|
Bản dịch này thuộc quyền sở hữu của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Mọi hành vi sao chép, đăng tải lại mà không có sự đồng ý của
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là vi phạm pháp luật về Sở hữu trí tuệ.
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT has the copyright on this translation. Copying or reposting it without the consent of
THƯ VIỆN PHÁP LUẬT is a violation against the Law on Intellectual Property.
X
CÁC NỘI DUNG ĐƯỢC SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Các nội dung của VB này được VB khác thay đổi, hướng dẫn sẽ được làm nổi bật bằng
các màu sắc:
: Sửa đổi, thay thế,
hủy bỏ
Click vào phần bôi vàng để xem chi tiết.
|
|
|
Đang tải văn bản...
Quyết định 150/QĐ-TTg 2022 Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
Số hiệu:
|
150/QĐ-TTg
|
|
Loại văn bản:
|
Quyết định
|
Nơi ban hành:
|
Thủ tướng Chính phủ
|
|
Người ký:
|
Lê Văn Thành
|
Ngày ban hành:
|
28/01/2022
|
|
Ngày hiệu lực:
|
Đã biết
|
Ngày công báo:
|
Đang cập nhật
|
|
Số công báo:
|
Đang cập nhật
|
|
Tình trạng:
|
Đã biết
|
THỦ TƯỚNG
CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
150/QĐ-TTg
|
Hà Nội,
ngày 28 tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT
ĐỊNH
PHÊ DUYỆT CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2050
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ
ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức
Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Kết luận số 81-KL/TW ngày
29 tháng 7 năm 2020 của Bộ Chính trị về bảo đảm an ninh lương thực quốc gia đến
năm 2030; Nghị quyết số 34/NQ-CP của Chính phủ ngày 25 tháng 3 năm 2021 về việc
đảm bảo an ninh lương thực quốc gia đến năm 2030;
Căn cứ Nghị quyết số 50/NQ-CP
ngày 20 tháng 5 năm 2021 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị
quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng;
Căn cứ các Nghị quyết của Chính
phủ: số 75/NQ-CP ngày 14 tháng 7 năm 2021 về phiên họp thường kỳ tháng 6 năm
2021; số 107/NQ-CP ngày 11 tháng 9 năm 2021 về phiên họp thường kỳ tháng 8 năm
2021;
Căn cứ Nghị quyết số 136/NQ-CP
ngày 25 tháng 9 năm 2020 của Chính phủ về phát triển bền vững;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ
Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững
giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (sau đây viết tắt là Chiến lược),
với những nội dung chủ yếu sau:
I. QUAN ĐIỂM
PHÁT TRIỂN
1. Nông nghiệp, nông dân, nông
thôn có vị trí chiến lược trong sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, xây dựng
và bảo vệ tổ quốc; gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và bảo vệ môi trường
sinh thái. Nông nghiệp là lợi thế, nền tảng bền vững của quốc gia. Nông thôn là
địa bàn phát triển kinh tế quan trọng, là không gian chính gắn với tài nguyên
thiên nhiên, nền tảng văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.
Nông dân là lực lượng lao động và nguồn tài nguyên con người quan trọng. Các vấn
đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn phải được giải quyết đồng bộ, gắn với quá
trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
2. Phát triển nông nghiệp hiệu quả,
bền vững về kinh tế - xã hội - môi trường. Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn
lực (tài nguyên đất, nước, không khí, con người, truyền thống lịch sử, văn hóa)
và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp
sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo
chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường, tích hợp các giá trị văn hóa,
xã hội và môi trường vào sản phẩm. Sản xuất nông nghiệp có trách nhiệm, hiện đại,
hiệu quả và bền vững; phát triển nông nghiệp sinh thái, hữu cơ, tuần hoàn, phát
thải các-bon thấp, thân thiện với môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
3. Xây dựng nông thôn văn minh,
có cơ sở hạ tầng và dịch vụ đồng bộ, hiện đại, đời sống cơ bản có chất lượng tiến
gần đô thị; bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, an ninh trật tự
được giữ vững; phát triển môi trường, cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Phát triển
kinh tế nông thôn đa dạng, chủ động tạo sinh kế nông thôn từ hoạt động phi nông
nghiệp, tạo việc làm chính thức, thu hẹp khoảng cách thu nhập giữa nông thôn,
thành thị và giảm di cư lao động ra các thành phố lớn. Xây dựng nông thôn mới
trên cơ sở phát huy lợi thế, tiềm năng, phù hợp với từng vùng miền, gắn kết chặt
chẽ với quá trình đô thị hóa, bảo đảm thực chất, đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền
vững; tập trung xây dựng nông thôn mới cấp thôn bản ở những nơi đặc biệt khó
khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
4. Cư dân nông thôn là chủ thể,
trung tâm và được hưởng lợi chính từ thành quả của các hoạt động phát triển
nông thôn. Đổi mới hình thức hoạt động của các tổ chức của nông dân đảm bảo thực
chất, hiệu quả; hỗ trợ đào tạo, trao quyền cho người dân để họ trở thành lực lượng
chính trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội, quản lý tài nguyên môi trường;
phát huy nội lực, tạo cơ hội bình đẳng trong tiếp cận các điều kiện phát triển
và hưởng thụ phúc lợi xã hội. Phát triển kinh tế hợp tác làm động lực gắn kết
kinh tế hộ, hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, xây dựng lực lượng lao động
nông thôn có kiến thức, tay nghề cao đáp ứng yêu cầu phát triển mới. Phát triển
cộng đồng làm nền tảng trong phát triển nông thôn, góp phần quản lý hiệu quả
tài nguyên, môi trường, cơ sở hạ tầng; xây dựng nếp sống mới, phát huy tinh thần
đoàn kết, “tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm”, tự chủ, sáng tạo của
người dân nông thôn.
5. Tiếp tục hoàn thiện thể chế
kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa trong lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn. Tăng cường huy động nguồn lực cho đầu tư, phát triển nông nghiệp, nông
thôn thông qua hợp tác công tư; tạo điều kiện, hỗ trợ các thành phần kinh tế đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn.
II. MỤC
TIÊU
1. Mục tiêu chung
Xây dựng nền nông nghiệp sản xuất
hàng hóa đồng thời phát triển nông nghiệp dựa trên lợi thế địa phương, theo hướng
hiện đại có năng suất, chất lượng, hiệu quả, bền vững và sức cạnh tranh cao thuộc
nhóm dẫn đầu trong khu vực và trên thế giới, đảm bảo vững chắc an ninh lương thực
quốc gia, góp phần quan trọng trong việc ổn định kinh tế - xã hội, phòng, chống
thiên tai, dịch bệnh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, thực hiện
có hiệu quả các cam kết quốc tế về giảm phát thải khí nhà kính. Nâng cao thu nhập,
chất lượng cuộc sống, vai trò và vị thế của người tham gia sản xuất nông nghiệp;
tạo việc làm phi nông nghiệp để phát triển sinh kế đa dạng, giảm nghèo bền vững
cho người dân nông thôn, đảm bảo cơ hội phát triển công bằng giữa các vùng, miền.
Phát triển nông thôn toàn diện, hiện đại gắn với quá trình đô thị hóa, có cơ sở
hạ tầng, dịch vụ xã hội đồng bộ và tiệm cận với khu vực đô thị; giữ gìn và phát
huy bản sắc văn hóa dân tộc; xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp, an ninh, trật
tự được đảm bảo. Phát triển nông nghiệp, kinh tế nông thôn gắn với xây dựng
nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái có hiệu quả cao, nông thôn hiện
đại và nông dân văn minh.
2. Mục tiêu cụ thể đến năm 2030
- Tốc độ tăng trưởng GDP nông lâm
thủy sản đạt bình quân từ 2,5 - 3%/năm, tốc độ tăng năng suất lao động nông lâm
thủy sản đạt bình quân từ 5,5 - 6%/năm.
- Mở rộng và phát triển thị trường,
nhất là thị trường xuất khẩu. Tốc độ tăng giá trị xuất khẩu nông làm thủy sản đạt
bình quân từ 5 - 6%/năm.
- Nâng cao thu nhập người dân, giảm
nghèo bền vững. Thu nhập của cư dân nông thôn cao hơn 2,5 - 3 lần so với năm
2020. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều ở nông thôn giảm bình quân 1 - 1,5%/năm.
- Tỷ trọng lao động nông nghiệp
trong tổng lao động xã hội giảm xuống dưới 20%, tỷ lệ lao động nông nghiệp được
đào tạo đạt trên 70%.
- Cả nước có ít nhất 90% số xã đạt
chuẩn nông thôn mới, trong đó 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trên
70% số đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó 35% số đơn vị cấp huyện
được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
- Phát triển nền nông nghiệp
xanh, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm ô nhiễm
môi trường nông thôn, phấn đấu giảm phát thải khí nhà kính 10% so với năm 2020.
Tỷ lệ che phủ rùng duy trì ổn định ở mức 42%, diện tích rừng có chứng chỉ quản
lý rừng bền vững đạt trên 1 triệu ha.
Tăng diện tích các khu bảo tồn biển,
ven biển đạt 3 - 5% diện tích tự nhiên vùng biển quốc gia.
3. Tầm nhìn đến năm 2050
Phấn đấu Việt Nam trở thành một
trong những nước có nền nông nghiệp hàng đầu thế giới với ngành công nghiệp chế
biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không
còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều
kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hoà với
đô thị.
III. ĐỊNH
HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN BỀN VỮNG
1. Hoàn
chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường
Nghiên cứu, xác định cụ thể và ưu
tiên tập trung thúc đẩy phát triển các sản phẩm nông nghiệp có lợi thế của từng
vùng, địa phương theo 3 nhóm sản phẩm (nhóm sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, nhóm
sản phẩm chủ lực cấp tỉnh và nhóm sản phẩm đặc sản địa phương) cùng với việc
xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo các tiêu chuẩn
và yêu cầu của thị trường, cung cấp đủ nguyên liệu cho công nghiệp chế biến;
xây dựng cơ sở hạ tầng, tổ chức dịch vụ hỗ trợ đồng bộ, hệ thống hậu cần thông
suốt; đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh theo chuỗi giá trị
và thúc đẩy hợp tác, liên kết chặt chẽ giữa các địa phương trong từng vùng và
giữa các vùng, kết nối chuỗi giá trị toàn cầu.
- Định hướng theo nhóm sản phẩm
chủ lực:
+ Đối với nhóm sản phẩm chủ lực
quốc gia: Tập trung xây dựng các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn
thông qua hỗ trợ đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng, đảm bảo an toàn dịch bệnh, thống
nhất áp dụng tiêu chuẩn kỹ thuật sản xuất bền vững (VietGAP, GlobalGAP,..) hoặc
theo yêu cầu cụ thể từng thị trường; đảm bảo số hóa vùng trồng, vùng nuôi, cơ sở
doanh nghiệp kinh doanh, chế biến; hình thành các “hội đồng ngành hàng” để thống
nhất quản lý và phát triển, đảm bảo cân đối cung cầu; làm chủ việc cung ứng các
nguyên liệu chính (giống, thức ăn gia súc, phân bón), xây dựng thương hiệu hoặc
nhóm thương hiệu quốc gia.
+ Đối với nhóm sản phẩm chủ lực cấp
tỉnh: Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư phát triển cân đối nhu cầu và đáp ứng
yêu cầu thị trường; đẩy mạnh sản xuất theo các quy trình sản xuất tốt và tương
đương, tăng cường chế biến để đa dạng hóa sản phẩm, phát triển các sản phẩm có
chỉ dẫn địa lý, truy xuất nguồn gốc rõ ràng.
+ Đối với nhóm sản phẩm đặc sản địa
phương có quy mô nhỏ, tập trung vào các sản phẩm đặc sản nhằm phát huy bản sắc,
lợi thế của các địa phương, gắn với xây dựng nông thôn mới theo mô hình “Mỗi xã
một sản phẩm” (OCOP).
Hoàn thiện sản phẩm theo tiêu chuẩn,
quy chuẩn kỹ thuật, bao bì, nhãn mác gắn với truy xuất nguồn gốc, thương hiệu địa
phương và nhãn hiệu hàng hóa; tăng cường áp dụng công nghệ số trong quản lý và
thương mại sản phẩm để từng bước đẩy mạnh thương hiệu OCOP Việt Nam trên thị
trường trong nước và hướng đến thị trường xuất khẩu.
- Đối với từng lĩnh vực sản xuất
chiến lược:
+ Trồng trọt: Đổi mới cơ cấu cây
trồng và thực hiện chế độ quản lý mục đích sử dụng đất nông nghiệp một cách
linh hoạt hơn nhằm phát huy lợi thế là ngành sản xuất chiến lược đảm bảo nhu cầu
trong nước và phục vụ xuất khẩu. Ưu tiên phát triển các cây trồng có lợi thế so
sánh và nhu cầu lớn (cây công nghiệp, cây ăn quả nhiệt đới, lúa gạo chất lượng
cao...), có bước đi phù hợp để thúc đẩy phát triển các cây trồng mới có triển vọng
như cây dược liệu, cây cảnh, nấm ăn... Tận dụng điều kiện để phát triển hợp lý
các cây trồng ít lợi thế hơn nhằm phục vụ chế biến và tiêu dùng trong nước
(ngô, bông, thuốc lá, rau hoa quả á nhiệt đới, đậu tương).
Đối với sản xuất lúa gạo: Tiếp tục
phát huy lợi thế ngành lúa gạo Việt Nam nhưng với những đổi mới về tư duy,
chính sách quản lý, sử dụng đất trồng lúa và sản xuất lúa gạo - từ tập trung
phát triển về sản lượng sang coi trọng chất lượng, vừa đảm bảo an ninh lương thực
quốc gia trong mọi tình huống, vừa khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước một
cách hiệu quả cao nhất. Quản lý chặt chẽ diện tích đất chuyên trồng lúa để hình
thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn với cơ chế, chính sách đầu
tư phù hợp, đồng bộ, hiệu quả và bền vững, nhất là tại các địa bàn thuận lợi
như đồng bằng sông Cửu Long, đồng bằng sông Hồng. Đồng thời, thực hiện chế độ
quản lý, sử dụng quỹ đất lúa một cách linh hoạt hơn để phản ứng kịp thời với
thay đổi thị trường, duy trì các vùng sản xuất nông nghiệp đa canh khi cần có
thể quay về sản xuất lúa một cách thuận lợi; đồng thời, kết hợp luân canh, xen
canh giữa lúa với các cây nông nghiệp khác và thủy sản, chăn nuôi thủy cầm đề
tăng thu nhập cho nông dân và cải thiện hệ thống canh tác.
+ Chăn nuôi: Đảm bảo các nhu cầu
thiết yếu về thực phẩm cho thị trường trong nước; phát triển các ngành hàng có
tiềm năng và thị trường như thịt gia cầm, trứng, sữa; duy trì chăn nuôi lợn và
gia súc lớn. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, vật nuôi bản địa, đặc sản
có giá trị cao, đảm bảo an toàn thực phẩm, bền vững môi trường, an toàn sinh học,
và dịch bệnh. Phát triển chăn nuôi công nghiệp áp dụng công nghệ cao tại các
trang trại và doanh nghiệp lớn, đồng thời khuyến khích chăn nuôi hộ truyền thống
có cải tiến theo hướng chuyên nghiệp hóa, chăn nuôi hữu cơ. Xây dựng các vùng
chăn nuôi tập trung xa nơi dân cư tập trung, thuận lợi cho xử lý môi trường và
phòng tránh dịch bệnh. Xác định định hướng, giải pháp và lộ trình để làm chủ
công nghệ giống, thức ăn, thuốc thú y, chế biến,... đối với các ngành hàng quan
trọng như lợn, gia cầm, bò sữa, nâng cao khả năng cạnh tranh, đảm bảo nhu cầu
trong nước, từng bước thay thế mô hình sản xuất gia công giá trị gia tăng thấp,
phụ thuộc đầu vào và đầu ra. Quản lý và sử dụng hiệu quả chất thải chăn nuôi, thúc
đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi.
+ Thủy sản: Phát triển ngành thủy
sản thành ngành sản xuất chiến lược, đảm bảo nhu cầu trong nước và phục vụ xuất
khẩu, trong đó:
. Phát triển ngành nuôi thủy sản
theo hướng nuôi tập trung công nghiệp, công nghệ hiện đại với các cơ sở sản xuất
quy mô lớn và đối với hộ quy mô nhỏ thì áp dụng công nghệ cải tiến, nuôi hữu
cơ, phối hợp nuôi lồng bè, ao hồ tập trung và luân canh/xen canh... Ưu tiên
phát triển vùng nuôi chuyên canh chính cho các sản phẩm chiến lược như tôm, cá
tra. Ứng dụng công nghệ hướng đến tái tạo nước thải nuôi trồng, chế biến thủy sản,
giảm sức ép lên môi trường. Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi phục vụ thủy sản tại
các vùng nuôi chuyên canh. Tổ chức liên kết hiệu quả giữa doanh nghiệp sản xuất
lớn và hộ nông dân sản xuất nhỏ thông qua phát triển kinh tế hợp tác, hỗ trợ
quyền lợi chính đáng của người sản xuất. Chủ động trong việc cung ứng các đầu
vào thiết yếu (giống, thức ăn, thuốc) và chế biến thủy sản. Củng cố phát triển
nuôi trồng thủy sản ven bờ kết hợp trồng và bảo vệ rừng ngập mặn. Đẩy mạnh nuôi
trồng thủy sản trên biển trở thành một ngành sản xuất hàng hóa quy mô lớn, hiện
đại, hiệu quả, bền vững, gắn với phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường
sinh thái, an ninh, quốc phòng.
. Phát triển khai thác thủy sản
vùng khơi hiệu quả, bền vững trên cơ sở giảm dần cường lực khai thác, cân đối với
trữ lượng nguồn lợi thủy sản, tái bố trí sinh kế của cộng đồng ngư dân sang
phát triển nuôi trồng, chế biến thủy sản, dịch vụ du lịch... Tổ chức lại hoạt động
khai thác hải sản vùng lộng, vùng ven bờ và khai thác thủy sản nội địa hợp lý.
Tăng cường bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản gắn với bảo tồn đa
dạng sinh học. Tiếp tục áp dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế hợp
tác thu hút đầu tư doanh nghiệp để hiện đại hóa quản lý nguồn lợi thủy sản và
hoạt động của đội tàu khai thác, hoàn chỉnh đầu tư dịch vụ hạ tầng cơ sở nghề
cá tại các vùng tập trung ngư trường, hải đảo.
+ Lâm nghiệp: Xây dựng ngành lâm
nghiệp thực sự trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật hiện đại, có hiệu quả
cao, nâng cao thu nhập của người dân, góp phần đắc lực vào phát triển kinh tế -
xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, giảm nhẹ thiên tai, ứng
phó hiệu quả với biến đổi khí hậu, giữ vững quốc phòng và an ninh, trong đó: tập
trung quản lý chặt chẽ, bảo vệ và sử dụng bền vững rừng tự nhiên hiện có; đẩy mạnh
tái sinh tự nhiên, nâng cao chất lượng rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhất là những
khu vực nhạy cảm về môi trường; phát triển du lịch sinh thái và kinh tế dưới
tán rừng góp phần phòng, chống thiên tai, biến đổi khí hậu. Nâng cao chất lượng,
hiệu quả kinh doanh đối với rừng trồng sản xuất; hình thành một số vùng chuyên
canh tập trung, đạt tiêu chuẩn bền vững để đáp ứng cơ bản nguyên liệu cho công
nghiệp chế biến gỗ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp. Đẩy mạnh phát triển lâm sản
ngoài gỗ, trồng cây dược liệu dưới tán rừng, các dịch vụ môi trường rừng (bao gồm
cả trao đổi, buôn bán tín chỉ các-bon từ rừng), du lịch sinh thái, nghiên cứu
khoa học, nông lâm kết hợp. Phân cấp, giao quyền cho các tổ chức, cộng đồng, cá
nhân, hộ gia đình trong việc quản lý, sử dụng rừng và đất rừng để huy động tối
đa các nguồn lực xã hội trong quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng bền vững rừng
và diện tích đất được quy hoạch cho lâm nghiệp, cải thiện sinh kế của người
dân.
