Từ khoá: Số Hiệu, Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn của Văn Bản...

Đăng nhập

Đang tải văn bản...

Thông tư 04/2007/TT-BKH hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức

Số hiệu: 04/2007/TT-BKH Loại văn bản: Thông tư
Nơi ban hành: Bộ Kế hoạch và Đầu tư Người ký: Võ Hồng Phúc
Ngày ban hành: 30/07/2007 Ngày hiệu lực: Đã biết
Ngày công báo: Đã biết Số công báo: Đã biết
Tình trạng: Đã biết

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

*******

Số: 04/2007/TT-BKH

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
*******

Hà Nội, ngày 30 tháng 7 năm 2007

 

THÔNG TƯ

HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN QUY CHẾ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN HỖ TRỢ PHÁT TRIỂN CHÍNH THỨC

(Ban hành kèm theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ)

Căn cứ Nghị định số 61/2003/NĐ-CP ngày 06 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Căn cứ Điều 3 Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức,
Bộ Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2006/NĐ-CP ngày 09 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (sau đây gọi tắt là Quy chế) như sau:

Phần 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

I. Phạm vi điều chỉnh quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Yếu tố không hoàn lại: Phương pháp tính yếu tố không hoàn lại được quy định tại Phụ lục 1 của Thông tư này.

2. Các khoản vốn vay của các nhà tài trợ có các điều kiện ưu đãi về lãi suất, thời gian ân hạn và thời gian trả nợ không bảo đảm được “Yếu tố không hoàn lại” quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế sẽ thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này nếu:

a) Những khoản vay nằm trong khuôn khổ hỗ trợ phát triển chính thức giữa Chính phủ Việt Nam và các nhà tài trợ (chương trình quốc gia, hạn mức tín dụng và các khoản tài trợ khác).

b) Việc sử dụng những khoản vay này tuân thủ các yêu cầu về quy trình, thủ tục của nhà tài trợ và của Việt Nam tương tự như đối với các khoản vay ưu đãi quy định tại các điểm b, c khoản 2 Điều 1 của Quy chế.

Đối với các trường hợp khác, nếu khoản vay của nhà tài trợ không đáp ứng được các điều kiện nêu tại điểm a, b nói trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham vấn ý kiến của Tổ chức OECD-DAC để xem xét việc áp dụng Quy chế đối với khoản vay này.

II. Giải thích từ ngữ quy định tại các khoản 4, 6, 9, 10, 11, 15 và 16 Điều 4 của Quy chế này được làm rõ như sau:

1. Chương trình, dự án bao gồm:

a) Chương trình, dự án có một hoặc một số cấu phần thuộc một hoặc nhiều lĩnh vực, song chỉ có một cơ quan chủ quản chương trình, dự án.

b) Chương trình, dự án bao gồm nhiều dự án thành phần với sự tham gia của nhiều cơ quan chủ quản, trong đó có một cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối và các cơ quan chủ quản dự án thành phần. Trong trường hợp này, chương trình, dự án được gọi là chương trình, dự án ô. Cơ quan chủ quản giữ vai trò điều phối được gọi là cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô.

2. Chương trình, dự án khu vực là chương trình, dự án tài trợ cho một nhóm nước thuộc một khu vực địa lý để hợp tác thực hiện các hoạt động trong một lĩnh vực cụ thể nhằm đạt được những mục tiêu xác định vì lợi ích chung.

3. Một chương trình, dự án có thể bao gồm cả nội dung hỗ trợ kỹ thuật và nội dung đầu tư xây dựng công trình. Trường hợp nội dung hỗ trợ kỹ thuật chiếm 50% giá trị vốn ODA trở lên, chương trình, dự án đó được coi là chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật. Trường hợp nội dung đầu tư xây dựng chiếm 50% giá trị vốn ODA trở lên, chương trình, dự án đó được coi là chương trình, dự án đầu tư xây dựng công trình.

4. “Tiếp cận theo chương trình hoặc ngành”: Nhà tài trợ dựa vào chương trình hoặc quy hoạch, kế hoạch phát triển của ngành, lĩnh vực đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam phê duyệt để hỗ trợ nguồn lực bổ sung nhằm bảo đảm cho chương trình được thực hiện một cách đồng bộ, bền vững và hiệu quả.

Trong một số trường hợp, tiếp cận theo chương trình hoặc ngành có thể kèm theo một số điều kiện được thỏa thuận giữa nhà tài trợ với Việt Nam để khuyến khích việc thực hiện một số chính sách phát triển.

Trường hợp các điều kiện chính sách do nhà tài trợ đặt ra vượt thẩm quyền quyết định của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Tiếp cận theo chương trình hoặc ngành có thể thông qua các hình thức cung cấp viện trợ sau:

a) “Hỗ trợ ngân sách”: Nhà tài trợ bổ sung vốn ODA trực tiếp cho ngân sách nhà nước, ngân sách Trung ương hoặc ngân sách của tỉnh, thành phố, huyện để hỗ trợ thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trong kỳ kế hoạch, tuân thủ Luật Ngân sách và những quy định của Việt Nam về lập kế hoạch ngân sách; thực hiện ngân sách; tổ chức giám sát, theo dõi và đánh giá quá trình thực hiện ngân sách.

Hỗ trợ ngân sách bao gồm:

- Hỗ trợ ngân sách chung (General Budget Support - GBS): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ cung cấp vốn ODA cho ngân sách nhà nước Trung ương, ngân sách địa phương hoặc ngân sách của một ngành.

- Hỗ trợ ngân sách có mục tiêu (Target Budget Support - TBS): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ cung cấp vốn ODA cho ngân sách của một chương trình mục tiêu cụ thể.

b) Rổ tài trợ (Pooling Fund): Một hoặc một nhóm nhà tài trợ nhất trí góp vốn ODA vào một quỹ chung để tài trợ cho việc thực hiện một chương trình hoặc một lĩnh vực cụ thể.

c) Hạn mức tín dụng (Credit Line): Nhà tài trợ cung cấp một hạn mức tín dụng cho một tổ chức tài chính hoặc ngân hàng của Việt Nam để tài trợ cho các hoạt động theo sự thỏa thuận với người vay đại diện cho Chính phủ Việt Nam.

d) Khoản vay ngành (Sector Loan): Nhà tài trợ cung cấp khoản vay ODA để thực hiện các dự án nhằm hỗ trợ phát triển ngành hoặc lĩnh vực với nhiều đơn vị thụ hưởng khác nhau và được thực hiện trên một địa bàn rộng. Khoản vay ngành thuộc loại chương trình, dự án ô.

Phần 2:

VẬN ĐỘNG ODA VÀ CHUẨN BỊ DANH MỤC YÊU CẦU TÀI TRỢ ODA

I. Phối hợp vận động ODA quy định tại Điều 6 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan Việt Nam có liên quan, Ngân hàng Thế giới và các nhà tài trợ khác chuẩn bị nội dung và tổ chức Hội nghị Nhóm tư vấn các nhà tài trợ (Hội nghị CG) cho Việt Nam bao gồm Hội nghị CG giữa kỳ không chính thức và Hội nghị CG chính thức hàng năm; chủ trì sự tham gia của phía Việt Nam tại các diễn đàn quốc tế về ODA cho Việt Nam.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc Hội nghị hoặc Diễn đàn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ kết quả Hội nghị hoặc Diễn đàn và công bố rộng rãi kết quả và các văn kiện của Hội nghị hoặc Diễn đàn trên trang tin điện tử (website) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các phương tiện thông tin đại chúng.

2. Trường hợp các cơ quan chủ quản có nhu cầu vận động ODA nhân dịp các cuộc đi thăm hoặc đàm phán cấp cao của Đảng và Nhà nước, cơ quan chủ quản phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong việc đề xuất nội dung vận động ODA trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định để đưa vào chương trình làm việc (đàm phán) với các nước và tổ chức tài trợ.

3. Cơ quan cấp bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chủ trì tổ chức hội nghị vận động ODA theo ngành, lĩnh vực và địa phương tuân thủ quy định hiện hành về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

Trong quá trình chuẩn bị và tổ chức hội nghị vận động ODA theo ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ quan chủ trì tổ chức của các cấp phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư về những vấn đề có liên quan như chủ trương và chính sách vận động ODA cho ngành, lĩnh vực và địa phương; chia sẻ những thông tin cần thiết về nguồn và các điều kiện tài trợ, quy trình và thủ tục tài trợ nhằm bảo đảm các hoạt động vận động ODA phù hợp với chủ trương chính sách chung, thiết thực và đạt hiệu quả cao.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hội nghị vận động ODA theo ngành, lĩnh vực và địa phương, cơ quan chủ trì tổ chức phải gửi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả hội nghị, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Ngoại giao để phối hợp các hoạt động tiếp theo nhằm hiện thực hóa tối đa kết quả của các hội nghị vận động ODA. Các báo cáo sẽ được công bố rộng rãi trên trang tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và của bộ, ngành, địa phương chủ trì tổ chức hội nghị vận động ODA.

4. Khi có nhu cầu tổ chức hội nghị vận động ODA theo vùng, liên vùng, liên địa phương hoặc theo đề nghị của các tỉnh và thành phố trong một vùng, liên vùng, liên địa phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc một cơ quan được giao khác theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ chủ trì tổ chức hội nghị vận động ODA cho vùng, liên vùng, liên địa phương tuân thủ quy định hiện hành về tổ chức hội nghị, hội thảo quốc tế.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc cơ quan chủ trì tổ chức phải gửi báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về kết quả hội nghị, đồng gửi các tỉnh, thành phố tham gia hội nghị và các bộ, cơ quan, ngành có liên quan. Báo cáo kết quả hội nghị vận động ODA sẽ được công bố rộng rãi trên trang tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các phương tiện thông tin đại chúng.

5. Theo đề nghị của Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan đại diện ngoại giao của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm cung cấp thông tin, tài liệu cần thiết về hợp tác phát triển ở Việt Nam và các nhà tài trợ có liên quan; về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong việc thu hút và sử dụng ODA để tiến hành công tác vận động ODA.

II. Trình tự xây dựng Danh mục yêu cầu tài trợ ODA quy định tại các khoản 2, 3 Điều 7 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Bước 1: Chuẩn bị xây dựng Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đối với từng nhà tài trợ.

Cơ quan chủ quản và các đơn vị có nhu cầu tài trợ ODA chuẩn bị và nghiên cứu các tài liệu có liên quan dưới đây:

a) Quy hoạch, kế hoạch phát triển của nhà nước, ngành, lĩnh vực, địa phương; các chương trình đầu tư công; chương trình mục tiêu quốc gia và các chương trình mục tiêu của ngành, địa phương; các tài liệu tổng hợp có liên quan tới ODA; Định hướng chiến lược vay và trả nợ nước ngoài và Định hướng thu hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức từng thời kỳ; Hệ thống các tiêu chí sử dụng để tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA;

b) Thông tin, tài liệu về các nhà tài trợ do các nhà tài trợ công bố (chính sách, chương trình viện trợ của nhà tài trợ; chương trình tài trợ và các lĩnh vực ưu tiên của nhà tài trợ đối với Việt Nam; quy trình và thủ tục tài trợ). Những thông tin và tài liệu này được nhà tài trợ công bố trên trang tin điện tử của Đại sứ quán hoặc cơ quan viện trợ, trong các ấn phẩm do các cơ quan này phát hành. Các tổ chức, đơn vị Việt Nam quan tâm có thể liên hệ trực tiếp với Đại sứ quán hoặc cơ quan viện trợ của nhà tài trợ tại Việt Nam yêu cầu cung cấp những tài liệu này;

c) Thông tin trên trang tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư bao gồm cam kết vốn ODA, các điều kiện và thủ tục tài trợ; báo cáo kết quả đàm phán về hợp tác phát triển với nhà tài trợ có liên quan; chương trình tài trợ trung hạn đã ký với nhà tài trợ;

d) Văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo kế hoạch trao đổi ý kiến hoặc đàm phán gửi các cơ quan chủ quản. Văn bản này được gửi tới các cơ quan chủ quản chậm nhất 03 tháng trước khi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiến hành trao đổi hoặc đàm phán với nhà tài trợ.

2. Bước 2: Xây dựng đề cương chi tiết chương trình, dự án trình cơ quan chủ quản

Căn cứ thông tin nêu tại bước I, đơn vị có nhu cầu tài trợ ODA chủ động hoặc dưới sự chỉ đạo, hướng dẫn của cơ quan chủ quản tiến hành xây dựng đề cương chi tiết chương trình, dự án theo các nội dung quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 7 của Quy chế và theo mẫu Đề cương chi tiết dự án hỗ trợ kỹ thuật (Phụ lục 2a); Đề cương chi tiết dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn ODA (Phụ lục 2b), Đề cương chi tiết chương trình sử dụng vốn ODA (Phụ lục 2c) và Đề cương chi tiết hỗ trợ ODA tiếp cận theo chương trình hoặc ngành (Phụ lục 2d) của Thông tư này.

Đối với chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quan đề xuất chương trình, dự án ô, phối hợp với các cơ quan chủ quản dự kiến tham gia chương trình, dự án ô xây dựng đề cương chi tiết chương trình, dự án theo hướng dẫn tại Phụ lục 2e của Thông tư này.

3. Bước 3: Lựa chọn chương trình, dự án đề nghị đưa vào Danh mục yêu cầu tài trợ ODA.

Cơ quan chủ quản xem xét và lựa chọn các chương trình và dự án ODA do các đơn vị trực thuộc đề xuất dựa trên các căn cứ sau:

a) Chương trình, dự án đề xuất phải thuộc lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA quy định tại Điều 3 và cơ sở vận động ODA quy định tại Điều 5 của Quy chế;

b) Chương trình, dự án đề xuất phải phù hợp với chính sách và khả năng của nhà tài trợ;

c) Đề cương chi tiết về chương trình, dự án ODA đáp ứng được yêu cầu quy định tại Thông tư này;

d) Đơn vị đề xuất chương trình, dự án ODA có đủ năng lực tiếp nhận, quản lý và tổ chức thực hiện chương trình, dự án và khai thác, sử dụng kết quả của chương trình, dự án sau khi hoàn thành nếu được giao làm chủ chương trình, dự án.

4. Bước 4: Lập và gửi Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

Trong thời hạn 02 tháng trước thời điểm Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi ý kiến hoặc đàm phán với từng nhà tài trợ cụ thể, cơ quan chủ quản gửi tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư hồ sơ đầy đủ và hợp lệ bao gồm văn bản chính thức của cơ quan chủ quản yêu cầu tài trợ, trong đó phải giải trình tóm tắt những cơ sở đề xuất cho từng chương trình, dự án, kèm theo 8 bộ đề cương chi tiết của từng chương trình, dự án đề nghị sử dụng ODA bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Đối với chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án ô phải gửi kèm theo văn bản thỏa thuận của các cơ quan chủ quản dự kiến tham gia chương trình, dự án này.

5. Bước 5: Tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

Sau khi nhận được bộ hồ sơ đầy đủ và hợp lệ của cơ quan chủ quản đề nghị đưa chương trình, dự án vào Danh mục yêu cầu tài trợ ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào lĩnh vực ưu tiên sử dụng ODA quy định tại Điều 3, cơ sở vận động ODA quy định tại Điều 5 của Quy chế, hệ thống các tiêu chí sử dụng để tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thông tư này, lấy ý kiến các cơ quan quản lý nhà nước về ODA và các cơ quan có liên quan, tham vấn ý kiến với nhà tài trợ để tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA do các cơ quan chủ quản đề nghị.

Trường hợp nhiều địa phương có nhu cầu ODA cho cùng một lĩnh vực nhất định song nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này của nhà tài trợ hạn chế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sử dụng Hệ thống các tiêu chí nêu tại Phụ lục 3 của Thông tư này để lựa chọn một hoặc một số địa phương phù hợp tham gia chương trình, dự án.

Chậm nhất 01 tháng trước thời điểm trao đổi ý kiến hoặc đàm phán với nhà tài trợ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đối với từng nhà tài trợ kèm theo đề cương chi tiết của từng chương trình, dự án. Trường hợp có nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến nội dung chương trình, dự án, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp đầy đủ các ý kiến, đề xuất các phương án xử lý, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Đối với các trường hợp khác, việc tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA được hướng dẫn như sau:

- Trường hợp nhà tài trợ không có chương trình cung cấp ODA thường xuyên cho Việt Nam hoặc không có lịch thỏa thuận đàm phán về chương trình hợp tác phát triển thường niên hoặc định kỳ, cơ quan chủ quản và đơn vị trực thuộc có nhu cầu vốn ODA của nhà tài trợ này chủ động tìm hiểu thông tin, tài liệu về nhà tài trợ và dựa vào hướng dẫn tại Thông tư này để xây dựng đề cương chi tiết chương trình, dự án yêu cầu tài trợ. Sau đó, cơ quan chủ quản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư văn bản đề nghị đưa chương trình, dự án vào Danh mục yêu cầu tài trợ ODA kèm theo đề cương chi tiết của từng chương trình, dự án như hướng dẫn tại điểm 4 của mục này.

Căn cứ từng trường hợp cụ thể, dựa trên kết quả trao đổi ý kiến với nhà tài trợ và theo hướng dẫn của Thông tư này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và trình Thủ tướng Chính phủ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA.

- Trường hợp nhà tài trợ chủ động đề xuất và thỏa thuận với cơ quan chủ quản hoặc đơn vị trực thuộc tài trợ cho chương trình, dự án không nằm trong Danh mục yêu cầu tài trợ ODA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cơ quan chủ quản có văn bản giải trình gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo đề cương chi tiết chương trình, dự án được lập theo hướng dẫn của Thông tư này. Bộ Kế hoạch và Đầu tư trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung chương trình, dự án này vào Danh mục tài trợ chính thức.

- Đối với chương trình, dự án khu vực: Cơ quan chủ quản có văn bản trình Thủ tướng Chính phủ, trong đó nêu rõ quyền lợi và nghĩa vụ tham gia dự án để Thủ tướng Chính phủ xem xét quyết định.

- Đối với các trường hợp phát sinh khác, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có công văn chính thức trả lời các cơ quan chủ quản về lý do các chương trình, dự án không được đưa vào Danh mục yêu cầu tài trợ ODA.

6. Bước 6: Thông báo Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đối với nhà tài trợ cụ thể, Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo chính thức bằng công hàm tới nhà tài trợ Danh mục yêu cầu tài trợ ODA kèm theo đề cương chi tiết của từng chương trình, dự án; đồng thời có công văn chính thức trả lời các cơ quan chủ quản về các chương trình, dự án không được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

7. Bước 7: Thông báo Danh mục tài trợ chính thức

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản chính thức của nhà tài trợ thông báo chấp nhận tài trợ ODA cho những chương trình, dự án trong Danh mục yêu cầu tài trợ ODA được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt hoặc theo văn bản ký kết với nhà tài trợ về kết quả đàm phán hợp tác phát triển thường niên hoặc định kỳ được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi thông báo bằng văn bản cho các cơ quan chủ quản có các chương trình, dự án nằm trong Danh mục tài trợ chính thức và các chương trình, dự án không được nhà tài trợ chấp thuận.

Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA và Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức là cơ sở pháp lý để triển khai việc xây dựng văn kiện chương trình, dự án và các công việc chuẩn bị khác.

Phần 3:

CHUẨN BỊ, THẨM ĐỊNH, PHÊ DUYỆT NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

I. Ra quyết định về chủ dự án quy định tại khoản 1 Điều 10 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được thông báo bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức, cơ quan chủ quản ra quyết định về chủ chương trình, dự án phù hợp với khoản 16 Điều 4 và các điểm a, b khoản 1 Điều 10 của Quy chế.

1. Đối với chương trình, dự án đầu tư quan trọng quốc gia thuộc thẩm quyền quyết định đầu tư của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 19 của Quy chế, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ đầu tư trong quyết định đầu tư.

2. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ quy định tại điểm b, khoản 1 Điều 19 của Quy chế, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật trong Quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.

3. Đối với chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản quy định tại khoản 2 Điều 19 của Quy chế, cơ quan chủ quản trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện hoặc giao cho một đơn vị thuộc thẩm quyền làm chủ dự án trực tiếp quản lý, điều hành thực hiện.

4. Đối với chương trình, dự án đầu tư do thủ trưởng cơ quan chủ quản quyết định đầu tư quy định tại khoản 2 Điều 19 của Quy chế, người ra quyết định đầu tư giao cho đơn vị quản lý, sử dụng công trình làm chủ đầu tư.

Trường hợp tại thời điểm ra quyết định đầu tư cơ quan chủ quản chưa xác định được đơn vị quản lý, khai thác, sử dụng công trình, cơ quan chủ quản lựa chọn một đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Trong thời gian thực hiện chương trình, dự án, cơ quan chủ quản phải xác định hoặc thành lập một đơn vị sẽ chịu trách nhiệm quản lý và sử dụng công trình và giao nhiệm vụ cho đơn vị này tham gia cùng với chủ đầu tư trong việc nghiệm thu và tiếp nhận công trình đưa vào khai thác và sử dụng theo quy định hiện hành.

Trường hợp đơn vị quản lý, khai thác và sử dụng chương trình, dự án đầu tư không đủ điều kiện theo điểm a, khoản 1 Điều 10 của Quy chế làm chủ đầu tư, cơ quan chủ quản lựa chọn một đơn vị có đủ điều kiện làm chủ đầu tư. Chủ đầu tư có trách nhiệm bố trí người của đơn vị quản lý và sử dụng công trình vào vị trí phù hợp để tham gia quản lý quá trình chuẩn bị và thực hiện chương trình, dự án; đồng thời cùng với chủ đầu tư tham gia nghiệm thu và đưa công trình vào sử dụng. Trong trường hợp chủ đầu tư thành lập Ban quản lý dự án, một trong số Phó Giám đốc Ban quản lý dự án phải là người của đơn vị và sử dụng công trình.

Trường hợp chương trình, dự án thuộc một cơ quan chủ quản và bao gồm nhiều cấu phần đa lĩnh vực do các đơn vị trực thuộc thực hiện và thụ hưởng, cơ quan chủ quản lựa chọn một trong các đơn vị này có đủ năng lực và điều kiện làm chủ chương trình, dự án. Chủ chương trình, dự án thành lập Ban quản lý dự án với sự tham gia của các đơn vị thực hiện và thụ hưởng các cấu phần của chương trình, dự án.

5. Đối với chương trình, dự án ô thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản:

- Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô ra quyết định giao cho một đơn vị trực thuộc làm chủ chương trình, dự án ô kiêm chủ dự án thành phần do mình quản lý (nếu có);

- Các cơ quan chủ quản các dự án thành phần ra quyết định về chủ dự án thành phần.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi ra quyết định về chủ chương trình, dự án, cơ quan chủ quản thông báo chính thức đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và nhà tài trợ tương ứng.

