Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Quyết định 70/2014/QĐ-TTg Điều lệ trường đại học

Số hiệu: 70/2014/QĐ-TTg Loại văn bản: Quyết định
Nơi ban hành: Thủ tướng Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 10/12/2014 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Quy định mới về quyền tự chủ của trường đại học

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Quyết định 70/2014/QĐ-TTg về Điều lệ trường đại học. Theo đó:

Trường đại học có quyền quyết định mức thu học phí tương ứng với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao.

Được lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình, in phôi, quản lý, cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học.

Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường.

Đồng thời, trường đại học có trách nhiệm báo cáo, công khai, giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường…

Quyết định này có hiệu lực từ 30/01/2015 và thay thế các Quyết định 58/2010/QĐ-TTg, 61/2009/QĐ-TTg, 63/2011/QĐ-TTg. 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 70/2014/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012;

Căn cứ Nghị định số 75/2006/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục;

Căn cứ Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,

Thủ tướng Chính phủ quyết định ban hành Điều lệ trường đại học.

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Điều lệ trường đại học.

Điều 2.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 01 năm 2015 và thay thế Quyết định số 58/2010/QĐ-TTg ngày 22 tháng 9 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Điều lệ trường đại học; Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục và Quyết định số 63/2011/QĐ-TTg ngày 10 tháng 11 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục ban hành kèm theo Quyết định số 61/2009/QĐ-TTg ngày 17 tháng 4 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các cơ quan và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- HĐND, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTCP, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KGVX (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

 

ĐIỀU LỆ

TRƯỜNG ĐẠI HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Điều lệ này quy định về: Nhiệm vụ và quyền hạn; tổ chức và quản lý trường đại học; hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ, hoạt động hợp tác quốc tế; giảng viên và người học; tài chính và tài sản; quan hệ giữa trường đại học, gia đình và xã hội; tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học.

2. Điều lệ này áp dụng đối với trường đại học, học viện đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (gọi chung là trường đại học) thuộc các loại hình công lập, tư thục trong hệ thống giáo dục quốc dân. Các trường đại học thành viên của đại học quốc gia áp dụng Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học quốc gia và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Thủ tướng Chính phủ ban hành. Các trường đại học thành viên của đại học vùng áp dụng Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của đại học vùng và các cơ sở giáo dục đại học thành viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

3. Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài thực hiện các quy định về hoạt động của trường đại học, quyền lợi của người học tại Điều lệ này; các nội dung khác thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học, riêng về tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý nhà trường không được thấp hơn tiêu chuẩn tương ứng quy định tại Điều lệ này.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong văn bản này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu

a) Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là viên chức được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định của pháp luật về viên chức;

b) Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học tư thục là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do nhà trường trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

2. Góp vốn là việc đưa tài sản vào trường để tạo thành vốn điều lệ của trường đại học tư thục. Tài sản góp vốn có thể bằng đồng Việt Nam (VNĐ), vàng, ngoại tệ, giá trị quyền sử dụng đất (đất), giá trị quyền sở hữu trí tuệ và các tài sản khác được ghi trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Tổng giá trị các tài sản do các cá nhân đóng góp được quy đổi thành VNĐ theo tỷ giá quy định của Ngân hàng nhà nước tại thời điểm góp vốn.

3. Vốn điều lệ là tổng giá trị số vốn góp bằng đồng Việt Nam (VNĐ) của tất cả các thành viên góp vốn, được ghi vào quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Trong quá trình hoạt động vốn điều lệ có thể được gia tăng theo nhu cầu xây dựng và phát triển nhà trường.

4. Thành viên sáng lập là người tham gia trực tiếp đề xuất, chuẩn bị thành lập trường, có tên trong danh sách thành viên sáng lập tại hồ sơ đề nghị thành lập trường; tham gia xây dựng và thông qua quy chế tổ chức và hoạt động đầu tiên của nhà trường và có số vốn góp đáp ứng quy định của trường.

5. Cơ quan trực tiếp quản lý trường đại học công lập là cơ quan, tổ chức được giao quản lý trường đại học theo quy định của pháp luật, bao gồm: Các Bộ, Ban, ngành trung ương; Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Ủy ban nhân dân cấp tỉnh); các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, các tập đoàn kinh tế; các đại học.

Điều 3. Nguyên tắc đặt tên trường đại học

1. Tên của trường đại học bao gồm các cụm từ sau đây:

a) Cụm từ xác định loại trường: Trường đại học, học viện;

b) Cụm từ xác định loại hình trường, lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần);

c) Tên riêng: Tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử Việt Nam, tên cá nhân, tổ chức;

d) Cụm từ xác định chất lượng, đẳng cấp nếu thấy cần thiết.

2. Trường đại học có tên bằng tiếng Việt và tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài được dịch theo quy định thống nhất của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tên của trường không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác.

Điều 4. Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học

Quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học do hiệu trưởng ban hành theo quyết nghị của hội đồng trường (đối với trường công lập) hoặc hội đồng quản trị (đối với trường tư thục) trên cơ sở cụ thể hóa các quy định tại Điều lệ này, phù hợp với điều kiện đặc thù của nhà trường, không trái với các quy định pháp luật có liên quan và phải được công bố công khai.

Điều 5. Nhiệm vụ, quyền hạn, quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của trường đại học

1. Trường đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn theo quy định tại Điều 28 của Luật Giáo dục đại học.

2. Quyền tự chủ của trường đại học thực hiện theo quy định tại Điều 32 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:

a) Quyết định mục tiêu, chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường;

b) Quyết định thành lập bộ máy tổ chức, phát triển đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý trên cơ sở chiến lược và quy hoạch phát triển nhà trường;

c) Thu, chi tài chính, đầu tư phát triển các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật; quyết định mức thu học phí tương ứng với điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo đối với chương trình đào tạo chất lượng cao và các quy định về tự chủ tài chính đối với trường đại học;

d) Tuyển sinh và phát triển chương trình đào tạo; tổ chức biên soạn hoặc lựa chọn giáo trình giảng dạy phù hợp với mục tiêu đào tạo của từng chương trình đào tạo; in phôi văn bằng, quản lý và cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học theo quy định của pháp luật;

đ) Tổ chức triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế theo chiến lược và kế hoạch phát triển của nhà trường; đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục để đăng ký kiểm định.

3. Trách nhiệm xã hội của trường đại học thể hiện ở các hoạt động: Báo cáo, công khai và giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các bên liên quan về các hoạt động của nhà trường theo quy định của pháp luật; cam kết với cơ quan quản lý nhà nước và chịu trách nhiệm về mọi hoạt động để đạt được các cam kết; không để bất kỳ cá nhân hoặc tổ chức nào lợi dụng danh nghĩa và cơ sở vật chất của trường để tiến hành các hoạt động trái với các quy định của pháp luật và của Điều lệ này.

Chương II

TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Mục 1: CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Điều 6. Cơ cấu tổ chức của trường đại học

1. Trường đại học có cơ cấu tổ chức theo quy định tại Điều 14 của Luật Giáo dục đại học.

Việc thành lập, giải thể các đơn vị thuộc trường đại học; cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của từng đơn vị được thực hiện theo quy định của pháp luật, của Điều lệ này và được cụ thể hóa trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

2. Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ về cơ cấu tổ chức; có trách nhiệm công bố công khai và báo cáo về cơ cấu tổ chức, người đại diện của nhà trường với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

Điều 7. Phân hiệu của trường đại học

Phân hiệu của trường đại học được thành lập và hoạt động theo quy định tại Điều 21 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:

1. Phân hiệu của trường đại học có giám đốc, tối đa 02 phó giám đốc phân hiệu và các đơn vị phục vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động của phân hiệu. Tiêu chuẩn của giám đốc phân hiệu tương đương tiêu chuẩn phó hiệu trưởng phụ trách đào tạo của trường đại học; tiêu chuẩn của phó giám đốc phân hiệu tương đương tiêu chuẩn trưởng khoa của trường đại học.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của phân hiệu: Thực hiện trong phạm vi nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học được giao, tuân thủ sự điều hành chung của hiệu trưởng trường đại học. Các ngành, chuyên ngành đào tạo ở các trình độ giáo dục đại học chỉ được triển khai tại phân hiệu khi được cơ quan có thẩm quyền cho phép. Tổ chức và hoạt động của phân hiệu phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

3. Phân hiệu của trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam được thành lập theo quy định của pháp luật về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

Điều 8. Đổi tên trường đại học

1. Tên trường đại học có thể được thay đổi nếu thấy cần thiết và phù hợp với nguyên tắc đặt tên trường theo quy định tại Điều 3 Điều lệ này.

2. Hồ sơ xin đổi tên trường đại học bao gồm: Tờ trình đề nghị đổi tên trường; đề án đổi tên trường đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, những thay đổi về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, đầu tư cơ sở vật chất (nếu có), làm rõ sự ảnh hưởng đối với đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch mạng lưới các trường đại học, các tác động đối với sinh viên, viên chức của nhà trường và các chủ thể liên quan; văn bản chấp thuận của cơ quan trực tiếp quản lý trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính; quyết nghị của hội đồng trường hoặc hội đồng quản trị và của đại hội đồng cổ đông (đối với trường đại học tư thục); dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động mới.

3. Quy trình xử lý hồ sơ: Trong thời hạn 45 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Khoản 2 Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định. Trường hợp hồ sơ không bảo đảm đúng quy định tại Khoản 2 Điều này thì Bộ Giáo dục và Đào tạo thông báo cho trường bằng văn bản.

Mục 2: TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC CÔNG LẬP

Điều 9. Hội đồng trường

Hội đồng trường được thành lập theo quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng trường

a) Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất báo cáo, giải trình với cơ quan trực tiếp quản lý trường, cơ quan quản lý nhà nước về các điều kiện đảm bảo chất lượng, các kết quả hoạt động, việc thực hiện các cam kết và tài chính của trường;

b) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thông qua phương án bổ sung, miễn nhiệm hoặc thay thế các thành viên của hội đồng trường;

c) Thông qua các quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; việc tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng của nhà trường;

d) Giới thiệu nhân sự hiệu trưởng, phó hiệu trưởng để thực hiện quy trình bổ nhiệm theo quy định; thực hiện đánh giá hàng năm việc hoàn thành nhiệm vụ của hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng; kiến nghị cơ quan có thẩm quyền miễn nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng; tổ chức lấy phiếu thăm dò tín nhiệm hiệu trưởng, phó hiệu trưởng giữa nhiệm kỳ hoặc đột xuất trong trường hợp cần thiết;

đ) Yêu cầu hiệu trưởng giải trình về những vấn đề chưa được thực hiện đúng, chưa được thực hiện đầy đủ theo nghị quyết của hội đồng trường, nếu có. Nếu hội đồng trường không đồng ý với giải trình của hiệu trưởng thì báo cáo cơ quan trực tiếp quản lý trường.

2. Hội đồng trường có số lượng thành viên là số lẻ, tối thiểu là 15 thành viên; có 01 Chủ tịch và 01 thư ký hội đồng. Thành phần hội đồng trường gồm:

a) Hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng, Bí thư đảng ủy trường, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường;

b) Đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của một số khoa, viện;

c) Đại diện của cơ quan trực tiếp quản lý trường;

d) Một số thành viên bên ngoài, không phải là giảng viên, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đáp ứng các yêu cầu sau đây: Đang hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, khoa học, công nghệ, sản xuất, kinh doanh có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của nhà trường; không phải là người có quan hệ bố, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị em ruột với các thành viên khác trong hội đồng trường. Nếu các thành viên này không phải là công chức, viên chức thì không đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch hoặc thư ký hội đồng trường. Số lượng thành viên thuộc thành phần này chiếm không dưới 20% tổng số thành viên của hội đồng trường;

đ) Số lượng, cơ cấu thành viên, quy trình, thủ tục lựa chọn các thành viên, bầu Chủ tịch, thư ký hội đồng trường phải được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Chủ tịch hội đồng trường do hội đồng trường bầu trong số các thành viên của hội đồng trường theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Chủ tịch hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng của nhà trường và có nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Triệu tập các cuộc họp của hội đồng trường;

b) Quyết định về chương trình nghị sự, chủ tọa các cuộc họp và tổ chức bỏ phiếu tại cuộc họp;

c) Điều hành hội đồng trường thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 16 của Luật Giáo dục đại học và Khoản 1 Điều này.

4. Thư ký của hội đồng trường do Chủ tịch hội đồng trường giới thiệu trong số các thành viên của hội đồng trường và bổ nhiệm khi được hội đồng trường thông qua với trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Thư ký hội đồng trường không kiêm nhiệm chức vụ hiệu trưởng hoặc phó hiệu trưởng, trực tiếp giúp Chủ tịch hội đồng trường thực hiện một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Tổng hợp thông tin về hoạt động của trường báo cáo Chủ tịch hội đồng trường; chuẩn bị chương trình nghị sự, nội dung, tài liệu, gửi giấy mời họp và làm thư ký các cuộc họp của hội đồng; xây dựng, hoàn chỉnh, lưu trữ các văn bản của hội đồng trường;

b) Chuẩn bị các báo cáo, giải trình với cơ quan quản lý nhà nước và các cơ quan liên quan theo nhiệm vụ, chức năng của hội đồng trường;

c) Các nhiệm vụ khác do Chủ tịch hội đồng trường giao.

5. Các thành viên của hội đồng trường có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ do hội đồng trường phân công và các nhiệm vụ khác quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 10. Thủ tục thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường; hoạt động của hội đồng trường; miễn nhiệm Chủ tịch và các thành viên hội đồng trường

1. Thủ tục thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường

a) Đối với trường hợp trường đại học chưa có hội đồng trường, việc thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ đầu tiên được thực hiện như sau: Căn cứ quy định tại Khoản 2 Điều 9 Điều lệ này, Hiệu trưởng chủ trì cuộc họp gồm các thành phần: Bí thư Đảng ủy trường, các phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn trường, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh trường để xác định tổng số thành viên hội đồng trường và số lượng thành viên của từng thành phần tham gia hội đồng trường; tổ chức bầu các thành viên đại diện cho giảng viên và nghiên cứu viên; đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường cử đại diện tham gia hội đồng trường; xác định danh sách các thành viên bên ngoài không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường; báo cáo danh sách thành viên hội đồng trường với cơ quan trực tiếp quản lý trường. Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày báo cáo, nếu không có ý kiến khác của cơ quan trực tiếp quản lý trường thì hiệu trưởng tổ chức họp các thành viên trong danh sách nêu trên để bầu Chủ tịch hội đồng trường. Trên cơ sở quyết nghị tại cuộc họp này, hiệu trưởng có văn bản đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường ra Quyết định thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường;

b) Đối với trường hợp trường đại học đã có hội đồng trường, việc thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện như sau: Chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm tổ chức thực hiện các quy định tại Điểm a Khoản này để thành lập hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp theo đúng quy định tại Điều lệ này và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

c) Hồ sơ đề nghị thành lập hội đồng trường và bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường gồm: Tờ trình đề nghị thành lập hội đồng trường, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường; danh sách và sơ yếu lý lịch của chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường; văn bản của cơ quan trực tiếp quản lý trường cử thành viên tham gia hội đồng trường; văn bản đồng ý tham gia hội đồng trường của các thành viên không phải giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu Chủ tịch hội đồng trường và các thành viên đại diện cho khoa, viện thuộc trường;

d) Thủ tục thay thế Chủ tịch và thành viên hội đồng trường: Trong trường hợp chủ tịch hội đồng trường tự nguyện xin thôi làm chủ tịch hội đồng trường hoặc không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc trường hợp bị miễn nhiệm theo quy định tại Khoản 3 Điều này thì hiệu trưởng tổ chức họp hội đồng trường để bầu Chủ tịch hội đồng trường mới và gửi hồ sơ đề nghị bổ nhiệm thay thế Chủ tịch hội đồng trường đến cơ quan trực tiếp quản lý trường quyết định. Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do bầu thay thế Chủ tịch hội đồng trường, văn bản liên quan đến chủ tịch hội đồng trường đương nhiệm, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu chủ tịch hội đồng trường mới.

Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên do có thành viên bị miễn nhiệm hoặc bị chết, nghỉ hưu, thuyên chuyển sang công tác khác không còn phù hợp với vị trí làm thành viên thì Chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của các thành viên bị khuyết để lựa chọn thành viên thay thế theo quy trình quy định tại Điểm a Khoản này. Hồ sơ đề nghị bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường gồm: Tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp bổ sung thay thế, biên bản họp hội đồng trường, biên bản kiểm phiếu và phiếu bầu, các hồ sơ minh chứng liên quan (nếu có);

đ) Về quy trình, thủ tục: trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định thành lập hội đồng trường, bổ nhiệm Chủ tịch hội đồng trường hoặc bổ sung thay thế thành viên hội đồng trường. Trường hợp không đồng ý do hồ sơ còn thiếu hoặc không bảo đảm quy định thì cơ quan thụ lý hồ sơ phải có trách nhiệm trả lời trường bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hoạt động của hội đồng trường

a) Hội đồng trường họp thường kỳ ít nhất 6 tháng một lần và họp bất thường khi có đề nghị bằng văn bản của trên 30% tổng số thành viên hội đồng trường hoặc có đề nghị của hiệu trưởng hoặc của Chủ tịch hội đồng trường.

Cuộc họp của hội đồng trường được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng tham dự. Quyết nghị của hội đồng chỉ có giá trị khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng trường đồng ý. Các cuộc họp phải ghi biên bản và gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý trường chậm nhất sau 15 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp;

b) Hội đồng trường được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của nhà trường để triển khai các công việc của hội đồng trường;

c) Chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương hiệu trưởng; thư ký hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ tương đương trưởng phòng; phụ cấp cho các thành viên khác trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động và quy chế tài chính nội bộ của nhà trường.

Kinh phí hoạt động của hội đồng trường, phụ cấp chức vụ của Chủ tịch, thư ký và phụ cấp cho các thành viên (nếu có) được tính trong kinh phí hoạt động của nhà trường;

d) Về việc ủy quyền điều hành hội đồng: Khi chủ tịch hội đồng trường không thể làm việc trong khoảng thời gian mà quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường đã quy định thì phải có trách nhiệm ủy quyền bằng văn bản cho một trong số các thành viên còn lại của hội đồng trường đảm nhận thay trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng. Văn bản ủy quyền phải được gửi đến cơ quan trực tiếp quản lý trường và thông báo công khai. Thời gian ủy quyền không quá 6 tháng.

3. Miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng trường

a) Thành viên của hội đồng trường bị miễn nhiệm nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; đang chấp hành bản án của tòa án; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm; mắc các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

b) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét, quyết nghị việc miễn nhiệm Chủ tịch và thành viên hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan trực tiếp quản lý trường quyết định. Hồ sơ gồm có: Tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm và các văn bản, minh chứng liên quan;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Thủ trưởng cơ quan trực tiếp quản lý trường ra quyết định miễn nhiệm; trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 11. Hiệu trưởng trường đại học

Hiệu trưởng trường đại học được quy định tại Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:

1. Hiệu trưởng là người điều hành tổ chức, bộ máy của trường đại học. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

2. Nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng được quy định tại Khoản 3, Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trình hội đồng trường phê duyệt;

b) Xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng, phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, người lao động trình hội đồng trường thông qua;

c) Tổ chức tuyển dụng, quản lý và sử dụng hiệu quả đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác theo quy định của pháp luật;

d) Hàng năm, tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý, viên chức và người lao động khác;

đ) Xem xét các ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo trước khi quyết định các vấn đề đã giao cho hội đồng khoa học và đào tạo tư vấn. Trường hợp không đồng ý với nội dung tư vấn, hiệu trưởng được quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định và báo cáo hội đồng trường trong kỳ họp hội đồng trường gần nhất;

e) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng trường; trao đổi với chủ tịch hội đồng trường và thống nhất cách giải quyết theo quy định của pháp luật nếu phát hiện nghị quyết vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường. Trường hợp không thống nhất được cách giải quyết thì hiệu trưởng báo cáo với cơ quan trực tiếp quản lý trường.

3. Bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng:

a) Việc bổ nhiệm hiệu trưởng trường đại học được thực hiện theo quy định tại Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật hiện hành. Độ tuổi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của hiệu trưởng không quá 55 đối với nam; không quá 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm; trường hợp đặc biệt phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước khi ra quyết định bổ nhiệm;

b) Việc miễn nhiệm hiệu trưởng được thực hiện đối với một trong các trường hợp sau đây: Có đề nghị bằng văn bản của hiệu trưởng xin thôi chức vụ; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; sức khỏe không đủ khả năng đảm nhiệm công việc được giao, phải nghỉ làm việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; sử dụng văn bằng giả hoặc văn bằng không được cơ quan có thẩm quyền công nhận; có trên 3/4 tổng số thành viên của hội đồng trường kiến nghị bằng văn bản đề nghị miễn nhiệm hoặc mắc các vi phạm khác đã quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

c) Hồ sơ, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm hiệu trưởng thực hiện theo quy định hiện hành.

Điều 12. Phó hiệu trưởng trường đại học

1. Phó hiệu trưởng trường đại học là người giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của nhà trường. Mỗi trường đại học có không quá 03 phó hiệu trưởng. Trường hợp đặc biệt, đối với các trường đại học có tổng quy mô trên 20.000 sinh viên chính quy và được giao nhiệm vụ đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ thì có thể bổ sung 01 hoặc 02 phó hiệu trưởng sau khi được sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo.

2. Phó hiệu trưởng trường đại học phải có phẩm chất chính trị, đạo đức tốt, sức khỏe tốt; có uy tín và năng lực quản lý, đã tham gia quản lý cấp bộ môn hoặc tương đương trở lên ở trường đại học ít nhất 5 năm; có trình độ tiến sĩ. Trường hợp trường đại học không có đủ người có trình độ tiến sĩ thì có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ, nhưng không giao phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ phó hiệu trưởng thì sau khi bổ nhiệm, phó hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

3. Phó hiệu trưởng trường đại học có nhiệm vụ trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác theo sự phân công của hiệu trưởng; được thay mặt hiệu trưởng giải quyết và chịu trách nhiệm trước hiệu trưởng và pháp luật đối với công việc đã giải quyết; có trách nhiệm báo cáo với hiệu trưởng về tình hình công việc được giao.

