ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 678/HD-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 09
tháng 10 năm 2024
|
HƯỚNG DẪN
TRIỂN KHAI CÁC GIẢI PHÁP, CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ KHẮC PHỤC HẬU QUẢ
CƠN BÃO SỐ 3 VÀ MƯA LŨ SAU BÃO TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC KẠN
Thực hiện Thông báo số
1570-TB/TU ngày 24/9/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nội dung Hội nghị Ban
Thường vụ Tỉnh ủy lần thứ 76 (khóa XII) nhiệm kỳ 2020-2025, căn cứ Biên bản họp
thống nhất giữa Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Lãnh đạo
Ủy ban nhân dân tỉnh về một số nội dung về nguồn lực thực hiện hỗ trợ khắc phục
thiệt hại cơn bão số 3 và xóa nhà tạm theo Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày
30/9/2024, Ủy ban nhân dân tỉnh hướng dẫn triển khai một số giải pháp, chính
sách hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão trên địa bàn tỉnh,
cụ thể như sau:
1. Hỗ trợ về
lương thực
a) Chính sách: Phân bổ gạo
cho các huyện từ nguồn Quỹ dự trữ quốc gia xuất cấp cho tỉnh Bắc Kạn; phân bổ,
cấp phát cho các hộ gia đình bị thiệt hại từ nguồn lương thực được các nhà hảo
tâm, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp. Mức hỗ trợ theo quy định tại khoản 1 Điều
12 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ là 15kg gạo/người/tháng
trong thời gian không quá 03 tháng tùy theo tình hình, mức độ thiệt hại cụ thể
từng hộ.
b) Tổ chức thực hiện:
UBND các huyện, thành phố rà soát, lập danh sách nhu cầu cụ thể gồm: Số hộ, số
nhân khẩu, số tháng, lượng lương thực cần hỗ trợ theo từng mức thiệt hại (trừ
các hộ đã được hỗ trợ đủ lương thực từ các nguồn dự trữ Quốc gia, Ban vận động
cứu trợ các cấp, các nguồn xã hội hóa), báo cáo UBND tỉnh (qua Sở Lao động-Thương
binh và Xã hội). Căn cứ tình hình cụ thể, UBND tỉnh phối hợp với Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham mưu cho Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chủ trương sử dụng
nguồn kinh phí Quỹ cứu trợ tỉnh để hỗ trợ lương thực cho các địa phương nếu các
nguồn hỗ trợ khác không đảm bảo nhu cầu của người dân.
2. Hỗ trợ về
nhà ở
a) Chính sách:
- Hộ bị sập nhà hoàn toàn và
nhà hư hỏng trên 70% không thể khôi phục lại phải làm mới: Hỗ trợ làm lại nhà với
mức hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ (Trường hợp đã có nhà hảo tâm hỗ trợ nhưng thấp hơn
mức hỗ trợ của tỉnh, tỉnh sẽ hỗ trợ bổ sung thêm kinh phí để đảm bảo đủ 60 triệu
đồng/hộ).
- Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ
gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị hư hỏng nặng, không ở được (thiệt hại
từ 30% trở lên): Hỗ trợ để sửa chữa nhà ở với mức hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ.
- Hộ có nhà bị hư hỏng rất nặng
thiệt hại từ 50 -70% (không thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh
khó khăn): Hỗ trợ 15 triệu đồng/hộ.
- Hộ có nhà bị ngập nước từ 3
ngày trở lên: Hỗ trợ 02 triệu đồng/hộ để khắc phục thiệt hại nhà ở, tài sản,
khôi phục sinh hoạt thường ngày.
- Hộ phải di dời nhà ở khẩn cấp
theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền do nguy cơ sạt lở cao được hỗ trợ chi
phí di dời nhà ở với mức là 30 triệu đồng/hộ.
b) Tổ chức thực hiện:
- UBND các huyện, thành phố chủ
trì rà soát, thống kê lập danh sách các đối tượng thực hiện các chính sách hỗ
trợ về nhà ở nêu trên, trong đó đảm bảo đúng đối tượng, không trùng lặp với các
nguồn hỗ trợ khác (các nguồn hỗ trợ có thông qua chính quyền, Ủy ban Mặt trận
Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội) và hướng dẫn người dân thực hiện các
thủ tục về đất đai tại nơi ở mới theo quy định.