II. Chuẩn bị lập văn kiện chương trình, dự án ODA quy định tại điểm a, khoản 2, Điều 10 và các Điều 13, 14 và 15 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Chủ dự án chịu trách nhiệm phối hợp với nhà tài trợ và chủ các dự án thành phần (trường hợp chương trình, dự án ô) tổ chức xây dựng văn kiện chương trình, dự án ODA, đảm bảo tiến độ và chất lượng của văn kiện chương trình, dự án ODA.

2. Kết cấu và yêu cầu nội dung văn kiện dự án hỗ trợ kỹ thuật, chương trình sử dụng vốn ODA; chương trình, dự án ô phải được xây dựng theo mẫu Phụ lục 4a, 4b và 4c của Thông tư này.

Văn kiện dự án đầu tư sử dụng vốn ODA phải được xây dựng theo quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng có tính đến các yêu cầu nêu tại Điều 13 của Quy chế.

3. Trường hợp áp dụng cách tiếp cận theo chương trình hoặc ngành, cơ quan chủ quản phối hợp với nhà tài trợ và các cơ quan có liên quan xây dựng các văn kiện hỗ trợ phù hợp.

III. Thẩm định, phê duyệt chương trình, dự án quy định tại các Điều 16, 17, 18 và 19 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Thẩm định và phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA

a) Xác định cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định

Để bảo đảm chất lượng công tác thẩm định theo hướng bền vững và chuyên nghiệp hóa, cơ quan chủ quản cần xác định một đơn vị trực thuộc chuyên trách làm nhiệm vụ thẩm định các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật.

Trong trường hợp chưa xác định được đơn vị chuyên trách thẩm định chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật, tùy theo từng trường hợp cụ thể và nội dung dự án hỗ trợ kỹ thuật, cơ quan chủ quản chỉ định một đơn vị trực thuộc có năng lực chuyên môn phù hợp làm nhiệm vụ thẩm định dự án hỗ trợ kỹ thuật cụ thể.

Chủ dự án không được làm nhiệm vụ thẩm định dự án hỗ trợ kỹ thuật của mình.

Đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quyết định cơ quan chủ trì thẩm định trên cơ sở đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

b) Nội dung thẩm định

Thẩm định dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA phải làm rõ các nội dung sau:

- Tính hợp lý của dự án về:

+ Mục tiêu phát triển so với ưu tiên của Chính phủ, các nguyên tắc và chính sách của nhà tài trợ, so sánh với mục tiêu đã được xác định tại đề cương chi tiết và Danh mục tài trợ chính thức;

+ Mục tiêu trực tiếp, các tác dộng của việc thực hiện dự án đối với mục tiêu phát triển cụ thể của bộ, ngành và địa phương, đơn vị thực hiện và thụ hưởng dự án;

+ Kết quả dự kiến (hoặc sản phẩm đầu ra) của dự án phù hợp với mục tiêu đề ra;

+ Từng cấu phần trong dự án, các sản phẩm đầu ra của từng cấu phần và các hoạt động tạo ra những sản phẩm đầu ra này;

+ Cơ cấu phân bổ ngân sách của dự án bao gồm vốn ODA và vốn đối ứng dành cho chuyên gia tư vấn trong và ngoài nước, đào tạo trong và ngoài nước, trang thiết bị và vật tư, chi phí quản lý và các chi phí khác;

+ Chỉ số thực hiện của dự án.

- Tính khả thi của dự án về:

+ Yếu tố đầu vào (tài chính, trang thiết bị, chuyên gia và các yếu tố khác) của toàn bộ dự án;

+ Mục tiêu, kết quả, hoạt động, yêu cầu đầu vào đối với từng hoạt động và cách thức tổ chức thực hiện;

+ Thời gian thực hiện;

+ Cơ chế quản lý và tổ chức thực hiện (bao gồm cơ chế quản lý tài chính, cơ chế phối hợp);

+ Tác động của dự án từ người thụ hưởng trực tiếp đến người thụ hưởng gián tiếp;

+ Rủi ro và biện pháp phòng ngừa rủi ro;

+ Biện pháp theo dõi, đánh giá và thúc đẩy thực hiện dự án (phạm vi và trách nhiệm của đơn vị chủ trì, phối hợp; cơ chế chia sẻ, cập nhật thông tin quản lý dự án; cơ chế đánh giá dự án và báo cáo kết quả đánh giá; biện pháp thu hút sự quan tâm và tham gia của người thụ hưởng);

+ Khả năng đóng góp vốn đối ứng của phía Việt Nam.

- Tính bền vững của dự án về:

+ Các yếu tố cần thiết để đảm bảo phát huy tác dụng của dự án sau khi kết thúc;

+ Những cam kết hoặc điều kiện của nhà tài trợ cũng như phía Việt Nam có thể đặt ra để đảm bảo tính bền vững của dự án.

c) Khung thời gian thẩm định

Không quá 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo khoản 1 đến 4 Điều 17 của Quy chế.

d) Quy trình thẩm định

- Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ thẩm định

+ Đánh giá tính hợp lệ của bộ hồ sơ thẩm định phải tuân theo các quy định từ khoản 1 đến 4 Điều 17 của Quy chế;

+ So sánh, đối chiếu nội dung văn kiện dự án với 6 nội dung trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 8 của Quy chế;

+ Trường hợp nội dung văn kiện dự án có những thay đổi so với những nội dung trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ về tên dự án và nhà tài trợ; cơ quan chủ quản dự án; mục tiêu và kết quả dự án; thời hạn thực hiện dự án; vượt hạn mức, thay đổi loại vốn ODA (viện trợ không hoàn lại, vốn vay); thay đổi nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA thì cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định phải báo cáo cơ quan chủ quản để lấy ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ dự án hoàn thiện văn kiện dự án và giao cho cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tiến hành thẩm định theo quy định từ bước 2 đến bước 4 dưới đây.

- Bước 2: Tham vấn ý kiến các cơ quan có liên quan

Sau khi nhận được 8 bộ hồ sơ hợp lệ của chủ dự án, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định thông qua cơ quan chủ quản gửi bộ hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị góp ý kiến tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, một số cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan đến nội dung dự án hỗ trợ kỹ thuật được đưa ra thẩm định.

Bước 3: Thẩm định

Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định lựa chọn một trong hai hình thức thẩm định dưới đây:

+ Hình thức 1: Tổng hợp ý kiến thẩm định

Hình thức này áp dụng đối với các dự án hỗ trợ kỹ thuật có nội dung rõ ràng, nhất quán với đề cương chi tiết của dự án kèm theo Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ý kiến đồng thuận của các cơ quan được tham vấn về nội dung của văn kiện dự án. Trong trường hợp này, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tiến hành các bước sau:

Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 của Thông tư này để cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện dự án.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 và dự thảo quyết định phê duyệt nội dung văn kiện dự án theo Phụ lục 6 của Thông tư này để cơ quan chủ quản phê duyệt văn kiện dự án.

Trường hợp hồ sơ văn kiện dự án chưa hoàn thiện, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định yêu cầu chủ dự án bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ dự án và tiến hành các bước như đã nêu trên.

+ Hình thức 2: Tổ chức hội nghị thẩm định

Trong trường hợp không áp dụng được hình thức 1, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chỉ định chủ tọa, thư ký và tổ chức hội nghị thẩm định.

Trường hợp hội nghị thẩm định kết luận thông qua văn kiện dự án, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tiến hành các bước sau:

Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 của Thông tư này để cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện dự án.

Đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 và dự thảo quyết định phê duyệt nội dung văn kiện dự án theo Phụ lục 6 của Thông tư này để cơ quan chủ quản phê duyệt văn kiện dự án.

Trường hợp hồ sơ văn kiện dự án chưa hoàn thiện, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định yêu cầu chủ dự án bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ dự án và tiến hành các bước như đã nêu trên.

- Bước 4: Thông báo kết quả phê duyệt

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc thủ trưởng cơ quan chủ quản (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản) phê duyệt văn kiện dự án, cơ quan chủ quản thông báo cho nhà tài trợ và chủ dự án kết quả phê duyệt, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo thẩm định, quyết định phê duyệt (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) kèm theo văn kiện dự án đã được phê duyệt bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản.

Trường hợp văn kiện dự án không được cấp có thẩm quyền phê duyệt và yêu cầu hoàn thiện, cơ quan chủ quản phải chỉ đạo chủ dự án hoàn thiện và tổ chức thẩm định lại theo hướng dẫn tại Thông tư này.

2. Thẩm định và phê duyệt dự án đầu tư sử dụng vốn ODA

a) Xác định cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định

Việc xác định cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA thực hiện những quy định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng công trình.

b) Nội dung thẩm định

Ngoài các nội dung được quy định tại các văn bản về quản lý đầu tư và xây dựng, trong quá trình thẩm định lưu ý một số điểm sau:

- Mục tiêu dự án: So sánh với mục tiêu của dự án đã được xác định tại đề cương chi tiết và tại Danh mục tài trợ chính thức;

- Cơ chế tài chính trong nước đối với dự án ODA;

- Tổng mức đầu tư cho dự án, trong đó vốn đầu tư từ nguồn ODA phải được so sánh với tổng mức dự án đầu tư và vốn ODA đã được xác định tại đề cương chi tiết và Danh mục tài trợ chính thức;

- Khả năng đóng góp của phía Việt Nam, đặc biệt là nguồn vốn đối ứng, trong đó có tính đến quy định về giải ngân của nhà tài trợ và quy trình lập và duyệt kế hoạch ngân sách của Việt Nam;

- Các nhân tố ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng dự án trong quá trình thực hiện dự án đặc biệt trong giải phóng mặt bằng, đấu thầu;

- Xác định rủi ro và các biện pháp phòng ngừa rủi ro;

- Tính hợp lý của phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án trên các khía cạnh năng lực quản lý và thực hiện dự án của chủ đầu tư và cơ chế phối hợp trong quá trình thực hiện.

c) Khung thời gian thẩm định

Không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ theo Điều 17 của Quy chế.

d) Quy trình thẩm định

Quy trình thẩm định các dự án đầu tư sử dụng vốn ODA tuân thủ quy trình thẩm định hiện hành về quản lý đầu tư và xây dựng, trong đó cần lưu ý các nội dung sau:

- Đánh giá tính hợp lệ của bộ hồ sơ thẩm định phải tuân theo các quy định tại Điều 17 của Quy chế;

- So sánh, đối chiếu nội dung văn kiện dự án với 6 nội dung nêu trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 8 của Quy chế. Trường hợp phát hiện nội dung văn kiện dự án có những thay đổi so với nội dung nêu trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ về tên dự án và nhà tài trợ; cơ quan chủ quản dự án; mục tiêu và kết quả dự án; thời hạn thực hiện dự án; vượt hạn mức, thay đổi loại vốn ODA (viện trợ không hoàn lại, vốn vay); thay đổi nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA thì cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định phải báo cáo cơ quan chủ quản để lấy ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thiện văn kiện dự án và giao cho cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định tiến hành thẩm định theo quy trình như hướng dẫn tại điểm này.

- Trường hợp nhà tài trợ tổ chức đoàn thẩm định hiện trường, chủ đầu tư có trách nhiệm tổ chức và bố trí các điều kiện cần thiết để cơ quan tổ chức thẩm định cử đại diện phối hợp tham gia thẩm định hiện trường.

- Trên cơ sở văn kiện dự án đầu tư đã được chủ đầu tư hoàn chỉnh, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định chịu trách nhiệm lập báo cáo thẩm định để cơ quan chủ quản trình Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc trình thủ trưởng cơ quan chủ quản (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản) để phê duyệt văn kiện dự án và ra quyết định đầu tư.

e) Thông báo quyết định đầu tư và gửi văn kiện dự án đầu tư

Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc thủ trưởng cơ quan chủ quản (đối với dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản) ra quyết định đầu tư, cơ quan chủ quản thông báo bằng văn bản tới nhà tài trợ và chủ đầu tư, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo thẩm định dự án đầu tư, quyết định đầu tư (bản gốc hoặc bản sao có công chứng) và văn kiện dự án đầu tư đã được phê duyệt bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản.

3. Thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án ô

a) Xác định cơ quan chủ trì thẩm định

Người ra quyết định phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô chỉ định một đơn vị trực thuộc chủ trì thẩm định hoặc thành lập một hội đồng thẩm định do đại diện của mình làm chủ tịch với sự tham gia của đại diện các cơ quan chủ quản của các dự án thành phần.

b) Nội dung thẩm định

Căn cứ vào nội dung chủ yếu quy định tại Điều 15 của Quy chế, trong quá trình thẩm định cần làm rõ những nội dung sau:

- Khung tổng thể của chương trình, dự án ô trong đó có mục tiêu tổng thể của chương trình, dự án ô và mục tiêu của các dự án thành phần, mối quan hệ giữa các dự án thành phần;

- Những hoạt động chính của chương trình, dự án ô; của dự án thành phần và mối quan hệ với nhau trong quá trình thực hiện, kể cả thời hạn thực hiện;

- Tổng vốn ODA và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án ô và dự án thành phần; nguồn và cơ chế vốn đối ứng đối với chương trình, dự án ô và dự án thành phần;

- Phương thức tổ chức thực hiện và quản lý chương trình, dự án ô:

+ Sự cần thiết thành lập ban chỉ đạo (nếu có); cơ cấu và cơ chế hoạt động của ban này;

+ Nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô và của cơ quan chủ quản các dự án thành phần;

+ Tổ chức Ban quản lý chương trình, dự án và Ban quản lý dự án thành phần theo quy định tại Thông tư 03/2007/TT-BKH ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

+ Mối quan hệ, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ giữa chủ chương trình, dự án và chủ dự án thành phần; giữa Ban quản lý chương trình, dự án ô và các Ban quản lý dự án thành phần.

c) Khung thời gian thẩm định

Không quá 45 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan chủ quản chương trình nhận đủ hồ sơ hợp lệ theo Điều 17 của Quy chế.

d) Quy trình thẩm định

- Bước 1: Đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ thẩm định

+ Đánh giá tính hợp lệ của bộ hồ sơ thẩm định phải tuân theo các quy định tại Điều 17 của Quy chế;

+ So sánh, đối chiếu nội dung văn kiện chương trình, dự án ô với 6 nội dung nêu trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ quy định tại Điều 8 của Quy chế;

+ Trường hợp phát hiện nội dung văn kiện chương trình, dự án ô có những thay đổi so với nội dung nêu trong quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA của Thủ tướng Chính phủ về tên chương trình, dự án và nhà tài trợ; cơ quan chủ quản chương trình, dự án; mục tiêu và kết quả chương trình, dự án; thời hạn thực hiện chương trình, dự án; vượt hạn mức, thay đổi loại vốn OAD (viện trợ không hoàn lại, vốn vay); thay đổi nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với vốn ODA thì cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định phải báo cáo cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô để lấy ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan có liên quan, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định. Căn cứ vào ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô chỉ đạo chủ chương trình, dự án ô hoàn thiện văn kiện chương trình, dự án và giao cho cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định tiến hành thẩm định theo hướng dẫn từ bước 2 đến bước 4 của điểm này.

- Bước 2: Tham vấn ý kiến các cơ quan có liên quan

Sau khi nhận được 8 bộ hồ sơ hợp lệ của chủ chương trình, dự án ô, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định thông qua cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô gửi bộ hồ sơ kèm theo văn bản đề nghị góp ý kiến (trường hợp lấy ý kiến) hoặc tham gia hội nghị thẩm định (trường hợp tổ chức hội nghị thẩm định) tới Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, đại diện các dự án thành phần, một số cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan đến nội dung chương trình, dự án ô được đưa ra thẩm định.

- Bước 3: Thẩm định

+ Hình thức 1: Tổng hợp ý kiến thẩm định

Hình thức này áp dụng đối với các chương trình, dự án ô có nội dung rõ ràng, nhất quán với đề cương chi tiết của chương trình, dự án kèm theo quyết định phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các cơ quan được tham vấn ý kiến nhất trí với nội dung của văn kiện chương trình, dự án ô. Trong trường hợp này, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định tiến hành các bước sau:

Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 và dự thảo quyết định phê duyệt nội dung văn kiện chương trình, dự án theo Phụ lục 6 của Thông tư này để cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô.

Trường hợp hồ sơ văn kiện chương trình, dự án ô chưa hoàn thiện, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định yêu cầu chủ chương trình, dự án ô phối hợp với các chủ dự án thành phần bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ chương trình, dự án ô và tiến hành các bước như đã nêu trên.

+ Hình thức 2: Tổ chức hội nghị thẩm định

Trong trường hợp không áp dụng được hình thức 1, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định chỉ định chủ tọa, thư ký và tổ chức hội nghị thẩm định.

Trường hợp nhà tài trợ tổ chức đoàn thẩm định hiện trường, chủ chương trình, dự án ô có trách nhiệm tổ chức và bố trí các điều kiện cần thiết để cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định cử đại diện phối hợp tham gia thẩm định hiện trường.

Nếu hội nghị thẩm định kết luận thông qua văn kiện chương trình, dự án ô, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định tiến hành các bước sau:

Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo bên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 của Thông tư này để cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô.

Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của cơ quan chủ quản: Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định chuẩn bị báo cáo kết quả thẩm định kèm theo biên bản thẩm định theo mẫu Phụ lục 5 và dự thảo quyết định phê duyệt nội dung văn kiện chương trình, dự án theo Phụ lục 6 của Thông tư này để cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô phê duyệt văn kiện chương trình, dự án ô.

Trường hợp hội nghị thẩm định yêu cầu chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ văn kiện chương trình, dự án, cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định hoặc hội đồng thẩm định yêu cầu chủ chương trình, dự án ô phối hợp với các chủ dự án thành phần bổ sung, chỉnh sửa và hoàn thiện hồ sơ chương trình, dự án theo kết luận của hội nghị thẩm định và tiến hành các bước như đã nêu trên.

e) Thông báo quyết định phê duyệt và gửi văn kiện chương trình, dự án ô

Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày Thủ tướng Chính phủ (đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ) hoặc thủ trưởng cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô (đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của thủ trưởng cơ quan chủ quản chương trình, dự án) ra quyết định phê duyệt chương trình, dự án ô, cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô thông báo bằng văn bản tới nhà tài trợ và chủ chương trình, dự án ô đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính báo cáo thẩm định, quyết định phê duyệt chương trình, dự án (bản chính hoặc bản sao có công chứng) và văn kiện chương trình, dự án ô đã được phê duyệt bằng tiếng Việt và tiếng Anh có đóng dấu giáp lai của cơ quan chủ quản. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô gửi bản sao các tài liệu này tới các cơ quan chủ quản dự án thành phần.

- Thẩm định và phê duyệt các dự án thành phần trong khuôn khổ chương trình, dự án ô: Căn cứ mức độ chuẩn bị, thời gian, kế hoạch thực hiện dự án thành phần, cơ quan chủ quản dự án thành phần tổ chức thẩm định và phê duyệt dự án của mình. Cụ thể:

+ Đối với dự án hỗ trợ kỹ thuật: theo quy trình thẩm định và phê duyệt quy định tại điểm 1, mục III Phần này.

+ Đối với dự án đầu tư: theo quy trình thẩm định và phê duyệt quy định tại điểm 2, Mục III Phần này.

4. Thẩm định và phê duyệt văn kiện hỗ trợ tiếp cận theo chương trình hoặc ngành

Quy định thẩm định văn kiện hỗ trợ tiếp cận theo chương trình hoặc ngành tương tự như quy trình thẩm định chương trình, dự án ô quy định tại điểm 3, mục III Phần này.

Cấp ra quyết định phê duyệt chương trình, quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, lĩnh vực sẽ phê duyệt hỗ trợ tiếp cận theo chương trình hoặc ngành.

5. Thẩm định và phê duyệt chương trình, dự án khu vực

Cơ quan chủ quản chịu trách nhiệm thẩm định và phê duyệt phần tham gia của phía Việt Nam tương tự như các chương trình, dự án ODA khác được quy định tại các điểm 1,2 và 3, mục III Phần này.

Phần 4:

KÝ KẾT ĐIỀU ƯỚC QUỐC TẾ CỤ THỂ VỀ ODA

I. Ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA thực hiện theo Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế và theo hướng dẫn của Bộ Ngoại giao về trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến nguồn hỗ trợ phát triển chính thức.

II. Trách nhiệm trình Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA quy định tại khoản 2, Điều 21 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Bộ Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ về việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA không hoàn lại (trừ các điều ước quốc tế cụ thể về ODA với các tổ chức tài chính quốc tế quy định khoản 1 Điều 42 của Quy chế) cho các chương trình, dự án ODA thuộc các cơ quan trực thuộc Quốc hội, các cơ quan Trung ương của tổ chức chính trị xã hội, các tổ chức nghề nghiệp, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

2. Để thực hiện trách nhiệm nêu trên, theo quy định về trình tự, thủ tục ký kết và thực hiện điều ước quốc tế liên quan đến nguồn hỗ trợ phát triển chính thức, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ:

a) Về việc đàm phán, ký điều ước quốc tế cụ thể về ODA trên cơ sở văn bản đề nghị chính thức của cơ quan chủ quản quy định tại điểm 1, mục II của Phần này gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư kèm theo toàn bộ tài liệu cần thiết và thực hiện theo đúng tiến độ thời gian.

b) Về việc phê chuẩn hoặc phê duyệt điều ước quốc tế cụ thể về ODA của cơ quan chủ quản quy định tại điểm 1, Mục II của Phần này trong trường hợp điều ước quốc tế cụ thể về ODA phải được phê chuẩn hoặc phê duyệt để hoàn thành thủ tục hiệu lực của điều ước quốc tế đó.

c) Kế hoạch thực hiện điều ước quốc tế cụ thể về ODA do cơ quan chủ quản quy định tại điểm 1, mục II của Phần này xây dựng và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Trong trường hợp được Thủ tướng Chính phủ ủy quyền, cơ quan chủ quản quy định tại điểm 1, mục II của Phần này thực hiện trách nhiệm xây dựng và ký kết điều ước quốc tế về ODA theo quy định hiện hành.

III. Trách nhiệm trình Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế cụ thể về ODA quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 31 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

Trong quá trình thực hiện Điều ước quốc tế cụ thể về ODA, nếu có những điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 31 của Quy chế, cơ quan đề xuất việc ký kết điều ước quốc tế cụ thể về ODA lấy ý kiến bằng văn bản của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các cơ quan liên quan để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định theo quy định hiện hành về việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung điều ước quốc tế cụ thể về ODA.

Phần 5:

QUẢN LÝ THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

I. Thành lập và tổ chức hoạt động Ban quản lý chương trình, dự án ODA (Ban quản lý dự án) quy định tại Điều 25 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

Trình tự thành lập, cơ cấu tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban quản lý dự án ODA, mối quan hệ trách nhiệm giữa Ban quản lý dự án với chủ dự án, cơ quan chủ quản, các cơ quan quản lý nhà nước được quy định tại Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12 tháng 3 năm 2007 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về cơ cấu tổ chức và chức năng, nhiệm vụ của các Ban quản lý chương trình, dự án ODA.