2. Tổ chức
các khâu quan trọng trong sản xuất nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững
- Hoàn thiện công tác nghiên cứu,
chọn tạo, chuyển giao và ứng dụng giống cây trồng, vật nuôi, thủy sản có năng
suất, chất lượng và khả năng chống chịu; bảo tồn và phát triển giống bản địa.
Xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, kinh doanh giống đáp ứng yêu cầu về số lượng,
chất lượng phục vụ sản xuất đại trà. Khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư
sản xuất giống theo hướng công nghiệp hiện đại; đẩy mạnh liên kết công tư trong
cung ứng giống có chất lượng, sạch bệnh. Thúc đẩy hợp tác quốc tế, nhập nội những
giống có tình trạng tốt, phù hợp điều kiện Việt Nam; tăng cường công tác quản
lý giống nhằm tăng nhanh tỷ lệ sử dụng giống đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật cho sản
xuất.
- Đổi mới phương thức quản lý, sử
dụng và kinh doanh vật tư nông nghiệp hướng tới nền sản xuất nông nghiệp chuyên
nghiệp, có trách nhiệm; tăng cường sử dụng phân bón hữu cơ, phân bón vi sinh,
thuốc bảo vệ thực vật sinh học... Xây dựng các chương trình quản lý sức khỏe
cây trồng tổng hợp (IPHM) và sử dụng sinh vật có ích trên cây trồng chủ lực nhằm
bảo vệ sản xuất, kiểm soát mức độ suy thoái đất, bảo vệ “sức khỏe” đất, sức khỏe
con người, động vật và môi trường sinh thái. Tăng cường sử dụng sản phẩm nông
nghiệp trong nước, phụ phẩm chế biến để sản xuất thức ăn chăn nuôi, thủy sản,
phân bón hữu cơ... để giảm phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Nghiên cứu, làm chủ
các quy trình sản xuất thuốc, hóa chất, vaccine dùng trong nông nghiệp để chủ động
nguồn cung, ứng phó kịp thời khi xảy ra dịch bệnh. Hình thành các hiệp hội sản
xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, có đại diện tham gia cùng các cơ quan quản
lý Nhà nước trong công tác điều hành, kiểm tra, giám sát tình hình sản xuất,
lưu thông, sử dụng các vật tư một cách minh bạch và hiệu quả.
- Nâng cao trình độ cơ giới hóa,
tự động hóa đồng bộ từ sản xuất đến thu hoạch, bảo quản, chế biến theo chuỗi
giá trị, trước hết đối với các sản phẩm chủ lực. Khuyến khích khu vực tư nhân đầu
tư phát triển công nghiệp chế tạo máy nông nghiệp và công nghệ chế biến, bảo quản
nông sản; đặc biệt ưu tiên đối với các công nghệ tiên tiến, công nghệ thân thiện
với môi trường và phù hợp đặc điểm từng ngành hàng. Nhà nước và các thành phần
kinh tế cùng phối hợp tổ chức đào tạo cán bộ, công nhân kỹ thuật sử dụng và sửa
chữa, bảo trì máy móc nông nghiệp. Hỗ trợ nông dân đầu tư, áp dụng các thiết bị
cơ giới tiên tiến, nhà kính, nhà lưới, chuồng trại chăn nuôi hiện đại, gắn với
các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao. Phát triển các hình thức tổ chức
kinh doanh dịch vụ cơ giới nông nghiệp.
- Tập trung xây dựng các vùng sản
xuất chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn bền vững, đáp ứng theo từng nhóm thị trường.
Hình thành một số khu, cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ sản xuất nông nghiệp
(kho tàng, bến bãi, nhà máy chế biến, trạm trại giống...) gắn vùng sản xuất với
chế biến, thương mại. Xây dựng các khu nông nghiệp công nghiệp cao. Xây dựng hệ
thống giám sát, cảnh báo, an toàn sản xuất. Kết nối giao thông và logistic giữa
các vùng với thị trường hoặc cửa khẩu chính.
- Phát triển công nghiệp sản xuất
vật tư, nguyên vật liệu, máy móc thiết bị để phục vụ sản xuất, chế biến, tiêu
thụ, bảo đảm cung ứng kịp thời, chất lượng và hạ giá thành sản xuất nông nghiệp.
Ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng chế biến sâu để giảm chi
phí và nâng cao giá trị nông sản. Đầu tư nâng cao năng lực chế biến, bảo quản
và các dịch vụ logistics cho các vùng chuyên canh chính, tập trung cho các sản
phẩm nông sản chiến lược quốc gia. Hình thành các vùng nguyên liệu tập trung,
cung cấp đủ nguyên liệu đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng cho cơ sở chế biến. Thu
hút doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường
để dẫn dắt chuỗi giá trị hiệu quả để phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế
biến và tiêu thụ tại các địa phương, vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi
giao thông, lao động, logistics, tạo điều kiện hình thành động lực tăng trưởng
cho các địa phương.
3. Thúc đẩy
hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến
- Chuyển mạnh từ xây dựng các
“chuỗi cung ứng nông sản” sang phát triển các “chuỗi giá trị ngành hàng”. Ưu
tiên hoàn chỉnh chuỗi giá trị cho các ngành hàng chủ lực quốc gia, hỗ trợ xây dựng
chuỗi giá trị cho ngành hàng chủ lực của các địa phương. Dựa vào các vùng
chuyên canh hàng hóa quy mô lớn của các nông sản chủ lực, phát triển hợp tác
xã, giảm dần các khâu trung gian, tăng cường liên kết với các doanh nghiệp chế
biến hoặc thương mại lớn để hình thành các chuỗi giá trị; lấy chuỗi giá trị của
các nông sản để kết nối các vùng chuyên canh nhỏ, hình thành không gian kinh tế
chung giữa các địa phương tương đồng về điều kiện, “vượt qua” địa giới hành
chính. Gắn kết các tác nhân trong chuỗi theo nguyên tắc minh bạch, trách nhiệm,
cùng chia sẻ lợi ích theo mức độ đóng góp giá trị.
- Đẩy mạnh thí điểm và nhân rộng
các mô hình sản xuất nông nghiệp mới làm hình mẫu cho các vùng chuyên canh, đáp
ứng các yêu cầu thị trường như: nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp xanh, tiết
kiệm tài nguyên và giảm thải; nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn, nông
nghiệp thông minh, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp công nghiệp
(chế biến nông sản, tái chế phế, phụ phẩm, sản xuất năng lượng tái tạo,...), nông
nghiệp kết hợp dịch vụ (du lịch trải nghiệm, dịch vụ bảo vệ môi trường, dịch vụ
đào tạo và cung cấp chuyển giao công nghệ, dịch vụ kinh doanh nông sản...).
Đánh giá hiệu quả các mô hình này để rút kinh nghiệm, nhân rộng quy mô, giới
thiệu công nghệ và cách quản lý mới.
4. Phát
triển kinh tế nông thôn tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn
Cùng với phát triển nông nghiệp,
chú trọng phát triển kinh tế nông thôn, chuyển đổi cơ cấu lao động theo hướng
phi nông nghiệp để giải quyết việc làm, đảm bảo thu nhập:
- Đầu tư phát triển các khu, cụm
công nghiệp, dịch vụ ở khu vực nông thôn, có các chính sách thu hút đầu tư để
khuyến khích các doanh nghiệp công nghiệp, dịch vụ đầu tư vào nông thôn, nhất
là các ngành sử dụng nhiều lao động, để từng bước giảm tình trạng di cư lao động
từ nông thôn ra thành thị với phương châm “ly nông bất ly hương’'. Đẩy nhanh tiến
trình đô thị hóa tại các trung tâm vùng để giảm tải di cư cho 2 thành phố chính
là Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.
- Chính thức hóa “lao động phi chính
thức” rút ra từ nông nghiệp; xây dựng chính sách chủ động đăng ký, quản lý đội
ngũ lao động, kết hợp với số hóa định danh dân cư. Hỗ trợ hình thành các tổ chức
kinh tế chính thức (hợp tác xã, doanh nghiệp, hộ nghề có đăng ký, tổ chức của hội
nông dân ...) để lao động có hợp đồng làm việc chính thức. Phát triển các tổ chức
của nông dân, người lao động (đổi mới hoạt động hội nông dân, tổ chức các nghiệp
đoàn, công đoàn lao động theo các ngành nghề, lĩnh vực hoạt động) để bảo vệ quyền
lợi cơ bản và hỗ trợ hiệu quả người lao động trong công tác đào tạo kỹ năng gắn
với nhu cầu của thị trường, trang bị bằng cấp, cho vay vốn, hỗ trợ bảo hiểm xã
hội, giúp tiếp cận thị trường lao động chính thức.
- Phát triển mạnh kinh tế dịch vụ
ở khu vực nông thôn, đa dạng hóa các loại hình, quy mô... để tạo việc làm, thu
hút lực lượng lao động không tham gia sản xuất nông nghiệp. Xây dựng kế hoạch cụ
thể để hình thành một nền kinh tế dịch vụ ở khu vực nông thôn (xác định nhu cầu
các ngành dịch vụ; tổ chức hệ thống các doanh nghiệp, hợp tác xã chuyên trách;
thu hút đầu tư, phát triển thị trường; hình thành các dịch vụ công đào tạo,
thông tin,...).
- Nâng cao hiệu quả, thu nhập từ
sản xuất nông nghiệp, từng bước hình thành đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, tạo
điều kiện cho nông dân phát triển kinh tế, trang trại và kinh tế hợp tác. Khuyến
khích, có chính sách hỗ trợ để nông dân tại các vùng chuyên canh tham gia các
chương trình đào tạo có chứng chỉ để sản xuất ra sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn chất
lượng và các yêu cầu mới của thị trường (nông nghiệp cảnh quan, nông nghiệp
trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp công nghệ cao,...), đồng thời có
chính sách hỗ trợ như tín dụng ưu đãi, hỗ trợ bảo hiểm, hỗ trợ liên kết, tiêu
thụ nông sản... Thông qua hợp tác xã và hội nông dân xây dựng chương trình, tổ
chức các lớp đào tạo miễn phí nhằm nâng cao trình độ chuyên môn về an toàn lao
động, bảo vệ môi trường, sử dụng máy móc cơ giới, sử dụng phân bón, thuốc hóa học
đúng cách, sử dụng công nghệ thông tin trong quản lý,...
5. Xây dựng
nông thôn văn minh, hiện đại gắn với đô thị hóa, giữ gìn văn hóa truyền thống
- Nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu
hạ tầng nông thôn đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị. Tập trung xây dựng, hoàn
thiện, bảo trì hạ tầng thiết yếu phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn,
ưu tiên đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, hạ tầng công nghệ
thông tin, thương mại, y tế giáo dục, văn hóa, thể thao; khuyến khích đầu tư
xây dựng các công trình cấp nước sạch tập trung theo hình thức xã hội hóa...
Khuyến khích tối đa đầu tư tư nhân, đầu tư theo hình thức hợp tác công tư gắn với
nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
- Đổi mới nội dung hoạt động,
nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với
trình độ phát triển, văn hóa và điều kiện cụ thể của vùng miền, đảm bảo thực chất,
đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, tránh dàn trải, lãng phí. Tập trung nguồn
lực đầu tư, hỗ trợ đầu tư các xã, các huyện chưa đạt chuẩn nông thôn mới, nhất
là các xã an toàn khu, xã đạt dưới 15 tiêu chí; hỗ trợ các xã đã đạt chuẩn nông
thôn mới tiếp tục duy trì, hoàn thiện và nâng cao chất lượng các tiêu chí, bảo
đảm bền vững. Khuyến khích xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu
mẫu để tạo lập môi trường, cảnh quan nông thôn xanh, sạch, đẹp, an toàn, giàu bản
sắc văn hóa truyền thống; hệ thống chính trị ở nông thôn được tăng cường; quốc
phòng và an ninh trật tự được giữ vững; đưa nông thôn trở thành “nơi đáng sống”.
Xây dựng nông thôn mới thông minh, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số
nhằm thay đổi căn bản hoạt động quản lý, điều hành, giám sát của cơ quan chính
quyền; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã, làng nghề,
góp phần thu hẹp khoảng cách thụ hưởng dịch vụ xã hội cơ bản với thành thị.
- Định hướng đa dạng hóa chương
trình xây dựng nông thôn mới phù hợp với lợi thế vùng miền, hoàn cảnh và cơ hội
phát triển địa phương theo 3 hướng:
+ Các xã khu vực ven đô có kinh tế
phi nông nghiệp chiếm đa số, dịch vụ, thương mại và cơ sở hạ tầng phát triển mạnh
thì hướng tới đô thị hóa. Phát triển nông nghiệp đô thị, từng bước hoàn thiện
cơ sở hạ tầng, phát triển dịch vụ xã hội có chất lượng tiệm cận với thành thị,
hình thành các “thành phố xanh”, “khu đô thị sinh thái”. Phát triển các đô thị
vệ tinh giảm tải cho các đô thị chính và từng bước đưa đô thị phát triển về địa
bàn nông thôn.
+ Các xã thuộc các vùng sản xuất
nông nghiệp hàng hóa lớn như ở đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên thì xây dựng
các vùng chuyên canh đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, có cơ sở hạ tầng và các cụm ngành
chế biến - dịch vụ phục vụ sản xuất, kinh doanh. Hỗ trợ kết nối hạ tầng với các
thị trường lớn, khu trung chuyển, dịch vụ hậu cần lớn, kết nối với thị trường
trong nước và quốc tế. Phát triển các khu dân cư nông thôn phân tán theo địa
bàn sản xuất, liên kết hài hòa với các đô thị để đảm bảo cung cấp dịch vụ kinh
tế - xã hội.
+ Các xã nông thôn truyền thống
như ở miền núi phía Bắc, một số vùng ở đồng bằng sông Hồng và các vùng miền
khác thì tiếp tục phát triển sản phẩm đặc sản địa phương, làng nghề; phát triển
kinh tế dịch vụ, du lịch nông thôn trên cơ sở bảo tồn và phát huy văn hóa địa
phương. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu, nhất là đối với vùng khó khăn,
vùng dân tộc thiểu số. Phát triển các khu dân cư tập trung có quy mô thích hợp
liên kết với đô thị ở các cấp địa phương và vùng.
6. Phát
triển bao trùm, đảm bảo công bằng phúc lợi xã hội ở nông thôn
- Lấy người dân nông thôn là chủ
thể, trọng tâm phát triển, đảm bảo tiếp cận bình đẳng các nguồn lực phát triển
(vốn, đất, nước, năng lượng, khoa học công nghệ,...), các dịch vụ cơ bản, phúc
lợi xã hội (dinh dưỡng, y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa, thông tin, giao
thông...), các cơ hội (học, làm việc, thị trường,...). Xây dựng các chính sách
phúc lợi xã hội công bằng (nhà ở và nơi định cư, bảo hiểm chữa bệnh, chế độ về
hưu,...) cho người dân nông thôn; hướng tới bình đẳng giới. Chủ động phòng, chống
rủi ro, đảm bảo địa bàn cư trú và đời sống của cư dân nông thôn an ninh và an
toàn trước thiên tai, địch họa, dịch bệnh và các biến động bất lợi.
- Thực hiện có hiệu quả các chính
sách giảm nghèo bền vững, đa dạng hóa các nguồn lực và phương thức giảm nghèo,
dứt điểm việc xóa đói và tiến đến xóa nghèo. Đối với những người nghèo ở các
vùng thuận lợi thì tạo điều kiện cung cấp tài nguyên, tạo nguồn sinh kế để họ tự
tin, chủ động vươn lên cải thiện đời sống. Đối với các ở địa phương nghèo và
các vùng đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số thì tập trung ưu tiên hỗ trợ,
mở rộng diện bao phủ an sinh xã hội tới tất cả đối tượng dễ bị tổn thương, các
đối tượng yếu thế.
7. Xây dựng
cộng đồng vững mạnh làm nòng cốt phát triển nông thôn, sản xuất nông nghiệp
- Củng cố truyền thống văn hóa tốt
đẹp và quan hệ gắn kết cộng đồng đa dạng tại nông thôn (thôn bản, dòng họ, hội
quán...) để chủ động phát huy nội lực và tinh thần tự chủ, tự hào, đoàn kết,
sáng tạo trong các hoạt động đời sống, phát triển kinh tế, phát triển du lịch
nông thôn, tăng hiệu quả quản lý xã hội và tài nguyên thiên nhiên. Hỗ trợ và
phát huy vai trò của cộng đồng và người dân trong việc bảo tồn và phát triển
văn hóa truyền thống tốt đẹp của địa phương, đấu tranh đẩy lùi hủ tục, văn hóa
ngoại lai, không phù hợp, thiết thực phát huy các phong trào “Toàn dân đoàn kết
xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị
văn minh”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”.
- Tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất
lượng, hiệu quả việc xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; phát huy
vai trò của các tổ chức cộng đồng, quy ước, hương ước, thực hiện nghiêm túc, có
hiệu quả phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát,
dân thụ hưởng” nhằm tạo động lực để khơi dậy sức mạnh và nguồn lực nhân dân
trong quá trình phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới, quản lý và bảo vệ
rừng, tài nguyên thiên nhiên, giữ gìn an ninh trật tự tại cơ sở. Có chính sách
và ưu tiên dành nguồn lực tạo điều kiện thuận lợi đào tạo đội ngũ cán bộ làm
công tác phát triển cộng đồng, phát triển nông thôn ở tất cả các cấp (nhất là ở
cấp cơ sở), một cách chính quy với các chương trình và hình thức phù hợp.
8. Bảo vệ
môi trường sinh thái, cảnh quan thích nghi biến đổi khí hậu
- Phát triển cảnh quan nông thôn
gắn với làng sinh thái, thông minh, phát huy lợi thế từng địa phương, đảm bảo
xanh, sạch, đẹp, thân thiện và hài hòa với thiên nhiên. Quy hoạch không gian hợp
lý để các ngành sản xuất có tác động nhiều đến môi trường như chăn nuôi, nuôi
trồng và khai thác thủy sản, chế biến nông sản, giết mổ, xử lý chất thải...
cách xa các khu đô thị, vùng dân cư đông dân, khu du lịch nghỉ dưỡng.... Tập
trung trồng lại rừng phòng hộ và đặc dụng, phát triển các khu bảo tồn thiên
nhiên, các hồ chứa để bảo vệ chặt chẽ những vùng nhạy cảm về sinh thái, môi trường.
- Từng bước giảm dần sức ép của
phát triển kinh tế - xã hội với môi trường bằng các giải pháp như: chấm dứt lạm
dụng hóa chất, nguyên vật liệu tổng hợp, khó phân hủy; tạo điều kiện tái tạo
các nguồn tài nguyên cơ bản như đất, nước, năng lượng (sản xuất năng lượng tái
tạo, tích lũy nước mưa, xử lý rác thải ở quy mô hộ, quy mô cơ sở sản xuất,...);
đẩy mạnh chế biến sâu, tận dụng phụ phẩm nông sản để chủ động xử lý ô nhiễm
ngay tại nguồn. Thường xuyên khảo sát, đánh giá trữ lượng tài nguyên sinh học
trên biển để điều tiết năng lực đánh bắt; xác định các giải pháp điều tiết xâm
nhập mặn ở cửa sông, cửa biển theo nguyên tắc “Không hối tiếc” để duy trì cân đối
sinh thái sông - biển, đảm bảo khả năng tái tạo đa dạng sinh học và duy trì
năng lực tự làm sạch ô nhiễm của tự nhiên.
- Chủ động thích ứng biến đổi khí
hậu bằng áp dụng các biện pháp canh tác thích nghi (phát triển nuôi trồng thủy
sản ở những vùng nước biển dâng, xâm nhập mặn; chuyển sang trồng hoa màu và cây
trồng cạn ở những nơi giảm lượng mưa,...); áp dụng rộng rãi các biện pháp kỹ
thuật thân thiện với môi trường (làm đất tối thiểu, bón phân và phun thuốc
thông minh, tưới tiết kiệm nước, chăn nuôi tiết kiệm nước, sử dụng các giống
cây trồng, vật nuôi có khả năng chống chịu....). Tăng cường sử dụng nguyên liệu
vi sinh hoặc hữu cơ, áp dụng kỹ thuật thông minh, kinh tế tuần hoàn để tiết kiệm
đầu vào, phát triển mạnh tiềm năng sản xuất năng lượng tái tạo kết hợp nông
nghiệp để giảm bớt lượng nguyên liệu hóa thạch, giảm phát thải cacbon. Tăng cường
trồng rừng, phát triển các cây lâu năm có sinh khối lớn trên bờ và phát triển
nuôi trồng các loại rong tảo trên biển để hấp thụ bớt các-bon.