4. Nhiệm kỳ, bổ nhiệm và miễn nhiệm phó hiệu trưởng: Nhiệm kỳ của phó hiệu trưởng theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và có thể được bổ nhiệm lại. Việc bổ nhiệm và miễn nhiệm phó hiệu trưởng được thực hiện như đối với hiệu trưởng quy định tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ này.

Điều 13. Hội đồng khoa học và đào tạo

Hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học được thành lập, tổ chức và hoạt động theo quy định tại Điều 19 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể như sau:

1. Hội đồng khoa học và đào tạo có nhiệm kỳ 5 năm theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng, thực hiện nhiệm vụ tư vấn cho Hiệu trưởng về những công việc: đổi mới và phát triển chương trình đào tạo; định hướng phát triển nghiên cứu khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; thẩm định chương trình đào tạo; xem xét công nhận chuyển đổi tín chỉ; kế hoạch hợp tác với cơ sở đào tạo, cơ sở nghiên cứu khoa học, cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức và cá nhân ở trong nước, nước ngoài để triển khai các hoạt động liên quan đến đào tạo, khoa học và công nghệ; đề xuất danh sách thành viên hội đồng chức danh giáo sư cơ sở; bổ nhiệm các chức danh giáo sư, phó giáo sư trong trường; trao tặng danh hiệu giáo sư danh dự, tiến sĩ danh dự của nhà trường cho các cá nhân; lựa chọn tổ chức kiểm định chất lượng nhà trường; các phương thức kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên; các giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo và đảm bảo chất lượng đầu ra; đánh giá giảng viên, đánh giá chất lượng của trang thông tin điện tử, tạp chí, tập san khoa học công nghệ (nếu có), đánh giá việc tổ chức và quản lý đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của các đơn vị trong trường.

2. Hội đồng khoa học và đào tạo có Chủ tịch, thư ký và các thành viên; có số lượng thành viên là số lẻ từ 11 đến 25 thành viên, bao gồm: Hiệu trưởng, một số phó hiệu trưởng; trưởng của một số khoa, viện, phòng chức năng trong trường; đại diện giảng viên, nghiên cứu viên của nhà trường có chức danh giáo sư, phó giáo sư hoặc trình độ tiến sĩ; một số đại diện các nhà khoa học có liên quan hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của nhà trường, không phải giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu cần thiết). Quy định cụ thể về hội đồng khoa học và đào tạo của trường đại học phải được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Chủ tịch hội đồng khoa học và đào tạo do hội đồng bầu trong các thành viên của hội đồng theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng đồng ý; Chủ tịch hội đồng chỉ định thư ký hội đồng trong số các thành viên của hội đồng.

4. Hội đồng khoa học và đào tạo họp ít nhất 1 lần trong một học kỳ do Chủ tịch hội đồng triệu tập. Nội dung cuộc họp phải được thông báo trước cho tất cả các thành viên hội đồng ít nhất 03 ngày; cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự; kết luận của cuộc họp có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa học và đào tạo biểu quyết đồng ý. Biên bản của cuộc họp phải được trình lên hiệu trưởng trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức cuộc họp.

Điều 14. Hội đồng tư vấn

Hiệu trưởng có thể thành lập hội đồng tư vấn về một số công việc cần thiết, liên quan đến việc triển khai, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của nhà trường. Hội đồng tư vấn làm theo vụ việc và không hưởng lương.

Hội đồng tư vấn có thể bao gồm các thành viên trong trường, thành viên ngoài trường đang hoạt động trong các lĩnh vực có liên quan đến các hoạt động của nhà trường.

Việc thành lập, hoạt động và nhiệm vụ của hội đồng tư vấn phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 15. Khoa

1. Khoa là đơn vị chuyên môn thuộc trường đại học, có các nhiệm vụ sau đây:

a) Quản lý giảng viên, người lao động khác và người học thuộc khoa theo phân cấp của hiệu trưởng;

b) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động giáo dục đào tạo theo kế hoạch chung của trường, bao gồm: Xây dựng chương trình đào tạo của ngành, chuyên ngành được trường giao nhiệm vụ; tổ chức biên soạn đề cương chi tiết các môn học liên quan bảo đảm tính thống nhất, tránh chồng chéo giữa các môn học của chương trình đào tạo hoặc giữa các trình độ đào tạo; tổ chức phát triển chương trình đào tạo, xây dựng các đề án, biên soạn tài liệu, giáo trình theo định hướng phát triển của nhà trường; tổ chức nghiên cứu cải tiến phương pháp giảng dạy, học tập; xây dựng và thực hiện phương pháp kiểm tra, đánh giá kết quả học tập, rèn luyện của sinh viên, bảo đảm chuẩn đầu ra của người học theo cam kết đã được công bố, đáp ứng nhu cầu sử dụng của thị trường lao động. Việc phát triển chương trình đào tạo, giáo trình, tài liệu giảng dạy phải thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

c) Lập kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế; hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ, cơ sở sản xuất, kinh doanh liên quan đến ngành nghề đào tạo và huy động sự tham gia của doanh nghiệp vào quá trình đào tạo của khoa;

d) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ giảng viên, ngành nghề đào tạo và cơ sở vật chất phục vụ cho đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo;

đ) Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho giảng viên, người lao động, người học; có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho giảng viên và người lao động khác thuộc khoa;

e) Tổ chức đánh giá cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên trong khoa và tham gia đánh giá cán bộ quản lý trong trường theo quy định của nhà trường.

2. Trưởng khoa, phó trưởng khoa

a) Trưởng khoa phải có trình độ tiến sĩ phù hợp với ngành, chuyên ngành đào tạo tại khoa. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí trưởng khoa. Trưởng khoa có trách nhiệm tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của khoa quy định tại Khoản 1 Điều này;

b) Mỗi khoa có không quá 02 phó trưởng khoa để giúp trưởng khoa trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của khoa. Đối với khoa được giao nhiệm vụ tổ chức đào tạo ngành, chuyên ngành trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và có quy mô trên 500 sinh viên chính quy thì có thể bổ sung 01 hoặc 02 phó trưởng khoa, nhưng phải được sự đồng ý của hội đồng trường.

Phó trưởng khoa phải có trình độ thạc sĩ trở lên, riêng phó trưởng khoa phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ. Đối với khoa không đảm nhận chính việc đào tạo một ngành hoặc chuyên ngành để cấp một trong các văn bằng tốt nghiệp đại học, thạc sĩ, tiến sĩ, nếu không có tiến sĩ thì hiệu trưởng có thể xem xét bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ vào vị trí phó trưởng khoa phụ trách hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ;

c) Trưởng khoa, phó trưởng khoa phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng khoa, phó trưởng khoa thì sau khi bổ nhiệm, trưởng khoa, phó trưởng khoa phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường. Trưởng khoa có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại, nhưng không quá hai nhiệm kỳ liên tiếp. Nhiệm kỳ của trưởng khoa có thể theo nhiệm kỳ của hiệu trưởng và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nhiệm kỳ của phó trưởng khoa theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và có thể được bổ nhiệm lại. Độ tuổi khi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu của trưởng khoa, phó trưởng khoa không quá 55 đối với nam và không quá 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm.

Quy trình giới thiệu, bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng khoa, phó trưởng khoa được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Hội đồng khoa

a) Hội đồng khoa được thành lập để tư vấn cho trưởng khoa trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của khoa quy định tại Khoản 1 Điều này; tư vấn cho trưởng khoa trong đổi mới quản lý, đào tạo và nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ của khoa. Hội đồng khoa có Chủ tịch hội đồng khoa và các thành viên do hiệu trưởng bổ nhiệm trên cơ sở đề nghị của trưởng khoa; có số lượng thành viên là số lẻ và có tối thiểu 7 thành viên, gồm: Trưởng khoa, các phó trưởng khoa, các trưởng bộ môn, một số giảng viên, nghiên cứu viên trong khoa là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ và một số thành viên bên ngoài khoa, ngoài trường có trình độ và kinh nghiệm liên quan đến phát triển chuyên môn của khoa (nếu cần thiết);

b) Chủ tịch hội đồng khoa do hội đồng khoa bầu trong số các thành viên hội đồng khoa theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa đồng ý;

c) Hội đồng khoa họp ít nhất 1 lần trong một học kỳ do Chủ tịch hội đồng triệu tập. Nội dung cuộc họp phải được thông báo trước cho tất cả các thành viên hội đồng ít nhất 03 ngày; cuộc họp được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự; kết luận của cuộc họp có hiệu lực khi có trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng khoa biểu quyết đồng ý. Biên bản cuộc họp của hội đồng khoa phải được gửi kèm cùng với những đề xuất tương ứng của trưởng khoa khi trình hiệu trưởng xem xét quyết định những vấn đề liên quan đến tổ chức nhân sự, hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ của khoa;

d) Số lượng thành viên và thủ tục lựa chọn các thành viên, việc tổ chức và hoạt động của hội đồng khoa được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

4. Khoa của trường đại học có thể thành lập các hội đồng tư vấn ngành do hiệu trưởng trường đại học quyết định theo đề nghị của trưởng khoa để tư vấn cho trưởng khoa trong trường hợp cần thiết phục vụ cho công tác quản lý, điều hành khoa theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Hội đồng tư vấn ngành có thể có các thành viên ngoài khoa hoặc ngoài trường, không phải là giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường (nếu thấy cần thiết), làm theo vụ việc và không hưởng lương. Thủ tục thành lập và hoạt động của hội đồng tư vấn ngành được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

5. Bộ môn thuộc trường đại học có tổ chức và hoạt động theo quy định tương tự như đối với bộ môn thuộc khoa quy định tại Điều 16 Điều lệ này và một số nhiệm vụ, chức năng như quy định đối với khoa tại Điều này. Những quy định cụ thể về bộ môn thuộc trường được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Điều 16. Bộ môn

1. Bộ môn là đơn vị chuyên môn thuộc khoa trong trường đại học. Quy định về tổ chức và hoạt động của bộ môn được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

2. Bộ môn có các nhiệm vụ sau đây:

a) Chịu trách nhiệm về nội dung, chất lượng, tiến độ giảng dạy của những môn học được giao trong chương trình đào tạo, kế hoạch giảng dạy chung của trường, của khoa;

b) Xây dựng và hoàn thiện nội dung môn học; tổ chức biên soạn giáo trình, xây dựng tài liệu tham khảo phù hợp với nội dung môn học được trưởng khoa, hiệu trưởng giao;

c) Nghiên cứu đổi mới phương pháp giảng dạy; tổ chức kiểm tra, đánh giá quá trình và kết quả học tập của sinh viên theo quy định của nhà trường;

d) Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, thực hiện các dịch vụ khoa học và công nghệ theo kế hoạch của trường và khoa;

đ) Xây dựng kế hoạch phát triển đội ngũ của bộ môn; tham gia đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên thuộc lĩnh vực chuyên môn;

e) Tổ chức đánh giá công tác quản lý, hoạt động đào tạo, hoạt động khoa học và công nghệ của cá nhân, của bộ môn, của khoa và trường theo yêu cầu của hội đồng trường, hiệu trưởng, trưởng khoa.

3. Trưởng bộ môn phải có đủ tiêu chuẩn giảng viên giảng dạy trình độ đại học, có kinh nghiệm giảng dạy, nghiên cứu khoa học và năng lực quản lý, có trình độ tiến sĩ. Đối với bộ môn chỉ giảng dạy khối kiến thức giáo dục đại cương, nếu không có tiến sĩ có thể bổ nhiệm người có trình độ thạc sĩ làm trưởng bộ môn. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng bộ môn thì sau khi bổ nhiệm, trưởng bộ môn phải là giảng viên cơ hữu của nhà trường.

Trưởng bộ môn có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Nhiệm kỳ của trưởng bộ môn có thể theo nhiệm kỳ của trưởng khoa và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Độ tuổi bổ nhiệm của trưởng bộ môn phải bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được ít nhất nửa nhiệm kỳ. Quy trình giới thiệu, bổ nhiệm và miễn nhiệm trưởng bộ môn được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Trưởng bộ môn có quyền và nhiệm vụ tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của bộ môn quy định tại Khoản 2 Điều này.

4. Phó trưởng bộ môn phải có trình độ thạc sĩ trở lên. Các quy định khác đối với phó trưởng bộ môn thực hiện tương tự như trưởng bộ môn và được cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

5. Bộ môn của trường đại học có thể thành lập hội đồng tư vấn chuyên ngành theo đề nghị của trưởng khoa và quyết định của hiệu trưởng để tư vấn cho trưởng bộ môn trong trường hợp cần thiết về các công việc liên quan đến triển khai thực hiện chức năng, nhiệm vụ của bộ môn. Hội đồng tư vấn chuyên ngành có thể có các thành viên ở ngoài bộ môn, ngoài khoa, ngoài trường (nếu cần thiết) và làm theo vụ việc, không hưởng lương. Việc thành lập, tổ chức và hoạt động của hội đồng tư vấn chuyên ngành được xác định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Điều 17. Phòng chức năng

1. Các phòng chức năng có nhiệm vụ tham mưu và giúp hiệu trưởng trong việc quản lý, tổng hợp, đề xuất ý kiến, tổ chức thực hiện các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được hiệu trưởng giao.

2. Trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Riêng trưởng phòng quản lý đào tạo, khoa học và công nghệ phải có trình độ tiến sĩ và có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm; trưởng phòng hợp tác quốc tế, tổ chức cán bộ phải có kinh nghiệm giảng dạy đại học ít nhất 5 năm.

3. Phó trưởng phòng là người giúp trưởng phòng trong việc quản lý, điều hành các hoạt động của phòng theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Phó trưởng phòng phải có trình độ đại học trở lên. Mỗi phòng chức năng của trường đại học có từ 02 đến 04 phó trưởng phòng tùy theo chức năng, nhiệm vụ được giao và quy mô đào tạo của trường, được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

4. Trưởng phòng, phó trưởng phòng có nhiệm kỳ 5 năm và có thể được bổ nhiệm lại. Độ tuổi khi bổ nhiệm nhiệm kỳ đầu tiên của trưởng phòng, phó trưởng phòng không quá 55 đối với nam và 50 đối với nữ tính đến tháng thực hiện quy trình bổ nhiệm. Nếu được điều động từ cơ quan, tổ chức khác để bổ nhiệm vào chức vụ trưởng phòng, phó trưởng phòng thì sau khi bổ nhiệm, trưởng phòng, phó trưởng phòng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

Điều 18. Thư viện, trang thông tin điện tử, tạp chí khoa học công nghệ

1. Thư viện, trung tâm thông tin tư liệu của nhà trường có nhiệm vụ cung cấp các thông tin, tư liệu khoa học và công nghệ phục vụ giảng dạy, nghiên cứu và học tập của giảng viên và sinh viên; lưu trữ bản gốc các luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ đã bảo vệ tại trường, các kết quả nghiên cứu khoa học, các ấn phẩm của trường. Thư viện, trung tâm thông tin tư liệu hoạt động theo quy chế do hiệu trưởng ban hành, phù hợp với pháp luật về thư viện, pháp luật về lưu trữ và các quy định của pháp luật hiện hành có liên quan.

2. Trang thông tin điện tử của có nhiệm vụ đăng tải thông tin liên quan đến các hoạt động của nhà trường, đảm bảo các thông tin tối thiểu theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trang thông tin điện tử phải có ban biên tập chịu trách nhiệm về nội dung thông tin và quản trị hệ thống; có quy chế hoạt động và cung cấp thông tin phù hợp với quy định của pháp luật về công nghệ thông tin, quản lý thông tin trên mạng Internet và các quy định pháp luật hiện hành có liên quan.

3. Tạp chí, tập san khoa học công nghệ của trường đại học đăng tải các công trình nghiên cứu nhằm phục vụ công tác đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường phải có ban biên tập và ban trị sự. Trường đại học có đào tạo trình độ tiến sĩ phải có tạp chí khoa học công nghệ riêng. Bài đăng trên tạp chí, tập san khoa học công nghệ phải qua phản biện. Quy trình phản biện và điều kiện đăng bài phải được thông báo công khai. Tạp chí, tập san khoa học công nghệ có thể được xuất bản theo bản in hay bản điện tử theo quy định hiện hành về xuất bản. Trưởng ban biên tập hoặc tổng biên tập phải chịu trách nhiệm về thông tin và chất lượng khoa học của tạp chí, tập san khoa học công nghệ.

Điều 19. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ

1. Các tổ chức nghiên cứu và phát triển, đơn vị sự nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong trường đại học được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và hợp tác quốc tế liên quan đến ngành nghề đào tạo của trường; được tổ chức thành các đơn vị thuộc trường, dưới các hình thức và có các nhiệm vụ sau đây:

a) Các tổ chức nghiên cứu và phát triển được tổ chức dưới hình thức viện nghiên cứu để triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ và áp dụng tiến bộ khoa học và công nghệ để nâng cao chất lượng đào tạo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng;

b) Các đơn vị sự nghiệp được tổ chức dưới hình thức trung tâm, xưởng in, nhà xuất bản và một số đơn vị khác để triển khai các hoạt động có liên quan đến sở hữu trí tuệ; tham gia bồi dưỡng nghiệp vụ hoặc đào tạo ngắn hạn, cập nhật kiến thức cho các đối tượng có nhu cầu ở trong và ngoài trường; xúc tiến việc phát triển quan hệ quốc tế, kết nối với doanh nghiệp và cựu sinh viên; in ấn và xuất bản;

c) Các cơ sở kinh doanh, dịch vụ: Được tổ chức theo hình thức doanh nghiệp hoặc trung tâm dịch vụ để triển khai các dịch vụ về cung cấp thông tin, tư vấn; phổ biến và ứng dụng tri thức khoa học và công nghệ vào thực tiễn sản xuất; dịch vụ sinh viên; dịch vụ phục vụ cộng đồng và đáp ứng các nhu cầu của xã hội;

d) Các đơn vị quy định tại Khoản này không có chức năng tổ chức đào tạo, liên kết đào tạo để cấp văn bằng, trừ trường hợp viện nghiên cứu thuộc trường có đủ năng lực, được nhà trường giao tổ chức thực hiện hoạt động đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ do trường đại học cấp bằng, có quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường hoặc trong quy định về chức năng nhiệm vụ của các đơn vị thuộc trường.

2. Việc thành lập, giải thể, cơ cấu tổ chức và hoạt động của các đơn vị quy định tại Điều này thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành và phải được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Mục 3: TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC

Điều 20. Đại hội đồng cổ đông trong trường đại học tư thục

1. Đại hội đồng cổ đông bao gồm tất cả các thành viên góp vốn của trường đại học tư thục.

2. Đại hội đồng cổ đông có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Bầu đại diện thành viên góp vốn tham gia vào hội đồng quản trị; bầu, miễn nhiệm thành viên ban kiểm soát của trường; giải quyết các yêu cầu bổ sung, thay đổi thành viên hội đồng quản trị là đại diện thành viên góp vốn; đề xuất với hội đồng quản trị về việc không công nhận đại diện thành viên góp vốn trong hội đồng quản trị;

b) Thông qua chiến lược đầu tư và kế hoạch phát triển cơ sở vật chất của nhà trường do hội đồng quản trị đề xuất;

c) Thông qua báo cáo tài chính hàng năm của trường, những quy định có liên quan đến tài chính trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

d) Thông qua quy chế tài chính nội bộ của trường;

đ) Thông qua nghị quyết về tăng, giảm vốn điều lệ, kế hoạch huy động vốn dưới mọi hình thức;

e) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Đại hội đồng cổ đông họp thường niên hoặc bất thường; mọi chi phí cho việc triệu tập và tổ chức họp đại hội đồng cổ đông được tính trong kinh phí hoạt động của nhà trường.

Cuộc họp thường niên của đại hội đồng cổ đông được tổ chức bắt buộc mỗi năm một lần trong thời gian 4 tháng đầu của năm tài chính. Cuộc họp bất thường của đại hội đồng cổ đông được triệu tập theo một trong những trường hợp sau đây:

a) Theo quyết định của Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc có ít nhất 2/3 số thành viên hội đồng quản trị kiến nghị tổ chức cuộc họp vì lợi ích của nhà trường;

b) Cần bổ sung hoặc thay thế thành viên góp vốn của hội đồng quản trị;

c) Cá nhân hoặc nhóm thành viên góp vốn sở hữu trên 30% tổng số vốn góp kiến nghị họp bằng văn bản khi phát hiện hội đồng quản trị vi phạm nghiêm trọng quyền của cổ đông hoặc ra quyết định vượt quá thẩm quyền, trái với quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của nhà trường;

d) Nhiệm kỳ của hội đồng quản trị đã kéo dài quá 6 tháng nhưng chưa tổ chức cuộc họp để bầu hội đồng quản trị mới thay thế;

đ) Các trường hợp khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

4. Điều kiện tiến hành họp đại hội đồng cổ đông

a) Cuộc họp đại hội đồng cổ đông được coi là hợp lệ khi có số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp tham dự cuộc họp;

b) Để xử lý cùng một nội dung công việc, trường hợp cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần thứ nhất không bảo đảm quy định tại Điểm a Khoản này, thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp lần thứ nhất, đại hội đồng cổ đông được triệu tập họp lần thứ 2 được coi là hợp lệ khi có số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 51% tổng số vốn góp tham dự họp; trường hợp cuộc họp đại hội đồng cổ đông lần thứ 2 vẫn chưa hợp lệ thì sau 20 ngày kể từ ngày tổ chức cuộc họp lần thứ 2, đại hội đồng cổ đông được tổ chức họp không phụ thuộc vào số lượng và tỷ lệ số vốn góp của các thành viên góp vốn dự họp;

c) Việc triệu tập họp đại hội đồng cổ đông (thường niên hoặc bất thường) phải được thực hiện theo hình thức thông báo mời họp bằng văn bản; thông báo mời họp phải kèm theo dự kiến chương trình, nội dung cuộc họp và các tài liệu liên quan và phải được gửi cho tất cả các thành viên góp vốn bằng hình thức thư bảo đảm hoặc thư phát chuyển nhanh, có ký xác nhận của người nhận ít nhất 7 ngày trước ngày họp;

d) Các cuộc họp thường niên hoặc bất thường của đại hội đồng cổ đông do Chủ tịch hội đồng quản trị triệu tập; trong trường hợp Chủ tịch hội đồng quản trị không triệu tập họp theo kế hoạch của hội đồng quản trị hoặc theo kiến nghị quy định tại Khoản 3 Điều này, thì sau 30 ngày kể từ ngày dự kiến họp theo kế hoạch của hội đồng quản trị hoặc sau 60 ngày kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị họp bất thường, các thành viên góp vốn có kiến nghị triệu tập họp nêu ở Điểm c Khoản 3 Điều này chọn một thành viên hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát triệu tập họp đại hội đồng cổ đông và cuộc họp đó được coi là hợp lệ.

