ỦY BAN NHÂN
DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
46/2012/QĐ-UBND
|
Thủ Dầu Một,
ngày 17 tháng 10 năm 2012
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ - NÔNG NGHIỆP KỸ THUẬT
CAO - NÔNG NGHIỆP SINH THÁI GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH
DƯƠNG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy
ban nhân dân ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật
của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày
22/9/2006 của Chính phủ qui định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của
Luật Đầu tư;
Căn cứ Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04
tháng 6 năm 2010 của Chính phủ về Chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư
vào nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày
09/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng Quy
trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy
sản;
Căn cứ Thông tư số 84/2011/TT-BTC ngày
16/6/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số chính sách tài chính khuyến khích
doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo Nghị định số
61/2010/NĐ-CP ngày 06/6/2010 của Chính phủ;
Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày
14/6/2010 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định
số 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ
phát triển nông nghiệp, nông thôn;
Căn cứ Chương trình số 26-CTr/TU ngày
20/9/2011 của Tỉnh Ủy Bình Dương về chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo
hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp
chế biến tỉnh Bình Dương giai đoạn 2011 - 2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2012/NQ-HĐND8 ngày 03
tháng 10 năm 2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về một số chính sách khuyến khích
khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông
nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến
trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tại Công văn số 1237/SNN-KHTC ngày 05/09/2012,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm
theo Quyết định này Quy định về những giải pháp chính sách khuyến khích phát
triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao -
nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương
giai đoạn 2012 – 2015.
Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy
ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở, ngành của tỉnh, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh,
Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố Thủ Dầu Một, Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các tổ, chức cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày,
kể từ ngày ký./.
|
TM. ỦY BAN
NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Thanh Cung
|
QUY ĐỊNH
VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN NÔNG
NGHIỆP THEO HƯỚNG NÔNG NGHIỆP ĐÔ THỊ - NÔNG NGHIỆP KỸ THUẬT CAO - NÔNG NGHIỆP
SINH THÁI GẮN VỚI CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÌNH DƯƠNG GIAI ĐOẠN
2012 - 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 46/2012/QĐ-UBND ngày 17 / 10/2012 của Ủy
ban nhân dân tỉnh Bình Dương)
Chương I
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích, đối tượng,
phạm vi áp dụng
1. Mục đích: Việc ban hành Quy định này nhằm
khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư để chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp
theo hướng hình thành và phát triển nền nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ
thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến và xây dựng nông
thôn mới trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
2. Phạm vi điều chỉnh
a) Quy định này áp dụng trong lĩnh vực sản xuất
nông nghiệp nói chung (bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản) theo
hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái, ứng
dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); Sản xuất giống cây trồng,
giống vật nuôi và thủy sản; Sơ chế, bảo quản và chế biến các sản phẩm nông
nghiệp; Phát triển ngành nghề nông thôn. Các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp với
Quy hoạch phát triển ngành nông, lâm, ngư nghiệp tỉnh Bình Dương đến năm 2020.
b) Thời gian thực hiện:
- Thời gian phê duyệt phương án: từ ngày Quy định
này có hiệu lực đến ngày 31 tháng 12 năm 2015.
- Thời gian được vay ưu đãi, hỗ trợ kinh phí: từ
khi phương án được duyệt đến hết chu kỳ phương án được duyệt.
3. Đối tượng áp dụng
- Các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã, các
hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân; Các trung tâm, viện, trường, trạm, trại
nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ (sau đây gọi là tổ chức, cá nhân)
trực tiếp sử dụng đất nông, lâm, ngư nghiệp trên địa bàn tỉnh và có phương án,
đề án, dự án (sau đây gọi tắt là Phương án) đầu tư phát triển sản xuất phù hợp
với mục tiêu của Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân ký kết hợp đồng sản xuất,
tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh và có phương án đầu tư xây dựng
vùng nguyên liệu hoặc có phương án tổ chức sơ chế sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp
phù hợp với mục tiêu và danh mục khuyến khích của Chương trình chuyển dịch cơ cấu
nông nghiệp của tỉnh.
- Các tổ chức, cá nhân đầu tư sản xuất giống
cây, con chất lượng cao phục vụ cho sản xuất phù hợp với mục tiêu của Chương
trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh.
- Các tổ chức, đơn vị có liên quan đến công tác
phục vụ sản xuất nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ
thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh
Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. “Sản xuất nông nghiệp”: là quá trình
trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản.
