Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 05/2008/TT-BTNMT hướng dẫn đánh giá chiến lược tác động môi trường cam kết bảo vệ

Số hiệu: 05/2008/TT-BTNMT Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Tài nguyên và Môi trường Người ký: Phạm Khôi Nguyên
Ngày ban hành: 08/12/2008 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

BỘ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 05/2008/TT-BTNMT

Hà Nội, ngày 08 tháng 12 năm 2008

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN VỀ ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC, ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết hệ thống một số nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường như sau:

I. QUY ĐỊNH CHUNG

1. Phạm vi điều chỉnh

1.1. Thông tư này hướng dẫn chi tiết thực hiện một số nội dung về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường, cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005 (sau đây gọi là Luật Bảo vệ môi trường), Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 80/2006/NĐ-CP) và Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là Nghị định số 21/2008/NĐ-CP), bao gồm:

a) Lập, thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược;

b) Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; thực hiện, kiểm tra và xác nhận việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và yêu cầu của quyết định phê duyệt;

c) Lập, đăng ký và xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường;

d) Chế độ kiểm tra, báo cáo về công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

1.2. Thông tư này không áp dụng đối với các dự án đã đi vào vận hành (còn được gọi là cơ sở đang hoạt động), kể cả những cơ sở hoạt động từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2006 mà trước đó không thực hiện các quy định về lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc không thực hiện các quy định về lập, đăng ký và xác nhận bản đăng ký đạt tiêu chuẩn môi trường.

1.3. Các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, dự án thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng và thuộc phạm vi bí mật quốc gia được hướng dẫn tại văn bản khác.

2. Đối tượng áp dụng

Thông tư này áp dụng đối với cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài (sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân) có hoạt động liên quan đến những nội dung nêu tại điểm 1.1 mục 1 Phần I của Thông tư này.

3. Áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường

Khi lập báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc bản cam kết bảo vệ môi trường, chủ dự án phải áp dụng các tiêu chuẩn môi trường bắt buộc áp dụng, các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường của Việt Nam; các tiêu chuẩn môi trường, quy chuẩn kỹ thuật môi trường theo các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

II. LẬP, THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

1. Lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

1.1. Cơ quan được giao nhiệm vụ lập dự án thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược quy định tại Điều 14 của Luật Bảo vệ môi trường (sau đây gọi là chủ dự án) thành lập tổ công tác về đánh giá môi trường chiến lược gồm các chuyên gia về môi trường, các nhà khoa học liên quan có trình độ, chuyên môn phù hợp với nội dung, tính chất của dự án hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ năng lực để tiến hành công tác đánh giá môi trường chiến lược và lập báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của chiến lược, quy hoạch, kế hoạch.

1.2. Báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được thể hiện theo đúng cấu trúc và đáp ứng những yêu cầu về nội dung quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

2.1. Chủ dự án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đến cơ quan tổ chức việc thẩm định quy định tại khoản 7 Điều 17 của Luật Bảo vệ môi trường.

2.2. Số lượng và mẫu hồ sơ đề nghị thẩm định được quy định như sau:

a) 01 (một) văn bản đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo mẫu quy định tại Phụ lục 2 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 09 (chín) bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của dự án được đóng thành quyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 ban hành kèm theo Thông tư này, có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa;

c) 09 (chín) bản dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.

Trong trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định cần nhiều hơn 09 (chín) người, hoặc trong trường hợp cần thiết khác do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định.

3. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

3.1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược chỉ định một cơ quan chuyên môn của mình làm thường trực hội đồng thẩm định.

3.2. Tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; nhiệm vụ của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định thực hiện theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

3.3. Sau khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ và đáp ứng yêu cầu để thẩm định, cơ quan tổ chức việc thẩm định tiến hành thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược; số lượng thành viên hội đồng thẩm định được quyết định căn cứ vào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 17 của Luật Bảo vệ môi trường, tính chất, quy mô của dự án và những yêu cầu đặt ra về môi trường, nhưng phải bảo đảm ít nhất là 09 (chín) thành viên.

3.4. Thời hạn thẩm định được quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

4. Trách nhiệm của cơ quan tổ chức thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược

4.1. Thông báo bằng văn bản cho chủ dự án biết về kết quả thẩm định trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc sau khi kết thúc phiên họp của hội đồng thẩm định. Nội dung của văn bản thông báo phải chỉ rõ báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được thông qua không cần phải chỉnh sửa, bổ sung hoặc không được thông qua và phải trình thẩm định lại hoặc được thông qua nhưng phải chỉnh sửa, bổ sung kèm theo các yêu cầu về việc chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và các kiến nghị liên quan đến việc điều chỉnh nội dung dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch (nếu có).

4.2. Rà soát nội dung báo cáo đánh giá môi trường chiến lược sau khi chủ dự án chỉnh sửa, bổ sung.

4.3. Báo cáo cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án về kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 10 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP trong thời hạn không quá 10 (mười) ngày làm việc tính từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ của chủ dự án theo quy định tại điểm 5.2 mục 5 Phần II của Thông tư này. Báo cáo kết quả thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược trình bày dưới dạng văn bản, trong đó thể hiện ý kiến đánh giá và những kiến nghị của cơ quan tổ chức việc thẩm định kèm theo bản sao biên bản phiên họp của hội đồng thẩm định với đầy đủ các nội dung, kết luận, chữ ký của chủ tịch, thư ký hội đồng thẩm định và bản sao văn bản của chủ dự án giải trình về những vấn đề đã được chỉnh sửa, bổ sung đối với trường hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược phải được chỉnh sửa, bổ sung theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định.

5. Trách nhiệm của chủ dự án

5.1. Hoàn chỉnh báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định trong trường hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược được hội đồng thẩm định thông qua nhưng cần phải được chỉnh sửa, bổ sung (trường hợp báo cáo đánh giá môi trường chiến lược không được hội đồng thẩm định thông qua, phải chỉnh sửa báo cáo đánh giá môi trường chiến lược và gửi lại cơ quan có thẩm quyền thẩm định theo quy định); điều chỉnh dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch trên cơ sở xem xét; tiếp thu các kiến nghị của cơ quan tổ chức thẩm định và phù hợp với những yêu cầu về bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được chỉnh sửa, bổ sung.

5.2. Gửi lại hồ sơ gồm 01 (một) bản dự thảo văn bản chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được điều chỉnh, 02 (hai) bản kèm theo 01 (một) bản được ghi trên đĩa CD báo cáo đánh giá môi trường chiến lược đã được hoàn chỉnh và văn bản giải trình những vấn đề đã được chỉnh sửa, bổ sung đến cơ quan tổ chức thẩm định.

5.3. Thời gian chủ dự án hoàn chỉnh và gửi lại báo cáo đánh giá môi trường chiến lược theo yêu cầu của cơ quan tổ chức thẩm định không tính vào thời hạn quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 12 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

III. LẬP, THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG; THỰC HIỆN, KIỂM TRA, XÁC NHẬN VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT

1. Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường

1.1. Tổ chức, cá nhân là chủ dự án đầu tư thuộc đối tượng phải lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (sau đây gọi là chủ dự án) tự tiến hành hoặc thuê tổ chức tư vấn có đủ điều kiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP để tiến hành công tác đánh giá tác động môi trường và lập báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

1.2. Báo cáo đánh giá tác động môi trường phải được thể hiện theo đúng cấu trúc và đáp ứng những yêu cầu về nội dung quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Tham vấn ý kiến cộng đồng

2.1. Chủ dự án gửi văn bản thông báo về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án và đề nghị Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi thực hiện dự án tham gia ý kiến. Nội dung cụ thể của thông báo bao gồm: những nội dung chính của dự án, những tác động tiêu cực của dự án đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội (trong đó cần chỉ rõ chủng loại kèm theo nồng độ, thải lượng các loại chất thải), những biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực sẽ áp dụng và những cam kết khác của chủ dự án về bảo vệ môi trường (trong đó cần chỉ rõ công nghệ, thiết bị và công trình xử lý chất thải, mức độ xử lý theo các thông số đặc trưng của chất thải so với tiêu chuẩn, quy chuẩn quy định và các biện pháp khác về bảo vệ môi trường) kèm theo những sơ đồ (bản đồ, bản vẽ) thể hiện rõ vị trí của dự án trong mối liên hệ với các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội ở xung quanh, sơ đồ (bản vẽ) tổng mặt bằng của dự án với các hạng mục công trình chính của dự án và các công trình xử lý và quản lý chất thải của dự án, các công trình bảo vệ môi trường đối với các yếu tố khác ngoài chất thải (thể hiện rõ các điểm đấu nối hạ tầng cơ sở, kể cả các công trình xử lý và quản lý chất thải của dự án với hệ thống hạ tầng cơ sở và các đối tượng tự nhiên bên ngoài hàng rào khu vực dự án).

2.2. Trong thời hạn được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP , Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã có trách nhiệm:

- Công bố công khai để nhân dân biết và trả lời chủ dự án bằng văn bản được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 5 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Thông báo bằng văn bản yêu cầu chủ dự án phối hợp thực hiện đối thoại đối với trường hợp cần thiết. Kết quả đối thoại giữa chủ dự án, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã và các bên có liên quan được ghi thành biên bản, trong đó có danh sách đại biểu tham gia và phản ảnh đầy đủ những ý kiến đã thảo luận, ý kiến tiếp thu hoặc không tiếp thu của chủ dự án; biên bản có chữ ký (ghi họ tên, chức danh) của đại diện chủ dự án và đại diện các bên liên quan tham dự đối thoại.

2.3. Những ý kiến tán thành, không tán thành của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, của đại biểu tham gia đối thoại phải được tổng hợp và thể hiện trung thực trong nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2.4. Các văn bản tham vấn cộng đồng của chủ dự án, văn bản góp ý kiến của Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, biên bản cuộc đối thoại và các văn bản tham vấn cộng đồng khác (nếu có) phải được sao và đính kèm trong phần phụ lục của báo cáo đánh giá tác động môi trường.

2.5. Các trường hợp không phải lấy ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã và đại diện cộng đồng dân cư nơi thực hiện dự án trong quá trình lập báo cáo đánh giá tác động môi trường được quy định tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP .

3. Gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường

3.1. Chủ dự án gửi hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường đến cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại điểm a, điểm b khoản 7 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường và khoản 5 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP .

3.2. Số lượng và mẫu hồ sơ đề nghị thẩm định được quy định như sau:

a) 01 (một) văn bản của chủ dự án đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo mẫu tại Phụ lục 6 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 07 (bảy) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án được đóng thành quyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 7 ban hành kèm theo Thông tư này, có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa. Trường hợp số lượng thành viên hội đồng thẩm định nhiều hơn 07 (bảy) người, hoặc trong trường hợp cần thiết khác do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định;

c) 01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.

3.3. Thời điểm gửi hồ sơ đề nghị thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án được quy định tại khoản 5 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP .

4. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hình thức hội đồng.

4.1. Cơ quan có thẩm quyền thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường chỉ định một cơ quan chuyên môn của mình làm thường trực hội đồng thẩm định.

4.2. Tổ chức và hoạt động của hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; nhiệm vụ của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định thực hiện theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành.

4.3. Sau khi nhận được hồ sơ hợp lệ và đáp ứng yêu cầu để thẩm định, cơ quan tổ chức việc thẩm định thành lập hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Số lượng thành viên hội đồng thẩm định được quyết định căn cứ vào quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường, tính chất, quy mô của dự án và những yêu cầu đặt ra về môi trường, nhưng phải bảo đảm ít nhất là 07 (bảy) thành viên.

4.4. Trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được kết quả của hội đồng thẩm định, cơ quan thường trực hội đồng thẩm định có văn bản thông báo cho chủ dự án biết về kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường.

5. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua tổ chức dịch vụ

Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua tổ chức dịch vụ thẩm định được thực hiện theo Quy định về điều kiện và hoạt động dịch vụ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường ban hành kèm theo Quyết định số 19/2007/QĐ-BTNMT ngày 26 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (sau đây gọi là Quy định 19).

6. Hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường

6.1. Trường hợp thẩm định thông qua hình thức hội đồng:

Chủ dự án phải tiến hành việc hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định, ký vào góc trái phía dưới của từng trang của một (01) bản báo cáo đã được hoàn chỉnh, nhân bản và đóng thành quyển gáy cứng với số lượng như nêu ở dưới đây, gửi cơ quan tổ chức việc thẩm định kèm theo văn bản giải trình cụ thể về việc hoàn chỉnh này để được xem xét, phê duyệt:

a) Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Tài nguyên và Môi trường, số lượng báo cáo phải bảo đảm đủ để gửi đến các địa chỉ: Bộ Tài nguyên và Môi trường (03 bản kèm theo 01 bản được ghi trên đĩa CD); Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương nơi có đất sử dụng cho dự án (01 bản); Bộ, ngành quản lý dự án (01 bản); Ban Quản lý khu kinh tế, Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao (sau đây gọi là Ban Quản lý) đối với các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao 01 (một) bản; chủ dự án 01 (một) bản. Trường hợp dự án nằm trên diện tích đất của từ 02 (hai) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên, gửi thêm số lượng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường bằng số lượng các tỉnh tăng thêm;

b) Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, số lượng báo cáo phải bảo đảm đủ để gửi tới các địa chỉ: Bộ, ngành quản lý dự án 03 (ba) bản kèm theo 01 (một) bản được ghi trên đĩa CD; Sở Tài nguyên và Môi trường của địa phương nơi có đất sử dụng cho dự án 01 (một) bản; Bộ Tài nguyên và Môi trường 01 (một) bản; Ban Quản lý đối với các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao 01 (một) bản; chủ dự án 01 (một) bản;

c) Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường thuộc thẩm quyền phê duyệt của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, số lượng báo cáo phải bảo đảm đủ để gửi tới các địa chỉ: Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có dự án 01 (một) bản kèm theo 01 bản được ghi trên đĩa CD; Sở Tài nguyên và Môi trường 01 (bản); Ban Quản lý đối với các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao 01 (một) bản; chủ dự án 01 (một) bản.

6.2. Trường hợp thẩm định thông qua hình thức tổ chức dịch vụ:

a) Việc hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hình thức tổ chức dịch vụ thẩm định được thực hiện theo quy định tại Điều 14, Điều 15 và Điều 16 của Quy định 19;

b) Báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được hoàn chỉnh phải bảo đảm số lượng và yêu cầu nêu tại điểm 6.1 mục 6 Phần III của Thông tư này.

6.3. Trường hợp việc hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường kéo dài quá 24 (hai mươi bốn) tháng tính từ thời điểm có văn bản của cơ quan thường trực hội đồng thẩm định thông báo về kết quả đánh giá của hội đồng thẩm định và những yêu cầu liên quan đến việc hoàn chỉnh hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc trong quá trình hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường nếu có một trong những thay đổi cơ bản về công nghệ sản xuất, công suất hoặc địa điểm thực hiện của dự án, chủ dự án phải lập lại hồ sơ đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường cho dự án.

6.4. Thời gian hoàn chỉnh báo cáo đánh giá tác động môi trường của chủ dự án không tính vào thời hạn thẩm định được quy định tại Điều 12 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

7. Thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường

7.1. Trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường không được hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định thông qua hoặc dự án có những thay đổi như được nêu tại điểm 6.3 mục 6 Phần III của Thông tư này, việc thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường được thực hiện theo đề nghị bằng văn bản của chủ dự án.

7.2. Thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường do hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định trước đó tiến hành; trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thành lập hội đồng mới hoặc tuyển chọn tổ chức dịch vụ khác để thẩm định lại.

7.3. Chi phí để thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường do chủ dự án chi trả theo các chế độ và quy định hiện hành.

8. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường

8.1. Phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được thể hiện dưới hình thức quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 8 ban hành kèm theo Thông tư này.

8.2. Trường hợp xét thấy có khả năng xảy ra những tác động xấu về môi trường nhưng chưa được đánh giá một cách đầy đủ trong báo cáo đánh giá tác động môi trường vì những nguyên nhân khách quan như: chưa có đủ số liệu về sức chịu tải của môi trường xung quanh, việc đánh giá rủi ro chưa đủ tin cậy và nguyên nhân bất khả kháng khác cho đến thời điểm phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải có lưu ý ở phần các yêu cầu kèm theo của quyết định phê duyệt.

9. Xác nhận và gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt

Sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (hoặc cơ quan được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt ủy quyền) có trách nhiệm:

- Xác nhận vào mặt sau trang phụ bìa của từng bản báo cáo đánh giá tác động môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

- Gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường được xác nhận kèm theo quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường cho chủ dự án và các cơ quan liên quan khác theo quy định tại điểm 6.1 mục 6 Phần III của Thông tư này;

- Gửi quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 15 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

10. Lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung

10.1. Chủ dự án thuộc các trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 13 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và khoản 6 Điều 1 của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP có trách nhiệm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung trình cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó của dự án để thẩm định và phê duyệt trước khi triển khai thực hiện.

10.2. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được thể hiện theo cấu trúc và đáp ứng được những yêu cầu về nội dung quy định tại Phụ lục 10 ban hành kèm theo Thông tư này.

10.3. Số lượng, mẫu hồ sơ đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được quy định như sau:

a) 01 (một) văn bản đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục 11 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 07 (bảy) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được đóng thành quyển theo mẫu quy định tại Phụ lục 12 ban hành kèm theo Thông tư này, có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa. Trong trường hợp cần thiết do yêu cầu của công tác thẩm định, chủ dự án phải cung cấp thêm số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung theo yêu cầu của cơ quan tổ chức việc thẩm định;

c) 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt trước đó của dự án;

d) 01 (một) bản sao (được chứng thực theo quy định của pháp luật) của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó của dự án;

đ) 01 (một) bản báo cáo đầu tư điều chỉnh hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh hoặc dự án đầu tư điều chỉnh hoặc tài liệu tương đương có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa.

10.4. Thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được thực hiện thông qua hình thức lấy ý kiến bằng văn bản của các nhà khoa học, quản lý có chuyên môn, trình độ phù hợp và của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường ở địa phương nơi có dự án. Ý kiến nhận xét, đánh giá được thể hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 13 ban hành kèm theo Thông tư này. Trong trường hợp cần thiết, việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung có thề được tiến hành thông qua hình thức hội đồng thẩm định, hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định.

10.5. Trường hợp hồ sơ chưa đáp ứng yêu cầu để thẩm định, trong thời hạn không quá 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị của chủ dự án, cơ quan tổ chức việc thẩm định phải có văn bản thông báo cho chủ dự án biết rõ lý do để hoàn chỉnh.

