BỘ XÂY DỰNG
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 14/QĐ-BXD
|
Hà Nội, ngày 17
tháng 01 năm 2022
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ
VIỆC PHÂN CÔNG NHIỆM VỤ GIÁM ĐỊNH TƯ PHÁP XÂY DỰNG CHO CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ XÂY
DỰNG
BỘ TRƯỞNG BỘ XÂY DỰNG
Căn cứ Luật Giám định tư pháp ngày 20 tháng 6
năm 2012; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp ngày 10
tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Luật Xây dựng ngày 18 tháng 6 năm 2014; Luật
sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17 tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng
7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Giám định
tư pháp; Nghị định số 157/2020/NĐ-CP ngày 31 tháng 12 năm 2020 của Chính phủ sửa
đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2013/NĐ-CP ngày 29 tháng 7 năm
2013;
Căn cứ Nghị định số 81/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng
7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ
chức của Bộ Xây dựng;
Căn cứ Thông tư số 17/2021/TT-BXD ngày 22 tháng
12 năm 2021 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng quy định một số nội dung về hoạt động
giám định tư pháp trong lĩnh vực xây dựng;
Căn cứ Quyết định số 898/QĐ-BXD ngày 09 tháng 9
năm 2016 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy chế làm việc của cơ
quan Bộ Xây dựng;
Căn cứ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn
và cơ cấu tổ chức theo Quyết định của Bộ trưởng đối với các Đơn vị thuộc Bộ Xây
dựng;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Giám định nhà nước
về chất lượng công trình xây dựng.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối
tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quyết định này phân công tổ chức thực hiện nhiệm vụ
quản lý nhà nước và nhiệm vụ chuyên môn trong lĩnh vực giám định tư pháp xây dựng
thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
2. Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân
thuộc Bộ Xây dựng trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
Điều 2. Giải thích từ ngữ
Trong Quyết định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu
như sau:
1. Đơn vị là đơn vị hành chính và đơn vị sự nghiệp
thuộc Bộ Xây dựng, bao gồm: Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây
dựng, Cục Quản lý hoạt động xây dựng, Cục Kinh tế xây dựng, Cục Quản lý nhà và
thị trường bất động sản, Cục Hạ tầng kỹ thuật, Vụ Quy hoạch - Kiến trúc, Cục
Công tác phía Nam, Thanh tra Bộ, Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Khoa học công nghệ xây
dựng, Viện Kinh tế xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Viện Kiến trúc quốc gia,
Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia và các đơn vị sự nghiệp khác thuộc
Bộ Xây dựng.
2. Đơn vị chủ trì là đơn vị được giao chủ trì thực
hiện công việc.
3. Đơn vị phối hợp là đơn vị được giao tham gia, phối
hợp với đơn vị chủ trì thực hiện công việc.
4. Đơn vị đầu mối là đơn vị được Bộ trưởng giao quản
lý chung công tác giám định tư pháp xây dựng.
Điều 3. Quy định chung
1. Quyết định này được ban hành nhằm đảm bảo thực
hiện hiệu quả công việc, tránh chồng chéo trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản
lý nhà nước và nhiệm vụ chuyên môn trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng
thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
2. Mỗi công việc chỉ phân công cho một đơn vị chủ
trì tổ chức thực hiện; đơn vị liên quan có trách nhiệm tham gia, phối hợp với
đơn vị chủ trì thực hiện công việc theo chức năng, nhiệm vụ của mình để đảm bảo
kịp thời hoàn thành công việc được giao. Thủ trưởng đơn vị chịu trách nhiệm trước
Bộ trưởng về việc tổ chức thực hiện các nhiệm vụ quy định tại Quyết định này.
3. Các tổ chức, cá nhân được giao thực hiện giám định
tư pháp xây dựng phải tuân thủ các quy định của pháp luật về giám định tư pháp;
các quy định, quy chế làm việc của Bộ Xây dựng và của đơn vị.
4. Các đơn vị nêu tại Điều 2 Quyết định
này có trách nhiệm:
a) Chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về việc đảm bảo
kinh phí, trang thiết bị, phương tiện giám định và điều kiện vật chất cần thiết
khác phục vụ công tác giám định tư pháp xây dựng; đảm bảo số lượng, chất lượng
hoạt động của cá nhân, tổ chức giám định tư pháp thuộc thẩm quyền quản lý;
b) Chủ trì tổ chức giải quyết các nội dung công việc
liên quan đến giám định tư pháp xây dựng, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của
đơn vị được Bộ trưởng giao;
c) Lập danh sách đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp
thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp xây dựng và công nhận tổ chức, cá nhân
giám định tư pháp xây dựng theo vụ việc thuộc thẩm quyền quản lý gửi đơn vị đầu
mối tổng hợp, trình Bộ trưởng quyết định;
d) Phối hợp với đơn vị đầu mối trong việc xây dựng
văn bản quy phạm pháp luật về giám định tư pháp xây dựng và phổ biến, hướng dẫn
pháp luật có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị;
đ) Nghiên cứu, rà soát, hoàn thiện các văn bản quy
phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của đơn vị để phục vụ hoạt động
giám định tư pháp xây dựng;
e) Đánh giá chất lượng hoạt động giám định tư pháp
xây dựng của cá nhân, tổ chức; kịp thời đề xuất tôn vinh, khen thưởng cá nhân,
tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng thuộc
thẩm quyền quản lý; lập báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ được phân công tại Quyết
định này, gửi đơn vị đầu mối để tổng hợp, lập báo cáo chung theo quy định.
