ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 1137/QĐ-UBND
|
Thanh Hóa, ngày
08 tháng 4 năm 2021
|
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI
TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA GIAI ĐOẠN 2021 - 2025”
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật sửa đổi, bổ sung
một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương
ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Thi hành án dân
sự năm 2008; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự năm
2014;
Căn cứ Nghị định số
62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự; Nghị định số 33/2020/NĐ-CP ngày
17 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của điều của Nghị định số
62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi
hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
Căn cứ Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa
phát lại;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Tư pháp tại Tờ trình số 169/TTr-STP ngày 23 tháng 3 năm 2021.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Phát triển Văn
phòng Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá giai đoạn 2021 - 2025”.
Điều 2.
Giao Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành,
UBND các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức triển
khai thực hiện Đề án này.
Điều 3.
Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám
đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã,
thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết
định này./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3 Quyết định;
- Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Tòa án nhân dân tỉnh;
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh;
- Cục Thi hành án dân sự tỉnh;
- Lưu: VT, KSTTHC-NC.
|
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Văn Thi
|
ĐỀ ÁN
PHÁT TRIỂN VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH
HOÁ GIAI ĐOẠN 2021 - 2025
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1137/QĐ-UBND ngày 08 tháng 04 năm 2021 của
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa)
Phần thứ
nhất
SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ
ÁN
I. CƠ SỞ
PHÁP LÝ
- Căn cứ Nghị quyết số 49-NQ/TW
ngày 02 tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến
năm 2020;
- Căn cứ Luật Thi hành án dân sự
năm 2008 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều Luật Thi hành án dân sự năm 2014;
- Căn cứ Nghị quyết số
107/2015/QH13 ngày 26 tháng 11 năm 2015 của Quốc hội về thực hiện chế định Thừa
phát lại;
- Căn cứ Nghị định số
62/2015/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
- Căn cứ Nghị định số
33/2020/NĐ-CP ngày 17 tháng 3 năm 2020 sửa đổi, bổ sung một số điều của điều của
Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18/7/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng
dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự;
- Căn cứ Nghị định số
08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại;
- Căn cứ Quyết định số
510/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Tiếp
tục thực hiện thí điểm chế định thừa phát lại”;
- Căn cứ Quyết định số
101/QĐ-TTg ngày 14 tháng 01 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế
hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc
hội về thực hiện chế định thừa phát lại;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số
03/2014/TTLT-BTP-NHNNVN ngày 17/01/2014 của Bộ Tư pháp, Ngân hàng nhà nước Việt
Nam hướng dẫn về việc xác minh điều kiện thi hành án của Thừa phát lại tại các
tổ chức tín dụng;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số
09/2014/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 28/02/2014 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân
dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện
thí điểm chế định Thừa phát lại theo Nghị quyết số 36/2012/QH13 ngày 23/11/2012
của Quốc hội;
- Căn cứ Thông tư liên tịch số
11/2016/TTLT-BTP-TANDTC-VKSNDTC ngày 01/8/2016 của Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân
tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao quy định một số vấn đề về thủ tục thi
hành án dân sự và phối hợp liên ngành trong thi hành án dân sự;
- Căn cứ Thông tư số
223/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu,
nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề Thừa phát
lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng Thừa phát lại;
- Căn cứ Thông tư số
05/2020/TT-BTP ngày 28/8/2020 của Bộ Tư pháp về việc quy định chi tiết một số
điều và biện pháp thi hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính
phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại;
- Căn cứ Thông tư số
05/2021/TT-BTC ngày 20/01/2021 của Bộ Tài chính về sửa đổi bổ sung một số điều
của Thông tư số 223/2016/TT-BTC ngày 10/11/2016 của Bộ Tài chính quy định mức
thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện
hành nghề Thừa phát lại; phí thẩm định điều kiện thành lập, hoạt động Văn phòng
Thừa phát lại.