10.6. Trường hợp hồ sơ đáp ứng yêu cầu để thẩm định, trong thời hạn không quá 30 (ba mươi) ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền thẩm định có trách nhiệm xem xét, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung; trường hợp chưa đủ điều kiện phê duyệt thì phải thông báo bằng văn bản ý kiến nhận xét, đánh giá về báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung cho chủ dự án biết để hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

10.7. Hợp đồng đề nghị phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung bao gồm công văn giải trình về việc hoàn thiện báo cáo kèm theo 01 (một) báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã hoàn thiện và được chủ dự án ký vào góc trái phía dưới của từng trang, nhân bản và đóng thành quyển gáy cứng với số lượng bằng số lượng báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt trước đó của dự án.

10.8. Việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 14 ban hành kèm theo Thông tư này với số lượng bản chính quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung phải đủ để gửi cho các đối tượng đã nhận quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó.

10.9. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã phê duyệt phải được xác nhận ở mặt sau trang phụ bìa theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

10.10. Việc gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung đã xác nhận và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được thực hiện tương tự như việc gửi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt và quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó.

11. Trách nhiệm của chủ dự án sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

11.1. Báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi thực hiện dự án về nội dung quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án theo mẫu quy định tại Phụ lục 15 ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn chậm nhất 15 (mười lăm) ngày sau khi nhận được quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

11.2. Lập và niêm yết bản tóm tắt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt theo mẫu quy định tại Phụ lục 16 ban hành kèm theo Thông tư này tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đã lấy ý kiến tham vấn cộng đồng trước đó. Thời điểm niêm yết chậm nhất là 05 (năm) ngày sau khi nhận được quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (nếu có) và kéo dài cho đến khi dự án đi vào vận hành chính thức.

11.3. Chuẩn bị và gửi cho cơ quan đã phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường của tỉnh, thành phố nơi có đất sử dụng cho dự án các báo cáo, văn bản sau:

a) Báo cáo về kế hoạch xây lắp các công trình xử lý và bảo vệ môi trường được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 17 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) Thông báo kế hoạch vận hành thử nghiệm các công trình xử lý và bảo vệ môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức theo mẫu quy định tại Phụ lục 18 ban hành kèm theo Thông tư này;

c) Báo cáo về việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trước khi dự án đi vào vận hành chính thức kèm theo văn bản đề nghị xác nhận được lập theo các mẫu tương ứng quy định tại Phụ lục 19 và Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này.

11.4. Trường hợp dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được phê duyệt, chủ dự án phải báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung trong thời hạn như được nêu tại điểm 11.1 mục 11 Phần III của Thông tư này và cập nhật, bổ sung vào các báo cáo được nêu tại điểm 11.3 mục 11 Phần III của Thông tư này các nội dung liên quan đến báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung được phê duyệt và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

11.5. Thực hiện những yêu cầu khác được quy định tại Điều 14 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

12. Trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt.

12.1. Theo dõi, kiểm tra việc thực hiện các nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường, báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (nếu có) được phê duyệt và yêu cầu của quyết định phê duyệt trước khi dự án đi vào vận hành chính thức trên cơ sở nghiên cứu, xem xét các báo cáo, hồ sơ đề nghị xác nhận do chủ dự án gửi tới.

Trường hợp cần thiết, thành lập đoàn kiểm tra theo mẫu quy định tại Phụ lục 21 ban hành kèm theo Thông tư này để phối hợp với các cơ quan liên quan tiến hành kiểm tra tại địa điểm thực hiện dự án. Kết quả kiểm tra được lập thành biên bản theo mẫu quy định tại Phụ lục 22 ban hành kèm theo Thông tư này và phải được đại diện của cơ quan kiểm tra, của chủ dự án và của các cơ quan phối hợp kiểm tra ký, ghi rõ họ tên.

12.2. Cấp giấy xác nhận về việc chủ dự án đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (nếu có) trước khi dự án đi vào vận hành chính thức theo mẫu quy định tại Phụ lục 23 ban hành kèm theo Thông tư này trong thời hạn tính từ ngày nhận được đề nghị kèm theo hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của chủ dự án theo quy định tại điểm 11.3 mục 11 Phần III của Thông tư này, cụ thể như sau:

a) Chậm nhất là 15 (mười lăm) ngày làm việc đối với trường hợp không phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, đo đạc, lấy mẫu phân tích tại địa điểm thực hiện dự án;

b) Chậm nhất là 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc đối với trường hợp phải tiến hành các hoạt động kiểm tra, đo đạc, lấy mẫu phân tích tại địa điểm thực hiện dự án và dự án đủ điều kiện để xác nhận.

Trường hợp thấy dự án chưa đủ điều kiện để xác nhận, thông báo bằng văn bản nêu rõ lý do và các yêu cầu cho chủ dự án biết để tiếp tục thực hiện. Thời gian chủ dự án hoàn thành các yêu cầu này của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường không được tính vào thời hạn 25 (hai mươi lăm) ngày làm việc như nêu trên.

12.3. Trong quá trình kiểm tra, xác nhận về việc chủ dự án đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường, nếu số liệu quan trắc, phân tích các thông số về môi trường do chủ dự án báo cáo chưa bảo đảm đủ độ tin cậy, cơ quan xác nhận phối hợp với tổ chức có đủ năng lực chuyên môn, kỹ thuật tiến hành đo đạc, lấy mẫu và phân tích để kiểm chứng; kinh phí tổ chức kiểm tra, lấy mẫu và phân tích các thông số về môi trường để kiểm chứng được lấy từ nguồn kinh phí của cơ quan xác nhận theo quy định của pháp luật hiện hành.

12.4. Thực hiện các quy định khác được nêu tại Điều 15 Nghị định số 80/2006/NĐ-CP .

13. Giám định kỹ thuật đối với công trình xử lý và bảo vệ môi trường

13.1. Việc giám định kỹ thuật đối với công trình xử lý và bảo vệ môi trường thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư và xây dựng.

13.2. Tổ chức đã thiết kế, xây lắp công trình, hạng mục công trình xử lý và bảo vệ môi trường của dự án không được thực hiện việc giám định kỹ thuật đối với công trình hoặc hạng mục công trình đó.

14. Ủy quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

14.1. Cơ quan nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường được ủy quyền bằng văn bản cho Ban Quản lý tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP , khi Ban Quản lý có tổ chức, bộ phân chuyên môn về bảo vệ môi trường là Phòng quản lý môi trường được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước và có đề nghị bằng văn bản của Ban Quản lý.

14.2. Ban Quản lý được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đầy đủ vai trò như cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong các hoạt động thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường thông qua hình thức hội đồng thẩm định hoặc tổ chức dịch vụ thẩm định; thẩm định lại báo cáo đánh giá tác động môi trường; phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; xác nhận và gửi hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường đã phê duyệt; thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của cùng dự án với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt trước đó theo hình thức ủy quyền; trách nhiệm của cơ quan phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sau khi báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt theo đúng các quy định tại Phần III của Thông tư này, gửi báo cáo kết quả về cơ quan có thẩm quyền ủy quyền và tuân thủ chế độ kiểm tra, báo cáo quy định tại Phần V của Thông tư này.

IV. LẬP, ĐĂNG KÝ, XÁC NHẬN BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Lập, bản cam kết bảo vệ môi trường

1.1. Chủ dự án thuộc các đối tượng quy định tại Điều 24 của Luật Bảo vệ môi trường có trách nhiệm lập bản cam kết bảo vệ môi trường.

1.2. Cấu trúc và yêu cầu về nội dung của bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại Phụ lục 24 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

2.1. Chủ dự án có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đến Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện) nơi có dự án hoặc Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thuộc huyện (sau đây gọi chung là cấp xã) được ủy quyền để đăng ký và cấp giấy xác nhận.

2.2. Thời điểm đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được thực hiện theo quy định tại điểm 1 khoản 7 Điều 1 của Nghị định số 21/2008/NĐ-CP .

2.3. Trường hợp dự án nằm trên địa bàn của 02 (hai) huyện trở lên, chủ dự án cần tiến hành đánh giá, so sánh và tự lựa chọn Ủy ban nhân dân cấp huyện có địa bàn quản lý chịu tác động lớn nhất bởi dự án để gửi hồ sơ đề nghị đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

2.4. Số lượng và mẫu hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được quy định như sau:

a) 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 25 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 05 (năm) bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án được đóng thành quyển gáy cứng theo mẫu quy định tại Phụ lục 26 ban hành kèm theo Thông tư này có chữ ký, họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa cứng của từng bản. Trường hợp dự án nằm trên địa bàn của 02 (hai) huyện trở lên, gửi thêm số lượng bản cam kết bảo vệ môi trường bằng số lượng các huyện tăng thêm;

c) 01 (một) bản báo cáo đầu tư hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật hoặc phương án sản xuất – kinh doanh hoặc tài liệu tương đương của dự án; trường hợp dự án nằm trên địa bàn của 02 (hai) huyện trở lên, số lượng tài liệu này trong hồ sơ phải được tăng thêm bằng số lượng các huyện tăng thêm.

3. Xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

3.1. Xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được thể hiện dưới hình thức giấy xác nhận theo mẫu quy định tại Phụ lục 27 ban hành kèm theo Thông tư này.

Trường hợp dự án đầu tư nằm trên địa bàn của 02 (hai) huyện trở lên, Ủy ban nhân dân cấp huyện nhận được hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm gửi bản cam kết bảo vệ môi trường đến Ủy ban nhân dân của tất cả các huyện khác có đất sử dụng cho dự án để lấy ý kiến trước khi cấp giấy xác nhận.

3.2. Cơ quan cấp giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường phải có giấy xác nhận vào mặt sau trang phụ bìa của từng bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 9 ban hành kèm theo Thông tư này.

3.3. Trường hợp hồ sơ đăng ký chưa đủ điều kiện để xác nhận, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền phải có văn bản chỉ rõ lý do gửi chủ dự án để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường. Thời gian hoàn thiện hồ sơ của chủ dự án không tính vào thời hạn xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường quy định tại Điều 26 Luật Bảo vệ môi trường.

4. Gửi hồ sơ xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường

4.1. Trường hợp đăng ký và xác nhận ở cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm gửi 01 (một) bản cam kết bảo vệ môi trường đã xác nhận kèm theo giấy xác nhận đến từng địa chỉ sau:

a) Chủ dự án để thực hiện;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường cấp tỉnh để báo cáo;

c) Ủy ban nhân dân của tất cả các huyện khác có đất sử dụng cho dự án đối với trường hợp dự án nằm trên phạm vi từ 02 (hai) huyện trở lên.

4.2. Trường hợp đăng ký và xác nhận ở cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường có trách nhiệm gửi 01 (một) bản cam kết bảo vệ môi trường đã xác nhận kèm theo giấy xác nhận đến từng địa chỉ sau:

a) Chủ dự án để thực hiện;

b) Ủy ban nhân dân cấp huyện để báo cáo.

5. Lập, đăng ký và xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung

5.1. Các trường hợp sau đây thuộc đối tượng phải lập bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung:

- Dự án có một trong những thay đổi cơ bản về công nghệ hoặc quy mô, công suất hoặc địa điểm thực hiện; trường hợp việc thay đổi địa điểm của dự án xảy ra đồng thời với việc thay đổi cơ quan có thẩm quyền xác nhận, chủ dự án phải lập hồ sơ đăng ký xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường;

- Sau 24 tháng kể từ ngày bản cam kết bảo vệ môi trường được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, dự án mới được triển khai thực hiện.

5.2. Bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung phải được thể hiện theo đúng cấu trúc và đáp ứng yêu cầu về nội dung theo quy định tại Phụ lục 28 ban hành kèm theo Thông tư này và chủ dự án gửi hồ sơ bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung đến cơ quan đã cấp giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó để được xem xét, xác nhận.

5.3. Số lượng và mẫu hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung được quy định như sau:

a) 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục 29 ban hành kèm theo Thông tư này;

b) 01 (một) bản sao bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận trước đó;

c) 01 (một) bản sao (được chứng thực theo quy định của pháp luật) giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó;

d) 01 (một) bản dự thảo báo cáo đầu tư điều chỉnh hoặc báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh hoặc phương án sản xuất – kinh doanh điều chỉnh hoặc tài liệu tương đương của dự án có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của chủ dự án và đóng dấu ở trang phụ bìa;

đ) Số lượng bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung đúng bằng số lượng bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận trước đó.

5.4. Xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường bổ sung được tiến hành tương tự như việc xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó và được thể hiện dưới hình thức giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung theo mẫu quy định tại Phụ lục 30 ban hành kèm theo Thông tư này.

5.5. Việc gửi hồ sơ bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung đã xác nhận được thực hiện tương tự như việc gửi hồ sơ bản cam kết bảo vệ môi trường đã xác nhận trước đó của dự án.

6. Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường

6.1. Ủy ban nhân dân cấp huyện được ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường khi xét thấy Ủy ban nhân dân cấp xã có đủ năng lực chuyên môn về môi trường và có văn bản của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc đề nghị ủy quyền tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 31 ban hành kèm theo Thông tư này.

6.2. Trong thời hạn không quá 03 (ba) ngày làm việc kể từ khi nhận được công văn đề nghị ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm:

a) Gửi văn bản ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo mẫu quy định tại Phụ lục 32 ban hành kèm theo Thông tư này đối với trường hợp đồng ý ủy quyền;

b) Gửi văn bản đến Ủy ban nhân dân cấp xã và chủ dự án thông báo về việc không đồng ý ủy quyền, chỉ rõ lý do.

6.3. Thời gian xem xét, giải quyết đề nghị ủy quyền của Ủy ban nhân dân cấp xã không tính vào thời hạn xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

6.4. Trường hợp không được đồng ý ủy quyền, Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm gửi trả lại hồ sơ đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường cho chủ dự án để gửi đến Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xem xét, xác nhận theo quy định.

6.5. Ủy ban nhân dân cấp huyện không ủy quyền cho Ủy ban nhân dân cấp xã trong trường hợp dự án nằm trên địa bàn của 02 (hai) xã trở lên.

7. Ủy quyền xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.

7.1. Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường được ủy quyền bằng văn bản cho Ban Quản lý xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của các dự án đầu tư trong khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất và khu công nghệ cao căn cứ vào các điều kiện quy định tại khoản 8 Điều 1 Nghị định số 21/2008/NĐ-CP khi Ban Quản lý có tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường là Phòng quản lý môi trường được thành lập theo quy định tại khoản 1 Điều 9 Nghị định số 81/2007/NĐ-CP ngày 23 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ quy định tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường tại cơ quan nhà nước và doanh nghiệp nhà nước và có đề nghị bằng văn bản của Ban Quản lý.

7.2. Ban Quản lý được ủy quyền có trách nhiệm thực hiện đầy đủ vai trò như Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền trong các hoạt động xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường; gửi hồ sơ xác nhận bản cam kết bảo vệ môi trường; xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của cùng dự án với bản cam kết bảo vệ môi trường đã được xác nhận trước đó theo đúng các quy định tại phần IV của Thông tư này, gửi báo cáo kết quả về Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ủy quyền và tuân thủ chế độ kiểm tra, báo cáo quy định tại Phần V của Thông tư này.

V. CHẾ ĐỘ KIỂM TRA, BÁO CÁO VỀ CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

1. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường của các cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường quy định tại điểm b khoản 7 Điều 21 Luật Bảo vệ môi trường và Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu sự kiểm tra của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 hàng năm về công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của năm trước đó kèm theo bảng số  liệu (gửi bản in trên khổ giấy A4 qua đường bưu điện và tệp thông tin qua địa chỉ thư điện tử) được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 33 ban hành kèm theo Thông tư này.

2. Ban Quản lý được ủy quyền chịu sự kiểm tra của các cơ quan ủy quyền về công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho các cơ quan dưới đây trước ngày 15 tháng 01 hàng năm:

2.1. Báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường về công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo bảng tổng hợp kết quả về hoạt động này (gửi bản in trên khổ giấy A4 qua đường bưu điện và tệp thông tin qua địa chỉ thư điện tử) của năm trước đó được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 33 ban hành kèm theo Thông tư này.

2.2. Báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường kèm theo bảng tổng hợp kết quả về hoạt động này (gửi bản in trên khổ giấy A4 qua đường bưu điện và tệp thông tin qua địa chỉ thư điện tử) của năm trước đó được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 34 ban hành kèm theo Thông tư này.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu sự kiểm tra của Sở Tài nguyên và Môi trường về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành; có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho Sở Tài nguyên và Môi trường trước ngày 15 tháng 10 hàng năm về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của năm trước đó kèm theo bảng số liệu (gửi bản in trên khổ giấy A4 qua đường bưu điện và tệp thông tin qua địa chỉ thư điện tử) được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 34 ban hành kèm theo Thông tư này.

4. Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi đến Ủy ban nhân dân cấp trên và Bộ Tài nguyên và Môi trường trước ngày 30 tháng 01 hàng năm về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của địa phương trong năm trước đó, ghi rõ tổng số dự án đã được cấp giấy xác nhận, nêu những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các biện pháp khắc phục những tồn tại này.

VI. ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

1. Bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp tổ chức thực hiện Thông tư này.

2. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT ngày 08 tháng 9 năm 2006 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

3. Thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường đối với các hồ sơ được cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận vào thời điểm trước ngày Thông tư này có hiệu lực được tiếp tục thực hiện theo quy định của Thông tư số 08/2006/TT-BTNMT .

4. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần phản ánh kịp thời về Bộ Tài nguyên và Môi trường để xem xét, giải quyết.

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Sở Tài nguyên và Môi trường các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Công báo;
- Website Chính phủ;
- các đơn vị thuộc Bộ TN&MT;
- Lưu VT, PC, TCMT.

BỘ TRƯỞNG




Phạm Khôi Nguyên

PHỤ LỤC 1

CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

MỞ ĐẦU

1. Xuất xứ của dự án:

- Tóm tắt về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của dự án, trong đó nêu rõ là loại dự án mới, dự án điều chỉnh bổ sung, hay dự án loại khác.

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt dự án.

2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐMC):

Liệt kê các văn bản pháp luật và văn bản kỹ thuật làm căn cứ cho việc thực hiện ĐMC và lập báo cáo ĐMC của dự án, trong đó nêu đầy đủ chính xác: mã số, tên, ngày ban hành, cơ quan ban hành của từng văn bản.

3. Tổ chức thực hiện ĐMC:

- Mô tả mối liên kết giữa quá trình lập dự án và quá trình thực hiện ĐMC, trong đó nêu rõ quá trình thực hiện ĐMC được gắn kết như thế nào với quá trình lập dự án.

- Nêu tóm tắt về việc tổ chức, cách thức hoạt động của tổ chuyên gia về ĐMC do chủ dự án thành lập.

- Danh sách và vai trò của những người trực tiếp tham gia trong quá trình thực hiện ĐMC và trong việc lập báo cáo ĐMC.