Về chỉ tiêu xác định thiệt hại
về nhà ở do cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão gây ra được thực hiện theo quy định
tại mục 2 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư liên tịch
43/2015/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 23/11/2015 của liên Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về thủ tục xem xét hỗ trợ về
nhà ở thực hiện theo khoản 4 Điều 15 của Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày
15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo
trợ xã hội.
- Đối với các khu vực có nguy
cơ sạt lở cao, giao cho UBND các huyện, thành phố chủ trì, phối hợp với các cấp
chính quyền khẩn trương rà soát, đề xuất được các phương án bố trí ổn định dân
cư như: Dự án đầu tư bố trí ổn định dân cư, phương án bố trí dân cư xen ghép hoặc
bố trí ổn định tại chỗ (theo quy định tại Quyết định số 590/QĐ-TTg ngày
18/5/2022 của Thủ tướng Chính phủ và văn bản hướng dẫn số 5668/BNN-KTHT ngày
29/8/2022 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn).
Đối với hộ phải di dời nhà ở khẩn
cấp do nguy cơ sạt lở cao tự tìm được đất ở đảm bảo an toàn để làm nhà mới,
chính quyền hỗ trợ người dân thực hiện các thủ tục đất đai tại nơi ở mới và trước
mắt hỗ trợ chi phí di dời nhà ở với mức là 30 triệu đồng/hộ theo chính sách nêu
trên. Sau khi có phương án chung cụ thể của địa phương sẽ hỗ trợ các chính sách
còn lại (nếu có).
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt
Nam các huyện, thành phố phối hợp với UBND cùng cấp lập danh sách đối tượng,
nhu cầu kinh phí cụ thể (trừ các đối tượng đã được hưởng các chính sách hỗ trợ
khác), danh sách các đối tượng đã hưởng chính sách hỗ trợ khác nhưng chưa đảm bảo
mức hỗ trợ tối đa theo quy định về mức hỗ trợ trên.
Danh sách đối tượng và nhu cầu
kinh phí tương ứng (trừ phần kinh phí đã được cấp từ Quỹ cứu trợ tỉnh và tiếp
nhận tại chỗ từ các nguồn khác, chủ động thực hiện hỗ trợ kịp thời cho các đối
tượng theo nội dung, định mức nêu trên) gửi kèm Tờ trình về Ủy ban Mặt Trận Tổ
quốc Việt Nam tỉnh chậm nhất là ngày 10/10/2024 để tham mưu phân bổ kinh
phí hỗ trợ theo quy chế quy định.
3. Hỗ trợ về
giáo dục
a) Chính sách: Miễn thu
học phí năm học 2024-2025 đối với đối tượng là học sinh các cấp bậc học mầm non
và giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh thuộc các hộ bị thiệt hại nghiêm trọng[1] bởi bão số 3.
b) Tổ chức thực hiện:
- Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND
các huyện, thành phố chỉ đạo các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý có các đối
tượng được miễn thu học phí nêu trên tạm thời chưa thu học phí năm học
2024-2025.
- Sở Giáo dục và Đào tạo chủ
trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố tham mưu xây dựng chính sách miễn
thu học phí năm học 2024-2025 cho các đối tượng nêu trên, gửi Sở Tài chính tổng
hợp chung, tham mưu cho UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh chuyên đề tháng 10
năm 2024 để làm cơ sở triển khai chính thức.
4. Hỗ trợ về
y tế
a) Chính sách: Hỗ trợ
kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế 03 tháng cho người dân bị ảnh hưởng bởi bão số 3
(trừ các đối tượng đã được hưởng chính sách hỗ trợ bảo hiểm y tế từ NSNN).
b) Tổ chức thực hiện:
Sở Tài chính phối hợp với Bảo
hiểm xã hội tỉnh, UBND các huyện, thành phố tham mưu xây dựng chính sách hỗ trợ
kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho các đối tượng thuộc chính sách nêu trên,
tham mưu cho UBND tỉnh trình kỳ họp HĐND tỉnh chuyên đề tháng 10 năm 2024 để
làm cơ sở triển khai thực hiện.