Đối với chương trình, dự án ô, căn cứ vào văn kiện chương trình, dự án ô đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt:

- Chủ chương trình, dự án ô lập Ban quản lý chương trình, dự án ô kiêm Ban quản lý dự án thành phần do mình quản lý (nếu có).

- Trên cơ sở trao đổi thống nhất với chủ chương trình, dự án ô về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ, trách nhiệm và quyền hạn đối với chương trình, dự án ô và dự án thành phần, chủ dự án thành phần lập Ban quản lý dự án thành phần.

II. Nhiệm vụ của cơ quan chủ quản, chủ dự án và Ban quản lý dự án liên quan đến kế hoạch thực hiện chương trình, dự án quy định tại điểm a, khoản 1 Điều 35 và khoản 7 Điều 39 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Rà soát, cập nhật và phê duyệt kế hoạch thực hiện chương trình, dự án

a) Ngay sau khi thành lập Ban quản lý dự án, cơ quan chủ quản, chủ dự án chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ rà soát, cập nhật, điều chỉnh (nếu cần thiết) kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án ODA, chi tiết hóa kế hoạch thực hiện trong năm đầu tiên.

b) Nội dung việc rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện bao gồm:

- Các mốc thời gian (bắc đầu, kết thúc) cho các hạng mục, các đầu ra, các hoạt động chủ yếu của chương trình, dự án và cho toàn bộ chương trình, dự án;

- Khối lượng công việc phải hoàn thành tương ứng cho mỗi giai đoạn bao gồm cả một số hoạt động có thể thực hiện trước khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA có hiệu lực;

- Khối lượng nguồn lực đầu vào cần đáp ứng cho từng hạng mục, từng đầu ra, từng hoạt động tương ứng với mỗi giai đoạn, kể cả một số hoạt động thực hiện trước khi điều ước quốc tế cụ thể về ODA có hiệu lực.

Trong quá trình rà soát, cập nhật kế hoạch thực hiện tổng thể chương trình, dự án, nếu chỉ điều chỉnh tiến độ thực hiện (bắt đầu, kết thúc) của các hạng mục, các đầu ra, các hoạt động của chương trình, dự án mà không làm thay đổi thời hạn kết thúc chương trình, dự án được quy định tại văn kiện chương trình, dự án, cơ quan chủ quản ra quyết định phê duyệt kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án.

2. Chậm nhất sau 05 ngày làm việc kể từ ngày kế hoạch tổng thể được phê duyệt, cơ quan chủ quản gửi quyết định phê duyệt (bản gốc) cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhà tài trợ để làm cơ sở cho việc theo dõi, đánh giá quá trình thực hiện chương trình, dự án.

3. Trên cơ sở kế hoạch cập nhật tổng thể thực hiện chương trình, dự án được cơ quan chủ quản phê duyệt, chủ dự án phê duyệt kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình dự án ODA năm đầu tiên và từng năm tiếp theo.

4. Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án ODA hàng năm phải được xây dựng và phê chuẩn phù hợp với lịch biểu xây dựng kế hoạch hàng năm của cơ quan chủ quản.

Kế hoạch thực hiện chương trình, dự án hàng năm là cơ sở để phân bổ các nguồn lực cho các hoạt động của chương trình, dự án và là cơ sở để xây dựng kế hoạch thực hiện cho từng quý, phục vụ công tác điều hành, theo dõi, kiểm tra, đánh giá, khen thưởng đối với hoạt động quản lý dự án của Ban quản lý dự án.

5. Ban quản lý dự án có trách nhiệm lập kế hoạch giải ngân theo Phụ lục 7 của Thông tư này. Chủ dự án trình cơ quan chủ quản kế hoạch giải ngân hàng năm để tổng hợp và báo cáo theo hướng dẫn lập kế hoạch hàng năm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

III. Đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư quy định tại Điều 29 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

Chủ dự án xây dựng kế hoạch đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư các chương trình, dự án ODA theo quy định hiện hành về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư.

Trước khi phê duyệt văn kiện chương trình, dự án nếu các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của nhà tài trợ có sự khác biệt với các quy định hiện hành về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của Việt Nam, thì cơ quan chủ quản phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp các quy định về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư trong điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký có sự khác biệt với các quy định hiện hành về đền bù, giải phóng mặt bằng và tái định cư của Việt Nam, thì tuân thủ điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký.

Phương án đền bù, tái định cư thống nhất phải được thông báo cho các cơ quan chức năng có liên quan và phổ biến công khai đến các đối tượng chịu tác động.

IV. Đấu thầu quy định tại Điều 30 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

 Hoạt động đấu thầu các chương trình, dự án ODA tuân thủ theo các quy định hiện hành về đấu thầu.

Trước khi phê duyệt văn kiện chương trình, dự án nếu các quy định về đấu thầu của nhà tài trợ có sự khác biệt với các quy định hiện hành về đấu thầu của Việt Nam, thì cơ quan chủ quản phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Trường hợp các quy định về đấu thầu trong điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký có sự khác biệt với các quy định hiện hành về đấu thầu của Việt Nam, thì tuân thủ điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký.

Trong trường hợp này, chủ dự án phải chỉ đạo Ban quản lý dự án phối hợp với nhà tài trợ lồng ghép trình tự, thủ tục, thời hạn thẩm định của nhà tài trợ với thủ tục trình, thẩm định và phê duyệt các nội dung về kế hoạch đấu thầu, kết quả lựa chọn nhà thầu theo các quy định hiện hành của Việt Nam. Quy trình lồng ghép này phải được công bố công khai cho các bên liên quan đến hoạt động đấu thầu.

V. Hướng dẫn việc điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung chương trình, dự án trong quá trình thực hiện quy định tại Điều 31 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Liên quan đến sự thay đổi về cơ chế tài chính trong nước hoặc điều kiện cho vay lại trong nước quy định tại điểm b khoản 1 Điều 31, chủ dự án báo cáo cơ quan chủ quản để cơ quan chủ quản lấy ý kiến thống nhất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

2. Đối với phần vốn dư do thay đổi tỷ giá, lãi suất, vốn dự phòng chưa phân bổ và các khoản vốn dư khác phát sinh trong quá trình thực hiện quy định tại điểm b, khoản 2 Điều 31, cơ quan chủ quản thỏa thuận với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và nhà tài trợ để quyết định việc sử dụng vốn dư này trong phạm vi chương trình, dự án triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành.

3. Đối với vốn dư để thực hiện chương trình, dự án mới quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 31, trên cơ sở đề xuất của cơ quan chủ quan, Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ trương sử dụng phần vốn dư đó. Sau khi Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng phần vốn dư, cơ quan chủ quản tiến hành thẩm định, phê duyệt văn kiện chương trình, dự án và triển khai thực hiện theo các quy định hiện hành.

Phần 6:

THEO DÕI, ĐÁNH GIÁ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ODA

I. Theo dõi chương trình, dự án quy định tại các Điều 33 và Điều 35 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Yêu cầu và mục tiêu của công tác theo dõi chương trình, dự án ODA:

a) Đảm bảo cập nhật chính xác, đầy đủ và thường xuyên (ngày, tuần, tháng, năm) các thông tin liên quan đến tình hình thực hiện và quản lý chương trình, dự án.

b) Đảm bảo thực hiện kịp thời các khó khăn, vướng mắc, các sự cố ảnh hưởng đến tiến độ, chất lượng, chi phí của chương trình, dự án.

c) Đảm bảo kịp thời đề xuất và thực thi các biện pháp cần thiết để khắc phục các khó khăn, vướng mắc, các sự cố để chương trình, dự án được thực hiện theo đúng mục tiêu, phù hợp với các giới hạn về thời gian và nguồn lực đã được xác định.

2. Trách nhiệm và nội dung theo dõi chương trình, dự án ODA

a) Ban quản lý dự án

Hoạt động theo dõi là một bộ phận cấu thành của hoạt động quản lý hàng ngày và là trách nhiệm của Ban quản lý dự án.

Nội dung theo dõi ở cấp Ban quản lý dự án:

- Theo dõi, cập nhật tình hình thực hiện chương trình, dự án bao gồm:

+ Tiến độ thực hiện dự án;

+ Khối lượng thực hiện;

+ Chất lượng;

+ Chi phí;

+ Các biến động;

- Theo dõi, cập nhật tình hình quản lý chương trình, dự án bao gồm:

+ Lập và chi tiết hóa kế hoạch triển khai các nội dung của công tác quản lý chương trình, dự án;

+ Cập nhật tình hình thực hiện và điều chỉnh kế hoạch;

+ Cập nhật tình hình đảm bảo chất lượng và hiệu lực của công tác quản lý chương trình, dự án.

- Theo dõi, cập nhật tình hình xử lý, phản hồi thông tin chương trình, dự án bao gồm:

+ Tình hình bảo đảm thông tin báo cáo;

+ Tình hình xử lý thông tin báo cáo;

+ Tình hình và kết quả giải quyết khó khăn, vướng mắc.

b) Chủ dự án

- Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra tính đầy đủ, tính cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi chương trình, dự án do Ban quản lý dự án thực hiện;

- Bố trí các nguồn lực cần thiết đảm bảo cho công tác theo dõi ở Ban quản lý dự án;

- Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề thuộc thẩm quyền nảy sinh trong quá trình thực hiện chương trình, dự án;

- Báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền của chủ dự án để các cơ quan chủ quản kịp thời ra các quyết định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chương trình, dự án.

c) Cơ quan chủ quản

Đối với chương trình, dự án thuộc thẩm quyền quản lý, cơ quan chủ quản có trách nhiệm:

- Kiểm tra tính đầy đủ, cập nhật và tính chính xác của các thông tin theo dõi chương trình, dự án do chủ dự án cung cấp;

- Phản hồi và xử lý kịp thời các vấn đề nảy sinh thuộc thẩm quyền;

- Giám sát và theo dõi những thay đổi so với kế hoạch (về tiến độ thực hiện, về tình hình giải ngân, đấu thầu, giải phóng mặt bằng, tái định cư, bảo vệ môi trường và an sinh xã hội) của các chương trình, dự án;

- Báo cáo và đề xuất các phương án xử lý các khó khăn, vướng mắc, các vấn đề vượt quá thẩm quyền của cơ quan chủ quản để các cơ quan có liên quan kịp thời ra các quyết định giải quyết các vướng mắc trong thực hiện chương trình, dự án;

- Xây dựng và tổ chức hệ thống thông tin, các quy định theo dõi và quản lý các chương trình, dự án trong phạm vi quản lý của cơ quan chủ quản;

- Bảo đảm các nguồn lực cần thiết (cán bộ, tài chính, cơ sở vật chất kỹ thuật và các vấn đề có liên quan khác) cho hoạt động theo dõi chương trình, dự án tại cơ quan chủ quản. Hỗ trợ và tăng cường năng lực theo dõi chương trình, dự án cho các chủ dự án.

d) Các cơ quan quản lý nhà nước về ODA

Thực hiện chức năng theo dõi chương trình, dự án ODA trong lĩnh vực liên quan quy định tại Chương 4 và Chương 7 của Quy chế và có trách nhiệm phản hồi thông tin theo dõi cho các cơ quan chủ quản và nhà tài trợ.

II. Đánh giá chương trình, dự án quy định tại các Điều 34 và 35 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

 1. Yêu cầu và mục tiêu của công tác đánh giá đối với từng chương trình, dự án cụ thể:

a) So sánh kết quả đạt được tại thời điểm đánh giá với kế hoạch thực hiện chương trình, dự án.

b) Phát hiện các khó khăn, vướng mắc đã xảy ra hoặc tiềm ẩn trong thực hiện chương trình, dự án.

c) Đánh giá tình hình thực hiện các nguyên tắc, thủ tục quản lý chương trình, dự án.

d) Đề xuất những biện pháp cần thực hiện để thúc đẩy chương trình, dự án tiến triển đúng mục tiêu, phù hợp với các quy định về tiến độ, phạm vi, khối lượng, chất lượng, kinh phí và phù hợp với các nguyên tắc thủ tục quản lý.

e) Trong những trường hợp cần thiết, kiến nghị điều chỉnh một số nội dung trong văn kiện chương trình, dự án và/hoặc trong kế hoạch thực hiện chương trình, dự án.

g) Rút ra những bài học kinh nghiệm để áp dụng cho các giai đoạn tiếp theo của chương trình, dự án được đánh giá và/hoặc áp dụng cho các chương trình, dự án khác.

2. Công tác đánh giá

Để bảo đảm tính khách quan, minh bạch, công tác đánh giá phải được tiến hành bởi chuyên gia hoặc nhóm chuyên gia, tư vấn độc lập được thuê tuyển theo các quy định hiện hành, có đủ trình độ chuyên môn và kinh nghiệm cần thiết. Chủ dự án phải phối hợp với nhà tài trợ xác định thời gian và kinh phí cho công tác đánh giá ngay từ giai đoạn thiết kế văn kiện chương trình, dự án.

Tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể và theo thỏa thuận với nhà tài trợ, các giai đoạn đánh giá có thể bao gồm:

a) Đánh giá ban đầu

Đánh giá ban đầu phải được tiến hành ngay sau khi bắt đầu thực hiện chương trình, dự án.

Việc đánh giá ban đầu có thể do chủ dự án giao Ban quản lý dự án hoặc thuê tư vấn độc lập thực hiện.

Đánh giá ban đầu tập trung vào việc xem xét tình hình thực tế của chương trình, dự án sau khi khởi động về:

- Công tác chuẩn bị thực hiện, tổ chức, huy động các nguồn lực của Ban quản lý dự án để đảm bảo việc thực hiện chương trình, dự án theo đúng mục tiêu và kế hoạch đề ra;

- Những vấn đề phát sinh so với văn kiện chương trình, dự án đã được phê duyệt;

- Phương hướng giải quyết các khó khăn vướng mắc gặp phải;

- Phát sinh do các yếu tố khách quan như môi trường pháp lý có những thay đổi, yêu cầu thay đổi tiến độ hoặc nội dung một số hạng mục cho phù hợp với tình hình khí hậu, địa chất hay bởi các yếu tố chủ quan như năng lực và cơ cấu tổ chức của Ban quản lý dự án.

Kết quả đánh giá ban đầu được sử dụng để rà soát, cập nhật kế hoạch tổng thể thực hiện chương trình, dự án và xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện chương trình, dự án cho năm đầu tiên.

b) Đánh giá giữa kỳ

Đánh giá giữa kỳ do Ban quản lý dự án tổ chức thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập tiến hành vào giữa thời gian thực hiện chương trình, dự án hoặc sau khi kết thúc một giai đoạn đối với chương trình, dự án gồm nhiều giai đoạn.

Đánh giá giữa kỳ tập trung vào:

- Tính phù hợp của kết quả thực hiện chương trình, dự án với mục tiêu đề ra;

- Mức độ hoàn thành của chương trình, dự án cho đến thời điểm đánh giá so với kế hoạch thực hiện chương trình, dự án đã được phê duyệt;

- Các khuyến nghị, kể cả việc điều chỉnh thiết kế, mục tiêu chương trình, dự án nếu cần;

- Các bài học về xây dựng, thực hiện và quản lý các chương trình, dự án.

Chậm nhất trong vòng 01 tháng kể từ ngày nhận được báo cáo đánh giá giữa kỳ của tư vấn, chủ dự án phải gửi đến cơ quan chủ quản và nhà tài trợ báo cáo đánh giá giữa kỳ do tư vấn lập và báo cáo phản hồi đánh giá giữa kỳ của chủ dự án, trong đó phân tích các phát hiện, các vấn đề và các đề xuất của báo cáo đánh giá, nêu rõ các biện pháp xử lý, giải quyết vấn đề, các hoạt động cần thiết để đáp ứng các đề xuất, các bài học kinh nghiệm trong tổ chức thực hiện chương trình, dự án.

Báo cáo đánh giá giữa kỳ và báo cáo phản hồi đối với các chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và các chương trình, dự án nhóm A đều phải thông qua cơ quan chủ quản gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phục vụ việc giám sát, theo dõi, đánh giá.

c) Đánh giá kết thúc

Đánh giá kết thúc chương trình, dự án do Ban quản lý dự án tổ chức thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập tiến hành ngay sau khi kết thúc thực hiện và phải hoàn thành chậm nhất trong vòng 06 tháng kể từ ngày kết thúc chương trình, dự án được quy định tại văn kiện chương trình, dự án. Đánh giá kết thúc tập trung vào xem xét và đánh giá toàn diện các khía cạnh:

- Thiết kế chương trình, dự án;

- Quá trình thực hiện chương trình, dự án;

- Hoạt động quản lý chương trình, dự án;

- Kết quả thực hiện các mục tiêu chương trình, dự án;

- Các nguồn lực đã huy động cho chương trình, dự án;

- Các lợi ích do dự án mang lại cho những người thụ hưởng và những người tham gia;

- Các tác động của chương trình, dự án;

- Tính bền vững của chương trình, dự án và các yếu tố để bảo đảm tính bền vững của chương trình, dự án;

- Các bài học rút ra sau quá trình thực hiện chương trình, dự án;

- Các khuyến nghị cần thiết.

Báo cáo đánh giá kết thúc do tư vấn lập và văn bản nhận xét của chủ dự án phải được báo cáo và gửi đền cơ quan chủ quản và nhà tài trợ.

Báo cáo đánh giá kết thúc của tư vấn là cơ sở tham khảo để Ban quản lý dự án và chủ dự án xây dựng Báo cáo kết thúc chương trình, dự án.

Báo cáo đánh giá kết thúc của tư vấn đối với chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và chương trình, dự án nhóm A phải gửi cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính để phục vụ việc giám sát, theo dõi, đánh giá.

d) Đánh giá tác động (Đánh giá sau dự án)

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với cơ quan chủ quản và nhà tài trợ xây dựng kế hoạch hàng năm về đánh giá tác động các chương trình, dự án ODA.

Đánh giá tác động do cơ quan chủ quản chủ trì và thuê chuyên gia hoặc tổ chức tư vấn độc lập thực hiện. Đối với các dự án quan trọng quốc gia, việc đánh giá tác động là do cơ quan tư vấn độc lập được Thủ tướng Chính phủ lựa chọn, phê duyệt hoặc ủy quyền cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư lựa chọn.

Đánh giá tác động được tiến hành trong vòng 3 năm kể từ ngày đưa chương trình, dự án vào khai thác, sử dụng và tập trung vào các vấn đề chủ yếu sau:

- Thực trạng kinh tế, kỹ thuật vận hành của chương trình, dự án;

- Tác động tới các mặt kinh tế – chính trị – xã hội của chương trình, dự án;

- Tác động tới môi trường sinh thái của chương trình, dự án;

- Tính bền vững của chương trình, dự án;

- Các bài học thành công và thất bại của các khâu thiết kế – thực hiện – vận hành chương trình, dự án.

Báo cáo đánh giá tác động đối với chương trình, dự án do Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư và chương trình, dự án nhóm A phải được gửi đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính để phục vụ công tác quản lý danh mục đầu tư và xây dựng chiến lực, chính sách đầu tư.

e) Đánh giá đột xuất

Đánh giá đột xuất được tiến hành trong những trường hợp có những vướng mắc, khó khăn, tác động phát sinh ngoài dự kiến trong quá trình thực hiện chương trình, dự án.

Đánh giá đột xuất tập trung làm rõ những vấn đề sau:

- Xác định tình trạng và bản chất những phát sinh ngoài dự đoán;

- Ảnh hưởng và mức độ ảnh hưởng của những phát sinh đến việc thực hiện chương trình, dự án, đến khả năng hoàn thành mục tiêu đã đề ra;

- Kiến nghị các biện pháp can thiệp, các cơ quan có trách nhiệm thực hiện và thời hạn hoàn thành.

Cơ quan chủ quản chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan và nhà tài trợ tổ chức đoàn đánh giá đột xuất.

Báo cáo đánh giá đột xuất là cơ sở để cơ quan chủ quản can thiệp kịp thời, triển khai các biện pháp hỗ trợ cần thiết để ngăn ngừa sự thất bại của chương trình, dự án.

Trong trường hợp các biện pháp xử lý vượt quá thẩm quyền của cơ quan chủ quản, cơ quan chủ quản gửi văn bản kèm theo báo cáo đánh giá đột xuất gửi đến các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan hoặc trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

III. Báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án quy định tại Điều 36 của Quy chế được hướng dẫn như sau:

1. Hệ thống báo cáo thực hiện các chương trình, dự án ODA gồm 3 cấp:

a) Cấp chủ chương trình, dự án (gọi tắt là cấp chương trình, dự án): Chủ dự án lập báo cáo về tình hình thực hiện chương trình, dự án ODA gửi cơ quan chủ quản, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ ngành liên quan, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện chương trình, dự án và nhà tài trợ.

b) Cấp cơ quan chủ quản: Cơ quan chủ quản lập báo cáo tổng hợp về kết quả vận động, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA thuộc thẩm quyền quản lý gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính.

c) Cấp cơ quan quản lý nhà nước về ODA: Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính lập báo cáo tổng hợp về tình hình thu hút và sử dụng ODA trong cả nước, tình hình giải ngân các chương trình, dự án ODA trình Thủ tướng Chính phủ theo quy định và thông báo cho các cơ quan liên quan.

2. Chế độ báo cáo và mẫu biểu báo cáo: Thực hiện theo quy định và hướng dẫn cụ thể tại Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 07 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

a) Chủ dự án thực hiện chế độ báo cáo định kỳ tháng (đối với các chương trình, dự án đầu tư thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ và các chương trình, dự án tương đương nhóm A), quý, năm và báo cáo kết thúc chương trình, dự án.

b) Cơ quan chủ quản thực hiện chế độ báo cáo định kỳ quý.

c) Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và báo cáo năm.

3. Chế độ khen thưởng:

Bộ Kế hoạch và Đầu tư áp dụng các hình thức khen thưởng và động viên phù hợp với các cơ quan, đơn vị thực hiện tốt chế độ báo cáo tại Quyết định số 803/2007/QĐ-BKH ngày 30 tháng 07 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc ban hành Chế độ báo cáo tình hình thực hiện các chương trình, dự án ODA.

4. Chế tài xử lý vi phạm chế độ báo cáo:

Đối với các trường hợp vi phạm chế độ báo cáo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ áp dụng các chế tài sau:

a) Vi phạm chế độ báo cáo không thường xuyên: Bộ Kế hoạch và Đầu tư gửi văn bản yêu cầu cơ quan vi phạm chế độ báo cáo giải trình nguyên nhân vi phạm và cam kết thực hiện những biện pháp khắc phục.

b) Vi phạm chế độ báo cáo có hệ thống: Bộ Kế hoạch và Đầu tư công bố danh sách các cơ quan vi phạm chế độ báo cáo trên trang tin điện tử của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đồng thời áp dụng các biện pháp khi tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA trình Thủ tướng Chính phủ do các cơ quan này đề xuất.

c) Vi phạm chế độ báo cáo một cách có hệ thống, kéo dài: Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo Thủ tướng Chính phủ những trường hợp này và đề xuất các biện pháp xử lý thích hợp kể cả đề nghị Thủ tướng Chính phủ không phê duyệt các chương trình, dự án yêu cầu tài trợ do các cơ quan này đề xuất cho đến khi tình hình chấp hành chế độ báo cáo được cải thiện.