- Mô tả cụ thể về quá trình làm việc, thảo luận của tổ chuyên gia về ĐMC với tổ chuyên gia về lập dự án nhằm gắn kết các nội dung về môi trường vào trong từng giai đoạn của quá trình xây dựng dự án.

Chương 1.

MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN VÀ CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG CHÍNH LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN

1.1. Cơ quan chủ dự án:

Nêu đầy đủ, chính xác: tên của cơ quan chủ dự án, địa chỉ và phương tiện liên hệ với cơ quan chủ dự án; họ tên và chức danh của người đứng đầu cơ quan chủ dự án.

1.2. Mô tả tóm tắt dự án:

Mô tả tóm tắt về nội dung dự án: nội dung, phạm vi nghiên cứu của dự án; các mục tiêu, quan điểm và phương hướng phát triển; cơ cấu tổ chức kinh tế, các phương án phát triển; phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế, xã hội trên lãnh thổ; quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng; định hướng quy hoạch sử dụng đất; luận chứng Danh mục dự án ưu tiên đầu tư; luận chứng bảo vệ môi trường; các giải pháp về cơ chế, chính sách; các chương trình, dự án đầu tư trọng điểm; phương án tổ chức thực hiện dự án.

1.3. Phạm vi nghiên cứu của ĐMC và các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án:

1.3.1. Phạm vi nghiên cứu của ĐMC

- Phạm vi không gian, trong đó chỉ rõ những vùng lãnh thổ cần nghiên cứu trong ĐMC.

- Phạm vi thời gian cần nghiên cứu trong ĐMC.

1.3.2. Các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án:

- Nêu rõ các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án cần xem xét trong ĐMC.

- Nêu rõ các mục tiêu môi trường liên quan đến các vấn đề môi trường đã xác định ở trên.

Chương 2.

MÔ TẢ DIỄN BIẾN CÁC VẤN ĐỀ MÔI TRƯỜNG LIÊN QUAN ĐẾN DỰ ÁN

2.1. Mô tả tóm tắt điều kiện tự nhiên, môi trường và kinh tế xã hội khu vực nghiên cứu:

- Điều kiện về địa lý, địa chất: mô tả tổng quát các điều kiện địa lý (bao gồm cả địa hình, địa mạo), địa chất thuộc vùng dự án và các vùng kế cận; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về khí tượng – thủy văn: mô tả tổng quát về các điều kiện khí tượng – thủy văn thuộc vùng dự án và các vùng kế cận; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Hiện trạng các thành phần môi trường tự nhiên: mô tả tổng quát về hiện trạng các thành phần môi trường đất, nước, không khí, sinh vật, hệ sinh thái và các thành phần môi trường tự nhiên khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về kinh tế: mô tả tổng quát về hiện trạng hoạt động của các ngành kinh tế chính thuộc vùng dự án và các vùng kế cận (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng, du lịch, thương mại, dịch vụ và các ngành khác); chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về xã hội: mô tả tổng quát về hiện trạng hoạt động của các công trình văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các công trình liên quan khác thuộc vùng dự án và các vùng kế cận; chỉ dẫn nguồn tài liệu; dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Mô tả diễn biến trong quá khứ của các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án: dựa trên các thông tin, dữ liệu đã có cần mô tả diễn biến của các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án, chỉ rõ các yếu tố gây ra sự biến đổi của các vấn đề môi trường này.

2.2. Dự án xu hướng của các vấn đề môi trường chính liên quan đến dự án trong trường hợp không thực hiện dự án (Phương án 0): xác định các yếu tố có thể tác động đến xu hướng của các vấn đề môi trường (như các quy hoạch phát triển khác, các dự án đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, các động lực thị trường, sự biến đổi khí hậu …), dự báo xu hướng của các vấn đề môi trường do tác động của các yếu tố này.

Chương 3.

DỰ BÁO TÁC ĐỘNG ĐỐI VỚI MÔI TRƯỜNG KHI THỰC HIỆN DỰ ÁN

3.1. Đánh giá sự phù hợp giữa các quan điểm, mục tiêu của dự án và các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường:

- Đối với các quan điểm, mục tiêu đặt ra của dự án với các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường đã được các cấp, các ngành xác lập trong các văn bản chính thống có liên quan, như: nghị quyết, chỉ thị của Đảng, văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về bảo vệ môi trường; chiến lược, quy hoạch, kế hoạch về khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên; và các văn bản chính thống có liên quan khác.

- Dự báo sự tác động, ảnh hưởng của các quan điểm, mục tiêu của dự án đến các quan điểm, mục tiêu về bảo vệ môi trường liên quan trong văn bản nêu trên.

3.2. Đánh giá, so sánh các phương án phát triển đề xuất: đánh giá tác động đến môi trường của các phương án phát triển đề xuất và đưa ra khuyến nghị về điều chỉnh, bổ sung và lựa chọn phương án phát triển dựa trên quan điểm về bảo vệ môi trường.

3.3. Dự bán xu hướng các vấn đề môi trường trong trường hợp thực hiện dự án:

Đánh giá tác động tích lũy của dự án đối với từng vấn đề môi trường liên quan:

- Chỉ rõ các thành phần của dự án (ví dụ như các quy hoạch thành phần, các dự án, các hoạt động …) có tác động đáng kể đến vấn đề môi trường liên quan.

- Đánh giá tác động của từng thành phần dự án đến vấn đề môi trường liên quan: xác định rõ đối tượng chịu tác động, phạm vi không gian và thời gian của tác động, đặc tính tác động, xác suất, khả năng đảo ngược của tác động; dự báo xu hướng của vấn đề môi trường do tác động của thành phần dự án này.

- Đánh giá tác động tích lũy của toàn bộ dự án đến vấn đề môi trường liên quan và dự báo xu hướng của vấn đề môi trường do tác động tích lũy của toàn bộ dự án.

Chương 4.

THAM VẤN CÁC BÊN LIÊN QUAN TRONG QUÁ TRÌNH ĐMC

4.1. Tổ chức việc tham vấn các bên liên quan trong quá trình ĐMC:

Nêu rõ việc tham vấn các bên liên quan đã được thực hiện ở các bước nào trong quá trình ĐMC, mục đích tiến hành tham vấn, đối tượng tiến hành tham vấn, phương pháp tham vấn.

4.2. Kết quả tham vấn các bên liên quan:

Nêu rõ kết quả của quá trình tham vấn các bên liên quan trong từng bước thực hiện ĐMC, như các thông tin thu thập được, các ý kiến đóng góp (bao gồm cả các ý kiến nhất trí và phản đối), các kiến nghị của các bên liên quan; nêu rõ việc các ý kiến, kiến nghị của các bên liên quan đã được nhóm ĐMC và cơ quan chủ dự án tiếp thu như thế nào trong quá trình thực hiện ĐMC và lập dự án.

Chương 5.

ĐỀ XUẤT CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA, GIẢM THIỂU, CẢI THIỆN VÀ CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

5.1. Đề xuất các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu và cải thiện đối với dự án:

- Mô tả các đề xuất về điều chỉnh, tối ưu hóa các mục tiêu, định hướng và phương án phát triển.

- Mô tả các đề xuất về điều chỉnh, tối ưu hóa các phương án tổng hợp về tổ chức kinh tế, xã hội trên lãnh thổ, quy hoạch phát triển kết cấu hạ tầng, quy hoạch sử dụng đất.

- Mô tả các đề xuất về điều chỉnh, tối ưu hóa các dự án thành phần, hoạt động cụ thể trong dự án (ví dụ, các phương án thay thế, địa điểm, quy mô, tiến độ thời gian của các dự án thành phần, hoạt động phát triển được đề xuất).

- Mô tả các đề xuất điều chỉnh, tối ưu hóa các giải pháp, phương án tổ chức thực hiện dự án.

- Mô tả các đề xuất về các biện pháp giảm thiểu đối với những tác động tiêu cực không thể tránh được của các dự án thành phần, hoạt động của dự án.

- Mô tả các định hướng về đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đối với các dự án thành phần trong dự án, trong đó chỉ ra những vấn đề môi trường cần lưu ý, những vùng, ngành/lĩnh vực nào cần phải được quan tâm về ĐTM trong quá trình xây dựng các dự án thành phần; lý do chủ yếu.

- Mô tả các đề xuất thay đổi đối với các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch khác có liên quan.

5.2. Chương trình quản lý, giám sát môi trường:

Đề xuất chương trình quản lý và giám sát môi trường trong quá trình triển khai thực hiện dự án, trong đó chỉ rõ hoặc đề xuất về:

- Nội dung giám sát, các thông số/chỉ thị giám sát, địa điểm, trách nhiệm giám sát, cách thức thực hiện, nguồn lực cần thiết.

- Cách thức phối hợp giữa các cơ quan trong quá trình thực hiện.

- Chế độ báo cáo trong quá trình thực hiện.

Chương 6.

CHỈ DẪN NGUỒN CUNG CẤP SỐ LIỆU, DỮ LIỆU VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐÁNH GIÁ

6.1. Nguồn cung cấp số liệu, dữ liệu:

- Nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo:

+ Liệt kê các tài liệu, dữ liệu tham khảo với các thông số về: tên gọi, xuất xứ thời gian, tác giả, nơi lưu trữ hoặc nơi phát hành của tài liệu, dữ liệu.

+ Đánh giá mức độ chi tiết, tin cậy, tính cập nhật của nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo.

- Nguồn tài liệu, dữ liệu chủ dự án tự tạo lập:

+ Liệt kê các tài liệu, dữ liệu đã tạo lập; xuất xứ thời gian, địa điểm mà tài liệu, dữ liệu được tạo lập.

+ Đánh giá mức độ chi tiết, tin cậy, tính cập nhật của nguồn tài liệu, dữ liệu tự tạo lập.

6.2. Phương pháp áp dụng trong quá trình ĐMC:

- Danh mục các phương pháp sử dụng: liệt kê đầy đủ các phương pháp đã sử dụng trong quá trình tiến hành ĐMC và lập báo cáo ĐMC, bao gồm các phương pháp về ĐMC, các phương pháp về điều tra, khảo sát, nghiên cứu, thí nghiệm và các phương pháp có liên quan khác.

- Đánh giá mức độ tin cậy của các phương pháp đã sử dụng: đánh giá mức độ tin cậy của phương pháp theo thang mức định tính hoặc định lượng tùy thuộc vào bản chất, tính chất và tính đặc thù của từng phương pháp áp dụng.

6.3. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá:

Nhận xét khách quan về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá về các tác động có khả năng xảy ra, xu hướng biến đổi lớn của các điều kiện tự nhiên, môi trường và kiểm tra – xã hội khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Đối với những vấn đề còn thiếu độ tin cậy cần thiết, phải nêu lý do khách quan và lý do chủ quan (thiếu thông tin, dữ liệu; số liệu, dữ liệu hiện có đã bị lạc hậu; thiếu phương pháp; độ tin cậy của phương pháp có hạn; trình độ chuyên môn của đội ngũ ĐMC có hạn; các nguyên nhân khác).

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

1. Về hiệu quả của ĐMC đối với quá trình lập dự án:

- Mô tả các đề xuất, kiến nghị của nhóm ĐMC và của các bên liên quan khác (thông qua quá trình tham vấn) đã được cơ quan chủ dự án tiếp thu và thể hiện bằng việc điều chỉnh, bổ sung nội dung của dự án.

- Mô tả các đề xuất, kiến nghị chưa được cơ quan chủ dự án tiếp thu, giải thích lý do.

2. Về mức độ tác động xấu đối với môi trường:

- Kết luận về mức độ tác động xấu về môi trường nói chung trong quá trình triển khai dự án; khả năng và mức độ khắc phục.

- Những tác động môi trường xấu không thể khắc phục được; nguyên nhân; kiến nghị biện pháp giải quyết.

3. Về việc phê duyệt dự án:

Dựa trên các căn cứ về môi trường, kết luận:

- Dự án có thể phê duyệt được; những điểm cần lưu ý khi phê duyệt dự án (nếu có); hoặc

- Dự án chưa thể hoặc không thể phê duyệt được; lý do.

4. Kết luận và kiến nghị khác.

PHỤ LỤC 2

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án “ …(2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: … (2) …

Dự án (văn bản chiến lược/quy hoạch/kế hoạch) sẽ do … (4) … phê duyệt.

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:

- 09 (chín) bản dự thảo văn bản chiến lược/quy hoạch/kế hoạch;

- 09 (chín) bản báo cáo đánh giá môi trường chiến lược của Dự án bằng tiếng Việt.

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai trái, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị … (3) … thẩm định báo cáo đánh giá môi trường chiến lược cho Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(5)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Cơ quan tổ chức việc thẩm định;

(4) Cơ quan phê duyệt dự án chiến lược, kế hoạch, quy hoạch;

(5) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 3

MẪU BÌA VÀ TRANG PHỤ BÌA CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (tên cơ quan chủ quản/phê duyệt dự án) …

… (tên cơ quan chủ dự án) …

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ
MÔI TRƯỜNG CHIẾN LƯỢC

của DỰ ÁN CHIẾN LƯỢC/QUY HOẠCH/KẾ HOẠCH
« … »

CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN (*)

(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

(Địa danh), tháng … năm 200 …

Ghi chú: (*) chỉ thề hiện ở trang phụ bìa

PHỤ LỤC 4

CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

MỞ ĐẦU

1. Xuất xứ của dự án:

- Tóm tắt về xuất xứ, hoàn cảnh ra đời của dự án đầu tư, trong đó nêu rõ là loại dự án mới, dự án bổ sung, dự án mở rộng, dự án nâng cấp hay dự án loại khác.

- Cơ quan, tổ chức có thẩm quyền phê duyệt dự án đầu tư (báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án).

- Mối quan hệ của dự án với các quy hoạch phát triển do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt (nêu rõ hiện trạng của các quy hoạch phát triển có liên quan đến dự án: đã được phê duyệt thì nêu đầy đủ tên gọi của quyết định phê duyệt hoặc đang trong giai đoạn xây dựng để trình cấp có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt).

- Nêu rõ dự án có nằm trong khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất hay không? Nếu có thì nêu đầy đủ tên gọi và đính kèm bản sao các văn bản sau vào Phụ lục của báo cáo đánh giá tác động môi trường:

+ Quyết định phê duyệt (nếu có) báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng của khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất do cơ quan có thẩm quyền cấp;

+ Văn bản xác nhận (nếu có) đã thực hiện/hoàn thành các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường do cơ quan có thẩm quyền cấp (đối với trường hợp báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án xây dựng kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao được phê duyệt sau ngày 01 tháng 7 năm 2006).

2. Căn cứ pháp luật và kỹ thuật của việc thực hiện đánh giá môi trường chiến lược (ĐTM):

- Liệt kê các văn bản pháp luật và văn bản kỹ thuật làm căn cứ cho việc thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM của dự án, trong đó nêu đầy đủ, chính xác mã số, tên, ngày ban hành, cơ quan ban hành của từng văn bản.

- Liệt kê các tiêu chuẩn, quy chuẩn áp dụng bao gồm các Tiêu chuẩn Việt Nam, Quy chuẩn Việt Nam; tiêu chuẩn, quy chuẩn ngành; các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc tế hoặc các tiêu chuẩn, quy chuẩn khác được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án.

- Liệt kê các nguồn tài liệu, dữ liệu sử dụng trong quá trình đánh giá tác động môi trường (tên gọi, xuất xứ thời gian, tác giả, nơi phát hành của tài liệu, dữ liệu), bao gồm:

+ Nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo;

+ Nguồn tài liệu, dữ liệu do chủ dự án tự tạo lập.

3. Phương pháp áp dụng trong quá trình ĐTM:

Liệt lê đầy đủ các phương pháp đã sử dụng trong quá trình thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM, bao gồm các phương pháp ĐTM, các phương pháp điều tra, khảo sát, nghiên cứu, thí nghiệm và các phương pháp khác.

4. Tổ chức thực hiện ĐTM:

- Nêu tóm tắt về việc tổ chức thực hiện ĐTM và lập báo cáo ĐTM của chủ dự án, trong đó chỉ rõ việc có thuê hay không thuê dịch vụ tư vấn lập báo cáo ĐTM. Trường hợp có thuê dịch vụ tư vấn, nêu rõ tên cơ quan cung cấp dịch vụ; họ và tên người đứng đầu cơ quan cung cấp dịch vụ; địa chỉ liên hệ của cơ quan cung cấp dịch vụ;

- Danh sách những người trực tiếp tham gia lập báo cáo ĐTM của dự án (bao gồm các thành viên của chủ dự án và các thành viên của cơ quan tư vấn, nêu rõ học vị, chuyên ngành đào tạo của từng thành viên).

Chương 1.

MÔ TẢ TÓM TẮT DỰ ÁN

1.1. Tên dự án:

Nêu chính xác như tên trong báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án.

1.2. Chủ dự án:

Nêu đầy đủ: tên của cơ quan chủ dự án, địa chỉ và phương tiện liên hệ với cơ quan chủ dự án; họ tên và chức danh của người đứng đầu cơ quan chủ dự án.

1.3. Vị trí địa lý của dự án;

Mô tả rõ ràng vị trí địa lý (gồm cả tọa độ theo quy chuẩn hiện hành, ranh giới …) của địa điểm thực hiện dự án trong mối tương quan với các đối tượng tự nhiên (hệ thống đường giao thông; hệ thống sông suối; ao hồ và các vực nước khác; hệ thống đồi núi …), các đối tượng kinh tế - xã hội (khu dân cư, khu đô thị, các đối tượng sản xuất – kinh doanh – dịch vụ, các công trình văn hóa – tôn giáo, các di tích lịch sử …) và các đối tượng khác xung quanh khu vực dự án, kèm theo sơ đồ vị trí địa lý thể hiện các đối tượng này, có chú giải rõ ràng.

1.4. Nội dung chủ yếu của dự án:

- Liệt kê đầy đủ, mô tả chi tiết về khối lượng và quy mô (không gian và thời gian) của tất cả các hạng mục công trình cần triển khai trong quá trình thực hiện dự án, kèm theo một sơ đồ, bản vẽ mặt bằng tổng thể bố trí tất cả các hạng mục công trình hoặc các sơ đồ, bản vẽ riêng lẻ cho từng hạng mục công trình. Các công trình được phân thành 2 loại sau:

+ Các công trình chính: công trình phục vụ mục đích sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của dự án;

+ Các công trình phụ trợ: công trình hỗ trợ, phục vụ cho hoạt động của công trình chính, như: giao thông vận tải, bưu chính viễn thông, cung cấp điện, cung cấp nước, thoát nước mưa, thoát nước thải, di dân tái định cư, cây xanh phòng hộ môi trường, trạm xử lý nước thải, nơi xử lý hoặc trạm tập kết chất thải rắn (nếu có) và các công trình khác.

