Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Số hiệu: 843/QĐ-UBND Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Tỉnh Hà Tĩnh Người ký: Đặng Ngọc Sơn
Ngày ban hành: 04/02/2021 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 843/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 02 năm 2021

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ số 76/2015/QH13 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa ngày 21/11/2007;

Căn cứ Luật an toàn thực phẩm ngày 17/6/2010;

Căn cứ Nghị định số 132/2008/NĐ - CP ngày 31/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ - CP ngày 02/02/2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm; Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Y tế;

Căn cứ Quyết định số 3292/QĐ-UBND ngày 01/11/2018 của UBND tỉnh về việc phê duyệt Đề án "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Hà Tĩnh giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh tại Văn bản số 44/VPĐP-OCOP ngày 20/01/2021,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Quản lý sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ban hành và thay thế Quyết định số 268/QĐ-UBND ngày 22/01/2019 của UBND tỉnh về việc ban hành Quy chế quản lý sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh Hà Tĩnh, giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh; Giám đốc các sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Công thương, Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Khoa học và Công nghệ; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Điều phối NTM Trung ương;
- TTr Tỉnh ủy, TTr HĐND tỉnh;
- TTr BCĐ NTM, ĐTVM, GNBV, OCOP tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- TTr các Huyện ủy, Thành ủy, Thị ủy;
- TTr HĐND cấp huyện;
- PVP Nguyễn Duy Nghị;
- Trung tâm CB - TH tỉnh;
- Lưu: VT, NL5.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn

QUY CHẾ

QUẢN LÝ SẢN PHẨM THUỘC CHƯƠNG TRÌNH MỖI XÃ MỘT SẢN PHẨM (OCOP) TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 843/QĐ-UBND ngày 04 tháng 03 năm 2020 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định việc quản lý sản phẩm OCOP đạt hạng từ 3 sao trở lên thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) thực hiện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng cho các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên và các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Chương II

QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM, HÀNG HÓA

Điều 3. Xây dựng và công bố quy trình sản xuất

1. Các cơ sở có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên phải xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường theo hướng dẫn của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh.

2. Quy trình sản xuất phải được xây dựng từ khâu nguyên liệu đầu vào, đến quá trình sơ chế, chế biến, bao gói, bảo quản và xuất bán ra thị trường; từng công đoạn phải mô tả chi tiết, cụ thể các nội dung, yêu cầu bắt buộc thực hiện để có kết quả đầu ra sản phẩm đảm bảo chất lượng. Quá trình sản xuất phải tuân thủ nghiêm túc Quy trình sản xuất; phải thiết lập hồ sơ ghi chép đầy đủ, chính xác từng lô hàng sản xuất và có phương án xử lý khi sản phẩm không đảm bảo chất lượng.

3. Chủ cơ sở phải thực hiện niêm yết công khai Quy trình sản xuất tại vị trí dễ quan sát để thực hiện và thuận tiện cho người dân, cộng đồng kiểm tra giám sát.

Điều 4. Kiểm soát quá trình sản xuất

Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa thực hiện:

1. Kiểm soát chất lượng sản phẩm trong quá trình sản xuất, đáp ứng yêu cầu trong tiêu chuẩn công bố áp dụng, quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

2. Áp dụng và duy trì chính sách chất lượng mà cơ sở đã công bố.

3. Tăng cường tự kiểm soát, giám sát chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm theo chuỗi giá trị sản phẩm.

4. Vận hành chương trình giám sát và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Quy trình quản lý thiết bị sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn quy định, nhằm đảm bảo tối đa chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

6. Kiểm soát chất lượng nguyên liệu, chất lượng thiết bị, chất lượng bao bì chứa đựng sản phẩm của cơ sở nhằm đảm bảo và duy trì chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

7. Thường xuyên đánh giá chất lượng sản phẩm, hàng hóa nội bộ theo tiêu chuẩn đã áp dụng.

Điều 5. Công bố sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm, thực phẩm chức năng

1. Đối với sản phẩm, hàng hóa cơ sở sản xuất tự công bố

a) Áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Điều 4 Chương II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ.

b) Hồ sơ tự công bố thực hiện theo khoản 1 Điều 5 Chương II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ.

c) Trình tự công bố thực hiện theo khoản 2 Điều 5 Chương II Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 và khoản 1 Điều 3 Chương III Nghị định số 155/2018/NĐ-CP ngày 12/11/2018 của Chính phủ.

