ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC KẠN
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1923/QĐ-UBND
|
Bắc Kạn, ngày 20
tháng 10 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN QUẢN LÝ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TẠI CHỢ TRÂU,
BÒ NGHIÊN LOAN, HUYỆN PÁC NẶM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC KẠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Thú y ngày
19/6/2015;
Căn cứ Nghị định số
90/2017/NĐ-CP ngày 31/7/2017 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm
hành chính trong lĩnh vực thú y;
Căn cứ Thông tư số
07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng,
chống dịch bệnh động vật trên cạn; Thông tư số 09/2021/TT-BNNPTNT ngày 12/8/2021
của Bộ Nông nghiệp và PTNT về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số
07/2016/TT-BNNPTNT ngày 31/5/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về phòng,
chống dịch bệnh động vật trên cạn;
Căn cứ Thông tư số
25/2016/TT-BNNPTNT ngày 30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về kiểm dịch
động vật, sản phẩm động vật trên cạn;
Căn cứ Văn bản hợp nhất số
07/VBHN-BNNPTNT ngày 04/10/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định kiểm dịch
động vật, sản phẩm động vật trên cạn;
Căn cứ Văn bản hợp nhất số
02/VBHN-BNNPTNT ngày 28/3/2022 của Bộ Nông nghiệp và PTNT về quy định xử phạt
vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y;
Theo đề nghị của Sở Nông
nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 209/TTr-SNN ngày 28/9/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại chợ
trâu, bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và
thay thế Quyết định số 639/QĐ-UBND ngày 20/4/2018 của UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Nông nghiệp
và PTNT, Công Thương; Cục Quản lý thị trường, Giám đốc Công an tỉnh, Chủ tịch
UBND huyện Pác Nặm, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và các cá nhân liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như điều 3 (T/h);
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (B/c);
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh (B/c);
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Y tế;
- CVP UBND tỉnh;
- UBND xã Nghiên Loan;
- Phòng NNTNMT (Ô. Hà);
- Lưu: VT, Hương, Cúc.
|
TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nông Quang Nhất
|
PHƯƠNG ÁN
QUẢN LÝ DỊCH BỆNH ĐỘNG VẬT TẠI CHỢ TRÂU, BÒ NGHIÊN LOAN, HUYỆN
PÁC NẶM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1923/QĐ-UBND ngày 20/10/2023 của UBND tỉnh
Bắc Kạn)
Trong những năm gần đây, chăn
nuôi trâu, bò được người dân quan tâm đầu tư phát triển do đó nhu cầu kinh doanh,
mua bán, vận chuyển trâu, bò tại chợ Nghiên Loan, huyện Pác Nặm ngày càng
tăng,… tại mỗi phiên chợ các thương lái vận chuyển trâu, bò từ các địa phương
khác trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn và các tỉnh: Tuyên Quang, Hà Giang, Thái Nguyên,
Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái, Nghệ An,… về chợ để giao dịch mua bán.
Việc vận chuyển trâu, bò đến chợ tiêu thụ dưới nhiều hình thức khác nhau như dắt
bộ, vận chuyển bằng xe ôtô trên nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ khác nhau, gây khó
khăn cho các lực lượng chức năng trong việc kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ và quản
lý mức độ an toàn dịch bệnh, là nguy cơ lớn làm lây lan, phát tán dịch bệnh cho
đàn vật nuôi.
Để triển khai thực hiện các biện
pháp phòng, chống dịch bệnh đạt hiệu quả, tăng cường quản lý chặt chẽ dịch bệnh
trên địa bàn tỉnh nói chung và chợ buôn bán đại gia súc (trâu, bò, ngựa) nói
riêng, UBND tỉnh phê duyệt phương án quản lý dịch bệnh động vật tại chợ trâu,
bò Nghiên Loan, huyện Pác Nặm với các nội dung sau:
I. MỤC ĐÍCH,
YÊU CẦU
1. Mục đích
Tăng cường công tác quản lý dịch
bệnh động vật tại chợ trâu, bò Nghiên Loan; chủ động kiểm soát dịch bệnh, ngăn
chặn, khống chế các ổ dịch phát sinh từ gia súc mang mầm bệnh được đưa đến chợ
làm lây lan cho các địa phương trong và ngoài tỉnh.
