ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH BÌNH
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 70/KH-UBND
|
Ninh Bình, ngày
24 tháng 5 năm 2021
|
KẾ HOẠCH
TRỒNG CÂY XANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH GIAI ĐOẠN 2021-2025
Thực hiện Chỉ thị 45/CT-TTg ngày
31/12/2020 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức phong trào “Tết trồng cây” và
tăng cường các biện pháp bảo vệ, phát triển rừng ngay từ đầu năm 2021; Quyết định
số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án
“Trồng 1 tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025”. Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban
hành Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2021-2025,
như sau:
I. Mục tiêu, yêu cầu
1.1. Mục tiêu
Đến hết năm 2025 toàn tỉnh trồng được
5,5 triệu cây xanh phân tán các loại, nhằm bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện
cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội;
nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
1.2. Yêu cầu
- Việc tổ chức trồng cây xanh phải
theo kế hoạch, công tác chăm sóc, bảo vệ sau trồng cây phải đặc biệt được quan
tâm và gắn trách nhiệm quản lý, chăm sóc cây sau khi trồng đến từng cơ quan,
đơn vị, tổ chức và cá nhân.
- Việc tổ chức thực hiện đảm bảo thiết
thực, hiệu quả, không phô trương, hình thức; đẩy mạnh xã hội hóa để từng bước
giảm dần việc sử dụng kinh phí Nhà nước trong tổ chức trồng cây xanh trên địa
bàn tỉnh.
- Sau khi thực hiện trồng cây, các địa
phương tổ chức kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, biểu dương khen thưởng kịp
thời những tổ chức, cá nhân điển hình làm tốt; báo cáo kế hoạch tổ chức và kết
quả thực hiện về UBND tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
để theo dõi và chỉ đạo thực hiện.
II. Nhiệm vụ
1. Công tác tuyên
truyền
Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, động viên
cán bộ, đảng viên và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh tích cực tham gia phong
trào trồng cây phân tán, trồng rừng. Việc tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây
xanh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; phát huy
vai trò lãnh đạo, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, đoàn
thể, cơ quan, đơn vị các cấp và huy động sự tham gia vào cuộc của các đoàn thể,
doanh nghiệp, cán bộ, Đảng viên, công chức, viên chức, chiến sỹ lực lượng vũ
trang và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ.
2. Chỉ tiêu trồng
cây xanh
- Trồng khu vực hành lang an toàn hệ
thống đường địa phương (đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường
khác thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và
UBND các xã, phường, thị trấn): 209 nghìn cây.
- Trồng khu dân cư, công cộng, công sở,
trang trại, trường học, nhà máy, khu công nghiệp, khu Văn hóa - Lịch sử, khu du
lịch...: 387 nghìn cây.
- Trồng khu vực vườn đồi, vườn nhà, đất
lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán (có diện tích nhỏ hơn 0,3 ha): 4.504 nghìn cây.
- Trồng rừng phòng hộ tập trung: 400
nghìn cây (không bao gồm diện tích trồng rừng thay thế).
(Chi
tiết có biểu 01 đính kèm)
3. Đối tượng thực
hiện
Thực hiện trên đối tượng chủ yếu là
trồng cây xanh phân tán bao gồm cây xanh đô thị, cây lâm nghiệp trồng phân tán
và một phần diện tích rừng trồng tập trung bao gồm trồng rừng phòng hộ, trồng mới
rừng sản xuất là rừng gỗ lớn, không tính diện tích trồng rừng thay thế và trồng
lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ, trong đó:
3.1. Trồng cây xanh phân tán, gồm
a) Cây xanh đô thị: Cây xanh sử dụng
công cộng (đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường và các khu vực công cộng
khác trong đô thị); cây xanh sử dụng hạn chế (khuôn viên các trụ sở, trường học,
bệnh viện, nghĩa trang, các công trình tín ngưỡng, biệt thự, nhà ở và các công
trình công cộng khác do các tổ chức, cá nhân quản lý và sử dụng) và cây xanh
chuyên dụng trong đô thị (vườn ươm hoặc cây xanh phục vụ nghiên cứu), theo quy
định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP .
b) Cây xanh nông thôn: Cây lâm nghiệp
được trồng trên diện tích đất vườn, đất ven đường, ven kênh mương, bờ vùng bờ đồng,
các mảnh đất nhỏ phân tán khác (diện tích dưới 0,3 ha) theo quy định tại Thông
tư số 12/2019/TT-BNNPTNT ; cây xanh công cộng tại khu trung tâm, khu văn hóa lịch
sử, tôn giáo, khu cụm công nghiệp, cây phòng hộ ngoài đồng ruộng, cây phòng hộ
chống cát ven biển, cây chống xói mòn theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy
hoạch xây dựng QCVN 01: 2019/BXD.