5. Về hỗ trợ
khôi phục sản xuất
a) Chính sách:
- Hỗ trợ thiệt hại cây trồng, sản
xuất lâm nghiệp, vật nuôi: Hỗ trợ bằng tiền trên cơ sở đề xuất của UBND các huyện,
mức hỗ trợ thiệt hại theo quy định tại Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày
09/01/2017 của Chính phủ.
- Hỗ trợ cây giống, vật tư để
khôi phục lại sản xuất đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng (thiệt
hại từ 70% trở lên): Hỗ trợ bằng tiền, căn cứ theo định mức kỹ thuật của UBND tỉnh
và tình hình mùa vụ thực tế tại địa phương.
b) Tổ chức thực hiện:
- Đối với thiệt hại cây trồng,
sản xuất lâm nghiệp, vật nuôi: UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện
theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ về cơ chế, chính
sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại do
thiên tai, dịch bệnh và Hướng dẫn số 258/HD-UBND ngày 18/7/2017 của UBND tỉnh về
việc hướng dẫn trình tự thủ tục hỗ trợ sản xuất nông nghiệp để khôi phục sản xuất
vùng bị thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn theo Nghị định
số 02/2017/NĐ-CP ngày 09/01/2017 của Chính phủ (Có bản gửi kèm). Sớm gửi
báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định và tổng hợp gửi
Sở Tài chính để tham mưu cho UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí kịp thời.
- Đối với hỗ trợ cây giống, vật
tư để khôi phục lại sản xuất đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng
(thiệt hại từ 70% trở lên; không bao gồm diện tích của các dự án đã được hỗ trợ
từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia): UBND các huyện, thành phố chủ trì rà
soát, thống kê lập danh sách các diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng;
căn cứ vào thời vụ sản xuất phù hợp với từng loại cây trồng và định mức kỹ thuật
do UBND tỉnh ban hành (Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 của UBND tỉnh
về việc ban hành định mức kỹ thuật để áp dụng trong thực hiện các chương trình,
dự án, mô hình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn; được sửa đổi, bổ sung tại các Quyết định:
số 1540/QĐ-UBND ngày 19/8/2021; số 1235/QĐ- UBND ngày 08/7/2022; số
1361/QĐ-UBND ngày 27/7/2023 hoặc theo Quyết định của UBND tỉnh thay thế các quyết
định trên), UBND các huyện, thành phố lập kinh phí cần hỗ trợ đối với giống, vật
tư và tổng hợp báo cáo về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thẩm định,
gửi Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh tham mưu phân bổ kinh phí hỗ trợ theo
quy chế; đồng thời chủ động kết nối với các Doanh nghiệp, Hợp tác xã hỗ trợ bao
tiêu sản phẩm cho người dân.
Về giá cây giống, vật tư theo
giá của thị trường tại thời điểm đưa vào thực hiện sản xuất, không cao hơn mức
giá của cơ quan được giao vốn thông báo. Giá do cơ quan được giao vốn thông báo
được xác định trên cơ sở giá của giống, vật tư cùng loại được mua bán trên địa
bàn có vùng sản xuất được hỗ trợ, trường hợp tại địa bàn vùng sản xuất được hỗ
trợ chưa có giống, vật tư cùng loại được mua bán thì cơ quan được giao vốn tham
chiếu giá bán giống, vật tư cùng loại trên địa bàn tỉnh để thông báo (ít nhất
khảo sát tại 03 địa điểm mua, bán hàng) hoặc cơ quan được giao vốn xác định giá
theo kết quả thẩm định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ thẩm định
giá.