2. “Sản xuất nông nghiệp tốt”: sản xuất
nông nghiệp theo quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt là những nguyên tắc
được thiết lập nhằm đảm bảo một môi trường sản xuất an toàn, sạch sẽ, thực phẩm
phải đảm bảo không chứa các tác nhân gây bệnh như chất độc sinh học (vi khuẩn,
nấm, virus, ký sinh trùng) và hóa chất (dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, kim loại
nặng, hàm lượng nitrate), đồng thời sản phẩm phải đảm bảo an toàn từ ngoài đồng
đến khi sử dụng. Các tiêu chuẩn trong thực hành sản xuất nông nghiệp tốt gồm:
VietGAP (Vietnamese Good Agricultural Practices), GlobalGAP (Global Good
Agricultural Practices), VietGAHP (Vietnamese Good Animal Husbandry Practices)
- sau đây gọi chung là GAP.
3. “Nông nghiệp kỹ thuật cao”: là ngành
nông nghiệp ứng dụng những công nghệ mới vào sản xuất, bao gồm: công nghiệp hóa
nông nghiệp (cơ giới hóa các khâu của quá trình sản xuất), tự động hóa, công
nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, ứng dụng các giống
cây trồng, giống vật nuôi có năng suất và chất lượng cao, đạt hiệu quả kinh tế
cao trên một đơn vị diện tích và phát triển bền vững trên cơ sở canh tác hữu cơ
theo hướng công nghiệp, bảo vệ môi trường.
4. “Nông nghiệp đô thị”: là ngành kinh tế
trong đô thị và ven đô sản xuất, chế biến và cung ứng cho người dân lương thực,
thực phẩm tươi sống, hoa, sinh vật và thực vật cảnh; dùng phương pháp canh tác
hữu cơ và công nghệ cao không cần nhiều đất đai, không gây ô nhiễm môi trường,
sử dụng và tái sử dụng tài nguyên thiên nhiên và chất thải đô thị; tăng thêm
không gian xanh, cảnh quan và nhu cầu trang trí, làm đẹp cho người dân đô thị.
5. “Nông nghiệp sinh thái”: là toàn bộ
các tập quán và phương pháp kỹ thuật để hoạt động nông nghiệp có thể giữ đất và
nước. Nông nghiệp sinh thái hoạt động dựa trên việc triển khai các hệ thống
canh tác cải tiến mà phần lớn các hệ thống đó đã được đưa vào các hệ thống canh
tác SCV (gieo trồng trực tiếp qua lớp phủ thực vật) và dựa trên sự phát triển
các phương pháp canh tác bảo vệ môi trường.
6. “Ngành nghề nông thôn”: sản xuất tiểu,
thủ công nghiệp ở nông thôn, gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản
xuất vật liệu xây dựng, đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, cơ khí nhỏ
ở nông thôn; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông
thôn. Sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ. Xây dựng, vận tải trong nội bộ xã, liên
xã và các dịch vụ khác phục vụ sản xuất và đời sống dân cư nông thôn.
Chương II
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ CỦA
CHÍNH SÁCH
Điều 3. Thành lập nguồn vốn
vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Dương
1. Thành lập nguồn vốn vay ưu đãi với lãi suất hợp
lý phục vụ phát triển nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp đô thị, nông nghiệp
sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương tại Quỹ đầu
tư phát triển tỉnh Bình Dương, gọi tắt là “Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát
triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình Dương”
2. Mục đích: tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn
từ các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước để cho vay ưu đãi phục vụ phát triển
sản xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình
Dương theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp
sinh thái gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2012-2015.
3. Nguồn vốn:
- 50% vốn từ ngân sách nhà nước.
- 50% vốn huy động từ các tổ chức, cá nhân trong
và ngoài nước.
4. Lãi suất cho vay: lãi suất cho vay ưu đãi từ
Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tối đa bằng 60% mức
trần lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại
trả sau do Ngân hàng Nhà nước qui định cộng thêm 2% (phí hoạt động của Quỹ đầu
tư phát triển tỉnh). Trong trường hợp Ngân hàng Nhà nước không qui định mức trần
lãi suất huy động thì tối đa bằng 60% lãi suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng
Việt Nam kỳ hạn 12 tháng loại trả sau bình quân của 4 Ngân hàng trên địa bàn tỉnh,
gồm: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Ngân hàng Thương mại
cổ phần Công thương Việt Nam, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển
Việt Nam; Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam cộng thêm 2% (phí
hoạt động của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương).
5. Hàng năm ngân sách tỉnh ưu tiên bố trí kế hoạch
từ 100 tỉ đồng đến 250 tỉ đồng cho Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương bổ
sung Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp tỉnh Bình
Dương.
6. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh huy động số vốn
tương ứng từ các nguồn khác để cho vay ưu đãi phục vụ Chương trình chuyển dịch
cơ cấu nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn
với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015.
Điều 4. Hạn mức vay ưu đãi đầu
tư cơ sở hạ tầng, cải tạo đồng ruộng
1. Các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư cơ sở hạ
tầng gắn với bảo vệ môi trường sinh thái để chuyển đổi cơ cấu cây trồng gồm: cải
tạo đồng ruộng, bờ bao nội đồng; hệ thống tưới tiêu với định mức vay không quá
50.000.000 đồng/ha được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể
như sau:
a) Qui mô đầu tư của phương án < 20ha: được
vay tối đa bằng 85% giá trị đầu tư theo định mức cho vay.
b) Qui mô đầu tư của phương án từ 20ha đến
100ha: được vay tối đa bằng 70% giá trị đầu tư theo định mức cho vay.
c) Qui mô đầu tư của phương án > 100ha: được
vay tối đa bằng 50% giá trị đầu tư theo định mức cho vay.
2. Các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư cơ sở hạ
tầng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp khác khoản 1 điều này được vay vốn
ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể như sau:
a) Qui mô đầu tư của phương án < 1 tỉ đồng:
được vay tối đa bằng 85% giá trị đầu tư của phương án.
b) Qui mô đầu tư của phương án từ 1 tỉ đồng đến
5 tỉ đồng: được vay tối đa bằng 70% giá trị đầu tư của phương án.
c) Qui mô đầu tư của phương án > 5 tỉ đồng:
được vay tối đa bằng 50% giá trị đầu tư của phương án.
3. Thời hạn được vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát
triển: theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 04
(bốn) năm trên một Phương án.
4. Các tổ chức, cá nhân sản xuất theo tiêu chuẩn
VietGAP được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh bằng 90% tổng vốn đầu
tư xây dựng, cải tạo: đường giao thông, hệ thống thủy lợi, trạm bơm, điện hạ thế,
hệ thống xử lý chất thải, hệ thống cấp thoát nước của vùng sản xuất tập trung để
phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP.
5. Đối với các sản phẩm nông nghiệp được Ủy ban
nhân dân tỉnh khuyến khích phát triển (công bố hàng năm): các tổ chức, cá nhân
sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP được công nhận, có sơ chế sản phẩm và có hợp đồng
tiêu thụ sản phẩm ổn định được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong 3 năm tiếp theo
kể từ khi được chứng nhận VietGAP mỗi năm 10% kinh phí đầu tư cơ sở hạ tầng phục
vụ sản xuất nông nghiệp phù hợp với yêu cầu kỹ thuật VietGAP.
Điều 5. Hạn mức vay ưu đãi đầu
tư cơ giới hóa sản xuất; cơ sở bảo quản, sơ chế biến nông, lâm, thủy sản,
ngành nghề nông thôn
1. Các tổ chức, cá nhân vay vốn đầu tư ứng dụng
cơ giới hóa vào trong sản xuất, bao gồm: các loại máy móc, thiết bị cơ khí, xe
cơ giới, xe tải và dây chuyền thiết bị trong các lĩnh vực phục vụ sản xuất, thu
hoạch, sơ chế, bảo quản sản phẩm và ngành nghề nông thôn, đầu tư chuồng trại,
xây dựng hầm biogas, nhà lưới, nhà kính, xử lý ô nhiễm môi trường các làng nghề;
đầu tư cơ sở giết mổ, cơ sở chế biến, cơ sở bảo quản nông sản và có ký kết hợp
đồng tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp với nông dân, tổ hợp tác, hợp tác xã hoặc
các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm trên địa bàn tỉnh được vay vốn ưu đãi từ Quỹ
đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể như sau:
a) Qui mô đầu tư của phương án < 1 tỉ đồng:
được vay tối đa bằng 85% giá trị đầu tư của phương án.
b) Qui mô đầu tư của phương án từ 1 tỉ đồng đến
5 tỉ đồng: được vay tối đa bằng 70% giá trị đầu tư của phương án.
c) Qui mô đầu tư của phương án > 5 tỉ đồng: được
vay tối đa bằng 50% giá trị đầu tư của phương án.
2. Thời hạn được vay từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh:
theo chu kỳ sản xuất của phương án được duyệt, nhưng không vượt quá 04 (bốn)
năm trên một Phương án.
3. Điều kiện vay vốn ưu đãi: Các tổ chức, cá nhân
đầu tư các loại máy móc, thiết bị cơ khí và dây chuyền thiết bị do các Tổ chức,
cá nhân (có cơ sở sản xuất đặt tại Việt Nam, được thành lập và hoạt động theo
luật pháp Việt Nam) sản xuất và lắp ráp; có nhãn hàng hóa theo quy định tại Nghị
định số 89/2006/NĐ-CP ngày 30/8/2006 của Chính phủ về nhãn hàng hóa.
