ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ
NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 3413/QĐ-UBND
|
Điện Biên, ngày 31 tháng
12 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN
VỮNG CHĂN NUÔI GIA SÚC ĂN CỎ (TRÂU, BÒ, DÊ) THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG
TIÊU THỤ SẢN PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG
ĐẾN NĂM 2030
ỦY BAN
NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày
19/9/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật tổ chức Chính phủ và Luật Tổ
chức Chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thú y ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Chăn nuôi ngày 19/11/2018;
Căn cứ Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn
2021-2030, tầm nhìn 2045;
Căn cứ Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban
Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng
nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê
duyệt Đề án Phát triển bền vững chăn
nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê)
theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện
Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, với các nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN
ĐIỂM
1.
Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị
trường tiêu thụ sản phẩm, dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội,
phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi của Trung ương, định hướng phát
triển nông nghiệp gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình
xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
2. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo
hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh theo vùng trọng điểm nhằm khai
thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm
từ nông nghiệp, lao động và truyền thống, kinh nghiệm của người dân trong chăn
nuôi trâu, bò, dê để đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
3. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học
công nghệ trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê): Tập trung chọn lọc, cải
tạo đàn giống địa phương nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò, dê; chú trọng phát
triển đàn trâu, bò, dê cái nền đạt chuẩn để chủ động sản xuất con giống thương
phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị trường.
4. Thu hút các nguồn lực, các thành
phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu
quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt liên kết với hợp tác xã và các trang
trại, nông hộ chăn nuôi.
5. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa chăn
nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt, đồng thời xây dựng
thương hiệu, quảng bá giống trâu, bò, dê và các sản phẩm từ thịt trâu, bò, dê
Điện Biên.
Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò,
dê) theo hướng hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết
giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh cao, hiệu quả và phát
triển bền vững; từng bước chuyển
đổi phương thức chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ
trở thành ngành sản xuất chủ lực
của tỉnh, cung cấp số lượng trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có nguồn gốc,
năng suất, chất lượng tốt; cung cấp sản lượng thịt và các sản phẩm từ thịt đảm
bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong và ngoài tỉnh, đồng thời tạo
việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo an sinh xã hội, tăng trưởng
kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái, góp phần xóa đói, giảm nghèo, thực hiện
thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông
thôn mới.
2.1. Giai đoạn 2021-2025
- Phát triển đàn gia súc ăn
cỏ với tốc độ tăng trưởng bình quân đạt khoảng 3,15%/năm, trọng tâm theo hướng nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng, giá trị sản xuất gia tăng của các giống vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế
biến từ thịt, trong đó: Đàn trâu tăng bình quân 1,52%/năm, đến năm 2025 đạt 142.445 con, sản lượng
thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 4.102 tấn. Đàn bò tăng bình quân 5,5%/năm, đến
năm 2025 đạt 116.625 con, sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng đạt 3.327 tấn. Đàn
dê tăng bình quân 2,88%/năm, đến năm 2025 đạt 70.090 con, sản lượng thịt dê hơi
xuất chuồng đạt 785 tấn.
- Phát triển sản phẩm: Phấn đấu đến năm 2025,
các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, 100% sản
phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu
25% được chế biến thành các sản phẩm như thịt trâu, bò sấy khô, hun khói, gác bếp;
40% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất ra ngoài tỉnh; 35% còn lại là
tiêu thụ nội tỉnh. Đối với sản phẩm thịt dê, phấn đấu 70% sản lượng thịt nguyên
con được xuất ra ngoài tỉnh; 30% còn lại tiêu thụ nội tỉnh.
- Diện tích trồng cỏ, cây thức ăn đến năm
2025 đạt 3.890 ha, đáp ứng trên 40% nhu cầu thức ăn cho trâu, bò, dê.
- Xây dựng 03 chuỗi liên kết sản xuất trong
chăn nuôi trâu, bò, dê.
- Tăng tỷ trọng chăn nuôi tập trung trong
trang trại, tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi bình quân đạt khoảng
6,5%/năm; tăng tỷ lệ chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo phương thức bán chăn thả và
nuôi nhốt đạt khoảng 70%; chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh
và đảm bảo vệ sinh môi trường.
2.2. Mục tiêu đến năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu tổng đàn trâu, bò,
dê có khoảng 385.260 con, trong đó: Đàn trâu đạt 152.040 con, có khoảng 15% được
nuôi trong trang trại, sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 5.838 tấn. Đàn
bò đạt 152.425 con, có khoảng 20% được nuôi trong các trang trại, sản lượng thịt
bò hơi xuất chuồng đạt 5.213 tấn. Đàn dê đạt 80.795 con, có khoảng 70% được
nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết hợp chăn thả có kiểm soát, sản lượng
thịt dê hơi xuất chuồng đạt 1.062 tấn.
- Đối với sản phẩm thịt trâu, bò phấn đấu 30%
được chế biến thành các sản phẩm thịt trâu, bò sấy khô, hun khói, gác bếp, 45%
sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất sang các tỉnh bạn, các nước như
Lào, Trung Quốc, 25% còn lại là tiêu thụ nội tỉnh; đối với sản phẩm thịt dê phấn
đấu 75% sản lượng thịt nguyên con được xuất ra ngoài tỉnh, 25% còn lại tiêu thụ
nội tỉnh.
- Diện tích trồng cỏ, cây thức ăn đáp ứng
trên 70% nhu cầu cho đàn gia súc ăn cỏ.
- Xây dựng 06 chuỗi liên kết sản xuất trong
chăn nuôi trâu, bò, dê.
III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP
1. Rà soát, bổ sung các vùng phát triển chăn nuôi
gia súc ăn cỏ
Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng chăn nuôi trâu, bò, dê
hàng hóa tập trung, vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho gia súc, khu giết mổ
gia súc tập trung cho một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ, quy trình khép kín vùng sản xuất
nông nghiệp cấp huyện.
2.
Các giải pháp về kỹ thuật, khoa học và công nghệ
2.1.
Giống và sản phẩm chăn nuôi: Thực
hiện giám định, bình tuyển, chọn lọc đàn trâu, bò, tạo đàn cái nền; sử
dụng một số giống trâu, bò, dê tốt để cải tạo nâng cao tầm vóc giống
trâu, bò, dê địa phương bằng phương pháp phối giống trực tiếp; thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho trâu,
bò với các giống có năng suất, chất lượng, Zebu hóa đàn bò. Thực hiện vỗ béo trâu, bò
thịt đáp ứng nhu cầu thịt cho tiêu dùng, xây dựng thương hiệu thịt trâu, bò
gác bếp Điện Biên.
2.2.
Về chuồng trại: Xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trang trại, hộ chăn nuôi, đối tượng
vật nuôi, quy mô, mật độ chăn nuôi.
2.3.
Về thức ăn chăn nuôi: Quy
hoạch bố trí diện tích trồng cây thức ăn, bãi chăn thả gia súc. Sử dụng có hiệu quả nguồn
thức ăn sẵn có, phụ phẩm ngành trồng trọt, ứng dụng khoa học, công nghệ trong
chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho gia súc.
2.4. Thú y, phòng, chống dịch bệnh: Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh ở vật nuôi tiến tới khống chế, kiểm soát một số bệnh nguy hiểm
trên đàn gia súc.
2.5. Môi trường: Áp dụng triệt để
các tiến bộ kỹ thuật, công nghệ mới, hiệu quả vào xử lý môi trường. Tăng
cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về
bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi tại các trang trại và nông hộ.
2.6.
Chuyển giao khoa học kỹ thuật: Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng
dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi; hợp tác với các tổ chức trong nước và quốc tế trong
lĩnh vực chăn nuôi; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
và công nghệ mới cho cán bộ chuyên môn và các
nông hộ, trang trại chăn nuôi.
3.
Giết mổ, chế biến
Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp
tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản. Hỗ trợ các cơ sở chế biến thịt, sản phẩm từ
thịt trong việc chế biến và quảng bá thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ máy móc,
trang thiết bị chế biến; tem nhãn, bao bì sản phẩm và trong chứng nhận và kiểm
soát an toàn thực phẩm sản phẩm.
4. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi
- Chăn
nuôi trang trại và nuôi nhốt ứng dụng
công nghệ trong phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo quy trình khép kín
từ con giống, thức ăn đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi. Chăn nuôi
nông hộ và bán chăn thả theo hướng an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo
an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường.
- Liên
kết sản xuất chăn nuôi thông qua củng cố, đổi mới, phát triển và thành lập các
mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết chăn nuôi giữa các hộ, trang trại
chăn nuôi với doanh nghiệp trong tổ chức phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ với
vai trò trung tâm của doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo
chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến tiêu thụ sản phẩm.
5.
Thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu
các thị trường, xây dựng chiến lược về thị trường. Tổ chức lại thị trường tiêu
thụ sản phẩm chăn nuôi trong và ngoài tỉnh. Tăng cường
xúc tiến thương mại, hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm
phẩm chăn nuôi. Xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu các
sản phẩm OCOP tỉnh Điện Biên, hướng tới sản phẩm OCOP quốc gia cho sản phẩm gia súc ăn cỏ có tiềm năng, lợi thế của từng địa
phương.
6. Đào tạo, nâng cao năng lực
Đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý
nhà nước về lĩnh vực chăn nuôi, thú y;
năng lực kỹ năng quản lý, điều
hành Hợp tác xã kiểu mới, kỹ năng quản lý trang trại cho các chủ trang trại.
7. Cơ chế, chính sách
Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính
sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chế biến, tiêu thụ
sản phẩm đã ban hành của trung ương, của tỉnh. Vận dụng các chính sách hỗ trợ
hiện có và rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia
súc ăn cỏ tại Quyết định số
45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh.
8. Huy động nguồn lực
Lồng ghép có hiệu quả nguồn kinh phí từ Trung
ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu (nếu
có), chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động nông thôn; chính sách
đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hợp tác xã; nguồn vốn ngân sách địa
phương hỗ trợ khuyến nông, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp,
nguồn sự nghiệp khoa học và các nguồn vốn từ chương trình, dự án hợp pháp khác
theo quy định. Tạo môi trường thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư
xây dựng, nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, sản xuất, phát triển dịch vụ kỹ thuật
trong sản xuất chăn nuôi.
9. Giải pháp về tuyên truyền
Tổ chức thông tin, tuyên truyền thường xuyên về phát triển chăn nuôi bền vững, về các nội dung, hoạt
động triển khai thực hiện của Đề án trên các phương tiện thông tin đại
chúng để nâng cao nhận thức,
hưởng ứng tham gia của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân.
IV. KINH
PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2030 là 748.792
triệu đồng, trong
đó: Ngân sách Trung ương 347.172 triệu đồng, nguồn kinh phí từ địa
phương 292.383 triệu đồng, nguồn kinh phí hỗ trợ khác 7.321 triệu đồng, nguồn
kinh phí từ tổ chức, doanh nghiệp, người dân đối ứng 101.916 triệu đồng.
1. Giai đoạn 2021-2025: 402.244 triệu đồng, trong đó:
- Nguồn kinh phí ngân sách trung ương là
179.094 triệu đồng,
nội dung hỗ trợ cụ thể
như sau:
+ Cải tạo giống gia súc ăn cỏ: 14.854 triệu đồng.
+ Hỗ trợ giống trâu, bò dê (sinh sản, thương
phẩm): 46.234 triệu đồng.
+ Bình tuyển chọn lọc trâu, bò đực giống:
2.925 triệu đồng.
+ Trồng và bảo quản chế biến thức ăn: 21.107
triệu đồng.
+ Tiêm phòng và phun phòng: 26.914 triệu đồng.
+ Xử lý chất thải chăn nuôi: 3.865 triệu đồng.
+ Công tác khuyến nông: 47.640 triệu đồng.
+ Chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu:
15.555 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí ngân sách địa phương là
150.208 triệu đồng (trong
đó: Nguồn Khuyến nông cấp tỉnh 15.210 triệu đồng; nguồn khoa học
công nghệ 1.840 triệu đồng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất Nông, lâm
nghiệp cấp tỉnh là 42.422 triệu đồng; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất
Nông, lâm nghiệp cấp huyện là 1.584 triệu đồng; ngân sách huyện và các nguồn vốn
hợp pháp khác của cấp huyện là 89.152 triệu đồng). Các nội dung hỗ trợ cụ thể
như sau:
+ Hỗ trợ cải tạo giống gia súc ăn cỏ: 5.883 triệu đồng.
+ Bình tuyển chọn lọc trâu, bò đực giống:
2.925 triệu đồng.
+ Hỗ trợ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc:
22.379 triệu đồng.
+ Hỗ trợ tiêm phòng và phun phòng: 99.426 triệu
đồng.
+ Hỗ trợ thực hiện công tác khuyến nông:
17.050 triệu đồng.
+ Hỗ trợ chế biến sản phẩm và xây dựng thương
hiệu: 2.545 triệu đồng.
- Nguồn hỗ trợ khác (từ các tổ chức phi chính phủ, thiện nguyện,..):
3.660 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí dân đối ứng: 69.282 triệu đồng.
2. Giai đoạn 2026-2030: 346.548 triệu đồng, trong đó:
- Nguồn kinh phí ngân sách trung ương: 168.078 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí ngân sách địa phương:
142.175 triệu đồng.
- Nguồn hỗ trợ khác: 3.660 triệu đồng.
- Nguồn kinh phí đối ứng từ tổ chức, doanh nghiệp, người dân: 32.635
triệu đồng.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
- Chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đơn vị
có liên quan hướng dẫn các huyện, thị xã, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án; tổng hợp kế hoạch kinh phí hỗ trợ hàng năm của
các địa phương, đơn vị gửi Sở Kế hoạch
và Đầu tư, Sở Tài chính để căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.
