ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 119/KH-UBND
|
Quảng Ngãi, ngày
06 tháng 6 năm 2024
|
KẾ HOẠCH
TRIỂN
KHAI THỰC HIỆN ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG NGÀNH HÀNG SẮN ĐẾN NĂM 2030, TẦM NHÌN
ĐẾN 2050 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT ngày 17/4/2024
của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc phê duyệt Đề án
“Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”;
Căn cứ Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 18/02/2022 của
UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Quảng
Ngãi đến năm 2025;
Căn cứ Quyết định số 613/QĐ-UBND ngày 12/05/2022 của
Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp
và nông thôn bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm
2050;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn tại Tờ trình số 2126/TTr-SNNPTNT ngày 20/5/2024; ý kiến thống nhất của
Thành viên UBND tỉnh; UBND tỉnh ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Đề án
phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể như sau:
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
1. Mục đích
Cụ thể hóa quan điểm, mục tiêu, định hướng và giải
pháp phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 trên địa
bàn tỉnh Quảng Ngãi theo Quyết định số 1115/QĐ-BNN-TT ngày 17/4/2024 của Bộ trưởng
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế,
xã hội của tỉnh; trọng tâm là điều kiện đất đai, định hướng cơ cấu cây trồng,...
đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao hiệu quả sản xuất.
2. Yêu cầu
Phát triển bền vững ngành hàng sắn phải phù hợp với
Đề án “Phát triển bền vững ngành hàng sắn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”
của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp
tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2025; Kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông
nghiệp và nông thôn bền vững tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến
năm 2050.
Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ được giao các sở,
ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo, tổ chức triển khai
thực hiện nội dung kế hoạch đảm bảo kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu chung
Phát triển ngành hàng sắn ổn định, hiệu quả, bền vững;
xây dựng liên kết chặt chẽ giữa sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nhằm tạo
ra giá trị kinh tế cao, góp phần giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, nâng
cao đời sống dân cư khu vực nông thôn, miền núi; nâng cao giá trị kim ngạch xuất
khẩu và bảo vệ môi trường.
2. Mục tiêu cụ thể
a) Đến năm 2030:
- Sản lượng sắn tươi cả tỉnh đạt khoảng 250-300
nghìn tấn, đảm bảo cung cấp nguyên liệu để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột,
etanol...);
- Diện tích trồng sắn sử dụng giống đúng tiêu chuẩn
chất lượng đạt 40- 50%;
- Diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền
vững đạt 50%;
- Kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt
150-180 triệu USD.
b) Tầm nhìn đến năm 2050:
Ngành hàng sắn của Quảng Ngãi tiếp tục phát triển bền
vững, 70-80% diện tích trồng sắn áp dụng quy trình canh tác bền vững, sản lượng
sắn tươi dùng để chế biến sâu một số sản phẩm (tinh bột, etanol...) chiếm trên
90%, kim ngạch xuất khẩu sắn và các sản phẩm từ sắn đạt khoảng 180-200 triệu
USD.
III. ĐỊNH HƯỚNG PHÁT TRIỂN
1. Định hướng phát triển sản xuất sắn
Đến năm 2030, diện tích trồng sắn cả tỉnh khoảng
12-14 nghìn ha, sản lượng củ tươi đạt 250-300 nghìn tấn định hướng phân bố tại
2 vùng trọng điểm như sau: Vùng miền núi: diện tích trồng đạt 9-10 nghìn ha, tập
trung tại các huyện: Sơn Hà, Sơn Tây, Minh Long, Trà Bồng, Ba Tơ...; Vùng đồng
bằng: diện tích trồng đạt 3-4 nghìn ha, tập trung tại các huyện: Sơn Tịnh, Tư
Nghĩa, Bình Sơn, Nghĩa Hành...;
2. Định hướng phát triển chế biến sắn
Đến năm 2030, tiếp tục khuyến khích các thành phần
kinh tế đầu tư xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà máy chế biến các sản phẩm từ san
(tinh bột, etanol...). Đồng thời, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp chế
biến bánh kẹo, nha đường gluco, mỳ ăn liền, thức ăn chăn nuôi,... sử dụng sắn
và tinh bột sắn làm nguyên liệu, ưu tiên sử dụng công nghệ mới, công nghệ tiên
tiến trong chế biến sắn để nâng cao chất lượng, sử dụng tối đa sản phẩm phụ, bảo
vệ môi trường.
