ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐẮK NÔNG
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 444/KH-UBND
|
Đắk
Nông, ngày 01 tháng 8 năm 2022
|
KẾ HOẠCH
CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP
TỈNH ĐẮK NÔNG GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
Phần I
THỰC TRẠNG CÔNG TÁC CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO
SỨC KHỎE NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2016-2021
1. Tình hình hệ
thống y tế chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề
nghiệp giai đoạn 2016-2021
Bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người lao động
và phòng, chống bệnh nghề nghiệp là yếu tố rất quan trọng
để thúc đẩy sản xuất. Các doanh nghiệp đã từng bước có đầu tư mua sắm, trang bị
đồ bảo hộ lao động, bồi dưỡng kiến thức về an toàn lao động để giảm thiểu những
tác hại đến sức khỏe của người lao động.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng
1.746 cơ sở lao động với 28.440 người lao động. Trong đó, cơ sở lao động nhỏ
chiếm 95,5% (1.667 cơ sở); cơ sở lao động vừa chiếm 3,9% (68 cơ sở) và cơ sở
lao động lớn (trên 200 người lao động) chiếm 0,6% (11 cơ sở). Số cơ sở lao động có yếu tố nguy hiểm, có hại là 153 cơ sở với 3.589
người lao động tiếp xúc trực tiếp trên tổng số 5.744 người
lao động làm việc tại các cơ sở này.
- Có 11 đơn vị đủ điều kiện tổ chức
khám sức khỏe định kỳ cho người lao động (Bệnh viện đa khoa tỉnh, 07 Trung tâm
Y tế huyện, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông và 02 cơ sở y tế tư
nhân); chưa có đơn vị đủ điều kiện thực hiện khám phát hiện bệnh nghề nghiệp và
tư vấn điều trị các bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Có 01 đơn vị đủ năng lực thực hiện
quan trắc môi trường lao động (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Đắk Nông) được
công bố đủ điều kiện tổ chức quan trắc môi trường lao động từ năm 2017. Đến thời điểm hiện tại, đơn vị đủ năng lực thực hiện 14 chỉ tiêu, đạt
53,8% và hợp đồng hỗ trợ chuyên môn với Viện chuyên ngành thêm 12 chỉ tiêu để đảm
bảo đủ điều kiện tổ chức quan trắc môi trường lao động theo Nghị định số
44/2016/NĐ-CP của Chính Phủ.
2. Kết quả thực hiện
chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai
đoạn 2016 - 2021
- Tính đến tháng 12 năm 2021, số cơ sở
lập hồ sơ vệ sinh lao động tăng 79 cơ sở so với năm 2016; tuy nhiên, mới chỉ đạt
được 4,5% trên tổng số cơ sở lao động được quản lý (1.746). Về tổ chức bộ phận
y tế tại cơ sở lao động đã được hình thành nhưng có sự biến động hàng năm, đến nay ghi nhận là 166 cơ sở lao động tổ chức bộ phận
y tế, tăng gấp đôi so với năm 2016, đạt 9,5% trên tổng số cơ sở lao động quản
lý.
- Về công tác lập hồ sơ quản lý sức
khỏe người lao động, trong giai đoạn 2016 - 2021 số cơ sở lao động lập hồ sơ quản
lý sức khỏe chiếm 1,32% tổng số cơ sở được quản lý (23/1.746).
- Số cơ sở lao động triển khai huấn luyện
sơ cứu, cấp cứu còn thấp chiếm 4,99% tổng số cơ sở (87/1.746); Quan trắc môi
trường lao động chiếm 10,9% tổng số cơ sở (191/1.746).
- Số cơ sở lao động tổ chức khám bệnh
nghề nghiệp còn rất thấp, trung bình mỗi năm chỉ 01 cơ sở lao động tổ chức khám bệnh nghề nghiệp (hợp đồng khám với đơn
vị ngoài tỉnh), ghi nhận số liệu báo cáo qua các năm đến nay trên địa bàn tỉnh
chưa có bệnh nhân mắc bệnh nghề nghiệp.