- Chủ
trì, phối hợp với Ủy
ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan xây dựng, tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành kế
hoạch hàng năm thực hiện Đề án.
- Theo
dõi, tổng hợp báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện Đề án hàng năm về Ủy ban
nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
2. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và các cơ quan, đơn vị liên quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí
nguồn vốn đầu
tư trung hạn, hàng
năm do Sở theo dõi, quản
lý để thực hiện
Đề án. Hướng dẫn, mời gọi,
thu hút, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển các dự án chăn nuôi gia
súc ăn cỏ theo quy định.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối ngân sách địa phương tham mưu UBND tỉnh bố trí kinh phí
theo phân cấp ngân sách hiện hành; căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các sở, ngành liên quan
phân bổ nguồn vốn sự nghiệp hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vốn lồng ghép từ các
chương trình, dự án và các nguồn vốn hợp pháp khác để tổ chức thực hiện kế hoạch. Hướng dẫn việc quản lý, sử dụng,
thanh quyết toán nguồn kinh phí thực hiện Đề án.
4. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành
phố tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung kế hoạch sử dụng đất dành cho sản
xuất, chăn nuôi; hướng
dẫn các địa phương thủ tục hợp đồng thuê đất, giao đất, dồn đổi diện tích đất
trồng lúa, trồng màu kém hiệu quả
sang chuyên canh trồng cây thức ăn cho gia súc; hướng dẫn hỗ trợ xây dựng hệ thống xử lý chất
thải cho các hộ chăn nuôi; kiểm tra, giám sát việc thực
hiện các quy định về bảo vệ môi trường tại các khu, trang trại chăn nuôi gia súc tập trung.
Chủ trì, phối hợp với sở, ngành và các cơ quan,
đơn vị có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh trong việc nghiên cứu tiến bộ khoa học
kỹ thuật vào phát triển chăn nuôi, trong đó có chăn nuôi gia súc ăn cỏ; xây dựng
định hướng đặt hàng các nội dung nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học công
nghệ tiên tiến lĩnh vực chăn nuôi; hướng dẫn, hỗ trợ việc xây dựng nhãn hiệu đối
với các sản phẩm có nguồn gốc từ chăn nuôi nhằm nâng cao giá trị gia tăng, tăng
sức cạnh tranh của sản phẩm.
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động xúc tiến
thương mại sản phẩm nông, lâm nghiệp; tạo điều kiện cho các sản phẩm chăn nuôi
tham gia các chương trình giao thương, kết nối cung cầu giữa các tỉnh, tham gia
vào các hội chợ, triển lãm thương mại, các siêu thị, trung tâm thương mại, sàn
thương mại điện tử để hỗ trợ kết nối và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi
7. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài
Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ
Phối hợp
với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các nội dung Đề án
tới các tầng lớp nhân dân nhằm khuyến khích các cơ sở chăn nuôi, Hợp
tác xã, Doanh nghiệp tham gia vào chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò, dê theo nội
dung của Đề án.
Hướng dẫn, tư vấn, hỗ trợ thành lập các Hợp
tác xã Chăn nuôi gia súc ăn cỏ tại các địa phương để thực hiện có hiệu quả Đề
án.
9.
Các Sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan
Phối hợp với các Sở,
ban, ngành, đơn vị liên quan chỉ đạo, tổ chức thực hiện
Đề án; tuyên truyền, vận động cán bộ, công chức, viên chức trong
cơ quan, đơn vị
và nhân dân tích cực tham gia
thực hiện Đề án, các chuỗi liên kết chăn nuôi trâu, bò,
dê để phát triển bền vững, hiệu quả.
10. Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh Điện
Biên
Chỉ đạo
các tổ chức tín dụng triển khai kịp thời các chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước đối với nông nghiệp, nông thôn; tạo
cơ chế thông thoáng về hồ sơ, thủ tục để các tổ chức, cá nhân tiếp cận các nguồn
vốn vay để đầu tư phát triển sản xuất chăn nuôi.
11. Ủy ban nhân dân các huyện,
thị xã, thành phố
Căn cứ vào nội dung Đề án đã được phê duyệt
chỉ đạo các xã, các đơn vị, các cá nhân và các Hợp tác xã, doanh nghiệp của địa
phương lập kế hoạch chi tiết, đồng thời phê duyệt kế hoạch và tổ chức thực hiện.
Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân, doanh
nghiệp,... tham gia đầu tư phát triển chăn nuôi trên địa
bàn. Chủ động lồng ghép các nguồn vốn từ
các chương trình, dự án để hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất chăn nuôi. Tiếp nhận, quản lý các nguồn kinh phí. Kiểm
tra, giám sát báo cáo kết quả thực hiện theo quy định.
12. Đề nghị các tổ
chức chính trị xã hội
Phối hợp
với các cấp, các ngành chỉ đạo, tổ chức thực hiện đề án; tuyên
truyền, vận động thành viên, hội viên, đoàn viên và nhân
dân tích cực tham gia thực hiện đề án.
13. Chế độ báo cáo
Theo
chức năng, nhiệm vụ được giao các Sở,
ngành, đơn vị liên quan và Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố định kỳ
hàng năm báo cáo kết quả triển khai Đề án Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với
thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025,
định hướng đến năm 2030 về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn theo quy định.
(Có Đề án kèm theo)
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh
Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Khoa học và Công nghệ, Công Thương, Tài
nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các
huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức và cá nhân có
liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Lò Văn Tiến
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG CHĂN NUÔI GIA
SÚC ĂN CỎ (TRÂU, BÒ, DÊ) THEO CHUỖI GIÁ TRỊ GẮN VỚI THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN
PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN GIAI ĐOẠN 2021-2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
SỰ CẦN THIẾT VÀ CÁC CĂN CỨ
PHÁP LÝ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN
Trong những năm qua, cấp ủy, chính quyền các
cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các giải
pháp phát triển sản xuất nông nghiệp, tập trung phát triển các đối tượng chủ lực;
do đó sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản đã đạt được những kết quả quan trọng
và tăng trưởng ở mức khá cao. Giai đoạn 2016-2020 tốc độ tăng trưởng GRDP chăn
nuôi bình quân đạt 3,3%/năm, năm 2020 giá trị so sánh ngành chăn nuôi đạt
917.037 triệu đồng, tăng 111.459 triệu đồng so với năm 2016. Cơ cấu nông nghiệp
chuyển dịch đúng hướng, tăng tỷ trọng chăn nuôi từ 26%/năm 2016 lên 28%/năm
2020. Chăn nuôi từng bước trở thành ngành sản xuất chính, các giống lợn
cao sản, giống bò lai, gà lai được đưa vào nuôi theo hướng hàng hóa đã tác động
làm nâng cao năng suất, chất lượng và hiệu quả kinh tế, đã có một số doanh nghiệp
đầu tư chăn nuôi lợn cao sản quy mô trang trại công nghiệp theo chuỗi khép kín.
Đặc biệt, tỉnh Điện Biên có nhiều tiềm
năng, lợi thế trong phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ, diện tích đất đai rộng,
màu mỡ, nhiều đồi, rừng, nguồn cỏ tự nhiên, mật độ dân cư thấp, người dân có
truyền thống, kinh nghiệm trong chăn nuôi trâu, bò, dê; các giống vật nuôi
thích ứng với điều kiện các vùng sinh thái khác nhau nên phát triển rất tốt, tổng
đàn gia súc ăn cỏ lớn, là một trong 10 tỉnh có số lượng đàn trâu, đàn dê lớn nhất
cả nước, chất lượng và giá trị dinh dưỡng thịt trâu, bò, dê của tỉnh được đánh
giá cao. Sản phẩm thịt trâu, bò, dê và các sản phẩm từ thịt đã đáp ứng nhu cầu
tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp số
lượng trâu, bò, dê giống,
trâu, bò, dê thương phẩm, thịt
và các sản phẩm từ thịt trâu,
bò, dê cho các tỉnh thành và thủ đô Hà Nội.
Tuy nhiên, bên cạnh những điều
kiện thuận lợi, các kết quả đạt được, ngành chăn nuôi nói chung và chăn nuôi
gia súc ăn cỏ của tỉnh còn nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập đó là: chăn nuôi
phân tán, quy mô nhỏ lẻ, nông hộ chiếm tỷ lệ cao 99,6%, giống địa phương (nội)
là chủ yếu, tỷ lệ thịt xẻ thấp, sản lượng thịt hơi xuất chuồng chưa cao; phương
thức chăn thả tự do dẫn đến hiện tượng giao phối đồng huyết và cận huyết làm
suy giảm năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm thịt trâu, bò, dê; nguồn thức
ăn thô xanh thấp chưa đáp ứng đủ cho đàn gia súc, đặc biệt trong mùa khô, thiếu
thức ăn nên trâu, bò gầy yếu, giảm sức đề kháng, bị bệnh và chết khi xảy ra rét
đậm, rét hại; chất thải trong chăn nuôi chưa được xử lý triệt để gây ô nhiễm
môi trường; việc tiếp cận và tiếp nhận các công nghệ chăn nuôi hiện đại để nâng
cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm và hiệu quả kinh tế của người dân
còn hạn chế, chậm và chưa đồng bộ; chưa hình
thành được các chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ gắn với giết mổ, chế
biến, tiêu thụ sản phẩm; hoạt động xúc tiến thương mại, chế biến sản phẩm chưa
được quan tâm đúng mức, vai trò của doanh nghiệp, hợp tác xã trong lĩnh vực này
còn thiếu và yếu; cơ chế, chính sách chưa hấp dẫn các nhà đầu tư lớn trong đầu
tư phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê trên địa bàn tỉnh.
Dự báo trong những năm tới ngành
chăn nuôi sẽ gặp phải những thách thức, đó là: Dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và tiêu thụ
sản phẩm chăn nuôi, giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, cạnh tranh sản phẩm ngày càng gay gắt; yêu cầu về chất lượng, an toàn thực phẩm ngày càng cấp thiết; dịch bệnh động vật và rủi ro từ thiên tai diễn biến phức tạp, đặc biệt là bệnh dịch tả lợn Châu Phi chưa có vắc xin phòng bệnh, ảnh
hưởng đến sản xuất và nguồn cung thực phẩm ổn định trong thời gian tới.
Trước thực trạng trên, cần có định hướng và giải pháp
chuyển đổi sinh kế phù hợp và bền vững cho người chăn nuôi để khai thác, phát
huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển chăn nuôi gia súc ăn
cỏ và tổ chức thực hiện nhằm đạt được các mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày
29/7/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm
nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, UBND
tỉnh ban hành ban hành Đề án “Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với
thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025,
định hướng đến năm 2030” .
II.
CĂN CỨ PHÁP LÝ
- Luật Hợp tác xã số 23/2012/QH13 ngày 20/11/2012;
- Luật Thú y số 79/2015/QH13 ngày 19/6/2015;
- Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày
19/11/2018;
- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18/11/2019
của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào
dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15/02/2020 của Chính phủ Triển khai thực hiện Nghị quyết số
88/2019/QH14 ngày 18/11/2019 của Quốc hội Phê duyệt Đề án tổng thể phát triển
kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030;
- Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19/6/2020
của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát
triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn
2021-2030;
- Nghị
quyết số 24/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội Phê duyệt chủ trương đầu tư
Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025;
- Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính
sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 116/2018/NĐ-CP ngày 07/9/2018 của Chính phủ về sửa đổi,
bổ sung một số điều của Nghị định số 55/2015/NĐ-CP ngày 09/6/2015 của Chính phủ về chính
sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định số 35/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của
Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Thú y;
- Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế,
chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
- Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05/7/2018
của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;
- Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày
29/8/2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;
- Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của
Chính phủ về Phát triển ngành nghề nông thôn;
- Nghị định số 83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của
Chính phủ về Khuyến nông;
- Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020
của Chính phủ hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi;
- Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 09/01/2012 của Thủ Tướng Chính phủ về
một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp
tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản;
- Quyết định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ Tướng
Chính phủ về việc phê duyệt Đề án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội
vùng tái định cư thủy điện Sơn La;
- Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai
đoạn 2015-2020. Thông báo số 3480/VPCP-NN ngày 26/5/2021 v/v kéo dài thời gian
thực hiện Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014 của Thủ tướng Chính phủ về
chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015-2020;
- Quyết định số 703/QĐ-TTg ngày 28/5/2020 của
Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chương trình phát triển nghiên cứu, sản xuất giống
phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2030;
- Quyết định số 885/QĐ-TTg ngày 23/6/2020 của
Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ giai đoạn
2020-2030;
- Quyết định số
1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Chiến lược phát
triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045;
- Quyết định số 1632/QĐ-TTg ngày 22/10/2020 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt “Chương trình quốc gia phòng, chống bệnh
Lở mồm long móng, giai đoạn 2021-2025”;
- Quyết định số 255/QĐ-TTg ngày 25/02/2021 của
Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp
giai đoạn 2021-2025;
- Quyết định số 414/QĐ-TTg ngày 22/3/2021
của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Tăng cường năng lực hệ thống
cơ quan quản lý chuyên ngành thú y các cấp, giai đoạn 2021-2030;
- Quyết
định 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của
Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc
thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025;
- Quyết định số 2226/QĐ-BNN-KH ngày 21/5/2021
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phê
duyệt đề án “Phát triển nông nghiệp một số tỉnh phía Tây vùng Trung du và miền
núi phía Bắc theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững đến
năm 2025, định hướng đến năm 2030”;
- Nghị quyết Đại hội Đảng bộ
tỉnh Điện Biên lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025;
- Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 29/7/2021 của Ban Chấp hành
Đảng bộ tỉnh về phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với xây dựng nông thôn
mới tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025.
