, hải đảo theo quy định của pháp luật;

d) Phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng với các bộ, ngành huy động các nguồn lực để ngăn chặn, ứng phó các sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo; giải quyết việc bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả ô nhiễm môi trường biển, hải đảo theo quy định của pháp luật;

đ) Báo cáo định kỳ hàng năm về công tác quản lý chất thải, kiểm soát ô nhiễm và ứng phó, khắc phục các sự cố tràn dầu, hóa chất độc trên biển và các sự cố môi trường, thiên tai trên biển, hải đảo.

Điều 67. Phối hợp tuyên truyền về biển và hải đảo; phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm chủ trì:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả thiên tai, sự cố môi trường biển, hải đảo;

b) Hỗ trợ, trao đổi, cung cấp thông tin, tài liệu cho các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển để phục vụ công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân về khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phòng ngừa, ứng phó, kiểm soát và khắc phục hậu quả sự cố môi trường biển, hải đảo;

c) Phối hợp với các bộ, ngành và Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các sự kiện của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam;

d) Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; giám sát việc thực hiện pháp luật về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

2. Các bộ, ngành có trách nhiệm:

a) Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật có liên quan đến quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; xây dựng chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn về phổ biến, giáo dục pháp luật về biển, hải đảo;

b) Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo các cơ quan báo chí bố trí thời lượng thông tin tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên môi trường và bảo vệ môi trường biển và hải đảo;

c) Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường lựa chọn các chủ đề về biển, hải đảo để tổ chức tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo thông qua các buổi diễn thuyết, nói chuyện chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương cho các đối tượng học sinh, sinh viên;

d) Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam có trách nhiệm bố trí thời lượng phát sóng, đưa tin, bài, chuyên Mục tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến các chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; các sự kiện của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam vào thời Điểm đạt hiệu quả tuyên truyền cao;

đ) Các bộ, ngành liên quan có trách nhiệm hưởng ứng các sự kiện của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và các hoạt động khác liên quan đến lĩnh vực biển, hải đảo; chỉ đạo các cơ quan thông tin báo chí, các cơ quan chuyên môn trực thuộc tổ chức tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trong phạm vi quản lý.

3. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến, giáo dục pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo trên địa bàn địa phương;

b) Chỉ đạo cơ quan truyền thông, báo chí địa phương bố trí thời lượng phát sóng, đưa tin, bài, chuyên Mục tuyên truyền về biển và hải đảo, phổ biến các chính sách, pháp luật về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; các sự kiện của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam vào thời Điểm đạt hiệu quả tuyên truyền cao;

c) Địa phương có biển được chọn làm nơi tổ chức Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam có trách nhiệm phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức các sự kiện của Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam; bố trí địa Điểm, đóng góp nguồn lực để tổ chức sự kiện và bảo đảm an ninh, an toàn trật tự trong thời gian diễn ra Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam.

Điều 68. Phối hợp hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo

1. Bộ Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác Điều tra, nghiên cứu biển và hải đảo; thăm dò tài nguyên, phát triển khoa học công nghệ biển; phát triển, hoàn thiện hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

b) Tổng hợp các hoạt động hợp tác quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

2. Các bộ, ngành có trách nhiệm báo cáo định kỳ hằng năm về kết quả hoạt động hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường.

3. Bộ Ngoại giao có trách nhiệm phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tăng cường hỗ trợ quảng bá, đẩy mạnh hợp tác quốc tế về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.

4. Ủy ban nhân dân các tỉnh có biển có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình hợp tác quốc tế trong quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo của địa phương gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định của pháp luật.

Chương X

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 69. Điều Khoản chuyển tiếp

Kể từ thời Điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành, các dự án, đề án, nhiệm vụ thuộc Đề án tổng thể về Điều tra cơ bản và quản lý tài nguyên - môi trường biển đến năm 2010, tầm nhìn đến năm 2020 ban hành kèm theo Quyết định số 47/2006/QĐ-TTg ngày 01 tháng 3 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ được xử lý như sau:

1. Các dự án, đề án, nhiệm vụ đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước thời Điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành thì được tiếp tục thực hiện theo quyết định phê duyệt.

2. Các dự án, đề án, nhiệm vụ chưa được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt trước thời Điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành nếu bảo đảm phù hợp với quy định tại Khoản 2 Điều 13 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thì đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 70. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2016.

2. Nghị định số 25/2009/NĐ-CP ngày 06 tháng 3 năm 2009 của Chính phủ về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo và Quyết định số 23/2013/QĐ-TTg ngày 26 tháng 4 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành.

Điều 71. Tổ chức thực hiện

1. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện Nghị định này; tổ chức rà soát các chiến lược, chương trình, kế hoạch liên quan đến quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo đã được phê duyệt trước ngày 01 tháng 7 năm 2016, kiến nghị cấp có thẩm quyền Điều chỉnh hoặc bãi bỏ để bảo đảm phù hợp với quy định của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo và Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có biển chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (3b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

PHỤ LỤC

MẪU CÁC VĂN BẢN TRONG HỒ SƠ ĐỀ XUẤT CÁC DỰ ÁN, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ ĐƯA VÀO CHƯƠNG TRÌNH TRỌNG ĐIỂM ĐIỀU TRA CƠ BẢN TÀI NGUYÊN, MÔI TRƯỜNG BIỂN VÀ HẢI ĐẢO; HỒ SƠ CẤP, CẤP LẠI, GIA HẠN, SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, TRẢ LẠI, THU HỒI GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN
(Kèm theo Nghị định số 40/2016/NĐ-CP ngày 15 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ)

Mu số

Tên mẫu

Mu số 01

Danh Mục dự án, đề án, nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Mu số 02

Đề cương sơ bộ dự án, đề án, nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Mu số 03

Dự án nhận chìm ở biển

Mu số 04

Đơn đề nghị cấp Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 05

Đơn đề nghị cấp lại Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 06

Đơn đề nghị gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 07

Đơn đề nghị trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 08

Đơn đề nghị sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 09

Bản đồ khu vực biển đề nghị sử dụng để nhận chìm

Mu số 10

Bản đồ khu vực biển sử dụng để nhận chìm

Mu số 11

Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 12

Quyết định về việc cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu số 13

Quyết định về việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển

Mu s 14

Phiếu tiếp nhận và hẹn giải quyết hồ sơ đề nghị (cấp, cấp lại, gia hạn, sửa đổi, bổ sung, trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển)


Mẫu số 01

TÊN CƠ QUAN ĐỀ XUẤT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

……….., ngày    tháng    năm

DANH MỤC

Dự án, đề án, nhiệm vụ đề xuất đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Đơn vị: Triệu đồng

STT

Tên dự án, nhiệm vụ chuyên môn

Cơ sở pháp lý

Sự cn thiết

Mục tiêu

Nhiệm vụ chủ yếu

Liệt kê, đánh giá về năng lực (nhân lực, phương tiện, trang thiết bị) để thực hiện dự án

Phương pháp thực hiện dự án

Sản phẩm chính

Đơn vị chủ trì, phối hợp thực hiện

Kế hoạch thực hiện

Khái toán kinh phí

1.

1.

1.

1.

1.

1.

1.

1. Đơn vị chủ trì:

2. Đơn vị phối hợp:

1

2.

2.

2.

2.

2.

2.

2.

3.

3.

3.

3.

3.

3.

3.

2

....

....

....

....

....

....

....

....

3

....

....

....

....

....

....

....

....

...

....

....

....

....

....

....

....

....


Mẫu số 02

TÊN CƠ QUAN ĐỀ XUẤT
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

………, ngày     tháng     năm

ĐỀ CƯƠNG SƠ BỘ DỰ ÁN, ĐỀ ÁN, NHIỆM VỤ
(đề xuất đưa vào chương trình trọng Điểm Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo)

1. Tên dự án, đề án, nhiệm vụ:

2. Cơ sở pháp lý đề xuất dự án, đề án, nhiệm vụ:

3. Sự cần thiết phải xây dựng dự án, đề án, nhiệm vụ:

4. Mục tiêu của dự án, đề án, nhiệm vụ: nhằm giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra trong công tác Điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

5. Nội dung, nhiệm vụ chính của dự án, đề án, nhiệm vụ: những vấn đề cần giải quyết trong khuôn khổ dự án; giải pháp kỹ thuật - công nghệ lựa chọn; dự kiến khối lượng công việc cần thực hiện.

6. Liệt kê, đánh giá nguồn lực thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ: làm rõ số lượng nhân lực (chuyên môn đào tạo, trình độ đào tạo); số lượng trang thiết bị (của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp thực hiện dự án); kinh nghiệm trong thực hiện các dự án, đề án, nhiệm vụ tương tự; đánh giá mức độ đáp ứng về nguồn lực để hoàn thành các Mục tiêu của dự án, đề án, nhiệm vụ.

7. Phương pháp thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ: làm rõ những phương pháp để thực hiện dự án; những quy định - kỹ thuật, định mức liên quan tới thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ.

8. Phạm vi thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ: vị trí địa lý (tỉnh, huyện...), tọa độ địa lý (nếu có).

9. Sản phẩm của dự án, đề án, nhiệm vụ: phải đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước của bộ, ngành hoặc lĩnh vực và giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra, đảm bảo tính bền vững (khả năng quản lý, vận hành, duy trì dự án, đề án, nhiệm vụ) sau khi hoàn thành.

10. Khái toán kinh phí và nguồn vốn.

11. Kế hoạch thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ: thời gian khởi công, thời gian hoàn thành; phải có tính khả thi và phù hợp với khả năng đáp ứng của ngân sách hàng năm.

12. Dự kiến đơn vị thực hiện, đơn vị phối hợp thực hiện dự án, đề án, nhiệm vụ.

13. Dự kiến hiệu quả về kinh tế - xã hội và môi trường của dự án, đề án, nhiệm vụ: đảm bảo tính bền vững, khả năng quản lý, vận hành, duy trì kết quả dự án, đề án, nhiệm vụ sau khi hoàn thành./.

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
ĐỀ XUẤT DỰ ÁN
(Ký tên và đóng dấu)

Mẫu số 03

(Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển)
--------------

DỰ ÁN NHẬN CHÌM Ở BIỂN

(tên loại vật, chất nhận chìm ở biển)

Địa danh nơi lập dự án, năm 20...

(Tên tổ chức, cá nhân đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển)
--------------

DỰ ÁN NHẬN CHÌM Ở BIỂN

(Tên loại vật, chất nhận chìm ở biển: ……….
Nhận chìm ở khu vực biển thuộc xã/phường ..., quận/huyện..., tỉnh/thành phố...)

TỔ CHỨC/CÁ NHÂN
(Chức danh)

Ký (đóng dấu nếu có)

(Họ và tên)

ĐƠN VỊ LẬP DỰ ÁN
(Chức danh)

Ký, đóng dấu

(Họ và tên)

Địa danh nơi lập Dự án, Năm 20...

A. NỘI DUNG DỰ ÁN NHẬN CHÌM

MỞ ĐẦU

- Giới thiệu tóm tắt các thông tin của tổ chức/cá nhân đề nghị cấp giấy phép nhận chìm ở biển.

- Cơ sở pháp lý và các tài liệu sử dụng làm căn cứ lập dự án.

- Mục tiêu và sự cần thiết lập dự án.

- Khái quát nội dung cơ bản của dự án.

