HỘI ĐỒNG
NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------
|
CỘNG HÒA XÃ
HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
01/2016/NQ-HĐND
|
Thừa Thiên Huế,
ngày 08 tháng 4 năm 2016
|
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH PHÁT TRIỂN SẢN
XUẤT NÔNG NGHIỆP THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
GIAI ĐOẠN 2016 - 2020
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
KHÓA VI, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Sau khi xem xét Tờ trình số 1206/TTr-UBND
ngày 12 tháng 3 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thông qua Đề án “Xây
dựng một số chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện
Tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020”; Báo
cáo thẩm tra của Ban Kinh tế và Ngân sách và ý kiến thảo luận của các đại biểu
Hội đồng nhân dân tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Tán thành và thông qua Đề án “Xây dựng một số chính sách
khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp thực hiện Tái cơ cấu ngành nông
nghiệp tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2016 - 2020” với nội dung chủ yếu sau:
1. Đối tượng áp dụng
Các cá nhân, hộ gia đình, nhóm hộ, tổ hợp tác, hợp
tác xã, các doanh nghiệp tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh
Thừa Thiên Huế (gọi tắt là người sản xuất).
2. Phạm vi điều chỉnh
Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, dịch
vụ trong nông nghiệp, nông thôn này được áp dụng trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên
Huế.
Ngoài các chính sách hỗ trợ theo quy định này,
các đối tượng sản xuất còn được hưởng các chính sách hỗ trợ khác theo quy định
của pháp luật hiện hành.
Trong trường hợp có sự trùng lặp về chính sách hỗ
trợ từ các chương trình, dự án khác nhau thì đối tượng được lựa chọn áp dụng một
chính sách hỗ trợ có lợi nhất.
Việc hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng
và mua sắm trang thiết bị được áp dụng cho dự án phù hợp quy hoạch, kế hoạch hoặc
được chấp thuận cho phép đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Thực hiện hỗ
trợ sau đầu tư, khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động.
3. Giải thích
từ ngữ
a) Sản xuất nông nghiệp công nghệ
cao: được hiểu là trồng trọt (chủ yếu là rau, hoa, cây ăn quả,...) trong nhà
kính, nhà lưới và có ứng dụng ít nhất một trong các quy trình công nghệ tiên tiến,
hiện đại như điều hòa nhiệt độ, tưới (nhỏ giọt, phun mưa),...; nuôi trồng thủy
sản trong nhà bạt và có ứng dụng một số công nghệ tiên tiến, hiện đại như xử lý
nước cấp cho ao nuôi, xử lý nước thải,...; chăn nuôi gia súc, gia cầm có hệ thống
chuồng trại được xây dựng để chăn nuôi theo quy trình công nghiệp và có ứng dụng
một số công nghệ tiên tiến, hiện đại như hệ thống làm mát, sưởi ấm.
b) Cơ sở sản xuất giống thủy sản:
là cơ sở hoạt động sản xuất giống thủy sản bằng phương pháp sinh sản nhân tạo.
c) Trang trại: cá nhân, hộ gia
đình, sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản đạt tiêu chuẩn kinh
tế trang trại phải thỏa mãn các điều kiện tại Điều 5, Thông tư số
27/2011/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
d) Doanh nghiệp là đơn vị sản xuất,
kinh doanh được thành lập theo Luật Doanh nghiệp.
e) Nghề mới (trong lĩnh vực đánh bắt
biển): được hiểu là nghề mới đưa vào khai thác đánh bắt trên biển tại địa
phương mà trước đó chưa có hoặc chưa được áp dụng phổ biến.
g) Cây ăn quả đặc sản, cây ăn quả lâu năm mới:
cây ăn quả đặc sản là cây ăn quả nổi tiếng Việt Nam theo bộ tiêu chí công bố
giá trị đặc sản Việt Nam (như bưởi Thanh Trà). Cây ăn quả lâu năm mới là cây ăn
quả mới đưa vào trồng ở địa phương thích ứng với đất đai, khí hậu và sản phẩm
có chất lượng, hiệu quả kinh tế, có khả năng phát triển (như cam Nam Đông, bưởi
da xanh,…).
4. Các chính
sách hỗ trợ
a) Hỗ trợ đầu tư xây dựng công
trình trong hàng rào
- Dự án đầu tư cơ sở sản xuất nông
nghiệp công nghệ cao có quy mô từ 500 m2 trở lên (đối với trồng trọt);
2.000 m2 (đối với nuôi trồng thủy sản): được hỗ trợ 50% chi phí
nhưng không quá 500 triệu đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng nhà lưới, nhà bạt; lắp
đặt các thiết bị chuyên dùng như hệ thống tưới nhỏ giọt, phun sương, sục khí, xử
lý nước cấp, nước thải,...
- Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống
lợn ngoại (quy mô tối thiểu 300 con lợn nái); gà giống (quy mô tối thiểu 5.000
gà mái đẻ); chăn nuôi lợn, bò, gia cầm (đạt tiêu chí trang trại): được hỗ trợ
50% kinh phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng và mua sắm
trang thiết bị.
- Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống
cây lâm nghiệp theo công nghệ nuôi cấy mô (công suất tối thiểu 1 triệu cây/
năm) được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng
và mua sắm trang thiết bị.
- Dự án đầu tư cơ sở sản xuất giống
tôm sú (quy mô tối thiểu 10 triệu con giống P15/năm); sản xuất giống cá mặn, lợ
(quy mô tối thiểu 2 triệu con cỡ 3cm/năm) được hỗ trợ 50% kinh phí nhưng không
quá 1 tỷ đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng và mua sắm trang thiết bị.
- Dự án đầu tư cơ sở giết mổ gia
súc, gia cầm tập trung
Quy mô giết mổ từ 30 con gia súc đến
dưới 70 con gia súc/ngày đêm được hỗ trợ 150 triệu đồng/cơ sở xây dựng mới; 80
triệu đồng/cơ sở cải tạo nâng cấp.
Quy mô giết mổ từ 70-200 con gia
súc/ngày đêm được hỗ trợ 200 triệu đồng/cơ sở xây dựng mới; 100 triệu đồng/cơ sở
cải tạo nâng cấp.
Quy mô giết mổ trên 200 con gia
súc hoặc trên 1.000 gia cầm hoặc trên 100 con gia súc và 500 con gia cầm/ngày
đêm được hỗ trợ 30% kinh phí nhưng không quá 1 tỷ đồng/cơ sở để đầu tư xây dựng
và mua sắm trang thiết bị.
- Dư án đầu tư cơ sở đóng mới,
sửa chữa tàu cá đánh bắt xa bờ (có công suất từ 90CV trở lên) được hỗ trợ 500
triệu đồng/cơ sở xây dựng mới và 250 triệu đồng/cơ sở nâng cấp, cải tạo để đầu
tư xây dựng và mua sắm máy móc, trang thiết bị.
b) Trường hợp dự án tại Điểm a Khoản
3 Điều này chưa có đường giao thông, hệ thống điện, cấp nước đến hàng rào dự án
thì còn được hỗ trợ thêm như sau:
- Giao thông: được hỗ trợ 50% kinh
phí xây dựng đường giao thông nhưng tối đa không quá 200 triệu đồng/cơ sở.
- Cấp điện: được hỗ trợ 50%
kinh phí xây dựng đường điện vào khu sản xuất nhưng tối đa không quá 100 triệu
đồng/cơ sở.
- Cấp nước: được hỗ trợ 50% kinh
phí xây dựng hệ thống cấp nước vào khu sản xuất nhưng tối đa không quá 30 triệu
đồng/cơ sở.
c) Hỗ trợ sản xuất
- Dự án chuyển đổi đất lúa thiếu
nước, hiệu quả thấp sang trồng các cây khác phù hợp, hiệu quả hơn được hỗ trợ
50% kinh phí mua giống và 30% kinh phí mua phân bón, thuốc bảo vệ thực vật theo
quy trình (nếu trồng cây dài ngày phân bón, thuốc bảo vệ thực vật chỉ hỗ trợ
năm đầu). Quy mô vùng chuyển đổi tối thiểu 01ha.
- Phát triển cây ăn quả đặc sản,
cây ăn quả lâu năm mới
Dự án phát triển cây ăn quả đặc sản,
cây ăn quả lâu năm mới có quy mô tối thiểu 1.000m2 được hỗ trợ 50%
kinh phí mua giống, 30% kinh phí mua vật tư, thuốc bảo vệ thực vật năm đầu khi
phát triển cây ăn quả đặc sản, cây ăn quả lâu năm mới phù hợp, có hiệu quả;
Được hỗ trợ 2.000.000 đ/cây để lập
hồ sơ bình tuyển, công nhận cây ăn quả đặc sản đầu dòng.
