UỶ
BAN NHÂN DÂN
TỈNH NGHỆ AN
-------
|
CỘNG
HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------
|
Số:
10/2010/QĐ-UBND
|
Vinh,
ngày 20 tháng 01 năm 2010
|
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN
NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NGHỆ AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và
UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ các Nghị quyết của HĐND tỉnh khóa XV: Số 207/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007,
Kỳ họp thứ 11 về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông
thôn và thủy sản giai đoạn 2008 - 2010 trên địa bàn tỉnh Nghệ An; Số
252/2008/NQ-HĐND ngày 20/12/2008, Kỳ họp thứ 14 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị
quyết số: 207/2007/NQ-HĐND tỉnh khóa XV về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát
triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản giai đoạn 2008 - 2010 và Nghị quyết số:
300/2009/NQ-HĐND ngày 23/12/2009, Kỳ họp thứ 17 về việc sửa đổi, bổ sung Nghị
quyết số 207/2007/NQ-HĐND ngày 14/12/2007 và Nghị quyết số 252/2008/NQ-HĐND
ngày 20/12/2008 của HĐND tỉnh khóa XV về một số chính sách hỗ trợ đầu tư phát
triển nông nghiệp, nông thôn và thuỷ sản;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tại Tờ trình số
121/TTr.SNN-KHTC ngày 20/01/2010,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1.
Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định: "Một số chính sách hỗ trợ đầu
tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản trên địa bàn tỉnh Nghệ
An".
Điều 2.
Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký và thay thế Quyết
định số 19/2009/QĐ-UBND ngày 04/02/2009 của UBND tỉnh.
Điều 3.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Chủ tịch UBND các đơn vị cấp huyện
và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
|
TM. UỶ BAN NHÂN
DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH
Nguyễn Đình Chi
|
QUY ĐỊNH
VỀ MỘT SỐ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP,
NÔNG THÔN VÀ THỦY SẢN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NGHỆ AN
(Kèm theo Quyết định số 10/2010/QĐ-UBND ngày 20/01/2010 của UBND tỉnh)
Chương I
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 1. Giống
Lúa lai (tất cả các vụ sản xuất trong năm):
1. Hỗ trợ 70% giá giống Lúa lai
cho các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, các xã: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Nậm Giải, Hạnh
Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ (thuộc huyện Quế Phong) và các xã: Bình Chuẩn, Châu
Khê, Môn Sơn (thuộc huyện Con Cuông). Định mức giống 32 kg/ha.
2. Hỗ trợ 50% giá giống Lúa lai
cho các xã, bản miền núi khu vực III, các xã, bản miền núi khu vực II thuộc
Chương trình 135 của các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp và các xã còn lại của huyện
Quế Phong, Con Cuông. Định mức giống 32 kg/ha.
Điều 2. Giống
Ngô lai (tất cả các vụ sản xuất trong năm):
1. Trợ giá 70% giá giống Ngô lai
cho các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương và các xã: Tri Lễ, Nậm Nhoóng, Nậm Giải, Hạnh
Dịch, Đồng Văn, Thông Thụ (thuộc huyện Quế Phong) và các xã: Bình Chuẩn, Châu
Khê, Môn Sơn (thuộc huyện Con Cuông). Định mức giống 20 kg/ha;
2. Trợ giá 50% giá giống Ngô lai
cho các xã, bản miền núi khu vực III và các xã, bản khu vực II thuộc Chương
trình 135 của các huyện: Quỳ Châu, Quỳ Hợp và các xã còn lại của các huyện: Quế
Phong, Con Cuông. Định mức giống 20 kg/ha.
Điều 3. Hỗ
trợ sản xuất Ngô vụ Đông.
1. Những diện tích Ngô đã gieo bị
ngập lụt hỏng, nông dân đã gieo lại, được ngân sách cấp 100% tiền giống;
2. Các huyện đồng bằng, miền núi
thấp và các xã miền núi thuộc khu vực I, khu vực II của các huyện: Quỳ Hợp và
Quỳ Châu sản xuất Ngô vụ Đông được hỗ trợ 30% giá giống. Định mức giống 20
kg/ha;
3. Khen thưởng: Huyện có diện
tích ngô vụ Đông cao hơn kế hoạch tỉnh giao 300 ha được xét thưởng 05 triệu đồng
và cứ vượt thêm 100 ha được xét thưởng thêm 01 triệu đồng.
Điều 4. Cây
Lạc.