3.2. Trồng cây xanh tập trung, gồm
a) Trồng
rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư; rừng phòng hộ biên giới;
b) Trồng rừng phòng hộ chắn gió, chắn
cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển (rừng ngập mặn).
c) Trồng rừng sản xuất với mục đích gỗ
lớn.
3.3. Danh mục tiêu chuẩn cây trồng
và nguồn cung ứng cây trồng
3.3.1. Danh mục các loài cây trồng
phân theo chức năng và địa điểm trồng
a) Phân theo chức năng các loài
cây
- Nhóm cây bóng mát kết hợp lấy gỗ lớn:
Tổng số 13 loài, cụ thể: Lát hoa, Xà cừ, Long Não, Giổi, Sao đen, Tếch, Nhội,
Sưa, Muồng đen, Giáng Hương, Re hương, Chò Nâu, Chò chỉ.
- Nhóm cây cảnh quan: Tổng số 11
loài, cụ thể: Phượng vĩ, Ngọc Lan, Lộc vừng, Ban, Muồng Hoàng Yến, Bàng, Hoa
hòe, Vàng anh, Gạo hoa đỏ, Hoa anh đào, Phượng Hoàng lửa.
- Nhóm cây bóng mát kết hợp ăn quả: Tổng
số 18 loài, cụ thể: Sấu, Trám đen, Bơ, Mít, Nhãn (ghép), Vải, Xoài (ghép), Hồng
dòn, Đào, Me, Dẻ ăn quả, Mắc mật, Bưởi, Vú sữa, Mận, Mơ, Quất hồng bì.
- Nhóm cây trồng bóng mát kết hợp với
tâm linh: Tổng số 9 loài, cụ thể: cây Sung, Si, Đa, Bồ đề, Hoàng Lan, Đại, Kim
giao, Tùng bách tán, Ngọc lan.
b) Phân theo địa điểm trồng
- Danh mục cây trồng dọc tuyến giao
thông: Tổng số 23 loài, cụ thể: Sấu, Bơ, Hoa ban, Me; Nhãn, Lát hoa, Xà cừ,
Long Não, Giổi, Sao đen, Tếch, Nhội, Sưa, Muồng đen, Giáng Hương, Re hương, Chò
Nâu, Chò chỉ, Gạo hoa đỏ, Trám đen, Ngọc lan, Hoàng lan, Ban.
- Danh mục cây trồng trong khuôn viên
trường học. Tổng số 17 loài, cụ thể: Đào, Ban, Bàng, Sấu, Lát hoa, Kim giao, Xà
cừ, Tếch, Phượng vĩ, Lộc vừng, Muồng Hoàng Yến, Bàng đài loan, Hoa hòe, Vàng
anh, Ngọc Lan, Long não, Hoa anh đào.
- Danh mục cây trồng tại các khu đô
thị, cơ quan đơn vị: Tổng số 22 loài, cụ thể: Sấu, Lát hoa, Xà cừ, Long Não, Giổi
ăn hạt, Sao đen, Tếch, Nhội, Muồng đen, Giáng Hương, Re hương, Chò Nâu, Chò chỉ,
Phượng vĩ, Ngọc Lan, Lộc vừng, Ban, Muồn hoàng yến, Bàng đài loan, Vàng anh,
Bàng, Tùng Bách tán.
- Danh mục cây trồng tại các bệnh viện,
trạm y tế: Tổng số 15 loài, cụ thể: Sấu, Xà cừ Long não, Hồng dòn, Sao đen, Ngọc
Lan, Lộc vừng, Vàng anh, Tùng Bách Tán, Bàng, Phượng vĩ, Nhội, Giổi, Đào phai,
Quất hồng bì.
- Danh mục cây trồng tại các điểm di
tích lịch sử, các điểm du lịch. Tổng số 18 loài, cụ thể: Cây Ban, Sung, Xi, Đa,
Bồ đề, Ngọc Lan, Hoàng Lan, Kim giao, Bách tán, Đại, Gạo, Đào, Sa mộc, Thiên tuế,
Sưa đỏ, Hoa anh đào, Mận, Mơ, Cây Phượng hoàng lửa.