- Đối với những máy móc, thiết bị có xuất xứ từ
nước ngoài phải có chủ trương của Ủy ban nhân dân tỉnh trước khi trình Hội đồng
thẩm định.
Điều 6. Hạn mức vay ưu đãi đầu
tư phát triển sản xuất; ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao; sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được cấp
giấy chứng nhận
1. Các tổ chức, cá nhân vay vốn sản xuất bao gồm:
mua giống, vật tư, phân bón, thức ăn, thuốc, nhiên liệu, trả công lao động để sản
xuất nông nghiệp đô thị; nông nghiệp sinh thái; sản xuất nông nghiệp theo quy
trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP) được cấp giấy chứng nhận; ký kết
hợp đồng sản xuất, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp an toàn được vay vốn
ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể như sau:
a) Qui mô đầu tư của phương án < 1 tỉ đồng:
được vay tối đa bằng 85% giá trị đầu tư của phương án.
b) Qui mô đầu tư của phương án từ 1 tỉ đồng đến
5 tỉ đồng: được vay tối đa bằng 70% giá trị đầu tư của phương án.
c) Qui mô đầu tư của phương án > 5 tỉ đồng:
được vay tối đa bằng 50% giá trị đầu tư của phương án.
2. Các tổ chức, cá nhân vay vốn sản xuất nông
nghiệp kỹ thuật cao được vay vốn ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh:
a) Đối với các tổ chức, cá nhân không phải là
doanh nghiệp được vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án.
b) Đối với các doanh nghiệp được vay tối đa bằng
75% giá trị đầu tư.
Ngoài được hưởng chính sách vay ưu đãi như trên,
các tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao còn được hưởng
ưu đãi theo khoản 1 Điều 10 Luật Công nghệ cao số 21/2008/QH12 được Quốc hội
thông qua ngày 13 tháng 11 năm 2008.
3. Thời hạn được vay:
a) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ
sản xuất dưới 12 tháng: thời hạn vay không quá 12 tháng trên một phương án.
b) Đối với các loại cây trồng, vật nuôi có chu kỳ
sản xuất từ 12 tháng trở lên: thời hạn vay theo chu kỳ sản xuất nhưng không vượt
quá 36 (ba mươi sáu) tháng trên một phương án.
c) Đối với các đơn vị ký kết hợp đồng tiêu thụ sản
phẩm nông nghiệp thời hạn vay theo chu kỳ sản xuất, nhưng tối đa không quá 36
(ba mươi sáu) tháng trên một phương án.
Điều 7. Đầu tư sản xuất giống
1. Đối với các tổ chức của Nhà nước
Ngân sách tỉnh ưu tiên đầu tư cho công tác
nghiên cứu sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phục vụ cho Chương
trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô
thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2012-2015
của tỉnh, cụ thể:
a) Các chương trình, dự án nghiên cứu và chuyển
giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất giống.
b) Công nghệ sản xuất giống cây, con, đảm bảo chất
lượng và yêu cầu chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp theo hướng đô thị.
c) Mua giống ông bà, bố mẹ để phục vụ công tác sản
xuất giống trong chăn nuôi.
2. Đối với các tổ chức, cá nhân: Các tổ chức, cá
nhân đầu tư phát triển sản xuất giống cây trồng, vật nuôi chất lượng cao phục vụ
cho Chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển
nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến giai
đoạn 2012-2015 của tỉnh, có phương án, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt,
được vay ưu đãi từ Quỹ đầu tư phát triển tỉnh, cụ thể như sau:
a) Mức vay: tối đa bằng 80% giá trị đầu tư của
phương án.
b) Thời hạn vay: Trường hợp nguồn vốn đầu tư
làm vốn cố định không vượt quá 04 (bốn) năm trên một phương án; với nguồn vốn đầu
tư làm vốn lưu động thời gian vay được tính theo chu kỳ sản xuất, nhưng tối đa
không quá 04 (bốn) năm trên một phương án.
Điều 8. Hỗ trợ về dịch vụ,
tư vấn
1. Đối với các tổ chức, cá nhân không phải là
doanh nghiệp có phương án đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp được phê duyệt
được ngân sách nhà nước hỗ trợ 70% kinh phí để thuê tư vấn xây dựng phương án
vay vốn, tư vấn quản lý, tư vấn về sở hữu trí tuệ, tư vấn thiết kế, xây dựng
thương hiệu, tư vấn nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn
áp dụng các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, chứng nhận
thương hiệu giống cây, con; hỗ trợ một lần kinh phí thuê tổ chức chứng nhận
đánh giá để được cấp Giấy chứng nhận sản phẩm an toàn nhưng không vượt quá mức
quy định của cơ quan có thẩm quyền.
