HỘI ĐỒNG NHÂN
DÂN
TỈNH THÁI NGUYÊN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 153/NQ-HĐND
|
Thái Nguyên, ngày 12 tháng 8 năm 2021
|
NGHỊ QUYẾT
THÔNG QUA ĐỀ ÁN ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO
VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO DỤC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH
HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
KHÓA XIV, KỲ HỌP THỨ 2
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa
phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Cán bộ, công chức ngày
13 tháng 11 năm 2008;
Căn cứ Luật Viên chức ngày 15
tháng 11 năm 2010;
Căn cứ Luật Sửa đổi, bổ sung một số
điều của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức ngày 25 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng
6 năm 2019;
Căn cứ Bộ Luật Lao động ngày 20
tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Nghị quyết số 51/2017/QH14
ngày 21 tháng 11 năm 2017 của Quốc hội về điều chỉnh lộ trình thực hiện chương
trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới theo Nghị quyết số 88/2014/QH13
ngày 28 tháng 11 năm 2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông;
Căn cứ Nghị định số 101/2017/NĐ-CP
ngày 01 tháng 9 năm 2017 của Chính phủ về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức,
viên chức;
Căn cứ Nghị định số 71/2020/NĐ-CP ngày 30 tháng 6 năm 2020 của Chính phủ về việc quy định lộ
trình thực hiện nâng trình độ chuẩn được đào tạo của giáo viên mầm non, tiểu học,
trung học cơ sở;
Căn cứ Nghị định số 90/2020/NĐ-CP
ngày 13 tháng 8 năm 2020 của Chính phủ về đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ,
công chức, viên chức;
Căn cứ Nghị quyết số 102/NQ-CP
ngày 03 tháng 7 năm 2020 của Chính phủ về giải pháp đối với biên chế sự nghiệp
giáo dục và y tế;
Căn cứ Quyết định số 163/QĐ-TTg
ngày 25 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo,
bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 732/QĐ-TTg
ngày 29 tháng 4 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Đào tạo,
bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đáp ứng yêu cầu đổi mới
căn bản, toàn diện giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm
2025”;
Căn cứ Quyết định số 1677/QĐ-TTg
ngày 03 tháng 12 năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát
triển Giáo dục mầm non giai đoạn 2018 - 2025;
Căn cứ Quyết định số 33/QĐ-TTg
ngày 08 tháng 01 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án đào tạo,
bồi dưỡng nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục mầm
non giai đoạn 2018 - 2025;
Căn cứ Thông tư liên tịch số 06/2015/TTLT-BGDĐT-BNV ngày 16 tháng 3 năm 2015 của Bộ trưởng Bộ Giáo
dục và Đào tạo và Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về danh mục khung vị trí việc
làm và định mức số lượng người làm việc trong các
cơ sở giáo dục mầm non công lập;
Căn cứ Thông tư số 16/2017/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 7 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo,
hướng dẫn danh mục khung về vị trí việc làm và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập;
Căn cứ Thông tư số 36/2018/TT-BTC
ngày 30 tháng 3 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán
quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng
cán bộ, công chức, viên chức;
Căn cứ Thông tư số
14/2018/TT-BGDĐT ngày 20 tháng 7 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục
phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
20/2018/TT-BGDĐT ngày 22 tháng 8 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên cơ sở giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
25/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành quy định chuẩn hiệu trưởng cơ sở giáo dục mầm non;
Căn cứ Thông tư số
26/2018/TT-BGDĐT ngày 08 tháng 10 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành quy định chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non;
Căn cứ Thông tư số
32/2018/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 12 năm 2018 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Chương trình giáo dục phổ thông;
Căn cứ Thông tư số
11/2019/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm
non;
Căn cứ Thông tư số
12/2019/TT-BGDĐT ngày 26 tháng 8 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Chương trình bồi dưỡng thường xuyên giáo viên mầm non;
Căn cứ Thông tư số
19/2019/TT-BGDĐT ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
ban hành Quy chế bồi dưỡng thường xuyên giáo viên,
cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông và giáo viên trung tâm giáo dục thường xuyên;
Căn cứ Thông tư số
24/2020/TT-BGDĐT ngày 24 tháng 8 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
quy định việc sử dụng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục
mầm non, tiểu học, trung học cơ sở chưa đáp ứng trình độ chuẩn đào tạo;
Xét Tờ trình số 123/TTr-UBND ngày
21 tháng 7 năm 2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái
Nguyên về việc thông qua Đề án đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà
giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định
hướng đến năm 2030; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa
- xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân
dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Thông qua Đề án đào tạo,
bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý cơ sở giáo dục tỉnh
Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030.
