Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Số hiệu: 99/2019/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Xuân Phúc
Ngày ban hành: 30/12/2019 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

Các “văn bằng trình độ tương đương” trong giáo dục đại học

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 99/2019/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2018.

Theo đó, Luật giáo dục đại học sửa đổi 2018 quy định “Văn bằng giáo dục đại học thuộc hệ thống giáo dục quốc dân bao gồm bằng cử nhân, bằng thạc sĩ, bằng tiến sĩ và văn bằng trình độ tương đương”.

Nghị định 99 hướng dẫn về văn bằng trình độ tương đương là văn bằng được cấp đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù, gồm:

- Bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền.

- Bằng dược sĩ.

- Bằng bác sĩ thú y.

- Bằng kỹ sư.

- Bằng kiến trúc sư.

- Một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ.

Các văn bằng trên được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo có khối lượng học tập như sau:

- Từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;

- Từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Nghị định 99/2019/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 15/02/2020.

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 99/2019/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 30 tháng 12 năm 2019

NGHỊ ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHI TIẾT VÀ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT SỬA ĐỔI, BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Giáo dục ngày 14 tháng 6 năm 2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ngày 25 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Luật Giáo dục đại học ngày 18 tháng 6 năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học ngày 19 tháng 11 năm 2018;

Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Nghị định này quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các khoản 3, 4, 10, 12, 13, 15, 17, 23, 24, 28 và 34 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

2. Nghị định này áp dụng đối với trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học), đại học và tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giáo dục đại học.

Điều 2. Đặt tên, đổi tên cơ sở giáo dục đại học

1. Tên tiếng Việt của cơ sở giáo dục đại học bao gồm:

a) Cụm từ xác định loại cơ sở giáo dục đại học: đại học, trường đại học, học viện;

b) Cụm từ xác định lĩnh vực, ngành nghề đào tạo (nếu cần);

c) Tên riêng bao gồm tên địa phương, tên danh nhân văn hóa, lịch sử, tên cá nhân, tổ chức (nếu có) và các tên riêng khác.

2. Tên giao dịch quốc tế của cơ sở giáo dục đại học được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ bằng tiếng nước ngoài phù hợp với thông lệ quốc tế. Đối với trường đại học là thành viên của đại học, tên giao dịch quốc tế bằng tiếng nước ngoài do đại học quy định.

3. Trường hợp thành lập mới hoặc đổi tên, tên tiếng Việt của cơ sở giáo dục đại học kèm tên giao dịch quốc tế, tên viết tắt được xác định trong đề án thành lập hoặc đề án đổi tên cơ sở giáo dục đại học; không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học khác đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc; không được gây nhầm lẫn về đẳng cấp, thứ hạng trường hoặc nội dung chương trình giảng dạy. Đồng thời, tên của cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài phải thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục đại học.

4. Hồ sơ đổi tên bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị đổi tên cơ sở giáo dục đại học;

b) Nghị quyết của hội đồng trường hoặc hội đồng đại học;

c) Đề án đổi tên cơ sở giáo dục đại học: nêu rõ lý do và sự cần thiết phải đổi tên; báo cáo đánh giá tác động đối với người học, cán bộ, giảng viên và các bên liên quan; các giải pháp xử lý rủi ro sau khi thực hiện đổi tên (nếu có);

d) Văn bản chấp thuận việc đổi tên của cơ quan quản lý trực tiếp cơ sở giáo dục đại học đối với cơ sở giáo dục đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

5. Quy trình xử lý hồ sơ đổi tên như sau:

a) Cơ sở giáo dục đại học gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục đại học và nêu rõ lý do.

6. Trường hợp đổi tên gắn với chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận hoặc chuyển trường đại học thành đại học hoặc liên kết các trường đại học thành đại học thì thực hiện theo quy định tại các khoản 1, 2 và 3 của Điều này và Điều 3 hoặc Điều 4 hoặc Điều 5 Nghị định này.

Điều 3. Chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Hồ sơ chuyển đổi bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị chuyển đổi cơ sở giáo dục đại học tư thục sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận, trong đó nêu rõ sự cần thiết phải chuyển đổi; tôn chỉ, mục đích hoạt động không vì lợi nhuận; phần vốn góp, phần tài sản thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia của cơ sở giáo dục đại học tư thục (nếu có);

b) Văn bản cam kết của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với cơ sở giáo dục đại học tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục đại học hoạt động không vì lợi nhuận, bảo đảm thực hiện hoạt động không vì lợi nhuận, không rút vốn, không hưởng lợi tức; phần lợi nhuận tích lũy hằng năm thuộc sở hữu chung hợp nhất không phân chia để tiếp tục đầu tư phát triển cơ sở giáo dục đại học tư thục;

c) Dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động; dự thảo quy chế tài chính nội bộ của cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

d) Các minh chứng khác kèm theo: Báo cáo kết quả kiểm toán, thỏa thuận giải quyết phần vốn góp cho nhà đầu tư không đồng ý chuyển đổi sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận (nếu có); các giấy tờ, tài liệu về đất đai, tài sản, tài chính, tổ chức và nhân sự của cơ sở giáo dục đại học tư thục chuyển sang cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

đ) Đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý;

e) Quyết định thành lập cơ sở giáo dục đại học tư thục, quyết định công nhận hội đồng trường đương nhiệm, quyết định công nhận hiệu trưởng đương nhiệm của cơ sở giáo dục đại học tư thục và các tài liệu liên quan khác (nếu có).

2. Quy trình xử lý hồ sơ chuyển đổi như sau:

a) Cơ sở giáo dục đại học gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho cơ sở giáo dục đại học tư thục và nêu rõ lý do.

Điều 4. Chuyển trường đại học thành đại học và thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học

1. Điều kiện để chuyển trường đại học thành đại học như sau:

a) Trường đại học đã được công nhận đạt chuẩn chất lượng cơ sở giáo dục đại học bởi tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục hợp pháp;

b) Có ít nhất 03 trường thuộc trường đại học được thành lập theo quy định tại khoản 4 Điều này; có ít nhất 10 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy trên 15.000 người;

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp đối với trường đại học công lập; có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp đối với trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

2. Hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học bao gồm:

a) Tờ trình đề nghị chuyển trường đại học thành đại học; nghị quyết của hội đồng trường;

b) Đề án chuyển trường đại học thành đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, các minh chứng quy định tại khoản 1 Điều này; dự thảo quy chế tổ chức hoạt động của đại học; các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành chuyển đổi (nếu có); đánh giá tác động của việc chuyển đổi về nhân sự, tài chính, tài sản và phương án xử lý.

3. Quy trình xử lý hồ sơ chuyển trường đại học thành đại học như sau:

a) Trường đại học gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho trường đại học và nêu rõ lý do.

4. Thành lập trường là đơn vị đào tạo thuộc cơ sở giáo dục đại học theo khoản 2 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học được quy định như sau:

a) Điều kiện thành lập: Có ít nhất 05 ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo từ trình độ đại học trở lên, trong đó có ít nhất 03 ngành đào tạo trình độ thạc sĩ, ít nhất 01 ngành đào tạo đến trình độ tiến sĩ; có quy mô đào tạo chính quy từ 2.000 người trở lên; có quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của trường thuộc cơ sở giáo dục đại học. Trường hợp thành lập trường chỉ để đào tạo các chương trình theo định hướng ứng dụng thì không cần điều kiện đào tạo đến trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Trường hợp thành lập trường có quy mô đào tạo chính quy nhỏ hơn 2.000 hoặc có số ngành thuộc cùng một lĩnh vực đào tạo trình độ đại học, trình độ thạc sĩ ít hơn quy định này thì phải có sự đồng ý của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, căn cứ vào tính đặc thù của lĩnh vực hoặc trình độ đào tạo;

b) Hồ sơ thành lập bao gồm: Đề án thành lập nêu rõ sự cần thiết thành lập trường, giải pháp thực hiện đề án; các minh chứng về điều kiện thành lập trường quy định tại điểm a khoản này;

c) Hội đồng trường hoặc hội đồng đại học có trách nhiệm thẩm định hồ sơ và ra quyết định thành lập trường thuộc cơ sở giáo dục đại học và gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo để báo cáo;

d) Tên của trường phải bảo đảm không được trùng hoặc gây nhầm lẫn với tên của cơ sở giáo dục đại học đã thành lập hoặc đăng ký, bảo đảm sự trong sáng của ngôn ngữ, không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.Tên giao dịch quốc tế của trường được dịch từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài, phải sử dụng các thuật ngữ tiếng nước ngoài theo thông lệ quốc tế.

Điều 5. Liên kết các trường đại học thành đại học

1. Điều kiện để các trường đại học liên kết thành đại học như sau:

a) Có ít nhất 3 trường đại học cùng loại hình công lập hoặc cùng loại hình tư thục liên kết thành đại học hoặc có ít nhất 3 trường đại học là trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận liên kết thành đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận;

b) Có dự thảo quy chế tổ chức và hoạt động của đại học do các trường đại học liên kết với nhau xây dựng, trong đó xác định mục tiêu, sứ mạng chung; các quy định về tổ chức, tài chính, tài sản; các nội dung khác (nếu có);

c) Có ý kiến chấp thuận của cơ quan quản lý trực tiếp trường đại học công lập hoặc có sự đồng thuận của các nhà đầu tư đại diện ít nhất 75% tổng số vốn góp tại mỗi trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận.

2. Hồ sơ liên kết các trường đại học thành đại học bao gồm:

a) Tờ trình cùng đề nghị liên kết thành đại học của các trường đại học tham gia liên kết;

b) Nghị quyết của các hội đồng trường về việc tham gia liên kết;

c) Đề án liên kết thành đại học, trong đó nêu rõ sự cần thiết, những thay đổi về mục tiêu, sứ mạng của các trường tham gia liên kết; dự thảo quy chế tổ chức, hoạt động của đại học; các giải pháp giải quyết rủi ro khi tiến hành liên kết (nếu có).

3. Quy trình xử lý hồ sơ như sau:

a) Trường đại học đại diện các trường tham gia liên kết gửi 01 bộ hồ sơ trực tiếp hoặc qua bưu điện kèm theo bản mềm đến Bộ Giáo dục và Đào tạo hoặc qua dịch vụ công trực tuyến thuộc cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Trong thời hạn 45 ngày làm việc tính từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định tại Điều này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tổ chức thẩm định hồ sơ, trình Thủ tướng Chính phủ quyết định;

c) Trường hợp hồ sơ không bảo đảm theo đúng quy định tại Điều này, trong thời hạn 10 ngày làm việc tính từ ngày nhận hồ sơ, Bộ Giáo dục và Đào tạo gửi văn bản thông báo cho các trường đại học và nêu rõ lý do.