2. Đối với sản phẩm, hàng hóa đăng ký bản công bố sản phẩm

a) Áp dụng cho sản phẩm, hàng hóa được quy định tại Điều 6 Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ.

b) Hồ sơ đăng ký bản công bố thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ.

c) Trình tự đăng ký bản công bố thực hiện theo Điều 8 Chương III Nghị định số 15/2018/NĐ- CP ngày 02/2/2018 của Chính phủ.

3. Đối với sản phẩm, hàng hóa là thực phẩm chưa có Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở thì tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa áp dụng tiêu chí chất lượng tương ứng theo quy định, cụ thể: Quyết định 46/2007/QĐ-BYT ngày 19/12/2007 của Bộ Y tế về việc ban hành “Quy định tới hạn tối đa ô nhiễm sinh học và hóa học trong thực phẩm”; Thông tư số 50/2016/TT-BYT ngày 30/12/2016 của Bộ Y tế quy định giới hạn tối đa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong thực phẩm; Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm độc tố vi nấm trong thực phẩm QCVN 8-1:2011/BYT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với giới hạn ô nhiễm kim loại nặng trong thực phẩm (QCVN 8-2:2011/BYT); Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với ô nhiễm vi sinh vật trong thực phẩm (QCVN 8-3:2012/BYT).

Điều 6. Công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa không phải là thực phẩm

Tổ chức, cá nhân có trách nhiệm lựa chọn Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở tương ứng để áp dụng, tự công bố sản phẩm hoặc đăng ký bản công bố, với cơ quan nhà nước có thẩm quyền và thực hiện theo Quyết định số 58/2015/QĐ-UBND ngày 23/11/2015 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 7. Quản lý chất lượng nguyên liệu sản xuất

1. Nguyên liệu sản xuất phải đảm bảo chất lượng, có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, được bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quy định.

2. Tổ chức, cá nhân sản xuất sản phẩm, hàng hóa có trách nhiệm quản lý nguyên liệu sản xuất đầu vào bằng việc thiết lập hệ thống sổ sách theo dõi, truy xuất nguồn gốc nguyên liệu.

3. Theo dõi, đánh giá chất lượng nguyên liệu sản xuất sản phẩm, hàng hóa.

4. Phân loại và sơ chế nguyên liệu sản xuất đảm bảo nguyên liệu chất lượng cao nhất.

Điều 8. Quản lý chất lượng sản phẩm

1. Cơ sở sản xuất phải có hệ thống kho bảo quản sản phẩm, hàng hóa, bảo quản nguyên liệu sản xuất đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm; có kế hoạch kiểm soát chất lượng sản phẩm thường xuyên; phải có biện pháp xử lý kịp thời nếu phát hiện hàng hóa không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm.

2. Sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa lưu thông trên thị trường phải được kiểm nghiệm và phân tích chỉ tiêu chất lượng đảm bảo phù hợp với chất lượng mà cơ sở đã tự công bố hoặc tiêu chuẩn sản phẩm, được dán tem sản phẩm đạt chuẩn của chương trình OCOP Hà Tĩnh theo quy định tại Chương IV Quy chế này.

3. Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra chất lượng đối với sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ và phân công của UBND tỉnh.