- Danh mục cây trồng tại vườn đồi, vườn
nhà, diện tích lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán (dưới 0,3 ha): Tổng số 43 loài, cụ
thể: Lát hoa, Xà cừ, Long não, Giổi, Sao đen, Tếch, Nhội, Sưa, Muồng đen, Giáng
hương, Re hương, Chò nâu, Chò chỉ, Mỡ, Phượng vĩ, Ngọc lan, Lộc vừng, Ban, Sấu,
Trám, Bơ, Mít, Nhãn, Vải, Xoài, Hồng dòn, Đào, Dẻ ăn hạt, Mắc mật, Bưởi, Vú sữa,
Sung, Si, Đa, Bồ đề, Hoàng lan, Kim giao, Đại, Tùng bách tán, Mơ, Mận, Quất hồng
bì, Keo.
- Ngoài ra đối với canh xanh đô thị:
Thực hiện quy định tại Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Thủ tướng
Chính phủ về quản lý cây xanh đô thị và Quy định về quản lý cây xanh đô thị,
Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 27 tháng 4 năm 2020 về việc ban hành quy định
về quản lý cây xanh trên địa bàn tỉnh Ninh Bình hiện hành.
3.3.2. Tiêu chuẩn cây trồng:
- Đảm bảo về đường kính gốc, chiều
cao, loại bầu,... theo quy định tại biểu 02, cây đơn thân chưa phân cành.
- Cây thẳng, dáng cân đối, không sâu
bệnh.
- Cây có rễ ăn sâu, không có rễ nổi.
- Cây lá xanh quanh năm, không rụng
lá trơ cành vào mùa đông.
- Cây không có gai sắc nhọn, hoa quả
mùi khó chịu, không độc.
(Chi
tiết theo biểu 02 đính kèm)
3.3.3. Nguồn cây trồng
Căn cứ Kế hoạch trồng cây hàng năm,
các địa phương chủ động gieo ươm đảm bảo đủ số lượng cây giống có chất lượng với
loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp các tiêu chuẩn kỹ thuật.
4. Quản lý, chăm
sóc cây trồng
- Cây xanh đô thị: Tổ chức quản lý,
chăm sóc cây xanh theo Nghị định số 64/2010/NĐ-CP ngày 11/6/2010 của Chính phủ;
Quyết định số 13/2020/QĐ-UBND ngày 27/4/2020 của UBND tỉnh.
- Khu vực nông thôn: Xác định rõ
trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị và các địa phương trong việc
lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây xanh; giao nhiệm
vụ cho các cơ quan, đơn vị các cấp, các ngành phụ trách từng khu vực, địa điểm
trồng cây từ khâu chăm sóc, bảo vệ cây trồng đến khi cây trưởng thành; thường
xuyên đánh giá số lượng, tình hình sinh trưởng, phát triển của cây trồng để gắn
với việc đánh giá thực hiện nhiệm vụ hàng năm và kiểm điểm việc học tập và làm
theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong mỗi cán bộ Đảng viên và cơ quan đơn vị,
tổ, bản, xã, phường.
- Rừng trồng tập trung: Quản lý theo
Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16/11/2018 của Chính phủ.
5. Phạm vi thực
hiện: 8 huyện, thành phố của tỉnh.
6. Thời gian, tiến
độ thực hiện: Trong 5 năm từ năm 2021 đến hết năm
2025.
(Chi
tiết theo biểu 03 đính kèm).
III. DỰ KIẾN KINH
PHÍ THỰC HIỆN
Tổng kinh phí thực hiện Kế hoạch là
159.731 triệu đồng, trong đó:
- Ngân sách tỉnh: 13.542 triệu đồng;
- Ngân sách huyện, thành phố: 6.957
triệu đồng;
- Các nguồn vốn hợp pháp khác:
139.232 triệu đồng.
(Chi
tiết theo biểu 04 đính kèm)
II. TỔ CHỨC THỰC
HIỆN
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở,
ngành, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan triển khai, tổ chức
thực hiện Kế hoạch này.
- Xây dựng dự toán kinh phí từ nguồn
ngân sách nhà nước hỗ trợ mua cây giống trồng trên diện tích vườn đồi, vườn
nhà, đất lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán (diện tích <0,3 ha) và kinh phí triển
khai, kiểm tra, giám sát, đánh giá, sơ kết, tổng kết thực hiện Kế hoạch trồng
cây xanh của các địa phương, gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê
duyệt thực hiện.
