Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp Huế

Số hiệu: 20/2020/NQ-HĐND Loại văn bản: Nghị quyết
Nơi ban hành: Tỉnh Thừa Thiên Huế Người ký: Lê Trường Lưu
Ngày ban hành: 23/12/2020 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đang cập nhật Số công báo: Đang cập nhật
Tình trạng: Đã biết

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 20/2020/NQ-HĐND

Thừa Thiên Huế, ngày 23 tháng 12 năm 2020

 

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VII, KỲ HỌP CHUYÊN ĐỀ LẦN THỨ 13

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Nghị định số 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp;

Căn cứ Nghị định số 109/2018/NĐ-CP ngày 29 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ về nông nghiệp hữu cơ;

Xét Tờ trình số 10934/TTr-UBND ngày 03 tháng 12 năm 2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc đề nghị thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025; Báo cáo thẩm tra của Ban kinh tế - ngân sách và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2025.

Điều 2. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với các dự án, nội dung hỗ trợ đã được nghiệm thu theo các quy định tại Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế và các văn bản hướng dẫn liên quan thì được tiếp tục thực hiện cho đến khi hoàn thành hỗ trợ.

2. Đối với các dự án, nội dung hỗ trợ được thực hiện trong thời điểm Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế còn hiệu lực mà chưa được nghiệm thu thì được hỗ trợ theo các quy định tại Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này thay thế Nghị quyết số 01/2016/NQ-HĐND ngày 08 tháng 4 năm 2016 của Hội đồng nhân dân tỉnh về quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020.

Điều 4. Tổ chức thực hiện

1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết.

2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VII, Kỳ họp chuyên đề thứ 13 thông qua ngày 23 tháng 12 năm 2020 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 04 tháng 01 năm 2021./.

 

 

CHỦ TỊCH




Lê Trường Lưu

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN CƠ CẤU LẠI NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Nghị quyết số 20/2020/NQ-HĐND ngày 23 tháng 12 năm 2020 của Hội đồng nhân dân tỉnh)

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Nghị quyết này quy định các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP; hỗ trợ khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Đối tượng áp dụng

Các cá nhân, hộ gia đình, chủ trang trại, tổ hợp tác, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp; có sản phẩm tham gia chương trình OCOP; hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi là cơ sở sản xuất).

Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước trong thực hiện hỗ trợ chính sách; các tổ chức ngân hàng, tín dụng có liên quan hỗ trợ về lãi suất, tín dụng,... và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến thực hiện Nghị quyết.

Điều 2. Mục tiêu của chính sách

1. Mục tiêu chung

Chính sách là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện mục tiêu cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 đảm bảo phù hợp với chiến lược, định hướng phát triển chung của ngành trên phạm vi cả nước, phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới, kết hợp bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu để phát triển bền vững.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Đối với trồng trọt:

Đến năm 2025 tổng diện tích lúa chất lượng cao đạt 27.000 ha chiếm khoảng 50% diện tích lúa toàn tỉnh; diện tích sản xuất rau, hoa trong hệ thống nhà lưới, nhà kính ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 15 ha; phát triển diện tích cây ăn quả đạt khoảng 6.000 ha; tổng diện tích sản xuất trồng trọt theo quy trình VietGAP, hữu cơ đạt khoảng 1.000 ha.

b) Đối với chăn nuôi:

Đến năm 2025 tổng đàn gia súc đạt 255.000 con với tỷ lệ bò lai và lợn nạc so với tổng đàn chiếm trên 85% và 95%; tổng đàn gia cầm 5,4 triệu con; tổng số số cơ sở chăn nuôi tập trung đạt trên 1.500 cơ sở, trong đó số trang trại chăn nuôi đạt quy mô vừa trở lên khoảng 300 cơ sở. Số cơ sở sản xuất giống lợn có quy mô vừa trở lên khoảng 15 cơ sở với công suất 100.000 lợn giống/năm; cơ sở sản xuất giống gà khoảng 8 cơ sở với công suất khoảng 10 triệu con giống/năm.

c) Đối với thủy sản:

Đến năm 2025, sản lượng thủy sản đạt 70 ngàn tấn/năm (trong đó sản lượng khai thác đạt 50 ngàn tấn/năm, sản lượng nuôi đạt 20 ngàn tấn/năm).