1. Đối với vụ Thu - Đông:
a) Hỗ trợ giống Lạc mới: Hỗ trợ
50% giá giống mới, với định mức 200 kg/ha. Mỗi loại giống Lạc mới chỉ hỗ trợ tối
đa 1.000 kg/huyện/năm;
b) Hỗ trợ nilon tủ luống với mức
10.000 đồng/kg nilon tấm mỏng 0,007mm, màu trắng trong. Định mức 100 kg/ha;
c) Hỗ trợ thuốc diệt cỏ với mức
100.000 đồng/ha cho diện tích lạc phủ nilon. Định mức, chủng loại thuốc diệt cỏ
do Sở Nông nghiệp quy định;
d) Khen thưởng: huyện có diện
tích Lạc Thu - Đông cao hơn kế hoạch tỉnh giao 150 ha được xét thưởng 05 triệu
đồng và cứ vượt thêm 50 ha được thưởng thêm 01 triệu đồng.
2. Đối với vụ Xuân:
a) Hỗ trợ nilon tủ luống với mức
8.000 đồng/kg nilon tấm mỏng 0,007mm, màu trắng trong. Định mức 100 kg/ha;
b) Hỗ trợ thuốc diệt cỏ với mức
100.000 đồng/ha cho diện tích lạc phủ nilon. Định mức, chủng loại thuốc diệt cỏ
do Sở Nông nghiệp & PTNT quy định.
Điều 5. Cây
Chè.
1. Hỗ trợ 1.500 đồng/bầu giống
chè Tuyết shan với mật độ trồng 3.300 bầu/ha;
2. Hỗ trợ giống chè LDP1, LDP2,
chè chất lượng cao với mức: 400 đồng/bầu đối với các huyện: Con Cuông, Quế
Phong và mức 200 đồng/bầu đối với các huyện còn lại. Mật độ trồng: 16.000 bầu/ha.
3. Hỗ trợ chi phí làm đất trồng
mới chè công nghiệp giống LDP1, LDP2, chè chất lượng cao, chè Tuyết shan với mức
5.000.000 đồng/ha đối với các huyện: Con Cuông, Quế phong, Kỳ Sơn và mức
2.000.000 đồng/ha đối các huyện còn lại.
Điều 6. Cây
Dứa.
1. Diện tích dứa Cayen phải xử
lý ra hoa trái vụ: Hỗ trợ 50% giá đất đèn, với định mức 120 kg/ha và hỗ trợ lãi
suất vay 400 kg NPK/ha trong thời gian 6 tháng;
2. Giống mới nhập vào sản xuất:
Hỗ trợ 30% giá giống, nhưng không quá 50 ha/năm;
3. Hỗ trợ cho 01 ha Dứa trồng mới
1.500.000 đồng chi phí làm đất và 4.500.000 đồng mua phân bón NPK. Tổng diện
tích hỗ trợ trong năm 2010 là 600 ha.
Điều 7. Cây
Cao su.
Hỗ trợ 2.000 đồng/bầu cây giống
đảm bảo tiêu chuẩn (loại được sản xuất trong túi PE). Định mức 555 cây/ha, áp dụng
đối với diện tích trồng mới.
Điều 8. Cây
Mây nguyên liệu.
1. Hỗ trợ 50% giá giống để trồng
mới Mây nguyên liệu;
2. Hỗ trợ tập huấn kỹ thuật,
chuyển giao công nghệ sản xuất, chế biến.
Điều 9. Cây
Dâu tằm.
1. Trợ giá 100 đồng/cây giống dâu
(hoặc hom) để trồng mới đối với các giống nhập nội từ Trung Quốc, gồm: Dâu Sa
Nhị Luân và các giống dâu Việt Nam đa bội thể số 7, số 12, giống dâu lai VH9,
VH15, VH13... Mật độ trồng: Đối với Dâu trồng bằng cây giống là 4,8 vạn cây/ha
(kể cả trồng dặm); Dâu trồng bằng hom là 7,2 vạn hom/ha.
2. Hỗ trợ xây dựng một số mô
hình trồng Dâu nuôi tằm: 1 - 2 mô hình/huyện. Mỗi mô hình 2 - 3 ha.
Điều 10.
Xây dựng cánh đồng có thu nhập cao.