- Mô tả chi tiết, cụ thể về công nghệ thi công, công nghệ sản xuất, công nghệ vận hành từng hạng mục công trình của dự án, kèm theo sơ đồ minh họa. Trên các sơ đồ minh họa này phải chỉ rõ các yếu tố môi trường có khả năng phát sinh, như: nguồn chất thải và các yếu tố gây tác động khác (nếu có).

- Liệt kê đầy đủ các loại máy móc, thiết bị cần có của dự án kèm theo chỉ dẫn về nước sản xuất, năm sản xuất và hiện trạng mới hay cũ, còn bao nhiêu phần trăm (nếu có)

- Liệt kê đầy đủ thành phần và tính chất của các loại nguyên, nhiên, vật liệu (đầu vào) và các chủng loại sản phẩm (đầu ra) của dự án kèm theo chỉ dẫn về tên thương hiệu và công thức hóa học (nếu có).

- Mô tả chi tiết về tiến độ thực hiện các hạng mục công trình của dự án từ khi bắt đầu cho đến khi hoàn thành và đi vào vận hành chính thức.

- Tổng mức đầu tư và nguồn vốn đầu tư của dự án, trong đó, chỉ rõ mức đầu tư cho hoạt động bảo vệ môi trường của dự án.

- Tổ chức quản lý và thực hiện dự án.

Chương 2.

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN, MÔI TRƯỜNG VÀ KINH TẾ - XÃ HỘI

2.1. Điều kiện tự nhiên và môi trường:

- Điều kiện về địa lý, địa chất: chỉ đề cập và mô tả những đối tượng, hiện tượng, quá trình bị tác động bởi dự án (đối với dự án có làm thay đổi các yếu tố địa lý, cảnh quan; dự án khai thác khoáng sản và dự án liên quan đến các công trình ngầm thì phải mô tả một cách chi tiết); chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về khí tượng – thủy văn/hải văn:

- Điều kiện khí tượng: trình bày rõ các đặc trưng khí tượng có liên quan đến dự án (nhiệt độ không khí, độ ẩm, vận tốc gió, hướng gió, tần suất gió, nắng và bức xạ, lượng mưa, bão và các điều kiện về khí tượng dị thường khác); chỉ rõ độ dài chuỗi số liệu; nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng;

- Điều kiện thủy văn/hải sản: trình bày rõ các đặc trưng thủy văn/hải văn có liên quan đến dự án (mực nước, lưu lượng, tốc độ dòng chảy và các điều kiện về thủy văn/hải văn khác); chỉ rõ độ dài chuỗi số liệu; nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Hiện trạng các thành phần môi trường tự nhiên: chỉ đề cập và mô tả những thành phần môi trường bị tác động trực tiếp bởi dự án, như: môi trường không khí tiếp nhập trực tiếp nguồn khí thải của dự án (lưu ý hơn đến những vùng bị ảnh hưởng theo các hướng gió chủ đạo), nguồn nước tiếp nhận trực tiếp nước thải của dự án, đất, trầm tích và hệ sinh vật chịu ảnh hưởng trực tiếp bởi chất thải và các yếu tố khác của dự án.

Đối với môi trường không khí, nước, đất và trầm tích đòi hỏi như sau:

+ Chỉ dẫn rõ ràng các số liệu đo đạc, phân tích tại thời điểm tiến hành ĐTM về chất lượng môi trường (lưu ý: các điểm đo đạc, lấy mẫu phải có mã số, có chỉ dẫn về thời gian, địa điểm, đồng thời, phải được thể hiện bằng các biểu, bảng rõ ràng và được minh họa bằng sơ đồ bố trí các điểm trên nền bản đồ khu vực. Các điểm đo đạc, lấy mẫu ít nhất phải là các điểm bị tác động trực tiếp bởi dự án. Việc đo đạc, phân tích phải tuân thủ quy trình, quy phạm quan trắc, phân tích môi trường; kết quả quan trắc, phân tích môi trường phải được hoàn thiện và được xác nhận của các đơn vị có chức năng theo quy định của pháp luật);

- Nhận xét về mức độ ô nhiễm không khí, nước, đất và trầm tích so với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường. Nhận định về nguyên nhân, nguồn gốc ô nhiễm. Trong trường hợp có đủ cơ sở dữ liệu về môi trường, đánh giá sơ bộ về sức chịu tải của môi trường ở khu vực dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường.

2.2. Điều kiện kinh tế - xã hội:

- Điều kiện về kinh tế: chỉ đề cập đến những hoạt động kinh tế (công nghiệp, nông nghiệp, giao thông vận tải, khai khoáng, du lịch, thương mại, dịch vụ và các ngành khác) trong khu vực dự án và vùng kế cận bị tác động bởi dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

- Điều kiện về xã hội: Chỉ đề cập đến những các công trình văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử, khu dân cư, khu đô thị và các công trình liên quan khác trong vùng dự án và các vùng kế cận bị tác động bởi dự án; chỉ dẫn nguồn tài liệu, dữ liệu tham khảo, sử dụng.

Chương 3.

ĐÁNH GIÁ CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

3.1. Đánh giá tác động

- Việc đánh giá tác động của dự án môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội được thực hiện theo từng giai đoạn (chuẩn bị, xây dựng và vận hành) của dự án và phải được cụ thể hóa cho từng nguồn gây tác động, đến từng đối tượng bị tác động. Mỗi tác động đều phải được đánh giá một cách cụ thể, chi tiết về mức độ, về quy mô không gian và thời gian (đánh giá một cách định tính, định lượng, chi tiết và cụ thể cho dự án đó, không đánh giá một cách chung chung) và so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành. Trong đó:

+ Nguồn gây tác động có liên quan đến chất thải: tất cả các nguồn có khả năng phát sinh các loại chất thải rắn, lỏng, khí cũng như các loại chất thải khác trong quá trình triển khai thực hiện dự án;

+ Nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải: tất cả các nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải, như: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; biến đổi vi khí hậu; suy thoái các thành phần môi trường; biến đổi đa dạng sinh học và các nguồn gây tác động khác;

+ Đối tượng bị tác động: tất cả các đối tượng tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội, tôn giáo, tín ngưỡng, di tích lịch sử và các đối tượng khác trong vùng dự án và các vùng kế cận bị tác động bởi từng nguồn gây tác động liên quan đến chất thải, từng nguồn gây tác động không liên quan đến chất thải trong các giai đoạn của dự án (chuẩn bị, xây dựng và vận hành) và bởi các rủi ro, sự cố môi trường trong quá trình xây dựng và vận hành của dự án.

- Dự báo những rủi ro, sự cố môi trường do dự án gây ra: chỉ đề cập đến những rủi ro, sự cố có thể xảy ra bởi dự án trong quá trình xây dựng và vận hành của dự án.

3.2. Nhận xét về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá:

Nhận xét khách quan về mức độ chi tiết, độ tin cậy của các đánh giá về các tác động môi trường, các rủi ro, sự cố môi trường có khả năng xảy ra khi triển khai dự án và khi không triển khai dự án. Đối với những vấn đề còn thiếu độ tin cậy cần thiết, phải nêu rõ các lý do khách quan và các lý do chủ quan (như thiếu thông tin, dữ liệu; số liệu, dữ liệu hiện có đã bị lạc hậu; số liệu, dữ liệu tự tạo lập chưa có đủ độ chính xác, tin cậy; thiếu hoặc độ tin cậy của phương pháp đánh giá có hạn; trình độ chuyên môn của đội ngũ cán bộ về ĐTM có hạn; các nguyên nhân khác).

Chương 4.

BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG XẤU, PHÒNG NGỪA VÀ ỨNG PHÓ SỰ CỐ MÔI TRƯỜNG

Các biện pháp giảm thiểu tác động xấu, phòng ngừa và ứng phó sự cố môi trường phải được thể hiện đối với từng giai đoạn (chuẩn bị, xây dựng và vận hành) của dự án, từng đối tượng bị tác động như đã nêu trong mục 3.1 và phải là các biện pháp cụ thể, có tính khả thi sẽ được áp dụng trong suốt quá trình thực hiện dự án.

4.1. Đối với các tác động xấu:

- Mỗi loại tác động xấu đến các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội đã xác định đều phải có kèm theo biện pháp giảm thiểu tương ứng, có lý giải rõ ràng về ưu điểm, nhược điểm, mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý. Trong trường hợp việc triển khai các biện pháp giảm thiểu của dự án liên quan đến nhiều cơ quan, tổ chức, phải kiến nghị cụ thể tên các cơ quan, tổ chức đó và đề xuất phương án phối hợp cùng giải quyết.

- Phải chứng minh được rằng, sau khi áp dụng biện pháp giảm thiểu, các tác động xấu sẽ được giảm đến mức nào, có so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành. Trường hợp bất khả kháng, phải nêu rõ lý do và có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.

4.2. Đối với sự cố môi trường:

Đề xuất một phương án chung về phòng ngừa và ứng phó sự cố, trong đó nêu rõ:

- Nội dung, biện pháp mà chủ dự án chủ động thực hiện trong khả năng của mình; nhận xét, đánh giá về tính khả thi và hiệu quả;

- Nội dung, biện pháp cần phải có sự hợp tác, giúp đỡ của các cơ quan nhà nước và các đối tác khác;

- Những vấn đề bất khả kháng và kiến nghị hướng xử lý.

Chương 5.

CHƯƠNG TRÌNH QUẢN LÝ VÀ GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

5.1. Chương trình quản lý môi trường:

Đề ra một chương trình nhằm quản lý các vấn đề bảo vệ môi trường trong quá trình chuẩn bị, xây dựng các công trình của dự án và trong quá trình dự án đi vào vận hành. Chương trình quản lý môi trường được xây dựng trên cơ sở tổng hợp từ các chương 1, 3, 4 dưới dạng bảng, bao gồm các thông tin về: các hoạt động của dự án trong quá trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành; các tác động môi trường; các biện pháp giảm thiểu tác động có hại (các công trình xử lý và quản lý chất thải kèm theo chỉ dẫn cụ thể về chủng loại và đặc tính kỹ thuật; công trình xử lý môi trường đối với các yếu tố khác ngoài chất thải; các biện pháp phòng chống sự cố môi trường; các biện pháp phục hồi môi trường nếu có; chương trình giáo dục, đào tạo về môi trường và các biện pháp giảm thiểu các tác động có hại khác); kinh phí thực hiện; thời gian biểu thực hiện và hoàn thành; cơ quan thực hiện và cơ quan giám sát thực hiện chương trình quản lý môi trường.

5.2. Chương trình giám sát môi trường:

Đề ra chương trình nhằm giám sát các chất thải phát sinh trong suốt quá trình chuẩn bị, xây dựng và vận hành của dự án:

5.2.1. Giám sát chất thải: đòi hỏi phải giám sát lưu lượng/tổng lượng thải và giám sát những thông số ô nhiễm đặc trưng cho chất thải của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam, với tần suất tối thiểu 03 (ba) tháng một lần. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.

Đối với các dự án phát sinh nguồn nước thải, khí thải lớn, tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường ở mức độ cao, phải có phương án thiết kế và lắp đặt các thiết bị đo lưu lượng và quan trắc tự động, liên tục các thông số ô nhiễm đặc trưng trong chất thải để cơ quan thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường xem xét, quyết định.

5.2.2. Giám sát môi trường xung quanh: chỉ giám sát những thông số ô nhiễm đặc trưng cho dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành của Việt Nam trong trường hợp tại khu vực thực hiện dự án không có các trạm, điểm giám sát chung của cơ quan nhà nước, với tần suất tối thiểu 06 (sáu) tháng một lần. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.

5.2.3. Giám sát khác: chỉ phải giám sát các yếu tố: xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ, đáy biển; thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; và các tác động tới các đối tượng tự nhiên và kinh tế - xã hội khác (nếu có) với tần suất phù hợp nhằm theo dõi được sự biến đổi theo không gian và thời gian của các yếu tố này. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.

Chương 6.

THAM VẤN Ý KIẾN CỘNG ĐỒNG

6.1. Ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã.

6.2. Ý kiến của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

(Các điểm 6.1 và 6.2 này được thể hiện theo yêu cầu nêu tại mục 2 Phần III của Thông tư này).

6.3. Ý kiến phản hồi và cam kết của chủ dự án trước các ý kiến của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã:

Đối với từng nội dung ý kiến, yêu cầu của Ủy ban nhân dân cấp xã và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, chủ dự án cần nêu rõ quan điểm của mình đồng ý hay không đồng ý; trường hợp đồng ý thì cần nêu rõ các cam kết của chủ dự án để đáp ứng ý kiến, yêu cầu này được trình bày ở nội dung (chương, mục) nào của báo cáo; trường hợp không đồng ý thì cần nêu rõ lý do tại sao.

KẾT LUẬN, KIẾN NGHỊ VÀ CAM KẾT

1. Kết luận:

Phải có kết luận về những vấn đề, như: đã nhận dạng và đánh giá được hết những tác động chưa, những vấn đề gì còn chưa dự báo được; đánh giá tổng quát về mức độ, quy mô của những tác động đã xác định; mức độ khả thi của các biện pháp giảm thiểu tác động xấu và phòng chống, ứng phó các sự cố, rủi ro môi trường; những tác động tiêu cực nào không thể có biện pháp giảm thiểu vì vượt quá khả năng cho phép của chủ dự án và nêu rõ lý do.

2. Kiến nghị:

Kiến nghị với các cấp, các ngành liên quan giúp giải quyết những vấn đề vượt khả năng giải quyết của dự án.

3. Cam kết:

Các cam kết của chủ dự án về việc thực hiện chương trình quản lý môi trường, chương trình giám sát môi trường như đã nêu trong Chương 5 (bao gồm các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường mà dự án bắt buộc phải áp dụng); thực hiện các cam kết với cộng đồng như đã nêu tại mục 6.3 Chương 6 của báo cáo ĐTM; tuân thủ các quy định chung về bảo vệ môi trường có liên quan đến các giai đoạn của dự án, gồm:

- Các cam kết về các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường sẽ thực hiện và hoàn thành trong các giai đoạn chuẩn bị và xây dựng đến thời điểm trước khi dự án đi vào vận hành chính thức;

- Các cam kết về các giải pháp, biện pháp bảo vệ môi trường sẽ được thực hiện trong giai đoạn từ khi dự án đi vào vận hành chính thức cho đến khi kết thúc dự án;

- Cam kết về đền bù và khắc phục ô nhiễm môi trường trong trường hợp các sự cố, rủi ro môi trường xảy ra do triển khai dự án;

- Cam kết phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường sau khi dự án kết thúc vận hành.

PHỤ LỤC

Đính kèm trong Phụ lục của báo cáo đánh giá tác động môi trường các loại tài liệu sau đây:

- Bản sao các văn bản pháp lý liên quan đến dự án;

- Các sơ đồ (bản vẽ, bản đồ) khác liên quan đến dự án nhưng chưa được thể hiện trong các chương trình của báo cáo đánh giá tác động môi trường;

- Các phiếu kết quả phân tích các thành phần môi trường (không khí, tiếng ồn, nước, đất, trầm tích, tài nguyên sinh học ….) có chữ ký kèm theo họ tên, chức danh của Thủ trưởng cơ quan phân tích và đóng dấu;

- Bản sao các văn bản liên quan đến tham vấn cộng đồng và các phiếu điều tra xã hội học (nếu có);

- Các hình ảnh liên quan đến khu vực dự án (nếu có);

- Các tài liệu liên quan khác (nếu có).

PHỤ LỤC 5

MẪU VĂN BẢN CỦA ỦY BAN NHÂN DÂN VÀ ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC CẤP XÃ TRẢ LỜI CHỦ DỰ ÁN VỀ THAM VẤN CỘNG ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v ý kiến cộng đồng đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ …(2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

… (1) … nhận được Công văn số … ngày … tháng … năm … của … (3) … thông báo về các hạng mục đầu tư chính, các vấn đề môi trường, các giải pháp bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”. Trên cơ sở nghiên cứu bản thông báo này, các tài liệu liên quan (và tổng hợp ý kiến đối thoại nếu có giữa Chủ dự án và các bên có liên quan trên địa bàn xã … (4) …), chúng tôi có ý kiến như sau:

1. Ý kiến về các tác động xấu của Dự án đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội: (nêu rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý với các nội dung tương ứng được trình bày trong bản thông báo nêu trên của Chủ dự án; trường hợp không đồng ý thì chỉ rõ các nội dung, vấn đề cụ thể không đồng ý).

2. Ý kiến về các giải pháp, biện pháp giảm thiểu các tác động xấu của Dự án đến môi trường tự nhiên và kinh tế - xã hội: (nêu rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý với các nội dung tương ứng được trình bày trong bản thông báo nêu trên của Chủ dự án; trường hợp không đồng ý thì chỉ rõ các nội dung, vấn đề cụ thể không đồng ý).

3. Kiến nghị đối với Chủ dự án: (nêu cụ thể các yêu cầu, kiến nghị của cộng đồng đối với Chủ dự án liên quan đến việc cam kết thực hiện các biện pháp, giải pháp giảm thiểu các tác động xấu về môi trường của Dự án và các kiến nghị khác có liên quan đến Dự án nếu có).

Trên đây là ý kiến của … (1) …, gửi … (3) … để tổng hợp và xử lý./.

Nơi nhận:

- Như trên;

- Lưu …

(5)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên của Ủy ban nhân dân hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Tên cơ quan chủ dự án; (4) Tên của xã nơi triển khai dự án; (5) Thủ trưởng – người thay mặt Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc người thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã.

PHỤ LỤC 6

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án “ …(2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: … (2) …:

Dự án (báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của dự án) sẽ do … (4) … phê duyệt.

- Địa điểm thực hiện Dự án: …;

- Địa chỉ liên hệ: …;

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến quý … (3) … những hồ sơ sau:

- 01 (một) bản báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của Dự án;

- 07 (bảy) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án bằng tiếng Việt.

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên và cam kết rằng: Dự án của chúng tôi không sử dụng các loại hóa chất, chủng vi sinh bị cấm theo quy định của Việt Nam và theo quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, các quy định được trích lục và sử dụng là hoàn toàn đúng sự thực và đang còn hiệu lực áp dụng.

Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị … (3) … thẩm định và cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường cho Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(5)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Cơ quan tổ chức việc thẩm định hoặc Ban Quản lý được ủy quyền (đối với dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất); (4) Cơ quan phê duyệt dự án; (5) Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

PHỤ LỤC 7

MẪU BÌA VÀ TRANG PHỤ BÌA CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (tên cơ quan chủ quản/phê duyệt dự án) …

… (tên cơ quan chủ dự án) …

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ
TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

của DỰ ÁN “…”

CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN (*)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

CƠ QUAN TƯ VẤN (*)
(nếu có)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

(Địa danh), tháng … năm 200 …

Ghi chú: (*) chỉ thể hiện ở trang phụ bìa.

PHỤ LỤC 8

MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:...