Ưu tiên phát triển nuôi tôm trên cát ứng dụng công nghệ cao kết hợp các biện pháp quản lý tiên tiến (GAP, BMP, CoC, ...) thân thiện với môi trường tại các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung như Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc; nuôi theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, Bio-Floc. Đến năm 2025 diện tích nuôi trên cát ứng dụng công nghệ cao đạt khoảng 200 ha.

d) Đối với lâm nghiệp

Đến năm 2025, tỷ lệ che phủ rừng đạt khoảng 58%; diện trồng rừng gỗ lớn theo chứng chỉ FSC đạt khoảng 15.000 ha; năng lực sản xuất giống cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô, túi bầu hữu cơ đạt trên 10 triệu cây/năm, sản xuất giống cây bản địa đạt 1,5 triệu cây/năm.

e) Đối với phát triển các sản phẩm OCOP

Mục tiêu giai đoạn 2021-2025 phấn đấu toàn tỉnh sẽ có khoảng 100 sản phẩm OCOP (xếp hạng đạt từ 3 sao “*” trở lên).

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong Nghị quyết này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Là hình thức ứng dụng các công nghệ tiên tiến, hiện đại vào trong sản xuất nông nghiệp; gồm các hình thức sau:

a) Trồng rau (củ, lá, quả), hoa, nấm dược liệu trong nhà kính, nhà màng, nhà lưới và có ứng dụng ít nhất một trong các quy trình công nghệ tiên tiến, hiện đại như: Ứng dụng các kỹ thuật canh tác không dùng đất (thủy canh, khí canh, trồng cây trên giá thể, màng dinh dưỡng); tưới nhỏ giọt, phun sương có hệ thống điều khiển tự động hoặc bán tự động.

b) Nuôi trồng thủy sản ứng dụng công nghệ nuôi thâm canh, siêu thâm canh trong nhà màng, nhà lưới và có đầy đủ hệ thống ao nuôi, ao xử lý nước cấp, ao xử lý nước thải, khu chứa bùn thải, hệ thống cấp và thoát nước chủ động, riêng biệt.

2. Cơ sở sản xuất giống thủy sản: Là cơ sở hoạt động sản xuất giống thủy sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.

3. Chăn nuôi an toàn sinh học: Là hình thức chăn nuôi đáp ứng các điều kiện quy định tại Khoản 1 Điều 1 Thông tư 04/2010/TT-BNNPTNT ngày 15 tháng 01 năm 2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về điều kiện trại chăn nuôi lợn, trại chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học.

4. Chăn nuôi theo tiêu chuẩn hữu cơ, trồng trọt theo tiêu chuẩn hữu cơ: Là chăn nuôi, trồng trọt đạt theo tiêu chuẩn TCVN 11041-1:2017 và được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp hữu cơ.

5. Tiêu chuẩn VietGAP: Là thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam.

6. Chăn nuôi trang trại: Là chăn nuôi đạt tiêu chí trang trại theo quy định tại Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi.

7. Hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm (sau đây gọi chung là liên kết) là việc thỏa thuận, tự nguyện cùng đầu tư, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các đối tượng tại khoản 1, 2, 3, 4 Điều 2 Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 (sau đây gọi chung là các bên tham gia liên kết) để nâng cao hiệu quả sản xuất và chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

8. Dự án liên kết: Là dự án do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã và các bên tham gia hợp đồng liên kết cùng thỏa thuận, xây dựng và triển khai đầu tư liên kết theo các hình thức quy định tại Điều 4 Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018.

9. Sản phẩm OCOP: OCOP là viết tắt của các từ tiếng Anh One commune one product, tức là mỗi xã mỗi sản phẩm. Sản phẩm OCOP là sản phẩm tham gia Chương trình mỗi xã mỗi sản phẩm (viết tắt là Chương trình OCOP) và được chấm điểm, xếp hạng đạt từ 3 sao “*” trở lên. Bao gồm sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp nhỏ và vừa, hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh) và kinh tế tập thể thực hiện; có tham gia chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới).

10. Doanh nghiệp: Là đơn vị sản xuất, kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp năm 2020.

11. Doanh nghiệp nhỏ và vừa: Là doanh nghiệp được xác định theo Điều 4 Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa năm 2017.