- Chủ trì hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng
đặc dụng, trồng rừng phòng hộ, trồng rừng sản xuất, trồng cây phân tán khu vực
vườn đồi, vườn nhà, đất lâm nghiệp nhỏ lẻ, phân tán có diện tích nhỏ hơn 0,3
ha;
- Phối hợp với UBND các huyện, thành
phố và các đơn vị liên quan xây dựng phương án chuẩn bị đủ cây giống đảm bảo chất
lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật
hiện hành.
- Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực
hiện Kế hoạch; tổ chức sơ kết, tổng kết; đầu mối tổng hợp Kế hoạch, kết quả thực
hiện; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo
quy định.
2. Sở Tài
chính: Hàng năm căn cứ khả năng cân đối của ngân sách tỉnh, chủ trì phối hợp với
Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và các sở, ban, ngành liên quan tham mưu
cho UBND tỉnh bố trí nguồn kinh phí chi thường xuyên để thực hiện Kế hoạch theo
quy định của Luật Ngân sách nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan; hướng
dẫn các đơn vị thanh quyết toán nguồn kinh phí theo quy định.
3. Sở Kế
hoạch và Đầu tư: Phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND các
huyện, thành phố và các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND
tỉnh về cơ chế, chính sách hỗ trợ, ưu đãi, khuyến kích các tổ chức, cá nhân
tham gia đầu tư phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
4. Sở
Giao thông Vận tải
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên
quan rà soát, xác định đoạn đường và các tuyến đường đủ điều kiện và đảm bảo
đúng các quy định để trồng cây xanh trong phạm vi hành lang an toàn hệ thống đường
địa phương (Hệ thống đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường đô thị và đường
khác thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, UBND các huyện, thành phố và UBND các
xã, phường, thị trấn).
- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc
thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng khu vực hành lang các tuyến
giao thông theo quy định.
- Trong quá trình lập, thẩm định, hoặc
tham gia ý kiến đầu tư các dự án công trình giao thông đi qua đô thị (đường quốc
lộ, đường tỉnh,...) có liên quan đến hạng mục trồng cây
xanh phải xem xét, đánh giá xác định tỷ lệ cây xanh, chủng loại, vị trí, khoảng
cách cây trồng và các yêu cầu khác về cây trồng theo quy định và quy chuẩn xây
dựng Việt Nam được ban hành.
- Phối hợp với các cơ quan liên quan
trong công tác quy hoạch, trồng, di chuyển, chặt hạ cây xanh trong phạm vi đất
của đường bộ đối với các quốc lộ được ủy quyền quản lý và đường tỉnh do Sở Giao
thông Vận tải quản lý.
5. Sở Xây
dựng
- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị
liên quan tổ chức rà soát, đánh giá đầy đủ thực trạng quản lý cây xanh đô thị,
khu công nghiệp; xác định rõ mục tiêu, kế hoạch trồng cây
xanh đô thị theo hướng nâng cao diện tích cây xanh/đầu người.
- Chủ trì, hướng dẫn, kiểm tra, giám
sát việc thực hiện trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây trồng tại các khu đô thị;
tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý nhà nước đối với hệ thống cây xanh đô thị trên
địa bàn tỉnh; thẩm định các nội dung về bố trí không gian xanh trong các dự án
đảm bảo tỷ lệ theo quy định.
6. Sở Tài
nguyên và Môi trường: Chủ trì, Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn và các đơn vị có liên quan xác định, bố trí quỹ đất cho các dự án trồng cây
xanh; tạo môi trường sử dụng đất thuận lợi để các tổ chức, cá nhân tham gia
phát triển cây xanh trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.
7. Bộ Chỉ
huy Quân sự tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội Biên phòng tỉnh:
- Xây dựng Kế hoạch, hướng dẫn, kiểm
tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo vệ cây trồng trên diện
tích đất được giao quản lý.
- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc đóng
quân ở các địa phương cử lực lượng tham gia thực hiện Kế hoạch trồng cây xanh tại
địa phương đó.
8. Công
an tỉnh: Hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm sóc quản lý bảo
vệ cây xanh tại trụ sở Công an tỉnh và các đơn vị trực thuộc; Tham gia thực hiện
Kế hoạch trồng cây xanh trên địa bàn toàn tỉnh.