Điều 6. Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài

Tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học thành lập theo hiệp định giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và bên ký kết nước ngoài được thực hiện theo quy định của hiệp định; nếu hiệp định đã được ký kết không quy định thì thực hiện theo Nghị định này và các quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 7. Quy trình, thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học công lập

1. Thủ tục thành lập hội đồng trường như sau:

a) Đối với trường đại học mới thành lập: Cơ quan quản lý trực tiếp giao quyền hiệu trưởng để tham gia hội đồng trường lâm thời và thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của hiệu trưởng cho đến khi có quyết định công nhận hiệu trưởng chính thức theo đề xuất của hội đồng trường.

Cơ quan quản lý trực tiếp quyết định về hội đồng trường lâm thời như sau: số lượng, cơ cấu thành viên, cách tổ chức bầu các thành viên bầu, chỉ đạo tổ chức thực hiện việc bầu các thành viên bầu và bầu chủ tịch hội đồng trường lâm thời theo quy định đối với hội đồng trường tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; ra quyết định công nhận hội đồng trường lâm thời và chủ tịch hội đồng trường lâm thời trước khi trường đại học đề nghị cho phép hoạt động đào tạo; nội dung quyết định ghi rõ thời gian hoạt động của hội đồng trường lâm thời, tối đa không quá 12 tháng kể từ khi được cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Việc thành lập hội đồng trường chính thức được thực hiện theo quy định tại điểm d khoản này.

b) Đối với trường đại học đang hoạt động nhưng chưa thực hiện quy định của pháp luật về thành lập hội đồng trường, trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thành lập hội đồng trường theo quy định tại điểm d khoản này;

c) Đối với trường đại học đang có hội đồng trường: Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn dưới 6 tháng thì hội đồng trường hoạt động cho đến hết nhiệm kỳ; đồng thời, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định tại điểm d khoản này. Trường hợp đến ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà nhiệm kỳ của hội đồng trường còn từ 6 tháng trở lên thì thực hiện như sau:

Nếu hội đồng trường đã được thành lập theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì hội đồng trường hoạt động đến hết nhiệm kỳ, quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Nếu hội đồng trường được thành lập chưa theo đúng quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định của Đảng tại thời điểm thành lập thì trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, tập thể lãnh đạo phải chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định tại điểm d khoản này. Hội đồng trường của nhiệm kỳ mới quyết định nhân sự hiệu trưởng và thực hiện các quyền, trách nhiệm khác theo quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học;

d) Cuối mỗi nhiệm kỳ hoặc theo quy định tại điểm b và điểm c khoản này, tập thể lãnh đạo chỉ đạo thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ mới theo quy định của Đảng, quy định của pháp luật, quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học và các quy định sau: Tập thể lãnh đạo đề xuất cơ quan quản lý trực tiếp cử đại diện tham gia hội đồng trường; thống nhất về số lượng, cơ cấu thành viên hội đồng trường với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường (nếu quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học chưa quy định); chỉ đạo thực hiện việc bầu các thành viên của hội đồng trường theo từng cơ cấu; tổ chức các thành viên hội đồng trường bầu chủ tịch hội đồng trường.

Việc tổ chức giới thiệu các thành viên bầu, sử dụng hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học, tỷ lệ tham gia hội nghị đại biểu (nếu có) phải được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học; nếu sử dụng hội nghị đại biểu thì số đại biểu phải chiếm trên 50% so với tổng số. Trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động chưa quy định thì tập thể lãnh đạo thống nhất với đại diện cơ quan quản lý trực tiếp và các thành viên đương nhiên khác của hội đồng trường để chỉ đạo thực hiện; sau khi được công nhận, hội đồng trường phải chỉ đạo sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới quy chế tổ chức và hoạt động theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, bao gồm nội dung nêu trên.

Trước khi kết thúc nhiệm kỳ ít nhất 30 ngày làm việc, tập thể lãnh đạo có trách nhiệm hoàn thiện, gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ mới.

đ) Tập thể lãnh đạo quy định trong khoản này là tập thể lãnh đạo của trường đại học bao gồm: ban thường vụ Đảng ủy hoặc cấp ủy (nơi không có ban thường vụ Đảng ủy), chủ tịch hội đồng trường, phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), hiệu trưởng, các phó hiệu trưởng. Tập thể lãnh đạo do chủ tịch hội đồng trường hoặc hiệu trưởng (trong thời gian chưa có chủ tịch hội đồng trường) chủ trì; làm việc theo nguyên tắc tập thể, quyết định theo đa số, trường hợp tập thể lãnh đạo là số chẵn, có kết quả biểu quyết hoặc bỏ phiếu 50/50 thì quyết định theo ý kiến của bên có người chủ trì.

2. Thủ tục thay thế chủ tịch, thành viên hội đồng trường như sau:

a) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường bị khuyết (bãi nhiệm, miễn nhiệm theo quy định tại khoản 5 Điều này, hết tuổi đảm nhiệm chức vụ theo quy định của pháp luật, chuyển công tác, mất) thì phó chủ tịch (nếu có), hoặc thư ký (nếu không có phó chủ tịch) tổ chức họp hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường mới theo quy định tại điểm c khoản 1 và và gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận;

b) Trường hợp hội đồng trường bị khuyết thành viên thì chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của các thành viên bị khuyết để chỉ đạo lựa chọn thành viên thay thế, phù hợp với quy định của pháp luật và quy chế tổ chức, hoạt động của trường đại học; gửi 01 bộ hồ sơ theo quy định tại điểm a khoản 4 Điều này đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Tờ trình nêu rõ lý do thay thế thành viên hội đồng trường kèm theo các hồ sơ minh chứng liên quan (nếu có);

3. Trường hợp thành viên ngoài trường đại học trúng cử làm chủ tịch hội đồng trường thì cơ quan quản lý có thẩm quyền thực hiện thủ tục theo quy định của pháp luật để chủ tịch hội đồng trường trở thành cán bộ cơ hữu của trường đại học.

4. Thủ tục công nhận hội đồng trường như sau:

a) Hồ sơ đề nghị công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường bao gồm: Tờ trình đề nghị công nhận hội đồng trường, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường; danh sách, sơ yếu lý lịch, văn bản đồng ý tham gia của chủ tịch và các thành viên hội đồng trường; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu, văn bản cử thành viên tham gia hội đồng trường của cơ quan quản lý trực tiếp và các tài liệu có liên quan;

b) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của trường đại học, cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hội đồng trường, chủ tịch và các thành viên hội đồng trường; trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

c) Sau khi được công nhận, hội đồng trường được sử dụng con dấu và bộ máy tổ chức của nhà trường để triển khai các công việc của hội đồng trường; chủ tịch hội đồng trường được hưởng phụ cấp chức vụ cao nhất trong danh mục phụ cấp chức vụ của trường đại học; phụ cấp chức vụ của phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có), thư ký hội đồng trường và các thành viên khác trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

5. Bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường được quy định như sau:

a) Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường và miễn nhiệm thành viên hội đồng trường được thực hiện trong các trường hợp sau: Có đề nghị bằng văn bản của cá nhân xin thôi tham gia hội đồng trường; bị hạn chế năng lực hành vi dân sự; không đủ sức khoẻ để đảm nhiệm công việc được giao, đã phải nghỉ làm việc quá 6 tháng mà khả năng lao động chưa hồi phục; vi phạm pháp luật nghiêm trọng hoặc đang chấp hành bản án của tòa án; có trên 50% tổng số thành viên của hội đồng trường đề nghị bằng văn bản về việc miễn nhiệm, bãi nhiệm; hoặc trường hợp khác được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học.

Trong trường hợp có đề xuất hợp pháp về việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường thì phó chủ tịch hội đồng trường (nếu có) hoặc thư ký hội đồng trường (nếu không có phó chủ tịch hội đồng trường) hoặc một thành viên hội đồng trường được trên 50% thành viên hội đồng trường đề nghị (nếu đã có đề xuất hợp pháp quá 30 ngày mà phó chủ tịch hoặc thư ký hội đồng trường không thực hiện) chủ trì cuộc họp giải quyết; cuộc họp phải bảo đảm về tỷ lệ và thành phần tham gia, tỷ lệ biểu quyết theo quy định của pháp luật;

b) Hội đồng trường có trách nhiệm xem xét, quyết định việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch, miễn nhiệm thành viên hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận. Hồ sơ gồm có: tờ trình nêu rõ lý do miễn nhiệm, bãi nhiệm và các văn bản, minh chứng liên quan;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của trường đại học, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định miễn nhiệm, bãi nhiệm; trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

6. Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng và công nhận hiệu trưởng như sau:

a) Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học, phù hợp với quy định của Đảng và pháp luật có liên quan. Trường hợp nhiệm kỳ của hiệu trưởng kết thúc đồng thời với nhiệm kỳ của hội đồng trường thì hiệu trưởng được kéo dài thời gian thực hiện nhiệm vụ cho đến khi cơ quan quản lý trực tiếp công nhận hiệu trưởng của nhiệm kỳ kế tiếp, trên cơ sở đề nghị của hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp;

b) Sau khi quyết định nhân sự hiệu trưởng, hội đồng trường gửi tờ trình đề nghị công nhận hiệu trưởng tới cơ quan quản lý trực tiếp; trong đó nêu rõ quy trình xác định nhân sự hiệu trưởng theo quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học và các minh chứng kèm theo; sơ yếu lý lịch, văn bản đồng ý của người được đề nghị công nhận hiệu trưởng;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của hội đồng trường, thủ trưởng cơ quan quản lý trực tiếp ra quyết định công nhận hiệu trưởng trường đại học; trường hợp không đồng ý, phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

7. Tổ chức hội đồng trường của cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định riêng của Chính phủ.

8. Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng của trường đại học thành viên thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học.

