Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Nghị định 109/2007/NĐ-CP chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

Số hiệu: 109/2007/NĐ-CP Loại văn bản: Nghị định
Nơi ban hành: Chính phủ Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
Ngày ban hành: 26/06/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

CHÍNH PHỦ

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Số : 109/2007/NĐ-CP

Hà Nội, ngày 26 tháng 6 năm 2007

NGHỊ ĐỊNH

VỀ CHUYỂN DOANH NGHIỆP 100% VỐN NHÀ NƯỚC THÀNH CÔNG TY CỔ PHẦN

CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp nhà nước ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Doanh nghiệp ngày 29 tháng 11 năm 2005;
Căn cứ Luật Chứng khoán ngày 29 tháng 6 năm 2006;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài chính,

NGHỊ ĐỊNH :

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục tiêu, yêu cầu của việc chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần (sau đây gọi tắt là cổ phần hóa)

1. Chuyển đổi những doanh nghiệp mà Nhà nước không cần giữ 100% vốn sang loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; huy động vốn của các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài để nâng cao năng lực tài chính, đổi mới công nghệ, đổi mới phương thức quản lý nhằm nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

2. Đảm bảo hài hoà lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp, nhà đầu tư và người lao động trong doanh nghiệp.

3. Thực hiện công khai, minh bạch theo nguyên tắc thị trường; khắc phục tình trạng cổ phần hóa khép kín trong nội bộ doanh nghiệp; gắn với phát triển thị trường vốn, thị trường chứng khoán.

Điều 2. Đối tượng cổ phần hóa

1. Công ty nhà nước độc lập thuộc các Bộ, ngành, địa phương.

2. Công ty mẹ của Tập đoàn kinh tế (sau đây gọi tắt là tập đoàn), Tổng công ty nhà nước (kể cả Ngân hàng Thương mại nhà nước).

3. Công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con.

4. Công ty thành viên hạch toán độc lập thuộc Tổng công ty do Nhà nước quyết định đầu tư và thành lập.

5. Đơn vị hạch toán phụ thuộc của công ty nhà nước độc lập, tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty thành viên hạch toán độc lập của Tổng công ty.

6. Công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Điều 3. Điều kiện cổ phần hóa

1. Các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 Nghị định này thực hiện cổ phần hóa khi đảm bảo đủ 02 điều kiện:

a) Không thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ. Danh mục doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ do Thủ tướng Chính phủ quyết định trong từng thời kỳ;

b) Còn vốn nhà nước sau khi đã được xử lý tài chính và đánh giá lại giá trị doanh nghiệp.

2. Đối với đơn vị hạch toán phụ thuộc, ngoài điều kiện quy định tại khoản 1 Điều này còn phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có đủ điều kiện hạch toán độc lập;

b) Việc cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc không gây khó khăn hoặc ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp hoặc các bộ phận còn lại của doanh nghiệp;

c) Đã xác định trong Phương án tổng thể sắp xếp doanh nghiệp được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

3. Trường hợp sau khi đã được xử lý tài chính và xác định lại giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Chương II và Chương III Nghị định này mà giá trị thực tế doanh nghiệp thấp hơn các khoản phải trả thì chuyển sang thực hiện bán hoặc giải thể, phá sản.

Điều 4. Hình thức cổ phần hóa

1. Giữ nguyên vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp, phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

2. Bán một phần vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán bớt một phần vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

3. Bán toàn bộ vốn nhà nước hiện có tại doanh nghiệp hoặc kết hợp vừa bán toàn bộ vốn nhà nước vừa phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ.

Điều 5. Phương thức bán cổ phần lần đầu

1. Việc bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo các phương thức đấu giá công khai, bảo lãnh phát hành, thoả thuận trực tiếp theo quy định tại Chương IV Nghị định này.

2. Tuỳ theo đối tượng và điều kiện mua cổ phần lần đầu, cơ quan quyết định cổ phần hóa xác định phương thức bán cổ phần phù hợp.

3. Bộ Tài chính hướng dẫn chi tiết phương thức bán cổ phần lần đầu theo các quy định tại Nghị định này.

Điều 6. Đối tượng và điều kiện mua cổ phần

1. Nhà đầu tư trong nước:

a) Nhà đầu tư trong nước là cá nhân người Việt Nam, các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội được thành lập và hoạt động theo luật pháp Việt Nam;

b) Nhà đầu tư trong nước được quyền mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa với số lượng không hạn chế, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.

2. Nhà đầu tư nước ngoài:

a) Nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức, cá nhân nước ngoài bỏ vốn để thực hiện hoạt động đầu tư tại Việt Nam;

b) Nhà đầu tư nước ngoài được mua cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan;

c) Nhà đầu tư nước ngoài có nhu cầu mua cổ phần phải mở tài khoản tiền gửi tại một tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán đang hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam và tuân thủ pháp luật Việt Nam. Mọi hoạt động mua, bán cổ phần; nhận, sử dụng cổ tức và các khoản thu chi khác từ đầu tư mua cổ phần đều phải thông qua tài khoản này.

3. Nhà đầu tư chiến lược:

a) Nhà đầu tư chiến lược là các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài có năng lực tài chính, quản trị doanh nghiệp; chuyển giao công nghệ mới, cung ứng nguyên vật liệu, phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm; gắn bó lợi ích lâu dài với doanh nghiệp;

b) Căn cứ vào quy mô vốn điều lệ, tính chất ngành nghề kinh doanh và yêu cầu mở rộng phát triển doanh nghiệp, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trình người quyết định cổ phần hóa việc bán cổ phần lần đầu cho nhà đầu tư chiến lược và tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược;

c) Nhà đầu tư chiến lược được mua cổ phần theo giá không thấp hơn giá đấu thành công bình quân. Đối với các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước (bao gồm cả các Ngân hàng Thương mại nhà nước) nếu nhất thiết phải chọn nhà đầu tư chiến lược thì cơ quan quyết định cổ phần hoá báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc tổ chức đấu thầu riêng giữa các nhà đầu tư chiến lược;

d) Nhà đầu tư chiến lược không được chuyển nhượng số cổ phần được mua trong thời hạn tối thiểu 03 năm, kể từ ngày công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trường hợp đặc biệt cần chuyển nhượng số cổ phần này trước thời hạn trên thì phải được Đại hội đồng cổ đông chấp thuận.

4. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa đồng thời niêm yết ngay trên Sở Giao dịch chứng khoán/Trung tâm Giao dịch chứng khoán thì cơ quan có thẩm quyền phê duyệt Phương án cổ phần hóa quy định khối lượng cổ phần đặt mua tối đa, tối thiểu đối với phần bán ra công chúng trong phương án phát hành cổ phần lần đầu để doanh nghiệp sau khi cổ phần hóa có đủ điều kiện niêm yết. Quy định mức đặt mua tối đa, tối thiểu trong phương án phát hành cổ phần lần đầu không phân biệt đối xử giữa các nhà đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế.

5. Thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp (trừ các thành viên là đại diện của doanh nghiệp), các tổ chức tài chính trung gian, các cá nhân thực hiện tư vấn, định giá, đấu giá bán cổ phần của doanh nghiệp cổ phần hóa không được tham gia đấu giá mua cổ phần phát hành lần đầu của doanh nghiệp đó.

Điều 7. Đồng tiền thanh toán mua cổ phần

Các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài mua cổ phần của doanh nghiệp bằng đồng Việt Nam.

Điều 8. Chi phí thực hiện cổ phần hóa

Chi phí thực hiện cổ phần hóa được trừ vào vốn nhà nước hoặc nguồn thu từ cổ phần hóa tại doanh nghiệp. Bộ Tài chính hướng dẫn nội dung và mức chi phí cổ phần hóa.

Điều 9. Cổ phần, cổ phiếu

1. Vốn điều lệ chia thành nhiều phần bằng nhau gọi là cổ phần. Mệnh giá một (01) cổ phần là 10.000 đồng.

2. Cổ phiếu là chứng chỉ do công ty cổ phần phát hành hoặc bút toán ghi sổ xác nhận quyền sở hữu một hoặc một số cổ phần của cổ đông tại công ty đó. Cổ phiếu có thể ghi tên hoặc không ghi tên, nhưng phải có đủ nội dung chủ yếu quy định tại Điều 85 của Luật Doanh nghiệp (năm 2005).

Điều 10. Nguyên tắc kế thừa quyền và nghĩa vụ của công ty cổ phần được chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm sắp xếp, sử dụng tối đa số lao động tại thời điểm quyết định cổ phần hóa và giải quyết chế độ cho người lao động nghỉ việc, thôi việc theo quy định hiện hành.

Công ty cổ phần có nghĩa vụ kế thừa mọi trách nhiệm đối với người lao động từ doanh nghiệp cổ phần hóa chuyển sang; có quyền tuyển chọn, bố trí sử dụng lao động và phối hợp với các cơ quan liên quan giải quyết chế độ cho người lao động theo quy định của pháp luật.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có liên quan kiểm tra, xử lý những vấn đề về tài chính để xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

3. Công ty cổ phần được sử dụng toàn bộ tài sản, nguồn vốn đã nhận bàn giao để tổ chức sản xuất, kinh doanh; kế thừa mọi quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa đã bàn giao và có các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Các nghĩa vụ và trách nhiệm của doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định bổ sung sau khi đã quyết toán, bàn giao cho công ty cổ phần không thuộc trách nhiệm của công ty cổ phần.

Điều 11. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin và niêm yết trên thị trường chứng khoán

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa phải thực hiện công khai, minh bạch các thông tin về doanh nghiệp, về phương án cổ phần hóa, tình hình quản lý và sử dụng đất đai, lao động theo đúng quy định tại Luật Doanh nghiệp và các quy định khác của pháp luật.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có tình hình tài chính đáp ứng đủ điều kiện niêm yết theo quy định của pháp luật về chứng khoán phải xây dựng phương án cổ phần hóa để đảm bảo cơ cấu cổ đông thực hiện niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán.

Cơ quan quyết định cổ phần hóa quy định việc cổ phần hóa đồng thời với việc niêm yết trên thị trường chứng khoán trong phương án cổ phần hóa để công bố cho các nhà đầu tư biết trước khi bán cổ phần lần đầu. Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp có trách nhiệm biểu quyết tại Đại hội đồng cổ đông lần đầu để thông qua Nghị quyết về việc niêm yết.

Điều 12. Tư vấn cổ phần hóa

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa được thuê tổ chức tư vấn để xác định giá trị doanh nghiệp; xây dựng phương án cổ phần hóa và bán cổ phần lần đầu.

2. Cơ quan quyết định cổ phần hóa lựa chọn tổ chức tư vấn cổ phần hóa theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bộ Tài chính.

3. Chi phí thuê tư vấn cổ phần hóa được tính vào chi phí cổ phần hóa.

Chương 2:

XỬ LÝ TÀI CHÍNH KHI CỔ PHẦN HÓA

Điều 13. Kiểm kê, phân loại tài sản và xử lý tồn tại về tài chính

1. Khi nhận được quyết định thực hiện cổ phần hóa của cơ quan có thẩm quyền, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức kiểm kê, phân loại tài sản doanh nghiệp đang quản lý, sử dụng tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm thực hiện kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm theo chế độ Nhà nước quy định. Trường hợp thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp không trùng với thời điểm kết thúc năm tài chính, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm lập báo cáo tài chính tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

3. Trên cơ sở kết quả kiểm kê, kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động xử lý theo thẩm quyền và theo quy định của pháp luật những tồn tại về tài chính trước khi xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Trường hợp có vướng mắc hoặc vượt quá thẩm quyền thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải kịp thời báo cáo với cơ quan có thẩm quyền để xem xét, giải quyết.

Trường hợp đã báo cáo với các cơ quan có thẩm quyền nhưng chưa được giải quyết thì phải ghi rõ những tồn tại này trong Biên bản xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa để có căn cứ tiếp tục giải quyết trong giai đoạn từ khi xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

Điều 14. Xử lý tài sản thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết, tài sản không cần dùng, tài sản được đầu tư bằng Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi

1. Đối với tài sản do doanh nghiệp cổ phần hóa thuê, mượn, nhận góp vốn liên doanh, liên kết và các tài sản khác không phải của doanh nghiệp thì không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa. Trước khi chuyển sang công ty cổ phần, doanh nghiệp cổ phần hóa phải thống nhất với chủ sở hữu tài sản để công ty cổ phần kế thừa các hợp đồng đã ký trước đây hoặc thanh lý hợp đồng.

2. Đối với những tài sản không cần dùng, ứ đọng, chờ thanh lý, doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm xử lý theo chế độ quản lý tài chính hiện hành (thanh lý, nhượng bán). Trường hợp đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa kịp xử lý thì được loại trừ không tính vào giá trị doanh nghiệp và thực hiện chuyển giao cho các cơ quan sau:

a) Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp để xử lý theo quy định của pháp luật đối với các doanh nghiệp quy định tại các khoản 1, 2, 3 Điều 2 Nghị định này và các công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;

b) Tập đoàn, tổng công ty nhà nước, công ty mẹ, công ty nhà nước độc lập để xử lý theo quy định đối với các doanh nghiệp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 2 Nghị định này và các công ty trách nhiệm hữu hạn do Tập đoàn, Tổng công ty, Công ty mẹ nắm giữ 100% vốn điều lệ.

3. Đối với công trình phúc lợi: nhà trẻ, nhà mẫu giáo, bệnh xá và các tài sản phúc lợi khác đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi thì chuyển giao cho công ty cổ phần quản lý, sử dụng để phục vụ tập thể người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa.

Đối với nhà ở cán bộ, công nhân viên đầu tư bằng nguồn Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp, kể cả nhà ở được đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước cấp thì chuyển giao cho cơ quan nhà đất của địa phương để quản lý.

4. Đối với tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi của doanh nghiệp cổ phần hóa được tính vào giá trị doanh nghiệp và công ty cổ phần tiếp tục sử dụng trong sản xuất, kinh doanh. Phần vốn tương ứng với giá trị tài sản này doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm hoàn trả Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi để chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

Điều 15. Các khoản nợ phải thu

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm đối chiếu, xác nhận, thu hồi các khoản nợ phải thu đến hạn trước khi cổ phần hóa. Đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp còn tồn đọng nợ phải thu khó đòi thì xử lý theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm bàn giao các khoản công nợ không có khả năng thu hồi đã loại khỏi giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa (kèm theo hồ sơ, các tài liệu liên quan) cho các cơ quan liên quan quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định này.

3. Đối với các khoản đã trả trước cho người cung cấp hàng hóa dịch vụ như: tiền thuê nhà, tiền thuê đất, tiền mua hàng, tiền công phải đối chiếu với hợp đồng, khối lượng hàng hóa dịch vụ cung cấp để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều 16. Các khoản nợ phải trả

1. Nợ phải trả các tổ chức, cá nhân:

Doanh nghiệp cổ phần hóa phải huy động các nguồn vốn hợp pháp để thanh toán các khoản nợ đến hạn phải trả trước khi cổ phần hóa hoặc thoả thuận với các chủ nợ để xử lý hoặc chuyển thành vốn góp cổ phần.

Việc chuyển nợ đến hạn phải trả tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp thành vốn góp cổ phần được thực hiện theo kết quả đấu giá thành công của chủ nợ.

2. Nợ thuế và các khoản nộp ngân sách nhà nước: doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm nộp thuế và các khoản nợ ngân sách nhà nước trước khi chuyển đổi; trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa toàn bộ.