(Có
tóm tắt Đề án kèm theo)
Điều 2. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh triển
khai thực hiện Nghị quyết, định kỳ hằng năm báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh kết
quả thực hiện.
2. Giao Thường trực Hội đồng nhân dân
tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và
đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân
dân tỉnh Thái Nguyên Khóa XIV, Kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 12 tháng 8 năm 2021./.
Nơi nhận:
- Ủy ban Thường vụ Quốc
hội (Báo cáo);
- Chính phủ (Báo cáo);
- Bộ Giáo dục và Đào tạo (Báo cáo);
- Bộ Tài chính (Báo cáo);
- Thường trực Tỉnh ủy (Báo cáo);
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh;
- Ủy ban MTTQ tỉnh;
- Các đại biểu HĐND tỉnh Khóa XIV;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Kiểm toán nhà nước Khu vực X;
- Văn phòng: Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- Các sở, ban, ngành, các đoàn thể của tỉnh;
- TT HĐND, UBND các huyện, thành phố, thị xã;
- Báo Thái Nguyên, Trung tâm Thông tin tỉnh;
- Lưu: VT, TH.
|
CHỦ TỊCH
Phạm Hoàng Sơn
|
TÓM TẮT ĐỀ ÁN
ĐÀO
TẠO, BỒI DƯỠNG NÂNG CAO NĂNG LỰC ĐỘI NGŨ NHÀ GIÁO VÀ CÁN BỘ QUẢN LÝ CƠ SỞ GIÁO
DỤC TỈNH THÁI NGUYÊN GIAI ĐOẠN 2021 - 2025, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Nghị quyết số 153/NQ-HĐND ngày 12 tháng 8 năm 2021 của Hội đồng
nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
I. Phạm vi và đối
tượng điều chỉnh
Cán bộ quản lý giáo dục, giáo viên tại
các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh.
II. Mục tiêu
1. Mục tiêu chung
Đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên và
cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, chuẩn hóa về
chuyên môn, nghiệp vụ nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa
giáo dục phổ thông, góp phần thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và
đào tạo.
2. Mục tiêu cụ thể
2.1. Mục tiêu đến năm 2025
- Về đào tạo để
đạt chuẩn trình độ: Phấn đấu 100% cán bộ quản lý, giáo viên các cấp học từ mầm
non đến phổ thông (còn trong độ tuổi theo quy định) đạt chuẩn về trình độ đào tạo.
- Về đào tạo để
nâng chuẩn trình độ: Phấn đấu 35,2% cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ đào tạo
trên chuẩn, trong đó cấp mầm non đạt 80%, cấp tiểu học đạt 2,0%, cấp trung học
cơ sở đạt 8,0% và cấp trung học phổ thông, giáo dục thường xuyên đạt 40%.
- Về số lượng và
cơ cấu giáo viên: Đảm bảo đủ số lượng giáo viên (biên chế
và hợp đồng) theo tỷ lệ định mức giáo viên/lớp đối với các cấp học, trong đó
tuyển đủ số giáo viên chuyên biệt còn thiếu ở mỗi cấp học (Tiếng Anh, Tin học,
Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục).
- Về bồi dưỡng:
+ Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý được bồi dưỡng năng lực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông.
+ Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực giảng dạy, giáo dục,
năng lực quản lý, bồi dưỡng nâng cao năng lực ngoại ngữ và năng lực công nghệ
thông tin.
- Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý được bồi dưỡng nâng cao năng lực theo chuẩn nghề nghiệp, chuẩn hiệu trưởng.
- Phấn đấu 100% cán bộ quản lý cơ sở
giáo dục mầm non, phổ thông được bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý giáo dục.
