ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẠC LIÊU
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 221/KH-UBND
|
Bạc Liêu, ngày 15
tháng 12 năm 2023
|
KẾ HOẠCH
NÂNG
CAO HIỆU QUẢ CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỰC HIỆN BỘ CHỈ SỐ ĐÁNH GIÁ KẾT
QUẢ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
Để nâng cao điểm số của Bộ chỉ số đánh giá kết quả
bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành Kế hoạch thực hiện với các nội dung chủ yếu sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
- Nhằm tiếp tục thực hiện tốt công tác đánh giá kết
quả thực hiện Bộ chỉ số về xếp hạng kết quả bảo vệ môi trường hàng năm trên địa
bàn tỉnh. Đồng thời, duy trì chỉ số thành phần đạt kết quả tốt và cải thiện các
chỉ số thành phần đạt kết quả chưa tốt, góp phần nâng cao Bộ chỉ số năm 2023 và
cho những năm tiếp theo.
- Phát huy vai trò, trách nhiệm của các Sở, Ban,
Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, nhất là vai trò người đứng
đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác bảo vệ môi trường thuộc lĩnh vực ngành, địa
phương quản lý.
II. PHƯƠNG HƯỚNG NÂNG CAO SỐ ĐIỂM
TRONG THỜI GIAN TỚI
Phấn đấu giữ vững các chỉ số cơ bản đạt yêu cầu và
nâng cao công tác bảo vệ môi trường để thực hiện các chỉ số có điểm số thấp, đề
nghị các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố thực hiện
một số nội dung sau:
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
chịu trách nhiệm:
- Đối với Chỉ số 2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở
lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, Ủy ban
nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra,
hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo thẩm quyền quản lý thực
hiện tốt công tác xử lý chất thải (vận hành thường xuyên, liên tục hệ thống
xử lý nước thải; hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải sinh
hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại,...) và thực hiện đảm
bảo báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ theo quy định.
- Đối với Chỉ số 05. Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử
lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng cường
công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý
thực hiện việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và vận hành thường xuyên, ổn định
hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Đối với Chỉ số 9. Tỷ lệ chất thải nguy hại được xử
lý đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố tăng cường hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh và dịch vụ
trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh phát sinh chất thải nguy hại phải
bố trí thu gom, phân loại, dán nhãn, bố trí khu vực lưu trữ tạm thời và định kỳ
hợp đồng với đơn vị có chức năng thu gom, xử lý.
- Đối với Chỉ số 11. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được phân loại tại nguồn:
Chủ trì, phối hợp với các ngành đoàn thể như: Hội
Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Tỉnh Đoàn, Liên minh Hợp tác xã tỉnh, Hội cựu
Chiến binh tỉnh,... triển khai nhân rộng các mô hình “Phân loại rác tại nguồn
tại hộ gia đình”, “Tận dụng rác thực phẩm làm thức ăn chăn nuôi” để
góp phần nâng cao nhận thức về phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn.
- Đối với Chỉ số 12. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và Chỉ số 13. Tỷ lệ bãi chôn lấp
chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh:
Tăng cường phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chỉ đạo các Trung tâm Dịch vụ đô thị các huyện, thị xã, thành
phố trên địa bàn quản lý thực hiện việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt
đảm bảo theo quy chuẩn quy định. Đôn đốc, nhắc nhở Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố tăng cường kêu gọi đầu tư các nhà máy xử lý rác thải trên địa
bàn tỉnh, nhằm đảm bảo đáp ứng về thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ
sinh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các bãi rác tập trung trên địa bàn tỉnh.
Tăng cường đôn đốc Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương thực
hiện việc xử lý ô nhiễm môi trường và đóng cửa các bãi rác đã ngừng hoạt động
theo quy định tại khoản 1 Điều 32 Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022
của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật
Bảo vệ môi trường.
- Đối với Chỉ số 14. Tỷ lệ khu vực đất bị ô nhiễm tồn
lưu được xử lý, cải tạo:
Tăng cường đôn đốc nhắc nhở Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập huấn
kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi hạn chế thấp nhất việc sử dụng thuốc bảo vệ
thực vật để tránh tồn lưu trong đất; tăng cường sử dụng các sản phẩm hữu cơ
thân thiện với môi trường.
