ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------
|
CỘNG HÒA XÃ HỘI
CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------
|
Số: 333/QĐ-UBND
|
Phú Thọ, ngày 16
tháng 02 năm 2023
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN
HÀNH DANH MỤC LOẠI DỰ ÁN ĐƯỢC ÁP DỤNG CƠ CHẾ ĐẶC THÙ TRONG QUẢN LÝ ĐẦU TƯ XÂY DỰNG
THUỘC CÁC CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ, GIAI ĐOẠN
2021 - 2025
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ
Căn cứ Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của
Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Đầu tư công ngày
13 tháng 6 năm 2019;
Căn cứ Luật Ngân sách nhà nước
ngày 25 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật xây dựng ngày 18
tháng 6 năm 2014; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng ngày 17
tháng 6 năm 2020;
Căn cứ Nghị định số
27/2022/NĐ-CP ngày 19 tháng 4 năm 2022 của Chính phủ Quy định cơ chế quản lý, tổ
chức thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia;
Căn cứ các Quyết định của Thủ
tướng Chính phủ: số 1719/QĐ-TTg ngày 14 tháng 10 năm 2021 phê duyệt Chương
trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025; số
90/QĐ-TTg ngày 08 tháng 01 năm 2022 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm
nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025; số 263/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2022
phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021
- 2025;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở
Kế hoạch và Đầu tư tại: Tờ trình số 74/TTr-SKHĐT ngày 31 tháng 12 năm 2022, Văn
bản số 140/KH&ĐT-KGVX ngày 30 tháng 01 năm 2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành danh mục
loại dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong quản lý đầu tư xây dựng thuộc các
Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025, cụ
thể như sau:
1. Công trình giao thông nông
thôn.
2. Công trình thủy lợi nhỏ,
công trình phòng chống thiên tai.
3. Công trình văn hóa: Trung
tâm văn hóa - thể thao xã, Nhà văn hóa - khu thể thao khu dân cư.
4. Công trình nước sạch và vệ
sinh môi trường: công trình cấp nước sinh hoạt tập trung ở xã, khu dân cư;
thoát nước nội bộ khu dân cư; công trình tập kết, chung chuyển, vận chuyển rác
thải sinh hoạt của xã, khu dân cư; công trình nhà vệ sinh công cộng.
5. Công trình chợ nông thôn.
6. Các hạng mục của trường mầm
non, trường tiểu học, trung học cơ sở
7. Các hạng mục phụ trợ của
công trình trạm y tế xã.
8. Công trình điện chiếu sáng
nông thôn.
Điều 2. Nguyên tắc, điều
kiện và trình tự thủ tục thực hiện dự án áp dụng cơ chế đặc thù
1. Nguyên tắc thực hiện dự án đầu
tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
a) Các dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật
không phức tạp được tổ chức thực hiện theo cơ chế đặc thù phải có sự tham gia của
người dân trong quá trình lập hồ sơ, tổ chức thi công xây dựng, bảo trì công
trình.
b) Ngân sách nhà nước hỗ trợ một
phần vốn, phần còn lại do người dân đóng góp và từ nguồn vốn hợp pháp khác tại
địa phương để thực hiện dự án đầu tư xây dựng. Đối với dự án thực hiện trên địa
bàn xã khu đặc biệt khó khăn, ngân sách nhà nước hỗ trợ tối đa 100% tổng mức đầu
tư. Mức hỗ trợ thực hiện một dự án cụ thể từ ngân sách nhà nước do cấp có thẩm
quyền phân bổ theo kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025, kế hoạch
vốn hàng năm hoặc trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
c) Đóng góp của người dân có thể
bằng tiền hoặc bằng hiện vật, ngày công lao động được quy đổi thành tiền; phải
được tính trong giá trị công trình để theo dõi, quản lý tỷ lệ đóng góp đã được
thống nhất; không hạch toán vào thu, chi ngân sách nhà nước.
d) Ưu tiên sử dụng lao động, vật
liệu tại chỗ để thực hiện dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù. Đơn giá lập
hồ sơ xây dựng công trình được xác định trên cơ sở giá thị trường.