5. Nội dung các cuộc họp đại hội đồng cổ đông phải được ghi đầy đủ vào biên bản cuộc họp và được thông qua ngay tại cuộc họp, có chữ ký của người chủ trì và thư ký cuộc họp để lưu trữ. Quyết định của đại hội đồng cổ đông phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp và phải được gửi đến từng thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.

6. Quyết định của đại hội đồng cổ đông được thông qua tại cuộc họp có hiệu lực khi được số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự họp chấp thuận, trừ trường hợp có quy định cao hơn của pháp luật, của Điều lệ này hoặc quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Việc biểu quyết bầu đại diện góp vốn vào hội đồng quản trị và ban kiểm soát phải thực hiện theo phương thức bầu dồn phiếu, theo đó mỗi thành viên góp vốn có tổng số phiếu biểu quyết tương ứng với tỷ lệ vốn góp đang sở hữu nhân với số thành viên được bầu vào hội đồng quản trị hoặc ban kiểm soát và thành viên góp vốn có quyền dồn hết tổng số phiếu bầu của mình cho một hoặc một số ứng cử viên.

7. Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết định được thông qua, thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét hủy bỏ Quyết định của đại hội đồng cổ đông theo một trong các trường hợp: Đại hội đồng cổ đông được tổ chức họp không bảo đảm các quy định tại Điều này hoặc nội dung quyết định của đại hội đồng cổ đông vi phạm pháp luật; vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 21. Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục

Hội đồng quản trị được thành lập ở trường đại học tư thục theo quy định tại Điều 17 của Luật Giáo dục đại học và một số quy định cụ thể sau đây:

1. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị được quy định tại Khoản 2 Điều 17 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ cụ thể sau đây:

a) Dự kiến chương trình, chuẩn bị tài liệu phục vụ họp đại hội đồng cổ đông; triệu tập đại hội đồng cổ đông họp thường niên hoặc bất thường theo quy định tại Điều 20 Điều lệ này;

b) Thông qua quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm; tuyển dụng, quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý và nhân viên hợp đồng của nhà trường;

c) Xây dựng và trình đại hội đồng cổ đông thông qua chiến lược đầu tư, kế hoạch phát triển cơ sở vật chất và quy chế tài chính nội bộ của nhà trường;

d) Thông qua chiến lược và kế hoạch phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học do hiệu trưởng đề xuất;

đ) Quyết nghị về việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; thông qua nội dung quy chế tổ chức và hoạt động sau khi đã được đại hội đồng cổ đông thông qua những quy định liên quan đến tài chính, hội đồng khoa học và đào tạo thông qua những quy định liên quan đến tuyển sinh, đào tạo, nghiên cứu khoa học và hợp tác quốc tế;

e) Đề xuất với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh không công nhận hoặc bổ sung thay thế các thành viên trong hội đồng quản trị; bầu hiệu trưởng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận theo quy định; ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó hiệu trưởng trên cơ sở đề xuất của hiệu trưởng;

g) Xây dựng báo cáo hoạt động và quyết toán tài chính hàng năm của nhà trường và trình lên đại hội đồng cổ đông thông qua;

h) Định kỳ hàng năm hoặc theo yêu cầu đột xuất báo cáo cơ quan quản lý nhà nước, giải trình về các hoạt động, việc thực hiện các cam kết của nhà trường với các bên liên quan.

2. Hội đồng quản trị có số thành viên là số lẻ, ít nhất là 7 thành viên. Số lượng và cơ cấu thành viên hội đồng quản trị; việc bầu các thành viên đại diện cho thành viên góp vốn, giảng viên cơ hữu của trường và các quy định cụ thể khác về hoạt động của hội đồng quản trị phải được thể hiện cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Chủ tịch hội đồng quản trị được bầu trong số các thành viên của hội đồng quản trị theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên theo danh sách của hội đồng quản trị đồng ý. Chủ tịch hội đồng quản trị có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Là chủ tài khoản của nhà trường;

b) Lập chương trình, kế hoạch hoạt động của hội đồng quản trị; chuẩn bị chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cho cuộc họp của hội đồng quản trị; triệu tập và chủ trì các cuộc họp hội đồng quản trị; tổ chức việc thông qua và là người chịu trách nhiệm chính về các quyết nghị của hội đồng quản trị; giám sát quá trình tổ chức thực hiện các quyết nghị của hội đồng quản trị; chủ trì cuộc họp đại hội đồng cổ đông;

c) Điều hành hội đồng quản trị thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Khoản 1 Điều này;

d) Ký trình cơ quan có thẩm quyền ra quyết định công nhận hiệu trưởng; ký quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm các phó hiệu trưởng;

đ) Các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

4. Các thành viên của hội đồng quản trị thực hiện nhiệm vụ do hội đồng quản trị phân công; được hưởng phụ cấp (nếu có) theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 22. Thủ tục thành lập và công nhận hội đồng quản trị; hoạt động của hội đồng quản trị; việc không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị

1. Thủ tục thành lập và công nhận hội đồng quản trị

a) Đối với trường đại học tư thục thành lập mới: Sau khi có Quyết định thành lập trường, người đại diện đứng tên thành lập trường triệu tập và chủ trì cuộc họp gồm thành viên sáng lập và thành viên góp vốn để xác định tổng số thành viên và số lượng thành viên của từng thành phần của hội đồng quản trị; đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; đề nghị tổ chức Đảng, đoàn thể của trường cử đại diện tham gia hội đồng quản trị; tổ chức để tập thể các thành viên góp vốn, tập thể giảng viên bầu các đại diện của mình tham gia hội đồng quản trị; báo cáo danh sách thành viên hội đồng quản trị với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Sau thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày báo cáo, nếu không có ý kiến khác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thì người đại diện đứng tên thành lập trường tổ chức họp các thành viên trong danh sách này để bầu Chủ tịch hội đồng quản trị; ký văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định công nhận hội đồng quản trị, Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị;

b) Đối với trường đại học tư thục chuyển đổi từ trường đại học dân lập: Sau khi có Quyết định chuyển đổi sang trường đại học tư thục, Chủ tịch hội đồng quản trị của trường đại học dân lập chủ trì cuộc họp hội đồng quản trị trường dân lập để xác định tổng số thành viên và số lượng thành viên của từng thành phần của hội đồng quản trị trường tư thục; thực hiện các quy định còn lại tại Điểm a Khoản này để thành lập hội đồng quản trị của trường đại học tư thục;

c) Đối với trường đại học tư thục đã thành lập hội đồng quản trị, căn cứ vào quy định tại Khoản 2 Điều 21 Điều lệ này, Chủ tịch hội đồng quản trị đương nhiệm tổ chức thực hiện quy trình quy định tại Điểm a Khoản này để thành lập hội đồng quản trị cho nhiệm kỳ tiếp theo;

d) Hồ sơ đề nghị công nhận hội đồng quản trị, Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, gồm: Tờ trình đề nghị công nhận hội đồng quản trị, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng quản trị; danh sách Chủ tịch và các thành viên của hội đồng quản trị; sơ yếu lý lịch của các thành viên; văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính cử thành viên tham gia hội đồng quản trị; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu Chủ tịch hội đồng quản trị, các thành viên đại diện cho tổ chức, cá nhân góp vốn và giảng viên cơ hữu;

đ) Trong trường hợp chưa thể bầu được Chủ tịch hội đồng quản trị hoặc Chủ tịch hội đồng quản trị không thể tiếp tục làm việc hoặc thuộc các trường hợp đang đề nghị không công nhận quy định tại Khoản 3 Điều này, trường đại học tư thục cử quyền Chủ tịch hội đồng quản trị trong số các thành viên của hội đồng quản trị; việc bầu, công nhận quyền Chủ tịch hội đồng quản trị được thực hiện như đối với Chủ tịch hội đồng quản trị và Quyết định công nhận quyền Chủ tịch hội đồng quản trị có giá trị không quá 6 tháng, kể từ ngày ban hành;

e) Trường hợp có thành viên của hội đồng quản trị bị khuyết do không được công nhận hoặc chuyển sang công tác khác không còn phù hợp với vị trí làm thành viên thì Chủ tịch hội đồng quản trị căn cứ vào thành phần của thành viên bị khuyết để thực hiện quy trình lựa chọn thành viên thay thế theo quy định tại Điểm a Khoản này và gửi hồ sơ đề nghị công nhận bổ sung, thay thế thành viên hội đồng quản trị đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính. Hồ sơ gồm: Tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp bổ sung thay thế, biên bản họp hội đồng quản trị, biên bản kiểm phiếu, phiếu bầu và các hồ sơ minh chứng liên quan (nếu có). Hiệu trưởng đương nhiên được công nhận là thành viên bổ sung vào hội đồng quản trị sau khi được cơ quan có thẩm quyền công nhận hiệu trưởng;

g) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận hội đồng quản trị, Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị, trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

2. Hoạt động của hội đồng quản trị

a) Hội đồng quản trị họp thường kỳ ba tháng một lần. Việc tổ chức họp hội đồng bất thường do Chủ tịch hội đồng quản trị quyết định, nhưng phải được ít nhất 1/3 số thành viên hội đồng quản trị đồng ý. Thông báo mời họp hội đồng quản trị phải kèm theo chương trình, nội dung, tài liệu phục vụ cho cuộc họp và phải được gửi đến các thành viên hội đồng quản trị bằng thư bảo đảm hoặc thư phát chuyển nhanh, có chữ ký xác nhận của người nhận ít nhất 05 ngày trước ngày họp;

b) Các cuộc họp của hội đồng quản trị được coi là hợp lệ khi có ít nhất 75% số thành viên tham dự. Quyết nghị của hội đồng quản trị được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp, theo nguyên tắc: Mỗi thành viên hội đồng quản trị có một phiếu biểu quyết; quyết nghị có hiệu lực khi có hơn 50% tổng số thành viên hội đồng quản trị đồng ý và phải được gửi đến các thành viên hội đồng quản trị trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày quyết nghị được thông qua;

c) Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày quyết nghị của hội đồng quản trị được thông qua, thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát có quyền kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền xem xét hủy bỏ quyết nghị của hội đồng quản trị theo một trong các trường hợp: Cuộc họp của hội đồng quản trị được tiến hành không bảo đảm các quy định tại Điểm a và b Khoản này, nội dung quyết nghị của hội đồng quản trị vi phạm pháp luật hoặc vi phạm quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

d) Chủ tịch hội đồng quản trị được quyền sử dụng bộ máy tổ chức và con dấu của trường để hoạt động trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của hội đồng quản trị và ký các văn bản, nghị quyết, quyết định của hội đồng quản trị;

đ) Trường hợp Chủ tịch hội đồng quản trị vắng mặt trong khoảng thời gian theo quy định của quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường thì phải ủy quyền cho một trong số các thành viên còn lại của hội đồng quản trị đảm nhận trách nhiệm của Chủ tịch hội đồng quản trị trong thời gian đi vắng. Việc ủy quyền phải được thực hiện bằng văn bản, thông báo công khai và phải được gửi đến cơ quan quản lý có thẩm quyền. Thời gian ủy quyền không quá 6 tháng.

3. Không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị

a) Việc không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị được thực hiện khi xảy ra một trong các trường hợp sau: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng quản trị; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc bị ốm đau, tai nạn không có khả năng đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ việc để điều trị quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa được hồi phục; đang chấp hành bản án của tòa án hoặc các trường hợp vi phạm khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng quản trị kiến nghị bằng văn bản đề nghị không công nhận;

b) Hội đồng quản trị xem xét, quyết nghị việc không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị và gửi hồ sơ đề nghị Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định, bao gồm: Tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp không công nhận, các văn bản liên quan minh chứng cho các lý do không công nhận;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định không công nhận Chủ tịch và thành viên hội đồng quản trị, trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 23. Thành viên góp vốn đầu tư xây dựng trường đại học tư thục

1. Thành viên góp vốn tổ chức hoặc cá nhân góp vốn đầu tư xây dựng trường.

2. Thành viên góp vốn có các quyền sau đây:

a) Được tham dự và phát biểu trong các cuộc họp của đại hội đồng cổ đông và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền tương ứng với phần vốn góp đang sở hữu;

b) Được chia lợi nhuận hàng năm tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của trường theo mức quy định trong báo cáo tài chính hàng năm của trường;

c) Được ưu tiên góp thêm vốn khi nhà trường tăng vốn điều lệ; được ưu tiên mua lại phần vốn chuyển nhượng tương ứng với tỷ lệ vốn góp của mình;

d) Được ưu tiên việc làm, công việc quản phù hợp với năng lực cá nhân theo quy định của pháp luật và quy định của nhà trường;

đ) Được định đoạt phần vốn góp của mình bằng cách chuyển nhượng, để thừa kế, hiến tặng theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường; trường hợp chết hoặc bị Tòa tuyên bố là đã chết thì người thừa kế thay thế thành viên đã chết trở thành thành viên góp vốn của trường;

e) Được cung cấp báo cáo tài chính hàng năm của trường; có quyền yêu cầu Chủ tịch hội đồng quản trị cung cấp đầy đủ và trung thực các thông tin về tình hình và kết quả hoạt động của nhà trường; cổ đông hoặc nhóm cổ đông sở hữu trên 10% tổng số vốn góp được xem xét và trích lục sổ biên bản, nghị quyết của hội đồng quản trị, các báo cáo tài chính, báo cáo của ban kiểm soát và tài liệu khác của nhà trường theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường;

g) Được chia một phần giá trị tài sản còn lại của trường trong số tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất có thể phân chia tương ứng với tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ của trường khi trường bị giải thể;

h) Các quyền khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán đủ số vốn góp đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày chủ trương thành lập trường được phê duyệt; chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của trường trong phạm vi số vốn đã cam kết góp vào trường;

b) Tuân thủ quy chế và các quy định quản lý nội bộ của nhà trường;

c) Chấp hành quyết nghị, quyết định của đại hội đồng cổ đông, hội đồng quản trị;

d) Các nghĩa vụ khác theo quy định pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 24. Ban kiểm soát

1. Ban kiểm soát của trường đại học tư thục gồm những người đại diện cho các thành viên góp vốn đáp ứng quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường. Ban kiểm soát có số lượng từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có ít nhất một thành viên có chuyên môn về kế toán. Trưởng ban kiểm soát do đại hội đồng cổ đông của trường bầu trực tiếp.

Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước đại hội đồng cổ đông về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, chịu trách nhiệm về báo cáo và các hoạt động của mình.

2. Thành viên của ban kiểm soát là người có quốc tịch Việt Nam; không là thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng, kế toán trưởng (hoặc trưởng phòng tài chính) và không có quan hệ cha, mẹ, vợ hoặc chồng, con đẻ, anh chị em ruột của thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng, kế toán trưởng (hoặc trưởng phòng tài chính) của trường.

3. Nhiệm kỳ của ban kiểm soát theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị.

4. Ban kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Giám sát, kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong các hoạt động quản lý, điều hành của hội đồng quản trị, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng và các đơn vị trong trường;

b) Kiểm tra tính hợp lý, hợp pháp trong việc ghi chép sổ kế toán;

c) Thẩm định báo cáo tài chính hàng năm của trường;

d) Hàng năm hoặc theo yêu cầu phải thông báo với hội đồng quản trị về kết quả hoạt động của mình và nội dung các báo cáo, kết luận, kiến nghị của ban kiểm soát trước khi chính thức thông qua đại hội đồng cổ đông;

đ) Báo cáo kết quả giám sát các hoạt động của nhà trường tại các kỳ họp đại hội đồng cổ đông; kiến nghị hội đồng quản trị hoặc đại hội đồng cổ đông các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường;

e) Được quyền kiến nghị về những vấn đề liên quan đến tổ chức và hoạt động của trường với các cơ quan quản lý có thẩm quyền; được quyền yêu cầu hội đồng quản trị hoặc thành viên hội đồng quản trị, hiệu trưởng và các cán bộ quản lý khác của trường cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời những thông tin, tài liệu cần thiết liên quan trong quá trình thực thi các nhiệm vụ được giao;

g) Được nhận các tài liệu cuộc họp hội đồng quản trị, các báo cáo của hiệu trưởng trình hội đồng quản trị hoặc các tài liệu khác do trường phát hành cùng thời điểm và theo phương thức như đối với thành viên hội đồng quản trị;

h) Thành viên ban kiểm soát có quyền tiếp cận các hồ sơ, tài liệu của nhà trường; có quyền đến các địa điểm làm việc của người lao động thuộc quản lý của nhà trường để thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn kiểm soát theo kế hoạch;

i) Ban kiểm soát có quyền sử dụng tư vấn độc lập để thực hiện các nhiệm vụ được giao;

k) Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, mọi hoạt động của ban kiểm soát không được gây cản trở, làm gián đoạn đến các hoạt động của hội đồng quản trị và của nhà trường;

l) Thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Điều 25. Hiệu trưởng trường đại học tư thục

1. Hiệu trưởng trường đại học tư thục phải đảm bảo tiêu chuẩn theo Điều 20 của Luật Giáo dục đại học. Nếu trường đại học tư thục mời người chưa phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường về làm hiệu trưởng thì sau khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận, hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

2. Hiệu trưởng thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn quy định tại Khoản 3 Điều 20 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Xây dựng chiến lược và kế hoạch phát triển đào tạo và nghiên cứu khoa học của nhà trường trình hội đồng quản trị thông qua;

b) Xây dựng quy định về: Số lượng, cơ cấu lao động, vị trí việc làm, tuyển dụng, quản lý, sử dụng và phát triển đội ngũ giảng viên, nghiên cứu viên, cán bộ quản lý, người lao động trong trường trình hội đồng quản trị thông qua;

c) Tổ chức tuyển dụng giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động khác; quyết định việc tiếp nhận, bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp, thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định; quyết định tuyển dụng, quyết định nghỉ hưu, cho thôi việc, thuyên chuyển công tác, ký hợp đồng lao động và thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của trường;

d) Hàng năm, tổ chức đánh giá giảng viên, cán bộ quản lý và người lao động khác trong nhà trường;

đ) Xem xét các ý kiến tư vấn của hội đồng khoa học và đào tạo trước khi quyết định các vấn đề đã giao cho hội đồng khoa học và đào tạo tư vấn. Trường hợp không đồng ý với nội dung tư vấn, hiệu trưởng được quyết định, chịu trách nhiệm cá nhân về quyết định và báo cáo hội đồng quản trị trong kỳ họp hội đồng gần nhất;

e) Tổ chức thực hiện nghị quyết của hội đồng quản trị; trao đổi với chủ tịch hội đồng quản trị và thống nhất cách giải quyết theo quy định của pháp luật nếu phát hiện nghị quyết vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến hoạt động chung của nhà trường. Trường hợp không thống nhất được cách giải quyết thì hiệu trưởng thực hiện nghị quyết của hội đồng quản trị nhưng phải báo cáo với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính.

3. Bầu hiệu trưởng, công nhận và không công nhận hiệu trưởng

a) Hiệu trưởng trường đại học tư thục do hội đồng quản trị bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu kín và phải được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng quản trị đồng ý; được Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận; có nhiệm kỳ theo nhiệm kỳ của hội đồng quản trị và có thể được bầu, công nhận lại theo quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Độ tuổi giữ chức vụ hiệu trưởng đối với trường đại học tư thục không quá 75 đối với nam và không quá 70 đối với nữ;

Hồ sơ công nhận hiệu trưởng bao gồm: Tờ trình của hội đồng quản trị đề nghị công nhận hiệu trưởng, trong đó nêu rõ quy trình bầu; sơ yếu lý lịch, lý lịch khoa học và bản sao bằng tiến sĩ (nếu là bằng do cơ sở giáo dục nước ngoài cấp thì phải được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận) của người được đề nghị công nhận hiệu trưởng, biên bản họp và nghị quyết của hội đồng quản trị.

b) Việc không công nhận hiệu trưởng đại học tư thục được thực hiện trong các trường hợp tương tự như đối với miễn nhiệm hiệu trưởng trường đại học công lập quy định tại Khoản 3 Điều 11 Điều lệ này. Hội đồng quản trị xem xét, quyết nghị việc không công nhận hiệu trưởng và gửi hồ sơ đề nghị không công nhận hiệu trưởng đến Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính, gồm: Tờ trình nêu rõ lý do không công nhận, các minh chứng về lý do không công nhận;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của nhà trường, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi trường đặt trụ sở chính ra quyết định công nhận hoặc không công nhận hiệu trưởng, trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Điều 26. Phó hiệu trưởng trường đại học tư thục

1. Phó hiệu trưởng trường đại học tư thục phải đảm bảo tiêu chuẩn theo Khoản 2 Điều 12 Điều lệ này. Số lượng phó hiệu trưởng trường đại học tư thục được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường. Nếu hiệu trưởng đề nghị bổ nhiệm người chưa phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường làm phó hiệu trưởng thì sau khi được hội đồng quản trị ra quyết định bổ nhiệm, phó hiệu trưởng phải là giảng viên cơ hữu hoặc cán bộ quản lý cơ hữu của nhà trường.