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ”

… (3) …

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số … /2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ … (4) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

Căn cứ Văn bản … (*) … về việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường …;

Theo đề nghị của … (5) … (hoặc Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ” họp ngày … tháng … năm … tại …);

Xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ” đã được chỉnh sửa bổ sung kèm theo Văn bản giải trình số … ngày … tháng … năm … của … (6) …;

Theo đề nghị của Ông (Bà) … (7) …,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ” của ... (6) … (sau đây gọi là Chủ dự án).

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. …

2. …

3. …

Điều 3. Chủ dự án phải tuân thủ nghiêm túc chế độ thông tin, báo cáo về việc thực hiện nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu của Quyết định này theo quy định tại Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư …/200…/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường.

Điều 4. Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án và những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 và Điều 3 của Quyết định này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thanh tra, kiểm soát việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Dự án.

Điều 5. Trong quá trình triển khai thực hiện Dự án, nếu có những thay đổi về nội dung của báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt, Chủ dự án phải có văn bản báo cáo và chỉ được thực hiện những nội dung thay đổi đó sau khi có văn bản chấp thuận của … (1) …

Điều 6. Ủy nhiệm … (8) … thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung bảo vệ môi trường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt và các yêu cầu nêu tại Điều 2 của Quyết định này.

Điều 7. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Nơi nhận:

- Chủ dự án;

-

- Lưu …

(3)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) của dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu tư cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …; (5) Tên tổ chức dịch vụ thẩm định (nếu có); (6) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (7) Thủ trưởng cơ quan thường trực hội đồng thẩm định; (8) Cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra, giám sát sau khi phê duyệt; (*) Tên đầy đủ của văn bản của cấp có thẩm quyền ủy quyền cho … (1) … thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

PHỤ LỤC 9

MẪU XÁC NHẬN ĐÃ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG, BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG; ĐÃ XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG, BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

9a. Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường

… (1) … xác nhận: Báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “…(2) …” được phê duyệt tại Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … (3) …

(Địa danh), ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng cơ quan xác nhận
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

9b. Đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung

… (1) … xác nhận: Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án “…(2) …” được phê duyệt tại Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … (3) …

(Địa danh), ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng cơ quan xác nhận
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

9c. Đối với bản cam kết bảo vệ môi trường 

… (1) … xác nhận: Bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “…(2) …” được cấp Giấy xác nhận đăng ký số … ngày … tháng … năm … của … (3) …

(Địa danh), ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng cơ quan xác nhận
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

9d. Đối với bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung 

… (1) … xác nhận: Bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án “…(2) …” được cấp Giấy xác nhận đăng ký số … ngày … tháng … năm … của … (3) …

(Địa danh), ngày … tháng … năm …
Thủ trưởng cơ quan xác nhận
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú: (1) Cơ quan có thẩm quyền hoặc được ủy quyền xác nhận; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường.

PHỤ LỤC 10

CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

1. Tên dự án:

Nêu đúng như tên trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được cấp quyết định phê duyệt trước đó. Trong trường hợp đã được đổi tên khác thì nêu cả tên cũ, tên mới và thuyết minh rõ về quá trình, tính pháp lý của việc đổi tên này.

2. Chủ dự án:

Nêu đầy đủ: tên, địa chỉ và phương tiện liên hệ với cơ quan, doanh nghiệp là chủ dự án; họ tên và chức danh của người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung.

3. Vị trí địa lý của dự án (tại thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung):

Chỉ mô tả lại vị trí địa lý của địa điểm thực hiện dự án theo quy định như đối với báo cáo đánh giá tác động môi trường trước đó của dự án khi có sự thay đổi của các đối tượng tự nhiên, các đối tượng về kinh tế - xã hội và các đối tượng khác xung quanh khu vực dự án chịu ảnh hưởng trực tiếp của dự án, kèm theo sơ đồ vị trí địa lý thể hiện các đối tượng này, có chú giải rõ ràng.

4. Những thay đổi về nội dung của dự án:

Mô tả chi tiết, rõ ràng về những thay đổi sau đây cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung (trường hợp có thay đổi):

4.1. Thay đổi về địa điểm thực hiện;

4.2. Thay đổi về quy mô, công suất thiết kế;

4.3. Thay đổi về công nghệ sản xuất;

4.4. Thay đổi về nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất;

4.5. Thay đổi khác.

5. Thay đổi về hiện trạng môi trường tự nhiên và các yếu tố kinh tế, xã hội của vùng thực hiện dự án (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung).

6. Thay đổi về tác động môi trường và những biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực của dự án.

7. Thay đổi về chương trình quản lý và giám sát môi trường của dự án.

8. Thay đổi khác (cho đến thời điểm lập báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung).

9. Kết luận.

PHỤ LỤC 11

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án “ …(2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: “ … (2) … ”

- Địa điểm thực hiện Dự án: …

- Địa chỉ liên hệ: …

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:

- 01 (một) báo cáo đầu tư điều chỉnh/báo cáo kinh tế kỹ thuật điều chỉnh/dự án đầu tư điều chỉnh hoặc tài liệu tương đương của Dự án;

- 07 (bảy) bản báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung bằng tiếng Việt.

- 01 (một) bản sao báo cáo đánh giá tác động môi trường kèm theo bản sao (được chứng thực theo quy định của pháp luật) của Quyết định số …/… ngày … tháng … năm … của … (4) … về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (5) … ”

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên. Nếu có gì sai phạm chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị … (3) … thẩm định và cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung cho Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(6)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Cơ quan tổ chức việc thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bổ sung;

(4) Cơ quan đã ra quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM;

(5) Tên dự án đã được cấp quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM;

(6) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 12

MẪU BÌA VÀ TRANG PHỤ BÌA CỦA BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (tên cơ quan chủ quản/phê duyệt dự án) …

… (tên cơ quan chủ dự án) …

BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG
MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG

của DỰ ÁN “…”

CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN (*)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

CƠ QUAN TƯ VẤN (*)
(nếu có)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

(Địa danh), tháng … năm 200 …

Ghi chú: (*) chỉ thể hiện ở trang phụ bìa.

PHỤ LỤC 13

MẪU BẢN NHẬN XÉT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------------

BẢN NHẬN XÉT
BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG

1. Họ và tên người nhận xét: ...

2. Học hàm, học vị, chức vụ công tác:

3. Nơi công tác (tên, địa chỉ, số điện thoại, Fax, Email): …

4. Tên Dự án: “…”

5. Nhận xét về nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung:

5.1. Những nội dung đạt yêu cầu (nêu cụ thể từng nội dung): …

5.2. Những nội dung cần chỉnh sửa (nêu cụ thể từng nội dung): …

5.3. Những nội dung cần bổ sung (nêu cụ thể từng nội dung): …

5.4. Những nhận xét khác: …

6. Kết luận và đánh giá (nêu rõ ý kiến đồng ý hay không đồng ý phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung, lý do): …

(Địa danh nơi viết nhận xét), ngày … tháng … năm
Người nhận xét
(Ký và ghi họ tên)

PHỤ LỤC 14

MẪU QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

QUYẾT ĐỊNH

Về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án “ … (2) … ”

… (3) …

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số … /2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ … (4) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

Căn cứ … (*) … về việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường …;

Xét Công văn số...... ngày … tháng … năm …  của … (5) … về việc đề nghị thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án “… (2) …”;

Xét nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án  “… (2) …” đã được chỉnh sửa bổ sung kèm theo Văn bản giải trình số … ngày … tháng … năm … của … (5) …;

Theo đề nghị của Ông (Bà) … (6) …,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của Dự án “ … (2) … ” của (5) … (sau đây gọi là Chủ dự án).

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng những nội dung đã được nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. …

2. …

3. …

Điều 3. Báo cáo đánh giá tác động môi trường bổ sung của dự án, những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 của Quyết định này và báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt tại Quyết định số … (7) … ngày … tháng … năm … của … (8) … là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác bảo vệ môi trường của Dự án.

Điều 4. Quyết định này có giá trị đi kèm với Quyết định số … (7) … ngày … tháng … năm … của … (8) … và có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:

- Chủ dự án;

-

- Lưu …

(3)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) bổ sung của dự án;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo ĐTM bổ sung của dự án;

(4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

(5) Cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(6) Thủ trưởng cơ quan thường trực hội đồng thẩm định;

(7) Ký, mã hiệu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước đó;

(8) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã ban hành quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM trước đó.

(*) Tên đầy đủ của văn bản của cấp có thẩm quyền ủy quyền cho … (1) … thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

PHỤ LỤC 15

MẪU VĂN BẢN BÁO CÁO ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP HUYỆN NƠI THỰC HIỆN DỰ ÁN VỀ NỘI DUNG QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v báo cáo về nội dung của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ …(2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Thực hiện các quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường, … (1) … xin báo cáo quý Ủy ban về việc Dự án “… (2) …” của chúng tôi đã được … (4) … cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (xin gửi kèm theo đây bản sao của Quyết định này).

… (1) … báo cáo để quý Ủy ban biết và mong nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện giúp đỡ của quý Ủy ban trong quá trình triển khai Dự án./.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(5)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Ủy ban nhân dân cấp huyện;

(4) Tên cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án;

(5) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 16

MẪU BẢN TÓM TẮT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG ĐÃ ĐƯỢC PHÊ DUYỆT
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

I. THÔNG TIN CHUNG

1.1. Tên Dự án: (đúng như tên trong báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư hoặc tài liệu tương đương của Dự án)

1.2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.3. Địa chỉ liên hệ của cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.4. Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.5. Phương tiện liên lạc với cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án: (số điện thoại, số Fax, E-mail …).

II. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN

Chỉ rõ vị trí địa lý (tọa độ, ranh giới) của địa điểm thực hiện dự án kèm theo sơ đồ, bản đồ (nếu có) minh họa, chỉ rõ các đối tượng tự nhiên (sông ngòi, ao hồ, đường giao thông …), các đối tượng về kinh tế - xã hội (khu dân cư, khu đô thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công trình văn hóa, tôn giáo, di tích lịch sử …) và các đối tượng khác xung quanh khu vực Dự án.

III. QUY MÔ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Nêu tóm lược về quy mô/công suất sản xuất; công nghệ sản xuất

IV. CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

4.1. Các loại chất thải phát sinh:

4.1.1. Khí thải:

4.1.2. Nước thải:

4.1.3. Chất thải rắn:

4.1.4. Chất thải khác:

(Đối với mỗi loại chất thải phải nêu đầy đủ các thông tin về: nguồn phát sinh, tổng lượng phát sinh trên một đơn vị thời gian, thành phần chất thải và hàm lượng/nồng độ của từng thành phần).

4.2. Các tác động khác:

Nêu tóm tắt các tác động (nếu có) do: sự xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; sự xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; sự bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; sự thay đổi mực nước mặt, nước ngầm; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; sự biến đổi vi khí hậu; sự suy thoái các thành phần môi trường; sự biến đổi đa dạng sinh học và các yếu tố khác.

V. BIỆN PHÁP GIẢM THIẾU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

Nêu tóm tắt tất cả các biện pháp giảm thiểu các tác động tiêu cực của dự án. Trong đó, cần chỉ rõ công nghệ, thiết bị và công trình xử lý chất thải, mức độ xử lý theo các thông số đặc trưng của chất thải so với tiêu chuẩn quy định và các biện pháp khác về bảo vệ môi trường kèm theo sơ đồ (bản vẽ) tổng mặt bằng của dự án với các hạng mục công trình chính, các công trình xử lý và quản lý chất thải, các công trình bảo vệ môi trường đối với các yếu tố khác ngoài chất thải (thể hiện rõ vị trí các điểm đấu nối hạ tầng cơ sở, kể cả các công trình xử lý và quản lý chất thải của dự án với hệ thống hạ tầng cơ sở, các đối tượng tự nhiên bên ngoài hàng rào khu vực dự án kèm theo chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành của các vị trí này).

VI. CAM KẾT THỰC HIỆN

Cam kết về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu các tác động khác nêu trong báo cáo đánh giá tác động môi trường; cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật môi trường hiện hành; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam và cam kết thực hiện các yêu cầu khác của cộng đồng (nếu có).

Chủ dự án
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

PHỤ LỤC 17

MẪU BÁO CÁO VỀ KẾ HOẠCH XÂY LẮP CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:...

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

KẾ HOẠCH XÂY LẮP CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
của Dự án “… (2) …”

1. Địa điểm thực hiện Dự án: …

2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án: …

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

3. Tên cơ quan, doanh nghiệp thực hiện xây lắp các công trình: …

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: ….; E-mail: …

4. Kế hoạch xây lắp các công trình xử lý và bảo vệ môi trường (nêu chi tiết tiến độ thực hiện; thời gian hoàn thành kèm theo thiết kế chi tiết của công trình):

4.1. Các công trình xử lý nước thải: …

4.2. Các công trình xử lý khí thải: …

4.3. Các công trình xử lý chất thải rắn: …

4.4. Các công trình xử lý và bảo vệ môi trường khác: …

5. Đề xuất, kiến nghị về việc điều chỉnh, thay đổi nội dung, biện pháp bảo vệ môi trường đã được phê duyệt (nếu có, nêu rõ cụ thể những nội dung điều chỉnh, thay đổi; phân tích, đánh giá khả năng đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường của sự điều chỉnh, thay đổi này).

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;  (2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án;

(4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 18

MẪU THÔNG BÁO KẾ HOẠCH VẬN HÀNH THỬ NGHIỆM CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

KẾ HOẠCH VẬN HÀNH THỬ NGHIỆM CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
của Dự án “… (2) …”

1. Địa điểm thực hiện Dự án:

2. Tên cơ quan, Chủ dự án:

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

3. Tên cơ quan được thuê thực hiện đo đạc, phân tích về môi trường: (trường hợp có thuê) …

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: ….; E-mail: …

4. Thời gian dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm:

Đưa ra danh mục các công trình xử lý và bảo vệ môi trường của dự án phải hoàn thành trước khi dự án đi vào vận hành chính thức kèm theo thời gian biểu dự kiến thực hiện vận hành thử nghiệm.

5. Kế hoạch đo đạc, lấy mẫu và phân tích về môi trường:

- Thiết bị đo đạc, lấy mẫu và phân tích: …

- Phương pháp đo đạc, lấy mẫu và phân tích: …

- Vị trí các điểm đo đạc, lấy mẫu (sơ đồ kèm theo phải chỉ rõ các vị trí này với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành): …

- Số lần đo đạc, lấy mẫu và phân tích: …

- Thông số đo đạc, lấy mẫu và phân tích: …

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; (4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 19

MẪU BÁO CÁO VỀ VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

BÁO CÁO VỀ VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
của Dự án “… (2) …”

1. Địa điểm thực hiện Dự án:

2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

3. Tên cơ quan được thuê đo đạc, phân tích về môi trường: (nếu có)

Địa chỉ liên hệ: …

Điện thoại: …; Fax: ….; E-mail: …

4. Thời gian tiến hành đo đạc, lấy mẫu, phân tích mẫu.

5. Thiết bị, phương pháp đo đạc, lấy mẫu và phân tích mẫu được sử dụng.

6. Kết quả vận hành thử nghiệm các công trình xử lý về môi trường:

Chỉ vận hành thử nghiệm tất cả các công trình xử lý môi trường với quy mô, công suất như đã cam kết hoàn thành trước khi dự án đi vào vận hành chính thức trong Chương trình quản lý môi trường của báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt:

6.1. Công trình xử lý chất thải khí (trình bày theo mẫu bảng dưới đây):

6.2. Công trình xử lý chất thải lỏng (trình bày theo mẫu bảng dưới đây):

Lần đo đạc, lấy mẫu phân tích (**);
Tiêu chuẩn/Quy chuẩn đối chiếu

Lưu lượng thải
(Đơn vị tính)

Hàm lượng thải đối với những thông số ô nhiễm đặc trưng (*) cho Dự án

Thông số A
(Đơn vị tính)

Thông số B
(Đơn vị tính)

v.v…

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

Lần 1

Lần 2

Lần 3

TCVN/QCVN ………

Ghi chú:

(*) Thông số ô nhiễm đặc trưng cho dự án là những thông số ô nhiễm do dự án trực tiếp hoặc gián tiếp tạo ra.

(**) Số lần đo đạc, lấy mẫu tối thiểu là 03 (ba) lần vào những khoảng thời gian khác nhau trong điều kiện hoạt động bình thường để bảo đảm xem xét, đánh giá về tính đại diện và ổn định của chất thải.

6.4. Công trình xử lý chất thải rắn:

(Trình bày dựa theo các quy định hiện hành về quản lý chất thải rắn thông thường và chất thải rắn nguy hại)

6.4. Các công trình xử lý môi trường khác (nếu có):

7. Kết quả thực hiện các nội dung khác về bảo vệ môi trường:

(Kết quả được trình bày dựa theo những nội dung về bảo vệ môi trường đã cam kết trong báo cáo và các yêu cầu kèm theo Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường)

8. Cam kết:

Chúng tôi cam kết rằng những thông tin, số liệu nêu trên là đúng sự thực; nếu có gì sai trái, chúng tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên cơ quan cấp Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án;

(4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 20

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN VỀ VIỆC ĐÃ THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị xác nhận việc đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: “… (2) …”

- Địa điểm thực hiện Dự án: …;

- Địa chỉ liên hệ: …;

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến quý … (3) … những hồ sơ gồm:

- 03 (ba) bản báo cáo về việc hoàn thành các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) trước khi Dự án đi vào vận hành chính thức (trường hợp dự án nằm trên diện tích đất từ 02 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên, gửi thêm số lượng báo cáo bằng số lượng các tỉnh tăng thêm)

- 01 (một) hồ sơ thiết kế kỹ thuật, hoàn công các công trình xử lý và bảo vệ môi trường;

- 01 (một) bộ các chứng chỉ, chứng nhận, công nhận, giám định có liên quan.

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các thông tin, số liệu được đưa ra trong các tài liệu nêu trên. Nếu có gì sai trái, chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị quý … (3) … kiểm tra, xác nhận kết quả thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án;

(4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 21

MẪU QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP ĐOÀN KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

QUYẾT ĐỊNH

Về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ” trước khi đi vào vận hành chính thức

… (3) …

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số … /2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ … (4) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

Căn cứ … (*) … về việc ủy quyền thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường …;

Căn cứ Quyết định số..... ngày … tháng … năm …  của … (5) … về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “… (2) …”;

Xét đề nghị của … (6) … tại Văn bản số .... ngày … tháng … năm về việc xác nhận việc hoàn thành các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo tác động môi trường của Dự án  “… (2) …”  trước khi đi vào vận hành chính thức;

Theo đề nghị của Ông (Bà) … (7) …,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Đoàn kiểm tra về việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “ … (2) … ” trước khi đi vào vận hành chính thức gồm các thành viên sau đây:

1. Ông/bà …, Trưởng đoàn;

2. Ông/bà …, Thư ký;

3. Ông/bà (ghi tên cụ thể người tham gia hoặc đại diện của cơ quan tham gia Đoàn kiểm tra) …, Thành viên.