I. HIỆN TRẠNG CHĂN NUÔI GIA SÚC ĂN CỎ
GIAI ĐOẠN
2016-2020
1. Tổng đàn và sản lượng thịt hơi
- Tổng đàn: Tổng đàn trâu, bò, dê năm 2020 đạt 285.341 con, tăng 28.669
con so với năm 2016, tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt
2,68%/năm. Trong đó:
+ Đàn trâu năm 2020 đạt 135.979 con, tốc độ tăng đàn bình
quân giai đoạn 2016-2020 đạt 1,48%/năm. Chăn nuôi trâu tập trung ở các huyện: Nậm Pồ (23.202 con, chiếm 17,1%), Tuần Giáo (23.120 con, chiếm 17%), Điện Biên (22.604 con, chiếm 16,6%),
Mường Chà (14.585 con, chiếm 10,7%), Tủa Chùa (14.507 con, chiếm 10,66%), Điện Biên Đông (13.422 con, chiếm 9,87%), trong đó
chăn nuôi trâu sinh sản là chủ yếu.
+ Đàn bò năm 2020 đạt 82.372 con, tốc độ tăng đàn bình quân
giai đoạn 2016-2020 đạt 11,74%. Chăn nuôi bò tập trung ở các huyện: Điện Biên
Đông (26.551con, chiếm 32,2%), Điện Biên (15.163 con, chiếm 18,4%), Tuần Giáo
(9.830 con, chiếm 11,9%), Mường Ảng (9.250 con, chiếm 11,2%), trong đó chăn
nuôi bò sinh sản là chủ yếu.
+ Đàn dê năm 2020 đạt 66.990 con, tốc độ tăng đàn bình quân
giai đoạn 2016-2020 có xu hướng giảm trung bình 2,98%/năm. Chăn nuôi dê tập
trung ở các huyện: Tủa Chùa (19.458 con, chiếm 29%), Tuần Giáo (13.400 con, chiếm 20%), Điện Biên Đông (8.007
con, chiếm 11,95%) Mường Chà (7.025 con, chiếm 10,5%), chăn nuôi dê sinh sản và
lấy thịt.
Biểu
đồ số lượng đàn gia súc ăn cỏ giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên
- Sản lượng thịt hơi: Tổng sản lượng
thịt hơi trâu, bò, dê năm 2020 đạt 5.243 tấn, tăng 965 tấn so với năm 2016, tốc
độ tăng sản lượng thịt hơi bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt 5,22%/năm. Trong
đó:
+ Sản lượng thịt trâu hơi xuất
chuồng năm 2020 đạt 2.553 tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân giai đoạn
2016-2020 đạt 4,41 %/năm.
+ Sản lượng thịt bò hơi xuất chuồng
năm 2020 đạt 2.026 tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt
7,75%/năm.
+ Sản lượng thịt dê hơi xuất chuồng
năm 2020 đạt 665 tấn, tốc độ tăng sản lượng bình quân giai đoạn 2016-2020 đạt
1,48%/năm.
Biểu
đồ Sản lượng thịt hơi giai đoạn 2016-2020 tỉnh Điện Biên
Trâu, bò, dê giống, thương phẩm được
xuất bán chủ yếu cho thị trường các tỉnh Sơn La, Lào Cai, Hòa Bình, Ninh Bình,
Hà Nội,... và xuất sang Trung Quốc. Sản phẩm thịt trâu, bò, dê cung cấp đủ cho nhu cầu
tiêu thụ trong tỉnh, ngoài ra còn xuất bán ngoại tỉnh khoảng trên 500 tấn/năm,
chiếm khoảng 10% tổng sản lượng thịt trâu, bò, dê hơi xuất chuồng; các sản phẩm
chế biến từ thịt trâu, bò (sấy khô) được tiêu thụ tại các tỉnh thành trong cả
nước.(Chi tiết số lượng, sản lượng thịt hơi theo biểu 1, I. Hiện trạng đính
kèm)
2. Phương thức chăn nuôi
- Phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò, dê bán chăn thả là chủ yếu, chiếm khoảng 51,4%, chăn nuôi thả rông 38,8%, nuôi nhốt 9,8%. Vùng thấp nhiều hộ đã đầu
tư xây dựng chuồng trại kiên cố, trồng cỏ, chế biến, dự trữ thức ăn trong mùa
đông; vùng cao do lợi thế về đất đai, đồi rừng, phần lớn các hộ thả trâu, bò,
dê trong rừng, trên nương. (Chi tiết số liệu theo biểu 2, I. Hiện trạng đính
kèm)
Biểu đồ các phương thức chăn nuôi
gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên
-
Quy mô chăn nuôi: Chăn nuôi trâu, bò, dê quy mô nông hộ là chủ yếu, chiếm
khoảng 99,6%, toàn tỉnh có khoảng 75.778 hộ chăn nuôi trâu, bò, dê. Chăn nuôi
quy mô trang trại vừa và nhỏ chiếm 0,4%. Toàn tỉnh có 306 trang trại chăn nuôi hỗn hợp trâu,
bò, dê, trong đó có 288
trang trại quy mô nhỏ, 18 trang trại quy mô vừa (Xếp loại quy mô chăn nuôi trang trại theo Điều
21 Chương IV Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21/01/2020 của Chính Phủ). Các
trang trại chăn nuôi tập trung ở các huyện: Điện Biên (112 trang trại,
chiếm 56%), Nậm
Pồ (56 trang
trại, chiếm 18,3%), Mường Nhé (33 trang trại, chiếm 10,78%), Mường Chà (33 trang trại, chiếm 10,78%), Điện Biên Đông (32 trang trại, chiếm
10,46%); riêng huyện Tủa Chùa không có trang trại chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
(Chi tiết cụ thể theo biểu số 3, I.
Hiện trạng đính kèm)
Biểu đồ phân bố
trang trại chăn nuôi gia súc ăn cỏ trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- Hợp tác xã chăn nuôi: Có 12 Hợp tác xã (huyện Tuần Giáo 06
HTX, Mường Chà 03 HTX, Điện Biên 01 HTX, Điện Biên Đông 01 HTX, thành phố Điện
Biên Phủ 01 HTX) trong
đó có 02 Hợp tác xã Chăn nuôi trâu, bò, dê và 10 Hợp tác xã Nông nghiệp, dịch vụ tổng hợp có thực hiện hoạt động chăn
nuôi trâu, bò, dê. Quy mô chăn nuôi gia súc tại các HTX từ 10-500 con, số lượng
trâu, bò, dê tại các HTX có khoảng 1.126 con. Ngoài ra, có 08 mô hình được thành lập theo hình thức kết nối giữa các nông
hộ với nhau, tạo thành các tổ, nhóm sở thích, câu lạc bộ, chi hội nghề nghiệp
chăn nuôi để chia sẻ kinh nghiệm, giúp đỡ trong phát triển chăn nuôi, giới
thiệu, cung cấp sản phẩm đầu vào đảm bảo chất lượng, an toàn, tin cậy và liên
kết để tìm đầu ra cho sản phẩm.
(Chi tiết cụ thể
theo biểu số 4, I. Hiện trạng đính kèm)
3. Cơ cấu và giống
gia súc ăn cỏ
- Giống trâu: 100% giống trâu nội, trong đó
trâu Ré (giống trâu nhỏ) chiếm 68%, trâu Ngố (giống trâu to) chiếm 32%. Tỷ lệ
trâu đực 38,5%, trâu cái 61,5%. Đàn giống 65,1%, đàn thương phẩm 34,9%.
- Giống bò: 89,7% giống bò nội (trong đó 89%
giống bò vàng địa phương, 0,7% giống bò H'Mông); 10,3% giống bò lai
Zebu. Tỷ lệ bò đực 22,3%, bò cái 77,7%. Đàn giống 57,7%, đàn thương phẩm 42,3%.
- Giống dê: 99,3 % giống dê nội (dê cỏ),
0,7% giống dê lai (dê Cỏ x dê
Bách Thảo). Tỷ lệ dê đực 41,5%, dê cái 58,5%. Đàn giống 71,2%, đàn thương phẩm
28,8%.
- Trọng lượng nghé sinh ra đạt từ 16-24
kg; bê (giống nội) từ 12-15 kg, bê lai từ 17-20 kg; dê cỏ (giống nội) từ
1,2-1,4 kg, dê lai từ 1,6-1,8 kg.
(Chi tiết cụ
thể theo biểu số 5, I. Hiện trạng đính kèm)
- Chương trình cải tạo đàn trâu, bò được
triển khai theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND (hiện được thay thế bằng Quyết định
số 45/2018/QĐ-UBND) của UBND tỉnh. Công tác cải tạo đàn bò địa phương bằng
phương pháp thụ tinh nhân tạo đạt thấp, giai đoạn 2016-2020 hỗ trợ cải tạo được
1.925 con, trung bình 385 bò cái/năm, số bê lai sinh ra đạt khoảng 1.386 con. Địa
bàn thực hiện ở phạm vi hẹp, chủ yếu tại khu vực lòng chảo huyện Điện Biên,
thành phố Điện Biên Phủ và một số xã thuộc huyện Mường Ảng. Tổng đàn bò lai của
tỉnh năm 2020 đạt khoảng 8.367 con, chiếm 10,3% tổng đàn. Tốc độ Zebu
hóa đàn bò chậm là do địa hình phức tạp, giao thông đi lại khó khăn, chăn nuôi
thả rông nên khó mở rộng được địa bàn triển khai thụ tinh nhân tạo.
- Giống gia súc ăn cỏ của tỉnh chủ yếu là
giống địa phương (giống nội), nguồn gốc, chất lượng giống chưa đảm bảo,
hiện tượng giao phối cận huyết dẫn đến chất lượng giống suy giảm, khối lượng
trung bình cơ thể trâu, bò, dê giảm do ảnh hưởng của hiện tượng chọn lọc ngược, trâu, bò to, khỏe thường được chọn bán hoặc giết mổ, đồng thời người
chăn nuôi thích nuôi trâu, bò cái dẫn đến tỷ lệ giống đực và cái không tương xứng.
- Trên địa bàn tỉnh hiện chưa có cơ sở sản xuất con giống trâu, bò, dê tốt, đủ số lượng để cung
cấp cho nhu cầu chăn nuôi trâu, bò, dê giống thương phẩm.
- Trên địa bàn tỉnh có 01 cơ sở có đủ điều kiện theo quy định về sản xuất
và cung ứng tinh gia súc là Trung tâm Khuyến nông - Giống cây trồng vật nuôi trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn; có 05 cơ sở (doanh
nghiệp) kinh doanh, cung ứng giống các loại, chủ yếu trâu, bò, dê phục vụ các
chương trình, dự án hỗ trợ con giống phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh với
số lượng từ 200 con trở lên/năm/cơ sở; có 02 Hợp tác xã (01 HTX tại
huyện Điện Biên và 01 HTX tại huyện Tuần Giáo) hoạt động dịch vụ cung ứng giống
trâu, bò, dê cho người chăn nuôi trong và ngoài tỉnh.
- Tổng số trâu, bò, dê cung ứng thuộc các chương trình, dự án trên địa bàn
tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là 23.209 con,
trong đó có 6.075 con trâu, 11.859 con bò và 5.275 con dê (số trâu, bò, dê hỗ trợ chủ yếu là giống cái). Số trâu, bò, dê cung ứng thuộc các chương trình, dự
án chủ yếu được mua thu gom ngay tại các địa phương trong tỉnh là chủ yếu và một
số tỉnh vùng Tây Bắc và tỉnh Nghệ An, thực hiện đầy đủ các quy trình tiêm phòng
và nuôi tân đáo trước khi bàn giao cho dân. Thông qua các chương trình, người
dân được hỗ trợ giống, vật tư, tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, các hộ
nghèo, cận nghèo có cơ hội phát triển chăn nuôi, từ đó nâng cao thu nhập, xóa
đói, giảm nghèo.
(Chi tiết cụ thể theo biểu 6, I.Hiện trạng
đính kèm)
-
Cỏ tự nhiên: Qua khảo sát thực tế từ địa phương, sản lượng cỏ tự nhiên đang dần
giảm, đồng cỏ tự nhiên, bãi chăn thả gia súc từ các diện tích đất trống (đất
lâm nghiệp, đất đồi nương, đất khác chưa sử dụng) ngày càng thu hẹp, quy hoạch
để trồng rừng sản xuất và cây công nghiệp. Vào mùa khô sản lượng cỏ tự nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng
11,5% nhu cầu thức ăn cho gia súc.
-
Cỏ trồng: Hiện nay, các nông hộ, trang trại chăn nuôi gia súc ăn cỏ tại một số
huyện như Điện Biên Đông, Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa, Nậm Pồ, đã bước đầu tận dụng vùng đất có độ ẩm ven suối
và chuyển một số đất trồng trọt kém hiệu quả sang trồng các giống cỏ có năng
suất, chất lượng cao như cỏ Voi, VA06, Ghine, Mulato II... Tuy nhiên diện tích
còn hạn chế, có khoảng 1.091 ha, tăng 591 ha so
với năm 2016, trong đó diện tích tập trung tại các huyện: Điện Biên Đông 480 ha
(chiếm 44%), Tủa Chùa 254,5 (chiếm 23,3%), Nậm Pồ 119,8 ha (chiếm 11%), Điện
Biên 74,8 ha (chiếm 6,9%). Năng suất cỏ trồng đạt 250 tấn/ha, sản lượng đạt
272.653 tấn, đáp ứng khoảng 13,2% nhu
cầu thức ăn xanh của đàn trâu, bò, dê trên địa bàn tỉnh.
