BỘ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 02/2020/TT-BGDĐT
|
Hà Nội, ngày 05 tháng 02 năm 2020
|
THÔNG TƯ
QUY ĐỊNH VỀ TIÊU CHUẨN ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG
TRÌNH ĐÀO TẠO GIÁO VIÊN TRÌNH ĐỘ CAO ĐẲNG SƯ PHẠM VÀ TRUNG CẤP SƯ PHẠM
Căn cứ Luật giáo dục
ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục
ngày 25 tháng 11 năm 2009;
Căn cứ Luật giáo dục
nghề nghiệp ngày 27 tháng 11 năm 2014;
Căn cứ Nghị định
số 69/2017/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng,
nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giáo dục và Đào tạo;
Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục; Nghị định số
31/2011/NĐ-CP ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung
một số điều của Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính
phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Nghị định số 07/2013/NĐ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi điểm b khoản 13 Điều 1 của Nghị định số 31/2011/NĐ-CP ngày 11
tháng 5 năm 2011 sửa đổi, bổ sung một số điều của
Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định
chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật giáo dục;
Theo đề nghị của Cục
trưởng Cục Quản lý chất lượng;
Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo ban hành Thông tư Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương
trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm.
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều
1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Thông tư này quy định
về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng
sư phạm và trung cấp sư phạm.
2. Thông tư này áp dụng
đối với trường trung cấp sư phạm; trường cao đẳng sư phạm và cơ sở giáo dục được
Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng
nhóm ngành đào tạo giáo viên (sau đây gọi chung là trường) có thực hiện chương
trình đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm (sau
đây gọi tắt là chương trình đào tạo) và các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Điều
2. Giải thích từ ngữ
Trong Thông tư này, một
số từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Chương trình
đào tạo bao gồm: mục tiêu; kiến thức, kỹ năng, mức độ tự chủ và trách nhiệm
cá nhân của người học cần đạt được sau khi tốt nghiệp; nội dung, phương pháp và
hoạt động đào tạo; điều kiện cơ sở vật chất và trang thiết bị; cơ cấu tổ chức,
chức năng, nhiệm vụ và các hoạt động học thuật của trường được phép triển khai chương
trình đào tạo.
2. Chương trình dạy
học của một chương trình đào tạo ở một trình độ cụ thể bao gồm: mục tiêu
chung, mục tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra đối với ngành học và mỗi môn học hoặc học
phần; nội dung đào tạo, phương pháp đánh giá và thời lượng đối với ngành học
và mỗi môn học hoặc học phần.
3. Chất lượng của
chương trình đào tạo là sự đáp ứng mục tiêu chung, mục
tiêu cụ thể và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo giáo viên trung học cơ sở,
giáo viên tiểu học, giáo viên mầm non (sau đây gọi chung là giáo viên), đáp ứng
các yêu cầu theo quy định của Luật giáo dục, Luật giáo dục nghề nghiệp và Khung
trình độ quốc gia Việt Nam, phù hợp với nhu cầu sử dụng giáo viên của địa
phương, của ngành giáo dục và xã hội.
4. Tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng chương trình đào tạo là mức độ yêu cầu về nội dung và điều
kiện mà chương trình đào tạo phải đáp ứng để được công nhận đạt tiêu chuẩn chất
lượng giáo dục. Tên của mỗi tiêu chuẩn cụ thể phản ánh một hoặc một số nội dung
quan trọng cần đánh giá đối với chương trình đào tạo.
5. Tiêu chí đánh
giá là mức độ yêu cầu và điều kiện cần đạt được ở một khía cạnh cụ thể của
mỗi tiêu chuẩn.
6. Đối sánh
là hoạt động đối chiếu và so sánh một chương trình đào tạo với bộ tiêu chuẩn
đánh giá chất lượng chương trình đào tạo hoặc với chương trình đào tạo khác được
lựa chọn.
7. Đánh giá chất
lượng chương trình đào tạo là việc thu thập, xử lý thông tin, đưa ra những
nhận định dựa trên các tiêu chuẩn đánh giá đối với toàn bộ các hoạt động liên
quan đến chương trình đào tạo trong trường, bao gồm: mục tiêu và chuẩn đầu ra;
bản mô tả chương trình đào tạo; cấu trúc và nội dung chương
trình dạy học; phương pháp tiếp cận trong dạy và học; tuyển sinh và hỗ trợ người
học; đánh giá kết quả học tập của người học; đội ngũ cán bộ quản lý, giảng
viên, giáo viên và nhân viên; cơ sở vật chất và trang thiết bị; bảo đảm và nâng
cao chất lượng; kết quả đầu ra.