2. Yêu cầu
- Sự phối hợp của các ngành,
các cấp trong việc tuyên truyền để các thương lái và người dân địa phương thực
hiện tốt quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật theo quy định trước
khi đưa gia súc đến chợ; kịp thời khống chế, ngăn chặn các ổ dịch bệnh động vật
nguy hiểm phát sinh từ chợ.
- Đại gia súc khi đưa đến chợ
phải đảm bảo trong tình trạng khỏe mạnh, đảm bảo an toàn dịch bệnh, vệ sinh thú
y theo quy định.
- Việc triển khai thực hiện
Phương án không làm ảnh hưởng đến giao thương, buôn bán của các tổ chức, cá
nhân có hoạt động tại các chợ.
III. NỘI
DUNG THỰC HIỆN
1. Điều
kiện vệ sinh thú y đối với chợ buôn bán trâu, bò
- Địa điểm chuyên mua, bán
trâu, bò phải tách biệt với các ngành hàng khác; diện tích phù hợp với quy hoạch
tại địa phương.
- Tại khu vực cố định gia súc để
thực hiện giao dịch phải có biện pháp thu gom, xử lý nước thải, chất thải bảo đảm
an toàn dịch bệnh và theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.
- Có khu cách biệt để nuôi nhốt
gia súc khi nghi mắc bệnh hoặc mắc bệnh để theo dõi, điều trị; bố trí địa điểm
xử lý khi phát hiện gia súc mắc bệnh, nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cần
tiêu hủy bắt buộc hoặc giết mổ bắt buộc theo quy định của Luật Thú y.
2. Điều
kiện vệ sinh thú y đối với trâu, bò được mua bán, vận chuyển
- Trâu, bò, vận chuyển vào chợ
phải khỏe mạnh, không làm lây lan dịch bệnh động vật, không gây hại đến sức khỏe
con người; động vật phải được phòng bệnh bắt buộc đối với bệnh truyền nhiễm
nguy hiểm theo yêu cầu của cơ quan thú y.
- Đối với trâu, bò vận chuyển từ
tỉnh khác đến phải có đầy đủ hồ sơ kiểm dịch do cơ quan thú y nơi xuất phát cấp
theo quy định.
- Xe vận chuyển trâu, bò không
để lọt chất thải ra ngoài môi trường trong quá trình vận chuyển; dễ vệ sinh, khử
trùng tiêu độc.
3. Công
tác vệ sinh tiêu độc, khử trùng
- Đối tượng vệ sinh, khử trùng:
Địa điểm thu gom động vật sống để buôn bán, kinh doanh, nơi cách ly kiểm dịch;
các phương tiện vận chuyển gia súc; khu vực chôn lấp, xử lý, tiêu hủy động vật
mắc bệnh; khu vực thu gom, xử lý chất thải của động vật.
- Vệ sinh, tiêu độc khử trùng
khu vực buôn bán đại gia súc sau mỗi phiên chợ. Nơi cách ly kiểm dịch động vật
phải định kỳ thực hiện vệ sinh và tiêu độc khử trùng ít nhất 01 lần trong tuần
và trong thời gian nuôi cách ly động vật
- Sử dụng hóa chất tiêu độc, khử
trùng theo hướng dẫn của nhà sản xuất thuốc và cơ quan thú y.
4. Công tác
kiểm soát, quản lý dịch bệnh động vật tại chợ
- Gia súc vận chuyển vào chợ phải
được kiểm soát, kiểm tra lâm sàng, chủ hàng xuất trình hồ sơ kiểm dịch theo quy
định, gồm: Giấy kiểm dịch vận chuyển đối với gia súc xuất phát từ tỉnh ngoài
vào địa bàn hoặc giấy chứng nhận gia súc đã được tiêm phòng còn hiệu lực đối với
gia súc được đưa đến từ các địa phương khác trong tỉnh; riêng đối với ngựa xuất
trình giấy kiểm dịch vận chuyển và không cần xuất trình giấy chứng nhận tiêm
phòng.