Cơ quan chủ quản quy định những biện pháp khen thưởng và chế tài thích hợp để đảm bảo sự tuân thủ các quy định về chế độ báo cáo của các chủ dự án và các Ban quản lý dự án thuộc thẩm quyền quản lý của mình.

Phần 7:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. Thông tư này thay thế cho Thông tư số 06/2001/TT-BKH ngày 20 tháng 9 năm 2001 về Hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức ban hành kèm theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP ngày 04 tháng 5 năm 2001 của Chính phủ.

II. Đối với các chương trình, dự án đang thực hiện:

1. Các nội dung của chương trình, dự án thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ theo Nghị định số 17/2001/NĐ-CP nay theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP thuộc thẩm quyền phê duyệt của thủ trưởng cơ quan chủ quản thì các vấn đề liên quan đến thẩm quyền của cơ quan ra quyết định phê duyệt các chương trình, dự án được thực hiện theo Nghị định số 131/2006/NĐ-CP.

2. Cơ quan chủ quản rà soát kế hoạch thực hiện chương trình, dự án để bổ sung nội dung theo dõi, đánh giá dự án và đảm bảo nguồn lực thực hiện.

III. Thông tư này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo. Trong quá trình thực hiện nếu có những vướng mắc, các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan phản ánh kịp thời về Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tiếp tục bổ sung và hoàn chỉnh Thông tư hướng dẫn này.

 

Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương Đảng;
- Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Văn phòng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thộc Trung ương;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Cục Kiểm tra văn bản quy phạm quản lý – Bộ Tư pháp;
- Công báo;
- Các Tổng cục, Cục, Vụ, Viện và các đơn vị trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, KTĐN.

BỘ TRƯỞNG




Võ Hồng Phúc

 


PHỤ LỤC I

PHƯƠNG PHÁP TÍNH YẾU TỐ KHÔNG HOÀN LẠI (THÀNH TỐ HỖ TRỢ) CỦA KHOẢN VAY

Yếu tố không hoàn lại là tỷ lệ phần trăm (%) giá trị danh nghĩa của khoản vay phản ánh mức ưu đãi của khoản vay ODA. Trong đàm phán chương trình, dự án vốn vay ODA, ta cần phải tính toán các phương án ưu đãi của khoản vay tối ưu (mứu ưu đãi cao nhất) dựa trên tổ hợp các yếu tố đầu vào như sau:

(i) Lãi suất

(ii) Thời gian ân hạn

(iii) Thời gian trả nợ vốn vay

Công thức tính

GE = 100%. .

Trong đó:

GE: Yếu tố không hoàn lại (thành tố hỗ trợ) (%)

r: Tỷ lệ lãi suất hàng năm (%)

a: Số lần trả nợ trong năm (theo điều kiện của bên cho vay)

d’: Tỷ lệ chiết khấu của cả năm (theo thông báo của OECD hoặc các thỏa thuận của bên cho vay (%)

d: Tỷ lệ chiết khấu của mỗi kỳ: d=(1+d’)1/a – 1(%)

G: Thời gian ân hạn (năm)

M: Thời hạn cho vay (năm)

Trả nợ theo nguyên tắc chia đều cho mỗi kỳ.

Để tiện cho việc xác định yếu tố không hoàn lại, căn cứ vào công thức tính nêu trên, yếu tố không hoàn lại của các khoản vay với điều kiện: a là số lần trả nợ theo nửa năm và tỷ lệ chiết khấu của năm d’=10% được tính sẵn như bảng phụ lục kèm theo.


Bảng yếu tố không hoàn lại (Trường hợp Trả nợ theo nửa năm và d’ = 10%)

Thời gian hoàn trả (năm)

10

13

15

17

20

23

25

28

30

35

40

50

Ân hạn (năm)

3

 

4

 

5

 

3

 

4

 

5

 

3

 

4

 

5

 

3

 

5

 

5

 

7

 

5

 

7

 

5

 

7

 

10

 

7

 

10

 

10

 

10

 

10

 

10

 

Tỷ lệ lãi suất (%)

0

45.03

47.86

50.51

51.38

53.98

56.42

55.04

57.51

59.82

58.30

62.84

66.78

70.43

70.12

73.51

72.06

75.30

79.37

77.66

81.44

82.65

85.18

87.16

89.98

0.25

43.87

46.63

49.22

50.06

52.60

54.97

53.63

56.04

58.28

56.81

61.23

65.07

68.63

68.32

71.63

70.22

73.37

77.34

75.67

79.36

80.54

83.00

84.92

87.68

0.5

42.72

45.41

47.92

48.75

51.22

53.53

52.22

54.56

56.75

55.32

59.62

63.36

66.83

66.53

69.75

68.37

71.45

75.30

73.68

77.27

78.42

80.82

82.69

85.37

0.75

41.57

44.18

46.63

47.43

49.84

52.08

50.81

53.09

55.22

53.82

58.01

61.65

65.02

64.73

67.87

66.53

69.52

73.27

71.69

75.19

76.30

78.46

80.46

83.07

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1

40.41

42.96

45.34

46.11

48.45

50.64

49.94

51.62

53.69

52.33

56.40

59.94

63.22

62.93

65.98

64.68

67.59

71.24

69.70

73.10

74.18

76.45

78.23

80.76

1.25

39.26

41.73

44.04

44.80

47.07

49.19

47.99

50.14

52.16

50.84

54.79

58.23

61.41

61.14

64.10

62.84

65.66

69.21

67.71

71.01

72.04

74.27

75.99

78.46

1.5

38.11

40.50

42.75

43.48

45.69

47.75

46.58

48.67

50.62

49.34

53.18

56.52

59.61

59.34

62.22

60.99

63.73

67.17

65.72

68.93

69.95

72.09

73.76

76.16

1.75

36.95

39.28

41.45

42.17

44.31

46.30

45.17

47.20

49.09

47.85

51.57

54.87

57.81

57.55

60.33

59.14

61.80

65.14

63.73

66.84

67.83

69.91

71.53

73.85

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2

35.80

38.05

40.16

40.85

42.92

44.86

43.76

45.72

47.56

46.36

49.96

53.10

56.00

55.75

58.45

57.30

59.87

63.11

61.74

64.76

65.72

67.73

69.30

71.55

2.25

34.65

36.83

38.87

39.53

41.54

43.10

42.35

44.25

46.03

44.86

48.35

51.39

54.20

53.96

56.57

55.45

57.95

61.08

59.76

62.67

63.60

65.55

67.07

69.24

2.5

33.49

35.60

37.57

38.22

40.16

41.97

40.94

42.78

44.50

43.37

46.74

49.68

52.39

52.16

54.69

53.61

96.02

59.04

57.77

60.58

61.48

63.63

64.83

66.94

2.75

32.34

34.38

36.28

36.90

38.78

40.52

39.53

41.31

42.96

41.88

45.14

47.97

50.59

50.36

52.80

51.76

54.09

57.01

55.78

58.50

59.37

61.18

62.60

64.63

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

3

31.19

33.15

34.99

35.59

37.39

39.08

18.12

39.83

41.43

40.38

43.53

46.25

48.79

48.57

50.92

49.92

52.16

54.98

53.79

56.41

57.25

59.00

60.37

62.33

3.25

30.03

31.92

33.69

34.27

36.01

37.63

36.71

38.36

39.90

38.89

41.92

44.54

46.98

46.77

49.04

48.07

50.23

52.94

51.80

54.33

55.13

56.82

58.14

60.02

3.5

28.88

30.70

32.40

32.95

34.63

36.19

35.30

36.89

38.37

37.40

40.31

42.83

45.18

44.98

47.15

46.22

48.30

50.91

49.81

52.24

53.02

54.64

55.91

57.72

3.75

27.73

29.47

31.40

31.44

33.24

34.74

33.89

35.41

36.84

35.90

38.70

41.42

43.37

43.18

45.27

44.38

46.37

48.88

47.52

50.16

50.90

52.46

53.67

55.41

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

4

26.57

28.25

29.81

30.32

31.86

33.30

32.48

33.94

35.30

34.41

37.09

39.41

41.57

41.38

43.39

42.53

44.45

46.85

45.83

48.07

48.78

50.27

51.44

53.11

4.25

25.42

27.03

28.52

29.01

30.48

31.85

31.07

32.47

33.77

32.92

35.48

37.70

39.77

39.59

41.51

40.69

42.52

44.81

43.84

45.98

46.67

48.09

49.21

50.80

4.5

24.27

25.79

27.22

27.69

29.10

30.41

29.66

31.00

32.24

31.42

33.87

35.99

37.96

37.79

39.62

38.84

40.59

42.78

41.86

43.90

44.55

45.91

46.98

48.50

4.75

23.11

24.57

25.93

26.38

27.71

28.96

28.25

29.52

30.71

29.93

32.26

34.28

36.16

36.10

37.74

37.00

38.66

40.75

39.87

41.81

42.43

43.73

44.74

46.20

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

5

21.96

23.34

24.64

25.06

26.33

27.52

26.84

28.05

29.18

28.44

30.65

32.57

34.36

34.20

35.86

35.15

36.73

38.71

37.88

39.73

40.32

41.55

42.51

43.89

5.25

20.81

22.12

23.34

25.74

24.95

26.07

25.43

26.58

27.64

26.94

29.04

30.86

32.55

32.41

33.97

33.30

34.80

36.68

35.89

37.64

38.20

39.37

40.28

41.59

5.5

19.65

20.89

22.05

22.13

23.57

24.63

24.02

25.10

26.11

25.45

27.43

29.15

30.75

30.61

32.09

31.46

32.87

34.65

33.90

35.55

36.08

37.18

38.05

39.28

5.75

18.50

19.67

20.75

21.11

22.18

23.18

22.62

23.63

24.58

23.96

25.82

27.44

28.94

28.81

30.21

29.61

30.94

32.62

31.91

33.47

33.96

35.00

35.82

36.98

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

6

17.85

18.44

19.46

19.80

20.98

21.74

21.21

22.16

23.05

22.46

24.21

25.73

27.14

27.14

28.33

27.77

29.02

30.58

29.92

31.38

31.85

32.82

33.58

34.67

6.25

16.79

17.21

18.17

18.48

19.42

20.29

19.80

20.69

21.52

20.97

22.60

24.02

25.34

25.34

26.44

25.92

27.09

26.55

27.93

29.30

29.73

30.64

31.35

32.37

6.5

15.04

15.99

16.87

17.16

18.03

18.85

18.39

19.21

19.98

19.48

20.99

22.31

23.53

23.53

24.56

24.08

25.16

26.52

27.94

27.21

27.61

28.46

29.12

30.06

6.75

13.89

14.75

15.57

15.85

16.65

17.40

16.98

17.74

18.45

17.80

19.38

20.60

27.73

27.73

22.68

22.23

23.23

24.48

23.96

25.12

25.50

26.28

26.89

27.76

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

7

12.74

13.54

14.29

14.53

15.27

15.96

15.57

16.27

16.92

16.49

17.77

18.89

19.92

19.83

20.79

20.38

21.30

22.45

21.97

23.03

23.38

24.10

24.65

25.45

7.25

11.58

12.31

12.99

13.22

13.89

14.51

14.16

14.79

15.39

15.00

16.17

17.18

18.12

18.04

18.91

18.54

19.37

20.42

19.98

20.95

21.26

21.91

22.42

23.15

7.5

10.43

11.09

11.70

11.90

12.50

13.07

12.75

13.32

13.86

13.50

14.56

15.47

16.32

16.24

17.03

16.69

17.44

18.39

17.99

18.87

19.15

19.73

20.19

20.84


PHỤ LỤC 2a

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA

(Tên dự án)

(Tên cơ quan chủ quản)

(Tên đơn vị đề xuất dự án)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án:

2. Mã ngành dự án[1]:

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Đơn vị đề xuất dự án:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Chủ dự án dự kiến:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

7. Thời gian dự kiến thực hiện dự án[2]:

8. Địa điểm thực hiện dự án:

9. Tổng vốn dự kiến của dự án: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA dự kiến: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Đề cương chi tiết dự án)

- Vốn đối ứng dự kiến: ................... VND, tương đương với ................... USD

10. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o


ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA

I. Bối cảnh và sự cần thiết của dự án

1. Mô tả tóm tắt quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị thụ hưởng (cơ quan, ngành, lĩnh vực) liên quan đến nội dung của dự án và sự cần thiết, vai trò, vị trí của dự án trong quy hoạch, kế hoạch đó.

2. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của đơn vị đề xuất dự án.

3. Khái quát những vấn đề cần giải quyết trong phạm vi của dự án đề xuất.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án đề xuất.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Mục tiêu của dự án

1. Mục tiêu dài hạn

2. Mục tiêu ngắn hạn

IV. Các kết quả chủ yếu của dự án

Kết quả dự kiến đạt được của dự án (theo từng cấu phần nếu có)

V. Cấu phần, hoạt động chủ yếu và dự kiến phân bổ nguồn lực của dự án

Mô tả tóm tắt các cấu phần, hoạt động chủ yếu theo từng kết quả của dự án (trong đó nêu rõ từng kết quả theo từng cấu phần) và nguồn lực dự kiến tương ứng.

VI. Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với dự án

1. Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND,

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND           Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn đối ứng được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

- Vốn ngân sách trung ương cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

VII. Tổ chức quản lý thực hiện dự án

1. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án

2. Khái quát cơ chế làm việc, quan hệ giữa các cơ quan: cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án, các nhà thầu, nhà tài trợ và các bên tham gia khác để thực hiện và quản lý dự án.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ dự án dự kiến sẽ được giao thực hiện dự án.

VIII. Phân tích sơ bộ tính khả thi của dự án

IX. Phân tích sơ bộ hiệu quả của dự án

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp đối với đơn vị thực hiện.

2. Đánh giá tác động kinh tế, môi trường và xã hội đối với ngành, lĩnh vực và địa phương

3. Đánh giá tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Thủ trưởng đơn vị đề xuất dự án

(ký tên và đóng dấu)

 


PHỤ LỤC 2B

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN ODA

(Tên dự án)

(Tên cơ quan chủ quản)

(Tên đơn vị đề xuất dự án)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ DỰ ÁN

1. Tên dự án:

2. Mã ngành dự án[3]:

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Đơn vị đề xuất dự án:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Chủ dự án dự kiến:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

7. Thời gian dự kiến thực hiện dự án[4]:

8. Địa điểm thực hiện dự án:

9. Tổng vốn của dự án: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Đề cương chi tiết dự án)

- Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

10. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o


ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT DỰ ÁN ĐẦU TƯ SỬ DỤNG VỐN ODA

I. Bối cảnh và sự cần thiết của dự án

1. Mô tả tóm tắt quy hoạch, kế hoạch phát triển của đơn vị thụ hưởng (cơ quan, ngành, lĩnh vực) liên quan đến nội dung của dự án và sự cần thiết, vai trò, vị trí của dự án trong quy hoạch, kế hoạch đó.

2. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của đơn vị đề xuất dự án.

3. Khái quát những vấn đề cần giải quyết trong phạm vi của dự án đề xuất.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án đề xuất.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Mục tiêu của dự án

1. Mục tiêu dài hạn

2. Mục tiêu ngắn hạn

IV. Các kết quả chủ yếu của dự án

Kết quả dự kiến đạt được của dự án (theo từng cấu phần, hạng mục nếu có)

V. Cấu phần, hạng mục, hoạt động chủ yếu và dự kiến phân bổ nguồn lực của dự án

Mô tả tóm tắt các cấu phần, hạng mục, hoạt động chủ yếu theo từng kết quả dự kiến của dự án (trong đó nêu rõ từng kết quả theo từng cấu phần, hạng mục) và nguồn lực dự kiến tương ứng.

VI. Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với dự án

1. Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn đối ứng được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

- Vốn ngân sách trung ương cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

VII. Tổ chức quản lý thực hiện dự án

1. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện dự án

2. Khái quát cơ chế làm việc, quan hệ giữa các cơ quan: cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án, các nhà thầu, nhà tài trợ và các bên tham gia khác để thực hiện và quản lý dự án.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ dự án dự kiến sẽ được giao thực hiện dự án, bao gồm cả năng lực tài chính (đối với các dự án cho vay lại là giải trình khả năng và phương án trả nợ của chủ dự án).

VIII. Phân tích xây dựng và công nghệ dự kiến để thực hiện dự án

IX. Phân tích sơ bộ tính khả thi của dự án (về kinh tế, tài chính, công nghệ, năng lực tổ chức thực hiện)

X. Phân tích sơ bộ hiệu quả dự án

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp đối với đơn vị thực hiện.

2. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường đối với ngành, lĩnh vực và địa phương

3. Đánh giá tính bền vững của dự án sau khi kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Thủ trưởng Đơn vị đề xuất dự án

(ký tên và đóng dấu)

 


PHỤ LỤC 2C

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN ODA[5]

(Tên chương trình)

(Tên cơ quan chủ quản)

(Tên đơn vị đề xuất chương trình)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH

1. Tên chương trình :

2. Mã ngành chương trình[6]:

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Đơn vị đề xuất chương trình:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Chủ chương trình dự kiến:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

7. Thời gian dự kiến thực hiện chương trình[7]:

8. Địa điểm thực hiện chương trình:

9. Tổng vốn của chương trình: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Đề cương chi tiết chương trình)

- Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

10. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o


ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN ODA

I. Bối cảnh và sự cần thiết của chương trình

1. Mô tả tóm tắt quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển của đơn vị thụ hưởng (cơ quan, ngành, lĩnh vực) liên quan đến nội dung của chương trình và sự cần thiết, vai trò, vị trí của chương trình trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch đó.

2. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của đơn vị đề xuất chương trình.

3. Khái quát những vấn đề cần giải quyết trong phạm vi của chương trình đề xuất.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chương trình đề xuất.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu chương trình với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Các mục tiêu của chương trình

1. Mục tiêu tổng thể

2. Mục tiêu thành phần

IV. Các kết quả chủ yếu của chương trình

Kết quả dự kiến đạt được của chương trình

V. Các thành phần nội dung chủ yếu và dự kiến phân bổ nguồn lực của chương trình

Mô tả tóm tắt nội dung và quan hệ giữa các dự án thành phần (nếu có) hoặc nội dung các cấu thành và các hoạt động chính theo từng kết quả dự kiến của chương trình; và các nguồn lực dự kiến tương ứng.

VI. Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình

1. Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            - Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

- Vốn ngân sách Trung ương cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

VII. Tổ chức quản lý thực hiện chương trình

1. Cấu trúc tổ chức thực hiện chương trình và các cấu phần hoặc hoạt động trong khuôn khổ chương trình.

2. Phương thức quản lý các nguồn lực của chương trình, các dự án thành phần (cấu phần, hoạt động) trong khuôn khổ chương trình.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ chương trình dự kiến, kể cả chủ dự án thành phần (cấu phần) sẽ được giao thực hiện chương trình, bao gồm cả năng lực tài chính.

VIII. Phương án xây dựng và công nghệ dự kiến để thực hiện chương trình (áp dụng đối với các chương trình đầu tư)

IX. Phân tích sơ bộ tính khả thi của chương trình (về kinh tế, tài chính, công nghệ, năng lực tổ chức thực hiện)

X. Phân tích sơ bộ hiệu quả chương trình

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp đối với đơn vị thực hiện.

2. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường đối với ngành, địa phương

3. Đánh giá tính bền vững của chương trình sau khi kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Thủ trưởng Đơn vị đề xuất dự án

(ký tên và đóng dấu)

 


 

PHỤ LỤC 2D

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT HỖ TRỢ ODA TIẾP CẬN THEO CHƯƠNG TRÌNH HOẶC THEO NGÀNH

(Tên chương trình, ngành, hoặc lĩnh vực)[8]

(Tên cơ quan chủ quản chương trình, ngành hoặc lĩnh vực)

(Tên đơn vị phụ trách chương trình, ngành hoặc lĩnh vực)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ PHƯƠNG THỨC HỖ TRỢ

1. Tên chương trình, ngành hoặc lĩnh vực:

2. Mã chương trình, ngành hoặc lĩnh vực [9]:

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản chương trình, ngành hoặc lĩnh vực:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Đơn vị phụ trách chương trình, ngành hoặc lĩnh vực:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Thời gian dự kiến thực hiện hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực [10]:

7. Địa điểm thực hiện:

8. Tổng vốn đề xuất hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Đề cương chi tiết)

- Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

9. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o


ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT HỖ TRỢ ODA TIẾP CẬN THEO CHƯƠNG TRÌNH HOẶC NGÀNH

I. Thông tin khái quát về chương trình, ngành hoặc lĩnh vực

1. Mục tiêu, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của chương trình, ngành hoặc lĩnh vực trong khuôn khổ chiến lược, quy hoạch, kế hoạch đã được cơ quan có thẩm quyền của phía Việt Nam phê duyệt.

2. Mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể được đặt ra đối với chương trình, ngành hoặc lĩnh vực trong thời kỳ xác định.

3. Cơ cấu, tổ chức của chương trình, ngành hoặc lĩnh vực.

4. Hệ thống quản lý chương trình, ngành hoặc lĩnh vực và năng lực cán bộ quản lý chương trình, ngành hoặc lĩnh vực.

5. Ngân sách của chương trình, ngành hoặc lĩnh vực: nhu cầu, nguồn thu, các khoản chi; cơ chế quản lý và thực hiện ngân sách.

II. Sự cần thiết hỗ trợ ODA

1. Khái quát những nội dung trong khuôn khổ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực có nhu cầu hỗ trợ ODA. Nêu rõ cơ sở của những nhu cầu này.

2. Sự kết nối các nội dung có sự hỗ trợ của ODA với các nội dung của chương trình, ngành hoặc lĩnh vực đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt để bảo đảm tính toàn diện và đồng bộ trong phát triển chương trình hoặc ngành nhằm đạt được hiệu quả tối ưu.

3. Cơ chế lồng ghép ODA với ngân sách trong nước để thực hiện chương trình, ngành hoặc lĩnh vực.

4. Nhu cầu tăng cường thể chế và năng lực quản lý chương trình, ngành hoặc lĩnh vực.

III. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của đề xuất hỗ trợ ODA với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc ngành, lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

IV. Mục tiêu của hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực

1. Mục tiêu dài hạn

2. Mục tiêu ngắn hạn

V. Các kết quả chủ yếu từ hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực

Kết quả gia tăng từ hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực.

VI. Nội dung của hỗ trợ chương trình, ngành hoặc lĩnh vực và dự kiến phân bổ nguồn lực để thực hiện

Mô tả tóm tắt các cấu phần, hoạt động chủ yếu và những kết quả tương ứng; dự kiến phân bổ nguồn lực tương ứng để thực hiện.