2. Đối với doanh nghiệp có phương án đầu tư phát
triển sản xuất nông nghiệp được phê duyệt phù hợp với Điểm a, Khoản 2, Điều 1 của
quy định này được ngân sách nhà nước hỗ trợ 50% kinh phí dịch vụ tư vấn đầu tư,
tư vấn quản lý, tư vấn nghiên cứu thị trường, tư vấn luật pháp, tư vấn về sở hữu
trí tuệ, tư vấn nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn áp dụng
các hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất.
3. Các tổ chức, cá nhân áp dụng VietGAP trong sản
xuất, sơ chế sản phẩm và có hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản phẩm
được ngân sách nhà nước hỗ trợ 100% kinh phí về điều tra cơ bản, khảo sát địa
hình, phân tích mẫu đất, mẫu nước, mẫu không khí để xác định các vùng sản xuất
tập trung thực hiện các dự án sản xuất nông lâm thủy sản áp dụng VietGAP do Ủy
ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 9. Hỗ trợ về phát triển
thị trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm
1. Các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực
nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao, nông nghiệp
sinh thái trên địa bàn tỉnh được ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 50% chi phí
quảng cáo doanh nghiệp, tổ chức và sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại
chúng nơi tổ chức, cá nhân đầu tư, mức chi phí quảng cáo được khống chế theo
quy định chi phí hợp lý, hợp lệ để xác định thu nhập chịu thuế quy định tại Luật
Thuế thu nhập doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật.
2. Hỗ trợ thiết kế, xây dựng Website:
Các tổ chức, cá nhân tham gia Chương trình được ưu tiên hỗ trợ thiết kế,
xây dựng Website nhằm quảng bá thương hiệu, phát triển thị trường, mức kinh phí
hỗ trợ cụ thể và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
3. Hỗ trợ tham gia hội chợ triển lãm, thông tin
thị trường và các hoạt động xúc tiến thương mại của tỉnh theo Chương trình xúc
tiến thương mại hàng năm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ xúc tiến thương mại và nguồn
kinh phí sự nghiệp khuyến công của tỉnh, mức kinh phí hỗ trợ cụ thể và nguồn
kinh phí hỗ trợ theo quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh.
4. Hỗ trợ đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu
trí tuệ: đăng ký bảo hộ sáng chế/giải pháp hữu ích trong nước; kiểu dáng công
nghiệp trong nước; nhãn hiệu hàng hóa trong nước; nhãn hiệu hàng hóa đăng ký ở
nước ngoài. Mức kinh phí hỗ trợ cụ thể và nguồn kinh phí hỗ trợ theo quy định của
Ủy ban nhân dân tỉnh.
5. Hợp tác xã được hưởng các chính sách hỗ trợ về
tài chính, tín dụng theo Điều 7 và hỗ trợ về xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị
trường theo Điều 8, Chương II của Quyết định số 31/2009/QĐ-UBND ngày 15/5/2009
của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương.
Điều 10. Ưu đãi về đất đai
và đơn giá cho thuê đất, cho thuê mặt nước
Đơn giá cho thuê đất, thuê mặt nước của mỗi
phương án được xác định tại thời điểm cho thuê đất, thuê mặt nước và theo mục
đích sử dụng đất của từng phương án: được áp dụng tỉ lệ thấp nhất theo đơn giá
đất do Ủy ban nhân dân tỉnh quy định phù hợp với quy định tại Nghị định số
121/2010/NĐ-CP ngày 30/12/2010 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số Điều của
Nghị định số 142/2005/NĐ-CP ngày 14/11/2005 của Chính phủ về thu tiền thuê đất,
thuê mặt nước.
Điều 11. Phương thức vay vốn
và thanh toán lãi vay
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh và chủ phương án tự
thỏa thuận việc vay vốn và lịch giải ngân, trả nợ vốn vay, lãi vay, hình thức đảm
bảo tiền vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng tổ chức, cá nhân xin vay và
quy định của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh từ Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát
triển sản xuất nông nghiệp.
Chương III
QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN
XÉT DUYỆT CHO VAY
Điều 12. Tổ chức và thẩm
quyền xét duyệt
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng
thẩm định các Phương án vay vốn từ Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản
xuất nông nghiệp.