Đối với lĩnh vực chế biến sắn, định hướng công suất
chế biến trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đến năm 2030: Tổng công suất chế biến đạt
250-300 nghìn tấn củ tươi/năm.
IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Về tổ chức sản xuất
Các huyện, thị xã, thành phố xác định quy mô vùng sản
xuất sắn tập trung phù hợp quy hoạch tỉnh, quy hoạch của địa phương và các quy
hoạch có liên quan khác.
Thực hiện đồng bộ giải pháp hỗ trợ thu hút doanh
nghiệp đầu tư, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết; hỗ trợ phát triển Hợp tác
xã, Tổ hợp tác; trọng tâm là hỗ trợ thành lập mới và nâng cao hiệu quả hoạt động
của Hợp tác xã sản xuất sắn.
Căn cứ điều kiện thực tiễn, các doanh nghiệp liên kết
với hộ gia đình trồng sắn xây dựng vùng nguyên liệu; cung ứng vật tư đầu vào
(giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...); chuyển giao khoa học công nghệ, hướng
dẫn kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm.
2. Về khoa học công nghệ
Nghiên cứu chọn tạo các giống sắn mới có năng suất
cao, hàm lượng tinh bột cao, có khả năng chống chịu với sinh vật gây hại.
Nhân rộng và hoàn thiện hệ thống nhân giống sắn
theo 3 cấp (giống gốc/giống đầu dòng, giống cấp 1, giống cấp 2), tập trung giống
sạch bệnh, giống mới có năng suất, chất lượng cao tại các địa phương để từng bước
nâng cao tỷ lệ sử dụng giống sắn đúng tiêu chuẩn chất lượng.
Nghiên cứu xây dựng, hoàn thiện và chuyển giao vào
thực tiễn các quy trình kỹ thuật sản xuất sắn theo hướng bền vững tại các vùng
sinh thái; đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hoá các khâu trồng, chăm sóc, thu hoạch, vận
chuyển sắn,...
Nghiên cứu, chế tạo hoặc nhập khẩu công nghệ mới trong
chế biến, đa dạng hoá các sản phẩm từ sắn. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải
pháp khoa học công nghệ trong chế biến các sản phẩm từ sắn để nâng cao chất lượng
sản phẩm, hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường.
3. Xây dựng mô hình
Xây dựng mô hình phát triển ngành hàng sắn ứng dụng
các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; mô hình thâm canh bền vững; áp dụng quản lý
dịch hại tổng hợp (IPM), quản lý sức cây trồng tổng hợp (IPHM); các mô hình
liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm; ứng dụng các mô hình tưới tiên tiến, tiết
kiệm nước, sử dụng phân bón, thuốc BVTV có hiệu quả, xử lý phụ phẩm nông nghiệp
theo hướng thân thiện, bảo vệ môi trường, hạn chế phát thải khí nhà kính ... nhằm
chuyển giao và nhân rộng kỹ thuật tiến bộ cho người sản xuất cây sắn; giảm chi
phí sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, giảm ô nhiễm môi trường và
bảo vệ sức khoẻ của người sản xuất và người tiêu dùng.
4. Về thị trường tiêu thụ sản phẩm
Đối với thị trường quốc tế: Tiếp tục thực hiện các
giải pháp giữ vững thị trường tiêu thụ sắn hiện có; đồng thời, đẩy mạnh các hoạt
động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, tháo gỡ rào cản thương mại tạo điều
kiện thuận lợi cho sản phẩm sắn Quảng Ngãi được tiêu thụ rộng trên thị trường
quốc tế.