VII. Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với hỗ trợ ODA

1. Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật:............ VND          Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn đối ứng được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

- Vốn ngân sách trung ương cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

VIII. Tổ chức quản lý thực hiện

1. Phương thức tổ chức quản lý thực hiện hỗ trợ ODA.

2. Khái quát cơ chế làm việc, quan hệ giữa các cơ quan: cơ quan chủ quản chương trình, ngành hoặc lĩnh vực; đơn vị phụ trách chương trình, ngành, hoặc lĩnh vực; các nhà thầu, nhà tài trợ và các bên tham gia khác để thực hiện và quản lý sự hỗ trợ.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của đơn vị phụ trách dự kiến sẽ được giao thực hiện.

IX. Phân tích sơ bộ tính khả thi của hỗ trợ ODA

X. Phân tích sơ bộ hiệu quả hỗ trợ ODA

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp của hỗ trợ ODA đối với chương trình, ngành hoặc lĩnh vực được hỗ trợ.

2. Đánh giá tính bền vững của hỗ trợ ODA sau khi kết thúc.

XI. Những đề xuất về tăng cường thể chế và phát triển nguồn nhân lực trong chương trình, ngành hoặc lĩnh vực

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Thủ trưởng Cơ quan chủ quản chương trình, ngành hoặc lĩnh vực

(ký tên và đóng dấu)

 


PHỤ LỤC 2E

ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

(Tên chương trình, dự án ô)

(Tên cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án ô)

(Tên đơn vị đề xuất chương trình, dự án ô)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

1. Tên chương trình, dự án ô:

2. Mã ngành chương trình, dự án ô [11]:

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án ô:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Tên các cơ quan chủ quản dự kiến tham gia chương trình, dự án ô:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Chủ chương trình, dự án ô dự kiến:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

7. Thời gian dự kiến thực hiện chương trình, dự án ô [12]:

8. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án ô:

9. Vốn của chương trình, dự án ô:

a) Tổng vốn của chương trình, dự án ô: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Đề cương chi tiết chương trình)

- Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

b) Vốn của từng dự án thành phần:

10. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o


ĐỀ CƯƠNG CHI TIẾT CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

I. Bối cảnh và sự cần thiết của chương trình, dự án ô

1. Mô tả tóm tắt quy hoạch, kế hoạch dài hạn phát triển của đơn vị thụ hưởng (cơ quan, lĩnh vực, địa phương) liên quan đến nội dung của chương trình, dự án ô và sự cần thiết, vai trò, vị trí của chương trình, dự án ô trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch đó.

2. Khái quát các chương trình, dự án khác đã và đang thực hiện bằng những nguồn vốn khác nhau nhằm mục đích hỗ trợ giải quyết các vấn đề có liên quan của cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án ô.

3. Khái quát những vấn đề cần giải quyết trong phạm vi của chương trình, dự án ô đề xuất.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chương trình, dự án ô đề xuất.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu chương trình, dự án ô với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Các mục tiêu của chương trình, dự án ô

1. Mục tiêu tổng thể

2. Mục tiêu của các dự án thành phần

IV. Các kết quả chủ yếu của chương trình, dự án ô

Kết quả dự kiến đạt được cuối cùng của chương trình, dự án ô

V. Các thành phần nội dung chủ yếu của chương trình, dự án ô và dự kiến phân bổ nguồn lực của chương trình, dự án ô

Mô tả tóm tắt nội dung và quan hệ giữa các dự án thành phần và các hoạt động chính theo từng kết quả dự kiến của chương trình, dự án ô; và các nguồn lực dự kiến tương ứng.

VI. Kiến nghị cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án ô

1. Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

2. Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            - Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn đối ứng được huy động theo một hoặc một số hình thức sau:

- Vốn ngân sách Trung ương cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn khác (nêu rõ nguồn vốn): ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

VII. Tổ chức quản lý thực hiện chương trình, dự án ô

1. Cấu trúc tổ chức thực hiện chương trình và các dự án thành phần trong khuôn khổ chương trình, dự án ô.

2. Phương thức quản lý các nguồn lực của chương trình, dự án ô; các dự án thành phần (cấu phần, hoạt động) trong khuôn khổ chương trình, dự án ô.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ chương trình, dự án ô dự kiến, kể cả chủ dự án thành phần (cấu phần) sẽ được giao thực hiện chương trình, bao gồm cả năng lực tài chính.

VIII. Phương án xây dựng và công nghệ dự kiến để thực hiện chương trình, dự án ô (áp dụng đối với các chương trình, dự án ô đầu tư)

IX. Phân tích sơ bộ tính khả thi của chương trình, dự án ô (về kinh tế, tài chính, công nghệ, năng lực tổ chức thực hiện)

X. Phân tích sơ bộ hiệu quả chương trình, dự án ô

1. Đánh giá hiệu quả trực tiếp đối với các đơn vị tham gia thực hiện.

2. Đánh giá tác động kinh tế, xã hội và môi trường đối với ngành, địa phương

3. Đánh giá tính bền vững của chương trình, dự án ô sau khi kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Thủ trưởng Cơ quan chủ quản đề xuất chương trình, dự án ô

(ký tên và đóng dấu)

 


PHỤ LỤC 3

HỆ THỐNG CÁC TIÊU CHÍ SỬ DỤNG ĐỂ TỔNG HỢP DANH MỤC YÊU CẦU TÀI TRỢ ODA

1. Mục đích

Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ sử dụng một hệ thống các tiêu chí làm công cụ hỗ trợ để lựa chọn một hoặc một số tỉnh trong số các địa phương có nhu cầu ODA cho một lĩnh vực cụ thể song nguồn vốn ODA cho lĩnh vực này của nhà tài trợ có giới hạn nhất định.

2. Hệ thống tiêu chí và phương pháp tính điểm

a. Hệ thống tiêu chí

Hệ thống tiêu chí này bao gồm các tiêu chí tổng hợp và các tiêu chí chuyên ngành.

- Nhóm các tiêu chí tổng hợp: được xem xét cho từng tỉnh. Nhóm tiêu chí này phản ánh tình trạng phát triển kinh tế – xã hội nói chung của từng tỉnh.

+ GDP bình quân đầu người

+ Khả năng thu chi ngân sách

+ Vốn ODA bình quân đầu người

+ Các mục tiêu phát triển về xã hội và giảm nghèo (các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ - MDG) bao gồm:

· Giảm tỷ lệ hộ nghèo

· Phổ cập và cải thiện chất lượng giáo dục

· Bình đẳng giới, nâng cao vị thế cho phụ nữ và bảo đảm quyền cho trẻ em nữ

· Giảm tỷ lệ sinh, tỷ lệ tử vong và suy dinh dưỡng của trẻ em

· Sức khỏe sinh sản của các bà mẹ

· Phòng chống HIV/AIDS, sốt rét và các bệnh khác

· Đảm bảo bền vững về môi trường

· Bảo đảm các công trình hạ tầng thiết yếu cho người nghèo, cộng đồng nghèo và xã nghèo.

· Tạo việc làm

· Phát triển Văn hóa thông tin, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân; bảo tồn Văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số

· Giảm khả năng dễ bị tổn thương và phát triển mạng lưới an sinh xã hội trợ giúp cho các đối tượng yếu thế và người nghèo.

· Đẩy mạnh cải cách hành chính, cung cấp kiến thức về pháp lý cho người nghèo.

- Nhóm các tiêu chí chuyên ngành:

+ Sử dụng các tiêu chí hiện hành đối với từng ngành, lĩnh vực cụ thể phù hợp với nội dung của từng chương trình, dự án yêu cầu tài trợ (ví dụ: y tế, giáo dục, giao thông nông thôn, cấp thoát nước…)

+ Các số liệu dùng để so sánh, đối chiếu được căn cứ trên các số liệu chính thức được công bố tại:

* Niên giám thống kê do Tổng cục Thống kê ban hành

* Niên giám thống kê chuyên ngành do các bộ, ngành ban hành (nếu có)

* Niên giám thống kê do các Cục Thống kê tỉnh ban hành.

Ngoài các tiêu chí trên có thể tham khảo các tiêu chí định tính (như chính sách của Chính phủ; chính sách, định hướng ưu tiên của nhà tài trợ; tác động của dự án đối với quốc gia, vùng và địa phương; mức độ sẵn sàng của địa phương trong việc chuẩn bị tiếp nhận và thực hiện dự án) để xác định thứ tự ưu tiên tổng hợp Danh mục yêu cầu tài trợ ODA.

b. Phương pháp tính điểm

- Phương pháp cho điểm dựa trên mức độ ưu tiên của từng tiêu chí liên quan. Với mỗi tiêu chí, các địa phương sẽ được sắp xếp theo thứ tự từ mức cao đến mức thấp và cho điểm tương ứng từ thấp đến cao. Tổng tất cả các điểm theo các tiêu chí trên của từng địa phương sẽ được so sánh với nhau để quyết định lựa chọn địa phương tiếp nhận dự án.

Địa phương nào có tổng số điểm lớn hơn tức là địa phương đó càng cần có dự án hơn.

- Trong những trường hợp phức tạp (ví dụ như so sánh giữa nhiều địa phương khác nhau mà mức độ chênh lệch trong cùng một chỉ tiêu là không đáng kể), nhóm chỉ tiêu sẽ được lượng hóa tương đối theo các địa phương theo mô hình của phương pháp trọng số để đánh giá.

Ví dụ: Chọn 1 trong 6 địa phương sẽ tiếp nhận một dự án

Phương pháp chọn:

Mỗi tiêu chí các địa phương được xếp thứ tự từ thấp đến cao (1-6). Số điểm của địa phương j theo tiêu chí i sẽ được lấy bằng:

(=1) nếu theo tiêu chí i địa phương j đứng thứ 1 hoặc 2

(=2) nếu đứng thứ 3 hoặc 4

(=3) nếu đứng thứ 5 hoặc 6

ĐĐP(j) = STC (i,j); (i=1,n)


 

Tiêu chí

Địa phương 1

Địa phương 2

Địa phương 3

Địa phương 4

Địa phương 5

Địa phương 6

1.

TC (1,1)

 

 

 

 

 

2.

 

 

 

 

 

 

 

 

TC (i,j)

 

 

 

n.

 

 

 

 

 

 

Tổng số

ĐĐP(1)

ĐĐP(2)

ĐĐP(3)

ĐĐP(4)

ĐĐP(5)

ĐĐP(a6)

Điểm của địa phương j (ĐĐP(j)) bằng tổng số điểm mà địa phương đó đạt được ở tất cả các tiêu chí từ 1 đến n.


PHỤ LỤC 4A

NỘI DUNG VĂN KIỆN DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA

(Tên dự án)

1. Tên dự án:

2. Mã ngành dự án [13]: ...............                                    Mã số dự án[14]: ...............

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Chủ dự án:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Thời gian dự kiến thực hiện dự án[15]:

7. Địa điểm thực hiện dự án: (ghi rõ tới cấp huyện, nếu có thể áp dụng được):

8. Tổng vốn của dự án: ................... USD

Trong đó:

a) Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện dự án)

b) Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

9. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o

10. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của dự án

Khái quát mục tiêu và các kết quả của dự án


NỘI DUNG DỰ ÁN HỖ TRỢ KỸ THUẬT SỬ DỤNG VỐN ODA

I. Căn cứ hình thành dự án

1. Cơ sở pháp lý của dự án

a) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

b) Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức

c) Quyết định của cơ quan chủ quản về chủ dự án

d) Các văn bản pháp lý liên quan khác

2. Bối cảnh của dự án

a) Mô tả chi tiết vai trò, vị trí và sự cần thiết của dự án trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch phát triển của lĩnh vực có liên quan và của đơn vị thụ hưởng ODA (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).

b) Nêu các chương trình, dự án tương tự đã và đang thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản và các chương trình, dự án đã được tiếp nhận trong cùng một lĩnh vực để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phối hợp, chia sẻ kết quả giữa các dự án với nhau nhằm phát huy hiệu quả tối đa.

3. Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ dự án.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của dự án.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Mô tả tính phù hợp của mục tiêu dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Nêu các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Mục tiêu của dự án

1. Mục tiêu dài hạn

Mô tả hiệu quả, những lợi ích lâu dài mà dự án đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các nhóm đối tượng liên quan.

2. Mục tiêu ngắn hạn

Mô tả đích mà dự án cần đạt được khi kết thúc để đáp ứng nhu cầu trực tiếp của đối tượng thụ hưởng, từ đó hỗ trợ đạt được mục tiêu dài hạn.

IV. Các kết quả chủ yếu của dự án

Xác định rõ các kết quả cuối cùng của dự án

V. Những cấu phần và hoạt động của dự án

Mô tả chi tiết kế hoạch thực hiện các cấu phần hoặc tiểu dự án (nếu có) và hoạt động tương ứng của dự án theo các nội dung sau:

- Mục đích

- Các kết quả dự kiến

- Tổ chức thực hiện

- Thời gian bắt đầu và kết thúc

- Dự kiến nguồn lực

VI. Ngân sách dự án

1. Tổng vốn của dự án:................... USD

Trong đó:

a) Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện dự án)

b) Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

2. Cơ cấu vốn theo: dịch vụ tư vấn (ước tính tỷ trọng chuyên gia trong nước/chuyên gia quốc tế), đào tạo (trong nước, nước ngoài); thiết bị và vật tư (trong nước, nước ngoài), các chi phí quản lý; chi phí theo dõi và đánh giá dự án và các chi phí khác.

3. Cơ chế tài chính trong nước đối với dự án

a) Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

b). Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            - Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn được huy động theo một hoặc một số các hình thức sau:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

(trong đó: vốn NS Trung ương .......%, vốn NS địa phương ........%)

- Vốn tín dụng ưu đãi ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn của cơ quan chủ quản ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ dự án ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có) ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng.

VII. Các quy định về quản lý tài chính của dự án

1. Hình thức giải ngân (qua kho bạc, tài khoản đặc biệt hay tài khoản tạm ứng…)

2. Tổ chức công tác kế toán, thanh quyết toán

3. Trách nhiệm quản lý vốn (mở tài khoản, chủ tài khoản…)

4. Kiểm toán dự án

VIII. Tổ chức quản lý thực hiện dự án

1. Cơ cấu tổ chức

a) Mô hình tổ chức quản lý dự án theo thỏa thuận với nhà tài trợ

b) Hoạt động của Ban quản lý dự án tuân theo Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/03/2007 về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các Ban quản lý dự án ODA.

2. Cơ chế phối hợp

a) Phối hợp giữa cơ quan chủ quản, chủ dự án, Ban quản lý dự án (ban quản lý tiểu dự án)

b) Phối hợp giữa các đơn vị tham gia thực hiện dự án với nhà tài trợ và các cơ quan khác trong quá trình thực hiện dự án.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ dự án sẽ được giao thực hiện dự án.

IX. Theo dõi và đánh giá dự án

1. Xây dựng chi tiết kế hoạch theo dõi thực hiện dự án trên các mặt:

a) Thực hiện dự án

b) Quản lý dự án

c) Xử lý, phản hồi thông tin theo dõi

2. Xây dựng chi tiết kế hoạch đánh giá tình hình thực hiện dự án

a) Đánh giá ban đầu

b) Đánh giá giữa kỳ

c) Đánh giá kết thúc

3. Chế độ kiểm tra, báo cáo của dự án

X. Tác động của dự án

1. Phân tích tác động của dự án đối với đối tượng thụ hưởng (trực tiếp, gián tiếp)

Nêu rõ những lợi ích đối với các đối tượng thụ hưởng sau khi dự án kết thúc (bằng định tính và định lượng)

2. Phân tích các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của dự án sau khi kết thúc

a) Mô tả tác động kinh tế – xã hội của dự án: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng…

b) Mô tả những tác động môi trường của dự án

3. Tác động giới

XI. Rủi ro

Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và nêu các biện pháp để khắc phục rủi ro

XII. Đánh giá tính bền vững của dự án sau khi kết thúc

Đánh giá tính bền vững của dự án trên các phương diện:

1. Bền vững về kết quả: kết quả của dự án được duy trì và phát triển sau khi dự án kết thúc.

2. Bền vững về tổ chức: cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của dự án được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi dự án kết thúc.

3. Bền vững về tài chính: sau khi hết tài trợ, các hoạt động của dự án có thể tự tạo ra kinh phí để tiếp tục các hoạt động cần thiết khác.

4. Bền vững về môi trường: môi trường tự nhiên quanh khu vực thực hiện dự án được bảo tồn sau khi dự án kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Chủ dự án

(ký tên và đóng dấu)

 

Văn kiện dự án có thể kèm theo một số phụ lục sau:

1. Danh mục trang thiết bị cung cấp để thực hiện dự án

2. Khung logic của dự án

3. Điều khoản giao việc của các chức danh chủ chốt và dịch vụ tư vấn

4. Các bảng biểu bao gồm cả bảng tổng hợp và chi tiết về ngân sách dự án

5. Ảnh minh họa

6. Bản đồ

7. Các tài liệu có liên quan khác.


PHỤ LỤC 4B

NỘI DUNG VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN ODA[16]

(Tên chương trình)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH

1. Tên chương trình:

2. Mã ngành chương trình[17]: ...................         Mã số chương trình[18]: ................

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Chủ chương trình:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Thời gian dự kiến thực hiện chương trình[19]:

7. Địa điểm thực hiện chương trình: (ghi rõ tới cấp huyện, nếu có thể áp dụng được):

8. Tổng vốn của chương trình: ................... USD

a) Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện chương trình)

b) Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

9. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o

10. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình

Khái quát mục tiêu và kết quả của chương trình.


NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH SỬ DỤNG VỐN ODA

I. Căn cứ hình thành chương trình 

1. Cơ sở pháp lý

a) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

b) Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức

c) Quyết định của cơ quan chủ quản về chủ chương trình

d) Các văn bản pháp lý liên quan

2. Bối cảnh của chương trình

a) Mô tả chi tiết vai trò, vị trí và sự cần thiết của chương trình trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của lĩnh vực có liên quan và của đơn vị thụ hưởng ODA (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương)

b) Nêu các chương trình tương tự đã và đang thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản và các chương trình, dự án đã được tiếp nhận trong cùng một lĩnh vực để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phối hợp, chia sẻ kết quả giữa các chương trình, dự án với nhau nhằm phát huy hiệu quả tối đa.

3. Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ chương trình.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chương trình.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu chương trình với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Mục tiêu của chương trình

1. Mục tiêu tổng thể

Mô tả hiệu quả, những lợi ích lâu dài mà chương trình đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các nhóm đối tượng liên quan.

2. Mục tiêu thành phần

Mô tả các mục tiêu thành phần cần đạt được để hỗ trợ đạt được mục tiêu tổng thể của chương trình.

IV. Các kết quả chủ yếu của chương trình

Xác định rõ các kết quả cuối cùng của chương trình

V. Các dự án thành phần hoặc cấu phần và hoạt động của chương trình

1. Mô tả các thành phần của chương trình, các dự án thành phần (nếu có) hoặc các cấu phần và các hoạt động tương ứng, gồm:

- Mục đích

- Các kết quả dự kiến

- Tổ chức thực hiện

- Thời gian bắt đầu và kết thúc

- Dự kiến nguồn lực.

2. Mô tả mối quan hệ tương tác giữa các dự án thành phần (nếu có) hoặc các cấu phần của chương trình.

VI. Ngân sách chương trình

1. Tổng vốn của chương trình:

a) Tổng vốn của cả chương trình: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện chương trình)

- Vốn đối ứng: ................... VND tương đương với ................... USD

b) Vốn cho từng thành phần (nếu có) hoặc cấu phần.

2. Cơ cấu vốn của các thành phần chương trình phân theo: dịch vụ tư vấn (ước tính tỷ trọng chuyên gia trong nước/chuyên gia quốc tế), xây lắp; thiết bị và vật tư (trong nước; ngoài nước); đào tạo (trong nước, ngoài nước); các chi phí quản lý; chi phí theo dõi và đánh giá chương trình và các chi phí khác.

3. Cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình

a) Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

b) Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng: ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn được huy động theo một hoặc một số trong các hình thức sau:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

(trong đó: vốn NS trung ương .......%, Vốn NS địa phương ........%)

- Vốn tín dụng ưu đãi ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn của cơ quan chủ quản ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ chương trình ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có) ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng.

VII. Các quy định về quản lý tài chính của chương trình

1. Hình thức giải ngân (qua kho bạc, tài khoản đặc biệt hay tài khoản tạm ứng…)

2. Tổ chức công tác kế toán, thanh quyết toán

3. Trách nhiệm quản lý vốn (mở tài khoản, chủ tài khoản…)

4. Kiểm toán chương trình

VIII. Tổ chức quản lý thực hiện chương trình

1. Cơ cấu tổ chức

a) Mô hình tổ chức quản lý chương trình theo thỏa thuận với nhà tài trợ

b) Hoạt động của Ban quản lý chương trình tuân theo Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/03/2007 về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các Ban quản lý dự án ODA.

2. Cơ chế phối hợp

a) Phối hợp giữa cơ quan chủ quản, chủ chương trình, các đơn vị thực hiện cấu phần với Ban quản lý chương trình.

b) Phối hợp giữa các đơn vị tham gia thực hiện chương trình với nhà tài trợ và các cơ quan khác trong quá trình thực hiện chương trình.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ chương trình sẽ được giao thực hiện chương trình, bao gồm cả năng lực tài chính.

IX. Theo dõi và đánh giá chương trình

1. Xây dựng chi tiết kế hoạch theo dõi thực hiện chương trình trên các mặt:

a) Thực hiện chương trình

b) Quản lý chương trình

c) Xử lý, phản hồi thông tin theo dõi

2. Xây dựng chi tiết kế hoạch đánh giá tình hình thực hiện chương trình

a) Đánh giá ban đầu

b) Đánh giá giữa kỳ

c) Đánh giá kết thúc

3. Chế độ kiểm tra, báo cáo của chương trình

X. Tác động của chương trình

1. Phân tích tác động của chương trình đối với đối tượng thụ hưởng (trực tiếp, gián tiếp)

Nêu rõ những lợi ích đối với các đối tượng thụ hưởng sau khi dự án kết thúc (bằng định tính và định lượng)

2. Phân tích các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của chương trình

a) Mô tả các tác động kinh tế – xã hội của chương trình: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng…

b) Mô tả các tác động môi trường của chương trình

3. Tác động giới

XI. Rủi ro

Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và nêu các biện pháp để khắc phục rủi ro.

XII. Đánh giá tính bền vững của chương trình sau khi kết thúc

Đánh giá tính bền vững của chương trình trên các phương diện:

1. Bền vững về kết quả: kết quả của chương trình được duy trì và phát triển sau khi chương trình kết thúc.

2. Bền vững về tổ chức: cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của chương trình được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi chương trình kết thúc.

3. Bền vững về tài chính: sau khi hết tài trợ, các hoạt động của chương trình có thể tự tạo ra kinh phí để tiếp tục các hoạt động cần thiết khác.

