Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 3238/KH-UBND Loại văn bản: Kế hoạch
Nơi ban hành: Tỉnh Bình Thuận Người ký: Nguyễn Văn Phong
Ngày ban hành: 30/08/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH THUẬN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3238/KH-UBND

Bình Thuận, ngày 30 tháng 8 năm 2021

KẾ HOẠCH

THỰC HIỆN QUYẾT ĐỊNH SỐ 524/QĐ-TTG NGÀY 01 THÁNG 4 NĂM 2021 CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TRỒNG MỘT TỶ CÂY XANH GIAI ĐOẠN 2021 - 2025” TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH THUẬN

Căn cứ Luật Lâm nghiệp năm 2017;

Căn cứ Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Quyết định số 2532/QĐ-TTg ngày 28 tháng 12 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030;

Căn cứ Kế hoạch số 2616/KH-BNN-TCLN ngày 07 tháng 5 năm 2021 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”;

Căn cứ Quyết định số 3656/QĐ-UBND ngày 27 tháng 12 năm 2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch 03 loại rừng tỉnh Bình Thuận giai đoạn 2021 - 2025;

Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án trồng 01 tỷ cây xanh của Chính phủ, đưa kế hoạch trồng cây xanh trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, trong từng khu dân cư nông thôn, khu đô thị, khuôn viên trường học, khu công nghiệp, công sở... với sự tham gia của mọi người dân; huy động tối đa nguồn lực của xã hội, nhằm từng bước nâng cao chất lượng và độ che phủ của rừng, tăng cường sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường sinh thái, cải thiện cảnh quan và ứng phó với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân.

2. Yêu cầu:

- Xác định cụ thể, giao chỉ tiêu, kế hoạch trồng rừng, trồng cây phân tán trong cả giai đoạn và từng năm đến các huyện, thị xã, thành phố, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, chủ rừng làm cơ sở triển khai thực hiện.

- Phát triển cây xanh cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cơ quan, đơn vị, toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân từ tỉnh đến cơ sở tham gia trồng rừng, trồng cây xanh; tập trung quyết liệt trong công tác điều hành, chỉ đạo, chủ động giải quyết những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.

- Việc tổ chức trồng rừng, trồng cây xanh phải đúng thời vụ, lựa chọn cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, phù hợp với quy định tiêu chuẩn cây trồng để thực hiện. Sau khi trồng rừng, trồng cây xanh phải gắn trách nhiệm của từng cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác chăm sóc, quản lý bảo vệ để đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt đem lại hiệu quả thiết thực về kinh tế - xã hội, môi trường, cảnh quan.

- Tuyên truyền, tổ chức phải thiết thực, hiệu quả, không phô trương hình thức; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và mọi tầng lớp nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Sau khi tổ chức trồng cây, các địa phương, cơ quan, đơn vị phải tiến hành biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào trồng cây, trồng rừng; kiểm tra, đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết vướng mắc, nhân rộng mô hình tốt, đảm bảo thực hiện Kế hoạch thành công; hàng tháng tổng hợp, báo cáo kết quả về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Nhiệm vụ:

Phấn đấu thực hiện trồng được 10 triệu cây xanh trong giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn toàn tỉnh, cụ thể: 9,306 triệu cây phân tán và 0,694 triệu cây trồng rừng tập trung. Trong đó, đảm bảo đạt chỉ tiêu được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao là 9,1 triệu cây (gồm 8,5 triệu cây phân tán và 0,6 triệu cây trồng rừng tập trung).

1.1. Trồng cây xanh phân tán (cả khu vực đô thị và nông thôn):

a) Số lượng: 9,306 triệu cây, trong đó:

- Khu vực đô thị: 1,474 triệu cây;

- Khu vực nông thôn: 7,832 triệu cây.

b) Loài cây trồng: Chọn loài cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái cây trồng, tập quán canh tác của từng địa phương, từng khu vực cụ thể; ưu tiên trồng cây bản địa, các loài cây thân gỗ, cây đa mục đích, cây có giá trị bảo vệ môi trường…

(Kèm theo danh mục loài cây trồng từng khu vực tại biểu 01).

c) Địa điểm trồng:

- Khu vực đô thị: Trồng trên đường phố, công viên, vườn hoa, quảng trường, khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, các công trình tín ngưỡng, nhà ở, khu (cụm) công nghiệp, các khu vực xung yếu có nguy cơ sạt lở cao và các công trình công cộng khác… trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

- Khu vực nông thôn: Trồng trên đất vườn, hành lang giao thông, đường giao thông nông thôn, ven sông, kênh mương, bờ vùng, bờ đồng, nương rẫy; công viên, vườn hoa, trong khuôn viên các trụ sở, trường học, bệnh viện, trạm y tế, nhà ở, các công trình tín ngưỡng, khu văn hóa lịch sử, tôn giáo, nhà máy, xí nghiệp, khu cụm công nghiệp, khu chế xuất; kết hợp bảo vệ khu canh tác nông nghiệp và các mảnh đất nhỏ phân tán; các khu vực có nguy cơ sạt lở cao, đất bị suy thoái, sa mạc hóa, bãi thải khai thác khoáng sản và đất chưa sử dụng khác,… trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố.

1.2. Trồng rừng tập trung (Thực hiện trồng trên diện tích đất trống thuộc đối tượng rừng sản xuất, không tính trồng lại rừng sản xuất sau khai thác gỗ; đối với diện tích thuộc đối tượng rừng phòng hộ, đặc dụng ưu tiên sử dụng nguồn vốn trồng rừng thay thế và các nguồn vốn hợp pháp khác):

a) Số lượng: 0,694 triệu cây (tương đương 424,8 ha).

b) Loài cây trồng: Tập trung trồng các loài cây có năng suất, chất lượng cao, khuyến khích sử dụng các giống cây sản xuất bằng mô, hom; kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày; chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn ở những nơi có điều kiện thích hợp.

c) Địa điểm trồng: Trên diện tích đất trống và khu vực bị lấn chiếm thuộc đối tượng rừng sản xuất của các Ban Quản lý rừng… thuộc địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh Bình Thuận.

(Chi tiết thể hiện tại biểu 02, 03, 04)

2. Giải pháp thực hiện:

2.1. Rà soát bố trí đất, xây dựng kế hoạch:

- Các địa phương tổ chức rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, trong đó xác định quỹ đất trống được quy hoạch trồng mới rừng sản xuất; đất quy hoạch trồng cây xanh đô thị, khu dân cư, công sở, đường giao thông; đất trồng cây xanh nông thôn, khu công nghiệp và các khu vực xung yếu khác,…; xây dựng kế hoạch trồng rừng, trồng cây xanh phân tán hàng năm và cả giai đoạn 2021-2025 để huy động nguồn lực thực hiện.

- Đảm bảo diện tích đất đai thuộc các đối tượng trồng rừng và trồng cây phân tán có chủ quản lý cụ thể, rõ ràng. Diện tích đất có khả năng trồng cây thuộc các tổ chức, hộ gia đình thì các tổ chức và hộ gia đình có trách nhiệm quản lý và có kế hoạch cụ thể để trồng, chăm sóc cây xanh hàng năm. Đối với diện tích đất công, các công trình công cộng, đường sá, bờ kênh mương thuỷ lợi… thì chính quyền địa phương xem xét, tổ chức giao cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, hiệp hội, đoàn thể quần chúng tham gia trồng, chăm sóc, quản lý bảo vệ cây phân tán phù hợp với quy định và điều kiện thực tế.

2.2. Về cây giống:

- Đối với loài cây xanh trồng trong đô thị, tham khảo lựa chọn trong danh mục theo Tiêu chuẩn Quốc gia TCVN 9257:2012 và theo danh mục tại Quy định phân cấp, quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 13 tháng 10 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh.

- Đối với loài cây trồng rừng tập trung và trồng cây phân tán vùng nông thôn: Lựa chọn theo danh mục loài cây trồng lâm nghiệp chính tại Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018 và danh mục các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất và danh mục các loài cây chủ yếu trồng rừng theo các vùng sinh thái lâm nghiệp theo Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17 tháng 11 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

- Nghiên cứu, chọn tạo giống cây trồng rừng có năng suất cao, sức chống chịu tốt, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học. Ưu tiên trồng cây gỗ quý hiếm, cây bản địa, cây gỗ lớn lâu năm, cây đa tác dụng.