Biểu đồ diện tích trồng cỏ chăn nuôi
trên địa bàn tỉnh Điện Biên
- Phụ phẩm ngành trồng trọt:
Với diện tích lúa ruộng cả năm 26.883,5 ha, lượng rơm nếu thu gom làm thức ăn dự trữ cho trâu, bò đạt từ 170-180 nghìn tấn. Tuy nhiên, thực tế việc thu gom, tận dụng rơm rạ
và sản phẩm từ các cây trồng khác sau thu hoạch như thân cây họ đậu, ngô, sắn,
ngọn mía, cỏ khô,… của người chăn nuôi còn hạn chế, có khoảng 63% số hộ nông
dân trồng lúa kết hợp chăn nuôi trâu, bò có thu gom, dự trữ rơm khô, tập trung
chủ yếu ở huyện Điện Biên và các xã vùng thấp của một số huyện. Lượng rơm thu
gom mới chỉ đạt khoảng 35% tổng sản lượng, đáp ứng khoảng 3,1%; phụ phẩm khác
đáp ứng khoảng 1,2% nhu cầu thức ăn cho trâu, bò.
- Chế biến, ủ chua, dự trữ
thức ăn: Phần lớn các hộ chăn nuôi chưa áp dụng phương pháp này, ngoại trừ một số
xã thuộc huyện Điện Biên và Tuần Giáo thông qua các tác động kỹ thuật từ dự án Chăn
nuôi thâm canh bò thịt trong hệ thống canh tác đất dốc, các hộ chăn nuôi trâu,
bò được hỗ trợ, áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng cỏ, ngô sinh khối, cây họ
đậu chế biến, ủ chua thức ăn để vỗ béo trâu, bò thịt. Tổng diện tích ngô sinh
khối gieo trồng để ủ chua năm 2020 đạt 02 ha; khối lượng thức ăn ủ chua (cỏ,
ngô) ước đạt trên 100 tấn/năm.
(Chi tiết cụ thể theo biểu 7, I. Hiện trạng
đính kèm)
- Tình hình dịch bệnh: Giai đoạn 2016-2020, dịch
bệnh trên đàn trâu, bò, dê được kiểm soát tốt, không phải công bố dịch bệnh
trên địa bàn tỉnh. Bệnh Lở mồm long móng xảy ra rải rác tại các địa phương,
song do được phát hiện sớm, xử lý kịp thời, không gây thiệt hại lớn về gia súc
(số trâu, bò mắc bệnh 713 con, chết 9 con); bệnh Ung khí thán xảy ra tại 03 xã
thuộc huyện Điện Biên Đông và huyện Mường Chà với tổng số trâu, bò mắc bệnh 18
con, chết 11 con; bệnh Tụ huyết trùng xảy ra tại 40 xã thuộc 10 huyện, thị xã,
thành phố với tổng số trâu, bò mắc bệnh 724 con, chết 420 con giảm 67,6% so với
giai đoạn 2011-2015.
- Tiêm phòng vắc xin: Hàng năm tỉnh triển
khai thực hiện tiêm phòng các loại vắc xin gồm: Nhiệt thán, Tụ huyết trùng, Lở
mồm long móng cho đàn trâu, bò và triển khai tháng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng
góp phần ngăn chặn, giảm thiểu nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh trên đàn
vật nuôi. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn trâu, bò trong những
năm qua đạt thấp, toàn tỉnh đạt từ 56-70%, trong khi tỷ lệ tiêm phòng yêu cầu phải
đạt tối thiểu 80% tổng đàn trong diện tiêm mới đạt miễn dịch quần thể. Nguyên
nhân do nguồn kinh phí hỗ trợ mua vắc xin còn hạn hẹp; tập quán chăn thả rông
gia súc phổ biến; nhận thức của một bộ phận người chăn nuôi còn hạn chế; một số
huyện 30a tiêm vắc xin đạt tỷ lệ thấp dưới 56% tổng đàn như huyện Mường Nhé,
huyện Nậm Pồ, trong khi ngân sách trung ương hỗ trợ vắc xin thuộc nguồn 30a không hạn chế về số lượng.
(Chi tiết cụ thể theo biểu 8, I. Hiện trạng
đính kèm)
Biểu đồ Tỷ lệ tiêm phòng
vắc xin Tụ huyết trùng, Lở mồm long móng cho đàn trâu, bò trên địa bàn tỉnh Điện
Biên giai đoạn 2016-2020
- Phòng, chống đói rét: Những năm gần đây, công tác phòng, chống đói rét cho
đàn vật nuôi đã có những chuyển biến tích cực, mùa đông 2019-2020 nhiều địa
phương không có trâu, bò chết do đói, rét.
Số lượng trâu, bò, dê chết do ảnh hưởng bởi rét đậm, rét hại giai đoạn
2016-2020 là 5.115 con. Tuy
nhiên, ở một số địa phương, đặc biệt ở vùng cao việc thực hiện phòng, chống rét
cho vật nuôi của người dân còn hình thức, đại khái, chưa triệt để, có che chắn
chuồng trại và dự trữ thức ăn nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; chuồng nuôi nhốt chưa
đảm bảo tránh gió lùa, mưa hắt, không đảm bảo vệ sinh, không trồng cỏ, lượng
rơm khô dự trữ ít, không đủ cho trâu, bò ăn khi rét đậm, rét hại kéo dài; nhiều
hộ không làm chuồng trại, còn thả trâu, bò, dê trên nương, trong rừng, không
đưa về nuôi dưỡng, chăm sóc trong những ngày giá rét.
- Giết mổ động vật: Hiện tại, tỉnh chưa có cơ
sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung, toàn tỉnh hiện có 140 cơ
sở giết mổ quy mô nhỏ lẻ, tự phát, thủ công hộ gia đình, trong đó có 25 cơ sở
giết mổ trâu, bò, 02 cơ sở giết mổ dê với công suất trung bình từ 01-05
con/ngày đêm. Điều kiện cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ giết mổ tại các
cơ sở phần lớn chưa được đầu tư theo đúng quy định. Có 57 cơ sở đáp ứng điều kiện
vệ sinh thú y đạt tỷ lệ 29,5% trong đó
có 07 cơ sở giết mổ trâu, bò, dê đáp ứng điều kiện vệ sinh thú y đạt tỷ lệ 26%.
- Chế biến: Trên địa bàn tỉnh chưa có cơ sở chế biến
sản phẩm thịt gia súc ăn cỏ quy mô lớn, chủ yếu quy mô hộ gia đình cá thể nhỏ lẻ,
phương thức chế biến thủ công truyền thống với khoảng 117 cơ sở (87 cơ sở chế biến thịt khô, hun khói, gác bếp; 30 cơ sở chế biến giò, chả).
Sản phẩm được xuất đi các tỉnh thành hầu hết dưới dạng sơ chế (thịt tươi sống)
và thịt chế biến (sấy khô, hun
khói, gác bếp) được cung cấp cho các nhà hàng,
khách sạn, siêu thị và tại các lễ hội, Tết nguyên đán,... Ước tính sản lượng thịt trâu, bò
dùng để chế biến dưới dạng thịt sấy khô, hun khói, gác bếp chiếm 5 - 10% tổng sản lượng
thịt trâu, bò được giết mổ toàn tỉnh, lượng tiêu dùng thịt sấy khô chủ yếu
trong dịp tết cổ truyền.
(Chi tiết số liệu theo biểu
9, I. Hiện trạng đính kèm)
Hàng năm ước tính có hơn một triệu tấn chất
thải từ hoạt động chăn nuôi trâu, bò, dê. Tuy nhiên, chỉ có khoảng 15,7% lượng
chất thải được thu gom, xử lý bằng ủ phân, biogas để sử dụng làm khí đốt, cho
hoạt động trồng trọt hoặc nuôi giun trùn quế và được thực hiện chủ yếu ở các
nông hộ, trang trại nuôi nhốt gia súc và một số hộ chăn nuôi bán chăn thả. Phần
lớn, khoảng 84,3% lượng chất thải từ chăn nuôi trâu, bò, dê thả rông và bán
chăn thả, xả thải trực tiếp ra môi trường tại các bãi chăn thả, nương, đồi, rừng,...
gây ô nhiễm đất, không khí, nguồn nước và ảnh hưởng đến sức khỏe con người.
Bằng nguồn kinh phí địa phương và Trung ương, hàng năm Trung
tâm Khuyến nông - Giống cây trồng, vật nuôi tỉnh; Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện triển khai các hoạt
động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật sản xuất chăn nuôi cho
nông hộ, trang trại chăn nuôi tại các địa phương. Năm 2019 và năm 2020 đã xây dựng 05 mô hình chăn
nuôi trâu, bò, dê sinh sản và 02 mô hình vỗ béo trâu, bò thịt. Thông qua các
hoạt động khuyến nông, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất
chăn nuôi, chủ trương, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiến bộ
kỹ thuật mới trong chăn nuôi, mô hình sản xuất điển hình được chuyển tải, giới
thiệu, kịp thời, đầy đủ để người dân áp dụng và nhân rộng.
Tuy nhiên, hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
còn hạn chế: Nguồn kinh phí đầu tư cho hoạt động khuyến nông còn hạn hẹp, phân
bổ cho nhiều lĩnh vực: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp,... do đó
người chăn nuôi tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh chưa có cơ hội tham gia,
tiếp cận và tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật mới trong chăn nuôi, đặc biệt là với
gia súc ăn cỏ. Bên cạnh đó, một số mô hình sau khi kết thúc khó nhân rộng do
đầu tư dàn trải, manh mún, thiếu định hướng về thị trường để phát triển quy mô
hàng hóa.
Hợp tác với Chính phủ Úc và Viện Chăn nuôi, Học
viện Nông nghiệp Việt Nam, Đại học Nông lâm Thái Nguyên, Đại học Tây Bắc thực
hiện dự án Chăn nuôi thâm canh bò thịt trong hệ thống canh tác đất dốc vùng miền
núi Tây Bắc Việt Nam tại Điện Biên với các tác động khoa học kỹ thuật đưa một số
giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, khả năng chịu hạn, chịu rét, sương muối
tốt vào trồng thâm canh, thực nghiệm trồng ngô sinh khối, cây họ đậu, yến mạch
làm thức ăn cho gia súc ăn cỏ; chế biến, ủ chua cỏ, ngô, cây họ đậu… bổ sung
dinh dưỡng, vỗ béo trâu, bò thịt.
- Qua khảo sát cho thấy, trâu, bò, dê giống
được trao đổi, mua bán giữa các hộ chăn nuôi và được mua thu gom để cung ứng
cho các chương trình, dự án có hỗ trợ con giống trên địa bàn tỉnh; trâu, bò, dê
thương phẩm cung cấp cho các lò mổ, khoảng 80% sản lượng thịt trâu, bò, dê sau
khi giết mổ được tiêu thụ tại các chợ trong tỉnh dưới dạng thịt tươi sống.
- Ngoài
ra, trâu, bò, dê giống và thương phẩm được các thương lái thu mua từ các nông hộ,
trang trại chăn nuôi xuất đi tiêu thụ ngoại tỉnh, chủ yếu tại các tỉnh thành như:
Lào Cai, Sơn La, Hòa Bình, Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình, Hải Phòng, Hà Nội,… sản
phẩm thịt trâu, bò, dê dạng tươi sống được tiêu thụ chủ yếu về thủ đô Hà Nội và
các tỉnh phía Bắc; đối với các sản phẩm chế biến từ thịt (thịt trâu, bò sấy khô, hun khói, gác bếp) được quảng bá giới thiệu và liên kết tiêu thụ rộng
rãi tại các tỉnh thành trong nước.
- Nhìn
chung thị trường tiêu thụ và giá sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ tương đối ổn
định, không thường xuyên biến động, không chịu nhiều tác động bởi giá vật tư đầu
vào và dịch bệnh so với một số mặt hàng sản phẩm nông sản và chăn nuôi khác, do
chu kỳ sản xuất các đối tượng gia súc ăn cỏ dài, sử dụng nguồn thức ăn thô xanh
(không phụ thuộc vào thị trường thức ăn thương mại và có thể tự chủ động, chế
biến ngay tại chỗ).
Hệ thống quản lý nhà nước về chăn nuôi - thú
y các cấp gồm:
- Cấp tỉnh có 18 người, thuộc 01 phòng chuyên
môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và 04 phòng chuyên môn của Chi cục
Thú y.
- Cấp huyện có 68 người, thuộc 10 Phòng Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn các huyện, Phòng Kinh tế thị xã, thành phố;
Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp các huyện, Trung tâm Dịch vụ Kinh tế tổng hợp thị
xã, thành phố.
- Cấp xã có 180 nhân viên thú y (trong đó:
trình độ đại học 28, cao đẳng 18, trung cấp 100, sơ cấp 27, chưa qua đào tạo
07), hưởng hệ số lương bậc 1; bằng 0,7 mức lương tối thiểu đối với nhân viên
thú y chưa có bằng cấp.
(Chi tiết cụ thể
theo biểu 10, I. Hiện trạng đính kèm)
- Ủy
ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 24/2015/QĐ-UBND ngày 26/11/2015 Quy
định một số chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ trên địa bàn
tỉnh Điện Biên giai đoạn 2016-2020; Quyết định số 04/2017/QĐ-UBND ngày 13/01/2017 của
UBND tỉnh Điện Biên ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ việc áp dụng quy
trình thực hành sản xuất nông
nghiệp tốt trong nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh Điện
Biên. Do khó khăn về nguồn lực nên đã không triển
khai thực hiện.
- Các chính sách Ủy ban nhân dân tỉnh ban
hành phục vụ phát triển chăn nuôi đã và đang triển khai thực hiện gồm: Quyết định số 01/2012/QĐ-UBND ngày 11/01/2012
ban hành quy định về số lượng, chính sách hỗ trợ, chức năng, nhiệm vụ và tiêu
chuẩn của nhân viên thú y cấp xã trên địa bàn tỉnh Điện Biên; Quyết định số 45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018
ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành
nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên.
- Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ phát
triển sản xuất thuộc các chương trình giảm nghèo bền vững 30a, 135; chương
trình nông thôn mới, hỗ trợ chuyển giao tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi thuộc
chương trình khuyến nông, khoa học và công nghệ được triển khai hàng năm tại
các địa phương.
- Giai đoạn 2016-2020, tổng kinh phí hỗ
trợ phát triển sản xuất chăn nuôi trâu, bò, dê thuộc các chương trình, dự án thực
hiện trên địa bàn tỉnh là 352.578 triệu đồng, trong đó: Chính sách hỗ trợ
sản xuất của tỉnh theo Quyết định số 02/2014/QĐ-UBND (thay thế bằng Quyết số
45/2018/QĐ-UBND) 14.658 triệu đồng, chương trình nông thôn mới 35.954 triệu đồng,
chương trình khuyến nông 1.492 triệu đồng, chương trình giảm nghèo bền vững 265.950 triệu đồng, nguồn
kinh phí dự phòng cho phòng chống dịch bệnh 34.524 triệu đồng.
(Chi
tiết theo Biểu 11 - I. Hiện trạng đính kèm)
- Chăn nuôi trâu, bò, dê giai đoạn 2016-2020 phát triển ổn định và
tăng trưởng khá; tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp tăng, tổng
đàn gia súc ăn cỏ hàng năm đều tăng, phương thức và quy mô chăn nuôi chuyển biến tích cực, chuyển dần từ
chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán sang chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa; cơ cấu
sản xuất chăn nuôi chuyển dịch đúng hướng, giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm
năng lợi thế (trâu, bò, dê) tăng, đáp ứng tiêu dùng trong tỉnh và cung cấp số
lượng trâu, bò, dê và một lượng lớn thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt cho các tỉnh và thủ đô Hà Nội.
- Các nông hộ và trang trại chăn nuôi ở vùng
thấp đã áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, cải tạo đàn bò bằng
phương pháp thụ tinh nhân tạo, xây dựng, gia cố chuồng trại kiên cố, trồng các
giống cỏ có năng suất, chất lượng cao, trồng ngô sinh khối, chế biến, ủ chua bổ
sung dinh dưỡng, vỗ béo cho trâu, bò; vùng cao lựa chọn bò đực có tầm vóc to lớn,
ngoại hình đẹp phối giống với bò địa phương để nâng cao năng suất, chất lượng sản
phẩm.
- Chăn nuôi gia súc ăn cỏ sử dụng nguồn thức ăn
thô xanh là chủ yếu và có thể chủ động và chế biến tại chỗ, không
phụ thuộc bởi thức ăn thương mại (công nghiệp) nên giá và thị trường các sản phẩm
gia súc ăn cỏ cơ bản ổn định, đảm bảo cho người chăn nuôi có lãi.
- Thu nhập của người chăn nuôi gia súc tăng
lên và có nhiều cá nhân làm giàu từ chăn nuôi, một số đầu tư phát triển thành
các trang trại, hợp tác xã, doanh nghiệp chăn nuôi gia súc quy mô lớn tạo việc
làm cho người dân địa phương góp phần xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn
mới.
1- Giống trâu, bò, dê: Giống trâu, bò, dê chủ
yếu các giống địa phương (giống nội), có thể trạng nhỏ, năng suất, sản lượng thịt
hơi thấp, hiện tượng giao phối đồng huyết, cận huyết do chăn nuôi thả rông và
bán chăn thả dẫn đến chất lượng con giống suy giảm, khối lượng trung bình cơ thể trâu,
bò nhỏ do ảnh hưởng của hiện tượng chọn lọc ngược (trâu, bò to, khỏe thường được
chọn bán hoặc giết mổ, đồng thời người chăn nuôi thích nuôi trâu, bò cái dẫn đến
tỷ lệ giống đực và giống cái không tương xứng); công
tác lai tạo, cải thiện tầm vóc thể trạng đàn trâu, bò, dê còn chậm và chưa đồng bộ, ảnh hưởng
trực tiếp đến quá trình tăng trưởng, sản lượng và chất lượng thịt thấp dẫn đến
hiệu quả sản xuất chăn nuôi thấp.
2- Quy mô, phương thức chăn nuôi: Chăn nuôi tự
phát, nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, phương thức chăn nuôi thả rông và bán chăn thả là
chủ yếu, ảnh hưởng không nhỏ tới việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản
xuất chăn nuôi, đặc biệt là cải tạo giống, tiêm phòng vắc xin và không chủ động
được nguồn thức ăn, chủ yếu là tận dụng thức ăn tại chỗ, không đảm bảo vệ sinh
môi trường.
3- Thức ăn: Diện tích bãi chăn
thả, đồng cỏ tự nhiên đang dần bị thu hẹp, chăn nuôi trâu, bò, dê ngày gặp khó khăn hơn.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi từ chăn thả phụ thuộc vào nguồn thức ăn tự nhiên
sang chủ động nguồn thức ăn (trồng cỏ, cây thức ăn xanh) còn hạn chế do phương
thức, tập quán chăn thả trâu, bò, dê này đã ăn sâu và trở thành thói quen của
nhiều hộ chăn nuôi.
4 - Phòng,
chống thiên tai, dịch bệnh: Công tác phòng, chống thiên tai, đặc biệt là phòng,
chống đói, rét cho gia súc của một bộ phận người chăn nuôi chưa cao; trâu,
bò, dê chết do đói, rét, dịch bệnh
vẫn còn xảy ra
hàng năm khi mùa đông đến, nhất
là ở các địa phương vùng cao... Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho đàn trâu, bò còn
đạt thấp và chưa có chính sách hỗ trợ tiêm phòng vắc xin cho đàn dê; vệ sinh cơ
giới chuồng trại và môi trường chăn nuôi còn hạn chế, việc khai báo dịch bệnh
đôi khi chưa kịp thời, ảnh hưởng đến hiệu quả, sự phát triển bền vững
ngành chăn nuôi.
5- Môi trường chăn nuôi: Xử lý môi trường
trong chăn nuôi gia súc chưa hiệu quả, nhiều hộ chuồng trại chăn nuôi không đảm
bảo vệ sinh, phần lớn chất thải gia súc chưa được xử lý triệt để, vẫn còn tồn tại
tập quán chăn nuôi gia súc ở cạnh nhà hoặc dưới gầm sàn nhà, gây mất vệ sinh, ô
nhiễm môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh các ổ dịch bệnh trên đàn gia
súc cao, cũng như ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt, sức khỏe của người dân.
6- Tổ chức sản xuất: Do quy mô chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán, phong tục, tập quán, nhận thức canh tác của
đồng bào các dân tộc khác nhau nên việc hình thành các nhóm sở thích, tổ hợp tác, hợp tác
xã chăn nuôi còn ít, hầu hết mới thành lập và thiếu kinh nghiệm nên hoạt động chưa hiệu quả;
liên kết giữa các doanh nghiệp và các tổ chức chăn nuôi còn sơ khai, chưa hình
thành được chuỗi liên kết trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
7- Thu hút đầu tư: Hiện chưa
có Doanh nghiệp đầu tư phát triển trang trại chăn nuôi trâu, bò, dê để cung cấp
con giống và sản lượng thịt đảm bảo chất lượng cho thị trường nội tỉnh. Nguồn
giống để cung cấp cho các hộ dân và cho các địa phương theo các chương trình mục
tiêu quốc gia được tư thương, doanh nghiệp thu mua phần lớn từ các hộ dân trong
tỉnh và nhập ngoại tỉnh, dẫn tới hạn chế nguồn giống chất lượng, đáp ứng yêu cầu
sản xuất hiện nay.
8- Tiêu thụ sản phẩm: Sản
phẩm tiêu thụ chủ yếu qua thương
lái và mua, bán trao đổi qua nhận
định, đánh giá tầm vóc, thể trạng, khó xác định trọng
lượng đại gia súc nên người chăn nuôi không được
hưởng lợi nhuận tương ứng so với thực tế giá thị trường; công tác thông tin, dự báo thị trường giá sản phẩm trâu, bò, dê giống, trâu, bò, dê thương
phẩm, thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt còn hạn chế, ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất, thu nhập người của chăn nuôi.
9- Chính sách: Một số chính
sách đã ban hành nhưng rất khó thực hiện, chưa đi vào cuộc sống vì thiếu nguồn
lực (chính sách hỗ trợ chăn nuôi trong nông hộ, VietGap). Cơ chế chính sách về
đất đai để phát triển chăn nuôi còn nhiều bất cập, gây khó khăn cho các nhà đầu
tư.
3.1. Nguyên nhân khách quan
-
Điều kiện địa
hình, giao thông còn khó khăn, ở xa các thị trường tiêu thụ lớn ảnh hưởng đến việc vận
chuyển vật tư đầu vào cho chăn nuôi và xuất bán sản phẩm chăn nuôi dẫn đến giá thành sản phẩm chăn nuôi còn cao
khi đưa thực phẩm đến tay người tiêu dùng, làm giảm khả năng cạnh tranh trên thị trường.
- Thời
tiết khí hậu bất lợi, nắng nóng, mưa lớn, lũ, lũ quét, rét đậm, rét hại, sương
muối, dịch bệnh trên đàn gia súc vẫn tiềm ẩn,
ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, thu nhập của người chăn nuôi.
- Diện tích đất canh tác nông nghiệp, bãi chăn thả
ngày càng bị thu hẹp, chưa có quy hoạch cụ thể diện tích dành cho chăn nuôi gia súc.
-
Phong tục, tập quán sản xuất chăn nuôi của một bộ phận đồng bào dân tộc ở vùng
sâu, vùng xa còn lạc hậu, trình độ nhận thức còn hạn chế, ảnh hưởng rất lớn
trong việc tiếp cận, tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất
chăn nuôi; mặt khác do thiếu vốn nên việc đầu tư phát triển chăn nuôi chưa đồng
bộ, dẫn đến năng suất, sản lượng thấp, giá thành cao, hiệu quả sản xuất chăn
nuôi giảm, thiếu bền vững.
-
Cân đối cung
cầu là thách thức hàng đầu cho việc sản xuất chăn nuôi của tỉnh. Do dân cư
thưa thớt và mức sống còn thấp nên cầu thực phẩm tại tỉnh là khá thấp, trừ
trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn, hơn nữa giao thông không thuận tiện, sức
mua thấp nên việc thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc ăn
cỏ còn khó khăn. Liên kết tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiện tại
còn sơ khai và thiếu kết nối, thiếu ổn định, chưa có tính cạnh tranh và chuyên
nghiệp.
3.2. Nguyên nhân chủ quan
- Một số cơ chế, chính sách của Trung ương
ban hành (đất đai, vốn vay, ...) còn bất cập, khó áp dụng và vận dụng ở địa
phương; các chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi, phòng, chống dịch bệnh động vật,
đầu tư hỗ trợ từ ngân sách tỉnh còn hạn hẹp, thiếu nguồn lực để thực hiện nên
chưa phát huy được hiệu quả.
- Một số địa phương chưa thực sự quan tâm đến công tác phát
triển chăn nuôi, cải tạo giống, trồng cỏ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh
trên đàn vật nuôi, tỷ lệ tiêm phòng vắc xin phòng dịch bệnh cho vật nuôi ở một
số huyện trong những năm qua còn thấp; giống vật nuôi nhập vào địa phương theo
các chương trình, dự án hỗ trợ giảm nghèo, an sinh, phát triển sản xuất chưa
được kiểm soát chẽ còn để lây lan dịch bệnh sang đàn gia súc của người dân; gia
súc ăn cỏ chết do đói, rét, dịch bệnh xảy ra hàng năm, việc cập nhật, thông
tin, tuyên truyền về thị trường chăn nuôi chưa được chú trọng và có hiệu quả.
- Đội ngũ cán bộ quản lý nhà nước về chăn nuôi, thú y từ
tỉnh đến cơ sở còn thiếu, cán bộ chuyên môn khác phải kiêm nhiệm nên chưa đáp
ứng được yêu cầu trong tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn; đội ngũ cán bộ khuyến
nông, thú y cấp xã ở nhiều địa phương trình độ chuyên môn thấp, kỹ năng tay
nghề không cao, ảnh hưởng đến công tác phòng, chống đói rét, dịch bệnh dẫn đến
phát triển chăn nuôi của người dân, địa phương chưa đạt mục tiêu, hiệu quả.
- Nhận thức của người chăn nuôi về
công tác cải tạo và lai tạo giống còn hạn chế, tập quán chăn thả tự do gia súc
trên đồi, rừng vẫn còn phổ biến dẫn đến tình
trạng giao phối cận huyết, không kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng con giống, khó khăn
trong công tác tiêm phòng vắc xin cũng như việc áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi để nâng cao năng suất, sản lượng, chất lượng, giá trị, hiệu quả chăn nuôi.
1- Vị trí địa lý: Điện Biên là tỉnh miền
núi, biên giới phía Tây Bắc của Tổ quốc, là vị trí chiến lược an ninh, quốc
phòng của cả khu vực miền Tây Bắc. cách thủ đô Hà Nội gần 500 km về phía Tây; phía Bắc
giáp tỉnh Lai Châu, phía Đông và Đông Bắc giáp tỉnh Sơn La, phía Tây Bắc giáp tỉnh
Vân Nam - Trung Quốc; phía Tây và Tây
Nam giáp với nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào. Tỉnh Điện Biên có chung đường biên giới với 02 quốc gia: Trung Quốc
(dài 40,861 km) và Lào (dài 414,712 km); cửa khẩu Tây
Trang là cửa khẩu quan trọng của vùng Tây Bắc và cả nước. Đây là điều kiện và
cơ hội rất lớn để tỉnh đẩy mạnh phát triển thương mại các lĩnh vực
trong đó có phát triển chăn nuôi.