12. Hợp tác xã: Là đơn vị được thành lập và hoạt động theo Luật Hợp tác xã năm 2012.

13. Tổ hợp tác: Là đơn vị được thành lập và hoạt động theo Nghị định số 77/2019/NĐ-CP ngày 10 tháng 10 năm 2019.

Điều 4. Nguyên tắc áp dụng

1. Chỉ hỗ trợ đối với các dự án phù hợp kế hoạch hoặc được chấp thuận cho phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

2. Ngoài các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết này, cơ sở sản xuất được hưởng các chính sách hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật hiện hành. Trong trường hợp có sự trùng lặp về nội dung chính sách hỗ trợ từ các chính sách khác nhau thì cơ sở sản xuất được lựa chọn áp dụng một chính sách hỗ trợ có lợi nhất và chỉ được hỗ trợ một lần cho một nội dung chính sách.

3. Các quy định về nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ, hồ sơ và trình tự thủ tục hỗ trợ liên kết quy định tại Khoản 2 Điều 5 Nghị quyết này được thực hiện theo quy định tại Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; quy định tại Khoản 4 Điều 5 Nghị quyết này thực hiện theo Nghị định 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Ủy ban nhân dân tỉnh xác định, phê duyệt các ngành hàng, sản phẩm quan trọng cần khuyến khích và ưu tiên hỗ trợ thực hiện liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm; phê duyệt và phân cấp Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt hỗ trợ liên kết.

Điều 5. Các chính sách hỗ trợ

1. Hỗ trợ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; chăn nuôi trang trại, hữu cơ; sản xuất giống chất lượng cao; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm.

a) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao có quy mô từ 500m2 trở lên (đối với trồng trọt); 2.000m2 trở lên (đối với nuôi trồng thủy sản bằng ao thường và chỉ tính diện tích ao nuôi); 1.500m2 trở lên (đối với nuôi trồng thủy sản bằng ao tròn nổi) được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà kính, nhà màng, nhà lưới, ao tròn nổi; lắp đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử lý nước cấp, nước thải và một số máy móc thiết bị phục vụ sản xuất khác.

b) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống lợn đạt quy mô trang trại được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị, nhưng không quá 500 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô nhỏ, 1.000 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô vừa và 1.500 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô lớn (quy mô trang trại theo quy định tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về hướng dẫn chi tiết Luật Chăn nuôi).

c) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống gà đạt quy mô từ 1 triệu gà giống trở lên được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại, nhà xưởng, mua sắm máy móc thiết bị phục vụ trực tiếp sản xuất, nhưng không quá 1.000 triệu đồng/cơ sở.

d) Dự án đầu tư trang trại chăn nuôi lợn, bò, gà an toàn sinh học hoặc hữu cơ (tối thiểu đạt trang trại quy mô vừa và đạt giá trị sản xuất từ 2.000 triệu đồng/năm trở lên) được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị, chứng nhận hữu cơ nhưng không quá 500 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô vừa và 1.000 triệu đồng/trang trại đối với trang trại quy mô lớn.

đ) Dự án đầu tư chăn nuôi lợn hữu cơ quy mô có mặt thường xuyên tối thiểu 30 con lợn thịt/cơ sở được hỗ trợ 30% kinh phí để đầu tư xây dựng chuồng trại và mua sắm trang thiết bị; 50% chế phẩm, thức ăn lứa nuôi đầu tiên và hỗ trợ 100% kinh phí cấp chứng nhận hữu cơ; nhưng không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

e) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bằng công nghệ nuôi cấy mô hoặc công nghệ túi bầu hữu cơ tự hoại đạt công suất tối thiểu 1 triệu cây/năm, được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng và mua sắm máy móc trang thiết bị; nhưng không quá 1.000 triệu đồng/dự án.

g) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống cây lâm nghiệp bản địa đạt công suất tối thiểu 0,5 triệu cây giống/năm trở lên được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất giống; tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.

h) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống cây ăn quả đạt công suất tối thiểu 0,1 triệu cây giống/năm trở lên được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng vườn cây đầu dòng, vườn nhân, cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị phục vụ sản xuất giống; tối đa không quá 500 triệu đồng/dự án.

i) Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống tôm sú, tôm thẻ chân trắng có quy mô tối thiểu 10 triệu con giống tôm sú P15/năm hoặc 30 triệu con giống tôm thẻ chân trắng P12/năm; sản xuất giống cá mặn, lợ có quy mô tối thiểu 2 triệu con cỡ 3cm/năm được hỗ trợ 50% kinh phí để đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị, nhưng không quá 1.000 triệu đồng/dự án.

k) Dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung được hỗ trợ để đầu tư nhà xưởng, trang thiết bị hệ thống giết mổ, hệ thống xử lý môi trường như sau:

Quy mô giết mổ từ 30 con gia súc đến dưới 70 con gia súc/ngày đêm được hỗ trợ 150 triệu đồng/dự án xây dựng mới; 80 triệu đồng/dự án cải tạo nâng cấp.