1. Hỗ trợ 05 triệu đồng/ha để
xây dựng mới 01 công thức luân canh có tổng thu nhập trên 50 triệu đồng/ha, lợi
nhuận chiếm trên 30%, để nhân rộng. Quy mô ít nhất 05 ha/01 công thức;
2. Hỗ trợ 02 triệu đồng phục vụ
khuyến cáo, truyên truyền để nhân rộng ra sản xuất đại trà cho 01 mô hình tối
thiểu 20 ha có thu nhập cao đã được kết luận.
Điều 11. Sản
xuất Muối.
1. Hỗ trợ 01 triệu đồng khi xây
dựng bộ chạt lọc cải tiến để thay chạt lọc cũ;
2. Hỗ trợ 10 triệu đồng/ha thay
cát lọc cải tạo đồng muối (Kênh xăm).
Điều 12.
Thiết bị sấy, máy cày đa chức năng, máy gặt, máy cấy, máy hái chè.
1. Cấp bù lãi suất mua máy cày
loại nhỏ đa chức năng cho 2/3 giá trị máy hoàn chỉnh trong thời gian 36 tháng đối
với các huyện, xã đồng bằng;
2. Hỗ trợ 20% giá trị máy cày loại
nhỏ đa chức năng và cấp bù lãi suất cho 80% giá trị máy còn lại trong thời gian
36 tháng đối với các huyện, xã miền núi;
3. Hỗ trợ kinh phí tập huấn, quản
lý sử dụng máy cày, máy sấy, máy gặt, máy cấy, máy thu hoạch chè búp tươi theo
dự toán được duyệt;
4. Hỗ trợ 20% giá trị máy gặt,
máy cấy, máy thu hái chè búp tươi và cấp bù lãi suất trong 24 tháng của 80% giá
trị máy còn lại;
5. Hỗ trợ 40% giá trị lò sấy
nông sản (ngô, lúa, đậu, lạc) công suất 300 - 500 kg/01 lần sấy cho vùng miền
núi;
6. Hỗ trợ 20% giá trị lò sấy
nông sản (ngô, lúa, đậu, lạc) công suất 300 - 500 kg/01 lần sấy cho vùng đồng bằng;
7. Hỗ trợ 20% giá trị lò sấy
nông sản (ngô, lúa, đậu, lạc) công suất trên 2.000 kg/lần sấy phục vụ liên hộ,
Hợp tác xã và cấp bù lãi suất trong 24 tháng của 80% giá trị lò sấy còn lại (trừ
phần trợ giá).
Điều 13.
Chăn nuôi lợn ngoại có quy mô 30 con trở lên.
1. Hỗ trợ 650.000 đồng/con lợn
cái hậu bị cấp ông bà, bố mẹ có trọng lượng bình quân 60 kg/con;
2. Trợ giá lợn đực giống ngoại
(trọng lượng lợn đực giống hậu bị trên 70 kg/con), với chỉ tiêu 30 con lợn nái
trở lên được bố trí 01 con lợn đực cho trang trại đủ tiêu chuẩn sản xuất giống
cấp ông bà, bố mẹ. Mức hỗ trợ tương ứng 1,5 triệu đồng/con;
3. Hỗ trợ 50% giá lợn đực giống
ngoại để thay thế, bổ sung đàn lợn đực giống tại các đơn vị thụ tinh nhân tạo của
tỉnh. Trọng lượng lợn đực giống bình quân 100 kg/con. Số lợn đực bổ sung đàn được
ghi kế hoạch đầu năm.
Điều 14. Tạo
giống bò.
1. Cấp 100% chi phí: Tinh bò sữa,
tinh bò giống hướng thịt: Zêbu, Brahman..., vật tư phối giống và hỗ trợ 50.000
đồng/con có chửa, bao gồm tiền công: Phối giống, kiểm tra bò có chửa;
2. Hỗ trợ 60% giá trị bò đực giống
lai hướng thịt (về đến địa phương) để phối giống trực tiếp cho bò cái tại địa
phương đối với các huyện, xã miền núi không có điều kiện thực hiện phối giống bằng
phương pháp thụ tinh nhân tạo, với định mức: 30 - 50 con bò cái sinh sản được bố
trí 01 con bò đực giống. Riêng các huyện: Kỳ Sơn, Tương Dương, Quế Phong hỗ trợ
80% giá trị bò đực giống lai hướng thịt (về đến địa phương), với định mức: 25 -
30 con bò cái sinh sản được bố trí 01 con bò đực giống.
Điều 15.
Chăn nuôi trâu, bò hàng hoá.