- Quá trình xây dựng dự án và các tổ chức, cá nhân tham gia lập dự án.

Chương I

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, MÔI TRƯỜNG, KINH TẾ - XÃ HỘI CỦA KHU VỰC BIỂN ĐỀ NGHỊ NHẬN CHÌM

- Vị trí địa lý hành chính; tọa độ, ranh giới, diện tích của khu vực biển đề nghị nhận chìm.

- Các thông tin về đặc Điểm Điều kiện tự nhiên, môi trường và các yếu tố kinh tế, xã hội; hiện trạng khai thác, sử dụng tài nguyên ở khu vực biển dự kiến nhận chìm và các khu vực khác có liên quan (nếu có).

- Các hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên khu vực biển nhận chìm và các khu vực khác có liên quan (nếu có).

Chương II

PHƯƠNG ÁN NHẬN CHÌM

- Trình bày về vật, chất đề nghị cấp giấy phép nhận chìm: tên, nguồn gốc, hình dáng, kích thước, khối lượng, các đặc tính vật lý, hóa học và thành phần của vật, chất đề nghị được nhận chìm.

- Trình bày luận chứng, thuyết minh về mức độ chiếm dụng phân tán trong môi trường nước biển của vật, chất nhận chìm để xác định phạm vi khu vực biển cần sử dụng để nhận chìm.

- Thuyết minh mô tả hình dáng, sơ đồ bố trí vật, chất nhận chìm và tính toán, xác định phạm vi ảnh hưởng.

- Trình bày luận chứng, thuyết minh sự phù hợp về phương thức xử lý vật, chất đề nghị nhận chìm và phương thức nhận chìm, phương tiện chuyên chở.

- Khả năng kiểm soát, giảm thiểu vật, chất đề nghị nhận chìm ở biển tại nguồn phát sinh.

- Danh sách các chất cần kiểm soát trong vật, chất đề nghị nhận chìm ở biển.

- Trình bày kế hoạch, tiến độ thực hiện hoạt động nhận chìm.

Chương III

ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

- Dự báo các tác động, nguy cơ rủi ro cho môi trường biển do vật, chất đề nghị cấp giấy phép nhận chìm có thể gây ra.

- Tác động tiềm năng của vật, chất đề nghị được nhận chìm đến tài nguyên, môi trường biển.

- Những biện pháp bảo vệ tài nguyên, môi trường biển trong quá trình thực hiện hoạt động nhận chìm.

Chương IV

DỰ TOÁN KINH PHÍ NHẬN CHÌM

- Trình bày tổng kinh phí thực hiện hoạt động nhận chìm.

- Lập bảng tổng hợp khối lượng hạng Mục nhận chìm và dự toán kinh phí.

- Khi lập dự toán cần nêu rõ nguồn vốn đầu tư, đơn giá sử dụng và khả năng đáp ứng để thực hiện hoạt động nhận chìm.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

B. PHẦN BẢN VẼ

- Bản đồ khu vực biển dự kiến nhận chìm.

- Bản vẽ thiết kế sơ bộ của phương án nhận chìm.

- Các biểu, bảng khác liên quan.

C. CÁC TÀI LIỆU KÈM THEO

- Tài liệu khảo sát trong quá trình lập dự án nhận chìm

- Tài liệu thu thập, tổng hợp phục vụ cho lập dự án nhận chìm.

- Các văn bản pháp lý có liên quan.

Mẫu số 04

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

…….., ngày... tháng... năm…..

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Kính gửi: (Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân tỉnh/thành...)

Tên tổ chức, cá nhân ...............................................................................................................

Trụ sở tại: ...............................................................................................................................

Điện thoại: ……………………….. Fax: .......................................................................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số...., ngày.... tháng... năm.... hoặc Đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm....

Giấy phép đầu tư số.... ngày.... tháng.... năm... của (Cơ quan cấp giấy phép đầu tư) ……..(nếu có).

Đề nghị được cấp Giấy phép nhận chìm ở biển, cụ thể như sau:

1. Tên, khối lượng, kích thước, thành phần của vật đề nghị nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất đề nghị nhận chìm;

2. Địa Điểm khu vực đề nghị được nhận chìm: tại xã/phường …….. quận/huyện .... tỉnh/thành phố....;

3. Diện tích khu vực biển đề nghị sử dụng để nhận chìm là: ... (ha, Km2), được giới hạn bởi các Điểm góc…… có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển đề nghị được sử dụng để nhận chìm gửi kèm theo;

4. Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm;

5. Thời Điểm và thời hạn đề nghị thực hiện hoạt động nhận chìm.

(Tên tổ chức, cá nhân) …. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận chìm ở biển và quy định của pháp luật khác có liên quan./.

Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 05

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

……., ngày ... tháng ... năm……

ĐƠN ĐỀ NGHỊ CẤP LẠI GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Kính gửi: (Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân tỉnh/thành...)

Tên tổ chức, cá nhân ...............................................................................................................

Trụ sở tại:................................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………………. Fax:..................................................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số...., ngày.... tháng... năm.... hoặc Đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm....

Được phép nhận chìm ở biển theo Giấy phép nhận chìm ở biển số ……… ngày …. tháng …. năm ….. của ... Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ...);

Đề nghị được cấp lại Giấy phép nhận chìm vật, chất ở biển nêu trên vì lý do: .............................

...............................................................................................................................................

(Tên tổ chức, cá nhân) ………. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận chìm ở biển và quy định của pháp luật khác có liên quan./.

Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 06

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

……., ngày ... tháng ... năm …….

ĐƠN ĐỀ NGHỊ GIA HẠN GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Kính gửi: (Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân tỉnh...)

Tên tổ chức, cá nhân................................................................................................................

Trụ sở tại:................................................................................................................................

Điện thoại: …………………………………. Fax.............................................................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số...., ngày.... tháng... năm.... hoặc Đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm....

Được phép nhận chìm vật, chất ở biển theo Giấy phép nhận chìm ở biển số …… ngày ….. tháng ….năm ……. của ... Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ...); thời hạn Giấy phép nhận chìm ở biển đến hết ngày .... tháng ... năm ....

Đề nghị được gia hạn Giấy phép nhận chìm ở biển nêu trên, thời gian đề nghị gia hạn là: ……… (tháng/năm).

Lý do đề nghị gia hạn: .............................................................................................................

(Tên tổ chức, cá nhân) ………….. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận chìm ở biển và quy định của pháp luật khác có liên quan./.

Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 07

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

…….., ngày... tháng... năm……..

ĐƠN ĐỀ NGHỊ TRẢ LẠI GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Kính gửi: (Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân tỉnh...)

Tên tổ chức, cá nhân:...............................................................................................................

Trụ sở tại:................................................................................................................................

Điện thoại: ………………………………………., Fax:....................................................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số ..., ngày.... tháng... năm.... hoặc Đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm....

Được phép nhận chìm vật, chất ở biển theo Giấy phép nhận chìm ở biển số …… ngày …. tháng ….. năm ….. của ... Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ...); thời hạn Giấy phép nhận chìm ở biển đến hết ngày .... tháng ... năm……

Đề nghị được trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển nêu trên.

Lý do đề nghị trả lại .................................................................................................................

(Tên tổ chức, cá nhân) …….. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận chìm ở biển và quy định của pháp luật khác có liên quan./.

Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 08

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

……., ngày... tháng... năm…….

ĐƠN ĐỀ NGHỊ SỬA ĐỔI, BỔ SUNG GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

Kính gửi: (Bộ Tài nguyên và Môi trường/Ủy ban nhân dân tỉnh...)

Tên tổ chức, cá nhân ...............................................................................................................

Trụ sở tại: ...............................................................................................................................

Điện thoại: ……………………………. Fax...................................................................................

Quyết định thành lập doanh nghiệp số...., ngày.... tháng... năm.... hoặc Đăng ký kinh doanh số... ngày... tháng... năm……

Được phép nhận chìm vật, chất ở biển theo Giấy phép nhận chìm ở biển số …….. ngày ….. tháng ….. năm ….. của ... Bộ Tài nguyên và Môi trường (Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố ...); thời hạn Giấy phép nhận chìm ở biển đến hết ngày .... tháng ... năm ....

Đề nghị được sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển nêu trên.

Lý do đề nghị sửa đổi, bổ sung: ..............................................................................................

Nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung: .........................................................................................

...............................................................................................................................................

(Tên tổ chức, cá nhân) …………. cam đoan thực hiện đúng quy định của pháp luật về nhận chìm ở biển và quy định của pháp luật khác có liên quan./.

Tổ chức, cá nhân làm đơn
(Ký tên, đóng dấu)


Mẫu số 09

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Mẫu số 10

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ ...)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------


Mẫu số 11

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ ...)

(Quốc huy)

GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

(Bìa màu trắng)

Số…………………………………..

Ngày cấp……………………………

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN …….)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

S:     /GP-(BTNMT,UBND)

………., ngày tháng …. năm …..

GIẤY PHÉP NHẬN CHÌM Ở BIỂN

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ....)

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số .../2016/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Căn cứ Nghị định số …/…/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày ... tháng ... năm …);

Căn cứ .................................................................................................................................. ;

Xét Đơn và hồ sơ đề nghị (cấp, gia hạn, sửa đổi, bổ sung Giấy phép nhận chìm ở biển) ngày ... tháng ... năm ... của (tên tổ chức, cá nhân)... nộp tại Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố...);

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố....),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức, cá nhân) được nhận chìm vật, chất ở biển như sau:

1. Tên, khối lượng, kích thước, thành phần của vật được nhận chìm; tên, loại, khối lượng, thành phần của chất được nhận chìm;

2. Địa Điểm khu vực nhận chìm: tại xã/phường … … quận/huyện … … tỉnh/thành phố....;

3. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích là: ... (ha, Km2), độ sâu sử dụng là: ...(m), được giới hạn bởi các Điểm góc ... có tọa độ thể hiện trên Bản đồ khu vực biển kèm theo Quyết định này;

4. Phương tiện chuyên chở, cách thức nhận chìm: …………………………..;

5. Thời Điểm và thời hạn đề nghị thực hiện hoạt động nhận chìm: ………………..;

Điều 2. (Tên tổ chức, cá nhân) …………. có trách nhiệm:

1. Nộp lệ phí cấp giấy phép nhận chìm ở biển, các Khoản phí có liên quan theo quy định của pháp luật.

2. Trước khi tiến hành nhận chìm phải thực hiện thủ tục giao khu vực biển theo quy định của pháp luật.

3. Thực hiện nhận chìm đúng chủng loại, khối lượng, kích thước, thành phần vật, chất quy định tại Điều 1 của Giấy phép này.

4. Đăng ký các phương tiện chuyên trở vật chất, nhận chìm đã gắn thiết bị giám sát hành trình với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền giao khu vực biển; ghi chép toàn bộ quá trình thực hiện việc nhận chìm, nhật ký hàng hải để phục vụ công tác kiểm tra, giám sát của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các lực lượng tuần tra, kiểm soát trên biển.

5. Thực hiện các nghĩa vụ quy định tại Khoản 2 Điều 61 Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.

Điều 3. Giấy phép này có hiệu lực kể từ ngày ký.

(Tên tổ chức, cá nhân)... chỉ được phép tiến hành nhận chìm vật, chất ở biển sau khi đã thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật có liên quan và các quy định tại Giấy phép này./.