II. THỰC TRẠNG
HOẠT ĐỘNG CỦA CÁC VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI VÀ SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH ĐỀ ÁN
1. Thực
trạng chung
- Thực hiện chủ trương xã hội
hoá hoạt động bổ trợ tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02
tháng 6 năm 2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020,
Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày 26/11/2015 của Quốc hội về thực hiện chế định
thừa phát lại, theo đó tổ chức thừa phát lại hoạt động theo loại hình doanh
nghiệp tư nhân tự chủ về tài chính và cung cấp các dịch vụ pháp lý mang tính chất
công, thực hiện 04 công việc sau:
+ Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài
liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
+ Lập vi bằng theo yêu cầu của
cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
+ Xác minh điều kiện thi hành
án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy
định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
+ Tổ chức thi hành các bản án,
quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này
và pháp luật có liên quan.
- Thực hiện Quyết định số
2308/QĐ-BTP ngày 17/9/2013 của Bộ Tư pháp về phê duyệt Đề án “Thực hiện thí điểm
chế định thừa phát lại tại tỉnh Thanh Hoá”; theo đó, cho phép tỉnh Thanh Hoá được
thành lập 04 Văn phòng thừa phát lại, đến nay UBND tỉnh đã Quyết định thành lập
04 Văn phòng Thừa phát lại, cụ thể:
+ Văn phòng Thừa phát lại thành
phố Thanh Hóa;
+ Văn phòng Thừa phát lại Sầm
Sơn;
+ Văn phòng Thừa phát lại thị
xã Bỉm Sơn;
+ Văn phòng Thừa phát lại thị
xã Nghi Sơn.
2. Kết quả
hoạt động của 04 Văn phòng Thừa phát lại từ khi được thành lập đến nay
2.1. Về việc tống đạt giấy tờ,
hồ sơ, tài liệu
- Số văn bản cần tống đạt của
02 cấp Toà án: Toà án nhân dân tỉnh 8.943 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu; các Toà án
nhân dân cấp huyện là: 89.373 giấy tờ, hồ sơ, tài liệu;
- Số văn bản cần tống đạt của
Thi hành án cấp tỉnh và cấp huyện, cụ thể: Cục Thi hành án dân sự tỉnh 1.673 giấy
tờ, hồ sơ, tài liệu; các Chi cục Thi hành án dân sự cấp huyện là 54.712 giấy tờ,
hồ sơ, tài liệu;
- Tổng số văn bản cần tống đạt
của các cơ quan Toà án, Thi hành án 02 cấp là: 154.701 văn bản; 04 Văn phòng Thừa
phát lại đã tống đạt được 88.752/154.701 văn bản, đạt 57,3% văn bản cần tống đạt.
2.2. Lập vi bằng theo yêu cầu
của cá nhân, cơ quan, tổ chức
- 04 Văn phòng đã lập được tổng
số 193 vi bằng.
2.3. Xác minh điều kiện thi
hành án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Tỷ
lệ 0% vì lý do không đủ nhân lực để triển khai thực hiện.
2.4. Tổ chức thi hành các bản
án, quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự: Tỷ lệ 0% vì lý do chưa
có cơ chế phối hợp giữa cơ quan Thi hành án dân sự và các tổ chức thừa phát lại.
2.5. Doanh thu từ hoạt động
thừa phát lại đạt: 10,55 tỷ đồng, nộp thuế vào ngân sách nhà nước
1.055.000.000 (Một tỷ không trăm năm mươi lăm triệu đồng).
3. Nhận
xét, đánh giá
- Những kết quả trên cho thấy sự
ra đời của các Văn phòng Thừa phát lại đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động tư
pháp, góp phần giảm tải công việc của các cơ quan tư pháp, trước hết là cơ quan
Thi hành án dân sự, Toà án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh để các cơ quan
này tập trung thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động
của các cơ quan tố tụng.
- Tạo điều kiện cho đương sự
(người được thi hành án: Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến việc thi
hành án dân sự có thêm công cụ hỗ trợ tích cực để đảm bảo quyền, lợi ích hợp
pháp trong quá trình tổ chức thi hành án).