2. Bổ nhiệm và miễn nhiệm phó hiệu trưởng:

a) Độ tuổi giữ chức vụ phó hiệu trưởng không quá 75 đối với nam và không quá 70 đối với nữ;

b) Chủ tịch hội đồng quản trị ra quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm phó hiệu trưởng trường đại học tư thục trên cơ sở đề nghị của hiệu trưởng và được trên 50% tổng số thành viên của hội đồng quản trị đồng ý.

3. Các nội dung khác theo quy định tại Điều 12 Điều lệ này.

Điều 27. Các đơn vị trong trường đại học tư thục

Quy định về các đơn vị trong trường đại học tư thục được áp dụng tương tự như quy định đối với trường đại học công lập nêu tại các Điều 13, 14, 15, 16, 17, 18 và 19 Điều lệ này. Riêng độ tuổi giữ chức vụ trưởng khoa, phó trưởng khoa, trưởng phòng, phó trưởng phòng, trưởng bộ môn, phó trưởng bộ môn của trường đại học tư thục không được quá 75 đối với nam và 70 đối với nữ.

Mục 4: TỔ CHỨC VÀ QUẢN LÝ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC TƯ THỤC HOẠT ĐỘNG KHÔNG VÌ LỢI NHUẬN

Điều 28. Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện các quy định riêng tại Mục này, các quy định chung đối với trường đại học tư thục tại Điều lệ này và các quy định có liên quan của pháp luật.

2. Trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận không tổ chức đại hội đồng cổ đông.

3. Các trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận và các trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động không vì lợi nhuận được hưởng các chính sách hỗ trợ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển đội ngũ giảng viên; được ưu đãi thuế, miễn thuế và giảm thuế theo quy định của pháp luật thuế; được ưu tiên giao hoặc cho thuê đất, được ưu tiên tiếp nhận các dự án đầu tư, đặt hàng để thực hiện nhiệm vụ đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đối với những lĩnh vực mà trường có thế mạnh.

Điều 29. Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là tổ chức quản trị, đại diện cho quyền sở hữu chung của cộng đồng nhà trường, là cơ quan quyền lực cao nhất của nhà trường.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của hội đồng quản trị trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện theo quy định tại Điều 17 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

a) Thông qua quy chế tài chính nội bộ và các quy chế, quy định nội bộ khác của nhà trường, bao gồm cả quy định về tiêu chuẩn, việc lựa chọn thành viên hội đồng quản trị, ban kiểm soát, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng của nhà trường trên cơ sở phù hợp với quy định chung của pháp luật;

b) Thông qua báo cáo hoạt động và quyết toán tài chính hàng năm của nhà trường;

c) Hàng năm, tổ chức họp đại hội toàn trường; tạo điều kiện để đại hội toàn trường thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Điều 33 Điều lệ này; duyệt chương trình, nội dung tài liệu phục vụ họp đại hội toàn trường; báo cáo trước đại hội toàn trường về kết quả hoạt động của nhà trường;

d) Các nhiệm vụ khác quy định tại Điều 21 Điều lệ này.

3. Hội đồng quản trị của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận có tổng số thành viên là số lẻ với số lượng tối thiểu là 15 thành viên. Thành phần của hội đồng quản trị thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 17 của Luật Giáo dục đại học và các thành viên khác do quy chế tổ chức và hoạt động của trường quy định, trong đó đại diện cho các thành viên góp vốn chiếm không quá 20% tổng số thành viên của hội đồng quản trị.

Số lượng thành viên hội đồng quản trị, việc xác định đại diện thành viên góp vốn, đại diện giảng viên cơ hữu và các quy định cụ thể khác về hoạt động của hội đồng quản trị được thể hiện trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

4. Chủ tịch hội đồng quản trị và các thành viên được thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Khoản 4 Điều 21 Điều lệ này. Chủ tịch hội đồng quản trị chủ trì cuộc họp đại hội toàn trường.

Điều 30. Thủ tục thành lập và công nhận hội đồng quản trị, hoạt động của hội đồng quản trị, không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Thủ tục thành lập và công nhận hội đồng quản trị trong trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

a) Đối với trường đại học tư thục thành lập mới: Sau khi có Quyết định thành lập trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, đại diện đứng tên thành lập trường căn cứ các quy định tại Điều 22, Điều 29 Điều lệ này để thành lập hội đồng quản trị;

b) Đối với trường đại học tư thục chuyển đổi sang hoạt động không vì lợi nhuận: Sau khi có văn bản công nhận trường hoạt động không vì lợi nhuận, Chủ tịch hội đồng quản trị đương nhiệm thực hiện các quy định tại Điều 22 Điều lệ này để thành lập hội đồng quản trị;

c) Các nội dung khác thực hiện theo quy định tại Điều 22 Điều lệ này.

2. Hoạt động của hội đồng quản trị, việc không công nhận Chủ tịch và các thành viên hội đồng quản trị của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận áp dụng theo quy định tại Điều 22 Điều lệ này.

Điều 31. Ban kiểm soát của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Ban kiểm soát của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận gồm những người đại diện cho thành viên góp vốn, người lao động trong trường, do đại hội toàn trường bầu, có số lượng từ 3 đến 5 thành viên, trong đó có ít nhất một thành viên có chuyên môn về kế toán, đại diện cho thành viên góp vốn chiếm không quá 40% tổng số thành viên của ban kiểm soát. Trưởng ban kiểm soát do đại hội toàn trường bầu trực tiếp.

Ban kiểm soát chịu trách nhiệm trước đại hội toàn trường về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định, chịu trách nhiệm về báo cáo và các hoạt động của mình.

2. Thành viên, nhiệm kỳ của ban kiểm soát được thực hiện theo quy định tại Điều 24 Điều lệ này.

3. Ban kiểm soát có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

a) Hàng năm hoặc theo yêu cầu phải thông báo với hội đồng quản trị về kết quả hoạt động của mình và nội dung các báo cáo, kết luận, kiến nghị của ban kiểm soát trước khi chính thức công khai tại đại hội toàn trường;

b) Báo cáo kết quả giám sát các hoạt động của nhà trường tại các kỳ họp đại hội toàn trường; kiến nghị hội đồng quản trị các biện pháp sửa đổi, bổ sung, cải tiến cơ cấu tổ chức quản lý, điều hành hoạt động của nhà trường;

c) Các nhiệm vụ và quyền hạn khác quy định tại Điều 24 Điều lệ này.

Điều 32. Thành viên góp vốn đầu tư xây dựng trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Các thành viên góp vốn đầu tư xây dựng trường có các quyền sau đây:

a) Được tham dự và phát biểu trong các cuộc họp của đại hội toàn trường và thực hiện quyền biểu quyết trực tiếp hoặc thông qua đại diện được ủy quyền;

b) Được chia lợi tức hàng năm theo tỷ lệ vốn góp trong vốn điều lệ, với mức quy định (nếu có) tại quy chế tổ chức và hoạt động của trường nhưng không vượt quá lãi suất trái phiếu Chính phủ trong cùng thời kỳ;

c) Các quyền quy định tại Điểm đ, h Khoản 2 Điều 23 Điều lệ này.

2. Các thành viên góp vốn có các nghĩa vụ sau đây:

a) Thanh toán đủ số vốn góp đã cam kết trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày chủ trương thành lập trường được phê duyệt;

b) Chấp hành nghị quyết, quyết định hội đồng quản trị;

c) Nhiệm vụ khác theo quy định pháp luật và quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 33. Đại hội toàn trường của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Đại hội toàn trường bao gồm các thành phần sau đây:

a) Các thành viên góp vốn;

b) Các thành viên của hội đồng quản trị, ban kiểm soát;

c) Cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên của nhà trường. Trong trường hợp tổng số cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên của nhà trường vượt quá 300 người thì có thể cử đại biểu tham dự đại hội toàn trường với số lượng đại biểu không ít hơn 75% tổng số cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên của nhà trường.

2. Đại hội toàn trường có các quyền và nhiệm vụ sau đây:

a) Bầu, miễn nhiệm trưởng ban kiểm soát và thành viên ban kiểm soát;

b) Góp ý cho chiến lược về đào tạo, nghiên cứu khoa học và phát triển cơ sở vật chất của nhà trường do hội đồng quản trị đề xuất; quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường, quy chế tài chính nội bộ của trường;

c) Thực hiện các quyền và nhiệm vụ khác theo quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Đại hội toàn trường họp thường niên trong thời gian 4 tháng đầu năm của năm tài chính; mọi chi phí cho việc triệu tập và tổ chức họp đại hội toàn trường được tính trong kinh phí hoạt động của nhà trường.

4. Điều kiện tiến hành họp đại hội toàn trường

a) Cuộc họp đại hội toàn trường được coi là hợp lệ khi có ít nhất 75% số đại biểu quy định tại Khoản 1 Điều này tham dự cuộc họp;

b) Việc triệu tập họp đại hội toàn trường phải được thực hiện theo hình thức văn bản thông báo mời họp; thông báo mời họp phải kèm theo dự kiến chương trình, nội dung cuộc họp và các tài liệu liên quan và phải được gửi đến các thành viên góp vốn, các thành viên hội đồng quản trị và các đơn vị trong trường.

5. Nội dung các cuộc họp đại hội toàn trường phải được ghi đầy đủ vào biên bản cuộc họp và được thông qua ngay tại cuộc họp, có chữ ký của người chủ trì và thư ký cuộc họp để lưu trữ. Quyết nghị của đại hội toàn trường phải được thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín tại cuộc họp và phải được gửi đến các đơn vị trong trường, các thành viên góp vốn, thành viên hội đồng quản trị và ban kiểm soát trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày quyết định được thông qua.

6. Quyết nghị của đại hội toàn trường được thông qua tại cuộc họp có hiệu lực khi được ít nhất 65% các thành viên dự họp chấp thuận; các thành viên dự họp có quyền biểu quyết ngang nhau.

7. Việc bầu đại diện cán bộ quản lý, giảng viên và nghiên cứu viên tham dự đại hội toàn trường và các quy định cụ thể khác về đại hội toàn trường được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 34. Hồ sơ, thủ tục công nhận trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Đối với trường đại học tư thục thành lập mới, ngoài hồ sơ xin thành lập trường đại học theo quy định, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận cần bổ sung:

a) Minh chứng về tài sản chung hợp nhất không phân chia đầu tiên của nhà trường (nếu có);

b) Văn bản cam kết của các tổ chức, cá nhân là thành viên góp vốn xây dựng trường (nếu có) về việc nhận lợi tức theo quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 6 và văn bản cam kết việc sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi của nhà trường theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ.

2. Đối với trường đại học tư thục chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, hồ sơ gồm:

a) Tờ trình đề nghị chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó nêu rõ tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phần vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của nhà trường; cam kết việc sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi của nhà trường theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 6 của Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ;

b) Biên bản họp đại hội đồng cổ đông thông qua việc trường đại học tư thục chuyển sang hoạt động không vì lợi nhuận. Biên bản này phải được sự đồng ý của đại diện tối thiểu 75% tổng số vốn góp của các thành viên góp vốn, trừ khi quy chế tổ chức và hoạt động của trường có quy định tỷ lệ này cao hơn;

c) Văn bản cam kết của các tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu nguồn vốn đầu tư thực hiện quy định tại Điều 6 của Nghị định số 141/2013/NĐ-CP của Chính phủ;

d) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động; quy chế tài chính nội bộ của nhà trường và các minh chứng liên quan đến vốn điều lệ của trường.

3. Thủ tục và thẩm quyền thành lập hoặc công nhận trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận:

Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ theo quy định tại Điều này, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

Chương III

HOẠT ĐỘNG CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Mục 1: HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO

Điều 35. Chương trình đào tạo, giáo trình và học liệu

Chương trình đào tạo, giáo trình được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học. Chương trình đào tạo phải đảm bảo cấu trúc và yêu cầu cụ thể sau đây:

1. Chương trình đào tạo được thiết kế theo định hướng nghiên cứu hoặc theo định hướng ứng dụng đối với một trình độ đào tạo của một ngành hoặc chuyên ngành đào tạo, bao gồm: Trình độ đào tạo; điều kiện tuyển sinh và điều kiện tốt nghiệp; mục tiêu đào tạo, chuẩn đầu ra; nội dung và phương pháp đào tạo; cách thức đánh giá kết quả học tập; các điều kiện thực hiện chương trình đào tạo.

2. Trường đại học tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo, đảm bảo các yêu cầu sau đây:

a) Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy phải đáp ứng các quy định về khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực của người học sau tốt nghiệp, đảm bảo đúng quy trình xây dựng, thẩm định và ban hành; đảm bảo tính thống nhất kiến thức giữa các môn học trong toàn bộ chương trình đào tạo; được tổ chức đánh giá định kỳ, điều chỉnh, cập nhật cho phù hợp với thực tiễn, sự phát triển của chuyên ngành và đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động; chương trình chất lượng cao được xây dựng theo các tiêu chí quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục thường xuyên có nội dung và chuẩn đầu ra như chương trình đào tạo theo hình thức giáo dục chính quy;

c) Các chương trình bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ để cập nhật và nâng cao kiến thức và kỹ năng nghề nghiệp của người học phải đáp ứng yêu cầu của thực tiễn và hội nhập quốc tế;

d) Trường đại học có vốn đầu tư nước ngoài tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện và phát triển chương trình đào tạo theo quy định tại Điều 36 của Luật Giáo dục đại học; nội dung chương trình đào tạo phải bao gồm các môn học bắt buộc theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Điều 36. Tổ chức, quản lý đào tạo, đánh giá quá trình đào tạo

1. Trường đại học tổ chức và quản lý đào tạo theo quy định tại Điều 37 của Luật Giáo dục đại học; tổ chức đào tạo các ngành, chuyên ngành tại nơi đủ điều kiện và đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép; thực hiện đánh giá quá trình đào tạo và kết quả học tập của người học theo quy định tại các quy chế đào tạo.

2. Việc tổ chức, quản lý, đánh giá quá trình đào tạo đối với chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài thực hiện theo quy định hiện hành của Việt Nam về hợp tác, đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.

3. Các trường được thỏa thuận, cam kết công nhận, chuyển đổi tín chỉ, kết quả học tập và các nội dung khác liên quan đến học tập khi thực hiện trao đổi sinh viên trong và ngoài nước trên cơ sở đảm bảo khối lượng kiến thức của chương trình đào tạo.

Điều 37. Hoạt động trợ giảng

1. Hoạt động trợ giảng nhằm hỗ trợ cho giảng viên, giảng viên chính, phó giáo sư, giáo sư trong các hoạt động giảng dạy, bao gồm: Chuẩn bị bài giảng, phụ đạo, hướng dẫn bài tập, thảo luận, thí nghiệm, thực hành, chấm bài tập;

2. Giảng viên đang tập sự, các trợ giảng, các nghiên cứu sinh, học viên cao học đang học tập, nghiên cứu ở bộ môn và các sinh viên giỏi năm cuối khóa, những người có kinh nghiệm thực tiễn ở trong và ngoài trường và các giảng viên có thể tham gia các hoạt động trợ giảng trong các lĩnh vực chuyên môn liên quan.

3. Việc giao thực hiện các hoạt động trợ giảng, nhiệm vụ, quyền và chế độ phụ cấp cho những người tham gia hoạt động trợ giảng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

Điều 38. Văn bằng, chứng chỉ

1. Văn bằng, in phôi văn bằng và cấp văn bằng cho người học được thực hiện theo quy định tại Điều 38 của Luật Giáo dục đại học.

2. Văn bằng tốt nghiệp được cấp kèm theo với bảng điểm và chứng chỉ của chương trình đào tạo.

3. Những sinh viên tham gia chương trình trao đổi sinh viên giữa trường đại học trong nước với trường đại học nước ngoài, khi giữa hai trường có thỏa thuận công nhận chương trình, chuyển đổi tín chỉ lẫn nhau thì được cấp thêm bằng tốt nghiệp trong nước sau khi đã hoàn thành chương trình đào tạo và đã được trường đại học nước ngoài cấp bằng tốt nghiệp.

Điều 39. Đảm bảo chất lượng đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo

1. Trách nhiệm, nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học về công tác đảm bảo chất lượng đào tạo và kiểm định chất lượng đào tạo được quy định tại Điều 50, Điều 51 của Luật Giáo dục đại học.

2. Trường đại học có trách nhiệm tham gia các hoạt động kiểm định chất lượng trong nước và quốc tế; tham gia giám sát hoạt động của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục; đảm bảo tính khách quan, minh bạch và công bằng trong hoạt động giáo dục và đào tạo.

Mục 2: HOẠT ĐỘNG KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ

Điều 40. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học trong hoạt động khoa học và công nghệ

Trường đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn về hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 41 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Thực hiện nội dung hoạt động khoa học và công nghệ được quy định tại Điều 40 của Luật Giáo dục đại học phù hợp với điều kiện của nhà trường, đáp ứng mục tiêu hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 39 của Luật Giáo đục đại học và theo quy định của pháp luật.

2. Tham gia đề xuất, tuyển chọn, tư vấn, phản biện các nhiệm vụ khoa học và công nghệ; hỗ trợ xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thương mại và chuyển giao quyền sở hữu trí tuệ theo quy định hiện hành.

3. Xây dựng và triển khai thực hiện các dự án đầu tư phát triển khoa học và công nghệ, dự án tăng cường năng lực nghiên cứu, các phòng thí nghiệm trọng điểm, liên ngành và chuyên ngành.

4. Xây dựng các nhóm nghiên cứu đa ngành, liên ngành; xây dựng các nhóm nghiên cứu - giảng dạy kết hợp chặt chẽ giữa nghiên cứu khoa học với hoạt động đào tạo; đảm bảo các điều kiện cần thiết để giảng viên thực hiện nghiên cứu khoa học; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học cho người học.

5. Thiết lập các hoạt động hợp tác trong và ngoài nước về khoa học và công nghệ.

6. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về hoạt động khoa học và công nghệ; trao đổi thông tin khoa học và công nghệ với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khác ở trong và ngoài nước.

7. Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học các cấp, các chương trình, dự án nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được nhà nước đặt hàng.

Điều 41. Nội dung quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của trường đại học

1. Tổ chức đơn vị chuyên trách quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của nhà trường.

2. Ban hành quy định quản lý hoạt động khoa học và công nghệ của trường trên cơ sở các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ.

3. Tổ chức xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch hoạt động khoa học và công nghệ trong nhà trường, các hoạt động gắn nghiên cứu khoa học với đào tạo đại học, thạc sĩ, tiến sĩ.

4. Tổ chức huy động các nguồn tài chính khác nhau cho hoạt động khoa học và công nghệ, xây dựng quỹ phát triển khoa học và công nghệ của nhà trường; quản lý, sử dụng nguồn tài chính theo nguyên tắc công khai, hiệu quả theo các quy định của pháp luật.

5. Khen thưởng và vinh danh các cán bộ quản lý, giảng viên, nghiên cứu viên, sinh viên có kết quả nghiên cứu khoa học xuất sắc.

6. Tổ chức kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện kế hoạch khoa học và công nghệ.

Mục 3: HOẠT ĐỘNG HỢP TÁC QUỐC TẾ

Điều 42. Nhiệm vụ và quyền hạn của trường đại học trong hoạt động hợp tác quốc tế

Trường đại học thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn về hoạt động hợp tác quốc tế thực hiện theo quy định tại Điều 47 của Luật Giáo dục đại học và một số nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể sau đây:

1. Xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch, chương trình hợp tác quốc tế ngắn hạn, trung hạn và dài hạn của nhà trường phù hợp với mục tiêu hoạt động hợp tác quốc tế được quy định tại Điều 43 của Luật Giáo dục đại học và chủ trương, chính sách của Nhà nước về hội nhập quốc tế trong giáo dục và đào tạo.

2. Tổ chức quản lý và triển khai có hiệu quả các chương trình, dự án hợp tác quốc tế theo thẩm quyền.

3. Thực hiện đàm phán, ký kết các thỏa thuận hợp tác với các đối tác nước ngoài theo quy định của pháp luật.

4. Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống thông tin về hoạt động hợp tác quốc tế.

Điều 43. Quản lý hoạt động hợp tác quốc tế

1. Tổ chức đơn vị chuyên trách về hợp tác quốc tế của nhà trường.

2. Xây dựng và ban hành quy chế quản lý hoạt động hợp tác quốc tế của trường đại học phù hợp với quy định tại Điều lệ này và các văn bản pháp luật liên quan khác.

3. Tổ chức các hoạt động hợp tác quốc tế thiết thực, hiệu quả; thực hiện kiểm tra, đánh giá, tổng kết việc thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế của nhà trường.

4. Phối hợp với các cơ quan hữu quan đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội trong các hoạt động hợp tác quốc tế.

Chương IV

GIẢNG VIÊN VÀ NGƯỜI HỌC TRONG TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Mục 1: GIẢNG VIÊN

Điều 44. Giảng viên trong trường đại học

1. Giảng viên của trường đại học được quy định tại Điều 54 của Luật Giáo dục đại học.

2. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định tiêu chuẩn các chức danh giảng viên làm căn cứ để tuyển dụng, thực hiện chế độ làm việc, đào tạo bồi dưỡng nâng cao trình độ và các chế độ chính sách khác theo quy định của pháp luật.

Điều 45. Nhiệm vụ và quyền của giảng viên

Giảng viên trường đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều 55 của Luật Giáo dục đại học và các nhiệm vụ, quyền cụ thể sau đây:

1. Chấp hành các quy chế, nội quy, quy định của nhà trường.

2. Thực hiện quy định về chế độ làm việc đối với chức danh giảng viên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành;

3. Được bảo đảm trang thiết bị, phương tiện, điều kiện m việc để thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; được cung cấp thông tin liên quan đến nhiệm vụ và quyền hạn được giao.

4. Được hưởng lương, phụ cấp, trợ cấp và các chính sách khác theo quy định của pháp luật; giảng viên trong các trường đại học công lập làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng phụ cấp và chính sách ưu đãi theo quy định của Chính phủ.