Quy mô giết mổ từ 70-200 con gia súc/ngày đêm được hỗ trợ 200 triệu đồng/dự án xây dựng mới; 100 triệu đồng/dự án cải tạo, nâng cấp.

Quy mô giết mổ trên 200 con gia súc hoặc trên 1.000 gia cầm hoặc trên 100 con gia súc và 500 con gia cầm/ngày đêm được hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/dự án.

l) Trường hợp dự án quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ, e, g, h, i, k Khoản 1 Điều này chưa có đường giao thông, hệ thống cấp điện, cấp nước đến hàng rào dự án thì còn được hỗ trợ thêm như sau:

Giao thông: Được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng đường giao thông đến hàng rào nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án.

Cấp điện: Được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng đường điện vào khu sản xuất nhưng tối đa không quá 100 triệu đồng/dự án.

Cấp nước: Được hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng hệ thống cấp nước vào khu sản xuất nhưng tối đa không quá 50 triệu đồng/dự án.

2. Hỗ trợ phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP ngày 05 tháng 7 năm 2018 của Chính phủ.

a) Hỗ trợ chi phí tư vấn xây dựng liên kết (chỉ áp dụng đối với xây dựng liên kết theo chuỗi giá trị mới)

Chủ trì liên kết được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 200 triệu đồng, bao gồm tư vấn, nghiên cứu xây dựng hợp đồng liên kết, dự án liên kết, phương án, kế hoạch sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường.

b) Hỗ trợ đầu tư hạ tầng, máy móc thiết bị phục vụ liên kết (chỉ áp dụng đối với trường hợp các bên tham gia liên kết lập dự án liên kết).

Dự án liên kết được hỗ trợ 30% kinh phí đầu tư máy móc trang thiết bị; xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết bao gồm: nhà xưởng, bến bãi, kho tàng phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Tổng mức hỗ trợ không quá 2.000 triệu đồng/dự án.

c) Hỗ trợ giống, vật tư; bao bì, nhãn mác sản phẩm; kinh phí chuyển giao quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng.

Hỗ trợ giống, vật tư 02 vụ sản xuất đối với trồng cây ngắn ngày (bao gồm nấm), 02 năm đối với trồng cây dài ngày (02 năm thời kỳ kinh doanh và không hỗ trợ giống), 02 chu kỳ nuôi đối với chăn nuôi gia súc, gia cầm, 02 vụ nuôi đối với nuôi trồng thủy sản thông qua các dịch vụ tập trung của hợp tác xã như sau: Hỗ trợ 70% đối với hợp tác, liên kết thực hiện ở 2 huyện Nam Đông, A Lưới và các xã bãi ngang; 50% ở các địa bàn còn lại kinh phí mua giống, vật tư (đối với trồng trọt: phân bón và thuốc bảo vệ thực vật/chế phẩm sinh học; đối với chăn nuôi: thức ăn chăn nuôi, vắc xin để tiêm phòng; đối với nuôi trồng thủy sản: thức ăn, hóa chất, chế phẩm cải tạo ao nuôi và xử lý nước thải; đối với sản xuất nấm: nguyên vật liệu làm nấm); tối đa không quá 1.000 triệu đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết.

Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế, in ấn mẫu mã, nhãn mác, bao bì sản phẩm, thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm QRCode; tối đa không quá 30 triệu đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết.

Hỗ trợ 40% kinh phí nhận chuyển giao, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, áp dụng quy trình kỹ thuật và quản lý chất lượng đồng bộ theo chuỗi; tối đa không quá 200 triệu đồng/dự án hoặc kế hoạch liên kết.

Hỗ trợ 1 lần 100% kinh phí chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ.