- Hỗ trợ tích cực cho công dân
khi quyền lợi dân sự bị xâm phạm cần được xác nhận, bảo đảm quyền lợi khi cần
khởi kiện. Đồng thời, giảm tải công việc của các cơ quan Nhà nước, chính quyền
địa phương (cấp xã, phường) phải xem xét, giải quyết các quyền lợi của công dân
khi có tranh chấp dân sự.
4. Tồn tại,
hạn chế, nguyên nhân
4.1. Tồn tại, hạn chế
- Số lượng các tổ chức thừa
phát lại được thành lập còn hạn chế (04 Văn phòng) tập trung ở hai thành phố,
thị xã, trong khi nhu cầu về hồ sơ, tài liệu, giấy tờ của Thi hành án dân sự tỉnh,
Toà án nhân dân tỉnh, Thi hành án dân sự và Toà án nhân dân của 27/27 huyện, thị
xã, thành phố cần tống đạt rất lớn. Vì vậy, chưa thực hiện hết công việc của
Toà án nhân dân, Thi hành án dân sự giao.
- Nhu cầu lập vi bằng của tổ chức,
cá nhân cũng rất lớn, trong khi số lượng các tổ chức thừa phát lại nguồn nhân lực
không đáp ứng được để thực hiện tại các địa phương có khoảng cách địa lý xa trụ
sở các văn phòng thừa phát lại.
- Việc tổ chức thi hành án các
bản án còn hạn chế.
4.2. Nguyên nhân
- Do số lượng các Văn phòng thừa
phát lại còn ít, chưa đảm bảo thực hiện các công việc của Toà án nhân dân, Thi
hành án dân sự giao cũng như lập vi bằng của công dân, tổ chức trên địa bàn tỉnh.
- Chưa có cơ chế phối hợp giữa
cơ quan Thi hành án dân sự với các tổ chức thừa phát lại trong công tác cưỡng
chế Thi hành án dân sự.
5. Sự cần
thiết ban hành Đề án
- Trên cơ sở đánh giá kết quả
hoạt động của 04 Văn phòng thừa phát lại theo Đề án thí điểm thực hiện trên địa
bàn tỉnh Thanh Hóa; trong những năm qua đã hỗ trợ tích cực cho hoạt động của
các cơ quan Thi hành án dân sự, Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn tỉnh; giảm
tải công việc cho các cơ quan tố tụng để tập trung vào công việc chuyên môn và
quản lý Nhà nước; giảm tải công việc của chính quyền cấp xã khi xem xét, giải
quyết tranh chấp dân sự tại các địa phương, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi
cho các tổ chức, cá nhân thực hiện quyền lợi khi có tranh chấp dân sự.
- Trong giai đoạn 2021- 2025
cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; theo báo cáo hàng năm của Toà
án dân dân tỉnh, Thi hành án dân sự tỉnh số lượng các bản án, các vụ việc phải
đưa ra Thi hành án đều tăng (năm sau cao hơn năm trước). Vì vậy, yêu cầu tống đạt
các giấy tờ, tài liệu, hồ sơ của các cơ quan này ngày càng nhiều, mặt khác nhu
cầu lập vi bằng của các tổ chức, cá nhân cũng rất lớn. Do đó, việc thành lập và
phát triển các tổ chức thừa phát lại là yêu cầu thực tế.
- Ngày 08 tháng 01 năm 2020,
Chính phủ đã ban hành Nghị định số 08/2020/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Thừa
phát lại (không thực hiện thí điểm như Nghị quyết số 107/2015/QH13 ngày
26/11/2015 của Quốc hội). Theo quy định tại Điều 21, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
của Chính phủ: UBND tỉnh phê duyệt Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại
trên địa bàn tỉnh và căn cứ Đề án phát triển Văn phòng thừa phát lại được công
bố làm cơ sở pháp lý cho việc thành lập các Văn phòng thừa phát lại trên địa
bàn tỉnh.