IV. CÁC
GIẢI PHÁP CHÍNH
1. Tuyên
truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động
Tiếp tục tuyên truyền, nâng cao
nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp,
nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới, về cơ cấu lại nông nghiệp,
xây dựng nông thôn mới theo hướng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại,
nông dân văn minh. Xây dựng Chương trình tuyên truyền, thống nhất từ nhận thức
đến hành động của từng nhóm đối tượng với những nội dung chính như:
- Phát triển nền nông nghiệp bền
vững: Đảm bảo cơ hội phát triển cho các thế hệ tương lai, khả năng thích ứng và
chống chịu biến động, cân đối, hài hòa các yếu tố môi trường, xã hội và kinh tế,
tái tạo nguyên liệu, năng lượng,... trong sản xuất.
- Phát triển nông nghiệp theo hướng
hữu cơ, nông nghiệp sinh thái: Áp dụng các quy trình sản xuất thân thiện môi
trường, bảo vệ cảnh quan; sử dụng hợp lý, tiết kiệm vật tư và tài nguyên đầu
vào, không gây ảnh hưởng xấu tới môi trường, sức khỏe con người; tôn trọng và vận
dụng các quy luật tự nhiên để phát triển nông nghiệp thuận thiên, đa dạng.
- Chuyển từ ngành sản xuất sang
phát triển nền kinh tế nông nghiệp. Từ phạm vi sản xuất nông nghiệp sang tích hợp
đa ngành dịch vụ, công nghiệp; từ đơn giá trị nông sản sang tích hợp sản phẩm
đa giá trị; từ tập trung hỗ trợ người sản xuất sang hỗ trợ tất cả các tác nhân
trong chuỗi giá trị.
- Nông nghiệp công nghệ cao: Phát
triển và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, giá trị,
chất lượng, khả năng thích nghi, hiệu quả sản xuất, giảm tổn thất... Phát triển
nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác, ứng dụng công nghệ số,...
- Phát triển nông nghiệp có trách
nhiệm: Đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng về vệ sinh an toàn thực phẩm, môi
trường sinh thái và công bằng xã hội, thích ứng biến đổi khí hậu...; bảo vệ quyền
lợi, chính đáng của người sản xuất và kinh doanh, đảm bảo công bằng cho người sản
xuất nhỏ, các đối tượng yếu thế. Phát triển thị trường xuất khẩu đi đối với thị
trường nội địa.
- Đẩy mạnh tư duy phát triển bao
trùm: Gắn kết giữa nông nghiệp với công nghiệp và dịch vụ, giữa các địa phương
thông qua phát triển các “Cụm ngành”, giữa chuỗi giá trị trong nước và chuỗi
giá trị toàn cầu; giữa kinh tế nông thôn và kinh tế đô thị, hộ nông dân với
doanh nghiệp trong nước và nước ngoài...
- Tổ chức tuyên truyền, giáo dục,
xây dựng mô hình trình diễn, hình thành lực lượng tư vấn, xây dựng giáo trình để
từng bước chuyển đổi tư duy từ trung ương đến địa phương, toàn thể các tác nhân
trong ngành. Giao trách nhiệm cho các cơ quan nghiên cứu, các cơ quan truyền
thông trong ngành, các trường đại học, cao đẳng, trường dạy nghề và các cơ quan
liên quan ở trung ương và địa phương xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch tuyên
truyền, vận động.
2. Đổi mới
tổ chức sản xuất kinh doanh, hoàn thiện quan hệ sản xuất
- Xây dựng chính sách hỗ trợ nông
dân sản xuất hiệu quả tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ
đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy
mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi
giá trị. Hỗ trợ nông hộ chuyển sang kinh doanh ngành nghề, công nghiệp, dịch vụ
phi nông nghiệp. Xây dựng các chương trình hỗ trợ nông dân kinh doanh khởi nghiệp,
khởi nghiệp làm nghề nông...
- Tiếp tục đổi mới, phát triển hợp
tác xã trở thành tác nhân kinh tế quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ, kết nối
các thành phần trong chuỗi giá trị, đặc biệt là doanh nghiệp. Xây dựng và triển
khai các chính sách đột phá để phát triển “nông hộ nhờ quy mô lớn” như giao đất,
hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, đào tạo, cho vay vốn đầu tư...; thực hiện các hoạt
động hỗ trợ hợp tác xã mua và phân phối chung vật tư đầu vào, liên kết với
doanh nghiệp tiêu thụ nông sản đầu ra và cung cấp các dịch vụ phục vụ sản xuất
bao gồm cả tín dụng. Khuyến khích và hỗ trợ các hợp tác xã phát triển thành
doanh nghiệp; hợp tác xã chủ động xây dựng chuỗi giá trị nông sản... Xây dựng
các liên hiệp các hợp tác xã có cùng nhóm sản phẩm hoặc cùng tham gia một chuỗi
giá trị nhằm tăng quy mô, nâng cao hiệu quả.
- Hình thành hệ thống các doanh
nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn đóng vai trò hạt nhân (cung cấp đầu
vào, chế biến, thương mại) liên kết với nông dân, dẫn dắt chuỗi giá trị và phát
triển thị trường. Phát triển hệ sinh thái ngành hàng gắn kết giữa doanh nghiệp
lớn với doanh nghiệp nhỏ. Xây dựng và phát triển vườn ươm doanh nghiệp khởi
nghiệp.
- Phát huy vai trò của các Hiệp hội
trong công tác nghiên cứu và mở rộng thị trường, đồng thời hỗ trợ các cơ quan
chức năng trong đàm phán và mở cửa thị trường cho nông sản xuất khẩu. Nghiên cứu
xây dựng các Ban điều phối ngành hàng có sự tham gia của đại diện tác nhân như
hộ sản xuất, hợp tác xã, doanh nghiệp, nhà nước... Hoàn tất sắp xếp lại các doanh
nghiệp nhà nước và các công ty nông, lâm nghiệp.
3. Nâng
cao chất lượng đào tạo nghề; trình độ, hiệu quả công tác nghiên cứu, ứng dụng,
chuyển giao khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo
- Đổi mới hình thức tổ chức và
nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho nông dân, lao động trẻ nông thôn muốn khởi
nghiệp các kỹ năng về nông nghiệp, kỹ năng mới đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng
công nghiệp 4.0 và thực hiện chuyển đổi số, kinh tế số theo hướng “trí thức hóa
nông dân”; phát huy mạnh mẽ tiềm năng sáng tạo của người dân nông thôn; chuyển
mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của doanh nghiệp và thị trường để thúc đẩy chuyển
dịch cơ cấu lao động, gắn với giải quyết việc làm, xu hướng và nhu cầu chuyển dịch
cơ cấu kinh tế nông thôn của từng vùng miền.
- Tăng nguồn vốn đầu tư công
trong nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ trong nông nghiệp,
phấn đấu đạt 5% tổng đầu tư cho nông nghiệp. Ưu tiên đầu tư đồng bộ về cơ sở hạ
tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ và phát triển nguồn
nhân lực. Đầu tư một số viện, trường nghiên cứu cơ bản trở thành các đơn vị
nghiên cứu và đào tạo ngang tầm các nước trong vùng. Có cơ chế, chính sách phù
hợp để xã hội hóa, khuyến khích các doanh nghiệp và huy động mọi nguồn lực hợp
pháp đầu tư vào khoa học công nghệ trong nông nghiệp; hình thành một số quỹ đầu
tư mạo hiểm cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, quỹ ứng dụng công nghệ cho nông
dân, trang trại.
- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có
trọng tâm, trọng điểm gắn với chuyển giao, ứng dụng công nghệ mới, tiên tiến và
chuyển đổi số, coi đây là một trong những động lực và giải pháp có tính chất
quyết định sự thành công của tái cấu trúc ngành nông nghiệp. Tập trung nguồn lực
triển khai có hiệu quả một số chương trình nghiên cứu lớn, gồm: Chương trình
nghiên cứu, sản xuất giống phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2021
- 2030, Chương trình phát triển các sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp, Đề
án phát triển công nghiệp sinh học ngành nông nghiệp đến năm 2030. Ưu tiên
nghiên cứu phát triển hệ thống sản xuất sử dụng hiệu quả và tiết kiệm tài
nguyên thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu và giảm
phát thải khí nhà kính; phát triển công nghệ chế biến sâu, công nghệ bảo quản,
giảm tổn thất, lãng phí trong hệ thống lương thực, thực phẩm. Đẩy mạnh ứng dụng
công nghệ cao và thành quả của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, bao gồm
công nghệ sinh học, công nghệ số, công nghệ thông tin trong các khâu của chuỗi
giá trị, kết nối đồng bộ với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành nền sản xuất
nông nghiệp thông minh, nông nghiệp chính xác; sử dụng hiệu quả nguồn tài
nguyên, lao động, nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh và phát triển bền vững
của ngành.
- Hoàn thiện môi trường pháp lý
cho hoạt động của thị trường khoa học công nghệ nông nghiệp trong việc đảm bảo
quyền sở hữu trí tuệ, theo hướng đẩy mạnh thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ
đảm bảo phù hợp với thực tiễn sản xuất và hài hoà hoá với các quy định của quốc
tế. Phát triển các tổ chức trung gian kết nối công nghệ (sản giao dịch công nghệ,
trung tâm giao dịch, trung tâm xúc tiến và hỗ trợ đổi sáng tạo, trung tâm định
giá tài sản trí tuệ, cơ sở ươm tạo công nghệ,...) để cung cấp dịch vụ thông
tin, tư vấn, môi giới công nghệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp, trang trại, hợp
tác xã. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân
tham gia đầu tư và hợp tác công - tư trong nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng
công nghệ cao trong nghiên cứu, chuyển giao khoa học công nghệ, truy xuất nguồn
gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm. Đưa viện hoạt động nghiên cứu gắn với trường
đại học; xây dựng một số viện (chi nhánh) nghiên cứu chuyên ngành tại các vùng
sản xuất tập trung.
Đổi mới hoạt động của các tổ chức
nghiên cứu khoa học công lập theo hướng nâng cao tính tự chủ; đẩy mạnh cơ chế đặt
hàng và đấu thầu nhiệm vụ khoa học công nghệ nhằm khuyến khích rộng rãi nhiều
thành phần tham gia nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ (nhà
nước - tổ chức nghiên cứu - doanh nghiệp - tổ chức chuyển giao và nông dân) nhằm
gắn chặt chẽ với yêu cầu thực tiễn, đảm bảo công khai, minh bạch và hiệu quả đầu
tư. Nhà nước có chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp tham gia hoạt động
nghiên cứu khoa học và nông dân tham gia đổi mới sáng tạo. Cải thiện cơ chế quản
lý kinh phí nhà nước cấp cho nghiên cứu khoa học, bao gồm thực hiện cơ chế
khoán sản phẩm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học công nghệ, có chính
sách trọng dụng và phát triển đối với lực lượng nghiên cứu khoa học tránh tình
trạng chảy máu chất xám trong các đơn vị sự nghiệp công lập, bồi dưỡng lực lượng
chuyên gia chuyên ngành.
- Đổi mới mạnh mẽ hình thức tổ chức
và hoạt động khuyến nông, đảm bảo bộ máy tinh, gọn, hiệu quả, phù hợp với từng
loại hình sản xuất và địa phương; tăng cường phối hợp giữa khuyến nông nhà nước
với khuyến nông của doanh nghiệp; phát triển khuyến nông điện tử, khuyến nông cộng
đồng; phân cấp hoạt động khuyến nông cho các tổ chức nông dân, hợp tác xã và
doanh nghiệp. Phối hợp chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu và khuyến nông.
- Tập trung hoàn thiện hệ thống
quy chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn quốc gia phục vụ quản lý chất lượng vật tư
nông nghiệp, an toàn thực phẩm, quản lý đầu tư xây dựng chuyên ngành; hài hòa
hoá tiêu chuẩn khu vực, quốc tế để thúc đẩy mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản.
4. Phát
triển thị trường trong và ngoài nước đảm bảo đầu ra ổn định cho nông sản
- Với thị trường trong nước: Đổi
mới hệ thống phân phối nông sản trong nước; kết nối hệ thống chế biến, phân phối
và bán lẻ hiện đại, truyền thống với các chuỗi cung ứng nông sản và gắn với các
vùng chuyên canh, liên kết để đưa nông sản vào các hệ thống chợ, siêu thị,
trung tâm thương mại trong nước. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi
logistics ở các vùng trọng điểm sản xuất nông nghiệp. Hiện đại hóa hệ thống chợ
phù hợp với tập quán và điều kiện cụ thể của từng địa phương, thực hiện tốt
truy xuất nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, bảo đảm an toàn thực phẩm. Hỗ trợ đầu
tư xây dựng cơ sở hạ tầng và hệ thống trang thiết bị, kinh phí hoạt động để các
tổ chức nông dân và hợp tác xã chủ động xây dựng được hệ thống kinh doanh bán lẻ
tại các thị trường nội địa chính trong nước. Đẩy mạnh cuộc vận động “Người Việt
Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, có chính sách hỗ trợ các đơn vị sản xuất kinh
doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng các kênh phân phối, liên kết trực
tiếp giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
- Với thị trường xuất nhập khẩu:
Chủ động phát huy cơ hội các Hiệp định thương mại tự do đã được ký kết để giữ ổn
định các thị trường truyền thống, mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một
vài thị trường. Không khuyến khích hình thức buôn bán tiểu ngạch qua biên giới,
thúc đẩy kinh doanh chính ngạch; xây dựng các chuỗi vận tải hàng hóa kết nối trực
tiếp bằng đường sắt và container đường biển. Các cơ quan chức năng chủ động phối
hợp với các Hiệp hội doanh nghiệp để giải quyết và tháo gỡ những hàng rào kỹ
thuật, các tranh chấp pháp lý quốc tế. Phân cấp và trao quyền để các hiệp hội
ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp chủ động tham gia, đảm bảo hiệu quả các hoạt
động xúc tiến thương mại. Xây dựng cơ chế cung cấp thông tin hiệu quả, kịp thời
để doanh nghiệp và người sản xuất chủ động thích nghi với những thay đổi về
chính sách, các cam kết thương mại quốc tế. Kiểm soát chặt chẽ nhập khẩu nông sản,
đảm bảo an toàn thực phẩm, an toàn sinh học, bảo vệ hợp lý sản xuất trong nước.
- Xây dựng hệ thống thông tin thị
trường nông sản đáp ứng yêu cầu của ngành nông nghiệp hàng hóa hiện đại, quy mô
lớn và bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng. Nâng cao năng lực dự báo, đánh giá,
cảnh báo thông tin về thị trường các nông sản chủ lực, kịp thời cung cấp thông
tin để các cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân chủ động điều chỉnh sản
xuất phù hợp với yêu cầu thị trường, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng thừa
cung, ùn ứ hàng hóa, đứt gãy chuỗi cung ứng. Ứng dụng công nghệ số để giám sát
nguồn cung chặt chẽ tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính, đánh giá nhu cầu tại
các thị nường chính trong và ngoài nước, giám sát lưu thông, tồn trữ hàng hóa vận
chuyển tại các cửa khẩu giao dịch chính. Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường
cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân (xây dựng chỉ dẫn địa lý,
thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ
bản quyền thương hiệu,...).
5. Xây dựng
và hoàn thiện kết cấu hạ tầng
- Phát triển thủy lợi đa mục
tiêu, ưu tiên các công trình thủy lợi phục vụ nuôi trồng thủy sản, cây trồng cạn,
vùng sản xuất công nghệ cao, gắn với xây dựng đồng ruộng. Tiếp tục xây dựng, sửa
chữa, nâng cấp hệ thống phòng chống thiên tai, biến đổi khí hậu (phòng chống
lũ, hạn, sói lỡ, nhiễm mặn,...); bảo đảm an ninh nguồn nước và an toàn hồ đập. Ứng
dụng công nghệ quản lý và sử dụng nước hiệu quả để tưới tiết kiệm nước, quản lý
khai thác nước ngầm, chuyển và trữ ở vùng thiếu nước sinh hoạt, tái sử dụng nước
nuôi trồng thủy sản, chứa và cấp nước chữa cháy rừng. Tồn trữ nước trong mùa
mưa và truyền dẫn nước đến vùng thiếu nước ngọt trong mùa khô ở ven biển, vùng
núi cao.
- Phát triển hệ thống cảng cá,
nâng cấp khu neo đậu tàu, thuyền tránh trú bão, cơ sở hạ tầng dịch vụ nghề cá kết
hợp với cơ sở hạ tầng phục vụ chế biến thủy sản. Nâng cấp hệ thống thông tin
liên lạc cảnh báo thiên tai đến người dân trên cả nước và tàu thuyền hoạt động
trên biển. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho các vùng nuôi trồng thủy sản trên bờ và
trên biển, cơ sở sản xuất giống thủy hải sản tập trung cấp quốc gia, cấp vùng;
hoạt động khảo nghiệm kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản.
- Đầu tư xây dựng, hoàn thiện kết
cấu hạ tầng lâm nghiệp để bảo vệ và phát triển rừng; bảo vệ, bảo tồn đa dạng
sinh học, môi trường, đồng thời tạo tiền đề thu hút và hỗ trợ các thành phần
kinh tế tham gia phát triển rừng; ưu tiên phát triển rừng phòng hộ đầu nguồn,
ven biển nhằm phòng, chống, giảm nhẹ tác động tiêu cực của thiên tai, ứng phó với
biến đổi khí hậu. Phát triển hệ thống đường lâm nghiệp gắn kết vùng nguyên liệu
quy mô, tập trung với nhà máy chế biến; giảm chi phí vận chuyển, tăng giá trị sản
phẩm gỗ.
- Đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết bị
đảm bảo năng lực cảnh báo, dự báo, khả năng chống chịu trước thiên tai. Nâng cấp
trang thiết bị, công nghệ theo dõi, phân tích, dự báo, cảnh báo thiên tai, ứng
dụng công nghệ dự báo tiên tiến, ưu tiên công nghệ dự báo mưa định lượng, cảnh báo
lũ quét, sạt lở đất. Đầu tư củng cố, nâng cấp các công trình phòng chống thiên
tai nhất là hệ thống đê điều, cống, đập ngăn lũ, ngăn mặn và triều cường. Xây dựng,
củng cố hệ thống công trình phòng, chống sạt lở bờ sông, bờ biển tại các khu vực
xung yếu, kết hợp với ứng dụng công nghệ thông tin trong điều hành, ứng phó
thiên tai để phục vụ sản xuất, dân sinh và các hoạt động kinh tế khác. Nâng cấp,
hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu (điện, đường, trường, trạm, viễn thông) cho
những vùng khó khăn. Ưu tiên phát triển đường, điện cho vùng sản xuất tập
trung.
- Ưu tiên đầu tư hạ tầng giao
thông nội đồng, giao thông kết nối các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn với
các đường tỉnh lộ hay quốc lộ kết nối không gian phát triển giữa các vùng, khu
vực, địa phương để thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị. Phát triển cơ sở hạ tầng
phục vụ chuỗi lạnh, vận chuyển nông sản tươi sống, bảo quản, chế biến sau thu
hoạch, nhất là các kho dự trữ, bảo quản, kho lạnh, kho chứa lương thực, thực phẩm.
Đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết
bị, phòng thí nghiệm phục vụ công tác thú y, kiểm dịch thực vật đảm bảo an toàn
thực phẩm. Phát triển các khu/cụm công nghiệp và dịch vụ phục vụ nông nghiệp gắn
với các vùng chuyên canh, trung tâm thu gom nông sản ở vùng sản xuất trung tâm
cung ứng nông sản kết nối thị trường trong nước với quốc tế, hình thành hệ thống
chợ đầu mối đa chức năng, sản giao dịch cho các nông sản chủ lực, xây dựng các
trung tâm hậu cần biên mậu. Hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng bảo vệ môi trường (xử
lý tái tạo nước thải, rác thải, tái sử dụng phế, phụ phẩm,…).