2.3. Về kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng:

a) Đối với trồng cây xanh phân tán:

- Khu vực đô thị:

+ Lựa chọn loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với mục đích, cảnh quan và điều kiện sinh thái cây trồng của từng địa phương, từng khu vực cụ thể. Các loại cây trồng phải đảm bảo các yêu cầu sau: Cây phải chịu được gió, bụi, sâu bệnh; thân đẹp, dáng đẹp; có rễ ăn sâu, không có rễ nổi; cây lá xanh quanh năm, không rụng lá trơ cành hoặc cây có giai đoạn rụng lá trơ cành vào mùa đông nhưng dáng đẹp, màu đẹp và có tỷ lê thấp; cây có hoa màu sắc phong phú theo 04 mùa; không có quả gây hấp dẫn ruồi muỗi; không có gai sắc nhọn, hoa quả mùi khó chịu; có bố cục phù hợp với quy hoạch được duyệt.

+ Việc trồng cây xanh đô thị phải tuân thủ quy hoạch đô thị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

+ Việc trồng cây xanh đô thị phải bảo đảm đúng quy trình kỹ thuật, đúng chủng loại, tiêu chuẩn cây và bảo đảm an toàn; cây mới trồng phải được bảo vệ, chống giữ thân cây chắc chắn, ngay thẳng đảm bảo cây sinh trưởng và phát triển tốt.

+ Cây trồng phải được định kỳ chăm sóc, kiểm tra và xác định tình trạng phát triển của cây để có biện pháp theo dõi, bảo vệ và xử lý kịp thời các tác động ảnh hưởng tới sự phát triển của cây.

+ Việc chăm sóc, cắt tỉa cây phải tuân thủ quy trình kỹ thuật đồng thời phải có biện pháp bảo đảm an toàn cho người, phương tiện và công trình.

- Khu vực nông thôn:

+ Lựa chọn loài cây trồng phù hợp với điều kiện lập địa, tập quán canh tác, ưu tiên trồng cây bản địa lâu năm, cây gỗ lớn, trồng cây đa mục đích. Loài cây trồng chủ yếu trồng theo danh mục các vùng sinh thái lâm nghiệp (Quyết định số 4961/QĐ-BNN-TCLN ngày 17 tháng 11 năm 2014 ) và danh mục các loài cây chủ lực trồng rừng sản xuất (Thông tư số 30/2018/TT-BNNPTNT ngày 16 tháng 11 năm 2018) của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

+ Tổ chức trồng, chăm sóc rừng và cây phân tán theo tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể của từng loài cây.

b) Đối với trồng rừng tập trung:

- Hình thành vùng rừng trồng tập trung trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất, áp dụng công nghệ hiện đại và kỹ thuật thâm canh rừng để nâng cao năng suất rừng trồng, cung cấp nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Khuyến khích sử dụng các loài cây bản địa; trồng rừng hỗn loài, kết hợp trồng cây gỗ nhỏ mọc nhanh và cây gỗ lớn dài ngày ở những nơi có điều kiện thích hợp.

- Tiêu chuẩn cây giống và kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng theo quy trình trồng rừng của từng loài cây (ban hành tại Quyết định số 664/QĐ-UBND ngày 15 tháng 3 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy trình kỹ thuật lâm sinh và khai thác tre nứa ban hành tại Quyết định số 3258/QĐ-CT.UBBT ngày 18 tháng 11 năm 2002 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh).

* Giao Sở Xây dựng hướng dẫn và thực hiện chức năng quản lý nhà nước về cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn về kỹ thuật đối với trồng rừng tập trung và trồng cây xanh khu vực nông thôn.

2.4. Về huy động nguồn lực:

Tăng cường huy động moi nguồn lực xã hội, thực hiện đa dạng hóa nguồn vốn triển khai để trồng và bảo vệ cây xanh, trong đó:

- Tăng cường huy động vốn từ xã hội hóa, vốn đóng góp hợp pháp của các doanh nghiệp và vận động tài trợ của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân tham gia trồng rừng, trồng cây xanh thông qua các dự án tài trợ hoặc sáng kiến thành lập quỹ trồng cây xanh của các địa phương, doanh nghiệp, hiệp hội, tập đoàn kinh tế,… sử dụng để mua vật tư, cây giống hỗ trợ cho các phong trào, dự án trồng cây phân tán.