đ) Thanh toán vốn ngân sách nhà
nước hỗ trợ thực hiện dự án đầu tư xây dựng phải trên cơ sở kết quả nghiệm thu
khối lượng công trình hoàn thành được Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận.
2. Tiêu chí lựa chọn dự án đầu
tư xây dựng thực hiện theo cơ chế đặc thù
a) Dự án thuộc nội dung đầu tư
của chương trình mục tiêu quốc gia.
b) Dự án nằm trên địa bàn 01
đơn vị hành chính cấp xã, do Ủy ban nhân dân cấp xã quản lý.
c) Tổng mức đầu tư không vượt
quá 05 tỷ đồng.
d) Dự án có kỹ thuật không phức
tạp, có thiết kế mẫu, thiết kế điển hình hoặc các thiết kế sẵn có đã áp dụng
trên địa bàn cấp huyện.
đ) Dự án thuộc danh mục loại dự
án được áp dụng cơ chế đặc thù tại Điều 1 Quyết định này.
3. Trình tự, thủ tục quản lý đầu
tư các dự án đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù
a) Lập hồ sơ xây dựng công
trình đơn giản: Thực hiện theo Điều 15 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP .
b) Thẩm định Hồ sơ xây dựng
công trình đơn giản và phê duyệt đầu tư dự án: Thực hiện theo Điều 16 Nghị định
số 27/2022/NĐ-CP .
c) Lựa chọn nhà thầu thực hiện
gói thầu xây dựng dự án quy mô nhỏ, kỹ thuật không phức tạp: Thực hiện theo Điều
17 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP .
d) Tổ chức, quản lý thi công, nghiệm
thu công trình: Thực hiện theo khoản 1, khoản 2 Điều 18 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP .
đ) Tổ chức nghiệm thu và thanh
toán, quyết toán công trình: Thực hiện theo khoản 3 Điều 18 Nghị định số
27/2022/NĐ-CP .
- Hồ sơ kiểm soát, thanh toán vốn:
Thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 9 Nghị định số 99/2021/NĐ-CP của Chính
phủ, khoản 5 Điều 13 Nghị định số 27/2022/NĐ-CP của Chính phủ;
- Hồ sơ quyết toán, mẫu biểu,
thẩm tra, phê duyệt quyết toán: Thực hiện theo quy định tại Nghị định số
99/2021/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 96/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính.
e) Quản lý vận hành và bảo trì
công trình được đầu tư xây dựng theo cơ chế đặc thù: Thực hiện theo Điều 19 Nghị
định 27/2022/NĐ-CP .
Điều 3. Tổ chức thực hiện
1. Ủy quyền cho Ủy ban nhân dân
cấp huyện quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn
có đối với các dự án quy định tại Điều 1 Quyết định này, trên địa bàn quản lý.
Giao Sở Xây dựng chủ trì, phối
hợp với các sở, ngành có liên quan: rà soát, hướng dẫn các huyện, thành, thị
quyết định thiết kế mẫu, thiết kế điển hình và áp dụng các thiết kế sẵn có đối
với loại dự án áp dụng cơ chế đặc thù tại Điều 1 Quyết định này.
2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư
chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Sở Nông nghiệp và
Phát triển nông thôn, Ban Dân tộc và các sở, ngành, địa phương tổ chức xây dựng
kế hoạch kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện; kịp thời tổng hợp khó
khăn, vướng mắc trong tổ chức triển khai thực hiện, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh
xem xét, chỉ đạo.
3. Ủy ban nhân dân các huyện,
thành, thị: tổ chức triển khai thực hiện quyết định này; chỉ đạo Ủy ban nhân
dân cấp xã triển khai thực hiện các dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trên địa
bàn theo quy định.
Điều 4. Quyết định này
có hiệu lực kể từ ngày ký.
Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân
tỉnh, Thành viên Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia tỉnh Phú Thọ
giai đoạn 2021-2025; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Thủ trưởng các sở, ban,
ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành, thị và các tổ chức,
cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.
Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CVP, các PCVP;
- CVNCTH;
- Lưu: VT, NN1.
|
TM. ỦY BAN NHÂN
DÂN
CHỦ TỊCH
Bùi Văn Quang
|