1. Hỗ trợ lãi suất tối đa 12
tháng thông qua Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT cho số tiền vay bình quân 04
triệu đồng/con để mua 01 con trâu, bò tạo hàng hoá. Ngân sách trả lãi suất tiền
vay qua Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT.
2. Hỗ trợ 100.000 đồng/con trâu,
bò đực giống chất lượng kém bị thiến bằng kìm bấm và hỗ trợ 50.000 đồng/con tiền
công thiến cho cán bộ thực hiện.
Điều 16. Trợ
giá giống gốc.
Hàng năm ngân sách tỉnh bố trí
kinh phí chi thường xuyên cho Trung tâm Giống chăn nuôi để thực hiện chương
trình trợ giá giống gốc theo Thông tư số 148/2007/TTLB/BTC-BNN&PTNT của
Liên Bộ: Tài chính - Nông nghiệp và PTNT hướng dẫn chế độ đặt hàng sản xuất và
cung ứng sản phẩm giống gốc vật nuôi, cho các đối tượng sau: Lợn Móng Cái; Lợn
giống ngoại cấp ông bà; Bò vàng, bò sữa giống HF thuần; Vịt bầu Quỳ Châu, gà
Ác.
Điều 17.
Tiêm phòng gia súc miền núi.
Cấp 100% các loại vacxin tiêm
phòng gia súc đối với các xã, bản miền núi khu vực III và khu vực II;
Điều 18.
Kiên cố hoá kênh mương loại III.
1. Hỗ trợ 30% giá trị công trình
kiên cố kênh mương đối với các huyện miền núi thấp cho khu vực tưới có 10 ha trở
lên;
2. Hỗ trợ 80% giá trị công trình
cho khu vực tưới có 5 ha trở lên đối với 5 huyện miền núi cao;
3. Khi lập dự toán công trình
không tính giá trị thu nhập chịu thuế tính trước, khuyến khích áp dụng thiết kế
định hình ở những nơi có điều kiện, các khoản chi phí khảo sát, lập thiết kế dự
toán chỉ tính bằng 50% mức quy định, thuế VAT chỉ tính trên giá trị vật liệu
xây dựng công trình.
Điều 19. Tưới
cho cây công nghiệp: Chè, Cà phê, Mía; Cây ăn quả: Cam, Dứa và Cỏ trồng tập
trung.
1. Hỗ trợ 40% giá trị công trình
được quyết toán do cấp có thẩm quyền phê duyệt (thiết bị và vật tư) tưới nhỏ lẻ
cho cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả và cỏ trồng tập trung có quy mô 01 ha
trở lên làm thức ăn chăn nuôi như: Giếng đào, giếng khoan, máy bơm nhỏ di động,
ống tưới PVC hoặc bằng cao su;
2. Hỗ trợ 40% giá trị công trình
nhưng tối đa không quá 20 triệu đồng cho 01 hồ đập nhỏ có dung tích từ 30.000
m3 đến 70.000 m3 nằm trong vùng quy hoạch phát triển cây công nghiệp dài ngày,
cây ăn quả để tạo nguồn nước tưới và giữ ẩm. Số lượng hồ đập nhỏ được UBND tỉnh
giao kế hoạch hàng năm cho các địa phương, đơn vị.
Điều 20.
Nuôi trồng Thuỷ sản mặn lợ.
1. Đối với những hộ nuôi tôm Sú
và tôm He chân trắng thương phẩm công nghiệp bị bệnh virus đốm trắng và bệnh
Taura được hỗ trợ hoá chất để xử lý dịch bệnh tôm, nếu khi tôm bị bệnh chủ hộ
đã tuân thủ quy trình dập dịch của các cơ quan có thẩm quyền về phòng chống dịch
bệnh thuỷ sản;
2. Đối với tôm Sú và tôm He chân
trắng bố mẹ bị dịch bệnh phải tiêu hủy được hỗ trợ 30% tiền giá giống tại thời
điểm.
Điều 21.
Nuôi trồng Thuỷ sản nước ngọt.
Hỗ trợ 01 lần với diện tích chuyển
đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi (ngoài vùng dự án quy hoạch nuôi trồng thuỷ sản tập
trung) từ trồng lúa (ngoài diện tích quy hoạch trồng lúa nước được phê duyệt),
trồng màu, làm muối kém hiệu quả sang nuôi trồng thuỷ sản với mức hỗ trợ 1,5
triệu đồng/ha.
Điều 22.