- Từng bước xây dựng hệ thống cơ
sở hạ tầng kỹ thuật số phục vụ sản xuất, kinh doanh nông nghiệp, tạo điều kiện
hiện đại hóa nông thôn. Phát triển nền tảng công nghệ để phát triển hệ thống
thông tin điện tử trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, du lịch và thương
mại điện tử.
6. Đổi mới
và nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước
- Thực hiện Chương trình tổng thể
cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 - 2030. Đổi mới, hoàn thiện hệ thống
bộ máy quản lý ngành. Cải cách thể chế, thủ tục hành chính, cơ quan quản lý tập
trung vào xây dựng chính sách, chiến lược, pháp luật, ban hành tiêu chuẩn, quy
chuẩn kỹ thuật, tháo gỡ các vấn đề về phát triển thị trường, bảo vệ sản xuất,
biến đổi khí hậu; hạn chế can thiệp bằng các biện pháp hành chính vào các quyết
định sản xuất, kinh doanh thuộc năng lực và trách nhiệm của người dân, doanh
nghiệp.
- Tập trung nhân lực, nguồn lực
vào những nhiệm vụ trọng yếu trong quản lý, kiến tạo ra giá trị mới cho ngành,
tăng cường phân cấp cho địa phương. Tinh giảm thủ tục, minh bạch thông tin, quy
trình hóa công việc gắn với trách nhiệm cụ thể từng cá nhân, tổ chức. Đổi mới
tuyển dụng, đào tạo, sử dụng, bổ nhiệm công chức, viên chức đảm bảo chất lượng
năng lực chuyên nghiệp và đạo đức, trách nhiệm. Phát triển đội ngũ chuyên gia,
nhà khoa học đầu ngành nông nghiệp, hình thành cơ chế tư vấn, đối thoại chính
sách thường xuyên, chính thức giữa đội ngũ chuyên gia, đại diện nông dân và
doanh nghiệp với cơ quan quản lý ngành.
- Đổi mới hệ thống tổ chức và quản
lý các đơn vị sự nghiệp công lập theo hướng triệt để trao quyền tự chủ, tự chịu
trách nhiệm, được đầu tư theo hiệu quả đóng góp. Đẩy mạnh xã hội hóa, phân cấp
cho các tổ chức nông dân, kinh tế hợp tác và khối tư nhân tham gia cung cấp dịch
vụ công (khuyến nông, nghiên cứu khoa học, thông tin thị trường,... gắn với
kinh tế hợp tác, với hội đồng ngành hàng, hiệp hội doanh nghiệp,...). Khuyến
khích các thành phần kinh tế phát triển hệ thống tư vấn, dịch vụ kỹ thuật phục
vụ khách hàng tại các vùng sản xuất thuận tiện. Tập trung cán bộ và kinh phí
nhà nước vào dịch vụ bảo vệ sản xuất (thú y, bảo vệ thực vật, bảo vệ nguồn lợi
thủy sản, kiểm lâm, phòng chống thiên tai...) để phòng chống dịch bệnh, quản lý
rủi ro. Phối hợp đồng bộ công tác kiểm dịch, dự báo, cảnh báo, chỉ đạo can thiệp
và tư vấn phòng chống, kiểm dịch cửa khẩu, kiểm soát hàng hóa, kiểm soát thị
trường, kiểm dịch nội địa, kiểm tra sản xuất, thông tin dịch bệnh...
- Đổi mới, nâng cao vai trò của Hội
Nông dân, Liên minh Hợp tác xã để thực sự trở thành đại diện bảo vệ quyền lợi
và phục vụ cho nông dân và xã viên hợp tác xã. Nâng cao vị thế, vai trò của Mặt
trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội; các hội, hiệp hội nghề nghiệp,
đưa các tổ chức xã hội ở nông thôn vào tham gia quá trình phát triển kinh tế xã
hội, môi trường, thể chế trong nông nghiệp, nông thôn. Xây dựng cộng đồng dân
cư ở nông thôn hiện đại, dân chủ, công bằng, văn minh theo phương châm:
"Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân thụ hưởng” để người dân thực
sự đóng vai trò chủ thể, trung tâm của quá trình phát triển.
7. Thúc đẩy
chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn
- Phát triển và hướng đến đồng bộ
các công cụ phục vụ chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, số hóa,
tạo lập dữ liệu, chuẩn hóa cơ sở dữ liệu đất đai nông nghiệp, cây trồng, vật
nuôi, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh; kết nối, chia sẻ cơ
sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu ngành, lĩnh vực phục vụ chỉ đạo, điều hành của
các cơ quan nhà nước và sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
- Phát triển các mô hình nông
nghiệp thông minh ứng dụng công nghệ số trong nông nghiệp nông thôn. Phát triển
quản lý chuỗi cung ứng nông sản theo ứng dụng blockchain, quản lý nông sản từ
quá trình sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển, chế biến và tiêu
thụ sản phẩm tạo sự minh bạch thông tin, đảm bảo truy xuất nguồn gốc sản phẩm.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình làng thông minh, làng nông thuận thiên ứng dụng
công nghệ số.
Có chương trình hỗ trợ doanh nghiệp,
hợp tác xã chuyển đổi số trong nông nghiệp. Tăng đầu tư, ứng dụng công nghệ
thông tin để xây dựng chính phủ điện tử. Phát triển khuyến nông điện tử, thương
mại điện tử. Ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ cao trong thu thập, quản
lý thông tin, phân tích dữ liệu và cảnh báo dịch bệnh, thiên tai; quản lý vùng
nguyên liệu.
- Xây dựng phương án tổng thể về
phát triển hệ thống quản lý cơ sở dữ liệu, hệ thống định danh gắn với đối tượng
quản lý; chuẩn hóa dữ liệu, cập nhật cơ sở dữ liệu nông nghiệp, nông thôn trên
nền tảng dữ liệu lớn (Big data) đồng bộ, kết nối và liên thông hoàn thiện hệ thống
hạ tầng cho sản xuất. Từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu số sản xuất,
kinh doanh nông nghiệp (quản lý đất đai, số hóa vùng trồng, cây trồng, vật
nuôi, rừng, thủy sản, thủy lợi, phòng chống thiên tai, dịch bệnh, thị trường,...).
Xây dựng hệ thống số hóa cơ sở dữ liệu quốc gia về nông nghiệp và liên thông với
hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân sinh, kinh tế, hạ tầng sản xuất, công
nghệ, môi trường, khí tượng thủy văn... làm cơ sở cho phân tích, xây dựng chiến
lược, quy hoạch, kế hoạch đầu tư cho chuyển đổi nông nghiệp thông minh, nông
nghiệp chính xác.
8. Chủ động
thích ứng với biến đổi khí hậu, quản lý rủi ro
- Chủ động ứng phó với biến đổi
khí hậu để thích ứng, phát triển sản xuất kinh doanh nông nghiệp theo hướng
"thuận thiên". Áp dụng các biện pháp giảm phát thải khí nhà kính
thông qua quản lý và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả nguồn tài nguyên đầu vào; xử
lý và tái sử dụng phụ phẩm, chất thải nông nghiệp; quản lý và sử dụng bền vững
diện tích rừng hiện có, đẩy mạnh trồng rừng mới (nhất là rừng gỗ lớn) và tái
sinh tự nhiên để tăng độ che phủ và khả năng hấp thụ, lưu giữ các-bon của rừng;
phát triển nông nghiệp sinh thái, đa dạng thích ứng với biến đổi khí hậu; khuyến
khích áp dụng các công nghệ hiện đại, các giống cây trồng, vật nuôi có tính chống
chịu cao, xác lập cơ chế giám sát chặt chẽ để thúc đẩy phát triển nông nghiệp
xanh, phát thải các-bon thấp. Tăng cường nghiên cứu và chuyển giao các giống vật
nuôi, cây trồng thích ứng được với điều kiện biến đổi khí hậu. Có cơ chế hỗ trợ,
khuyến khích các giải pháp tiết kiệm nước.
- Xây dựng hệ thống cảnh báo, dự
báo, xác định rủi ro là cơ sở đề ra các giải pháp đồng bộ, chủ động bảo vệ sản
xuất nước các nguy cơ về dịch bệnh, thiên tai, ô nhiễm môi trường... Nâng cao
năng lực phục hồi của hệ thống sản xuất, đảm bảo nguyên tắc phát triển hài hòa
các lợi ích xã hội, kinh tế và môi trường. Có kế hoạch tiến hành các nghiên cứu
và tập trung xác định giải pháp để chủ động đối phó, khắc phục hệ thống các vấn
đề rủi ro bất định theo các phương án kịch bản đối với các nguy cơ quan trọng
cho sản xuất và phát triển nông thôn như các đối tượng dịch bệnh chính gây thiệt
hại quy mô rộng (cúm gia cầm, tả lợn châu Phi,...), các hiện tượng nguy hại (sụt
lở sông, sụt lún nền, xâm nhập mặn,...), các xu hướng diễn biến bất lợi (già
hóa dân số, di cư tự phát,...),...trên quy mô quốc gia và tại từng địa phương,
đảm bảo phát triển vững bền và nông nghiệp luôn là nền tảng ổn định của quốc
gia.
9. Hội nhập
và hợp tác quốc tế
- Nâng cao năng lực, hiệu quả hội
nhập kinh tế quốc tế về nông nghiệp và nông thôn, mở rộng hợp tác với các quốc
gia, các tổ chức quốc tế để tranh thủ, thu hút nguồn vốn, phát triển thị trường,
tiếp cận khoa học công nghệ phục vụ cho các mục tiêu phát triển của ngành. Nâng
cao hiệu quả huy động và sử dụng các nguồn vốn phát triển chính thức (ODA), tài
trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho thực hiện phát triển bền vững;
thu hút có lựa chọn đầu tư trực tiếp của nước ngoài.
- Tổ chức phổ biến và triển khai
thực hiện các điều ước và thỏa thuận quốc tế song phương, đa phương đã ký kết
có liên quan đến nông nghiệp, nông thôn; hỗ trợ và giám sát thực hiện các điều
ước và thỏa thuận quốc tế có hiệu quả, nhất là trong khuôn khổ Cộng đồng ASEAN
và các FTAs.
- Triển khai các chương trình, kế
hoạch phát triển thị trường xuất khẩu, chủ động tham gia chuỗi cung ứng nông sản
toàn cầu, hài hòa hóa quy định trong nước với quốc tế. Xây dựng hệ thống phòng
vệ thương mại, hệ thống cảnh báo sớm nhằm khai thác hiệu quả lợi ích và hạn chế
đến mức thấp nhất tác động tiêu cực từ việc hội nhập kinh tế quốc tế.
10. Xây dựng,
hoàn thiện và triển khai một số cơ chế, chính sách đột phá
- Chính sách đất đai
Hoàn thiện chính sách đất đai
trên cơ sở thị trường quyền sử dụng đất như quyền tài sản với nguyên tắc vận
hành thuận lợi, chi phí giao dịch thấp, tạo điều kiện cho nông dân mở rộng quy
mô sản xuất và sử dụng linh hoạt đất nông nghiệp đạt thu nhập cao; người dân dễ
dàng chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn, thế chấp trong thị trường giao dịch thống
nhất. Hỗ trợ các nông dân sản xuất hiệu quả tích tụ đất nông nghiệp làm trang
trại. Hỗ trợ hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã mua, thuê hoặc nhận vốn góp bằng
đất nông nghiệp của các hộ nông dân; rút lao động ra khỏi khu vực nông nghiệp để
tạo quỹ đất.
Mở rộng chứng nhận đối tượng tài
sản trên đất được ghi vào giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (như nhà kính, nhà
lưới,...). Bổ sung “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” trong
phân loại đất nông nghiệp để hỗ trợ sản xuất. Đối với diện tích đất trên, cho
phép xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ cho hoạt động trước và sau sản xuất nông
nghiệp (như xưởng thiết bị nông nghiệp, logistics, chế biến, lưu trữ, bảo quản
nông sản) trên đất nông nghiệp. Từng bước mở rộng phạm vi đối tượng được nhận
chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp cho các tổ chức, cá nhân có đủ tiềm
lực về vốn, công nghệ, thực sự đầu tư vào sản xuất nông nghiệp theo quy hoạch.
Công khai minh bạch trong xây dựng và triển khai quy hoạch đất đai về thông tin
quy hoạch vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho nông sản chủ lực; rà soát lại cơ
cấu 3 loại rừng (rừng sản xuất, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng) phù hợp với điều
kiện thực tế. Nghiên cứu đổi mới hoạt động của Trung tâm phát triển Quỹ đất làm
nền tảng để xây dựng “Ngân hàng đất” hỗ trợ cho giao dịch chuyển nhượng quyền sử
dụng và phát huy quyền tài sản đối với đất nông nghiệp.
- Chính sách tài chính, tín dụng
Phát triển thị trường tài chính,
tín dụng vi mô, các sản phẩm dịch vụ tài chính mới, củng cố và mở rộng hệ thống
quỹ tín dụng nhân dân đảm bảo an toàn, hiệu quả. Nghiên cứu giao nhiệm vụ tín dụng
phục vụ sản xuất nông nghiệp và đời sống nông thôn cho Hội Nông dân và Liên
minh hợp tác xã, qua đó hỗ trợ tín dụng cho hợp tác xã, hộ nông dân phát triển
sản xuất, kinh doanh; triển khai các sản phẩm, dịch vụ tài chính đến cả vùng
sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đa dạng hóa các sản phẩm tín dụng phục vụ sản xuất
nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng
công nghệ cao, theo chuỗi giá trị, nông nghiệp tuần hoàn, hữu cơ, sinh thái...
Mở rộng các loại tài sản thế chấp
vay vốn, điều chỉnh cơ chế định giá theo thị trường cho các tài sản hình thành
trên đất phục vụ sản xuất nông nghiệp (trang trại, nhà kính, nhà màng, hệ thống
tưới,...) và cả các tài sản vô hình (sở hữu trí tuệ, thương hiệu,...) để đảm bảo
vay vốn ngân hàng. Thực hiện cơ chế cho vay theo chuỗi giá trị nông nghiệp, gắn
tín dụng sản xuất, cho vay đầu tư, bảo hiểm và các dịch vụ tài chính khác; có
quỹ ưu tiên đầu tư cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, bảo quản chế biến,
dịch vụ logistics, hạ tầng thương mại, khởi nghiệp sáng tạo, doanh nghiệp nhỏ
trong lĩnh vực nông nghiệp. Áp dụng rộng và đa dạng hóa sản phẩm bảo hiểm nông
nghiệp thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp yên tâm ứng phó với rủi ro thiên
tai, dịch bệnh.
- Chính sách đầu tư
Tăng đầu tư công cho nông nghiệp,
điều chỉnh cơ cấu để tăng tỷ lệ đầu tư cho khoa học công nghệ, hạ tầng thương mại,
đào tạo nhân lực, bảo đảm liên kết vùng, sản xuất nông nghiệp bền vững, thích ứng
biến đổi khí hậu. Điều chỉnh chiến lược đầu tư công nghiệp và dịch vụ phục vụ
phát triển nông nghiệp, nông thôn ở các vùng có lợi thế, vùng chuyên canh
chính. Phát triển công nghiệp phục vụ nông nghiệp (sản xuất vật tư, thiết bị,
máy móc đầu vào; công nghiệp chế biến nông sản,...); dịch vụ phục vụ nông nghiệp
(kho bãi, vận tải chuyên dụng, thương mại, logistic,...). Đặc biệt ưu đãi phát
triển các ngành cung cấp đầu vào và tiêu thụ đầu ra mang tính chất quyết định tạo
giá trị gia tăng cho các chuỗi giá trị nông sản chiến lược, đảm bảo để nông
nghiệp không rơi vào bẫy “sản xuất gia công”. Đổi mới cơ chế, đơn giản thủ tục,
tạo điều kiện khuyến khích thu hút viện trợ quốc tế, đầu tư nước ngoài, đầu tư
trong nước vào nông nghiệp, nông thôn nhất là các vùng sâu, xa, khó khăn, vùng
đồng bào dân tộc thiểu số.
- Chính sách thuế
Phân cấp, điều chỉnh chính sách
thuế, phí ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư nông nghiệp, nông thôn, tạo
nhiều việc làm cho cư dân nông thôn và tăng nguồn thu ngân sách cho cấp xã, cấp
huyện. Cải cách ưu đãi thuế nhằm tạo sự chuyển biến trong phân bổ nguồn lực,
khuyến khích và thu hút đầu tư có chọn lọc để phát triển các vùng có điều kiện
khó khăn, đặc biệt khó khăn và một số ngành lĩnh vực quan trọng. Rà soát, cắt,
giảm, đơn giản hóa các thủ tục hành chính về thuế nhằm rút ngắn thời gian, giảm
chi phí và tăng hiệu quả việc đăng ký, khai, nộp, hoàn thuế điện tử, sử dụng
hóa đơn điện tử cho doanh nghiệp. Tăng cường ứng dụng công nghệ số, công nghệ
thông tin trong việc triển khai các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, phí
như khai, nộp, hoàn thuế.
- Chính sách phát triển nguồn
nhân lực
Đổi mới hoạt động đào tạo nghề
cho nông dân, lao động nông thôn. Giao quyền chủ động cho các hợp tác xã, tổ chức
nông dân, cộng đồng địa phương và doanh nghiệp tham gia đề xuất yêu cầu, xây dựng
nội dung đào tạo kỹ năng về sản xuất nông nghiệp, các ngành nghề phi nông nghiệp,
các kỹ năng kinh tế số, công nghệ mới, kỹ năng quản lý kinh tế, xúc tiến thương
mại, quản lý tài nguyên, môi trường, bảo vệ sản xuất, ngoại ngữ cho lao động xuất
khẩu... theo sát yêu cầu thực tế để gắn với giải quyết việc làm và phù hợp với
xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn. Đào tạo các chuyên gia đầu ngành
theo lĩnh vực, ngành hàng. Đào tạo năng lực cho đội ngũ cán bộ kỹ thuật, cán bộ
quản lý ngành nông nghiệp về kỹ năng đàm phán, pháp lý, phân tích thị trường,
quản lý sinh thái, quản lý trách nhiệm, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần
hoàn, nông nghiệp thông minh,... Xây dựng chương trình đào tạo “nông dân chuyên
nghiệp”, “lao động tay nghề cao”.
11. Giám
sát và đánh giá
Tổ chức giám sát nhằm nâng cao hiệu
quả và hiệu lực thực hiện Chiến lược làm căn cứ hoạch định chính sách, điều chỉnh
kế hoạch và giải pháp kịp thời. Giám sát các chương trình, đề án, dự án thực hiện
Chiến lược thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch 5 năm, hàng năm hoặc đột xuất.
Rà soát, điều chỉnh Chiến lược phù hợp với từng giai đoạn, điều kiện thực tiễn.
Việc đánh giá kết quả thực hiện Chiến lược được thực hiện đảm bảo nguyên tắc độc
lập, khách quan.
Xây dựng, triển khai hệ thống lập
kế hoạch và giám sát ngành nông nghiệp, nông thôn trên cơ sở ứng dụng khoa học
công nghệ, đáp ứng yêu cầu kịp thời, chính xác, đồng bộ phục vụ công tác quản
lý, quy hoạch và phát triển sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông nghiệp.
V. CÁC CHƯƠNG
TRÌNH, ĐỀ ÁN TRỌNG TÂM, ƯU TIÊN
(Chi tiết tại Phụ lục kèm theo)
VI. NGUỒN
VỐN THỰC HIỆN
Thực hiện đa dạng nguồn vốn huy động
và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược.
1. Nguồn ngân sách nhà nước cấp
hàng năm (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà
nước hiện hành.
2. Kinh phí lồng ghép trong các
Chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn
2021 - 2030.
3. Kinh phí vận động, huy động từ
các nhà tài trợ nước ngoài, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá
nhân trong, ngoài nước và kinh phí hợp pháp khác.
4. Nguồn tài chính khác theo quy
định của pháp luật.