4. Bền vững về môi trường: môi trường tự nhiên quanh khu vực thực hiện chương trình được bảo tồn sau khi chương trình kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Chủ chương trình

(ký tên và đóng dấu)

 

Văn kiện chương trình có thể có một số phụ lục sau:

1. Đề cương chi tiết cho từng dự án thành phần hoặc cấu phần

2. Danh mục trang thiết bị cung cấp để thực hiện chương trình

3. Khung logic

4. Điều khoản giao việc của các chức danh chủ chốt và dịch vụ tư vấn

5. Các bảng biểu bao gồm cả bảng tổng hợp và chi tiết về ngân sách chương trình

5. Ảnh minh họa

6. Bản đồ

7. Các tài liệu có liên quan khác.


PHỤ LỤC 4C

NỘI DUNG VĂN KIỆN CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

(Tên chương trình, dự án ô)

THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

1. Tên chương trình, dự án ô:

2. Mã ngành chương trình, dự án ô [20]: ......                    Mã số chương trình, dự án ô[21]: ......

3. Tên nhà tài trợ:

4. Cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

5. Chủ chương trình, dự án ô:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

6. Cơ quan chủ quản các dự án thành phần:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

7. Chủ các dự án thành phần:

a) Địa chỉ liên lạc: ...............                                     b) Số điện thoại/Fax: ...............

8. Thời gian dự kiến thực hiện chương trình, dự án ô[22]:

9. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án ô (ghi rõ tới cấp huyện, nếu có thể áp dụng được):

10. Vốn của chương trình, dự án ô:

a) Tổng vốn của chương trình, dự án ô:................... USD

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện chương trình)

- Vốn đối ứng: ................... VND, tương đương với ................... USD

b) Vốn của từng dự án thành phần

11. Hình thức cung cấp ODA

a) ODA không hoàn lại                          o

b) ODA vay ưu đãi                                o

c) ODA vay hỗn hợp                             o

12. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án ô

Khái quát mục tiêu và kết quả của chương trình, dự án ô.

NỘI DUNG CHƯƠNG TRÌNH CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN Ô

I. Căn cứ hình thành chương trình, dự án ô

1. Cơ sở pháp lý

a) Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Danh mục yêu cầu tài trợ ODA

b) Thông báo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về Danh mục tài trợ chính thức

c) Quyết định của cơ quan chủ quản về chủ chương trình, dự án

d) Các văn bản pháp lý liên quan

2. Bối cảnh của chương trình, dự án ô

a) Mô tả chi tiết vai trò, vị trí và sự cần thiết của chương trình, dự án trong khung khổ quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn của lĩnh vực có liên quan và của đơn vị thụ hưởng ODA (cơ quan, ngành, lĩnh vực, địa phương).

b) Nêu các chương trình, dự án tương tự đã và đang thực hiện trong lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý của cơ quan chủ quản và các chương trình, dự án đã được tiếp nhận trong cùng một lĩnh vực để tránh trùng lặp và đảm bảo sự phối hợp, chia sẻ kết quả giữa các chương trình, dự án với nhau nhằm phát huy hiệu quả tối đa.

3. Các vấn đề sẽ được giải quyết trong khuôn khổ chương trình, dự án ô.

4. Nêu rõ những đối tượng thụ hưởng trực tiếp của chương trình, dự án ô.

II. Cơ sở đề xuất nhà tài trợ

1. Tính phù hợp của mục tiêu chương trình, dự án với chính sách và định hướng ưu tiên của nhà tài trợ.

2. Phân tích lý do lựa chọn và lợi thế của nhà tài trợ về công nghệ, kinh nghiệm quản lý, tư vấn chính sách thuộc lĩnh vực được tài trợ.

3. Các điều kiện ràng buộc theo quy định của nhà tài trợ (nếu có) và khả năng đáp ứng các điều kiện này của phía Việt Nam.

III. Mục tiêu của chương trình, dự án ô

1. Mục tiêu tổng thể chương trình, dự án ô

Mô tả hiệu quả, những lợi ích lâu dài mà chương trình, dự án ô đóng góp vào sự phát triển của xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các nhóm đối tượng liên quan.

2. Mục tiêu của các dự án thành phần

Mô tả các mục tiêu của các dự án thành phần cần đạt được để hỗ trợ đạt được mục tiêu tổng thể của chương trình, dự án ô.

IV. Các kết quả chủ yếu của chương trình, dự án ô

Xác định rõ các kết quả cuối cùng của chương trình, dự án ô

V. Các dự án thành phần và hoạt động của chương trình, dự án ô

1. Mô tả các thành phần của chương trình, dự án ô; các dự án thành phần và các hoạt động tương ứng, gồm:

- Mục đích

- Các kết quả dự kiến

- Tổ chức thực hiện

- Thời gian bắt đầu và kết thúc

- Dự kiến nguồn lực

2. Mô tả mối quan hệ tương tác giữa các dự án thành phần của chương trình, dự án ô.

VI. Ngân sách chương trình, dự án ô

1. Tổng vốn của chương trình, dự án ô:

a) Tổng vốn của chương trình, dự án ô: ................... USD

Trong đó:

- Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD

(theo tỷ giá chuyển đổi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm xây dựng Văn kiện chương trình)

- Vốn đối ứng: ................... VND tương đương với ................... USD

b) Vốn cho từng dự án thành phần

2. Cơ cấu vốn của chương trình, dự án ô và các dự án thành phần phân theo: dịch vụ tư vấn (ước tính tỷ trọng chuyên gia trong nước/chuyên gia quốc tế), xây lắp; thiết bị và vật tư (trong nước, ngoài nước); đào tạo (trong nước, ngoài nước); các chi phí quản lý; chi phí theo dõi và đánh giá và các chi phí khác.

3. Cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án ô và các dự án thành phần

a) Đối với vốn ODA:

Vốn ODA: ................... nguyên tệ, tương đương ................... USD, trong đó:

- Ngân sách cấp phát XDCB ................... % tổng vốn ODA

- Ngân sách cấp phát hành chính sự nghiệp ................... % tổng vốn ODA

- Cho vay lại ................... ...................  % tổng vốn ODA

b) Đối với vốn đối ứng

Vốn đối ứng ................... VND

Trong đó: - Hiện vật: tương đương ............ VND            Tiền mặt ........... VND

Nguồn vốn được huy động theo một hoặc một số trong các hình thức sau:

- Vốn ngân sách nhà nước cấp phát: ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

(trong đó: vốn NS trung ương .......%, vốn NS địa phương ........%)

- Vốn tín dụng ưu đãi ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn của cơ quan chủ quản ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn tự cân đối của chủ chương trình ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng

- Vốn đóng góp của các đối tượng thụ hưởng (nếu có) ................... VND (...%) tổng vốn đối ứng.

VII. Các quy định về quản lý tài chính của chương trình, dự án ô

1. Hình thức giải ngân (qua kho bạc, tài khoản đặc biệt hay tài khoản tạm ứng…)

2. Tổ chức công tác kế toán, thanh quyết toán

3. Trách nhiệm quản lý vốn (mở tài khoản, chủ tài khoản…)

4. Kiểm toán chương trình

VIII. Tổ chức quản lý thực hiện chương trình

1. Cơ cấu tổ chức

a) Mô hình tổ chức quản lý chương trình theo thỏa thuận với nhà tài trợ (thành lập và cơ chế hoạt động của Ban chỉ đạo, nếu có)

b) Hoạt động của Ban quản lý chương trình, dự án ô và các Ban quản lý dự án thành phần tuân theo Thông tư số 03/2007/TT-BKH ngày 12/03/2007 về cơ cấu tổ chức, chức năng và nhiệm vụ của các Ban quản lý dự án ODA.

2. Cơ chế phối hợp

a) Phối hợp giữa cơ quan chủ quản chương trình, dự án ô và các cơ quan chủ quản dự án thành phần; giữa chủ chương trình và chủ dự án thành phần; giữa Ban quản lý chương trình và các ban quản lý dự án dự án thành phần.

b) Phối hợp giữa các đơn vị tham gia thực hiện chương trình, dự án ô với nhà tài trợ và các cơ quan khác trong quá trình thực hiện chương trình, dự án ô.

3. Năng lực tổ chức, quản lý thực hiện của chủ chương trình, dự án ô kể cả chủ dự án thành phần sẽ được giao thực hiện chương trình, dự án ô và dự án thành phần bao gồm cả năng lực tài chính.

IX. Theo dõi và đánh giá chương trình, dự án ô

1. Xây dựng chi tiết kế hoạch theo dõi thực hiện chương trình, dự án ô trên các mặt:

a) Thực hiện chương trình

b) Quản lý chương trình

c) Xử lý, phản hồi thông tin theo dõi

2. Xây dựng chi tiết kế hoạch đánh giá tình hình thực hiện chương trình, dự án ô

a) Đánh giá ban đầu

b) Đánh giá giữa kỳ

c) Đánh giá kết thúc

3. Chế độ kiểm tra, báo cáo của chương trình, dự án ô

X. Tác động của chương trình, dự án ô

1. Phân tích tác động của chương trình, dự án ô đối với đối tượng thụ hưởng (trực tiếp, gián tiếp)

Nêu rõ những lợi ích đối với các đối tượng thụ hưởng sau khi chương trình, dự án kết thúc (bằng định tính và định lượng)

2. Phân tích các tác động kinh tế, xã hội và môi trường của chương trình, dự án ô

a) Mô tả các tác động kinh tế – xã hội của chương trình, dự án ô: xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, thu nhập cho người dân, nâng cấp cơ sở hạ tầng…

b) Mô tả các tác động môi trường của chương trình, dự án ô

3. Tác động giới

XI. Rủi ro

Đánh giá các rủi ro có thể xảy ra và nêu các biện pháp để khắc phục rủi ro.

XII. Đánh giá tính bền vững của chương trình, dự án ô sau khi kết thúc

Đánh giá tính bền vững của chương trình, dự án ô trên các phương diện:

1. Bền vững về kết quả: kết quả của chương trình, dự án ô được duy trì và phát triển sau khi chương trình, dự án ô kết thúc.

2. Bền vững về tổ chức: cơ cấu tổ chức, nguồn nhân lực của chương trình, dự án ô được đảm bảo để có thể tiếp tục sau khi chương trình, dự án ô kết thúc.

3. Bền vững về tài chính: sau khi hết tài trợ, các hoạt động của chương trình, dự án ô có thể tự tạo ra kinh phí để tiếp tục các hoạt động cần thiết khác.

4. Bền vững về môi trường: môi trường tự nhiên quanh khu vực thực hiện chương trình được bảo tồn sau khi chương trình, dự án ô kết thúc.

 

 

........ ngày..... tháng ....... năm

Chủ chương trình, dự án ô

(ký tên và đóng dấu)

 

Văn kiện chương trình, dự án ô có thể có một số phụ lục sau:

1. Đề cương chi tiết cho từng dự án thành phần

2. Danh mục trang thiết bị cung cấp để thực hiện chương trình, dự án ô

3. Khung logic

4. Điều khoản giao việc của các chức danh chủ chốt và dịch vụ tư vấn

5. Các bảng biểu bao gồm cả bảng tổng hợp và chi tiết về ngân sách chương trình, dự án

5. Ảnh minh họa

6. Bản đồ

7. Các tài liệu có liên quan khác.


PHỤ LỤC 5

BIÊN BẢN HỘI NGHỊ THẨM ĐỊNH

Chương trình, dự án (Tên chương trình, dự án)

 

I. Cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định:

II. Thời gian và địa điểm tổ chức thẩm định

III. Thành phần hội nghị thẩm định

IV. Chủ tọa hội nghị thẩm định

V. Nội dung hội nghị thẩm định

1. Khai mạc hội nghị

Giới thiệu thành phần tham dự hội nghị, thông qua chương trình hội nghị và cơ sở pháp lý tiến hành thẩm định văn kiện chương trình, dự án.

2. Tóm tắt nội dung chương trình, dự án

a) Tên chương trình, dự án: ..................................................................................

b) Tên nhà tài trợ: ..................................................................................................

c) Cơ quan chủ quản: ............................................................................................

d) Chủ chương trình, dự án: ..................................................................................

e) Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án: .............................

f) Địa điểm thực hiện chương trình, dự án: ............................................................

g) Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án

h) Tổng vốn của chương trình, dự án: ............. USD

- Vốn ODA : ............. nguyên tệ, tương đương với ............. USD

- Vốn đối ứng: ............. VND, tương đương với ............. USD

i) Nguồn và cơ chế tài chính trong nước đối với chương trình, dự án.

3. Các ý kiến đóng góp của các cơ quan tham gia thẩm định (bằng văn bản và ý kiến tại hội nghị) và kết quả thảo luận tại hội nghị (tập trung vào tính hợp lý, tính khả thi và tính bền vững của chương trình, dự án)

a) Vấn đề 1: ...........................................................

Kết quả thảo luận:                     + nội dung nhất trí:

                                                + nội dung chưa thống nhất, đề nghị bảo lưu:

b) Vấn đề 2: ...........................................................

Kết quả thảo luận:                     + nội dung nhất trí:

                                                + nội dung chưa thống nhất, đề nghị bảo lưu:

............................

VI. Kết luận của hội nghị thẩm định

1. Những vấn đề chung

- Chương trình, dự án phù hợp (không phù hợp) với ưu tiên sử dụng ODA của Chính phủ Việt Nam.

- Hội nghị thống nhất với các vấn đề đã thảo luận ở điểm 3 mục V của Biên bản thẩm định.

2. Những nội dung đề nghị phải bổ sung, điều chỉnh, thời gian hoàn thành các bổ sung, điều chỉnh (nếu có)

Đề nghị chủ chương trình, dự án làm việc với nhà điều chỉnh, bổ sung để hoàn chỉnh văn kiện chương trình, dự án theo các điểm đã thảo luận và thống nhất nêu tại điểm 3 Mục V của Biên bản thẩm định này, chậm nhất đến ngày ...... tháng ...... năm ....... phải gửi lại cho ......... (cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định)

 

Thư ký hội nghị

(ký tên)

Chủ tọa hội nghị

(ký tên và đóng dấu)

 


PHỤ LỤC 6

 

CƠ QUAN CHỦ QUẢN

*******

Số: ..............-QĐ

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

*******

..........., ngày     tháng    năm

QUYẾT ĐỊNH

V/v: Phê duyệt nội dung văn kiện chương trình, dự án

(Tên chương trình, dự án)

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ QUẢN

Căn cứ Nghị định số 131/2006/NĐ ngày 09 tháng 11 năm 2006 về ban hành Quy chế về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển­ chính thức;

Căn cứ Thông tư số......... của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về hướng dẫn thực hiện Nghị định số 131/2006/N –CP về ban hành Quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức;

Căn cứ Báo cáo kết quả thẩm định chương trình, dự án... (tên chương trình, dự án) của ............... (tên cơ quan chủ trì tổ chức thẩm định),

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chương trình, dự án… (tên chương trình, dự án) (Văn kiện chương trình, dự án kèm theo) với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên chương trình, dự án: ....................................................................................

2. Tên nhà tài trợ: ....................................................................................................

3. Cơ quan chủ quản: ..............................................................................................

4. Chủ chương trình, dự án: ....................................................................................

5. Địa điểm thực hiện chương trình, dự án: ............................................................

6. Thời gian dự kiến bắt đầu và kết thúc chương trình, dự án: ...............................

7. Mục tiêu và kết quả chủ yếu của chương trình, dự án: .......................................

8. Tổng vốn của chương trình, dự án:

- Vốn ODA : .............................................................................................................

- Vốn đối ứng: ..........................................................................................................

Điều 2. .............. (tên chủ chương trình dự án) và ..........(tên các cơ quan liên quan) đến nội dung chương trình, dự án chịu trách nhiệm thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

Nơi nhận:

THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN CHỦ QUẢN

(Ký tên và đóng dấu)


PHỤ LỤC 7

Cơ quan chủ quản:

Chủ dự án:

KẾ HOẠCH GIẢI NGÂN VỐN ODA VÀ VỐN ĐỐI ỨNG NĂM.....

Dự án: ............................(tên dự án)

Nhà tài trợ: ............(tên nhà tài trợ)

Đơn vị tính: Triệu VNĐ

Số TT

Tên hạng mục/cấu phần

Tổng vốn của chương trình, dự án (*)

Lũy kế giải ngân từ đầu đến thời điểm báo cáo

Ước thực hiện năm báo cáo

Kế hoạch giải ngân năm tiếp theo

Tổng số

ODA (**)

Vốn đối ứng

ODA (***)

Vốn đối ứng

ODA (***)

Vốn đối ứng

ODA (***)

Vốn đối ứng

Vốn vay

Viện trợ

Tổng số (b)

XDCB

HCSN

HTNS

CVL

Tổng số (b)

XDCB

HCSN

HTNS

CVL

Tổng số (b)

XDCB

HCSN

HTNS

CVL

 

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

(10)

(11)

(12)

(13)

(14)

(15)

(16)

(17)

(18)

(19)

(20)

(21)

(22)

(23)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Ngày… tháng ..... năm

Chủ dự án

(Ký tên và đóng dấu)

Ghi chú:

(*)         - Vốn ODA ghi theo Điều ước quốc tế cụ thể về ODA đã ký kết (quy đổi ra VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm ký kết)

            - Vốn đối ứng: theo Văn kiện dự án được phê duyệt

(**)        - Vốn ODA quy đổi ra VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm ký kết

(***)      - Vốn ODA quy đổi ra VNĐ theo tỷ giá tại thời điểm lập báo cáo

Các chữ viết tắt:

            - XDCB: Xây dựng cơ bản

            - HCSN: Hành chính sự nghiệp

            - HTNS: Hỗ trợ ngân sách

            - CVL : Cho vay lại



[1] Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

[2] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện dự án kể từ ngày dự án có hiệu lực

[3] Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

[4] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện dự án kể từ ngày dự án có hiệu lực

[5] Áp dụng đối với chương trình, dự án có nhiều cấu phần, đa lĩnh vực và chỉ có một cơ quan chủ quản.

[6] Mã ngành kinh tế quốc dân của chương trình, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

[7] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện chương trình kể từ ngày chương trình có hiệu lực.

[8] Tên chương trình đang thực hiện hoặc ngành hoặc lĩnh vực sẽ được hỗ trợ ODA

[9] Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

[10] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện hỗ trợ kể từ ngày phương thức hỗ trợ có hiệu lực

[11] Mã ngành kinh tế quốc dân của chương trình, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

[12] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện chương trình kể từ ngày chương trình, dự án ô có hiệu lực

[13] Mã ngành kinh tế quốc dân của dự án, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ)

[14] Mã dự án do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

[15] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện dự án kể từ ngày dự án có hiệu lực.

[16] Áp dụng đối với chương trình, dự án có nhiều cấu phần, đa lĩnh vực và chỉ có một cơ quan chủ quản.

[17] Mã ngành kinh tế quốc dân của chương trình, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

[18] Mã chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

[19] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện chương trình kể từ ngày chương trình có hiệu lực.

[20] Mã ngành kinh tế quốc dân của chương trình, phân theo Danh mục Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam 2007 (Ban hành kèm theo Quyết định số 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ).

[21] Mã chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư thông báo.

[22] Xác định số năm hoặc số tháng cần thiết để thực hiện chương trình kể từ ngày chương trình có hiệu lực.

THE MINISTRY OF PLANNING AND INVESTMENT

 

SOCIALIST REPUBLIC OF VIETNAM

Independence - Freedom - Happiness

No. 04/2007/TT-BKH

Ha Noi, July 30, 2007

 

CIRCULAR

GUIDING THE IMPLEMENTATION OF THE REGULATION ON MANAGEMENT AND USE OF OFFICIAL DEVELOPMENT ASSISTANCE (PROMULGATED TOGETHER WITH THE GOVERNMENT’S DECREE 131/2006/ND-CP OF NOVEMBER 9, 2006)

Pursuant to the Government’s Decree 61/2003/ND-CP of June 6, 2003, on the functions, tasks, powers and organizational structure of the Ministry of Planning and Investment;

Pursuant to Article 3 of the Government’s Decree 131/2006/ND-CP of November 9, 2006, promulgating the Regulation on management and use of official development assistance;

The Ministry of Planning and Investment guides the implementation of the Government’s Decree 131/2006/ND-CP of November 9, 2006, promulgating the Regulation on management and use of official development assistance (below referred to as the Regulation for short) as follows:

Part I

GENERAL PROVISIONS

I. THE SCOPE OF REGULATION DEFINED AT POINTS B AND C, CLAUSE 2, ARTICLE 1 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Donors’ loans under concessional conditions on interest rates, grace periods and repayment durations which fail to ensure the non-refundable element stated at Points b and c, Clause 2, Article 1 of the Regulation will fall under the scope of regulation of this Regulation if:

a/ Loans within the framework of official development assistance between the Government of Vietnam and donors (national programs, credit lines and other financial supports).

b/ The use of these loans complies with the requirements on donors’ and Vietnam’s process and procedures similar to those applicable to concessional loans defined at Points b and c, Clause 2, Article 1 of the Regulation.

For other cases, if donors’ loans fail to satisfy the conditions specified at Points a and b above, the Ministry of Planning and Investment shall consult the OECD-DAC on the application of the Regulation to these loans.

II. TERMS MENTIONED IN CLAUSES 4, 6, 9, 10, 11, 15 AND 16, ARTICLE 4 OF THE REGULATION ARE CLARIFIED AS FOLLOWS:

1. Programs or projects include:

a/ Programs or projects with one or more than one component in one or more than one domain but under the management of only one agency.

b/ Programs or projects with many component projects which are participated in by many managing agencies, including one managing agency holding the coordinating role and other agencies managing component projects. In this case, programs or projects are referred to as umbrella programs or projects. The managing agency holding the coordinating role is referred to as umbrella program- or project-managing agency.

2. Regional programs or projects are programs or projects that finance a group of countries within a certain geographical area to cooperate in implementing activities in a specific domain so as to achieve specified objectives in their common interests.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. Program- or branch-based approach: Donors base themselves on the development program, planning or plan of a branch or domain, which has been approved by a competent Vietnamese agency, to provide additional resources to ensure that the program is implemented in a coordinated, sustainable and effective manner.

In some cases, program- or branch-based approach may be attached with some conditions agreed upon between donors and Vietnam in order to encourage the implementation of some development policies.

When policy conditions set by a donor fall beyond their deciding competence, managing agencies shall submit them to the Prime Minister for consideration and decision.

Program- or branch-based approach may be implemented through the following forms of funding:

a/ Budget support: Donors additionally provide ODA capital directly for the state budget, central budget or budgets of provinces, cities or districts to support the attainment of socio-economic development objectives in a plan period, comply with the budget law and regulations of Vietnam on budgeting; budget implementation; supervision, monitoring and evaluation of the process of budget implementation.

Budget support includes:

- General budget support (GBS): One donor or a group of donors provides ODA capital for the central budget, local budgets or a branch’s budget.

- Target budget support (TBS): One donor or a group of donors provides ODA capital for the budget of a specific target program.

b/ Pooling fund: One donor or a group of donors agrees to contribute ODA capital to a common fund to finance the implementation of a specific program or domain.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



d/ Sector loan: A donor provides ODA loans for the implementation of projects in order to support the development of a branch or domain with many different beneficiary units and on a large area. Sector loans are a type of umbrella program or project.