3. Hỗ trợ phát triển các sản phẩm OCOP

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, các hộ sản xuất có đăng ký kinh doanh (gọi chung là cơ sở sản xuất) có sản phẩm tham gia Chương trình OCOP được xếp hạng đạt từ 3 sao “*” trở lên được hỗ trợ như sau:

a) Hỗ trợ 100% chi phí thiết kế, in ấn, mua nhãn hàng hóa, bao bì sản phẩm; tối đa không quá 10 triệu đồng/sản phẩm và không quá 30 triệu đồng/cơ sở sản xuất.

b) Hỗ trợ 50% kinh phí đầu tư máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ phục vụ sản xuất, thu hoạch, sơ chế, chế biến, đóng gói và kho lạnh bảo quản sản phẩm OCOP; tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở sản xuất.

c) Hỗ trợ 100% chi phí thiết lập mã truy xuất nguồn gốc sản phẩm QRCode; tối đa không quá 10 triệu đồng/sản phẩm và không quá 30 triệu đồng/cơ sở sản xuất.

d) Hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, nâng cấp điểm bán hàng, giới thiệu sản phẩm OCOP (xây dựng mới, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết khác); tối đa không quá 50 triệu đồng/điểm và không quá 02 điểm/cơ sở sản xuất.

đ) Hỗ trợ 50% kinh phí xây dựng Trung tâm OCOP (xây dựng mới, sửa chữa, mua giá, kệ trưng bày sản phẩm, bảng hiệu, tủ bảo quản sản phẩm, trang trí điểm bán hàng và các hạng mục cần thiết khác) để quảng bá, giới thiệu bán hàng sản phẩm OCOP cấp huyện, cấp tỉnh; tối đa không quá 200 triệu đồng/1 trung tâm cấp huyện, 300 triệu đồng/1 trung tâm cấp tỉnh.

e) Hỗ trợ kinh phí tham gia hội chợ, triển lãm (cước phí vận chuyển hàng hóa, chi phí sinh hoạt của người phục vụ tham gia hội chợ, triển lãm và chi phí thuê gian hàng); tối đa không quá 15 triệu đồng/cơ sở cho một lượt tham gia trong nước và không quá 30 triệu đồng cho một lượt tham gia ở nước ngoài. Mỗi cơ sở sản xuất chỉ được hỗ trợ tối đa 02 lượt/năm.

4. Chính sách tiếp cận, hỗ trợ tín dụng theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn.

Doanh nghiệp có dự án đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại khoản 3, 4 và 5 Điều 3 Nghị định số 57/2018/NĐ-CP được hỗ trợ lãi suất vay thương mại sau khi dự án hoàn thành như sau:

a) Mức hỗ trợ

Bằng chênh lệch lãi suất cho vay thương mại của các ngân hàng thương mại so với lãi suất tín dụng ưu đãi đầu tư của Nhà nước tính trên số dư nợ thực tế tại thời điểm xem xét hồ sơ hỗ trợ.

b) Hạn mức vay vốn được hỗ trợ lãi suất: 70% tổng mức đầu tư của dự án.

c) Căn cứ để xác định chênh lệch lãi suất hỗ trợ

Mức lãi suất cho vay của các ngân hàng thương mại làm cơ sở để cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất cho vay thấp nhất của các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, có hoạt động cho vay phục vụ lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cùng kỳ hạn và cùng thời kỳ được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch.

Mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước làm căn cứ cấp bù chênh lệch lãi suất là mức lãi suất tín dụng đầu tư của Nhà nước công bố áp dụng cho từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ về tín dụng đầu tư của Nhà nước.

d) Thời gian hỗ trợ lãi suất: Tính từ ngày bắt đầu giải ngân theo hợp đồng tín dụng với ngân hàng thương mại: 08 năm đối với dự án nông nghiệp đặc biệt ưu đãi đầu tư; 06 năm đối với dự án nông nghiệp ưu đãi đầu tư; 05 năm đối với dự án nông nghiệp khuyến khích đầu tư. Dự án của doanh nghiệp vừa và nhỏ mới thành lập thì thời gian hỗ trợ lãi suất là 08 năm.