- Phấn đấu 100% giáo viên và cán bộ
quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông cốt cán được bồi dưỡng năng lực hỗ trợ
đồng nghiệp tự học, tự bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ thường xuyên, liên tục
ngay tại trường.
- Phấn đấu bồi dưỡng cho 100% giáo
viên dạy ngoại ngữ đạt chuẩn về năng lực để dạy học theo chương trình giáo dục
phổ thông.
- Phấn đấu bồi dưỡng cho 100% giáo
viên và cán bộ quản lý công tác tại các Trường phổ thông Dân tộc Nội trú sử dụng
được ít nhất một tiếng dân tộc ở địa bàn công tác.
2.2. Định hướng đến năm 2030
- Bảo đảm năng lực đội ngũ giáo viên,
cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông của tỉnh được chuẩn hóa ngang
tầm với các địa phương là trung tâm về giáo dục đào tạo của quốc gia, đáp ứng mục
tiêu, yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo, trong đó:
+ Đủ số lượng giáo viên theo quy định
với cơ cấu hợp lý; 100% cán bộ quản lý, giáo viên có đủ năng lực thực hiện
chương trình giáo dục.
+ Duy trì 100% đạt chuẩn đào tạo.
+ Trên 40% cán bộ quản lý, giáo viên
có trình độ đào tạo trên chuẩn.
III. Nhiệm vụ và
giải pháp
1. Tăng cường sự lãnh đạo của các
cấp ủy đảng, chính quyền đối với giáo dục
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy
đảng, chính quyền trong việc đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, coi giáo dục
và đào tạo là quốc sách hàng đầu.
- Làm tốt công tác giáo dục chính trị,
tư tưởng, phong cách, lối sống cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục;
quan tâm bồi dưỡng phát triển đảng viên mới, đảm bảo cả số lượng và chất lượng
đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
2. Bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục đủ về số lượng, đảm bảo về chất lượng và đồng bộ
về cơ cấu
- Xây dựng Đề án vị trí việc làm, số
lượng người làm việc phù hợp với chức danh nghề nghiệp và vị trí việc làm; xác
định số lượng và cơ cấu bộ môn từng cấp học; đánh giá chất lượng đội ngũ giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục. Trên cơ sở đó xây dựng kế hoạch tuyển dụng đủ
số lượng đội ngũ giáo viên các cấp học, ưu tiên tuyển dụng giáo viên những bộ
môn mới trong Chương trình giáo dục phổ thông.
- Rà soát, bố trí, sắp xếp lại những
giáo viên không đáp ứng yêu cầu bằng các giải pháp thích hợp như: Bố trí lại
công việc phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ; đồng thời bổ sung kịp thời lực lượng giáo
viên có đủ điều kiện và năng lực; giải quyết chế độ nghỉ hưu trước tuổi; chú trọng
đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên và cán bộ
quản lý giáo dục trong các cơ sở giáo dục theo hướng chuyên nghiệp hóa.
- Trên cơ sở nhu cầu đào tạo giáo
viên từ năm học 2020 - 2021 đến năm học 2024 - 2025, cung cấp thông tin nhu cầu
cho các cơ sở đào tạo để đào tạo giáo viên các cấp học, bổ sung nhu cầu giáo
viên do tăng quy mô số lớp, số học sinh và thay thế số giáo viên nghỉ hưu.
3. Thực hiện lộ trình đào tạo
trình độ đạt chuẩn và trên chuẩn của cán bộ quản lý và giáo viên
- Hằng năm, xây dựng kế hoạch đào tạo
để đạt chuẩn, đào tạo nâng chuẩn trình độ theo từng cấp học, bảo đảm nguyên tắc
có đủ giáo viên giảng dạy và tạo điều kiện thuận lợi cho giáo viên tham gia đào
tạo theo hình thức vừa làm, vừa học.
- Ưu tiên việc đào tạo, đào tạo lại
giáo viên các môn học còn thiếu theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông.
4. Bồi dưỡng nâng cao năng lực đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện Chương trình giáo dục phổ
thông 2018
Rà soát đánh giá đúng thực trạng đội
ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục để xây dựng kế hoạch bồi dưỡng hằng
năm theo các Đề án về đào tạo, bồi dưỡng của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục
và Đào tạo và của tỉnh để góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán
bộ quản lý giáo dục. Trong đó, tập trung thực hiện có hiệu quả công tác bồi dưỡng
thường xuyên, bồi dưỡng giáo viên theo hạng chức danh nghề nghiệp, bồi dưỡng đội
ngũ giáo viên cốt cán cho thực hiện chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ
thông.
