ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TUYÊN QUANG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1340/QĐ-UBND
|
Tuyên Quang, ngày
15 tháng 9 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC THÔNG QUA PHƯƠNG ÁN ĐƠN GIẢN HÓA 11 THỦ TỤC HÀNH
CHÍNH LĨNH VỰC TƯ PHÁP; NỘI VỤ; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; KHOA HỌC
VÀ CÔNG NGHỆ; XÂY DỰNG; LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI
QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN QUANG NĂM 2022
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TUYÊN QUANG
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ
chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Nghị định số
63/2010/NĐ-CP ngày 08/06/2010 của Chính phủ về kiểm soát thủ tục hành chính;
Nghị định số 92/2017/NĐ -CP ngày 07/08/2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của các Nghị định liên quan đến kiểm soát thủ tục hành chính;
Căn cứ Thông tư số
02/2017/TT-VPCP ngày 31/10/2017 của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ hướng
dẫn về nghiệp vụ kiểm soát thủ tục hành chính;
Thực hiện Quyết định số
52/QĐ-UBND ngày 27/01/2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang về việc ban
hành Kế hoạch rà soát, đánh giá thủ tục hành chính trên địa bàn tỉnh Tuyên
Quang năm 202 2;
Theo đề nghị của Chánh Văn
phòng Ủy ban nhân dân tỉnh.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Thông qua Phương án đơn giản hóa 11 thủ tục hành
chính trong lĩnh vực Tư pháp; Nội vụ; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Khoa
học và Công nghệ; Xây dựng; Lao động - Thương binh và Xã hội thuộc thẩm quyền
giải quyết của tỉnh Tuyên Quang năm 2022 (có Phụ lục kèm theo).
Điều 2.
Giao Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm phối
hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện Quyết định này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 4.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở; Thủ
trưởng Ban, Ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban
nhân dân xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu
trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Cục KSTTHC-VPCP; (báo cáo)
- Các Bộ: Tư pháp, Nội vụ; Nông nghiệp&PTNT; KH&CN; (báo cáo) Xây dựng;
LĐ-TB&XH; (báo cáo)
- Chủ tịch UBND tỉnh; (báo cáo)
- Các PCT UBND tỉnh; (báo cáo)
- Như Điều 4; (thực hiện)
- Các PCVP UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh; (đăng tải)
- Trung tâm PVHCC tỉnh;
- Phòng: NC, KT, QHĐT&XD, TH-VX;
- Lưu: VT, THCBKS(Nhung).
|
CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Sơn
|
PHƯƠNG ÁN
ĐƠN GIẢN HÓA 11 THỦ TỤC HÀNH CHÍNH (TTHC) LĨNH VỰC TƯ PHÁP;
NỘI VỤ; NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN; KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ; XÂY DỰNG;
LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI THUỘC THẨM QUYỀN GIẢI QUYẾT CỦA TỈNH TUYÊN
QUANG NĂM 2022
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1340/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2022
của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang)
A. LĨNH VỰC
TƯ PHÁP (04 thủ tục)
A.1. Thủ tục
hành chính cấp tỉnh (02 thủ tục)
1. Lĩnh vực
quốc tịch (Thủ tục nhập quốc tịch Việt Nam)
1.1. Nội dung đơn giản hóa: Về
thành phần hồ sơ.
Đề nghị bỏ thành phần hồ sơ:
Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời
gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở Việt Nam, đối với trường hợp
người dưới 14 tuổi xin nhập quốc tịch Việt Nam.
1.2. Lý do:
- Theo khoản 1 Điều 20 Luật Quốc
tịch Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định thành phần hồ
sơ xin thôi quốc tịch Việt Nam gồm có:
“a) Đơn xin nhập quốc tịch
Việt Nam;
b) Bản sao Giấy khai sinh, Hộ
chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
c) Bản khai lý lịch;
d) Phiếu lý lịch tư pháp do
cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch
Việt Nam cư trú ở Việt Nam, Phiếu lý lịch tư pháp do cơ quan có thẩm quyền của
nước ngoài cấp đối với thời gian người xin nhập quốc tịch Việt Nam cư trú ở nước
ngoài. Phiếu lý lịch tư pháp phải là phiếu được cấp không quá 90 ngày tính đến
ngày nộp hồ sơ;
đ) Giấy tờ chứng minh trình
độ Tiếng Việt;
e) Giấy tờ chứng minh về chỗ
ở, thời gian thường trú ở Việt Nam;
g) Giấy tờ chứng minh bảo đảm
cuộc sống ở Việt Nam” .