- Phát triển đàn bò cái lai sinh sản
Hộ gia đình có nhu cầu vay vốn
ngân hàng để mua và nuôi bò cái lai sinh sản (riêng ở huyện A Lưới bao gồm cả
bò cái vàng sinh sản) được hỗ trợ chênh lệch lãi suất giữa lãi vay Ngân hàng
Thương mại và lãi vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Số lượng hỗ trợ tối đa 05
con/hộ gia đình, thời gian hỗ trợ tối đa 3 năm.
- Hỗ trợ trồng rừng
Được hỗ trợ 50% giá cây giống trồng
rừng gỗ lớn với diện tích trồng rừng tối thiểu 02 ha nhưng tối đa không quá 4
triệu đồng/ha và 50 triệu đồng/dự án.
Được hỗ trợ 50% giá cây giống khi
trồng cây bản địa và cây lâm sản ngoài gỗ dưới tán rừng theo hướng đa loài đa mục
đích, với diện tích trồng tối thiểu 2 ha, nhưng tối đa không quá 4 triệu đồng/ha
đối với cây bản địa và 3 triệu đồng/ha đối với cây lâm sản ngoài gỗ.
- Hỗ trợ trồng cây dược liệu: dự
án trồng cây dược liệu có quy mô từ 0,5 ha trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/ha
để xây dựng vườn ươm cây, đồng ruộng...
d) Hỗ trợ hộ gia đình, cá nhân,
nhóm hộ thực hiện các mô hình, dự án phát triển sản xuất thuộc Chương trình mục
tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững:
- Đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo:
Được hỗ trợ chi phí mua giống cây
trồng, vật nuôi, ong mật, thủy sản (sau đây gọi chung là giống), với mức hỗ trợ
giống tối đa 80% và không quá 12 triệu đồng/hộ/mô hình.
Được hỗ trợ chi phí mua phân bón
(trừ phân chuồng), thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi, thức ăn nuôi trồng
thủy sản, văcxin, thuốc thú y (bao gồm thuốc thú y thủy sản), các loại chế phẩm
dùng trong sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản (sau đây gọi
chung là vật tư), với mức hỗ trợ vật tư tối đa 70% và không quá 12 triệu đồng/hộ/mô
hình. Nếu mô hình trồng cây dài ngày, vật tư chỉ tính và hỗ trợ trong năm đầu.
- Đối với hộ khác (bao gồm hộ
không phải hộ nghèo, hộ cận nghèo tham gia trong nhóm hộ để thực hiện mô hình,
dự án hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo
bền vững): nội dung hỗ trợ tương ứng như hộ nghèo, hộ cận nghèo, với mức hỗ trợ
giống tối đa 50%, vật tư tối đa 30% và không quá 07 triệu đồng/hộ/mô hình.
- Hỗ trợ 50% chi phí đầu tư nghề mới,
mua sắm ngư lưới cụ tăng năng lực đánh bắt thủy sản nhưng không quá 30 triệu đồng/tàu.
Điều 2. Nguồn vốn và cơ chế hỗ
trợ đầu tư
1. Nguồn vốn hỗ trợ đầu tư theo
quy định tại Nghị quyết này bao gồm ngân sách trung ương hỗ trợ (các dự án thuộc
Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc
gia giảm nghèo bền vững); ngân sách địa phương và các nguồn vốn huy động hợp
pháp khác.
2. Cơ chế hỗ trợ đầu tư đối với
các dự án sử dụng ngân sách địa phương quy định tại Điểm a, b, c Khoản 4 Điều
1:
a) Ngân sách tỉnh hỗ trợ 90% định
mức theo quy định tại Nghị quyết này đối với dự án được cơ quan có thẩm quyền
chấp thuận cho phép đầu tư; phần vốn đối ứng còn lại (10% định mức hỗ trợ) do
ngân sách huyện đảm bảo.
Riêng các dự án được thực hiện tại
các xã thuộc hai huyện Nam Đông, A Lưới và các xã bãi ngang cần khuyến khích đầu
tư phát triển nông nghiệp, nông thôn nên ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% định mức hỗ
trợ đối với các dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận cho phép đầu tư.
b) Hàng năm, căn cứ khả năng cân đối
ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh xem
xét, bố trí vốn trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của tỉnh để thực hiện.
Điều 3. Nghị quyết này có hiệu
lực sau 10 ngày, kể từ ngày được Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức
triển khai thực hiện Nghị quyết.
2. Giao
Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban và các đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh
phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh giám sát việc
thực hiện Nghị quyết này theo nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.
Nghị quyết này đã được Hội đồng
nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế khóa VI, kỳ họp thứ 12 thông qua./.