ỦY
BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 415/QĐ-UBND
|
Quảng
Ngãi, ngày 04 tháng 4 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ SỰ CỐ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY
TUYẾN SA KỲ - LÝ SƠN VÀ TUYẾN ĐẢO LỚN - ĐẢO BÉ ĐẾN NĂM 2025
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19/6/2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính
phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai
ngày 19/6/2016; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên
tai và Luật Đê điều ngày 17/7/2020;
Căn cứ Nghị định số 66/2014/NĐ-CP
ngày 04/7/2014 của Chính phủ về việc quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một
số điều của Luật Phòng, chống thiên tai;
Căn cứ Nghị định số 30/2017/NĐ-CP
ngày 21/3/2017 của Chính phủ Quy định tổ chức, hoạt động ứng phó sự cố, thiên
tai và tìm kiếm cứu nạn;
Căn cứ Quyết định số
51/2015/QĐ-TTg ngày 14/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ về quy định tổ chức tìm
kiếm, cứu nạn giao thông đường thủy nội địa;
Căn cứ Quyết định số 1968/QĐ-UBND
ngày 13/12/2021 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch phòng, chống
thiên tai tỉnh Quảng Ngãi giai đoạn 2021-2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao
thông vận tải tại Tờ trình số 19/TTr-SGTVT ngày 28/3/2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch ứng
phó sự cố tai nạn giao thông đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn -
Đảo Bé đến năm 2025.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Trưởng Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân
sự tỉnh; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Giám đốc Công an tỉnh;
Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế,
Tài nguyên và Môi trường, Ngoại vụ, Tài chính, Thông tin và Truyền thông; Giám
đốc Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi; Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng
Ngãi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn; Thủ trưởng các cơ
quan, đơn vị, tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (báo cáo);
- Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (báo cáo);
- Bộ Tư lệnh Quân khu 5 (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy (báo cáo);
- TT HĐND tỉnh;
- CT, PCT UBND tỉnh;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh;
- Các tổ chức chính trị-xã hội tỉnh;
- Văn phòng Thường trực BCH PCTT và TKCN tỉnh;
- Báo Quảng Ngãi; Đài PT-TH tỉnh;
- VPUB: PCVP, các Ph.Ng/cứu, CB-TH;
- Lưu: VT, KTN (Vũ 319).
|
CHỦ
TỊCH
Đặng Văn Minh
|
KẾ HOẠCH
ỨNG PHÓ SỰ CỐ TAI NẠN GIAO THÔNG ĐƯỜNG THỦY TUYẾN SA KỲ - LÝ SƠN VÀ TUYẾN
ĐẢO LỚN - ĐẢO BÉ ĐẾN NĂM 2025
(Kèm theo Quyết định số 415/QĐ-UBND ngày 04/4/2022 của Chủ tịch UBND tỉnh Quảng
Ngãi)
Phần I
SỰ CẦN THIẾT, MỤC
ĐÍCH VÀ YÊU CẦU
1. Sự cần thiết
Quảng Ngãi là tỉnh duyên hải miền
Trung, có 13 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm: 01 thành phố; 01 thị xã; 05
huyện đồng bằng, trung du; 05 huyện miền núi và 01 huyện đảo; 173 đơn vị hành
chính cấp xã, gồm 148 xã, 17 phường và 8 thị trấn. Trong đó, có 06 huyện, thị
xã, thành phố tiếp giáp với biển, với tổng chiều dài bờ biển hơn 130 km, có tiềm
năng to lớn về kinh tế biển nhưng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường
thủy.
Đặc biệt, tỉnh có huyện đảo Lý Sơn nằm
cách đất liền khoảng 15 hải lý về hướng Đông Bắc. Đây là địa điểm hết sức nhạy
cảm với thiên tai trên biển như: bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh và nguy cơ rủi
ro cao về sóng thần, ảnh hưởng rất lớn đến các phương tiện giao thông đường thủy
khi lưu thông trên tuyến tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé và có
thể xảy ra tai nạn giao thông. Vì vậy, công tác ứng phó sự cố tai nạn giao
thông đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé là thật sự cần
thiết.