Chương III

TRUY XUẤT NGUỒN GỐC

Điều 9. Thiết lập hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm

1. Hệ thống dữ liệu truy xuất nguồn gốc sản phẩm bao gồm:

- Quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm từ nguyên liệu đầu vào đến đầu ra sản phẩm lưu thông trên thị trường; xây dựng quy trình vệ sinh (nhà xưởng, trang thiết bị, vệ sinh công nhân) các yêu cầu bắt buộc trong từng công đoạn sản xuất, chế biến, vệ sinh để có kết quả đầu ra sản phẩm đảm bảo chất lượng;

- Sơ đồ chi tiết hóa từng công đoạn của quá trình sản xuất, chế biến, ví dụ: công đoạn tiếp nhận nguyên liệu, phân loại, sơ chế (rửa),... bao gói, bảo quản, xuất bán;

- Hệ thống các biểu mẫu nhập thông tin, ví dụ: biểu mẫu tiếp nhận nguyên liệu, phân loại, sơ chế (rửa),... bao gói, bảo quản, xuất bán; biểu mẫu theo dõi thực hành vệ sinh;

- Hệ thống “mã số nhận diện” (mã hóa) nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến đến khi hàng hóa được lưu thông trên thị trường. Quá trình mã hóa sản phẩm phải rõ ràng, đảm bảo thuận lợi để nhận diện đầy đủ các thông tin cần thiết của từng công đoạn sản xuất;

- Thực hiện ghi chép hồ sơ và lưu trữ thông tin cụ thể của từng công đoạn trong suốt quá trình sản xuất để tích hợp “mã số nhận diện” vào tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh để kết nối với phần mềm dữ liệu OCOP của tỉnh.

2. Quy định về ghi thông tin truy xuất và mã hóa.

- Đối với các lô nguyên liệu nhập vào để sản xuất, trên biểu mẫu giám sát phải có đủ các thông tin sau: ngày tháng tiếp nhận, tên nguyên liệu, khối lượng, mã số nhận diện.

- Đối với quá trình sản xuất: Thực hiện ghi “Mã số nhận diện” ở các công đoạn sản xuất trong các biểu mẫu giám sát đảm bảo thống nhất từ tiếp nhận nguyên liệu đến thành phẩm. “Mã số nhận diện” được ghi trên bao bì đảm bảo có thể truy xuất được lô sản phẩm từ thành phẩm về đến nguyên liệu.

- Đối với lô sản phẩm xuất bán: phải có hồ sơ ghi lại các thông tin: Tên, địa chỉ cơ sở/ đại lý mua hàng; ngày sản xuất, hạn sử dụng; thời gian bán; thông tin về lô hàng xuất (chủng loại, khối lượng, mã số nhận diện).

3. Trình tự các bước xây dựng Hệ thống truy xuất nguồn gốc.

- Bước 1: Tiến hành xây dựng quy trình sản xuất, chế biến sản phẩm từ công đoạn tiếp nhận nguyên liệu đến khi sản phẩm ra thị trường, được quy định tại Điều 3 của Quy chế này.

- Bước 2: Lên quy trình thực hiện truy xuất nguồn gốc phù hợp với quy trình sản xuất, chế biến của cơ sở. Để khi truy xuất, có thể nhận biết được đầy đủ các thông tin của từng công đoạn trong suốt quá trình hình thành sản phẩm.

- Bước 3: Xây dựng hệ thống biểu mẫu nhập thông tin cụ thể của từng công đoạn sản xuất, chế biến từ nguyên liệu đầu vào đến sản phẩm lưu thông phân phối trên thị trường; biểu mẫu theo dõi thực hành vệ sinh trang thiết bị, nhà xưởng, vệ sinh công nhân. Dựa vào biểu mẫu này, cơ sở sẽ thực hiện ghi chép, lưu giữ thông tin, cơ sở dữ liệu trong suốt quá trình sản xuất.

- Bước 4: Tiến hành các thủ tục ghi “mã số nhận diện” (mã hóa) sản phẩm đảm bảo chính xác đối với từng lô nguyên liệu, ca sản xuất/ngày, giờ sản xuất, thị trường phân phối (đại lý)… tương ứng với từng lô hàng trước khi xuất bán.

- Bước 5: Lưu giữ hồ sơ, thiết lập cơ sở dữ liệu để tích hợp “mã số nhận diện” vào tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh.