- Đối với Chỉ số 22. Số trạm quan trắc tự động chất
lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị:
Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số
985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch
hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2025 và Công văn số 656/UBND-KT ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm
nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.
- Đối với Chỉ số 23. Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải
tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa
phương theo quy định của pháp luật:
Chủ trì, rà soát và tuyên truyền đến các dự án, cơ
sở, khu sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, khu công nghiệp có mức lưu lượng
xả thải lớn ra môi trường lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục
và kết nối, truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường theo lộ
trình chậm nhất đến ngày 31/12/2024 đối với các dự án có lưu lượng xả thải lớn
theo quy định tại khoản 4 Điều 97 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày
10/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Đối với Chỉ số 25. Số lượng công chức, cán bộ thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố đề nghị phân công, bố trí cán bộ phụ trách thực hiện nhiệm vụ bảo vệ
môi trường ổn định về số lượng và chất lượng đảm bảo yêu cầu công việc tại địa
phương.
- Đối với Chỉ số 26. Tỷ lệ xử lý thông tin phản
ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có
liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền
và kịp thời xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi
trường thuộc thẩm quyền quản lý thông qua đường dây nóng để góp phần ngăn ngừa,
giảm thiểu các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện có
hiệu quả Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành Quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường
trên địa bàn tỉnh.
2. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chịu trách nhiệm:
- Đối với Chỉ số 16. Tỷ lệ dân số nông thôn được sử
dụng nguồn nước hợp vệ sinh:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố tăng cường tuyên truyền, có kế hoạch đầu tư xây dựng các trạm cấp
nước tập trung cũng như mở rộng tuyến cấp nước để góp phần nâng cao tỷ lệ dân số
nông thôn được sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh.
- Đối với Chỉ số 18. Tỷ lệ diện tích đất của các
khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích đất quy hoạch cho
bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan rà
soát, đề xuất kiến nghị đến các cơ quan của Trung ương để thống nhất lại diện
tích đất của các khu bảo tồn thiên nhiên đã được thành lập trên tổng diện tích
đất quy hoạch cho bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học của tỉnh theo thực tế
hiện tại của địa phương.
- Đối với Chỉ số 19. Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới
tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp:
Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị
xã, thành phố rà soát, xác định quỹ đất trống, xây dựng Kế hoạch trồng rừng tập
trung trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ ven biển; xây dựng và tổ chức triển
khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng
Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025”
và Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 12/7/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc trồng
cây xanh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu, giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện “Đề án
trồng một tỷ cây xanh” của Thủ tướng Chính phủ.
- Đối với Chỉ số 20. Diện tích rừng tự nhiên bị
cháy, chặt phá:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo
lực lượng chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo
vệ rừng, bảo tồn đa dạng sinh học, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông
tin, tổ chức tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây bất lợi
đến rừng đặc dụng, phòng hộ. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
3. Sở Xây dựng chịu trách nhiệm:
- Đối với Chỉ số 01. Tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô
thị loại IV trở lên được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Phối hợp với địa phương và các đơn vị có liên quan
hoàn thiện việc quy hoạch các vị trí xây dựng nhà máy xử lý nước thải đô thị, mời
gọi đầu tư xây dựng nhằm góp phần xử lý giảm thiểu ô nhiễm môi trường do nước
thải sinh hoạt phát sinh tại các đô thị.
- Đối với Chỉ số 15. Tỷ lệ dân số đô thị được cung
cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung:
Phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố và các đơn vị có liên quan tăng cường nâng cấp, mở rộng tuyến cung cấp
nước sạch để nâng cao tỷ lệ dân số đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống
cấp nước tập trung.