3. Trong quá trình cổ phần hóa, nếu doanh nghiệp cổ phần hóa có khó khăn về khả năng thanh toán các khoản nợ quá hạn (vay Ngân hàng Thương mại nhà nước, Ngân hàng Phát triển Việt Nam) do kinh doanh thua lỗ thì xử lý nợ theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

Điều 17. Các khoản dự phòng, lỗ hoặc lãi

1. Các khoản dự phòng: giảm giá hàng tồn kho, nợ phải thu khó đòi, giảm giá chứng khoán, chênh lệch tỷ giá được sử dụng để bù đắp các tổn thất theo quy định hiện hành, nếu còn thì hạch toán tăng vốn nhà nước.

2. Khoản dự phòng trợ cấp mất việc làm: doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm trích đầy đủ theo chế độ Nhà nước quy định và được sử dụng để trợ cấp cho lao động dôi dư trong quá trình cổ phần hóa; đến thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, nếu còn thì hạch toán tăng vốn nhà nước tại thời điểm bàn giao.

3. Quỹ dự phòng rủi ro, dự phòng nghiệp vụ của hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, sau khi bù đắp các tổn thất theo quy định được để lại cho doanh nghiệp cổ phần hóa nhưng phải tính vào giá khởi điểm khi phát hành cổ phần lần đầu.

4. Quỹ dự phòng tài chính để bù lỗ (nếu có), bù đắp các khoản tài sản tổn thất, nợ không thu hồi được sau khi đã xử lý bồi thường trách nhiệm cá nhân gây ra (nếu có), số còn lại tính vào giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

5. Các khoản lãi phát sinh để bù lỗ năm trước (nếu có) theo quy định của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, bù đắp các khoản tổn thất về tài sản không cần dùng, chờ thanh lý, giảm giá tài sản, nợ không có khả năng thu hồi, số còn lại phân phối theo quy định hiện hành trước khi xác định giá trị doanh nghiệp.

6. Các khoản lỗ tính đến thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa, sau khi xử lý theo các quy định nêu trên mà vẫn còn lỗ, không còn vốn nhà nước thì doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm phối hợp với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (trước đây là Quỹ hỗ trợ phát triển) và các Ngân hàng Thương mại nhà nước thực hiện xoá nợ lãi vay theo quy định hiện hành của Nhà nước về xử lý nợ tồn đọng.

Điều 18. Vốn đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác như: góp vốn liên doanh, liên kết, góp vốn cổ phần, góp vốn thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn và các hình thức đầu tư dài hạn khác

1. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa kế thừa vốn đã đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì toàn bộ số vốn này được tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa theo nguyên tắc quy định tại Điều 32 Nghị định này.

2. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa không kế thừa các khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác thì báo cáo cơ quan có thẩm quyền để xử lý như sau:

a) Chuyển giao cho doanh nghiệp Nhà nước nắm giữ 100% vốn khác làm đối tác;

b) Trường hợp không chuyển giao được thì doanh nghiệp cổ phần hóa phải kế thừa để tính vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 19. Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi

Số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi được chia cho người lao động đang làm việc ở doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp theo số năm công tác tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều 20. Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp

Số dư Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại doanh nghiệp cổ phần hóa (nếu còn) được hạch toán tăng vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Điều 21. Xử lý tài chính ở thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần

1. Căn cứ vào giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa đã được cơ quan có thẩm quyền quyết định, doanh nghiệp có trách nhiệm điều chỉnh số liệu trong sổ kế toán; bảo quản và bàn giao các khoản nợ và tài sản đã loại trừ khi xác định giá trị doanh nghiệp theo quy định tại khoản 2 Điều 14 và khoản 2 Điều 15 Nghị định này; lập báo cáo tài chính doanh nghiệp giai đoạn từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp đến thời điểm doanh nghiệp chính thức chuyển thành công ty cổ phần.

2. Trong thời gian 01 tháng từ thời điểm được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu, doanh nghiệp cổ phần hóa phải hoàn thành việc lập báo cáo tài chính tại thời điểm đăng ký kinh doanh, xác định giá trị phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần và các tồn tại về tài chính cần tiếp tục xử lý.

3. Khoản chênh lệch tăng giữa giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm doanh nghiệp chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp được xử lý như sau:

a) Nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ khi cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị hạch toán phụ thuộc của các doanh nghiệp này; về công ty nhà nước độc lập hoặc công ty thành viên hạch toán độc lập khi cổ phần hóa bộ phận công ty này;

b) Nộp về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước khi cổ phần hóa toàn bộ công ty nhà nước độc lập; toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước; công ty mẹ.

4. Trường hợp phát sinh chênh lệch giảm thì doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa để phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức kiểm tra, làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm tập thể, cá nhân và xử lý như sau:

a) Nếu do nguyên nhân khách quan (do thiên tai; địch họa; do Nhà nước thay đổi chính sách hoặc do biến động của thị trường quốc tế và các nguyên nhân bất khả kháng khác) doanh nghiệp cổ phần hóa báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa xem xét, quyết định việc sử dụng tiền thu từ bán cổ phần để bù đắp tổn thất sau khi trừ đi bồi thường của bảo hiểm (nếu có). Trường hợp tiền thu từ bán cổ phần không đủ bù đắp, cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét, điều chỉnh giảm quy mô, cơ cấu vốn điều lệ của công ty cổ phần;

b) Nếu do nguyên nhân chủ quan:

- Nếu lỗ do việc không xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính theo quy định hiện hành của Nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp thì phải xác định rõ trách nhiệm của các cơ quan có liên quan: doanh nghiệp, tổ chức tư vấn định giá và cơ quan quyết định cổ phần hóa để xử lý bồi thường vật chất;

- Nếu lỗ do điều hành sản xuất, kinh doanh thì các cán bộ quản lý doanh nghiệp đó có trách nhiệm bồi thường toàn bộ tổn thất do chủ quan gây ra theo quy định hiện hành;

- Trường hợp vì lý do bất khả kháng mà người có trách nhiệm bồi thường không có khả năng thực hiện việc bồi thường theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền thì phần tổn thất còn lại được xử lý như trường hợp do nguyên nhân khách quan theo quy định tại điểm a khoản này.

c) Sau khi xử lý theo các quy định trên mà vẫn không đủ bù chênh lệch giảm thì công ty cổ phần có trách nhiệm kế thừa khoản lỗ này.

Chương 3:

XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP CỔ PHẦN HÓA

MỤC 1: TỔ CHỨC XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP

Điều 22. Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa có tổng giá trị tài sản theo sổ kế toán từ 30 tỷ đồng trở lên hoặc giá trị vốn nhà nước theo sổ kế toán từ 10 tỷ đồng trở lên hoặc có vị trí địa lý thuận lợi phải thuê các tổ chức có chức năng định giá như: các công ty kiểm toán, công ty chứng khoán, tổ chức thẩm định giá, ngân hàng đầu tư trong nước và ngoài nước có chức năng định giá (dưới đây gọi tắt là tổ chức tư vấn định giá) thực hiện tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Doanh nghiệp cổ phần hóa không thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này không nhất thiết phải thuê tổ chức tư vấn định giá xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp không thuê tổ chức tư vấn định giá thì doanh nghiệp tự xác định giá trị doanh nghiệp và báo cáo cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp.

3. Cơ quan quyết định cổ phần hóa lựa chọn tổ chức tư vấn định giá thuộc danh sách do Bộ Tài chính công bố. Trường hợp có từ 02 tổ chức tư vấn định giá đăng ký tham gia cung cấp dịch vụ tư vấn định giá trở lên thì phải tổ chức đấu thầu lựa chọn đơn vị thực hiện tư vấn định giá theo quy định hiện hành.

4. Tổ chức tư vấn định giá được lựa chọn các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp thích hợp để định giá, bảo đảm các nguyên tắc quy định tại Nghị định này và phải hoàn thành theo đúng thời hạn, đúng các cam kết trong hợp đồng đã ký. Doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, trung thực các thông tin liên quan đến doanh nghiệp để tổ chức tư vấn định giá sử dụng trong quá trình định giá.

Tổ chức tư vấn định giá chịu trách nhiệm về kết quả xác định giá trị doanh nghiệp. Trường hợp kết quả xác định giá trị doanh nghiệp không đảm bảo đúng quy định của Nhà nước thì cơ quan quyết định cổ phần hóa được từ chối không thanh toán phí thực hiện dịch vụ; nếu gây thiệt hại cho Nhà nước phải bồi thường và bị loại ra khỏi danh sách của các tổ chức đủ điều kiện tham gia tư vấn định giá.

5. Các tổ chức tư vấn định giá trong nước, nước ngoài muốn tham gia thực hiện dịch vụ tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp cổ phần hoá phải đáp ứng đủ các tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Tài chính.

Điều 23. Phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp

Các phương pháp xác định giá trị doanh nghiệp gồm: phương pháp tài sản, phương pháp dòng tiền chiết khấu và các phương pháp khác.

Giá trị doanh nghiệp được xác định và công bố không được thấp hơn giá trị doanh nghiệp được xác định theo phương pháp tài sản quy định tại Mục 2 Chương này.

Điều 24. Công bố giá trị doanh nghiệp

1. Căn cứ Hồ sơ xác định giá trị doanh nghiệp do tổ chức tư vấn định giá xây dựng (hoặc do doanh nghiệp cổ phần hóa tự xây dựng), Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp có trách nhiệm thẩm tra về trình tự, thủ tục, tuân thủ các quy định của pháp luật về xác định giá trị doanh nghiệp, trình cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp quyết định.

2. Cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp có trách nhiệm xem xét, quyết định và công bố giá trị doanh nghiệp trong thời hạn không quá 10 ngày, kể từ khi tiếp nhận đủ hồ sơ.

Điều 25. Sử dụng kết quả xác định giá trị doanh nghiệp

Kết quả công bố giá trị doanh nghiệp của cơ quan có thẩm quyền là cơ sở để xác định quy mô vốn điều lệ, cơ cấu cổ phần phát hành lần đầu và giá khởi điểm để thực hiện đấu giá bán cổ phần.

Điều 26. Điều chỉnh giá trị doanh nghiệp

1. Doanh nghiệp cổ phần hóa được điều chỉnh giá trị doanh nghiệp đã công bố trong trường hợp sau đây:

a) Có những nguyên nhân khách quan (thiên tai, địch họa, chính sách Nhà nước thay đổi hoặc do các nguyên nhân bất khả kháng khác) làm ảnh hưởng đến giá trị những tài sản của doanh nghiệp;

b) Sau 12 tháng kể từ thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp mà doanh nghiệp chưa thực hiện việc bán cổ phần.

2. Quy định tại khoản 1 Điều này chỉ áp dụng trong trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa chưa thực hiện bán cổ phần.

3. Cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hóa doanh nghiệp có trách nhiệm xem xét, quyết định điều chỉnh và công bố lại giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa. Quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp là căn cứ để xây dựng phương án cổ phần hóa.

Mục 2: XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP THEO PHƯƠNG PHÁP TÀI SẢN

Điều 27. Giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương pháp tài sản

1. Giá trị thực tế của doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị toàn bộ tài sản hiện có của doanh nghiệp tại thời điểm cổ phần hóa có tính đến khả năng sinh lời của doanh nghiệp mà người mua, người bán cổ phần đều chấp nhận được.

Giá trị thực tế vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa là giá trị thực tế của doanh nghiệp sau khi đã trừ các khoản nợ phải trả, số dư Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi và số dư nguồn kinh phí sự nghiệp (nếu có).

2. Khi cổ phần hóa toàn bộ tập đoàn, tổng công ty nhà nước thì giá trị vốn nhà nước là giá trị thực tế vốn nhà nước được xác định tại tập đoàn, tổng công ty nhà nước.

3. Trường hợp cổ phần hóa công ty mẹ trong tổ hợp công ty mẹ - công ty con thì giá trị vốn nhà nước là giá trị thực tế vốn nhà nước tại công ty mẹ.

4. Đối với các tổ chức tài chính, tín dụng khi xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp tài sản được sử dụng kết quả kiểm toán báo cáo tài chính để xác định tài sản vốn bằng tiền, các khoản công nợ nhưng phải thực hiện kiểm kê, đánh giá đối với tài sản cố định, các khoản đầu tư dài hạn và giá trị quyền sử dụng đất theo chế độ Nhà nước quy định.

Điều 28. Các khoản sau đây không tính vào giá trị doanh nghiệp để cổ phần hóa

1. Giá trị những tài sản quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 14 Nghị định này.

2. Các khoản nợ phải thu không có khả năng thu hồi.

3. Chi phí xây dựng cơ bản dở dang của những công trình đã có quyết định đình hoãn của cấp có thẩm quyền trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

4. Các khoản đầu tư dài hạn vào doanh nghiệp khác được quy định tại điểm a khoản 2 Điều 18 Nghị định này.

5. Người có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp xem xét quyết định việc không tính vào giá trị doanh nghịêp để cổ phần hoá đối với các nội dung quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều này và chịu trách nhiệm trước pháp luật về quyết định của mình.

Điều 29. Các căn cứ xác định giá trị thực tế của doanh nghiệp

1. Số liệu theo sổ kế toán của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Tài liệu kiểm kê, phân loại và đánh giá chất lượng tài sản của doanh nghiệp tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

3. Giá thị trường của tài sản tại thời điểm tổ chức định giá.

4. Giá trị quyền sử dụng đất được giao, được thuê và giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp.

Điều 30. Giá trị quyền sử dụng đất

1. Đối với diện tích đất doanh nghiệp cổ phần hoá đang sử dụng làm mặt bằng xây dựng trụ sở, văn phòng giao dịch; xây dựng cơ sở sản xuất, kinh doanh; đất để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, làm muối (kể cả đất đã được Nhà nước giao có thu hoặc không thu tiền sử dụng đất) thì doanh nghiệp cổ phần hoá có trách nhiệm xây dựng phương án sử dụng đất trình cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định. Doanh nghiệp được lựa chọn hình thức thuê đất hoặc giao đất theo quy định của Luật Đất đai.

Trường hợp doanh nghiệp đã được giao đất nay lựa chọn hình thức thuê đất thì phải hoàn tất thủ tục chuyển sang thuê đất gửi cơ quan quyết định cổ phần hoá và cơ quan quản lý nhà đất tại địa phương trước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

2. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá được giao đất (kể cả diện tích đất Nhà nước đã giao cho doanh nghiệp xây dựng nhà để bán hoặc cho thuê kinh doanh khách sạn, kinh doanh thương mại dịch vụ; xây dựng kết cấu hạ tầng để chuyển nhượng hoặc cho thuê) thì phải tính giá trị quyền sử dụng đất vào giá trị doanh nghiệp theo giá đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất được giao) quy định và công bố.

3. Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hoá chọn hình thức thuê đất:

a) Đối với những doanh nghiệp trả tiền thuê đất hàng năm thì không tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp;

b) Đối với những doanh nghiệp trả tiền thuê đất một lần cho toàn bộ thời gian thuê đất thì tính tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp theo giá sát với giá thị trường tại thời điểm định giá được Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định và công bố.

4. Trường hợp giá đất làm căn cứ để xác định giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất chưa sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường tại thời điểm cổ phần hoá thì Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định giá đất cụ thể cho phù hợp;

Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày gửi đủ hồ sơ, nếu chưa nhận được văn bản của Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về giá đất thì cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp được quyền tính giá trị quyền sử dụng đất, giá tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp theo phương án doanh nghiệp đã đề nghị nhưng không thấp hơn giá trị quyền sử dụng đất, giá thuê đất tính theo giá đất được công bố và thông báo cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương biết.

5. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan chức năng hướng dẫn doanh nghiệp cổ phần hoá thực hiện đầy đủ trình tự và thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc ký hợp đồng thuê đất theo quy định của pháp luật hiện hành về đất đai trước khi chính thức chuyển sang công ty cổ phần.

Điều 31. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp

1. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hoá gồm giá trị lợi thế về vị trí địa lý, giá trị thương hiệu, tiềm năng phát triển.

2. Giá trị lợi thế kinh doanh của doanh nghiệp cổ phần hoá do cơ quan có thẩm quyền quyết định cổ phần hoá doanh nghiệp xem xét, quyết định nhưng không thấp hơn giá trị lợi thế kinh doanh được xác định theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Điều 32. Xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác

1. Giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại các doanh nghiệp khác được xác định trên cơ sở:

a) Tỷ lệ vốn đầu tư của doanh nghiệp cổ phần hóa trên vốn điều lệ hoặc tổng số vốn thực góp tại các doanh nghiệp khác;

b) Giá trị vốn chủ sở hữu tại các doanh nghiệp khác theo báo cáo tài chính đã được kiểm toán. Trường hợp chưa kiểm toán thì căn cứ vào giá trị vốn chủ sở hữu theo báo cáo tài chính tại thời điểm gần nhất của doanh nghiệp đó để xác định;

c) Trường hợp đầu tư vốn bằng ngoại tệ thì quy đổi thành đồng Việt Nam theo tỷ giá giao dịch bình quân trên thị trường ngoại tệ liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm định giá;

d) Trường hợp giá trị vốn đầu tư dài hạn của doanh nghiệp cổ phần hóa tại doanh nghiệp khác được xác định thấp hơn giá trị ghi trên sổ kế toán thì xác định giá trị vốn đầu tư dài hạn theo giá trị ghi trên sổ kế toán của doanh nghiệp cổ phần hóa.

2. Giá trị vốn góp của doanh nghiệp cổ phần hóa vào công ty cổ phần đã niêm yết trên thị trường chứng khoán được xác định theo giá cổ phiếu giao dịch trên thị trường chứng khoán tại thời điểm thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp.

Mục 3: XÁC ĐỊNH GIÁ TRỊ DOANH NGHIỆP THEO PHƯƠNG PHÁP DÒNG TIỀN CHIẾT KHẤU

Điều 33. Giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa theo phương pháp dòng tiền chiết khấu

1. Giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp được xác định theo phương pháp dòng tiền chiết khấu dựa trên khả năng sinh lời của doanh nghiệp trong tương lai.

Trường hợp xác định giá trị doanh nghiệp của toàn tổng công ty theo phương pháp này thì khả năng sinh lời của tổng công ty được xác định trên cơ sở lợi nhuận của tổng công ty nhà nước theo quy định tại quy chế quản lý tài chính của công ty nhà nước.

Trường hợp doanh nghiệp đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác thì lợi nhuận do việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp khác mang lại cũng là căn cứ để xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Giá trị thực tế của doanh nghiệp bao gồm giá trị thực tế phần vốn nhà nước, nợ phải trả, số dư bằng tiền Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi và số dư kinh phí sự nghiệp (nếu có).

Trường hợp doanh nghiệp lựa chọn hình thức giao đất, thuê đất trả tiền một lần thì phải tính bổ sung giá trị quyền sử dụng đất, tiền thuê đất vào giá trị doanh nghiệp theo quy định tại Điều 30 Nghị định này.

Điều 34. Căn cứ xác định giá trị doanh nghiệp theo phương pháp dòng tiền chiết khấu

1. Báo cáo tài chính của doanh nghiệp trong 05 năm liền kề, trước thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp.

2. Phương án hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong 03 đến 05 năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần.

3. Lãi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 05 năm ở thời điểm gần nhất, trước thời điểm tổ chức thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp và hệ số chiết khấu dòng tiền của doanh nghiệp được định giá.

Chương 4:

BÁN CỔ PHẦN LẦN ĐẦU VÀ QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TIỀN THU TỪ CỔ PHẦN HÓA

Điều 35. Xác định vốn điều lệ và cơ cấu cổ phần lần đầu

1. Căn cứ kết quả công bố giá trị phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa và kế hoạch sản xuất, kinh doanh của các năm sau khi chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định quy mô và cơ cấu vốn điều lệ:

a) Trường hợp bán bớt phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp, vốn điều lệ được xác định không thấp hơn giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp;

b) Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu, vốn điều lệ được xác định bằng giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp và giá trị cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá cổ phiếu.

2. Trên cơ sở vốn điều lệ đã được xác định, cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định cơ cấu vốn cổ phần lần đầu, bao gồm:

a) Cổ phần Nhà nước nắm giữ: tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ thực hiện theo tiêu chí phân loại doanh nghiệp nhà nước được Thủ tướng Chính phủ công bố trong từng thời kỳ. Đối với trường hợp doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối, cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét, quyết định tỷ lệ cổ phần Nhà nước nắm giữ cho phù hợp;

b) Cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và nhà đầu tư khác không thấp hơn 25% vốn điều lệ, (ngoại trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 Điều này). Số cổ phần bán cho các nhà đầu tư khác không thấp hơn 50% số cổ phần nêu trên;

Đối với các doanh nghiệp quy mô lớn có vốn nhà nước trên 500 tỷ đồng hoặc hoạt động kinh doanh trong những lĩnh vực, ngành nghề đặc thù (bảo hiểm, ngân hàng, bưu chính viễn thông, hàng không, khai thác mỏ quý hiếm) thì tỷ lệ cổ phần đấu giá bán cho các nhà đầu tư do cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cụ thể;

c) Cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa:

Tổ chức Công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa được sử dụng nguồn quỹ hợp pháp (của công đoàn) tại doanh nghiệp cổ phần hóa (không huy động, vay vốn) để mua cổ phần nhưng không quá 3% vốn điều lệ. Số cổ phần này do Tổ chức Công đoàn nắm giữ nhưng không được chuyển nhượng. Bộ Tài chính và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam hướng dẫn việc sử dụng nguồn quỹ hợp pháp để mua cổ phần trên nguyên tắc đảm bảo quyền lợi người lao động tại doanh nghiệp;

d) Cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Nghị định này.

3. Trường hợp số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp (tính theo mức ưu đãi tối đa) lớn hơn số lượng cổ phần dự kiến phát hành còn lại (sau khi đã trừ đi số cổ phần Nhà nước nắm giữ và số cổ phần bán cho các nhà đầu tư, tổ chức Công đoàn theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 2 Điều này) thì xử lý như sau:

a) Nếu doanh nghiệp không thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét, quyết định điều chỉnh giảm số lượng cổ phần Nhà nước nắm giữ để tăng số lượng cổ phần bán ưu đãi cho người lao động;

b) Nếu doanh nghiệp thuộc diện Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối thì cơ quan quyết định cổ phần hoá xem xét, quyết định điều chỉnh quy mô vốn điều lệ để tăng số lượng hợp lý cổ phần bán ưu đãi cho người lao động trong doanh nghiệp hoặc giảm cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thông thường, nhưng phải đảm bảo cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược và các nhà đầu tư thông thường không thấp hơn 20% vốn điều lệ.

Điều 36. Công bố thông tin

1. Trước khi bán cổ phần lần đầu tối thiểu 20 ngày, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp phải công bố thông tin tại doanh nghiệp, tại nơi bán đấu giá và trên các phương tiện thông tin đại chúng về:

a) Các thông tin về doanh nghiệp cổ phần hóa (bao gồm cả kết quả xác định giá trị doanh nghiệp);

b) Nội dung cơ bản Phương án cổ phần hóa được duyệt;

c) Các thông tin có liên quan đến việc bán cổ phần (bao gồm cả thông tin về việc bán cổ phần cho các nhà đầu tư chiến lược);

d) Dự thảo Điều lệ tổ chức và hoạt động của công ty cổ phần được xây dựng phù hợp với Luật Doanh nghiệp.

2. Bộ Tài chính quy định cụ thể về nội dung công bố thông tin.

Điều 37. Giá bán cổ phần lần đầu

1. Giá bán theo phương thức đấu giá công khai là giá đấu thành công của từng nhà đầu tư. Theo phương thức này, các nhà đầu tư trúng thầu ở mức giá nào thì mua cổ phần ở mức giá đó.

2. Giá bán ưu đãi là giá bán cổ phần cho người lao động trong doanh nghiệp bằng 60% giá đấu thành công bình quân quy định tại khoản 1 Điều này.

Đối với những doanh nghiệp đặc biệt khó khăn ở vùng sâu, vùng xa giá bán cổ phần ưu đãi cho người lao động có thể thấp hơn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Giá bán theo phương thức bảo lãnh phát hành hoặc thoả thuận trực tiếp là giá bán cổ phần cho các nhà đầu tư theo kết quả thương thảo giữa Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp với tổ chức bảo lãnh phát hành hoặc giá thương thảo trực tiếp với nhà đầu tư. Giá bán theo phương thức bảo lãnh phát hành hoặc thoả thuận trực tiếp phải đảm bảo nguyên tắc không thấp hơn giá đấu thành công bình quân của cuộc đấu giá công khai quy định tại khoản 1 Điều này.

4. Giá cổ phần bán cho tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa là giá bán ưu đãi cho người lao động quy định tại khoản 2 Điều này.

Điều 38. Phương thức đấu giá

1. Phương thức đấu giá được áp dụng trong trường hợp bán đấu giá ra công chúng mà không có sự phân biệt nhà đầu tư tổ chức, nhà đầu tư cá nhân, nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài;

2. Tổ chức đấu giá công khai:

a) Đấu giá tại các tổ chức tài chính trung gian, nếu khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng;

Trường hợp không có tổ chức tài chính trung gian nhận bán đấu giá cổ phần thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp trực tiếp tổ chức bán đấu giá cổ phần tại doanh nghiệp;

b) Đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, nếu khối lượng cổ phần bán ra từ 10 tỷ đồng trở lên;

Trường hợp doanh nghiệp cổ phần hóa có khối lượng cổ phần bán ra dưới 10 tỷ đồng có nhu cầu thực hiện bán đấu giá tại Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán thì do cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định;

c) Cơ quan quyết định cổ phần hóa quyết định việc lựa chọn Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán hoặc thuê tổ chức tài chính trung gian để thực hiện đấu giá; đăng ký kế hoạch đấu giá với Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, đồng thời báo cáo Bộ Tài chính để quyết định kế hoạch đấu giá trên thị trường chứng khoán.

Điều 39. Trình tự tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu

1. Việc tổ chức đấu giá bán cổ phần lần đầu được thực hiện theo quy trình sau:

a) Người đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp cổ phần hóa ký hợp đồng tổ chức bán đấu giá với tổ chức tài chính trung gian, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán;

b) Thực hiện công bố thông tin theo quy định tại Điều 36 Nghị định này;

c) Tổ chức thuyết trình cho các nhà đầu tư (nếu cần);

d) Tổ chức tài chính trung gian, Sở Giao dịch chứng khoán, Trung tâm Giao dịch chứng khoán, Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp tổ chức đấu giá.

2. Bộ Tài chính quy định cụ thể về trình tự tổ chức đấu giá, trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc tổ chức đấu giá.

Điều 40. Xử lý đối với số lượng cổ phần nhà đầu tư từ chối mua trong đấu giá bán cổ phần lần đầu

1. Trường hợp nhà đầu tư trúng thầu không mua hoặc không mua hết số lượng cổ phần được quyền mua theo kết quả đấu giá đã công bố thì không được nhận lại số tiền đặt cọc tương ứng với số cổ phần từ chối mua.

2. Nếu số lượng cổ phần từ chối mua nhỏ hơn 30% tổng số cổ phần chào bán thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp xem xét quyết định bán tiếp cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá theo quy định tại khoản 3 Điều 42 Nghị định này.

3. Nếu số lượng cổ phần từ chối mua bằng hoặc lớn hơn 30% tổng số cổ phần chào bán thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp tổ chức đấu giá bán tiếp số cổ phần từ chối mua.

4. Trường hợp vẫn không bán hết thì Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hóa xử lý theo quy định tại Điều 43 Nghị định này.

Điều 41. Phương thức bảo lãnh phát hành

1. Phương thức bảo lãnh phát hành được áp dụng trong các trường hợp bán cổ phần lần đầu cho một số lượng nhà đầu tư nhất định theo những điều kiện cam kết nhất định sau khi đã tổ chức bán đấu giá công khai theo quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định này.

2. Tổ chức bảo lãnh phát hành phải đảm bảo các điều kiện sau:

a) Có chức năng bảo lãnh phát hành cổ phiếu được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép;

b) Cam kết bán hết số cổ phần nhận bảo lãnh. Trường hợp không bán hết, các tổ chức bảo lãnh phát hành có trách nhiệm mua hết số cổ phần còn lại theo giá bảo lãnh.

3. Nghĩa vụ và quyền hạn của tổ chức bảo lãnh thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán và Hợp đồng bảo lãnh phát hành cổ phiếu được ký kết giữa tổ chức bảo lãnh với đại diện có thẩm quyền của doanh nghiệp cổ phần hóa.

Điều 42. Phương thức thoả thuận trực tiếp

1. Phương thức thoả thuận trực tiếp được áp dụng trong trường hợp sau:

a) Bán cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá ra công chúng;

b) Bán cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp số lượng cổ phần do các nhà đầu tư từ chối mua.

2. Bán cho nhà đầu tư chiến lược sau khi đấu giá ra công chúng:

a) Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo tiêu chí được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư có đủ điều kiện trở thành nhà đầu tư chiến lược, Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp có thể lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo phương thức chào giá cạnh tranh;

b) Trên cơ sở kết quả lựa chọn nhà đầu tư chiến lược, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp thương thảo với nhà đầu tư chiến lược về giá bán cổ phần theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định này;

c) Nhà đầu tư chiến lược phải đặt cọc ngay 10% giá trị cổ phần được mua theo giá khởi điểm do Ban chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp quyết định. Trường hợp từ bỏ quyền mua, nhà đầu tư không được nhận lại tiền đặt cọc.

3. Bán cho các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá có nhu cầu mua tiếp số lượng cổ phần do các nhà đầu tư khác từ chối mua:

a) Ban Chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiệp và cơ quan thực hiện đấu giá bán cổ phần phải thông báo công khai số lượng cổ phần từ chối mua để các nhà đầu tư đã tham dự đấu giá đăng ký mua tiếp;

b) Căn cứ vào số lượng cổ phần đăng ký mua, Ban Chỉ đạo cổ phần hoá doanh nghiêp xem xét bán theo thứ tự đặt giá từ cao xuống thấp theo nguyên tắc quy định tại khoản 3 Điều 37 Nghị định này.

Điều 43. Xử lý số lượng cổ phần không bán hết

1. Nếu số lượng cổ phần không bán hết còn lại dưới 50% số lượng cổ phần chào bán (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì điều chỉnh quy mô, cơ cấu vốn điều lệ (tăng phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp) để chuyển doanh nghiệp thành công ty cổ phần.

2. Nếu còn lại từ 50% số lượng cổ phần chào bán trở lên (trừ số lượng cổ phần được bảo lãnh phát hành) thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xem xét, điều chỉnh giảm giá khởi điểm (tối đa bằng mệnh giá cổ phần) và tổ chức đấu giá bán tiếp số cổ phần còn lại.

3. Trường hợp đã điều chỉnh giảm giá khởi điểm bằng mệnh giá cổ phần mà không có nhà đầu tư đăng ký tham dự đấu giá hoặc không bán hết được số cổ phần còn lại thì cơ quan quyết định cổ phần hóa xử lý theo quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 44. Thời hạn hoàn thành việc bán cổ phần

Trong thời hạn 03 tháng, kể từ ngày quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa, doanh nghiệp phải hoàn thành việc bán cổ phần (kể cả bán cổ phần theo phương thức bảo lãnh phát hành và bán thoả thuận trực tiếp).