Điều 8. Thủ tục thành lập hội đồng trường, công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận

1. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường của trường đại học tư thục như sau:

a) Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường đối với trường đại học mới thành lập hoặc chưa có hội đồng trường: Hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu xác định số lượng, cơ cấu hội đồng trường; cử hoặc bầu theo tỷ lệ vốn góp đối với: đại diện nhà đầu tư; thành viên ngoài trường đại học là nhà lãnh đạo, nhà quản lý, nhà giáo dục, nhà văn hóa, nhà khoa học, cựu sinh viên, đại diện đơn vị sử dụng lao động; thành viên trong trường đại học là đại diện giảng viên, người lao động trên cơ sở nhân sự được hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học do hiệu trưởng tổ chức giới thiệu, đại diện người học (nếu có) do tổ chức của người học giới thiệu. Người có tỷ lệ vốn góp cao nhất trong số các thành viên tham gia hội đồng trường chủ trì việc bầu chủ tịch hội đồng trường, đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường trước khi đề nghị cho phép hoạt động đào tạo (đối với trường mới thành lập) hoặc trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành;

b) Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp: Nhà đầu tư có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho hội đồng trường đương nhiệm tổ chức thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường, bầu chủ tịch hội đồng trường theo quy định tại điểm a khoản này, đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường cho nhiệm kỳ kế tiếp;

c) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường bị bãi nhiệm, miễn nhiệm theo quy định tại khoản 3 Điều này thì phó chủ tịch (nếu có), hoặc thư ký hội đồng trường (nếu không có phó chủ tịch) tổ chức họp hội đồng trường để bầu chủ tịch hội đồng trường mới theo quy định tại điểm b khoản này và điểm b khoản 3 Điều này đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu ra quyết định công nhận;

d) Trường hợp có thành viên của hội đồng trường bị khuyết thì chủ tịch hội đồng trường căn cứ vào thành phần của thành viên bị khuyết để thực hiện quy trình lựa chọn thành viên thay thế theo quy định tại điểm b khoản này và gửi hồ sơ đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu công nhận bổ sung, thay thế thành viên hội đồng trường;

đ) Hồ sơ đề nghị công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường bao gồm: Tờ trình đề nghị công nhận, trong đó nêu rõ quy trình xác định các thành viên hội đồng trường; danh sách, sơ yếu lý lịch, văn bản đồng ý tham gia của chủ tịch và các thành viên của hội đồng trường; biên bản họp, biên bản kiểm phiếu bầu chủ tịch và các thành viên bầu của hội đồng trường;

e) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị của cơ sở giáo dục đại học, hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu quyết định công nhận hội đồng trường, chủ tịch và các thành viên hội đồng trường; trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do;

g) Chế độ, điều kiện làm việc của hội đồng trường và các chức danh trong hội đồng trường được quy định trong quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

2. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường của trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận như sau:

a) Đối với trường đại học mới thành lập: Hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu xác định số lượng, cơ cấu hội đồng trường; cử hoặc bầu đại diện nhà đầu tư tham gia hội đồng trường, trong đó xác định rõ người chủ trì thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường, bầu chủ tịch hội đồng trường. Người chủ trì có trách nhiệm tổ chức hội nghị toàn thể hoặc hội nghị đại biểu của trường đại học bầu đại diện giảng viên, người lao động và các thành viên ngoài trường tham gia hội đồng trường; tổ chức các thành viên hội đồng trường theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học bầu chủ tịch hội đồng trường; đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu quyết định công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường trước khi đề nghị cho phép hoạt động đào tạo;

b) Đối với trường đại học đang hoạt động: hội đồng trường phải bảo đảm về cơ cấu, tổ chức và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn theo quy định của pháp luật,quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học. Cuối mỗi nhiệm kỳ, chủ tịch hội đồng trường đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu cử hoặc bầu đại diện tham gia hội đồng trường nhiệm kỳ kế tiếp; tổ chức thực hiện quy trình thành lập hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp theo quy định tại điểm a khoản này và theo quy chế tổ chức và hoạt động của trường đại học. Trước khi kết thúc nhiệm kỳ ít nhất 30 ngày, chủ tịch hội đồng trường có trách nhiệm hoàn thiện hồ sơ, đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu trường đại học công nhận hội đồng trường và chủ tịch hội đồng trường của nhiệm kỳ kế tiếp;

c) Trường hợp chủ tịch hội đồng trường bị bãi nhiệm, miễn nhiệm thì thực hiện theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này; trường hợp có thành viên của hội đồng trường bị khuyết thì thực hiện theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều này; hồ sơ đề nghị và thời hạn công nhận hội đồng trường, chủ tịch hội đồng trường thực hiện theo quy định tại các điểm đ và e khoản 1 Điều này; chế độ, điều kiện làm việc của hội đồng trường và các chức danh trong hội đồng trường được quy định tại quy chế tổ chức và hoạt động của nhà trường.

3. Bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường như sau:

a) Việc bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường được thực hiện theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 7 Nghị định này;

b) Hội đồng trường xem xét, quyết nghị việc miễn nhiệm, bãi nhiệm chủ tịch hội đồng trường và gửi hồ sơ đề nghị hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu quyết định. Hồ sơ bao gồm: Tờ trình nêu rõ lý do các trường hợp miễn nhiệm, bãi nhiệm; các văn bản liên quan minh chứng cho các lý do miễn nhiệm, bãi nhiệm;

c) Trong thời hạn 30 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ đề nghị, hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu ra quyết định bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường; trường hợp không đồng ý thì phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Hội nghị nhà đầu tư được quy định trong Điều này là hội nghị của tất cả các nhà đầu tư được quy định tại khoản 11 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định sau:

a) Điều kiện, hình thức quyết định, tổ chức và hoạt động của hội nghị nhà đầu tư được thực hiện theo quy định tại khoản 11 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học.

b) Trước khi quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học có quy định cụ thể về hội nghị nhà đầu tư thì chủ tịch hội đồng quản trị (nếu có) hoặc đại diện đứng tên thành lập trường của các thành viên góp vốn (nếu không có hội đồng quản trị) triệu tập và chủ trì hội nghị nhà đầu tư. Hội nghị lần thứ nhất được coi là hợp pháp khi có số nhà đầu tư đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp tham dự; nếu lần triệu tập thứ nhất chưa đủ tỷ lệ này thì từ lần triệu tập thứ hai (về cùng nội dung hội nghị) phải có số nhà đầu tư đại diện ít nhất 51% tổng số vốn góp tham dự hội nghị.

Việc triệu tập hội nghị phải có nội dung rõ ràng, kèm theo dự thảo chương trình và các tài liệu liên quan; phải được gửi cho tất cả các thành viên góp vốn trước ít nhất 15 ngày tính đến ngày tổ chức hội nghị, bằng hình thức thư bảo đảm hoặc thư phát chuyển nhanh hoặc hình thức khác có thể xác định được việc gửi và nhận thông tin.

Nội dung hội nghị phải được ghi trong biên bản và được thông qua ngay tại hội nghị, có chữ ký của người chủ trì và thư ký hội nghị để lưu trữ. Nghị quyết của hội nghị phải được số thành viên góp vốn đại diện ít nhất 65% tổng số vốn góp của tất cả thành viên dự hội nghị thông qua bằng hình thức biểu quyết hoặc bỏ phiếu kín, phải được gửi đến tất cả thành viên góp vốn trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày nghị quyết được thông qua.

5. Thủ tục quyết định nhân sự hiệu trưởng và công nhận hiệu trưởng của trường đại học tư thục và trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thuộc thẩm quyền của hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu, thực hiện theo thủ tục được quy định tại khoản 6 Điều 7 Nghị định này.

6. Việc công nhận hội đồng trường; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng trường, bổ nhiệm, miễn nhiệm thành viên khác của hội đồng trường; công nhận hiệu trưởng trường đại học thành viên của đại học tư thục và đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thuộc thẩm quyền của hội đồng đại học, trừ trường hợp quy chế tổ chức và hoạt động của đại học tư thục và đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận quy định do hội nghị nhà đầu tư hoặc chủ sở hữu của đại học quyết định công nhận.

Điều 9. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học

1. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch và các thành viên hội đồng đại học công lập được hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định tại Điều 7 Nghị định này.

2. Thủ tục thành lập, công nhận hội đồng đại học; công nhận, bãi nhiệm, miễn nhiệm chủ tịch hội đồng đại học của đại học tư thục và đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được thực hiện theo quy định tại khoản 13 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định tại Điều 8 Nghị định này.

Điều 10. Công nhận cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu

1. Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu gắn kết chặt chẽ giữa đào tạo với hoạt động nghiên cứu khoa học, đạt các tiêu chí sau:

a) Đã công bố định hướng phát triển thành cơ sở giáo dục đại học nghiên cứu trong sứ mạng, tầm nhìn và mục tiêu của cơ sở giáo dục đại học; được công nhận đạt chuẩn kiểm định chất lượng giáo dục;

b) Có đơn vị thuộc, trực thuộc nghiên cứu khoa học cơ bản, nghiên cứu phát triển công nghệ nguồn; có tỷ lệ ngành đang đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ đạt từ 50% trở lên so với tổng số ngành đang đào tạo cấp bằng; trong 3 năm gần nhất, có quy mô tuyển sinh trình độ thạc sĩ, tiến sĩ trung bình không thấp hơn 20% tổng quy mô tuyển sinh và cấp trung bình từ 20 bằng tiến sĩ trở lên trong một năm;

c) Trong 3 năm gần nhất, tỷ trọng nguồn thu trung bình từ các hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nghiên cứu, chuyển giao không thấp hơn 15% tổng thu của cơ sở giáo dục đại học;

d) Trong 3 năm gần nhất, cơ sở giáo dục đại học công bố trung bình mỗi năm từ 100 bài báo trở lên và đạt tỷ lệ trung bình một giảng viên cơ hữu công bố mỗi năm từ 0,3 bài trở lên trên các tạp chí khoa học có uy tín trên thế giới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo quyết định danh mục tạp chí khoa học có uy tín làm cơ sở công nhận tiêu chí này;

đ) Tỷ lệ sinh viên trên giảng viên không quá 20; tỷ lệ giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ không thấp hơn 50% tổng số giảng viên cơ hữu của cơ sở giáo dục đại học; tỷ lệ giảng viên có chức danh giáo sư, phó giáo sư không thấp hơn 20% tổng giảng viên cơ hữu có trình độ tiến sĩ của cơ sở giáo dục đại học;

e) Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học công lập là giảng viên, cán bộ được tuyển dụng, sử dụng và quản lý theo quy định về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập.

Giảng viên cơ hữu, cán bộ quản lý cơ hữu của trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận là người lao động ký hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm hoặc hợp đồng không xác định thời hạn theo Bộ luật Lao động, không là công chức hoặc viên chức nhà nước, không đang làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ 3 tháng trở lên với đơn vị sử dụng lao động khác; do trường đại học trả lương và chi trả các khoản khác thuộc chế độ, chính sách đối với người lao động theo các quy định hiện hành.