- Công tác thanh, kiểm tra liên ngành
đã thực hiện tại 56 cơ sở lao động (giai đoạn 2016-2020, năm 2021 không thực hiện
do ảnh hưởng của dịch COVID-19); đa số các cơ sở lao động
thực hiện các quy định về an toàn, vệ sinh lao động, cơ sở lao động khi sử dụng
máy móc, thiết bị vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động đều
được kiểm định định kỳ, có sổ theo dõi và có quy trình vận hành theo quy định.
- Sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động
số 84/2015/QH13 ngày 25/6/2015, UBND tỉnh đã chỉ đạo các Sở, Ban ngành, đơn vị,
địa phương trên địa bàn tỉnh thực hiện việc tuyên truyền phổ biến sâu rộng cho
người lao động với nhiều hình thức phong phú và đa dạng như trên các phương tiện
thông tin, truyền thông, qua các tháng hành động an toàn, vệ sinh lao động hàng
năm, tổ chức tập huấn, huấn luyện, nói chuyện chuyên đề phổ
biến pháp luật, phát tờ rơi, áp phích. Thông qua kết quả các cuộc điều tra, kiểm
tra cho thấy việc chấp hành pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động đã được cải
thiện.
- So sánh các kết quả thực hiện với
năm 2016 cho thấy, môi trường lao động trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh từng
bước đã có sự cải thiện, ghi nhận về yếu tố vi khí hậu vượt tiêu chuẩn cho phép
giảm, cụ thể: tiếng ồn giảm trên 50%, điều kiện nhiệt độ tại nơi làm việc giảm
trên 80%, độ ẩm giảm 39%. Tuy nhiên, vẫn còn một số yếu tố có hại khác đang có
xu hướng gia tăng như điều kiện ánh sáng, bụi, bức xạ nhiệt không giảm, hơi khí
độc, điện từ trường, các dung môi, các chất gây ung thư chưa được quan trắc vì
thiếu trang thiết bị chuyên dùng.
3. Nguyên nhân, hạn
chế
- Người lao động sử dụng lao động
chưa thực hiện nghiêm các quy định về an toàn vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe
người lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp. Một số cơ sở có thực hiện, tuy
nhiên chủ yếu theo hình thức đối phó.
- Cơ sở lao động có bố trí bộ phận làm công tác y tế còn thấp, nên khó khăn trong việc chăm sóc
và quản lý sức khỏe người lao động, báo cáo thống kê tình hình vệ sinh lao động,
chăm sóc sức khỏe cho người lao động lên cho cơ quan quản lý.
- Hệ thống cán bộ kiêm nhiệm công tác
y tế lao động, đặc biệt là tại các tuyến y tế cơ sở được duy trì nhưng chất lượng
và hiệu quả hoạt động không cao. Do các cán bộ này kiêm nhiệm nhiều chương
trình và thường thay đổi.
- Đắk Nông chưa có phòng khám đủ năng
lực khám và điều trị bệnh nghề nghiệp, do đó công tác khám, phát hiện các trường
hợp mắc bệnh nghề nghiệp, lập hồ sơ quản lý bệnh nghề nghiệp và xây dựng cơ sở
dữ liệu bệnh nghề nghiệp rất khó để triển khai. Máy móc, trang thiết bị quan trắc
môi trường lao động được đầu tư từ năm 2014, đến nay đã xuống cấp trầm trọng.
Những điều này ảnh hưởng lớn đến việc tổ chức công tác chăm sóc sức khỏe cho
người lao động.