4. Sở Công Thương chịu trách
nhiệm:
- Đối với Chỉ số 04. Tỷ lệ cụm công nghiệp có hệ thống
xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tham
mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư xây dựng hệ thống
xử lý nước thải tập trung và kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào các cụm công nghiệp,
nhằm góp phần nâng cao công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
- Đối với Chỉ số 21. Sản lượng điện từ năng lượng
tái tạo:
Tăng cường tuyên truyền, khuyến khích các đơn vị sản
xuất năng lượng tái tạo có lộ trình đầu tư thay đổi công nghệ sản xuất thân thiện
với môi trường, nâng cao sản lượng sản xuất năng lượng tái tạo góp phần bảo vệ
môi trường.
5. Sở Tài chính chịu trách nhiệm:
Đối với Chỉ số 24. Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động
sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định:
Tham mưu cấp thẩm quyền bố trí, phân bổ kinh phí
chi cho công tác bảo vệ môi trường hàng năm đảm bảo không thấp hơn dự toán
Trung ương giao cho ngân sách địa phương.
6. Sở Giao thông vận tải chịu
trách nhiệm:
Đối với Chỉ số 7. Tỷ lệ số lượng phương tiện giao
thông công cộng trên 10.000 dân đô thị:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng
cường mở rộng các tuyến giao thông công cộng, đồng thời kêu gọi các nhà đầu tư
tham gia đầu tư phương tiện giao thông công cộng để phục vụ nhu cầu đi lại của
người dân hạn chế phát thải khí thải từ các phương tiện cá nhân và góp phần
tăng tỷ lệ số lượng phương tiện giao thông công cộng trên số dân đô thị.
7. Sở Y tế chịu trách nhiệm:
Đối với Chỉ số 05. Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử
lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo,
đôn đốc các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền quản lý thực hiện việc đầu tư xây dựng,
nâng cấp cải tạo và vận hành thường xuyên, ổn định hệ thống xử lý nước thải đảm
bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
8. Ban Quản lý các khu công
nghiệp tỉnh chịu trách nhiệm:
- Đối với Chỉ số 03. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế
xuất, khu công nghệ cao có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ
thuật môi trường:
Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa dự án Trạm xử lý
nước thải tập trung của khu công nghiệp Trà Kha đi vào hoạt động và vận hành
thường xuyên, ổn định nhằm nâng cao chỉ số trên trong thời gian tới.
- Đối với Chỉ số 23. Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải
tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa
phương theo quy định của pháp luật:
Khẩn trương hoàn thành hệ thống quan trắc nước thải
tự động của Trạm xử lý nước thải tập trung của khu công nghiệp Trà Kha để truyền
số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường quản lý trong thời gian sớm
nhất. Rà soát các cơ sở hoạt động trong khu công nghiệp có phát sinh khí thải
lưu lượng lớn để đề nghị lắp đặt hệ thống quan trắc khí thải tự động truyền số
liệu về Sở Tài nguyên và Môi trường.
9. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố chịu trách nhiệm:
- Đối với Chỉ số 2. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh
doanh, dịch vụ phát sinh nước thải từ 50 m3/ngày (24 giờ) trở
lên có hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện,
thị xã, thành phố tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và tăng cường hướng dẫn
các cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ theo thẩm quyền quản lý thực hiện tốt
công tác bảo vệ môi trường đặc biệt là việc vận hành thường xuyên, liên tục hệ
thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thực hiện báo
cáo giám sát theo quy định; hợp đồng đơn vị có chức năng thu gom, xử lý chất thải
sinh hoạt, công nghiệp thông thường và chất thải nguy hại,... và thực hiện đảm
bảo báo cáo công tác bảo vệ môi trường định kỳ theo quy định.
- Đối với Chỉ số 05. Tỷ lệ cơ sở y tế có hệ thống xử
lý nước thải đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tăng
cường công tác thanh tra, kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở y tế thuộc thẩm quyền
quản lý thực hiện việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cải tạo và vận hành thường
xuyên, ổn định hệ thống xử lý nước thải đảm bảo đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường.