Điều 45. Quản lý và sử dụng số tiền thu từ cổ phần hóa

1. Đối với trường hợp bán phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp:

a) Số tiền thu từ cổ phần hóa doanh nghiệp được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hóa và chi giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư khi thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp theo chế độ nhà nước quy định và quyết định của cơ quan có thẩm quyền. Phần còn lại được xử lý theo quy định tại điểm c khoản này;

b) Trường hợp tiền thu từ cổ phần hóa tại doanh nghiệp không đủ giải quyết chính sách cho người lao động dôi dư thì được bổ sung từ:

- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ (đối với trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên, công ty con, đơn vị phụ thuộc tập đoàn, tổng công ty, công ty mẹ). Nếu thiếu thì được bổ sung từ Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước;

- Quỹ dự phòng trợ cấp mất việc làm của công ty nhà nước độc lập, công ty thành viên hạch toán độc lập (đối với trường hợp cổ phần hóa bộ phận doanh nghiệp);

- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (đối với trường hợp cổ phần hóa công ty nhà nước độc lập, công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; toàn bộ tổng công ty nhà nước; toàn bộ tập đoàn, công ty mẹ).

c) Số tiền thu từ bán phần vốn nhà nước còn lại (bao gồm cả chênh lệch giá bán cổ phần) sau khi trừ các khoản chi theo quy định tại điểm a khoản này được nộp về:

- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Tập đoàn, Tổng công ty trong trường hợp cổ phần hóa doanh nghiệp thành viên, công ty con hoặc đơn vị hạch toán phụ thuộc Tập đoàn, Tổng công ty;

- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp của Công ty mẹ trong trường hợp cổ phần hóa công ty con là công ty trách nhiệm hữu hạn do Công ty mẹ đầu tư 100% vốn điều lệ, cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc Công ty mẹ;

- Công ty nhà nước độc lập hoặc doanh nghiệp thành viên hạch toán độc lập trong trường hợp cổ phần hóa đơn vị hạch toán phụ thuộc các doanh nghiệp này;

- Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong trường hợp cổ phần hóa toàn bộ công ty nhà nước độc lập; toàn bộ tổng công ty nhà nước; toàn bộ tập đoàn, công ty mẹ được tổ chức và hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và công ty trách nhiệm hữu hạn do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ thuộc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Trường hợp phát hành thêm cổ phiếu để tăng vốn điều lệ:

a) Tiền thu từ cổ phần hóa để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá; phần thặng dư vốn (chênh lệch giữa tiền thu từ cổ phần hoá và tổng mệnh giá cổ phần phát hành thêm) được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hoá và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, nếu thiếu được xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Số tiền còn lại (nếu có) để lại cho công ty cổ phần theo tỷ lệ tương ứng với cổ phần phát hành thêm trong cơ cấu vốn điều lệ. Phần còn lại xử lý theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này. Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý và sử dụng số tiền để lại cho công ty cổ phần.

3. Trường hợp bán phần vốn nhà nước kết hợp phát hành thêm.

a) Tiền thu từ cổ phần hoá để lại doanh nghiệp phần giá trị tương ứng với số cổ phần phát hành thêm tính theo mệnh giá; Phần thặng dư vốn được sử dụng để thanh toán chi phí cổ phần hoá và giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, nếu thiếu được xử lý theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

b) Phần còn lại (nếu có) được xử lý như sau:

- Nộp về các đơn vị thụ hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phần giá trị cổ phần Nhà nước bán bớt theo mệnh giá;

- Phần còn lại (nếu có) được phân chia theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều này.

4. Các khoản thu từ cổ phần hóa được sử dụng để giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư tại doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định là nguồn thu của Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

5. Cơ quan quyết định cổ phần hóa có trách nhiệm báo cáo đầy đủ, kịp thời việc quản lý và sử dụng các khoản thu từ cổ phần hóa gửi về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để tổng hợp báo cáo Bộ Tài chính và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 46. Quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

1. Thành lập Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước để:

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu (bao gồm doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hoá, giao, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu...) giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Bổ sung vốn điều lệ của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Đầu tư vào các dự án quan trọng bao gồm cả dự án hạ tầng có thu hồi vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

2. Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ sử dụng để:

a) Hỗ trợ các doanh nghiệp thành viên, bộ phận doanh nghiệp trực thuộc thực hiện sắp xếp, chuyển đổi sở hữu (bao gồm doanh nghiệp thực hiện sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản, cổ phần hóa, giao, bán, chuyển thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, chuyển thành đơn vị sự nghiệp có thu...); giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư và xử lý các vấn đề về tài chính theo quy định của pháp luật;

b) Bổ sung vốn điều lệ theo phê duyệt của cấp có thẩm quyền;

c) Phần còn lại, các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và Công ty mẹ được đầu tư phát triển doanh nghiệp theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

3. Thủ tướng Chính phủ Quyết định:

Thành lập, ban hành quy chế quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước; điều hòa Quỹ giữa các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, bao gồm cả Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Công ty mẹ; đầu tư các dự án trọng điểm của nhà nước trên cơ sở đề nghị của Bộ Tài chính.

4. Bộ Tài chính quy định cơ chế quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ; kiểm tra, giám sát việc quản lý và sử dụng nguồn thu từ cổ phần hóa để hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp và đầu tư phát triển doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Điều 47. Điều lệ công ty cổ phần

1. Điều lệ công ty cổ phần do Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp dự thảo và được công bố cho các nhà đầu tư trước khi bán cổ phần. Dự thảo Điều lệ công ty cổ phần không được trái với quy định của Luật Doanh nghiệp và quy định của pháp luật liên quan.

2. Điều lệ của công ty cổ phần được Đại hội đồng cổ đông lần đầu thông qua khi được ít nhất 65% tổng số phiếu biểu quyết của các nhà đầu tư góp vốn mua cổ phần dự họp chấp thuận.

Điều 48. Đại hội đồng cổ đông và đăng ký kinh doanh lần đầu

1. Trong thời hạn 01 tháng, kể từ ngày hoàn thành việc bán cổ phần, doanh nghiệp phải tổ chức Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển doanh nghiệp cổ phần hóa thành công ty cổ phần và đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Hồ sơ đăng ký kinh doanh phải bao gồm cả quyết định chuyển thành công ty cổ phần của cơ quan quyết định cổ phần hóa; Điều lệ công ty cổ phần có chữ ký của người đại diện theo pháp luật của Công ty cổ phần.

2. Trong thời hạn tối đa 15 ngày làm việc, sau khi nhận được báo cáo tài chính tại thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần, cơ quan có thẩm quyền quyết định giá trị doanh nghiệp phối hợp với cơ quan tài chính thực hiện kiểm tra, xử lý tài chính ở thời điểm chính thức chuyển thành công ty cổ phần theo quy định tại Điều 21 Nghị định này; xác định lại giá trị phần vốn nhà nước, số tiền thu, chi phát sinh trong quá trình cổ phần hóa và quyết định điều chỉnh vốn nhà nước tại doanh nghiệp; tổ chức bàn giao giữa doanh nghiệp và công ty cổ phần; gửi kết quả xác định lại giá trị doanh nghiệp cho Bộ Tài chính.

Điều 49. Cử người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp cổ phần hóa

1. Các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước, Công ty mẹ có trách nhiệm cử người làm đại diện phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa là đơn vị thành viên, bộ phận doanh nghiệp trực thuộc và chịu trách nhiệm thực hiện quyền và nghĩa vụ của đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo quy định của pháp luật.

2. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cử người đại diện chủ sở hữu đối với trường hợp cổ phần hoá toàn bộ Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước;

- Quyết định cử người đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn Nhà nước tại công ty cổ phần. Đối với những doanh nghiệp cổ phần hoá thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phối hợp với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước trong việc cử người làm đại diện chủ sở hữu phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp.

3. Đại diện chủ sở hữu có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp, Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước tổ chức Đại hội đồng cổ đông và xử lý các công việc liên quan trước khi doanh nghiệp chuyển thành công ty cổ phần.

Chương 5:

CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG KHI CỔ PHẦN HÓA

Điều 50. Doanh nghiệp sau cổ phần hóa được hưởng các ưu đãi sau:

1. Được miễn lệ phí trước bạ đối với việc chuyển những tài sản thuộc quyền quản lý và sử dụng của doanh nghiệp cổ phần hóa thành sở hữu của công ty cổ phần.

2. Được miễn lệ phí cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh khi chuyển từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần.

3. Được ký lại các hợp đồng thuê đất, thuê nhà cửa, vật kiến trúc của các cơ quan nhà nước với các điều khoản áp dụng tương tự cho doanh nghiệp trước khi cổ phần hóa hoặc được ưu tiên mua lại theo giá thị trường tại thời điểm cổ phần hóa để ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh.

4. Được hưởng các quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai.

5. Được duy trì và phát triển Quỹ phúc lợi dưới dạng hiện vật như: các công trình văn hóa, câu lạc bộ, bệnh xá, nhà điều dưỡng, nhà trẻ để đảm bảo phúc lợi cho người lao động trong công ty cổ phần. Những tài sản này thuộc sở hữu của tập thể người lao động do công ty cổ phần quản lý.

Điều 51. Người lao động trong doanh nghiệp cổ phần hóa được hưởng các chính sách ưu đãi sau:

1. Người lao động có tên trong danh sách thường xuyên của doanh nghiệp tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa được mua tối đa 100 cổ phần cho mỗi năm thực tế làm việc tại khu vực nhà nước với giá bán quy định tại khoản 2 Điều 37 Nghị định này.

2. Được chia số dư bằng tiền của Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi (bao gồm cả giá trị tài sản dùng trong sản xuất, kinh doanh đầu tư bằng nguồn Quỹ khen thưởng, Quỹ phúc lợi) theo quy định tại Điều 14 và Điều 19 Nghị định này để mua cổ phần.

3. Được tiếp tục tham gia và hưởng quyền lợi về bảo hiểm xã hội theo chế độ hiện hành nếu chuyển sang làm việc tại công ty cổ phần.

4. Được hưởng chế độ hưu trí và các quyền lợi theo chế độ hiện hành nếu đã có đủ điều kiện tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp.

5. Nếu bị mất việc, thôi việc tại thời điểm công bố giá trị doanh nghiệp thì được thanh toán trợ cấp mất việc, thôi việc theo quy định của pháp luật.

Chương 6:

KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 52. Khiếu nại, tố cáo

1. Việc khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến quá trình cổ phần hóa được thực hiện theo quy định của Nghị định này và các quy định khác của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.

2. Trong thời hạn khiếu nại, tố cáo, tổ chức, cá nhân vẫn phải thi hành quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã ban hành. Khi có quyết định giải quyết khiếu nại, tố cáo của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật thì thi hành theo quyết định đó.

3. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thụ lý đơn khiếu nại, tố cáo của tổ chức, cá nhân, giải quyết theo thẩm quyền và thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, tố cáo biết.

4. Trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại mà khiếu nại không được giải quyết hoặc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà người khiếu nại không đồng ý thì có quyền khởi kiện tại Toà án theo quy định của pháp luật.

Điều 53. Xử lý vi phạm trong quá trình cổ phần hóa

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm quy định tại Nghị định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan đến cổ phần hóa thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn cản trở quá trình cổ phần hóa; có hành vi sách nhiễu, gây phiền hà đối với tổ chức, cá nhân trong quá trình cổ phần hóa; không giải quyết kịp thời yêu cầu của tổ chức, cá nhân theo quy định; không thực thi các công vụ khác do pháp luật quy định thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

3. Việc xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo quy định pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và các quy định pháp luật khác có liên quan như xử phạt hành chính trong lĩnh vực kế toán, chứng khoán.

Chương 7:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 54. Quyền hạn và trách nhiệm trong tổ chức thực hiện cổ phần hóa.

1. Thủ tướng Chính phủ:

a) Phê duyệt kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp quy định tại Điều 2 Nghị định này;

b) Quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước và một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đặc biệt như bảo hiểm, ngân hàng, viễn thông, hàng không, khai thác mỏ quý hiếm; quyết định cơ quan là đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp này;

­c) Ủy quyền cho Hội đồng quản trị các Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước đặc biệt do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập (Phụ lục ban hành kèm theo Nghị định số 86/2006/NĐ-CP ngày 21 tháng 8 năm 2006 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2005/NĐ-CP ngày 20 tháng 10 năm 2005 của Chính phủ về thực hiện các quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước đối với công ty nhà nước) quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, bộ phận doanh nghiệp trực thuộc. Sau khi quyết định, Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước đặc biệt báo cáo Bộ Tài chính để kiểm tra, giám sát bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

2. Bộ trưởng các Bộ, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương căn cứ phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận:

a) Thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp để giúp Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này;

b) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình cổ phần hóa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo các nội dung quy định tại Nghị định này;

c) Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;

d) Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, quyết định phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý kèm theo dự thảo Điều lệ công ty cổ phần được xây dựng phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp và các quy định của pháp luật liên quan;

đ) Chủ động chuyển những doanh nghiệp trong danh sách thực hiện cổ phần hóa nhưng không đủ điều kiện sang thực hiện các hình thức khác như giao, bán, giải thể hoặc phá sản doanh nghiệp;

e) Thoả thuận với Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp để quyết định việc chuyển đổi sở hữu đối với công ty nhà nước thua lỗ không còn vốn nhà nước đã được Công ty Mua bán nợ và Tài sản tồn đọng của doanh nghiệp xử lý tồn tại về tài chính theo quy định;

g) Quyết định phê duyệt quyết toán tài chính; quyết toán chi phí cổ phần hóa; quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư; quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu;

h) Giải quyết những vướng mắc, khiếu nại, tố cáo cho các doanh nghiệp cổ phần hóa theo thẩm quyền trong thời hạn tối đa 15 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, đơn thư khiếu nại, tố cáo. Trường hợp vượt quá thẩm quyền thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định;

i) Báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ quan đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước khi cổ phần hoá các tập đoàn, các tổng công ty nhà nuớc;

k) Đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thống nhất với Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước trong việc lựa chọn người đại diện phần vốn nhà nước góp tại công ty cổ phần và triển khai công tác chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp ngay sau khi công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

3. Hội đồng quản trị các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nêu tại điểm c khoản 1 Điều này có trách nhiệm:

a) Tổ chức thực hiện kế hoạch cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc tập đoàn, tổng công ty theo đề án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

b) Thành lập Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp để giúp Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước tổ chức triển khai công tác cổ phần hóa theo quy định tại Nghị định này;

c) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát quá trình cổ phần hóa các đơn vị thuộc phạm vi quản lý theo các nội dung quy định tại Nghị định này;

d) Chỉ đạo các đơn vị thành viên: xử lý các vấn đề tài chính theo quy định tại Chương II Nghị định này, tổ chức xác định giá trị doanh nghiệp, lập phương án cổ phần hóa trình Hội đồng quản trị Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước phê duyệt; triển khai thực hiện phương án đã được phê duyệt;

đ) Xử lý các tồn tại về tài chính của doanh nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo thẩm quyền;

e) Quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và phê duyệt phương án cổ phần hóa các doanh nghiệp thành viên, bộ phận doanh nghiệp trong Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước kèm theo dự thảo Điều lệ công ty cổ phần được xây dựng phù hợp với các quy định của pháp luật liên quan;

g) Chỉ đạo các đơn vị thành viên phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện quyết toán tài chính, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán kinh phí hỗ trợ cho người lao động dôi dư, quyết toán số tiền thu từ cổ phần hóa và công bố giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm công ty cổ phần được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu.