2- Điều kiện tự nhiên: Tỉnh
Điện Biên có tổng diện tích đất tự nhiên là 953.992,60 ha (đất nông, lâm nghiệp
chiếm chủ yếu với 92,6% tổng diện tích đất tự nhiên; đất phi nông
nghiệp chiếm 2,82%; đất chưa sử dụng chiếm 4,56%). Tỉnh có đất đai rộng, màu mỡ, nhiều đồi, rừng,
nguồn cỏ tự nhiên, mật độ dân cư thấp, nguồn nhân lực lao động nông thôn dồi
dào, lợi thế để tỉnh đầu tư phát triển bền vững ngành chăn nuôi gia súc ăn cỏ;
đặc biệt, nếu được đầu tư thỏa đáng và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
thì sẽ trở thành vùng chăn nuôi và có sản phẩm
tiêu thụ lớn.
3- Về số lượng đàn, sản lượng thịt hơi và chất lượng thịt
trâu, bò: Là một trong 10 tỉnh có số lượng đàn trâu, đàn dê lớn nhất cả nước và
có sản lượng thịt trâu hơi cao trong vùng miền núi phía Bắc; các giống trâu,
bò, dê thích nghi với điều kiện chăn thả và thổ nhưỡng nên phát triển rất tốt,
chất lượng và giá trị dinh dưỡng thịt trâu, bò, dê nuôi trên địa bàn tỉnh được
người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh đánh giá cao. Đây là cơ sở cho việc bảo tồn, phát triển các giống trâu, bò, dê bản địa và từ đó xây dựng các
sản phẩm đặc sản vùng miền.
4-
Về môi trường và dịch bệnh: So với các tỉnh đồng bằng, chăn nuôi gia
súc ăn cỏ không chịu áp lực nhiều về môi trường và dịch bệnh do điều kiện địa
hình rộng và bị chia cắt bởi các dãy núi, mật độ chăn nuôi thấp và do địa thế
khá biệt lập và giao thương còn thấp nên dịch bệnh ít xảy ra hoặc nếu xảy ra
thì có thể khống chế và kiểm soát trong thời gian ngắn.
5- Tiềm năng về lao động nông nghiệp, nông thôn lớn, người
dân có truyền thống, kinh nghiệm trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ từ lâu đời, nguồn
phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp dồi dào, chi phí lao động thấp là những cơ
sở để phát triển chăn nuôi với quy mô hàng hóa.
6- Sản
phẩm từ thịt gia súc ăn cỏ mới chỉ đáp ứng khoảng 50% nhu cầu của người tiêu
dùng trong cả nước. Việc phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ là hướng đi đúng không chỉ với tỉnh Điện Biên mà còn mang tính quốc
gia nhằm cân bằng sinh học trong chăn
nuôi và giảm việc nhập
khẩu thịt trâu, bò từ các quốc gia khác. Phát triển gia súc ăn cỏ hiện được Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát
triển nông thôn, các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo các địa phương, đặc biệt
là các tỉnh miền núi có tiềm năng, lợi thế, cơ hội để đầu tư phát triển nhằm
nâng cao giá trị, thu nhập cho người dân, đặc biệt rất hiệu quả trong bối cảnh ảnh
hưởng bởi dịch bệnh dịch tả lợn Châu Phi, dịch bệnh Covid-19 ở người và
biến động bởi giá thức ăn chăn nuôi thương mại hiện nay.
7- Thị trường, nhu cầu về trâu, bò, dê giống,
thương phẩm, cũng như thịt và các sản phẩm từ thịt trâu, bò, dê trong nước ngày
càng lớn. Dự án đầu tư mở rộng Cảng hàng không Điện Biên hoàn thành, là điều
kiện thuận lợi trong việc vận chuyển, tiêu thụ sản phẩm nông sản của tỉnh,
trong đó có thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt gia súc từ tỉnh Điện Biên đến
các tỉnh, thành trong cả nước. Đây cũng là cơ sở cho việc mở ra các tiềm năng,
cơ hội về trao đổi, liên kết, phát triển các sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ
theo vùng giữa tỉnh Điện Biên với các tỉnh vùng Tây Bắc và các tỉnh vùng đồng bằng
Sông Hồng, đặc biệt là thủ đô Hà Nội.
1. Phát triển bền vững chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò,
dê) theo chuỗi
giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai
đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030 phải dựa trên quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế
xã hội, phù hợp với chiến lược phát triển chăn nuôi, định hướng phát triển nông
nghiệp gắn với kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng
nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
2. Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo
hướng sản xuất hàng hóa tập trung, thâm canh theo vùng trọng điểm nhằm khai
thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế về đất đai, sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm
từ nông nghiệp, lao động và truyền thống, kinh nghiệm của người dân trong chăn
nuôi trâu, bò, dê để đảm bảo sinh kế và nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
3. Đẩy mạnh chuyển giao và ứng dụng khoa học
công nghệ trong chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê): Tập trung chọn lọc, cải
tạo đàn giống địa phương nâng cao tầm vóc cho đàn trâu, bò dê; chú trọng phát
triển đàn trâu, bò, dê cái nền đạt chuẩn để chủ động sản xuất con giống trâu,
bò, dê thương phẩm có năng suất, chất lượng, giá trị cao đáp ứng nhu cầu thị
trường.
4. Thu hút các nguồn lực, các thành
phần kinh tế, tổ chức, cá nhân tham gia phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ hiệu
quả với lực lượng doanh nghiệp là nòng cốt liên kết với hợp tác xã và các trang
trại, nông hộ chăn nuôi.
5. Xây dựng chuỗi giá trị liên kết giữa chăn
nuôi, chế biến, tiêu thụ thịt và các sản phẩm từ thịt, đồng thời xây dựng
thương hiệu, quảng bá giống trâu, bò, dê và các sản phẩm từ thịt trâu, bò, dê
Điện Biên.
Phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò,
dê) theo hướng hàng hóa, sản phẩm chăn nuôi được sản xuất theo chuỗi liên kết
giá trị, có thị trường tiêu thụ ổn định, sức cạnh tranh cao, hiệu quả và phát
triển bền vững; từng bước chuyển
đổi phương thức chăn nuôi quảng canh sang thâm canh, đưa chăn nuôi gia súc ăn cỏ
trở thành ngành sản xuất chủ lực
của tỉnh, cung cấp số lượng trâu, bò, dê giống; trâu, bò, dê thịt có nguồn gốc,
năng suất, chất lượng tốt; cung cấp sản lượng thịt và các sản phẩm từ thịt đảm
bảo chất lượng, an toàn thực phẩm cho nhu cầu trong tỉnh và các tỉnh thành
trong nước, đồng thời tạo việc làm, tăng thu nhập cho người chăn nuôi, đảm bảo
an sinh xã hội, tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường sinh thái góp phần xóa
đói, giảm nghèo, thực hiện thành công kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp và
chương trình xây dựng nông thôn mới.
2.1. Giai đoạn 2021-2025
- Phát triển đàn gia súc ăn
cỏ giai đoạn 2021-2025 với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng
3,15%/năm, trọng tâm theo hướng nâng cao tầm vóc, năng suất, chất lượng, giá trị sản
xuất gia tăng của các giống vật nuôi, thịt và các sản phẩm chế biến
từ thịt. Cụ thể:
+ Đàn trâu tăng bình quân
1,52%/năm, đến năm 2025 đạt 142.445 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt
4.102 tấn.
+ Đàn bò tăng bình quân
5,5%/năm, đến năm 2025 đạt 116.625 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt
3.327 tấn.
+ Đàn dê tăng bình quân
2,88%/năm, đến năm 2025 đạt 70.090 con, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 785
tấn.
- Phát triển sản phẩm: Phấn đấu
đến năm 2025, các sản phẩm thịt cung cấp ra thị trường có nguồn gốc rõ ràng,
100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.
+ Đối với sản phẩm thịt trâu,
bò: Phấn đấu 25% được chế biến thành các sản phẩm như: Thịt trâu, bò sấy khô,
hun khói, gác bếp; 40% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất ngoại tỉnh;
35% còn lại là tiêu thụ nội địa.
+ Đối với sản phẩm thịt dê: Phấn
đấu 70% sản lượng thịt nguyên con được xuất ngoại tỉnh; 30% còn lại tiêu thụ nội
địa.
- Diện tích trồng cỏ, cây thức
ăn đến năm 2025 đạt 3.890 ha, đáp ứng trên 40% nhu cầu thức ăn cho trâu, bò,
dê.
- Xây dựng 03 chuỗi liên kết sản
xuất trong chăn nuôi trâu, bò, dê.
- Tăng tỷ trọng chăn nuôi tập
trung trong trang trại, tốc độ tăng trưởng trang trại chăn nuôi bình quân đạt
khoảng 6,5%/năm; tăng tỷ lệ chăn nuôi gia súc ăn cỏ theo phương thức bán chăn
thả và nuôi nhốt đạt khoảng 70%; chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh
và đảm bảo vệ sinh môi trường.
2.2. Mục tiêu đến năm 2030
- Đến năm 2030, tổng đàn trâu,
bò, dê có khoảng 385.260 con, trong đó:
+ Đàn trâu: Duy trì ổn định ở
quy mô ổn định khoảng 152.040 con, trong đó khoảng 15% được nuôi trong trang trại,
sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đạt 5.838 tấn.
+ Đàn bò: Đạt quy mô khoảng
152.425 con, trong đó khoảng 20% được nuôi trong các trang trại, sản lượng thịt
bò hơi xuất chuồng đạt 5.213 tấn.
+ Đàn dê: Đạt quy mô khoảng
80.795 con, trong đó khoảng 70% được nuôi theo phương thức bán công nghiệp kết
hợp chăn thả có kiểm soát, sản lượng thịt hơi xuất chuồng đạt 1.062 tấn.
- Diện tích trồng cỏ, cây thức
ăn đáp ứng trên 70% nhu cầu cho đàn gia súc ăn cỏ.
- Xây dựng 06 chuỗi liên kết sản
xuất trong chăn nuôi trâu, bò, dê.
- Yêu cầu đối với các sản phẩm
thịt cung cấp ra thị trường có nguồn gốc rõ ràng, 100% sản phẩm đảm bảo vệ sinh
an toàn thực phẩm.
+ Đối với sản phẩm thịt trâu, bò
phấn đấu 30% được chế biến thành các sản phẩm thịt trâu, bò sấy khô, hun khói,
gác bếp, 45% sản lượng trâu, bò thịt nguyên con được xuất sang các tỉnh bạn,
các nước như Lào, Trung Quốc, 25% còn lại là tiêu thụ nội địa;
+ Đối với sản phẩm thịt dê phấn
đấu 75% sản lượng thịt nguyên con được xuất ngoại tỉnh, 25% còn lại tiêu thụ nội
địa.
III- NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP
1. Nhiệm vụ
1.1. Phát triển đàn vật nuôi
- Đàn trâu: Tốc độ tăng trưởng đàn trâu đến năm 2025 bình quân đạt 1,52%/năm (thị xã Mường Lay 1.654 con, thành phố Điện Biên Phủ 5.738 con, Mường Ảng 7.044 con, Mường Nhé 12.863 con, Mường Chà 15.642 con, Tủa Chùa 15.527 con, Điện Biên Đông 14.288 con, Nậm Pồ 25.449 con, Điện Biên 24.576 con, Tuần Giáo 19.663 con).
- Đàn bò: Tốc độ tăng trưởng đàn bò đến năm 2025 bình
quân đạt 5,5%/năm (thị xã Mường Lay 493 con, thành phố Điện Biên Phủ 4.361 con, Tủa Chùa 4.113 con, Mường Chà 6.764 con, Mường Nhé 6.688 con, Nậm Pồ 7.110 con, Mường Ảng 12.033 con, Tuần Giáo 22.350 con, Điện Biên 18.854 con, Điện Biên Đông 33.860 con). Tốc độ Zebu hóa đàn bò giai đoạn
2021-2025 đạt 2,9%/năm.
- Đàn dê: Tốc độ tăng trưởng đàn dê đến năm 2025 bình quân đạt 2,88%/năm (thị xã Mường Lay 532 con, thành phố Điện Biên Phủ 1.197 con, Điện Biên 2.478 con, Mường Nhé 3.309 con, Mường Ảng
5.291 con, Nậm Pồ 5.942 con, Mường Chà 7.935 con, Điện Biên Đông 8.300 con, Tuần Giáo 14.796 con, Tủa Chùa 20.310 con).
1.2. Đối với sản xuất trâu, bò, dê
giống
Thực hiện cải tạo giống trâu, bò, dê nâng trọng lượng bê,
nghé, dê sơ sinh lên từ 4,2-8,3%, trong đó, trọng lượng nghé từ 4,2-6,5%, bê
nội từ 6,7-8,3%, bê lai từ 5-6%, dê nội
từ 7,1-8,3%, dê lai từ 5,5-6,2%.
Thực hiện thí điểm một số chương trình, dự án ứng dụng tiến bộ khoa học
và công nghệ trong việc cải tạo đàn trâu địa phương bằng phương pháp thụ tinh
nhân tạo (sử dụng tinh đông lạnh giống trâu Murrah); đẩy mạnh cải tạo đàn bò, tăng tỷ lệ thụ tinh
nhân tạo để cải tạo giống vật nuôi; thực hiện cải tạo đàn dê (sử dụng dê đực giống
Boer lai với dê cái cỏ địa phương) tại Trại thực nghiệm và Sản xuất giống cây
trồng, vật nuôi thuộc Trung tâm Khuyến nông giống cây trồng, vật nuôi và một số
địa phương có điều kiện thuận lợi để áp dụng nhằm nâng cao tỷ lệ sinh sản và khối
lượng giống trâu, bò, dê địa phương.