5. Được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ theo kế hoạch và điều kiện của nhà trường; được tham gia vào việc quản lý và quản trị nhà trường; được tham gia các hoạt động xã hội theo quy định của pháp luật.

6. Giảng viên tham gia hoạt động khoa học và công nghệ được hưởng quyền theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ; giảng viên m công tác quản lý trong trường đại học nếu tham gia giảng dạy thì được hưởng các chế độ đối với giảng viên theo quy định của pháp luật và quy định hợp pháp của trường.

7. Tham gia quản lý người học và đóng góp trách nhiệm với cộng đồng.

Điều 46. Tập sự đối với giảng viên

1. Người trúng tuyển để làm giảng viên phải thực hiện chế độ tập sự 12 tháng.

2. Người đã thực hiện giảng dạy ở trường đại học tối thiểu 12 tháng không phải thực hiện chế độ tập sự; người có bằng tiến sĩ và đã tham gia giảng dạy trong thời gian làm nghiên cứu sinh thì được hiệu trưởng xem xét rút ngắn thời gian tập sự.

3. Thời gian tập sự phải được quy định trong hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động.

4. Nội dung tập sự

a) Nắm vững quy định về quyền, nghĩa vụ của giảng viên, các hành vi giảng viên không được làm; tìm hiểu, nắm vững nội quy, quy định, quy chế đào tạo liên quan của trường đại học nơi công tác và chức trách, nhiệm vụ của vị trí việc làm được tuyển dụng;

b) Củng cố, bổ sung kiến thức và kỹ năng về chuyên môn được phân công giảng dạy; chuẩn bị bài giảng; phương pháp giảng dạy và đánh giá kết quả học tập; quản lý lớp học;

c) Tham gia dự giờ, sinh hoạt chuyên môn học thuật của bộ môn, thực tập giảng dạy và thực hiện các công việc của vị trí việc làm được tuyển dụng;

d) Hoàn thành chương trình và được cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm đối với người chưa có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm.

5. Chậm nhất sau 07 ngày làm việc, kể từ ngày người tập sự đến nhận việc, trưởng bộ môn phải cử giảng viên có năng lực, kinh nghiệm về chuyên môn, nghiệp vụ hướng dẫn người tập sự.

Điều 47. Đánh giá giảng viên

1. Đánh giá giảng viên được thực hiện theo quy chế do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

2. Việc đánh giá giảng viên phải phản ánh được thực chất về trình độ chuyên môn, khả năng sư phạm, khả năng nghiên cứu khoa học; về đạo đức, tác phong của giảng viên.

Mục 2: NGƯỜI HỌC

Điều 48. Người học trong trường đại học

Người học trong trường đại học được quy định tại Điều 59 của Luật Giáo dục đại học, bao gồm: Sinh viên của các chương trình đào tạo; học viên của chương trình đào tạo thạc sĩ; nghiên cứu sinh của chương trình đào tạo tiến sĩ; học viên bồi dưỡng ngắn hạn, thực hành, thực tập tại trường.

Điều 49. Nhiệm vụ và quyền của người học

Người học có nhiệm vụ và quyền theo quy định tại Điều 60 của Luật Giáo dục đại học và các nhiệm vụ, quyền cụ thể sau đây:

1. Giữ gìn, bảo vệ tài sản của nhà trường; góp phần xây dựng, bảo vệ và phát huy truyền thống của nhà trường. Tôn trọng các giá trị văn hóa, đạo đức, thuần phong, mỹ tục của dân tộc.

2. Nộp học phí và lệ phí theo quy định.

3. Người học được hưởng học bổng và chi phí đào tạo từ nguồn ngân sách nhà nước hoặc do nước ngoài tài trợ theo hiệp định ký kết với nhà nước Việt Nam mà không chấp hành sự điều động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì phải bồi hoàn học bổng và chi phí đào tạo theo quy định của Chính phủ.

4. Được tham gia các hoạt động đoàn thể, Hội sinh viên và tổ chức xã hội khác theo quy định của pháp luật.

Chương V

TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Điều 50. Tài chính, tài sản, học phí, lệ phí

Trường đại học thực hiện các quy định về nguồn tài chính; học phí, lệ phí tuyển sinh; quản lý tài chính; quản lý và sử dụng tài sản theo quy định tại Chương X của Luật Giáo dục đại học và các quy định liên quan.

Điều 51. Sử dụng phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi trong trường đại học tư thục

Phần tài chính chênh lệch giữa thu và chi từ hoạt động đào tạo, nghiên cứu khoa học của trường đại học tư thục được sử dụng theo quy định tại Khoản 3 Điều 66 của Luật Giáo dục đại học và các quy định cụ thể sau đây:

1. Thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, đóng góp các khoản thuế theo quy định của pháp luật.

2. Chia lợi nhuận cho các thành viên góp vốn theo tỷ lệ vốn góp sau khi đã thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách nhà nước, trích lập các quỹ theo quy định hiện hành và theo quy chế tài chính nội bộ, quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

3. Mức chi trả thu nhập cho người lao động và mức chi lợi tức cho các thành viên góp vốn và các chi khác thực hiện theo quy chế tài chính nội bộ và quy chế tổ chức và hoạt động của trường.

Điều 52. Chuyển nhượng quyền sở hữu vốn góp, rút vốn trong trường đại học tư thục

1. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu phần vốn góp của thành viên góp vốn trong trường đại học tư thục được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của nhà trường, phù hợp với các quy định của pháp luật và phải đảm bảo các nguyên tắc chuyển nhượng sau đây:

a) Người có nhu cầu chuyển nhượng thông báo giá và các điều kiện chuyển nhượng với hội đồng quản trị;

b) Hội đồng quản trị thông báo giá và điều kiện chuyển nhượng đến các thành viên góp vốn còn lại và công khai với người lao động của trường với cùng điều kiện; thông báo phải có giá trị ít nhất 45 ngày;

c) Việc chuyển nhượng thực hiện theo thứ tự: Giữa các thành viên góp vốn của trường theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của từng thành viên; cho người lao động trong trường nếu các thành viên góp vốn không mua hoặc mua không hết; cho người không phải là thành viên góp vốn và người lao động trong trường nếu người lao động của trường không mua hoặc mua không hết.

2. Đối với trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, nguyên tắc chuyển nhượng quyền sở hữu vốn góp do nhà trường quy định trong quy chế tổ chức hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của nhà trường, không trái với các quy định hiện hành.

3. Việc rút vốn và chuyển nhượng quyền sở hữu vốn góp phải theo quy định của pháp luật, các quy chế của nhà trường và bảo đảm sự ổn định, phát triển của trường đại học tư thục.

4. Trong trường hợp nhà trường bị giải thể, việc xử lý về tài chính, tài sản được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Chương VI

MỐI QUAN HỆ CỦA TRƯỜNG ĐẠI HỌC

Điều 53. Quan hệ của trường đại học đối với gia đình và xã hội

Trường đại học bảo đảm các mối quan hệ sau:

1. Phối hợp với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp để thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện cho người học; kết hợp chặt chẽ giữa giáo dục tại nhà trường, gia đình và xã hội.

2. Thực hiện chủ trương xã hội hóa sự nghiệp giáo dục, có giải pháp thu hút các tổ chức xã hội, các tổ chức tuyển dụng, các doanh nghiệp, các bên liên quan khác tham gia đầu tư xây dựng cơ sở vật chất; góp ý kiến cho nhà trường về quy hoạch phát triển, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo, phát triển chương trình đào tạo; hỗ trợ kinh phí cho người học và tiếp nhận người tốt nghiệp, giám sát các hoạt động giáo dục và tạo lập môi trường giáo dục lành mạnh.

3. Phổ biến trong cộng đồng các tri thức khoa học, chuyển giao các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Điều 54. Quan hệ giữa trường đại học và các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các cấp, tổ chức, doanh nghiệp

1. Các Bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức khoa học và công nghệ, các cơ sở sản xuất kinh doanh, các tổ chức sự nghiệp có trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho người học tham quan, thực hành, thực tập và rèn luyện kỹ năng nghề nghiệp.

2. Trường đại học phối hợp với các cơ quan nhà nước cấp Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp, các tổ chức liên quan ở trong và ngoài nước để: Xác định nhu cầu đào tạo, gắn đào tạo với việc làm và tuyển dụng người học đã tốt nghiệp; ký các hợp đồng đào tạo, các hợp đồng khoa học và công nghệ; triển khai ứng dụng thành tựu khoa học và công nghệ mới vào thực tiễn sản xuất và đời sống xã hội.

3. Trường đại học phối hợp với các cơ sở văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, các cơ quan thông tin đại chúng trong các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, tạo môi trường giáo dục lành mạnh; phát hiện và bồi dưỡng những người học có năng khiếu về hoạt động nghệ thuật, thể dục thể thao.

4. Trường đại học tạo điều kiện để các đơn vị, các tổ chức đoàn thể trong trường quan hệ với các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức nghề nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp nhằm phối hợp để thực hiện tốt các nội dung:

a) Tổ chức các hoạt động đào tạo, khoa học và công nghệ; chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ vào sản xuất, đời sống;

b) Xây dựng phong trào học tập và môi trường giáo dục lành mạnh, tích cực; bảo đảm trật tự, an ninh và an toàn của người học; ngăn chặn việc sử dụng ma túy và các tệ nạn xã hội khác xâm nhập vào nhà trường;

c) Hỗ trợ theo khả năng về tài lực, vật lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, điều kiện học tập, công tác của công chức, viên chức và người học trong nhà trường.

Chương VII

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 55. Trách nhiệm của các trường đại học

Tổ chức thực hiện Điều lệ; hoàn thiện bộ máy tổ chức, rà soát các mặt hoạt động, tiêu chuẩn giảng viên, cán bộ quản lý để đáp ứng quy định tại Điều lệ này; sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động và các quy định nội bộ khác của nhà trường phù hợp với các quy định tại Điều lệ này.

Điều 56. Trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo

1. Chỉ đạo tổ chức thực hiện Điều lệ này trong hệ thống các trường đại học trên toàn quốc; thực hiện thống kê hàng năm và xây dựng cơ sở dữ liệu về các trường đại học.

2. Trao đổi, thảo luận với các cơ quan trực tiếp quản lý trường và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong quá trình tổ chức thực hiện Điều lệ này và trong việc giải quyết khó khăn, vướng mắc để bảo đảm sự thống nhất trong toàn hệ thống giáo dục đại học.

3. Thực hiện kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Điều lệ trường đại học, xử lý các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật; hủy bỏ hoặc kiến nghị hủy bỏ các quyết định trái với quy định tại Điều lệ này và quy định của pháp luật về giáo dục đại học.

Điều 57. Trách nhiệm của cơ quan trực tiếp quản lý trường đại học

1. Trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học đối với các trường đại học trực thuộc.

2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các trường đại học trực thuộc; giải quyết khó khăn, vướng mắc theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra hành chính đối với việc thực hiện Điều lệ này và xử lý vi phạm đối với các trường đại học trực thuộc theo quy định.

Điều 58. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh

1. Trực tiếp hoặc phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo việc tổ chức thực hiện Điều lệ trường đại học đối với các trường đại học trực thuộc; thực hiện việc công nhận hội đồng quản trị, công nhận hiệu trưởng và các quy định khác đối với các trường đại học tư thục đóng trên địa bàn;

2. Phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc quản lý các trường đại học đóng trên địa bàn; giải quyết khó khăn, vướng mắc theo quy định của pháp luật.

3. Kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Điều lệ này theo thẩm quyền và theo chế độ phân cấp quản lý hiện hành; xử lý vi phạm đối với các trường đại học trên địa bàn theo quy định của pháp luật./.

THE PRIME MINISTER
-------

THE SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM
Independence – Freedom – Happiness
---------------

No. 70/2014/QD-TTg

Hanoi, December 10, 2014

 

DECISION

PROMULGATING THE UNIVERSITY CHARTER

Pursuant to the Law on Government Organization dated December 25, 2001;

Pursuant to the Law on Education dated June 14, 2005; the Law on amending and supplementing the Law on Education dated November 25, 2009;

Pursuant to the Law on Higher Education dated June 18, 2012;

Pursuant to the Government's Decree No. 75/2006/ND-CP dated August 02, 2006, elaborating and providing guidance on the implementation of a number of articles of the Law on Education;

Pursuant to the Government's Decree No. 141/2013/ND-CP dated October 24, 2013 on providing instructions on the implementation of several articles of the Law on Higher Education;

At the request of the Minister of Education and Training,

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 1. Issuing the university charter enclosed herewith.

Article 2.

This Decision shall come into force from January 30, 2015 and replace the Decision No. 58/2010/QD-TTg dated September 22, 2010 promulgated by the Prime Minister on issuing the university charter; the Prime Minister’s Decision No. 61/2009/QD-TTg dated April 17, 2009 on the Prime Minister on promulgating Regulations on organization and operation of private universities issued together with the Decision No. 61/2009/QD-TTg dated April 17, 2009 issued by the Prime Minister.

Article 3. Ministers, quasi-ministerial bodies, Heads of Governmental agencies, the President of the People’s Committees of centrally-affiliated cities and provinces, relevant organs and organizations shall be responsible for enforcing this Decision./.

 

 

 

THE PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

(Issued together with the Prime Minister’s Decision No.70/2014/QD-TTg dated December 10, 2014)

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. Governing scope and Applicable entities

1. This Charter shall provide for duties and powers; organization and management of universities; training, science and technology, and international cooperation activities; lecturers and learners; finance and asset; relationship among universities, families and society; implementation of the university Charter.

2. This Charter shall be applied to public or private universities or academies eligible to hold bachelor, master and doctorate degree programs (hereinafter referred to as universities) in the national education system. Member universities of the Vietnam National University shall apply this Charter, and statutes and regulations of the Vietnam National University and member higher education institutions promulgated by the Prime Minister. Member universities of the Regional University shall apply this Charter, and statutes and regulations of the Regional University and member higher education institutions promulgated by the Minister of Education and Training.

3. Foreign-invested universities shall comply with regulations on university's operations and rights of learners or students enshrined in this Charter while their other operating activities shall comply with the law on foreign cooperation and investment in the higher education sector. Particularly, statutory standards that lecturers, managerial and administrative officers of these universities are required to meet are not allowed to be lower than the equivalent standard stipulated in this Charter.

Article 2. Interpretation of terms

Terms used herein shall be construed as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Tenured lecturers and administrative officers of public universities refers to a public servant who is recruited, used and managed under legal regulations on public servants;

b) Tenured lecturers or administrative officers of the private university are employees who sign employment contracts of 3-year or indefinite duration in accordance with the Labor Code, are not officials or public servants, are not working under employment contracts of over-3-month duration with other employers; who are eligible to receive salary and other allowances under the regulation on employee’s benefit in accordance with applicable regulations.

2. Capital contribution refers to the putting of assets in the charter capital of private universities. Share capital can be in Vietnamese dong, gold, foreign currency and value of land titles (land), value of intellectual property rights and other kinds of property, which is specified in the university's statutes and regulations. Total value of assets contributed by individuals shall be converted into Vietnamese dong at the exchange rate fixed by the State Bank by the time of capital contribution.

3. Charter capital refers to total value of share capital in Vietnamese dong (VND) of all shareholding members, which is specified in the university statutes and regulations. In the course of operation, the charter capital can be increased to meet the demand for the university construction and development.

4. Founding members refer to persons who are directly involved in proposing and making arrangement for the establishment of universities and are eligible to be present in the list of founding members enclosed in the documentation that requires to apply for the university’s establishment; who are entitled to participate in the construction of the university and approve its first charter as well as take possession of share capital that can conform to the university's requirements.

5. Direct management agency of public universities refers to any bodies who are tasked with the management of the university in accordance with laws, including Ministries and central bodies; People’s Committee of centrally-affiliated cities and provinces (hereinafter referred to as provincial People’s Committees); political organizations, socio-political institutions and economic incorporations, and universities.

Article 3. Rules for naming universities

1. University’s name shall include the following words and phrases:

a) Words and phrases used for defining the type of university: University or Institute;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Specific name: Name of the place, famous persons in Vietnam’s culture and history, individual or organization;

d) Phrases used for defining the quality and standard when necessary.

2. Universities must bear a Vietnamese name and a foreign name used for performing international transactions and translated under the consistent regulations enforced by the Ministry of Education and Training. The university’s name is not allowed to be identical to or cause confusion with other higher education institutions.

Article 4. University statutes and regulations

The university statutes and regulations shall be issued by the President under the Decision of the University Council (with respect to public universities) or of the Management Board (with respect to private universities), which must serve the purpose of providing details for the implementation of this charter, correspond to specific conditions of each university, be not in breach of relevant laws, and must be publicly disclosed.

Article 5. Duty, authority, autonomy and social responsibilities of universities

1. Universities must assume duties and powers in accordance with regulations laid down in Article 28 of the Law on Higher Education.

2. Autonomy of universities shall comply with regulations set forth in Article 32 of the Law on Higher Education and several specific provisions as follows:

a) Decide developmental objectives, strategies and plans of universities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Manage receipts, expenditures, and make investment in facilities to ensure the educational quality conform to requirements set out in legal regulations; decide tuition fees which correspond to the requirements for assurance of educational quality of high-quality training programs, and the regulations on the financial autonomy of universities;

d) Enroll students and develop training programs; design or choose teaching materials that can meet the objectives of each training program; print diploma templates, manage and award degrees and certificates to learners in accordance with laws;

dd) Engage in science and technology activities, international cooperation in accordance with developmental strategies and plans of universities; maintain the training quality; appoint an education quality assessment organization to be provided with assessment services.

3. Social responsibility of universities is shown through such activities as reporting, disclosing and clarifying university activities to the regulatory bodies and interested parties in accordance with laws; fulfilling their commitments to the regulatory bodies and bearing the responsibility for performing all of their activities to gain commitments; prohibiting any misuse of their reputation and facilities of universities in order to perform acts in breach of legal regulations and provisions laid down in these statutory Regulations.

Chapter II

ORGANIZATION AND MANAGEMENT STRUCTURE OF UNIVERSITIES

Section 1: ORGANIZATION STRUCTURE OF UNIVERSITIES

Article 6. Organization structure of universities

1. Organization structure of universities must comply with provisions laid down in Article 14 of the Law on Higher Education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Foreign-invested universities must autonomously establish their organization structure; take responsibility for disclose and submit a report on organization structure and representatives of universities to the Ministry of Education and Training and People’s Committees of provinces where the headquarters of such universities are located.

Article 7. University branches

University branches shall be established under provisions laid down in Article 21 of the Law on Higher Education and several specific provisions as follows:

1. A university branch shall have a director, a maximum of 02 vice directors and supporting departments suitable for the operation of a university branch. Standards of a director of a university branch must be equivalent to those of the university’s vice president in charge of training tasks; standards of vice directors of a university branch must be equivalent to those of a university faculty’s dean.

2. Duties and powers of a university branch shall be assumed within the scope of duties and powers that that university has been assigned and must comply with the general administration of that university’s president. Any training professional branches at the higher education level shall be launched only if competent agencies give their permission. Organization and operation of university branches must be specifically stipulated in the university statutes and regulations.

3. Foreign-invested university branches in Vietnam shall be established under the law on foreign cooperation and investment in the field of education and training.

Article 8. Change of university’s name

1. Name of a university is likely to be changed if this change is necessary and conforms to the principles of naming a university in accordance with the regulations laid down in Article 3 hereof.

2. Documentation required to apply for the change of a university's name includes a petition for change of university’s name; proposal for change of a university's name which must clearly state the necessity, functional change, tasks, mechanism, investments in the development of a university's facilities (if any), as well as the significant influence over workforce training to serve the purpose of socio-economic growth, planning for network of universities, potential impacts on students and staff of the university and other interested entities; a written consent from the direct management agency and the People’s Committee of the province where main office of that university is located; resolution of the University Council or the Management Board and the Shareholders’ General Council (in terms of private universities); a draft of new university statutes and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Section 2: ORGANIZATION AND MANAGEMENT STRUCTURE OF PUBLIC UNIVERSITIES

Article 9. University Council

University Council must be established under provisions laid down in Article 16 of the Law on Higher Education and several specific provisions as follows:

1. Duty and authority of the University Council

a) Submit annual or unscheduled reports or explanation to the direct management agency and regulatory bodies on the requirements for quality assurance, operating results and fulfillment of commitments and financial obligations of universities;

b) Request competent authorities to approve the plan for supplementing, discharging or replacing members of universities' management council;

c) Approve regulations on employment quantity, structure and position; policies on recruitment, management, use and development of permanent and contract staff working for universities;

d) Recommend qualified staff to take up the position as a University President and Vice President, which must conform to the statutory appointment processes; assess the work performance of a University President and Vice President on an annual basis; request competent authorities to discharge a University President and Vice President; when necessary, conduct a mid-term or unplanned poll to measure trust in a University President and Vice President;

dd) Request the University President to explain any faults and shortcomings which breach the resolution enforced by the University Council, if any. Where the University Council disagrees with the University President's explanation, the university direct management agency must be informed.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) A University President, Vice Presidents, Communist Party Committee Secretary, Chairperson of Trade Union, Secretary of Communist Youth Union of Ho Chi Minh City;

b) Representatives of lecturers and academics working for several faculties and institutes;

c) Representatives of the university direct management agency;

d) Several entities, who do not serve in the mentioned university, are not tenured lecturers or administrative officers, shall be eligible to become members of the University Council if they manage to fulfill the statutory requirements such as their current involvement in education, science, technology, production and business sectors, connected with regulated functions and duties of the mentioned university, and no family relationship like real fathers, mothers, wives, husbands, sons or daughters, brothers, sisters, with members of the University Council. If any of aforesaid members is not an official or a public servant, (s)he is not entitled to hold the position as a Chairperson or Secretary of the University Council. The number of members of this type is not permitted to make up less than 20% of total council membership;

dd) The number and structure of members, processes and procedures for selecting council members and electing the Chairperson and Secretary of the University Council must be explicitly specified in the university statutes and regulations.