4. Ngoài các quyền hạn và trách nhiệm quy định tại khoản 3 Điều này, Hội đồng quản trị Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước còn có trách nhiệm:

a) Phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương:

- Tổ chức triển khai thực hiện cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao;

- Cử người đại diện quản lý phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc đối tượng chuyển giao;

- Kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp nộp tiền thu từ cổ phần hóa về Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp tại Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

b) Thực hiện đầu tư vào các dự án theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

c) Hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước, nông, lâm trường thực hiện sắp xếp lại giải quyết chính sách đối với lao động dôi dư, xử lý các tồn tại về tài chính;

d) Định kỳ tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về tình hình quản lý, sử dụng Quỹ hỗ trợ sắp xếp doanh nghiệp.

5. Quyền hạn, trách nhiệm và thành phần Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp:

a) Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp có quyền hạn, trách nhiệm sau:

- Giúp cơ quan quyết định cổ phần hóa chỉ đạo và tổ chức thực hiện cổ phần hóa một hoặc một số doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định này;

- Được sử dụng con dấu của cơ quan có thẩm quyền trong khi thực hiện nhiệm vụ;

- Thành lập Tổ giúp việc triển khai công tác cổ phần hóa tại doanh nghiệp;

- Báo cáo cơ quan quyết định cổ phần hóa lựa chọn phương thức bán cổ phần lần đầu;

- Chỉ đạo xây dựng phương án cổ phần hóa và dự thảo Điều lệ lần đầu của công ty cổ phần;

- Thẩm tra và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định công bố giá trị doanh nghiệp, quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa;

- Chỉ đạo doanh nghiệp cổ phần hóa phối hợp với các tổ chức tài chính trung gian tổ chức đấu giá bán cổ phần;

- Tổng hợp báo cáo cơ quan có thẩm quyền kết quả bán cổ phần;

- Tổng hợp và trình cơ quan có thẩm quyền quyết định điều chỉnh phương án cổ phần hóa, quyết định điều chỉnh giá trị doanh nghiệp sau khi chuyển thành công ty cổ phần;

- Xem xét, lựa chọn, đề xuất và phối hợp với cơ quan có thẩm quyền cử người đại diện phần vốn nhà nước góp tại doanh nghiệp cổ phần hóa.

b) Thành phần Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp do Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước quyết định;

Đối với những doanh nghiệp cổ phần hóa thuộc đối tượng chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước thì thành viên Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp có đại diện thẩm quyền của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước.

6. Tổ chức công đoàn tại doanh nghiệp cổ phần hóa có trách nhiệm phối hợp với Ban Chỉ đạo cổ phần hóa doanh nghiệp:

a) Tuyên truyền, vận động cán bộ, công nhân viên tại doanh nghiệp cổ phần hóa thực hiện chính sách cổ phần hóa của Nhà nước;

b) Tham gia giám sát quá trình cổ phần hóa tại doanh nghiệp;

c) Cử người đại diện phần vốn của tổ chức công đoàn tham gia ứng cử vào Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát công ty cổ phần theo quy định của pháp luật;

d) Sử dụng quỹ hợp pháp của công đoàn mua cổ phần tại doanh nghiệp và tổ chức phân phối lợi ích thu được cho người lao động.

Điều 55. Chế độ báo cáo và kiểm tra, giám sát

1. Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước có trách nhiệm báo cáo kịp thời về Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Bộ Tài chính các nội dung có liên quan trong quá trình cổ phần hóa: kết quả xử lý các tồn tại về tài chính, kết quả định giá, quyết định công bố giá trị doanh nghiệp và điều chỉnh giá trị doanh nghiệp, phương án cổ phần hóa, kết quả bán cổ phần, quyết toán chi phí cổ phần hóa, quyết toán bàn giao từ doanh nghiệp nhà nước sang công ty cổ phần.

Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể về chế độ báo cáo quy định tại khoản này.

2. Bộ Tài chính có trách nhiệm kiểm tra, giám sát, đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các Tập đoàn kinh tế và các Tổng công ty nhà nước, thực hiện công tác cổ phần hóa theo phương án sắp xếp doanh nghiệp nhà nước đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và quy định của pháp luật, định kỳ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình và kết quả thực hiện cổ phần hóa doanh nghiệp.

Chương 8:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 56. Điều khoản thi hành

1. Nghị định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo và thay thế Nghị định số 187/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2004 của Chính phủ về chuyển công ty nhà nước thành công ty cổ phần. Các quy định trước đây về cổ phần hóa trái với Nghị định này đều không còn hiệu lực thi hành.

2. Các doanh nghiệp đã có quyết định phê duyệt phương án cổ phần hóa của cấp có thẩm quyền trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục thực hiện theo phương án được duyệt và các quy định của Nghị định này.

3. Các doanh nghiệp đã đăng ký kinh doanh chuyển sang công ty cổ phần trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục hưởng các ưu đãi theo quy định của pháp luật có liên quan.

4. Việc cổ phần hóa các ngân hàng thương mại nhà nước được tiến hành theo những nội dung quy định tại Nghị định này, các quy định có liên quan đến lĩnh vực quản lý ngân hàng và các nội dung cụ thể trong từng Đề án cổ phần hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Điều 57. Bộ Tài chính, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ quan liên quan khác có trách nhiệm hướng dẫn thực hiện Nghị định này.

Điều 58. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội đồng quản trị Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty nhà nước do Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập chịu trách nhiệm thi hành Nghị định này./.


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- Văn phòng BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh,
thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Toà án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty 91;
- Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển DN;
- VPCP: BTCN, các PCN,
Website Chính phủ, Ban Điều hành 112,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, ĐMDN (30b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

THE GOVERNMENT
---------

SOCIALIST REPUBLIC OF VIET NAM
Independence - Freedom - Happiness
----------

No. 109/2007/ND-CP

Hanoi, June 26, 2007

 

DECREE

ON CONVERSION OF ENTERPRISES WITH 100% STATE OWNED CAPITAL INTO SHAREHOLDING COMPANIES

THE GOVERNMENT

Pursuant to the Law on Organization of the Government dated 25 December 2001; Pursuant to the Law on State Owned Enterprises dated 26 November 2003; Pursuant to the Law on Enterprises dated 12 June 1999;
Pursuant to the Law on Securities dated 29 June 2006; On the proposal of the Minister of Finance;

DECREES:

Chapter I

GENERAL PROVISIONS

Article 1. The objectives of and requirements for converting enterprises with 100% State owned capital into shareholding companies (hereinafter referred to as equitization) are:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. To ensure harmony between the interests of the State, the enterprise, investors and employees of the enterprise.

3. To ensure public notification and transparency based on market principles; to overcome the situation of equitization taking place in secret within enterprises; and to ensure that equitization runs parallel with development of the capital market and the securities market.

Article 2. Entities eligible for equitization:

1. Independent State owned companies of ministries, industries and localities.

2. Parent companies of economic groups (hereinafter abbreviated as groups), State owned corporations (including State commercial banks).

3. Parent companies in parent subsidiary company groups1.

4. Independent cost accounting member companies of corporations for which the State made the decision on investment and establishment.

5. Dependent accounting affiliates of independent State owned companies, groups, State owned corporations, parent companies and [of] independent cost accounting member companies of corporations.

6. Limited liability companies in which the State holds 100% charter capital.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. An enterprise stipulated in article 2 of this Decree may carry out equitization if it satisfies both the following conditions:

(a) It is not an enterprise in the category in which [it is necessary for] the State holds 100% charter capital. The Prime Minister of the Government shall issue a decision in each period on the list of enterprises in which it is necessary for the State to hold 100% charter capital;

(b) It still has State owned capital after finances have been dealt with and the enterprise has been re-valued.

2. A dependent accounting affiliate must also satisfy the following conditions in addition to the conditions specified in clause 1 of this article:

(a) It satisfies all the conditions for maintaining an independent cost accounting system;

(b) It's equitization will not cause difficulties for or adversely affect the production and business efficiency of the enterprise or of the remaining part of the enterprise;

(c) It is identified in the plan for overall restructuring of enterprises approved by the Prime Minister.

3. If the actual value of the enterprise is less than debts payable after finances have been dealt with and the enterprise has been re-valued pursuant to the provisions in Chapters II and III of this Decree, then it shall conduct the form of sale, dissolution or bankruptcy.

Article 4. Forms of equitization:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Selling part of the current State owned capital in the enterprise, or combining the sale of part of the current State owned capital in the enterprise with an additional issue of shares in order to increase charter capital.

3. Selling the whole of the current State owned capital in the enterprise, or combining the sale of the whole of the current State owned capital in the enterprise with an additional issue of shares in order to increase charter capital.

Article 5. Methods of initial share sale

1. The initial share sale shall be conducted by the method of a public auction, underwriting the issue, [or] direct agreement in accordance with the provisions in Chapter IV of this Decree.

2. The body making the equitization decision shall fix the appropriate method of share sale depending on the entities eligible to purchase shares and the conditions for purchasing.

3. The Ministry of Finance shall issue2 detailed guidelines on the methods of initial share sale as stipulated in this Decree.

Article 6. Entities eligible to purchase shares and conditions for purchasing:

1.Domestic investors:

(a)Domestic investors means Vietnamese individuals, economic institutions, and social organizations established and operating pursuant to the law of Vietnam;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Foreign investors:

(a) Foreign investors means foreign organizations and individuals who spend capital to conduct investment activities in Vietnam;

(b) Foreign investors shall be permitted to purchase shares in an equitized enterprise in accordance with the provisions of this Decree and other relevant laws;

(c) A foreign investor wishing to purchase shares must open a deposit account at an organization providing payment services which is currently operating in the territory of Vietnam, and must comply with the law of Vietnam. All activities being the purchase and sale of shares, the receipt and use of dividends, and other receipts and expenditures from investment in the purchase of shares must be conducted via such account.

3. Strategic investors:

(a) Strategic investors means domestic investors and foreign investors with financial and enterprise management capability; [who] transfer new technology, supply raw materials, [and/or] develop the product consumption market; [and whose] long-term interests are closely connected with the enterprise;

(b) The Steering Committee for Equitization shall submit to the person making the equitization decision [a plan on] the initial share sale to strategic investors and the criteria for selecting strategic investors;

(c) Strategic investors shall be entitled to purchase shares at a price not less than the average successful auction price. If it is absolutely necessary for a group or State owned corporation (including a State commercial bank) to select a strategic investor, then the body making the equitization decision shall report to the Prime Minister of the Government to hold separate tendering between strategic investors;

(d) Strategic investors shall not be permitted to transfer purchased shares for a minimum period of three years from the date on which a business registration certificate is issued to the shareholding company. If in special circumstances these shares are required to be transferred before expiration of the above period, there must be approval from the general meeting of shareholders.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



5. Members of the Steering Committee for Equitization (except for a member being a representative of an enterprise), intermediary financial institutions, and individuals providing consultancy or [conducting the] valuation or auction for sale of shares of the equitized enterprise shall not be permitted to participate in the auction for purchase of shares initially issued by such enterprise.

Article 7. Currency for payment of purchase of shares

Both domestic investors and foreign investors must purchase shares in an enterprise in Vietnamese dong.

Article 8. Equitization expenses

The expenses of conducting equitization shall be deducted from State owned capital or from the proceeds earned from equitization of the enterprise. The Ministry of Finance shall provide guidelines on the contents and level of equitization expenses.

Article 9. Shareholding and shares

1. Charter capital divided into a number of equal parts is referred to as shareholding. The par value of each unit of shareholding shall be ten thousand (10,000) Vietnamese dong.

2. A share means a certificate issued by a shareholding company or a book entry confirming ownership by the shareholder of one unit or a number of units of shareholding in the company. Shares may be named or bearer shares but must contain all of the basic items stipulated in article 85 of the 2005 Law on Enterprises.

Article 10. Principles for inheritance of rights and obligations by the shareholding company after conversion from an enterprise with 100% State owned capital

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



A shareholding company shall be responsible to inherit all obligations in respect of employees from the converted enterprise; and shall have the right to select, arrange and employ employees and to co-ordinate with the relevant authorities in resolving the regime for employees in accordance with law.

2. An equitized enterprise shall be responsible to co-ordinate with the relevant authority in checking and dealing with financial issues in order to evaluate the State capital portion at the time of official conversion into a shareholding company.

3. A shareholding company shall be entitled to use the whole of the assets and capital sources which have been handed over in order to organize production and business; and shall inherit all interests, obligations and liabilities which the equitized enterprise hands over and shall have the other rights and obligations stipulated by law.

The shareholding company shall not be liable for obligations and liabilities of the equitized enterprise identified after completion of accounting finalization and handover to the shareholding company.

Article 11. Ensuring public notification and transparency of information, and listing on the securities market

1. An equitized enterprise must publicly provide transparent information about the enterprise, the equitization plan, the status of management and use of land, and about employees in accordance with the Law on Enterprises and other laws.

2. An enterprise whose status satisfies all the conditions for listing on the securities market in accordance with the law on securities must formulate its equitization plan to ensure a shareholding structure for listing on the Stock Exchange or a Securities Trading Centre.

The body making the equitization decision shall stipulate equitization simultaneously with listing on the securities market in the equitization plan in order to announce same for the information of investors prior to the initial share sale. The representative of the State owned capital portion in the enterprise shall be responsible to vote at the first general meeting of shareholders to pass a resolution on listing.

Article 12. Consultancy on equitization

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The body making the equitization decision may select an organization to provide consultancy on equitization in accordance with law and guidelines of the Ministry of Finance.

3. The costs of hiring an organization to provide consultancy on equitization shall be included in equitization expenses.

Chapter II

DEALING WITH FINANCES ON EQUITIZATION

Article 13. Inventory, classification of assets and dealing with existing financial issues

1. Upon receipt of the decision to undergo equitization from the authorized body, the enterprise shall be responsible to carry out an inventory and classification of the assets which the enterprise is managing and using as at the date of valuation of the enterprise.

2. The enterprise to be equitized shall be responsible to conduct an audit of the annual financial statements in accordance with State regulations. If the date of valuation of the enterprise does not coincide with the end of the financial year, the enterprise to be equitized shall be responsible to prepare financial statements as at the date of valuation of the enterprise.

3. Based on the result of the inventory and audit of the annual financial statements, the enterprise to be equitized shall be responsible to co-ordinate with the relevant bodies in taking the initiative to deal with existing financial issues, in accordance with authority and in accordance with regulations, prior to conducting the valuation of the enterprise to be equitized.

In a case of difficulties or in a case exceeding authority, the enterprise must report to the authorized body for its consideration and resolution.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 14. Dealing with leased or borrowed assets, assets received as joint venture capital contribution, joint assets, assets not required to be used, and investments funded by the Reward and Welfare Funds

1. Assets which an enterprise to be equitized leases, borrows or receives as joint venture capital contribution, and joint assets and other assets which do not belong to the enterprise shall not be included in the value of the enterprise to be equitized. Prior to conversion to a shareholding company, the enterprise to be equitized must reach agreement with the owners of assets in order for the shareholding company to inherit previously signed contracts or to liquidate the contracts.