1. Thành phần Hội đồng thẩm định do Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng và đại diện: Sở Tài chính; Sở Kế
hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình
Dương.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định: thẩm định nội
dung của các Phương án đầu tư vay vốn theo chính sách phát triển nông nghiệp
theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh
thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 –
2015 và trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án được
vay vốn từ Nguồn vốn vay ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp đối với những
phương án đủ điều kiện.
Điều 13. Quy trình cho vay
Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu vay vốn theo Khoản
1, 2, 4 Điều 4; Điều 5, Điều 6, Khoản 2 Điều 7 Quy định này thực hiện theo các
bước:
Các tổ chức, cá nhân tự xây dựng Phương án, gửi
về Ủy ban nhân dân xã để xác nhận địa điểm đầu tư; sau đó chủ đầu tư gửi Phương
án về Hội đồng thẩm định (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét,
thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt và xây dựng kế hoạch cho vay vốn
ưu đãi phát triển sản xuất nông nghiệp.
Căn cứ vào kế hoạch hàng năm, phương án được duyệt
Quỹ đầu tư phát triển tỉnh và chủ phương án tự thỏa thuận việc vay vốn.
Điều 14. Thẩm quyền thanh
toán vốn vay và lãi vay
Các tổ chức, cá nhân và Quỹ đầu tư phát triển tỉnh
tự thỏa thuận về thời gian giải ngân, phân kỳ trả nợ gốc, lãi vay, hình thức đảm
bảo tiền vay phù hợp với điều kiện thực tế của từng tổ chức, cá nhân vay vốn và
quy định của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh.
Chương IV
QUY TRÌNH VÀ THẨM QUYỀN
XÉT DUYỆT HỖ TRỢ KINH PHÍ
Điều 15. Thẩm quyền xét duyệt
Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định thành lập Hội đồng
thẩm định hỗ trợ kinh phí đối với các hạng mục thuộc Khoản 5 Điều 4, Khoản 1 Điều
7, Điều 8, Điều 9 Quy định này.
1. Thành phần Hội đồng thẩm định do Sở Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn làm chủ tịch Hội đồng và các đại diện: Sở Tài chính; Sở
Kế hoạch và Đầu tư; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Xây dựng.
2. Nhiệm vụ của Hội đồng thẩm định: thẩm định và
trình Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định phê duyệt phương án được hưởng hỗ
trợ kinh phí theo chính sách đối với các phương án đủ điều kiện:
Điều 16. Quy trình hỗ trợ
kinh phí
Các tổ chức, cá nhân tự xây dựng Phương án, gửi
về Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) để xác nhận địa điểm đầu tư; sau đó chủ
Phương án gửi Phương án về Hội đồng thẩm định (Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn) để xem xét, thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.
Điều 17. Hồ sơ hỗ trợ kinh
phí
Ngoài các điều kiện theo qui định của pháp luật,
để Phương án được duyệt và nhận được kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, các
tổ chức, cá nhân phải đáp ứng các điều kiện sau:
1. Đối với hạng mục được hỗ trợ theo Khoản 5 Điều
4
- Công văn (hoặc đơn) đề nghị hỗ trợ kinh phí.
- Giấy đăng ký sản xuất, sơ chế sản phẩm an toàn
hoặc Giấy chứng nhận thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP).
- Hợp đồng tiêu thụ hoặc phương án tiêu thụ sản
phẩm có thỏa thuận của các bên tham gia tiêu thụ sản phẩm (trường hợp tiêu thụ
trong nước).
2. Đối với hạng mục hỗ trợ theo Khoản 1 Điều 7
- Công văn (hoặc đơn) đề nghị hỗ trợ kinh phí đầu
tư sản xuất giống (kèm theo hồ sơ sản xuất giống);
- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh
lý hợp đồng cung cấp giống, công nghệ sản xuất giống;
- Giấy chuyển tiền hoặc phiếu chi của các tổ chức,
cá nhân cung cấp giống.
3. Đối với hạng mục hỗ trợ theo Điều 8
- Công văn (hoặc đơn) đề nghị hỗ trợ kinh phí để
thuê dịch vụ tư vấn (bao gồm các khoản thuê tư vấn xây dựng phương án, tư vấn
quản lý, tư vấn về sở hữu trí tuệ, tư vấn thiết kế, xây dựng thương hiệu, tư vấn
nghiên cứu khoa học, tư vấn chuyển giao công nghệ, tư vấn áp dụng các hệ thống
quản lý chất lượng tiên tiến vào sản xuất, chứng nhận thương hiệu giống);
- Hợp đồng, biên bản nghiệm thu, biên bản thanh
lý hợp đồng thuê tư vấn;
- Giấy chuyển tiền hoặc phiếu chi của các tổ chức,
cá nhân cho đơn vị tư vấn;
- Các tài liệu liên quan đến chi phí thuê tư vấn
(nếu có).