Phần II
KẾ HOẠCH CHĂM SÓC VÀ NÂNG CAO SỨC KHỎE
NGƯỜI LAO ĐỘNG, PHÒNG CHỐNG BỆNH NGHỀ NGHIỆP GIAI ĐOẠN 2022 - 2030
I. Căn cứ pháp lý
- Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày
15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An
toàn, vệ sinh lao động;
- Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày
15/5/2016 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh
lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn,
vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động;
- Nghị quyết số 139/NQ-CP ngày
31/12/2017 của Chính phủ về việc thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày
25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới;
- Thông tư số 19/2016/TT-BYT ngày
30/6/2016 của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động và sức khỏe người lao
động;
- Thông tư số 28/2016/TT-BYT ngày 30/6/2016
của Bộ Y tế hướng dẫn quản lý bệnh nghề nghiệp;
- Quyết định số 04/QĐ-MT ngày
12/02/2018 của Cục Quản lý môi trường y tế hướng dẫn kiểm tra việc chấp hành
các quy định của pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động,
phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động;
- Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày
20/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc và nâng cao sức
khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030;
- Quyết định số 3431/QĐ-BYT ngày
14/7/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt Kế hoạch
hành động của Bộ Y tế triển khai Quyết định số 659/QĐ-TTg ngày 20/5/2020 của Thủ
tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình Chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao
động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2020-2030;
- Kế hoạch số 447/KH-UBND ngày
28/8/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông thực hiện Chương trình hành động số
28-CTr/TU ngày 08/5/2018 của Tỉnh ủy Đắk Nông về tăng cường công tác bảo vệ,
chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
II. MỤC TIÊU
1. Mục tiêu tổng quát
Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe
cho người lao động; khuyến khích lối sống, dinh dưỡng lành mạnh tại nơi làm việc,
phòng chống bệnh tật và bệnh nghề nghiệp cho người lao động, bảo đảm chất lượng
nguồn nhân lực góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh trong tình hình mới.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu 1: Nâng cao năng lực quản
lý nhà nước và thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe và phòng
chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
- Tiếp tục duy trì và nâng cao năng lực
chuyên môn, quản lý của các Sở, Ban, ngành, đặc biệt là Trung tâm Kiểm soát bệnh
tật tỉnh (là cơ quan thực hiện chính về quan trắc môi trường lao động; thành lập
phòng khám bệnh nghề nghiệp đủ điều kiện theo quy định); Áp dụng và xây dựng cơ
sở dữ liệu về quan trắc môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại tỉnh vào năm
2025 và thực hiện kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia vào năm 2030.
- Trên 50% người làm công tác y tế cơ
sở được đào tạo, cấp chứng chỉ chứng nhận chuyên môn về y tế lao động, bệnh nghề
nghiệp đến năm 2025 và đạt 100% đến năm 2030.
- Đạt 50% số cơ
sở quan trắc môi trường lao động, khám sức khỏe định kỳ và khám bệnh nghề nghiệp
đã được cấp phép và công bố được kiểm tra chất lượng đến năm 2025 và đạt 100% đến
năm 2030.
- Trên 90% người làm công tác quản
lý, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động cấp huyện,
thành phố và trong các Ban Quản lý khu kinh tế, khu công nghiệp, khu chế xuất,
khu công nghệ cao được truyền thông và tập huấn nâng cao năng lực về vệ sinh
lao động và kiểm soát bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và đạt trên 95% đến năm
2030.
2.2. Mục tiêu 2: Lồng ghép các dịch vụ
y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động không có
hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở; thực
hiện tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, các biện pháp phòng chống bệnh tật,
nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện và tăng cường vận
động nơi làm việc tại các cơ sở lao động.
- 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
được tập huấn, hướng dẫn về các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng
cao sức khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động.
- 40% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
thực hiện lồng ghép các dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức
khỏe cho người lao động không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức
khỏe ban đầu tại tuyến cơ sở đến năm 2025 và đạt 70% đến năm 2030.
- 100% Trạm Y tế xã, phường, thị trấn
thực hiện chế độ báo cáo các trường hợp mắc và tử vong do tai nạn lao động.
- Mỗi năm có
trên 60% cơ sở lao động, làng nghề, hợp tác xã có nguy cơ cao mắc bệnh nghề
nghiệp được tiếp cận với các thông tin truyền thông về chăm sóc sức khoẻ người
lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp và đạt trên 80% vào năm 2030.
- Giảm 15% các vụ ngộ độc thực phẩm tập
thể (nếu có) tại các cơ sở tổ chức ăn uống tại nơi làm việc vào năm 2025 và đến
năm 2030 giảm 25% so với giai đoạn 2010-2018.
- 50% cơ sở lao động vừa và lớn được
hướng dẫn về dinh dưỡng hợp lý, phù hợp với điều kiện lao động đến năm 2025 và
đạt 70% đến năm 2030.
- 100% cơ sở lao động có trên 200 người
lao động (có lao động nữ và có nhu cầu) đảm bảo có khu vực vắt sữa và bảo quản
sữa cho bà mẹ đang nuôi con bằng sữa mẹ.