- Đối với Chỉ số 11. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được phân loại tại nguồn:
Chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan ban
hành chương trình, kế hoạch về quản lý chất thải rắn sinh hoạt và triển khai thực
hiện việc bố trí mặt bằng tập kết, trạm trung chuyển chất thải rắn sinh hoạt
theo Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường
nhằm đáp ứng việc xử lý chất thải rắn theo mô hình tập trung gồm 03 khu: Khu 1:
Xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thành phố Bạc Liêu, huyện Vĩnh Lợi và huyện
Hoà Bình; Khu 2: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho huyện Hồng Dân và huyện Phước
Long; Khu 3: Xử lý chất thải rắn sinh hoạt cho thị xã Giá Rai và huyện Đông Hải.
Triển khai hoạt động phân loại chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn theo quy định
tại khoản 2 Điều 63 Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ và
Điều 37 Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 01/7/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh
ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu. Đảm bảo
theo thời gian quy định tại khoản 7 Điều 79 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 thì
chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại chậm
nhất là ngày 31/12/2024.
Tiếp tục triển khai có hiệu quả Chỉ thị số 10/CT-UBND
ngày 21/10/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh về giảm thiểu chất thải nhựa trên địa
bàn tỉnh và Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 23/10/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
tăng cường quản lý, giảm thiểu, phân loại, tái sử dụng, tái chế và xử lý chất
thải nhựa trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
- Đối với Chỉ số 12. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt
được xử lý đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường và Chỉ số 13. Tỷ lệ bãi chôn lấp
chất thải rắn sinh hoạt hợp vệ sinh:
Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, Ngành và các đơn
vị có liên quan khẩn trương hoàn thành các thủ tục kêu gọi đầu tư và đưa vào hoạt
động nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt tập trung nhằm giảm thiểu ô nhiễm
môi trường tại các bãi rác tập trung của cấp huyện. Tiếp tục triển khai thực hiện
Công văn số 3860/UBND-KT ngày 24/10/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc khẩn
trương triển khai thực hiện quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu và
thực hiện tốt Quyết định số 13/2022/QĐ-UBND ngày 01/7/2022 của Ủy ban nhân dân
tỉnh ban hành quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu.
- Đối với Chỉ số 14. Tỷ lệ khu vực đất bị ô nhiễm tồn
lưu được xử lý, cải tạo:
Chủ trì, rà soát, kiểm tra, đánh giá các khu vực có
nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, khu vực đất bị ô nhiễm tồn lưu được xử lý, cải
tạo, sự cố môi trường trên địa bàn để có giải pháp phòng ngừa, xử lý (bãi
rác đã ngừng hoạt động thực hiện đóng cửa theo quy định tại khoản 1 Điều 32
Thông tư số 02/2022/TT-BTNMT ngày 10/01/2022 của Bộ Tài nguyên và Môi trường).
- Đối với Chỉ số 19. Tỷ lệ diện tích rừng trồng mới
tập trung trên diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp:
Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số
524/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Trồng một
tỷ cây xanh giai đoạn 2021 - 2025” và Kế hoạch số 94/KH-UBND ngày 12/7/2021
của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc trồng cây xanh trên địa bàn tỉnh Bạc Liêu,
giai đoạn 2021 - 2025 thực hiện “Đề án trồng một tỷ cây xanh” của Thủ tướng
Chính phủ.
- Đối với Chỉ số 20. Diện tích rừng tự nhiên bị
cháy, chặt phá:
Phối hợp với các đơn vị có liên quan chỉ đạo lực lượng
chuyên trách bảo vệ rừng thực hiện hiệu quả các biện pháp quản lý, bảo vệ rừng,
bảo tồn đa dạng sinh học, thường xuyên bám sát địa bàn, nắm bắt thông tin, tổ
chức tuần tra, kiểm soát và ngăn chặn kịp thời các hành vi gây bất lợi đến rừng
đặc dụng, phòng hộ. Thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
- Đối với Chỉ số 22. Số trạm quan trắc tự động chất
lượng môi trường không khí tại các đô thị loại IV trở lên trên 10.000 dân đô thị:
Tăng cường triển khai thực hiện Quyết định số
985a/QĐ-TTg ngày 01/6/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch
hành động quốc gia về quản lý chất lượng không khí đến năm 2020, tầm nhìn đến
năm 2025 và Công văn số 656/UBND-KT ngày 26/02/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về
việc tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí và xử lý triệt để các điểm
nóng về ô nhiễm bụi, khí thải trên địa bàn tỉnh.