- Trường hợp gia súc được vận
chuyển từ tỉnh khác đến không có hồ sơ kiểm dịch vận chuyển và giấy chứng nhận
tiêm phòng phải được nuôi cách ly theo dõi và tiêm phòng bổ sung vắc xin đối với
một số bệnh theo quy định.
- Khi phát hiện gia súc có biểu
hiện nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, Ban quản lý chợ phối hợp với thú y địa
phương tiến hành lập biên bản, tạm giữ gia súc, yêu cầu chủ vật nuôi phải cách
ly ngay động vật mắc bệnh, có dấu hiệu mắc bệnh, không giết mổ, mua bán, vứt động
vật mắc bệnh, động vật chết, sản phẩm động vật mang mầm bệnh ra môi trường.
- Trong thời gian địa phương
đang công bố dịch bệnh nằm trong danh mục bệnh truyền nhiễm nguy hiểm đối với
gia súc, UBND cấp huyện chỉ đạo tạm ngừng hoạt động mua, bán trâu, bò tại chợ.
5. Xử lý động
vật mắc bệnh
- Khi phát hiện gia súc nghi mắc
bệnh, chết bất thường mà không rõ nguyên nhân, chủ vật nuôi phải báo ngay Ban
Quản lý chợ, cán bộ thú y viên cơ sở báo cáo cơ quan thú y cấp trên đến kiểm
tra, xác minh kịp thời.
- Trường hợp phát hiện dịch bệnh
động vật thuộc danh mục bệnh truyền lây giữa động vật và người, cơ quan quản lý
chuyên ngành thú y cấp huyện, cấp tỉnh phải thực hiện việc thông báo dịch bệnh
động vật cho cơ quan y tế cùng cấp biết để phối hợp thực hiện các biện pháp
phòng, chống dịch bệnh theo quy định.
- Đối với động vật mắc bệnh,
nghi mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thực hiện tiêu hủy hoặc giết mổ bắt buộc
thực hiện theo hướng dẫn tại Phụ lục 6, Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT ngày
30/6/2016 của Bộ Nông nghiệp và PTNT.
IV. TỔ CHỨC
THỰC HIỆN
1. Sở
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì triển khai thực hiện
Phương án quản lý dịch bệnh động vật tại các chợ buôn bán đại gia súc trên địa
bàn tỉnh; báo cáo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn để UBND tỉnh có biện
pháp chỉ đạo kịp thời.
- Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và
Thú y: Phối hợp với Ban Quản lý chợ tại địa bàn quản lý để thực hiện thủ tục
hành chính về công tác kiểm dịch và cấp giấy chứng nhận kiểm dịch vận chuyển động
vật, sản phẩm của động vật ra khỏi địa bàn cấp tỉnh; hướng dẫn chuyên môn về
các biện pháp phòng, chống dịch bệnh động vật và công tác giám sát dịch bệnh tại
địa phương, trong đó: Tăng cường kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh động vật
tại chợ buôn bán trâu, bò Nghiên Loan.
2. Sở
Công Thương
Chủ động phối hợp với các ngành
chức năng, UBND huyện Pác Nặm kiểm tra, hướng dẫn, quản lý, quy hoạch chợ trâu,
bò Nghiên Loan theo quy định.
3. Cục Quản
lý thị trường
- Thực hiện các nội dung và trách
nhiệm theo quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và Cục Quản
lý thị trường tỉnh Bắc Kạn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý tội phạm
và vi phạm pháp lật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp (Quy chế
số 2113/QCPH-SNN-CAT- CQLTT ngày 28/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an
tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn).