Nơi nhận:
- UBND... (Bộ TNMT);
- Tổng cục B&HĐVN;
- Sở TN&.MT …;
- Các cục: Cục KSBVB, QLKTB;
- (Tên tổ chức, cá nhân);
- Lưu HS, VT. (
   ).

BỘ TRƯỞNG
(TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH)
(Ký tên, đóng dấu)

 

Mẫu số 12

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN ...)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /QĐ-(BTNMT, UBND)

…….., ngày ….  tháng …. năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc cho phép trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ……..)

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số.../2016/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Căn cứ Nghị định số …/…./NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày ... tháng ... năm….);

Xét Đơn và hồ sơ đề nghị trả lại giấy phép nhận chìm ở biển ngày ... tháng ... năm ... của (tên tổ chức, cá nhân)…….;

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh……),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Cho phép (tên tổ chức, cá nhân) ….. được trả lại Giấy phép nhận chìm ở biển số ... ngày ... tháng ... năm ... của Bộ Tài nguyên và Môi trường (UBND tỉnh...).

Điều 2. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, (tên tổ chức, cá nhân) ………… phải chấm dứt hoạt động nhận chìm ở biển và có trách nhiệm:

1. Nộp báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường biển theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, thành phố...) có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này./.

Nơi nhận:
- UBND... (Bộ TN&MT);
- Tổng cục B&HĐVN;
- Sở TN&.MT tỉnh, thành phố…;
- Các cục: Cục KSBVB, QLKTB;
- (Tên tổ chức, cá nhân);
- Lưu HS, VT.

BỘ TRƯỞNG
(TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH)
(Ký tên, đóng dấu)

Mẫu số 13

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ...)
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:     /QĐ-(BTNMT,UBND)

…….., ngày ….  tháng …. năm ……

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển

BỘ TRƯỞNG BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
(ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH, THÀNH PHỐ ….)

Căn cứ Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ngày 25 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số.../2016/NĐ-CP ngày ... tháng ... năm 2016 của Chính phủ quy định chi Tiết thi hành một số Điều của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo;

Căn cứ Nghị định số .../..../NĐ-CP ngày ... tháng ... năm .... của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường (Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày ... tháng ... năm…);

Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh…..),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thu hồi Giấy phép nhận chìm ở biển số …., ngày.... tháng ... năm ... của (Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND tỉnh, thành phố...).

Điều 2. Lý do thu hồi: ..............................................................................................................

Điều 3. Kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực, (tên tổ chức, cá nhân) ……… phải chấm dứt hoạt động nhận chìm ở biển và có trách nhiệm:

1. Nộp báo cáo tình hình, kết quả hoạt động nhận chìm ở biển; công tác bảo vệ môi trường biển theo quy định của pháp luật.

2. Thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Sở Tài nguyên và Môi trường) có trách nhiệm đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện quyết định này./.

Nơi nhận:
- UBND tỉnh... (Bộ TN&MT);
- Tổng cục B&HĐVN;
- Sở TN&.MT tỉnh…;
- Các cục: Cục KSBVB, QLKTB;
- (Tên tổ chức, cá nhân);
- Lưu HS, VT.

BỘ TRƯỞNG
(TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH)
(Ký tên, đóng dấu)


GOVERNMENT
--------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
--
----------

No.: 40/2016/ND-CP

Hanoi, May 15, 2016

 

DECREE

DETAILING THE IMPLEMENTATION OF CERTAIN ARTICLES OF THE LAW ON RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated June 19, 2015;

Pursuant to the Law on resources and environment of sea and islands dated June 25, 2015;

At the request of Minister of Natural Resources and Environment;

The Government promulgates a Decree to provide details for the implementation of certain articles of the Law on resources and environment of sea and islands.

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Decree provides for details of Article 11, Article 14, Article 22, Article 23, Article 25, Article 29, Article 36, Clause 1 Article 40, Clause 3 Article 54, Clause 2 Article 58, Clause 4 Article 60, Clause 3 Article 76 of the Law on Resources and environment of sea and islands, including the following issues:

1. Establishment, appraisal, approval and implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands.

2. Coastal zones; establishment, appraisal, approval and adjustments to the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones; establishment, appraisal, approval and adjustment of the program for general management of resources in coastal zones.

3. The key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands.

4. Coastal protection corridor; limitations on activities within the coastal protection corridor.

5. Classification of islands.

6. Identification and public announcement of restricted areas to pave the way for activities of rescue, relief and emergency response.

7. Issuance, re-issuance, extension, adjustment, return and revocation of sea dumping permits; The list of physical matters subject to sea dumping.

8. The coordination between ministries, regulatory bodies and local governments in general management of resources and protection of environment of sea and islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

This Decree shall apply to agencies and entities involved in the general management of resources and environmental protection of Vietnam’s sea and islands.

Chapeter II

ESTABLISHMENT, APPRAISAL, APPROVAL AND IMPLEMENTATION OF THE STRATEGY FOR SUSTAINBALE EXTRACTION AND USE OF RESOURCES AND PROTECTION OF ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

Article 3. Establishment of the strategy

1. Ministry of Resources and Environment shall be responsible for formulating strategic outlines and collecting suggestions about such strategic outlines from relevant ministries/regulatory bodies and people’s committees of central-affiliated coastal cities or coastal provinces (hereinafter referred to as people’s committees of coastal provinces). The strategic outlines comprise of the following contents:

a) The necessity, urgency and practical significance of the strategy;

b) The grounds for establishing the strategy;

c) Scope, period and strategic vision;

d) Orientations and main contents of the strategy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Collecting suggestions about the draft strategy

1. Ministry of Natural Resoruces and Environment shall discharge the following duties:

a) Send the draft strategy, enclosed with written explanation about the draft strategy and the draft of the request for approval for the strategy to collect suggestions from ministries, ministerial-level agencies, affiliates of the Government and people’s committees of coastal provinces;

b) Publish the full text of the draft of the request for approval for the strategy, the draft strategy and written explanation about the draft strategy on the portals of the Government, Ministry of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces.

2. Agencies that are asked for suggestions about the draft strategy shall respond in writing within 30 days from the receipt of the written request for giving suggestion from the strategy establishing agency.

People’s committees of coastal provinces shall take ideas from the residential communities and relevant entities in such provinces about the draft strategy, and then send a summarized report on collected ideas to Ministry of Resources and Environment.

3. Ministry of Resources and Environment shall accept/explain about suggestions given by agencies, entities and residential communities. The report on the summation of accepted/explained suggestions on the portals of the Government, Ministry of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces.

Article 5. Appraisal of the strategy

1. Documents about the appraisal consist of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The draft of the request for approval for the strategy;

c) The draft strategy and written explanation about that draft strategy;

d) Report on the verification results of the report on the strategic environmental assessment in accordance with the law;

dd) The report on the summation of accepted/explained suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities.

2. The following contents shall be appraised:

a) The grounds for establishing the strategy;

b) Viewpoints, governing principle, vision and objectives of the strategy;

c) The conformity and feasibility of the strategy with requirements on general management of resources and protection of environment of sea and islands for sustainable development.

3. The strategy shall be appraised by an appraisal council that is established by Minister of Resources and Environment. The appraisal council is comprised of 01 Chairperson who is a leading official of Ministry of Resources and Environment, 01 Deputy Chairperson, 02 assessors, 01 secretary and other members who are representatives of relevant ministries/regulatory bodies and specialists and/or scientists.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Approval for and announcement of the strategy

1. Ministry of Resources and Environment shall submit completed documents about the strategy to the Government for approval.

2. Documents about the strategy submitted to the Government for approval consist of:

a) The request for approval for the strategy;

b) The draft strategy and written explanation about that draft strategy;

c) Report on the appraisal results of the strategy;

d) Report on the verification results of the report on the strategic environmental assessment in accordance with the law;

dd) The report on the summation of accepted/explained suggestions given the appraisal council and by relevant agencies, entities and residential communities;

e) The draft of the Government’s Resolution on approval for the strategy.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 7. Implementation of the strategy

1. Ministry of Resources and Environment shall preside over and coordinate with ministries, ministerial-level agencies and people’s committees of coastal provinces in organizing and inspecting the implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands.

2. Ministries, ministerial-level agencies and people’s committees of coastal provinces shall be responsible for checking and requesting for adjustments or supplements to strategies of regulatory bodies/local governments in terms of contents relating to the extraction and use of resources and environmental protection in conformity with the strategy for sustainable extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands.

3. Every 05 years, Ministry of Resources and Environment shall be responsible for evaluating the implementation of the strategy and, where necessary, requesting the Government to make adjustments to the strategy in corresponding to requirements on social and economic development.

Chapeter III

COASTAL ZONES; ESTABLISHMENT, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF THE MASTER PLANNING FOR SUSTAINABLE EXTRACTION AND USE OF RESOURCES IN COASTAL ZONE; ESTABLISHMENT, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF THE PROGRAM FOR GENERAL MANAGEMENT OF RESOURCES IN COASTAL ZONES

Section 1. COASTAL ZONES; ESTABLISHMENT, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF THE MASTER PLANNING FOR SUSTAINABLE EXTRACTION AND USE OF RESOURCES IN COASTAL ZONE

Article 8. Coastal zones

1. The coastal zone means the coastal waters and coastland.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Coastland area includes coastal communes, wards and towns.

Article 9. Establishment of the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones

1. Ministry of Resources and Environment shall be responsible for making the planning outlines and collecting suggestions about the planning outlines from relevant ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces. The planning outlines include the following content:

a) The necessity, urgency and practical significance of the planning;

b) The grounds for establishing the planning;

c) Scope, period and vision of the planning;

d) Objectives, orientations and main contents of the planning.

2. Based on the suggestions given by the agencies mentioned in Clause 1 of this Article, Ministry of Resources and Environment shall draw up the draft of the planning and collect suggestions about the draft planning from relevant agencies, residential communities and entities as referred to in Article 10 of this Decree, and conduct the strategic environmental assessment as referred to by the law on environmental protection.

Article 10. Collecting suggestions about the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Agencies that are asked for suggestions about the draft planning shall respond in writing within 30 days from the receipt of the written request for giving suggestions from Ministry of Resources and Environment.

Article 11. Appraisal and approval for the planning

1. The planning shall be appraised in accordance with regulations and laws on planning.

2. Documents about the planning to be submitted to the Government for approval consist of:

a) The request for approval for the planning;

b) The draft planning and written explanation about the draft planning;

c) Report on the appraisal results of the planning;

d) Report on the verification results of the report on the strategic environmental assessment in accordance with the law;

dd) The report on the summation of accepted/explained suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 12. Adjusted planning

Procedures for establishment, appraisal and approval for the adjusted planning shall be the same with those for the planning as referred to in this Decree.

Section 2. ESTABLISHMENT, APPRAISAL, APPROVAL AND ADJUSTMENT OF THE PROGRAM FOR GENERAL MANAGEMENT OF RESOURCES IN COASTAL ZONES

Article 13. Period of the program for general management of resources in coastal zones

The period of the program for general management of resources in coastal zones shall be determined on the basis of the program’s objectives and issues to be solved for general management.

Article 14. Establishment of the program for general management of resources in coastal zones

1. Ministry of Resources and Environment shall be responsible for formulating the outlines of the program for general management of resources in coastal zones within the interprovincial scope and collecting suggestions about the program's outlines from relevant ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces.