Part II

ODA MOBILIZATION AND PREPARATION OF ODA-CALLING LISTS

I. COORDINATION IN ODA MOBILIZATION STIPULATED IN ARTICLE 6 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with concerned Vietnamese agencies, the World Bank and other donors in, preparing agendas for and organizing CG conferences for Vietnam, including informal mid-term CG conferences and formal annual CG conferences; and assume the prime responsibility for Vietnam’s participation in international forums on ODA for Vietnam.

Within 10 working days from the closing date of a conference or forum, the Ministry of Planning and Investment shall send a report to the Prime Minister on the results of the conference or forum and publicize its outcomes and documents on the Ministry’s website and the mass media.

2. If managing agencies intend to mobilize ODA on the occasion of high-ranking Party and State visits or negotiations, they shall coordinate with the Ministry of Planning and Investment in suggesting ODA mobilization contents before submitting them to the Prime Minister for consideration and decision on their inclusion in the working or negotiation agendas with other countries and donors.

3. Ministerial-level agencies, branches and provincial-level People’s Committees shall assume the prime responsibility for organizing ODA mobilization meetings for their respective branches, domains or localities in accordance with current regulations on organization of international conferences and seminars.

In the course of preparing and organizing ODA mobilization conferences for their respective branches, domains or localities, organizing agencies at different levels shall work with the Ministry of Planning and Investment on relevant issues such as guidelines and policies on ODA mobilization for branches, domains or localities; share necessary information on funding sources and conditions as well as funding process and procedures so as to ensure that ODA mobilization activities are in line with general guidelines and polices, practical and highly effective.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



4. When wishing to organize an inter-branch, inter-regional or inter-local ODA mobilization conference or receiving a joint proposal of provinces and cities in a region, several regions or localities, the Ministry of Planning and Investment or another agency as decided by the Prime Minister shall assume the prime responsibility for organizing a regional, inter-regional or inter-local conference in accordance with current regulations on organization of international conferences and seminars.

Within 10 working days from the closing date of a conference, the Ministry of Planning and Investment or the organizing agency shall send a report on the outcomes of the conference to the Prime Minister and also to the provinces and cities participating in the conference and concerned agencies and branches. These reports shall be publicized on the websites of the Ministry of Planning and Investment and the mass media.

5. For the purpose of ODA mobilization work, the Ministry of Foreign Affairs or an overseas diplomatic mission of the Socialist Republic of Vietnam may request the Ministry of Planning and Investment to supply necessary information and documents on development cooperation in Vietnam and relevant donors; guidelines and policies of the Party and State on ODA attraction and use.

II. THE ORDER OF FORMULATION OF ODA-CALLING LISTS STIPULATED IN CLAUSES 2 AND 3, ARTICLE 7 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. Step 1: Preparing for the formulation of ODA-calling lists with respect to each donor

Managing agencies and units seeking for ODA shall prepare and study the following relevant documents:

a/ Development plannings and plans of the State, branches, domains and localities; public investment programs; national target programs and branches’ and localities’ target programs; general documents on ODA; the strategic orientation on borrowing and repayment of foreign loans and the orientation on attraction and use of official development assistance in each period; and the system of use criteria for making a general list of ODA-calling projects;

b/ Information and documents on donors publicized by donors (donors’ financing policies and programs; donors’ financing programs and priority areas for Vietnam; and financing process and procedures). Such information and documents are available on the websites of the embassies or aid agencies and publications distributed by these agencies. Interested Vietnamese organizations and units may directly request the embassies or donors’ aid agencies in Vietnam to supply these documents;

c/ Information on the website of the Ministry of Planning and Investment covers ODA capital commitments, financing conditions and procedures; reports on results of negotiations on development cooperation with relevant donors; and medium-term financing programs already signed with donors.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Step 2: Formulating detailed outlines of programs and projects and submitting them to managing agencies

On the basis of the information mentioned at step 1, units seeking for ODA shall take the initiative in formulating or shall formulate under the direction and instruction of managing agencies detailed outlines of programs and projects according to the contents specified at Point b, Clause 2, Article 7 of the Regulation and the form of detailed outline of a technical assistance project (Appendix 2a); the form of detailed outline of ODA-funded investment project (Appendix 2b); the form of detailed outline of ODA-funded program (Appendix 2c) or the form of detailed outline of program- or branch-approached ODA support (Appendix 2d) to this Circular (not printed herein).

For umbrella programs or projects, managing agencies shall put forward umbrella program or project proposals, and coordinate with managing agencies expected to participate in umbrella programs or projects in formulating their detailed outlines under the guidance in Appendix 2e to this Circular (not printed herein).

3. Step 3: Selecting programs and projects for inclusion in the ODA calling list

Managing agencies shall consider and select ODA programs and projects proposed by their attached units on the following bases:

a/ Proposed programs and projects must be in the domains prioritized for ODA use stipulated in Article 3 and have ODA mobilization grounds specified in Article 5 of the Regulation;

b/ Proposed programs and projects must conform with donors’ policies and capabilities;

c/ Proposed programs’ and projects’ detailed outlines meet the requirements prescribed in this Circular;

d/ Units proposing ODA programs or projects are capable of receiving, managing and implementing the programs or projects and exploiting and using the outcomes of completed programs or projects, if they are assigned to act as program or project owners.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within two months before the Ministry of Planning and Investment exchanges opinions or negotiates with each donor, the managing agency shall send to the Ministry of Planning and Investment a complete and valid dossier, consisting of the managing agency’s official written request for funding, briefly explaining the bases for proposing each program or project, enclosed with eight sets of the detailed outline of each program or project proposed to be funded with ODA in Vietnamese and English. For an umbrella program or project, the managing agency proposing the program or project shall also send written agreements of managing agencies expected to participate in the program or project.

5. Step 5: Synthesizing and submitting to the Prime Minister an ODA-calling list

After receiving complete and valid dossier sets of managing agencies proposing the inclusion of programs or projects in the ODA-calling list, the Ministry of Planning and Investment shall base itself on the domains prioritized for ODA use specified in Article 3, the bases for ODA mobilization specified in Article 5 of the Regulation, and the system of criteria used for drawing up an ODA-calling list specified in this Circular, collect opinions of state management agencies in charge of ODA and concerned agencies, and consult donors to draw up a ODA-calling list at the proposal of managing agencies.

When many localities seek for ODA in a certain domain but donors’ ODA capital available for this domain is limited, the Ministry of Planning and Investment may use the criteria system provided in Appendix 3 to this Circular to select one or some appropriate localities to participate in programs or projects.

At least one month before exchanging opinions or negotiating with donors, the Ministry of Planning and Investment shall submit to the Prime Minister ODA-calling lists with respect to each donor enclosed with the detailed outline of each program and project. If opinions remain divergent on the contents of programs and projects, the Ministry of Planning and Investment shall review all opinions, propose solutions and report them to the Prime Minister for consideration and decision.

For other cases, the drawing up of an ODA-calling list is guided as follows:

- For a donor that has no program on regular provision of ODA for Vietnam or has no schedule on annual or periodical negotiations on development cooperation programs, managing agencies and their attached units seeking for ODA from this donor shall take the initiative in obtaining information and documents on the donor and base themselves on the guidance in this Circular to prepare detailed outlines for programs or projects calling for financial assistance. Then, managing agencies shall send to the Ministry of Planning and Investment written requests for inclusion of programs or projects in the ODA-calling list, enclosed with the detailed outline of each program or project as guided at Point 4 of this Section.

Basing itself on each specific case and the results of exchange of opinions with the donor and the guidance in this Circular, the Ministry of Planning and Investment shall make and submit to the Prime Minister an ODA-calling list.

- When a donor proposes and reaches agreement with a managing agency or its attached unit on financing a program or project not on the ODA-calling list already approved by the Prime Minister, the managing agency shall send to the Ministry of Planning and Investment a written explanation together with the detailed outline of the program or project already drawn up under the guidance of this Circular. The Ministry of Planning and Investment shall consult concerned agencies before submitting to the Prime Minister for permission the additional inclusion of this program or project in the official financing list.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- For other arising cases, the Ministry of Planning and Investment shall report them to the Prime Minister for consideration and decision.

Within five working days from the date the Ministry of Planning and Investment submits to the Prime Minister an ODA-calling list, the Ministry of Planning and Investment shall send official letters informing the reasons for non-inclusion of programs and projects in the ODA-calling list to managing agencies.

6. Step 6: Notifying the ODA-calling list

Within five working days from the date of receiving the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling lists with respect to each particular donor, the Ministry of Planning and Investment shall officially notify in the form of notes the donors of the ODA-calling list enclosed with the detailed outline of each program or project; and at the same time send official letters notifying managing agencies of programs and projects disapproved by the Prime Minister.

7. Step 7: Notifying the official financing list

Within five working days from the date of receiving the donors’ official documents notifying their acceptance to provide ODA for programs and projects on the ODA-calling list already approved by the Prime Minister or according to documents signed with the donors on the results of annual or periodical negotiations on development cooperation already approved by the Prime Minister, the Ministry of Planning and Investment shall notify in writing managing agencies of programs and projects included in the official financing list and those disapproved by the donors.

Prime Minister decisions approving the ODA-calling list and Ministry of Planning and Investment notifications on the official financing list serve as a legal basis for formulating program and project documents and carrying out other preparatory jobs.

Part III

PREPARATION, APPRAISAL AND APPROVAL OF CONTENTS OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within five working days from the date of receiving a written notification of the Ministry of Planning and Investment on the official financing list, managing agencies shall issue decisions on program or project owners in accordance with Clause 16, Article 4 and Points a and b, Clause 1, Article 10 of the Regulation.

1. For important national investment programs and projects falling under the investment-deciding competence of the Prime Minister stipulated at Point a, Clause 1, Article 19 of the Regulation, the Prime Minister shall decide on their investors in investment decisions.

2. For technical assistance programs and projects falling under the approving competence of the Prime Minister stipulated at Point b, Clause 1, Article 19 of the Regulation, the Prime Minister shall decide on their owners in his/her decisions approving technical assistance programs or projects.

3. For technical assistance programs and projects falling under the approving competence of managing agencies stipulated in Clause 2, Article 19 of the Regulation, managing agencies shall directly manage and direct, or assign their attached units to act as project owners directly managing and directing, the implementation of these programs or projects.

4. For investment programs or projects that are decided by the heads of managing agencies stipulated in Clause 2, Article 19 of the Regulation, investment decision issuers shall assign units in charge of managing and using works to act as investors.

If at the time of issuance of an investment decision the managing agency cannot yet identify a unit in charge of managing, exploiting or using the work, it shall select a qualified unit to act as investor. In the course of implementing a program or project, the managing agency shall identify or set up a unit in charge of managing and using the work and assign this unit to join the investor in testing and taking over the work before putting it to operation and use according to current regulations.

If the unit in charge of managing, operating and using the investment program or project fails to meet all conditions specified at Point a, Clause 1, Article 10 of the Regulation to act as investor, the managing agency shall select a qualified unit as investor. The investor shall appoint a staff of the unit in charge of managing and using the work to an appropriate position to participate in managing the process of preparation and implementation of the program or project. At the same time, this staff shall, together with the investor, join in testing the work before taking over and putting it to use. If the investor sets up a project management unit, a deputy head of the unit must be a staff of the unit in charge of managing and using the work.

If a program or project belongs to a managing agency and consists of various multi-sector components to be implemented and benefited from by its attached units, the managing agency shall select a qualified unit from these units to as a program or project owner. The program or project owner shall set up a project management unit consisting of members who come from the units implementing and benefiting from the program’s or project’s components.

5. For umbrella programs or projects falling under the approving competence of managing agencies:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Managing agencies of component projects shall issue decisions on owners of component projects.

Within five working days from the date of issuance of decisions on program or project guidelines, managing agencies shall officially notify them to the Ministry of Planning and Investment and relevant donors.

II. PREPARATION FOR THE COMPILATION OF ODA PROGRAM OR PROJECT DOCUMENTS STIPULATED AT POINT A, CLAUSE 2, ARTICLE 10 AND IN ARTICLES 13, 14 AND 15 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. Project owners shall coordinate with donors and owners of component projects (for umbrella programs or projects) in organizing the formulation of ODA program or project documents up to required quality and according to schedule.

2. The structure and contents of documents of technical assistance projects, ODA-funded programs and umbrella programs or projects must comply with the forms provided in Appendices 4a, 4b and 4c to this Circular (not printed herein).

Documents of ODA-funded investment projects must be formulated according to current regulations on investment and construction management, taking into account requirements stated in Article 13 of the Regulation.

3. If applying the program- or branch-based approach, managing agencies shall coordinate with donors and concerned agencies in formulating appropriate support documents.

III. APPRAISAL AND APPROVAL OF PROGRAMS AND PROJECTS STIPULATED IN ARTICLES 16, 17, 18 AND 19 OF THE REGULATION ARE GUIDED AS FOLLOWS:

1. Appraisal and approval of ODA-funded technical assistance projects

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



In order to ensure the quality of appraisal toward sustainability and professionalization, managing agencies should identify an attached unit specializing in appraising technical assistance programs and projects.

Pending the identification of a unit specializing in appraising technical assistance programs and projects, depending on each specific case and the contents of technical assistance projects, the managing agency shall appoint an attached unit with relevant professional capacity to appraise specific technical assistance projects.

Project owners may not appraise their technical assistance projects.

For technical assistance projects falling under the approving competence of the Prime Minister, the Prime Minister shall decide on agencies in charge of appraisal at the proposal of the Ministry of Planning and Investment.

b/ Contents of appraisal

Appraisal of an ODA-funded technical assistance project must clarify the following issues:

- Rationality of the project in terms of:

+ Development objectives compared with the Government’s priorities, principles and policies of the donor, compared with the objectives identified in the detailed outline and the official financing list;

+ Direct objectives, impacts of the project implementation on the specific development objectives of the ministry, branch and locality, and the unit implementing and benefiting from the project;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Each project component, output products of each component and activities of creating these output products;

+ The budget allocation structure of the project, consisting of ODA capital and contributed domestic capital set aside for domestic and foreign consultants, local and overseas training, equipment and supplies, management expenses and other expenses;

+ Project implementation indicators.

- Feasibility of the project in terms of:

+ Input factors (funding, equipment, experts and other factors) of the whole project;

+ Objectives, outcomes, activities and input requirements for each activity and method of organization of implementation;

+ Implementation duration;

+ Mechanisms of management and organization of implementation (including financial management mechanisms and coordination mechanisms);

+ Impacts of the project from direct beneficiaries to indirect beneficiaries;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Measures to monitor, evaluate and promote the project implementation (tasks and responsibilities of implementing and coordinating units; mechanism for sharing and updating project management information; mechanism for project evaluation and reporting evaluation results; measures to attract beneficiaries’ concern and participation);

+ The Vietnamese party’s ability to contribute domestic capital.

- Sustainability of the project in terms of:

+ Necessary factors that ensure the impacts of the project upon completion;

+ Commitments or conditions that may be set by the donor and Vietnamese party to ensure the project’s sustainability.

c/ Appraisal time frame

Within 15 working days from the date of receipt of complete and valid dossiers as stipulated in Clauses 1 thru 4, Article 17 of the Regulation.

d/ Appraisal process

- Step 1: Assessing the validity of the dossier for appraisal

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Comparing and matching the contents of the project document with six contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list stipulated in Article 8 of the Regulation;

+ If the project document contains changes compared with the contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list in the project title and donor; managing agency; project objectives and outcomes; project implementation duration; increase or change of type of ODA capital (non-refundable and loan); or change of the domestic source and financial mechanism regarding ODA capital, the agency in charge of appraisal shall report them to the managing agency for the latter to consult the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and other concerned agencies on these changes and submit them to the Prime Minister for consideration and decision. On the basis of the Prime Minister’s opinion, the managing agency shall direct the project owner to revise the project document and assign the agency in charge of appraisal to appraise the project following the steps from 2 to 4 below.

- Step 2: Consulting concerned agencies

After receiving eight valid dossier sets from the project owner, the agency in charge of appraisal shall send through the managing agency these dossier sets enclosed with a written request for opinions to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and concerned agencies, units and localities on the contents of the technical assistance project subject to appraisal.

- Step 3: Appraisal

The agency in charge of appraisal selects either of the following forms of appraisal:

+ Form 1: Reviewing appraisal opinions

This form applies to technical assistance projects with clear contents consistent with the project’s detailed outline enclosed with the ODA-calling list already approved by the Prime Minister and receiving the consent of agencies consulted on the project document contents. In this case, the agency in charge of appraisal proceeds with the following steps:

For projects falling under the deciding competence of the Prime Minister: The agency in charge of appraisal shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 to this Circular (not printed herein) for the managing agency to submit the project document to the Prime Minister for approval.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



If the dossier of the project document is incomplete, the agency in charge of appraisal shall request the project owner to supplement, revise and complete the dossier, then proceed with the above steps.

+ Form 2: Organizing appraisal meetings

If unable to apply form 1, the agency in charge of appraisal shall appoint a chairperson and a secretary before organizing an appraisal meeting.

If the appraisal meeting reaches a conclusion adopting the project document, the agency in charge of appraisal shall take the following steps:

For projects falling under the deciding competence of the Prime Minister: The agency in charge of appraisal shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 to this Circular for the managing agency to submit the project document to the Prime Minister for approval.

For projects falling under the deciding competence of managing agencies: The agency in charge of appraisal shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 and a draft decision approving the project document contents, made according to a form provided in Appendix 6 to this Circular for the managing agency to approve the project document.

If the dossier of the project document is incomplete, the agency in charge of appraisal shall request the project owner to supplement, revise and complete the dossier, then proceed with the above steps.

- Step 4: Notifying the approval result

Within 10 working days from the date the Prime Minister (for projects falling under the approving competence of the Prime Minister) or the head of the managing agency (for projects falling under the approving competence of the managing agency) approves the project document, the managing agency shall notify the donor and project owner of the approval, and at the same time send to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance the appraisal report and the approval decision (originals or notarized copies) enclosed with the approved project document in Vietnamese and English, which has been appended with the managing agency’s seal on the inner edges of every two adjoining pages.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Appraisal and approval of ODA-funded investment projects

a/ Identification of an agency in charge of appraisal

The identification of an agency in charge of appraisal of ODA-funded investment projects complies with current regulations on work investment and construction management.

b/ Contents of appraisal

Apart from the contents prescribed in legal documents on investment and construction management, in the process of appraisal, attention should be paid to the following points:

- Project objectives: Comparing the project objectives identified in the detailed outline and with those indicated in the official financing list;

- Domestic financial mechanism applicable to ODA projects;

- Total investment amount of the project, in which ODA capital must be compared with the total investment amount and ODA capital already determined in the detailed outline and the official financing list;

- The Vietnamese party’s possible contributions, especially contributed capital, taking into account the donor’s disbursement regulations and Vietnam’s process of making and approving budget plans;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Risks and risk prevention measures;

- Reasonableness of the project implementation management method in the aspects of the investor’s project implementation and management capacity and coordination mechanism in the implementation process.

c/ Appraisal time frame

Within 45 working days from the date of receipt of complete and valid dossiers under Article 17 of the Regulation.

d/ Appraisal process

The process of appraisal of ODA-funded investment projects complies with current regulations on investment and construction management, with attention paid to the following contents:

- Assessing the validity of a dossier for appraisal in accordance with Article 17 of the Regulation;

- Comparing and matching the contents of the project document with six contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list stipulated in Article 8 of the Regulation. If detecting that the project document contains changes compared with the contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list in the project title and donor; managing agency; project objectives and outcomes; project implementation duration; increase or change of type of ODA capital (non-refundable and loan); or change of the domestic source and financial mechanism regarding ODA capital, the agency in charge of appraisal shall report them to the managing agency for the latter to consult the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and other concerned agencies on these changes and submit them to the Prime Minister for consideration and decision. On the basis of the Prime Minister’s opinion, the managing agency shall direct the project owner to revise the project document and assign the agency in charge of appraisal to appraise the project according to the process guided at this Point.

- If the donor organizes a field appraisal team, the investor shall organize and arrange necessary conditions for the agency in charge of appraisal to appoint a representative to join the field appraisal.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



e/ Notification of investment decisions and sending of investment project documents

Within 10 working days from the date the Prime Minister (for projects falling under the approving competence of the Prime Minister) or the head of the managing agency (for projects falling under the approving competence of the managing agency) issues an investment decision, the managing agency shall notify in writing the donor and project owner of the decision, and at the same time send to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance the appraisal report and the investment decision (originals or notarized copies) enclosed with the approved investment project document in Vietnamese and English, which has been appended with the managing agency’s seal on the inner edges of every two adjoining pages.

3. Appraisal and approval of umbrella programs and projects

a/ Identification of an agency in charge of appraisal

The issuer of the decision approving the umbrella program or project document shall appoint an attached unit in charge of appraisal or set up an appraisal council headed by his/her representative and consisting of representatives of managing agencies of component projects.

b/ Contents of appraisal

On the basis of the principal contents stipulated in Article 15 of the Regulation, in the course of appraisal, the following issues should be clarified:

- The overall framework of the umbrella program or project, covering the general objectives of the umbrella program or project and the objectives of component projects, and relationships between component projects;

- Major activities of the umbrella program or project and component projects and their relationships in the implementation process, including their implementation durations;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Method of organizing the implementation and management of the umbrella program or project:

+ Necessity to set up a steering committee (if any); its structure and operation mechanism;

+ Tasks, powers and responsibilities of the managing agency of the umbrella program or project and managing agencies of component projects;

+ Organization of the umbrella program or project management unit and component project management units under the provisions of Circular 03/2007/TT-BKH of March 12, 2007, of the Ministry of Planning and Investment;

+ Relationships, responsibilities and duties divided between the umbrella program or project owner and component project owners; between the umbrella program or project management unit and component project management units.

c/ Appraisal time frame

Within 45 working days from the date the program-managing agencies receive complete and valid dossiers as stipulated in Article 17 of the Regulation.

d/ Process of appraisal

- Step 1: Assessing the validity of a dossier for appraisal

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Comparing and matching the contents of the umbrella program or project document with six contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list stipulated in Article 8 of the Regulation.

+ If detecting that the umbrella program or project document contains changes compared with the contents of the Prime Minister’s decision approving the ODA-calling list in the program or project title and donor; program- or project-managing agency; program or project objectives and outcomes; program or project implementation duration; increase or change of type of ODA capital (non-refundable and loan); or change of the domestic source and financial mechanism applicable to ODA capital, the agency in charge of appraisal or the appraisal council shall report them to the umbrella program or project-managing agency for the latter to consult the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and other concerned agencies on these changes and submit them to the Prime Minister for decision. On the basis of the Prime Minister’s opinion, the umbrella program- or project-managing agency shall direct the umbrella program or project owner to revise the program or project document and assign the agency in charge of appraisal or the appraisal council to appraise the program or project following the steps from 2 to 4 guided at this Point.

- Step 2: Consulting concerned agencies

After receiving eight valid dossier sets from the umbrella program or project owner, the agency in charge of appraisal shall send through the umbrella program or project-managing agency these dossier sets enclosed with a written request for opinions (in case of collecting opinions) or participation in an appraisal meeting (in case of organizing an appraisal meeting) to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, representatives of component projects and concerned agencies, units and localities on the contents of the umbrella program or project to be appraised.