Nuôi cá lồng trên sông, hồ nước lớn.
1. Các huyện, xã miền núi thuộc
khu vực III được hỗ trợ 6,0 triệu đồng/lồng (loại lồng 15m3 trở lên);
2. Các huyện, xã miền núi thuộc
khu vực II được hỗ trợ 4,0 triệu đồng/lồng (loại lồng 15m3 trở lên);
3. Các huyện, xã miền núi thuộc
khu vực I được hỗ trợ 2,5 triệu đồng/lồng (loại lồng 15m3 trở lên);
4. Các huyện, xã đồng bằng được
hỗ trợ 2, 0 triệu đồng/ lồng (loại lồng 15m3 trở lên).
Điều 23. Hỗ
trợ các Trại sản xuất giống Thuỷ sản.
1. Hỗ trợ Trại sản xuất giống tôm
mới phát triển để mua sắm thiết bị với mức 10 triệu đồng/1 triệu con giống, với
quy mô mỗi trại không quá 10 triệu con;
2. Trại sản xuất giống cá rô phi
đơn tính mới xây dựng với công suất mỗi trại từ 01 triệu con cá 21 ngày tuổi trở
lên được hỗ trợ không quá 45 triệu đồng/trại;
3. Hỗ trợ 01 lần cho Trại sản xuất
giống Cua mới xây dựng với quy mô 5 vạn con/trại trở lên được hỗ trợ 15 triệu đồng/trại;
4. Hỗ trợ 01 lần cho một Trại sản
xuất giống thuỷ sản mặn lợ mới xây dựng mức 10 triệu đồng và Trại sản xuất giống
thuỷ sản nước ngọt mức 05 triệu đồng để đào tạo, chuyển giao công nghệ kỹ thuật
nuôi trồng thuỷ sản.
Điều 24. Trợ
giá cá giống cho các huyện miền núi.
1. Hàng năm tỉnh trích một phần
ngân sách để trợ giá cá giống lên miền núi của tỉnh, cụ thể như sau:
a) Đối với các xã miền núi khu vực
III, mức trợ giá giống 70%;
b) Đối với các xã miền núi khu vực
II, mức trợ giá giống 60%;
c) Đối với các xã miền núi khu vực
I, mức trợ giá giống 50%.
2. Bên cạnh những đơn vị được
giao nhiệm vụ trợ giá, trợ cước lên các huyện miền núi, những huyện có Trại giống
cấp 2 đủ tiêu chuẩn được tham gia chương trình để cung ứng giống tại chỗ cho
các hộ nuôi để giảm chi phí vận chuyển, hạ giá thành con giống.
Điều 25. Hỗ
trợ khai thác, bảo vệ nguồn lợi thủy sản.
1. Ngân sách hỗ trợ kinh phí xây
dựng mô hình để thực hiện chuyển đổi nghề nghiệp khai thác hải sản từ vùng lộng
ra vùng khơi, với mức 50% tổng kinh phí, nhưng không quá 125 triệu đồng/mô
hình;
2. Ngân sách hỗ trợ 70% kinh phí
đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng và thuyền viên tàu đánh cá;
3. Ngân sách hỗ trợ lãi suất sau
đầu tư thời gian 12 tháng đối với hộ ngư dân đóng mới tàu khai thác hải sản
vùng khơi có công suất lớn hơn 90 CV với các mức như sau:
a) Hỗ trợ 3,0 triệu đồng/tháng đối
với tàu có công suất từ 90 CV - 200 CV;
b) Hỗ trợ 4,0 triệu đồng/tháng đối
với tàu có công suất từ 200CV- 300CV;
c) Hỗ trợ 4,5 triệu đồng/tháng đối
với tàu có công suất trên 300 CV.
4. Để bảo đảm thông tin trên biển,
đặc biệt là công tác phòng chống thiên tai, cứu nạn, cứu hộ, tỉnh hỗ trợ cho
ngư dân thành lập tổ hợp tác khai thác hải sản trên biển như sau:
a) Cấp 01 máy thông tin tầm xa
cho một tổ hợp tác (7 tàu/tổ) gồm các loại tàu có công suất lớn hơn 90 CV trở
lên; Cấp 01 máy thông tin tầm trung cho một tổ hợp tác (7 tàu/tổ) gồm các loại
tàu có công suất từ 40CV- 90CV. Máy thông tin lắp trên tàu của tổ trưởng và phải
thực hiện theo Quy chế quản lý thông tin trên biển của tỉnh;
b) Trang bị máy thông tin tầm xa
tại Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản và các huyện thị, các xã nghề
cá trọng điểm ven biển để quản lý tàu thuyền.