Điều
3. Mục đích ban hành tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo
1. Trường sử dụng
tiêu chuẩn để tự đánh giá toàn bộ hoạt động liên quan đến chương trình đào tạo
nhằm không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên và
giải trình với các cơ quan chức năng, xã hội về thực trạng chất lượng đào tạo của
từng chương trình đào tạo cụ thể.
2. Tổ chức kiểm định
chất lượng giáo dục sử dụng tiêu chuẩn để đánh giá ngoài và công nhận hoặc
không công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với các chương trình đào
tạo.
3. Tổ chức, cá nhân
khác có cơ sở để nhận định, đánh giá và tham gia phản biện xã hội đối với chương
trình đào tạo giáo viên của trường mà họ quan tâm.
Điều
4. Thang đánh giá
1. Các tiêu chí của
tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình đào tạo được đánh giá theo thang 7
mức, trong đó:
a) Mức 1: Hoàn toàn
không đáp ứng yêu cầu của tiêu chí, phải có giải pháp khắc phục ngay;
b) Mức 2: Không đáp ứng
yêu cầu của tiêu chí, cần có những giải pháp khắc phục;
c) Mức 3: Chưa đáp ứng
đầy đủ yêu cầu của tiêu chí nhưng chỉ cần có một số cải tiến nhỏ sẽ đáp ứng được
yêu cầu;
d) Mức 4: Đáp ứng yêu
cầu của tiêu chí;
đ) Mức 5: Đáp ứng tốt
hơn yêu cầu của tiêu chí;
e) Mức 6: Đáp ứng rất
tốt yêu cầu của tiêu chí;
g) Mức 7: Đáp ứng xuất
sắc yêu cầu của tiêu chí.
2. Các tiêu chí được
đánh giá từ mức 1 đến mức 3 là chưa đạt yêu cầu, từ mức 4 đến mức 7 là đạt yêu
cầu.
Chương II
TIÊU CHUẨN ĐÁNH
GIÁ CHẤT LƯỢNG CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO
Điều
5. Tiêu chuẩn 1: Mục tiêu và chuẩn đầu ra
1. Mục tiêu của chương
trình đào tạo được xác định rõ ràng, phù hợp với sứ mạng và mục tiêu của trường,
phù hợp với mục tiêu giáo dục nghề nghiệp được quy định tại Luật giáo dục nghề nghiệp,
phù hợp với thực tiễn của địa phương.
2. Chuẩn đầu ra của chương
trình đào tạo được xác định rõ ràng, phản ánh được mục tiêu của chương trình
đào tạo, đáp ứng yêu cầu của Khung trình độ quốc gia Việt Nam, phù hợp với yêu
cầu của chuẩn nghề nghiệp giáo viên.
3. Chuẩn đầu ra của chương
trình đào tạo phản ánh được yêu cầu của các bên liên quan, yêu cầu đổi mới của
giáo dục Việt Nam; được định kỳ rà soát, điều chỉnh và được công bố công khai.
Điều
6. Tiêu chuẩn 2: Bản mô tả chương trình đào tạo
1. Bản mô tả chương
trình đào tạo đầy đủ thông tin và cập nhật.
2. Đề cương các môn học
hoặc học phần đầy đủ thông tin và cập nhật.
3. Bản mô tả chương
trình đào tạo và đề cương các môn học hoặc học phần được công bố công khai để
các bên liên quan dễ dàng tiếp cận.
Điều
7. Tiêu chuẩn 3: Cấu trúc và nội dung chương trình dạy học
1. Chương trình dạy học
được thiết kế dựa trên chuẩn đầu ra.
2. Mỗi môn học hoặc học
phần của chương trình dạy học đều có đóng góp rõ ràng trong việc đạt được chuẩn
đầu ra.
3. Chương trình dạy học
có cấu trúc, trình tự logic, nội dung cập nhật và có tính tích hợp.
Điều
8. Tiêu chuẩn 4: Phương pháp tiếp cận trong dạy và học
1. Mục tiêu giáo dục
được tuyên bố rõ ràng và được phổ biến tới các bên liên quan.
2. Hoạt động dạy và học
được thiết kế phù hợp để đạt được chuẩn đầu ra.
3. Hoạt động dạy và học
thúc đẩy việc hình thành và phát triển những phẩm chất và năng lực cần thiết của
nhà giáo cho người học, nâng cao khả năng học tập suốt đời của người học.
Điều
9. Tiêu chuẩn 5: Tuyển sinh và hỗ trợ người học
1. Chính sách tuyển
sinh được xác định rõ ràng, được công bố công khai và được cập nhật.
