ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
49/2023/QĐ-UBND
|
Kon Tum, ngày 08
tháng 9 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ
CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ THUỘC HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11
năm 2019;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản
quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều
của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 18 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Giao thông đường
bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Nghị định số
34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Nghị định
số 154/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một
số điều của Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ
quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy
phạm pháp luật;
Căn cứ Nghị định số
11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo
vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03
tháng 9 năm 2013 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số
33/2019/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2019 của Chính phủ quy định việc quản lý, sử
dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ;
Căn cứ Nghị định số
06/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 01 năm 2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số
nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng;
Căn cứ Nghị định số 35/2023/NĐ-CP
ngày 20 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị
định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Thông tư số
37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ; Thông
tư số 41/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng
6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành
khai thác và bảo trì công trình đường bộ;
Căn cứ Thông tư số
06/2023/TT-BGTVT ngày 15 tháng 5 năm 2023 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải sửa
đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư liên quan đến quản lý, khai thác, sử
dụng, bảo trì và bảo vệ đường bộ;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Giao thông vận tải tại Tờ trình số 73/TTr-SGTVT ngày 15 tháng 8 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về quản lý,
vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa
phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 18
tháng 9 năm 2023 và thay thế Quyết định số 50/2014/QĐ-UBND ngày 16 tháng 9 năm
2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy định việc quản lý, khai thác và bảo
trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.
Điều 3.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc Sở
Giao thông vận tải; Thủ trưởng các sở, ban ngành, đơn vị thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy
ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị
trấn; các tổ chức và cá nhân khác có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Bộ Giao thông vận tải (b/c);
- Bộ Tư pháp (Cục Kiểm tra VBQPPL);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh;
- Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- VP UBND tỉnh: CVP, các PCVP;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, HTKT.CNA.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Lê Ngọc Tuấn
|
QUY ĐỊNH
VỀ QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI THÁC VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
THUỘC HỆ THỐNG ĐƯỜNG ĐỊA PHƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM
(Kèm theo Quyết định số 49 /2023/QĐ-UBND ngày 08 tháng 9 năm 2023 của Ủy ban
nhân dân tỉnh Kon Tum)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1.
Phạm vi điều chỉnh
1. Quy định này quy định về quản
lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa
phương bao gồm đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường chuyên dùng và các tuyến
đường khác (không bao gồm đường đô thị) trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
2. Nhiệm vụ, phân cấp quản lý
đường đô thị trên địa bàn tỉnh thực hiện theo Quy định của Ủy ban nhân dân tỉnh
Kon Tum về phân cấp quản lý đường đô thị.
Điều 2. Đối
tượng áp dụng
Quy định này áp dụng đối với
các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác quản lý, vận hành khai thác
và bảo trì công trình đường bộ thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh
Kon Tum.
Chương II
QUẢN LÝ, VẬN HÀNH KHAI
THÁC VÀ BẢO TRÌ CÔNG TRÌNH ĐƯỜNG BỘ
Điều 3.