Điều 2. Tổ
chức thực hiện
1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương tổ chức triển khai
Chiến lược; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan, đơn vị trực thuộc bộ và
hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện; thường xuyên đôn đốc, đánh giá
tình hình thực hiện Chiến lược; tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả
thực hiện hàng năm và theo yêu cầu; tổ chức sơ kết thực hiện Chiến lược vào năm
2025 và tổng kết tình hình thực hiện Chiến lược vào năm 2030.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp,
cân đối, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ưu tiên bố trí vốn đầu tư phát
triển giai đoạn 2021 - 2030 và trong kế hoạch 5 năm cho ngành nông nghiệp, nông
thôn để thực hiện Chiến lược. Chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan
và các địa phương xây dựng và triển khai hiệu quả cơ chế, chính sách khuyến
khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; điều chỉnh cơ cấu đầu tư
công trong nông nghiệp. Chủ động rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế,
chính sách thu hút các nguồn lực đầu tư, đầu tư theo hình thức đối tác công tư
vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh
tế hợp tác.
3. Bộ Tài chính chủ trì rà soát,
sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, phí, bảo hiểm (bao gồm cả bảo hiểm nông nghiệp);
đơn giản hóa thủ tục hành chính về thuế theo hướng tạo thuận lợi cho hoạt động
sản xuất, kinh doanh nông nghiệp và thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế
vào nông nghiệp, nông thôn; hình thành hệ thống tín dụng nông thôn gần với vai
trò hợp tác xã và tổ chức nông dân. Căn cứ khả năng cân đối của ngân sách trung
ương, trên cơ sở đề xuất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các bộ,
ngành liên quan, ưu tiên tổng hợp bố trí trong dự toán chi thường xuyên hàng
năm của ngân sách trung ương, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định cân đối,
bố trí kinh phí trong dự toán chi của các cơ quan, đơn vị theo quy định của Luật
Ngân sách nhà nước và các văn bản hướng dẫn để thực hiện các nhiệm vụ của Chiến
lược.
4. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp
tục thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông
thôn. Chỉ đạo các tổ chức tín dụng đơn giản hóa thủ tục, cân đối nguồn vốn nhằm
đáp ứng cho nhu cầu vốn và tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế tiếp cận
nguồn vốn tín dụng để đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đặc biệt là các dự án
nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp chế biến, cơ giới hóa, phát triển
nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn.
5. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp
với các bộ, ngành có liên quan và địa phương triển khai thực hiện chính sách
thương mại hàng nông sản; kiểm soát chặt chẽ, xử lý nghiêm hoạt động buôn lậu
và gian lận thương mại, tạm nhập tái xuất hàng nông sản. Tổ chức triển khai các
cơ chế, chính sách và hoạt động thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong nước; hỗ trợ
doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp tham gia chuỗi cung ứng
thương mại điện tử. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn và các bộ, ngành có liên quan, các địa phương xây dựng
chính sách ưu tiên thúc đẩy phát triển cụm công nghiệp - dịch vụ hỗ trợ nông
nghiệp. Chủ trì, phối hợp với các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao
thông vận tải và các bộ, ngành liên quan xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ
phê duyệt, triển khai thực hiện Đề án phát triển logistics gắn với vùng sản xuất,
kinh doanh nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà
soát hàng rào kỹ thuật và thương mại đối với nông sản xuất nhập khẩu; điều hành
xuất nhập khẩu linh hoạt và hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tiễn và thông
lệ quốc tế; chỉ đạo các cơ quan thương vụ ở nước ngoài nắm bắt nhanh, chính xác
chính sách thương mại của các quốc gia; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu triển
khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản
ở nước ngoài.
6. Bộ Khoa học và Công nghệ chủ
trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai hiệu quả
các Chương trình: Sản phẩm quốc gia, phát triển khoa học công nghệ cao, đổi mới
công nghệ quốc gia và các chương trình khoa học công nghệ khác hỗ trợ phát triển
nông nghiệp, nông thôn; rà soát, điều chỉnh, bổ sung cơ chế, chính sách phát
triển nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp,
đặc biệt là công nghệ cao, công nghệ số; xây dựng cơ chế thúc đẩy xã hội hóa
nguồn lực phát triển khoa học, công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp, nông
thôn; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, hướng dẫn triển khai áp dụng
công cụ quản lý, quy trình quản lý hiện đại; hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý, bảo
vệ và khai thác, phát triển tài sản trí tuệ, sản phẩm được bảo hộ quyền sở hữu
trí tuệ.
Chủ trì phối hợp với các bộ,
ngành liên quan xây dựng Nghị định về chính sách khuyến khích các cơ sở sản xuất,
chế biến nông sản đầu tư áp dụng, chuyển đổi công nghệ tiên tiến, công nghệ sạch
thân thiện với môi trường.
7. Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ
trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Đất
đai và các quy định pháp luật khác có liên quan theo hướng khuyến khích tích tụ,
tập trung đất đai phục vụ sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, phát triển thị trường
quyền sử dụng đất trong nông nghiệp. Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn nghiên cứu, tham mưu Chính phủ xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ phát
triển nền nông nghiệp xanh, giảm phát thải và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí
hậu, sử dụng hiệu quả tài nguyên, khắc phục ô nhiễm môi trường khu vực nông
nghiệp nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học.
8. Bộ Thông tin và Truyền thông
chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu Chính phủ
ban hành các cơ chế chính sách hỗ trợ chuyển đổi số trong nông nghiệp, xây dựng
làng, xã thông minh. Phối hợp triển khai các nội dung về xây dựng hạ tầng thông
tin truyền thông, hạ tầng số phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
9. Các Bộ: Lao động - Thương binh
và Xã hội, Giáo dục và Đào tạo rà soát, sửa đổi, bổ sung chính sách hỗ trợ đào
tạo nghề nông nghiệp, nông thôn gắn với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn;
đào tạo nghề gắn với địa chỉ sử dụng lao động cụ thể (doanh nghiệp, cơ sở kinh
doanh, hợp tác xã...). Phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lập
kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao phục vụ sản
xuất kinh doanh nông nghiệp, chế biến, bảo quản nông sản đáp ứng nhu cầu của cơ
cấu lại ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
10. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với
các bộ, ngành có liên quan và địa phương nghiên cứu chính sách đổi mới, hoàn
thiện hệ thống bộ máy quản lý ngành nông nghiệp để cải cách thể chế, thủ tục quản
lý, đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, đẩy mạnh
xã hội hóa, phân cấp cho các tổ chức nông dân, kinh tế hợp tác và khối tư nhân
tham gia cung cấp dịch vụ công, đổi mới hoạt động đoàn thể xã hội theo nội dung
Chiến lược.
11. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch
phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng chương trình, cơ
chế chính sách phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn gắn với xây dựng nông
thôn mới; phối hợp triển khai các hoạt động thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm thuộc
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) tại các thị trường khách du lịch trọng
điểm.
12. Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương căn cứ các mục tiêu, định hướng và giải pháp của
Chiến lược, xây dựng Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông
thôn trên địa bàn phù hợp với thực tiễn.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các
chính sách trung ương đã ban hành, đồng thời nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính
sách đặc thù của địa phương để đẩy mạnh thực hiện và nâng cao hiệu quả phát triển
nông nghiệp, nông thôn. Bố trí ngân sách địa phương các cấp, huy động nguồn lực
từ các thành phần kinh tế đầu tư vào phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Xây dựng các chương trình, đề án,
dự án trọng điểm phù hợp với đặc điểm và thế mạnh của địa phương; ưu tiên phát
triển các sản phẩm chủ lực và các sản phẩm đặc sản của địa phương, gắn với công
nghiệp chế biến nông sản và thị trường tiêu thụ, ứng dụng công nghệ cao, thân
thiện với môi trường. Triển khai các giải pháp tăng cường liên kết vùng, hướng
tới phát triển các cụm liên kết sản xuất - bảo quản, chế biến - tiêu thụ nông sản
gắn với các vùng nguyên liệu tập trung được cơ giới hóa đồng bộ, kết nối với cơ
sở chế biến nông sản và hệ thống logistic, kênh phân phối, tiêu thụ nông sản.
13. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội
Nông dân Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, hiệp hội ngành
hàng, hội nghề nghiệp chủ động, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các bộ, ngành, địa phương triển khai có hiệu quả các chính sách hỗ trợ
cho người dân, hợp tác xã, doanh nghiệp để thực hiện các định hướng của Chiến
lược; tham gia có trách nhiệm trong công tác truyền thông, phản biện xã hội và
vận động thành viên, hội viên, quần chúng nhân dân tham gia phát triển nông
nghiệp, nông thôn. Tham gia đề xuất cơ chế chính sách và biện pháp khuyến
khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân là thành viên tham gia đầu tư phát triển
nông nghiệp, nông thôn.
Điều 3. Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký ban hành.
Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan
ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh,
thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc chính phủ;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- Văn phòng thường trực TCC ngành Nông nghiệp (Bộ NN&PTNT);
- Thành viên BCĐ liên ngành VC TCC ngành NN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, KGVX, TH, CN,
QHĐP;
- Lưu: VT, NN (02b).
|
KT. THỦ
TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG
Lê Văn Thành
|
PHỤ
LỤC
DANH MỤC CÁC CHƯƠNG TRÌNH, ĐỀ ÁN TRỌNG TÂM ĐỂ THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC
PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP VÀ NÔNG THÔN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2021 - 2030, TẦM NHÌN ĐẾN
NĂM 2050
(Kèm theo Quyết định số: 150/QĐ-TTg, ngày 28 tháng 01 năm 2022, của
Thủ tướng Chính phủ)
TT
|
Tên
Chương trình, đề án
|
Cơ quan
chủ trì
|
Cơ quan
phối hợp
|
Thời
gian hoàn thành
|
Cấp
trình
|
I
|
Thực hiện
đột phá chiến lược về hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách và quy hoạch
giai đoạn 2021-2030
|
1.
|
Dự án Luật Đất đai (sửa đổi)
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Quốc hội
|
2.
|
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật
Hợp tác xã năm 2012
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Quốc hội
|
3.
|
Quy hoạch thời kỳ 2021 - 2030,
tầm nhìn đến năm 2050 của các Vùng
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
4.
|
Quy hoạch không gian biển quốc
gia giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Quốc hội
|
5.
|
Quy hoạch bảo vệ và khai thác
nguồn lợi thủy sản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
6.
|
Đề án đổi mới cơ chế chính sách
khoa học công nghệ
|
Bộ Khoa
học và Công nghệ
|
Các bộ,
ngành có liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
II
|
Đẩy mạnh
cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trong lĩnh vực
nông nghiệp; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; phát
triển nông nghiệp số
|
7.
|
Chiến lược Quốc gia về dinh dưỡng
giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2040
|
Bộ Y tế
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
8.
|
Kế hoạch quốc gia về chuyển đổi
Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững của Việt Nam
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
9.
|
Đề án phát triển các cây công
nghiệp chủ lực đến năm 2030
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
10.
|
Đề án phát triển các vùng sản
xuất rau an toàn tập trung, đảm bảo truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và
thị trường tiêu thụ đến năm 2030
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
11.
|
Đề án xây dựng hệ thống cơ sở dữ
liệu quốc gia về chăn nuôi
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
12.
|
Đề án phát triển các mô hình
kinh tế chia sẻ thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững giai đoạn 2021- 2030
|
Bộ Công
Thương
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
13.
|
Chiến lược xuất nhập khẩu hàng
hóa thời kỳ 2021 - 2030
|
Bộ Công
Thương
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
III
|
Đổi mới cơ cấu đầu tư công, thu hút nguồn lực phát triển nông
nghiệp, nông thôn
|
14.
|
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa giai đoạn 2021-2025
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
15.
|
Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp
nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu
|
Bộ Công
Thương
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2021
-2025
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
IV
|
Xây dựng
kết cấu hạ tầng phục vụ nền nông nghiệp tích hợp đa giá trị và phát triển
nông thôn hiện đại, bền vững
|
16
|
Đề án về xây dựng hệ thống kết
cấu hạ tầng đồng bộ giai đoạn 2021 - 2030 thực hiện đột phá chiến lược phát
triển kinh tế - xã hội đất nước theo tinh thần Nghị quyết số 13-NQ/TW
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ,
ngành liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
17.
|
Quy hoạch hệ thống cảng cá, khu
neo đậu tránh trú bão cho tàu cá thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
V
|
Phát
triển nguồn nhân lực; nâng cao trình độ nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao
khoa học công nghệ
|
18.
|
Đề án “Chiến lược phát triển
khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo giai đoạn 2021 - 2030”
|
Bộ Khoa
học và Công nghệ
|
Các bộ
ngành, cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
19.
|
Quy hoạch mạng lưới tổ chức
khoa học và công nghệ công lập thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
|
Bộ Khoa
học và Công nghệ
|
Các bộ
ngành, cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
20.
|
Đề án phát triển kinh tế tuần
hoàn ở Việt Nam
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ
ngành, cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
21.
|
Chương trình hỗ trợ chuyển đổi
số trong doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025
|
Bộ Kế
hoạch và Đầu tư
|
Các bộ
ngành, địa phương và các cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
22.
|
Chương trình khoa học công nghệ
phục vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Bộ Khoa
học và Công nghệ
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
23.
|
Đề án xây dựng nguồn nhân lực
chất lượng cao phục vụ phát triển công nghệ cao
|
Bộ Giáo
dục và Đào tạo
|
Các bộ
ngành, địa phương và các cơ quan liên quan
|
2023
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
24.
|
Đề án đổi mới, nâng cao chất lượng
đào tạo nghề nông thôn
|
Bộ LĐ
TB và Xã hội
|
Bộ Nông
nghiệp và Phát triển nông thôn
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
25.
|
Chương trình nông dân khởi nghiệp
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ
ngành, địa phương và các cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
VI
|
Phát
triển hợp tác, liên kết các vùng, khu kinh tế, kết nối nông thôn - đô thị; đổi
mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh
|
26.
|
Quy hoạch hệ thống đô thị và
nông thôn thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050
|
Bộ Xây
dựng
|
Các bộ
ngành, cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
27.
|
Đề án thành lập mới các khu bảo
tồn biển, phục hồi các hệ sinh thái biển đến năm 2025, để đảm bảo diện tích
các khu bảo tồn biển, ven biển đạt 3% diện tích các vùng biển Việt Nam
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ
ngành, địa phương và các cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
VII
|
Phát
triển nông thôn; xây dựng xã hội nông thôn văn minh, hiện đại
|
28
|
Chương trình MTQG xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021 - 2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
29.
|
Chương trình mỗi xã một sản phẩm
(OCOP) giai đoạn 2021- 2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
30.
|
Chương trình phát triển du lịch
nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025
|
Bộ Văn
hóa, Thể thao và Du lịch
|
Các bộ,
ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
31.
|
Chương trình chuyển đổi số trong
xây dựng NTM, hướng tới nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Bộ TTTT
và các bộ, ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
32.
|
Chương trình tăng cường bảo vệ
môi trường, an toàn thực phẩm và cấp nước sạch nông thôn trong xây dựng nông
thôn mới giai đoạn 2021-2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
33.
|
Đề án cấp nước sạch nông thôn
giai đoạn 2021-2025
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành liên quan, các địa phương
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
VIII
|
Quản
lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên; bảo vệ môi trường sinh thái, cảnh quan
|
34.
|
Kế hoạch hành động thực hiện
cam kết của Việt Nam tại COP26 trong lĩnh vực nông nghiệp
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
35.
|
Đề án phát triển thị trường các
bon tại Việt Nam
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Bộ Tài
chính, các cơ quan liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
36.
|
Chiến lược bảo vệ môi trường quốc
gia giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2040
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Các bộ, ngành, địa phương liên
quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
37.
|
Quy hoạch bảo tồn đa dạng sinh
học quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
38.
|
Chiến lược quốc gia về tài
nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Bộ Tài
nguyên và Môi trường
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2024
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
39.
|
Quy hoạch phòng, chống thiên
tai và thủy lợi thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
|
Bộ Nông
nghiệp và PTNT
|
Các bộ,
ngành, địa phương liên quan
|
2022
|
Thủ tướng
Chính phủ
|
IX
|
Đổi mới
và nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý ngành nông nghiệp, nông thôn
|
40.
|
Xây dựng, khai thác vận hành cơ
sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức
|
Bộ Nội
vụ
|
Các bộ,
cơ quan liên quan
|
2021-2023
|
Chính
phủ
|
41.
|
Đề án tổng thể sắp xếp các đơn
vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2022 - 2030
|
Bộ Nội
vụ
|
Các bộ,
cơ quan liên quan
|
2022 -
2025
|
Bộ
Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ
|
Quyết định 150/QĐ-TTg năm 2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
PRIME MINISTER
-------
|
SOCIALIST
REPUBLIC OF VIETNAM
Independence - Freedom – Happiness
---------------
|
No. 150/QD-TTg
|
Hanoi, January
28, 2022
|
DECISION Appoving THE SUSTAINABLE AGRICULTURE AND RURAL
DEVELOPMENT STRATEGIES FOR THE PERIOD 2021 – 2030 WITH A VISION TOWARD
2050 PRIME MINISTER Pursuant to the Law on Governmental Organization
dated June 19, 2015; the Law on amendments to the Law on Governmental
Organization and the Law on Local Government Organization dated November 22,
2019; Pursuant to Conclusion No. 81-KL/TW dated July
29, 2020 of the Ministry of Politics on assurance about the national food
security until 2030; Resolution No. 34/NQ-CP of the Government dated March 25,
2021 on assurance about the national food security until 2030; Pursuant to Resolution No. 50/NQ-CP dated May
20, 2021 of the Government on Action Program on the Resolution of the 8th
National Congress of the Party; Pursuant to Resolutions of the Government: No.
75/NQ-CP dated July 14, 2021 on regular meeting of June 2021; No. 107/NQ-CP
dated September 11, 2021 on regular meeting of August 2021; Pursuant to Resolution No. 136/NQ-CP dated
September 25, 2020 of the Government on sustainable development; ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 HEREBY DECIDES: Article 1. Appoval for the sustainable agriculture and rural
development strategies for the period 2021 – 2030 with a vision toward 2050
(hereinafter referred to as “Strategy”), with the following primary contents: I. VIEWPOINT 1. Agriculture, farmers and rural areas have
strategic positions in the industrialization, modernization, national building
and defense; preservation and promotion of the national cultural identity and
protection of the ecological environment. Agriculture is the country's
advantage and sustainable foundation. The rural areas are important economic
development areas, the main space associated with natural resources, cultural
and social foundation in order to ensure national security and defense. Farmers
are an important workforce and human resource. The issues related to
agriculture, farmers and rural areas must be solved synchronously and
associated with the process of improving industrialization and modernization of
the country. 2. Agriculture shall be developed effectively and
sustainably in term of economy - society -environment. The advantages and
efficiency of resources (land, water, air, people, historical and cultural
traditions), science and technology and innovation shall be brought into play.
Agricultural production thinking shall be transferred to agricultural economic
thinking, high-value and diversified products shall be produced based on the
value chain in accordance with market requirements, cultural, social and
environmental values shall be integrated into products. Agricultural production
must be carried out responsibly, modernly, effectively and sustainably;
ecological, organic, circular agriculture shall be developed, carbon emissions
must be low, friendly with the environment and adaptable to climate change. 3. Civilized rural areas shall be developed, with
modern and synchronous infrastructure and services, with urban-oriented basic
life; good cultural traditions shall be preserved and promoted, security and
order shall be maintained; environment and green, clean and beautiful
landscapes shall be developed. A diversified rural economy shall be developed
from actively creating rural livelihoods from non-agricultural activities,
creating formal jobs, narrowing the income gap between rural and urban areas
and reducing labor migration to big cities. New rural areas shall be developed
on the basis of promoting advantages and potentials which are suitable to each
region and closely associated with the process of urbanization in order to
ensure the substance, go into depth, efficiency and sustainability; focus on
development of new rural areas at village level in places with special
difficulties, ethnic minorities and mountainous areas. 4. Rural residents are the central subjects and
beneficiaries of rural development activities. Reform operation of farmers'
organizations to ensure practicality and efficiency, to support training.