9. Sở
Thông tin Truyền thông, Báo Ninh Bình, Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh: Phối hợp
với các ngành, các cấp liên quan đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về mục đích,
ý nghĩa của việc trồng cây xanh trên địa bàn các huyện, thành phố đến các tổ chức
và người dân bằng nhiều hình thức để người dân biết, tích cực tham gia thực hiện.
10. Các sở,
ngành có liên quan: Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện trồng, chăm
sóc, quản lý bảo vệ cây trồng tại khuôn viên trụ sở cơ
quan và các đơn vị trực thuộc quản lý.
11. Đề
nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên tích cực
tham gia vào thực hiện Kế hoạch với phương châm trồng cây, trồng rừng, chăm sóc
và bảo vệ cây xanh là trách nhiệm và nghĩa vụ của mọi tổ chức, cá nhân, hộ gia
đình để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, phát triển đất
nước bền vững.
12. Các tổ
chức quản lý, sử dụng công trình chuyên ngành (điện, nước, hạ tầng viễn thông)
Trong quá trình thi công, sửa chữa, xử
lý kỹ thuật công trình chuyên ngành, có trách nhiệm thông báo, phối hợp chặt chẽ
với các tổ chức được phân cấp quản lý và đơn vị đang thực hiện dịch vụ về quản
lý cây xanh để bảo đảm kỹ thuật, mỹ thuật và sự an toàn về cây xanh trước khi
triển khai xây dựng, sửa chữa công trình.
13. Ủy
ban nhân dân huyện, thành phố
- Tổ chức rà soát quy hoạch sử dụng đất,
trong đó xác định quỹ đất trồng rừng phòng hộ, đất trồng mới rừng sản xuất gỗ lớn;
đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, đất phát triển trồng cây xanh phân tán
vùng nông thôn; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm
và cả giai đoạn 2021-2025 đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu Kế hoạch được UBND tỉnh
giao. Giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các xã, phường, thị trấn,
các cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối
tượng trồng cây phân tán phải có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng.
Tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang
và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự
án phát triển cây xanh trên địa bàn. Tổ chức, duy trì, phát triển phong trào “Tết
trồng cây” và trồng cây nhân dân hàng năm; giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây cho
các địa phương, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư. Tạo điều kiện để các cơ
quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân
dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.
- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám
sát, phân công trách nhiệm cho các địa phương, tổ chức, đoàn thể trong quá
trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.
- Bố trí nguồn ngân sách địa phương,
huy động các nguồn vốn hợp pháp khác từ các tổ chức, cá nhân, cộng đồng trong
và ngoài nước theo quy định góp phần thực hiện thắng lợi Kế hoạch trồng cây
xanh, trồng rừng tại địa phương.
- Chế độ báo cáo: Báo cáo tháng thực
hiện vào ngày 18 hàng tháng, báo cáo quý thực hiện vào ngày 18 của tháng cuối
quý và báo cáo năm thực hiện vào ngày 18 tháng 12 hàng năm. Báo cáo gửi về Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn qua Chi cục Kiểm lâm đồng thời gửi file mềm
về địa chỉ Email: ptrklnb@gmail.com để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh.
- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh
nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng, nhân rộng
điển hình những tổ chức, cá nhân làm tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi
phá hại rừng, cây xanh. Chỉ đạo lập hồ sơ theo dõi, quản lý số lượng cây đã trồng
và tổng kết đánh giá kết quả thực hiện hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Nông
nghiệp & PTNT).
Kế hoạch này thay thế Kế hoạch số
25/KH-UBND ngày 08 tháng 02 năm 2021 của UBND tỉnh.
Trên đây là Kế hoạch trồng cây xanh
giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Ninh Bình. UBND tỉnh yêu cầu các đơn vị
có liên quan nghiêm túc triển khai thực hiện có hiệu quả. Giao Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn là cơ quan đầu mối, phối hợp các đơn vị có liên quan
đôn đốc, theo dõi, hướng dẫn và triển khai thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả
thực hiện báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh
theo quy định./.
Nơi nhận:
- Thường trực Tỉnh ủy (để
b/cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành cấp tỉnh;
- UBND các huyện, thành phố;
- Các đơn vị có liên quan;
- Lưu VT, VP 2,3,5,6.
Bh_VP3_Kh09.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Trần Song Tùng
|