- Chỉ đạo các Đội Quản
lý thị trường địa bàn phối hợp với đơn vị chức năng thuộc Công an tỉnh, Sở Nông
nghiệp và PTNT và UBND huyện Pác Nặm tiến hành kiểm tra, xử lý các trường hợp
vi phạm trong hoạt động mua bán, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh theo quy
định của pháp luật.
4. Công
an tỉnh
- Thực hiện các nội dung và
trách nhiệm theo quy chế phối hợp giữa Sở Nông nghiệp và PTNT, Công an tỉnh và
Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn trong công tác phòng ngừa, đấu tranh xử lý
tội phạm và vi phạm pháp lật về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh nông, lâm nghiệp
(Quy chế số 2113/QCPH-SNN-CAT- CQLTT ngày 28/8/2023 của Sở Nông nghiệp và PTNT,
Công an tỉnh và Cục Quản lý thị trường tỉnh Bắc Kạn).
- Chỉ đạo Công an huyện Pác Nặm
phối hợp với với đơn vị chức năng thuộc Sở Nông nghiệp và PTNT, Cục Quản lý thị
trường và UBND huyện Pác Nặm tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm
trong hoạt động mua bán, vận chuyển động vật trên địa bàn tỉnh theo quy định của
pháp luật và thực hiện các biện pháp đảm bảo về an ninh trật tự, an toàn giao
thông tại chợ.
5. UBND
huyện Pác Nặm
Chỉ đạo các phòng chuyên môn của
huyện:
+ Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung
tâm Dịch vụ nông nghiệp: Phối hợp với các phòng, ban, lực lượng chức năng và
UBND xã Nghiên Loan tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn để các thương
lái và người dân địa phương thực hiện tốt quy định về công tác phòng, chống dịch
bệnh cho động vật theo quy định khi đưa gia súc đến chợ; tăng cường công tác
giám sát dịch bệnh động vật tại chợ, kiên quyết xử lý đối với các trường hợp cố
ý đưa gia súc không đảm bảo về an toàn dịch bệnh vào chợ.
+ Phòng Tài nguyên và Môi trường
chủ trì phối hợp với các ngành chức năng và UBND cấp xã trên địa bàn kiểm tra xử
lý các trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực môi trường hướng dẫn xử
lý môi trường tại khu vực chợ và khu vực tiêu hủy động vật mắc bệnh theo quy định.
+ Trung tâm y tế huyện phối hợp
với Phòng Nông nghiệp và PTNT, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp và UBND cấp xã tổ
chức tuyên truyền sâu, rộng cho nhân dân về tác hại, nguy cơ lây nhiễm và các
biện pháp phòng chống dịch bệnh gia súc lây nhiễm từ động vật sang người. Áp dụng
các biện pháp cần thiết để ngăn ngừa, phòng tránh dịch bệnh đảm bảo an toàn cho
người trong vùng xảy ra dịch.
+ Phòng Kế hoạch - Tài chính hướng
dẫn, kiểm tra việc thu phí, quản lý, sử dụng phí tại Chợ theo quy định.
+ Phòng Kinh tế hạ tầng chủ trì
tham mưu và phối hợp với các đơn vị liên quan quy hoạch, cải tạo, sửa chữa cơ sở
hạ tầng đối với các chợ chuyên hoạt động buôn bán đại gia súc để đảm bảo cho an
toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường theo quy định.
6. UBND xã
Nghiên Loan
- Củng cố, kiện toàn Ban quản
lý chợ, bố trí ít nhất 01 thành viên trong Ban quản lý có năng lực, chuyên môn
về chăn nuôi thú y, nhiệt tình để thực thi nhiệm vụ tại chợ; xây dựng quy chế
hoạt động của Ban quản lý hoặc quy định chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Ban
quản lý chợ buôn bán trâu, bò Nghiên Loan. Triển khai thu phí gia súc đưa về chợ
và phương tiện vận chuyển vào chợ theo quy định tại Quyết định số 22/2023/QĐ -
UBND ngày 15/9/2023 của UBND tỉnh Bắc Kạn; cân đối nguồn thu phí, lệ phí trình
cấp có thẩm quyền phê duyệt kinh phí thực hiện việc sửa chữa cơ sở hạ tầng, mua
một số vật tư, hóa chất tiêu độc khử trùng, trang thiết bị cấp thiết phục vụ tại
chợ; chuẩn bị đầy đủ hóa chất sát trùng để phục vụ công tác vệ sinh, tiêu độc,
khử trùng sau mỗi phiên họp chợ.