6. Hỗ trợ
khắc phục, sửa chữa, gia cố các công trình hạ tầng
- UBND các huyện, thành phố khẩn
trương triển khai khắc phục các công trình hạ tầng về thủ tục đầu tư xây dựng
thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại Công văn số
7381/BKHĐT-QLT ngày 13/9/2024 (có bản gửi kèm) và có sắp xếp theo thứ tự
ưu tiên theo hướng:
+ Sửa chữa và đưa vào sử dụng
các công trình phúc lợi thuộc lĩnh vực giáo dục, y tế (trường học, bệnh viện,
trạm y tế) bị hư hại.
+ Khắc phục các công trình đường
giao thông sạt lở bước 1, đảm bảo giao thông thông suốt; khắc phục các cầu bị
thiệt hại hư hỏng, trước mắt làm cầu tạm đảm bảo nhu cầu đi lại cho nhân dân.
+ Khắc phục các công trình thủy
lợi ảnh hưởng lớn đến mùa vụ và việc khôi phục sản xuất đối với khu vực có diện
tích bị mất trắng.
3. Kinh
phí thực hiện
Trên cơ sở Biên bản họp thống
nhất một số nội dung về nguồn lực thực hiện hỗ trợ khắc phục thiệt hại cơn bão
số 3 và xóa nhà tạm theo Nghị quyết số 45-NQ/TU ngày 30/9/2024 giữa Ban Thường
trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và Lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh,
trước mắt nguồn kinh phí sẽ sử dụng như sau:
- Các chính sách: Hỗ trợ về
lương thực (nếu còn thiếu); hỗ trợ về nhà ở; hỗ trợ cây giống, vật tư để khôi
phục lại sản xuất đối với diện tích sản xuất nông nghiệp bị mất trắng (thiệt hại
từ 70% trở lên): Sử dụng nguồn kinh phí từ Quỹ cứu trợ cấp tỉnh và cấp huyện.
- Các chính sách: Hỗ trợ về
giáo dục, hỗ trợ về y tế; hỗ trợ thiệt hại cây trồng, sản xuất lâm nghiệp, vật
nuôi: Sử dụng ngân sách cấp tỉnh.
- Về hỗ trợ khắc phục, sửa chữa,
gia cố các công trình hạ tầng: Sử dụng nguồn dự phòng ngân sách và các nguồn hợp
pháp khác của ngân sách cấp huyện; nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia
cho công tác duy tu, bảo dưỡng và nguồn dự phòng cấp tỉnh, dự phòng Trung ương
đã cấp tại Quyết định số 1573/QĐ-UBND ngày 13/9/2024 và Quyết định số
1669/QĐ-UBND ngày 28/9/2024 của UBND tỉnh. Số kinh phí còn thiếu sẽ xem xét bố
trí từ nguồn Trung ương hỗ trợ (nếu có) và từ nguồn ngân sách cấp tỉnh
theo khả năng cân đối.
- Về nguồn vốn cho dự án đầu tư
bố trí ổn định dân cư, phương án bố trí dân cư xen ghép hoặc bố trí ổn định tại
chỗ: sẽ xem xét bố trí từ nguồn Trung ương hỗ trợ, các nguồn huy động hợp pháp
khác (nếu có) và nguồn vốn ngân sách cấp tỉnh theo khả năng cân đối.
Trên đây là hướng dẫn triển
khai một số giải pháp, chính sách hỗ trợ khắc phục hậu quả cơn bão số 3 và mưa
lũ sau bão trên địa bàn, UBND tỉnh đề nghị các đơn vị, địa phương khẩn trương
triển khai thực hiện để sớm ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân. Trong
quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc thì phản ánh kịp thời
về UBND tỉnh hoặc các sở, ngành chuyên môn có liên quan để được giải quyết,
tháo gỡ./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQVN tỉnh;
- Các sở, ban, ngành;
- UBND các huyện, thành phố;
- LĐVP;
- Các phòng: TH, VXNV, NNTNMT;
- Lưu: VT, Lan.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Nguyễn Đăng Bình
|
[1] Hộ có nhà bị sập hoàn
toàn, hộ phải di dời khẩn cấp, hộ có nhà ở bị ngập nặng, hư hỏng nặng không thể
sinh hoạt được...