4. Thủ tục truy xuất nguồn gốc.

a) Cơ sở thực hiện hoạt động truy xuất như sau:

- Tiếp nhận yêu cầu truy xuất lô sản phẩm/lô hàng xuất;

- Nhận diện lô sản phẩm/lô hàng xuất cần truy xuất thông qua hồ sơ lưu trữ.

- Nhận diện các công đoạn sản xuất liên quan đến lô sản phẩm/lô hàng xuất phải thực hiện truy xuất nguồn gốc;

- Xác định nguyên nhân và công đoạn mất kiểm soát;

- Đề xuất các biện pháp xử lý;

- Lập báo cáo kết quả truy xuất sau khi kết thúc quá trình truy xuất lô sản phẩm/lô hàng xuất.

Điều 10. Thực hiện truy xuất nguồn gốc

Khi xảy ra sự cố gây mất an toàn thực phẩm hoặc khi có yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm không đảm bảo chất lượng thì cơ sở phải tiến hành ngay việc truy xuất nguồn gốc lô sản phẩm đó. Báo cáo kịp thời với cơ quan chức năng để phối hợp xác định rõ nguyên nhân gây mất an toàn thực phẩm và xử lý kịp thời, đảm bảo tránh gây hậu quả nghiêm trọng và những tổn thất không đáng có về sức khỏe, tính mạng và những thiệt hại về kinh tế của người tiêu dùng.

Việc thực hiện truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương IV

QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TEM CỦA CHƯƠNG TRÌNH OCOP HÀ TĨNH

Điều 11. Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh và điều kiện sử dụng

1. Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh là tem điện tử thông minh có gắn Biểu trưng logo OCOP Việt Nam, có in số lượng sao được chứng nhận, có mã số công khai tem, có mã QR tích hợp cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc, để nhận diện được sản phẩm đã đạt chuẩn OCOP.

2. Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh chỉ được sử dụng cho các sản phẩm đạt chuẩn từ 3 sao trở lên và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình sản xuất đã được ban hành. Trong trường hợp thay đổi mẫu mã, kiểu dáng (theo chiều hướng tốt hơn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng) thì báo cáo Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh kiểm tra, xác nhận.

3. Các cơ sở phải xây dựng và thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm theo quy định tại Quy chế này, đồng thời thực hiện việc ghi chép thông tin và lưu giữ đầy đủ hồ sơ liên quan đến quá trình sản xuất, chế biến, đảm bảo nhận diện chính xác các lô hàng sản xuất theo mã số gắn trên tem truy xuất nguồn gốc.

Điều 12. Quy trình cấp tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh

Bước 1: Căn cứ vào tình hình sản xuất, kinh doanh chủ cơ sở đăng ký số lượng tem để dán lên sản phẩm OCOP (mỗi tem dán lên 01 đơn vị sản phẩm) với Cơ quan quản lý Chương trình OCOP cấp huyện, cấp huyện kiểm tra, tổng hợp gửi văn bản đề xuất về Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh ngay từ đầu kỳ sản xuất (đầu năm) hoặc đầu vụ sản xuất (đối với các sản phẩm có tính thời vụ). Trong thông tin đăng ký ghi rõ số lượng tem cho cả năm (kỳ sản xuất).

Bước 2: Trên cơ sở đề xuất của UBND cấp huyện và quy trình sản xuất sản phẩm OCOP, Văn phòng điều phối NTM tỉnh xem xét, kiểm tra (nếu cần) để cấp phôi tem cho cơ sở sản xuất.