Từ các căn cứ pháp lý và lý do
thực tiễn nêu trên, việc ban hành Đề án “Phát triển Văn phòng Thừa phát lại
trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025” là cần thiết, phù hợp với
quy định của pháp luật và điều kiện thực tế tại địa phương, đồng thời tiếp tục
thực hiện chủ trương xã hội hoá các hoạt động bổ trợ tư pháp theo Nghị quyết số
49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ
Chính trị về Chiến lược cải
cách tư pháp.
Phần thứ
hai
MỤC TIÊU, NỘI DUNG CỦA ĐỀ
ÁN
I. MỤC
TIÊU BAN HÀNH ĐỀ ÁN
1. Mục tiêu chung
Phát triển Văn phòng thừa phát
lại nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương xã hội hoá hoạt động bổ trợ tư pháp theo
Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách
tư pháp; thực hiện quy định của Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm
2020 Chính phủ về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại nhằm nâng cao hiệu lực,
hiệu quả quản lý Nhà nước trong công tác Thi hành án dân sự, giảm tải công việc
của cơ quan Thi hành án dân sự, Toà án nhân dân, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích
hợp pháp của tổ chức, cá nhân. Thừa phát lại được tổ chức và thực hiện với lộ
trình phù hợp, điều kiện cụ thể của địa phương nhằm phục vụ cho sự phát triển
kinh tế - xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội
trên địa bàn tỉnh.
2. Mục tiêu cụ thể
- Phát triển Văn phòng thừa
phát lại đủ số lượng, bố trí đều trên địa bàn, các vùng, miền của tỉnh, đảm bảo
thực hiện các nhiệm vụ phục vụ kịp thời, thuận lợi cho tổ chức, công dân cũng
như các việc do Toà án nhân dân, Thi hành án dân sự giao;
- Đáp ứng kịp thời yêu cầu bảo
vệ quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, hạn chế khiếu kiện đến các cơ
quan Nhà nước;
- Huy động tối đa các nguồn lực
xã hội, tham gia phát triển các Văn phòng thừa phát lại nhằm giảm áp lực công
việc, giảm chi tiêu ngân sách và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan Tư
pháp mà trực tiếp là cơ quan Thi hành án dân sự và Toà án nhân dân.
II. NỘI
DUNG ĐỀ ÁN
1. Thành lập Văn phòng thừa
phát lại
- Việc xây dựng và thành lập
Văn phòng Thừa phát lại phải tuân theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08 tháng 01 năm 2020 Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại,
phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh; cơ cấu dân cư, địa giới hành
chính cấp huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh; số lượng vụ việc thụ lý của
Tòa án, cơ quan Thi hành án dân sự; nhu cầu của người dân ở địa bàn cấp huyện
nơi dự kiến thành lập Văn phòng Thừa phát lại. Trong giai đoạn thực hiện Đề án
từ năm 2021 đến năm 2025 thành lập 14 Văn phòng thừa phát lại tại các địa
phương, cụ thể như sau:
+ Tại khu vực đô thị là thành
phố, thị xã: Thành lập 04 Văn phòng thừa phát lại, vì đây là khu vực có nhu cầu
lớn về hoạt động thừa phát lại nên thành lập mỗi đơn vị không quá 02 Văn phòng
(hiện tại mỗi thành phố, thị xã đã có 01 Văn phòng).
+ Tại khu vực các huyện ven biển:
Thành lập 04 Văn phòng thừa phát lại tại các huyện: Hoằng Hoá, Hậu Lộc, Nga
Sơn, Quảng Xương (mỗi đơn vị cấp huyện không quá 01 Văn phòng).
+ Tại khu vực các huyện miền
núi: Thành lập 03 Văn phòng thừa phát lại tại các huyện Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Như
Xuân (mỗi đơn vị cấp huyện không quá 01 Văn phòng).