Điều 2. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm phối hợp với cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường của địa phương nơi có Dự án và các cơ quan có liên quan khác tiến hành việc kiểm tra … (theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và những yêu cầu cần thiết khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường quyết định trên cơ sở xem xét tình hình thực tế khách quan của từng nơi, từng lúc và từng dự án cụ thể); lập biên bản kiểm tra theo quy định.

Điều 3. Việc kiểm tra phải được hoàn thành trước ngày … tháng … năm …

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký; các ông, bà có tên trong Điều 1, Chủ dự án “… (2) …” chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Nơi nhận:

- Như Điều 4;

-

- Lưu …

(3)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định thành lập đoàn kiểm tra;  (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan ra quyết định; (4) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;  (5) Tên cơ quan cấp quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án; (6) Tên của cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (7) Thủ trưởng cơ quan được giao trách nhiệm kiểm tra; (*) Tên đầy đủ của văn bản của cấp có thẩm quyền ủy quyền cho … (1) … thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

PHỤ LỤC 22

MẪU BIÊN BẢN KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

BIÊN BẢN KIỂM TRA VIỆC THỰC HIỆN
CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG
CỦA DỰ ÁN “…” TRƯỚC KHI ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC

Đoàn kiểm tra việc thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “…” trước khi đi vào vận hành chính thức được thành lập theo Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … đã tiến hành kiểm tra từ ngày … tháng … năm … đến ngày … tháng … năm … tại …

- Thành phần Đoàn kiểm tra gồm: (ghi đầy đủ họ tên của Trưởng đoàn và tất cả các đoàn viên có mặt)

- Đại diện phía Chủ dự án: (Ghi đầy đủ họ, tên, chức vụ những người có mặt)

- Với sự tham gia của: (ghi đầy đủ họ, tên, chức vụ, đơn vị công tác của những người có mặt)

I. Nội dung kiểm tra: (theo quy định tại khoản 3 Điều 16 của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP và những yêu cầu cần thiết khác do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường quyết định dựa theo tình hình thực tế khách quan của từng nơi, từng lúc và từng dự án cụ thể)

II. Nhận xét, kết luận:

III. Ý kiến của Chủ dự án:

Biên bản được lập vào hồi … giờ … ngày … tháng … năm … tại … và đã đọc kỹ cho những người tham dự cùng nghe.

Đại diện phía Dự án
(Ký, ghi họ tên, chức vụ)

Trưởng Đoàn kiểm tra
(Ký, ghi họ tên)
Đại diện các cơ quan phối hợp kiểm tra
 
(Ký, ghi họ tên)

Ghi chú: Trưởng đoàn kiểm tra và đại diện phía chủ dự án ký vào góc trái phía dưới của từng trang biên bản (trừ trang cuối).

PHỤ LỤC 23

MẪU GIẤY XÁC NHẬN VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG TRƯỚC KHI DỰ ÁN ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

GIẤY XÁC NHẬN
VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC NỘI DUNG CỦA BÁO CÁO VÀ YÊU CẦU CỦA QUYẾT ĐỊNH PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN (…) TRƯỚC KHI ĐI VÀO VẬN HÀNH CHÍNH THỨC

… (1) …

XÁC NHẬN

Điều 1. Trước khi đi vào vận hành chính thức, … (3) … đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của Quyết định số … ngày … tháng … năm … của … (4) … về việc phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường của Dự án “… (2) …” sau đây:

- (Liệt kê các nội dung về bảo vệ môi trường đã được hoàn thành)

-

Điều 2. Chủ dự án (hoặc cơ quan, cá nhân tiếp quản các công trình của Dự án để vận hành trong thực tế) có trách nhiệm thực hiện các yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. Thực hiện đúng, đầy đủ các nội dung bảo vệ môi trường nêu trong báo cáo và các yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường trong các giai đoạn tiếp theo của Dự án.

2. Chủ động xử lý, khắc phục kịp thời các sự cố và các tình huống bất lợi xảy ra gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường trong suốt quá trình vận hành Dự án và báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường và các cơ quan nhà nước liên quan khác để được hướng dẫn, hỗ trợ.

3. Chịu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 3. Giấy xác nhận này có giá trị kể từ ngày ký.

Nơi nhận:

- Chủ dự án;

-

- Lưu …

(3)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Cơ quan có thẩm quyền xác nhận;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(4) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã cấp quyết định phê duyệt báo đánh giá tác động môi trường của dự án;

(5) Thủ trưởng cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

PHỤ LỤC 24

CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

I. THÔNG TIN CHUNG

1.1. Tên Dự án: (đúng như tên trong báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/phương án sản xuất – kinh doanh hoặc tài liệu tương đương của Dự án)

1.2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.3. Địa chỉ liên hệ của cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.4. Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.5. Phương tiện liên lạc với cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án: (số điện thoại, số Fax, E-mail …).

II. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN

Mô tả vị trí địa lý (tọa độ theo quy chuẩn hiện hành, ranh giới) của địa điểm thực hiện dự án kèm theo sơ đồ minh họa chỉ rõ các đối tượng tự nhiên (sông ngòi, ao hồ, đường giao thông …), các đối tượng về kinh tế - xã hội (khu dân cư, khu đô thị; cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; công trình văn hóa, tôn giáo, di tích lịch sử …) và các đối tượng khác xung quanh khu vực dự án.

Chỉ rõ đâu là nguồn tiếp nhận nước thải, khí thải của dự án kèm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành áp dụng đối với các nguồn này.

III. QUY MÔ SẢN XUẤT, KINH DOANH

Nêu tóm lược về quy mô/công suất sản xuất; công nghệ sản xuất; liệt kê danh mục các thiết bị, máy móc kèm theo tình trạng của chúng.

IV. NHU CẦU NGUYÊN, NHIÊN LIỆU SỬ DỤNG

- Nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất được tính theo ngày, tháng hoặc năm và phương thức cung cấp.

- Nhu cầu và nguồn cung cấp điện, nước cho sản xuất.

V. CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG

5.1. Các loại chất thải phát sinh

5.1.1. Khí thải:

5.1.2. Nước thải:

5.1.3. Chất thải rắn:

5.1.4. Chất thải khác:

(Đối với mỗi loại chất thải phải nêu đủ các thông tin về: nguồn phát sinh, tổng lượng phát sinh trên một đơn vị thời gian, thành phần chất thải và hàm lượng/nồng độ của từng thành phần)

5.2. Các tác động khác:

Nêu tóm tắt các tác động (nếu có) do: sự xói mòn, trượt, sụt, lở, lún đất; sự xói lở bờ sông, bờ suối, bờ hồ, bờ biển; sự bồi lắng lòng sông, lòng suối, lòng hồ; sự thay đổi mực nước mặt, nước dưới đất; xâm nhập mặn; xâm nhập phèn; sự biến dổi vi khí hậu; sự suy thoái các thành phần môi trường; sự biến đổi đa dạng sinh học và các yếu tố khác.

V. BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC

6.1. Xử lý chất thải:

- Mỗi loại chất thải phát sinh đều phải có kèm theo biện pháp xử lý tương ứng, thuyết minh về mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý. Trong trường hợp không thể có biện pháp hoặc có nhưng khó khả thi trong khuôn khổ của dự án phải nêu rõ lý do và có kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.

- Phải có chứng minh rằng, sau khi áp dụng biện pháp thì các chất thải sẽ được xử lý đến mức nào, có so sánh, đối chiếu với các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định hiện hành. Trường hợp không đáp ứng được yêu cầu quy định thì phải nêu rõ lý do và có những kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.

6.2. Giảm thiểu các tác động khác:

Mỗi loại tác động phát sinh đều phải có kèm theo biện pháp giảm thiểu tương ứng, thuyết minh về mức độ khả thi, hiệu suất/hiệu quả xử lý. Trong trường hợp không thể có biện pháp hoặc có nhưng khó khả thi trong khuôn khổ của dự án thì phải nêu rõ lý do và có kiến nghị cụ thể để các cơ quan liên quan có hướng giải quyết, quyết định.

VII. CÁC CÔNG TRÌNH XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG, CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG

7.1. Các công trình xử lý môi trường:

- Liệt kê đầy đủ các công trình xử lý môi trường đối với các chất thải rắn, lỏng, khí và chất thải khác trong khuôn khổ của dự án; kèm theo tiến độ thi công cụ thể cho từng công trình;

- Các công trình xử lý môi trường phải được làm rõ về chủng loại, đặc tính kỹ thuật, số lượng cần thiết.

7.2. Chương trình giám sát môi trường:

Đòi hỏi phải giám sát lưu lượng/tổng lượng thải và giám sát những thông số ô nhiễm đặc trưng cho chất thải của dự án theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành của Việt Nam, với tần suất tối thiểu 06 (sáu) tháng một lần. Các điểm giám sát phải được thể hiện cụ thể trên sơ đồ với chú giải rõ ràng và tọa độ theo quy chuẩn hiện hành.

VIII. CAM KẾT THỰC HIỆN

Cam kết về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tác động khác nêu trong bản cam kết; cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Chủ dự án
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

PHỤ LỤC 25

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: “… (2) …”.

- Địa điểm thực hiện Dự án: …;

- Địa chỉ liên hệ: …;

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:

- 01 (một) báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/dự án đầu tư/phương án sản xuất – kinh doanh hoặc tài liệu tương đương của Dự án;

- 05 (năm) bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án bằng tiếng Việt.

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên và cam kết rằng: Dự án của chúng tôi không sử dụng các loại hóa chất, chủng vi sinh bị cấm theo quy định của Việt Nam và quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định được trích lục và sử dụng trong các hồ sơ nêu trên của chúng tôi là đúng sự thực và đang có hiệu lực áp dụng.

Nếu có gì sai trái chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị … (3) … xem xét, đăng ký và cấp giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền xác nhận đăng ký;

(4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 26

MẪU BÌA VÀ TRANG PHỤ BÌA CỦA BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (tên cơ quan chủ quản/phê duyệt dự án) … (nếu có)

… (tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án) …

BẢN CAM KẾT
BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

của DỰ ÁN “…”

CƠ QUAN CHỦ DỰ ÁN (*)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

CƠ QUAN TƯ VẤN
LẬP BẢN CAM KẾT (*)
(nếu có)
(Thủ trưởng cơ quan ký, ghi họ tên, đóng dấu)

(Địa danh), tháng … năm 200 …

Ghi chú: (*) chỉ thể hiện ở trang phụ bìa

PHỤ LỤC 27

MẪU GIẤY XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

GIẤY XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ
BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

của Dự án: “… (2) …”

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số … /2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ … (3) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

Căn cứ Văn bản … (*) … về việc ủy quyền tổ chức xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường …,

Theo đề nghị của Ông (Bà) … (4) …,

… (1) … XÁC NHẬN

Điều 1. Chủ dự án là … (5) … đã có Văn bản số … ngày … tháng … năm … đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ những nội dung về bảo vệ môi trường nêu trong bản cam kết bảo vệ môi trường và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. …

2. …

3. …

Điều 3. Bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án và Giấy xác nhận này là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công xây dựng và vận hành Dự án.

Điều 4. Giấy xác nhận này có giá trị kể từ ngày ký./.

Nơi nhận:

- Chủ dự án;

-

- Lưu …

(6)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan cấp giấy xác nhận;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cấu tổ chức của … (1) …;

(4) Người đứng đầu tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của cơ quan cấp giấy xác nhận;

(5) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(6) Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan cấp giấy xác nhận;

(*) Tên đầy đủ của văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ủy quyền cho (1) tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

PHỤ LỤC 28

CẤU TRÚC VÀ YÊU CẦU VỀ NỘI DUNG CỦA BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

I. THÔNG TIN CHUNG

1.1. Tên Dự án: (Đúng như tên trong báo cáo điều chỉnh đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh/phương án sản xuất – kinh doanh điều chỉnh hoặc tài liệu tương đương của Dự án)

1.2. Tên cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.3. Địa chỉ liên hệ của cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.4. Người đứng đầu cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án:

1.5. Phương tiện liên lạc với cơ quan, doanh nghiệp Chủ dự án: (số điện thoại, số Fax, E-mail …).

II. ĐỊA ĐIỂM THỰC HIỆN DỰ ÁN

Chỉ mô tả lại địa điểm thực hiện Dự án theo quy định như đối với bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó của Dự án khi có sự thay đổi của các đối tượng tự nhiên, các đối tượng về kinh tế - xã hội và các đối tượng khác xung quanh khu vực dự án chịu ảnh hưởng trực tiếp của Dự án, kèm theo sơ đồ vị trí địa lý thể hiện các đối tượng này, có chú giải rõ ràng.

Chỉ rõ đâu là nguồn tiếp nhận nước thải, khí thải của dự án kèm theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về môi trường hiện hành áp dụng đối với các nguồn này.

III. NHỮNG THAY ĐỔI VỀ NỘI DUNG CỦA DỰ ÁN

3.1. Những thay đổi về quy mô/công suất sản xuất; công nghiệp sản xuất; liệt kê danh mục các thiết bị, máy móc của dự án điều chỉnh kèm theo tình trạng của chúng.

3.2. Những thay đổi về nhu cầu về nguyên liệu, nhiên liệu phục vụ cho sản xuất được tính theo ngày, tháng hoặc năm và phương thức cung cấp; nhu cầu và nguồn cung cấp điện, nước cho sản xuất.

IV. THAY ĐỔI VỀ CÁC TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG VÀ BIỆN PHÁP GIẢM THIỂU TÁC ĐỘNG TIÊU CỰC CỦA DỰ ÁN (cho đến thời điểm lập bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung)

V. THAY ĐỔI VỀ CÔNG TRÌNH XỬ LÝ MÔI TRƯỜNG, CHƯƠNG TRÌNH GIÁM SÁT MÔI TRƯỜNG CỦA DỰ ÁN (cho đến thời điểm lập bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung)

VI. THAY ĐỔI KHÁC

VII. CAM KẾT THỰC HIỆN

Cam kết về việc thực hiện các biện pháp xử lý chất thải, giảm thiểu tác động tiêu cực khác nêu trong bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung; cam kết xử lý đạt các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật hiện hành về môi trường; cam kết thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường khác theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam.

Chủ dự án
(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

PHỤ LỤC 29

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án “… (2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …, Chủ Dự án: “… (2) …”.

- Địa điểm thực hiện Dự án: …;

- Địa chỉ liên hệ: …;

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:

- 01 (một) báo cáo đầu tư điều chỉnh/báo cáo kinh tế - kỹ thuật điều chỉnh/phương án sản xuất – kinh doanh điều chỉnh hoặc tài liệu tương đương của Dự án;

- 05 (năm) bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án bằng tiếng Việt.

- 01 (một) bản sao bản cam kết bảo vệ môi trường đã xác nhận trước đó kèm theo 01 (một) bản sao (được chứng thực theo quy định của pháp luật) của Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường này.

Chúng tôi xin bảo đảm về độ trung thực của các số liệu, tài liệu trong các văn bản nêu trên và cam kết rằng: Dự án của chúng tôi không sử dụng các loại hóa chất, chủng vi sinh bị cấm theo quy định của Việt Nam và quy định của các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định được trích lục và sử dụng trong các hồ sơ nêu trên của chúng tôi là đúng sự thực và đang có hiệu lực áp dụng.

Nếu có gì sai trái chúng tôi xin hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật của Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Đề nghị … (3) … xem xét, đăng ký và cấp Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Tên cơ quan cấp giấy xác nhận; (4) Thủ trưởng cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án.

PHỤ LỤC 30

MẪU GIẤY XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số:

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

GIẤY XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ
BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG BỔ SUNG

của Dự án: “… (2) …”

Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường;

Căn cứ Thông tư số … /2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường;

Căn cứ … (3) … quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

Căn cứ Văn bản … (*) … về việc ủy quyền tổ chức xác nhận đăng ký cam kết bảo vệ môi trường …,

Theo đề nghị của Ông (Bà) … (4) …,

… (1) … XÁC NHẬN

Điều 1. Chủ dự án là … (5) … đã có Văn bản số … ngày … tháng … năm … đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án “… (2) …”.

Điều 2. Chủ dự án có trách nhiệm thực hiện đúng và đầy đủ những nội dung về bảo vệ môi trường nêu trong bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung và những yêu cầu bắt buộc sau đây:

1. …

2. …

3. …

Điều 3. Bản cam kết bảo vệ môi trường bổ sung của Dự án, những yêu cầu bắt buộc tại Điều 2 của Giấy xác nhận này và bản cam kết bảo vệ môi trường được xác nhận tại Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường số … (6) … ngày … tháng … năm … của … (7) … của Dự án là cơ sở để các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường giám sát, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện hoạt động bảo vệ môi trường trong suốt quá trình thi công xây dựng và vận hành Dự án.

Điều 4. Giấy xác nhận này có giá trị kể từ ngày ký và đi kèm Giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường số ...(6) … ngày … tháng … năm … của … (7) … của Dự án./.

Nơi nhận:

- Chủ dự án;

-

- Lưu …

(8)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Tên cơ quan cấp giấy xác nhận;

(2) Tên đầy đủ của dự án;

(3) Tên đầy đủ của văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của … (1) …;

(4) Người đứng đầu tổ chức, bộ phận chuyên môn về bảo vệ môi trường của cơ quan cấp giấy xác nhận;

(5) Tên cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án;

(6) Ký, mã hiệu của giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó của dự án;

(7) Thủ trưởng hoặc người đứng đầu cơ quan đã ký giấy xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường trước đó của dự án;

(8) Thủ trưởng, người đứng đầu cơ quan cấp giấy xác nhận;

(*) Tên đầy đủ của văn bản của Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền ủy quyền cho (1) tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án đầu tư vào khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu chế xuất.

PHỤ LỤC 31

MẪU VĂN BẢN ĐỀ NGHỊ ỦY QUYỀN TỔ CHỨC XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TẠI ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v đề nghị ủy quyền tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: … (3) …

Chúng tôi là: … (1) …,

- Địa chỉ liên hệ: …;

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail: …

Xin gửi đến … (3) … những hồ sơ sau:

- 01 (một) văn bản đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của … (4) …;

- 01 (một) bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”;

- 01 (một) bản báo cáo đầu tư/báo cáo kinh tế - kỹ thuật/phương án sản xuất – kinh doanh hoặc tài liệu tương đương của Dự án “… (2) …”.

Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án nêu trên được gửi kèm theo văn bản số … ngày … tháng … năm … của … (4) …, chúng tôi tự nhận thấy có đủ năng lực để tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường này. Do vậy, đề nghị … (3) … xem xét, ủy quyền cho chúng tôi tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án.

Chúng tôi cam kết tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án và gửi báo cáo kết quả đến … (3) … theo đúng quy định hiện hành của pháp luật.