4. Đối với hạng mục hỗ trợ theo Điều 9
- Thực hiện theo quy định cụ thể về hỗ trợ thị
trường, xúc tiến thương mại và phát triển sản phẩm.
Điều 18. Thẩm quyền hỗ trợ
kinh phí
1. Hàng năm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chịu trách nhiệm tổng hợp kinh phí hỗ trợ và thống nhất với Sở Tài chính
trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt của Ủy
ban nhân dân tỉnh, Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn phân bổ ngân sách để triển khai thực hiện.
2. Căn cứ kế hoạch hàng năm và tiến độ thực hiện
của các Phương án, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiến hành kiểm tra,
nghiệm thu và đề nghị Sở Tài chính thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các đối tượng
theo đúng quy định và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ kinh phí theo định
kỳ hàng quí, 6 tháng, năm.
Chương V
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 19. Trách nhiệm của
các Sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố, Sở, ban, ngành, đoàn thể phổ biến, tuyên truyền nội dung về
những giải pháp chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị
- nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế
biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015 cho các tổ chức, cá
nhân. Báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm về tình hình
thực hiện Chính sách.
- Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân về tiêu chuẩn
thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (GAP); sản xuất nông nghiệp kỹ thuật cao.
- Phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh kiểm
tra tình hình sử dụng nguồn vốn vay, tham mưu xử lý đối với các trường hợp sử dụng
vốn vay không đúng mục đích.
- Chủ trì kiểm tra, nghiệm thu tình hình sử dụng
kinh phí hỗ trợ và đề nghị Sở Tài chính thanh toán kinh phí hỗ trợ cho các đối
tượng theo đúng quy định và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ kinh phí
theo định kỳ hàng quí, 6 tháng, năm và tổng kết tình hình thực hiện chính sách
này.
- Xây dựng dự toán và sử dụng kinh phí hoạt động
của Hội đồng thẩm định và trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt trong nguồn kinh
phí sự nghiệp hàng năm.
2. Sở Tài chính
- Căn cứ vào kế hoạch và tổng kinh phí hỗ trợ
Chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp
kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa
bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015 do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
tổng hợp, trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định giao kế hoạch chỉ tiêu kinh phí
hỗ trợ.
- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn hướng dẫn triển khai thực hiện chính sách.
- Căn cứ quy định của Luật Ngân sách nhà nước và
các văn bản qui định hiện hành cân đối, bổ sung nguồn vốn vay ưu đãi, kinh phí
hỗ trợ trình Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định theo kế hoạch hàng năm để thực hiện
Chính sách.
- Phối hợp với các Sở, ngành và các cơ quan liên
quan kiểm tra việc thực hiện chính sách tại các huyện, thị xã, thành phố.
3. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh
Bình Dương
- Quản lý tốt nguồn vốn ngân sách bổ sung cho
Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp.
- Hàng năm, tiến hành huy động vốn từ các tổ chức,
cá nhân trong và ngoài nước tương ứng với nguồn vốn ngân sách bổ sung.
- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn hướng dẫn cho các tổ chức, cá nhân về trình tự, thủ tục vay vốn
từ Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương.
- Phối hợp với Hội đồng thẩm định, thẩm định các
Phương án cho vay của các tổ chức, cá nhân và thực hiện cho vay.
- Thực hiện cho vay ưu đãi phục vụ phát triển sản
xuất nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương
theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh
thái gắn với công nghiệp chế biến giai đoạn 2012-2015 trên địa bàn tỉnh Bình
Dương từ Nguồn vốn vay ưu đãi phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp đối với
những tổ chức, cá nhân được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt phương án.
- Chỉ đạo, kiểm tra việc cho vay ưu đãi theo
chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp
kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa
bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh tỉnh
Bình Dương
- Hàng tháng có văn bản thông báo cho Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính và Quỹ đầu tư phát triển mức lãi
suất huy động tiết kiệm bằng tiền đồng kỳ hạn 12 tháng (loại lãi trả sau) để
làm cơ sở xác định lãi vay.
5. Đề nghị Ủy ban mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị và các tổ chức thành viên phối hợp triển khai đến tận đoàn viên, hội
viên để nắm bắt Chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị
- nông nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế
biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015.
Điều 20. Trách nhiệm của Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có sản xuất nông nghiệp
1. Tổ chức việc giao đất, cho thuê đất, thuê mặt
nước theo quy định của Luật đất đai. Tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân
thực hiện phương án có hiệu quả.