Bước 3: Trước khi dán tem lên sản phẩm OCOP đưa ra thị trường, cơ sở sản xuất tiến hành khai báo thông tin lô sản xuất có ghi rõ các thông tin: Ngày sản xuất, hạn sử dụng, mã lô sản xuất; phải minh chứng bằng hình ảnh hồ sơ nguồn nguyên liệu của lô sản phẩm đó, nhập chỉ số tem đầu, chỉ số tem cuối. Sau khi khai báo đầy đủ thông tin lô sản xuất, cơ sở phát hành tem

Bước 4. Dán tem lên sản phẩm: Tem cấp cho sản phẩm OCOP nào thì chỉ được dán lên sản phẩm đó, tuyệt đối không được dán lên sản phẩm khác. Tem dán cố định trên sản phẩm, ở vị trí thuận tiện, dễ quan sát, có thể sử dụng làm tem niêm phong.

Điều 13. Quản lý việc sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh

Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát việc sử dụng tem đối với các cơ sở tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; trong trường hợp phát hiện cơ sở sử dụng tem sai mục đích hoặc vi phạm các quy định tại Quy chế này thì Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh và các cơ quan có thẩm quyền có quyền thu hồi toàn bộ số lượng tem đã cấp và cơ sở sẽ bị xử lý vi phạm theo các quy định của pháp luật.

Chương V

THU HỒI CHỨNG NHẬN VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 14. Thu hồi chứng nhận đạt chuẩn

Các sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xem xét và kiến nghị cấp có thẩm quyền thu hồi chứng nhận khi vi phạm một trong các nội dung sau:

1. Không thực hiện đúng Quy trình sản xuất đã công bố;

2. Sản phẩm không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

3. Sản phẩm cung cấp ra thị trường có dán tem OCOP nhưng không đúng với chất lượng của sản phẩm đã được đánh giá, phân hạng và công nhận.

4. Sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh không đúng quy định, cụ thể:

a) Sử dụng cho các sản phẩm không tham gia Chương trình OCOP Hà Tĩnh hoặc sản phẩm chưa tham gia đánh giá, phân hạng.

b) Sử dụng cho các sản phẩm không tuân thủ quy trình sản xuất, chế biến và bảo quản sản phẩm.

c) Chuyển nhượng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh cho các tổ chức, cá nhân khác dưới bất kỳ hình thức nào.

d) Sử dụng cho các sản phẩm không đúng với loại sản phẩm, mẫu sản phẩm đã được chứng nhận OCOP, trừ trường hợp cải tiến mẫu mã, nhãn mác đã có xác nhận của Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh.

5. Sản phẩm không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, không xuất trình được hồ sơ lưu quá trình sản xuất khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Điều 15. Xử lý vi phạm

1. Các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên vi phạm các quy định tại Quy chế này sẽ bị xem xét xử lý theo quy định hiện hành của pháp luật.

2. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của các cơ sở, Văn phòng điều phối Chương trình nông thôn mới tỉnh đề nghị UBND tỉnh xem xét thu hồi Quyết định phân hạng đối với sản phẩm vi phạm.

Chương VI

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN

Điều 16. Các sở, ngành cấp tỉnh

1. Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh

a) Là cơ quan thường trực, đầu mối xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch về quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình OCOP; chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan trong quá trình kiểm tra, xử lý đối với các đơn vị vi phạm về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

b) Hàng năm tham mưu UBND tỉnh thành lập đoàn liên ngành kiểm tra các sản phẩm đạt chuẩn OCOP đã được công nhận, tham mưu UBND tỉnh xem xét, thu hồi giấy chứng nhận đạt chuẩn đối với các cơ sở thực hiện không đảm bảo quy định của Quy chế này.

c) Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành tổ chức kiểm tra việc thực hiện quy trình sản xuất, chế biến gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường đối với sản phẩm OCOP; kiểm tra công tác chỉ đạo, hướng dẫn của UBND cấp huyện đối với cơ sở về thực hiện quy trình sản xuất.

d) Chịu trách nhiệm kiểm tra, quản lý và cấp phôi Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh cho các chủ cơ sở có sản phẩm đạt chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên.

e) Chủ trì, phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tổ chức kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy chế này tại các địa phương, cơ sở.

f) Chủ trì phối hợp với các Cơ quan chuyên ngành hướng dẫn xây dựng và công bố quy trình sản xuất đối với các sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên.

2. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Thực hiện chức năng quản lý nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hóa Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên lĩnh vực nông nghiệp. Tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý chất lượng, các văn bản quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành Nông nghiệp.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên áp dụng tiêu chuẩn ngành, tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn nước ngoài và tiêu chuẩn quốc tế đối với sản phẩm OCOP thuộc lĩnh vực nông nghiệp; hướng dẫn xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc, xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, các sản phẩm thuộc ngành quản lý.

c) Hỗ trợ quảng bá, tiêu thụ, đưa ra lưu thông trên thị trường đối với những sản phẩm, hàng hóa đã xây dựng hệ thống và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thông qua các hội chợ, triển lãm trong tỉnh và hội chợ các tỉnh, thành phố.

d) Thực hiện kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Tiến hành xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm đối với các hành vi vi phạm Quy chế này và các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

3. Sở Y tế

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm, hàng hóa và nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, hàng hóa liên quan đến sức khỏe con người; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành Y tế.

b) Hướng dẫn áp dụng chỉ tiêu chất lượng đối với các sản phẩm, hàng hóa không có Quy chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn Việt Nam, Tiêu chuẩn cơ sở tương ứng; hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường các sản phẩm thuộc ngành quản lý.

c) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; tiến hành xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm Quy chế này và các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

4. Sở Công Thương

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm, hàng hóa và nguyên liệu để sản xuất sản phẩm, hàng hóa; tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP thuộc phạm vi quản lý của ngành Công Thương.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên, xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc và thu hồi sản phẩm không đảm bảo an toàn thực phẩm theo hướng dẫn của Bộ Công thương; xây dựng quy trình sản xuất gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường các sản phẩm thuộc ngành quản lý.

c) Hỗ trợ quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa đã xây dựng hệ thống và sử dụng tem truy xuất nguồn gốc thông qua các hội chợ, triển lãm trong tỉnh và hội chợ các tỉnh, thành phố.

d) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa; xử lý hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý nghiêm túc đối với các hành vi vi phạm Quy chế này và các quy định của pháp luật về chất lượng, an toàn thực phẩm theo quy định hiện hành.

5. Sở Văn hóa thể thao và Du lịch

a) Thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các sản phẩm du lịch, văn hóa.

b) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm du lịch, văn hóa tham gia sản phẩm OCOP triển khai thực hiện các nội dung theo tiêu chuẩn quy định nhằm đảm bảo chất lượng.

c) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên lĩnh vực được giao.

6. Cục Quản lý thị trường Hà Tĩnh

Chủ trì, phối hợp với các ngành, địa phương, các lực lượng chức năng, đơn vị liên quan tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm đối với các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh các mặt hàng OCOP kém chất lượng; hàng giả, hàng nhái.

Tăng cường phối hợp với Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh kiểm tra, giám sát việc sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh đối với các cơ sở tham gia chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh; phát hiện và tiến hành xử lý đối với các cơ sở vi phạm theo quy định hiện hành.

7. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Thực hiện quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng từ 3 sao trở lên thực hiện đăng ký, bảo hộ nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm, hàng hóa;

b) Chỉ đạo Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng hướng dẫn tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình OCOP hoàn thiện hồ sơ công bố chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc trách nhiệm quản lý; đăng ký sử dụng mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa; ghi nhãn sản phẩm, hàng hóa đúng quy định; hướng dẫn kết nối tới Cổng thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa của tỉnh, quốc gia.

c) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến, triển khai các nội dung của Đề án 100 của Chính phủ và Kế hoạch số 385/KH-UBND của UBND tỉnh; phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý và tiêu chuẩn quốc gia, quy chuẩn quốc gia về truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa đối với các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.

d) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên lĩnh vực được giao.

8. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý về vệ sinh môi trường cho các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh.

b) Tổ chức kiểm tra về vệ sinh môi trường tại các cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh.