- 50% cơ sở sản xuất, kinh doanh phải
đảm bảo nguồn nhân lực, trang thiết bị y tế về sơ cứu, cấp cứu và các quy định
về công trình phúc lợi thực hiện các hoạt động nâng cao sức khỏe người lao động
tại nơi làm việc đến năm 2025 và đạt 70% vào năm 2030.
2.3. Mục tiêu 3: Tăng cường quản lý,
phòng chống các bệnh nghề nghiệp tại các ngành nghề có nguy cơ cao.
- 100% cơ sở lao động thực hiện khám
phân loại sức khỏe người lao động theo quy định; trong đó, có 50% cơ sở lao động,
cơ sở sản xuất, kinh doanh có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp được quản lý, tổ chức
khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động đến năm 2025 và đạt 100% vào năm 2030.
- Đạt 50% số cơ sở lao động có yếu tố
có hại gây bệnh nghề nghiệp được quản lý đến năm 2025 và đạt 80% đến năm 2030;
thực hiện kiểm tra quan trắc môi trường lao động tại các
cơ sở này đạt 30% đến năm 2025 (riêng đối với cơ sở lao động có sử dụng amiăng
được giám sát, quan trắc môi trường lao động và người lao động tiếp xúc được quản
lý sức khỏe, khám sức khỏe đạt 100%) và đạt 50% đến năm 2030.
2.4. Mục tiêu 4: Nâng cao năng lực sơ
cứu, cấp cứu, đáp ứng điều trị, giám định y khoa, điều dưỡng phục hồi chức năng
bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.
100% người lao động bị tai nạn lao động,
người lao động được chẩn đoán mắc bệnh nghề nghiệp hoặc
các bệnh liên quan đến nghề nghiệp được sơ cứu, cấp cứu, điều trị và phục hồi
chức năng theo quy định.
III. NHIỆM VỤ VÀ
GIẢI PHÁP THỰC HIỆN
1. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo,
quản lý của chính quyền các cấp, sự phối hợp của các Sở, Ban, ngành và đơn vị
liên quan trong việc chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe,
phòng chống bệnh nghề nghiệp cho người lao động. Thường xuyên kiểm tra, khảo
sát, đánh giá và đưa ra biện pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá
trình triển khai thực hiện các văn bản quy định về chăm sóc và nâng cao sức khỏe
người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp.
2. Nâng cao năng lực cho cán bộ y tế
lao động về công tác vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề
nghiệp. Phổ biến, xây dựng các tài liệu, tổ chức đào tạo, đào tạo lại, truyền
thông, tập huấn về y tế lao động; áp dụng và xây dựng cơ sở dữ liệu về quan trắc
môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp tại tỉnh, thực hiện kết nối với hệ thống dữ liệu quốc gia.
3. Tiếp tục củng cố và hoàn thiện hệ thống các trung tâm, cơ sở đã được cấp phép và công bố
đủ điều kiện thực hiện về y tế lao động trên địa bàn tỉnh.
4. Đầu tư cho công tác dự phòng và điều
trị để đảm bảo và nâng cao sức khỏe cho người lao động. Thực hiện lồng ghép các
dịch vụ y tế lao động cơ bản, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người lao động
không có hợp đồng lao động vào hoạt động chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến cơ
sở; truyền thông, tư vấn về các bệnh không lây nhiễm, các biện pháp phòng chống
bệnh tật, nâng cao sức khỏe, dinh dưỡng hợp vệ sinh phù hợp với điều kiện và
tăng cường vận động nơi làm việc tại các cơ sở lao động.
5. Áp dụng và triển khai thí điểm các
mô hình, gói dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người lao động trong các doanh nghiệp
nhỏ, vừa và các làng nghề. Mô hình phòng chống các bệnh truyền nhiễm, không lây
nhiễm tại nơi làm việc. Quản lý sức khỏe nghề nghiệp trong hồ sơ quản lý sức khỏe
cá nhân tại tuyến xã, phường, thị trấn.
6. Đánh giá và đưa ra các giải pháp cụ
thể nhằm giảm thiểu tỷ lệ mắc các bệnh nghề nghiệp; tăng cường năng lực điều trị,
phục hồi chức năng cho người lao động bị bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động.