3. The Pr must be elected amongst council members by the University Council by means of a secret ballot, and must obtain more than 50% of the vote from all of members in the University Council. The Chairperson of the University Council is not be entitled to take up the post as a University President or Vice President, and shall be assigned with duties and powers as follows:

a) Convene the conference of the University Council;

b) Make a decision on the conference agenda, and preside over the conference as well as conduct a vote in the conference;

c) Take control of the University Council’s performance of tasks or duties stipulated in Article 16 of the Law on Higher Education and Clause 1 of this Article.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Compile and submit a report on the university’s performance to the Chairperson of the University Council; prepare the conference agenda, content, handouts, and send invitation letters as well as take the minutes of the University Council’s meetings; create, improve and store documents of the University Council;

b) Prepare reports and explanations within the University Council’s duties and functions for submission to regulatory bodies and relevant authorities;

c) Perform other tasks assigned by the Chairperson of the University Council.

5. Council members shall be responsible for performing the tasks assigned by the University Council as well as other tasks specified under the university statutes and regulations.

Article 10. Processes for establishing the University Council and appointing the Chairperson of the University Council; operation of the University Council; dismissal of the Chairperson and other council members

1. Processes for establishing University Council and appointing the Chairperson of the University Council

a) If a university has not established its University Council yet, the establishment of the first-term University Council shall be carried out as follows: Pursuant to regulations laid down in Clause 2 Article 9 hereof, the University President must preside over the conference attended by the Secretary of the Communist Party Committee of that university, Vice Presidents, Chairperson of the Trade Union of that university, Secretary of the Communist Youth Union of Ho Chi Minh City, in order to determine total membership of the University Council and the number of delegates coming from each composition of the University Council; hold an election to find the representative of lecturers and academics; request the university direct management agency to send their delegates to attend the University Council; verify the list of members who are not tenured lecturers or administrative officers of that university; submit the list of the council membership to the university direct management agency. After a period of 10 working days that begins on the reporting date, unless otherwise permitted by the university direct management agency, the University President is obliged to hold a meeting attended by members specified in the aforesaid list with the intent of electing council members as the Chairperson of the university council. Given the resolution passed in this meeting, the University President shall send a written request to the university direct management agency to grant the Decision to establish the University Council and appoint the Chairperson of the University Council;

b) If a university has already established its University Council, the establishment of the next-term University Council shall adhere to the process mentioned herein: The incumbent Chairperson of the University Council must observe regulations set forth at Point a of this Clause to establish the next-term University Council in compliance with provisions enshrined in this Charter and the university statutes and regulations;

c) Necessary documentation that a university must file for establishment of the University Council and appointment of the University Council’s President shall include: a petition for establishment of the University Council in which steps to be taken in determining members of the University Council must be clarified; list and curriculum vitaes of the President and council members; letter of accreditation of the university direct management agency’s delegates that serve as members of the University Council; written acceptance of participation in the University Council confirmed by council members who are not tenured lecturers and administrative officers of that university; meeting minutes, vote count record, ballots for the Chairperson of the University Council and delegates from faculties and institutes of that university;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Where any member of the University Council is missed out on account of dismissal, removal, death, retirement, or transfer of their work position which is no longer appropriate for his/her membership, the Chairperson of the University Council must decide the replacement for that missing member with reference to his/her composition of members in accordance with provisions enshrined at Point a of this Clause. Documentation that must be filed for supplementary membership and replacement for any council member shall comprise a written explanation for such supplementation and replacement, minutes of the university council's meeting, vote count record, ballots and other relevant documentary evidences (if any);

dd) Required processes and procedures: Within a period of 30 working days that begins on the date of receiving a full set of documents from the applicant, the Head of the direct management agency of the mentioned university must grant a decision on establishment of the University Council and appointment of the Chairperson, supplementary membership or replacement for council members. In case the university submits an adequate documentation or fails to conform to statutory regulations, the competent authority in charge of document verification must send a written response to that university and clearly state the reasons for their rejection.

2. Operation of the University Council

a) The University Council shall convene the periodic meeting that recurs at least once every 6 months and unscheduled meeting whenever more than 30% of total membership of the University Council, the University President or the Chairperson of the University Council sends a written request for such meeting.

The meeting of members of the University Council shall be considered legitimate if at least two-thirds of membership agree to participate. The resolution of the University Council shall be only valid if more than 50% of council members in the approved list of members votes for it. All meetings must be made into the minutes and sent to the university direct management agency within a period of at least 15 working days that begins on the meeting date;

b) The University Council is entitled to use the stamp and organization mechanism in order to deal with the University Council's works;

c) Chairperson of the University Council is entitled to the same rate of post allowance as that of the University President; the secretary of the University Council is entitled to the post allowance equal to that of a department head; benefits granted to other council members must comply with the university statutes and regulations, and internal financial rules of the university.

Expenditures on the University Council’s operations, post allowances paid to the Chairperson, Secretary and benefits paid to other members (if any) shall be included in the operating budget of the university;

d) In respect of authorization for the management duties of the University Council, if the Chairperson of the University Council is, for some reason, unable to work over a period of time stipulated in the university statutes and regulations, (s)he is obligated to grant an authorization to one of the other council members eligible to act on his/her behalf to perform the assigned duties. The proof of authorization must be sent to the university direct management agency and made known to the public. The authorization validity is not permitted to exceed 6 months.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) University Council members shall be dismissed if they fall into one of the following cases: filling the letter of resignation from the University Council; having limited capability to perform civil acts; being not in good health to take on assigned duties, or quitting their job positions to undergo a over-6-month treatment but still remaining incapable of working; being subject to the court judgement; receiving more than 50% of total membership’s written requests for this dismissal; committing other violations against provisions enshrined in the university statutes and regulations;

b) The University Council shall be responsible for considering and resolving to dismiss its Chairperson and members, and submitting a set of documents to the university direct management agency to request their decision. This set of documents includes the written explanation for this dismissal and other supporting documentary evidences;

c) Within a period of 30 working days that begins on the date of receiving a full set of such documents, the Head of the university direct management agency must grant the decision on this dismissal; in case of refusal, a written response to the University Council must be made with a clear statement on reasons for that refusal.

Article 11. University President

Pursuant to Article 20 of the Law on Higher Education and several specific provisions hereunder, the President of a university is defined as follows:

1. A University President is the person who takes charge of a university. If the person is transferred from other organizations or agencies to take up the position as the President of a university, then this President must be a tenured lecturer or administrative officer of that university.

2. Duties and powers of the University President are stipulated in Clause 3, Article 20 of the Law on Higher Education, and several of them are specified as follows:

a) Sketch out the developmental strategy and plan for training and scientific researches of his university for submission to the university council for their approval;

b) Draw up regulations on employment quantity, structure and position, recruitment, management, use and development of the staff of lecturers, academics, administrative officers and employees for submission to the University Council for their approval;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Assessing lecturers, administrative officials, officers and other employees on the annual basis;

dd) Consult with the Science and Training Board before making a decision on issues subject to this Board's consultancy. If the University President disagrees with this consultancy, (s)he is entitled to make his/her own decision, or assumes sole responsibility for this decision, and then report it in front of the University Council in the successive meeting;

e) Implement the resolution adopted by the University Council; confer with the Chairperson of the University Council to enter into mutual agreement on handling any possible violation against legal regulations or any adverse impact on common activities of the university. Where any discrepancy occurs, the University President must send a report to the university direct management agency.

3. Appointment or dismissal of the University President:

a) The appointment of the University President must comply with the regulations laid down in Article 20 of the Law on Higher Education as well as other applicable laws. The person eligible to be appointed as the University President is not older than 55 and 50 years of age for men and women respectively in the month when the appointment process takes place; in some special cases, under certain circumstances, the Prime Minister must be informed before making a decision on appointment;

b) The dismissal of a University President shall happen in one of the following cases: filling the letter of resignation; having limited capability to perform civil acts; being not in good health to take on assigned duties, or leaving their job positions to undergo a over-6-month treatment but still remaining incapable of working; facing a criminal prosecution; using fake degrees, diplomas or certificates that are not attested by competent authorities; receiving more than three-fourths of total membership’s written requests for this dismissal; committing other violations against provisions enshrined in the university statutes and regulations;

c) Documentation and procedures for appointment or dismissal of the University President must comply with applicable laws.

Article 12. Vice President of a university

1. Vice President of a university is the assistant to the president in charge of management and administration of all operating activities of the university. Each university consists of at least 03 Vice Presidents. Under some circumstances, if the university has the scale of more than 20,000 regular students and is assigned the task of offering master's and doctoral training programs, 01 or 02 more Vice President(s) shall be needed after receiving consent from the Minister of Education and Training.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. The university’s Vice President shall be directly assigned to take charge of several tasks by the university's President; act on behalf of the university's President to deal with and be held accountable to the university's President and assume legal responsibility for his/her assigned tasks; shall be responsible for submitting a report to the university's President on their work performance.

4. Term, appointment and dismissal of the university’s Vice President: Term of the university’s Vice President shall be the same as the term of the university's President and may be reappointed. The university’s Vice President shall be appointed and dismissed in the same manner as the university President in this regard in accordance with regulations laid down in Clause 3 Article 11 hereof.

Article 13. Science and training council

The science and training council of a university shall be established, organized and operated under provisions laid down in Article 19 of the Law on Higher Education and several specific provisions as follows:

1. The science and training council shall be for 5-year term identical to the term of the university President, and advise the university President on the tasks such as renewing and designing training programs; orientate the development of scientific and technological researches as well as international cooperation; assessing training programs; considering granting the recognition of credit conversion; planning the cooperation with training institutions, scientific research, production and business units, domestic and foreign organizations and individuals in order to carry out operations pertaining to training, scientific and technological issues; proposing the list of members of the council for professor title at the grassroots level; appointing professor and associate professor titles in the university; conferring honorary professor or doctor titles of the university on individuals; selecting the university quality assessment organization; deciding on the method for testing and assessing student's outcomes of learning and extracurricular activities, improving the training quality and the outflow quality; appraising lecturers, the quality of information-based website, magazines or journals of science and technology (if any), training organization and management, scientific and technological activities of faculties or departments in the university.

2. The science and training council shall employ the persons who hold the position as a Chairperson, Secretary and members; the odd number of members shall range from 11 to 25 persons including the university President and several Vice Presidents; Deans or Heads of departments, faculties and functional rooms of the university; agents for lecturers and academics who hold the professor or associate professor titles, or obtain the doctoral degrees; several agents for scientists involved in training, scientific research activities of the university, and agents for those who are not tenured lecturers or administrative officers of the university (when necessary). Specific provisions concerning the science and training council of the university must be specified in the university statutes and regulations.

3. The Chairperson of the science and training council must be elected amongst members of this council by means of a secret ballot, and must obtain more than 50% of the vote from all of members specified in the list approved by the council; the Chairperson of the council is entitled to designate one of council members as the council secretary.

4. The meeting of science and training council shall be convened once every academic term by the Chairperson. The content of such meeting must be notified in advance to all of council members for a period of at least 03 days; the meeting is considered valid if at least two-thirds of membership is present; the conclusion reached in the meeting shall become effective if more than 50% of members specified in the list approved by the science and training council votes for it. The meeting minutes shall be submitted to the university President within a period of 10 working days as from the starting date of the meeting.

Article 14. Advisory council

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

The advisory council is composed of members inside or outside of the mentioned university who are operating in the field pertaining to that university’s operating activities.

Establishment, operation and task of the advisory council must be specified in the university statutes and regulations.

Article 15. Faculties

1. Faculty is an academic department of a university, which is assigned the following tasks:

a) Manage lecturers, other employees and learners who belong to the faculty in accordance with the university President’s authority designation;

b) Plan and carry out educational and training activities in accordance with the general proposal of the university, including: Designing training programs of each subject group or professional branch assigned by the university; working out the detailed syllabus in related subjects in order to ensure the consistency and avoid the overlapping among subjects of the training program or training levels; creating the training programs, developing proposals, composing teaching books and materials in accordance with the university's developmental orientation; studying how to improve the teaching and learning methodology; developing and adopting the method for testing and evaluating the student's outcome of learning and extracurricular activities, ensuring the accepted quality of student outflow as set out in the announced commitment, meet demands for the human resource in the labor market. Design and revision of training programs, teaching course books and materials must conform to regulations laid down in the Ministry of Educations and Training;

c) Plan and perform scientific, technological activities and international cooperation; cooperate with scientific and technological organizations, production and business units concerning a group of subjects or disciplines to be taught in the training programs, and mobilize enterprises in the training process of the faculty;

d) Draw up the plan to developing the staff of lecturers, group of subjects and majors, and facilities used for supporting training and scientific research activities as well as provide necessary conditions for training quality assurance;

dd) Plan and carry out the task of educating lecturers, employees and learners on politics, ideology, ethics and lifestyle; draw up the plan to train and hold refresher courses for lecturers and other employees working for a university faculty;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Dean and deputy dean

a) Dean of a university faculty must gain a doctoral degree suitable for professional branches of the university faculty. As regards a university faculty that mainly offers a single professional or specialized academic branch and confers one of the bachelor, master or doctorate degrees, if there is no doctor, the university President can consider appointing the person who holds the master degree as the Dean of the university faculty. The Dean must be responsible for fulfilling the tasks stipulated in Clause 1 of this Article;

b) Each university faculty shall not have more than 02 Vice Deans who can assist the Dean in managing and controlling all activities of the university faculty. As regards the university faculty assigned the task of offering professional and specialized academic programs at master and doctorate degree levels and providing academic opportunities for more than 500 regular students, 01 or 02 more Vice Dean(s) shall be needed but must be permitted by the university council.

Vice Dean must gain the academic level equal to or higher than master degrees while Vice Dean who is in charge of training, scientific and technological activities must obtain the doctoral degree. As regards a university faculty that does not mainly offer a single professional or specialized academic branch and confers one of the bachelor, master or doctorate degrees, if there is no doctor, the university President can consider appointing the person who holds the master degree as the Vice Dean of the university faculty in charge of training, scientific and technological activities;

c) Dean and Vice Dean must be qualified as a lecturer who can teach students at the university level, have relevant experience in lecturing, scientific research and managerial competence. If they are transferred from other organizations or agencies to take up the position as the Dean or Vice Dean of a university faculty, then this Dean or Vice Dean must be a tenured lecturer of that university. Dean shall hold his office during the term of 5 years and can be re-appointed for less than two consecutive terms. The Dean’s term in office can be correspondent to the university President’s term in office and must be specifically stipulated in the university statutes and regulations. The Vice Dean’s term in office shall be aligned with the Dean’s term in office and can be renewed. The age at which the Dean and Vice Dean hold their office for the first term is not more than 55 for male and 50 for female by the month when the appointment occurs.

The process for introducing, appointing and dismissing the Dean and Vice Dean shall be specifically enshrined in the university statutes and regulations.

3. Faculty council

a) The faculty council is established to advise the Dean on the implementation of the faculty’s tasks stipulated in Clause 1 of this Article, or on the renewal of administrative, training, scientific research and technology transfer activities of the university faculty. Faculty council must be chaired by the Chairperson and attended by members appointed by the university President with reference to the request of the Dean; there must be the odd number of members and at least 7 members attending the faculty council, including the Dean, Vice Deans, Heads of an Academic Departments, several lecturers, academics of the university faculty who are professors, associate professors, doctors, and several members outside of the faculty or university who have reached academic levels and gained experience pertaining to the academic development of the faculty (when necessary);

b) The Chairperson of the faculty council must be elected amongst members of this faculty council by means of a secret ballot, and must obtain more than 50% of the vote from all of members specified in the list approved by the faculty council;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The number and structure of members, processes and procedures for selecting council members, organizing and operating the university faculty must be specifically enshrined in the university statutes and regulations.

4. The university faculty can establish the advisory councils for academic disciplines under the decision made by the university President with reference to the request of the Dean, which serves the purpose of providing any necessary advice for the Dean in order to support the task of managing and leading the university faculty within their assigned tasks and duties. The advisory council for academic disciplines can be attended by members outside of the faculty or university, or those who are not tenured lecturers, administrative officers of the university (when necessary), performs the work-based tasks and receive no salary or wage. Procedures for establishment and operation of the advisory council for academic disciplines shall be regulated in the university statutes and regulations.

5. An academic department of a university shall be organized and operated under the same provisions as those applied to an academic subject group of a faculty in accordance with the provisions enshrined in Article 16 hereof and in conformity with several duties and powers that a university faculty assumes in this Article. Specific provisions on an academic department of the university must be set forth in the university statutes and regulations.

Article 16. Academic departments or subject groups

1. Academic department or subject group is an academic unit of a faculty affiliated to a university. Regulations on organization and operation of an academic department shall be specifically enshrined in the university statutes and regulations.

2. An academic department shall be assigned the following tasks:

a) Bear responsibility for the course content, teaching quality, timeline and progress of subjects defined in the training program and general teaching plan developed by a university or a university faculty;

b) Design and improve the content of learning subjects; write course books, teaching materials, and outline reference books which are appropriate for the learning subjects, tasked by the Dean and university President;

c) Conduct researches with the aim of reforming teaching methods; examine and evaluate the learning effort and outcome of a student in accordance with the university statutes and regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Formulate the plan to increase the number of academic departments; get involved in the task of training and educating lecturers and academics in terms of their professional eligibility;

e) Assess administrative work, training programs, science and technology activities of an individual, academic department, faculty and the university itself with reference to the request of the University Council, President and Dean.

3. Head of an academic department must be qualified as a lecturer who is able to teach students at the university level, has relevant experience in lecturing, scientific research, managerial competence, and obtains the doctorate degree. In respect of an academic department that only offers general courses, if there is no doctor, it is possible to designate a person who holds the master degree as the Head of that department. If the person is transferred from other organizations or agencies to take up the position as the Head of an academic department, then this Head must be a tenured lecturer of that university.

The Head of an academic department shall hold the office for the term of 5 years and can be re-appointed. The Head’s term in office can be correspondent to the Dean’s term in office and must be specifically enshrined in the university statutes and regulations. The age of the Head of an academic department is required to ensure that (s)he is competent to fulfill his/her assigned tasks for at least half of his/her term in office. The process for introducing, appointing and dismissing the Dean and Vice Dean shall be specifically enshrined in the university statutes and regulations. The Head of an academic department shall exercise the rights and take on duties to perform the tasks stipulated in Clause 2 of this Article;

4. Vice Head of an academic department must obtain the master or higher degree. Other regulations applied to the Vice Head of an academic department shall be the same as those applied to the Head of an academic department, and specifically set forth in the university statutes and regulations.

5. An academic department of a university can establish an advisory council for specialized academic branches with reference to the request of the Dean and under the decision made by the University President with the intent of advising the Head of that academic department on necessary issues concerning the implementation of their tasks and duties. The advisory council for specialized academic disciplines can be attended by members outside of an academic department, faculty or university (when necessary), or performs the work-based tasks and receive no salary or wage. Establishment, operation and task of the advisory council for specialized academic branches must be enshrined in the university statutes and regulations.

Article 17. Functional offices

1. Functional offices shall be assigned to advise and assist the University President in managing, collecting and proposing opinions, and implement tasks within the duties and powers allowed by the University President.

2. The Head of functional offices must obtain the bachelor or higher degree. In particular, the Head of the training, science and technology office must keep the doctorate degree and have at least 5 years' experience in teaching at the university level; the Head of the office of international relation and personnel administration must gain at least 5 years' experience in teaching at the university level.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The Head and Vice Head shall hold their office for the term of 5 years and can be re-appointed. The age at which the Head and Vice Dean hold their office for the first term is not more than 55 for male and 50 for female by the month when the appointment occurs. If the person is transferred from other organizations or agencies to take up the position as the Head or Vice Head of a university’s functional office, then this Head or Vice Head must be a tenured lecturer or administrative officer of that university.

Article 18. Library, information-based website, and science and technology periodicals

1. Library, information and documents center of a university shall be tasked with the provision of scientific and technological information and documents which serve teaching, research and learning purposes for lecturers and students; retention or storage of originals of master's thesis and doctoral dissertation defended in the university, results of scientific research as well as the university’s publications. Library, information and documents center shall operate under the rules introduced by the University President, in compliance with the law on library, storage and relevant applicable legislation.

2. Information-based website of the university shall be assigned the task of posting information pertaining to the university's activities and ensure a required amount of information stipulated by the Ministry of Education and Training. Information-based website must organize an editorial board that bears its responsibility for information quality and system management, and operates and provides information in conformity with legal regulations on information technology, internet-based information management and other relevant laws.

3. Science and technology periodicals of a university that release research works in order to serve the training and study purposes in that university must organize an editorial and administrative board. The university that offers the training program at doctoral level must maintain its own science and technology periodical. All of articles or news printed on such periodical must undergo the examining process. The examining process and requirements that must be satisfied to post an article must be publicly disclosed. Science and technology periodicals can be published in the form of a print or electronic copy in accordance with applicable laws on publication. The Head of an editorial board or editor-in-chief must assume responsibility for scientific information and reliability of their periodical.

Article 19. Research and development organizations; administrative divisions; production, trading and service business units

1. Research and development organizations; administrative divisions; production, trading and service business units in the university shall be established and operated under laws with the aim of supporting training, scientific research and technological development, and international relation concerning the professional branches of the university; divided into affiliates of the university in the following forms and tasks:

a) Research and development organizations shall be organized in the form of research institutes in order to perform science and technology tasks as well as apply scientific and technological advances to an increase in training quality, support for the socio-economic growth, security and national defence;

b) Administrative divisions shall be organized in the form of centers, print factories, publishing houses and some of other units which serve the purpose of performing activities relating to intellectual property; get involved in organizing refresher courses or intensive training classes to improve knowledge for any individuals inside or outside of the university; promote the international cooperation, keep close contact with enterprises and former students of the university; provide printing and publication services;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Those mentioned in this Clause shall not function as training or joint programs that can confer any diplomas or degrees, except for the case in which the research institute of the university is competent and is entitled by the university to hold master or doctorate degree programs, and shall be subject to specific provisions enshrined in the university statutes and regulations or those on the tasks and duties of the university’s affiliates.

2. The establishment, dissolution, organization and operation of these entities regulated in this Article shall comply with applicable laws and must be specifically enshrined in the university statutes and regulations.