5. Hỗ trợ cho mỗi lao động đi
khai thác hải sản trên biển thuộc đối tượng ngư dân nghèo và gia đình chính
sách một bộ phao cứu sinh.
Điều 26. Bảo
vệ quỹ gen, giống gốc, phát triển nguồn lợi thuỷ sản.
1. Hàng năm cấp kinh phí cho Chi
cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản để mua các giống tôm, giống cá và
các loài thủy sản quý hiếm khác thả ra sông, ra biển, các hồ nước lớn có diện
tích trên 50 ha;
2. Hàng năm cấp kinh phí cho
Trung tâm Giống thủy sản để thay thế 10% đàn cá bố mẹ hiện có gồm kinh phí mua,
vận chuyển, nuôi dưỡng và sản xuất giống quý hiếm, giống mới.
Điều 27.
Chính sách phát triển kinh tế trang trại và Hợp tác xã.
1. Khi thành lập mới 01 Hợp tác
xã dịch vụ nông nghiệp, diêm nghiệp đã đại hội xã viên, có phương án sản xuất
kinh doanh, có giấy phép kinh doanh do UBND huyện cấp được hỗ trợ 10 triệu đồng
để chi các khoản: Tư vấn cho sáng lập viên, hội nghị sáng lập viên, đại hội
thành lập Hợp tác xã, xây dựng điều lệ Hợp tác xã và phương án sản xuất kinh
doanh;
2. Khi xây dựng mới một Hợp tác
xã sản xuất chuyên cây, chuyên con (là mô hình mới) đã đại hội xã viên, có
phương án sản xuất kinh doanh, có giấy phép kinh doanh do UBND huyện cấp được hỗ
trợ 20 triệu đồng để chi các khoản: Tư vấn cho sáng lập viên, hội nghị sáng lập
viên, đại hội thành lập Hợp tác xã, xây dựng điều lệ Hợp tác xã và phương án sản
xuất kinh doanh;
3. Xây dựng mới 01 trang trại,
được UBND huyện cấp giấy chứng nhận và đảm bảo những tiêu chí sau đây được hỗ
trợ 20 triệu đồng:
a) Trang trại trồng trọt:
- Đối tượng sản xuất: Sản xuất
cây lương thực, cây công nghiệp ngắn ngày.
- Sản phẩm nông sản, thực phẩm
làm hàng hoá chất lượng cao.
- Quy mô diện tích tối thiểu 5
ha liền kề trở lên/chủ trang trại. Quỹ đất do thực hiện chính sách dồn điền đổi
thửa và tích tụ ruộng đất tạo ra.
b) Trang trại chăn nuôi:
- Bò sữa từ 10 con sinh sản trở
lên/trang trại.
- Bò sinh sản khác 15 con trở
lên/trang trại.
- Lợn nái ngoại cấp ông bà, bố mẹ
30 con trở lên/trang trại.
- Lợn thịt ngoại và lai ngoại
100 con thường xuyên trở lên /trang trại.
4. Trong quá trình xây dựng và
hoạt động: Các hợp tác xã và chủ trang trại được lồng ghép thực hiện các chương
trình, dự án trong vùng; đồng thời được hưởng các chính sách quy định tại Nghị
quyết số 03/2000/NQ-CP của Chính phủ về phát triển kinh tế trang trại và Nghị định
số 88/2005/NĐ-CP ngày 11/7/2005 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ khuyến
khích phát triển hợp tác xã.
Điều 28.
Chính sách phát triển ngành nghề nông thôn.
Thực hiện theo Nghị định số
66/2006/NĐ-CP ngày 07/7/2006 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Điều 29.
Chính sách hỗ trợ phát triển rừng sản xuất.
Thực hiện theo Quyết định số
147/2007/QĐ-TTg ngày 10/9/2007 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách
phát triển rừng sản xuất giai đoạn 2007-2015 và hướng dẫn của các Bộ, ngành
Trung ương.
Điều 30.
Chính sách hỗ trợ đầu tư Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn.
Thực hiện theo Quyết định số
277/2006/QĐ-TTg ngày 11/12/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt
Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn giai
đoạn 2006-2010 và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương.
Điều 31.
Chính sách thuỷ lợi phí.