5. Đổi mới công tác quản lý giáo
viên và cán bộ quản lý giáo dục
- Hoàn thiện cơ chế quản lý theo hướng
tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong hoạt động dạy học, nâng cao tinh thần trách
nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; phân
công, phân cấp hợp lý giữa các cấp, các ngành, các cơ quan về trách nhiệm, quyền
hạn quản lý giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục.
- Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các
văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về xây dựng, quản lý đội ngũ giáo viên
và cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, nhất là
công tác thanh tra chuyên môn và quản lý chất lượng giáo dục; quản lý chặt chẽ
các hình thức dạy thêm, học thêm, ngăn chặn và đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực
trong giáo dục.
- Hoàn thiện hồ sơ quản lý giáo viên
và cán bộ quản lý giáo dục, đồng thời nâng cấp, hiện đại công cụ quản lý thông
qua việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhân sự.
- Tổ chức triển khai đánh giá chuyên
môn theo chuẩn nghề nghiệp đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên các cấp;
đánh giá, phân loại cán bộ, công chức, viên chức đảm bảo khách quan, công bằng,
đúng quy định và tạo động lực cho cán bộ, công chức, viên chức.
- Đổi mới nâng cao chất lượng công
tác quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng, kiện toàn đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý
giáo dục; đề xuất điều tiết số lượng và cơ cấu đội ngũ giáo viên và cán bộ quản
lý giáo dục cho phù hợp với yêu cầu phát triển của tỉnh.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch,
tuyển chọn, bổ nhiệm cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông theo
hướng hình thành đội ngũ cán bộ có năng lực, uy tín, quyết tâm thực hiện thành
công các mục tiêu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo của tỉnh.
- Đổi mới công tác tuyển dụng giáo
viên theo hướng đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan, đúng pháp luật và có
tính cạnh tranh. Có cơ chế tuyển chọn, tuyển dụng, đãi ngộ người tài, người dân
tộc thiểu số của tỉnh.
6. Rà soát, tham mưu ban hành
chính sách đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
Căn cứ tình hình và điều kiện thực tế,
tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các chính sách nhằm đảm bảo
điều kiện, môi trường thuận lợi để đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục
phát huy khả năng cống hiến cho sự nghiệp phát triển giáo dục của tỉnh trong thời
gian tới.
7. Đầu tư cơ sở vật chất, tăng cường
ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, dạy học
- Đầu tư mở rộng cơ sở vật chất cho việc
đào tạo đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục; xây dựng quy hoạch tổng
thể cho tất cả các trường trong tỉnh theo hướng đầu tư, ổn định lâu dài, phù hợp
và đạt chuẩn; phấn đấu khắc phục khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng
dạy; tăng cường đầu tư hiện đại cho các trường trọng điểm, trường đạt chuẩn quốc
gia.
- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông
tin, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục
và đào tạo để nâng cao chất lượng giáo dục; trong đó tập trung về quản trị, quản
lý giáo dục, hoạt động dạy học, kiểm tra, đánh giá, kết nối giữa nhà trường,
gia đình và xã hội. Tiếp tục tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thực hiện Chương
trình, sách giáo khoa và bồi dưỡng thường xuyên trên môi trường mạng internet bằng
hệ thống quản lý học tập trung tâm.
IV. Kinh phí thực
hiện
1. Dự kiến kinh phí thực hiện Đề
án là: 80.289 triệu đồng, trong đó:
- Hỗ trợ học phí cho giáo viên, cán bộ
quản lý giáo dục đạt chuẩn: 48.735 triệu đồng.
- Bồi dưỡng Chương trình, sách giáo
khoa giáo dục phổ thông và bồi dưỡng thường xuyên: 31.554 triệu đồng.
2. Cơ cấu nguồn vốn: Từ nguồn kinh phí sự nghiệp giáo dục và nguồn xã hội hóa./.