- Kêu gọi các nhà tài trợ phát triển rừng sản xuất, trồng cây xanh.

- Kết hợp thực hiện lồng ghép các chương trình đầu tư công của nhà nước như: Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2025; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025; Các dự án phát triển hạ tầng đô thị, xây dựng khu công nghiệp, công sở, làm đường giao thông có hạng mục trồng cây xanh được các bộ ngành, địa phương triển khai thực hiện; các chương trình chương trình phát triển kinh tế xã hội khác,…

- Ngoài sự đóng góp về vốn để mua vật tư, cây giống; tích cực huy động nguồn lực về lao động, sự tình nguyện tham gia của các tổ chức, đoàn thể, quần chúng, các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

- Các nguồn lực hỗ trợ ở cấp tỉnh thông qua Quỹ Bảo vệ và phát triển rừng tỉnh để triển khai thực hiện; các nguồn lực hỗ trợ ở cấp huyện thông qua Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo tiếp nhận và triển khai thực hiện.

2.5. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao năng lực, nhận thức:

- Thường xuyên tổ chức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội.

- Tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ”, nâng chỉ tiêu trồng cây phân tán hàng năm cao hơn so với bình quân giai đoạn 2016-2020.

- Phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, chủ rừng và toàn xã hội trong việc bảo vệ và phát triển rừng, trồng cây xanh.

- Tiếp tục xây dựng các tài liệu tuyên truyền, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật trồng rừng sản xuất và trồng, chăm sóc cây xanh đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

- Phát động phong trào thi đua như “Ngày Chủ Nhật xanh”, “Ngày Chủ Nhật nông thôn mới”, “Trồng thêm một cây xanh là thêm một hành động vì môi trường”, “Màu xanh cho tương lai”… để kêu gọi, vận động toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội. Đưa nhiệm vụ trồng cây trở thành phong trào thi đua của các cấp, các ngành và moi người dân.

III. KINH PHÍ THỰC HIỆN:

Tổng nhu cầu kinh phí thực hiện kế hoạch trồng 10 triệu cây xanh cho cả giai đoạn 2021 - 2025 là 619.876,7 triệu đồng, trong đó:

- Vốn từ ngân sách Nhà nước (ngân sách Trung ương và các nguồn sự nghiệp khác): 20.447,2 triệu đồng (chủ yếu hỗ trợ đầu tư cho các công trình trồng mới rừng sản xuất và trồng cây lâm nghiệp phân tán theo chính sách của Chương trình mục tiêu phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021 - 2025 được Chính phủ phê duyệt, hỗ trợ đầu tư cây xanh thuộc các tuyến đường giao thông đầu tư từ nguồn vốn ngân sách nhà nước…).

- Nguồn thu chi từ chi trả dịch vụ môi trường rừng: 1.798,9 triệu đồng (hỗ trợ đầu tư cho các công trình trồng rừng chống tái lấn chiếm đối với các diện tích nằm trong lưu vực chi trả dịch vụ môi trường rừng).

- Vốn của các tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư: 547.200 triệu đồng (thực hiện đối với các dự án trồng cây xanh đô thị, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất và các tuyến đường giao thông… do chủ đầu tư, cơ quan quản lý thực hiện trên cơ sở các dự án, kế hoạch được duyệt).

- Vốn xã hội hóa: 50.430,6 triệu đồng (huy động từ khoản đóng góp của các tổ chức, doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng… cho các hoạt động trồng cây xanh phân tán cho khu vực nông thôn và các công trình công cộng khác thông qua hỗ trợ cây giống, các tổ chức, đoàn thể và người dân tham gia lao động trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh).

(Chi tiết đính kèm Biểu 05 và 06)

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn:

- Là đầu mối kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện Kế hoạch; tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Kịp thời tổng hợp, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét chỉ đạo, xử lý, giải quyết các vấn đề phát sinh.