IV. KINH PHÍ THỰC
HIỆN
Ngân sách nhà nước cấp hàng năm và
các nguồn kinh phí hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Sở Y tế
- Chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban,
ngành liên quan, UBND huyện, thành phố và các cơ quan, tổ chức triển khai hoạt
động chăm sóc và nâng cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp
giai đoạn 2022 - 2030.
- Định kỳ hàng năm rà soát và tham
mưu UBND tỉnh bổ sung kịp thời các giải pháp vào kế hoạch chương trình phát triển
kinh tế - xã hội.
- Phối hợp với Sở Lao động, Thương
binh và Xã hội thường xuyên kiểm tra, giám sát, tổ chức sơ kết, tổng kết và
khen thưởng kịp thời các đơn vị, cá nhân thực hiện tốt
công tác chấp hành pháp luật về vệ sinh lao động, chăm sóc sức khỏe và phòng,
chống bệnh nghề nghiệp.
- Hàng năm căn cứ các văn bản chỉ đạo
của Trung ương và cơ quan có thẩm quyền để hướng dẫn các địa phương, đơn vị thực
hiện công tác chăm sóc sức khỏe người lao động.
- Tham mưu UBND tỉnh, Hội đồng nhân
dân tỉnh việc huy động nguồn lực đầu tư nâng cấp trang thiết bị, cơ sở vật chất
cho hoạt động quan trắc môi trường lao động, giám sát sức khỏe, sàng lọc, phát
hiện chẩn đoán sớm, điều trị, giám định, phục hồi chức năng và chi trả đền bù
các trường hợp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đáp ứng
nhu cầu cấp thiết.
- Chỉ đạo, thực hiện hệ thống quản
lý, giám sát, xây dựng cơ sở dữ liệu về bệnh nghề nghiệp; cung cấp các dịch vụ
chẩn đoán, điều trị bệnh nghề nghiệp hiệu quả.
- Điều tra, triển khai các hoạt động
phòng, chống các bệnh liên quan đến ung thư, bệnh tim mạch, bệnh tắc nghẽn mãn
tính; hướng dẫn chăm sóc thai nghén, nữ lao động nuôi con
nhỏ, về dinh dưỡng phòng, chống tác hại do thuốc lá, rượu bia và các chất gây
nghiện lồng ghép với các chương trình, dự án đang triển khai.
- Tuyên truyền và tổ chức khám sức khỏe
định kỳ người lao động, khám phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp theo đúng
quy định.
- Tổ chức các hoạt động quan trắc môi
trường lao động cho các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp.
- Phối hợp với đơn vị, địa phương
liên quan thực hiện thanh, kiểm tra về vệ sinh lao động, lồng ghép kiểm tra an
toàn, vệ sinh thực phẩm tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, đặc biệt
là công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh thực phẩm đối với các bếp ăn tập thể.
- Căn cứ hướng dẫn của các Viện, Cục
chuyên ngành thuộc Bộ Y tế và phối hợp với các Sở, Ban, ngành, địa phương liên
quan triển khai xây dựng mô hình phòng, chống bệnh nghề nghiệp phù hợp với điều
kiện của tỉnh từ đó đánh giá hiệu quả mô hình tiến hành nhân rộng.
- Tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo,
giám sát việc chăm sóc sức khỏe cho người lao động, công tác an toàn, vệ sinh
lao động và phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở y tế công lập và tư nhân.
- Triển khai lồng ghép các nội dung đảm
bảo an toàn, vệ sinh lao động đối với nhân viên y tế trong tiêu chí đánh giá chất
lượng bệnh viện.
- Tập huấn, phổ biến kiến thức pháp
luật, cấp giấy chứng nhận an toàn, vệ sinh lao động, thẻ an toàn lao động cho
người lao động.
- Đánh giá tiến độ thực hiện, rà
soát, điều chỉnh các nội dung hoạt động phù hợp với từng năm, đảm bảo đạt mục
tiêu đề ra.
- Xây dựng dự toán kinh phí hàng năm,
trình UBND tỉnh xem xét, quyết định.