2. Mục đích
a) Bảo đảm chỉ huy thống nhất, phối hợp
chặt chẽ giữa các ngành, các lực lượng, phương tiện tham gia cứu hộ và tìm kiếm
cứu nạn nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, đồng thời khắc phục
hậu quả khi có tai nạn xảy ra.
b) Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị
xây dựng và triển khai kế hoạch hành động theo nhiệm vụ được phân công.
c) Là cơ sở cho các cơ quan, đơn vị đề
xuất kinh phí đầu tư, xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm phương tiện, trang thiết
bị kỹ thuật để phục vụ cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
3. Yêu cầu
a) Phát huy mọi nguồn nhân lực, cơ sở
vật chất, kỹ thuật theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng
tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ; hậu cần tại chỗ) và “3 sẵn sàng” (chủ
động phòng tránh, đối phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả).
b) Tích cực, chủ động phòng ngừa, thu
thập và xử lý thông tin nhanh, chính xác; chỉ huy điều hành thống nhất theo kế
hoạch; linh hoạt, sáng tạo và quyết đoán.
c) Trong mọi trường hợp sự cố thiên
tai, thảm họa xảy ra thì người chỉ huy cao nhất trong hoạt động cứu hộ và tìm kiếm
cứu nạn tại hiện trường (là Trưởng ban, Phó Trưởng ban hoặc thành viên Ban
Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) được ủy quyền
trưng dụng điều động lực lượng, phương tiện, trang thiết bị của các cơ quan,
đơn vị, cá nhân hiện có trên địa bàn để tham gia ứng cứu.
d) Trong trường hợp vượt quá khả năng
của tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh báo cáo
Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố,
thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn; Ủy ban An toàn Giao thông quốc gia, Bộ Tư lệnh
Quân khu 5 đề nghị hỗ trợ thực hiện công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo
an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng cứu.
đ) Phát huy sức mạnh tổng hợp của các
sở, ban, ngành, các cấp chính quyền và cả hệ thống chính trị-xã hội trên cơ sở
chủ động tại chỗ từ cơ sở, kết hợp ứng cứu nhanh; huy động vật tư, phương tiện,
lực lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân để cứu người, cứu tài sản. Phương
tiện, trang thiết bị được huy động trưng dụng của các cơ quan, đơn vị, cá nhân
vào hoạt động cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn bị thiệt hại sẽ được bồi thường theo
quy định của pháp luật.
e) Tranh thủ sự chi viện, giúp đỡ của
Trung ương, tỉnh bạn, các ngành, các tổ chức, cá nhân.
Phần II
KẾ HOẠCH ỨNG PHÓ
CỨU HỘ VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN
1. Cơ quan chỉ đạo
Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ngãi.
2. Cơ quan chỉ huy hiện trường
Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và
tìm kiếm cứu nạn tỉnh.
3. Cơ quan phối hợp thực hiện
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh; Công
an tỉnh; Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ngoại vụ, Tài chính,
Thông tin và Truyền thông; Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi, Đài Khí tượng thủy văn
tỉnh Quảng Ngãi, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn và các cơ quan, đơn vị, cá
nhân có liên quan.
4. Phối hợp thực hiện
Khi nhận được thông tin tàu, thuyền gặp
nạn trên tuyến đường thủy Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé, Cảng vụ
Hàng hải Quảng Ngãi chủ trì, phối hợp với Công an tỉnh (qua Phòng Cảnh sát
giao thông) báo cáo ngay cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh những nội dung: Vị trí, tọa độ, thời gian,
thuyền gặp nạn; thông tin về tên phương tiện, số hiệu, số lượng và tình hình sức
khỏe của thuyền viên, hành khách; tình hình thời tiết, cấp sóng, gió tại khu vực
bị nạn.
- Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn tỉnh trực tiếp chỉ huy hiện trường; đồng thời thông báo cho
các cơ quan phối hợp triển khai ngay công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn. Quá
trình triển khai công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn phải đảm bảo an toàn cho
người, phương tiện tham gia tìm kiếm cứu nạn.
- Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
là lực lượng chủ lực, huy động tối đa các phương tiện và thiết bị hiện có để thực
hiện nhiệm vụ cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn; bên cạnh đó có sự phối hợp chặt chẽ của
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Công an tỉnh; các Sở: Giao thông vận tải, Nông nghiệp
và Phát triển nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Ngoại vụ, Tài chính,
Thông tin và Truyền thông; Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi; Đài Khí tượng thủy văn
tỉnh Quảng Ngãi, UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn và các cơ quan, đơn vị, cá
nhân có liên quan.
- Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh chịu trách
nhiệm sẵn sàng phương tiện, lực lượng phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng
tỉnh để thực hiện nhiệm vụ cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Công an tỉnh chịu trách nhiệm:
+ Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát cơ động
triển khai ngay lực lượng, phương tiện đến hiện trường để bảo vệ khu vực tổ chức
cứu hộ, tìm kiếm cứu nạn và thực hiện các nhiệm vụ khác theo yêu cầu của chỉ
huy hiện trường;
+ Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao
thông khẩn trương triển khai ngay lực lượng, phương tiện đến hiện trường thực
hiện các nhiệm vụ theo quy định. Trường hợp xảy ra các tình huống sự cố, tai nạn
thuộc tình huống cơ bản trong hoạt động cứu nạn, cứu hộ của lực lượng phòng
cháy và chữa cháy thì báo ngay cho lực lượng phòng cháy và chữa cháy đến để xử
lý và tham gia thực hiện nhiệm vụ theo yêu cầu của chỉ huy hiện trường;
+ Chỉ đạo các lực lượng Công an khác
khẩn trương đến hiện trường để triển khai cứu nạn, cứu hộ, đồng thời báo ngay
cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ biết để kịp thời
xử lý và thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của chỉ huy hiện trường.
+ Chủ trì, phối hợp với các sở, ban,
ngành có liên quan tổ chức điều tra, khám nghiệm hiện trường, kết luận nguyên
nhân xảy ra tai nạn. Phối hợp với Sở Y tế, Sở Ngoại vụ (nếu là người nước
ngoài) thực hiện việc giám định mẫu ADN khi có các nạn nhân không rõ danh
tính hoặc chưa được nhận dạng. Xây dựng phương án bảo đảm an ninh trật tự tại
khu vực bị tai nạn để phục vụ công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông
thôn chịu trách nhiệm chuẩn bị lực lượng phương tiện, trang thiết bị để tham
gia, phối hợp hoạt động cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Sở Giao thông vận tải chịu trách
nhiệm thường xuyên cập nhật số lượng, loại tàu thuyền vận tải trên địa bàn; phối
hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm bắt tình hình tàu, thuyền
đang khai thác thủy sản để điều động ứng cứu khi cần thiết cũng như theo yêu cầu
của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh nhằm phục vụ hiệu
quả nhất về công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Sở Tài nguyên và Môi trường chịu
trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng xác định ảnh hưởng đến
môi trường do sự cố gây ra, có giải pháp cụ thể trong việc tham mưu giải quyết
vấn đề môi trường.
- Sở Y tế chịu trách nhiệm phối hợp với
các cơ quan chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Đa Khoa thành phố Quảng
Ngãi, Trung tâm y tế huyện Bình Sơn, Trung tâm Y tế quân dân y kết hợp huyện Lý
Sơn triển khai công tác cứu thương. Trong điều kiện cần thiết, Ban Chỉ huy
Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chỉ đạo các cơ quan y tế thành
lập bệnh viện tạm thời tại hiện trường để cấp cứu ban đầu, sau đó chuyển đến
các bệnh viện.