2. Phối hợp với các Sở, ngành liên quan kiểm tra
đôn đốc các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện phương án đúng tiến độ đề
ra. Giải quyết theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên giải quyết các khó khăn của
các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện (thị xã, thành phố).
3. Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn xác nhận địa điểm, đối tượng sản xuất được vay vốn với lãi suất ưu đãi
theo Quy định này.
4. Chỉ đạo các Phòng, ban chức năng phối hợp với
các đoàn thể tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân đăng ký và
lập phương án, hỗ trợ theo chính sách.
5. Hàng năm xây dựng dự toán kinh phí hỗ trợ
theo Chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông
nghiệp kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến
trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015 gửi về Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn tổng hợp và thống nhất vối Sở Tài chính trình Ủy ban nhân
dân tỉnh giao chỉ tiêu hàng năm.
6. Theo dõi tình hình sản xuất của các tổ chức,
cá nhân được phê duyệt Phương án trên cơ sở danh sách do Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn cung cấp; phối hợp với Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương kiểm
tra tình hình sử dụng vốn vay của các tổ chức, cá nhân theo mục đích vay vốn.
Điều 21. Trách nhiệm của
các tổ chức, cá nhân thực hiện vay vốn với lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ kinh
phí
- Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh có
nhu cầu hỗ trợ kinh phí theo từng nội dung quy định tại Chính sách phát triển
nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp kỹ thuật cao - nông
nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa bàn tỉnh Bình Dương giai
đoạn 2012 – 2015 gửi Ủy ban nhân dân xã (phường, thị trấn) để tổng hợp đăng ký
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
- Xây dựng Phương án vay vốn với lãi suất ưu
đãi, Phương án hỗ trợ kinh phí theo đúng quy định này để được hỗ trợ.
- Sử dụng vốn vay, vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ
đúng mục đích theo các Phương án do các cấp thẩm quyền đã phê duyệt. Báo cáo
tình hình thực hiện chính sách gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn định
kỳ hàng quí, 6 tháng và đột xuất khi có yêu cầu.
- Thực hiện nghĩa vụ trả nợ gốc; lãi vay cho Quỹ
đầu tư phát triển theo đúng quy định.
Điều 22. Kiểm tra và xử lý
vi phạm
1. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh kiểm tra việc sử dụng
vốn vay của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố theo
Chính sách phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp
kỹ thuật cao - nông nghiệp sinh thái gắn với công nghiệp chế biến trên địa
bàn tỉnh Bình Dương giai đoạn 2012 – 2015.
2. Định kỳ 6 tháng, Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan liên quan kiểm tra
việc thực hiện chính sách này đối với các tổ chức, cá nhân tham gia.
3. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiến
nghị Ủy ban nhân dân tỉnh không hỗ trợ hoặc thu hồi kinh phí hỗ trợ đối với các
tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí hỗ trợ từ ngân sách nhà nước không đúng mục
đích.
4. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh kiểm tra, xử lý,
không tiếp tục cho vay theo qui định của Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương
đối với trường hợp các Tổ chức, cá nhân vay ưu đãi từ Nguồn vốn vay ưu đãi phục
vụ phát triển nông nghiệp tỉnh Bình Dương sử dụng không đúng mục đích.
5. Trường hợp thực hiện Phương án sản xuất kéo
dài, không phải do thiên tai, dịch bệnh, ngân sách tỉnh sẽ không xem xét để gia
hạn thời gian trả nợ vay, chủ phương án vay vốn tự chịu trách nhiệm thanh toán
phần lãi do nợ quá hạn.
6. Trường hợp phát sinh rủi ro trên diện rộng do
các nguyên nhân khách quan (thiên tai, dịch bệnh), việc thực hiện xử lý rủi ro
áp dụng theo các quy định tại Thông tư số 14/2010/TT-NHNN ngày 14/6/2010 của
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hướng dẫn chi tiết thực hiện Nghị định số
41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát
triển nông nghiệp, nông thôn. Quỹ đầu tư phát triển tỉnh xem xét, báo cáo Ủy
ban nhân dân tỉnh xử lý.
Điều 23. Điều khoản thi
hành
1. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương và
các Sở, ngành, đoàn thể liên quan, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
tổ chức hướng dẫn triển khai, kiểm tra thực hiện Quy định này.
2. Trong quá trình thực hiện, nếu có sự không
phù hợp với thực tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp, phối hợp
Sở Tài chính, Quỹ đầu tư phát triển tỉnh Bình Dương tham mưu trình Ủy ban nhân
dân tỉnh để xem xét bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.