Mở rộng thêm các điểm và hoàn thiện hệ thống thụ tinh nhân
tạo tại các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Xây dựng và phát triển các cơ sở sản xuất, cung ứng trâu,
bò, dê giống tốt, đạt tiêu chuẩn chất lượng cung cấp giống thương phẩm cho nhu
cầu chăn nuôi trong tỉnh tại các địa phương có lợi thế chăn nuôi trâu, bò, dê
sinh sản, cụ thể: trâu giống tại các huyện: Nậm Pồ, Mường Chà, Điện Biên, Tuần
Giáo; bò giống tại các huyện: Điện Biên Đông, Điện Biên, Mường Ảng, Tuần Giáo;
dê giống tại huyện: Mường Chà, Tuần Giáo, Tủa Chùa.
1.3. Đối với chăn nuôi trâu, bò, dê
thương phẩm
- Đàn trâu: Phát triển nuôi trâu lấy thịt đáp ứng nhu cầu
thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt cho thị trường trong và ngoài tỉnh. Tốc
độ tăng sản lượng thịt trâu hơi xuất chuồng đến năm 2025 đạt 7,2%/năm; tập trung tại các huyện: Mường
Nhé 370 tấn, Nậm Pồ 733 tấn, Mường Chà 451 tấn, Điện Biên Đông 412 tấn, Điện Biên 708 tấn, Tuần Giáo 566 tấn, Tủa Chùa 447 tấn.
- Đàn bò: Phát triển chăn nuôi bò thịt hàng
hóa, tăng tổng đàn, quy mô chăn nuôi nông hộ và trang trại, ứng dụng khoa học
công nghệ tăng năng suất, sản lượng, chất lượng thịt hơi; thực hiện vỗ béo cho bò trước khi giết mổ theo đúng
quy trình kỹ thuật để tăng năng suất thịt lên 15-25%, đảm bảo chất lượng thịt
ngon, mềm. Tốc độ tăng sản lượng
thịt bò hơi xuất chuồng đến năm
2025 đạt 8,5 %/năm; tập
trung tại các huyện: Mường Nhé 191 tấn, Nậm Pồ 203 tấn, Điện Biên Đông 966 tấn,
Điện Biên 538 tấn, Mường Ảng 343 tấn, Tuần Giáo 638 tấn.
- Đàn dê: Phát triển chăn nuôi dê thịt theo hướng trang trại kết
hợp nuôi nhốt và bán chăn thả. Tăng quy mô tổng đàn và nâng cao sản lượng, chất
lượng, giá trị sản phẩm. Tốc độ tăng sản lượng thịt dê hơi xuất chuồng đến năm 2025 đạt 6,1%/năm; tập trung tại các huyện: Điện Biên Đông 93 tấn,
Mường Chà 89 tấn, Nậm Pồ 66 tấn, Mường Ảng 59 tấn,
Tuần Giáo 166 tấn, Tủa Chùa 227 tấn.
1.4. Về nguồn thức ăn
Trồng cỏ, cây thức ăn, dự trữ, chế biến, bảo
quản thức ăn cho trâu, bò, dê đảm bảo đáp ứng trên 50% tổng nhu cầu thức ăn cho
gia súc ăn cỏ. Diện tích trồng cỏ tại các huyện: Điện Biên Đông 710 ha, Điện
Biên 605 ha, Tuần Giáo 688 ha, Nậm Pồ 500 ha, Tủa Chùa 330 ha, Mường Ảng 274
ha, Mường Chà 322 ha, Mường Nhé 280 ha, thành phố Điện Biên Phủ 150 ha, thị xã
Mường Lay 31 ha.
1.5. Thú y, phòng, chống dịch
bệnh
- Tỷ lệ tiêm phòng vắc xin cho
đàn gia súc đạt tối thiểu 80% tổng đàn.
- Chủ động phòng, chống dịch bệnh
trên đàn vật nuôi, đảm bảo an toàn dịch bệnh trong chăn nuôi.
2.1. Rà soát, bổ sung quy hoạch vùng phát triển chăn nuôi
gia súc ăn cỏ
- Trên cơ sở xác định quy mô sản xuất và định hướng
trong chăn nuôi, tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung các vùng chăn nuôi
trâu, bò, dê hàng hóa tập trung, vùng trồng nguyên liệu làm thức ăn cho gia
súc, khu giết mổ gia súc tập trung cho một số doanh nghiệp chăn nuôi ứng dụng công nghệ, quy trình khép kín vào
quy hoạch, kế hoạch vùng sản xuất nông nghiệp cấp huyện; quy hoạch xây dựng
nông thôn mới cấp xã; quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và các quy hoạch, kế hoạch
có liên quan tạo hành lang, cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện tại địa phương.
- Quy hoạch phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ
theo vùng, xã, huyện trọng điểm
giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030 theo hướng tập trung hàng hóa, hiệu quả
cao và bền vững, đảm bảo an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường
trên cơ sở phát huy thế mạnh về điều kiện tự nhiên các vùng trong tỉnh nhằm tạo
động lực chuyển dịch cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra sản phẩm hàng hóa đặc
chất lượng cao, đặc trưng của tỉnh, đáp ứng nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, liên
kết vùng, miền để đưa sản phẩm chăn nuôi của tỉnh tiêu thụ tại các tỉnh, thành
trong cả nước, hướng tới xuất khẩu.
- Làm rõ từng vùng chăn nuôi, phát huy lợi thế
phù hợp với từng loại vật nuôi gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới đã được
phê duyệt. Tại các xã có quy hoạch các khu vực đất dành cho phát triển chăn
nuôi, xác định rõ khả năng phát triển chăn nuôi trâu, bò và dê để cụ thể hóa diện
tích, quy mô phát triển chăn nuôi cho phù hợp.
2.2. Các giải pháp về kỹ thuật, khoa học và công nghệ
2.2.1. Giống và sản
phẩm chăn nuôi
Cùng với việc đẩy mạnh phát triển đưa các giống
tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chăn nuôi sẽ đồng thời khai thác tiềm năng, thế mạnh
các giống địa phương có giá trị mang tính đặc trưng vùng để tăng lợi thế cạnh
tranh cho sản phẩm chăn nuôi gia súc ăn cỏ của tỉnh góp phần nâng cao giá trị,
thu nhập cho người nông dân. Cụ thể:
- Giống trâu: Thực hiện giám định, bình tuyển,
chọn lọc đàn trâu cái nền, trâu đực giống; sử dụng một số giống trâu tốt đã được
bình tuyển, chọn lọc để cải tạo nâng cao tầm vóc giống trâu địa phương bằng
phương pháp phối giống trực tiếp hoặc thực hiện công tác thụ tinh nhân tạo cho
đàn trâu cái nền, sử dụng tinh trâu giống tốt (trâu Ngố hoặc tinh trâu Murrah
đông lạnh để phối cho đàn trâu cái nền được chọn lọc).
Thực hiện vỗ béo trâu thịt đáp ứng nhu cầu thịt
cho tiêu dùng, xây dựng thương hiệu thịt trâu gác bếp Điện Biên.
- Giống bò: Đẩy mạnh công tác cải tạo nâng cao tầm vóc đàn bò, chọn lọc
giống bò đực nội (bò H'Mông) có tầm vóc để phối giống trực tiếp với bò cái tại
các địa bàn
vùng sâu, vùng xa, vùng không áp dụng được thụ tinh nhân tạo để tạo đàn bò giống thương
phẩm có năng suất, chất lượng cao. Thực hiện công tác cải tạo đàn bò địa phương bằng phương pháp thụ tinh
nhân tạo (sử dụng tinh
bò đực các giống
Sind, Sahiwal, Brahman,
Red Angus, Senepol, H'Mông…) để nâng cao tầm vóc, thể trạng, tạo ra đàn bò lai Zebu;
giám định, bình tuyển, chọn lọc bò cái lai Zebu có tầm vóc, thể trạng để làm bò
cái nền nhằm tiếp tục nhân giống với các giống bò chuyên thịt có năng suất,
chất lượng cao như Brahman, Red Angus, Drought Master, BBB,… để
phục vụ phát triển chăn nuôi bò thịt theo hướng hàng hóa.
- Giống dê: Cải tạo đàn dê cỏ địa phương, tạo
đàn cái nền. Sử dụng giống dê Boer đực lai với đàn dê cái nền (Bách Thảo) để
nâng cao năng suất, chất lượng và nhằm phát huy khả
năng thích nghi với điều kiện tự nhiên, khí hậu và điều kiện chăm sóc của người
dân.
Chăn nuôi dê quy mô trang trại kết hợp nuôi
nhốt và bán chăn thả, đảm bảo phát triển bền vững. Thực hiện liên kết trong sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm.
2.2.2. Về chuồng trại
- Xây dựng chuồng trại đảm bảo tiêu chuẩn, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng trang trại, hộ chăn nuôi, đối tượng
vật nuôi, quy mô chăn nuôi. Chuồng nuôi phải được xây dựng kiên cố và bán kiên
cố, diện tích chuồng nuôi đối với trâu, bò từ 4-6m2, dê từ 2-4m2,
đảm bảo ấm về mùa đông, thoáng mát về mùa hè.
- Chất thải chăn nuôi gia súc trong chuồng
nuôi phải được thu gom xử lý bằng cách xây dựng bể ủ và ủ bằng chế phẩm sinh học
hoặc sử dụng công nghệ ép tách phân… tại các trang trại để sử dụng làm phân bón hữu
cơ cho cây trồng.
2.2.3. Về thức ăn chăn nuôi
- Quy hoạch bố trí diện tích đất trống, đất chưa sử dụng để dành trồng cây thức ăn, bãi chăn thả gia súc.
- Sử dụng có hiệu quả nguồn
thức ăn sẵn có, phụ phẩm ngành trồng trọt, thu gom rơm rạ, thân cây ngô, sắn,
cây họ đậu... để bổ sung, chế biến, bảo quản, dự trữ thức ăn cho gia súc như: ủ chua cây thức ăn, ủ rơm ure, đóng bánh, phơi
khô thức ăn; đồng
thời thực hiện chuyển đổi một số diện tích đất trồng lúa và cây trồng kém hiệu
quả sang trồng cây thức ăn cho chăn nuôi gia súc; phát triển mở rộng các mô
hình trồng cỏ thâm canh với các giống cỏ Voi, VA06, Ghine, Mulato, Yến mạch,... trồng ngô sinh khối, cây họ đậu, cây thức ăn xanh khác phục vụ chăn nuôi
trâu, bò, dê.
- Tăng cường ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật về công nghệ sinh học trong việc xây dựng các mô hình
chế biến, dự trữ thức ăn cho gia súc từ các nguyên liệu, phế phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp... Nghiên cứu, đưa các giống
cỏ có năng suất, chất lượng cao phù hợp với điều kiện vùng sinh thái từng vùng,
các giống cỏ chịu rét, chịu sương muối, chịu hạn vào trồng đảm bảo thức ăn cho
gia súc vào mùa khô.
- Sử dụng nguồn thức ăn tinh
như cám gạo, ngô, khoai, sắn,... để bổ sung cho đàn gia súc nhằm tăng sức đề
kháng, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Sử dụng thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh hoặc thức ăn hỗn hợp
tự phối trộn đảm bảo nguồn gốc, chất lượng cho gia súc ăn cỏ.
2.2.4. Thú
y, phòng, chống dịch bệnh
- Thực hiện tốt công tác tiêm phòng định kỳ cho đàn vật nuôi, tiêm phòng triệt để đối với những bệnh áp dụng
biện pháp tiêm phòng vắc xin bắt buộc, tiến tới khống chế kiểm soát tốt đối với một số dịch bệnh nguy
hiểm như bệnh: Nhiệt thán, Lở mồm long
móng, Tụ huyết trùng, Viêm da nổi cục,…
- Xây dựng và thực hiện chương trình giám sát
một số bệnh dịch nguy hiểm, bao gồm giám sát chủ động phát hiện tác nhân gây bệnh,
giám sát sau tiêm phòng đối với bệnh bắt buộc tiêm phòng. Tăng cường công tác báo cáo, điều tra ổ dịch
và xử lý ổ dịch.
- Tăng cường kiểm dịch vận chuyển, kiểm soát
giết mổ đảm bảo vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm.
- Nâng cao năng lực chẩn đoán, xét nghiệm,
phát hiện bệnh, kiểm soát dịch bệnh của hệ thống thú y từ tỉnh đến cơ sở.
- Xây dựng các cơ sở an toàn dịch bệnh trong sản xuất chăn nuôi nhằm khống chế và hướng tới
thanh toán một số bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc gắn với đảm bảo vệ sinh môi trường chăn nuôi.
2.2.5. Môi trường
- Tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về
bảo vệ môi trường, quy định về điều kiện cơ sở chăn nuôi, quy định trách nhiệm
xử lý chất thải chăn nuôi trang trại, nông hộ cho các tổ chức, cá nhân sở hữu
cơ sở chăn nuôi trang trại, chủ chăn nuôi nông hộ.
- Áp dụng triệt để các tiến bộ kỹ thuật, công
nghệ mới, hiệu quả vào xử lý môi trường; khuyến khích, hỗ trợ các trang trại,
nông hộ xử lý chất thải trong chăn nuôi trâu, bò theo quy định, đúng quy trình,
hướng dẫn xây dựng bể ủ và ủ phân bằng men vi sinh, xử lý chất thải chăn nuôi bằng
xây dựng hầm biogas, bằng máy ép tách phân hoặc sử dụng đệm lót sinh học trong
chăn nuôi bò, để sử dụng làm phân bón hữu cơ cho cây trồng.
