VĂN
PHÒNG CHÍNH PHỦ
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số:
174/TB-VPCP
|
Hà
Nội, ngày 28 tháng 06 năm 2010
|
THÔNG BÁO
KẾT
LUẬN CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ TẠI CUỘC HỌP THƯỜNG TRỰC CHÍNH PHỦ VỀ SẮP XẾP, ĐỔI
MỚI, PHÁT TRIỂN VÀ NÂNG CAO HIỆU QUẢ DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC
Ngày 17 tháng 6 năm 2010, tại trụ sở
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về
tình hình chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên; về cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước và tình hình tài
chính, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các tập đoàn kinh tế và tổng công ty
nhà nước đặc biệt quan trọng trong 6 tháng đầu năm 2010. Tham dự có các Phó Thủ
tướng: Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm; đại diện lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Tài
chính, Kế hoạch và Đầu tư, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Ban Chỉ đạo
đổi mới và Phát triển doanh nghiệp và Văn phòng Chính phủ.
Sau khi nghe báo cáo của Ban Chỉ đạo
Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính và ý kiến của lãnh đạo các Bộ,
của các Phó Thủ tướng, Thủ tướng Chính phủ đã kết luận như sau:
Sáu tháng đầu năm 2010, tuy chịu ảnh
hưởng của hậu quả suy thoái kinh tế thế giới và những khó khăn nội tại, các tập
đoàn, tổng công ty nhà nước đã phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch về doanh thu, nộp
ngân sách, lợi nhuận; tiếp tục bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Nhưng vẫn còn một số doanh nghiệp, tổng công ty nhà nước kinh doanh thua lỗ,
tình hình tài chính không lành mạnh.
Cùng với việc tập trung chỉ đạo đẩy
mạnh sản xuất, kinh doanh, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn, tổng công ty
nhà nước thực hiện khá nghiêm túc việc chuyển công ty nhà nước sang hoạt động
theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu
hạn.
Tuy nhiên, việc xử lý một số doanh
nghiệp kinh doanh thua lỗ kéo dài, mất hết vốn nhà nước nên không cổ phần hóa
được và cũng không đủ điều kiện chuyển sang công ty trách nhiệm hữu hạn một
thành viên còn chậm. Tiến độ sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
ở một số Bộ, địa phương, tập đoàn, tổng công ty nhà nước chưa đáp ứng yêu cầu đổi
mới, một phần do cơ chế cổ phần hóa còn bộc lộ một số điểm không phù hợp thực tế,
cần sớm nghiên cứu sửa đổi như: xác định giá trị quyền sử dụng đất và giá trị lợi
thế vị trí địa lý vào giá trị doanh nghiệp; cơ chế bán cổ phần cho nhà đầu tư
chiến lược; chính sách thu hút và gắn bó người lao động giỏi trong doanh nghiệp
cổ phần hóa. Một số Bộ, địa phương xử lý những vấn đề về tài chính phát sinh
trong cổ phần hóa còn lúng túng làm kéo dài thời gian.
Để tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần
hóa, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp 100% vốn nhà nước,
các Bộ, ngành, cơ quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung
ương, các tập đoàn, tổng công ty nhà nước cần triển khai ngay một số việc sau:
1. Các Bộ, ngành, địa phương, Hội đồng
quản trị, Hội đồng thành viên tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, Tổng
công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước:
a) Tăng cường thực hiện chức năng
giám sát của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp có vốn nhà nước.
b) Thực hiện nghiêm túc Điều 166 Luật Doanh nghiệp, Nghị định số 25/2010/NĐ-CP ngày 19
tháng 3 năm 2010 về chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn
một thành viên và tổ chức quản lý công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do
Nhà nước làm chủ sở hữu và Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26 tháng 6 năm 2007
về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần để chuyển tất cả các công ty
nhà nước sang hoạt động theo Luật Doanh nghiệp dưới hình thức công ty cổ phần,
công ty trách nhiệm hữu hạn.
2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư
a) Tăng cường chức năng kiểm tra,
giám sát, quản lý nhà nước về lĩnh vực đầu tư, ngành nghề kinh doanh, cơ cấu sản
xuất … đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
b) Hướng dẫn Phòng Đăng ký kinh
doanh các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện đăng ký tên doanh
nghiệp theo nguyên tắc giữ nguyên tên gọi của các tổng công ty nhà nước theo
quyết định của chủ sở hữu.
c) Nghiên cứu, đề xuất với Thủ tướng
Chính phủ về việc bổ nhiệm Kiểm soát viên; chức năng, nhiệm vụ của Kiểm soát
viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước làm chủ sở
hữu.
d) Trong quý III năm 2010, trình
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ:
- Nghị định thay thế Nghị định số
132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 về thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ
sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước theo nguyên tắc tăng cường
chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát của chủ sở hữu nhà nước; đồng thời bảo đảm
quyền chủ động, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp trong khuôn khổ pháp luật;
- Nghị định về tổ chức quản lý và
hoạt động của doanh nghiệp phục vụ an ninh, quốc phòng;
- Quyết định ban hành tiêu chí phân
loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thay thế cho tiêu chí được ban hành kèm
theo Quyết định số 38/2007/QĐ-TTg ngày 20 tháng 3 năm 2007 của Thủ tướng Chính
phủ về ban hành tiêu chí, danh mục phân loại doanh nghiệp 100% vốn nhà nước,
doanh nghiệp Nhà nước giữ cổ phần chi phối.