2. Căn cứ vào các tiêu chí quy định tại khoản 1 Điều này và mục tiêu, sứ mạng, đề xuất của cơ sở giáo dục đại học với các minh chứng kèm theo, tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học kiểm định, công bố danh sách các cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn định hướng nghiên cứu trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học; hằng năm, rà soát và đưa ra khỏi danh sách những cơ sở giáo dục đại học không còn đạt tiêu chuẩn trên; báo cáo kết quả về Bộ Giáo dục và Đào tạo.

3. Cơ sở giáo dục đại học định hướng nghiên cứu được ưu tiên thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ.

Điều 11. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam

1. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và quy định hiện hành của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và thực hiện một số quy định cụ thể sau đây:

a) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học có giám đốc, phó giám đốc phân hiệu và các đơn vị phục vụ phù hợp với yêu cầu hoạt động của phân hiệu;tổ chức và hoạt động của phân hiệu được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động của cơ sở giáo dục đại học;

b) Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn do cơ sở giáo dục đại học quy định.

2. Phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tại Việt Nam được thành lập và hoạt động theo quy định tại khoản 15 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và thực hiện một số quy định cụ thể sau đây:

a) Cơ sở giáo dục đại học nước ngoài thành lập phân hiệu tại Việt Nam phải là cơ sở giáo dục đại học đang hoạt động hợp pháp, bảo đảm chất lượng theo quy định của nước sở tại;

b) Có vốn đầu tư ít nhất là 500 tỷ đồng Việt Nam (không bao gồm các chi phí sử dụng đất); đến thời điểm thẩm định cho phép thành lập phân hiệu, giá trị đầu tư thực hiện được trên 250 tỷ đồng;

c) Đáp ứng các điều kiện khác về thành lập, hoạt động và thực hiện thủ tục, thẩm quyền theo quy định của pháp luật Việt Nam về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục như đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam;

d) Chương trình đào tạo tại phân hiệu là chương trình có giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục còn hiệu lực hoặc được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật nơi cơ sở giáo dục đại học nước ngoài đang hoạt động và chương trình giáo dục thường xuyên được cơ sở giáo dục đại học nước ngoài tổ chức thực hiện tại phân hiệu theo khoản 3 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

đ) Việc giải thể, đình chỉ hoạt động giáo dục của phân hiệu cơ sở giáo dục nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện theo quy định hiện hành về hợp tác, đầu tư của nước ngoài trong lĩnh vực giáo dục như đối với cơ sở giáo dục đại học có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

Điều 12. Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học

1. Điều kiện thành lập, cho phép hoạt động,đình chỉ hoạt động, giải thể tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học của Việt Nam được thực hiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

2. Trách nhiệm, quyền hạn của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục đại học bao gồm:

a) Xây dựng cơ cấu tổ chức, bộ máy; bồi dưỡng, sử dụng, quản lý kiểm định viên; ban hành các văn bản nội bộ để tổ chức, triển khai các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo;

b) Tổ chức các hoạt động đánh giá và công nhận cơ sở giáo dục đại học và chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục theo yêu cầu của cơ sở giáo dục hoặc tổ chức có thẩm quyền, cấp và thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục.

Việc đánh giá và công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục đối với chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục đại học thuộc Bộ Công an, Bộ Quốc phòng thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo sau khi thống nhất ý kiến với Bộ Công an, Bộ Quốc phòng.

c) Công khai giấy phép hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục, quy chế tổ chức và hoạt động của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục, danh sách hội đồng kiểm định chất lượng giáo dục, danh sách kiểm định viên, kết quả hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trên trang thông tin điện tử của tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

d) Tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn đánh giá chất lượng giáo dục, quy trình kiểm định chất lượng giáo dục; các nguyên tắc hoạt động, điều kiện và tiêu chuẩn của tổ chức, cá nhân hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục; về giám sát, đánh giá tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục;

đ) Gửi báo cáo cho Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận kiểm định chất lượng giáo dục để công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giáo dục và Đào tạo; cung cấp hồ sơ, tài liệu kiểm định chất lượng giáo dục theo yêu cầu bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền;

e) Hằng năm, trước ngày 31 tháng 12, gửi báo cáo đánh giá kết quả thực hiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục trong năm, kế hoạch triển khai cho năm tiếp theo và các đề xuất, kiến nghị (nếu có) về Bộ Giáo dục và Đào tạo;

g) Thực hiện trách nhiệm, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật.

3. Điều kiện và thủ tục để tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nước ngoài được công nhận hoạt động tại Việt Nam được thực hiện theo quy định của Chính phủ về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Điều 13. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của cơ sở giáo dục đại học

Cơ sở giáo dục đại học thực hiện quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định sau:

1. Quyền tự chủ về học thuật và hoạt động chuyên môn

a) Được quyền ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động tuyển sinh, đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác trong nước và quốc tế phù hợp quy định của pháp luật;

b) Xác định, công bố công khai phương thức, chỉ tiêu tuyển sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trừ lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo quy định của cơ quan quản lý trực tiếp;

c) Quyết định phương thức tổ chức và quản lý đào tạo đối với các trình độ, hình thức đào tạo; xây dựng, thẩm định, ban hành chương trình đào tạo phù hợp với quy định về Khung trình độ quốc gia Việt Nam, về chuẩn chương trình đào tạo, bảo đảm không gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia, lợi ích cộng đồng, không xuyên tạc lịch sử, ảnh hưởng xấu đến văn hóa, đạo đức, thuần phong mỹ tục và đoàn kết các dân tộc Việt Nam, hòa bình, an ninh thế giới, không có nội dung truyền bá tôn giáo; biên soạn, lựa chọn, thẩm định, phê duyệt và sử dụng tài liệu giảng dạy, giáo trình giáo dục đại học (trừ các môn học bắt buộc); tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng các chương trình đào tạo của giáo dục đại học; thiết kế mẫu, in phôi, cấp phát, quản lý văn bằng, chứng chỉ phù hợp với quy định của pháp luật;

d) Quyết định đào tạo từ xa, liên kết đào tạo trình độ đại học theo hình thức vừa làm vừa học với cơ sở giáo dục trong nước đủ điều kiện theo quy định của pháp luật;

đ) Quyết định hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Điều 16 Nghị định này; quyết định các hoạt động hợp tác quốc tế quy định tại các khoản 3, 5 và 6 Điều 44 của Luật Giáo dục đại học, phù hợp với quy định của pháp luật;

e) Nếu đủ điều kiện thực hiện quyền tự chủ theo quy định tại khoản 17 thì được tự chủ mở ngành đào tạo theo quy định tại khoản 18, được tự chủ liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định tại khoản 30, Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học;

Các đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài cho trường đại học thành viên và đơn vị đào tạo thuộc đại học khi đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 33 và điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài quy định tại Điều 45 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung). Các trường đại học thành viên của đại học được tự chủ ra quyết định mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài khi đáp ứng điều kiện mở ngành theo quy định tại khoản 3 Điều 33 và điều kiện liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định tại khoản 5 Điều 45 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung), phù hợp với quy chế tổ chức và hoạt động của đại học.

Cơ sở giáo dục đại học chưa đáp ứng điều kiện theo quy định tại Khoản 17 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì thực hiện mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài theo quy định của pháp luật.

g) Thực hiện các quyền tự chủ khác về học thuật và hoạt động chuyên môn phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự

a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập; về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; có quyền tự chủ về tổ chức, bộ máy và nhân sự để thực hiện nhiệm vụ chuyên môn nhưng không được làm tăng số lượng người làm việchưởng lương, mức lương (bao gồm cả lương và phụ cấp) từ quỹ lương do ngân sách nhà nước cấp;

b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; có trách nhiệm công bố công khai về cơ cấu tổ chức, người đại diện theo pháp luật trên trang thông tin điện tử của nhà trường;

c) Các cơ sở giáo dục đại học phải ban hành, tổ chức thực hiện quy định nội bộ về tổ chức bộ máy và nhân sự; thực hiện các quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự khác theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và pháp luật có liên quan;

d) Việc thành lập phân hiệu của cơ sở giáo dục đại học, thành lập doanh nghiệp trực thuộc cơ sở giáo dục đại học thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

3. Quyền tự chủ về tài chính và tài sản

a) Cơ sở giáo dục đại học công lập thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định hiện hành về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập;

b) Cơ sở giáo dục đại học tư thục, cơ sở giáo dục đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận thực hiện quyền tự chủ về tài chính và tài sản theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và các quy định của pháp luật khác có liên quan; được Nhà nước hỗ trợ phát triển phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và các quy định về đầu tư phát triển giáo dục đại học;

c) Các cơ sở giáo dục đại học phải ban hành, tổ chức thực hiện quy định nội bộ về tài chính và tài sản, thực hiện các quyền tự chủ về tài chính và tài sản khác theo quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và pháp luật khác có liên quan.

4. Trách nhiệm giải trình

a) Cơ sở giáo dục đại học thực hiện đầy đủ các quy định, yêu cầu về chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất của chủ sở hữu và cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; gửi các quy định nội bộ được nêu tại điểm b, khoản 2 Điều 16 của Luật Giáo dục đại học (đã được sửa đổi, bổ sung) và các quy định, quyết định nêu tại các điểm a, d và e khoản 1 Điều này về Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành để phục vụ công tác quản lý nhà nước về giáo dục đại học;

b) Chịu trách nhiệm trước người học, chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền và các bên liên quan về việc bảo đảm chất lượng đào tạo theo quy định của pháp luật, quy định nội bộ và cam kết của cơ sở giáo dục đại học;

c) Thực hiện công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học về các nội dung: sứ mạng, tầm nhìn của cơ sở giáo dục đại học; các quy chế, quy định nội bộ; danh sách giảng viên theo ngành, trình độ, chức danh và các điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo khác; kết quả kiểm định chương trình đào tạo, kiểm định cơ sở giáo dục đại học; chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, hình thức đào tạo, kế hoạch tổ chức đào tạo; đề án tuyển sinh và kế hoạch tuyển sinh, danh sách nhập học và tốt nghiệp hằng năm theo ngành, trình độ đào tạo, quy mô đào tạo và tỷ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng tốt nghiệp; mẫu văn bằng, chứng chỉ, danh sách cấp văn bằng, chứng chỉ cho người học hằng năm; chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và các khoản thu khác của người học cho từng năm học và dự kiến cả khóa học; chế độ, chính sách miễn, giảm học phí, học bổng; các nội dung khác theo quy định của pháp luật;

d) Công khai thông báo chỉ tiêu tuyển sinh, quyết định mở ngành, quyết định liên kết đào tạo cùng với hồ sơ chứng minh đủ điều kiện theo quy định lên trang thông tin điện tử của nhà trường trước khi thực hiện ít nhất 30 ngày làm việc; gửi thông báo, quyết định tới Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời hạn 30 ngày, tính từ ngày thông báo hoặc ra quyết định;

đ) Thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu của nhà trường lên hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; chịu trách nhiệm trước pháp luật về các văn bản đã ban hành, các quyết định, các hoạt động tự chủ thực hiện;

e) Thực hiện chế độ báo cáo tài chính theo quy định và công khai trên trang thông tin điện tử của cơ sở giáo dục đại học, trừ những thông tin thuộc danh mục bí mật Nhà nước.