- Tại khoản 4, Điều 2 Luật Lý lịch
tư pháp năm 2009 quy định:“Phiếu lý lịch tư pháp là phiếu do cơ quan quản lý
cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp cấp có giá trị chứng minh cá nhân có hay không có
án tích; bị cấm hay không bị cấm đảm nhiệm chức vụ, thành lập, quản lý doanh
nghiệp, hợp tác xã trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã bị Tòa án tuyên bố
phá sản”.
- Điều 12 Bộ luật Hình sự năm
2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 quy định về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự như
sau:
“1. Người từ đủ 16 tuổi trở
lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật
này có quy định khác.
2. Người từ đủ 14 tuổi trở
lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội giết người,
tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội hiếp
dâm, tội hiếp dâm người dưới 16 tuổi, tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới
16 tuổi, tội cướp tài sản, tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; về tội phạm rất
nghiêm trọng, tội phạm đặc biệt nghiêm trọng…”.
Theo quy định của Bộ luật Hình
sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự của người
phạm tội là từ đủ 14 tuổi trở lên, người chưa đủ 14 tuổi không phải chịu trách
nhiệm hình sự đối với mọi tội phạm. Vì vậy, không cần thiết phải nộp Phiếu lý lịch
tư pháp đối với trường hợp người dưới 14 tuổi xin thôi quốc tịch vì đây là đối
tượng không phải chịu trách nhiệm hình sự trong mọi trường hợp.
1.3. Kiến nghị thực thi:
Sửa đổi Điều 20 Luật Quốc tịch
Việt Nam (sửa đổi, bổ sung năm 2014) quy định về thành phần hồ sơ xin
thôi quốc tịch Việt Nam theo hướng bổ sung quy định: Trường hợp người dưới 14
tuổi xin thôi quốc tịch Việt Nam thì không phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa: Tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; giảm
chi phí và thời gian đi lại, xác nhận, nộp hồ sơ.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 35.167.670 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 30.597.770 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 4.569.900
đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 13%.
2. Lĩnh vực
giám định tư pháp (Thủ tục bổ nhiệm và cấp thẻ giám định viên tư pháp)
2.1. Nội dung đơn giản hóa: Về
thành phần hồ sơ.
Bỏ Giấy xác nhận về thời gian
thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm
làm việc đối với trường hợp cá nhân được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị
bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Giám
định tư pháp năm 2012 sửa đổi, bổ sung năm 2020 (sau đây viết là Luật Giám định
tư pháp).
2.2. Lý do:
Khoản 4 Điều 8 Luật Giám định
tư pháp quy định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp gồm có“Giấy
xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức
nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc”. Đồng thời tại khoản 1 Điều 8 Luật
Giám định tư pháp quy định một trong các thành phần hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám
định viên tư pháp gồm: “Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của
cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật này
hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cá nhân đã là giám định
viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi việc để thành lập Văn
phòng giám định tư pháp”.
Quy định nêu trên cho thấy, việc
quy định trường hợp cá nhân được cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị bổ nhiệm
giám định viên tư pháp theo quy định tại khoản 2 Điều 9 của Luật Giám định tư
pháp cần phải nộp đồng thời hai loại giấy tờ gồm: (1) Văn bản đề nghị bổ nhiệm
giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị quy định tại
khoản 2 Điều 9 của Luật này hoặc đơn đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của
cá nhân đã là giám định viên tư pháp nhưng bị miễn nhiệm do nghỉ hưu hoặc thôi
việc để thành lập Văn phòng giám định tư pháp và (2) Giấy xác nhận về thời gian
thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm
làm việc là không thực sự cần thiết. Thực tế, chỉ cần bổ sung nội dung: “Xác
nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người
được đề nghị bổ nhiệm làm việc” trong “Văn bản đề nghị bổ nhiệm giám định
viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền đề nghị” đã đảm bảo đầy đủ,
chặt chẽ trong quá trình tiếp nhận, giải quyết hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định
viên tư pháp; đồng thời giúp đơn giản hóa thành phần hồ sơ, thuận tiện và nhanh
chóng cho người có yêu cầu trong quá trình nộp hồ sơ đề nghị bổ nhiệm, cấp thẻ
giám định viên tư pháp.