3. Bộ Tài chính:
a) Tăng cường kiểm tra, giám sát về
tài chính đối với doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn, tổng
công ty nhà nước, phát hiện xử lý và cảnh báo về việc chấp hành chính sách pháp
luật về tài chính và khả năng mất cân đối tài chính của doanh nghiệp. Kiểm soát
chặt chẽ việc các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước, doanh nghiệp Nhà nước giữ quyền
chi phối, đầu tư vào các ngành nghề có liên quan đến ngành, nghề chính, ngành
nghề khác, đặc biệt là đầu tư vào lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất
động sản; hàng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc này.
Bộ Tài chính tăng cường năng lực
cho Cục Tài chính doanh nghiệp để bảo đảm thực hiện được chức năng này.
b) Trong tháng 8 năm 2010 trình Thủ
tướng Chính phủ dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 109/2007/NĐ-CP ngày 26
tháng 6 năm 2007 về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần, trong đó chú
ý đề xuất các nội dung: xác định giá trị doanh nghiệp, giá trị lợi thế vị trí
doanh nghiệp, giá trị quyền sử dụng đất, phương thức lựa chọn và bán cổ phần
cho cổ đông chiến lược…
4. Bộ Lao động - Thương binh và Xã
hội:
a) Tăng cường kiểm tra, giám sát
tình hình thực hiện chính sách lao động, tiền lương đối với doanh nghiệp 100% vốn
nhà nước.
b) Khẩn trương nghiên cứu trình
Chính phủ Đề án “Đổi mới quản lý tiền lương, tiền thưởng trong tập đoàn, tổng
công ty nhà nước và chế độ tiền lương, tiền thưởng đối với người quản lý phần vốn
nhà nước tại các doanh nghiệp có vốn nhà nước”.
5. Bộ Nội vụ:
a) Nghiên cứu trình Thủ tướng Chính
phủ trong tháng 7 năm 2010 cơ chế cử người và quản lý người đại diện phần vốn
nhà nước tại các doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
b) Tăng cường công tác quản lý nhân
sự lãnh đạo doanh nghiệp 100% vốn nhà nước.
6. Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển
doanh nghiệp:
a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ,
ngành, địa phương xây dựng chương trình cải cách, đổi mới, tiến độ sắp xếp
doanh nghiệp nhà nước 5 năm (2011-2015), trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt
theo hướng tiếp tục duy trì, sắp xếp, đổi mới và phát triển các tập đoàn kinh tế,
tổng công ty nhà nước mạnh; thực hiện cổ phần hóa những doanh nghiệp mà Nhà nước
không cần nắm giữ 100% vốn; bán phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp mà Nhà
nước không cần giữ cổ phần chi phối.
b) Đôn đốc các Bộ, ngành, địa
phương, tập đoàn kinh tế và tổng công ty 91 chuyển đổi công ty nhà nước thành
công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc công ty cổ phần.
c) Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài
chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan trình Thủ tướng Chính phủ xử
lý một số vướng mắc cấp bách trong quá trình chuyển công ty nhà nước sang hoạt
động theo Luật Doanh nghiệp như quy định về bổ nhiệm Kiểm soát viên; biện pháp
xử lý đối với những doanh nghiệp mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện chuyển
thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên hoặc cổ phần hóa bảo đảm phù hợp
quy định của pháp luật và thực tiễn.
d) Chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện
sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước vào cuối
năm 2010.
đ) Sơ kết mô hình tập đoàn kinh tế
nhà nước vào quý IV năm 2010.
Văn phòng Chính phủ xin thông báo để
các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tập
đoàn kinh tế, tổng công ty 91 biết, thực hiện.
Nơi nhận:
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng CP;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Các tập đoàn kinh tế, tổng công ty 91;
- UB Giám sát tài chính QG;
- Các thành viên Ban Chỉ đạo ĐM&PTDN;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ: TH, TKBT, KTTH, KTN;
- Lưu: VT, ĐMDN (5).
|
KT.
BỘ TRƯỞNG, CHỦ NHIỆM
PHÓ CHỦ NHIỆM
Phạm Viết Muôn
|