- Step 3: Appraisal

+ Form 1: Summing up appraisal opinions

This form applies to umbrella programs or projects with clear contents consistent with the programs’ or projects’ detailed outlines enclosed with the ODA-calling list already approved by the Prime Minister and receiving the consent of agencies consulted on the umbrella program or project document contents. In this case, the agency in charge of appraisal or the appraisal council proceeds with the following steps:

For programs or projects falling under the approving competence of the Prime Minister: The agency in charge of appraisal or the appraisal council shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 to this Circular for the umbrella program- or project-managing agency to submit the umbrella program or project document to the Prime Minister for approval.

For programs or projects falling under the approving competence of managing agencies: The agency in charge of appraisal or the appraisal council shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 and a draft decision approving the program or project document contents, made according to a form provided in Appendix 6 to this Circular, for the umbrella program or project-managing agency to approve the umbrella program or project document.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ Form 2: Organizing appraisal meetings

If unable to apply form 1, the agency in charge of appraisal or the appraisal council shall appoint a chairperson and a secretary for organizing an appraisal meeting.

If the donor organizes a field appraisal team, the umbrella program or project owner shall organize and arrange necessary conditions for the agency in charge of appraisal or the appraisal council to appoint a representative to join the field appraisal.

If the appraisal meeting reaches a conclusion adopting the umbrella program or project document, the agency in charge of appraisal or the appraisal council shall take the following steps:

For programs or projects falling under the approving competence of the Prime Minister: The agency in charge of appraisal or the appraisal council shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 to this Circular for the umbrella program- or project-managing agency to submit the umbrella program or project document to the Prime Minister for approval.

For programs or projects falling under the approving competence of managing agencies: The agency in charge of appraisal or the appraisal council shall prepare a report on appraisal results enclosed with an appraisal record made according to a form provided in Appendix 5 and a draft decision approving the project document contents, made according to a form provided in Appendix 6 to this Circular, for the umbrella program- or project-managing agency to approve the umbrella program or project document.

If the appraisal meeting requests revision and completion of the dossier of the program or project document, the agency in charge of appraisal or the appraisal council shall request the umbrella program or project owner to coordinate with component project owners in supplementing, revising and completing the program or project dossier pursuant to the appraisal meeting’s conclusions, then proceed with the above steps.

e/ Notifying approval decisions and sending umbrella program or project documents

Within 10 working days from the date the Prime Minister (for programs and projects falling under the approving competence of the Prime Minister) or the head of the umbrella program- or project-managing agency (for programs or projects falling under the approving competence of heads of program or project managing agencies) issues a decision approving the umbrella program or project, the umbrella program- or project-managing agency shall notify in writing the decision to the donor and umbrella program or project owner, and at the same time send to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance the appraisal report and the approval decision (originals or notarized copies) enclosed with the approved umbrella program or project document in Vietnamese and English, which has been appended with the managing agency’s seal on the inner edges of every two adjoining pages. The umbrella program- or project-managing agency shall send copies of these documents to managing agencies of component projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



+ For technical assistance projects: They shall follow the process of appraisal and approval stipulated at Point 1, Section III of this Part.

+ For investment projects: They shall follow the process of appraisal and approval stipulated at Point 2, Section III of this Part.

4. Appraisal and approval of program or project-based assistance documents

The process of appraisal of program- or branch-based assistance documents is similar to the process of appraisal of umbrella programs or projects stipulated at Point 3, Section III of this Part.

Authorities issuing decisions approving branch or domain development programs, plannings and plans shall approve program- or branch-based assistance.

5. Appraisal and approval of regional programs and projects

Managing agencies are responsible for appraising and approving the Vietnamese side’s participation activities similar to other ODA programs or projects stipulated at Points 1, 2 and 3, Section III of this Part.

Part IV

SIGNING OF SPECIFIC INTERNATIONAL AGREEMENTS ON ODA

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



II. RESPONSIBILITY TO SUBMIT TO THE GOVERNMENT THE SIGNING OF SPECIFIC INTERNATIONAL AGREEMENTS ON ODA STIPULATED IN CLAUSE 2, ARTICLE 21 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. The Ministry of Planning and Investment shall submit to the Prime Minister the signing of specific international agreements on non-refundable ODA (excluding specific international agreements on ODA signed with international financial institutions specified in Clause 1, Article 42 of the Regulation) for ODA programs and projects belonging to National Assembly agencies, central agencies of socio-political organizations or professional organizations, and People’s Committees of provinces and centrally run cities.

2. To discharge the above responsibility, according to regulations on the order and procedures for signing and implementing treaties pertaining to official development assistance sources, the Ministry of Planning and Investment shall submit to the Prime Minister:

a/ The negotiation and signing of specific international agreements on ODA on the basis of official written proposals of managing agencies mentioned at Point 1, Section II of this Part sent to the Ministry of Planning and Investment together with all necessary documents and the implementation according to schedule.

b/ The ratification or approval of specific international agreements on ODA of managing agencies mentioned at Point 1, Section II of this Part, for specific international agreements on ODA subject to ratification or approval, in order to carry out the formalities for the agreements to become effective.

c/ Plans for implementation of specific international agreements on ODA shall be made by managing agencies specified at Point 1, Section II of this Part and sent to the Ministry of Planning and Investment.

3. If authorized by the Prime Minister, managing agencies specified at Point 1, Section II of this Part shall formulate and sign international agreements on ODA according to current regulations.

III. RESPONSIBILITY TO SUBMIT TO THE PRIME MINISTER ADJUSTMENTS, AMENDMENTS AND SUPPLEMENTS TO SPECIFIC INTERNATIONAL AGREEMENTS ON ODA STIPULATED AT POINT A, CLAUSE 1, ARTICLE 31 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

In the course of implementing specific international agreements on ODA, if any adjustments, amendments and supplements stated at Point a, Clause 1, Article 31 of the Regulation are needed, agencies proposing the signing of specific international agreements on ODA shall collect written opinions of the Ministry of Planning and Investment and concerned agencies before submitting these adjustments, amendments and supplements to the Prime Minister for consideration and decision according to current relevant regulations.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



MANAGEMENT OF IMPLEMENTATION OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS

I. ESTABLISHMENT AND ORGANIZATION OF THE OPERATION OF ODA PROGRAM OR PROJECT MANAGEMENT UNITS (PROJECT MANAGEMENT UNITS) STIPULATED IN ARTICLE 25 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

The order of establishment, organizational structure, functions, tasks and powers of ODA project management units, responsibility relationships between project management units and project owners, managing agencies and state management agencies are stipulated in Circular 03/2007/TT-BKH of March 12, 2007, of the Ministry of Planning and Investment on the organizational structure, functions, tasks and powers of ODA project management units.

For umbrella programs or projects, on the basis of umbrella programs or project documents already approved by competent authorities:

- Umbrella program or project owners shall establish umbrella program or project management units cum management units of component projects under their management (if any).

- Component project owners shall set up component project management units after reaching agreement with umbrella program or project owners on the organizational structure, functions, tasks, responsibilities and powers of these management units with respect to umbrella programs or projects and component projects.

II. TASKS OF MANAGING AGENCIES, PROJECT OWNERS AND PROJECT MANAGEMENT UNITS RELATED TO PROGRAM OR PROJECT IMPLEMENTATION PLANS STIPULATED AT POINT A, CLAUSE 1, ARTICLE 35 AND CLAUSE 7, ARTICLE 39 OF THE REGULATION ARE GUIDED AS FOLLOWS:

1. Reviewing, updating and approving program or project implementation plans

a/ Immediately after setting up project management units, managing agencies and project owners shall direct the project management units to coordinate with donors in reviewing, updating and adjusting (if necessary) master plans on ODA program or project implementation and making detailed implementation plans for the first year.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Milestones of time (commencement and completion) for items, outputs and major activities of the program or project and for the whole program or project;

- Work volume to be performed in each stage, including jobs which can be started before the specific international agreement on ODA enters into force;

- Volumes of input resources required for each item, output and activity in each stage, including jobs which can be started before the specific international agreement on ODA enters into force.

In reviewing and updating the master plan on program or project implementation, if only adjusting implementation schedules (commencement and completion time) of items, outputs and activities of the program or project without modifying the program or project completion time specified in the program or project document, the managing agency shall issue a decision approving the master plan on program or project implementation.

2. Within five working days from the date of approval of the master plan on program or project implementation, the managing agency shall send the approval decision (original) to the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and the donor as a basis for monitoring and evaluating the program or project implementation process.

3. On the basis of the updated master plan on program or project implementation approved by the managing agency, the project owner shall approve detailed ODA program or project implementation plans for the first year and each subsequent year.

4. Annual ODA program or project implementation plans must be made and approved according to annual planning schedules of managing agencies.

Annual ODA program or project implementation plans serve as a basis for the allocation of resources for program or project activities and for quarterly planning work, management, monitoring, supervision, evaluation and reward of project management activities of project management units.

5. Project management units shall make disbursement plans according to Appendix 7 to this Circular (not printed herein). Project owners shall submit to managing agencies annual disbursement plans for sum-up and reporting under the guidance of the Ministry of Planning and Investment on making of annual plans.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Project owners shall make compensation, ground clearance and resettlement plans for ODA programs or projects according to current regulations on compensation, ground clearance and resettlement.

Before approving program or project documents, if donors’ regulations on compensation, ground clearance and resettlement are different from Vietnam’s current regulations on compensation, ground clearance and resettlement, managing agencies shall submit the case to the Prime Minister for consideration and decision.

If a signed specific international agreement on ODA contains provisions on compensation, ground clearance and resettlement different from Vietnam’s current regulations on compensation, ground clearance and resettlement, the signed specific international agreement is complied with.

Agreed compensation and resettlement plans must be notified to relevant functional agencies and publicized among stakeholders.

IV. BIDDING STIPULATED IN ARTICLE 30 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

Bidding for ODA programs and projects complies with current regulations on bidding.

Before approving program or project documents, if donors’ bidding regulations are different from Vietnam’s current bidding regulations, managing agencies shall submit the case to the Prime Minister for consideration and decision.

If a signed specific international agreement on ODA contains provisions on bidding different from Vietnam’s current bidding, the signed specific international agreement is complied with.

In this case, project owners shall direct project management units to coordinate with donors to integrate donors’ appraisal process, procedures and duration into the procedures for submission, appraisal and approval of contents on the bidding plan and contractor selection result according to Vietnam’s current regulations. This integration process must be publicly announced to parties involved in bidding activities.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



1. With respect to changes in the domestic financial mechanism or re-lending conditions stipulated at Point b, Clause 1 of Article 31, project owners shall report them to managing agencies for the latter to reach agreement with the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance before submitting them to the Prime Minister for consideration and decision.

2. With respect to the surplus capital amount resulted from changes in exchange rate, interest rate, unallocated reserve capital and other surplus capital amounts arising in the process of implementation stipulated at Point b, Clause 2 of Article 31, managing agencies shall negotiate with the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance and the donor to decide on the use of these surplus capital amounts within the framework of the programs or projects, and proceed with using them according to current regulations.

3. With respect to the surplus capital amount to be used for implementing a new program or project stipulated at Point a, Clause 2 of Article 31, at the proposal of the managing agency, the Ministry of Planning and Investment shall submit this proposal to the Prime Minister for permission to use this surplus capital amount. After obtaining the Prime Minister’s permission, the managing agency shall appraise and approve the document of the new program or project and organize its implementation according to current regulations.

Part VI

MONITORING AND EVALUATION OF ODA PROGRAMS AND PROJECTS

I. PROGRAM AND PROJECT MONITORING STIPULATED IN ARTICLES 33 AND 35 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. Requirements and objectives of monitoring ODA programs or projects:

a/ To ensure accurate, full and regular (daily, weekly, monthly and annual) update of information concerning the program and project implementation and management.

b/ To ensure timely identification of difficulties, problems and incidents that may affect the implementation progress, quality and costs of programs and projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Program and project monitoring responsibilities and contents

a/ Project management units

Monitoring is part of day-to-day management work and a duty of project management units.

Monitoring at project management unit level:

- Monitoring and updating information on program and project implementation, covering:

+ Project implementation progress;

+ Implemented volumes;

+ Quality;

+ Cost;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Monitoring and updating information on project and program management, covering:

+ Making and concretization of program and project management plans;

+ Update of the implementation and adjustment of plans;

+ Update of the assurance of quality and effectiveness of program and project management;

- Monitoring and updating information on the processing of and response to feedback on programs and projects, covering:

+ Assurance of reported information;

+ Processing of reported information;

+ Settlement of difficulties and problems and its results.

b/ Project owners:

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Arranging necessary resources to ensure monitoring work at project management units;

- Providing feedback and promptly handling issues falling within their competence in the course of program or project implementation;

- Reporting and proposing solutions to difficulties and problems and issues beyond the competence of project owners so that managing agencies can issue timely decisions to deal with problems in the program or project implementation.

c/ Managing agencies

For programs and projects falling under their management, managing agencies shall:

- Check the completeness, timeliness and accuracy of information on programs and projects supplied by project owners;

- Provide feedback and promptly handle issues falling within their competence;

- Supervise and monitor programs’ and projects’ changes compared with planned contents (implementation progress, disbursement, bidding, ground clearance, resettlement, environmental protection, and social welfare);

- Report on and propose solutions to difficulties and problems, and issues falling beyond their competence so that concerned agencies can issue timely decisions to deal with problems in the program or project implementation;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Ensure necessary resources (personnel, funding, material and technical facilities and other related issues) for program and project monitoring activities at managing agencies. Support and enhance project owners’ program and project monitoring capacity.

d/ State management agencies in charge of ODA

To monitor ODA programs and projects in relevant domains defined in Chapters VI and VII of the Regulation and report monitoring information to managing agencies and donors.

II. EVALUATION OF PROGRAMS AND PROJECTS STIPULATED IN ARTICLES 34 AND 35 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. Requirements and objectives of the evaluation of each specific program or project:

a/ To compare the results achieved at the time of evaluation with the program or project implementation plan.

b/ To detect occurred or potential difficulties and problems in the program or project implementation.

c/ To evaluate the observance of principles and procedures for program and project management.

d/ To propose necessary measures to ensure that the program or project is implemented for proper objectives and in accordance with regulations on progress, scope, volume, quality and cost, and management principles and procedures.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



f/ To draw experience lessons for the subsequent stages of implementation of the evaluated program or project and/or for the implementation of other programs or projects.

2. Evaluation

In order to ensure the objectivity and transparency, evaluation must be conducted by independent experts or a group of independent experts and consultants who are hired according to current regulations and who possess adequate professional qualifications and necessary experience. Project owners shall coordinate with donors in determining the duration and funding for evaluation work immediately at the stage of designing program or project documents.

On a case-by-case basis and as agreed with donors, evaluation may be conducted in the following stages:

a/ Initial evaluation

Initial evaluation must be conducted immediately after a program or project is implemented.

The project owner may assign the project management unit or hire independent consultants to conduct initial evaluation.

Initial evaluation focuses on examining the actual situation of a program or project after it is started in the following aspects:

- The project management unit’s preparation for the implementation, organization and mobilization of resources to ensure the program or project implementation according to the set objectives and plan;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Solutions to encountered difficulties and problems;

- Issues arising due to objective factors such as changes in the legal environment, requirements for rescheduling or modification of some items to suit the climate and geological conditions or due to subjective factors such as capacity and organizational structure of the project management unit.

The findings of initial evaluation serve a basis for reviewing and updating the overall program or project implementation plan and elaborating a detailed program or project implementation plan for the first year.

b/ Mid-term evaluation

The project management unit may hire independent experts or a group of independent consultants to conduct mid-term evaluation in the middle of the program or project implementation duration or at the end of a stage of implementation of a multiple-staged program or project.

Mid-term evaluation focuses on:

- The relevance of the program or project implementation outcomes with the set objectives;

- Degree of completion of the program or project by the time of evaluation compared with the approved program or project implementation plan;

- Recommendations, including those on adjustment of the program or project design or objectives, if necessary;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Within one month from the date of receipt of a mid-term evaluation report prepared by consultants, the project owner shall send to the managing agency and donor this report and the project owner’s feedback on this report, which analyzes the findings, issues and proposals presented in the evaluation report and clearly indicates measures to deal with problems, activities to be carried out in response to these proposals, and lessons learned from the program or project implementation.

Mid-term evaluation reports and feedback reports on programs and projects in which investment has been decided by the Prime Minister and on group-A programs and projects must be sent through managing agencies to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance to serve supervision, monitoring and evaluation activities.

c/ Final evaluation

The project management unit shall hire independent experts or consultancy organizations to conduct final evaluation of the program or project immediately after the program or project is completed and this evaluation must be finished within six months from the date of completion of the program or project stated in the program or project document. Final evaluation focuses on comprehensively examining and evaluating the following aspects:

- Program or project design;

- Program or project implementation process;

- Program or project management activities;

- Results of achievement of program or project objectives;

- Resources already mobilized for the program or project;

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- Impacts of the program or project;

- Sustainability of the program or project and factors to ensure the sustainability of the program or project;

- Lessons learned from the program or project implementation process;

- Necessary recommendations.

Final evaluation report prepared by consultants and written comments of the project owners must be sent to the managing agency and donor.

Final evaluation report prepared by consultants serve as a reference for project management units and project owners to make program or project completion reports.

Final evaluation reports prepared by consultants on programs and projects in which investment has been decided by the Prime Minister and on group-A programs and projects must be sent to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance to serve supervision, monitoring and evaluation activities.

d/ Impact assessment (post-project assessment)

The Ministry of Planning and Investment shall assume the prime responsibility for, and coordinate with managing agencies and donors in, elaborating annual plans on impact assessment of ODA programs and projects.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



Impact evaluation shall be conducted within three years from the date a program or project is put to operation or use, focusing on the following major issues:

- Actual economic and technical operation of the program or project;

- Economic, political and social impacts of the program or project;

- Environmental and ecological impacts of the program or project;

- Sustainability of the program or project;

- Success and failure lessons from the program or project designing, implementation and operation stages.

Impact assessment reports on programs and projects in which investment has been decided by the Prime Minister and on group-A programs and projects must be sent to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance to serve the management of investment portfolios and the formulation of investment strategies and policies.

e/ Extraordinary evaluation

Extraordinary evaluation is conducted when unexpected problems, difficulties and impacts arise in the course of program or project implementation.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



- The situation and nature of unexpectedly arising issues;

- Impacts and degree of impact of these arising issues on the program or project implementation and the possibility of attaining the set objectives;

- Intervention measures, agencies responsible for implementing these measures and time limit for taking these measures.

Extraordinary evaluation reports serve as a basis for managing agencies to undertake timely interventions and take necessary support measures to prevent the failure of programs or projects.

If the managing agency finds that handling measures fall beyond its competence, it shall send a document enclosed with an extraordinary evaluation report to concerned state management agencies or submit them to the Prime Minister for consideration and decision.

III. REPORTING ON THE IMPLEMENTATION OF PROGRAMS OR PROJECTS STIPULATED IN ARTICLE 36 OF THE REGULATION IS GUIDED AS FOLLOWS:

1. The system of reports on the implementation of ODA programs and projects consists of three levels:

a/ Program and project owner level (referred to as program and project level for short): Project owners shall report on the implementation of ODA programs or projects to managing agencies, the Ministry of Planning and Investment, the Ministry of Finance, concerned ministries and branches and provincial-level People’s Committees of localities where programs or projects are implemented, and donors.

b/ Managing agency level: Managing agencies shall make general reports on ODA mobilization results and evaluation of the implementation of ODA programs or projects, and send them to the Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



2. Reporting regime and forms: To comply with regulations and specific guidance in Decision 803/2007/QD-BKH of July 30, 2007, of the Minister of Planning and Investment, promulgating the regime of reporting on the implementation of ODA programs and projects.

a/ Project owners shall make monthly reports (on programs and projects falling under the approving competence of the Prime Minister and programs and projects equivalent to group-A ones), and quarterly and annual reports, and program or project completion reports.

b/ Managing agencies shall make quarterly reports.

c/ The Ministry of Planning and Investment and the Ministry of Finance shall make biannual and annual reports.

3. Reward regime:

The Ministry of Planning and Investment shall give appropriate rewards and incentives to agencies and units that have well observed the reporting regime in accordance with Decision 803/2007/QD-BKH of July 30, 2007, of the Minister of Planning and Investment, promulgating the regime of reporting on the implementation of ODA programs and projects.

4. Sanctions against violations of the reporting regimes:

The Ministry of Planning and Investment shall sanction violations of the reporting regime as follows:

a/ Irregular violations of the reporting regime: The Ministry of Planning and Investment shall send written requests to violating agencies for explanations about the causes of their violations and commitment to take remedies.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



c/ Prolonged systematic violations of the reporting regime: The Ministry of Planning and Investment shall report these cases to the Prime Minister and propose appropriate handling measures, including proposing the Prime Minister to disapprove ODA-calling programs or projects proposed by these agencies till their observance of the reporting regime is improved.

Managing agencies shall prescribe appropriate rewards as well as sanctions to ensure the observance of reporting regulations by project owners and project management units under their management.

Part VII

ORGANIZATION OF IMPLEMENTATION

I. This Circular replaces Circular 06/2001/TT-BKH of September 20, 2001, guiding the implementation of the Regulation on management and use of official development assistance, promulgated together with the Government’s Decree 17/2001/ND-CP of May 4, 2001.

II. FOR ONGOING PROGRAMS AND PROJECTS:

1. For the contents of these programs and projects falling under the approving competence of the Prime Minister according to Decree 17/2001/ND-CP but now, according to Decree 131/2006/ND-CP, falling under the approving competence of heads of managing agencies, Decree 131/2006/ND-CP applies to issues related to the competence of agencies issuing decisions approving programs or projects.

2. Managing agencies shall review these programs’ and projects’ implementation plans so as to add the project monitoring and evaluation contents and ensure resources for the implementation of these contents.

III. This Circular takes effect 15 days after its publication in “CONG BAO.” In the course of implementation, any arising problems should be reported by concerned ministries, branches, localities and units to the Ministry of Planning and Investment for further addition and revision of this Circular.

...

...

...

Please sign up or sign in to your Pro Membership to see English documents.



MINISTER OF PLANNING AND INVESTMENT

 

 

Vo Hong Phuc

 

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


Thông tư 04/2007/TT-BKH ngày 30/07/2007 hướng dẫn thực hiện quy chế quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Bạn Chưa Đăng Nhập Thành Viên!


Vì chưa Đăng Nhập nên Bạn chỉ xem được Thuộc tính của văn bản.
Bạn chưa xem được Hiệu lực của Văn bản, Văn bản liên quan, Văn bản thay thế, Văn bản gốc, Văn bản tiếng Anh,...


Nếu chưa là Thành Viên, mời Bạn Đăng ký Thành viên tại đây


11.178

DMCA.com Protection Status
IP: 18.191.45.169
Hãy để chúng tôi hỗ trợ bạn!