Enable people to become the main force in the process of economic and social
development, management of natural resources and environment; to promote
internal resources and to create equal opportunities in accessing development
conditions and enjoying social welfare. The cooperative economy development is
the driving force for connecting the household economy. Develop a generation of
professional farmers and building a skilled and knowledgeable rural workforce
in order to meet new development requirements. The community development is a
basis of developing rural areas and contributing to manage effectively natural
resources and environment, infrastructure; building a new lifestyle, promoting
the spirit of solidarity, “tương thân, tương ái, tình làng, nghĩa xóm”,
self-reliance and creativity of rural people. 5. Continue to complete socialist-oriented market
economy institution in the agricultural and rural fields. Increase mobilization
of resources for development in agriculture and rural areas through
public-private partnership; create conditions and support for economic sectors
investing in agriculture and rural areas. II. Objectives ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Developing a commodity production agriculture
together with agricultural development based on local advantages, towards
modernization with high productivity, quality, efficiency, sustainability and
competitiveness among the leading groups in areas and on the world, firmly
ensuring national food security, making an important contribution to
socio-economic stability, preventing and controlling natural disasters and
pandemics, protecting the environment, responding to climate change and
effectively implementing international commitments on reducing greenhouse gas
emissions. Improving income, life quality, role and position of people involved
in agricultural production; creating non-agricultural careers to develop
diversified livelihoods, reduce poverty sustainably for rural people and ensure
equal development opportunities among regions. Ensuring comprehensive and
modern development of rural areas in association with urbanization; developing
rural areas with synchronous infrastructure and social services that are close
to those of urban areas; preserving and promoting national cultural identity;
building green, clean, beautiful rural areas; ensuring security and order.
Developing agriculture and rural economy in association with building new rural
areas according to the organic agriculture with high effectiveness, modern
rural areas and civilized farmers. 2. Specific objectives until 2030 - Growth of GDP from agriculture, forestry and
fishing is expected to reach an average of 2,5% - 3%/year, growth of labor
productivity in agriculture, forestry and fishing is expected to reach an
average of 5,5 - 6%/year. - Expand and develop markets, especially export
markets. Growth of the export value of agricultural, forested and aquatic
products is expected to reach an average of 5 - 6%/year. - Increase people’s income; achieve sustainable
poverty reduction. Rural residents’ income is expected to be 2.5 - 3 times
higher than in 2020. Percentage of multidimensional poverty households in rural
areas is expected to decrease on average by 1-1.5%/year. - Proportion of agricultural workers in the total
social workers is expected to decrease to less than 20%, percentage of trained
agricultural workers is expected to reach over 70%. - In the whole country, at least 90% of communes
will meet the new rural standards, of which 50% of the communes will meet the
newly enhanced rural standards; more than 70% of these district-level units
will satisfy new rural standards, of which 35% of these district-level units will
be recognized to satisfy new-advanced rural standards. - Develop environmentally friendly and green
agriculture; adapt to climate change, reduce rural environmental pollution,
strive to reduce greenhouse gas emissions by 10% compared to 2020. The forest
cover rate is expected to remain sustainably at 42%, the forest area with a
certificate of sustainable forest management is expected to reach over 1
million hectares. Area of marine and coastal conservation zones is
expected to account for 3-5% of the natural area of the national territorial
waters. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Vietnam is expected to become one of the leading
agricultural countries of the world with a modern, efficient and
environmentally friendly agricultural product processing industry. Rural areas
will no longer have poor households and will become a "worth-living",
civilized, green, clean and beautiful place with rural residents’ living
conditions and incomes comparable with those of the urban area. III. ORIENTATION AND TASKS FOR
SUSTAINABLE AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT 1. Completing the structure of agricultural
production in association with competitive advantages and market requirements Research, identify specifically and prioritize
focus on promoting the development of agricultural products with advantages of
each region and area according to 3 product groups (national flagship products,
provincial flagship products and local specialties) in association with the
development of concentrated and large-scale commodity production areas
according to the standards and requirements of the market, provide enough raw
materials for the processing industry; develop infrastructure, organize
synchronous support services, uninterrupted logistics system; reform production
and business according to the value chain and promote close cooperation and
association between areas in each region and among regions, connect the global
value chain. - Orientation by flagship products: + For national flagship products: Focus on building
concentrated and large-scale commodity production areas through investment
support to complete infrastructure, ensure pandemic safety, uniformly apply
technical standards for sustainable production (VietGAP), GlobalGAP, etc.) or
apply according to specific requirements of each market; ensure the
digitization of growing and farming areas, business and processing
establishments; form "commodity councils" to unify management and
development and ensure the balance of supply and demand; own the supply of main
raw materials (seeds, fodder, fertilizers) and develop a brand or a national
brand group. + For provincial flagship products: Formulate
planning and development investment plans to balance demand and meet market
requirements; promote production according to good and equivalent production
processes, intensify processing to diversify products, develop products with
geographical indications and clear traceability. + For the small-scale local specialties: focus on
specialties in order to promote the local identity and advantages in association
with developing new rural areas following the model “one commune, one product”
(OCOP). Complete products according to standards, technical
regulations, packing, labels associated with traceability, local brands and
trademarks; strengthen the application of digital technology in product
management and trade to gradually promote the OCOP Vietnam brand in the
domestic market and towards the export market. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 + Crop production: innovate the crop structure and
implement a more flexible management regime for agricultural land use purposes
in order to promote the advantage of the strategic production industry to
satisfy domestic demand and export. Prioritize the development of crops with
comparative advantages and great demands (industrial crops, tropical fruit
trees, high-quality rice, etc.), take appropriate steps to promote the
development of potential plants such as medicinal plants, ornamental plants,
edible mushrooms, etc. Take advantage of available conditions to reasonably
develop less advantageous plants for processing and domestic consumption
(maize, cotton, tobacco, subtropical fruits and vegetables, soybean). + Animal husbandry: Satisfy demands for essential
food of the domestic market; develop commodities that have potential and high
demand such as poultry, eggs, and dairy; maintain pig and cattle breeding.
Develop breeding of cattle, poultry, natives, high-value specialties, ensure
food safety, environmental sustainability, biosecurity and epidemiological
safety. Develop intensive animal farming applying high technology in farms and
large enterprises while encouraging traditional household farming with
improvement towards professionalization and organic animal farming. Develop
concentrated livestock areas that are far from densely populated areas and
where environmental treatment and pandemic prevention are convenient. Identify
orientations, solutions and roadmaps for mastering the technology for
production of breeds, feed, veterinary medicines, processing, etc., for
important industries such as pigs, poultry, dairy cows, improve
competitiveness, satisfy domestic demands, gradually replace the production
models with low value added and with depending on inputs and outputs.
Effectively manage and use livestock waste, promote circular economic models in
animal husbandry. + Aquaculture: Develop the aquatic industry into a
strategic production industry, satisfy domestic demands and export, in which: . Develop the aquatic industry towards
industrial-focused farming with large-scale production establishes applying
modern technology and small-scale households applying improved technology,
organic farming, cooperate with cage farming, concentrated ponds and plant
rotation / interplantping, etc. Develop primary specialized farming areas for
strategic products such as shrimp and pangasius. Apply technology towards
recycling wastewater from aquaculture and seafood processing, reduce pressure
on the environment. Complete irrigation system for aquaculture in specialized
farming areas. Form effective association between large production enterprises
and small production farmers through cooperative economic development in order
to support the producers' legitimate interests. Be proactive in the supply of
essential inputs (breeds, feed and medicines) and seafood processing.
Strengthen inshore aquaculture development combined with planting and
protecting mangrove forests. Promote mariculture to become a large-scale,
modern, efficient and sustainable commodity production industry associated with
marine economic development, ecological environment protection, security and
defense. . Develop effectively and sustainably offshore
fisheries on the basis of gradually reducing fishing strength, balancing
aquatic resource reserves, replacing livelihoods of the fishing community into
aquaculture development, seafood processing, tourism services, etc. Reorganize
inshore fisheries and reasonable inland fisheries. Strengthen the protection,
regeneration and development of aquatic resources associated with biodiversity
conservation. Continue to apply science and technology and develop cooperative
economy to attract enterprise investment for modernizing the management of
aquatic resources and fishing fleet and completing investment in fishery
infrastructure services in fishery areas and islands. + Forestry: Build the forestry industry to truly
become a modern and highly effective economic and technical sector, raise
people's incomes, contribute effectively to socio-economic development,
ecological environment protection, water security, natural disaster mitigation,
effective response to climate change, maintain defense and security, in which:
focus on close management, protection and sustainable use of existing natural
forests; promote natural regeneration, improve the quality of special-use
forests and protection forests, especially environmentally sensitive areas;
develop ecotourism and economy under forest canopy to contribute to natural
disaster and climate change prevention and control. Improve the business
quality and efficiency for production forests; form a number of concentrated
specialized farming areas meeting sustainable standards to satisfy basically
raw materials for wood processing and handicraft production. Promote the
development of non-wood forest products, medicinal plants under forest
canopies, forest environmental services (including exchange and trade in carbon
credits from forests), ecotourism, scientific research, agroforestry. Authorize
organizations, communities, individuals and households to manage and use
forests and forest land to maximize social resources in the management,
protection, development and sustainable use of forests and land areas planned
for forestry and improvement people's livelihoods. 2. Organizing important stages in production to
improve efficiency and ensure sustainable development - Complete research, selection, transfer and
application of plant, animal and aquatic varieties with high productivity,
quality and tolerance; conserve and develop indigenous varieties. Develop a
system of producing and trading varieties to meet the requirements of quantity
and quality for mass production. Encourage all economic sectors to invest in
variety production towards modern industry; promote public-private partnership
in the supply of quality and disease-free varieties. Promote international
cooperation, import good varieties suitable for Vietnam's conditions; strengthen
the management of varieties in order to quickly increase the use of variety in
conformity with technical standards for production. - Innovate methods for management, use and trading
of agricultural materials towards professional and responsible agricultural
production; increase the use of organic fertilizers, microbial fertilizers,
biological plant protection drugs, etc. Develop programs for integrated plant
health management (IPHM) and use of beneficial organisms for key plants to
protect production, control soil degradation, and protect soil
"health", human and animal health and ecological environment.
Increase the use of domestic agricultural products and processing by-products
to produce animal feed, aquatic products, organic fertilizers, etc., in order
to reduce dependence on imports. Research and master the processes for
producing drugs, chemicals and vaccines used in agriculture to proactively and
promptly supply and respond to pandemics. Form agricultural material production
and business associations to cooperate with State authorities in operating,
inspecting and supervising the production, circulation and use of agricultural
products in a transparent and efficient manner. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Focus on building specialized production areas to
ensure sustainable standards and meet each market category. Form some
industrial zones and clusters and services serving agricultural production
(warehouses, yards, processing plants, hatcheries, etc.) to associate
production zones with processing and trading zones. Build high-industrial
agricultural zones. Build inspection and warning systems to ensure safety in
production. Connect traffic with logistics between regions with the main market
or border checkpoints. - Develop industry of the production of products,
raw materials, machineries and equipments serving production, processing and
consumption to ensure prompt supply, quality and reduction of agricultural
production costs. Prioritize the development of the processing industry,
increase the proportion of deep processing to reduce costs and increase the
value of agricultural products. Invest in improving processing capacity,
preservation and logistics services for main specialized farming areas, focus
on national strategic agricultural products. Form concentrated material areas
to supply enough raw materials to ensure quality standards for processing
facilities. Attract leading enterprises with enough capital, science and
technology and market capacity to effectively lead value chains in order to
develop clusters of production, processing and consumption in localities and
regions having large agricultural production, convenient transportation, labor
and logistics to create conditions for the growth of these localities. 3. Promoting cooperation and association to develop
value chains and advanced agricultural models - Rapidly convert from developing
"agricultural product supply chains" to developing "commodity
value chains". Prioritize completion of value chains for national flagship
products industries to support building of value chains for local flagship
products industries. Based on large-scale specialized areas of agricultural
flagship products, develop cooperatives, gradually reduce intermediaries,
strengthen connection with large processing or trading enterprises to form
value chains; use the value chains of agricultural products to connect with
small specialized farming areas to form a common economic space among areas
with similar conditions and "crossing" of administrative boundaries.
Associate contributing factors in the chain in a manner of transparency,
responsibility and benefit sharing according to the value contribution levels. - Promote experiment and propagation of new
agricultural production models to be models for specialized farming areas and
meet market requirements such as: ecological agriculture, green agriculture,
saving of resources and reduction of waste; organic agriculture, circular
agriculture, smart agriculture, high-tech agriculture, agro-industry
(agricultural product processing, recycling of waste and by-products, renewable
energy production, etc.), agro-service (experience tourism, environmental
protection services, training services and technology transfer provision,
agribusiness services, etc.). Effectively evaluate these models to draw
experience, scale up, and introduce new technologies and management. 4. Developing rural economy to create jobs and
increase incomes for rural populations Along with agricultural development, focus on
developing rural economic, transforming the labor structure towards
non-agriculture to solve jobs and ensure incomes: - Invest in the development of industrial zones,
industrial clusters and services in rural areas with policies to attract
investment to encourage industrial and service enterprises to invest in rural
areas, especially labor-intensive industries and to gradually reduce migration
of workers from rural to urban areas by encouraging people to find work in
their hometowns. Accelerate the process of urbanization in regional centers to
reduce migration to two main cities, Hanoi and Ho Chi Minh City. - Formalize “unofficial labor" originated from
agriculture; develop policies to actively register and manage workforces
combined with the digitization of residential identification. Support the
formation of official economic organizations (cooperatives, enterprises,
registered households, organizations of farmers' association, etc.) in order that
workers have official labor contracts. Develop organizations of farmers and
workers (performing farmers' association activities, organizing trade unions,
labor unions that are suitable for professions and fields) to protect basic
rights and effectively support workers in skills training associated with the
needs of the market, in equipment of degrees, loans, social insurance support
and in access to the official labor market. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Improve efficiency and income from agricultural
production, gradually form a team of professional farmers, create conditions
for farmers to develop the economy, farms and economic cooperation. Encourage
and have support policies for farmers in specialized farming areas to
participate in certified training programs to produce products that meet
quality standards and new market requirements (landscape agriculture,
responsible agriculture, organic agriculture, high-tech agriculture, etc.) and
have supportive policies such as preferential credit, insurance support,
connective support, consumption of agricultural products, etc. Through
cooperatives and farmers' associations to develop programs and organize free
training classes to improve professional qualifications in occupational safety,
environmental protection, use of mechanized machinery, proper use of
fertilizers and chemical drugs, use of information technology under their
management, ... 5. Developing civilized and modern rural areas
associated with urbanization, preserving traditional culture - Upgrade and modernize rural infrastructure to
ensure rural-urban connectivity. Focus on building, perfecting and maintaining
essential infrastructure for rural socio-economic development, prioritize
investment in the transport systems, irrigation, information technology
infrastructure, trade, health, education, culture and sports; encourage
investment in the concentrated clean water supply works in the form of
socialization. Maximize private investment and investment in a form of
public-private partnership associated with improving efficiency of management
and use of public investment capital. - Innovate the operation contents, improve the
efficiency of the New Rural Development Program in accordance with the
development level, culture and specific conditions of each region to ensure the
substance, to go into depth, effectiveness, sustenance and to avoid unfocused
investment and wastefulness. Concentrate investment resources, invest in
communes and districts that have not yet met the new rural standards,
especially in safe zone communes, communes that meet less than 15 criteria;
support communes that have met new rural standards to continue maintaining,
perfecting and improving the quality of the criteria to ensure sustainability.
Encourage to build enhanced new rural areas and model new rural areas in order
to create a green, clean, beautiful, safe rural environment and landscape with
richness of traditional cultural identities; to improve rural political system;
to maintain national defense and security and order and to make the rural areas
"worth living places". Build a smart new rural area applying information
technology and digital technology to fundamentally change management,
administration and supervision of government agencies; production and business
of enterprises, cooperatives and craft villages in order to narrow the gap
between basis social services and modern social services. - Diversify the program of building new rural areas
in accordance with the advantages of regions, circumstances and local
development opportunities in 3 directions: + Communes in peri-urban areas with the majority of
non-agricultural economy and strongly developed services, trading and
infrastructure will tend to urbanization. Develop urban agriculture, gradually
improve infrastructure, develop social services with qualities close to those
of urban areas, form "green cities", "ecological urban
areas". Develop satellite urban areas to reduce the load on the main urban
areas and gradually bring the developmental urban areas to rural areas. + Communes in large commodity agricultural
production areas such as those in the Mekong River Delta and the Central
Highlands will build specialized farming areas that meet technical standards,
have infrastructure and processing and service industry clusters serving
production and business. Support connecting infrastructure with major markets, transit
zones, and large logistics services, domestic and international markets.
Develop rural residential areas dispersed according to production areas and
harmoniously connected to urban areas to ensure the provision of socio-economic
services. + Traditional rural communes such as those in the
Northern mountainous region, some regions in the Red River Delta and other
regions will continue to develop local specialties and craft villages; to
develop rural tourism and service economy on the basis of maintenance and
promotion of their local culture. Develop essential infrastructure, especially
for disadvantaged areas and ethnic minority areas. Develop concentrated
residential areas with scales suitable for connection with urban areas of
localities and regions. 6. Inclusive development, assurance of equity of
social welfare in rural areas ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Implement effectively sustainable poverty
reduction policies, diversify resources and methods for reducing poverty,
complete hunger eradication and aim for poverty eradication. For the poor in
advantage areas, create conditions to provide resources and create livelihoods
so that they can confidently and proactively rise up to improve their lives.
For poor localities, extremely difficult areas and ethnic minority areas,
prioritize supporting and expanding social security coverage to all vulnerable
and disadvantaged groups. 7. Developing a strong community to act as the key
for rural development and agriculture production - Strengthen good cultural traditions and diverse
community relations in rural areas (villages, family lines, associations...) to
actively promote internal strength and spirit of autonomy, pride, solidarity
and creativity in life activities, economic development, rural tourism
development to increase the efficiency of social management and natural
resources. Support and promote the role of the community and people in
preserving and developing the good traditional culture of the locality,
fighting to push back against inappropriate unsound customs and foreign culture
and practically promoting the movements “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống
văn hóa ở khu dân cư gắn với xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh”
("All people unite to build cultural life in residential areas associated
with development of new rural areas and civilized urban areas"), “Toàn dân
bảo vệ an ninh Tổ quốc” ("All people protect the country.") - Continue to promote and improve the quality and
efficiency of the formulation and implementation of the Democratic Regulation
at facilities; promote the role of community organizations, conventions,
treaties, encourage community involvement in order to create motivation to
stimulate people's strength and resources in the process of developing
production, building new rural areas, managing and protecting forests and
natural resources and maintaining security and order at the facilities. Have
policies and prioritized resources to facilitate the training of officials
formally serving community development and rural development at all levels
(especially at the facility level) with appropriate programs and forms. 8. Protecting the ecological environment and
landscapes in order to adapt to climate change - Develop rural landscapes associated with smart
eco-villages, promote advantages of each locality, and ensure green, clean,
beautiful, friendly and natural harmonious landscapes. Plan reasonably spaces
in order that production industries that have great impacts on the environment
such as livestock, aquaculture and fishing, agricultural product processing,
slaughter, waste treatment, etc. will go away from urban areas, densely
populated areas, resorts, etc. Focus on replanting protected and special-use
forests, develop nature reserves and reservoirs to closely protect ecologically
and environmentally sensitive areas. - Gradually reduce the pressure of socio-economic
development on the environment with solutions such as: terminate the abuse of
chemicals and synthetic materials that are difficult to decompose; facilitate
the regeneration of basic resources such as land, water and energy (renewable
energy production, rainwater accumulation, waste treatment at households and
production facilities, etc.); promote deep processing, take advantage of
agricultural by-products to proactively handle pollution at the source.