2. Các thông tin về
ngành học, chương trình đào tạo, chương trình dạy học, đề cương môn học hoặc học
phần và việc tổ chức thực hiện được mô tả rõ ràng, đầy đủ và dễ tiếp cận.
3. Áp dụng các chính
sách ưu tiên tuyển sinh và hỗ trợ học tập đối với người học là đối tượng ưu
tiên.
4. Thực hiện đúng quy
định miễn học phí, quy định về các chính sách ưu tiên trong việc xét cấp học bổng,
trợ cấp xã hội cho học sinh, sinh viên sư phạm.
5. Có các hoạt động
tư vấn học tập, hoạt động ngoại khóa, hoạt động thi đua và các dịch vụ hỗ trợ
khác để giúp cải thiện việc học tập và khả năng có việc làm cho người học.
6. Môi trường tâm lý,
xã hội và cảnh quan sư phạm tạo thuận lợi cho hoạt động đào tạo, nghiên cứu và
sự thoải mái cho cá nhân người học.
Điều
10. Tiêu chuẩn 6: Đánh giá kết quả học tập của người học
1. Việc đánh giá kết
quả học tập của người học được thiết kế phù hợp với mức độ đạt được chuẩn đầu
ra.
2. Các quy định về
đánh giá kết quả học tập của người học (bao gồm thời gian, phương pháp, tiêu
chí, trọng số, cơ chế phản hồi và các nội dung liên quan) rõ ràng và được thông
báo công khai tới người học.
3. Phương pháp đánh
giá kết quả học tập đa dạng, đảm bảo độ giá trị, độ tin cậy và sự công bằng.
4. Kết quả đánh giá
được lưu trữ có hệ thống, được thông báo kịp thời để người học cải thiện việc học
tập.
5. Người học dễ tiếp
cận với quy trình giải quyết khiếu nại về kết quả học tập.
Điều
11. Tiêu chuẩn 7: Đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và nhân viên
1. Đội ngũ cán bộ quản
lý có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và thực hiện có
hiệu quả nhiệm vụ quản lý.
2. Đội ngũ giảng viên,
giáo viên có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về số lượng và cơ cấu chuyên
môn.
3. Đội ngũ giảng
viên, giáo viên có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ đạt chuẩn theo quy định; có
năng lực chuyên môn và kỹ năng sư phạm đáp ứng được yêu cầu đào tạo và nghiên cứu
khoa học của chương trình đào tạo; thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ đào tạo.
4. Giảng viên, giáo
viên được đánh giá năng lực và được hỗ trợ, tạo điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ
được giao.
5. Đội ngũ nhân viên
có phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và thực
hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao; được đánh giá năng lực; được định kỳ bồi
dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ.
6. Quy trình tuyển dụng,
bổ nhiệm, sử dụng cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên và nhân viên bảo đảm
đúng quy định, công khai và minh bạch.
Điều
12. Tiêu chuẩn 8: Cơ sở vật chất và trang thiết bị
1. Hệ thống phòng chức
năng, phòng học, phòng làm việc, phòng thí nghiệm, phòng thực hành đáp ứng yêu
cầu của chương trình đào tạo.
2. Thư viện và các
nguồn học liệu phù hợp và được cập nhật để hỗ trợ các hoạt động đào tạo.
3. Hệ thống thiết bị,
đồ dùng dạy học và công nghệ thông tin bao gồm cả hạ tầng cho học tập trực tuyến
phù hợp và được cập nhật để phục vụ hiệu quả việc dạy và học, đáp ứng yêu cầu
của chương trình đào tạo.
4. Các tiêu chuẩn về
môi trường, sức khỏe, an toàn được xác định và triển khai có lưu ý đến nhu cầu
đặc thù của người khuyết tật.
Điều
13. Tiêu chuẩn 9: Bảo đảm và nâng cao chất lượng
1. Có các chính sách
phù hợp để thực hiện hiệu quả các hoạt động bảo đảm chất lượng chương trình đào
tạo.
2. Cơ sở giáo dục mầm
non, cơ sở giáo dục phổ thông được trường liên hệ để sinh viên, học sinh kiến tập
sư phạm và thực tập sư phạm đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia hoặc đạt kiểm
định chất lượng giáo dục.
3. Hoạt động kiến tập
sư phạm và thực tập sư phạm được tổng kết, đánh giá và được định kỳ rà soát, cải
tiến.
4. Quá trình dạy và học,
việc đánh giá kết quả học tập của người học được rà soát và đánh giá thường
xuyên để bảo đảm sự tương thích và phù hợp với chuẩn đầu ra.