2. Every people’s committee of coastal province shall be responsible for formulating the outlines of the program for general management of resources in coastal zones within the scope of that province or central-affiliated city and asking for advice from Ministry of Resources and Environment, and relevant ministries/regulatory bodies.

3. The program’s outlines contain the following contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Principles and grounds for establishing the program;

c) The program’s objectives and period;

d) Scope and boundaries of coastal zones where the program should be established;

dd) The issues to be solved for general management;

e) Main contents of the program; indicators for assessing the program's results.

4. Based on the suggestions given by the agencies about the program’s outlines, the program establishing agency shall draw up the draft program and collect suggestions about the draft program from relevant agencies, residential communities and entities.

Article 15. Collecting suggestions about the program for general management of resources in coastal zones

1. With regard to a program with an interprovincial scope, the program establishing agency shall send the draft program, enclosed with the written explanation about the draft program, to collect suggestions from relevant ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces. With regard to a program with the scope of a province or central-affiliated city, the program establishing agency shall send the draft program, enclosed with the written explaination about the draft program, to collect suggestions from relevant ministries/regulatory bodies.

2. Suggestions of relevant entities and residential communities shall be collected as referred to in Clause 1 Article 37 of the Law on resources and environment of sea and islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The program establishing agency shall make the report on the summation of accepted/explained suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities, and publish it on the portals of the Government, Ministry of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces.

Article 16. Appraisal of the program for general management of resources in coastal zones

1. Appraisal documents consist of:

a) The written request for appraisal of the program;

b) The draft program and written explanation about the draft program;

c) The report on the summation of accepted/explained suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities.

2. Program's contents subject to the appraisal include:

a) The sufficiency in terms of form and contents of appraisal documents;

b) The conformity of the coastal zone where the program for general management is established with regulations in Clause 2 Article 34 of the Law on resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Solutions and tasks for implementing the program;

dd) Resources for implementing the program.

3. The program must be appraised by an appraisal council in accordance with the following regulations:

a) Minister of Resources and Environment shall establish the appraisal council in charge of appraising the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope, which is comprised of 01 Chairperson who is a leading official of Ministry of Resources and Environment, 01 Deputy Chairperson, 02 assessors, 01 secrectary and other members who are representatives of relevant ministries/regulatory bodies/people’s committees of coastal provinces and specialists and/or scientists;

b) The appraisal council in charge of appraising the program for general management of resources in coastal zones with the scope of a province or central-affiliated city shall be established by the people’s committee of coastal province. The appraisal council shall be comprised of 01 Chairperson who is a leading official of the people’s committee of coastal province, 01 Deputy Chairperson, 02 assessors, 01 secrectary and other members who are representatives of relevant district-level departments/boards/regulatory bodies/people’s committees and specialists and/or scientists.

4. Within 30 days from the date of establishment, the appraisal council shall conduct the appraisal and send the report on appraisal results to the program establishing agency in order to perfect the draft program.

Article 17. Approval for the program for general management of resources in coastal zones

1. The program's documents submitted for approval consist of:

a) The written request for approval for the program;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Report on the appraisal results of the program;

d) The report on the summation of accepted/explained suggestions about the draft program given the appraisal council and by relevant agencies, entities and residential communities;

dd) The draft of Decision on approval for the program.

2. Power to approve/amend the program

a) Prime Minister shall approve/amend programs for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope;

b) People’s committees of coastal provinces shall approve/amend programs for general management of resources in coastal zones under their management upon the receipt of written opinions from Ministry of Resources and Environment. Within 05 working days from the approval, People’s committees of coastal provinces must send Decisions on approval for program to Ministry of Resources and Environment for monitoring and checking.

Article 18. Assessment of result of the program for general management of resources in coastal zones

1. Upon the completion of a program, the agency requesting for approval for the program must assess the program's results.

2. The assessment includes the following contents:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Achievements in comparison with objectives and indicators for assessing the program's results;

c) Positive effects of the implementation of the program for general management of resources in coastal zones on socioeconomics, national defense, security, and resources and environment of coastal zones;

d) Contents to be adjusted or developed in the next program for general management of resources in coastal zones.

Article 19. Adjustment of the program for general management of resources in coastal zones

1. A program for general management of resources in coastal zones shall be adjusted when any of the grounds for establishing that program for general management of resources in coastal zones mentioned in Clause 2 Article 35 of the Law on resources and environment of sea and islands changes, resulting in the change of the approved program’s objectives and contents.

2. When amending the program, the agency in charge of the program must assess the program’s results according to contents stated in Clause 2 Article 18 of this Decree.

3. Procedures for establishment, appraisal and approval for the adjusted program shall be the same with those for a program regulated in this Decree.

Chapeter IV

 KEY PROGRAM FOR FUNDAMENTAL INVESTIGATION INTO RESOURCES AND ENVIRONMENT OF SEA AND ISLANDS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Principles for establishing the key program

a) The conformity of the key program with the strategy for sustainbale extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands;

b) Ensure the inheritance; have solutions for applying scientific and technological progress to the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands;

c) Ensure the feasibility and conformity with the government’s resources for carrying out the fundamental investigation.

2. Grounds for establishing the key program

a) The strategy for sustainbale extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands;

b) Requirements on general management of resources and protection of environment of sea and islands;

c) Potentiality of marine and island resources; demands for fundamental investigation, extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands;

d) Requirements on environmental protection and impacts of the climate change and the sea level rise on resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 21. Requirements on the program

The key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands must meet the following requirements:

1. Correspond to requirements on provision of information and data about resources and environment of sea and islands to the marine economic development and management, and the protection of national sovereignty, national defense and security.

2. Follow information and data inherited from the fundamental investigation and/or scientific research which have/has been conducted in regions where this investigation will be conducted; the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands conducted in a region must include appropriate investigation contents.

3. Determine the order of priority of activities of the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands according to investigated subjects and regions in conformity with the government’s provision of resources in each stage.

4. Promote managerial capability of resources and environment of sea and islands; gradually improve facilities and equipment to serve the fundamental investigation.

Article 22. Steps for establishing the key program

1. Propose projects, schemes and tasks to put into the key program.

2. Summarize and check the proposed projects, schemes and tasks, and draw out the draft of the key program.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Request for approval for the key program.

Article 23. Projects, schemes and tasks proposed to put into the program

1. Ministries, ministerial-level agencies, affiliates of the Government, people’s committees of coastal provinces shall propose projects, schemes and tasks to put into the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands as regulated by Ministry of Resources and Environment.

2. Ministries, ministerial-level agencies, affailiates of the Government, people’s committees of coastal provinces shall, on the basis of sectoral/local requirements on the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands as regulated in Clause 2 Article 13 of the Law on resources and environment of sea and islands, submit the written proposals of projects, schemes and tasks, enclosed with the list and preliminary outlines of projects, schemes and tasks proposed to put into the key program. The list and outlines of projects, schemes and tasks shall be made by using Form No. 01 and Form No. 02 stated in the Annex herein.

Article 24. Summarizing and checking proposed projects, schemes and tasks, and drawing out the draft of the key program

1. Ministry of Resources and Environment shall summarize and check projects, schemes and tasks proposed to put into the key program in conformity with principles, grounds and requirements mentioned in Article 20 and Article 21 of this Decree.

2. Based on summarized results, Ministry of Resources and Environment shall draw up the draft of key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands, consisting of the following contents:

a) Governing viewpoints and objectives of the key program;

b) The key program’s scope and period;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Solutions, resources, estimated expenditures and implementation progress of the key program;

dd) The list of projects, schemes and tasks to the key program;

e) Implementation organization of the key program.

Article 25. Collection of suggestions about the draft of the key program

1. Ministry of Resources and Environment shall send the draft of the key program, enclosed with written explanation about the draft, to Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance, Ministry of National Defence, Ministry of Public Security, Ministry of External Affairs and Ministry of Science and Technology for collecting suggestions about the draft of the key program.

2. Ministry of Resources and Environment shall summarize, examine, explain and accept suggestions given by ministries listed in Clause 1 of this Article to perfect the draft of the key program.

Article 26. Approval for the program

1. Ministry of Resources and Environment shall submit a written request to Prime Minister for approval for the key program.

2. Documents submitted to Prime Minister for approval for the key program consist of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The draft of the key program and the written explanation about the draft;

c) The report on the summation of accepted/explained suggestions given by ministries;

d) The draft of Decision on approval for the key program.

Article 27. Establishment, approval and adjustment of projects, schemes and tasks in the key program; Adjustment of the key program

1. Ministries, ministerial-level agencies, affailiates of the Government, people’s committees of coastal provinces shall base on the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands approved by Prime Minister to establish, approve and execute the assigned projects, schemes and tasks in the key program in accordance with the laws and regulations in this Decree.

2. Ministries, ministerial-level agencies, affailiates of the Government, people’s committees of coastal provinces shall establish projects/schemes/tasks; collect opinions of Ministry of Planning and Investment, Ministry of Finance and relevant ministries/regulatory bodies; summarize and explain about suggestions given by relevant ministries/regulatory bodies in order to perfect such projects/schemes/tasks.

Projects/schemes/tasks in the key program must be sent for taking opinion of Ministry of Resources and Environment before they are approved; they must be sent to Ministry of Resources and Environment for summation and management after they are approved.

3. During the execution of approved projects/schemes/tasks, if projects/schemes/tasks must be adjusted because of objective reasons or coastal risks. That adjustment shall comply with the following regulations:

a) If adjusted contents of projects/schemes/tasks does not cause change of objectives and products of projects/schemes/tasks, agencies, agencies approving such projects/schemes/tasks shall decide the approval for adjustments and send adjusted documents to Ministry of Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Adjustments of the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands

a) The key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands shall be adjusted when any of the grounds for establishing the key program mentioned in Clause 2 Article 20 of the Law on resources and environment of sea and islands changes, resulting in the change of the approved key program’s objectives, scope and contents, or at unforeseen request to serve socioeconomic development and protection of national defence and security;

b) Procedures for establishment and approval for the adjusted key program shall be the same with those for the key program regulated in this Decree.

Article 28. Implementation organization of the key program

1. Ministry of Natural Resoruces and Environment shall discharge the following duties:

a) Organize and inspect the implementation of the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands;

b) Organize the assessment of the key program’s results upon the completion of the key program or before the key program is adjusted.

2. Ministry of Finance shall preside over and coordinate with Ministry of Planning and Investment and Ministry of Resources and Environment in guiding the management and use of state funds for implementation of projects, schemes and duties in the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands.

3. Ministries, ministerial-level, affiliates of the Government, and people’s committee of coastal provinces have the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Annually, send reports on the implementation of assigned projects/schemes/duties to Ministry of Resources and Environment in order to summarize and report to the Prime Minister;

c) Coordinate with Ministry of Resources and Environment in organizing and inspecting the implementation of the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands.

Article 29. Submission and retention of results of projects/ schemes/ duties in the key program

1. Results of projects/schemes/duties in the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands must be retained and presented in accordance with the laws.

2. Within 30 working days from the date on which a project/scheme/task is accepted, the entity in charge of implementing that project/scheme/task must send the following documents to Ministry of Resources and Environment:

a) Decision on approval for results of the project/scheme/task, enclosed with the list of products and/or documents;

b) A hardcopy and a soft copy of the report on summation and/or results of the project/scheme/task and enclosed maps and/or documents.