2. With respect to assets not required to be used, idle stock and assets awaiting liquidation, the enterprise to be equitized shall be responsible to deal with these assets in accordance with current regulations on financial management (by liquidation or agreement to sell). If these assets were not able to be dealt with by the time of valuation of the enterprise, they shall not be included in the value of the enterprise and shall be transferred to the following bodies:

(a) A company specializing in the purchase and sale of debts and idle stock for such company to realize in accordance with law, applicable to the enterprises stipulated in clauses 1, 2 and 3 of article 2 of this Decree and to limited liability companies in which the State owns 100% charter capital of ministries, ministerial equivalent bodies, Government bodies or peoples committee of provinces and cities under central authority;

(b) A group, State owned corporation, parent company or independent State owned company for such body to realize in accordance with regulations, applicable to the enterprises stipulated in clauses 4 and 5 of article 2 of this Decree and to limited liability companies in which a group, corporation or parent company owns 100% charter capital.

3. Welfare buildings such as kindergartens, children's nurseries and outpatient clinics and other welfare assets the investment in which was funded by the Reward and Welfare Funds shall be handed over to the shareholding company for management and use for the benefit of the labour collective in the equitized enterprise.

Residences of staff and officials the investment in which was funded by the Reward and Welfare Funds of the enterprise, including residences funded by the State Budget, shall be transferred to the local land and housing authority for management.

4. Assets used in production and business the investment in which was funded by the Reward and Welfare Funds of the equitized enterprise shall be included in the value of the enterprise, and the shareholding company shall continue to use them in production and business. The equitized enterprise shall be responsible to refund to the Reward and Welfare Funds the amount of capital equivalent to the value of these assets, to be divided amongst employees working at the enterprise at the time of valuation of the enterprise.

Article 15. Debts receivable

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The enterprise undergoing equitization shall be responsible to handover all irrecoverable debts which have been excluded from the valuation of the equitized enterprise (together with files on the debts and other relevant data) to the relevant body stipulated in article 14.2 of this Decree.

3. With respect to items paid in advance to suppliers of goods and services, such as rent for housing or land and purchase price of goods and wages, these items must be reviewed against contracts and the volume of goods and services provided, in order to be included in the value of the enterprise.

Article 16. Debts payable

1. Debts payable by organizations and individuals:

An enterprise to be equitized must mobilize legally sourced capital in order to pay debts which mature prior to conducting equitization, or it must agree with creditors on dealing with the debts or on their conversion into shareholding capital contribution.

The conversion of due debts payable at the time of valuation of the enterprise into shareholding capital contribution shall be implemented on the basis of results of the successful auction obtained by creditors [also taking part in the auction].

2. Tax and State budget debts:

An enterprise to be equitized shall be responsible to pay tax and debts owing to the State budget prior to conversion; if the equitized enterprise fails to completely discharge its tax obligations, then the shareholding company shall be responsible to inherit all of such debts.

3. If during the equitization process the enterprise to be equitized is in difficulty regarding ability to repay overdue debts (loans from State commercial banks and the Vietnamese Development Bank) because the business has incurred losses, the debts shall be dealt with in accordance with current State regulations on dealing with arrears of bad debts.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Reserves for reduction of the price of goods in stock, for bad debts, for reduction in the value of securities, and for exchange rate differences shall be used to cover all losses in accordance with current regulations; any balance of such reserves shall be accounted for as increase in State owned capital.

2. The enterprise undergoing equitization shall set aside a reserve for retrenchment allowances in accordance with the State regime and use it to pay allowances to employees who become redundant during the equitization process; any balance by the time of official conversion into a shareholding company shall be accounted for as increase in State owned capital at the time of handover.

3. After reserves for risks and professional reserves of the banking and insurance systems are used to cover losses in accordance with regulations, any balance shall belong to the equitized enterprise but shall be included in the commencement price when making the initial share issue.

4. After financial reserves to cover losses (if any) and financial reserves to cover loss and damage to assets and irrecoverable debts are used to compensate losses (if any) caused by individuals, their balance shall be included in the value of the State owned capital portion in the enterprise undergoing equitization.

5. The balance in reserves of earned profit in order to cover losses (if any) from previous years in accordance with the Law on Corporate Income Tax and to cover loss and damage to assets not required to be used, assets awaiting liquidation, reduction in the value of assets, and debts unable to be collected shall be distributed in accordance with current regulations prior to valuation of the enterprise.

6. After losses have been dealt with by the time of valuation of the enterprise undergoing equitization in accordance with the above-mentioned provisions but there still remain some losses, the enterprise undergoing equitization shall be responsible to co-ordinate with the Vietnamese Development Bank (previously known as the Development Assistance Fund) and State commercial banks in order to write off debts being interest on borrowings in accordance with current State regulations on dealing with arrears of bad debts.

Article 18. Long-term investment capital in other enterprises such as joint venture capital contribution, associated ventures, shareholding capital contribution, capital contribution to establishment of limited liability companies, and other forms of long-term investment

1. If an enterprise undergoing equitization inherits long-term investment capital in other enterprises, the whole of such capital shall be included in the value of the enterprise to be equitized in accordance with the principles stipulated in article 32 of this Decree.

2. If an enterprise undergoing equitization does not inherit long-term investments made in other enterprises, it must report to the authorized body to deal with them as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) If the investments are not so transferred, the enterprise undergoing equitization must inherit them to include them in the value of the enterprise in accordance with clause 1 of this article.

Article 19. Cash balance in Reward and Welfare Funds

Any cash balance in the Reward and Welfare Funds shall be distributed to the current workforce in the enterprise at the time of valuation of the enterprise in accordance with the number of years they have worked at the enterprise undergoing equitization.

Article 20. Cash balance in Assistance Fund for Restructure of Enterprises at the enterprise

Any cash balance in the Assistance Fund for Restructure of Enterprises at the enterprise undergoing equitization shall be accounted for as increase in State owned capital in the enterprise.

Article 21. Dealing with finances at the time the enterprise is officially converted into a shareholding company

1. Based on the value of the enterprise to be equitized as decided by the body making the equitization decision, the enterprise shall be responsible for adjusting accounting data in books of account; for preserving and handing over debts and assets which have been excluded upon valuation of the enterprise pursuant to the provisions in articles 14.2 and 15.2 of this Decree; and for preparing financial statements for the enterprise for the period from the date of valuation of the enterprise to the date of official conversion of the enterprise into a shareholding company.

2. Within one (1) month from the time it is issued with its initial business registration certificate, an equitized enterprise must complete preparation of financial statements as at the time of business registration, [complete] determination of the value of the State owned capital portion as at the time of official conversion into a shareholding company, and [complete] dealing with financial issues which needed to be dealt with.

3. The difference being an increase between the actual value of the State owned capital portion as at the time when the enterprise converts to a shareholding company and the actual value of the State owned capital portion as at the time of the valuation shall be dealt with as follows:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) Paid into the Assistance Fund for Restructure of Enterprises of the State Capital Investment Corporation when the whole of an independent State owned company, the whole of a group, a State owned corporation or a parent company is equitized.

4. Where the difference is a decrease, the equitized enterprise shall be responsible to report to the body making the decision on equitization in order for the latter to co-ordinate with the relevant bodies to check and clarify the reasons and to determine the liabilities of the collective and/or of individuals and to deal with such difference as follows:

(a) If the reasons were objective (natural calamity or enemy destruction; change of State policy due to international market fluctuations and other reasons of force majeure), the equitized enterprise shall report to the body making the decision on equitization to consider and make a decision on using the proceeds from the sale of shares to offset losses after allowing for receipt of insurance proceeds (if any). If the proceeds from the sale of shares are insufficient to offset losses, then the body making the decision on equitization shall consider and make a decision on adjusting the scale and structure of charter capital of the shareholding company.

(b) If the reasons were subjective:

- If losses were due to not completely dealing with the existing financial issues in accordance with current State regulations when the value of the enterprise was determined, the liability of relevant bodies such as the enterprise itself, the consultants on valuation or the body making the equitization decision must be clearly confirmed, in order to process compensation for material loss;

- If losses were due to operation of production and business, then the managers of the enterprise shall be liable to pay compensation in accordance with current regulations for the total loss subjectively caused;

- If for reasons of force majeure the person liable to pay compensation is unable to do so in accordance with the decision of the body making the equitization decision, the remaining loss shall be dealt with as if it was due to objective reasons as stipulated in sub-clause (a) above.

(c) If after implementing the above-mentioned provisions there is still insufficient to cover the decrease, the shareholding company shall be liable to inherit the losses.

Chapter III

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 1. CONDUCTING VALUATION OF ENTERPRISE

Article 22. Consultancy on valuation of enterprise

1. If an enterprise undergoing equitization has total asset value in its books of account of thirty (30) billion Vietnamese dong or more or has a value of State owned capital in its books of account of ten (10) billion Vietnamese dong or more, or has an advantageous geographical position, it must hire valuation consultants such as an auditing company, a securities company, a price evaluation institution or a domestic or foreign investment bank with the valuation function (hereinafter all referred to as a valuer) to conduct a valuation of the enterprise.

2. It shall not be compulsory for an enterprise undergoing equitization not in the category stipulated in clause 1 of this article to hire a valuer to conduct a valuation of such enterprise; if an enterprise does not hire a valuer then it shall be permitted to conduct its own valuation and shall notify the result to the body authorized to make the decision valuing the enterprise.

3. The body making the equitization decision shall select a valuer from the list announced by the Ministry of Finance. If two or more valuers register to participate in providing valuation consultancy services, tendering shall be held in accordance with current regulations to select one of them.

4. The valuer shall be permitted to select appropriate methods of valuing an enterprise in order to make the valuation, ensuring the principles stipulated in this Decree, and must complete on time all undertakings in the signed contract. The enterprise undergoing equitization shall be responsible to provide complete and truthful information relating to such enterprise for the valuer to use during the valuation process.

The valuer shall be liable for the results of valuation of the enterprise. In a case in which such results do not comply with State regulations, the body making the equitization decision may refuse to pay fees for such services, and if such results cause loss and damage to the State then the valuer must pay compensation and shall be excluded from the list of organizations which satisfy all the conditions for participating in valuations.

5. Domestic and foreign valuers wishing to participate in providing services of valuations of enterprises undergoing equitization must satisfy the criteria stipulated by the Ministry of Finance.

Article 23. Methods of valuation of enterprise

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



The value of an enterprise as determined and announced shall not be lower than the value of such enterprise determined by using the asset method as regulated in Section 2 of this Chapter.

Article 24. Announcement of the value of the enterprise

1. Based on the valuation file prepared by the valuer (or by the enterprise itself), the Steering Committee for Equitization shall be responsible to examine the order, procedures and compliance with the law on valuation of enterprises and make a submission to the body authorized to make the decision valuing the enterprise to make its decision.

2. The body authorized to make the decision valuing the enterprise shall be responsible to consider the matter, make a decision and announce the value of the enterprise within ten (10) days from receipt of a complete file.

Article 25 Use of results of valuation of enterprise

The results of a valuation of an enterprise announced by the authorized body shall be the basis for fixing the scale of charter capital, the structure of the initial share issue, and the commencement price for holding the auction to sell shares.

Article 26. Adjustment of value of enterprise

1. The enterprise undergoing equitization shall adjust its announced value in the following cases:

(a) Fluctuations in the value of assets of the enterprise due to objective reasons (natural calamity or enemy destruction, change of State policy or other reasons of force majeure);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2.The provisions in clause 1 of this article shall only apply when an enterprise undergoing equitization has not yet conducted the share sale.

3. The body making the equitization decision shall be responsible to consider and make a decision on adjustment of the value of the enterprise undergoing equitization and to re-announce it. The decision adjusting the value of the enterprise shall provide the basis for preparing the equitization plan.

Section 2. VALUATION OF ENTERPRISE BY ASSET METHOD

Article 27. Value of enterprise undergoing equitization in accordance with asset method

1. The actual value of an enterprise undergoing equitization shall be the total value of all its existing assets as at the time of equitization, including the profitability of the enterprise as accepted by both the purchaser and the seller of shareholding.

The actual value of the State owned capital portion in an enterprise undergoing equitization shall be its actual value less debts payable, less the balance in the Reward and Welfare Funds, and less the balance (if any) of professional funding sources.

2. In the case of equitization of an entire group or State corporation, the actual value of the State owned capital portion shall be the actual value of the State owned capital fixed in such group or State corporation.

3. In the case of equitization of a parent company in a parent subsidiary company group, the value of the State owned capital shall be the actual value of the State owned capital in the parent company.

4. When the valuation of an enterprise is performed in accordance with the asset method, financial and credit institutions shall be permitted to use the results of audited financial statements in order to value assets in cash and liabilities; however, these institutions must conduct an inventory and assessment of fixed assets, long-term investments and the value of land use rights in accordance with State regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. Value of the assets stipulated in clauses 1, 2 and 3 of article 14 of this Decree.

2. Debts receivable but which the enterprise does not have the ability to collect.

3. Expenses of unfinished capital construction works in abeyance prior to the time of valuation of the enterprise pursuant to a decision of the authorized body.

4. Long-term investments in other enterprises stipulated in clause 2(a) of article 18 of this Decree.

5. The body authorized to make the decision valuing the enterprise shall consider and make a decision on excluding the items stipulated in clauses 1, 2, 3 and 4 of this article from the value of the enterprise for equitization purposes, and shall be liable for its decision.

Article 29. Bases for determining actual value of enterprise:

1. Data from the books of account of the enterprise at the time of its valuation.

2. Data from the inventory, classification and assessment of quality of assets of the enterprise at the time of its valuation.

3. Market value of assets at the time of holding the valuation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 30. Value of land use rights

1. With respect to areas of land which the enterprise undergoing equitization is currently using as land for construction of its head office, transaction office or production and business establishment, or land for the purposes of agriculture, forestry, aquaculture and salt mining (including land which has been allocated by the State with or without collection of land use fees), the enterprise undergoing equitization shall prepare a land use plan and submit it to the authorized body for approval. The enterprise shall be entitled to the form of land lease or land allocation in accordance with the Law on Land.

If land was allocated to the enterprise but it now selects the form of land lease, it must complete procedures for changing to the form of land lease and send [the results] to the body making the equitization decision and to the local land and housing authority before it officially converts into a shareholding company.

2. If land was allocated to the enterprise undergoing equitization (including any area of land allocated by the State to the enterprise for construction of houses for sale, lease, hotel business, commercial services business, or for construction of infrastructure for assignment or lease), the value of land use rights shall be included in the value of the enterprise in accordance with the land price regulated and announced by the people's committee of the province and city under central authority where the land is situated.

3. If the enterprise undergoing equitization selects the form of land lease:

(a) If the enterprise pays annual rent, such rent shall not be included in the value of the enterprise;

(b) If the enterprise pays rent once for the whole land lease term, such rent shall be included in the value of the enterprise at a price close to the market price at the time of valuation as regulated and announced by the relevant people's committee of the province and city under central authority.

4. If the land price is used to set the value of the land use right and the rent is not close to the actual market price for assigning land use rights in normal market conditions at the time of equitization, then the people's committee of the province or city under central authority shall make a decision on an appropriate specific land price.

Within thirty (30) days from the date of sending a complete file, if a written document on the land price has not been received from the people's committee, then the body authorized to make the decision valuing the enterprise shall be entitled to include the value of the land use right and the rent value in the value of the enterprise in accordance with the equitization plan as proposed, but such values proposed by the enterprise must not be lower than values in accordance with the land price announced and reported to the people's committee of the province and city under central authority.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 31. Value of business advantages of the enterprise

1. The value of business advantages of the enterprise undergoing equitization shall comprise the value of advantages of its geographical position, the value of trade names, and its potential for development.

2. The value of business advantages of the enterprise undergoing equitization shall be considered and decided by the body making the equitization decision, but must not be lower than the value of business advantages determined in accordance with guidelines of the Ministry of Finance.