2. Sở Lao động, Thương Binh và Xã
hội
- Có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở
lao động thực hiện các quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động, hỗ
trợ cải thiện gánh nặng lao động, thời gian lao động kéo dài liên tục, yếu tố căng thẳng.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở lao động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc triển khai và
quản lý công tác phòng, chống bệnh nghề nghiệp tại cơ sở lao động; đảm bảo các
cơ sở lao động có phân công nhân lực phụ trách đảm nhiệm công tác y tế, sơ cấp
cứu tại nơi làm việc.
- Định kỳ hàng năm, thống kê, tổng hợp
báo cáo các nội dung được phân công trong Kế hoạch này.
3. Sở Tài chính
Hàng năm, cân đối ngân sách phân bổ
kinh phí bảo đảm triển khai các hoạt động tiết kiệm, hiệu quả, theo quy định của
pháp luật.
4. Sở Kế hoạch và Đầu tư
Phối hợp với Sở Y tế vận động, huy động
các tổ chức, doanh nghiệp hỗ trợ, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ
cho công tác an toàn, vệ sinh lao động, phòng, chống cháy nổ, phòng chống yếu tố
nguy cơ bệnh nghề nghiệp.
5. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan truyền
thông, báo chí, các trang, cổng thông tin điện tử các Sở, Ban, ngành, đoàn thể,
địa phương tăng cường công tác tuyên truyền các nội dung về Luật Lao động, Luật
An toàn, vệ sinh lao động.
6. Thủ trưởng các Sở, Ban, ngành
liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố
Theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
được giao, trên cơ sở Kế hoạch này xây dựng kế hoạch, trong đó xác định cụ thể
các mục tiêu, chỉ tiêu gắn với chức năng nhiệm vụ, tình hình thực tế của đơn vị,
địa phương để thực hiện.
7. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc
Việt Nam tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các hội, đoàn thể tỉnh
Phối hợp với các Sở, Ban, ngành trong
phạm vi chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai Kế hoạch, đẩy mạnh công tác truyền
thông, giáo dục, nâng cao nhận thức công tác chăm sóc sức khỏe người lao động,
phòng chống bệnh nghề nghiệp.
8. Ban Quản lý các Khu công
nghiệp tỉnh
Quản lý, chỉ đạo các doanh nghiệp, cơ
sở sản xuất, kinh doanh thực hiện tốt các quy định pháp luật về an toàn, vệ
sinh lao động, chăm sóc sức khỏe người lao động và phòng, chống bệnh nghề nghiệp.
Phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, giám sát, kiểm tra, hướng dẫn các cơ
sở có sử dụng người lao động thực hiện đúng, đầy đủ công tác an toàn, vệ sinh
lao động.
VI. CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
- Các Sở, Ban, ngành, đơn vị liên
quan, UBND các huyện, thành phố định kỳ báo cáo kết quả thực hiện gửi về UBND tỉnh
(thông qua Sở Y tế), cụ thể báo cáo định kỳ 6 tháng trước ngày 18 tháng 6 và
hàng năm trước ngày 20 tháng 12.
- Sở Y tế chịu trách nhiệm tổng hợp kết
quả thực hiện Kế hoạch báo cáo UBND tỉnh, Bộ Y tế.
Trên đây là Kế hoạch chăm sóc và nâng
cao sức khỏe người lao động, phòng chống bệnh nghề nghiệp giai đoạn 2022-2030 (thay
thế cho Kế hoạch số 210/KH-UBND ngày
27/4/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh). Trong quá trình triển khai thực hiện nếu cần sửa đổi, bổ sung nội
dung Kế hoạch, các Sở, Ban, ngành địa phương chủ động đề xuất gửi về Sở Y tế tổng
hợp trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.
Nơi nhận:
- TT Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các Ban đảng của Tỉnh ủy;
- Các Sở, Ban, ngành tỉnh;
- Các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh;
- Các tổ chức chính trị - xã hội tỉnh;
- Các hội, đoàn thể tỉnh;
- Đài PT&TH Đắk Nông, Báo Đắk Nông;
- UBND các huyện, thành phố;
- CVP, các PCVP UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CTTĐT, KGVX (S).
|
KT.
CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Tôn Thị Ngọc Hạnh
|