- Chỉ đạo quản lý chặt chẽ chất lượng giống cây trồng theo quy định; hướng dẫn lựa chọn cơ cấu các loài cây trồng phù hợp với địa phương; tuyên truyền, phổ biến kỹ thuật trồng, chăm sóc cây trồng đảm bảo yêu cầu đề ra.

- Phối hợp với các Sở, ngành và các địa phương tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này gắn với việc duy trì và thực hiện có hiệu quả phong trào “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” hàng năm. Hướng dẫn các địa phương trồng cây lâm nghiệp phân tán vùng nông thôn.

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ kinh phí việc trồng rừng, trồng cây xanh theo kế hoạch phân bổ hàng năm để các địa phương, đơn vị liên quan triển khai thực hiện.

- Phối hợp, hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân quản lý cây xanh đô thị kịp thời phát hiện và ngăn ngừa các dịch sâu bệnh hại cây xanh đô thị và biện pháp phòng tránh, khắc phục.

- Hỗ trợ, hướng dẫn phát triển nguồn giống, chủng loại cây xanh trong danh mục cho phép nhằm tạo sự đa dạng, phong phú trong hệ thống cây xanh đô thị, phát triển cơ sở vườn ươm đạt tiêu chuẩn về giống phục vụ nhu cầu trồng cây xanh của tỉnh.

2. Sở Xây dựng:

- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và thành phố thực hiện việc quản lý cây xanh theo quy định tại Quyết định số 28/2020/QĐ-UBND ngày 13/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định phân cấp quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Thuận;

- Rà soát các quy hoạch xây dựng, trong đó bảo đảm không gian, diện tích đất cho phát triển cây xanh sử dụng công cộng theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về Quy hoạch xây dựng; hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố rà soát bố trí quỹ đất ổn định, lâu dài, đúng mục đích cho phát triển cây xanh, đảm bảo các tiêu chuẩn diện tích đất cây xanh sử dụng công cộng theo quy định theo hướng nâng cao diện tích cây xanh/đầu người tại các khu đô thị.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường:

Chủ trì, phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Xây dựng hướng dẫn các địa phương rà soát quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất phù hợp cho phát triển rừng và trồng cây xanh, đặc biệt là các vùng chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu để xác định các khu vực ưu tiên trồng cây.

4. Sở Giao thông vận tải:

Phối hợp với các địa phương thực hiện các dự án phát triển giao thông gắn với trồng cây xanh; bảo đảm các đường giao thông đô thị và nông thôn được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

5. Sở Công Thương, Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh:

Xác định rõ diện tích đất trong khuôn viên khu, cụm công nghiệp phục vụ trồng cây phân tán; hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc trồng cây phân tán tại các khu, cụm công nghiệp.

6. Sở Y tế, Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát quỹ đất tại khuôn viên trụ sở các cơ sở y tế, trường học, đảm bảo được trồng cây xanh bóng mát, tạo cảnh quan theo các tiêu chuẩn, quy định hiện hành.

7. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính:

Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính và các đơn vị liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh phân bổ nguồn kinh phí ngân sách Nhà nước đầu tư các chương trình, dự án về quản lý, bảo vệ, phát triển rừng và trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh.

8. Sở Thông tin và Truyền thông, Báo Bình Thuận, Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Thuận:

Định hướng nội dung và giải pháp để nâng cao hiệu quả trong công tác tuyên truyền về chủ trương và Kế hoạch thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, nhằm huy động các nguồn lực của toàn xã hội để thực hiện mục tiêu kế hoạch đề ra.

Tăng cường phổ biến, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin, đại chúng về vai trò, tác dụng của rừng và cây xanh trong bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, cung cấp giá trị kinh tế, xã hội; quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch này.

9. Các sở, ban, ngành khác có liên quan:

Theo chức năng và nhiệm vụ có trách nhiệm phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các địa phương tổ chức thực hiện Kế hoạch; phát động phong trào thi đua và chỉ đạo, tổ chức thực hiện kế hoạch trồng cây xanh trong cơ quan và các đơn vị trực thuộc nhân các ngày lễ lớn.

10. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố:

- Xây dựng và giao chỉ tiêu kế hoạch đến Ủy ban nhân dân các xã, thị trấn, thôn, xóm, các đoàn thể, các tổ chức xã hội, các trường học,... nhằm đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch được giao cả giai đoạn 2021 - 2025, trong đó cần xác định rõ nguồn kinh phí thực hiện (ngân sách Nhà nước, ngân sách xã hội hóa được huy động từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân,...).