5. Trường hợp nội dung trưng cầu giám định có liên
quan đến nhiều lĩnh vực chuyên môn của các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng thì đơn vị
đầu mối có trách nhiệm tham mưu, đề xuất Bộ trưởng giao đơn vị chủ trì và đơn vị
liên quan phối hợp thực hiện trên cơ sở xác định nội dung chính cần giám định.
6. Trường hợp thành lập Hội đồng giám định để giám
định lại lần hai theo quyết định của người trưng cầu giám định quy định tại Điều 30 của Luật Giám định tư pháp thì đơn vị đầu mối có trách
nhiệm tham mưu, đề xuất Bộ trưởng thành lập Hội đồng giám định.
7. Đối với các trường hợp khác với quy định của Quyết
định này thì Bộ trưởng xem xét quyết định.
Điều 4. Nhiệm vụ của đơn vị đầu
mối
Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây
dựng là đơn vị đầu mối có trách nhiệm thực hiện các nội dung được quy định tại Điều 3 Quyết định này và chủ trì thực hiện các nội dung sau:
1. Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về giám
định tư pháp xây dựng trình Bộ trưởng hoặc cơ quan có thẩm quyền ban hành theo quy
định; hướng dẫn, kiểm tra việc thi hành văn bản quy phạm pháp luật về giám định
tư pháp xây dựng.
2. Xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức bồi
dưỡng nghiệp vụ, kiến thức pháp luật cho người giám định tư pháp xây dựng thuộc
thẩm quyền quản lý.
3. Tiếp nhận hồ sơ, lựa chọn, trình Bộ trưởng quyết
định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cấp thẻ, thu hồi thẻ giám định viên tư pháp xây dựng
thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng; lựa chọn, trình Bộ trưởng quyết định
công nhận, hủy bỏ công nhận tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng theo vụ
việc thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
4. Phối hợp với Trung tâm thông tin đăng tải danh
sách tổ chức, cá nhân giám định tư pháp xây dựng trên cổng thông tin điện tử của
Bộ Xây dựng.
5. Thực hiện hợp tác quốc tế về giám định tư pháp
xây dựng thuộc thẩm quyền của Bộ Xây dựng.
6. Tổng hợp, lập báo cáo chung định kỳ hoặc đột xuất
về hoạt động giám định tư pháp xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
7. Chủ trì tổ chức giám định tư pháp xây dựng liên
quan đến quản lý chất lượng và an toàn trong thi công xây dựng công trình.
Điều 5. Nhiệm vụ của các đơn vị
Các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng có trách nhiệm thực hiện
các nội dung quy định chung tại Điều 3 Quyết định này và các
nội dung sau:
1. Cục Quản lý hoạt động xây dựng: Chủ trì tổ chức
giám định tư pháp xây dựng liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự
án đầu tư xây dựng công trình; quản lý năng lực hoạt động xây dựng; cấp giấy
phép xây dựng; khảo sát xây dựng; thiết kế xây dựng và các công việc khác liên
quan lĩnh vực hoạt động xây dựng được giao.
2. Cục Kinh tế xây dựng: Chủ trì tổ chức giám định
tư pháp xây dựng liên quan đến quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng,
thanh toán, quyết toán vốn đầu tư xây dựng và các yêu cầu giám định khác liên
quan đến lĩnh vực kinh tế xây dựng được giao.
3. Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản: Chủ
trì tổ chức giám định tư pháp xây dựng liên quan đến nhà ở, công sở, thị trường
bất động sản và các công việc khác liên quan lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động
sản được giao.
4. Cục Hạ tầng kỹ thuật: Chủ trì tổ chức giám định
tư pháp xây dựng liên quan đến cấp nước đô thị và khu công nghiệp, thoát nước,
xử lý nước thải đô thị và khu dân cư nông thôn tập trung, hạ tầng giao thông đô
thị, quản lý xây dựng ngầm đô thị và các công việc khác liên quan lĩnh vực hạ tầng
kỹ thuật được giao.
5. Vụ Quy hoạch - Kiến trúc: Chủ trì tổ chức giám định
tư pháp xây dựng trong lĩnh vực quy hoạch xây dựng, kiến trúc theo chức năng,
nhiệm vụ được giao.
6. Cục Công tác phía Nam: Chủ trì tổ chức giám định
tư pháp xây dựng liên quan đến lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý dự án đầu
tư xây dựng công trình, khảo sát xây dựng, thiết kế xây dựng; quản lý chất lượng
và an toàn trong thi công xây dựng công trình tại các địa bàn quản lý theo phân
công của Bộ trưởng.
7. Thanh tra Bộ chủ trì tổ chức thanh tra, kiểm tra
và giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức, hoạt động giám định tư pháp xây dựng
thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Xây dựng.
8. Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì phối hợp với đơn vị đầu
mối và các đơn vị có liên quan trình Bộ trưởng quyết định về việc khen thưởng
cá nhân, tổ chức có thành tích xuất sắc trong hoạt động giám định tư pháp xây dựng.
9. Các đơn vị sự nghiệp thuộc Bộ (Viện Khoa học
công nghệ xây dựng, Viện Kinh tế xây dựng, Viện Vật liệu xây dựng, Viện Kiến
trúc quốc gia, Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn Quốc gia, ...): Chủ trì tổ chức
thực hiện giám định tư pháp xây dựng theo quyết định trưng cầu hoặc văn bản yêu
cầu trực tiếp của người trưng cầu giám định, và giám định tư pháp xây dựng theo
vụ việc do Bộ trưởng phân công, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.
Điều 6 . Tổ chức thực hiện
1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày
ký.
2. Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng và các
cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị (để báo cáo);
- Thứ trưởng Lê Quang Hùng;
- Thứ trưởng Bùi Hồng Minh;
- Văn phòng Bộ;
- Lưu: VT, Cục GĐ (03).
|
KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG
Nguyễn Văn Sinh
|