2.3. Kiến nghị thực thi:
Sửa đổi Luật Giám định tư pháp
quy định hồ sơ đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp theo hướng bỏ quy định về“Giấy
xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên môn của cơ quan, tổ chức nơi người
được đề nghị bổ nhiệm làm việc” tại khoản 4 Điều 8 Luật Giám định Tư pháp,
đồng thời bổ sung nội dung “Xác nhận về thời gian thực tế hoạt động chuyên
môn của cơ quan, tổ chức nơi người được đề nghị bổ nhiệm làm việc” trong “Văn
bản đề nghị bổ nhiệm giám định viên tư pháp của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền
đề nghị” tại khoản 1 Điều 8 Luật Giám định Tư pháp.
2.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa: Tạo thuận lợi cho công dân khi thực hiện thủ tục hành chính; giảm
chi phí và thời gian đi lại, xác nhận, nộp hồ sơ.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 52.751.505 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 45.896.655 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 6.854.850
đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 13%.
A.2. Thủ tục
hành chính cấp huyện (01 thủ tục)
* Lĩnh vực Hộ tịch:
1. Nội dung đơn giản hóa: Đề
xuất thủ tục thay đổi, cải chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi và xác định lại
dân tộc được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện.
2. Lý do: Tại điểm b,
khoản 1, Điều 7 Luật Hộ tịch năm 2014 quy định
Ủy ban nhân dân cấp xã đăng ký
hộ tịch trong các trường hợp sau:
b) Đăng ký thay đổi, cải
chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi; bổ sung thông tin hộ tịch cho
công dân Việt Nam cư trú ở trong nước;”.
Tại điểm b, khoản 2, Điều 7 Luật
Hộ tịch năm 2014 quy định Ủy ban nhân dân cấp huyện đăng ký hộ tịch trong các
trường hợp sau:
“b) Đăng ký thay đổi, cải
chính hộ tịch cho công dân Việt Nam từ đủ 14 tuổi trở lên cư trú ở trong nước;
xác định lại dân tộc;”
- Theo đó, thủ tục thay đổi, cải
chính cho người chưa đủ 14 tuổi được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã, thủ
tục xác định lại dân tộc thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện. Như vậy, khi
công dân chưa đủ 14 tuổi xác định lại dân tộc mà có yêu cầu cải chính hộ tịch
phải đến hai cơ quan cấp xã và cấp huyện để giải quyết TTHC, trong khi Ủy ban
nhân dân cấp huyện cũng có thẩm quyền thay đổi, cải chính hộ tịch, điều này gây
lãng phí thời gian và chi phí đi lại cho công dân.
3. Kiến nghị thực thi: Đề
nghị phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện thủ tục thay đổi, cải
chính hộ tịch cho người chưa đủ 14 tuổi trong trường hợp người chưa đủ 14 tuổi
xác định lại dân tộc có yêu cầu cải chính hộ tịch tại Điều 7 Luật Hộ tịch năm
2014.
4. Lợi ích phương án đơn giản
hóa: Việc quy định thẩm quyền thực hiện TTHC cho Ủy ban nhân dân cấp huyện
giúp cắt giảm thời gian, chi phí đi lại cho công dân, đồng thời tạo sự đơn giản,
nhanh chóng cho công dân mà vẫn đảm bảo đúng quy định của pháp luật khi thực hiện
TTHC.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 175.102 đồng/đối tượng/lần thực hiện TTHC.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 129.390 đồng/đồng/đối tượng/lần thực hiện TTHC.
+ Chi phí tiết kiệm: 45.712 đồng/đối
tượng/lần thực hiện TTHC.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 26%.
A.3. Thủ tục
hành chính cấp xã (01 thủ tục)
* Lĩnh vực Hộ tịch:
1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị bổ sung “Trường hợp
người chết là người địa phương chết tại nơi cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã
thực hiện cấp Trích lục khai tử” vào điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị định số
123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và
biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
2. Lý do:
Theo quy định tại điểm d khoản
2 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi
tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch quy định:
“2. Khi đăng ký khai tử
theo quy định của Luật Hộ tịch, nội dung khai tử phải bao gồm các thông tin: Họ,
chữ đệm, tên, năm sinh của người chết; số định danh cá nhân của người chết, nếu
có; nơi chết; nguyên nhân chết; giờ, ngày, tháng, năm chết theo Dương lịch; quốc
tịch nếu người chết là người nước ngoài.