Trách nhiệm quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ
1. Trách nhiệm của Sở Giao
thông vận tải
a) Tổ chức thực hiện công tác
quản lý, vận hành khai thác và bảo trì các tuyến đường tỉnh và các công trình
đường bộ khác được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý;
b) Thực hiện quyền, trách nhiệm
khác đối với công tác quản lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường bộ
thuộc hệ thống đường địa phương theo quy định của pháp luật;
c) Kiểm tra và hướng dẫn Bộ Chỉ
huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân các
huyện, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện), Ủy ban nhân
dân các xã, phường, thị trấn (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp xã) và
các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý trong việc quản lý, vận hành
khai thác và bảo trì công trình đường bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn, các quy định
của pháp luật và kế hoạch được giao; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống giao
thông đường bộ trên địa bàn tỉnh;
d) Thanh tra, kiểm tra các tổ
chức, cá nhân trong việc đầu tư xây dựng quản lý, vận hành khai thác và bảo trì
công trình đường bộ thuộc hệ thống đường địa phương bảo đảm giao thông thông suốt,
an toàn theo quy định của Luật Giao thông đường bộ; Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 100/2013/NĐ-CP ngày 03 tháng 9 năm 2013
của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP
ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ
tầng giao thông đường bộ; Nghị định số 117/2021/NĐ-CP ngày 22 tháng 12 năm 2021
của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày
24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng
giao thông đường bộ; các quy định pháp luật khác có liên quan và các nội dung tại
Quy định này;
đ) Hằng năm, tổng hợp tình hình
quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình giao thông đường bộ thuộc hệ
thống đường địa phương, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh; đồng thời tổng hợp, xây dựng
dự toán kinh phí quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ, gửi
Sở Tài chính tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí dự toán kinh phí để thực hiện;
e) Đình chỉ đơn vị thi công
trên tuyến đường đang khai thác vi phạm nội dung giấy phép thi công trên đường
bộ, vi phạm việc đảm bảo giao thông, an toàn giao thông trên tuyến đường thuộc
phạm vi quản lý;
g) Quyết định và thực hiện các
biện pháp đảm bảo giao thông khẩn cấp trên các tuyến đường thuộc hệ thống đường
tỉnh trong trường hợp cần thiết;
h) Xử lý theo thẩm quyền hoặc
kiến nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý tổ chức, cá nhân vi phạm về quản
lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ trên hệ thống đường bộ
thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân tỉnh.
2. Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy
ban nhân dân cấp xã và các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý công
trình đường bộ
a) Trách nhiệm của Bộ Chỉ huy Bộ
đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, các đơn vị khác được Ủy ban
nhân dân tỉnh giao quản lý công trình đường bộ giao quản lý theo quy định của
pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống giao thông đường bộ thuộc phạm vi
quản lý; định kỳ hằng năm, báo cáo Sở Giao thông vận tải tình hình quản lý, vận
hành khai thác, bảo trì công trình giao thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh chủ trì, phối hợp với cơ quan quản lý đường bộ tổ chức bảo vệ công trình
quốc phòng được giao quản lý kết hợp với công trình đường bộ.
b) Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp huyện
- Thực hiện quản lý, vận hành
khai thác và bảo trì các tuyến đường huyện và đường khác trên địa bàn được giao
quản lý theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống giao
thông đường bộ trên địa bàn quản lý; định kỳ hằng năm, tổng hợp báo cáo Sở Giao
thông vận tải tình hình quản lý, vận hành khai thác, bảo trì công trình giao
thông đường bộ thuộc phạm vi quản lý (kể cả đường xã) để Sở Giao thông vận
tải tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Cục Đường bộ Việt Nam và Bộ Giao
thông vận tải.
- Hằng năm, Ủy ban nhân dân cấp
huyện dùng nguồn kinh phí được phân bổ theo quy định và huy động các nguồn lực
hợp pháp khác để quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ đối
với hệ thống đường được giao quản lý tại Quyết định này.
c) Trách nhiệm của Ủy ban nhân
dân cấp xã
Thực hiện quản lý, vận hành
khai thác và bảo trì các tuyến đường xã và đường khác trên địa bàn được giao quản
lý theo quy định của pháp luật; xây dựng cơ sở dữ liệu về hệ thống giao thông
đường bộ trên địa bàn quản lý; định kỳ hằng năm thống kê, tổng hợp tình hình quản
lý, vận hành khai thác và bảo trì hệ thống đường bộ thuộc phạm vi quản lý, báo
cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.
3. Trách nhiệm của các nhà thầu
quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ và các hoạt động
khác liên quan đến bảo trì công trình đường bộ
Triển khai thực hiện theo quy định
tại khoản 5 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng 6 năm 2018 của Bộ
trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì
công trình đường bộ.
4. Trách nhiệm của doanh nghiệp
đầu tư xây dựng và quản lý, vận hành khai thác công trình đường bộ
Triển khai thực hiện theo quy định
tại khoản 6 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT .
5. Trách nhiệm của chủ sở hữu
hoặc người quản lý sử dụng công trình đường bộ chuyên dùng
Triển khai thực hiện theo quy định
tại khoản 6, khoản 7 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT .
6. Trách nhiệm của chủ đầu tư,
nhà thầu thi công xây dựng dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường bộ đang khai
thác
Triển khai thực hiện theo quy định
tại khoản 8 Điều 5 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT .
Điều 4. Thẩm
quyền phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ đối
với công trình đã đưa vào khai thác
1. Sở Giao thông vận tải phê duyệt,
phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ đối với công trình
đã đưa vào khai thác đối với hệ thống đường được giao quản lý.
2. Ủy ban nhân dân cấp huyện
phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh quy trình bảo trì công trình đường bộ đối với công
trình đã đưa vào khai thác đối với hệ thống đường huyện, đường xã do Ủy ban
nhân dân cấp huyện, cấp xã quản lý.
3. Đối với những trường hợp
không thuộc quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này, chủ sở hữu hoặc tổ chức,
cá nhân quản lý sử dụng công trình đường bộ có trách nhiệm phê duyệt, phê duyệt
điều chỉnh quy trình bảo trì công trình.
Điều 5.
Trách nhiệm lập quy trình bảo trì công trình đường bộ
Thực hiện theo quy định tại Điều
6 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 5 Điều 1 Thông
tư số 41/2021/TT-BGTVT ngày 31 tháng 12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận
tải sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT ngày 07 tháng
6 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về quản lý, vận hành
khai thác và bảo trì công trình đường bộ).
Điều 6. Nội
dung và căn cứ lập quy trình bảo trì công trình đường bộ
Thực hiện theo quy định tại Điều
7 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 6 Điều 1
Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT).
Điều 7. Thực
hiện kế hoạch bảo trì công trình đường bộ
Trên cơ sở kế hoạch bảo trì
công trình đường bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt; căn cứ quy chuẩn, tiêu
chuẩn kỹ thuật bảo trì; quy trình bảo trì công trình đường bộ được phê duyệt, Sở
Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế
tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã và các đơn vị được Ủy
ban nhân dân tỉnh giao quản lý công trình đường bộ tổ chức triển khai thực hiện
kế hoạch bảo trì công trình đường bộ thuộc trách nhiệm quản lý, khai thác và bảo
trì theo quy định tại Điều 3 Quy định này.
Điều 8. Quản
lý, khai thác và bảo trì công trình đường bộ
1. Quản lý khai thác công trình
đường bộ
Triển khai thực hiện theo quy định
tại Chương 3 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản
8, khoản 9 Điều 1 Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT).
2. Bảo trì công trình đường bộ
Triển khai thực hiện theo quy định
tại Chương 4 Thông tư số 37/2018/TT-BGTVT (được sửa đổi, bổ sung tại khoản
10 đến khoản 12 Điều 1 Thông tư số 41/2021/TT-BGTVT).
Điều 9. Nguồn
vốn quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ
1. Đối với các tuyến đường do Sở
Giao thông vận tải, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Ban Quản lý Khu kinh tế
tỉnh, các đơn vị được Ủy ban nhân dân tỉnh giao quản lý công trình đường bộ được
bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh, nguồn vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục
tiêu cho công tác bảo trì đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp khác.
2. Kinh phí vận hành khai thác
và bảo trì công trình đường bộ các tuyến đường thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban
nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân cấp xã được sử dụng từ nguồn ngân sách cấp
huyện, cấp xã theo phân cấp, nguồn trung ương bổ sung có mục tiêu cho công tác
quản lý bảo trì đường bộ và các nguồn vốn hợp pháp khác để thực hiện.
3. Đối với đường chuyên dùng do
chủ công trình chịu trách nhiệm bố trí kinh phí.
4. Quản lý, sử dụng kinh phí quản
lý, vận hành khai thác, bảo trì công trình đường bộ được thực hiện theo các quy
định của pháp luật hiện hành.