Section 3: ORGANIZATION AND MANAGEMENT STRUCTURE OF PRIVATE UNIVERSITIES

Article 20. Shareholders’ General Council of private universities

1. Shareholders’ General Council is constituted by shareholding members who invest their paid-in capital in private universities.

2. Shareholders’ General Council shall assume the following powers and duties as follows:

a) Elect shareholding members to the Management Board; elect or dismiss members of the Control Board of the university; deal with any request for any supplementation and change to members of the Management Board being a shareholding member’s agents; request the Management Board to refuse to accept shareholding member’s agents into the Management Board;

b) Approve strategies and plans for infrastructural investment and development of the university, proposed by the Management Board;

c) Approve annual financial statements of the university, and relevant financial provisions enshrined in the university statutes and regulations;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Approve the resolution on an increase or reduction in the charter capital, and plans for capital mobilization in any form;

e) Universities shall assume other duties and powers in accordance with the university statutes and regulations.

3. Shareholder’s General Council shall convene the annual or unscheduled meetings; all of the costs incurred from the guest invitation and meeting organization shall be funded by the operating expenditures of the university.

The Shareholders’ General Meeting must become an obligatory event that must be held once a year within a period of first 4 months of a fiscal year. The unscheduled meeting of the Shareholders’ General Council shall be convened if the following requirements are met:

a) It is held under the decision made by the Chairperson of the Management Board, or at least two-thirds of membership of the Management Board files their petition for organization of the meeting;

b) There is a need of the Management Board’ supplementation to or replacement for any shareholding member;

c) Individuals or group of shareholding members who take possession of more than 30% of total share must file a petition for organization of this meeting whenever the Management Board commits any serious violation against shareholder's legal rights, makes a decision beyond their agreed authority, or infringes upon the university statutes and regulations, and internal financial rules of the university;

d) Though the 6-month term of the Management Board has expired, there is no meeting about the election of new term of Management Board to be called;

dd) Other cases stipulated in the university statutes and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The Shareholders’ General Meeting is considered legitimate if total shareholding membership whose shares account for at least 65% of total share is present at the meeting;

b) When the meeting is aimed at dealing with the same work content due to the first meeting's failure to comply with the regulations laid down at Point a of this Clause, then within a period of 30 days since the first meeting, the Shareholders’ General Council is permitted to convene the second meeting which is considered legitimate on conditions that at least 51% of total shareholding members is present at the meeting; in case the second meeting of the Shareholders' General Council continues to be illegitimate, after 20 days since the second meeting, the Shareholders' General Council shall be permitted to hold the meeting without reliance on the number and proportion of shares of shareholding members present at the meeting;

c) The meeting of the Shareholders’ General Council (on the annual and unscheduled basis) shall be convened by sending the written call; the written call for such meeting must enclose meeting agenda content proposal and other related materials, and must be sent to all of the shareholding members via registered or courier mails and verified by the recipient's signatures within a period of at least 7 days before the meeting;

d) All of the annual or unscheduled meetings must be convened by the Chairperson of the Shareholders’ General Council; where the Chairperson of the Management Board fails to convene the meeting as planned or in compliance with the petition stipulated in Clause 3 of this Article, after 30 days since the proposed opening date of the meeting or after 60 days since the receipt of the petition for unscheduled meeting, shareholding members who have filed their petition for calling the meeting as prescribed in at Point c Clause 3 of this Article shall be entitled to designate a member of the Management Board or the Control Board to convene the Shareholders’ General Meeting, and the meeting so convened shall be considered legitimate.

5. All of the meeting contents must be entirely recorded into the meeting minutes and passed at the meeting with the signature of the meeting chairperson and secretary, which serves the filing purpose. Decision of the Shareholders’ General Meeting must be passed in the form of voting or secret ballot, which shall be then sent to each shareholding member, member of the Management Board and the Control Board within a period of 15 days as from the date when such decision is passed.

6. Decision that has been successfully passed by the Shareholders’ General Meeting shall become effective if this receives consent from total shareholding members whose shares account for at least 65% of total shares of members present at the meeting, unless otherwise stipulated by further provisions enshrined in laws, this Charter, or the university statutes and regulations. The election of a shareholder's agent to the Management Board and the Control Board must be held according to the method of cumulative voting by which each shareholding member is entitled to the vote per his/her share multiplied by the number of members elected to the Management Board or the Control Board, and shareholding members are vested with the right to cast all of their votes toward one candidate or several candidates.

7. Within a period of 90 days since the date when the aforementioned decision has been passed, members of the Management Board and the Control Board have the right to request competent agencies to consider withholding the Decision of the Shareholders' General Meeting in the following cases: this meeting has been convened without compliance with provisions enshrined in this Article or any decision content infringes upon laws, or has committed any violations against the university statutes and regulations.

Article 21. Management Board of private universities

Management Board of private universities is established under the provisions set out in Article 17 of the Law on Higher Education as well as other specific regulations as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Prepare proposed agenda and materials for the Shareholders’ General Meeting; convene the annual or unscheduled Shareholders’ General Meeting in accordance with regulations laid down in Article 20 hereof;

b) Approve regulations on employment quantity, structure and position, recruitment, management, use and development of the staff of lecturers, academics, administrative officers and contract employees of the university;

c) Formulate and submit infrastructural investment strategy, developmental plan and internal financial rules of the university to the Shareholders’ General Council for their approval;

d) Approve strategies and plans for training development and scientific research proposed by the University President;

dd) Resolve to set, amend and supplement the university statutes and regulations; adopt contents included in the university statutes and regulations under which the Shareholders' General Council and the science and training board have respectively passed regulations pertaining to finance, enrollment, training, scientific research and international cooperation;

e) Request the provincial People’s Committee not to recognize, supplement or replace the membership of the Management Board; hold an election to choose the University President and request the provincial People’s Committee to grant the decision on recognition in accordance with legal regulations; make a decision to appoint or dismiss Vice Presidents with reference to the request made by the University President;

g) Draw up the annual report on operating activities and financial statements of the university for submission to the Shareholders' General Council for their consideration and approval;

h) Send an annual or unscheduled report to the regulatory bodies, and give clear explanations for the university’s operating activities and fulfillment of commitments between the university and related parties.

2. The Management Board is constituted by the odd number of membership but restricted to at least 7 members. The number and composition of membership of the Management Board, and the university’s election of agents for shareholding members, tenured lecturers and other regulations on operations of the Management Board must be specified in the university statutes and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Act as the account holder of the university;

b) Design the program and plan for operations of the Management Board; prepare agenda, contents and materials for the meeting of the Management Board; convene and preside over meetings of the Management Board; hold a vote on and held accountable for resolutions proposed by the Management Board; supervise the process for implementing these resolutions; preside over the Shareholders' General Meeting;

c) Direct the Management Board to fulfill their tasks stipulated in Clause 1 of this Article;

d) Send a written request with his/her signature appended hereto to competent authorities to make their decision to recognize the University President;

dd) Assume other duties and powers stipulated in the university statutes and regulations.

4. Members of the Management Board shall be responsible for performing the tasks assigned by the Board, and be entitled to proper allowance under the university statutes and regulations.

Article 22. Procedures for establishing and recognizing the Management Board; operating activities of Management Board; refusal to recognize the Chairperson and members of the Management Board

1. Procedures for establishing and recognizing the university’s Management Board

a) With regard to a new private university: After receiving the Decision on establishment of new private university, the representative who file a petition for establishment of that university (hereinafter referred to as petitioner) must convene and chair the meeting attended by founding and shareholding members in order to determine the membership and the number of members coming from different composition of the Management Board; request the People’s Committee of the province where main office of the university is located to delegate a person to become a member of the Management Board; request Communist Party associations or unions in the university to delegate their persons to become members of the Management Board; hold an election in which shareholding members and lecturers shall vote for their representatives participating in the Management Board; make a report on the list of the Management Board’s members for submission to the provincial People’s Committee.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) With regard to a private university transformed from a community college: After receiving the Decision on this transformation, the Chairperson of the Management Board of that community college must convene the Board’s meeting in order to determine total membership and the number of members coming from each composition of that private university's Management Board; implement the rest of regulations laid down at Point a of this Clause so as to establish the private university’s Management Board;

c) With regard to a private university that has already established the Management Board, pursuant to the regulations enshrined in Clause 2 Article 21 hereof, the incumbent Chairperson of the Management Board shall follow steps in establishing the Management Board for the successive term as prescribed at Point a of this Clause.

d) Documentation required to apply for the recognition of the Management Board, Chairperson and the Board’s members, enclosing a written request for recognition of the Management Board in which steps in determining the Board's membership must be clearly stated; the list of the Chairperson and the Board’s members; curriculum vitaes of the Board’s members; letter of accreditation of a person, working for the People’s Committee of the province where the university’s main office is located, to the Management Board; the meeting minutes, vote counting record, votes for the Board’s Chairperson, agents for shareholding organizations or individuals and tenured lecturers;

dd) Where election of the Board’s Chairperson has not been conducted yet, or the Board’s Chairperson is not able to continue to hold his/her post, or is subject to the request for refusal to grant recognition in accordance with Clause 3 of this Article, the private university designate one of the Board's members as the acting Chairperson; election and recognition of the acting Chairperson shall be performed in the same manner as these of the Board’s Chairperson, and the Decision on recognition of the acting Chairperson shall be valid within a period of 6 months as from the grant date;

e) Where any member of the Management Board is absent on account of being subject to refusal to grant recognition or being transferred to another work position which is no longer appropriate for their membership, the Chairperson of the Management Board shall consider which composition missing members belong to with the aim of following the process for finding replacements in accordance with regulations laid down at Point a of this Clause, and shall send a written request for recognition of supplementary and replacement members present in the Management Board to the People’s Committee of the province where the university’s main office is located. Documentation that must be filed shall include a written explanation for such supplementation and replacement, minutes of the university council's meeting, vote count record, ballots and other relevant documentary evidences (if any). The University President shall be certainly recognized as the supplementary member of the Management Board after receiving the competent authority's recognition of the University President;

g) Within a period of 30 working days from the date of receiving such full package of documents, the President of the People’s Committee of the province where the main office of that university is located must make a decision on recognition of the Management Board, Chairperson and the Board’s members. In case of refusal, a written response must be sent, which encloses clear reasons.

2. Operation of the Management Board

a) The Management Board shall convene its tri-monthly meeting. The unscheduled meeting shall be decided by the Chairperson of the Management Board but must receive the consent from at least one-third of the Board’s membership. The call for the Management Board’s meetings must be enclosed with the meeting agenda and materials, and must be sent to the Board’s members by registered or courier mails to which the recipients must append their signature for a period of at least 05 days ahead of the starting date of the meeting;

b) The Management Board’s meetings shall be considered valid if at least 75% of membership agrees to participate. Resolution of the Management Board shall be passed in the form of voting behind the following principle: Each of the Management Board’s members shall keep a vote; such resolution shall become effective if more than 50% of the Management Board's membership vote for it, and shall be sent to the Board’s members within a period of 10 days from the date on which that resolution is passed;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) The Management Board’s Chairperson shall be vested with the power to use the organization mechanism and university’s stamp to serve his/her operating activities within a scope of the duties and powers of the Management Board as well as append his/her signature on documents, resolution and decision of the Management Board;

dd) In case the President of the Management Board is present within a period of time stipulated in the university statutes and regulations, one of the remaining members of the Management Board shall be authorized to take up the post as the Management Board’s Chairperson during this absence. This authorization must be in writing, made known to the public and sent to the competent management agency. The authorization validity is not permitted to exceed 6 months.

3. Refusal to grant recognition of the Chairperson and members of the Management Board

a) Refusal to grant recognition of the Chairperson and members of the Management Board shall occur in the following cases: These persons submit a petition for resignation from the Management Board; have limited capability to perform civil acts or become incapable of fulfilling their assigned tasks by reason of illnesses and accidents but is not fully restored to the normal working condition though they have quit their job to undergo a 6-month treatment; obtain more than 50% of the Board’s membership granting their written consents to this refusal.

b) The Management Board shall consider and resolve on the grant of recognition of the Board’s Chairperson and members, and file a written request for the decision of the People’s Committee of the province, including a written explanation for the refusal to grant recognition and any supporting evidence for the reasons for this refusal;

c) Within a period of 30 working days from the date of receiving such full package of documents, the President of the People’s Committee of the province where the main office of that university is located must make a decision on recognition of the Board’s Chairperson and members. In case of refusal, a written response must be sent, which reasons for this refusal must be clearly stated.

Article 23. Shareholding members who make their investment in the construction of private universities

1. Shareholding members are organizations and individuals who make their investment in the construction of private universities.

2. Shareholding members shall be vested with the following rights:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Receive annual dividends on the percentage of the share capital they own in the charter capital of the university at the rate stipulated in annual financial statements of the university;

c) Be given priority to make their capital contribution whenever the university needs an increase in its charter capital; be given priority to repurchase the assigned share capital equal to the percentage of the share capital they own;

d) Take priority to be offered proper jobs or managerial positions which match their capability in accordance with laws, university statutes and regulations;

dd) Exercise the discretion in transferring or disposing of, bequeathing, assigning or donating their own share capital in accordance with laws, university statutes and regulations; when a shareholding member has died or has been legally declared dead by the Court, his/her heir shall act as the shareholding member of the university;

e) Be provided with annual financial statements of the university; have the right to request the Chairperson of the Management Board to provide full and correct information about the performance and operating results of the university; in particular, a shareholder or a group of shareholders who takes possession of more than 10% of total share capital shall be eligible to view and copy minute and resolution books of the Management Board , financial statements, reports made by the Control Board and other documents of the university as stipulated by the university statutes and regulations;

g) Be entitled to receive a share of the residual asset of the university out of the distributable assets under joint ownership, equal to the percentage of their share capital included in the charter capital of the university after dissolution;

h) Exercise other rights in accordance with legal regulations and the university statutes and regulations.

3. Shareholding members must take on the following obligations:

a) Pay a full amount of share capital as agreed upon in commitments within a period of 90 days as from the date when the policy on establishment of the university has been adopted; bear responsibility, within the amount of their share capital, for debts and other financial obligations incurred by the university;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Observe resolutions and decisions of Shareholders' General Council and Management Board;

d) Fulfill other obligations in accordance with legal regulations and the university statutes and regulations.

Article 24. The Control Board

1. The Control Board of a private university shall be composed of agents for shareholding members in accordance with regulations set forth in the university statutes and regulations. The Control Board shall be composed of by 3 to 5 members in which at least one member is skilled at accounting. The Head of the Control Board shall be directly elected by the Shareholdings’ General Council.

The Control Board shall be held accountable to the Shareholders' General Council for its performance of tasks in accordance with legal regulations, shall assume responsibility for reports and their own activities.

2. The Control Board’s members must be Vietnamese nationals; must not be members of the Management Board, University President, Chief Accountant (or Chief Financial Officer), and fathers, mothers, wives or husbands, natural sons or daughters, or siblings of the Management Board’s members, University President and Chief Accountant (or Chief Financial Officer) of the university.

3. The Control Board’s term shall be identical to the Management Board's term.

4. The Control Board shall assume the following powers and duties as follows:

a) Supervise, verify the appropriateness and legality of the managerial and administrative tasks of the Management Board, University President, Vice President and other divisions of the university;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Evaluate the annual financial report of the university;

d) Send an annual or on-demand reports to the Management Board on their operating outcome and contents of reports, conclusions and recommendations of the Control Board before asking for the official approval from the Shareholders' General Council;

dd) Report the result of supervisory actions at the Shareholders' General Meeting; advise the Management Board or Shareholders' General Council on measures to be taken to modify, adjust or reform the organization structure for the purpose of management and administration of the university’s activities;

e) Have the right to advise the competent management agency ob issues pertaining to the organization and operation of the university; exercise the right to request the Management Board or its members, University President and other administrative officers of the university to provide sufficient, accurate and timely information and relevant materials in the course of performing assigned tasks;

g) Be entitled to receive materials prepared for the Management Board’s meeting, reports submitted by the University President to the Management Board or other necessary materials released by the university at the same period of time and in the same manner as the Management Board’s members;

h) The Control Board’s members have the right to get access to the university’s documents and materials; visit workplaces of the university's employees to practice their controlling rights and duties as planned;

i) The Control Board has the right to provide independent consultancy in order to perform their assigned tasks;

k) In the course of performing their tasks, all of the Control Board’s activities shall not cause any obstruction or interference for any activities of the Management Board and the university;

l) Assume other duties and powers in accordance with the university statutes and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Private University President must meet the accepted standards specified in Article 20 of the Law on Higher Education. If a person who are not a tenured lecturer or administrative officer of that private university is invited to take up the post as its President, and by the time (s)he obtains the decision on recognition granted by the President of the People’s Committee of the province where its main office is located, (s)he must become a tenured lecturer or administrative officer.

2. Duties and powers of the private university President is stipulated in Clause 3, Article 20 of the Law on Higher Education, and several of them are specified as follows:

a) Draw up the strategy and plan for training development and scientific research of the university for submission to the Management Board for approval;

c) Set out regulations on employment quantity, structure and position; policies on recruitment, management, use and development of the staff of lecturers, academics, administrative officers and employees working in the private university, which will be then submitted to the Management Board for their approval;

c) Recruit lecturers, administrative officers and other employees; make a decision to accept, designate, change, and promote professional titles for employees in accordance with legal regulations; make a decision on recruitment, retirement, firing, work transfer, conclusion of employment contracts, implementation of employee benefit policies within his/her administrative authority in accordance with laws, university statutes and regulations;

d) Annually assess lecturers, administrative officers and other employees of the university;

dd) Consult with the Science and Training Board before making a decision on issues subject to this Board's consultancy. If the private university president disagrees with this consultancy, (s)he is entitled to make his/her own decision, or assumes sole responsibility for this decision, and then report it in front of the Management Board in the nearest meeting;

e) Implement the resolution adopted by the Management Board; confer with the Chairperson of the Management Board to enter into mutual agreement on handling any possible violation against legal regulations or any adverse impact on common operating activities of the university. Where any discrepancy occurs, the private University President must adhere to resolutions of the Management Board but be obliged to send a report to the President of People’s Committee of the province where the main office of that university is located.

3. Private University President election, recognition and refusal to grant recognition

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

A package of documents used for the recognition of the private University President shall include a written request of the Management Board for the recognition of the University President; curriculum vitaes, scientific profile and copies of doctorate degree (the doctorate degree conferred by foreign educational institutions must be accredited by the Ministry of Education and Training) of the person who has been recommended for the post as the private University President; meeting minutes and resolution of the Management Board;

b) Refusal to grant recognition to the private University President must observe the regulations the same as those on dismissal of the public University President stipulated in Clause 3 Article 11 hereof. The Management Board shall consider and resolve on the grant of recognition, and file a written request for refusal to grant recognition to the private University President to the People’s Committee of the province where the main office of that university is located, including a written explanation for this refusal and any supporting evidence for these reasons.

c) Within a period of 30 working days that begins on the date of receiving such full package of documents, the President of the People’s Committee of the province where the main office of that university is located must make a decision on recognition or refusal to grant recognition. Then, in case of such refusal, the written response in which clear reasons are stated must be sent to the applicant.

Article 26. Vice President of a private university

1. Vice President of a private university must meet the accepted standards specified in Clause 2 Article 12 hereof. The number of Vice Presidents of a private university shall be enshrined in specific provisions set out in the university statutes and regulations. If a person who are not a tenured lecturer or administrative officer of that private university is appointed by the President to take up the post as Vice President, and by the time (s)he obtains the appointment decision, (s)he must become a tenured lecturer or administrative officer.

2. Appointment or dismissal of the Vice President:

a) To be eligible to take up the post as the President of a private university, his/her age is not more than 75 years for male and 70 years for female;

b) The Chairperson of the Management Board shall make a decision to appoint or dismiss a Vice President of a private university with reference to the request of the President of that private university to which more than 50% of the Management Board’s membership gives their consent.

3. Other related contents shall comply with regulations laid down in Article 12 hereof.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Regulations on divisions of a private university shall be the same as those of a public university as stipulated in Article 13, 14, 15, 16, 17, 18 and 19 hereof. Dean, Vice Dean, Head or Vice Head of a division, Head or Vice Head of an academic subject in a private university is not more than 75 years old for male and 70 for female.

Section 4. ORGANIZATION AND MANAGEMENT OF NON-PROFIT PRIVATE UNIVERSITIES

Article 28. Non-profit private university

1. Non-profit private universities must adhere to specific provisions laid down in this Section, general provisions hereof applied to private universities and relevant laws.

2. Non-profit private universities shall not organize the Shareholders' General Council.

3. Non-profit private universities and non-profit foreign-invested universities shall have access to incentive policies on training, scientific research and development of the staff of lecturers; be entitled to tax incentive, reduction and exemption in accordance with the tax legislation; be given priority to receive an assigned or leased land, investment projects, place orders to fulfill their tasks of training, scientific research, technology transfer in terms of the university’s core sectors.

Article 29. The Management Board of non-profit private universities

1. The Management Board of non-profit private universities is an organization that manages or represents joint ownership of the university’s community, as well as the most powerful organ of the university.

2. Duties and powers of the Management Board of the non-profit private university comply with regulations laid down in Article 17 of the Law on Higher Education, and several of them are specified as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Approve annual performance report and financial statements of the university;

c) Convene annual general meeting of the entire university; support the general meeting's fulfillment of tasks regulated in Article 33 hereof; review and approve the meeting agenda or handouts used for such general meeting; deliver the reporting speech on the performance of the university in the meeting;

d) Other tasks and duties stipulated in Article 21 hereof.

3. The Management Board of the non-profit private university is constituted by the odd number of membership but restricted to at least 15 members. Composition of the Management Board must comply with regulations laid down in Clause 3 Article 17 of the Law on Higher Education while the acceptance of other members in the university’s Management Board must adhere to the university statutes and regulations in which shareholding members make up less than 20% of membership of the Management Board.

The membership of the Management Board, determination of agents for shareholding members, tenured lecturers and other specific provisions on the operating activities of the Management Board must be enshrined in the statutes and regulations of non-profit private university.