Riêng đối với thành phố Phan Thiết: Sau khi tình hình dịch Covid được kiểm soát, khẩn trương phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tập đoàn Nova Group khảo sát, đề xuất cụ thể vị trí (ưu tiên trồng cây xanh đô thị, khu văn hóa - lịch sử, khu tưởng niệm, hành lang giao thông,…), sơ đồ trồng cây và chuẩn bị hố trồng để xây dựng chương trình “Trồng cây xanh giai đoạn 2021 - 2025 trên địa bàn tỉnh Bình Thuận” triển khai trong năm 2021 hoặc đầu năm 2022.

- Tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để mọi người dân, tổ chức hiểu mục đích, ý nghĩa của việc trồng rừng, trồng cây phân tán; khuyến khích việc tự nguyện đăng ký trồng rừng, trồng cây xanh phân tán từ cấp cơ sở như: thôn, xóm, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội, đoàn thanh niên, trường học, các cơ quan, doanh nghiệp,… làm cơ sở cho việc thực hiện có hiệu quả Kế hoạch đề ra.

- Kêu gọi, huy động các tổ chức, doanh nghiệp tham gia, chung tay đóng góp thực hiện trồng cây xanh vì cộng đồng,…

- Chỉ đạo gieo ươm, chuẩn bị đủ cây giống có chất lượng với loài cây và tiêu chuẩn cây trồng phù hợp với các tiêu chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn kỹ thuật cụ thể theo kế hoạch, dự án được duyệt.

- Xây dựng và tổ chức thực hiện các dự án phát triển cây xanh trên địa bàn; giao chỉ tiêu kế hoạch trồng cây hàng năm cho các xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị và từng khu dân cư; tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, đoàn thể, trường học, lực lượng vũ trang và nhân dân tích cực tham gia trồng cây, trồng rừng.

- Tổ chức kiểm tra, chỉ đạo, giám sát, phân công trách nhiệm cho các xã phường, thị trấn, các tổ chức, đoàn thể trong quá trình trồng, chăm sóc, bảo vệ, quản lý rừng và cây xanh.

- Hàng năm tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm, kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc, biểu dương khen thưởng những tổ chức, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về lâm nghiệp; báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh (bao gồm cả kết quả thực hiện của các cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn).

11. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh:

- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức, đoàn thể trong tuyên truyền, vận động thành viên tổ chức tham gia trồng, chăm sóc, quản lý, bảo vệ cây xanh; huy động và tiếp nhận nguồn vốn trong các tổ chức, doanh nghiệp, quyên góp của các hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng cho phát triển cây xanh; triển khai các hoạt động tình nguyện tham gia trồng, chăm sóc, bảo vệ cây xanh.

- Tăng cường giáo dục chính trị tư tưởng về mục đích, ý nghĩa của việc trồng và bảo vệ rừng, cây xanh; động viên, khuyến khích, kêu gọi toàn dân tham gia trồng cây, trồng rừng, tạo nên phong trào thường xuyên, liên tục, hiệu quả trong toàn xã hội.

- Vận động, hướng dẫn đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực bảo vệ rừng, bảo vệ cây xanh và môi trường, đồng thời triển khai thực hiện Kế hoạch có hiệu quả.

Trên đây là Kế hoạch thực hiện Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01 tháng 4 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh Bình Thuận. Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương và đề nghị các đoàn thể chính trị - xã hội, các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh khó khăn, vướng mắc thì các đơn vị kịp thời tổng hợp, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xem xét, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh điều chỉnh cho phù hợp./.


Nơi nhận:
- Văn phòng Chính phủ (báo cáo);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Các cơ quan thuộc UBND tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Mặt trận và các đoàn thể tỉnh;
- Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh;
- Lưu: VT, KT, Vân.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Phong

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Kế hoạch 3238/KH-UBND ngày 30/08/2021 thực hiện Quyết định 524/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021-2025” do tỉnh Bình Thuận

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


145

DMCA.com Protection Status
IP: 18.117.78.87
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!