5. Quyền tự chủ và trách nhiệm giải trình của các cơ sở giáo dục đại học thuộc lực lượng vũ trang nhân dân thực hiện theo quy định của Nghị định này và quy định của pháp luật có liên quan.

Điều 14. Trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù

1. Trình độ đào tạo đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù là trình độ của người đã tốt nghiệp các chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù sau đây:

a) Chương trình có khối lượng học tập từ 150 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trung học phổ thông và tương đương hoặc có khối lượng học tập từ 30 tín chỉ trở lên đối với người đã tốt nghiệp trình độ đại học;

b) Chương trình có khối lượng học tập từ 90 tín chỉ trở lên đối với người có trình độ tương đương Bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

2. Căn cứ vào quy định về điều kiện đầu vào, khối lượng học tập tối thiểu, chuẩn giảng viên, chuẩn đầu ra và các chuẩn khác trong chuẩn chương trình đào tạo các trình độ của giáo dục đại học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, người tốt nghiệp chương trình đào tạo chuyên sâu đặc thù được xếp vào bậc tương ứng trong Khung trình độ quốc gia Việt Nam.

Điều 15. Văn bằng, chứng chỉ giáo dục đại học

1. Hệ thống văn bằng giáo dục đại học bao gồm:

a) Bằng cử nhân cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ đại học theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 6 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

b) Bằng thạc sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ thạc sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 7 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

c) Bằng tiến sĩ cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo trình độ tiến sĩ theo quy định của pháp luật, đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra bậc 8 theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam và các quy định cụ thể, hợp pháp của cơ sở đào tạo;

d) Văn bằng trình độ tương đương là văn bằng quy định tại khoản 2 Điều này.

2. Văn bằng đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục đại học bao gồm bằng bác sĩ y khoa, bác sĩ nha khoa, bác sĩ y học cổ truyền, bằng dược sĩ, bằng bác sĩ thú y, bằng kỹ sư, bằng kiến trúc sư, và một số văn bằng khác theo quy định riêng của Chính phủ, được cấp cho người tốt nghiệp chương trình đào tạo quy định tại Điều 14 Nghị định này.

3. Chứng chỉ đối với một số ngành đào tạo chuyên sâu đặc thù thuộc hệ thống giáo dục quốc dân được cấp cho người học đã hoàn thành chương trình đào tạo hoặc bồi dưỡng nâng cao trình độ học vấn, nghề nghiệp do bộ, cơ quan ngang bộ quy định hoặc cấp cho người học dự thi đạt yêu cầu cấp chứng chỉ, phù hợp với quy định về cấp chứng chỉ trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Điều 16. Hoạt động khoa học và công nghệ trong cơ sở giáo dục đại học

1. Cơ sở giáo dục đại học thực hiện hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định tại Luật Khoa học và công nghệ và quy định tại khoản 24 Điều 1 của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của cơ sở giáo dục đại học trong hoạt động khoa học và công nghệ bao gồm:

a) Thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật;

b) Ban hành và tổ chức thực hiện các quy định nội bộ về hoạt động khoa học công nghệ và khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trên cơ sở các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động khoa học và công nghệ; tạo điều kiện và khuyến khích tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư phát triển tiềm lực khoa học và công nghệ;

c) Thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp, quy định của pháp luật có liên quan và quyết định của hội đồng trường, hội đồng đại học với mục đích ứng dụng, triển khai, thương mại hoá các kết quả nghiên cứu và cung ứng dịch vụ sự nghiệp công;

d) Triển khai các hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định của pháp luật.

Điều 17. Chuyển nhượng vốn và rút vốn đầu tư vào cơ sở giáo dục đại học

1. Việc chuyển nhượng quyền sở hữu phần vốn góp của thành viên góp vốn trong trường đại học tư thục, trường đại học tư thục hoạt động không vì lợi nhuận được quy định cụ thể trong quy chế tổ chức và hoạt động, quy chế tài chính nội bộ của cơ sở giáo dục đại học, phù hợp với các quy định của pháp luật, bảo đảm sự ổn định, phát triển của cơ sở giáo dục đại học và phải tuân thủ các nguyên tắc chuyển nhượng sau đây:

a) Người có nhu cầu chuyển nhượng thông báo các điều kiện chuyển nhượng với hội đồng trường;

b) Hội đồng trường thông báo các điều kiện chuyển nhượng đến các thành viên góp vốn còn lại và công khai với người lao động của nhà trường với cùng điều kiện; thông báo phải có giá trị ít nhất 30 ngày, từ ngày thông báo;

c) Việc chuyển nhượng thực hiện theo thứ tự: Giữa các thành viên góp vốn của cơ sở giáo dục đại học theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của từng thành viên; cho người lao động trong nhà trường nếu các thành viên góp vốn không nhận chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng không hết; cho người không phải là thành viên góp vốn và người lao động trong cơ sở giáo dục đại học nếu người lao động của cơ sở giáo dục đại học không nhận chuyển nhượng hoặc nhận chuyển nhượng không hết.

2. Việc rút vốn góp vào trường đại học tư thục phải theo quy định của pháp luật, các quy chế của cơ sở giáo dục đại học và bảo đảm sự ổn định, phát triển của cơ sở giáo dục đại học.

3. Việc xử lý về tài chính, tài sản trong trường hợp cơ sở giáo dục đại học bị giải thể được áp dụng theo quy định của pháp luật.

Điều 18. Điều khoản chuyển tiếp

Các cơ sở giáo dục đại học công lập đang thực hiện thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động theo Nghị quyết số 77/NQ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2014 của Chính phủ được thực hiện quyền tự chủ về tổ chức bộ máy và nhân sự, về tài chính và tài sản theo các quy định của Luật Giáo dục đại học, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học và Nghị định này. Đề án tự chủ đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt được thực hiện cho đến khi Chính phủ ban hành Nghị định mới về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập, về số lượng người làm việc và vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; về cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.

Điều 19. Hiệu lực thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 15 tháng 02 năm 2020.

2. Bãi bỏ: Điều 2, khoản 2 Điều 3, Điều 6 Nghị định số 141/2013/NĐ-CP ngày 24 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Giáo dục đại học; Nghị định số 73/2015/NĐ-CP ngày 08 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định tiêu chuẩn phân tầng, khung xếp hạng và tiêu chuẩn xếp hạng cơ sở giáo dục đại học; Quyết định số 70/2014/QĐ-TTg ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Điều lệ trường đại học; khoản 4 Điều 7 Nghị định số 127/2018/NĐ- CP ngày 21 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định trách nhiệm quản lý nhà nước về giáo dục.

Điều 20. Trách nhiệm thi hành

1. Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ đạo thực hiện Nghị định này.

2. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia;
- Ngân hàng Chính sách xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: VT, KGVX (2b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc

THE GOVERNMENT

-------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

---------------

No. 99/2019/ND-CP

Hanoi, December 30, 2019

 

DECREE

ELABORATING AND PROVIDING GUIDELINES FOR A NUMBER OF ARTICLES OF LAW ON AMENDMENTS TO LAW ON HIGHER EDUCATION

Pursuant to the Law on Government Organization dated June 19, 2015;

Pursuant to the Education Law dated June 14, 2005 and Law on amendments to the Education Law dated November 25, 2009;

Pursuant to the Law on Higher Education dated June 18, 2012 and Law on amendments to the Law on Higher Education dated November 19, 2018;

At the request of the Minister of Education and Training;

The Government hereby promulgates a Decree elaborating and providing guidelines for a number of Articles of the Law on amendments to the Law on Higher Education.

Article 1. Scope and regulated entities

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

2. This Decree applies to universities and academies (hereinafter collectively referred to as “universities”), parent universities, and organizations and individuals involved in higher education.

Article 2. Naming and renaming higher education institutions

1. Vietnamese name of a higher education institution includes:

a) A phrase denoting the type of higher education institution such as “đại học” (“parent university”), “trường đại học” (“university”) or “học viện” (“academy”);

b) A phrase denoting its academic discipline (if needed);

c) A proper name such as the name of a location, a cultural or historical figure, an individual or organization (if any) and other proper names.

2. International business name of a higher education institution shall be translated from Vietnamese to a foreign language using terminologies appropriate to international practice. For universities affiliated to a parent university, their international business names shall be stipulated by such parent university.

3. In case a higher education institution is newly established or renamed, its Vietnamese name, international business name and abbreviated name shall be included in its establishment or renaming scheme. Such names must not be identical to or easily mistaken with those of another established or registered higher education institution; contain inappropriate language or words or symbols violating national history, culture, ethics, fine traditions and customs; or cause any confusion regarding its rank or curricula. Foreign-invested higher education institutions shall be named according to existing regulations on foreign cooperation and investment in higher education.

4. A renaming application consists of:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) A resolution of the institution’s council or its parent university’s council;

c) A renaming scheme, which includes the reason and necessity for renaming; assessment of impact on learners, officials, lecturers and relevant parties; and post-renaming risk control methods (if any);

d) A written approval for renaming from the institution’s supervisory authority (hereinafter referred to as “supervisory authority”) for public higher education institutions or approval from investors owning at least 75% of total contributed capital for private universities and non-profit private universities.

5. Procedures for handling of the renaming application:

a) The higher education institution shall send 01 application in person or by post together with the electronic file to the Ministry of Education and Training or via the public services portal of the Ministry of Education and Training;

b) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the Ministry of Education and Training shall appraise the application and submit it to the Prime Minister for decision;

c) If the application is inadequate, within 10 working days from the date of its receipt, the Ministry of Education and Training shall provide a written notice and explanation to the institution.