Nội dung đăng ký khai tử được
xác định theo Giấy báo tử hoặc giấy tờ thay Giấy báo tử do cơ quan có thẩm quyền
sau đây cấp:
…đ) Đối với người chết không
thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, c và d của khoản này
thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó chết có trách nhiệm cấp Giấy báo tử.”
Theo đó, tại điểm đ nêu trên,
trong trường hợp người chết là người địa phương chết tại nơi cư trú thì Ủy ban
nhân dân cấp xã nơi người đó chết phải thực hiện đồng thời vừa cấp Giấy báo tử
sau đó lại cấp Trích lục khai tử theo quy định tại Điều 34 Luật Hộ tịch. Việc thực
hiện cấp cả 02 loại giấy tờ nêu trên trong trường hợp này là không cần thiết.
3. Kiến nghị thực thi
Bổ sung “Trường hợp người chết
là người địa phương chết tại nơi cư trú thì Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện cấp
Trích lục khai tử, không phải cấp Giấy báo tử”vào điểm đ khoản 2 Điều 4 Nghị
định số 123/2015/NĐ-CP ngày 15/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch.
4. Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Việc cắt giảm thủ tục cấp Giấy báo
tử trong trường hợp này sẽ tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại và tạo điều kiện
thuận lợi cho đối tượng khi thực hiện thủ tục hành chính:
- Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 17.902.446 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 9.217.458đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 8.684.988đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí:
48,5%.
B. LĨNH VỰC
NỘI VỤ (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
1. Thủ tục
báo cáo tổ chức đại hội nhiệm kỳ, đại hội bất thường
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề xuất bãi bỏ thành phần hồ sơ
“Đối với nhân sự dự kiến là người đứng đầu hội phải có sơ yếu lý lịch, phiếu
lý lịch tư pháp, văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân
cấp quản lý cán bộ” .
1.2. Lý do:
- Đối với tổ chức hội mà Chủ tịch,
Phó Chủ tịch hội là công chức hoặc viên chức, công tác nhân sự đối với lãnh đạo
hội được thực hiện theo quy trình công tác cán bộ, tài liệu, hồ sơ quản lý theo
chế độ tài liệu mật. Vì vậy, việc đưa hồ sơ giới thiệu nhân sự (khi chưa
công khai) trong thành phần hồ sơ TTHC là không phù hợp.
- Lãnh đạo tổ chức hội các cấp
thuộc thẩm quyền quản lý của cấp ủy các cấp, hồ sơ giới thiệu nhân sự được thực
hiện theo quy chế bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử do cấp ủy ban hành.
- Bên cạnh đó, quy định hồ sơ
người đứng đầu hội phải có “Phiếu lý lịch tư pháp” đã được sửa đổi tại
khoản 4 Điều 1 Thông tư số 01/2022/TT-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội vụ ngày
16/01/2022: “Nhân sự dự kiến người đứng đầu hội phải có sơ yếu lý lịch, phiếu
lý lịch tư pháp, trường hợp nhân sự dự kiến người đứng đầu hội là cán bộ, công
chức, viên chức hoặc đã là cán bộ, công chức, viên chức nhưng đã nghỉ hưu được
cơ quan có thẩm quyền đồng ý bằng văn bản theo quy định về phân cấp quản lý cán
bộ thì không cần phiếu lý lịch tư pháp”.
1.3. Kiến nghị thực thi:
Đề nghị bãi bỏ thành phần hồ sơ
“Đối với nhân sự dự kiến là người đứng đầu hội phải có sơ yếu lý lịch, phiếu
lý lịch tư pháp, văn bản đồng ý của cơ quan có thẩm quyền theo quy định về phân
cấp quản lý cán bộ” tại điều khoản 2 Điều 2 Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày
16/04/2013 của Bộ Nội vụ.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Việc bãi bỏ thành phần hồ sơ sẽ
tiết kiệm thời gian, chi phí và tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng khi thực
hiện thủ tục hành chính:
- Chi phí tuân thủ TTHC trước khi
đơn giản hóa: 32.573.010 đồng/năm.