- Sở Ngoại vụ chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu UBND tỉnh trong việc
hướng dẫn cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn người, phương tiện của nước ngoài gặp sự cố
trên tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé.
- Sở Tài chính chịu trách nhiệm chủ
trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thẩm định và tham mưu, đề xuất Ủy
ban nhân dân tỉnh bố trí kinh phí phục vụ cho công cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
Theo dõi và đôn đốc việc thực hiện thanh quyết toán các nguồn kinh phí phục vụ
cho công tác cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn theo quy định của pháp luật.
- Sở Thông tin và Truyền thông chịu
trách nhiệm chủ trì, phối hợp thiết lập và đảm bảo mạng thông tin liên lạc
thông suốt phục vụ kịp thời công tác chỉ đạo, xử lý tình huống trong hoạt động
cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
- Cảng vụ Hàng hải Quảng Ngãi chịu trách
nhiệm chủ trì huy động lực lượng, trang thiết bị của Cảng, tàu thuyền và các
phương tiện khác hiện có trong khu vực cảng biển thuộc khu vực quản lý của mình
để cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn đối với người và phương tiện bị nạn; tổ chức điều
tiết giao thông, thông báo về tai nạn hàng hải; phân luồng hàng hải; tạm thời cấm
tàu thuyền hành trình qua khu vực đang tiến hành hoạt động cứu hộ và tìm kiếm cứu
nạn.
- Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Quảng
Ngãi chịu trách nhiệm phát, dự báo kịp thời, thường xuyên các hiện tượng khí hậu
thời tiết thủy văn tại khu vực bị nạn, đồng thời tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ
và tìm kiếm cứu nạn.
- UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn chịu
trách nhiệm xây dựng, phê duyệt Kế hoạch, phương án huy động lực lượng, phương
tiện, vật tư của huyện để thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố tai nạn giao thông
đường thủy tuyến Sa Kỳ - Lý Sơn và tuyến Đảo Lớn - Đảo Bé; tổ chức các lực lượng
thuộc quyền quản lý thực hiện các biện pháp ứng phó sự cố, cứu hộ, tìm kiếm cứu
nạn, bảo vệ tài sản và tính mạng của người bị nạn.
Trường hợp tình huống vượt quá khả
năng ứng phó của các lực lượng ở địa phương, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai
và tìm kiếm cứu nạn tỉnh kiến nghị Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn để huy động
lực lượng, phương tiện của các Bộ, ngành, địa phương khác phối hợp, hỗ trợ tham
gia cứu hộ và tìm kiếm cứu nạn.
Phần III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Giao Văn phòng Thường trực Ban Chỉ
huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh chủ trì, tham mưu cho UBND tỉnh
theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các cơ
quan, đơn vị trong việc triển khai thực hiện.
2. Các sở, ban, ngành, địa phương,
các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp với cơ quan tài chính đề xuất cấp có thẩm
quyền phê duyệt dự toán ngân sách theo quy định, đảm bảo nguồn kinh phí để triển
khai thực hiện Kế hoạch.
3. Thủ trưởng các sở, ban, ngành, các
cơ quan, đơn vị, Chủ tịch UBND các huyện: Bình Sơn, Lý Sơn theo chức năng, nhiệm
vụ được phân công xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; định kỳ
hàng năm báo cáo UBND tỉnh (qua Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống
thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh) để theo dõi, chỉ đạo.
Quá trình triển khai, nếu có vướng mắc,
yêu cầu các cơ quan, đơn vị chủ động phối hợp giải quyết; trường hợp vượt thẩm
quyền, báo cáo kịp thời về UBND tỉnh (thông qua Sở Giao thông vận tải) để
chỉ đạo giải quyết./.