Nơi nhận:

- Như trên;

-

- Lưu …

(5)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Ủy ban nhân dân cấp xã ủy quyền; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Ủy ban nhân dân cấp huyện có thẩm quyền tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của dự án; (4) Cơ quan, doanh nghiệp chủ dự án; (5) Thủ trưởng – người thay mặt Ủy ban nhân dân cấp xã.

PHỤ LỤC 32

MẪU VĂN BẢN ỦY QUYỀN CHO ỦY BAN NHÂN DÂN CẤP XÃ TỔ CHỨC XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

… (1) …
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: ...

V/v ủy quyền xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …”

(Địa danh), ngày…  tháng … năm …

Kính gửi: Ủy ban nhân dân … (3) …

Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường của Dự án “… (2) …” gửi kèm theo Công văn số … ngày … tháng … năm … của Ủy ban nhân dân … (3) …, Ủy ban nhân dân … (1) … chấp thuận ủy quyền cho quý Ủy ban tổ chức xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường này.

Đề nghị Ủy ban nhân dân … (3) … thực hiện đúng các yêu cầu sau đây:

1. Tổ chức việc xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) cho Dự án theo đúng quy định của pháp luật hiện hành về bảo vệ môi trường (Luật Bảo vệ môi trường ngày 29 tháng 11 năm 2005; Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định số 21/2008/NĐ-CP ngày 28 tháng 02 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 80/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường và Thông tư số …/2008/TT-BTNMT ngày … tháng … năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường).

2. Sau khi hoàn thành việc xác nhận, gửi hồ sơ đã xác nhận về Ủy ban nhân dân … (1) … và các cơ quan liên quan theo quy định tại Thông tư số …/2008/TT-BTNMT ngày … tháng … nêu trên.

3. Thực hiện việc giám sát, kiểm tra các hoạt động về bảo vệ môi trường của Dự án theo quy định của pháp luật hiện hành.

Nơi nhận:
- Như trên;
- Chủ dự án;
-
- Lưu …

(4)

(Ký, ghi họ tên, chức danh, đóng dấu)

Ghi chú:

(1) Ủy ban nhân dân cấp huyện; (2) Tên đầy đủ của dự án; (3) Ủy ban nhân dân cấp xã được ủy quyền; (4) Thủ trưởng – người thay mặt Ủy ban nhân dân cấp huyện (1).

PHỤ LỤC 33

MẪU BẢNG TỔNG HỢP KẾT QUẢ CÔNG TÁC THẨM ĐỊNH VÀ PHÊ DUYỆT BÁO CÁO ĐÁNH GIÁ TÁC ĐỘNG MÔI TRƯỜNG (năm)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

Bảng tổng hợp kết quả
công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm …

(Kèm theo Công văn số … ngày … tháng … năm … của … về việc báo cáo về công tác thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường năm …)

Tên Cơ quan báo cáo: …

- Địa chỉ liên hệ: …

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail …

Số TT

1

2

3

4

5

6

4.1

4.2

5.1

5.2

NGƯỜI LẬP BẢNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu cơ quan)

Ghi chú:

Bảng tổng hợp kết quả nêu trên cần được lập trên nền Microsoft Excel, sử dụng bảng mã chuẩn quốc tế Unicode (Time New Roman) tiếng Việt theo các nội dung sau đây:

Cột 1: Liệt kê tất cả các dự án có báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được Cơ quan thẩm định trong năm báo cáo và trước đó nhưng chưa được cấp Giấy xác nhận đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án;

Cột 2: Địa điểm thực hiện dự án (ghi cụ thể địa danh cấp xã, huyện, tỉnh đối với các dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất; ghi tên khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất đối với các dự án nằm trong các khu này kèm theo địa danh cấp huyện, tỉnh);

Cột 3: Ghi tên Cơ quan đã ủy quyền tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án (nếu có);

Cột 4: Tình trạng phê duyệt báo cáo ĐTM, trong đó tại cột 4.1 ghi đầy đủ số, ngày – tháng – năm của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án; tại cột 4.2 ghi đầy đủ số, ngày – tháng – năm của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM bổ sung của cùng dự án với báo cáo ĐTM đã được phê duyệt trước đó (nếu có);

Cột 5. Tình trạng cấp giấy xác nhận đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án, trong đó, tại cột 5.1 ghi đầy đủ số, ngày – tháng – năm của Giấy xác nhận; tại cột 5.2 ghi tên Cơ quan cấp giấy xác nhận;

Cột 6: Ghi chú những vấn đề khác liên quan đến công tác thẩm định, phê duyệt và sau khi phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án cho đến khi được cấp giấy xác nhận đã thực hiện các nội dung của báo cáo và yêu cầu của quyết định phê duyệt báo cáo ĐTM của dự án.

PHỤ LỤC 34

MẪU BẢNG TỔNG HỢP KẾT QUẢ CÔNG TÁC XÁC NHẬN ĐĂNG KÝ BẢN CAM KẾT BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG (năm)
(Ban hành kèm theo Thông tư số 05/2008/TT-BTNMT ngày 08 tháng 12 năm 2008 của Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn về đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và cam kết bảo vệ môi trường)

Bảng tổng hợp kết quả
công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường năm … 

(Kèm theo Công văn số … ngày … tháng … năm … của … về việc báo cáo về công tác xác nhận đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường năm …)

Tên Cơ quan báo cáo: …

- Địa chỉ liên hệ: …

- Điện thoại: …; Fax: …; E-mail …

Số TT

1

2

3

4

5

6

4.1

4.2

NGƯỜI LẬP BẢNG
(Ký, ghi rõ họ tên)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN
(Ký, ghi rõ họ tên, đóng dấu cơ quan)

Ghi chú:

Bảng tổng hợp kết quả nêu trên cần được lập trên nền Microsoft Excel, sử dụng bảng mã chuẩn quốc tế Unicode (Time New Roman) tiếng Việt theo các nội dung sau đây:

Cột 1: Liệt kê tất cả các dự án có bản cam kết bảo vệ môi trường (CKBVMT) đã được Cơ quan cấp giấy xác nhận đăng ký trong năm báo cáo;

Cột 2: Địa điểm thực hiện dự án (ghi cụ thể địa danh cấp xã, huyện, tỉnh đối với các dự án nằm ngoài khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất; ghi tên khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, khu chế xuất đối với các dự án nằm trong các khu này kèm theo địa danh cấp huyện, tỉnh);

Cột 3: Ghi tên Cơ quan đã ủy quyền tổ chức xác nhận đăng ký bản CKBVMT của dự án (nếu có)

Cột 4: Tình trạng xác nhận đăng ký bản CKBVMT của dự án, trong đó tại cột 4.1 ghi đầy đủ số, ngày – tháng – năm của giấy xác nhận bản CKBVMT; tại cột 4.2 ghi đầy đủ số, ngày – tháng – năm của giấy xác nhận đăng ký bản CKBVMT bổ sung (nếu có);

Cột 5. Tên Cơ quan cấp giấy xác nhận đăng ký bản CKBVMT của dự án;

Cột 6: Ghi chú những vấn đề khác liên quan đến công tác tổ chức xác nhận đăng ký bản CKBVMT của dự án.

THE MINISTRY OF NATURAL RESOURCES AND ENVIRONMENT
-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
--------------

No. 05/2008/TT-BTNMT

Hanoi, December 8, 2008

 

CIRCULAR

GUIDING STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT, ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT AND ENVIRONMENTAL PROTECTION COMMITMENT

Pursuant to the November 29, 2005 Law on Environmental Protection;
Pursuant to the Government's Decree No. 80/ 2006/ND-CP of August 9, 2006, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Environmental Protection;
Pursuant to the Government s Decree No. 81/2007/ND-CP of May 23, 2007, providing for specialized environment protection organizations and sections in charge of environmental protection in state agencies and slate enterprises;
Pursuant to the Government's Decree No. 21/2008/ND-CP of February 28, 2008, amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 80/2006/ND-CP of August 9, 2006, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Environmental Protection;
Pursuant to the Government's Decree No. 25/2008/ND-CP of March 4, 2008, defining the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Natural Resources and Environment;
The Ministry of Natural Resources and Environment guides the implementation of a number of provisions on strategic environmental assessment, environmental impact assessment and environmental protection commitment as follows:

I. GENERAL PROVISIONS

1. Scope of regulation

1.1. This Circular guides in detail the implementation of a number of provisions on strategic environmental assessment, environmental impact assessment and environmental protection commitment provided for in the November 29, 2005 Law on Environmental Protection (below referred to as the Law on Environmental Protection), the Government's Decree No. 80/2006/ND-CP of August 9, 2006, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Environmental Protection (below referred to as Decree No. 80/2006/ND-CP) and Decree No. 21/2008/ND-CP of February 28,2008, amending and supplementing a number of articles of the Government's Decree No. 80/2006/ND-CP of August 9, 2006, detailing and guiding the implementation of a number of articles of the Law on Environmental Protection (below referred to as Decree No. 21/2008/ND-CP), covering:

a/ Elaboration and appraisal of strategic environmental assessment reports;

b/ Elaboration, appraisal and approval of environmental impact assessment reports and additional environmental impact assessment reports; implementation, examination and certification of the implementation of environmental impact assessment reports, additional environmental impact assessment reports and satisfaction of other requirements set in approving decisions;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Examination and reporting on the appraisal and approval of environmental impact assessment reports and certification of environmental protection commitment documents.

1.2. This Circular does not apply to projects which have been put into operation (below referred to as operating establishments), including those which have operated since before July 1. 2006, and have not implemented regulations on elaboration, appraisal and approval of environmental impact assessment reports or regulations on elaboration, registration and certification of environmental standard conformity registration documents.

1.3. Strategies, plannings, plans and projects in the domain of security and defense and those involving national secrets are guided in other documents.

2. Subjects of application

This Circular applies to state agencies, domestic organizations and individuals; foreign organizations and individuals (below collectively referred to as organizations and individuals) carrying out activities specified at Point 1.1, Section 1, Part I of this Circular.

3. Application of environmental standards and regulations

When elaborating environmental impact assessment reports or environmental protection commitment documents for their projects, project owners are required to apply Vietnam's compulsory environmental standards and national technical regulations and compulsory environmental standards and regulations under treaties to which Vietnam is a contracting party.

II. ELABORATION AND APPRAISAL OF STRATEGIC ENVIRONMENTAL ASSESSMENT REPORTS

1. Elaboration of strategic environmental assessment reports

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1.2. Strategic environmental assessment reports must have the form and contents as prescribed.

2. Sending of dossiers of request for appraisal of strategic environmental assessment reports

2.1. Project owners shall send dossiers of request for appraisal of strategic environmental assessment reports to appraising agencies specified in Clause 7, Article 17 of the Law on Environmental Protection.

2.2. A dossier of request for appraisal comprises:

a/ 01 (one) written request for appraisal of the strategic environmental assessment report;

b/ 09 (nine) copies of the project's strategic environmental assessment report, each bound into a volume bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet;

c/ 09 (nine) copies of the draft strategic document, each planning or plan, bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet.

If the appraisal council has more than nine (09) members or in other necessary cases as required by the appraisal, the project owner shall provide more copies of the strategic environmental assessment report and the draft strategic document, planning or plan as requested by the appraising agency.

3. Appraisal of strategic environmental assessment reports

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3.2. The organization and operation of a council for appraisal of the strategic environmental assessment report; and tasks of its standing body comply with the Regulation issued by the Minister of Natural Resources and Environment.

3.3. After receiving a complete and valid dossier which is qualified for appraisal, the appraising agency shall set up a council to appraise the strategic environmental assessment report; the number of members of the appraisal council shall be decided in pursuance to Clauses 2, 3 and 4, Article 17 of the Law on Environmental Protection, the project's characteristics and scope and environmental requirements, but must be at least 09 (nine).

3.4. The time limit for appraisal is specified in Clauses 1 and 2, Article 12 of Decree No. 80/ 2008/ND-CP.

4. Responsibilities of agencies organizing the appraisal of strategic environmental assessment reports:

4.1. To notify in writing the project owner of the appraisal results within 5 (five) working days after the end of the working session of the appraisal council. The notice must clearly state that the strategic environmental report is approved without requiring any adjustments or supplements or is disapproved and must be re-submitted for approval or is approved if it is adjusted or supplemented, together with adjustment or supplementation requirements for the report and recommendations concerning the adjustment of the contents of the draft strategic document, planning or plan (if any).

4.2. To examine the strategic environmental report after it is adjusted or supplemented by the project owner.

4.3. To report to the agency competent to approve the project on the results of appraisal of the strategic environmental assessment report as prescribed in Clauses 3 and 4, Article 10 of Decree No. 80/2006/ND-CP, within 10 (ten) working days after the receipt of a complete and valid dossier as prescribed at Point 5.2, Section 5, Part II of this Circular. The report on the results of appraisal of a strategic environmental assessment report shall be made in writing, containing also comments and recommendations of the appraising agency, enclosed with copies of the minutes of the appraisal councils' working sessions, expressing the sessions' contents and conclusions and the signatures of the appraisal council's chairman and secretary, and a copy of the project owner's written explanations about the adjustments or supplements, already made, for cases in which the strategic environmental assessment report must be adjusted or supplemented at the request of the appraising agency.

5. Responsibilities of the project owner

5.1. To finalize the strategic environmental assessment report at the request of the appraising agency in case the strategic environmental assessment report will not be approved by the appraisal council unless it is adjusted or supplemented (where the strategic environmental assessment report is disapproved by the appraisal council, the project owner shall adjust and send once again the report to the agency competent to appraise the report according to regulations); to adjust the draft strategic document, planning or plan on the basis of recommendations of the appraising agency in conformity with environmental protection requirements set in the adjusted or supplemented strategic environmental assessment report.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5.3. The time for the project owner to finalize and send once again the strategic environmental assessment report at the request of the appraising agency is not counted into the time limit prescribed in Clauses 1 or 2, Article 12 of Decree No. 80/ 2006/ND-CP.

III. ELABORATION, APPRAISALAND APPROVAL OF ENVIRONMENTAL IMPA CT ASSESSMENT REPORTS; IMPLEMENTATION, EXAMINATION AND CERTIFICATION OF THE IMPLEMENTATION OF ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT REPORTS, ADDITIONAL ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT REPORTS AND SATISFACTION OF REQUIREMENTS SET IN APPROVING DECISIONS

1. Elaboration of environmental impact assessment reports

1.1. Organizations and individuals that are owners of investment projects subject to elaboration of an environmental impact assessment report (below referred to as project owners) shall carry out by themselves environmental impact assessment and elaborate environmental impact assessment reports or hire qualified consultancy service organizations as specified in Article 8 of Decree No. 80/2006/ND-CP to do this job.

1.2. Environmental impact assessment reports must have the form and content as prescribed.

2. Community consultation

2.1. The project owner shall send to the People's Committee and the Fatherland Front Committee of the commune where the project will be implemented a document notifying the project's principal investment items, environmental issues and environmental protection measures and requesting them to give their written opinions on these matters. Such a document states the project's basic contents, its adverse impacts on the natural environment and socio-economic situation (specifying the categories of wastes, their concentrations and volume), measures to minimize these adverse impacts and other environmental protection commitments of the project owner (clearly stating waste treatment technologies, equipment and facilities and treatment levels according to specific parameters of wastes against prescribed standards and norms, and other environmental protection measures), enclosed with diagrams (maps and drawings) showing the location of the project in the relationship with surrounding natural and socio-economic objects, the diagram (drawing) of the project's general ground plan showing its principal items, waste treatment and management facilities and environmental protection facilities for factors other than wastes (displaying infrastructure connection points, including those between the project's waste treatment and management facilities with infrastructure systems and natural objects outside the project's fence).

2.2. Within the time limit prescribed at Clause 4, Article 1 of Decree No. 21/200S/ND-CP, the commune-level People's Committee and Fatherland Front Committee shall:

- Publicize the project among local people and send written responses to the project owner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.3. The pros and cons of the project proposed by the commune-level People's Committee and Fatherland Front Committee and attendants to the dialogue meeting shall be summed up and truthfully expressed in the environmental impact assessment report.

2.4. The project owner's documents on community consultations, written opinions of the commune-level People's Committee and Fatherland Front Committee, the dialogue meeting's minutes and other documents on community consultations (if any) shall be duplicated and attached to the project's environmental impact assessment report.

2.5. Cases in which consultation with commune-level People's Committees and representatives of communities where the project will be implementation in the process of elaborating environmental impact assessment reports is not required are specified in Clause 4, Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP.

3. Sending of dossiers of request for appraisal of environmental impact assessment reports

3.1. Project owners shall send dossiers of request for appraisal of environmental impact assessment reports to agencies competent to organize the appraisal of environmental impact assessment reports specified at Points a and b, Clause 7, Article 21 of the Law on Environmental Protection and Clause 5, Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP.

3.2. A dossier of request for appraisal of an environmental impact assessment report comprises:

a/ 01 (one) written request for appraisal and approval of the project's environmental impact assessment report;

b/ 07 (seven) copies of the project's environmental impact assessment report, each bound into a volume and bearing the signature and the full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet. If the appraisal council has more than seven (07) members or in other necessary cases as required by appraisal job, the project owner shall provide more copies of the environmental impact assessment report and the draft strategic document, planning or plan as requested by the appraising agency;

c/ 01 (one) draft investment report, socio-economic report, investment project or equivalent documents of the project, each bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Appraisal of environmental impact assessment reports by an appraisal council

4.1. The agency competent to appraise environmental impact assessment reports shall designate a subordinate specialized unit to act as the standing body of the appraisal council.

4.2. The organization and operation of a council for appraisal of the environmental impact assessment report and tasks of its standing body comply with the Regulation issued by the Ministry of Natural Resources and Environment.

4.3. After receiving a valid dossier which is qualified for appraisal, the appraising agency shall decide to set up a council to appraise the environmental impact assessment report. The number of members of an appraisal council shall be decided in pursuance to Clauses 2. 3 and 4, Article 21 of the Law on Environmental Protection, the project's characteristics and scope and environmental requirements, but must be at least 07 (seven).

4.4. Within 05 (five) working days after receiving the appraisal results from the appraisal council, the council's standing body shall notify in writing the project owner of the appraisal results and requirements to finalize the dossier of the environmental impact assessment report.

5. Appraisal of environmental impact assessment reports by an appraisal service organization Environmental impact assessment reports shall be appraised by an appraisal service organization in accordance with the Regulation on conditions for the provision of environmental impact assessment report appraisal services, issued together with the Natural Resources and Environment Minister's Decision No. 19/2007/QD-BTNMT of November 26, 2007 (below referred to as Regulation 19).