Điều 17. UBND các huyện, thị xã, thành phố

a) Tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn thực hiện nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa tham gia Chương trình OCOP theo quy định của pháp luật.

b) Kiểm tra việc chấp hành pháp luật của các đơn vị sản xuất sản phẩm, hàng hóa OCOP; giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý theo thẩm quyền các hành vi vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa trên địa bàn.

c) Kiểm tra quy trình sản xuất và việc thực hiện theo đúng các bước quy trình đã ban hành tại các cơ sở (có biên bản kiểm tra lưu tại cơ sở).

d) Thông tin, tuyên truyền, phổ biến các nội dung của Đề án 100; triển khai và hướng dẫn các quy định pháp luật, các văn bản quản lý truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, quản lý và sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh đối với các cơ sở có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn quản lý.

e) Chỉ đạo các Cơ quan chuyên môn trực thuộc triển khai kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này tại địa phương. Định kỳ hàng quý (trước ngày 30 tháng cuối quý) hoặc khi có yêu cầu, báo cáo UBND tỉnh (qua Văn Phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh) kết quả thực hiện quy định về truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm không đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, kết quả kiểm tra giám sát việc sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh đối với các cơ sở tham gia Chương trình OCOP tại địa phương.

Điều 18. Cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP

1. Đảm bảo điều kiện cần thiết: Nhân lực, cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức, quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa do cơ sở mình sản xuất phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố.

2. Thực hiện theo hướng dẫn của các Cơ quan kiểm tra, giám sát và các quy định pháp luật có liên quan.

3. Chấp hành hoạt động kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy chế này và biện pháp xử lý của các Cơ quan kiểm tra, giám sát.

4. Phải công bố lại khi có thay đổi về chất lượng sản phẩm, hàng hóa.

5. Thực hiện các nội dung nêu tại Quy chế này và báo cáo Cơ quan kiểm tra, giám sát khi được yêu cầu.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19. Tổ chức thực hiện

1. Văn phòng điều phối nông thôn mới tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện Quy chế này trên địa bàn toàn tỉnh.

2. Các Sở, ngành cấp tỉnh có liên quan chịu trách nhiệm quản lý chuyên ngành về thực hiện quy trình sản xuất, chế biến gắn với đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường; truy xuất nguồn gốc, thu hồi sản phẩm và hướng dẫn quản lý, sử dụng Tem sản phẩm đạt chuẩn của Chương trình OCOP Hà Tĩnh đối với các sản phẩm tham gia Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị, cơ sở phản hồi về Văn Phòng điều phối Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, xử lý./.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đặng Ngọc Sơn


PHỤ LỤC:

MẪU QUY TRÌNH SẢN XUẤT ĐẢM BẢO CHẤT LƯƠNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG QUY TRÌNH SẢN XUẤT ĐẢM BẢO CHẤT LƯỢNG, AN TOÀN THỰC PHẨM VÀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG

Bước

Tên của bước

(1)

Mô tả nội dung hoạt động của từng bước

(2)

Yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm

(3)

Yêu cầu bảo vệ môi trường

(4)

Ghi chú

(5)

Bước 1

Bước 2

Bước 3

CHỦ CƠ SỞ SẢN XUẤT

XÁC NHẬN CỦA UBND HUYỆN, TP, TX

Ghi chú:

- (1): Nêu tên cụ thể của từng bước

- (2): Mô tả đầy đủ nội dung hoạt động của từng bước, trong bước đó cần thực hiện những nội dung, hoạt động gì

- (3): Ghi rõ các yêu cầu về đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm theo quy định và công bố của cơ sở.

- (4): Ghi rõ các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định và cam kết (kế hoạch) bảo vệ môi trường của cơ sở.

- (5): Những nội dung cần làm rõ, giải thích thêm.

- Quy trình này phải được in tối thiểu trên khổ Ao để niêm yết tại cơ sở.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 843/QĐ-UBND ngày 04/02/2021 về Quy chế quản lý sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


87

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.40.251
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!