6. In case of renaming in connection with conversion from a private higher education institution into a non-profit private higher education institution, or conversion from a university into a parent university, or connecting universities into a parent university, regulations in Clauses 1, 2 and 3 of this Article and Article 3 or Article 4 or Article 5 of this Decree shall apply.

Article 3. Conversion from a private higher education institution into a non-profit private higher education institution

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) An application for conversion from a private higher education institution into a non-profit private higher education institution, which includes the necessity for conversion; principles and objectives of its non-profit operation; contributed capital and assets under indivisible joint ownership of the private higher education institution (if any);

b) A written commitment, from investors owning at least 75% of contributed capital of the private higher education institution, on assurance of non-profit operation, capital non-withdrawal and not-for-profit operation;  and on maintenance of annual accumulated earnings under indivisible joint ownership to continue developing the institution;

c) A draft of organization and operation regulations; and a draft of internal financial regulations of the non-profit private higher education institution;

d) Other enclosed evidence, including an audit report, an agreement on settlement of capital contributed by investors who do not accede to the conversion (if any); documents on land, property, finance, organization and personnel of the private higher education institution;

dd) An assessment of the conversion’s impact on personnel, finance and property and plans for handling of such impact;

e) A decision on establishment of the private higher education institution, decisions on recognition of the current council and of the incumbent principal of the private higher education institution, and other relevant documents (if any).

2. Procedures for handling of the conversion application:

a) The higher education institution shall send 01 application in person or by post together with the electronic file to the Ministry of Education and Training or via the public services portal of the Ministry of Education and Training;

b) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the Ministry of Education and Training shall appraise the application and submit it to the Prime Minister for decision;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 4. Conversion from a university into a parent university and establishment of a school affiliated to a higher education institution

1. Conditions for conversion from a university into a parent university:

a) The university has been accredited by a legal educational accreditation body (“accreditation body”);

b) At least 03 of its affiliates are established according to regulations in Clause 4 herein; doctoral training is available in at least 10 academic disciplines; and it is capable of accommodating more than 15,000 full-time learners;

c)  If it is a public university, the conversion must be approved by its supervisory authority; if it is a private university or non-profit private university, the conversion must be approved by investors owning at least 75% of its total contributed capital.

2. An application for conversion from a university into a parent university includes:

a) An application for conversion from a university into a parent university; and resolution of the university council;

b) A scheme for conversion from a university into a parent university, which includes the necessity, evidence on the requirements in Clause 1 herein; a draft of operation regulations of the parent university; solutions to risks upon conversion (if any); assessment of the conversion’s impact on personnel, finance and property and plans for handling of such impact.

3. Procedures for handling of the application for conversion from a university into a parent university:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the Ministry of Education and Training shall appraise the application and submit it to the Prime Minister for decision;

c) If the application is inadequate, within 10 working days from the date of its receipt, the Ministry of Education and Training shall provide a written notice and explanation to the institution.

4. Regulations on establishment of a school affiliated to a higher education institution defined in Clause 2 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education:

a) Establishment conditions: The school has at least 05 academic disciplines of the same field of study at the undergraduate level or higher, in which, 03 also provide master’s training and at least 01 also provides doctoral training; it is capable of accommodating at least 2,000 full-time students; and there are regulations on its functions, duties and organizational structure. Availability of master's training and doctoral training is not required if the school is established for the sole purpose of providing application-oriented programs. In case the abovementioned capacity or number of academic disciplines is not satisfied, the Minister of Education and Training has the power to decide its establishment based on characteristics of its field of study or training levels;

b) An application for establishment includes an establishment scheme providing the necessity of such establishment, plans to execute the scheme and evidence on the conditions prescribed in Point a herein;

c) The school council or university network’s council shall appraise the application, issue a decision to establish the school and send it to the Ministry of Education and Training for reporting;

d) The school’s name shall not be identical to or easily mistaken with the name of another established or registered higher education institution, or contain improper language or words or marks that violate national history, culture, ethics, fine traditions and customs. Its international business name shall be translated from Vietnamese to a foreign language using terminologies in accordance with international practice.

Article 5. Connecting universities to establish a parent university

1. Conditions for connecting universities to establish a parent university:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) The constituent universities develop a draft of regulations on organization and operation of the university network, including the common objectives and missions; regulations on organization, finance and property; and other contents (if any);

c)  If the constituent universities are public universities, the establishment must be approved by the supervisory authority of each university; if the constituent universities are private universities and/or non-profit private universities, the establishment must be approved by investors owning at least 75% of total contributed capital of each university.

2. An application for establishment of a parent university includes:

a) An application for and agreement on establishment of the parent university from constituent universities;

b) Resolutions on joining the parent university from councils of the constituent universities;

c) A scheme for establishment of the parent university, which comprises the necessity of such establishment, change to objectives and missions of constituent universities; draft of regulations on organization and operation of the parent university; and solutions to risks upon such establishment (if any).

3. Procedures for handling of the application:

a) A university representing all constituent universities shall send 01 application in person or by post together with the electronic file to the Ministry of Education and Training or via the public services portal of the Ministry of Education and Training;

b) Within 45 working days from the date of receipt of an adequate application, the Ministry of Education and Training shall take charge and cooperate with other relevant Ministries and regulatory bodies in appraising the application and submitting it to the Prime Minister for decision;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 6. Organization and operation of higher education institutions established under agreements between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and foreign signatories

Higher education institutions established under agreements between the Government of the Socialist Republic of Vietnam and foreign signatories shall be organized and operated according to the provisions in those agreements. If an agreement does not provide for such matters, this Decree and relevant regulations of laws shall apply.

Article 7. Procedures for establishment and recognition of university councils; recognition and dismissal of chairpersons of university councils, appointment and dismissal of other members of university councils; and recognition of principals for public universities

1. Procedures for establishment of a university council:

a) For newly established universities: The supervisory authority has the power to participate in the provisional university council and perform the duties and exercise the powers connected to the principal position until an official principal recognition decision is issued upon proposal from the university council.

The supervisory authority has the power to make decisions regarding the provisional university council as follows: decide number of members and organizational structure of the council and method to elect elective members; direct election of elective members and chairperson of the provisional council according to regulations on university councils in the Law on amendments to the Law on Higher Education; and issue decision to recognize the provisional council and provisional chairperson before the university requests permission to operate. Such decision shall include operating duration of the provisional council, which shall not exceed 12 months from the date of issuance of the decision. The official university council shall be established following the procedures in Point d of this Clause.

b) For operating universities lacking a university council: Within 6 months starting from the effective date of this Decree, the university leaders shall direct establishment of a university council following the procedures in Point d herein;

c) For universities with an operating university council: In case, by the effective date of this Decree, there are only 6 months to the tenure of the university council, the council shall operate until its tenure is concluded; concurrently, the university leaders shall direct establishment of a new council following the procedures in Point d herein. Otherwise, the following regulations shall apply:

If the university council was established in accordance with regulations in the Law on amendments to Law on Higher Education and regulations of the Communist Party at the time of its establishment, it may operate until the end of its tenure, decide the principal, exercise other rights and fulfill other responsibilities as prescribed by law and regulations on organization and operation of its university.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) At the end of each tenure or according to regulations in Points b and c herein, the university leaders shall direct establishment of the university council of the next tenure in compliance with regulations of the Communist Party, regulations of laws, regulations on organization and operation of the university and the following regulations: The university leaders shall request the supervisory authority to assign a representative to the council (“supervisory representative”); finalize number of members and organizational structure of the council with such representative and other ex officio members (if not yet regulated by university organization and operation regulations); organize election of council members and election of the council chairperson by council members.

Nomination of elective members, convention of a plenary conference or conference of delegates, and number of attendees thereof must be included in the university organization and operation regulations; if a conference of delegate is convened, at least 50% of total delegates must be present. In case such matters are not provided for, the university leaders shall proceed as agreed with the supervisory representative and other ex officio members of the council; after being recognized, the council shall add the abovementioned contents to the university organization and operation regulations or promulgate new regulations on such contents.

At least 30 days prior to the end of a council tenure, the university leaders shall send an application prescribed in Point a Clause 4 herein to the supervisory authority to request decision on recognition of the new university council and chairperson thereof.

d) The university leaders mentioned in this Clause include the standing committee of the Party Executive Committee, chairperson and deputy chairperson (if any) of the university council, principal and vice principals. The chairperson of the university council or principal (when there is no council chairperson) shall lead this group on the bases of collective leadership and majority rule and make the final decision regarding any tie vote result.

2. Procedures for substitution of council chairperson and members:

a) In case the council chairperson position is vacant (due to dismissal according to Clause 5 herein, being over the age to hold the position as per the law, job transfer or decease), the deputy chairperson (if any) or secretary (if there is no deputy chairperson) shall convene the council to elect a new chairperson according to regulations in Point c Clause 1 and send 01 application prescribed in Clause 4 herein to request the supervisory authority to recognize the new chairperson;

b) In case a council member position is vacant, the council chairperson shall organize selection of a substitute suitable to the role of the vacant position and in compliance with the law and university organization and operation regulations; and send 01 application prescribed in Point a Clause 4 of this Article to the supervisory authority to request recognition of the new member. The application shall provide the explanation for the substitution and relevant evidence (if any);

3. In case a member who is not university personnel is elected as the chairperson, the competent authority shall employ such member as a tenured official of the university following the procedures prescribed by law.

4. Procedures for recognition of a university council:

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

b) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the supervisory authority shall decide recognition of the university council and its chairperson and members; and send a written explanation if the application is not approved;

c) After being recognized, the university council may use the university’s seal and apparatus to perform its tasks; the council chairperson is entitled to the highest allowance rate in the list of allowances for university posts; allowances for deputy chairperson (if any), secretary and other members of the university council are provided for in the university organization and operation regulations.

5. Procedures for dismissal of the chairperson or another member of a university council:

a) The chairperson or another member of the university council will be dismissed in any of the following cases: The person hands in a resignation to step down from their position in the council; the person has limited legal capacity; the person is no longer healthy enough to perform assigned tasks; the person is not fully recovered despite having taken a leave for more than 6 months; the person committed a serious violation or is serving a court’s sentence; more than 50% of council members request the person be dismissed in writing; or other cases specified in the university organization and operation regulations.