6. Finalization of environmental impact assessment reports

6.1. Cases in which the environmental impact assessment report is appraised by an appraisal council

The project owner shall finalize the environmental impact assessment report at the request of the appraising agency, sign on the left bottom corner of each page and then duplicate and send copies of the report bound into hardback volumes, enclosed with written explanations on the finalization, to the appraising agency for consideration and approval as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ Sending the environmental impact assessment report, which is subject to approval by another ministry, a ministerial-level agency or government-attached agency, to the project-managing ministry or branch (03 hard copies and 01 soft copies recorded in a CD); the Natural Resources and Environment Service of the province where these is land to be used for the project (01 copy): the Ministry of Natural Resources and Environment (01 copy); the management board, for investment projects in industrial parks, export-processing zones and hi-tech parks (01 copy); or the project owner (01 copy).

c/ Sending the environmental impact assessment report, which is subject to approval by the provincial-level People's Committee, to the People's Committee of the province where the project will be implemented (01 hard copy and 01 soft copy recorded in a CD); the provincial-level Natural Resources and Environment Service (01 copy); the management board, for investment projects in industrial parks, export-processing zones and hi-tech parks (01 copy); and the project owner (01 copy).

6.2. Cases of appraisal by a service organization:

a/ The finalization of environmental impact assessment reports appraised by an appraisal service organization must comply with Articles 14, 15 and 16 of Regulation 19;

b/ The finalized environmental impact assessment reports must satisfy the requirements on number of copies and contents specified at Point 6.1, Section 6, Part III of this Circular.

6.3. If the finalization of the environmental impact assessment report takes more than 24 (twenty four) months counting from the time the appraisal council's standing body issues a notice of the appraisal results and requirements on the finalization of the environmental impact assessment report, or involves basic changes in the project's production technology, capacity or location, the project owner shall re-compile the dossier of request for appraisal of the project's environmental impact assessment report.

6.4. The time for the project owner to finalize the environmental impact assessment report is not counted into the appraisal time limit specified in Article 12 of Decree No. 80/2006/ND-CP.

7. Re-appraisal of environmental impact assessment reports

7.1. In case the environmental impact assessment report is not accepted by the appraisal council or appraisal service organization or the project sees changes specified at Point 6.3, Section 6, Part III of this Circular, a re-appraisal will be carried out upon a written request of the project
owner.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



7.3. Expenses for re-appraisal of the environmental impact assessment report shall be paid by the project owner according to current regulations.

8. Approval of environmental impact assessment reports

8.1. Approval of an environmental impact assessment report shall be expressed in a decision.

8.2. When seeing that there is the possibility of adverse environmental impacts which, however, have not yet been fully examined in the environmental impact assessment report due to such objective causes as the lack of data on the loading capacity of the surrounding environment, unreliability of the risk assessment and other force majeure circumstances by the time of approval of the environmental impact assessment report, the agency competent to approve the report shall make a note thereof in the requirement section of the approval decision.

9. Certification and sending of dossiers of approved environmental impact assessment reports

After the environmental impact assessment report is approved, the agency competent to approve the report (or the agency authorized by the agency competent to approve the report) shall:

- Give certification on the reverse side of the supplementary cover sheet of each copy of the environmental impact assessment report;

- Send the certified environmental impact assessment report, together with the approved decision, to the project owner and other relevant agencies specified at Point 6.1, Section 6, Part III of this Circular; and

- Send the decision approving the environmental impact assessment report under Clauses 1 and 2, Article 15 of Decree No. 80/ 2006/ND-CP.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10.1. The project owner falling into cases specified at Point a. Clause 1,Article 13ofDecree No. 80/2006/ND-CP and Clause 6, Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP, shall elaborate and submit an additional environmental impact assessment report to the agency which has approved the project's environmental impact assessment report for appraisal and approval before the project is implemented.

10.2. Additional environmental impact assessment reports must have the form and contents as prescribed.

10.3. A dossier of request for appraisal and approval of an additional environmental impact assessment report comprises:

a/ 01 (one) written request for appraisal and approval of the additional environmental impact assessment report;

b/ 07 (seven) copies of the additional environmental impact assessment report, each bound into a volume bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet. In case of necessity as required by appraisal job, the project owner shall provide more copies of the additional environmental impact assessment report as requested by the appraising agency;

c/ 01 (one) copy of the approved environmental impact assessment report;

d/ 01 (one) lawfully authenticated copy of the decision approving the environmental impact assessment report;

dd/ 01 (one) adjusted investment report techno-economic report, investment project or equivalent documents, bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet.

10.4. The additional environmental impact assessment report shall be appraised by seeking written comments from scientists and managers who possess relevant professional qualifications and the state management agency in charge of environmental protection in the locality where the project will be implemented. Comments and evaluations shall be made according to a set form. In case of necessity, the additional environmental impact assessment report may be appraised by an appraisal council or appraisal service organization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



10.6. If the dossier is qualified for appraisal, the agency competent to appraise the report shall consider and approve the additional environmental impact assessment report within 30 (thirty) working days; if the dossier fails to satisfy conditions for approval, it shall notify in writing the project owner of its comments and evaluation on the additional environmental impact assessment report for finalizing the dossier.

10.7. A dossier of request for approval of the additional environmental impact assessment report comprises written explanations about the finalization of the report, enclosed with the finalized environmental impact assessment report signed by the project owner on the left bottom comer of each page, bound into a hardback volume and duplicated in a number of copies equal to those of the approved environmental impact assessment report of the project.

10.8. The decision approving the additional environmental impact assessment report shall be made according to a set form with a sufficient number of originals for sending to all the recipients of the decision approving the environmental impact assessment report.

Certification of the approved additional environmental impact assessment report shall be given on the reverse side of its supplementary cover sheet.

10.10. The certified additional environmental impact assessment report and the approval decision shall be sent to recipients like those of the approved environmental impact assessment report and its approval decision.

11. Responsibilities of the project owner after the environmental impact assessment report is approved

11.1. To report to the People's Committee of the district where the project will be implemented on the contents of the decision approving the project's environmental impact assessment report, within 15 (fifteen) days after the date of receipt of the decision.

11.2. To make a summary of the approved environmental impact assessment report and post it up at the office of the commune-level People's Committee where community consultations have been carried out, within 05 (five) days after the receipt of the decision approving the environmental impact assessment report and the decision approving the additional environmental impact assessment report, if any, till the project is put into operation.

11.3. To prepare and send to the agency which has approved the environmental impact assessment report and the Natural Resources and Environment Service of the province or city where the project will be implemented, the following reports and documents:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



b/ A report on trial operation of environmental protection and treatment facilities;

c/ A report on implementation of the project's environmental impact reports and compliance with requirements set out in its approval decision before the project is put into operation, enclosed with a written request for certification.

11.4. If the project has an approved additional environmental impact assessment report, the project owner shall report the contents of the additional report to the People's Committee of the district where the project will be implemented, within the time limit specified at Point 11.1. Section 11, Part III of this Circular and update and supplement to the reports specified at Point 11.3, Section 11, Part HJ of this Circular, contents related to the approved additional environmental impact assessment report and requirements set in its approval decision.

11.5. To implement other requirements specified in Article 14 of Decree No. 80/2006/ ND-CP.

12. Responsibilities of the agency approving the environmental impact assessment report after the report is approved

12.1. Before the project is put into operation, to supervise and examine the implementation of the approved environmental impact assessment report and the additional environmental impact assessment report (if any) and the satisfaction of requirements set in the decision approving the project's environmental impact assessment report on the basis of considering the project owner's reports and dossier of request for certification.

When necessary, to set up an examination team to collaborate with relevant agencies in conducting examination at the project's site. The examination results shall be recorded in a minutes bearing the signatures and full names of representatives of the examining agency, the project owner and relevant agencies.

12.2. To grant a certificate of the project owner's implementation of the environmental impact assessment report and satisfaction of requirements set in the report-approving decision and decision approving the additional environmental impact assessment report (if any) before the project is put into operation, within the following time limit after the receipt the project owner's written request enclosed with a valid and complete dossier as specified at Point 11.3. Section 11, Part III of this Circular:

a/ 15 (fifteen) working days, in case it is unnecessary to carry out examination, measurement and sample taking at the project's site;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the project is unqualified for certification, to notify in writing the reason to the project owner. The time for the project owner to satisfy the requirements of the agency approving the environmental impact assessment report is not counted into the above 25-working day time limit.

12.3. In the process of examining and certifying the implementation of the environmental impact assessment report and satisfaction of the requirements set in the approval decision, if environmental observation and analysis data reported by the project owner are unreliable, the certifying agency shall coordinate with a professionally qualified organization in conducting measurement, taking samples and making analysis for comparison; expenses for the examination, sample taking and analysis of environmental parameters for comparison shall be paid by the certifying agency according to current regulations.

12.4. To implement other regulations specified in Article 15 of Decree No. 80/2006/ND-CP.

13. Technical survey of environmental protection and treatment facilities

13.1. Technical survey of environmental protection and treatment facilities complies with legal provisions on investment and construction.

13.2. Organizations which have designed, built or installed the project's environmental protection and treatment facilities may not technically survey these facilities.

14. Authorization of the appraisal and approval of environmental impact assessment reports of investment projects in industrial parks, export-processing zones and hi-tech parks

14.1. The state agency competent to appraise and approve the environmental impact assessment report may authorize in writing the management board to organize the appraisal and approval of the environmental impact assessment report of an investment project in the industrial park, export-processing zone or hi-tech park in pursuance to the conditions specified in Clause 8, Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP, provided that the management board has a specified environmental protection organization or section environmental protection which is an environmental management bureau set up under Clause 1, Article 9 of the Government's Decree No. 81/2007/ND-CP of May 23, 2007, providing for specified environmental protection organizations and sections state agencies and state enterprises and has filed a written request therefor.

14.2. The authorized management board shall act as a competent state agency organizing the appraisal of the environmental impact assessment report by an appraisal council or appraisal service organization; re-appraisal of the environmental impact assessment report; approval of the environmental impact assessment report; certification and sending of the dossier of the approved environmental impart assessment report; appraisal and approval of the additional environmental impact assessment report of the project for which the environmental impact assessment report has been approved under authorization; has the responsibilities of art agency approving the environmental impact assessment report after the report is approved in strict accordance with the provisions of Part III, this Circular; send the report to the authorizing agency and implement the examination and reporting regulations in Part V of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Elaboration of environmental protection commitment documents

1.1. Owners of projects specified in Article 24 of the Law on Environmental Protection shall elaborate environmental protection commitment documents.

1.2. The form and contents of environmental protection commitment documents are prescribed in Appendix 23 to this Circular.

2. Registration of environmental protection commitment documents

2.1. The project owner shall send a dossier of request for registration of the environmental protection commitment document to the People's Committee of the district, town or provincial city (below referred to as district-level People's Committee) where the project will be implemented or the authorized commune-level People's Committee for registration and certification.

2.2. The time for registration of the environmental protection commitment document is specified at Point 1. Clause 7. Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP.

2.3. If the project is implemented in an area belonging to 02 (two) or more districts, the project owner shall compare and select a district which will be most affected by the project and send the dossier of request for registration of environmental protection commitment to its People's Committee.

2.4. A dossier of registration of the environmental protection commitment document comprises:

a/ 01 (one) written request for certification of registration of the environmental protection commitment document;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ 01 (one) investment report, techno-economic report, production and business plan or equivalent documents of the project; if the project is implemented in an area belonging to 02 (two) or more districts, the number of copies must correspond to the number of concerned districts.

3. Certification of registration of the environmental protection commitment document

3.1. Registration of the environmental protection commitment document shall be certified in a certificate.

If the investment project is implemented in an area belonging to 02 (two) or more districts, the district-level People's Committee that has received the dossier of registration of the environmental protection commitment document shall send the environmental protection commitment document to the People's Committees of all districts where the project will be implemented for comments before granting a registration certificate.

3.2. The agency competent to grant a registration certificate shall give certification on the reverse side of the supplementary cover sheet of each copy of the registered environmental protection commitment document.

3.3. If the registration dossier is unqualified for certification, the district-level People's Committee or the authorized commune-level People's Committee shall notify in writing the reasons to the project owner for completing the registration dossier. The time for finalizing the registration dossier is not counted into the time limit for registration of the environmental protection commitment document specified in Article 26 of the Law on Environmental Protection.

4. Sending of dossiers of certification of environmental protection commitment documents

4.1. If the registration and certification is carried out at the district level, the district-level People's Committee shall send 01 (one) copy of the environmental protection commitment document, enclosed with the certificate, to:

a/ The project owner for implementation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ The People's Committees of all districts where land is used for the project, if the project is implemented on an area belonging to 02 (two) or more districts.

4.2. If the registration and certification is carried out at the commune level, the commune-level People's Committee shall send 01 (one) copy of the environmental protection commitment document, enclosed with the certificate, to:

a/ The project owner for implementation;

b/ The district-level People's Committee.

5. Elaboration, registration and certification of additional environmental protection commitment documents

5.1. Additional environmental protection commitment documents shall be elaborated in the following cases:

- The project sees one of fundamental changes in technology, scope, capacity or implementation site; if the change of the project's location leads to the change of the agency competent to make certification, the project owner shall re-compile the dossier of registration for certification of the environmental protection commitment document;

- The project cannot be carried out within 24 months counting from the date the environmental protection commitment document is certified by a competent agency.

5.2. Additional environmental protection commitment documents, must have the form and contents as prescribed. The project owner shall send the dossier of the additional environmental protection commitment document to the agency which has granted the certificate of registration of the environmental protection commitment document for consideration and certification.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ 01 (one) written request for certification of registration of the additional environmental protection commitment document;

b/ 01 (one) copy of the certified environmental protection commitment document;

c/ 01 (one) lawfully authenticated copy of the certificate of registration of the environmental protection commitment document;

d/ 01 (one) draft adjusted investment report; adjusted techno-economic report; adjusted production and business plan or equivalent document of the project, bearing the signature, full name and title of the project owner and a stamp on its supplementary cover sheet;

dd/ The number of copies of the additional environmental protection commitment document is equal to the number of copies of the projects environmental protection commitment document certified by a competent agency.

5.4. Certification of additional environmental protection commitment documents shall be made in the same way as certification of environmental protection commitment documents.

5.5. The sending of the dossier of the additional environmental protection commitment document shall be similar to the sending of the dossier of the certified environmental protection commitment document.

6. Authorization of the certification of the registration of environmental protection commitment documents to commune-level Peoples Committees

6.1. The district-level Peoples Committee may authorize a commune-level Peoples Committee to certify the registration of the environmental protection commitment document if seeing that the commune-level Peoples Committee is capable in environmental management and the commune-level Peoples Committees has made a written request for the authorization of registration of the environmental protection commitment document.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



a/ Send a document of authorization to the commune-level Peoples Committee to certify the registration of the environmental protection commitment document, in case of approval;

b/ Send a notice clearly stating the reason for non-approval to the commune-level Peoples Committee and the project owner.

6.3. The time for consideration and settlement of the commune-level Peoples Committees request for authorization is not counted into the time limit for certification of registration of the environmental protection commitment document.

6.4. If it is not authorized, the commune-level Peoples Committee shall return the dossier of the environmental protection commitment to the project owner for sending it to the competent district-level Peoples Committee for consideration and certification according to regulations.

6.5. If the project is implemented on an area belonging to 02 (two) or more districts, towns or provincial cities, the district-level Peoples Committee may not authorize a commune-level Peoples Committee to give certification.

7. Authorization of the certification of registration of environmental protection commitment documents of investment projects in economic zones, industrial parks, export-processing zones and hi-tech parks

7.1. The district-level Peoples Committees competent to certify the registration of the environmental protection commitment document may authorize in writing the management board to certify the registration of the environmental protection commitment document of an investment project in an economic zone, industrial park, export-processing zone or hi-tech parks in pursuance to the conditions specified in Clause 8, Article 1 of Decree No. 21/2008/ND-CP, provided that the management board has a specialized environmental protection organization or section which is an environmental protection bureau set up under Clause 1, Article 9 of the Governments Decree No. 81/2007/ND-CP of May 23, 2007, providing for specified environmental protection organizations and sections in state agencies and state enterprises and has filed a written request for authorization.

7.2. The authorized management board shall perform all tasks of a district-level Peoples Committee in the certification of the registration of environmental protection commitment documents; sending of dossiers of registration of environmental protection commitment documents; certification of registration of additional environmental protection commitment documents of projects for which environmental protection commitment documents have been certified in strict accordance with Part IV of this Circular and send reports to the district-level Peoples Committee and implement the examination and reporting regulations in Part V of this Circular.

V. REGULATIONS ON EXAMINATION OF AND REPORTING ON THE APPRAISAL AND APPROVAL OF ENVIRONMENTAL IMPACT ASSESSMENT REPORTS AND CERTIFICATION OFENVIRONMENTAL PROTECTION COMMITMENT DOCUMENTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The authorized management boards are subject to the examination by authorizing agencies in the appraisal and approval of environmental impact assessment reports and certification of environmental protection commitment documents in accordance with current regulations; and send written reports before annual January 15 to the following agencies:

2.1. The Ministry of Natural Resources and Environment, on the appraisal and approval of environmental impact assessment reports, enclosed with a table of the results of these activities (send hard copies printed on A4 size paper sheets by post and e-mail attachments).

2.2. Provincial-level Natural Resources and Environment Services, on the certification of registration of environmental protection commitment documents, enclosed with a table on the results of these activities (send hard copies printed on A4 size paper sheets by post and e-mail attachments).

3. District-level Peoples Committees are subject to the examination by provincial-level Natural Resources and Environment regarding the certification of registration of environmental protection commitment documents according to current regulations; and shall report to provincial-level Natural Resources and Environment Services on the certification of registration of environmental protection commitment documents in the year no later than January 15 of the following year, enclosed with a datasheet (send hard copies printed on A4 size paper sheets by post and e-mail attachments).

4. Provincial-level Natural Resources and Environment Services shall send reports on the certification of registration of environmental protection commitment documents in the year to provincial-level Peoples Committees and the Ministry of Natural Resources and Environment before January 30 of the following year, clearly stating the number of projects which have been granted registration certificates, arising difficulties and problems and proposing solutions to these shortcomings.

VI. IMPLEMENTATION PROVISIONS

1. Ministries, ministerial-level agencies, government-attached agencies and People's Committees at all levels shall organize the implementation of this Circular.

2. This Circular takes effect 15 days after its publication in CONG BAO and replaces Circular No. 08/20067TT-BTNMT of September 9, 2006, of the Ministry of Natural Resources and Environment, guiding strategic environmental assessment, environmental impact assessment and environmental protection commitment.

3. The appraisal of strategic environmental assessment reports, appraisal and approval of environmental impact assessment reports and certification of registration of environmental protection commitment documents for dossiers received by competent agencies before the effective date of this Circular still comply with Circular No. 0S/2006/TT-BTNMT.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

MINISTER OF NATURAL RESOURCES
AND ENVIRONMENT





Pham Khoi Nguyen

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Circular No. 05/2008/TT-BTNMT of December 8, 2008, guiding strategic environmental assessment, environmental impact assessment and environmental protection commitment.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


3.546

DMCA.com Protection Status
IP: 3.135.184.127
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!