Đối với thị trường trong nước: Ngoài việc khuyến
khích phát triển các doanh nghiệp chế biến các sản phẩm từ sắn; các địa phương
cần tiếp tục thu hút doanh nghiệp chế biến bánh kẹo, nha đường gluco, mỳ ăn liền,
thức ăn chăn nuôi,... sử dụng sắn và tinh bột sắn làm nguyên liệu để tăng chuỗi
giá trị ngành hàng sắn.
5. Về quản lý nhà nước
Tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách liên
quan đến phát triển ngành hàng sắn: Chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất giống
phục vụ cơ cấu lại ngành nông nghiệp; chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất
trong nông nghiệp; chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản
xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu
tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ phát triển Hợp tác xã... Đồng
thời, nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền ban hành chính sách mới hỗ trợ phát
triển ngành hàng sắn: Áp dụng quy trình sản xuất sắn bền vững, chuyển đổi số,
truy xuất nguồn gốc, xử lý môi trường trong chế biến sắn...
Tổ chức thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh
doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật,...)
để người trồng sắn được sử dụng vật tư đúng chất lượng. Quản lý chặt chẽ các yếu
tố gây ô nhiễm trong quá trình trồng, chế biến sắn.
6. Về đầu tư tăng cường năng lực
Thực hiện các giải pháp đa dạng hóa nguồn vốn đầu
tư phát triển sản xuất ngành hàng sắn theo hướng xã hội hóa. Các hộ gia đình đầu
tư trang thiết bị, ứng dụng cơ giới hoá trong quá trình canh tác, vận chuyển sắn;
doanh nghiệp đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, chuyển giao khoa học công nghệ,
xây dựng nhà máy chế biến các sản phẩm từ sắn,... Ngân sách nhà nước đầu tư, hỗ
trợ đầu tư phát triển sản xuất sắn theo quy định của pháp luật để thực hiện các
nhiệm vụ: Xây dựng cơ chế, chính sách; nghiên cứu, chuyển giao khoa học công
nghệ; đào tạo nguồn nhân lực; cơ sở vật chất cho các đơn vị đào tạo và nghiên cứu
khoa học công nghệ; hạ tầng vùng sản xuất sắn tập trung: giao thông, thủy lợi,
điện,...; xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm sắn,...
7. Về hợp tác quốc tế
Tăng cường hợp tác với các nước và tổ chức quốc tế
với các nội dung chính: sử dụng các giống có năng suất, chất lượng cao, chống
chịu với một số sâu bệnh hại như khảm lá sắn, rệp hồng...; xây dựng các quy
trình kỹ thuật sản xuất sắn bền vững; chuyển giao công nghệ, mua thiết bị sản
xuất, chế biến sắn; xúc tiến thương mại, tháo gỡ rào cản thương mại, mở rộng thị
trường tiêu thụ các sản phẩm từ sắn,...
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND
các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực
hiện Kế hoạch đạt hiệu quả; đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách, các đề tài, dự
án khoa học liên quan đến phát triển ngành hàng sắn.
- Chủ trì, hướng dẫn các địa phương thực hiện tốt
các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại trên cây sắn; triển khai thực hiện
chương trình Quản lý sức khoẻ cây trồng tổng hợp; chỉ đạo, thực hiện tốt công
tác kiểm dịch thực vật đối với giống sắn nhập nội và kiểm dịch thực vật nội địa.
- Thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất,
kinh doanh vật tư đầu vào phục vụ sản xuất (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực
vật...).
- Tổng hợp, báo cáo kết quả thực hiện Kế hoạch gửi
UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 15/12 hàng năm hoặc
báo cáo đột xuất khi có yêu cầu.
2. Sở Khoa học và Công nghệ
- Tuyên truyền đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ
thuật, thiết bị mới tiên tiến trong trồng, chăm sóc phát triển vùng nguyên liệu
san tập trung trên địa bàn tỉnh. Khuyến khích, hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ
khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển ngành hàng sắn của tỉnh.
- Phối hợp với Sở Tài chính đề xuất bố trí kinh phí
sự nghiệp khoa học công nghệ thực hiện các đề tài nghiên cứu, dự án ứng dụng,
chuyển giao khoa học và công nghệ liên quan đến phát triển cây sấn trên địa bàn
tỉnh.