5. Chất lượng các dịch
vụ hỗ trợ và tiện ích tại thư viện, phòng thí nghiệm, hệ thống công nghệ thông
tin và các dịch vụ hỗ trợ khác được đánh giá và cải tiến.
6. Có hệ thống khảo
sát, thu thập ý kiến phản hồi từ các bên liên quan. Thông tin phản hồi và nhu cầu
của các bên liên quan được sử dụng làm căn cứ để thiết kế và phát triển chương
trình đào tạo.
7. Việc thiết kế và
phát triển chương trình đào tạo được xác lập, rà soát, đánh giá và cải tiến.
Điều
14. Tiêu chuẩn 10: Kết quả đầu ra
1. Tỉ lệ thôi học, tốt
nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
2. Tỉ lệ có việc làm
sau tốt nghiệp được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
3. Mức độ hài lòng của
các bên liên quan được xác lập, giám sát và đối sánh để cải tiến chất lượng.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều
15. Trách nhiệm của Cục Quản lý chất lượng
Cục Quản lý chất lượng
hướng dẫn cụ thể về sử dụng tiêu chuẩn đánh giá, hướng dẫn tự đánh giá và đánh
giá ngoài để các trường, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục thống nhất
thực hiện.
Điều
16. Trách nhiệm của các trường có đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm
và trung cấp sư phạm
1. Căn cứ vào tình
hình cụ thể, trường chủ động lập kế hoạch xây dựng chương trình đào tạo đạt tiêu
chuẩn chất lượng giáo dục cho từng giai đoạn và có các biện pháp thực hiện tốt
kế hoạch đề ra. Việc thực hiện tự đánh giá, đăng ký đánh giá ngoài và các nội
dung liên quan đến kiểm định chất lượng chương trình đào tạo, trường thực hiện
theo quy định hiện hành của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình và
chu kỳ kiểm định chất lượng chương trình đào tạo.
2. Đối với từng chương
trình đào tạo cụ thể, trường có thể lựa chọn đánh giá theo tiêu chuẩn ban hành
tại Thông tư này hoặc theo tiêu chuẩn của tổ chức đánh
giá và kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài có uy tín, được Bộ Giáo dục và
Đào tạo công nhận.
Điều
17. Trách nhiệm của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục
Tổ chức kiểm định chất
lượng giáo dục căn cứ vào Thông tư này để đánh giá và công nhận chương trình
đào tạo của trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo quy định hiện hành của
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về quy trình và chu kỳ kiểm định chất lượng chương
trình đào tạo.
Điều
18. Hiệu lực thi hành
1. Hiệu lực thi hành
a) Thông tư này có hiệu
lực thi hành kể từ ngày 23 tháng 3 năm 2020;
b) Thông tư này thay
thế Quyết định số 72/2007/QĐ-BGDĐT ngày 30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ
Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương
trình giáo dục ngành Giáo dục Tiểu học trình độ cao đẳng.
2. Quy định chuyển tiếp
Các trường đang thực
hiện tự đánh giá chương trình đào tạo theo Quyết định số 72/2007/QĐ-BGDĐT ngày
30 tháng 11 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Ban hành Quy định về
tiêu chuẩn đánh giá chất lượng chương trình giáo dục ngành Giáo dục Tiểu học
trình độ cao đẳng thì được thực hiện tiếp quy trình kiểm định chất lượng giáo dục
theo quy định hiện hành trong giai đoạn chuyển tiếp cho đến hết ngày 01 tháng 7
năm 2020. Trong đó, việc tự đánh giá và đăng ký đánh giá ngoài với tổ chức kiểm
định chất lượng giáo dục chỉ thực hiện cho đến thời điểm Thông tư này có hiệu lực
thi hành.
3. Chánh Văn phòng, Cục
trưởng Cục Quản lý chất lượng, Thủ trưởng đơn vị có liên quan thuộc Bộ Giáo dục
và Đào tạo; Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
Giám đốc sở giáo dục và đào tạo; Thủ trưởng trường có thực hiện chương trình
đào tạo giáo viên trình độ cao đẳng sư phạm và trung cấp sư phạm; Giám đốc tổ
chức kiểm định chất lượng giáo dục và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Thông tư này./.
Nơi nhận:
- Như khoản 3 Điều 18;
- Văn phòng Chính phủ;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ban Tuyên giáo Trung ương;
- UBVHGDTNTNNĐ của QH;
- Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- Kiểm toán Nhà nước;
- Bộ trưởng (để báo cáo);
- Công báo;
- Cổng TTĐT Chính phủ;
- Cổng TTĐT Bộ GDĐT;
- Lưu: VT, Vụ PC, Cục QLCL.
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Phúc
|