Article 30. Assessment of result of the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands

1. Upon the completion of the key program or before it is adjusted, Ministry of Resources and Environment shall take charge of the assessment of the key program’s result.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The implementation process of the key program;

b) Results of the key program in comparison with its objectives and requirements; shortcomings and reasons thereof;

c) The key program’s achievements contributed to the social and economic development, national defense and security;

d) Contents to be adjusted or developed in the next key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands.

Chapeter V

COASTAL PROTECTION CORRIDOR, LIMITATIONS ON ACTIVITIES WITHIN COASTAL PROTECTION CORRIDOR

Article 31. List of coastal areas where the coastal protection corridor must be established

1. People’s committees of coastal provinces shall base on the principles for establishing coastal protection corridor provided for in Clause 2 Article 23 of the Law on resources and environment of sea and islands, and guidelines by Ministry of Resources and Environment to make the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established. Departments of Resources and Environment shall assist People’s committees of coastal provinces in making the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be estbalished.

2. The list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established shall be made according to the following sequence:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Determine the coastal areas where the coastal protection corridor must be established;

c) Collect suggestions from relevant agencies, entities and residential communities about the draft of the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established;

d) Request for approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established.

Article 32. Information collection and summation, and evaluation of existing conditions of coastal resources and environment

1. The information collection and summation, and the evaluation of existing conditions of coastal resources and environment must be based on updated information and data for the purpose of providing sufficient data to evaluate the distribution rule, features, potentiality and existing conditions of the extraction and use of coastal resources and coastal environmental protection.

2. The following information must be collected in order to evaluate existing conditions of coastal resources and environment:

a) Natural conditions, resources and ecosystems;

b) Natural landscape and cultural heritage;

c) Social and economic development plans;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Existing environmental conditions and environmental pollution risks;

e) Disaster happenings and risks;

g) Other relevant information and data.

Article 33. Identification of coastal areas where the coastal protection corridor must be established

1. Coastal areas where the coastal protection corridor must be established must be established and recorded in the list.

2. The following contents are included in the draft of the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established:

a) The list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established;

b) Name, administrative division, geographic position and general description about each coastal area;

c) Coordinates of two limit points of the coastal area where the coastal protection corridor must be established in the mean high water line (MHWL);

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 34. Collection of suggestions from relevant agencies, entities and residential communities about the draft of the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established

1. The draft of the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established requires relevant agencies, entities and residential communities’ suggestions which may be obtained by holding conferences, taking written suggestions, asking directly, or publishing the draft on the portals of Departments of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces. Period for publishing the draft list on portals for collecting suggestions must be at least 45 days.

2. The draft of the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established shall be perfected on the basis of suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities as prescribed in Clause 1 of this Article. The acceptance and/or explanation about collected suggestions must be published on the portals of Departments of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces.

3. People’s committees of coastal provinces must ask for advice of Ministry of Resources and Environment about the draft list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established before giving approval for that list.

Article 35. Approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established

1. People’s committees of coastal provinces give approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established.

2. Departments of Natural Resoruces and Environment shall send written request to People’s committees of coastal provinces to give approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established. A written request for approval must consist of the following documents:

a) The written request for approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established;

b) The draft of Decision on approval for the list of coastal areas where the coastal protection corridor must be established;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Written suggestions and/or written summation of suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities.

Article 36. Determination of the mean high water line (MHWL)

1. Based on observation, measurement and calculation data about coastal water levels during a period of 18.6 years before the time when the mean high water line (MHWL) is determined, Ministry of Resources and Environment shall determine and announce the points with typical values of tides within coastal area of Vietnam.

2. Based on the points with particular values of tides within coastal area of Vietnam, which are announced by Ministry of Resources and Environment as referred to in Clause 1 of this Article, each of people’s committees of coastal provinces shall take charge of determining and announcing the mean high water line (MHWL) within the coastal area in that province as regulated by Ministry of Resources and Environment.

Article 37. Breadth and boundaries of coastal protection corridor

1. The breadth of the coastal protection corridor is determined on typical sections in order to ensure requirements and objectives of the establishment of coastal protection corridor and correspond to actual conditions of the coastal area where the coastal protection corridor is established.

2. The breadth of the coastal protection corridor on a typical section refers to the largest distance from the mean high water line (MHWL) to the following lines:

a) The line connecting the points with highest values as determined for the purpose of ensuring requirements and objectives of the establishment of coastal protection corridor as provided for in Clause 1 Article 23 of the Law on resources and environment of sea and islands;

b) The outermost boundary of the protection area I of the historic and cultural relic in accordance with regulations of the law on cultural heritage;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

If the largest distance from the mean high water line (MHWL) to the lines mentioned in Points a, b and c of this Clause is smaller than 100m, the breadth of the coastal protection corridor at that section shall be 100m; the natural width of the coastal area where the coastal protection corridor is established which is smaller than 100m shall be the breadth of the coastal protection corridor at that section.

If the largest distance from the mean high water line (MHWL) to the lines mentioned in Points a, b and c of this Clause is larger than the natural width of the coastal area where the coastal prodtection corridor is established, the breadth of the coastal protection corridor at that section shall be equal to that natural width.

3. Coastal protection corridor boundaries

The outermost boundary of the coastal protection corridor is the mean high water line (MHWL); the innermost boundary of the coastal protection corridor on the side of the mainland or the island shall be the line connecting the Points with distance determined to ensure the breadth of the coastal protection corridor as referred to in Clause 1 and Clause 2 of this Article.

Article 38. Collection of suggestions and approval for boundaries of coastal protection corridor

1. Relevant agencies, entities and residential communities must be asked for suggestions about boundaries of coastal protection corridor as prescribed in Clause 34 of this Article before the approval. The acceptance and/or explaination about collected suggestions must be published on the portals of Departments of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces.

2. People’s committees of coastal provinces give approval for the boundaries of coastal protection corridor. Departments of Resources and Environment shall request people’s committees of coastal provinces to give approval for the boundaries of coastal protection corridor. The approval requires the following documents:

a) The written request for approval for the boundaries of coastal protection corridor;

b) The draft of decision on approval for the boundaries of coastal protection corridor;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The report on accepted/explained suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities about the boundaries of coastal protection corridor;

dd) Written suggestions and/or written summation of suggestions given by relevant agencies, entities and residential communities.

Article 39. Announcement and setting up boundary markers of coastal protection corridor

1. Within 20 days from the date on which the decision on approval for boundaries of coastal protection corridor is issued, people’s committees of coastal provinces shall announce the coastal protection corridor on the mass media. The map showing boundaries of the coastal protection corridor must be posted at headquarters of people’s committees of coastal communes/wards/towns and at coastal areas where the coastal protection corridor is established.

2. Within 60 days from the date on which the decision on approval for boundaries of coastal protection corridor is issued, Departments of Resources and Environment shall set up boundary markers of the coastal protection corridor.

Article 40. Adjustment of boundaries of coastal protection corridor

1. Boundaries of the coastal protection corridor shall be adjusted in the following cases:

a) There is a significant change of the mean high water line (MHWL) at the coastal area where the coastal corridor must be established;

b) Upon irregular request for national defence and security;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The adjustment of boundaries of the coastal protection corridor shall be made according to procedures and steps for determination of boundaries of the coastal protection corridor as referred to in Article 37 and Article 38 of this Decree.

Article 41. Limitations on activities within coastal protection corridor

1. The extraction of underground water shall be conducted in an emergency for the purpose of disaster and fire prevention and control, response to environmental emergencies or for serving extraction purposes in cases where there is no source of water available for extraction.

2. The land reclamation and the exploration of minerals, and oil and gas shall be conducted upon the approval given by Prime Minister.

3. The renovation of a constructed work shall be executed provided that it shall make no change of using purpose, structure, depth or height of that constructed work or that renovation shall make positive effect on the maintenance and protection of coastal protection corridor.

4. The production, trading and service provision likely to degrade the coastal ecosystem, the value of ecosystem services and natural landscapes shall be carried out if there are solutions to assure that requirements and objectives of the establishment of coastal protection corridor are not influenced.

5. Apart from the limitations prescribed above, activities mentioned in Clauses 1, 2, 3 and 4 of this Article are only executed upon the approval by regulatory bodies in accordance with specialized laws.

Article 42. Responsibilities of ministries and ministerial-level agencies for the establishment, management and protection of coastal protection corridors

1. Ministry of Natural Resoruces and Environment shall have the following responsibilities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Instruct local governments to establish and manage coastal protection corridors in compliance with this Decree;

c) Inspect and handle violations against regulations on management of coastal protection corridors.

2. Ministries and ministerial-level agencies shall, within the ambit of assigned functions, tasks and powers, coordinate with Ministry of Resources and Environment and people’s committees of coastal provinces in establishing, managing and protecting coastal protection corridors.

Article 43. Responsibilities of people’s committees of all levels for the establishment, management and protection of coastal protection corridors

1. Each people’s committee of coastal province shall have the following responsibilities:

a) Instruct and organize the establishment, announcement and management of coastal protection corridors in accordance with the Law on resources and environment of sea and islands and regulations in this Decree; propagate and disseminate regulations of the law on resources and environment of sea and islands;

b) Promulgate regulations on management and protection of coastal protection corridors in that coastal province; disseminate and educate the laws on management and protection of coastal protection corridors;

c) Inspect and handle violations against regulations on management and protection of coastal protection corridors in that province.

2. Each people’s committee of coastal urban (suburban) district/ provincial-affiliated city/ equivalent administrative division shall have the following responsibilities:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Implement measures for protection of unexploited resources within coastal protection corridors in accordance with the laws;

c) Participate in the establishment and coordinate in setting up boundary markers of coastal protection corridors in its management region;

d) Manage and protect boundary markers of coastal protection corridors; assume responsibility for encroachment or illegal use of land area within coastal protection corridors in its management region;

dd) Inspect the compliance with regulations on management and protection of coastal protection corridors in its management region.

3. Each people’s committee of coastal commune/ward/town shall have the following responsibilities:

a) Organize the implementation of legislative documents on management and protection of coastal protection corridors; disseminate and propagate the laws on management and protection of coastal protection corridors;

b) Coordinate in setting up boundary markers of coastal protection corridors in its management region;

c) Protect boundary markers of coastal protection corridors; assume responsibility for encroachment or illegal use of land area within coastal protection corridors in its management region;

d) Inspect the compliance with regulations on management and protection of coastal protection corridors in its management region.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

CLASSIFICATION OF ISLANDS

Article 44. Classification of islands

There are two groups of islands as below:

1. Archipelagos, islands, low-tide elevations and submerged atolls requiring protection and conservation.

2. Archipelagos, islands, low-tide elevations and submerged atolls whose resources are exploited and used.

Article 45. Criteria for classification of islands

1. The entire area of each of archipelagos, islands, low-tide elevations and submerged atolls requiring protection and conservation as referred to in Clause 1 Article 44 of this Decree must satisfy at least one of the following criteria:

a) Is a national park or national nature reserve or national protected area for habitats or national protected landscape area as referred to by the law on biodiversity; or

b) Is a national relic or a special national relic as referred to in the law on cultural heritage; or

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Is used to serve the national defence and security purpose.

2. Apart from archipelagos, islands, low-tide elevations and submerged atolls prescribed in Clause 1 Article 44 of this Decree, the others are archipelagos, islands, low-tide elevations and submerged atolls whose resources are exploited and used.