Thực hiện theo Nghị định số
115/2008/NĐ-CP ngày 14/11/2008 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều
của Nghị định số 143/2003/NĐ-CP ngày 28/11/2003 của Chính phủ về quy định chi
tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh khai thác và bảo vệ công trình thuỷ lợi
và các văn bản hiện hành của Nhà nước.
Chương II
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 32.
Trách nhiệm của các địa phương, đơn vị liên quan.
1. Chủ tịch UBND các huyện,
thành phố, thị xã tổ chức thực hiện chính sách trợ giá giống Lúa lai, Ngô lai,
giống Lạc mới; chính sách phát triển vùng nguyên liệu Chè, Cao su, Dứa; Dâu tằm;
chính sách phát triển rừng nguyên liệu; chính sách trợ giá giống Mây; chính
sách phát triển nghề Muối, kiên cố hóa kênh mương loại III; chính sách Nước sạch
và Vệ sinh môi trường nông thôn; chính sách tưới cho cây công nghiệp dài ngày,
tưới cho cây ăn quả; chính sách phát triển trâu, bò hàng hoá; chính sách nuôi
cá lồng trên sông, hồ nước lớn; chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển cá giống;
chính sách miễn thuỷ lợi phí; chính sách phát triển ngành nghề nông thôn...
2. Giám đốc các Công ty: Nông,
Lâm nghiệp, Trưởng các Ban quản lý rừng phòng hộ, Tổng đội trưởng các Tổng đội
TNXP -XDKT, Giám đốc các dự án phát triển nguyên liệu thực hiện các chính sách
phát triển vùng nguyên liệu Chè, Cao su, Dứa; chính sách phát triển rừng nguyên
liệu, giống Mây; chính sách tưới cho cây công nghiệp dài ngày, tưới cho cây ăn
quả thuộc đơn vị mình quản lý.
3. Giám đốc Công ty cổ phần Thực
phẩm Nghệ An thực hiện chính sách xử lý ra hoa trái vụ cây dứa.
4. Giám đốc Công ty cổ phần Dịch
vụ Bảo vệ thực vật thực hiện chính sách hỗ trợ thuốc trừ cỏ cho cây Lạc.
5. Giám đốc các Công ty và các
đơn vị có đủ điều kiện tổ chức thực hiện chính sách đào tạo, tập huấn, chuyển
giao công nghệ sản xuất, chế biến mây.
6. Giám đốc các Công ty có đủ điều
kiện theo quy định cung ứng máy cày, máy gặt, máy sấy, máy cấy, máy hái chè; thực
hiện chính sách trợ giá lò sấy nông sản, máy gặt, máy cấy, máy hái chè và tập
huấn kỹ thuật bảo trì và sử dụng các loại máy.
7. Ngân hàng Nông nghiệp và PTNT
tạo nguồn vốn cho dân vay theo định mức cho các hộ để mua máy cày, máy sấy, máy
gặt, máy cấy và mua trâu, bò làm hàng hoá.
8. Giám đốc các Công ty có đủ điều
kiện theo quy định sản xuất, cung ứng nilon đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật thực hiện
chính sách hỗ trợ nilon tủ lạc.
9. Giám đốc Trung tâm Giống chăn
nuôi thực hiện chính sách phát triển chăn nuôi lợn ngoại; tạo giống bò; chính
sách trợ giá giống gốc chăn nuôi.
10. Chi cục Trưởng Chi cục Thú y
thực hiện chính sách tiêm phòng gia súc miền núi; chính sách hỗ trợ thú y thuỷ
sản.
11. Chi cục Nuôi trồng thủy sản
thực hiện chính sách hỗ trợ tôm giống bố mẹ khi bị dịch bệnh.
12. Giám đốc các Công ty: Cổ phần
Giống cây trồng, Cổ phần Vật tư nông nghiệp và các Công ty khác có đủ điều kiện
theo quy định cung ứng giống lúa lai, ngô lai cho các địa phương, đơn vị.
13. Trung tâm Giống thủy sản và
các Trạm, Trại sản xuất cá giống thực hiện chính sách hỗ trợ sản xuất giống thuỷ
sản; chính sách trợ giá, trợ cước vận chuyển cá giống cho các huyện miền núi;
chính sách bảo tồn quỹ gen, giống gốc thuỷ sản.