Article 32. Determining value of long-term investment capital of the enterprise undergoing equitization in other enterprises

1. The value of the long-term investment capital of an enterprise undergoing equitization in other enterprises shall be determined on the following bases:

(a) Investment capital ratio of the enterprise undergoing equitization over the charter capital or total actual capital contribution in other enterprises;

(b) Value of the capital of the owner in other enterprises recorded in the audited financial statements. If the financial statements have not yet been audited, the basis shall be the value of the capital of the owner recorded in the most recent financial statements of such enterprise;

(c) In a case in which capital investment is made in a foreign currency, it must be converted into Vietnamese dong at the average trading exchange rate on the inter-bank foreign exchange market as announced by the State Bank at the date of valuation;

(d) If the value of long-term investment capital of the enterprise undergoing equitization in other enterprises is lower than the value recorded in the books of account, it shall be determined in accordance with the value recorded in the books of account of the enterprise undergoing equitization.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Section 3. VALUATION OF ENTERPRISE BY DISCOUNTED CASH FLOW METHOD

Article 33. Valuation of enterprise to be equitized in accordance with discounted cash flow method

1. The actual value of the State owned capital portion in an enterprise shall be determined in accordance with the discounted cash flow method on the basis of profitability of the enterprise in the future.

In the case of determination of the value of the whole of a corporation in accordance with this method, the profitability of the corporation shall be determined on the basis of profit earned by the State corporation in accordance with regulations on management of finances of State corporations.

If the enterprise invests capital in other enterprises, profit derived from capital investment in such other enterprises shall also be a basis for determination of the value of the enterprise.

2. The actual value of an enterprise shall comprise the actual value of the State owned capital portion, debts payable, balance in the Welfare and Reward Funds and the balance of professional funding sources (if any).

Where an enterprise selects the form of land allocation [or] land lease with rent payment once [for the whole land lease term], the value of land use rights and the value of rent must be calculated and added to the value of the enterprise in accordance with article 30 of this Decree.

Article 34. Bases for determination of the value of an enterprise in accordance with the discounted cash flow method:

1. Financial statements of the enterprise in the last five consecutive years prior to the time of valuation of the enterprise.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. The rate of interest on Government bonds with a term of five years at the most recent time prior to conducting valuation of the enterprise and the cash flow discount co-efficient of the enterprise to be valued.

Chapter IV

INITIAL SHARE SALE AND MANAGEMENT AND UTILIZATION OF PROCEEDS OF EQUITIZATION

Article 35. Determination of charter capital and initial share structure

1. Based on the results of announcement of the value of the State owned capital portion in the enterprise undergoing equitization and the plan for business and production for the years following conversion to a shareholding company, the body making the equitization decision shall decide the scale and structure of the charter capital:

(a) In the case of sale of the State owned capital portion in the enterprise, the charter capital shall be fixed [determined] at not less than the actual value of the State owned capital portion in the enterprise;

(b) In the case of an additional issue of shares, the charter capital shall be fixed as equal to the actual value of the State owned capital portion in the enterprise plus the value of the additionally issued shares calculated at their par value.

2. Based on the fixed [determined] charter capital, the body making the equitization decision shall decide the initial share capital structure, comprising:

(a) Shareholding which the State shall hold, the ratio of which shall be fixed in accordance with the criteria for classifying State owned enterprises as announced by the Prime Minister in each period. With respect to an enterprise in which the State is not required to hold controlling shares, the body making the equitization decision shall consider and decide the appropriate ratio of shareholding which the State shall hold.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



With respect to enterprises on a large scale with State owned capital above 500 billion VND or conducting business in specialized sectors and industries (insurance, banking, posts and telecommunications, aviation, rare mineral exploitation), the ratio of shares auctioned to investors shall be considered and specifically decided by the authorized body.

(c) Shareholding for sale to the trade union at the enterprise undergoing equitization:

The trade union at the enterprise undergoing equitization shall be permitted to use legal Funds (of the trade union) at the enterprise (but not by raising or borrowing capital) to purchase shares but not in excess of three (3) per cent of the charter capital. These shares shall be held by the trade union and shall not be assignable. The Ministry of Finance and Vietnam General Confederation of Labour shall provide guidelines on use of legal Funds for the purpose of purchasing shares on the principle of ensuring the interests of the employees of the enterprise.

(d) Shareholding for sale at incentive rates to employees of the enterprise as provided for in clause 1 article 51 of this Decree.

3. If the amount of shares for sale at incentive rates to employees of the enterprise (calculated at the maximum incentive) is greater than the amount of shares proposed to be left for issue (after deducting the shares that the State holds and the shares for sale to investors and to the trade union in accordance with clauses 2(a), (b) and (c) of this article):

(a) If the enterprise is not in the category of those in which the State must hold controlling shares, the body making the equitization decision shall consider and make a decision on reducing the number of shares the State holds in order to increase the number [available] for sale at incentive rates to employees;

(b) If the enterprise is in the category of those in which the State holds controlling shares, the body making the equitization decision shall consider and make a decision on adjusting the charter capital in order to reasonably increase the number of shares for sale at incentive rates to employees in the enterprise or to reduce the number for sale to strategic investors and normal investors, but ensuring that shares for sale to strategic investors and normal investors are not less than twenty (20) per cent of the charter capital.

Article 36. Announcement of information

1. At least twenty (20) days prior to the initial share sale, the Steering Committee for Equitization must make a public announcement at the enterprise, at the place where the auction will be held, and on the mass media about:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) Main contents of the approved equitization plan;

(c) Information on the share sale (including information about sale of shares to strategic investors);

(d) Draft charter on organization and operation of the shareholding company in accordance with the Law on Enterprises.

2. The Ministry of Finance shall provide detailed provisions on items of information to be announced.

Article 37. Selling price of initial shares

1. Selling price in the method of public auction means the successful price of each investor. In accordance with this method, any investor who wins an auction at whatever price must purchase shares at such price.

2. The selling price of incentive shares to employees of an enterprise shall be equal to sixty (60) per cent of the average successful auction price stipulated in clause 1 of this article.

With respect to enterprises with special difficulties in remote or distant areas, the selling price of incentive shares to employees may be lower as decided by the Prime Minister.

3. Selling price in the method of underwriting the issue or direct agreement means the selling price of shares to investors in accordance with the result of negotiations between the Steering Committee for Equitization and the underwriter or the price negotiated directly with the investor. Selling price in the method of underwriting the issue or direct agreement must ensure the principle of not less than the average successful auction price in a public auction stipulated in clause 1 of this article.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 38. Auction method

1. The auction method shall be applied in the case of sale of a public auction of shares irrespective of whether investors are organizations, individual investors, domestic investors or foreign investors.

2. Holding a public auction:

(a) Auction at an intermediary financial institution if the volume of shares for sale is lower than ten (10) billion Vietnamese dong.

Where no intermediary financial institution agrees to conduct the auction of shares, the Steering Committee for Equitization shall directly organize the auction at the enterprise.

(b) Auction at the Stock Exchange or a Securities Trading Centre if the volume of shares for sale is above ten (10) billion Vietnamese dong.

Where an enterprise undergoing equitization with a volume of share for sale lower than ten (10) billion Vietnamese dong wishes to hold an auction at the Stock Exchange or a Securities Trading Centre, the body making the equitization decision shall make a decision.

(c) The Steering Committee for Equitization shall decide on the selection of the Stock Exchange or a Securities Trading Centre or the hire of an intermediary financial institution to hold the auction; and shall register the auction plan with the Stock Exchange or Securities Trading Centre and at the same time report to the Ministry of Finance to make a decision on the plan to hold an auction on the securities market.

Article 39. Order for holding initial share auction

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(a) The authorized representative of the enterprise undergoing equitization shall sign a contract for holding the auction with an intermediary financial institution, the Stock Exchange or a Securities Trading Centre;

(b) There shall be publication of information in accordance with article 36 of this Decree;

(c) There shall be a briefing for investors (if necessary);

(d) The intermediary financial institution, the Stock Exchange, the Securities Trading Centre or the Steering Committee for Equitization shall hold the auction.

2. The Ministry of Finance shall provide4 detailed regulations on the order for holding share auctions and on the responsibilities of relevant bodies regarding holding share auctions.

Article 40. Dealing with the number of shares which investors refuse to buy in the initial share sale

1. In a case where a successful investor at auction does not purchase or does not purchase the whole number of shares it has the right to purchase in accordance with the announced results of the auction, such investor shall not be entitled to a refund of the deposit corresponding to the number of shares refused to purchase.

2. If the number of shares refused to purchase is less than thirty (30) per cent of the total number of shares offered for sale, the Steering Committee for Equitization shall consider making a decision to continue sales to investors who participated in the auction pursuant to the provisions of article 42.3 of this Decree.

3. If the number of shares refused to purchase is equal to or higher than thirty (30) per cent of the total number of shares offered for sale, the Steering Committee for Equitization shall hold a further auction of the number of shares refused to purchase.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 41. Method of underwriting the issue

1. The method of underwriting the issue shall be applied in cases of initial share sale to a certain number of investors in accordance with certain conditions on providing undertakings after holding a public auction pursuant to the provisions in article 38.1 of this Decree.

2. Underwriters of the issue must satisfy the following conditions:

(a) Have the function of underwriting share issues and be licensed by the competent State body;

(b) Undertake to sell all of the underwritten shares, otherwise they shall be responsible to purchase all unsold shares at the underwritten price.

3. The rights and obligations of underwriters shall be in accordance with the law on securities and the securities market, and the contract for underwriting the share issue signed with the authorized representative of the enterprise undergoing equitization.

Article 42. Method of direct agreement

1. The method of direct agreement shall be applied in the following cases:

(a) Sale of shares to strategic investors after the public auction;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Sale of shares to strategic investors after the public auction:

(a) The Steering Committee for Equitization shall select strategic investor/s in accordance with the criteria approved by the authorized body. If a number of investors satisfy the conditions to become strategic investors, then the Steering Committee for Equitization may select strategic investor/s by the competitive quotation method;

(b) On the basis of the results of selection of strategic investor/s, the Steering Committee for Equitization shall negotiate with strategic investor/s the share sale price on the principle stipulated in article 37.3 of this Decree;

(c) Strategic investor/s must pay a deposit of ten (10) per cent of the value of the shares they are eligible to purchase at the commencement price decided by the Steering Committee for Equitization. Investors who abandon their right to purchase shall not be entitled to a refund of their deposit.

3. Sale of shares to investors who participated in the auction and have a need to further purchase the number of shares [other] investors refused to purchase:

(a) The Steering Committee for Equitization and the body conducting the share auction must publicly announce the number of shares investors refused to purchase so that investors who participated in the auction may register to further purchase;

(b) Based on the number of shares registered to purchase, the Steering Committee for Equitization shall consider selling in the order of highest to lowest price on the principle stipulated in article 37.3 of this Decree.

Article 43. Dealing with unsold shares

1. If the residual number of unsold shares is under fifty (50) per cent of the number of shares offered for sale (except for shares for which the issue was underwritten) then there shall be an adjustment of the scale and structure of charter capital (an increase in State owned capital contributed to the enterprise) in order to convert the enterprise into a shareholding company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



3. Where the commencement price has been adjusted to equal to the par value of the shares but there no investor has registered to participate in the auction or the remaining shares cannot be fully sold, then the body making the equitization decision shall deal with the matter in accordance with clause 1 of this article.

Article 44. Time-limit for completion of sale of shares

Within a time-limit of three (3) months from the date of the decision approving the equization plan, the enterprise must complete the sale of shares (including sale of shares by the methods of underwriting the issue and sale by direct agreement).

Article 45. Management and utilization of proceeds from equitization

1. In the case of sale of the State owned capital portion in the enterprise:

(a) The proceeds from equitization of the enterprise shall be used to pay equitization expenses and benefits to employees who are redundant upon equitization in accordance with State regulations and the decision of the authorized body. The remainder of the proceeds shall be dealt with in accordance with clause 1.3 of this article;

(b) Where the proceeds from equitization [retained] at the enterprise are insufficient to pay benefits to redundant employees, the shortfall shall be funded from:

- The Assistance Fund for Restructuring Enterprises at a group, State owned corporation or parent company (when a member company, subsidiary company or dependent accounting affiliate of such enterprise is equitized; and if still insufficient, then the shortfall shall be funded from the Assistance Fund for Restructure of Enterprises of the State Capital Investment Corporation;

- The reserve for retrenchment payouts of an independent State owned company or independent cost accounting member company (in the case of equitization of a section of the enterprise);

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(c) The remaining sum of money earned from equitization of the State owned capital portion (including any difference between selling prices of shares) shall, after deduction of items stipulated in clause 1(a) of this article, be paid to:

- The Assistance Fund for Restructuring Enterprises at a group or State owned corporation, in the case of equitization of a member enterprise, subsidiary company or dependent unit of the group or corporation;

- The Assistance Fund for Restructuring Enterprises at a parent company in the case of equitization of a subsidiary company being a limited liability company in which the parent company holds one 100% charter capital and equitization of a dependent accounting affiliate of the parent company;

- The independent State owned company or independent cost accounting member enterprise in the case of equitization of a dependent accounting affiliate of such enterprise;

- The Assistance Fund for Restructure of Enterprises of the State Capital Investment Corporation in the case of equitization of the whole of an independent State owned company; the whole of a State corporation; the whole of a group or parent company which is organized and operates on the model of parent subsidiary company and member limited liability company in which the State holds 100% charter capital under a ministry, ministerial equivalent body, Government body, or people's committee of a province or city under central authority.

2. In the case of an additional issue of shares in order to increase charter capital:

(a) The proceeds from equitization to be retained at the enterprise shall be the value corresponding to the number of additionally issued shares at their par value; the capital surplus (the difference between proceeds from equitization and the total par value of additionally issued shares) shall be used to pay equitization expenses and benefits for redundant employees, and any shortfall shall be dealt with in accordance with the provisions of clause 1(b) of this article;

(b) The remaining sum of money (if any) shall be retained at the shareholding company in accordance with the ratio of additionally issued shares in the structure of charter capital. The remainder shall be dealt with in accordance with the provisions of clause 1(c) of this article. The Ministry of Finance shall provide guidelines for management and utilization of sums of money retained at shareholding companies.

3. In the case of combining the sale of part of the State owned capital with an additional issue of shares:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) The remainder shall be dealt with as follows:

- The value of State shares sold at the reduced par value shall be paid to the beneficiaries entitled in accordance with clause 1(c) of this article;

- The remainder (if any) shall be distributed in accordance with clause 2(b) of this article.

4. The proceeds from equitization to be used to pay benefits for redundant employees in the equitized enterprise shall be fixed as revenue of the Assistance Fund for Restructure of Enterprises.

5. The body making the equitization decision shall be responsible for reporting fully and promptly the management and utilization of proceeds from equitization to the State Capital Investment Corporation for preparation of a general report to the Ministry of Finance and the Prime Minister.

Article 46. Management and use of Assistance Fund for Restructuring Enterprises

1. The Assistance Fund for Restructuring Enterprises shall be established at the State Capital Investment Corporation in order to:

(a) Assist enterprises which are carrying out restructuring and conversion of ownership (including an enterprise carrying out a merger, consolidation, dissolution, bankruptcy, equitization, assignment, sale, conversion to a one member limited liability company or to an income- earning professional entity, and so forth) to pay benefits to redundant employees and to deal with financial issues in accordance with law;

(b) Supplement the charter capital of the State Capital Investment Corporation in accordance with a decision of the Prime Minister of the Government;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Assistance Fund for Restructuring Enterprises at a group, State owned corporation or parent company shall be used in order to:

(a) Assist member enterprises and sections of a subsidiary enterprise which are carrying out restructuring and conversion of ownership (including enterprises carrying out a merger, consolidation, dissolution, bankruptcy, equitization, assignment, sale or conversion into a one member limited liability company or income-earning professional entity and so forth) to pay benefits to redundant employees and to deal with financial issues in accordance with law;

(b) Supplement charter capital as approved by the authorized body;

(c) A group, State corporation or parent company shall be permitted to invest the remaining amount in development of the enterprise in accordance with a decision of the Prime Minister.