Article 46. Making and approval for the list of classified islands

1. Ministry of Resources and Environment shall preside over and coordinate with ministries, ministerial-level agencies and people’s committees of coastal provinces to make and submit the list of classified islands to the Prime Minister for approval.

2. Relevant ministries, ministerial-level agencies and people’s committees of coastal provinces must be asked for opinions about the draft of the list of classified islands before it is submitted to the Prime Minister for approval.

3. The following documents must be submitted to Prime Minister for approval for the list of classified islands:

a) The written request for approval for the list of classified islands;

b) The draft of the list of classified islands and written explanation about that draft;

c) Written suggestions of agencies defined in Clause 2 of this Article, enclosed with written summation and explanation about those suggestions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapeter VII

IDENTIFICATION AND PUBLIC ANNOUNCEMENT OF RESTRICTED AREAS TO PAVE THE WAY FOR ACTIVITIES OF RESCUE, RELIEF AND EMERGENCY RESPONSE

Article 47. Areas where activities are restricted

1. Competent authorities shall identify restricted areas.

2. Boundaries of a restricted area shall be determined in each specific case in conformity with rescue, relief and emergency response activities.

The location and boundaries of a restricted area must be shown in the nautical chart at both VN-2000 and WGS-84 coordinate systems with the accuracy of up to 1/10 seconds. The depth of a restricted area means the depth of lower low water mark which should be announced and determined by meters up to the chart datum with the accuracy of 1/10 meters.

3. A restricted area shall be determined by straight lines connecting corner points with specific coordinates and shown on the nautical chart with suitable scale.

Article 48. Identification and public announcement of restricted areas

1. Agencies or persons in charge of rescue, relief and emergency response shall submit written requests for establishment of restricted areas to pave the way for rescue, relief and emergency response activities, enclosed with nautical charts of those areas, to authorities competent to identify and announce the restricted areas in accordance with prevailing laws.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Announcement of restricted areas

a) The announcement of restricted areas must be broadcasted on television, radio, coastal radio station systems and on other means of mass media in Notices to mariners in conformity with international maritime practices;

b) The place-names of restricted areas in the announcement must be same as those shown in nautical charts or other published maritime documents. If a place-name is not specified in any of the said documents, local name shall apply.

c) The announcement of restricted area is expressed in Vietnamese and English;

d) The announcement of areas with restricted activities must include the times when it takes effect and is invalid.

Chapeter VIII

ISSUANCE, RE-ISSUANCE, EXTENSION, ADJUSTMENT, PERMISSIBLE RETURN AND REVOCATION OF SEA DUMPING PERMITS; THE LIST OF PHYSICAL MATTERS SUBJECT TO SEA DUMPING

Article 49. Issuance of sea dumping permit

1. A sea dumping permit shall be issued if all of the following conditions are satisfied:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The sea dumping plan must be set up in compliance with regulations in Clause 4 Article 57 of the Law on resources and environment of sea and islands;

c) The sea area which is used for dumping must be in conformity with the sea use planning and/or the master plan for sustainable extraction and use of coastal resources approved by competent authorities.

In cases where the sea use planning or the master plan for sustainable extraction and use of coastal resources is not approved, the sea area which is used for dumping shall be considered on the basis of the environmental impact assessment report approved by a competent authority in accordance with the law on environmental protection.

2. A sea dumping permit includes contents stated in Clause 1 Article 59 of the Law on resources and environment of sea and islands, and complies with Form No. 11 stated in the Annex herein.

3. The dumping in sea areas where marine resources are legally exploited and used, prohibited zones, areas of suspension of innocent passage and restricted areas are not permitted.

Article 50. Extension of sea dumping permit

1. A sea dumping permit is extended if the permitted period is not enough to finish the permitted dumping and the involved entity applies for an extension for dumping.

2. A sea dumping permit shall be extended if all of the following conditions are satisfied:

a) Permit is still effective for at least 60 more days;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Up to the time when the application for extension of sea dumping permit is submitted, the applicant has performed obligations prescribed in Clause 2 Article 61 of the Law on sea and island resources and environment.

3. If the application is approved, an extended sea dumping permit shall be granted.

Article 51. Adjustment of sea dumping permit

1. A sea dumping permit shall be adjusted in the following cases:

a) There is a change in name of the holder of sea dumping permit;

b) There is a change in dumping scale, or boundaries/ area of the sea area for dumping, or the method of sea dumping, or time for conducting sea dumping.

2. The adjustment of a sea dumping permit is approved if all of the following conditions are satisfied:

a) Permit is still effective for at least 45 more days;

b) Dumping activities are carried out consistently with contents specified in the sea dumping permit; all financial obligations are fulfilled in accordance with the laws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. If the application is approved, an adjusted sea dumping permit shall be granted. The effect of the adjusted sea dumping permit shall be the remaining effective period of the old permit.

Article 52. Permissible return of sea dumping permit

1. A sea dumping permit may be returned if the permit holder terminates its sea dumping operations.

2. The permissible return of sea dumping permit is approved if all of the following conditions are satisfied:

a) The sea dumping permit is still valid;

b) Dumping activities are carried out consistently with contents specified in the sea dumping permit; all financial obligations are fulfilled in accordance with the laws;

c) Up to the time when the application for permissible return of sea dumping permit is submitted, the applicant has fully performed obligations prescribed in Clause 2 Article 61 of the Law on sea and island resources and environment.

3. If the application is approved, a decision on approval for return of sea dumping permit shall be granted according to Form No. 12 stated in the Annex herein.

Article 53. Re-issuance of sea dumping permit

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. The sea dumping permit shall be re-issued if all of the following conditions are satisfied:

a) Permit is still effective for least 30 more days;

b) Dumping activities are carried out consistently with contents specified in the sea dumping permit; all financial obligations are fulfilled in accordance with the laws;

c) Up to the time when the application for reissuance of sea dumping permit is submitted, the applicant has fully performed the obligations prescribed in Clause 2 Article 61 of the Law on sea and island resources and environment.

3. If the application for reissuance of sea dumping permit is approved, a copy of the issued sea dumping permit shall be granted.

Article 54. Application for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit

1. The application dossiers for issuance of sea dumping permit consists of:

a) The application form for issuance of sea dumping permit using Form No. 04 stated in the Annex herein;

b) The sea dumping plan using Form No. 03 stated in the Annex herein;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The copy accompanied by the original for comparison or the certified copy of the business registration certificate (if the applicant is an enterprise);

dd) The map of the sea area for carrying out dumping activities using Form No. 09 stated in the Annex herein.

2. The application dossiers for re-issuance of sea dumping permit consists of:

a) The application form for re-issuance of sea dumping permit in which reasons for re-issuance must be specified using Form No. 05 stated in the Annex herein;

b) The report on situation and result of sea dumping activities, environmental protection and the performance of obligations as referred to by law up to the time when the application for reissuance of sea dumping permit is submitted.

3. The application dossiers for extension of sea dumping permit consist of:

a) The application form for extension of sea dumping permit using Form No. 06 stated in the Annex herein;

b) The issued sea dumping permit;

c) The report on situation and result of sea dumping activities, environmental protection and the performance of obligations as referred to by law up to the time when the application for extension of sea dumping permit is submitted.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The application form for return of sea dumping permit using Form No. 07 stated in the Annex herein;

b) The issued sea dumping permit;

c) The report on situation and result of sea dumping activities, environmental protection and the performance of obligations as referred to by law up to the time when the application for return of sea dumping permit is submitted.

5. The application dossiers for adjustments to sea dumping permit consist of:

a) The application form for adjustment of sea dumping permit in which reasons for adjustment must be specified using Form No. 08 stated in the Annex herein;

b) The issued sea dumping permit;

c) The report on situation and result of sea dumping activities, environmental protection and the performance of obligations as referred to by law up to the time when the application for adjustment of sea dumping permit is submitted;

d) The copy accompanied by the original for comparison or the certified copy of the environmental impact assessment report approved by competent authority in accordance with regulations of the law on environmental protection if the reason of the application for adjustment of sea dumping permit is change of dumping scale, or boundaries/area of sea area for dumping, or method of sea dumping;

dd) The copy accompanied by the original for comparison or the certified copy of the document proving the change of name of the sea dumping permit holder if the reason of the application for adjustment of sea dumping permit is change of name of the permit holder;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 55. Receipt and response to the application for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit

1. Application-receiving authorities:

a) General Department of Vietnam’s Sea and Islands shall receive the application for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit within the competence of Ministry of Resources and Environment;

b) Departments of Resources and Environment shall receive applications for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit within the competence of people’s committees of coastal provinces.

2. Forms of receipt and response to the application:

a) Applications for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit shall be submitted by hand or by post to the application-receiving authorities as referred to in Clause 1 of this Article;

b) Applicants shall, by hand or by post, receive application-processing results given by application-receiving authorities in accordance with the law.

Article 56. Contents of application for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit to be appraised

1. The sufficiency in terms of form and contents of application dossiers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. c) The conformity of the sea area for dumping with the sea use planning or the master plan for sustainable extraction and use of coastal resources.

4. The conformity of the sea dumping plan with requirements in Clause 4 Article 57 of the Law on resources and environment of sea and islands.

Article 57. Procedures for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit

1. Application receipt:

a) The applicant for issuance/ reissuance/ extension/ adjustment/return of sea dumping permit shall submit 02 sets of application dossiers to the application-receiving authority. If the application is submitted by post, the date of receiving application shall be the date on which it is delivered by the post office to the application-receiving authority;

b) The application-receiving authority shall check the application elements and contents. Within 01 working day from the date on which the valid application is received, the application-receiving authority shall grant an application receipt note giving an appointment to process the application according to Form No. 14 stated in the Annex herein. Within 03 working days from the date on which the application is received, if the application is invalid as referred to by law, the application-receiving authority shall give a written instruction to the application for complete the application.

2. The application shall be appraised according to the following procedures:

From the date on which the application receipt note is granted, within 60 days if the application for issuance of sea dumping permit is submitted, or within 45 days if the application for extension/ return of sea dumping permit is submitted, or within 30 days if the application for adjustment of sea dumping permit is submitted, or within 15 days if the application for re-issuance of sea dumping permit is submitted, the application-receiving authority shall discharge the following responsibilities:

a) Complete the appraisal of the application according to the contents stated in Article 56 of this Decree; the appraisal result must be recorded in writing.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Send written request to the applicant for completing the application according to appraisal results, if the application requires a modification.

3. The application shall be submitted to competent authorities for settlement according to the following procedures:

a) Within 07 working days from the date on which the valid application is submitted, the application-receiving authority shall submit that application to the authority competent to issue sea dumping permit;

b) Within 07 working days from the date on which the valid application is submitted by the application-receiving authority, the authority competent to issue sea dumping permit shall consider and make decision on issuance/re-issuance/extension/adjustment/return of sea dumping permit. If the application is rejected, written reasons shall be given to the applicant.

4. Giving notice and returning results

Within 03 working days from the date on which the authority competent to issue sea dumping permit gives the application processing results, the application-receiving authority shall be responsible for informing the applicant of receiving the application processing results and performing relevant obligations as referred to by law and sending sea dumping permit to relevant regulatory bodies.