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 25.293.310 đồng/năm.
- Chi phí tiết kiệm: 7.279.700
đồng/năm.
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 22,4
%.
C. LĨNH VỰC
NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN (02 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
1. Thủ tục
Xác nhận hợp đồng tiếp cận nguồn gen và chia sẻ lợi ích
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
- Đề nghị quy định rõ số lượng
hồ sơ mà đối tượng phải nộp khi thực hiện TTHC.
1.2. Lý do:
Tại Điều 11 Nghị định số
59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ về quản lý tiếp cận nguồn gen và
chia sẻ lợi ích từ việc sử dụng nguồn gen có quy định về trình tự, thành phần hồ
sơ thực hiện TTHC. Tuy nhiên, không quy định về số lượng hồ sơ, gây khó khăn
cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
1.3. Kiến nghị thực thi: Bổ
sung quy định số lượng hồ sơ thực hiện TTHC tại Điều 11 Nghị định số
59/2017/NĐ-CP ngày 12/5/2017 của Chính phủ.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Việc quy định rõ số lượng hồ sơ
tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC, tránh tình trạng
tiêu cực, yêu cầu nhiều bộ hồ sơ gây tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân khi
thực hiện TTHC.
2. Thủ tục
Phê duyệt kế hoạch khuyến nông địa phương
2.1. Nội dung đơn giản hóa:
- Đề nghị quy định rõ số lượng
hồ sơ mà đối tượng phải nộp khi thực hiện TTHC.
2.2. Lý do:
Tại Điều 25 Nghị định số
83/2018/NĐ-CP ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông có quy định về trình
tự, xây dựng, thẩm định, phê duyệt thực hiện TTHC. Tuy nhiên, không quy định về
số lượng hồ sơ, gây khó khăn cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC.
2.3. Kiến nghị thực thi: Bổ
sung quy định số lượng hồ sơ thực hiện TTHC tại Điều 25 Nghị định 83/2018/NĐ-CP
ngày 24/5/2018 của Chính phủ.
2.4. Lợi ích phương án đơn giản
hóa:
Việc quy định rõ số lượng hồ sơ
tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC, tránh tình trạng
tiêu cực, yêu cầu nhiều bộ hồ sơ gây tốn kém chi phí cho tổ chức, cá nhân khi
thực hiện TTHC.
D. LĨNH VỰC
KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ (02 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
1. Thủ tục
đánh giá, nghiệm thu kết quả thực hiện đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp
tỉnh
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị giảm thành phần hồ sơ:
Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề tài/Dự án.
1.2. Lý do:
Trong thành phần hồ sơ có “Báo
cáo tổng hợp kết quả Đề tài/Dự án” đã thể hiện chi tiết đầy đủ các nội dung
nghiên cứu, vì vậy báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề tài/Dự án là không cần
thiết, việc cắt giảm báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện Đề tài/Dự án giúp giảm
thiểu thành phần hồ sơ khi thực hiện thủ tục hành chính.
1.3. Kiến nghị thực thi:
Đề nghị sửa đổi: Mẫu số 15, quy
định tại Điểm d Khoản 2 Điều 16 Quyết định số 25/2017/QĐ-UBND ngày 19/12/2017 của
Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Quy định tổ chức thực hiện và quản lý các
đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Giảm thành phần hồ sơ không cần
thiết, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng như giảm chi phí in ấn hồ sơ
cho cá nhân, tổ chức.
2. Thủ tục
đăng ký kiểm tra nhà nước về đo lường đối với phương tiện đo, lượng của hàng
đóng gói sẵn nhập khẩu
2.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị giảm bớt thành phần hồ
sơ: Danh mục hàng hóa (packing list).
2.2. Lý do:
Trong thành phần hồ sơ đã có hợp
đồng, tờ khai hàng hóa nhập khẩu ghi rõ các loại hàng hóa, do đó không cần bổ
sung thêm danh mục hàng hóa.
2.3. Kiến nghị thực thi:
Đề nghị sửa đổi: Khoản 6 Điều
10 Thông tư số 28/2013/TT-BKHCN ngày 17/12/2013 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và
Công nghệ quy định kiểm tra nhà nước về đo lường.