3. The Prime Minister of the Government shall make a decision:

On formulation and issuance of Regulations on management and use of the Assistance Fund for Restructuring Enterprises at the State Capital Investment Corporation; on harmonization of the Fund as between groups, State owned corporations including the State Capital Investment Corporation and parent companies; and on investment by the State in major projects on the basis of proposals from the Ministry of Finance.

4. The Ministry of Finance shall issue Regulations on management and use of the Assistance Fund for Restructuring Enterprises at a group, State owned corporation or parent company, and shall inspect and supervise management and use of proceeds from equitization in order to assist restructuring of enterprises and investment in development of enterprises in accordance with law.

Article 47. Charter of shareholding company

1. The charter of the shareholding company shall be drafted by the Steering Committee for Equitization and shall be publicized for investors before the share sale. The draft charter must not be contrary to the provisions of the Law on Enterprises and other relevant laws.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Article 48. General meeting of shareholders and initial business registration

1. Within a time-limit of one month from the date of completion of the share sale, the enterprise must hold the initial general meeting of shareholders in order to convert the enterprise into a shareholding company and conduct business registration in accordance with law.

The application file for business registration shall include the decision to convert into a shareholding company made by the body making the equitization decision and the charter of the shareholding company signed by the legal representative of the shareholding company.

2. Within a maximum time-limit of fifteen (15) working days from the date of receipt of the financial statements as at the time of official conversion into the shareholding company, the body authorized to make the decision valuing the enterprise shall co-ordinate with the financial body to inspect and deal with financial issues at the time of official conversion into the shareholding company in accordance with article 21 of this Decree; re-determine the value of the State capital portion, and revenue and expenditure arising during the equitization process; decide the adjustment of State capital in the enterprise; organize the handover between the enterprise and the shareholding company; and send the results on re-evaluation of the enterprise to the Ministry of Finance.

Article 49. Appointment of representative of State owned capital portion in an equitized enterprise

1. A group, State corporation or parent company shall be responsible to appoint a representative of the State owned capital portion in the equitized enterprise being a member entity or section of a subsidiary enterprise, and shall be responsible to exercise the rights and discharge the obligations of the representative of the owner of the State capital in accordance with law.

2. Ministries, ministerial equivalent bodies, Government bodies, and peoples committee of provinces and cities under central authority shall:

- Report the appointment of a representative of the owner to the Prime Minister in the case of equitization of the whole of a group or State corporation;

- Make a decision appointing a representative of the State owned capital portion in the shareholding company. In the case of equitization of enterprises in the category which transfer rights of the representative of the State owned capital portion to the State Capital Investment Corporation, then the ministry, ministerial equivalent body, Government body or people's committee of a province or city under central authority shall co-ordinate with the State Capital Investment Corporation to appoint a representative of the owner of the State owned capital portion in the enterprise.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Chapter V

POLICIES APPLICABLE TO ENTERPRISES AND TO EMPLOYEES AFTER EQUITIZATION

Article 50. Incentives to which the enterprise is entitled after equitization:

1. Exemption from registration fees on transfer of assets under the management and use right of the equitized State owned enterprise to ownership of the shareholding company.

2. Exemption from registration fees for the issuance of a business registration certificate upon conversion from an enterprise with 100% State owned capital into a shareholding company.

3. In order to stabilize production and business activities, [the shareholding company] shall be entitled to re-sign lease contracts for land, residential housing and other buildings on similar conditions as previously applied to the enterprise, or shall be entitled to preferential treatment to acquire such housing and buildings at the market price as at the time of equitization.

4. Entitlement to land use rights in accordance with the law on land.

5. Entitlement to maintain and develop Welfare Funds in kind, such as cultural facilities, clubs, out- patient clinics, nursing homes and kindergartens in order to ensure the welfare of employees of the shareholding company. Such assets shall be under the ownership of the labour collective and managed by the shareholding company.

Article 51. Incentives to which employees of the enterprise undergoing equitization shall be entitled:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Entitlement to receive distribution of any cash balance in the Reward and Welfare Funds (including the vale of assets used in production and business the investment in which was funded by the Reward and Welfare Funds) stipulated in articles 14 and 15 of this Decree, in order to purchase shares.

3. Employees who transfer to work in the shareholding company shall continue to participate in social insurance and shall be entitled to benefits in accordance with current regulations.

4.Employees who satisfy the conditions for entitlement to pension benefits as at the time of the announcement of the value of the equitized enterprise shall be entitled to receipt of a pension upon retirement and to benefits in accordance with current regulations.

5. Employees who lose their jobs or who cease work at the time of the announcement of the value of the equitized enterprise shall be paid retrenchment allowances and allowances on ceasing work in accordance with regulations.

Chapter VI

COMPLAINTS, DENUNCIATIONS AND DEALING WITH BREACHES

Article 52. Complaints and denunciations

1. Complaints and denunciations relating to the equitization process and their resolution shall be implemented in accordance with this Decree and the law on complaints and denunciations.

2. During the period of a complaint or denunciation, organizations and individuals must still implement the administrative decision issued by the competent State body and shall implement the new decision dealing with the complaint or denunciation when it takes effect.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. If a complaint remains unresolved after thirty (30) days from the expiry of the time-limit for resolution or from the date of receipt of the first decision on resolution of the complaint from a minister, head of a ministerial equivalent body or Government body or chairman of a people's committee and the complainant disagrees with [such decision], the complainant shall have the right to initiate legal action at a court in accordance with law.

Article 53. Dealing with breaches of law during the equitization process

1. Any organization or individual in breach of the provisions of this Decree or of other laws on equitization shall, depending on the nature and seriousness of the breach, be subject to disciplinary action, administrative penalty or prosecution for criminal liability; and must pay compensation for loss and damage caused (if any) in accordance with law.

2. Any person abusing his or her position and powers to obstruct the process of equitization; to harass or cause trouble for any organization or individual during equitization; failing to promptly resolve any request from an organization or individual in accordance with law; or failing to perform other official duties stipulated by law shall, depending on the nature and seriousness of the breach, be subject to disciplinary action or prosecution for criminal liability.

3. Penalties for administrative breaches shall be applied in accordance with the law on penalties for administrative breaches and other relevant laws such as penalties for administrative breaches in the accounting and securities sectors.

Chapter VII

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

Article 54. Powers and responsibilities during organization of implementation of equitization

1. The Prime Minister shall:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) Make decisions approving the equitization plans of groups, State corporations and a number of enterprises operating in special sectors such as insurance, banking, telecommunications, aviation, and rare mineral exploitation; and make decisions on what body will be the representative of the owner of the State owned capital portion in such enterprises;

(c) Authorize the board of management of a group or special State corporation for which the Prime Minister makes the decision on establishment (specified in the appendix to Decree 86/2006/ND-CP of the Government dated 21 August 2006 on amendment of and addition to a number of articles of Decree 132/2005/ND-CP of the Government dated 20 October 2005 on exercise of rights and performance of obligations of State owners applicable to State companies) to make decisions announcing the value of the enterprise, and approving equitization plans of member enterprises or sections of a subsidiary enterprise. After making such decision, the board of management of an economic group or special State corporation shall submit a report to the Ministry of Finance for examination and supervision in order to ensure that [such decision] complies with law.

2. Based on the plans for restructuring State owned enterprises approved by the Prime Minister of the Government, ministers, heads of ministerial equivalent bodies and Government bodies and chairmen of people's committees of provinces and cities under central authority shall:

(a) Establish Steering Committees for Equitization to assist ministers, heads of ministerial equivalent bodies and Government bodies and chairmen of people's committees of provinces and cities under central authority in implementing the work of equitization in accordance with this Decree;

(b) Guide, examine and supervise the process of equitization of entities within their management in accordance with this Decree;

(c) Make decisions announcing the value of an enterprise and submit equitization plans of enterprises stipulated in clause 1(b) of this article to the Prime Minister for his approval;

(d) Make decisions announcing the value of an enterprise and make decisions on equitization plans of enterprises within their management, ensuring the draft charter on organization and operation of the shareholding company is in accordance with the Law on Enterprises;

(dd) Take the initiative to transfer an enterprise from the list of enterprises to be equitized which in fact fails to satisfy all the conditions for equitization onto the list for conducting the form of sale, assignment, dissolution or bankruptcy;

(e) Agree with a company specializing in the purchase and sale of debts for such company to take over ownership of a State owned company suffering losses and no longer having State owned capital after such specialist company has dealt with the finances in accordance with law;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(h) Resolve, in accordance with their authority, any problems, complaints or denunciations for equitized enterprises within a maximum period of fifteen (15) days from the date of receipt of a complete file, complaint or denunciation. Report promptly any matters which fall outside their authority to the Prime Minister for his consideration and decision;

(i) Report to the Prime Minister for his consideration and decision on a body to act as the representative of the owner of the State owned capital portion, upon equitization of a group or State corporation;

(k) With respect to equitized enterprises in the category of enterprises in which the rights of the representative of the owner of State owned capital are transferred to the State Capital Investment Corporation, the minister, head of the ministerial equivalent body or Government body or chairman of the people's committee shall be responsible to agree with the State Capital Investment Corporation on selection of a representative of the State owned capital portion contributed to the shareholding company and to carry out the transfer of the rights of the representative of such owner immediately after announcement of the actual value of the State owned capital portion as at the time when the initial business registration certificate was issued to the shareholding company.

3. The board of management of an economic group or State corporation referred to in clause 1(c) of this article shall be responsible to:

(a) Organize the implementation of equitization plans for enterprises belonging to a group or corporation in accordance with the proposal for restructuring State owned enterprises approved by the Prime Minister;

(b) Establish a Steering Committee for Equitization to assist the board of management of a group or State corporation in implementing the work of equitization in accordance with this Decree;

(c) Guide, examine and supervise the process of equitization of entities within their management in accordance with the items specified in this Decree;

(d) Direct member entities to deal with existing financial issues in accordance with Chapter II of this Decree, to hold valuations of enterprises, and to prepare equitization plans and submit them to the board of management of the group or State corporation for approval and commence work on plans which have been approved;

(dd) To deal with existing financial issues of the enterprises within their management, depending their authority;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(g) Direct member entities to co-ordinate in carrying out accounting finalization, accounting finalization of equitization expenses, accounting finalization of allowances paid to employees who became redundant, accounting finalization of the proceeds earned from equitization of the enterprise, and in announcing the actual value of the State owned capital portion as at the time when the initial business registration certificate was issued to the shareholding company.

4. In addition to the rights and responsibilities stipulated in clause 3 of this article, the board of management of the State Capital Investment Corporation shall also be responsible to:

(a) Co-ordinate with ministries, branches and people's committees of provinces and cities under central authority to:

- Commence the work of equitization for enterprises in the category to be assigned;

- Appoint a representative of the State owned capital portion in an enterprise in the category to be assigned;

- Supervise and activate payment of proceeds from equitization to the State Capital Investment Corporation;

(b) Carry out investment in projects in accordance with a decision of the Prime Minister;

(c) Assist State agriculture and forestry enterprises undergoing restructuring to pay allowances to employees who become redundant, and to deal with financial issues;

(d) Prepare and submit periodical reports on the management and utilization of the Assistance Fund for Restructuring Enterprises to the Prime Minister and the Ministry of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(a) A Steering Committee for Equitization shall have the following powers and responsibilities:

- To assist the body making the equitization decision in directing and organizing the implementation of the equitization of one or several enterprises in accordance with this Decree;

- To be entitled to use the seal of the authorized body during performance of its duties;

- To establish an assisting group for implementation of equitization of an enterprise;

- To report to the body making the equitization decision to select the method of initial share sale;

- To direct the formulation of an equitization plan;

- To verify and submit the value of the enterprise to the authorized body for its decision announcing such value, and for its decision approving the equitization plan;

- To direct the enterprise to be equitized to co-ordinate with the intermediary financial institution to hold an auction to sell shares;

- To prepare and submit a report on results of equitization to the authorized body; equitization plan or decision adjusting the value of the enterprise after conversion into a shareholding company;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



(b) The composition of the Steering Committee shall be determined by the minister, head of the ministerial equivalent body or Government body or the chairman of the people's committee of the province or city under central authority and by the board of management of a group or State corporation.

With respect to equitized enterprises in the category of enterprises in which the rights of the representative of the owner of State owned capital are transferred to the State Capital Investment Corporation, the members of the Steering Committee shall include an authorized representative of the State Capital Investment Corporation.

6. The trade union at the enterprise undergoing equitization shall co-ordinate with the Steering Committee for Equitization:

(a) To disseminate material to senior staff at the enterprise on implementing the State policy on equitization;

(b) To supervise the process of equitization at the enterprise;

(c) To appoint a representative of the trade union capital portion onto the board of management and board of inspectors of the equitized enterprise;

(d) To use legal Funds of the trade union at the enterprise to purchase shares.

Article 55. Regime on reporting, inspection and supervision

1. Ministers, heads of ministerial equivalent bodies and Government bodies, chairmen of people's committees of provinces and cities under central authority and boards of management of groups and State corporations shall be responsible to promptly report to the Steering Committee for Reform and Development of Enterprises and to the Ministry of Finance the following relevant items in the process of equitization: results of resolution of outstanding financial issues, results of valuation, decision on announcement of the value of the enterprise and adjustment of the value of the enterprise, equitization plan, result of the share sale, accounting finalization of equitization expenses and finalization of the handover from a State owned enterprise to a shareholding company.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. The Ministry of Finance shall be responsible to check, supervise and activate ministries, ministerial equivalent bodies, Government bodies, people's committees of provinces and cities under central authority, economic groups and State corporations to carry out the work of equitization in accordance with the plan for restructuring State owned enterprises approved by the Prime Minister of the Government and the law, and submit periodic reports on current status and results of implementation of equitization of enterprises to the Prime Minister.

Chapter VIII

IMPLEMENTING PROVISIONS

Article 56. Implementing provisions

1. This Decree shall be of full force and effect after fifteen (15) days from the date of its publication in the Official Gazette and shall replace Decree 187/2004/ND-CP of the Government dated 16 November 2004 on conversion of State owned companies into shareholding companies. Any previous provisions on equitization which are inconsistent with this Decree shall no longer be effective.

2. Any enterprise for which there was a decision by the authorized body approving the equitization plan prior to the date of effectiveness of this Decree shall continue to implement such decision pursuant to the approved equitization plan and the provisions of this Decree.

3. Enterprises which conducted business registration to convert into a shareholding company prior to the date of effectiveness of this Decree shall continue to enjoy incentives in accordance with relevant laws.

4. Equitization of State commercial banks shall be carried out in accordance with the items stipulated in this Decree, regulations relating to the banking management sector and specific items in each Proposal for equitization approved by the Prime Minister of the Government.

Article 57. The Ministry of Finance; the Ministry of Labour, War Invalids and Social Affairs; the State Bank of Vietnam; the Ministry of Natural Resources and Environment, the Ministry of Planning and Investment and other relevant ministries and bodies shall be responsible to provide guidelines for implementation of this Decree.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



 

 

FOR THE GOVERNMENT
PRIME MINISTER




Nguyen Tan Dung

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Nghị định 109/2007/NĐ-CP ngày 26/06/2007 về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


44.018

DMCA.com Protection Status
IP: 18.188.154.238
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!