- Xóa bỏ tập quán chăn nuôi trâu, bò dưới gầm
sàn nhà, đồng thời bố trí xây dựng chuồng trại hợp lý tách biệt khu vực sinh hoạt
của con người để đảm môi trường sống, hạn chế dịch bệnh trong chăn nuôi và không để gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe
và đời sống của người dân.
- Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc
thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn
nuôi tại các trang trại và nông hộ; xử lý vi phạm theo quy định hiện hành.
2.2.6. Chuyển giao
khoa học kỹ thuật
- Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, ứng
dụng chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ trong chăn nuôi phù hợp với điều kiện chăn nuôi gia súc ăn cỏ của tỉnh, nhất là công
tác giống, trồng cây thức ăn xanh và chế biến thức ăn, công nghệ xử lý chất thải,
vỗ béo trâu, bò thịt… áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học,
an toàn dịch bệnh, bảo vệ môi trường.
- Hợp
tác nghiên cứu, chuyển giao khoa học, công nghệ với các tổ chức trong nước và
quốc tế trong lĩnh vực chăn nuôi; nâng cao hiệu quả hoạt động khuyến nông, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật
và công nghệ mới cho cán bộ chuyên môn và các
nông hộ, trang trại chăn nuôi; đồng
thời cung cấp thông tin về giống, giá cả vật tư đầu vào, đầu ra sản phẩm và thị
trường tiêu thụ sản phẩm cho người chăn nuôi.
- Phối hợp chặt chẽ với các Hội, Đoàn thể
(Nông dân, Phụ nữ, Cựu Chiến binh, Chữ Thập đỏ, Đoàn Thanh niên,…) thực hiện có
hiệu quả các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê sinh sản; vỗ béo trâu, bò thịt… từ
đó có tổng kết, đánh giá làm cơ sở khuyến khích, phát triển nhân rộng tại các
nông hộ, trang trại chăn nuôi.
2.3. Giết mổ, chế biến
- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, Hợp
tác xã, cơ sở sản xuất xây dựng các cơ sở giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản.
Áp dụng công nghệ sinh học, tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chế biến nhằm nâng
cao giá trị gia tăng đối với sản phẩm chăn nuôi, đạt tiêu chuẩn sản phẩm (OCOP
từ 3 sao trở lên), tại các địa phương có vùng chăn nuôi tập trung. Hỗ
trợ, củng cố, liên kết các cơ sở chế biến nhỏ hiện có của người dân; Khuyến
khích, hỗ trợ các nhà đầu tư xây dựng ít nhất 01 cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm
tập trung tại vùng lòng chảo Điện Biên với công suất từ 20-50 con trâu, bò, dê
và khoảng 100 con lợn, 30 con gia súc khác, 1.000 gia cầm/ngày. Nâng cấp hệ thống
các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ tại các huyện, thành phố, thị xã còn lại đảm bảo các
điều kiện theo quy định…
- Xây dựng mạng lưới cơ sở giết mổ, sơ chế và chế biến
sản phẩm động vật theo hướng gắn liền với vùng chăn nuôi nhằm hạn chế lan dịch
bệnh và nâng cao chất lượng sản phẩm động vật.
- Hỗ trợ các cơ sở chế biến thịt, sản phẩm từ thịt (cơ sở làm thịt sấy
khô, hun khói, gác bếp, giò chả,…) trong việc chế biến và quảng bá
thương hiệu sản phẩm, hỗ trợ máy móc, trang thiết bị chế biến; tem nhãn, bao bì
sản phẩm và trong chứng nhận và kiểm soát an toàn thực phẩm sản phẩm; hỗ trợ
tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng quảng bá thương hiệu sản
phẩm.
2.4. Tổ chức lại sản xuất chăn nuôi
2.4.1. Phương thức
chăn nuôi
- Chăn nuôi trang trại và nuôi nhốt
+ Ứng dụng công nghệ trong phát triển chăn
nuôi trâu, bò, dê, thực hiện quy trình khép kín từ yếu tố đầu vào con giống, thức
ăn đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi.
+ Xây dựng các mô hình chăn nuôi trâu, bò, dê
trang trại gắn với an toàn kiểm soát dịch bệnh kết hợp trồng cỏ và chế biến thức
ăn cho gia súc, liên kết với doanh nghiệp chăn nuôi theo chuỗi cung ứng sản phẩm
an toàn, kết nối thị trường tiêu thụ trong và ngoài tỉnh.
Chăn nuôi trang trại đáp ứng các điều kiện
quy định tại Điều 55, Luật Chăn
nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018 và các quy định có liên quan.
- Chăn nuôi nông hộ và bán chăn thả
+ Phát triển chăn nuôi trâu, bò, dê theo hướng
an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm và vệ sinh môi
trường.
Chăn nuôi nông hộ đáp ứng các yêu cầu quy định
tại Điều 56, Luật Chăn nuôi số 32/2018/QH14 ngày 19/11/2018 và các quy định có
liên quan.
2.4.2. Liên kết sản xuất chăn nuôi
- Phối hợp lồng ghép các chương trình, dự án
thuộc đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và chương trình xây dựng nông thôn mới
của tỉnh, giai đoạn 2021-2025 phát huy hiệu quả những kết quả đạt được của các
chương trình, đề án làm tiền đề cho việc phân phối, lưu thông và xây dựng
thương hiệu sản phẩm trâu, bò, dê Điện Biên.
- Củng cố, đổi mới, phát triển và thành lập các
mô hình tổ hợp tác, hợp tác xã theo Luật Hợp tác xã năm 2012 để liên kết chăn
nuôi giữa các hộ, trang trại chăn nuôi với doanh nghiệp trong tổ chức phát triển
chăn nuôi gia súc ăn cỏ.
- Khuyến khích các hình thức hợp tác, liên kết
sản xuất với vai trò trung tâm của doanh nghiệp để phát triển chăn nuôi trâu,
bò, dê theo chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, chế biến tiêu
thụ sản phẩm. Ưu tiên hỗ trợ các nông hộ, trang trại có điều kiện về vốn,
kiến thức, kỹ thuật và tâm huyết,... trong xây dựng đàn giống, đàn thương phẩm, sản xuất thức ăn, chế biến thức ăn
làm "hạt nhân" để tạo chuỗi liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
2.5. Thị trường, xúc tiến thương mại và xây dựng thương hiệu
Xây dựng chiến lược về thị trường
dựa trên tiềm năng phát triển và nhu cầu các sản phẩm chăn nuôi về trâu, bò, dê
giống; trâu, bò, dê thương phẩm; thịt và các sản phẩm chế biến từ thịt trâu,
bò, dê trong nước và thị trường các nước láng giềng như Lào, Trung Quốc. Tổ chức
lại thị trường tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi trước hết ở các trung tâm, siêu thị
trong và ngoài tỉnh, giảm bớt áp lực các khâu trung gian trong quá trình lưu
thông sản phẩm, đảm bảo giá sản phẩm bình ổn tới người tiêu dùng và người chăn
nuôi được hưởng lợi nhuận tương ứng.
Đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu,
tìm hiểu các thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm chăn nuôi thế
mạnh của địa phương; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá giới thiệu sản phẩm
phẩm thông qua các chương trình xúc tiến thương mại như: tổ chức tham gia các đợt
hội chợ, trang thương mại điện tử, mở rộng mạng lưới tiêu thụ thịt và các sản
phẩm chế biến từ thịt tại các cửa hàng thực phẩm, siêu thị, nhà hàng, khách sạn,
khu du lịch,… trong và ngoài tỉnh; Giới thiệu, quảng bá cho các tổ chức, cá
nhân sử dụng thực phẩm phục vụ các bếp ăn tập thể mua thực phẩm có đóng dấu kiểm
soát giết mổ từ các cơ sở giết mổ bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, từ đó tiếp
tục tuyên truyền cho các đối tượng tiêu dùng khác; khuyến khích các hợp tác xã,
chủ trang trại, hộ chăn nuôi liên kết với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp
chế biến, kinh doanh thực phẩm tạo chuỗi liên kết, cung ứng tiêu thụ sản phẩm
lâu dài, bền vững, có kiểm soát, truy xuất nguồn gốc; mở rộng liên doanh, liên
kết với các tỉnh, các vùng lân cận để trao đổi thông tin, dự báo thị trường,
tìm nguồn đối tác,...
Thử nghiệm phát triển một số mô hình
chăn nuôi gắn với du lịch (du lịch sinh thái, du lịch lịch sử, trải nghiệm và
văn hóa).
Xây dựng chỉ dẫn địa lý và phát triển thương hiệu các sản phẩm
OCOP tỉnh Điện Biên, hướng tới sản phẩm OCOP quốc gia cho sản phẩm gia súc ăn cỏ có tiềm năng, lợi thế của từng địa phương như: dê Tủa Chùa, dê Điện Biên Đông, bò H’Mông Điện
Biên và sản phẩm chế biến: thịt Trâu gác bếp, thịt bò sấy khô Điện Biên,...
2.6. Đào tạo, nâng cao năng lực và thông tin tuyên truyền
- Kiện toàn hệ thống thú y cấp tỉnh, huyện
theo Luật Thú y; củng cố, kiện toàn hệ thống thú y cấp xã có trình độ chăn
nuôi, thú y từ trung cấp trở lên.
- Đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng
lực quản lý nhà nước về giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, sản phẩm xử lý chất
thải trong chăn nuôi, thuốc thú y phòng, chống dịch bệnh động vật cho hệ thống
cán bộ chăn nuôi - thú y từ tỉnh đến cơ sở.
- Đào tạo kỹ năng quản lý, điều hành Hợp tác
xã kiểu mới, kỹ năng quản lý trang trại cho các chủ trang trại theo đối tượng vật
nuôi, tập huấn cho nông dân nâng cao kiến thức chăn nuôi an toàn sinh học, an
toàn dịch bệnh, đảm bảo vệ sinh thực phẩm.
- Xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin phục vụ sản
xuất chăn nuôi như giá vật tư đầu vào, giá sản phẩm đầu ra đối với thị trường
trong nước, xuất khẩu, dự báo dịch bệnh, hệ thống mạng cung cấp thông tin.
- Tuyên truyền thường xuyên trên Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ về Đề án Phát triển bền vững chăn
nuôi gia súc ăn cỏ (trâu, bò, dê) theo chuỗi giá trị gắn với thị trường tiêu thụ sản phẩm
trên địa bàn tỉnh Điện Biên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Phát triển nhiều kênh thông tin thị
trường, liên kết tiêu thụ sản phẩm liên xã, huyện, tỉnh trong vùng.
2.7. Cơ chế, chính sách
- Triển khai thực hiện có hiệu
quả các chính sách[1] khuyến
khích đầu tư vào sản xuất nông nghiệp, nông thôn, chế biến, tiêu thụ sản phẩm
đã ban hành như: Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ
chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;
Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 5/7/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết
trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ
tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp; Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014
của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ; Quyết
định số 666/QĐ-TTg ngày 31/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề
án ổn định dân cư, phát triển kinh tế xã hội vùng tái định cư thủy điện Sơn La; Quyết định số
45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất
nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện
Biên,...
- Lồng ghép các chương trình, dự
án, các tổ chức để hỗ trợ con giống, vật tư, công cụ sản xuất, máy chế biến thức
ăn cho các nông hộ, trang trại chăn nuôi; huy động các nguồn vốn tự có của
doanh nghiệp, người dân kết hợp với nguồn vốn vay của tín dụng trên địa bàn tỉnh.
- Vận dụng các chính sách hỗ trợ
hiện có và sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia súc ăn cỏ
tại Quyết định số
45/2018/QĐ-UBND ngày 24/12/2018 của UBND tỉnh ban hành chính sách hỗ trợ sản xuất
nông lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện
Biên, gồm: Cải tạo giống, bình tuyển chọn lọc trâu, bò đực giống, trồng cỏ, phòng, chống dịch bệnh, chế biến sản phẩm và xây dựng thương hiệu.
2.8. Huy động nguồn lực
- Lồng ghép có hiệu quả nguồn
kinh phí từ trung ương thông qua các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương
trình mục tiêu (nếu có), chương trình đào tạo nghề nông nghiệp cho lao động
nông thôn; chính sách đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực đối với hợp tác xã; nguồn
vốn ngân sách địa phương hỗ trợ khuyến nông, chính sách hỗ trợ phát triển sản
xuất nông nghiệp, nguồn sự nghiệp khoa học và các nguồn vốn từ chương trình, dự
án hợp pháp khác theo quy định.
- Tạo môi trường thuận lợi để
thu hút các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, nghiên cứu, ứng dụng, đào tạo, sản
xuất, phát triển dịch vụ kỹ thuật trong sản xuất chăn nuôi.
2.9. Giải pháp về tuyên truyền
Tổ chức thông tin, tuyên truyền nâng cao nhận
thức của các cấp, các ngành và quần chúng nhân dân về phát triển chăn nuôi bền
vững; ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi đảm bảo chất lượng,
an toàn thực phẩm; thông tin thị trường, liên kết sản xuất chăn nuôi theo chuỗi
giá trị, kịp thời biểu dương những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến và sáng
kiến, giải pháp trong phát triển chăn nuôi.
IV- KINH
PHÍ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN
Tổng kinh phí giai đoạn 2021-2030: 748.792
triệu đồng, trong đó:
- Nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương:
347.171 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí từ địa phương: 292.383 triệu
đồng;
- Nguồn kinh phí hỗ trợ khác: 7.321 triệu đồng;
- Nguồn kinh phí dân đối ứng: 101.916 triệu đồng.