Chương
III
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC SỞ,
BAN NGÀNH VÀ CÁC TỔ CHỨC, CÁ NHÂN KHÁC CÓ LIÊN QUAN
Điều 10.
Trách nhiệm của các sở, ban, ngành liên quan
1. Sở Tài chính
Hằng năm, trên cơ sở đề nghị của
Sở Giao thông vận tải, căn cứ nguồn vốn ngân sách Trung ương bổ sung có mục
tiêu cho công tác bảo trì đường bộ và khả năng cân đối ngân sách tỉnh, tham mưu
Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí để thực hiện theo Luật Ngân sách nhà nước
và các quy định hiện hành.
2. Sở Xây dựng
Phối hợp Sở Giao thông vận tải trong
công tác quản lý nhà nước về vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ,
hướng dẫn Ủy ban nhân dân cấp huyện trong quá trình lập, thẩm định, phê duyệt
và thực hiện đảm bảo các quy định về quản lý, vận hành khai thác và bảo trì
công trình đường bộ theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
Chủ trì, phối hợp với Sở Giao
thông vận tải và các sở, ban ngành có liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh
phê duyệt quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất dành cho công trình đường bộ theo
quy định.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển
nông thôn
Chỉ đạo, hướng dẫn việc thực hiện
quy hoạch và xây dựng hệ thống công trình thủy lợi liên quan đến công trình đường
bộ.
5. Công an tỉnh
Chỉ đạo, hướng dẫn lực lượng
Công an kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ công trình đường bộ theo thẩm
quyền.
6. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh
Chủ trì, phối hợp với cơ quan
quản lý đường bộ tổ chức bảo vệ công trình quốc phòng được giao quản lý có kết
hợp với công trình đường bộ.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
Chỉ đạo thực hiện việc xây dựng
cơ sở hạ tầng thông tin và truyền thông bảo đảm kỹ thuật và an toàn công trình
đường bộ.
Điều 11.
Trách nhiệm của đơn vị quản lý, bảo trì đường bộ đối với đường đang khai thác
và chủ đầu tư đối với đường đang triển khai dự án xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo
Chịu trách nhiệm trước cơ quan
quản lý đường bộ và các cơ quan có thẩm quyền trong việc tổ chức quản lý, vận
hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ được giao, bảo đảm giao thông an
toàn, thông suốt và đúng quy định của pháp luật.
Điều 12.
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân và các cơ quan khác
1. Đối với cơ quan, tổ chức, cá
nhân có hoạt động trên đường bộ và phạm vi đất dành cho đường bộ
Chấp hành nghiêm chỉnh, đầy đủ
các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng, vận hành khai thác và bảo vệ
công trình đường bộ và các quy định khác có liên quan; chấp hành sự thanh tra,
kiểm tra của cơ quan quản lý đường bộ về việc sử dụng phạm vi đất dành cho đường
bộ.
2. Thanh tra Sở Giao thông vận
tải
Chủ trì, phối hợp với các cơ
quan liên quan xử lý theo thẩm quyền hoặc tham mưu xử lý kịp thời các hành vi
vi phạm trong quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 13.
Triển khai tổ chức thực hiện
1. Sở Giao thông vận tải là cơ
quan đầu mối giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện quản lý nhà nước về giao thông
đường bộ, có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các tổ chức, cá nhân được
giao quản lý, vận hành khai thác và bảo trì công trình đường bộ thực hiện Quy định
này và tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.
2. Thủ trưởng các sở, ban
ngành, đơn vị thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm triển khai thực hiện và hướng dẫn
thi hành Quy định này đến các cơ quan, đơn vị có liên quan.
Điều 14. Sửa
đổi, bổ sung Quy định
1. Trường hợp văn bản được viện
dẫn tại Quy định ban hành kèm theo Quyết định này được sửa đổi, bổ sung, thay
thế thì áp dụng theo sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
2. Trong quá trình thực hiện nếu
có khó khăn vướng mắc, các cơ quan, đơn vị, địa phương kịp thời báo cáo về Sở
Giao thông vận tải để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.