In case of a lawful request for dismissal of the council chairperson, the deputy chairperson or the council secretary (if there is no deputy chairperson) shall preside over a meeting to process the request; the meeting must be convened in accordance with requirements on number and composition of attendees and vote proportion. If the deputy chairperson or secretary does not perform this task within 30 days after the request has been submitted, a council member chosen by more than 50% of council members shall undertake it;

b) The university council shall consider and decide dismissal of its chairperson or member and send a request to the supervisory authority to request issuance of a recognition decision. The request shall include an explanation for the dismissal and relevant documents and evidence;

c) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate request, the head of the supervisory authority shall decide whether to approve it; a written explanation shall be sent if the request is rejected.

6. Procedures for appointment and recognition of the principal:

a) Procedures for appointment of the principal shall be provided for in the university organization and operation regulations and in consistency with regulations of the Communist Party and relevant laws. In case the tenure of the principal and that of the university council end concurrently, the principal's tenure may be extended until the supervisory authority recognizes a new principal per application from the new university council;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

c) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the head of the supervisory authority shall decide recognition of the principal; a written explanation shall be sent if the application is not approved.

7. Organization of councils of higher education institutions affiliated to the Ministry of Public Security and Ministry of National Defense are provided for by the Government;

8. For constituent universities of a parent university, recognitions of their councils; recognition and dismissal of council chairpersons, appointment and dismissal of other council members; and recognition of their principals are within the competence of the council of their parent university.

Article 8. Procedures for establishment of university councils, recognition of university councils; recognition and dismissal of chairpersons of university councils, and recognition of principals for private universities and non-profit private universities

1. Procedures for establishment and recognition of the university council and recognition of the chairperson thereof of a private university:

a) For newly established universities or universities lacking a university council: An investor or owner conference shall decide number of members and organizational structure of the council and appoint or elect council members in proportion to each investor or owner’s stakes. Council member candidates include the investor representative, non-university personnel (leaders, managers, educators, cultural studies scholars, scientists, alumni and employer representatives) and university personnel (representative of lecturers and workers nominated by a plenary conference or conference of delegates convened by the principal; and student representative (if any) nominated by a student association). The council member owning the largest stakes shall preside over election of the council chairperson, and request the investor or owner conference to recognize the council and chairperson thereof before application for permission to operate (for newly established universities) or within 6 months from the effective date of this Decree;

b) Regarding establishment and recognition of the university council and chairperson thereof of the next tenure, investors may establish the council and elect its chairperson following the procedures specified in Point a herein, and request the investor or owner conference to recognize the new council and its chairperson, or authorize the current council to perform these tasks;

c) In case the council chairperson is dismissed according to regulations in Clause 3 herein, the deputy chairperson (if any) or secretary (if there is no deputy chairperson) shall convene the council to elect a new chairperson according to regulations in Point b of this Clause and Point b Clause 3 of this Article and request the investor or owner conference to recognize the new chairperson;

d) In case a council member position is vacant, the council chairperson shall select a substitute suitable to the role of the vacant position and in compliance with Point b herein; and send an application to the investor or owner conference to request recognition of the new member;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Within 30 working days from the date of receipt of an adequate application, the investor or owner conference shall decide recognition of the university council and its chairperson and members; a written explanation shall be sent if the application is rejected;

g) Benefits and working conditions of the university council and titles thereof shall be included in the university organization and operation regulations.

2. Procedures for establishment and recognition of the university council and recognition of the chairperson thereof of a non-profit private university

a) For newly established universities, an investor or owner conference shall decide number of members and organizational structure of the council, appoint or elect an investor representative to the council, and select a person in charge of council establishment and chairperson appointment. This person shall convene a plenary conference or conference of delegates to elect a lecturer representative, worker representative and non-university personnel to the council; organize election of the chairperson by council members, who are specified in the Law on amendments to the Law on Higher Education; request the investor or owner conference to recognize the council and chairperson thereof before application for permission to operate;

b) For operating universities, their councils shall operate in compliance with organizational structure requirements and perform the tasks prescribed by laws and university organization and operation regulations. At the end of each tenure, the council chairperson shall request the investor or owner conference to assign or elect a representative to the council of the next tenure; establish the new council following the procedures specified in Point a herein and university organization and operation regulations. At least 30 days prior to the end of each tenure, the council chairperson shall complete the application for recognition of the new council and chairperson thereof and submit it to the investor or owner conference;

c) Implement regulations in Point c Clause 1 of this Article if the council chairperson is dismissed and regulations in Point d Clause 1 of this Article if a council member position is vacant. Applications and time limit for recognition of the council and its chairperson are provided for in Points dd and e Clause 1 of this Article; benefits and working conditions of the council and titles thereof shall be stipulated in the university organization and operation regulations.

3. Procedures for dismissal of the chairperson of a university council:

a) Dismissal of chairpersons of university councils is provided for in Point a Clause 5 Article 7 of this Decree;

b) The university council shall consider and resolve dismissal of its chairperson and send a request to the investor or owner conference for decision. The request shall comprise a written explanation for the dismissal and evidence thereof;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

4. The investor conference mentioned herein refers to a conference of all investors prescribed by Clause 11 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education and the following regulations:

a) Conditions, decision-making method, organization and operation of the investor conference are provided for in Clause 11 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education and regulations on organization and operation of the higher education institution.

b) Before provisions on the investor conference in regulations on organization and operation of the higher education institution take effect, the chairperson of the Board of Directors (if any) or the representative who is the bearer of the application for the institution’s establishment by capital contributors (if there is no Board of Directors) shall convene and preside over the investor conference. The first conference is deemed lawful upon participation of investors owning at least 65% of total contributed capital; if not, from the second conference onwards (for the same matter), attendance of investors owning at least 51% of total contributed capital is required.

The conference must have clear objectives, a provisional agenda and relevant documents, which are sent to all capital contributors at least 15 days prior to the conference date by registered mail or EMS or other trackable options.

The conference's minutes shall be approved in the conference and bear the signatures of the conference chair and secretary for archiving purpose. The resolution must be approved by those owning at least 65% of total contributed capital of all attendees via voting or ballot, and sent to all capital contributors within 15 days from the date of its approval.

5. Decision on and recognition of principals of private and non-profit private universities are within the competence of investor or owner conferences and regulated by Clause 6 Article 7 of this Decree.

6. For the council of a constituent university of a private or non-profit private parent university, recognition of such council; recognition and dismissal of the council chairperson, appointment and dismissal of other council members; and recognition of the principal are within the competence of the parent university’s council, unless regulations on organization and operation of the parent university place such matters within the competence of the investor or owner conferences of the parent university.

Article 9. Procedures for establishment and recognition of parent university’s councils; recognition and dismissal of chairpersons and other members of parent university’s councils

1. For public parent universities, procedures for establishment and recognition of their councils; and recognition and dismissal of chairpersons and other members thereof are prescribed in Clause 14 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education and Article 7 of this Decree.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

Article 10. Recognition of research-oriented higher education institutions

1. A higher education institution with orientation towards research shall form a strong connection between training and scientific research and ensure the following requirements:

a) It has incorporated orientation towards a research-oriented higher education institution in its mission, vision and objectives; and has undergone accreditation;

b) Its affiliates participate in basic scientific research and/or research on development of source technologies; number of academic disciplines with master and doctoral training programs accounts for at least 50% of current academic disciplines; within the last 3 years, admission to master and doctoral programs constitutes at least 20% of total admission and, on average, at least 20 doctoral degrees are awarded annually;

c) In the last 3 years, average income from scientific and technological activities, innovation, research and transfer comprises at least 15% of its total income;

d) In the last 3 years, it has published 100 articles or more in reputable academic journals around the world every year, which translates to an average of at least 0.3 articles per each full-time lecturer. The Minister of Education and Training has the power to decide list of such reputable academic journals;

dd) Ratio of students to lecturers is under 20; full-time lecturers possessing a doctorate constitute at least 50% of total full-time lecturers; and lecturers holding the professor or associate professor title account for at least 20% of full-time lecturers possessing a doctorate;

e) If the institution is a public university, its full-time lecturers and full-time managers are those recruited, employed and managed according to regulations on headcount and work positions of public service providers.

If the institution is a private university or non-profit private university, its full-time lecturers and full-time managers are those working under labor contracts with a duration of 3 years or contracts with an indefinite term according to the Labor Code, not holding official or public employee positions, not employed under labor contracts with a duration of at least 3 months with other employers; enjoying salary and other benefits per existing regulations covered by the university.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. Research-oriented higher education institutions may prioritize scientific and technological tasks.

Article 11. Branches of higher education institutions in Vietnam

1. Branches of higher education institutions in Vietnam shall be established and operated according to regulations in Clause 15 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education, existing Governmental regulations on conditions for educational investment and operation and the following regulations:

a) A branch of a higher education institution shall comprise a branch director, branch deputy director(s) and service units meeting its operating requirements; its organization and operation shall be stipulated in the organizational and operating regulations of its institution;

b) The branch shall perform the duties and exercise the powers prescribed by its institution.

2. Branches of foreign higher education institutions in Vietnam shall be established and operated according to regulations in Clause 15 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education and the following regulations:

a) The foreign higher education institution establishing a branch in Vietnam must be operating legally and accredited according to regulations of its home country;

b) The branch’s investment capital is at least VND 500 billion (exclusive of land use costs); by the time of appraisal to grant permission for its establishment, more than VND 250 billion would have been contributed;

c) The branch meets other establishment and operation conditions, and carries out procedures and exercises powers concerning foreign educational cooperation and investment according to regulations applied to foreign-invested higher education institutions in Vietnam;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

dd) Branch dissolution and operation suspension shall be carried out under existing regulations on foreign educational cooperation and investment applied to foreign-invested higher education institutions in Vietnam.

Article 12. Higher education accreditation bodies

1. Establishment conditions, permission to operate, operation suspension and dissolution for Vietnamese higher education accreditation bodies shall abide by Governmental regulations on conditions for educational investment and operation.

2. Responsibilities and powers of a higher education accreditation body:

a) Develop its organizational structure and apparatus; train, employ and manage its accreditors; promulgate internal documents to organize and deploy activities of educational accreditation as prescribed by the Minister of Education and Training;

b) Accredit higher education institutions and higher education training programs per request of educational institutions or competent bodies, and issue and revoke accreditation certificates.