+ Tại khu vực các huyện đồng bằng:
Thành lập 03 Văn phòng thừa phát lại tại các huyện: Thọ Xuân, Yên Định, Triệu
sơn (mỗi đơn vị cấp huyện không quá 01 Văn phòng).
- Từ năm 2025 trở đi: Tổ chức tổng
kết thực hiện Đề án, báo cáo kết quả về Bộ Tư pháp và UBND tỉnh, đồng thời chỉ
đạo tiếp tục cho phép mỗi đơn vị hành chính cấp huyện còn lại thành lập không
quá 01 Văn phòng Thừa phát lại theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP
ngày 08/01/2020 của Chính phủ.
2. Loại hình Văn phòng Thừa
phát lại
Văn phòng Thừa phát lại tổ chức
và hoạt động theo 02 loại hình:
- Văn phòng Thừa phát lại do 01
Thừa phát lại thành lập được tổ chức theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
- Văn phòng Thừa phát lại do 02
Thừa phát lại trở lên thành lập được tổ chức theo loại hình công ty hợp danh.
- Người đại diện theo pháp luật
của Văn phòng Thừa phát lại là Trưởng Văn phòng Thừa phát lại; Trưởng Văn phòng
Thừa phát lại phải là Thừa phát lại.
3. Chức năng nhiệm vụ của Thừa
phát lại
Theo quy định tại Điều 3, Nghị
định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của
Thừa phát lại, chức năng, nhiệm vụ cụ thể của Thừa phát lại như sau:
- Tống đạt giấy tờ, hồ sơ, tài
liệu theo quy định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
- Lập vi bằng theo yêu cầu của
cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.
- Xác minh điều kiện thi hành
án theo yêu cầu của đương sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy
định của Nghị định này và pháp luật có liên quan.
- Tổ chức thi hành các bản án,
quyết định của Tòa án theo yêu cầu của đương sự theo quy định của Nghị định này
và pháp luật có liên quan.
4. Chế độ tài chính
Văn phòng Thừa phát lại có con
dấu và tài khoản riêng, hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính. Chế độ
tài chính của Văn phòng Thừa phát lại được thực hiện theo chế độ tài chính của
loại hình doanh nghiệp tương ứng theo quy định của pháp luật.
5. Tiêu chuẩn, quy định về
Văn phòng Thừa phát lại, Trưởng Văn phòng Thừa phát lại
Theo quy định tại các Điều 17,
Điều 18, Điều 19, Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/01/2020 của Chính phủ về tổ
chức và hoạt động của thừa phát lại và các quy định khác có liên quan.
6. Thủ tục thành lập, đăng
ký hoạt động
Theo quy định tại các Điều 21
và Điều 22 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08/12/2020 của Chính phủ về tổ chức
và hoạt động của Thừa phát lại và các quy định khác có liên quan.
Phần thứ
ba
PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM THỰC
HIỆN ĐỀ ÁN
1. Sở Tư
pháp
- Giao Sở Tư pháp chủ trì:
+ Xây dựng Kế hoạch chi tiết
triển khai Đề án này.
+ Tuyên truyền, phổ biến Luật
và các văn bản pháp luật liên quan đến chế định Thừa phát lại.
+ Hàng năm tổ chức tập huấn, bồi
dưỡng nghiệp vụ cho Thừa phát lại và các thư ký nghiệp vụ, sơ kết, tổng kết báo
cáo đánh giá kết quả về hoạt động Thừa phát lại.
+ Phối hợp với Học viện Tư pháp
- Bộ Tư pháp xây dựng Kế hoạch đào tạo nguồn lực Thừa phát lại đáp ứng cho việc
thành lập các tổ chức thừa phát lại.
+ Theo dõi, kiểm tra, đôn đốc,
đồng thời phối hợp với Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh, các sở,
ngành, đơn vị liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện
có hiệu quả Đề án này; tổ chức sơ kết và tổng kết việc thực hiện Đề án, báo cáo
kết quả về Bộ Tư pháp, UBND tỉnh theo quy định.