Regularly survey and evaluate marine biological resource reserves to regulate
fishing capacity; identify solutions to regulate saltwater intrusion at
estuaries according to the principle "No regrets" to maintain the
ecological balance of rivers and seas, ensure the ability to regenerate
biodiversity and maintain the capacity to clean up natural pollution. - Proactively adapt to climate change by applying
adaptive farming measures (developing aquaculture in areas of rising sea
levels, saltwater intrusion; switching to plant crops and shallow crops in
places where rainfall is reduced, etc.); widely apply environmentally friendly
technical measures (minimally tilling the soil, smartly putting down fertilizer
and spraying chemicals, saving water in irrigation, saving water in animal husbandry,
using plant varieties and livestock that are resistant, etc.). Increase the use
of microbiological or organic materials, apply smart techniques and circular
economy to save inputs, develop the potential of renewable energy production
combined with agriculture to reduce fossil fuels and carbon emissions.
Strengthen reforestation, develop onshore perennials with large biomass and
grow seaweed at sea to absorb carbon. IV. MAIN MEASURES ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Continue to propagate and raise awareness of the
Communist Party and State's guidelines on the role of agriculture, farmers and
rural areas in the new development period, on agricultural restructuring and
new rural development towards ecological agriculture, modern rural areas and
civilized farmers. Develop a dissemination program and unify awareness and
actions of each group with the following main contents: - Develop sustainable agriculture: Ensuring
development opportunities for future generations, adaptability and resilience
to changes, balancing and harmonizing environmental, social and economic
factors, renewing raw materials and energy, etc. in production. - Develop agriculture towards organic and
ecological agriculture: Applying environmentally friendly production processes,
protecting landscapes; using rationally and economically input materials and
resources, without adverse effects on the environment and human health;
respecting and applying natural laws to develop natural and diversely
agriculture. - Shift from production to agricultural economy
development. Shift from agricultural production to the multi-sector integrated
production of service and industry; from single-valued agricultural products to
multi-valued integrated products; from supporting producers to supporting all
contributing factors in the value chain. - High-tech agriculture: develop and apply
scientific and technical progress to improve productivity, value, quality,
adaptation, production effect, loss reduction, etc. Develop smart, accurate and
digital-technology applied agriculture, etc. - Develop responsible agriculture: Meeting
consumers' needs on food hygiene and safety, ecological environment and social
justice and adapt to climate change, etc.; protect the legitimate rights of
producers and traders and ensure fairness for small producers and disadvantaged
entities. Develop both the domestic market and export market. - Promote inclusive development thinking:
connecting agriculture with industry and services, connecting areas through the
development of "Clusters of industries", connecting domestic value
chains and global value chains; rural economy and urban economy, farmer
households and domestic and foreign enterprises, etc. - Organize dissemination, education, build
demonstration models, form consulting forces, develop textbooks to gradually
transform thinking from central to local, all contributing factors in the
industry. Assign research agencies, industrial media agencies, universities,
colleges, vocational schools and relative central and local agencies
development and deployment of plans on dissemination and campaign. 2. Innovate production and business organizations,
complete production relationship ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Continually innovate and develop cooperatives to
become an important economic factor in production and consumption, connect
components in the value chain, especially enterprises. Formulate and implement
breakthrough policies to develop "large-scale farmer households" such
as land allocation, support for developing infrastructure, training, borrowing
investment capital, etc.; support cooperatives in both buying and distributing
inputs, connect with enterprises consuming output agricultural products and
provide production services including credit. Encourage and support
cooperatives in developing into enterprises; cooperatives actively build
agricultural commodity value chains, etc. Build a union of cooperatives which
have a same product category or join a same value chain in order to increase
scale and improve efficiency. - Form a system of enterprises investing in
agriculture and rural areas that play pivotal role (supplying input, processing
and trading) in association with farmers in order to lead the value chain and
develop the market. Develop a commodity ecosystem that connects large
enterprises with small enterprises. Build and develop entrepreneurship
incubation centers. - Promote roles of associations in researching,
expanding market and supporting authorities in negotiating and opening markets
for agricultural exports. Research and build commodity coordination boards with
the participation of representatives of contributing factors such as production
households, cooperatives, enterprises, the state, etc. Complete rearrangement
of state-owned enterprises and agriculture and forestry companies. 3. Improve the quality of vocational training;
qualifications, efficiency of research, application and transfer of science,
technology and innovation - Reform organization and improve the quality of
vocational training for farmers and young rural workers who want to start a
business with agricultural skills and new skills to meet requirements of the
Industrial Revolution 4.0 and digital transformation and economy towards
"intellectualizing farmers"; strongly bring into play the creative
potential of rural people; strongly shift to training according to needs of
enterprises and the market to promote labor restructuring associated with job
creation, trends and needs of rural economic restructuring of each region. - Increase public investment in research,
application and transfer of science and technology in agriculture, strive to
reach 5% of total investment in agriculture. Prioritize synchronous investment
in technical infrastructure serving scientific research, technology application
and human resource development. Invest in some basic research institutes and
schools to become research and training units on a par with those of other
countries in the region. Have appropriate mechanisms and policies to socialize
and encourage enterprises and mobilize all legal resources to invest in science
and technology in agriculture; form some venture capital funds for small and
medium enterprises, technology application funds for farmers and farms. - Promote focused scientific research in
association with the transfer and application of new and advanced technologies
and digital transformation, consider this as one of the driving forces and
solutions that determine the success of the agricultural restructuring.
Concentrate resources to effectively execute some major research programs,
including: Program on research and production of varieties serving agricultural
restructuring for the periodof 2021 - 2030, Program on development of
agricultural flagship products, project on development of the agricultural
bio-industry up to 2030. Prioritize research and development of production
systems that efficiently and economically use natural resources, are
environmentally friendly, adapt to climate change and reduce greenhouse gas
emissions; develop intensive processing technology, preservation technology,
reduction of loss and wastage in food systems. Accelerate the application of
high technology and the fruits of the 4th Industrial Revolution including
biotechnology, digital technology and information technology in all stages of
the value chain, synchronously connect with industries, other fields to form
smart agricultural production, precision agriculture; effectively use
resources, labors, enhance added value, competitiveness and sustainable development
of the industry. - Improve legal environment for activities of the
agricultural science and technology market specified in intellectual property
right assurance towards accelerating the enforcement of the law on intellectual
property to ensure conformity with production and harmony with international
regulations. Develop intermediary organizations connecting technology
(technology exchange, trading centers, innovation promotion and support
centers, intellectual property valuation centers, technology incubation center,
etc.) to provide service of information, consultant, and technology agency for
new enterprises, farms, cooperatives. Have suitable mechanisms and policies to
encourage organizations and individuals participating in investment and
private-public partnership in research, transfer, application of high
technology to research, transfer technology and science, traceability and food
safety control. Connect research institutes with universities; build some
specialized research institutes (branches) in concentrated production areas. Innovate public scientific research organizations
towards improving autonomy; promote mechanisms of ordering and bidding for
science and technology tasks in order to widely encourage many stakeholders to
participate in research, transfer and application of science and technology
(state - research institutions - enterprises –transfer organizations and
farmers) in order to closely associate with practical requirements, ensure
public, transparent and efficient investment. The State has encouraged and
supportive policies for enterprises participating in technology and science
research and for famers joining in innovation. Improve mechanisms for managing
state funding for scientific researches, including product all-inclusive
contracting mechanisms. Improve the quality of human resources in science and
technology, adopt policies on appreciating and developing the scientific
research force to avoid brain drain in public service providers and to foster the
force of specialized experts. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Focus on improving a system of technical
regulations and national standards serving control over agricultural material
quality, food safety, specialized construction investment; harmonize regional
and international standards to promote the expansion of agricultural product
export markets. 4. Develop domestic and foreign markets in order to
ensure sustainable outputs for agricultural products. - For the domestic market: Innovating domestic
agricultural product distribution systems; connecting systems of modern and
traditional retailing, distribution, processing with agricultural product
supply chains associated with specialized farming areas to bring agricultural
products into domestic markets, supermarkets and shopping malls. Form a system
of wholesale markets associated with logistic chains in key agricultural
production areas. Modernize market systems in accordance with specific customs
and conditions of each administrative division, well carry out the traceability
of origins and quality of goods and ensure food safety. Support investment in
developing infrastructure, equipment system and operating funds so that farmer
organizations and cooperatives can actively build retail business systems in
the main domestic markets. Promote consumption of domestic products, adopt
policies to support production and business units in developing e-commerce, and
develop distribution channels to connect between production areas and the final
consumer market. - For the import-export market: Actively promote
opportunities to sign Free Trade Agreements to stabilize traditional markets,
expand new markets and avoid dependence on a few markets. Discourage
unregistered small scale business, promote registered business; develop freight
transportation chains directly connected by railway and seaway. Functional
agencies actively cooperate with enterprise associations in resolving and
removing technical barriers and international legal disputes. Decentralize and
empower commodity associations and enterprise associations to actively participate
and ensure the effectiveness of trade promotion activities. Develop a mechanism
for providing effectively and promptly information so that businesses and
producers can proactively adapt to changes in policies and international trade
commitments. Strongly control agricultural product import, ensure food safety,
biological safety and practicable protect domestic production. - Develop an agricultural product market
information system meeting requirements of large-scale and modern commodity
agriculture with intensive international integration. Improve capacities to
forecast, assess and warn about market information of agricultural flagship
products, promptly provide information so that authorities, enterprises and
people can proactively adjust production in accordance with market
requirements, minimize good oversupply, congestion of goods and disruption of
the supply chain. Apply digital technology to control strongly supply in main
agricultural production areas, assess demands of the domestic and foreign
markets, and supervise circulation and preservation of goods in main trade
border gates. Support market access capacity for small businesses, cooperatives
and farmer households (developing maps, establishing planting area codes,
packing facility code, protecting intellectual property, branch protection,
etc.). 5. Develop and complete infrastructure - Develop multi-purpose irrigation with priority
given to irrigation works serving aquaculture, upland crops, and high-tech
production areas in association with field development. Continually develop,
repair and upgrade natural disaster and climate change prevention and control
systems (controlling and preventing flood, drought, erosion, salinity, etc.);
ensure water security and dam safety. Apply effective water control and use
technology for water-saving irrigation, groundwater exploitation control,
transfer and storage in areas lacking domestic water, reuse of water for
aquaculture, storage and supply of water for fighting forest fire. Store water
in rainy seasons and move them to areas lacking freshwater in dry seasons at
the seasides and mountainous regions. - Develop fishing port systems, upgrade anchorages
for ships and boats to avoid storms and upgrade fisheries service
infrastructure combined with infrastructure serving seafood processing. Upgrade
contact information systems to warn people and ships/ boats in the sea about
disasters. Invest in infrastructure for onshore and offshore aquaculture zones,
national and regional concentrated aquatic breeding establishments; aquaculture
testing and inspection. - Invest in develop and improvement forestry
infrastructure for forest protection and development; protect and conserve
biodiversity, environment and form the basis of attracting and supporting all
economic sectors to participate in forest development; give priority to the
development of watershed and coastal protection forests in order to prevent,
control and mitigate negative impacts of natural disasters and respond to
climate change. Develop a system of forestry roads linking large-scale and
concentrated raw material areas with processing factories; reduce
transportation costs, increase the value of wood products. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Prioritize investment in interior field traffic
infrastructure, traffic infrastructure connecting large-scale concentrated
production areas with provincial roads or national highways that connect
development spaces among regions, areas and administrative divisions to promote
connection of value chains. Develop infrastructure for cold chains, transport
of fresh agricultural products, preservation and post-harvest processing,
especially storage, preservation, cold storage and food storage. Invest in infrastructure, equipment and
laboratories serving veterinary and plant quarantine to ensure food safety.
Develop service and industry zones/clusters serving agriculture in association
with specialization farming areas and centers for collecting agricultural
products in agricultural product supply center production areas that connect
domestic market and international market, form a system of multi-functional wholesale
markets, agricultural flagship products exchanges, build cross-border logistics
centers. Develop environmental protection infrastructure (treating and
recycling of wastewater, garbage, reusing waste, by-products, etc.). - Gradually build a digital infrastructure system
for agricultural production and business, create conditions for rural
modernization. Develop a technology platform to develop electronic information
systems in education, healthcare, culture, tourism and e-commerce sectors. 6. Carry out innovations and improve the capacity
and effectiveness of state management - Execute the State administrative reform master
program for the period of 2021 - 2030. Reform and perfect the system of
industry management apparatus. Reform institution, administrative procedures,
management authorities that focus on formulating policies, strategies, laws,
promulgating technical regulations and standards, solving problems on market
development, production protection and climate change; limit interference by administrative
measures in production and business decisions that belong to capacities and
responsibilities of people and enterprises. - Concentrate human and resources on key management
tasks, create new values for the industry and strengthen decentralization for
administrative divisions. Reduce procedures, clarify information and process
work associated with specific responsibilities of each individual and
organization. Renew recruitment, training, use and appointment of officials and
public employees to ensure professional capacity quality, ethics and
responsibility. Develop a team of agricultural leading experts and scientists,
form a mechanism of official and regular policy dialogue and consultation
between experts, representatives of farmers and enterprises and industry
management agencies. - Renew systems of organization and management of
public service providers towards thoroughly granting them autonomy,
self-responsibility and investment rights according to contribution efficiency.
Promote socialization and decentralization for farmer organizations,
cooperative economy and private sectors to participate in providing public
services (agriculture extension, scientific research, market information, etc.
associated with cooperative economy, commodity councils, enterprise
associations, etc.). Encourage economic sectors in developing consultation
systems and technical services to serve customers in convenient production
areas. Muster officials and state funding serving production protection
services (veterinary, plant protection, fisheries resources protection,
rangers, disaster prevention, etc.) to prevent and control epidemics and manage
risks Simultaneously cooperate quarantine, forecasting, warning, direction of
intervention and advice on border gate prevention and control, cargo control,
market control, domestic quarantine, production inspection and epidemic
information, etc. - Renew and enhance roles of the Farmers' Union and
the Cooperative Alliance to truly become representatives to protect rights and
serve farmers and cooperative members. Enhance the position and roles of the
Fatherland Front and socio-political organizations; professional associations,
bring social organizations in rural areas to participate in the process of
socio-economic development, environment and institutions in agriculture and
rural areas. Build a modern, democratic, fair and civilized community in rural
areas, encourage community involvement so that people may really play the
central and pivotal role of development process. 7. Promote digital transformation in rural
agriculture sectors ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 - Develop smart agricultural models applying
digital technology in rural agriculture. Develop agricultural product supply
chain management applying blockchain, manage agricultural products from
production, harvesting, preliminary processing, and preservation, transportation,
processing to consumption of them to create information transparency and ensure
product origin traceability. Build and replicate models of smart villages and
natural farming villages applying digital technology. Have programmes of assisting enterprises and
cooperatives in agricultural digital transformation. Increase investment and
application of information technology to build e-government. Develop
e-agricultural extension and e-commerce. Apply information technology and high
technology to information collection and management, data analysis and warning
of epidemics and natural disasters; management of raw material areas. - Develop an overall plan for the development of
database management systems and identity systems associated with managed subjects;
data standardization, agricultural and rural database update on the basis of a
synchronous big data, connect and perfect the production infrastructure system.
Gradually build a digital database system of agricultural production and
business (land management, digitization of planting areas, crops, livestock,
forests, fisheries, irrigation, market, epidemic and natural disaster
prevention, etc.). Build a system for digitizing the national database on
agriculture and interconnect it with the national database system on
population, economy, production infrastructure, technology, environment and
hydrometeorology, etc. as a basis for analysis, development of strategies,
planning and investment plans for smart and accurate agricultural
transformation. 8. Proactively adapt to climate change, manage
risks - Proactively respond to climate change to adapt
and develop agricultural production and business towards "natural
farming". Apply measures to reduce greenhouse gas emissions through the
efficient management and use of input resources; handle and reuse agricultural
by-products and wastes; sustainably manage and use existing forest area,
promote new reforestation (especially large timber forests) and natural
regeneration to increase forest coverage and ability to absorb and store
carbon; develop diverse ecological agriculture adapted to climate change;
encourage the application of modern technologies, plant and livestock varieties
with high resistance, establish close monitoring mechanisms to promote green
agriculture development and low carbon emissions. Strengthen research and
transfer of livestock and plant varieties adapting to climate change. Have
mechanisms for supporting and encouraging water-saving solutions. - Build a system of warning, forecasting and determining
risks as the basis of synchronous solutions, proactively protect water
production against risks of epidemics, natural disasters, environmental
pollution, etc. Improve recovery capacity of production system, ensure harmony
development principles of socio-economic-environmental interests. Have plans
for carrying out researches and focusing on determining solutions to respond
and repair undetermined risks according to scenarios for serious risks to
agricultural production and development such as major diseases causing
large-scale damage (avian influenza, African swine fever, etc.), dangerous
phenomena (river landslides, ground subsidence, saline intrusion, etc.),
adverse tendencies (population aging, spontaneous migration, etc.), etc. in a
national and local scale, ensure sustainable development and ensure that
agriculture is always the national sustainable foundation. 9. Integrate and cooperate with international
countries - Enhance the capacity and efficiency of agricultural
and rural international economic intergration, improve cooperation with nations
and international organizations in attracting assistance, developing markets
and accessing science and technology for the industry's development goals.
Improve the efficiency of mobilizing and using official development assistance
(ODA), grants from domestic and foreign organizations and individuals for
sustainable development; selectively attract foreign direct investment. - Disseminate and implement signed bilateral and
multilateral international treaties and agreements relative to agriculture and
rural areas; support and supervise the effective implementation of these
international treaties and agreements, especially those of the ASEAN Community
and FTAs. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 10. Formulate, complete and deploy some
breakthrough mechanisms and policies - Land policies Complete land policies based on market of rights to
use land as property according to the principles of favorable operation, low
transaction costs, create advantage conditions for farmers to expand production
scale and flexibly use agricultural land to create high income; create
advantage conditions for people to easily transfer, lease, and contribute
capital and mortgage in a unified transaction market. Assist efficient
production farmers in accumulating agricultural land for farming. Assist
cooperatives and cooperatives’ unions in buying, renting or receiving capital
accumulated from agricultural land of farmer households; withdraw labors from
agricultural areas to create a land funds. Include more properties on land that can be
recorded in the land use right certificate (such as greenhouses, net houses,
etc.). Add “đất phục vụ mục đích hỗ trợ sản xuất nông nghiệp” (“land for
agricultural production support") in the category of agricultural land for
production support. For the above land area, it is allowed to build
infrastructure serving agricultural pre-production and post-production
activities (such as agricultural equipment workshops, logistics, processing,
storage and preservation of agricultural products) on the agricultural land.
Gradually expand scope of entities eligible for possessing rights to
agricultural land use right transfer to organizations and individuals that have
adequate capital and technology potential and actually invest in agricultural
production according to the planning. Publicize clearly information about
planning concentrated agricultural flagship products production areas for
develop and deployment of land planning; review the structure of 3 types of
forests (production forests, protection forests, special-use forests) in
accordance with actual conditions. Study reform of the operation of the Land
Fund Development Center as a foundation to build a "Land Bank" to
support the use right transfer and promote property rights to agricultural
land. - Finance and credit policies Develop markets of finance, microcredit and new
financial service products, consolidate and expand the people's credit fund
system to ensure safety and efficiency. Research and assign credit tasks
serving agricultural production and rural life to Farmers' Associations and
Cooperative Unions, thereby providing credit support for production and
business development of farmer households; deploy financial products and
services to isolated, remote and disadvantaged areas. Diversify credit products
for agricultural and rural production, especially for agricultural production
with large-scale, application of high technology, according to value chain,
circular, organic, biological agriculture, etc. Extend types of loan collateral, adjust the
market-based pricing mechanism for properties formed on land for agricultural
production (farms, greenhouses, irrigation systems, etc.) and intangible
properties (intellectual and trademark property, etc.) to secure bank loan.