Article 58. Revocation of sea dumping permit

1. A sea dumping permit shall be revoked in the following cases:

a) A sea dumping permit holder misuses sea dumping activities for causing adverse influence on national defence, security and national interests, or infringing on the order and safety at sea, or causing serious impact on other entities’ legal extraction and use of marine resources;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) After 03 (three) months from the effective date specified in the sea dumping permit but the sea dumping permit holder fails to carry out dumping activities, except for case of force majeure;

d) The sea area for dumping as permitted in the sea dumping permit is used for the purpose of national defence, security and interests as referred to by laws, or is announced as prohibited zone by a competent authority;

dd) The sea dumping permit holder has dissolution or bankruptcy declared as referred to by laws.

2. The revocation of sea dumping permit in cases mentioned in Points a, b and c Clause 1 of this Article shall comply with the following procedures:

a) Within 07 working days from the date on which a competent authority makes a written conclusion that the sea dumping permit holder commits any of violations mentioned in Points a, b and c Clause 1 of this Article, the authority mentioned in Clause 1 Article 55 of this Decree shall request the competent authority to make decision on the revocation of sea dumping permit;

b) Within 10 working days from the receipt of written request for the revocation of sea dumping permit, the competent authority shall consider and make decision on the revocation of sea dumping permit;

c) Within 03 working days from the issued date of decision on the revocation of sea dumping permit by the competent authority, the authority mentioned in Clause 1 Article 55 of this Decree shall send that decision on the revocation of sea dumping permit to the sea dumping permit holder and relevant agencies.

3. The revocation of sea dumping permit in cases mentioned in Points d and dd Clause 1 of this Article shall comply with the following procedures:

a) Within 07 working days from the date on which a competent authority announces that the sea area for dumping is used to serve national defense, security and national interests as referred to by laws or the sea area for dumping is announced as prohibited zone, or from the date on which the sea dumping permit holder has dissolution or bankruptcy declared, the authority mentioned in Clause 1 Article 55 of this Decree shall request the competent authority to make decision on the revocation of sea dumping permit;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Within 03 working days from the issued date of decision on the revocation of sea dumping permit by the competent authority, the authority mentioned in Clause 1 Article 55 of this Decree shall send that decision on the revocation of sea dumping permit to the sea dumping permit holder and relevant agencies.

4. Decision on the revocation of sea dumping permit shall follow Form No. 13 stated in the Annex herein.

5. Sea dumping permit holders shall be supported or compensated as regulated by laws if their sea dumping permits are revoked in the case mentioned in Point d Clause 1 of this Article.

Article 59. Termination of effect of sea dumping permit

1. Effect of a sea dumping permit shall come to an end in the following cases:

a) The sea dumping permit is revoked;

b) The sea dumping permit expires;

c) The return of sea dumping permit is approved.

2. When a sea dumping permit is invalidated as referred to in Clause 1 of this Article, the sea dumping permit holder is responsible for settling facilities and equipment serving dumping activities and submitting report to competent authority for verification.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 60. List of physical matters subject to sea dumping

The following physical matters are subject to sea dumping:

1. Dredged materials.

2. Sewage sludge.

3. Fish wage or material resulting from industrial fish processing operation.

4. Vessels and platforms or man-made structures at sea.

5. Inert geological materials and inorganic matters.

6. Natural organic matters.

7. Non-poisonous bulky items which are mainly made of iron, steel, concrete and similar materials but there is no disposal method better than dumping in a specific condition or circumstance.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapeter IX

COORDINATION IN GENERAL MANAGEMENT OF RESOURCES AND ENVIRONMENTAL PROTECTION OF SEA AND ISLANDS

Article 61. Coordination purposes

1. Set up the consistent coordination between regulatory bodies from central to local government in general management of resources and protection of the environment of sea and islands.

2. Improve the coordination between ministries, regulatory bodies, agencies and people’s committees of coastal provinces; enhance the efficiency of the general management of resources and protection of the environment of sea and islands.

3. Promote the efficiency of legitimate and thrifty extraction and use of resources, and protection of environment of sea and islands for the purpose of achieving a sustainable development.

Article 62. Coordination in formulating and implementing laws on general management of resources and environmental protection of sea and islands

1. Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge of:

a) Planning annual and long-term programs for formulating legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands, and organizing the implementation of approved programs;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministry of Justice shall discharge the following duties:

a) Take charge and coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment in planning programs for formulating legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands under the promulgation competence of the National Assembly or the Standing Committee of the National Assembly;

b) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment in examining legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands; monitoring the implementation of laws on general management of resources and environmental protection of sea and islands.

3. Ministry of Public Security and Ministry of National Defence shall be responsible for organizing and instructing the prevention and combat of crimes and violations against the law on resources and environment of sea and islands within the ambit of assigned functions, tasks and powers.

4. Relevant ministries and regulatory bodies shall discharge the following duties:

a) Participate in the formulation of legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands;

b) Request Ministry of Natural Resources and Environment to amend or promulgate new legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands;

c) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment in monitoring the implementation of laws on general management of resources and environmental protection of sea and islands.

5. People’s committees of coastal provinces have the following duties:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Inspect, summarize and submit reports to Ministry of Natural Resources and Environment on the implementation of legislative documents on general management of resources and environmental protection of sea and islands.

Article 63. Coordination in establishing and organizing the implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands; sea use plans; the master planning for sustainable extraction and use of coastal resources; and the program for general management of coastal resources

1. Ministry of Natural Resources and Environment shall preside over and coordinate with relevant ministries/regulatory bodies in:

a) Carrying out the investigation and general assessment of natural conditions, social – economic conditions, environment, potentiality of resources, and existing conditions of the extraction and use of resources in coastal zones, sea and islands; forecast about the change of natural resources and environment, impacts of climate change and sea level rise on resources in coastal zones, sea and islands;

b) Determining objectives and orientation of fundamental investigation, scientific research, international cooperation, sustainable extraction and use of resources and environmental protection of coastal zones, sea and islands; classifying coastal zones and sea areas for extraction and use of resources;

c) Formulating, perfecting and submitting the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands to the Prime Minister for approval;

d) Formulating, perfecting and submitting the sea use planning and the master plan for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country to the Prime Minister for approval;

dd) Formulating, perfecting and submitting programs for general management of natural resources in coastal zones with the interprovincial scope;

e) Providing information about the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country and the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope to relevant ministries, regulatory bodies and governments of coastal regions;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Ministries and regulatory bodies shall discharge the following duties:

a) Provide relevant information and data as referred to in Clauses 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 and 10 of this Article to Ministry of Natural Resources and Environment;

b) Give suggestions about drafts of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country and the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope;

c) Coordinate in inspecting the implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country and the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope;

d) Submit annual reports on the implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country and the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope within the ambit of assigned duties in accordance with the laws.

3. Ministry of Agriculture and Rural Development provides information and data about protective forests, special-use forests and production forests, information and data in aquatic sector, existing conditions and development orientations of dykes, fishing ports and harbors, planning map for aquaculture and extraction of aquatic resources.

4. Ministry of Transport provides information and data about existing conditions and development orientations of sea ports, navigable channels, anchoring areas and shipbuilding establishments, planning map for sea ports, navigable channels, anchoring areas and shipbuilding establishments.

5. Ministry of Planning and Investment provides information and data about existing conditions and development orientations of coastal economic zones, and other information and data at the request of Ministry of Natural Resources and Environment.

6. Ministry of Construction provides information and data about existing conditions and development orientations of offshore, coastal and island structures, and urban areas under its management.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

8. Ministry of Industry and Trade provides information and data about oil and gas, and other types of energy in connection with sea and islands under its management.

9. Ministry of Public Security and Ministry of National Defence provide information and data about prohibited zones, areas of suspension of innocent passage, restricted zones and areas requiring special protection in order to serve national defence and security purposes.

10. Ministry of Foreign Affairs provides information and documents about policies of Vietnam Communist Party and the Government in foreign affairs relating to sea and islands.

11. People’s committees of coastal provinces have the following duties:

a) Provide information and data about natural conditions, existing conditions of natural resources, social and economic conditions, the management and existing conditions of the extraction and use of resources, and environmental protection of sea and islands under their management; information and data about lagoons, alluvial plains, buffer zones, eroded coastal zones, protective forests, wetlands and areas in which ecosystems should be conserved in sea and islands under their management; solutions for management and protection of coastal protection corridors in their management provinces;

b) Give suggestions about drafts of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones in the whole country and the program for general management of resources in coastal zones with the interprovincial scope;

c) Formulating, perfecting and giving approval for programs for general management of natural resources in coastal zones under their management;

d) Submit annual reports on the implementation of the strategy for sustainable extraction and use of resources and environmental protection of sea and islands, the sea use planning, the master planning for sustainable extraction and use of resources in coastal zones and the program for general management of resources in coastal zones under their management to Ministry of Natural Resources and Environment in accordance with the laws.

Article 64. Coordination in managing and conducting the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Take charge of preparing and requesting the Prime Minister to give approval for the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands;

b) Construct and manage database for the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands;

c) Provide information and data about the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands at the requests of ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in accordance with the laws;

d) Appraise or participate in the appraisal of programs/plans for the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands of ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in accordance with the laws;

dd) Give suggestions about the necessity, subjects, scope and contents of the investigation, feasibility, efficiency of fundamental investigation projects/schemes/tasks which are not in the key program for fundamental investigation of resources and environment of sea and islands, and made, approved and implemented by ministries, ministerial-level agencies, affailiates of the Government, people’s committees of coastal provinces;

e) Coordinate with ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in monitoring, expediting, inspecting and summarizing the implementation of programs/plans for the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands.

2. Ministries and regulatory bodies shall discharge the following duties:

a) Provide information and data in relevant sectors as referred to in Clauses 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9 and 10 of this Article to Ministry of Natural Resources and Environment;

b) Take charge and coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment in appraising programs/plans for the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands under their management;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Construct and manage database of results of fundamental investigation into resources and environment of sea and islands under their management; transfer managed data to the national database for management, extraction and use as referred to by laws;

dd) Submit annual reports on the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands under their management to Ministry of Natural Resources and Environment in accordance with the laws.

3. Ministry of Agriculture and Rural Development provides information and data about result of the fundamental investigation, existing conditions and needs of fundamental investigation into marine and island creatures; and result of environmental monitoring conducted by Ministry of Agriculture and Rural Development.

4. Ministry of Industry and Trade provides information and data about fundamental investigation results, management situation, and the necessity of the fundamental investigation into oil and gas, and other types of energy under its management.

5. Ministry of Culture, Sports and Tourism provides information and data about fundamental investigation results, management situation, and the necessity of the fundamental investigation into tourist resorts, tourist attractions, national and world natural heritage values, historical - cultural relics, and famous landscapes in sea areas, coastal zones and islands.

6. Ministry of Transport provides information and data about fundamental investigation results, management situation, and the necessity of the fundamental investigation into position resources in order to serve the development of sea ports, navigable channels, anchoring areas and shipbuilding establishments.

7. Ministry of National Defence provides information and data about fundamental investigation results, management situation, and the necessity of the fundamental investigation into marine resources, and result of environmental monitoring conducted by Ministry of National Defence; information and data about the security, order and safety at sea, islands, prohibited zones, areas of suspension of innocent passage, restricted zones and areas requiring special protection in order to serve national defence and security purposes.

8. Ministry of Foreign Affairs provides information and documents about policies of Vietnam Communist Party and the Government in foreign affairs relating to sea and islands.