- Thông báo cho Ban Quản lý chợ
yêu cầu mọi người dân và các thương lái chấp hành nghiêm túc các quy định về
phòng, chống dịch bệnh cho gia súc khi đưa về chợ; thực hiện tốt công tác vệ
sinh thú y, vệ sinh môi trường tại chợ theo quy định.
- Phối hợp với các lực lượng chức
năng tiến hành kiểm tra và xử lý các trường hợp vi phạm trong hoạt động mua
bán, vận chuyển động vật trên địa bàn, công tác vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường,...
theo quy định của pháp luật.
7. Ban Quản
lý chợ Nghiên Loan
- Thực hiện sự chỉ đạo của UBND
xã Nghiên Loan và cơ quan chuyên ngành thú y trong việc quản lý dịch bệnh động
vật; báo cáo UBND xã Nghiên Loan và Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Pác Nặm
khi phát hiện gia súc có biểu hiện nghi mắc bệnh tại chợ đảm bảo kịp thời.
- Kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc
xuất xứ khi cho vận chuyển trâu, bò vào chợ; đối với số trâu, bò được vận chuyển
từ tỉnh ngoài đến không có giấy kiểm dịch vận chuyển kiên quyết không cho vào
chợ mà phải được nuôi cách ly theo dõi và tiêm phòng bổ sung các loại vắc xin
theo quy định mới cho vào chợ.
- Thực hiện các biện pháp vệ
sinh, tiêu độc, khử trùng để phòng chống dịch bệnh sau mỗi phiên họp chợ để đảm
bảo an toàn dịch bệnh và vệ sinh môi trường.
- Thông tin, tuyên truyền về
công tác phòng, chống dịch bệnh tại chợ và không cho đại gia súc vào chợ trong
trường hợp đại gia súc nghi mắc bệnh hoặc bị bệnh.
8. Đối với
chủ gia súc (bao gồm cả người mua, người bán và người vận
chuyển gia súc)
- Chấp hành các quy định về
phòng, chống dịch bệnh động vật, kiểm dịch vận chuyển động vật:
+ Khai báo và đăng ký với cơ
quan thú y về số lượng gia súc phải kiểm dịch, chấp hành đầy đủ các nội dung
trong công tác kiểm dịch vận chuyển theo quy định; nộp phí, lệ phí, chi phí kiểm
dịch động vật theo quy định của pháp luật.
+ Phải báo cho cơ quan quản lý
chuyên ngành thú y nơi gần nhất hoặc chính quyền địa phương sở tại khi phát hiện
gia súc có dấu hiệu mắc bệnh, nghi mắc bệnh thuộc danh mục bệnh động vật phải
công bố dịch.
- Phối hợp và tạo điều kiện thuận
lợi để các cơ quan chuyên môn kiểm tra, truy xuất nguồn gốc gia súc đảm bảo vệ
sinh thú y và an toàn dịch bệnh đối với số gia súc vận chuyển đến các chợ buôn
bán.
- Chịu trách nhiệm nuôi giữ,
chăm sóc số gia súc, phương tiện vận chuyển gia súc, nội dung khai báo kiểm dịch;
bảo đảm yêu cầu vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường trong quá trình tập trung, vận
chuyển theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ngành và các địa
phương tổ chức thực hiện nội dung Phương án này. Trong quá trình thực hiện nếu
có nội dung chưa phù hợp hoặc khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền giải quyết,
các cơ quan, đơn vị kịp thời tổng hợp và gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp, báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét,
giải quyết./.