14. Chi cục trưởng Chi cục Khai
thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản thực hiện chính sách hỗ trợ phao cứu sinh; bảo
vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản; chính sách đào tạo thuyền, máy trưởng,
thuyền viên; chính sách xây dựng mô hình chuyển đổi khai thác thuỷ sản từ vùng
lộng sang vùng khơi và sang các ngành nghề khác; chính sách bảo tồn quỹ gen, giống
gốc thuỷ sản; chính sách hỗ trợ lãi suất đóng mới tàu khai thác hải sản có công
suất 90CV trở lên.
15. Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ
lợi thẩm định kế hoạch sửa chữa công trình, kiên cố hoá kênh mương, tưới, tiêu,
chính sách miễn thuỷ lợi phí và đôn đốc kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực
hiện các chính sách này.
16. Chi cục trưởng Chi cục Phát
triển nông thôn thực hiện chính sách phát triển Hợp tác xã nông nghiệp, kinh tế
trang trại.
17. Giám đốc Trung tâm Nước sạch
và Vệ sinh môi trường nông thôn tổng hợp kế hoạch yêu cầu đầu tư hỗ trợ nước sạch
và vệ sinh môi trường báo cáo cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt làm cơ
sở thực hiện và đôn đốc kiểm tra, tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện chính sách
này.
Căn cứ các quy định tại Quyết định
này, các địa phương, đơn vị lập kế hoạch thực hiện các chính sách gửi về Sở
Nông nghiệp và PTNT trước ngày 15/8 hàng năm để cùng Sở Tài chính kiểm tra, tổng
hợp và trình UBND tỉnh quyết định.
Điều 33.
Trách nhiệm các sở liên quan.
1. Sở Nông nghiệp & PTNT:
- Phối hợp với Sở Tài chính để lập
kế hoạch kinh phí đầu tư hỗ trợ theo Quyết định này hàng năm trình UBND tỉnh
phê duyệt;
- Tham gia với Sở Tài chính thẩm
định giá các loại giống cây, con, vật tư, thiết bị v.v… để thực hiện chính
sách;
- Tham gia với Sở Tài chính
trong việc thẩm tra quyết toán kinh phí thực hiện chính sách theo đúng các quy
định hiện hành của Nhà nước;
- Thẩm định, phê duyệt các hồ sơ
thủ tục theo quy định (thiết kế kỹ thuật - dự toán các loại vật tư, thiết bị,
giống cây, con các loại…);
- Tổ chức chỉ đạo về chuyên môn,
kỹ thuật và kiểm tra hồ sơ kết quả việc thực hiện chính sách trước khi thu hoạch
đối với cây lương thực và cây công nghiệp ngắn ngày, sau trồng mới đối với cây
công nghiệp dài ngày và cây ăn quả của các địa phương báo cáo để đủ thủ tục chi
tiền thực hiện chính sách;
- Hàng năm tổng hợp kết quả thực
hiện chính sách của các địa phương, đơn vị. Đánh giá những ưu điểm, tồn tại hạn
chế và đề xuất các biện pháp chỉ đạo của năm tiếp theo, báo cáo UBND tỉnh vào
cuối tháng 11.
2. Sở Tài chính:
- Chủ trì trong việc lập kế hoạch
kinh phí hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn và thủy sản theo kế hoạch
hàng năm trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Căn cứ dự toán ngân sách đã được
UBND tỉnh phê duyệt, phối hợp với Sở Nông nghiệp &PTNT cấp ứng kịp thời
kinh phí cho các địa phương, đơn vị theo đúng quy định;
- Thẩm định, phê duyệt, thông
báo giá các loại giống cây, con, vật tư, thiết bị v.v… làm căn cứ cho việc
thanh quyết toán chính sách hỗ trợ;
- Thẩm tra quyết toán kinh phí
thực hiện chính sách theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước.
Điều 34.
Hàng năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ kinh phí quản lý chỉ đạo thực hiện, kiểm tra
cho các Sở, ban, ngành cấp tỉnh liên quan, UBND các huyện, thành, thị trong việc,
chỉ đạo, kiểm tra, phúc tra đối với các Chủ đầu tư thực hiện chính sách này.
Điều 35. Điều
khoản thi hành.
- Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp
với Sở Tài chính ban hành hướng dẫn liên ngành thực hiện Quyết định này;
- Trong quá trình thực hiện có
gì khó khăn, vướng mắc các ngành, đơn vị báo cáo bằng văn bản về UBND tỉnh để
xem xét, điều chỉnh, bổ sung kịp thời./.