Accreditation of training programs and higher education institutions affiliated to the Ministry of Public Security or Ministry of National Defense shall comply with regulations of the Ministry of Education and Training after obtaining approval from the Ministry of Public Security or Ministry of National Defense.

c) Publish its accreditation license, regulations on its organization and operation, list of accreditation councils, list of accreditors and accreditation results on its website;

d) Comply with regulations on educational accreditation standards; educational accreditation procedures; operating rules, conditions and standards for accreditation bodies and accreditors; and regulations concerning supervision and evaluation of accreditation bodies;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

e) Submit an annual evaluation of its operation, a plan for the following year and any proposal to the Ministry of Education and Training before December 31 of every year.

g) Fulfill other duties and exercise other powers as prescribed by law.

3. Conditions and procedures for foreign accreditation bodies to be recognized and operate in Vietnam shall comply with Governmental regulations on conditions for educational investment and operation.

Article 13. Autonomy and accountability of higher education institutions

Higher education institutions shall exercise autonomy and accountability according to regulations of the Law on Higher Education and Law on amendments to the Law on Higher Education and the following regulations:

1. Autonomy in terms of academic and specialized operations

Higher education institutions have the right to:

a) Promulgate internal regulations on admission, training, scientific and technological activities, and domestic and international cooperation and organize implementation thereof as prescribed by law;

b) Identify and publish admission methods and quotas according to regulations of the Ministry of Education and Training, excluding those in the field of national defense and security, which shall comply with regulations from each institution’s supervisory authority;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Decide distance learning and cooperation in in-service undergraduate training with domestic educational institutions that are qualified according to regulations of law;

dd) Decide scientific and technological activities according to regulations in Article 16 of this Decree; and decide international cooperation as per Clauses 3, 5 and 6 Article 44 of the Law on Higher Education in compliance with regulations of law;

e) If an institution is eligible to exercise the autonomy prescribed in Clause 17, it may exercise autonomy in offering new programs as prescribed in Clause 18 and in international cooperation in training as prescribed in Clause 30 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education;

Parent universities may decide to provide training in new academic disciplines or establish cooperation with other countries in their constituent universities and training units independently when the conditions prescribed in the amended Clauses 1 and 2 Article 33 and Article 45 of the Law on Higher Education are satisfied. Constituent universities may decide to provide training in new academic disciplines or establish cooperation with other countries independently and in compliance with regulations on organization and operation of their parent universities when the conditions prescribed in the (amended) Clause 3 Article 33 and Clause 5 Article 45 of the Law on Higher Education are satisfied.

Higher education institutions not meeting the conditions prescribed in Clause 17 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education shall provide training new academic disciplines and establish international cooperation as per the law.

g) Exercise autonomy in other academic and specialized operations in accordance with the law.

2. Autonomy in terms of organizational structure and personnel

a) Public higher education institutions have autonomy in deciding organizational structure and personnel according to regulations in the Law on Higher Education and Law on amendments to the Law on Higher Education and existing regulations on establishment, reorganization and dissolution of public service providers; and headcount and work positions in public service providers; and have autonomy in deciding organizational structure and personnel to perform professional tasks but shall not increase number of employees receiving salary from state budget and rate of pay (including salary and allowances) covered by state budget;

b) Private and non-profit private higher education institutions have autonomy in deciding organizational structure and personnel according to regulations in the Law on Higher Education and Law on amendments to the Law on Higher Education; and shall announce their organizational structures and legal representatives on their websites;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Branches of higher education institutions and enterprises affiliated to higher education institutions shall be established according to existing regulations of laws.

3. Autonomy in terms of finance and property

a) Public higher education institutions shall exercise autonomy concerning finance and property according to the Law on Higher Education, Law on amendments to the Law on Higher Education and applicable regulations on autonomy of public service providers;

b) Private and non-profit private higher education institutions shall exercise autonomy in terms of finance and property in compliance with the Law on Higher Education, Law on amendments to the Law on Higher Education and other relevant regulations of law. The State shall assist their development as suitable to capacity of state budget and in accordance with regulations on investment in higher education;

c) Higher education institutions shall promulgate and implement internal regulations on finance and property; and exercise autonomy in other aspects concerning finance and property in compliance with the Law on Higher Education, Law on amendments to the Law on Higher Education and relevant laws;

4. Accountability

Higher education institutions shall:

a) Fully comply with regulations and requirements on periodical and ad hoc report regimes from their owners and competent authorities; send the internal regulations mentioned in the (amended) Point b Clause 2 Article 16 of the Law on Higher Education and the regulations and decisions mentioned in Points a, d and e Clause 1 herein to the Ministry of Education and Training within 30 days from the date of issuance for the purpose of state management of higher education;

b) Take responsibility before learners, owners, competent authorities and relevant parties for training quality assurance as prescribed by law and their internal regulations and commitments;

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

d) Announce admission quotas, decision to offer training in new academic disciplines, decision on training cooperation and documents on eligibility for such decisions prescribed by law on their websites at least 30 working days prior to the date any of those takes effect; send notifications and decisions to the Ministry of Education and Training within 30 days starting from the date of issuance;

dd) Regularly update their databases into the national higher education database as prescribed by the Ministry of Education and Training; take responsibility before the law for documents promulgated and decisions and actions taken independently;

e) Follow the compulsory financial reporting regime and release such reports on their websites with the exception of information included in state secrets lists.

5. Autonomy and accountability of higher education institutions affiliated to the people's armed force shall abide by regulations in this Decree and other relevant regulations of law.

Article 14. Qualifications for some special academic disciplines

1. Qualifications for some special academic disciplines refer to qualifications possessed by persons who have completed the following training programs:

a) Programs worth 150 credits or more for persons who have completed upper secondary education and equivalent or programs worth at least 30 credits for graduates;

b) Programs worth at least 90 credits for persons whose qualifications are equivalent to Level 7 of the Vietnamese Qualifications Framework.

2. Based on entrance requirements, minimum academic load, lecturer standards, expected learning outcomes and other standards of higher education programs stipulated by the Ministry of Education and Training, persons completing a training program in a special academic discipline shall be assigned an appropriate qualification level of the Vietnamese Qualifications Framework.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

1. Higher education degrees include:

a) Bachelor’s degrees, which are conferred on learners who have finished a higher education program in accordance with the law, met outcome requirements of Level 6 of the Vietnamese Qualifications Framework, and complied with specific and lawful regulations of their institutions;

b) Master’s degrees, which are conferred on learners who have finished a master program in accordance with the law, met outcome requirements of Level 7 of the Vietnamese Qualifications Framework, and complied with specific and lawful regulations of their institutions;

c) Doctoral degrees, which are conferred on learners who have finished a doctoral program in accordance with the law, met outcome requirements of Level 8 of the Vietnamese Qualifications Framework, and complied with specific and lawful regulations of their institutions;

d) Equivalent degrees are those mentioned in Clause 2 herein.

2. Degrees of some special academic disciplines include medical degrees, dental degrees, traditional medicine degrees, pharmacy degrees, veterinary degrees, engineer degrees, architect degrees and some other degrees stipulated by the Government, which are granted to learners who have completed the training programs prescribed in Article 14 of this Decree.

3. Certificates of some special academic disciplines of the national educational system shall be awarded to learners who have completed training or refresher programs prescribed by Ministries and ministerial-level agencies or to candidates who have passed certification examinations in compliance with regulations on award of certificates of the national educational system.

Article 16. Scientific and technological activities in higher education institutions

1. Higher education institutions shall organize scientific and technological activities according to regulations in the Law on Science and Technology and in Clause 24 Article 1 of the Law on amendments to the Law on Higher Education.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

a) Exercise autonomy and accountability in scientific and technological activities as prescribed by law;

b) Promulgate and organize implementation of internal regulations on scientific and technological activities, entrepreneurship activities and innovation according to provisions of laws concerning scientific and technological activities; enable organizations and individuals to invest in science and technology;

c) Establish or contribute capital to establish enterprises in compliance with regulations of laws on enterprises, relevant regulations of laws and decision of the institution’s council or the parent university’s council for the purpose of application, deployment and commercialization of research results and provision of public services;

d) Deploy scientific and technological activities as prescribed by law.

Article 17. Transfer and divestment of capital invested in higher education institutions

1. Transfer of ownership of a member's stake in a private university or non-profit private university is regulated by internal financial regulations and organizational and operating regulations of the university and regulations of laws. Such transfer must ensure stability and development of the university and comply with the following transfer rules:

a) The transferor shall inform transfer conditions to the university council;

b) The university council shall announce the transfer conditions to the remaining stakeholders and workers of the university; such announcement must be valid for at least 30 days starting from the date of its issuance;

c) Transfer procedures: The stake shall be divided between the other stakeholders in proportion to each person’s current stake. If the stakeholders refuse to receive the stake or only receive a part of the stake, the whole stake or the remain shall be transferred to the university’s workers. If the workers refuse to receive the stake or only receive a part of the stake, the whole stake or the remain shall be divided between (a) non-stakeholder(s) and the university’s workers.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

3. In case a higher education institution is dissolved, its finance and property shall be disposed of as prescribed by law.

Article 18. Transitional clauses

Public higher education institutions undergoing pilot renovation of their operation in compliance with the Government’s Resolution No. 77/NQ-CP dated October 24, 2014 may exercise autonomy concerning their organizational structure, personnel, finance and property according to the Law on Higher Education, Law on amendments to the Law on Higher Education and this Decree. Autonomy schemes approved by the Prime Minister are effective until the Government promulgates a new Decree on establishment, reorganization and dissolution of public service providers; on headcount and work positions in public services providers and on financial independence of public service providers.

Article 19. Effect

1. This Decree takes effect from February 15, 2020.

2. Article 2, Clause 2 Article 3 and Article 6 of the Decree No. 141/2013/ND-CP; Decree No. 73/2015/ND-CP; Decision No. 70/2014/QD-TTg and Clause 4 Article 7 of the Decree No. 127/2018/ND-CP are annulled.

Article 20. Implementing responsibilities

1. The Ministry of Education and Training shall direct implementation of this Decree.

2. Ministers, heads of ministerial-level agencies, heads of Governmental agencies, chairpersons of People’s Committees of provinces and central-affiliated cities and relevant organizations and individuals shall implement this Decree./.

...

...

...

Bạn phải đăng nhập hoặc đăng ký Thành Viên TVPL Pro để sử dụng được đầy đủ các tiện ích gia tăng liên quan đến nội dung TCVN.

Mọi chi tiết xin liên hệ: ĐT: (028) 3930 3279 DĐ: 0906 22 99 66

 

PP. THE GOVERNMENT
THE PRIME MINISTER




Nguyen Xuan Phuc

 

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 99/2019/NĐ-CP ngày 30/12/2019 hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục đại học sửa đổi

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


103.525

DMCA.com Protection Status
IP: 3.145.81.252
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!