4. The Chairperson of the Management Board and members must be regulated in accordance with regulations laid down in Clause 3, Clause 4, Article 21 hereof. The Chairperson of the Management Board must preside over the general meeting.

Article 30. Process for establishing and recognizing the Management Board, operating activities of the Management Board, refusal to recognize the Chairperson and members of the Management Board of non-profit private universities

1. Required processes of establishment or recognition of the Management Board of a non-profit private university

a) With regard to a new private university: After receiving the Decision to establish the non-profit private university, the petitioner for such establishment shall refer to the regulations laid down in Article 22, 29 hereof to establish its Management Board;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Other related contents shall comply with regulations laid down in Article 22 hereof.

2. Operation of the Management Board and refusal to recognize the Chairperson and members of the Management Board in a non-profit private university shall comply with the regulations set forth in Article 22 hereof.

Article 31. The Control Board of a non-profit private university

1. The Control Board of a non-profit private university shall be composed of agents for shareholding members, employees of that university, and shall be elected at the general meeting and shall be composed of from 3 to 5 members out of which at least one member shall be skilled at accounting. The number of agents for shareholding members shall not be permitted to exceed 40% of total membership of the Control Board. The Head of the Control Board shall be directly elected at the general meeting.

The Control Board shall be held accountable to the general meeting for its performance of tasks in accordance with legal regulations, shall assume responsibility for reports and their own activities.

2. Members and term of the Control Board shall conform to the regulations laid down in Article 24 hereof.

3. The Control Board shall assume the following powers and duties as follows:

a) Send an annual or on-demand reports on their operating outcome and contents of reports, conclusions and recommendations of the Control Board to the Management Board before being publicly announced at the general meeting of the university;

b) Report the result of supervisory actions at the general meeting; advise the Management Board on measures to be taken to modify, adjust or reform the organization structure for the purpose of management and administration of the university’s activities;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 32. Shareholding members who invest their capital in the construction of non-profit private universities

1. Shareholding members shall be vested with the following rights:

a) Attend and deliver their speech at the university’s general meeting, and exercise their right to vote in a direct manner or through their authorized agents;

b) Receive annual dividends on their share capital at the regulated rate (if any) specified in the university statutes and regulations, which do not exceed the interest rate of Government bonds at the same reporting period;

c) Exercise other rights stipulated at Point dd, h Clause 2 Article 23 hereof.

2. Shareholding members must take on the following obligations:

a) Pay a full amount of share capital as agreed upon in commitments within a period of 90 since the intention to establish the university is approved;

b) Comply with resolutions and decisions of the Management Board;

c) Fulfill other duties in accordance with laws, the university statutes and regulations.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. The university's general meeting must be attended by:

a) Shareholding members;

b) Members of the Management Board and Control Board;

c) Administrative officers, lecturers and academics of the university. In case total administrative officers, lecturers and academics of the university are more than 300 persons, the number of delegates participating in the general meeting is not permitted to be less than 75% of total administrative officers, lecturers and academics of the university.

2. The university’s general meeting shall assume the following powers and duties as follows:

a) Elect or dismiss the Head and members of the Control Board;

b) Give advisory opinions on the strategy for training, scientific research and infrastructural development of the university, developed by the Management Board, and the university statutes and regulations, as well as internal financial rules of the university;

c) Assume other duties and powers in accordance with the university statutes and regulations.

3. Annual general meeting shall be scheduled within a period of first 4 months of a fiscal year; all of the costs incurred from the convening and organization of such meeting shall be funded by the operating expenditures of the university.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) The university’s general meeting is considered legitimate if at least 65% of membership is present at the meeting;

b) The general meeting shall be convened by sending the written call; the written call for such meeting must enclose meeting agenda proposal and other related materials, and must be sent to all of the shareholding members, the Management Board’s members and other relevant divisions of the university;

5. Contents of the general meeting must be fully recorded in the minutes and approved right after the meeting, bearing the signature of the chair and secretary of the meeting to serve the filing purpose. Resolution agreed by the general meeting must be passed by means of voting or secret ballot, which shall be then sent to relevant divisions, shareholding members, members of the Management Board and the Control Board within a period of 15 days as from the date when such resolution is adopted.

6. Resolution passed by the general meeting shall become effective if it is agreed by at least 65% of participants; participants shall have the same voting right.

7. Election of agents for administrative officers, lecturers and academics as delegates attending the university’s general meeting and other specific provisions pertaining to the general meeting must be enshrined in the university statutes and regulations.

Article 34. Required documents and procedures for the recognition of non-profit private universities

1. As regards the establishment of new non-profit private university, in addition to the documents required to apply for the establishment of the university in accordance with laws, non-profit private universities need to submit further documents as follows:

a) An evidence for the university’s first undistributable assets under joint ownership (if any);

b) A written commitment of organizations or individuals being shareholding members of the university (if any) on the receipt of dividends in accordance with Point a Clause 1 Article 6, and on the use of marginal income of the university in accordance with regulations laid down at Point b Clause 1 Article 6 of the Government’s Decree No.141/2013/ND-CP.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) A petition for this transformation in which guiding principles and objectives of the university's non-profit activities, share capital, undistributable assets under joint ownership, and commitment of the university on the use of marginal income in accordance with regulations laid down at Point b Clause 1 Article 6 of the Government’s Decree No. 141/2013/ND-CP must be clearly stated;

b) Meeting minutes of the Shareholders’ General Meeting in which the transformation of private universities into non-profit private universities must be approved. Such minutes must obtain the consent from delegates who take possession of at least 75% of total share capital of shareholding members, unless the higher rate is otherwise regulated in the university statutes and regulations;

c) A written commitment of organizations or individuals being the owners of invested capital as stipulated in Article 6 of the Government’s Decree No. 141/2013/ND-CP;

d) A draft statutes and regulations, and internal financial rules as well as supporting evidence pertaining to the charter capital of the university.

3. With regard to required processes and powers of establishment or recognition of non-profit private universities:

The Ministry of Education and Training shall inspect all required documents in accordance with regulations laid down in this Article for submission to the Prime Minister to make a decision relating to non-profit private universities.

Chapter III

OPERATING ACTIVITIES OF A UNIVERSITY

Section 1: TRAINING OPERATIONS

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Training program and teaching materials shall comply with regulations laid down in Article 36 of the Law on Higher Education. Training program must conform to the specific structure and requirements as follows:

1. Training program shall be designed for a level of an academic or specialized branch into an orientation towards academic researches or practicality, including: Training levels; admission and graduation requirements; training objectives, outflow standards; training contents and methodology; methods for evaluating the learning outcome; conditions for offer of training programs.

2. The university shall be granted the responsible autonomy for design, assessment and execution of training programs, and must ensure the conformity to the following requirements:

a) Training programs in the form of regular education must meet regulatory standards for minimum knowledge density and requirements for the developed capability of learners after graduation, all of which must conform to the process for design, evaluation and execution; ensure the consistency in knowledge bases amongst subjects being taught at the entire training program; shall be periodically assessed, adjusted and updated in order to meet actual demands, development of academic disciplines and satisfy the requirements of the labor market; the high-quality training program shall be designed to conform to regulatory requirements set out by the Ministry of Education and Training;

b) Training programs designed in the form of continuing education shall have contents and outflow standards equal to training programs designed in the form of regular education;

c) Refresher courses serving the purpose of improving professional skills and career development for learners must meet the practical demand and must be connected with the international integration;

d) The foreign-invested university shall enjoy their responsible autonomy for developing and executing training programs in accordance with regulations laid down in Article 36 of the Law on Higher Education; the contents of these training programs must include compulsory subjects in accordance with the Ministry of Education and Training.

Article 36. Training organization, management, and evaluation of training process

1. The university shall organize and manage training tasks in accordance with Article 37 of the Law on Higher Education; offer training course in subjects and specialized disciplines at the place which conforms to required conditions and is permitted by the competent authority; conduct the evaluation of training process and learning outcome of learners in accordance with the training regulations and statutes.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Universities can enter into agreement or commitment on recognition, credit conversion and outcome of learning efforts and other contents pertaining to learning activities when the exchange between domestic and foreign students occurs on the basis of ensuring the acceptable density of knowledge to be acquired in the training program.

Article 37. Teaching assistant

1. Teaching assistants shall assist lecturers, main teacher, associate professor and professor in performing teaching activities, including preparation of lessons, extra-class tutoring, instructions on doing exercises, carrying out discussions, laboratory practices and marking tests;

2. Intern lecturers, teaching assistants, academics and postgraduate students who are conducting their study and research at the academic department, and students who achieve the outstanding learning result at the end of a training course, experienced persons inside or outside of the university and lecturers, can get involved in a teaching assistant's activities in the relevant professional field.

3. Assignment of a teaching assistant’s tasks, duties and allocation of allowances to those who participate in a teaching assistant's activities shall be subject to specific provisions enshrined in the university statutes and regulations.

Article 38. Degrees or certificates

1. Regulations on degrees, printing of degree templates and awarding of degrees to learners or students must comply with Article 38 of the Law on Higher Education.

2. Degrees or diplomas are granted along with transcripts and certificates from the training program.

3. Students who have participated in the student exchange program between domestic universities and foreign universities, whenever both universities have already entered into the agreement to recognize such programs and undertake mutual credit conversion, are eligible to be granted additional degrees in the home country upon completion of the training program and after achieving the degree in the foreign country.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Responsibilities, duties and powers of the university pertaining to the work of training quality assurance and assessment shall be stipulated in Article 50 and 51 of the Law on Higher Education.

2. Universities shall assume their responsibility for participating in the work of domestic and international quality assessment, getting involved in supervising operating activities of education quality assessment organizations, and ensuring the impartiality, transparency and equality for all educational and training activities.

Section 2: SCIENCE AND TECHNOLOGY ACTIVITIES

Article 40. Duties and powers of a university to perform science and technology tasks

The university shall assume their duties and powers to perform science and technology activities in accordance with regulations laid down in Article 41 of the Law on Higher Education, and several of them are specified as follows:

1. Perform science and technology activities as prescribed in regulations laid down in Article 40 of the Law on Higher Education, which conforms to the conditions of the university, meet the objectives of science and technology activities in accordance with regulations laid down in Article 39 of the Law on Higher Education and legal regulations.

2. Be involved in proposing, selecting, advising, examining science and technology tasks; provide help for establishment and protection of intellectual property rights, commercial right and intellectual right transfer in accordance with applicable laws.

3. Prepare and executing the investment projects for the scientific and technological development, projects for enhancement of research competence, main laboratory rooms for the interdisciplinary or specialized profession purposes.

4. Create multi- and inter-disciplinary research groups; set up researching – teaching groups which closely combine scientific research tasks with training activities; guarantee to provide necessary conditions for lecturers to fulfill their scientific research task; organize scientific research activities for learners.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

6. Establish the database and information system in respect of science and technology activities; exchange scientific and technological information with other domestic or foreign training and research institutions.

7. Make arrangement for the performance of scientific research tasks at all administrative levels, implementation of program and project for scientific research, technology transfer to meet the order placed by the State.

Article 41. Management of a university’s science and technology activities

1. A full-time unit for management of science and technology activities of the university must be organized.

2. Issue the regulations on managing science and technology activities of the university on the basis of relevant legal regulations pertaining to science and technology activities.

3. Draw up and implement the plan for science and technology activities within a university, and those aimed at connecting the scientific research activities with bachelor, master and doctorate training activities.

4. Mobilize different financial sources to support science and technology activities, and set up a fund for development of science and technology in the university; manage, use financial sources according to the principle of disclosure and efficiency in accordance with laws.

5. Commend, honor and confer awards on administrative officers, lecturers, academics and students who obtain excellent achievement in their learning outcome.

6. Carry out inspection, assessment and conclusion of implementation of the plan to perform science and technology activities.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 42. Duties and powers of a university to seek international cooperation activities

The university shall assume their duties and powers to perform international cooperation activities in accordance with regulations laid down in Article 47 of the Law on Higher Education, and several of them are specified as follows:

1. Prepare and implement the strategy, plan and program for short-term, medium and long-term international cooperation of the university, which must conform to the objective that international cooperation seeks to reach in accordance with Article 43 of the Law on Higher Education, policies and guidelines of the State to promote the international integration in terms of education and training sector.

2. Manage and implement programs and projects for international cooperation within the university’s authority in an effective manner.

3. Negotiate and conclude cooperation agreements with foreign partners in accordance with laws.

4. Set up the database and information system in terms of international cooperation activities.

Article 43. Management of international cooperation activities

1. Full-time unit for international cooperation in the university must be organized.

2. Formulate and promulgate the rules of management of international cooperation activities of the university, which must conform to regulations laid down in this Charter and other relevant legal documents.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Cooperate with relevant regulatory bodies in ensuring social security, order and safety in terms of international cooperation activities.

Chapter IV

LECTURERS AND LEARNERS OF A UNIVERSITY

Section 1. LECTURERS

Article 44. University lecturers

1. University lecturers have been regulated in Article 54 of the Law on Higher Education.

2. The Minister of Education and Training shall promulgate regulations on setting standards of lecturer's titles as the bases for the recruitment process, implementing working regime, policies on improving and enhancing professional skills as well as other policies in accordance with laws.

Article 45. Duties and rights of lecturers

University lecturers shall assume their duties and rights in accordance with Article 55 of the Law on Higher Education and some of these duties and rights are specified as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Implement regulations on the working regime applied to lecturer’s titles promulgated by the Minister of Education and Training;

3. Be fully equipped with working supportive device, means and provide favorable conditions for performing their tasks stipulated by laws; be provided with relevant information pertaining to their assigned duties and powers.

4. Be entitled to salary, wage, allowance and benefit as well as other incentive policies in accordance with laws; public university lecturers who working in areas faced with difficult socio-economic conditions shall be entitled to allowance and incentive policies regulated by the Government.

5. Be provided with refresher courses to enhance and improve their professional practice as planned and depending on the university’s conditions; have the right to take part in managerial and administrative work in the university; be eligible to get involved in social activities in accordance with laws.

6. Lecturers who participate in science and technology activities shall be granted the rights stipulated in the Law on Science and Technology; lecturers who are in charge of administrative work in the university, if they decide to take up the teaching position, shall be entitled to benefits for lecturers as prescribed by laws and other university's legal regulations.

7. Get involved in managing learners and share part of social community responsibility

Article 46. Probation time of lecturers

1. Enrollees who are employed as a lecturer must experience 12 months' probation.

2. Those who used to teach at the university level for a period of at least 12 months shall not be required to experience the probation time; those who keep doctoral degrees and used to participate in teaching work during the time when they serve as postgraduates shall be considered to shorten the probation time by the University President.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. Workloads required during the probation duration

a) Grasp regulations on rights and obligations of lecturers and realize prohibited acts; learn and gain insight into internal rules, training regulations and statutes pertaining to the university where they are working, as well as duties and powers of those who are offered this work position;

b) Improve and enhance more knowledge about the academic subject that they are assigned to teach; preparation of lesson plans; teaching methodology and learning outcome; classroom management;

c) Observe classes, attend academic discussion among lecturers in the department, carry out teaching internship and perform their work described in the job offer;

d) Be awarded the certificate of teaching refresher course completion, if they have not received such a certificate.

5. No later than 07 working days from the date when teaching interns receive their jobs, the Head of academic department must assign lecturers who are skilled at teaching profession to instruct such interns.

Article 47. Appraisal of lecturers

1. This appraisal shall be carried out in accordance with the Charter promulgated by the Minister of Education and Training.

2. Such appraisal must mirror the actual capability and competence in teaching, scientific research, ethics and behaviors of a lecturer.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 48. University learners

University learners have been regulated in Article 59 of the Law on Higher Education, including: Students participating in different training programs; postgraduate students participating in doctoral training programs; academics participating in doctoral training programs; learners participating in intensive, practice-based and internship courses in the university.

Article 49. Duties and rights of learners

Learners shall assume the duties and rights stipulated in Article 60 of the Law on Higher Education and several of the duties and rights shall be specified as follows:

1. Conserve and protect assets of the university; make a contribution to the construction, protection and promotion of traditional values of the university. Show their respect for cultural and ethical values, traditional habits and customs.

2. Collect tuition fees and charges in accordance with legal regulations.

3. If learners entitled to receive scholarships and training expenditures derived from the state budget or foreign aids as agreed upon in the agreement with Vietnam's government fail to comply with task assignment carried out by the competent authority, they must reimburse the sum of scholarship and paid training expenses in accordance with the Government.

4. They are eligible to take part in teamwork activities, student’s association and other social organization in accordance with legal regulations.

Chapter V

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 50. Finance, asset, tuition and fee

Universities shall comply with regulations on financial sources; tuition and application fee; financial management; management and use of assets in accordance with regulations laid down in Chapter X of the Law on Higher Education and other relevant laws.

Article 51. Use of marginal income of private universities

A portion of marginal income gained from training activities and scientific researches of private universities shall be used in accordance with provisions enshrined in Clause 3 Article 66 of the Law on Higher Education and specific provisions as follows:

1. Fulfill their obligations to the state bank, and pay taxes stipulated by laws.

2. Pay dividends equal to the percentage of share capital to shareholding members after fulfilling obligations to the state bank, set up various funds in accordance with applicable regulations, internal financial rules and statutes of the university.

3. The amount of salary paid to employees and dividends paid to shareholding members as well as other expenses must comply with internal financial rules, statutes and regulations of the university.

Article 52. Assignment of share capital ownership and withdrawal of private universities

1. Assignment of share capital ownership of shareholding members in private universities shall be specifically regulated in statutes, regulations and internal financial rules of such universities, which must conform to legal regulations and stick to the principles of assignment as follows:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The Management Board shall advise the rest of shareholding members on the price, terms and conditions of such assignment which must be publicly disclosed to university’s employees, and remain valid within a period of at least 45 days;

c) The assignment must follow the sequence such as assignment between shareholding members at the percentage equal to the share capital of each shareholding member; between the university’s employees, if shareholding members refuse to purchase or agreed to purchase part of such share capital; assignment of share capital to those who are not the university’s shareholding members and employees, if the university’s employees refuse to purchase or agree to purchase part of such share capital.

2. In respect of non-profit private universities, the principles of assignment of ownership of share capital shall be regulated in the statutes, regulations and internal financial rules of the university without breach of applicable regulations.

3. Withdrawal and assignment of share capital ownership must comply with legal regulations, university statutes and regulations, and must ensure the stability.

4. In case of dissolution, financial and asset-related handling must conform to legal regulations.

Chapter VI

RELATIONS OF A UNIVERSITY

Article 53. Relations of a university with families and social classes

The university must establish the following relations:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Implement policies on get a lot of entities involved in the educational sector, invent solutions to attracting social organizations, human resource organizations, enterprises, and other relevant parties to invest in the construction and development of infrastructural facilities; advise the university on developmental planning, vocational and professional structure, training levels, development of training programs; provide financial support for learners and proper job positions for graduates, supervise educational operations and establish healthy educational environment.

3. Send out scientific knowledge to the public, carry out the transfer of scientific research achievements and technological advances.

Article 54. Relations of the university with Ministries, governmental departments, People’s Committees at all levels, organizations and enterprises

1. Ministries, governmental departments, scientific and technological organizations, production and business establishments and non-business service providers shall be responsible for and facilitate field study, practice, internship and skill training for learners.

2. The university shall cooperate with regulatory agencies at the central and local level, relevant domestic and foreign enterprises and organizations in determining training demands, connecting training issues to employments and recruit graduates; sign training contracts, science and technology agreements; apply scientific and technological breakthrough to actual production and social life.

3. The university shall cooperate with cultural, arts and sports centers, mass media agencies in organizing cultural, arts and sports events, which serves the purpose of creating healthy educational environment; seek and nurture learners who are gifted at arts and sports.

4. The university shall promote the relation of its divisions and departments with political organizations, socio-political organizations, socio-political-vocational organization, social organizations, socio-professional organizations, vocational organizations, economic institutions and people's armed forces, People’s Committees at all levels in order to make use of these relations to fulfill the following tasks:

a) Organize training, scientific and technological activities; carry out the transfer of scientific research achievements as well as apply technological and scientific breakthroughs to the production industry and human life;

b) Stimulate people to study by training incentive programs, and create healthy and positive educational environment; maintain safety, security and order during the learning process of learners; prevent narcotic drugs and other social problems from ruining the university;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Chapter VII

IMPLEMENTATION

Article 55. University's responsibility

Enforce this Charter; complete organization structure, review aspects of operation, accepted standards of lecturers and administrative officers in order to comply with regulations enshrined in this Charter; amend, adjust or promulgate new university statutes, regulations and internal rules in conformity with regulations set out in this Charter.

Article 56. Responsibility of the Ministry of Education and Training

1. Direct the implementation of this Charter throughout the entire system of universities nationwide; make statistical reports and set up the database of universities.

2. Consult with the direct management agencies and provincial People’s Committees in the course of implementing this Charter as well as dealing with difficulties, complaints or discrepancies in order to ensure the consistency throughout the system of universities.

3. Inspect and supervise the implementation of the Charter of universities, and handle any violation against legal regulations; remove or propose removing any decision in breach of these regulations enshrined in this Charter and legal regulations on university education.

Article 57. Responsibility of the university direct management office

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. Work with the Ministry of Education and Training to manage university affiliates; handle difficulties and discrepancies in accordance with legal regulations.

3. Conduct administrative inspection and supervision of the task of implementing this Charter and handle violations committed by university affiliates in accordance with laws.

Article 58. Responsibility of provincial People’s Committees

1. Directly carry out or cooperate with the Ministry of Education and Training in the direction of implementation of the university’s Charter at university affiliates; grant recognition of the Management Board, President of the university as well as other regulations applied to private universities located within the territory of that province;

2. Cooperate with the Ministry of Education and Training in management of universities in the area; handle difficulties and discrepancies in accordance with legal regulations.

3. Inspect and supervise the implementation of the Charter of universities within their delegated authority; handle any violation committed by universities throughout the province in accordance with laws./.

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Quyết định 70/2014/QĐ-TTg ngày 10/12/2014 về Điều lệ trường đại học do Thủ tướng Chính phủ ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


132.468

DMCA.com Protection Status
IP: 3.17.166.157
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!