2.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Giảm thành phần hồ sơ không cần
thiết, giúp giảm bớt thời gian chuẩn bị hồ sơ cũng như giảm chi phí in ấn hồ sơ
cho cá nhân, tổ chức.
Đ. LĨNH VỰC
XÂY DỰNG (01 thủ tục hành chính cấp tỉnh)
1. Thủ tục
cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chứng chỉ hạng II, hạng III
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị bãi bỏ thành phần hồ sơ
tại Điểm đ, Khoản 1, Điều 76 Nghị định số 15/2021 ngày 03/3/2021 của Chính phủ
Quy định định chi tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng: Các
quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn
bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu
biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu
trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề
độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện
tiêu biểu đã kê khai (Bản sao có chứng thực hoặc tệp tin chứa ảnh màu chụp từ
bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đổi chiếu).
1.2. Lý do:
Thành phần hồ sơ TTHC tại Khoản
1, Điều 76 Nghị định số 15/2021 ngày 03/3/2021 của Chính phủ Quy định định chi
tiết một số nội dung về quản lý dự án đầu tư xây dựng:
1. Hồ sơ đề nghị cấp chứng chỉ
hành nghề lần đầu, điều chỉnh hạng chứng chỉ, gia hạn chứng chỉ hành nghề, bao
gồm:
a) Đơn đề nghị cấp chứng chỉ
hành nghề theo Mẫu số 01 Phụ lục IV Nghị định này;
b) 02 ảnh màu cỡ 4 x 6 cm và
tệp tin ảnh có nền màu trắng chân dung của người đề nghị được chụp trong thời
gian không quá 06 tháng;
c) Văn bằng do cơ sở đào tạo
hợp pháp cấp phù hợp với loại, hạng chứng chỉ đề nghị cấp;
Đối với văn bằng do cơ sở
đào tạo nước ngoài cấp, phải là bản được hợp pháp hóa lãnh sự theo quy định và
phải có bản dịch sang tiếng Việt được công chứng, chứng thực theo quy định của
pháp luật Việt Nam;
d) Chứng chỉ hành nghề đã được
cơ quan có thẩm quyền cấp trong trường hợp đề nghị điều chỉnh hạng, gia hạn chứng
chỉ hành nghề;
đ) Các quyết định phân công
công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc văn bản xác nhận của đại
diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu biểu mà cá nhân đã
hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu trách nhiệm về sự
trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề độc lập thì phải
có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện tiêu biểu đã kê
khai;
e) Giấy tờ hợp pháp về cư
trú hoặc giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp đối với
trường hợp cá nhân là người nước ngoài;
g) Bản sao kết quả sát hạch
đạt yêu cầu trong trường hợp đã sát hạch trước ngày nộp hồ sơ đề nghị cấp chứng
chỉ hành nghề;
h) Các tài liệu theo quy định
tại các điểm c, d, đ và e khoản này phải là bản sao có chứng thực hoặc tệp tin
chứa ảnh màu chụp từ bản chính hoặc bản sao, xuất trình bản chính để đối chiếu.
Căn cứ quy định nêu trên tại
Khoản 1, Điều 76 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ: Khi cấp
lần đầu chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng chứng chỉ hạng II, hạng III cho
người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng đã có thành phần hồ sơ
nêu trên và đã đủ điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, vì vậy
thành phần hồ sơ này khi cấp gia hạn chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng là
không cần thiết.
1.3. Kiến nghị thực thi:
Bãi bỏ thành phần hồ sơ “…đ)
Các quyết định phân công công việc (giao nhiệm vụ) của tổ chức cho cá nhân hoặc
văn bản xác nhận của đại diện theo pháp luật của chủ đầu tư về các công việc tiêu
biểu mà cá nhân đã hoàn thành theo nội dung kê khai. Người ký xác nhận phải chịu
trách nhiệm về sự trung thực của nội dung xác nhận. Trường hợp cá nhân hành nghề
độc lập thì phải có hợp đồng và biên bản nghiệm thu các công việc thực hiện
tiêu biểu đã kê khai;” tại Khoản 1, Điều 76 Nghị định số 15/2021/NĐ-CP ngày
03/3/2021 của Chính phủ.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Tạo thuận lợi cho tổ chức và
các nhân giảm bớt thành phần hồ sơ, thời gian thực hiện, giảm chi phí và thời
gian đi lại, xác nhận, nộp hồ sơ.
+ Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 108.576.700 đồng/năm.
+ Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 70.977.700 đồng/năm.
+ Chi phí tiết kiệm: 37.599.000
đồng/năm.
+ Tỷ lệ cắt giảm chi phí:
34,6%.
E. LĨNH VỰC
LAO ĐỘNG-THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI (01 thủ tục hành chính cấp huyện)
1. Thủ tục
thăm viếng mộ liệt sĩ
1.1. Nội dung đơn giản hóa:
Đề nghị sửa đổi về thành phần hồ
sơ như sau:
- Bãi bỏ các quy định chứng
thực một trong các giấy tờ sau: Giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân liệt
sĩ; quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sỹ.
- Bãi bỏ Giấy báo tin mộ liệt
sĩ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ (đối với trường hợp
mộ liệt sĩ có đầy đủ thông tin).
1.2. Lý do:
Điểm b, Khoản 1, Điều 158 và Mục
1, Điểm c, Khoản 1 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ
Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách
mạng quy định về hồ sơ đi thăm viếng mộ liệt sỹ, như sau:
"1. Người đi thăm viếng
mộ liệt sĩ gửi Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương nơi
quản lý hồ sơ gốc của liệt sĩ các giấy tờ sau:
a) Đơn đề nghị thăm viếng mộ
liệt sĩ theo Mẫu số 31 Phụ lục I Nghị định này.
b) Bản sao được chứng thực từ
một trong các giấy tờ sau: giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân liệt sĩ; quyết
định trợ cấp thờ cúng liệt sĩ.
c) Một trong các giấy tờ
sau:
Đối với trường hợp mộ liệt
sĩ có đầy đủ thông tin: giấy báo tin mộ liệt sĩ của Sở Lao động - Thương binh
và Xã hội nơi quản lý mộ.
Đối với trường hợp chưa xác
định được mộ cụ thể trong nghĩa trang liệt sĩ: Giấy xác nhận do Sở Lao động -
Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ về việc có tên trong danh sách quản lý của
nghĩa trang; bản trích lục hồ sơ liệt sĩ do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội
nơi quản lý hồ sơ gốc cấp; bản sao được chứng thực từ giấy xác nhận thông tin về
nơi liệt sĩ hy sinh theo Mẫu số 4 4 Phụ lục I Nghị định này."
Tuy nhiên, qua thực tế khi thực
hiện chính sách trong thời gian qua, cán bộ tiếp nhận hồ sơ kiểm tra thông tin
về gia đình hoặc thân nhân liệt sĩ trong danh sách quản lý lưu tại Phòng Lao động
- Thương binh và Xã hội, đã đối chiếu với hồ sơ gốc do người dân cung cấp, do vậy
không cần thiết phải chứng thực Giấy chứng nhận gia đình hoặc thân nhân
liệt sỹ, quyết định trợ cấp thờ cúng liệt sỹ;
Đối với Giấy báo tin mộ liệt sĩ
của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội nơi quản lý mộ: Gia đình đã có thông
tin về mộ liệt sĩ và kê khai đầy đủ thông tin trong Đơn đề nghị thăm viếng mộ
liệt sĩ, do vậy không cần thiết phải cung cấp Giấy báo tin mộ liệt sĩ đối với
trường hợp mộ liệt sĩ đã có đầy đủ thông tin.
1.3. Kiến nghị thực thi:
Sửa đổi Điểm b và Mục 1, Điểm
c, Khoản 1 và Điều 158 Nghị định số 131/2021/NĐ-CP ngày 30/12/2021 của Chính phủ
Quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách
mạng.
1.4. Lợi ích phương án đơn
giản hóa:
Tạo điều kiện thuận lợi, tiết
kiệm thời gian và chi phí cho người dân khi thực hiện thủ tục hành chính.
- Chi phí tuân thủ TTHC trước
khi đơn giản hóa: 6.000đồng/01 hồ sơ (công chứng các giấy tờ liên quan đến hồ
sơ đi thăm viếng mộ).
- Chi phí tuân thủ TTHC sau khi
đơn giản hóa: 0 đồng/01 hồ sơ
- Chi phí tiết kiệm: 6.000 đồng/01
hồ sơ
- Tỷ lệ cắt giảm chi phí: 100%.