+ Tham mưu UBND tỉnh thực hiện
quản lý Nhà nước về Thừa phát lại trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Nghị định
số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động
của Thừa phát lại.
+ Lập dự toán kinh phí tập huấn,
bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ thừa phát lại, tuyên truyền, phổ biến luật và
các văn bản pháp luật hiệu quả đến các Thừa phát lại.
2. Đề nghị
Tòa án nhân dân tỉnh
- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức
tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại trong hệ thống Tòa án nhân dân
các huyện, thị xã, thành phố.
- Quan tâm, hỗ trợ cho hoạt động
của các Văn phòng Thừa phát lại sau khi được thành lập và đi vào hoạt động; thực
hiện và chỉ đạo Tòa án nhân dân các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa
thuận với Thừa phát lại thực hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Tòa án
nhân dân các cấp theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01
năm 2020 của Chính phủ về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại; trực tiếp thực
hiện và hướng dẫn Tòa án nhân dân cấp huyện trên địa bàn tỉnh hướng dẫn đương sự
về quyền yêu cầu Thừa phát lại tổ chức thi hành các bản án, quyết định để đương
sự biết và sử dụng dịch vụ thi hành án của Thừa phát lại.
3. Cục
Thi hành án dân sự tỉnh
- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức
tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại đối với Chi cục Thi hành án dân
sự các huyện, thị xã, thành phố.
- Chỉ đạo Chi cục Thi hành án
dân sự các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Thừa phát lại trong việc tổ chức
thi hành bản án, quyết định theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày
08 tháng 01 năm 2020 của Chính phủ; cung cấp thông tin cho Sở Tư pháp kết quả
thực hiện các công việc về thi hành án dân sự của Thừa phát lại; trong quá
trình thực hiện nhiệm vụ, quan tâm giới thiệu, tuyên truyền về nhiệm vụ, quyền
hạn của Thừa phát lại trong công tác thi hành án dân sự để đương sự, người có
quyền lợi, nghĩa vụ liên quan biết.
- Chỉ đạo Chi cục Thi hành án
dân sự các huyện, thị xã, thành phố trên cơ sở thỏa thuận với Thừa phát lại thực
hiện chuyển giao việc tống đạt văn bản của Tòa án nhân dân, cơ quan Thi hành án
dân sự theo quy định tại Nghị định số 08/2020/NĐ-CP ngày 08 tháng 01 năm 2020 của
Chính phủ.
4. Sở Tài
chính: Thẩm định dự toán kinh phí do Sở Tư pháp lập để triển
khai thực hiện Đề án, trình Chủ tịch UBND tỉnh xem xét, quyết định.
5. Các sở,
ban, ngành liên quan, UBND các huyện, thị xã, thành phố
- Các sở, ban, ngành phối hợp với
Sở Tư pháp tăng cường tuyên truyền về chế định Thừa phát lại; quan tâm tạo điều
kiện để các Văn phòng Thừa phát lại thực hiện hiệu quả nhiệm vụ.
- UBND các huyện, thị xã, thành
phố tổ chức tuyên truyền, quán triệt chế định Thừa phát lại tại địa phương, đồng
thời tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động Thừa phát lại tại địa
bàn, chỉ đạo các tổ chức, đơn vị phối hợp tạo điều kiện để Văn phòng Thừa phát
lại hoàn thành tốt nhiệm vụ.
- Trên cơ sở chức năng nhiệm vụ,
quyền hạn và sự phân công tại Đề án này chủ động xây dựng Kế hoạch triển khai
thực hiện Đề án. Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ
quan, đơn vị, địa phương kịp thời phản ánh về UBND tỉnh (qua Sở Tư pháp) để hướng
dẫn, giải quyết.
6. Kinh phí
thực hiện
Kinh phí thực hiện các nội dung
trong Đề án được bố trí trong dự toán hàng năm từ nguồn ngân sách tỉnh và được
quản lý, sử dụng có hiệu quả theo quy định của pháp luật./.