5. Hỗ trợ sản xuất

a) Các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển mới diện tích trồng Sen, quy mô tối thiểu 1.000m2 được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật; tối đa không quá 150 triệu đồng/cơ sở.

b) Các cơ sở sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn VietGAP được hỗ trợ 1 lần 100% kinh phí chứng nhận VietGAP (bao gồm kinh phí tập huấn, đào tạo, điều tra cơ bản, phân tích mẫu đất, nước, không khí để xác định vùng sản xuất tập trung). Quy mô diện tích tối thiểu: Dưa các loại, rau (bao gồm: rau ăn lá, rau ăn quả) 01ha; lúa 10ha; cây ăn quả 02ha; diện tích ao nuôi 1.500m2; chăn nuôi đạt quy mô trang trại loại nhỏ trở lên; tối đa không quá 150 triệu/cơ sở.

c) Các cơ sở trồng trọt sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ được hỗ trợ: 100% kinh phí phân tích mẫu đất, nước, tập huấn, đào tạo, khảo sát địa hình để xác định vùng, khu vực đủ điều kiện sản xuất hữu cơ; 50% chi phí mua giống, phân bón, chế phẩm, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ, sinh học; 100% kinh phí chứng nhận hữu cơ. Quy mô diện tích tối thiểu: Dưa các loại, rau (bao gồm: rau ăn lá, rau ăn quả) 01ha, lúa 10ha, cây ăn quả 02ha, tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

d) Phát triển cây ăn quả

Các cơ sở sản xuất đầu tư phát triển cây ăn quả nằm trong danh mục cây ăn quả khuyến khích phát triển theo Đề án phát triển cây ăn quả của tỉnh, quy mô diện tích tối thiểu đạt 2.000m2, được hỗ trợ 50% kinh phí lắp đặt hệ thống tưới tiên tiến, tưới tiết kiệm, mua giống, vật tư và thuốc bảo vệ thực vật cho năm đầu; hỗ trợ 50% kinh phí trồng rừng thay thế (nếu dự án có chuyển đổi mục đích sử dụng rừng); tối đa không quá 300 triệu đồng/cơ sở.

đ) Hỗ trợ trồng rừng

Các cơ sở sản xuất đầu tư trồng rừng gỗ lớn bằng giống sản xuất theo công nghệ nuôi cấy mô gắn với chứng chỉ rừng bền vững (diện tích trồng rừng tối thiểu 01 ha) được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư; tối đa không quá 10 triệu đồng/ha và không quá 100 triệu đồng/cơ sở.

Đầu tư trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng theo hướng đa loài, đa mục đích (diện tích trồng tối thiểu 02 ha) được hỗ trợ 50% kinh phí mua giống, vật tư; tối đa không quá 10 triệu đồng/ha đối với cây bản địa, 06 triệu đồng/ha đối với cây lâm sản ngoài gỗ và không quá 100 triệu đồng/cơ sở.

e) Hỗ trợ trồng cây dược liệu: Các cơ sở sản xuất đầu tư trồng cây dược liệu (theo danh mục 12 cây dược liệu tại Quyết định số 1622/QĐ-UBND ngày 06 tháng 7 năm 2020 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế) có quy mô từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha nhưng tối đa không quá 150 triệu đồng/cơ sở.

g) Hỗ trợ cơ giới hóa thu gom rơm, rạ sau thu hoạch

Hỗ trợ 50% kinh phí mua máy cuộn rơm phục vụ thu gom rơm, rạ, tối đa không quá 200 triệu/máy.

Điều 6. Nguồn vốn và cơ chế hỗ trợ đầu tư

1. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo quy định tại Nghị quyết này bao gồm ngân sách Trung ương (từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp và phòng chống giảm nhẹ thiên tai, ổn định đời sống dân cư,...); kinh phí quản lý, sử dụng đất trồng lúa; ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp pháp khác.

2. Cơ chế hỗ trợ

a) Đối với chính sách tại Khoản 1 Điều 5, thực hiện hỗ trợ sau đầu tư khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.

Ngân sách tỉnh hỗ trợ 90% định mức theo quy định tại Nghị quyết này; ngân sách các huyện, thị xã và thành phố Huế 10%.

Riêng các dự án thực hiện tại các địa bàn thuộc hai huyện Nam Đông, A Lưới và các xã bãi ngang ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% định mức.

b) Đối với chính sách tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 5 Điều 5

Thực hiện theo quy định của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, quy định của các chương trình, dự án hợp pháp khác và quy định về quản lý vốn sự nghiệp ngân sách địa phương.

c) Đối với chính sách tại Khoản 4 Điều 5

Thực hiện theo quy định tại Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn./.

Văn bản này chưa cập nhật nội dung Tiếng Anh

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị quyết 20/2020/NQ-HĐND ngày 23/12/2020 quy định một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021-2025

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


5.492

DMCA.com Protection Status
IP: 3.142.171.100
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!