9. Ministry of Planning and Investment provides information and data about economic development orientations in sea and islands while taking into account the necessity of fundamental investigation into resources and environment of sea and islands; other relevant information and data at the request of Ministry of Natural Resources and Environment.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Provide information and data about results of fundamental investigation into resources and environment of coastal zones and islands, which are conducted by local government; management situation, and the necessity of the fundamental investigation into resources and environment of coastal zones and islands;

b) Submit annual reports to Ministry of Natural Resources and Environment on the fundamental investigation into resources and environment of sea and islands conducted by local government in accordance with the laws.

Article 65. Coordination in setting up systems for monitoring and supervising resources and environment of sea and islands; setting up information systems and database of resources and environment of sea and islands

1. Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge of:

a) Setting up system for monitoring and supervising resources and environment of sea and islands by connecting with systems for monitoring and supervising resources and environment of sea and islands of ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces;

b) Setting up information system and database of resources and environment of sea and islands by integrating with information systems and database of resources and environment of sea and islands of ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces;

c) Provide information and data about resources and environment of sea and islands at the requests of ministries/regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in accordance with the laws.

2. Ministries/ regulatory bodies and local governments shall discharge the following duties:

a) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment in setting up system for monitoring and supervising resources and environment of sea and islands, and information system and database of resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Provide information and data about resources and environment of sea and islands of regulatory sectors/fields in terms of information systems and database of resources and environment of sea and islands in accordance with the laws.

Article 66. Coordination in sea and island environmental pollution control, and coping with spill of oil and toxic chemicals on the sea

1. Ministry of Natural Resources and Environment shall take charge of:

a) Carrying out the study, investigation and assessment of environmental pollution, determining causes of sea and island environmental pollution, mapping to divide zones facing sea and island environmental pollution risks in the whole country; investigating and evaluating the environment's maximal load at sea areas and islands facing high or very high risks of environmental pollution; announcing sea areas and islands which are unable to receive waste; publishing information about the environment of sea and islands in accordance with the laws;

b) Monitoring and warning against environmental emergencies and disasters on sea and islands; formulating strategies and action plans in corresponding to the raised level of sea water; coordinating with relevant ministries, regulatory bodies, agencies and governments of coastal regions to take actions against the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on sea and islands;

c) Providing information collected from the system for monitoring and supervising resources and environment of sea and islands in terms of environmental quality, environmental pollution and warnings about disasters on sea and islands to ministries, regulatory bodies and governments of coastal provinces in order to serve prevention and control of pollution, and response to the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on the sea and islands;

d) Inspecting the implementation of regulations on waste management and control of environmental pollution on sea and islands;

dd) Instructing people’s committees of coastal provinces to implement regulations on waste management and control of environmental pollution on sea and islands;

e) Submitting annual reports to the Prime Minister on the protection of environment of sea and islands, the implementation of programs/plans for prevention and control of pollution on sea and islands, and response to the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on the sea and islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Provide information and data about monitoring/assessment results of environmental pollution on sea and islands, current water quality, sediments of ecosystems and the biodiversity of sea and islands; the waste management and control of environmental pollution of sea and islands in their regulatory sectors/fields; the response to environmental emergencies and disasters on the sea and islands in the fields as referred to in Clauses 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 and 12 of this Article;

b) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment to investigate and/or assess the pollution status and determine causes of the marine and island environmental pollution;

c) Instruct specialized forces to inspect the compliance with regulations on waste management and control of environmental pollution on sea and islands; response to the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on the sea and islands;

d) Submit annual reports on the implementation of programs/plans for prevention and control of pollution on sea and islands, response to the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on the sea and islands, and protection of environment of sea and islands under their management to Ministry of Natural Resources and Environment in accordance with the laws.

3. Ministry of Agriculture and Rural Development provides information and data about the extraction, aquaculture and catching of aquatic products, fishing ports and vessel anchoring areas.

4. Ministry of Transport provides information and data about operations of sea ports, navigable channels, anchoring areas and shipbuilding establishments.

5. Ministry of Industry and Trade provides information and data about chemical operations, the exploration, extraction and transport of oil and gas.

6. Ministry of Planning and Investment provides information and data about coastal economic zones.

7. Ministry of Construction provides information and data about urban areas and structures in coastal zones and islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

9. Ministry of National Defence provides information about the waste management and control of the sea and island environmental pollution; instructs its affiliates to improve the control of the sea and island environmental pollution; mobilizes resources to respond and take actions against the spill of oil or toxic chemicals on sea, and environmental emergencies and disasters on sea and islands.

10. Ministry of Public Security provides information about crimes and violations against regulations on the waste management and control of the sea and island environmental pollution; instructs its affiliates to improve the control of the sea and island environmental pollution; mobilizes resources to respond and take actions agaisnt the spill of oil or toxic chemicals on sea, and environmental emergencies and disasters on sea and islands.

11. Ministry of Foreign Affairs mobilizes the international assistance to cope with the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on the sea and islands.

12. The National Committee for Search & Rescue provides information and data about the response to the spill of oil and toxic chemicals on sea and islands; instructs specialized forces within its competence to take actions against the spill of oil and toxic chemicals on sea, and environmental emergencies and disasters on sea and islands.

13. People’s committees of coastal provinces have the following duties:

a) Provide sea and island monitoring and supervising data in regulatory provinces to Ministry of Natural Resources and Environment;

b) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment to study, investigate and/or assess the pollution status and determine causes of the marine and island environmental pollution; mapping to divide zones facing environmental pollution risks on sea and islands under their management;

c) Formulate, instruct and organize the implementation of plans and/or measures for preventing, controlling and taking actions against marine and island environmental pollution and degradation in accordance with the laws;

d) Coordinate with Ministry of Natural Resources and Environment and relevant ministries/regulatory bodies in mobilizing resources to prevent and cope with the spill of oil and toxic chemicals on the sea, and environmental emergencies and disasters on sea and islands, compensating for damages and taking actions against marine and island environmental pollution in accordance with the laws;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 67. Coordination in propagating marine and island information; disseminating and educating laws on general management of resources and environment of sea and islands

1. Ministry of Natural Resoruces and Environment shall take charge of:

a) Establishing and organizing the execution of programs and plans for marine and island information propagation, and dissemination and education of laws on general management of resources and environment of sea and islands; for sustainable extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands; prevention, control and response to disasters, and marine and island environment emergencies;

b) Assisting, exchanging and providing information and documents to ministries, regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in service of the propagation for raising awareness of entities in terms of sustainable extraction and use of resources and protection of environment of sea and islands; prevention, control and response to disasters, and marine and island environment emergencies;

c) Coordinating with ministries, regulatory bodies and people’s committees of coastal provinces in formulating plans and organizing events of the Viet Nam Seas and Islands Week;

d) Coordinating with the Vietnamese Fatherland Front in propagating and disseminating policies and laws on resources and environment of sea and islands; supervising the implementation of the law on resources and environment of sea and islands.

2. Ministries and regulatory bodies shall discharge the following duties:

a) Ministry of Justice coordinates with Ministry of Resources and Environment to set up the national database of laws on the management of resources and environment of sea and islands; establish long-term and medium-term programs and plans for dissemination and education of laws on seas and islands;

b) Ministry of Information and Communications shall preside over and coordinate with Ministry of Resources and Environment in instructing press agencies to arrange the volume of propagated information about seas and islands, disseminate policies and laws on general management of resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The Vietnam Television and the Voice of Vietnam shall be responsible for arranging broadcasting volume and news/articles/columns for propagating marine and island contents, and disseminating policies and laws on general management of resources and environment of sea and islands, and events of Viet Nam Seas and Islands Week at appropriate period;

dd) Ministries and regulatory bodies shall be responsible for responding to events of the Viet Nam Seas and Islands Week and other activities in connection with seas and islands; instructing press agencies and subordinate specialized agencies to organize the propagation of seas and islands, and disseminate and educate laws on general management of resources and environment of sea and islands within their competence.

3. People’s committees of coastal provinces have the following duties:

a) Take charge and coordinate with Ministry of Resources and Environment in propagating marine and island contents, disseminating and educating laws on general management of resources and environment of sea and islands;

b) Instruct local media and press agencies to arrange broadcasting volume and news/articles/columns for propagating marine and island contents, and disseminating policies and laws on general management of resources and environment of sea and islands, and events of Viet Nam Seas and Islands Week at appropriate period;

c) The governments of coastal provinces where the Viet Nam Seas and Islands Week is organized shall coordinate with Ministry of Resources and Environment to establish programs/plans for organizing events of Viet Nam Seas and Islands Week; arrange locations and resources for organizing such events and ensuring security and public order during the Viet Nam Seas and Islands Week.

Article 68. International cooperation in general management of resources and environment of sea and islands

1. Ministry of Natural Resoruces and Environment shall discharge the following duties:

a) Establish and organize the implementation of international cooperation programs and plans for general management of resources and environment of sea and islands, application of science and technologies to investigation and study about marine and island issues, exploration of marine resources and development of marine science and technology, and development and improvement of information technology systems and database about resources and environment of sea and islands;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Annually, ministries and regulatory bodies shall send reports on result of the international cooperation in general management of resources and environment of sea and islands to Ministry of Resources and Environment.

3. Ministry of Foreign Affairs shall coordinate with ministries, regulatory bodies and local governments in promoting and improving international cooperation activities in terms of general management of resources and environment of sea and islands.

4. People’s committees of coastal provinces shall be responsible for submitting annual reports on international cooperation activities in general management of resources and environment of sea and islands in relevant provinces to Ministry of Resources and Environment in accordance with the laws.

Chapeter X

IMPLEMENTATION

Article 69. Transitional clause

As of the effective date of this Decree, projects/schemes/tasks in the master plan for fundamental investigation and management of marine resources and environment up to 2010 and the vision to 2020, which is enclosed to Decision No. 47/2006/QD-TTg dated March 01, 2006 of the Prime Minister shall comply with the following guidelines:

1. Projects/schemes/tasks which have been approved by competent authorities before the effective date of this Decree shall be executed in conformity with approved decisions.

2. Projects/schemes/tasks which are not approved by competent authorities before the effective date of this Decree shall be put into the key program for fundamental investigation into resources and environment of sea and islands provided that they must be in conformity with regulations in Clause 2 Article 13 of the Law on resources and environment of sea and islands.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. This Decree takes effect from July 01, 2016.

2. The Government's Decree No. 25/2009/ND-CP dated March 06, 2009 on general management of resources and environment of sea and islands and Decision No. 23/2013/QD-TTg dated April 26, 2013 of the Prime Minister promulgating regulations on cooperation for general management of resources and environment of sea and islands shall be null and void as of the effective date of this Decree.

Article 71. Implementation

1. Minister of Resources and Environment shall inspect the implementation of this Decree, monitor strategies, programs and plans for general management of resources and environment of sea and islands which have been approved before July 01, 2016, and request competent authorities to amend or abrogate in conformity with the Law on resources and environment of sea and islands, and this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of affiliates of the Government, Chairpersons of people's committees of coastal provinces or central-affiliated coastal cities shall be responsible for implementing this Decree./.

 

 

ON BEHALF OF THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 40/2016/NĐ-CP ngày 15/05/2016 hướng dẫn Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


51.305

DMCA.com Protection Status
IP: 85.208.96.199
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!