- Phối hợp thực hiện công tác quản lý hệ thống truy
xuất nguồn gốc các sản phẩm nông lâm thủy sản (trong đó bao gồm các sản phẩm sắn)
của tỉnh.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Trên cơ sở đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn và UBND các huyện, thị xã, thành phố; tham mưu cấp có thẩm quyền bố
trí vốn đầu tư công (nếu có) để tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch.
- Tham mưu UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách
theo thẩm quyền (nếu có) để khuyến khích thu hút, phát triển các doanh nghiệp
chế biến các sản phẩm từ sắn trên địa bàn theo quy định.
4. Sở Tài chính
Trên cơ sở đề xuất của Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn, các Sở, ban ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố, Sở Tài chính
có trách nhiệm tổng hợp, tham mưu trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố
trí kinh phí theo phân cấp ngân sách và khả năng cân đối ngân sách đế tổ chức
thực hiện Kế hoạch.
5. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn, các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai
thực hiện các cơ chế, chính sách thương mại, xúc tiến thương mại và hội nhập
kinh tế để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm sắn của tỉnh trên thị trường trong nước
và ngoài nước.
6. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố
- Đồ xuất các đề tài, dự án khoa học liên quan đến
phát triển ngành hàng sắn của địa phương.
- Căn cứ Kế hoạch này, UBND các huyện, thị xã, thành
phố chủ động xây dựng Kế hoạch phát triển các vùng sản xuất sắn tập trung, bảo
đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030, tầm
nhìn đến 2050 trên địa bàn đảm bảo phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế tại
địa phương.
- Tổ chức tuyên truyền, thông tin, phổ biến sâu rộng
nội dung của Kế hoạch đến các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp
tác, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với từng đối tượng, địa
phương.
- Căn cứ nhu cầu thực tế của địa phương, xây dựng Kế
hoạch thực hiện. Chủ động bố trí kinh phí ngân sách huyện để thực hiện Kế hoạch
này theo phân cấp ngân sách.
- Chỉ đạo cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các
xã, phường, thị trấn hằng năm rà soát, hướng dẫn người sản xuất thực hiện tốt
các giải pháp kỹ thuật sản xuất cây sắn đảm bảo hiệu quả kinh tế, ổn định sinh
kế, đúng quy hoạch.
- Khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp
đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp nông thôn. Tạo điều kiện thuận lợi để thu hút
các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp... tham gia đầu tư phát triển cây sắn tại địa
phương.
7. Đề nghị Hội Nông dân tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ
nữ tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh: Phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn tuyên truyền các nội dung của Kế hoạch đến hội viên, nông dân; đề xuất
cơ chế, chính sách thực hiện; hỗ trợ kinh phí triển khai thực hiện (nếu có);
cung cấp thông tin về thị trường sắn; chuyển giao khoa học công nghệ về sản xuất,
sơ chế, bảo quản, chế biến sắn cho người sản xuất,...
8. Chế độ báo cáo: Hàng năm (trước ngày
05/12) các sở, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố báo cáo kết quả triển
khai thực hiện Kế hoạch gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp
báo cáo UBND tỉnh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Trong quá trình triển khai thực hiện, nếu có khó
khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị gửi văn bản về Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét./.
Nơi nhận:
- Bộ Nông nghiệp và PTNT (báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Các PCT UBND tỉnh;
- Các Sở: Nông nghiệp và PTNT; Khoa học và Công nghệ; Công Thương, Kế hoạch
và Đầu tư; Tài chính;
- Hội Nông dân tỉnh; Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh; Liên minh Hợp tác xã tỉnh;
- UBND các huyện, thị xã, thành phố;
- Cty CP Nông sản thực phẩm Q.Ngãi;
- VPUB: CVP, PCVP;
- Cổng TTĐT tỉnh;
- Lưu: VT, KTN.ph253
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ.CHỦ TỊCH
Trần Phước Hiền
|