- Đối với Chỉ số 23. Tỷ lệ các khu công nghiệp, cơ
sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải
tự động, liên tục, truyền số liệu trực tiếp cho Sở Tài nguyên và Môi trường địa
phương theo quy định của pháp luật:
Phối hợp tuyên truyền đến các dự án, cơ sở, khu sản
xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung, cụm công nghiệp có mức lưu lượng xả thải lớn
ra môi trường lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động liên tục và kết nối,
truyền số liệu trực tiếp đến Sở Tài nguyên và Môi trường theo lộ trình chậm nhất
đến ngày 31/12/2024 đối với các dự án có lưu lượng xả thải lớn theo quy định tại
khoản 4 Điều 97 của Nghị định số 08/2022/NĐ-CP ngày 10/01/2022 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.
- Đối với Chỉ số 24. Tỷ lệ chi ngân sách cho hoạt động
sự nghiệp bảo vệ môi trường theo quy định:
Chủ trì ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, tranh
thủ nguồn vốn từ Trung ương, tỉnh cho công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm nguồn
chi ngân sách cho hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường không thấp hơn 1% tổng
chi ngân sách nhà nước trong dự toán ngân sách hàng năm (theo quy định tại
điểm c khoản 1 Điều 3 Thông tư số 02/2017/TT-BTC ngày 06/01/2017 của Bộ Tài
chính hướng dẫn quản lý kinh phí sự nghiệp bảo vệ môi trường).
- Đối với Chỉ số 25. Số lượng công chức, cán bộ thực
hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường trên 1 triệu dân:
Bố trí và ổn định số lượng cán bộ, công chức có ít
nhất từ 01 đến 02 cán bộ phụ trách môi trường để đủ về chuyên môn, nghiệp vụ phục
vụ tốt công tác quản lý tài nguyên và môi trường trên địa bàn từ cấp huyện đến
cấp xã góp phần tăng tỷ lệ số công chức, cán bộ thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi
trường trên 01 triệu dân.
- Đối với Chỉ số 26. Tỷ lệ xử lý thông tin phản
ánh, kiến nghị về ô nhiễm môi trường thông qua đường dây nóng:
Chủ trì chỉ đạo Phòng Tài nguyên và Môi trường phối
hợp với Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn tăng cường tuyên truyền và kịp
thời xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân về ô nhiễm môi trường
thuộc thẩm quyền quản lý thông qua đường dây nóng để góp phần ngăn ngừa, giảm
thiểu các hành vi gây ô nhiễm môi trường. Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu
quả Quyết định số 948/QĐ-UBND ngày 21/6/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành
quy chế tiếp nhận, xử lý thông tin đường dây nóng về ô nhiễm môi trường trên địa
bàn tỉnh.
III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Căn cứ vào Kế hoạch này, các Sở, Ban, Ngành, các
đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố xây dựng Kế
hoạch cụ thể hóa nội dung thực hiện đảm bảo hoàn thành các chỉ số nhằm cải thiện
xếp hạng của tỉnh trong thời gian tới.
2. Định kỳ hàng năm các Sở, Ban, Ngành, các đơn vị
có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả thực
hiện kế hoạch này về Sở Tài nguyên và Môi trường (thông qua báo cáo kết quả
bộ chỉ số hàng năm). Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm theo dõi,
giám sát quá trình thực hiện Kế hoạch này, định kỳ hàng năm tổng hợp báo cáo,
trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét và gửi về Bộ Tài nguyên và Môi trường theo
yêu cầu.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc
thì các Sở, Ban, Ngành, đơn vị có liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã,
thành phố kịp thời phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, trình Ủy
ban nhân dân tỉnh xem xét, chỉ đạo.
Nơi nhận:
- Bộ TN&MT;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở, Ban, Ngành tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Trung tâm CB-TH; Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, (TQ02).
|
CHỦ TỊCH
Phạm Văn Thiều
|