Implement a lending mechanism according to agricultural value chains associated
with production credit, investment loan, insurance and other financial services;
have an priority investment fund for hi-tech agricultural enterprises,
enterprises of preservation and processing, logistics services, commercial
infrastructure, startups and small agricultural enterprises. Widely apply and
diversify agricultural insurance products to create advantage conditions so
that people and enterprises may cope natural disaster and epidemic with risks. - Investment policies Increase public investment in agriculture, adjust
structure to increase rates of investment in science and technology, trade
infrastructure and human resource training, ensure regional connection and
sustainable agricultural production and adapt to climate changes. Adjust
strategies for investing in industry and service for agricultural and rural
development in advantageous regions and main specialized farming areas. Develop
industry serving agriculture (production of input materials, equipment,
machinery, agricultural product processing industry, etc.); agricultural
services (warehouses, specialized transportation, trade, logistics, etc.). Have
special incentives for the development of industries providing inputs and
consuming outputs that are decisive factors to create added value for strategic
agricultural product value chains, ensure that agriculture does not fall into
the “processing trap”. Reform mechanisms, simplify procedures, create
conditions and encourage to attract international aid, international and
domestic investment in agriculture and rural areas, especially isolated,
remote, disadvantaged and ethnic minority areas. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Decentralize and adjust tax and fee policies in a
more favorable manner for enterprises investing in agriculture and rural areas,
create more jobs for rural residents and increase budget revenue for communes
and districts. Reform tax incentives to create changes in allocating resources,
encouraging and attracting selective investment in order to develop areas with
difficult and extremely difficult conditions and some important industries.
Review, cut, reduce and simplify tax administrative procedures to shorten time,
reduce costs and increase efficiency of electronic tax registration,
declaration, transfer and refund and use of electronic invoices for
enterprises. Improve application of digital technology and information technology
to deploy administrative procedures relative to tax and fee such as tax
declaration, transfer and refund. - Human resource development policies Renew occupational training for farmers and rural
workers. Give the initiative to cooperatives, farmer organizations, local
communities and businesses in participating in requesting and developing
contents of training in skills of agricultural production, non-agricultural
professions, digital economy skills, new technologies, economic management
skills, trade promotion, natural resources and environment management,
production protection, foreign languages for guest workers, etc. based on
actual requirements to create jobs and suitable for trends of rural economic
restructuring. Provide leading experts with industry training. Provide
agricultural technicians managers with capacity training in skills of
negotiation, legality, market analysis, ecological management, responsibility
management, organic agriculture, agriculture cycle, smart agriculture, etc.
Develop training programs for "professional farmers",
"high-skilled workers". 11. Supervise and assess Organize supervision to improve the effectiveness
of the Strategy forming the basis for policy making, plan adjustment and prompt
resolution. Supervise programs, plans and projects for unscheduled, annual,
5-year-periodic and regular implementation of the Strategy. Review and adjust
the Strategy suitable for each actual stage and condition. Assessment of
results of implementing the Strategy shall ensure principles of independence
and objectivity. Build and implement a planning and supervising
system for agriculture and rural areas applying science and technology to
synchronously, accurately and promptly meet requirements for management and
planning and development of agricultural production and business. V. PRIORITIZED AND KEY
PROGRAMMES AND PLANS (Details are specified in the Appendix issued
herewith) VI. IMPLEMENTATION CAPITAL
RESOURCES ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 1. Annual state budget (costs for development
investment, recurrent costs) according to current state budget
decentralization. 2. Funding integrated in the National Target
Programs and public investment programs and projects for the period of 2021 -
2030. 3. Funding provided by foreign donors,
international organizations, domestic and foreign enterprises, organizations
and individuals and other legal costs. 4. Other financial resources according to the law. Article 2. Organizing and
implementing 1. The Ministry of Agriculture and Rural
Development shall take charge and cooperate with ministries, central
authorities and local divisions in organizing and implementing the Strategy; assigning
specific tasks to ministerial agencies and units and guiding local divisions to
implement; regularly urging and evaluating the implementation of the Strategy;
summarizing and reporting to the Prime Minister the request-based and annual
implementation results; organizing a preliminary review of the Strategy by 2025
and a summary of the Strategy by 2030. 2. The Ministry of Planning and Investment shall
synthesize, balance and report the development and investment capital
allocation priority for the period of 2021-2030 and plans in 5 years for the
agriculture and rural areas to the Government and the Prime Minister for
implementation of the Strategy. Take charge and cooperate with relevant
ministries, central authorities and local divisions in formulating and
deploying efficiently mechanisms and policies on encouraging enterprises to
invest in agriculture and rural areas; adjusting agricultural investment
structure. Actively review and propose amendments to mechanisms and policies on
attracting investment resources, invest according to public-private partnership
in agriculture and rural areas; mechanisms and policies to support cooperative
economic development. 3. The Ministry of Finance shall review and adjust
tax, fee and insurance policies (including agricultural insurance); simplify
tax administrative procedures towards creating favorable conditions for
producing, trading agriculture and attracting investment of all economic
sectors in agriculture and rural areas; form a rural credit system close to the
role of farmer cooperatives and organizations. Based on the central budget
balancing capacity, on the basis of the proposal of the Ministry of Agriculture
and Rural Development and relevant ministries and central authorities,
prioritize synthesis and arrangement specified in an annual recurrent cost
estimate of the central budget, require competent authorities to consider and
decide to balance and allocate costs specified in the cost estimates of
agencies and units in accordance with the Law on State Budget and guiding
documents for implementation the Strategy. 4. The State Bank of Vietnam shall continue to
effectively implement credit policies for agricultural and rural development.
Direct credit institutions to simplify procedures, balance capital resources in
order to meet capital needs and create conditions for economic sectors to
access credit resources for investment in agriculture and rural areas;
especially projects on high-tech agriculture, processing industry,
mechanization, development of organic and circular agriculture. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 6. The Ministry of Science and Technology shall
take charge and cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural
Development in deploying effectively Programmes of national products, hi-tech
science and technology development, national technology innovation and other
science and technology programmes which are assist in development of
agriculture and rural areas; review and adjust mechanisms and policies on
development of research, transfer and application of science and technology in
agriculture, especially hi-tech and digital technology; develop mechanisms
promoting socialization of science and technology development resources serving
agricultural and rural development; formulate technical standards and
regulations, provide guidance on application of modern management tools and
processes; assist in registration of protection, management, exploitation and
development of intelligence properties and products which are protected by
intellectual property right. Take charge and cooperate with relevant ministries
and central authorities in formulating Decree on policies on encouraging
agricultural product production and processing facilities in investing in application
and transfer of advanced and clean technology. 7. The Ministry of Natural Resources and
Environment shall take charge and cooperate with relevant ministries and
central authorities in proposing amendments to the Law on Land and other
relevant laws towards encouraging accumulation and concentration of land
serving large-scale agricultural production and agricultural land use right
market development. Cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural
Development in researching and providing advices to the Government on policies
and mechanisms serving green agriculture development, emission reduction and
effective response to climate change, effective use of natural resources,
environmental pollution abatement in rural agriculture areas and reservation of
biodiversity. 8. The Ministry of Information and Communication
shall take charge and cooperate with relevant ministries and central
authorities in researching and providing advices to the Government on
promulgation of policies and mechanisms serving agricultural digital
transformation and smart village and communes developing. Cooperate in
deploying contents of development of communication information infrastructure
and digital infrastructure for agricultural and rural development. 9. The Ministry of Labour, Invalids and Social
Affairs and the Ministry of Education and Training shall review and adjust
policies on agricultural and rural occupational training assistance in
association with agricultural economic restructuring; occupational training associated
with specific employers (enterprises, business facilities, cooperatives, etc.).
Cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in making
plans of human resource training, especially high-quality human resources for
agricultural production and business, processing and reservation of
agricultural products for meeting demands of restructuring agriculture and
developing new rural areas. 10. The Ministry of Home Affair shall take charge
and cooperate with relevant ministries, central authorities and administrative
divisions in researching policies on innovating and perfecting agricultural
management apparatus to innovate institution and procedures of managing,
innovate public service provider organization and management systems, promote
private sector involvement; enable organizations of farmers, partnership
economy and the private sector to participate in providing public services;
innovate social union activities according to the Strategy. 11. The Ministry of Culture, Sport and Tourism
shall cooperate with the Ministry of Agriculture and Rural Development in
formulating programmes and policies on agricultural and rural tourism
development in association with developing new rural areas; cooperate in
implementing activities promoting consumption of products belonging to the
Programme “One commune one product" (OCOP) on key tourism markets. 12. The People's committee of provinces and
central-affiliated cities, based on objectives and solutions of the Strategy,
shall develop Plans of implementing agricultural and rural development
strategies in the actual suitable provinces. Organize and effectively implement the central
policies issued, research and promulgate local specific mechanisms and policies
to promote the implementation and improve the efficiency of agricultural and
rural development. Arrange local budgets at all levels, mobilize resources from
economic sectors to invest in agricultural and rural development. ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 13. The Vietnam Fatherland Front, the Vietnam
Farmers' Union and socio-political organizations, associations, commodity
associations and occupational associations shall be proactive and cooperate
with the Ministry of Agriculture and Rural Development, ministries, central
authorities and administrative divisions in effectively implementing policies
on assisting the people, cooperatives and enterprises in implementing the
Strategy orientations; participate responsibly in communication, social
criticism and mobilize members and people to participate in agricultural and
rural development. Participate in proposing policies, mechanisms and measures
to encourage and support organizations and individuals that are members
participating in investment in agricultural and rural development. Article 3. This Decision comes into force from the date on which
it is signed. Ministers, Heads of Ministerial agencies, Heads of
Governmental agencies, Presidents of the People's Committees of provinces and
central-affiliated cities shall be responsible for implementation of this
Decision. PP. PRIME
MINISTER
DEPUTY PRIME MINISTER
Le Van Thanh APPENDIX LIIST OF KEY PROGRAMMES AND PROJECTS SERVING THE
SUSTANABLE AGRICULTURE AND RURAL DEVELOPMENT STRATEGIES FOR THE PERIOD 2021 –
2030 WITH A VISION TOWARDS 2050
(Attached together with Decision No. 150/Q D-TTg dated January 28, 2022 of
the Prime Minister) ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Name Governing body Cooperator Time Level I Implementing
breakthrough strategies on improving the system of institutions, policies and
planning for the period of 2021-2030 1. Land Law Project (amended) ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 Congress 2. Law Project amending the Law on Cooperatives in
2012 The Ministry of
Planning and Investment Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 Congress ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Area planning for the period of 2021-2030, with a
vision towards 2050 The Ministry of
Planning and Investment Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister
4. National marine planning for the period of
2021-2030 with a vision towards 2045 The Ministry of
Natural Resources and Environment Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Congress 5. Fishery resources protection and exploitation
planning for the period of 2021 – 2030 with a vision towards 2050 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister
6. Science and technology policy and mechanism
innovation project ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister II Promoting economic
restructuring associated with the renewal of agricultural growth models;
improving productivity, quality, efficiency and competitiveness; developing
digital agriculture 7. National Strategy on Nutrition for the period
2021 – 2030 with a vision towards 2040 The Ministry of
Health Relevant ministries
and central authorities ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister 8. National plan on transforming Vietnam's
transparent, responsible and sustainable food system The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 9. Project on developing key industrial crops until
2030 ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 10. Project on development of concentrated safe
vegetable production areas and assurance of origin traceability in
association with processing and consumption markets until 2030 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Project on developing national livestock
production database system The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 12. Project on developing sharing economy to promote
sustainable production and consumption for the period of 2021-2030 The Ministry of
Industry and Trade Relevant
ministries and central authorities ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister 13. Strategy for import and export of goods for the
period of 2021-2030 The Ministry of
Industry and Trade Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister III Reforming public investment structure, attracting
agricultural and rural development resources ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Small and medium-sized enterprise assistance
programme for the period of 2021-2025 The Ministry of
Plan and Investment Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister 15. Programme of assisting small and medium-sized
enterprise in participating in global value chains The Ministry of
Industry and Trade Relevant
ministries and central authorities ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister IV Developing infrastructure
for multi-value integration agriculture and modern and sustainable
agricultural development 16 Project on building a synchronous infrastructure
system in the period of 2021-2030 and implementing a breakthrough in the
country's socio-economic development strategy according to Resolution No.
13-NQ/TW The Ministry of
Plan and Investment Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Planning for system of fishing ports and
anchorages for avoiding storms for fishing vessels for the period of 2021 –
2030 with a vision towards 2050 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister V Developing human
resources; raising the level of research, applying and transferring science
and technology 18. Project "Strategy for developing science,
technology and innovation for the period of 2021 - 2030" ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant ministries
and central authorities 2022 The Prime Minister 19. Planning for the network of public science and
technology organizations for the period of 2021 – 2030 with a vision towards
2050 The Ministry of
Science and Technology Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Project on developing circular economy in Vietnam The Ministry of
Plan and Investment Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister 21. Programme for assisting digital transformation in
enterprises, cooperatives and household businesses for the period of
2021-2025 The Ministry of
Plan and Investment Relevant
ministries and central authorities, administrative divisions and agencies ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister 22. Programme for science and technology serving new
rural area developing for the period of 2021 - 2030 The Ministry of
Agriculture and Rural Development The Ministry of
Science and Technology 2022 The Prime Minister 23. Project on building high-quality human resources
for high-tech development ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries and central authorities, administrative divisions and agencies 2023 The Prime Minister 24. Project on innovating and improving agricultural
occupational training quality The Ministry of
Labor, War Invalids and Social Affairs The Ministry of
Agriculture and Rural Development 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Programme for entrepreneurship farmers The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant ministries
and central authorities, administrative divisions and agencies 2022 The Prime Minister VI Developing cooperation,
connecting regions, economic zones and rural - urban areas; innovating and
developing forms of production and business 26. Planning for system of urban areas and rural
areas for the period of 2021 – 2030 with a vision towards 2050 ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries and central authorities 2022 The Prime Minister 27. Project on new establishment of marine reserves
and restoration of marine ecosystems by 2025 to ensure that the area of
marine and coastal reserves reaches 3% of the area of Vietnam's
territorial waters The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant ministries
and central authorities, administrative divisions and agencies 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Developing agriculture
and developing civilized and modern rural areas. 28 Programme “Fatherland Front building new rural
areas” for the period of 2021 - 2025 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 29. Programme “One commune one product (OCOP)” for
the period of 2021-2025 ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 30. Programme “Agricultural tourism development in
association with developing new rural areas for the period of 2021 - 2025 The Ministry Of
Culture, Sports And Tourism Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Programme “Digital transformation in developing
smart new rural areas for the period of 2021-2025 The Ministry of
Agriculture and Rural Development The Ministry of
Information and Communication and relevant ministries, central authorities
and administrative divisions 2022 The Prime Minister 32. Programme for strengthening environmental
protection, food safety and rural clean water supply in building new rural
areas for the period of 2021-2025 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister 33. Project “Rural clean water supply” for the period
of 2021-2025 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister VIII Effectively managing and
using natural resources; protecting ecological environment and landscapes ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Plan “Action for implementing Vietnam's
commitments at COP26 in the field of agriculture” The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant ministries,
central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 35. Project “Development of Vietnam’s carbon market” The Ministry of
Natural Resources and Environment The Ministry of
Finance and relevant agencies ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 The Prime Minister 36. Strategy “National environment protection” for
the period of 2021 – 2030 with a vision towards 2040 The Ministry of
Natural Resources and Environment Relevant ministries, central authorities and
administrative divisions 2022 The Prime Minister 37. Planning “National biodiversity preservation” for
the period of 2021 – 2030 with a vision towards 2050 ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister 38. Strategy “National water resources” by 2030 with
a vision towards 2050 The Ministry of
Natural Resources and Environment Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2024 The Prime Minister ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Planning “Natural disaster and irrigation
prevention and control” for the period of 2021 – 2030 with a vision towards
2050 The Ministry of
Agriculture and Rural Development Relevant
ministries, central authorities and administrative divisions 2022 The Prime Minister IX Innovation and
improvement of the capacity and effectiveness of agriculture and rural areas 40. Development and operation of database of cadres
and officials ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66 Relevant
ministries and central authorities 2021-2023 The Government 41. General project on arranging administrative units
of provinces and communes for the period of 2022-2030 The Ministry of
Home Affairs Relevant
ministries and central authorities 2022 - 2025 The Politburo,
Secretariat, Government ... ... ... Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN. Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66
Quyết định 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
33.277
|
NỘI DUNG SỬA ĐỔI, HƯỚNG DẪN
Văn bản bị thay thế
Văn bản thay thế
Chú thích
Chú thích:
Rà chuột vào nội dụng văn bản để sử dụng.
<Nội dung> = Nội dung hai
văn bản đều có;
<Nội dung> =
Nội dung văn bản cũ có, văn bản mới không có;
<Nội dung> = Nội dung văn
bản cũ không có, văn bản mới có;
<Nội dung> = Nội dung được sửa đổi, bổ
sung.
Click trái để xem cụ thể từng nội dung cần so sánh
và cố định bảng so sánh.
Click phải để xem những nội dung sửa đổi, bổ sung.
Double click để xem tất cả nội dung không có thay
thế tương ứng.
Tắt so sánh [X] để
trở về trạng thái rà chuột ban đầu.
FILE ĐƯỢC ĐÍNH KÈM THEO VĂN BẢN
FILE ATTACHED TO DOCUMENT
|
|
|
Địa chỉ:
|
17 Nguyễn Gia Thiều, P. Võ Thị Sáu, Q.3, TP.HCM
|
Điện thoại:
|
(028) 3930 3279 (06 lines)
|
E-mail:
|
inf[email protected]
|
Mã số thuế:
|
0315459414
|
|
|
TP. HCM, ngày 31/05/2021
Thưa Quý khách,
Đúng 14 tháng trước, ngày 31/3/2020, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT đã bật Thông báo này, và nay 31/5/2021 xin bật lại.
Hơn 1 năm qua, dù nhiều khó khăn, chúng ta cũng đã đánh thắng Covid 19 trong 3 trận đầu. Trận 4 này, với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, chắc chắn chúng ta lại thắng.
Là sản phẩm online, nên 250 nhân sự chúng tôi vừa làm việc tại trụ sở, vừa làm việc từ xa qua Internet ngay từ đầu tháng 5/2021.
Sứ mệnh của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT là:
sử dụng công nghệ cao để tổ chức lại hệ thống văn bản pháp luật,
và kết nối cộng đồng Dân Luật Việt Nam,
nhằm:
Giúp công chúng “…loại rủi ro pháp lý, nắm cơ hội làm giàu…”,
và cùng công chúng xây dựng, thụ hưởng một xã hội pháp quyền trong tương lai gần;
Chúng tôi cam kết dịch vụ sẽ được cung ứng bình thường trong mọi tình huống.
THÔNG BÁO
về Lưu trữ, Sử dụng Thông tin Khách hàng
Kính gửi: Quý Thành viên,
Nghị định 13/2023/NĐ-CP về Bảo vệ dữ liệu cá nhân (hiệu lực từ ngày 01/07/2023) yêu cầu xác nhận sự đồng ý của thành viên khi thu thập, lưu trữ, sử dụng thông tin mà quý khách đã cung cấp trong quá trình đăng ký, sử dụng sản phẩm, dịch vụ của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Quý Thành viên xác nhận giúp THƯ VIỆN PHÁP LUẬT được tiếp tục lưu trữ, sử dụng những thông tin mà Quý Thành viên đã, đang và sẽ cung cấp khi tiếp tục sử dụng dịch vụ.
Thực hiện Nghị định 13/2023/NĐ-CP, chúng tôi cập nhật Quy chế và Thỏa thuận Bảo về Dữ liệu cá nhân bên dưới.
Trân trọng cảm ơn Quý Thành viên.
Tôi đã đọc và đồng ý Quy chế và Thỏa thuận Bảo vệ Dữ liệu cá nhân
Tiếp tục sử dụng
Cảm ơn đã dùng ThuVienPhapLuat.vn
- Bạn vừa bị Đăng xuất khỏi Tài khoản .
-
Hiện tại có đủ người dùng cùng lúc,
nên khi người thứ vào thì bạn bị Đăng xuất.
- Có phải do Tài khoản của bạn bị lộ mật khẩu
nên nhiều người khác vào dùng?
- Hỗ trợ: (028) 3930.3279 _ 0906.229966
- Xin lỗi Quý khách vì sự bất tiện này!
Tài khoản hiện đã đủ người
dùng cùng thời điểm.
Quý khách Đăng nhập vào thì sẽ
có 1 người khác bị Đăng xuất.
Tài khoản của Quý Khách đẵ đăng nhập quá nhiều lần trên nhiều thiết bị khác nhau, Quý Khách có thể vào đây để xem chi tiết lịch sử đăng nhập
Có thể tài khoản của bạn đã bị rò rỉ mật khẩu và mất bảo mật, xin vui lòng đổi mật khẩu tại đây để tiếp tục sử dụng
|
|